THIÊN KIẾN XÁC NHẬN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BẠN VẪN TƯỞNG

Quan điểm cá nhân của bạn là kết quả của hàng năm trời quan sát và phân tích một cách khách quan.

SỰ THẬT LÀ

Quan điểm cá nhân của bạn là kết quả của hàng năm trời chỉ tập trung chú ý tới các thông tin xác nhận những điều vốn đã nằm trong niềm tin của bạn, trong khi bỏ qua những thông tin trái ngược với quan niệm có sẵn.

----------------------------------

Đã bao giờ bạn đang nói chuyện và chợt một bộ phim thời xưa được nhắc đến, ví dụ như The Golden Child, hay thậm chí là một phim nào đó còn ít nổi tiếng hơn?

Bạn đã cười nhạo nó, trích dẫn vài câu thoại, tự hỏi không biết chuyện gì đã xảy ra với những diễn viên trong phim, và rồi quên sạch.

Cho tới khi...

Bạn đang ngồi chuyển hết kênh này tới kênh nọ trên TV vào một buổi tối buồn tẻ, và đột nhiên, bạn thấy The Golden Child đang được chiếu. Lạ ghê.

Ngày hôm sau bạn đọc tin tức trên báo, và tự dưng lại thấy một bài viết nói về những bộ phim đã bị lãng quên từ những năm 1980, và trời đất ơi, những ba cột chữ viết về The Golden Child. Tối đó bạn xem một đoạn quảng cáo về bộ phim mới của Eddie Murphy trong rạp, và rồi thấy một bảng quảng cáo về chương trình tấu hài của Charlie Murphy ngoài phố. Chưa hết, sau đó một người bạn còn gửi cho bạn một đường dẫn tới trang TMZ với toàn ảnh gần đây của một diễn viên trong The Golden Child.

Chuyện gì đang xảy ra vậy? Có phải vũ trụ đang cố gắng truyền tải thông điệp gì đó tới bạn không?

Không. Đây chỉ đơn giản là tác dụng của thiên kiến xác nhận.

Từ thời điểm của cuộc hội thoại có nhắc tới The Golden Child, bạn đã chuyển kênh rất nhiều lần, đã đi ngang qua vô số những biển quảng cáo, đã thấy hàng chục những tin tức mới nhất về các ngôi sao, và bạn cũng đã được xem hàng tá những đoạn phim quảng cáo mới.

Vấn đề nằm ở chỗ bạn đã bỏ qua tất cả những thông tin còn lại, những thứ không liên quan tới bộ phim The Golden Child. Trong đám hỗn độn của tất cả những mẩu thông tin lẻ tẻ, bạn chỉ nhận ra và để ý tới những thứ có đôi chút liên quan tới điều đang ở sẵn trong não bạn. Một vài tuần trước, trước thời điểm của cuộc hội thoại định mệnh kia, Eddie Murphy và chuyến du hành tới Tây Tạng của ông ấy vẫn còn đang lặn sâu dưới đống tin tức văn hóa hỗn độn ở đáy não bạn, và bạn đâu có để ý chút nào.

Nếu bạn đang tính tới chuyện mua một chiếc xe mới, bỗng dưng tất cả mọi người xung quanh bạn đều lái đúng mẫu xe đó. Nếu bạn vừa mới kết thúc một cuộc tình, mọi bài hát mà bạn nghe đều có vẻ nói về tình yêu. Nếu bạn đang chuẩn bị có em bé, bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy chúng ở mọi nơi. Thiên kiến xác nhận là việc nhìn thế giới qua một thấu kính lọc.

Những ví dụ trên chỉ là một phiên bản thụ động của hiện tượng này. Rắc rối thực sự bắt đầu khi thiên kiến xác nhận làm méo mó quá trình chủ động tìm kiếm thông tin của bạn.

Phê bình chính trị là cả một ngành công nghiệp được xây dựng nên từ thiên kiến xác nhận. Rush Limbaugh và Keith Olbermann, Glenn Beck và Arianna Huffington, Rachel Maddow và Ann Coulter - tất cả bọn họ đều là những người tiếp nhiên liệu cho niềm tin, bọn họ sàng lọc trước thông tin sao cho khớp với những thế giới quan khác nhau. Nếu bộ lọc của họ giống với bộ lọc của bạn, bạn sẽ rất thích họ. Nếu bộ lọc khác nhau, bạn sẽ ghét cay ghét đắng họ. Bạn xem chương trình của những người này không nhằm mục đích thu thập tin tức, mà để có được sự xác nhận.

"Hãy cẩn thận. Người ta thích được nghe những điều mà họ đã biết rồi. Hãy nhớ lấy điều đó. Họ cảm thấy không thoải mái khi bạn kể về một điều mới mẻ. Những điều mới mẻ... Thế đó, những điều mới không phải là điều mà họ mong chờ. Họ muốn biết rằng, ví dụ nhé, con chó sẽ cắn người. Đó là điều mà chó vẫn làm. Họ không muốn nghe chuyện về người cắn chó, bởi vì thế giới không vận hành như vậy. Nói tóm lại, con người tưởng là họ muốn nghe tin tức mới, nhưng thực chất điều mà họ thực sự thèm muốn là tin cũ... Không phải mới mà là cũ, để họ có thể được nghe lại những điều mà họ tin là thật."

- Terry Pratchett,

thông qua lời nhân vật Chúa tể Vetinari

trong tiểu thuyết của ông:

"The Truth: a Novel of Discworld".

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, nhà nghiên cứu Valdis Krebs tại trang orgnet.com đã phân tích về xu hướng mua hàng trên Amazon. Những người vốn đang ủng hộ Obama cũng chính là những người mua sách viết về ông dưới góc nhìn tích cực. Những người vốn đã không thích Obama là những người mua sách chỉ trích ông. Cũng giống như với trường hợp của những nhà phê bình chính trị, họ không mua sách đọc để lấy thông tin, họ mua để tự xác nhận quan điểm của mình. Krebs đã nghiên cứu về xu hướng mua hàng trên Amazon và thói quen phân nhóm của người dùng mạng xã hội trong nhiều năm. Những nghiên cứu của ông cho thấy điều mà các nhà tâm lý học đã tiên đoán: Bạn luôn muốn mình có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống, bởi vậy bạn săn tìm những thông tin xác thực niềm tin của mình, và tránh xa những chứng cứ và quan niệm đối nghịch.

Nửa thế kỷ nghiên cứu đã cho thấy thiên kiến xác nhận là một trong những rào cản tâm lý đáng tin cậy nhất. Các nhà báo khi đưa tin về một vấn đề nào đó cần phải tránh việc phớt lờ những thông tin trái chiều; các nhà khoa học khi chứng minh một giả thiết cần phải xây dựng những thí nghiệm chặt chẽ, tránh tạo ra những yếu tố biến thiên có thể gây xáo động trong kết quả cuối cùng. Nếu không có thiên kiến xác nhận, thuyết âm mưu sẽ không thể tồn tại. Liệu con người đã thực sự đặt chân lên Mặt Trăng? Nếu bạn cố gắng, chắc chắn bạn sẽ tìm được bằng chứng chứng minh đó là chuyện dàn dựng.

Trong một nghiên cứu vào năm 1979 của Đại học Minnesota do Mark Snyder và Nancy Cantor thực hiện, các đối tượng tham gia được đọc về cuộc sống một tuần của một cô gái giả tưởng tên Jane. Trong tuần đó, Jane đã thể hiện mình là người hướng ngoại trong một số trường hợp, và là người hướng nội trong một số trường hợp khác. Một vài ngày sau, những người tham gia thí nghiệm quay trở lại. Các nhà nghiên cứu chia họ thành hai nhóm và hỏi họ liệu Jane có thích hợp với một công việc cụ thể nào đó không. Một nhóm được hỏi là liệu cô ấy có thể trở thành một thủ thư tốt; nhóm còn lại được hỏi là liệu Jane có đảm nhiệm được công việc của một người môi giới bất động sản. Trong nhóm thủ thư, người ta nghĩ Jane là một người hướng nội, và ngược lại, trong nhóm môi giới bất động sản, ý kiến chung cho rằng Jane là một người hướng ngoại. Sau đó, các nhóm này được hỏi là liệu Jane có thể làm tốt cồng việc còn lại không, và lúc này thì những người tham gia bị ảnh hưởng bởi câu trả lời đầu tiên của chính mình, cho rằng cô ấy không phù hợp với công việc còn lại. Nghiên cứu này cho thấy ngay cả trong chính những ký ức của bản thân, bạn cũng có thể trở thành nạn nhân của thiên kiến xác nhận, chỉ nhớ lại những điều hợp với niềm tin mới có của mình và quên đi những điều trái nghịch.

Một nghiên cứu tại bang Ohio năm 2009 cho thấy người ta có thể đọc một bài luận lâu hơn tới 36% nếu bài luận đó đồng quan điểm với họ. Một nghiên cứu khác lại cho các đối tượng xem những trích đoạn trong chương trình hài The Colbert Report, và kết quả cho thấy những người có quan điểm chính trị bảo thủ liên tục cho rằng "Colbert chỉ đang diễn và nói vui thôi chứ đó không phải là những gì ông ấy thực sự nghĩ."

Qua thời gian, bằng việc không bao giờ tự tìm đến những phản đề, bằng việc tích tụ các đơn đặt mua tạp chí, những chồng sách và hàng ngàn glờ xem TV, bạn trở nên quá tự tin về thế giới quan của mình và không ai có thể thuyết phục bạn khác đi.

Hãy nhớ rằng ở ngoài kia luôn có những kẻ sẵn sàng bán lượng xem cho những nhà quảng cáo bằng việc cung cấp những tập khách hàng chỉ biết tìm sự công nhận các quan điểm của bản thân, bởi đây là những khách hàng béo bở nhất, dễ chiều nhất. Hãy tự đặt câu hỏi xem liệu mình có thuộc nhóm khách hàng đó không. Trong khoa học, con người tiến gần hơn tới sự thật bằng việc tìm ra những bằng chứng trái ngược. Có thể chính phương pháp này cũng cần phải được áp dụng lên các quan điểm cá nhân của bạn trong cuộc sống hàng ngày.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro