1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trẻ con trong làng tôi, đứa nào đứa nấy cũng đều thích tụ tập trước nhà thầy Côn để chơi đùa. Sân vườn nhà thầy có mấy cây cổ thụ, to lớn che bóng mát rượi cả một góc trời. Mỗi khi có nhà nào mới chuyển về làng, đám trẻ lại dẫn theo những đứa nhóc mới tới, đi khắp nơi giới thiệu và cuối cùng lúc nào cũng kéo nhau đến sân nhà thầy quậy phá.

Trong số các "hướng dẫn viên" của làng, tôi luôn nằm trong top đầu, đơn giản vì tôi sinh ra và lớn lên ở đó, chẳng có gì ở ngôi làng nhỏ bé này mà tôi không biết. Thế nhưng có một chuyện tôi mãi đến khi lên thành phố học cấp 3, ở trọ với anh Khâm - con trai thầy Côn, tôi mới bất ngờ hay rằng anh quen thằng Dương nhà nông.

Hôm ấy, trời nóng như đổ lửa. Tôi ngồi học bài cạnh anh Khâm trong căn phòng chật chội, hai đứa con trai cùng dùng chung một cái quạt máy cũ kĩ. Tiếng rè rè của quạt phát ra đều đều, khiến tôi vừa bức bối vừa khó chịu. Tôi bịt tai nhìn sách, nhưng chẳng có chữ nào chịu chui vào đầu. Chắc anh Khâm cũng khó chịu như tôi, nhưng anh không quấy, tập trung hết sức vào bài vở của mình, còn tôi thì không thể nào làm nổi. Tôi bèn gấp sách lại, bỏ vào hộc tủ rồi ra ngoài lấy nước uống. Khi trở về, anh Khâm bỗng dưng ném cho tôi một quyển tập bạc màu cũ kĩ:

"Rảnh quá thì ngồi đọc thơ đi."

Tôi tò mò cầm quyển tập lên mở ra. Nét chữ dưới nhãn vô cùng ngăn nắp, gọn gàng, uyển chuyển như nét chữ cô Duyên dạy tôi hồi lớp Một, chỉ ghi đúng hai chữ "Tập thơ". Tôi lặng lẽ nhìn anh Khâm, nhưng anh chẳng mấy quan tâm, có vẻ chỉ muốn tôi không quậy nữa để anh yên tĩnh học bài. Tôi bèn hiếu kỳ mở trang đầu ra, thấy trên đó viết:

"Mỗi lần định nói yêu em

Trái tim có đập bình thường nữa đâu

Mới vừa ấp úng vài câu

Tự nhiên co duỗi mười đầu ngón tay...

Ðôi khi nghĩ cũng giận lòng

Nói thẳng thì ngán, nói vòng thì lâu..." *

"Cái này thơ tình hả anh?" Tôi ngạc nhiên hỏi.

"Mày đọc sao thì nó vậy." Anh ngại ngùng hắng giọng, vẫn không nhìn tôi nói chuyện.

Mặc dù anh Khâm trong ấn tượng của tôi là một người thích nói chuyện văn thơ tình cảm, nhưng tôi không nghĩ anh sẽ thích sáng tác, nhất là những chủ đề mùi mẫn như thế này. Tôi thẫn thờ một lúc, sau đó nhận ra mình có hơi tọc mạch một vào chuyện người khác. Tôi liếm môi hỏi:

"Tự anh làm hở?"

Tôi lặng lẽ quan sát phản ứng của anh Khâm. Ban đầu, anh vẫn giữ nét mặt điềm tĩnh mỗi khi học bài. Nhưng đôi tai đỏ ửng đã bán đứng anh khỏi việc che giấu sự xấu hổ của mình. Rồi tự dưng anh thở dài gấp sách vở lại, vẫn nói chuyện với tôi nhưng hơi cúi đầu:

"Không, thơ của người khác."

"Bồ gửi?" - Tôi lại nhiều chuyện.

Bọn bạn tôi thường hay chọc mấy đứa có người yêu là cặp "bồ", nghe khá phá cách nên tôi cũng bắt chước nói theo. Anh Khâm hơi nhíu mày khi nghe tôi quen miệng hỏi, chắc anh không hiểu thuật ngữ giới trẻ hiện giờ hay dùng.

Tôi khẽ cười thầm trong bụng, chắc anh nghĩ mình lạc hậu lắm. Rồi anh thở dài, đôi mắt trở nên xa xăm, như đang nhớ về một kỷ niệm nào đó:

"Không phải bồ, là bạn thân hồi nhỏ... Mà thôi, mày đừng hỏi nữa, lo học đi."

Tôi có chút ngạc nhiên. Anh Khâm luôn tỏ ra trầm tĩnh, ít nói, vậy mà hôm nay lại có chút cảm xúc thế này. Chắc hẳn người bạn ấy rất đặc biệt. Tôi muốn hỏi thêm, nhưng cũng không muốn làm phiền anh thêm nữa. Tôi mở lại sách, cố gắng tập trung học, nhưng trong đầu vẫn lởn vởn những câu thơ tình cảm của anh Khâm.

Buổi chiều hôm ấy, sau khi học xong, anh Khâm rủ tôi đi dạo. Anh đưa tôi tới một quán cà phê nhỏ ở góc phố, nơi mà anh nói là chỗ anh thường lui tới. Chúng tôi ngồi xuống, gọi hai ly cà phê sữa đá. Không gian yên tĩnh, chỉ có tiếng nhạc nhẹ nhàng phát ra từ loa nhỏ, làm tâm hồn tôi cũng thấy thư thái hơn.

"Anh chỉ em làm thơ luôn đi! Em cũng muốn làm tặng người yêu sau này." - Tôi cố ý bắt chuyện để châm chọc anh.

Anh Khâm nhếch môi cười tôi, nhấp một ngụm cà phê, rồi chậm rãi trả lời:

"Làm thơ không khó lắm đâu, không cần phải hoa mỹ, chỉ cần chân thật là được." - Anh chép miệng một cái rồi nói tiếp - "Quan trọng là mày phải viết từ trái tim mình, viết những gì mày cảm nhận được.

Tôi lờ mờ gật gù, thấy lời anh nói thật giản dị mà sâu sắc. Làm những câu thơ trong quyển tập cũ kia bay nhảy trong đầu tôi, đều chứa đựng một tình cảm chân thành. Nhưng tôi vẫn thắc mắc:

"Nhưng mà làm sao để viết những câu thơ hay như của anh và của... người viết trong quyển tập kia?"

Anh Khâm im lặng một lúc, ánh mắt trở nên trầm lắng. Rồi anh khẽ lắc đầu, nói nhỏ:

"Không phải thơ của anh."

Anh Khâm đứng dậy, trả tiền cà phê rồi quay sang tôi:

"Cuối tuần này rảnh không? Về quê chơi một chuyến, lâu rồi cũng chưa về thăm ông bà."

Tôi hơi ngỡ ngàng với yêu cầu bất chợt này nhưng cũng nhanh chóng gật đầu đồng ý, cũng lâu rồi tôi chưa về làng, tôi muốn tìm lại cảm giác bình yên ở làng mình để thỏa lòng văn thơ.

Sáng hôm đó, tôi dậy từ sớm, thu xếp hành lý gọn nhẹ rồi cùng anh Khâm ra bến xe. Trời còn tờ mờ sáng, sương sớm phủ nhẹ lên những con đường Sài Gòn, không khí mát mẻ, trong lành.

Chúng tôi lên chiếc xe đò cũ kỹ, chọn ghế gần cửa sổ. Xe bắt đầu lăn bánh, rời xa thành phố ồn ào, khói bụi. Trên đường đi, tôi cố bắt chuyện với anh Khâm để xua tan sự im lặng, nhưng anh chỉ trả lời ngắn gọn rồi lại im lặng nhìn ra ngoài. Thấy vậy, tôi cũng thôi không hỏi nữa, chỉ ngồi ngắm cảnh vật hai bên đường.

Ngủ căng mắt một giấc, xe đò dừng lại ở đầu làng. Chúng tôi bước xuống, kéo vali đi bộ vào trong. Đường làng nhỏ hẹp, hai bên là những hàng cau cao vút, gió thổi nhẹ làm lá xào xạc. Cảm giác về quê thật khác lạ, vừa thân thuộc vừa mới mẻ.

Chiều hôm ấy, anh Khâm dẫn tôi về thăm lại thầy Côn, thầy giáo già của tôi. Thầy Côn thấy con trai mình về thì vui lắm, lại còn có học trò xưa nữa nên thầy đãi tôi bánh kẹo no cả bụng.

"Trò Hanh dạo này lớn quá!"

Tôi bẽn lẽn cười cảm ơn thầy như hồi còn bé được thầy khen giải toán giỏi. Trò chuyện một lúc, anh Khâm ngỏ ý mời tôi ăn cơm chiều nhưng tôi bảo còn phải về thăm ba má, thế là tôi chào hỏi rồi đi bộ về ngay. Làng tôi dù đông vui nhưng cũng chỉ là một ngôi làng nhỏ, và chỉ vài bước chân là tôi đã đến nơi.

Đã lâu lắm rồi tôi mới trở lại, lòng đầy xúc động khi bước qua cánh cổng gỗ quen thuộc. Nhà tôi nằm ở cuối làng, giữa một vườn cây rợp bóng mát. Ba má tôi vẫn khỏe mạnh, niềm nở đón tôi về như một người con xa xứ. Tôi thấy má đứng ở bếp nấu ăn, ánh mắt tôi tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

"Con về hồi nào thế?" Má tôi hỏi, giọng đầy niềm vui "Ông ơi thằng Hanh nó về này!"

"Dạ con mới về chiều nay." Tôi đáp, cười tươi.

"Chà, lâu rồi mới vác mặt về nhà ha." Ba tôi đi ra vỗ vai tôi.

Mẹ tôi nấu một bữa cơm thật ngon, cả nhà ngồi quây quần bên bàn ăn, kể nhau nghe những câu chuyện vui buồn trong làng nhỏ thân thương. Mùi hương của các món ăn quen thuộc, tiếng cười nói râm ran làm tôi cảm thấy ấm áp và bình yên. Những câu chuyện về người làng, về những thay đổi, về những kỷ niệm xưa cũ, tất cả đều làm lòng tôi bồi hồi.

Sau bữa cơm chiều đầm ấm, tôi ra ngồi dưới gốc cây xoài lớn trước sân, lắng nghe tiếng gió xào xạc qua kẽ lá, lòng thư thái lạ thường. Đang thả hồn vào cảnh quê yên bình, tôi bỗng nghe tiếng gọi thân quen:

"Thằng Hanh! Mày về từ hồi nào thế?"

Tôi quay lại, thấy anh Tuấn - bạn thân tôi từ nhỏ đang chạy tới. Anh vẫn như xưa, dáng người gầy gò nhưng ánh mắt tinh nghịch. Tôi mỉm cười:

"Mới về. Tưởng anh đi làm chớ, sao giờ này còn ở đây?"

"À, tao đau lưng nên xin bố thằng Dương nghỉ phép. Nghe thằng Dương bảo mày về nên tao chạy qua ngay. Đi đâu đó chơi không?" anh Tuấn hớn hở rủ rê.

"Đi đâu bây giờ? Chiều rồi mà."

"Đi rình trộm, vui lắm!" anh Tuấn nói, ánh mắt lấp lánh nhìn về phía tôi.

Tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng tò mò, đồng ý đi theo anh, dù gì tôi cũng muốn đi dạo dưới cái gió mát mẻ ở đây. Chúng tôi len lỏi qua những con ngõ nhỏ, chỉ vừa hoàng hôn nên trời chưa tối hẳn. Đi được một đoạn, Tuấn thì thầm:

"Tao dẫn mày tới nhà thằng Dương. Chắc là mày chưa biết chuyện này đâu!"

Tôi hoang mang gật đầu, theo chân Tuấn. Nhà Dương nằm ở cuối làng, căn nhà gỗ cũ kỹ, xung quanh là vườn cây ăn trái. Nhà thằng Dương làm nông, nhưng cũng kha khá. Chúng tôi nép mình sau bụi cây, nhìn vào trong.

"Cái gì mà hay?" Tôi thì thầm hỏi anh Tuấn.

"Cứ chờ đi rồi biết." anh cười nham nhở.

Dưới ánh đèn phòng, tôi thấy thằng Dương đang ngồi gần cửa sổ đọc sách. Da nó ấy sạm đen vì nắng gió, trông nó ngày càng đô con, rõ ràng là do lao động ngoài đồng áng. Tôi định hỏi anh Tuấn chuyện gì đặc biệt thì bỗng dưng thằng Dương đứng dậy mở cửa, một bóng người khác xuất hiện. Tôi liền trố mắt nhận ra đó là anh Khâm. Anh mỉm cười trước cửa rồi nhẹ nhàng ôm lấy nó, miệng anh mấp máy điều gì đó tôi không nghe rõ, chỉ biết thằng Dương sốc quá nên đứng im như tượng.

"Mày thấy gì không?" anh Tuấn thì thầm, mắt mở to ngạc nhiên.

"Ừ...thấy rồi." Tôi lắp bắp.

"Mình nhích lên xíu coi nó nói gì đi mày." Anh Tuấn đề nghị, tôi quên mất từ chối, rồi hai anh em núp sau bụi cây gần phòng thằng Dương.

"Anh về lúc nào vậy?" Nó vừa hỏi vừa đưa tay vén nhẹ tóc mái cho anh.

"Mới về chiều nay thôi, anh ăn cơm với ba má trước rồi mới tính qua đây." Anh Khâm đáp.

Dưới ánh đèn vàng nhạt, tôi thấy rõ từng cử chỉ của họ. Thằng Dương không biết học ai mà đặt tay lên eo anh Khâm, kéo sát vào người mình, rồi tôi thấy cả hai người họ hôn nhau.

Tôi trố mắt nhìn hai người họ tình cảm, không tin vào mắt mình. Hình như anh Tuấn cũng bất ngờ như thằng Dương ban nãy, tay chân anh cứng đờ không chút di chuyển. 

"Ê hai người nà-" Tôi kêu lên.

"Suỵt! Im lặng chút rồi nói sau." Anh Tuấn thì thầm.

Thằng Dương nhẹ nhàng đặt môi lên cổ anh Khâm hôn khẽ, làm anh nó run lên vì xúc động.

Bỗng nó dẩu môi ra giận dỗi như hồi nhỏ làm tôi nổi da gà.

"Anh không nói trước, làm em còn tưởng thằng Hanh ở trọ chung với anh nó rủ mà anh không chịu về!"

"Xin lỗi mà." Anh Khâm đáp, ánh mắt long lanh bất lực dỗ người yêu nhỏ: "Nhưng anh về rồi mà em vẫn không vui sao?"

"Anh bị mấy thằng nhóc trên thành phố nhiễm hư rồi!" Thằng Dương quở giọng trách móc mà ánh mắt nó nhìn người yêu dịu dàng như sóng biển lặng. Tôi tính phản bác lại, nhưng tôi bỗng nhớ tới mấy bài thơ trong quyển tập cũ kĩ mà anh Khâm từng đưa qua cho tôi đọc. Giờ tôi đã biết chủ nhân của những đoạn thơ tình đó là ai, lòng vừa thán phục một đứa học ngu như thằng Dương mà làm thơ còn hay hơn cả bọn yêu nhau chỗ tôi, hoặc là đứa học hành xa nhà như tôi mà mù tịt về thơ văn. 

Tôi không còn nhớ rõ họ đã nói gì với nhau nữa. Chỉ biết trên đường về nhà cùng anh Tuấn, những suy nghĩ mơ màng trong tôi trổi dậy. Tôi nhớ đến lời của anh Khâm, rằng "thơ phải được làm từ trái tim mình, từ những cảm nhận cá nhân của mình." Người giỏi văn như anh, chắc không chỉ dừng lại ở việc cảm nhân thơ của người yêu gửi cho, có lẽ anh đã nhìn thấy nỗi nhớ nhung của cậu trong từng câu chữ nên mới chọn thời gian rảnh để quay trở về.

Còn về thằng Dương, chắc nó nhớ anh dữ lắm! Anh Khâm đi học xa quê vậy mà nó siêng gửi thư đều đều. Tôi nhớ nó còn gửi hẳn thơ của T. T. Kh nữa, ngay dòng thơ mà tôi nhớ nhất.

"Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui;
Bảo rằng: "Hoa giống như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!"

Thôi, dù gì tôi cũng chưa có người yêu, làm sao mà tôi tưởng tượng ra được gương mặt cảm động của anh Khâm khi đọc được những dòng thơ này hay cảm xúc ngại ngùng thương nhớ của thằng Dương mỗi khi nó viết thư? Anh Khâm đọc nhiều thơ ca chắc hẳn biết tâm tư ẩn sau những con chữ của thằng Dương gửi đến. Còn về phần tôi, trái tim của tôi vẫn còn rất nhiều câu hỏi...

_______________________________________________

*Thơ trong tập truyện dài Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro