ep 30

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đám cưới xong Trương Ngọc Song Tử liền làm tròn bổn phận con rể, về nhà vợ làm lễ phản bái kính trên nhường dưới đúng phép tắt, bà con chồm xóm qua chơi ai cũng thầy Vũ chọn được chàng rể quý. Vừa giỏi, vừa hiền, lễ phép...nói chung là khen đến mức làm thầy phổng lỗ mũi. Học trò cưng của thầy mà, không ưu tú thì làm sao vào nhà thầy làm rể được.

Qua nhà vợ làm lễ tạ ơn, Trương Ngọc Song Tử không quên xách theo cặp vịt mang xuống bếp trổ tài, sẵn tiện lợi dụng thời cơ trốn sự tra khảo của mấy bà tám trong xóm. Bà con dòng họ của Trịnh Nhật Tư thấy anh một dạ, hai dạ, đều tưởng anh không nghĩ gì. Nhưng chẳng ai biết, anh đã nhịn mấy bà tám này như thế nào, nếu không phải là bên vợ, thì anh đã đốp chát lại rồi.

Ở dưới bếp tiếp chị Ánh thái bắp cải, nghe mấy bà tám trong xóm nhiều chuyện mà Trịnh Nhật Tư hận không thể bay ra sân mắng bọn họ một trận. Cậu mang thai trước khi cưới đã sao chứ, ăn hết của nhà họ sao. Hơn nữa đứa con trong bụng của cậu là con ai, cũng không đến lượt mấy bà tám này lên tiếng. Đúng là một ngàn lẽ một câu chuyện của dòng họ.

Ngồi chặt vịt thành miếng nhỏ, Trương Ngọc Song Tử thấy Trịnh Nhật Tư vừa ăn yaourt vừa lầm bầm trong miệng. Anh phì cười lấy một hộp sữa gạo lức đưa cho cậu và nói:

- Kệ họ đi. Em tức làm gì ảnh hưởng đến sức khỏe.

Múc một muỗng yaourt lớn bỏ vào miệng, Nhật Tư bực bội dằm dằm hủ yaourt thành nước, miệng thì lầm bầm:

- Nghe họ nói gì không? Nói anh là đổ vỏ đó, mặt anh giống đổ vỏ cho người khác lắm hả? Nói mà không sợ bị thụt lưỡi...

Sợ Trịnh Nhật Tư tức giận sẽ ảnh hưởng đến đứa nhỏ trong bụng, Trương Ngọc Song Tử vội dùng cổ tay vừa vuốt lưng cậu vừa dỗ:

- Miệng là của họ, muốn nói gì thì kệ họ. Còn sự thật thế nào thì người lớn với vợ chồng mình biết là được rồi. Em cần gì tức giận bọn họ không tốt cho sức khỏe đâu.

Nghe lời Trương Ngọc Song Tử khuyên nhủ, Trịnh Nhật Tư nhẫn nhịn dòng họ đến hết ngày. Nhưng ông bà ngày xưa vốn tồn tại câu nói 'chạy trời không khỏi nắng', là ở nhà vợ anh làm rể hiền, rể quý để mát mặt bố vợ. Vậy mà khi hai vợ chồng chuẩn về đến nhà thì quả thật anh không nhịn được nữa. Vì người phụ nữ vô duyên mà vợ bầu của anh gọi là mợ hai, mở miệng câu nào là khiến anh muốn nghiệp câu đó.

Ngay lúc Trịnh Nhật Tư đang loay hoay tiếp chị Ánh rửa ly ở dưới bếp, thì người phụ nữ vô duyên đi te rẹt vào bếp vỗ mông cậu một cái bốp kêu rõ to và nói:

- Ủa, Trịnh Nhật Tư! Nghe má con nói con đang có bầu hả? Trai hay gái? Mà cẩn thận nghe, có bầu chồng nó hay ngoài kiếm phở lắm.

Đang rửa ly cho Trịnh Nhật Tư mang để lên sóng, nghe người phụ nữ vô duyên nói xong, chị Ánh khựng lại một lúc. Câu nói này không khác gì một nhát dao dành cho chị, chẳng phải năm xưa vì mang thai thằng Tí, cơ thể chị bị rối loạn dẫn đến mặt mũi xấu xí, nên mới khiến Hào đi ngoại tình đó sao? Nhưng điều này không quan trọng bằng núi lửa đang úp ly đứng bên cạnh chị.

Nhìn qua bên cạnh, thấy em trai mình siết chặt cái khăn lau ly, chị Ánh biết tình hình không được ổn. Em trai chị nổi tiếng không nể nang ai, mặc dù là con nhà gia giáo thật, nhưng đến khi nghe mấy lời chướng tai gai mắt, thì vẫn mở miệng đốp lại như thường. Người mang thai mà bùng nổ thì hậu quả khôn lường.

Sợ em trai sẽ vì những lời nói vô duyên mà suy nghĩ nhiều, chị Ánh vội tìm cách đuổi khéo Trịnh Nhật Tư và Trương Ngọc Song Tử đi về. Vì chị nhìn thấy em trai chị hít thở lấy hơi chuẩn bị để một tràng không ngừng nghỉ. Ai thì chị không biết, chứ em trai chị thì chị rành lắm. Quạo lên rồi chả biết kiêng nể ai đâu. Đốp lại cho đối phương câm họng trước đi, hậu quả sau đó là gì tính nữa.

Trương Ngọc Song Tử bị ba mẹ vợ nhét vào tay lỉnh kỉnh các thứ mà Trịnh Nhật Tư thích ăn. Người mang thai rất thích ăn vặt, nên cô Hồng đã dặn chị Ánh làm thật nhiều mứt và một ít đồ ăn vặt khác cho cậu mang về ăn đỡ buồn miệng. Thậm chí, còn không quên chỉ anh nấu mấy món tốt cho người mang thai.

Trên đường về nhà, Trương Ngọc Song Tử nhìn đống đồ ăn vặt trên tay, mà khóc không ra nước mắt. Chuyện ba mẹ ruột thương con cái, mỗi khi về thăm nhà gói gém cho rất nhiều đồ ăn là chuyện thường. Nhưng mà ba mẹ vợ của anh có cần chuẩn bị nhiều vậy không, hồi lúc chị Hà dẫn chồng về phản bái, ông bà Trương còn chưa gói nhiều thế này.

Về đến nhà, Trịnh Nhật Tư định xoắn tay áo đi vào bếp phụ chị dâu của Trương Ngọc Song Tử nấu cơm chiều, thì hai chị em bị ông bà Trương đuổi ra ngoài:

- Con Thủy với thằng Tư ở yên một chỗ, bầu bí mà ham hố làm cái gì. Để chồng hai bây làm, thằng Quang với thằng Song Tử vô nấu cơm. Thằng lớn cắt cổ gà thằng nhỏ nấu.

Hai anh em hất mặt nhìn vợ bầu, rồi kéo nhau đi xuống bếp nấu cơm chiều. Vừa bước vào bếp, Thượng Quang nhìn thấy con gà trống tàu đang bị trói ở sàn nước, bị cắt cổ, máu chảy đầy thau nhôm, trong khi lông lá còn nguyên. Anh chàng mặt mũi xám ngoét quay sang nhìn thằng em đang ung dung đi đến gần xách đầu nó lên ngắm nghía. Đúng là thanh niên trời không sợ đất không sợ mà.

Lắc đầu mấy cái túm hồn về với xác, Thượng Quang xoăn tay áo đến sàn nước phụ em trai nhổ lông và làm sạch con gà. Còn Trương Ngọc Song Tử thì đi rửa mâm chén do ông anh cô cậu bày ra rồi để một đống ở đó không chịu dọn mà vọt luôn. Nhưng vì là người quân tử, không chấp nhặt chuyện nhỏ, nên anh ra tay nghĩa hiệp rửa mâm chén này vậy.

Hai anh em xà quần trong bếp cả tiếng đồng hồ, cuối cùng cũng nấu xong cơm chiều. Ngồi trong bàn ăn, Trương Ngọc Song Tử và Trương Thượng Quang cảm giác mình là con rể chứ không phải con ruột của cái nhà họ Trương này tẹo nào. Vì ông bà Trương chỉ quan tâm Trịnh Nhật Tư và chị Thủy, còn hai anh chàng nào đó bị chính ba mẹ mình cho ra rìa.

Từ lúc vợ bầu của Trương Ngọc Song Tử mang thai đến giờ, ông bà Trương trực tiếp ném anh sang một bên. Miệng lúc nào cũng Trịnh Nhật Tư đầu tiên, khi chưa biết cậu mang thai con trai là đã thương cậu như con ruột, đến khi biết trong bụng cậu có tận hai thằng nhóc, thì tiếng nói trong nhà còn hơn cháu đích tôn là anh. Nay danh chính ngôn thuận gả vào nhà họ Trương, ông bà nội tranh nhau chăm cháu.

Thấy bà Trương gắp cho Trịnh Nhật Tư cái đầu cá, Trương Ngọc Song Tử ngồi bên cạnh trêu:

- Em thấy má anh thương em chưa, anh được thương nhất nhà mà còn chưa được như em nữa đó.

Bà Trương với tay cốc đầu Trương Ngọc Song Tử một cái và nói:

- Già đầu còn bày đặt nhõng nhẽo. Dâu cũng như con thôi, má không tốt với nó không lẽ tốt với con dâu bà hàng xóm. Còn bây nữa, vợ bây nó bầu bí, ráng mà kiêng khem cho đàng hoàng đó. Đừng có mà lâu lâu 'giờ tý canh ba' cho cái nhà này mất ngủ đi à.

Nghe bà Trương nói xong, mặt Trịnh Nhật Tư đỏ lựng như phát sốt, còn Trương Ngọc Song Tử thì cười hi hi như thằng hâm. Anh đâu có muốn làm cả nhà mất ngủ đâu, chẳng qua do vợ bầu của anh đẹp quá thôi. Có thằng đàn ông nào nằm chung giường với vợ, mà tay chân không nhám nhúa chứ. Nếu trách thì hãy trách những người ngày hôm đó đã làm phiền anh đi.

Nói đi cũng phải nói lại, người ta mang thai thì da vẻ xấu xí. Nhưng Trịnh Nhật Tư thì ngược lại hoàn toàn, không những da vẻ không có gì bất thường. Ngược lại, da mặt còn đẹp hơn lúc chưa mang thai, vóc dáng cũng không phát tướng như người khác, mặc dù công việc của cậu ngoài đi dạy ra là chỉ có ăn và ngủ. Chính vì lí do này, mà mỗi lần trở về quân đội đi làm, là trong lòng Trương Ngọc Song Tử bắt đầu đánh lô tô.

Ngồi trong băng đá của doanh trại quân đội, nghe Trần Anh Phong thao thao bất tuyệt bí quyết giữ vợ. Trương Ngọc Song Tử hận không thể may cái mỏ nhọn của thằng bạn này. Rõ biết anh đang sợ mất vợ, mà còn lên lớp dạy anh mấy cái trò này. Chê ba tháng nay anh chưa đủ phiền não sao, mà còn làm chuyên gia tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình hả trời.

Trương Ngọc Song Tử ngồi thở dài não nề như ông cụ non. Trần Anh Phong vỗ vai anh một cái rồi nói:

- Vợ bầu nhà ông mấy tháng ời? Có thay đổi gì hông?

Trương Ngọc Song Tử úp mặt vào lòng bàn tay thở dài nói:

- Bảy tháng rưỡi gần tám tháng rồi. Tính tình cũng không thay đổi gì, trừ việc lâu lâu nằm chiêm bao rồi ngắt tui tím eo. Ghen bóng ghen gió không à.

Anh Phong vỗ vai Trương Ngọc Song Tử một cái nữa rồi nói:

- Tặng ông bài thơ, cái này là kinh nghiệm bảo vệ hạnh phúc gia đình, mà trong đội tui truyền nhau tới lui.

Trương Ngọc Song Tử ngơ ngác hỏi lại:

- Bài gì cha nội?

Đứng lên như một giáo sư đại học, Anh Phong hắng giọng mấy cái và nói:

- Kính vợ đắc thọ. Sợ vợ sống lâu. Nể vợ bớt ưu sầu

Để vợ lên đầu, là trường sinh bất tử

Đánh vợ nhừ tử, là đại nghịch bất đạo

Vợ hỏi mà nói xạo, là trời đất bất dung

Chê vợ lung tung, là ngậm máu phun người

Gặp vợ mà không cười, là có mắt không tròng

Để vợ phiền lòng, là tru di tam tộc

Vợ sai mà hằn hộc, là trời đánh thánh đâm

Vợ gọi mà ngậm câm, là lòng lang dạ sói

Để vợ nhịn đói, là tội nhân thiên cổ

Để vợ chịu khổ là bất tài vô dụng

Trốn vợ đi "ăn vụng", là ngũ mã phanh thây...

Vợ hát mà khen hay, là anh hùng thức thời

Khen vợ hết lời, là thuận theo ý trời.

Sợ ít phải sợ nhiều lên. Sợ xanh cả mặt, sợ mềm cả môi

Sợ đứng rồi lại sợ ngồi

Vợ sai phải dạ, có tôi làm liền!

Làm chồng phải biết ngoan hiền

Sợ vợ vợ mới cho tiền uống bia

Tiền lương lãnh đủ đem về

Quà cáp ai tặng đừng lia dọc đường

Làm chồng muốn được vợ thương

Ngoài lo tiền bạc, chiếu giường cũng lo

Làm chồng muốn được ấm no

Việc gì quan trọng giao cho vợ nhà

Làm chồng khiêm tốn thật thà

Phải biết sợ vợ cửa nhà mới yên. (Thơ sợ vợ-danh hài Nhật Cường)

Nghe Anh Phong đọc xong, Trương Ngọc Song Tử cảm giác bài diễn văn sợ vợ này đã nghe ở đâu đó rồi, mà đúng hơn là nghe rất nhiều lần. Càng nghĩ anh càng thấy bài thơ này khá giống bài thơ của bác hai anh - Trương Đại Sơn, gương mặt vàng trong làng sợ vợ.

Suy nghĩ một hồi Trương Ngọc Song Tử cũng đã phát hiện ra tác giả bài thơ này không ai khác chính là bác hai của anh. Nhưng vì ông Sơn là cấp trên của Anh Phong, mà trước ngày cưới bác hai của anh cũng từng đọc bài thơ này trong đêm nhóm họ. Có lẽ, đọc đi đọc lại nhiều lần, nên đám cấp dưới nhớ và áp dụng theo. Đó là, lập ra một cái hội gọi là 'hội sợ vợ'.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro