1. Màu lá thu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lá thu là lá nhuộm màu nắng vàng, hay là lá đã úa tàn vì thời gian?
Có người nhặt nhạnh tán lá ép lại trong trang sách.
Có người lại thích giẫm lên, tạo ra giai điệu vui tai.

-----

Tần ngần bên dưới tán cây che rợp bóng trời biết bao lâu, Trương Gia Nguyên đưa tay dụi mắt. Miệng lẩm bẩm "toàn là cát bụi", nhưng tay áo vừa lau qua lại ướt đẫm một mảng. Cậu chớp mắt mấy cái, tay vuốt ve cái máy ảnh trân quý mà cậu đang đeo trên cổ. Thật nhớ quá, nhớ những ngày xưa ấy. Cái ngày mà cậu có thể trực tiếp dùng nét bút họa lên giấy những khung cảnh mà cậu yêu, chứ không phải thông qua một cái máy ảnh.

Bước qua từng hàng cây, những tán lá theo cơn gió đưa, xoay mình vài dòng giữa không trung rồi chạm đất. Trương Gia Nguyên cúi người nhặt lấy tán lá ấy, thổi vài cái rồi lại tiếp tục bước đi mà mắt vẫn chăm chăm quan sát mặt lá vàng. Rồi cậu mỉm cười, cẩn thận đặt nó lên lan can bên đường. Vừa bước qua, một cơn gió nhẹ thổi đến khiến tán lá một lần nữa tìm về với mặt đất, sau cùng là bị người ta giẫm nát.

Dừng chân trước một toà nhà lớn, kiến trúc của nó được xây dựng nom có vẻ cũ kỹ, hẳn là từ mấy chục năm về trước. Trước cửa ra vào được điêu khắc một dòng chữ to tướng "Bảo tàng Liêu Yên", Trương Gia Nguyên dừng bước, ngẩng đầu nhìn dòng chữ ấy, không biết qua bao lâu, mãi cho đến khi có một ông lão bảo vệ bước tới vỗ vai cậu:

"Cậu trai trẻ, đã nhìn rất lâu rồi đó."

Chẳng hề có tí dấu hiệu nào của sự giật mình, Trương Gia Nguyên gật đầu với ông lão, nở nụ cười lịch sự chào ông rồi bước vào trong. Như thể đã rất quen thuộc với nơi ấy, cậu rẽ trái rồi rẽ phải liên tục, bảng chỉ dẫn cũng hóa thành thứ vô nghĩa.

Hôm nay là chủ nhật, rất nhiều người đến bảo tàng tham quan, ngoài ra còn có thể những cô cậu học sinh đến làm bài nghiên cứu gì đấy. Trên đoạn đường mà Trương Gia Nguyên đã bước vô, cậu nhìn thấy vô số người nhìn cậu, có mấy cô nàng túm tụm lại với nhau nói gì đó rồi mặt đỏ tía tai. Nhưng cậu chẳng hề quan tâm, tiến về phía mà cậu cần đến. Càng vào sâu, kiến trúc bên trong tòa nhà càng cũ kỹ, càng tối tăm vì ánh mặt trời chẳng thể chiếu tới mà ở đây lại quá ít đèn, người cũng thưa dần. Mãi đến khi đứng trước một khu vực có cắm bảng đó với dòng chữ tiếng Anh ngoằn ngoèo khó hiểu, bước đi mới dần chậm lại. Cậu hít sâu, như sợ hãi điều gì đó mà lại phân vân chẳng dám tiến.

Trương Gia Nguyên sợ chứ, cậu sợ trái tim mình sẽ phải chịu hụt hẫng.

Trước mắt cậu là một chiếc lồng thủy tinh nhỏ, bên trong từng là thứ đẹp đẽ nhất. Thế nhưng mà giờ đây, trong ấy lại rỗng tuếch. Trái tim cậu "thịch" một cái, hẳn đây chính là điều cậu sợ nhất.

Làm sao đây, nó mất rồi...

-----

Trương Gia Nguyên từng là một đứa trẻ có cuộc sống rất hạnh phúc, là một đứa trẻ hồn nhiên và yêu đời vô cùng.

Trong một xóm nhỏ ở giữa lòng đô thị, có một ngôi nhà nhỏ đang nghi ngút hương thơm của thịt kho, của canh bông điên điển. Trong căn bếp nhỏ bám mùi dầu mỡ ấy, có hai người phụ nữ đang tất bật chuẩn bị buổi ăn chiều. Một người có đôi mắt đen rất đẹp, mái tóc vốn mượt suông dài nay đã được cột lên gọn gàng phía sau gáy, ấy là mẹ thằng Siêu. Người còn lại có nụ cười phúc hậu, hai bên chân mày dường như đã lâu ngày không được cắt tỉa, dưới bọng mắt cọng thâm thành quằng. Đấy, là mẹ thằng Nguyên.

Mẹ thằng Nguyên bận lắm, suốt ngày đi sớm về khuya, khó khăn lắm mới có một hôm hai nhà tụ tập cùng nhau nấu nướng cho mấy đứa nhỏ thế này. Mẹ Siêu vừa thái rau vừa lên tiếng:

"Phụng, sau này em nên về nhà nhiều hơn đi, Nguyên nó mới mấy tuổi đầu thôi, cần mẹ lắm. Em cứ đi sớm về khuya thế này nó buồn đấy, cẩn thận sau này nó không nhận mặt mẹ nó nữa thì hối đấy."

Bà Phụng bật cười, thật ra cũng chỉ là nụ cười che đi sự ngượng nghịu và xấu hổ mà thôi, bà bảo:

"Chị cứ đùa, con của em em hiểu nó mà, bé nghe lời lắm. Chị xem kìa, chơi đùa vô tư vui vẻ như vậy, làm sao mà biết buồn chứ?"

"Chị nói thế thôi, em cứ xem xét đi, nên nhớ là đừng xem thường cảm giác của trẻ con em nhé!"

Hành động của bà Phụng bị lời nói của bà Hoa khiến cho khựng lại, trên mặt hiện rõ nét lúng túng, khó xử. Lại lần nữa phóng tầm nhìn ra đằng vườn hoa bên hè, nơi đó có hai đứa trẻ đang chơi đùa với nhau, là nhóc Siêu với nhóc Nguyên. Nhóc Nguyên có vẻ lại nghịch cái gì đó rồi, trêu con người ta đến mặt mày mếu máo, bây giờ đang lê cái chân ngắn chạy theo năn nỉ kia kìa. Nhìn thấy khung cảnh tươi vui này, lòng bà Phụng càng thêm nặng nề, tự hỏi rằng một đứa trẻ vô tư đến thế cũng có thể có suy nghĩ như bà Hoa nói sao? Nó thật sự tủi thân mà không nói ra cho bà biết sao?

Hôm ấy sau khi buổi ăn kết thúc, bà Hoa và bé Siêu cũng trở về nhà. Họ là hàng xóm thân thiết với nhau, nhà cũng tính như là sát bên, rất hay cùng nhau nấu ăn vì mấy đứa nhỏ thích. Chồng bà Hoa dạo này đi công tác mất rồi nên ban nãy chẳng ghé chơi, chứ bình thường phải hai nhà năm người thì mới đủ, mà theo lời bé Nguyên là "ba ba má má con con vui".

Thế thì chồng bà Phụng, cha của Nguyên đâu? Ông ấy là một thằng đàn ông tệ bạc hơn bao giờ hết, người hứa hẹn yêu thương là ông, người cầm nhẫn trao hoa cũng là ông. Thế nhưng đến cùng, người ra đi bỏ lại tất cả lại là ông.

Năm nhóc Nguyên hai tuổi, ông ta bỗng nhiên biến mất khỏi cuộc đời của hai mẹ con. Không giống như trong mấy bộ phim là để lại những món nợ dùng cả đời để trả kia, ông để lại cho họ bao nỗi hụt hẫng. Tựa như, ông chưa từng xuất hiện ở đời.

Kể từ ấy, bà Phụng cũng bắt đầu một mình nuôi con, đứa bé vừa hay hiểu chuyện, chưa từng hỏi về ba nó. Tư tưởng cũng rất đơn giản, trên đời này, chỉ cần mẹ thương nó thôi. Thế nhưng dạo gần đây bà Phụng đi sớm về khuya dường như chẳng hề quan tâm đến nó. Trương Gia Nguyên chỉ là một đứa trẻ và nó cũng biết cũng tủi thân. Mỗi ngày đều nhìn thấy Phó Tư Siêu được mẹ chăm lo, sáng đưa đi học chiều đón về. Mà nó đến cả bữa sáng cũng phải tự lo, cơm trưa thì ăn ở căng-tin trường, tối thì mẹ nó gọi đồ ăn ngoài. Đôi lúc nó tự hỏi, mình đáng ghét thế sao? Đến mức mẹ nó đêm ngày không muốn nhìn mặt?

Ngày hôm đó sau khi trở về, bà Phụng đã hỏi con trai về vấn đề này. Trương Gia Nguyên đã lắc đầu và bảo nó không sao, nhưng nó cũng muốn được ăn đồ mẹ nấu, được đưa đến trường và được rước về khi tan học. Và rồi, nó khóc, mẹ nó cũng khóc. Một người phụ nữ đơn thân, một đứa trẻ không cha, chỉ có nhau thôi. Thế giới này tàn nhẫn đến thế, họ chính là hậu phương duy nhất của nhau.

Bà Phụng hiểu ra tầm quan trọng của một người mẹ và sự thiếu vắng của một người cha, đã cố gắng hoàn thành công việc sớm quay trở về kịp lúc Trương Gia Nguyên tan học và rước cậu. Những ngày ấy Trương Gia Nguyên vui biết bao nhiêu, cả ngày đều cười hí hí. Năng lượng lạc quan ấy được lan tỏa đến từng ngóc ngách trong tim của bà Phụng, khiến bà nghĩ bà cảm thấy thật may mắn vì mình đã sinh ra Trương Gia Nguyên. Bà đặt tất cả niềm tin vào Trương Gia Nguyên, đăng ký cho cậu đi học sớm, chỉ mong cậu thành đạt và có cuộc sống vui vẻ hạnh phúc.

Trương Gia Nguyên ấy à, học thì giỏi đấy nhưng tréo ngoe thay, cậu lại yêu thích một thứ khác - một công việc liên quan đến nghệ thuật mà mẹ cậu đặc biệt có ác cảm - vẽ vời. Hay nói cách khác, cậu muốn trở thành một họa sĩ. Trương Gia Nguyên giấu nhẹm đi ước mơ này, nhìn bên ngoài hoàn toàn chỉ là một đứa mọt sách với tương lai yên vị làm một nhân viên văn phòng, không hơn không kém.

Mãi cho đến một ngày, bà Phụng phát hiện những tập tranh mà Trương Gia Nguyên đã vẽ ở trong ngăn kéo. Bấy lâu nay cậu nói với bà ấy, đó là những tài liệu học tập dùng cho việc ôn thi tốt nghiệp và thi đại học. Một đứa trẻ hiểu chuyện như vậy, bà chưa từng nghĩ cậu sẽ nói dối bà. Hụt hẫng và tức giận khiến bà mất hết lý trí, ngay khi Trương Gia Nguyên vừa bước vào cửa thì bà đã ném thẳng tập tranh ấy vào mặt cậu. Năm ấy Trương Gia Nguyên học lớp bảy, mẹ cậu đã bẻ cây làm roi và khẽ vào tay cậu hai mươi cái. Hai mươi cái ấy đủ làm tay cậu phải bó bột mấy tháng, kể từ đó, cậu bị ám ảnh với thứ gọi là "bút vẽ". Cứ khi cầm lên, chuẩn bị đặt bút vẽ thì trong đầu lại xuất hiện hình ảnh ngày xưa, nỗi đau xác thịt năm ấy như thể quay trở lại. Nhưng dường như... không chỉ có thế.

Những năm còn lại trước khi vào đại học, Trương Gia Nguyên gần như trở thành con rối để mẹ cậu tiêu khiển. Trở thành học bá với bảng thành tích khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Thế nhưng vào giây phút cuối cùng, thời điểm ai nấy đều phải cân nhắc lựa chọn trường đại học, cậu lại bình thản đến lạ. Người ta bảo cậu chỉ là một thằng con trai của mẹ, đến cả vấn đề liên quan đến tương lai cũng không thể tự mình lựa chọn. Thế nhưng đến cùng, ngay cả mẹ cậu cũng không thể ngờ tới, Trương Gia Nguyên bỏ thi.

Trương Gia Nguyên sinh ra với tố chất là một nghệ thuật gia, nó được thừa hưởng từ cha cậu. Cậu là đứa con của nghệ thuật, niềm đam mê ấy tuy lủng đoạn nhưng lại chưa bao giờ bị dập tắt. Không vẽ được thì cũng phải trở thành một nghệ thuật gia, đó là điều duy nhất tồn tại trong đầu cậu vào thời điểm đó.

Cậu dùng số tiền chắt chiu bấy nhiêu lâu, bay đến Đức. Ngày ấy Phó Tư Siêu hỏi cậu:

"Em có từng nghĩ đến cảm xúc của mẹ em chưa?"

Lời này khiến Trương Gia Nguyên phải im bặt. Đúng vậy, kẻ sai là cậu, không gì có thể biện minh. Cậu ích kỷ, cậu không nghĩ cho người mẹ đã yêu thương mình bao nhiêu năm. Nhưng cậu đã hứa với lòng, ít nhất là cho đến khi cậu trở về, "Trương Gia Nguyên" sẽ không còn là một cái tên tầm thường nữa.

Và thật may, cậu đã làm được.

-----

tbc

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro