THIÊN LỆCH NHẬN THỨC MUỘN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BẠN VẪN TƯỞNG

Sau khi học được một điều mới, bạn nhận thức được rằng mình đã từng thiếu hiểu biết và sai lầm.

SỰ THẬT LÀ

Bạn thường nhìn lại những điều vừa mới học được và cho rằng mình đã biết hết từ lâu rồi.

----------------------------------------------

— Biết ngay là kiểu gì đội này cũng sẽ thua mà.

— Đó là điều tôi nghĩ sẽ xảy ra.

— Đã bảo rồi mà.

— Đấy rõ ràng là chuyện ai cũng phải biết.

— Tôi đã đoán trước là anh sẽ nói thế.

Đã bao nhiêu lần bạn nói những điều giống như trên và tin rằng đó là sự thật?

Bạn thường xuyên sửa đổi ký ức của mình để bản thân không trở thành một kẻ ngốc khi sự việc diễn ra không như bạn tiên lượng.Khi học được những điều mà bạn mong muốn mình biết từ trước,bạn cứ thế tự cho rằng bạn thực sự đã biết. Khuynh hướng này là một phần cơ bản trong tiềm thức mỗi con người, và được gọi là thiên lệch nhận thức muộn (the hindsight bias).

Hãy cùng nhìn vào kết quả của nghiên cứu sau đây:

Một nghiên cứu mới đây của Đại học Harvard cho thấy khi càng già đi, người ta càng có xu hướng giữ vững những quan niệm cũ và cảm thấy việc chấp nhận những thông tin mới có tính đối nghịch trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là về những chủ đề quen thuộc. Điều này dường như củng cố cho câu: "Tre già khó uốn."

Tất nhiên là phải thế rồi. Rõ ràng là bạn đã biết điều này ngay từ đầu; đó là một sự thật hiển nhiên.

Giờ thì hãy xem qua nghiên cứu tiếp theo nhé:

Một nghiên cứu từ Đại học Alberta cho thấy những người lớn tuổi, với kinh nghiệm dày dặn và những kiến thức đã thu thập được qua hàng thập kỷ tiếp xúc với truyền thông có thể hoàn thành bốn năm đại học trước thời hạn dễ dàng hơn nhiều so với một thanh niên 18 tuổi với bộ não còn đang phát triển. Điều này cho thấy bạn không bao giờ là quá già để có thể tiếp tục học hỏi.

Đợi chút. Cái này cũng có vẻ giống một sự thật hiển nhiên.

Vậy cái nào mới là đúng? Tre già khó uốn, hay là bạn không bao giờ là quá già để học tập?

Thực ra, cả hai nghiên cứu trên đều do tôi bịa ra. Chẳng cái nào trong hai cái đó là thật cả. Sử dụng những kết quả nghiên cứu giả như thế này là cách ưa thích của các nhà khoa học để chỉ ra thiên lệch nhận thức muộn. Cả hai đoạn trên đều có vẻ rất hợp lý là bởi vì khi bạn đọc được một điều mới, bạn nhanh chóng thu lại những ý kiến cũ của mình để có được sự thoải mái khi biết rằng mình luôn đúng.

Năm 1986, Karl Teigen, giờ là giảng viên tại Đại học Oslo, đã làm thí nghiệm yêu cầu sinh viên đánh giá những câu thành ngữ. Teigen đã cho những người tham gia đọc những câu nói nổi tiếng và thông dụng để đánh giá. Khi đọc những câu như "Cái áo không làm nên thầy tu", họ thường tỏ ra đồng tình. Bạn thì sao? Bạn có nghĩ điều đó đúng không? Từ kinh nghiệm của mình, bạn có thể chắc được rằng đây là sự thật? Thế còn câu "Nếu nó trông giống con vịt, bơi giống con vịt, và kêu giống con vịt, thì nó là con vịt" thì sao? Điều này cũng có vẻ cũng là hiển nhiên phải không? Vậy cái nào mới đúng?

Trong thí nghiệm của Teigen, hầu hết những người tham gia đều đồng tình với các câu thành ngữ được cho xem, kể cả khi chúng mang nghĩa đối lập. Khi được yêu cầu đánh giá câu "Tình yêu mạnh hơn nỗi sợ hãi", họ đồng ý với quan điểm đó. Một lúc sau, khi đọc câu "Nỗi sợ hãi mạnh mẽ hơn tình yêu", họ cũng lại đồng tình.Teigen đã cho thấy thứ mà bạn cho là sự thật hiển nhiên thực ra hầu hết đều không phải vậy. Thông thường, khi sinh viên, nhà báo và những người bình thường khác nghe về kết quả một nghiên cứu khoa học, họ sẽ nói "Phải rồi, đương nhiên là thế chứ". Teigen đã chỉ ra được rằng đó chỉ là kết quả của thiên lệch nhận thức muộn mà thôi.

Bạn luôn nhìn lại con người cũ của mình, luôn xây dựng lại câu chuyện cuộc đời để nó khớp hơn với con người của bạn trong hiện tại. Con người có nhu cầu giữ một tâm trí sạch sẽ và ổn định để có thể lèo lái trong cuộc đời ngay từ thời tiền sử, khi chúng ta còn sống trong rừng rậm và thảo nguyên. Tâm trí rối ren sẽ hoạt động kém hiệu quả, và cơ thể mà nó điều khiển sẽ dễ dàng trở thành miếng mồi ngon. Một khi bạn học được từ sai lầm của mình, hoặc thay thế một thông tin mới, những thứ còn lại trở thành thừa thãi. Vì vậy bạn xóa nó khỏi bộ nhớ. Hành động xóa bỏ này là cách tự thanh lọc cổ xưa của tâm trí. Đúng là bạn đang tự nói dối bản thân, nhưng với một mục đích tốt. Bạn thu thập mọi thứ bạn biết về một chủ đề, mọi thứ bật ra trong tâm trí bạn và xây dựng nên một mô hình tâm trí mới.

Ngay trước khi tổng thống Nixon sang thăm Trung Quốc, một nhà nghiên cứu đã làm bản thăm dò đánh giá về khả năng một số sự kiện sẽ xảy ra trong chuyến đi của tổng thống. Sau đó, khi chuyến công du đã hoàn thành, biết rõ được kết quả, những người tham gia lại nhớ rằng mình đã đưa ra được dữ liệu tiên đoán chính xác hơn về kết quả chuyến đi. Điều tương tự cũng xảy ra sau vụ 11/9. Nhiều người dự đoán sẽ có một vụ tấn công khủng bố nữa xảy ra ngay sau đó, nhưng khi thực tế cho thấy không có gì xảy ra,những người này đã nhớ lại rằng mình đã đưa ra dự đoán thấp hơn nhiều.

Thiên lệch nhận thức muộn có một người anh em họ gần với tên gọi sự tự nghiệm sẵn có (availability heuristic). Bạn có xu hướng tin những mẩu chuyện nhỏ, hay những tin tức giật gân cá biệt đại diện cho bức tranh toàn cảnh nhiều hơn thực tế. Nếu bạn thấy dạo gần đây có nhiều tin bài về những vụ cá mập tấn công, bạn sẽ nghĩ là: "Ôi trời, lũ cá mập này mất kiểm soát rồi." Trong khi điều mà bạn thực sự cần phải nghĩ là: "Trời ạ, sao dạo này mấy trang báo thích đưa tin về cá mập thế không biết." Sự tự nghiệm sẵn có cho thấy bạn suy nghĩ và quyết định hành động dựa trên những thông tin hiện đang có trong tay mà bỏ qua những thông tin có thể có mà mình chưa biết. Bạn cũng làm điều tương tự với thiên lệch nhận thức.

Nhận thức về sự tồn tại của thiên lệch nhận thức muộn sẽ trang bị cho bạn một liều nghi ngờ cần thiết khi nghe những chính khách và doanh nhân nói về quyết định trong quá khứ của họ. Và cũng hãy nhớ tới điều này khi lần tới bạn tham gia vào một cuộc tranh cãi trên mạng, cãi nhau với người yêu hay vợ hoặc chồng – đối phương thực sự tin rằng họ chưa bao giờ sai cả, và bạn cũng vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro