Chương 31-40

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 31: Rất vui

Phan Tri Nhạc là người cắt ngang những lời chất vấn của mẹ.

"Mẹ!"

Phan Tri Nhạc gượng dậy, ngồi quỳ bên mép giường, duỗi tay lấy bức tranh về từ tay mẹ thật cẩn thận

"Con thích bức họa này."

Em cụp mắt, cẩn thận cuộn tròn tranh lại lần nữa, đặt bên gối, rồi mới ngẩng đầu nhìn mẹ, lặp lại, "Rất thích ạ."

Tư thế ngồi quỳ khiến cô bé còn đang tuổi ăn tuổi lớn gần như cao bằng mẹ. Giọng Phan Tri Nhạc cũng chẳng lớn lắm, nhưng lại khiến ba người trưởng thành ở đây đều cảm nhận được sự nghiêm túc trong đó.

"Nếu mẹ còn bằng lòng nghe những gì con nói..."

Mặt cô bé không có bất kỳ biểu cảm gì, em nhướn mi nhìn về phía mẹ, thần sắc lại còn nhang nhác Lâm Tri đang đứng ngoài rìa.

"Thì xin mẹ hãy tôn trọng con một chút."

"Tri Nhạc, con..." Phan Mỹ Liên bị con gái nhìn thẳng như thế, bỗng nhiên cảm thấy hơi khó thở.

Thị ôm ngực, sợ con gái lại hành động quá khích, vội vàng giải thích, "Mẹ nghe con mà, nghe con mà! Mẹ chỉ cảm thấy..." Chỉ cảm thấy bức tranh ấy hơi đen đủi thôi.

Nửa câu sau Phan Mỹ Liên không nói thành lời, nhưng thân là con gái thị, Phan Tri Nhạc lại hiểu hết.

"Mẹ không hiểu được đâu."

Phan Tri Nhạc nhẹ nhàng lắc đầu, hơi nước trong mắt còn chưa tan hết, một hai giọt chảy xuống gò má em khi hàng mi rung động.

Mắt em lộ vẻ thất vọng, "Như mẹ vẫn không hiểu con vậy."

Giờ thì Phan Mỹ Liên cuống lên rồi, thị mở miệng nói như súng liên thanh.

"Chẳng phải mẹ con mình đã đồng ý với nhau rồi sao, mẹ không ngăn con đi nhảy nữa! Nhưng năm cuối này con phải chú tâm vào chuyện học hành. Bao giờ con thi đại học xong, con muốn nhảy sao thì cứ nhảy, mẹ sẵn sàng ủng hộ con hết lòng! Nhưng giai đoạn này mình phải vượt qua cửa ải cuộc đời đã, con tin mẹ đi, mẹ là người từng trải, học tập là con đường duy nhất con ạ!"

"Đấy, mọi người xem..." Những lời còn lại đều kẹt trong tiếng cười khẽ đượm vẻ châm chọc. Phan Tri Nhạc lại tựa người vào giường, quay đầu đi không nhìn mẹ nữa, chỉ hướng mắt ra ngoài cửa sổ.

"Con mệt rồi, mẹ ạ." Nói xong câu này, người trên giường không lên tiếng nữa, đôi mắt hơi khép lại.

"Tri Nhạc!"

Phan Mỹ Liên còn muốn nói thêm, nhưng thấy vẻ mặt kháng cự của con gái, thị chỉ có thể vừa sốt ruột vừa đau khổ ngậm miệng lại. Còn Nhiếp Chấn Hoành vừa chứng kiến cuộc đối thoại của hai mẹ con lần nữa, cũng có cảm giác mình và Lâm Tri không nên ở lại đây lâu thêm.

"Ờ thế thì, Tri Nhạc gắng nghỉ ngơi cho khỏe nhé. Chị Phan, em với Lâm Tri xin phép đi trước ạ." Anh mở miệng phá vỡ bầu không khí bế tắc trong phòng, cũng để tìm cách cho Phan Mỹ Liên xuống nước.

"Ừ, được, được."

Phan Mỹ Liên cũng chẳng có tâm tình chuyện trò với hai người nữa, chỉ khách sáo cười với Nhiếp Chấn Hoành, rồi tiễn họ đến cạnh cửa.

"Vậy hai chú đi thong thả, chị không tiễn hai chú nữa."

"Dạ, tiễn đến đây thôi chị."

Nhiếp Chấn Hoành đưa Lâm Tri ra khỏi phòng bệnh, lại liếc nhìn cô bé trong phòng. Ngập ngừng mãi, anh vẫn nói với Phan Mỹ Liên.

"Chị Phan, thứ cho em nhiều lời thêm mấy câu."

Thấy người phụ nữ trung niên dường như đã già đi mấy tuổi chỉ trong vài ngày ngắn ngủi đang ngước lên nhìn mình, Nhiếp Chấn Hoành mới nhẹ nhàng cất lời, "Đôi lúc, những điều mà mình tưởng là "tốt cho con", lại không phải là thứ con mình thật sự muốn.

"Chị ngậm đắng nuốt cay sinh thành nuôi nấng Tri Nhạc nên người, còn đặt cho con bé cái tên như thế, chẳng phải là vì chị mong con bé được vui vẻ hạnh phúc hay sao?

"Nhưng bây giờ... chị xem, con bé có còn vui vẻ nữa không?"

(Tên của Tri Nhạc, chữ Tri nghĩa là hiểu, biết; chữ Nhạc là vui vẻ.)

Người đến thăm đã về, nhưng câu nói kia hẵng còn văng vẳng mãi bên tai Phan Mỹ Liên.

Thị quay lại phòng bệnh, nhẹ nhàng đóng cửa, lại ngồi lên chiếc ghế duy nhất kế giường bệnh.

Trên mặt tủ kế đầu giường, quả táo mà thị vừa gọt được một nửa vẫn nằm đó. Nửa thịt quả lộ bên ngoài đã ngả vàng vì bị oxy hóa, nửa chưa gọt kia thì vẫn tươi mới giòn tan.

Phan Mỹ Liên ôm đầu nhìn quả táo kia chằm chằm, lời nói của con gái và Nhiếp Chấn Hoành đan chéo trong tai thị, không ngừng phá hủy nhận thức trước kia của thị.

Sau hồi lâu trăn trở, cuối cùng thị cũng ngẩng đầu lên lần nữa, đứng dậy rón rén đi đến cạnh cô con gái đã say ngủ.

Khuôn mặt như được đúc từ một khuôn với thị thời trẻ hẵng còn tái nhợt ốm yếu. Cô bé nhắm nghiền hai mắt, không còn ồn ào tươi vui như ngày xưa, thoạt trông điềm tĩnh hơn nhiều.

Chỉ là khi thấy con gái như thế, hình ảnh con mình nhảy lầu luôn chồng lên trước mắt Phan Mỹ Liên—— con bé cũng nhắm nghiền đôi mắt, tựa không còn sức sống, không thể cứu vãn được nữa.

Mỗi lần tưởng tượng đến hiểm cảnh khi đó, thị lại bừng tỉnh từ giấc mộng, sợ con gái sẽ lập tức chết ngay trước mặt mình chỉ trong chớp mắt.

Vào giờ phút này, bàn tay run rẩy của thị đang vuốt ve gò má con gái cách một khoảng không. Cảm nhận được hơi thở ấm áp nhè nhẹ phả lên đầu ngón tay mình, lòng thị mới dịu đi. Phan Mỹ Liên lần tay bên gối, lại cầm bức tranh được con gái cẩn thận cuộn lại lần nữa lên.

Lần này, thị nhẹ nhàng trải nó ra, tính bình tâm ngắm nó thật kỹ.

Ánh nắng ngoài cửa sổ đang đẹp đúng độ.

Bầu trời xanh thẳm và đám mây hắt lên ô cửa sổ kính qua kẽ hở trên tán cây. Gió nhẹ lướt quá tầng lá, rì rào làm một đàn chim vỗ cánh bay về phương xa.

*

Hành lang dài đằng đẵng của bệnh viện còn ầm ĩ hơn cả xe bus.

Bệnh nhân và điều dưỡng đi ngang qua Nhiếp Chấn Hoành và Lâm Tri. Có người bước đi thoăn thoắt, có kẻ chân cẳng tập tễnh, nhưng họ đều có một điểm chung là hầu như chẳng ai tươi tắn vui vẻ cả.

Lâm Tri cụp mi, sắc mặt vẫn bình tĩnh y như mọi ngày, nhưng Nhiếp Chấn Hoành lại nhận ra chút buồn bã mỏng manh nơi cậu.

Chẳng rõ là do môi trường hiện tại, hay là vì lời răn dạy ban nãy của Phan Mỹ Liên.

"Vừa rồi..."

Nhiếp Chấn Hoành mở miệng muốn hỏi, nhưng khi đối diện với đôi mắt đen trong vắt của người bên cạnh, cái miệng luôn nhanh nhảu của anh chẳng hiểu sao lại chết cứng.

"Thanh mai, ngon không?"

Lời đã lên đến bên miệng, lại biến thành một câu vô nghĩa.

Đúng như suy nghĩ của anh, cậu nhóc chun mũi, hơi ghét bỏ, "Chua lắm."

Lâm Tri vẫn đang nắm chặt túi quả. Trả lời Nhiếp Chấn Hoành xong, Lâm Tri bèn nhét thẳng túi vào tay người đàn ông, "Nè, cho anh cả đó."

Cậu thích ngọt.

Sáng nay anh Hoành ăn rồi khen ngon, vậy thì cho anh Hoành hết đó.

Không biết vì đâu, Nhiếp Chấn Hoành lại có cảm giác như mình nghe được tiếng lòng của cậu nhóc, tâm trạng nặng nề theo anh từ phòng bệnh lập tức tiêu tan gần hết.

Anh buồn cười nhận túi, chấp nhận số phận bỏ hai quả vào miệng.

Chẹp, chua thật.

"Mẹ em... cũng từng nói."

Bỗng dưng, Lâm Tri đứng cạnh anh thình lình mở miệng. Nhiếp Chấn Hoành không đuổi kịp tư duy của cậu, vô thức hỏi tiếp, "Từng nói gì cơ?"

"Mong rằng, đời này em được vui vẻ hạnh phúc."

Cái tay để không của Lâm Tri nắm chặt quai ba lô. Cậu túm tua vải trên quai túi, kéo nhè nhẹ. Cậu nhìn về nơi cách đó không xa với ánh mắt ngập vẻ hâm mộ. Ở nơi đó, một bà mẹ trẻ đương giơ món đồ chơi, khiến đứa bé đang được truyền dịch trong lòng chị cười khanh khách.

Nhiếp Chấn Hoành không khỏi đặt tay mình lên mái tóc mềm mại của cậu trai, xoa đầu cậu.

"Vậy thì Tri Tri của bây giờ, đã sống vui chưa?"

Anh dịu dàng hỏi.

"... Ừm."

Lâm Tri lặng đi vài giây trước câu hỏi của Nhiếp Chấn Hoành, sau đấy cậu mới chậm rãi gật đầu, đôi má lúm bên môi hơi lõm xuống, "Vui ạ.

"Vẽ tranh, vui lắm.

"Gặp được anh Hoành, cũng rất vui."

Chỉ mấy câu ngắn ngủi, mà Nhiếp Chấn Hoành lại cảm thấy trái tim mình như bị chọc lõm mấy chỗ.

Bé con này, sao lại đáng yêu vậy nhỉ?

Bàn tay to lớn đang ấn đầu Lâm Tri lại không khỏi vò mạnh mớ tóc mềm mại ấy mấy lần, rồi mới đặt lên vai Lâm Tri, dẫn cậu đi về phía trước.

"Vui là tốt rồi.

"Đời người, quan trọng nhất là được vui."

[HẾT CHƯƠNG 31]


Chương 32: Thơm

Bác sĩ chuyên khoa mà Nhiếp Chấn Hoành muốn gặp làm việc ở tầng 10 cùng tòa nhà này.

Anh sợ Lâm Tri đợi một mình bên ngoài không thoải mái, nên khi người ta gọi đến số của mình, anh dẫn cả cậu em hàng xóm vào văn phòng bác sĩ.

"Bác sĩ Chu."

"Ừ. Vào đi, mời ngồi."

Người ngồi trước chiếc bàn đơn là một bác sĩ cao gầy tuổi độ ngũ tuần, khoác áo blouse trắng đeo mắt kính, đang bận rộn viết đơn thuốc.

Nhiếp Chấn Hoành để Lâm Tri ngồi lên chiếc ghế nhỏ cạnh cửa, mình thì ngồi xuống trước mặt bác sĩ Chu, khom lưng cởi chiếc giày bên trái ra, cuộn ống quần lên cao cực kỳ tự nhiên.

"Mấy tháng không tới rồi ấy nhỉ."

Đơn thuốc đã viết xong được đặt qua một bên, bác sĩ Chu dịch chiếc ghế xoay tới trước mặt Nhiếp Chấn Hoành, thuận miệng nói.

Nhiếp Chấn Hoành vừa nâng chân lên, vừa trò chuyện với bác sĩ Chu, "Vâng, đến mùa Xuân là không đau nữa, nên cháu không đến quấy rầy chú ạ."

"Tôi còn tưởng cậu đã tung tăng nhảy nhót rồi cơ."

Là bác sĩ bệnh nhân của nhau nhiều năm, hai người cũng thân quen, nên bác sĩ Chu dạy dỗ anh bằng giọng điệu bông đùa, "Cậu lớn đùng thế này rồi, đừng có bắt chước kiểu được chăng hay chớ của bọn trẻ con nữa. Chân là của cậu, cậu mà không để tâm thì bác sĩ bọn tôi cũng chịu thôi."

Hồi mới phẫu thuật xong, Nhiếp Chấn Hoành nằm non nửa năm trong bệnh viện.

Sau này rút chỉ xong, anh phải điều dưỡng tập luyện mấy tháng trong viện theo lời dặn của bác sĩ thì bác sĩ Chu mới chấp thuận cho anh xuất viện về nhà tập phục hồi chức năng.

Sau đợt đấy, tuần nào Nhiếp Chấn Hoành cũng phải quay lại bệnh viện để kiểm tra. Lâu dần, tần suất mới từ từ thưa đi. Tới giờ, mấy tháng liền anh còn chẳng đi được lần nào.

Một phần là vì vết thương của anh đã lành hẳn từ lâu, anh chỉ phải tập luyện để phục hồi chức năng, vai trò của bác sĩ cũng hữu hạn. Mặt khác là tại Nhiếp Chấn Hoành đã không còn mong mỏi gì với việc khôi phục như bình thường nữa, nên cũng tùy ý búa xua hơn.

Anh cảm thấy bây giờ mình đi được chạy được, tuy tướng đi hơi dì dị, nhưng cũng không ảnh hưởng đến sinh hoạt, tốn công mà làm gì?

Dù vẫn tập luyện ngày ngày, nhưng Nhiếp Chấn Hoành cũng chỉ tập cho khỏe người, chứ không còn hy mọng mình sẽ trở về trạng thái bước đi như bay, úp rổ ba bước như trước nữa.

"Vẫn như cũ thôi."

Bác sĩ Chu đặt chân trái của Nhiếp Chấn Hoành lên giá đỡ bằng gỗ, nắn bóp tra xét chỗ cẳng chân và mắt cá chân của anh một hồi, rồi mới ngồi dậy nói.

"Gân gót chân sẽ thoái hóa dần theo tuổi tác, cậu lại bị chấn thương rồi nối lại, càng phải chú ý rèn luyện và giữ gìn hơn," Bác đỡ kính, lại cúi đầu xé một tờ giấy kê đơn, "Thi thoảng có thể tập mấy động tác cho khớp mắt cá, trước đây tôi có dạy cậu vài động tác rồi đúng không?"

Kê đơn xong, bác sĩ Chu vỗ vai Nhiếp Chấn Hoành khuyên nhủ chí tình, "Đàn ông đàn ang, đừng có sợ đau."

Nhiếp Chấn Hoành: "..."

Mấy lần trước tới đây, anh chỉ khám bừa cho xong, lời bác sĩ dặn lọt tai này rồi lại ra tai kia. Nhưng hôm nay có thêm một người trong phòng, anh cứ vô thức để ý đến chú nhóc ngồi cạnh cửa. Lúc này, nghe bác sĩ Chu đùa vậy, Nhiếp Chấn Hoành bất giác quay đầu nhìn Lâm Tri ở cách đó không xa.

Cậu em hàng xóm ngoan ngoãn ngồi chụm chân trên ghế, đang ôm cặp nhìn anh chằm chằm!

"Khụ. Cháu sợ đau gì đâu?" Nhiếp Chấn Hoành vuốt mũi phản bác, "Hồi đấy đi mổ cháu có kêu miếng nào!"

"Ha ha, đấy là tại cậu bị tiêm thuốc mê." Bác sĩ Chu cười khẩy.

Nhiếp Chấn Hoành: "..."

"Được rồi, dạo này cậu có vận động mạnh gì không?" Bác sĩ Chu phát hiện gân gót chân của Nhiếp Chấn Hoành hơi có dấu hiệu căng quá đà, thì hỏi thêm một câu.

(Nhiếp Chấn Hoành bị đứt gân gót chân. Đứt gân gót chân (Achilles Tendon Ruptures) là một tổn thương ảnh hưởng đến mặt sau của cổ chân. Đây là tổn thương có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là những người chơi thể thao. )

Nhiếp Chấn Hoành nhíu mày suy nghĩ thật lâu, bản thân mình chỉ suốt ngày nằm với ngồi, vận động mạnh ở đâu ra? Anh chuẩn bị lắc đầu, thì người đang ngồi im ru cạnh cửa lại đột nhiên thốt ra hai chữ.

"Đỡ người."

Thấy hai người đàn ông nhìn về phía mình, Lâm Tri chớp chớp mắt, "Nhảy xuống, từ lầu 4."

Đỡ em gái nhảy xuống từ chỗ cao như thế, mà không tính là mạnh à?

Bấy giờ Nhiếp Chấn Hoành mới nhớ ra, hôm đó lúc đỡ Phan Tri Nhạc, chân trái của anh hơi nhói lên vì chịu lực. Nhưng vì cơn đau nơi cổ tay rõ ràng hơn, nên anh mới bỏ qua chân mình.

Không ngờ... cậu ngố này, còn nhớ thay anh.

"Cái gì, nhảy lầu?!" Bác sĩ Chu ngạc nhiên nhìn về phía Nhiếp Chấn Hoành. Nhiếp Chấn Hoành biết bác hiểu lầm, bèn vội vàng giải thích.

"Làm tôi sợ hết hồn." Bác sĩ Chu nghe xong, bấy giờ mới thở phào nhẹ nhõm, ngay sau đó lại cảm thán, "Mấy năm gần đây, vấn đề tâm lý ở trẻ vị thành niên càng ngày càng nổi cộm. Năm nào bệnh viện bên tôi cũng phải đón thêm nhiều bệnh nhân..."

Thấy hai người đều nghiêm túc ghé tai lắng nghe, bác sĩ Chu lại không muốn nói tiếp nữa. Bác xua tay, đưa đơn thuốc cho Nhiếp Chấn Hoành.

"Tôi kê đơn bôi ngoài cho cậu, nhớ về bôi một tuần đấy nhé."

Bác sĩ Chu nói thầm trong dạ, không chỉ trẻ vị thành niên, mà người trưởng thành cũng có nhiều vấn đề tâm lý. Những ai không vượt qua được khúc mắc trong lòng, bác sĩ có khuyên cách mấy cũng vô dụng. Có điều mấy lời này không tiện nói ra, bác sĩ chỉ phẩy tay đuổi người, "Đi về đi, trước Đoan Ngọ lại đến lần nữa nhé. Ra ngoài gọi số tiếp theo cho tôi."

*

Khi hai người về thì đã gần đến giữa trưa.

Chuyến bus về thưa thớt người đi, Nhiếp Chấn Hoành dẫn Lâm Tri ngồi xuống hàng ghế đằng sau, vẫn không chạm vào ghế ưu tiên màu đỏ. Lâm Tri không phát hiện ra tâm trạng của người đàn ông, cậu hẵng còn quan sát món đồ trong tay, chốc chốc lại chọc chọc ngửi ngửi.

"Em không thấy mùi khó chịu à." Nhiếp Chấn Hoành buồn cười nhìn cậu.

Đó là thuốc Bắc mà bác sĩ Chu kê cho anh, toàn là thảo dược nghiền thành bột phấn, về nhà hòa ra thành cao đắp lên mắt cá chân, không khác gì cao dán cho gân cốt, đều nồng mùi thuốc.

"Không khó chịu ạ."

Lâm Tri lại ghé vào mép túi giấy hít một hơi, "Thơm mà."

Nhiếp Chấn Hoành còn tưởng lần này đơn đổi thuốc mới, anh nghiêng đầu tới trước mặt Lâm Tri cũng ngửi thử cho biết, ai dè mùi thuốc xộc lên khiến anh phải hắt xì rõ to.

"Mũi của em đúng là..."

Nhiếp Chấn Hoành cảm thấy có lẽ khứu giác của hai người chênh nhau hơi bị xa, nhất thời chẳng biết nên nói gì. Đúng lúc này, xe dừng lại trạm, đám đông bước lên. Một người phụ nữ ăn mặc thời thượng mô-đen đi lướt qua họ.

Lần này đến lượt Lâm Tri chun mũi.

"Mùi ghê quá."

Cậu giơ tay bóp mũi, như thể chuẩn bị nín thở.

Chẳng bao lâu sau mặt cậu đã đỏ bừng vì nghẹn khí.

Mùi son phấn nồng nặc phả tới từ lối đi cũng chui vào khoang mũi Nhiếp Chấn Hoành. Anh ý thức được cậu nhóc đang chê bai thứ gì, lòng bỗng thấy mắc cười quá đỗi.

Cái tên ngố này. Không ghét mùi thuốc, mà lại ghét hương nước hoa phụ nữ à?

Thế thì về sau cưới vợ kiểu gì?

"Chúng ta đổi chỗ nhé?"

Nhiếp Chấn Hoành vốn đang ngồi bên trong, Lâm Tri ở bên ngoài. Thấy cu cậu sắp nín thở hết nổi, anh vội mở cửa sổ, nhấc eo cậu lên, chuyển cậu qua ngồi kế cửa sổ.

Bản thân anh thì thuận thế ngồi ra mạn ngoài.

Cánh tay anh rất khỏe, nâng nhẹ một cái là nhấc được Lâm Tri ngay. Chẳng qua tuy cậu thanh niên gầy gò, nhưng người lại cao dong dỏng, cơ thể cả hai vẫn cọ xát vào nhau lúc họ đổi vị trí ngồi.

Mông của cậu nhóc sượt qua hông anh, mang theo xúc cảm mềm mại khó lòng bỏ qua nổi, khiến thân thể Nhiếp Chấn Hoành như có dòng điện chạy qua, rồi cứng còng lại.

... Cái quái gì đây, hay là tại mình ăn chay lâu quá?

Nhiếp Chấn Hoành cúi đầu nhìn bộ phận hơi có phản ứng, thầm muốn chửi bậy ——

Đương nhiên là chửi bản thân.

Anh nhấc túi giấy khỏi tay Lâm Tri, đặt giữa hai chân, rồi lại lấy một điếu thuốc ra từ túi quần, tính xuống xe thì rít, để giảm bớt phản ứng khó hiểu trên cơ thể.

Người bên cạnh thì chẳng mảy may nhận ra sự xấu hổ của anh.

Thậm chí sau khi há miệng hít một hơi căng đầy bầu không khí bên ngoài, cậu còn gí mặt gần cổ anh, lại ngửi ngửi.

"Người anh Hoành, cũng thơm."

[HẾT CHƯƠNG 32]


Chương 33: Nuôi béo thêm chút nữa

Hồi trẻ Nhiếp Chấn Hoành cũng từng có mấy cô bạn gái.

Tuy anh học hành không ra gì, nhưng nhờ phước bố mẹ nên mặt mũi còn ra dáng ra hình. Hồi anh đi học cũng không chuộng mốt mỹ nam như hoa gì gì đó. Một cậu trai trẻ cao lớn vạm vỡ lại hay chơi bóng vẫn rất được lòng các bạn nữ trong trường.

Thời trẻ ai mà chẳng từng xao xuyến lòng Xuân. Trước kia Nhiếp Chấn Hoành từng có mấy mối tình, nhưng sau khi cảm giác mới mẻ qua rồi, anh chỉ cảm thấy phiền nhiễu.

Vì có một bà chị ruột, nên từ nhỏ Nhiếp Chấn Hoành đã có địa vị thấp hơn trong gia đình. Bị chị mình vần vò tra tấn, nên anh có hiểu biết sâu sắc về giống sinh vật tên là con gái từ hồi còn tấm bé.

Khi đó Nhiếp Chấn Hoành không nhàn nhã và độ lượng như bây giờ, anh vẫn là một cậu nhóc choai choai. Anh chịu không phản kháng nổi bà chị mình, chứ nếu yêu sách của bạn gái mà vượt quá giới hạn trong lòng anh, thì Nhiếp Chấn Hoành sẽ không kiên nhẫn hầu hạ nữa.

Có thì giờ sức lực để dỗ dành bọn con gái, chẳng thà làm hai ván bóng rổ còn khỏe hơn!

Sau này không theo đường sách vở nữa, anh với mấy đứa bạn hùn nhau lập nghiệp. Dạo ấy anh chẳng bói đâu ra sức mà yêu với đương, chỉ đổ hết tâm tư vào sự nghiệp. Cực khổ bao nhiêu năm ròng, vất vả lắm nhà máy mới lên quy mô lớn, bắt đầu có lời lãi, thì một sự cố lại bất ngờ xảy ra. Xưởng mất, anh em cũng chẳng còn.

Mà chính anh, cũng trở thành một kẻ tàn phế.

Sau vụ ấy, Nhiếp Chấn Hoành cô đơn đến tận giờ.

Anh cảm thấy một thằng què chẳng có chí hướng gì như mình, yêu ai là làm lỡ dở đời người ta. Chi bằng cứ tạm bợ ở vậy một mình, vui vẻ tự tại.

Nhiếp Chấn Hoành không có quá nhiều nhu cầu về mặt tình dục, thi thoảng hứng đến thì giải quyết bằng tay là được. Hôm nay có thể coi là lần đầu anh có phản ứng giữa ban ngày ban mặt ở chốn đông người. Nếu không phải lúc ấy người bên cạnh là một cu cậu đần thối lơ ngơ, thì e là anh đã xấu hổ chẳng có lỗ nào chui.

Cái nồi trên bếp sôi ùng ục, mùi khét do nấu quá tay chui vào lỗ mũi, kéo dòng suy tưởng đang bay xa của Nhiếp Chấn Hoành về.

Anh vội vàng vặn bếp xuống mức nhỏ nhất, rồi lại đổ thêm nửa bát nước vào nồi, may không làm hỏng cả nồi thuốc.

Tập trung đun thêm một lát, thuốc cô lại thành chất keo lỏng dưới đáy nồi. Nhiếp Chấn Hoành cạo lớp cao ra bằng thìa thép, lê chân về sofa ngồi xuống.

Một cái bát thủy tinh to bằng nắm tay đang được bày trên bàn nước trước mặt anh, bột phấn được trộn sẵn đã đầy non nửa bát. Nhiếp Chấn Hoành cho chất keo lỏng trong thìa thép vào bát quậy đều với bột, vậy là xong một bát thuốc mỡ đen tuyền.

Anh nhấc chân trái lên đặt cạnh bàn nước, bôi thuốc lên mắt cá chân đầy điệu nghệ, đắp một lớp thật dày. Rồi anh băng nó lại năm sáu vòng bằng gạc, cuối cùng cũng hoàn thành lời dặn của bác sĩ.

Nhiếp Chấn Hoành lại đứng dậy vào bếp dọn dẹp nồi niêu bát đũa. Bấy giờ anh mới ngẩng lên nhìn đồng hồ treo tường, ngạc nhiên phát hiện đã 7 giờ tối rồi.

Anh vẫn để Lâm Tri dưới lầu!

Vì sáng nay đi thăm bệnh, nên anh không mở cửa hàng, chiều họ về lại có mấy khách ghé thăm.

Nhiếp Chấn Hoành nhận đơn, sửa giày trong tiệm đến hơn 4h, làm xong hết việc rồi gọi Lâm Tri xuống trông quán, mình thì lên lầu bôi thuốc.

Vì có một loại thuốc phải đun, nên Nhiếp Chấn Hoành tiện thể đánh một giấc ở nhà. Thức dậy chờ thuốc đun xong, anh lại ngơ ngẩn một lát, đến giờ này từ lúc nào chẳng hay.

Bụng anh đã bắt đầu réo rồi, không biết cậu nhóc dưới lầu có đói không.

Nghĩ vậy, Nhiếp Chấn Hoành lê đôi xăng đan, lấy chìa khóa rồi đi ra ngoài.

Vào Hè, trời tối muộn hơn. Lúc xuống lầu Nhiếp Chấn Hoành còn có thể thấy mảng ráng chiều cuối cùng ở tít chân trời, nhuộm một lớp tím xám dìu dịu lên phố xá.

"Sao chỉ bật một đèn thế này?"

Anh bước vào tiệm giày, phát hiện trong tiệm đã nhuốm bóng đêm trước cả ngoài kia.

Chỉ có một nguồn sáng nhỏ ở giữa phòng, hắt lên người đang nghiêm túc vẽ vời trước bóng điện, phác họa những đường nét yên bình và tuấn tú của góc nghiêng gương mặt cậu thanh niên.

Ánh sáng tù mù ấy tỏa ra từ chiếc đèn bàn trên kệ để dụng cụ. Đối diện bảng vẽ, ngoài góc nhỏ đó ra, thì xung quanh đều đã tối sầm.

Tách.

Nhiếp Chấn Hoành bật công tắc đèn ở cạnh tường.

Bấy giờ toàn bộ căn phòng mới sáng bừng, bao bọc một vầng hào quang ấm áp quanh hai người bên trong.

"Đói chưa?

"Xin lỗi em, anh xuống hơi muộn." Từ khi Lâm Tri đến tiệm giúp việc, tối nào hai người cũng ăn cơm vào khoảng 6 giờ. Hôm nay ăn giờ này đã là muộn lắm rồi. Nhiếp Chấn Hoành sợ cắt ngang mạch suy nghĩ của cậu họa sĩ, chỉ dịu giọng đề nghị, "Hay là mai vẽ tiếp nhé? Đừng để hỏng mắt."

Dưới ánh đèn, đôi cánh bướm chớp chớp, người ngồi bên bảng vẽ đáp "Dạ", rồi mới chậm chạp buông bút xuống.

"Ngày mai, ngày kia, ngày kìa."

Lâm Tri nhìn bảng vẽ, thốt ra mấy từ.

Phải mất một thoáng thì Nhiếp Chấn Hoành mới đoán ra có lẽ cậu em hàng xóm đang nói bao giờ vẽ xong bức họa dang dở.

"Không vội. Em vẽ ba hôm chưa xong, thì năm hôm là xong ấy mà."

Anh giúp Lâm Tri mang ống đựng bút dính đầy màu vẽ ra sân sau rửa sạch, trả lời Lâm Tri như đang dỗ trẻ con, "Cứ vẽ từ từ, tỉ mẩn thì mới thành tác phẩm tinh tế được chứ."

"Dạ!"

Nhiếp Chấn Hoành rửa xong ống đựng bút thì phơi những chiếc cọ sạch cạnh bồn.

Anh xoay người lại, đang chuẩn bị lau tay thì bỗng choáng váng trước đôi má lúm đồng tiền đằng sau.

"Khụ. Đi thôi, tối nay anh khao em một bữa tiệc to nhé."

Bụng Nhiếp Chấn Hoành đang kêu rền rĩ, anh chắc mẩm Lâm Tri đã phải chịu đói một lúc lâu, giọng điệu mang theo vẻ hối lỗi. Nhưng Lâm Tri lại chẳng nhận ra gì cả, chỉ đi theo người đàn ông ra ngoài, giọng đượm vẻ hoài nghi.

"Nhưng ngày nào cũng thế mà?"

Lâm Tri không hiểu tại sao anh Hoành lại phải nói riêng một câu như vậy.

Chẳng phải ngày nào anh Hoành cũng bao mình ăn à?

Cậu hồi tưởng lại chỗ cơm hộp mình từng ăn, và cả những bữa cơm sau hai tuần dọn xuống dưới này, liếm liếm môi, cảm thấy bữa nào cũng là tiệc to.

—— đương nhiên, trong nhận thức của bạn Lâm Tiểu Tri thì tiệc to luôn đồng nghĩa với đồ ăn ngon.

"Hóa ra ngày nào cũng là tiệc to ạ?"

Chẳng hiểu sao, Nhiếp Chấn Hoành lại bị lời này của cậu nhóc lấy lòng. Anh cười xoa đầu Lâm Tri, "Vậy thì bữa nay to hơn bữa trước nhé."

Phố ẩm thực kế bên có một quán bán đồ ăn Diêm Bang, cay nồng thơm nức, chủ quán là dân gốc Diêm Đô. Hồi Tết liên hoan với gia đình Nhiếp Chấn Hoành từng qua đấy một lần, anh cảm thấy quán nấu rất được, lượng ăn cũng đầy đặn.

(Ẩm thực Tự Cống Diêm Bang, là một nhánh của món cay Tứ Xuyên, có văn hóa lưu truyền và tích lũy hơn trăm năm, có nét đặc trưng riêng của vùng Tự Cống. Những món ăn vùng này có liên quan đến khẩu vị và tập tính sinh hoạt của những người buôn muối, nguyên liệu nấu ăn chủ yếu là thỏ, bò, ếch, cá, v.v.

Diêm Đô là một quận thuộc địa cấp thị Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, TQ)

Tuy rằng hai người ăn vậy hơi sang, nhưng thi thoảng cải thiện bữa ăn vẫn là điều thiết yếu.

Nhiếp Chấn Hoành ôm bả vai thon gầy của người bên cạnh, đi về con phố phía trước, nghĩ thầm ——

Nếu đã giúp việc cho tiệm anh, thì thân là ông chủ, anh cũng không thể bạc đãi người ta được.

Phải nuôi chú nhóc béo thêm chút đỉnh.

Kẻo không lúc ôm lại cộm xương đau hết cả người.

[HẾT CHƯƠNG 33]


Chương 34: Sao cũng được

Vào Hè, thời tiết mỗi lúc một nóng nực hơn. Rõ ràng còn chưa tới thời điểm nóng nhất trong năm, mà đứng ngoài một lúc là về nhà có thể vắt áo quần ra nước ngay.

Với những người làm ăn buôn bán bên ngoài, có nóng thế chứ nóng nữa họ vẫn gần như chẳng được lúc nào lười biếng ăn lương. Nghỉ thêm một hơi có thể sẽ đồng nghĩa với bớt đi một món tiền nuôi gia đình. Chỉ lúc nào không có khách đến, họ mới được dừng lại lau mồ hôi, lén hưởng thời khắc nhàn hạ hiếm hoi.

May thay những người này không bao gồm bà con trong khu tập thể cũ của xưởng máy móc.

Phần lớn mọi người đều là dân địa phương đã an cư lập nghiệp ở đây mười mấy năm. Tuy không sống quá giàu sang phú quý, nhưng chí ít cũng có của ăn của để, chẳng lo cái ăn cái mặc. Dù họ mở quán buôn bán, nhưng thực ra giống kiếm việc giết thời gian hơn. Bao giờ có khách thì họ niềm nở đón khách, còn những lúc kia, họ hoặc cầm quạt hương bồ tâm sự hóng hớt, hay lập xới mạt chược ù bài. Nói chung cuộc sống giản đơn của họ trôi qua vô cùng nhàn nhã.

Ở thành phố này lâu, người ta cũng vô thức hòa mình vào tiết tấu chậm rãi độc đáo của nơi đây, lười dần nhác thêm.

Những cửa hàng mở trong khu tập thể, phần đông đều chỉ có khách quen lui tới. Tuy lưu lượng khách không nhiều bằng các khu kinh doanh bên ngoài, nhưng thắng ở chỗ ổn định. Nhóm khách cũ mua theo thói quen, dù đằng ấy có đóng tiệm mấy hôm, họ cũng chẳng qua chỗ khác mua. Bao giờ đằng ấy về, họ càu nhàu vài câu rồi hôm sau vẫn qua mua hàng như thường.

Tiệm sửa giày của Nhiếp Chấn Hoành lại càng không cần phải nói.

Trong phạm vi một hai cây số quanh đây, chỉ có mình quán anh làm nghề này. Chỉ cần không phải hạng ăn xài phung phí hỏng giày là vứt, thì người ta đều tới nhờ anh sửa lại cho. Huống chi anh còn kiêm thêm mấy việc vặt như sửa ô mở khóa đổi phéc mơ tuya, bình thường có đồ dùng gì trong nhà không sửa được, mọi người toàn qua hỏi anh.

Cũng chính bởi vậy, nên Nhiếp Chấn Hoành mới sống kiểu "há miệng chờ sung" như thế —— dù gì cũng có cái ăn tìm tới tận miệng.

Nhưng giờ, quán có thêm một miệng ăn, Nhiếp Chấn Hoành ít nhiều cũng có thêm động lực để kiếm tiền.

Dù gì một gã quê mùa như anh, chăm sóc bản thân búa xua thì không sao, nhưng Lâm Tri là một đứa trẻ nít mới hơn 20 tuổi, nụ hoa còn chưa nở hết, không thể để cu cậu chịu đói được.

Nhắc mới nhớ, dạo này Nhiếp Chấn Hoành mở cửa hàng sớm hơn rất nhiều.

Vốn dĩ anh ngủ đến 9-10 giờ là chuyện thường tình, nhưng hình như đồng hồ sinh học của cậu nhóc luôn bắt đầu từ rất sớm. Mấy ngày đầu, Lâm Tri toàn xuống lầu đứng ngoài tiệm sửa giày đợi anh từ sáng sớm tinh mơ. Nhiếp Chấn Hoành không biết, nên ngủ no ở nhà rồi mới nhàn nhã đi xuống, kết quả anh phát hiện cậu nhóc mặc áo quần mỏng manh ôm bảng vẽ một mình, ngồi chăm chú vẽ tranh trên bậc thềm.

Ngồi lẻ loi như thế chẳng biết đã bao lâu.

Thằng nhóc này, thấy anh chưa mở cửa thì không biết vào phòng đợi trước hay sao?

Nhiếp Chấn Hoành đi tới định làu bàu mấy câu, ai dè người ngồi trên thềm lại ngẩng đầu lên nhoẻn miệng cười với anh, tiện thể hắt xì một cái cực kỳ đáng thương.

Thế là Nhiếp Chấn Hoành chẳng thể nào răn dạy gì nổi. Anh muộn màng nhận ra có lẽ mình đã rước một cục phiền vào người. Nhưng nhìn dáng vẻ ngây thơ ngơ ngác của Lâm Tri, anh lại cảm thấy cục phiền này cũng chẳng hề gì.

Thôi vậy.

Hồi xưa lúc anh quản cả chục cả trăm người, chẳng phải cũng thế hay sao?

Giờ chỉ cần chăm sóc thêm một cậu ngố lơ ngơ, cũng chẳng tốn mấy sức lực của anh.

Kết quả là, anh thợ sửa giày luôn tuân thủ quy tắc "ngủ no mới sống được lâu" phá lệ đặt đồng hồ báo thức trong di động, ngày ngày xuống lầu từ sáng sớm kéo cửa cuốn lên, trở thành một phần trong cảnh tượng ồn ào náo động của thành phố vào mỗi sáng.

Nhiếp Chấn Hoành không cảm thấy đây là chuyện to tát, còn Lâm Tri luôn đắm chìm trong thế giới của riêng mình thì càng là chẳng hề hay biết gì.

Ngược lại, Vương Kim Bảo cách vách lại kêu la oai oái cảm thán, mặt trời mọc đằng Tây rồi.

"Ngày xưa khách tới quán kêu chú lấy tiền, chú còn lười chẳng thèm xuống!" Vương Kim Bảo chặc lưỡi lấy làm kỳ, "Ngọn gió nào thổi, mà làm chú phơi phới thế?"

Nhiếp Chấn Hoành cuốn cửa lên, móc một điếu thuốc đưa cho Vương Kim Bảo, chặn miệng chú ta lại.

"Ngủ sớm dậy sớm tốt cho sức khỏe."

Anh ho nhẹ, nói xong lại không nhịn nổi ngoái đầu liếc về phía người đang bật đèn trong nhà.

Kết quả anh lại phát hiện, cậu chạy vặt đi xuống cùng anh hoàn toàn không theo dõi cuộc trò chuyện giữa hai người. Cậu đang nghiêm túc đùa nghịch dụng cụ và giá vẽ trong phòng, chuẩn bị bắt đầu công việc một ngày mới.

Cuộc sống của Lâm Tri luôn rất theo quy củ.

Giờ thức dậy, giờ đi ăn, giờ vẽ tranh, đều có thời gian cố định. Tựa như một chú robot lên dây cót, cậu chỉ làm những gì mình đã quen thuộc dựa theo kế hoạch định sẵn, như thể chỉ khi làm thế, cậu mới có thể an tâm.

Nhiếp Chấn Hoành đã loáng thoáng nhận ra tình trạng của Lâm Tri. Anh thầm cảm thấy không ổn lắm, nhưng lại không dám mạo muội thay đổi cậu.

Nếu anh đoán không nhầm, có thể cậu nhóc mắc phải tật nhỏ gì đó. Từ nhiều hành vi trước đó của Lâm Tri, và những cử chỉ đơn thuần do bị mẹ bảo bọc quá đà, anh đều có thể nhận ra vài vấn đề.

Nhưng bản thân Nhiếp Chấn Hoành cũng có vết thương lòng, anh biết bị người khác chạm nọc sẽ khó chịu thế nào. Cho nên, anh sẽ không tự tiện đụng vào vùng cấm địa của cậu em hàng xóm.

Nhiếp Chấn Hoành cảm thấy, nếu Lâm Tri muốn nói, thì sớm muộn gì cậu cũng chủ động bày tỏ.

Nhưng anh lại quên mất rằng, chú nhóc mà anh quen lơ ngơ đến mức nào. Ngơ tới mức nếu anh không mở miệng hỏi, người ta cũng chẳng ngẫm được đến chỗ đấy.

Phải đến một sự kiện nhỏ nhặt, thì Nhiếp Chấn Hoành mới tình cờ chạm tới khiếm khuyết mà Lâm Tri chưa từng che giấu bao giờ. Chính bởi đã liếc trộm được chuyện ấy, nên anh mới rốt cuộc không thể làm lơ tiếng lòng mình được nữa.

*

Bữa tiệc món Diêm Bang mà Nhiếp Chấn Hoành bao thầu tối hôm nọ đã giúp hai anh chàng ăn no căng.

Cậu chạy việc Lâm Tri chẳng rõ tập được thói quen tốt từ bao giờ, còn tiết kiệm hơn cả chủ xị là anh. Trước khi ra về, cậu bảo nhân viên gói mấy món họ chưa ăn hết lại, vì thế mấy bữa nay họ đều tập trung tiêu diệt đồ ăn thừa trong tủ lạnh.

Một số dùng để nấu cơm trộn, một ít để làm món kèm khi ăn mỳ. Chẳng qua món nào cũng mặn mà dầu mỡ cay nồng. Chưa nói đến Lâm Tri, chính bản thân Nhiếp Chấn Hoành ăn còn thấy bứ cả cổ, tối ngủ tê hết miệng.

Chí ít hôm qua họ đã tiêu diệt sạch sẽ tất cả đồ ăn trong tủ, hôm nay Nhiếp Chấn Hoành bèn tính mua một con cá trích, hầm canh cá trích để hai người ăn cho bớt mỡ màng.

Đi khoảng 1-200 mét khỏi khu tập thể cũ là đến một khu chợ lớn.

Khoảng 4-5 giờ chiều, mặt trời phơi mặt suốt ngày rốt cuộc cũng xuống núi. Nhiếp Chấn Hoành hóng mát nghỉ ngơi đủ đầy, bèn đứng dậy khỏi chiếc ghế ngả, duỗi người tính đi mua đồ ăn. Anh đi vào trong phòng, mở ngăn kéo tủ để dụng cụ ra, lấy một mớ tiền lẻ, đếm số tiền.

Trước khi ra ngoài, bước chân Nhiếp Chấn Hoành khựng lại bên cạnh một người khác trong phòng.

Anh cũng chẳng biết mình đang nghĩ gì, mà ma xui quỷ khiến thế nào lại khom lưng cúi xuống cạnh người đang nghiêm túc vẽ vời, quan sát tác phẩm mới của cậu nhóc, tiện thể hỏi thêm một câu.

"Tối nay ăn canh cá nhé. Còn muốn ăn gì không?"

Giọng nói đột ngột vang lên bên tai, cái tay cầm cọ của Lâm Tri run lên.

Bởi vậy, cục màu đọng lại trên tấm bạt, như thể bị mất đi một mảng pixel vậy. Nhiếp Chấn Hoành đợi mãi mà không có tiếng tăm gì, bấy giờ mới để ý vệt vô duyên trên bức họa, bỗng thấy hơi ảo não.

Anh cảm thấy có khi hồi đấy mình không chỉ què chân, mà đầu óc cũng què quặt theo rồi.

Nếu chẳng thế, làm sao một kẻ đã hơn ba chục như mình lại lỗ mãng như thế, phá hỏng cả bức tranh đẹp của cậu nhóc nhà người ta.

Nhưng Lâm Tri lại không tức giận.

Cậu vẫn cầm cọ, chỉ duỗi tay dấp ít nước sạch trong ống đựng bút, nhẹ nhàng quẹt nhòe chỗ mình vừa chọc phải. Bức tranh như bị mất một góc lại lưu loát tự nhiên như ban đầu.

Cậu vừa đưa ngòi bút, vừa nghiêm túc dượt lại câu nói của người đàn ông trong đầu, rồi mới chậm chạp đáp, "Sao cũng được ạ."

Món canh trăng trắng ấm áp còn tỏa hơi nóng hiện lên trong đầu Lâm Tri.

Đó là ký ức về bữa cơm mà cậu từng thưởng thức. Uống hết một ngụm canh, trong bát vẫn còn mấy miếng thịt bụng cá không xương, mềm mại, bỏ vào miệng là tan ra ngay, tất cả đều là hương vị của mẹ.

Lâm Tri không khỏi liếm đôi môi khô khốc.

Canh cá trích, ngon lắm.

Nhiếp Chấn Hoành cũng để ý thấy đôi môi đỏ tươi lạ thường của cậu nhóc.

Nhưng điều anh nghĩ tới lại là... e là mấy nay ăn đậm dầu mặn muối quá nên bị nóng trong người đây.

Ánh mắt Nhiếp Chấn Hoành dừng lại vài giây trên đôi môi kia, rồi mới liếc qua chỗ khác. Anh ho nhẹ, "Vậy thì anh mua thêm ít ngó sen nhé. Ngó sen xắt lát xào chua ngọt, ăn cho giải nhiệt."

Nói xong, anh cũng không đợi Lâm Tri gật đầu, mà quay đi lê cái chân què ra khỏi cửa hàng luôn.

Lâm Tri ngồi trong phòng, nhìn theo bóng người đàn ông từ đằng xa, hơi nghi hoặc ngoẹo đầu —— Sao hôm nay anh Hoành đi nhanh thế?

Ồ.

Xem ra miếng thuốc dán bọc kỹ như cái bánh ú trên chân anh Hoành hữu dụng quá nhỉ.

Đến lúc Nhiếp Chấn Hoành mua đồ ăn xong quay lại, anh chợt phát hiện trong tiệm có thêm một khách hàng.

"Tiểu Lâm à, cậu thấy sao?"

Người đàn ông đeo kính ngồi xổm trong phòng, như thể đang thương lượng chuyện gì đó với cậu thanh niên ngồi trước bảng vẽ. Nỗi nghi hoặc nảy lên trong lòng Nhiếp Chấn Hoành, anh đi vào treo đồ ăn lên tường, chào hỏi khách, "Anh Hà ạ?"

Hà Khiêm thấy ông chủ tiệm về thì vội vàng đứng lên, đẩy mắt kính nói với Nhiếp Chấn Hoành, "Chào ông chủ Nhiếp nhé. Hôm nay tôi có việc thì mới đến chơi nhà, tới vái tứ phương nhờ hai chú giúp tôi đây."

"Bọn em á?"

Nhiếp Chấn Hoành đưa mắt về phía Lâm Tri đang ngồi cạnh mình.

Quan sát mấy lần, thấy mặt cậu nhóc vẫn lạnh te như mọi ngày, anh mới thôi không nhìn nữa, cười hỏi Hà Khiêm, "Chuyện gì vậy anh?"

"Hầy, tại công việc khốn nạn của tôi chứ sao nữa!"

Hôm nay Hà Khiêm đeo đôi giày da bóng loáng, còn kẹp một cái cặp táp đắt đỏ dưới nách, trông như vừa tan làm.

"Chú cũng biết mà, trước giờ tôi luôn làm nghề biên tập tạp chí."

Thay vì nói Hà Khiêm chuyện trò với Nhiếp Chấn Hoành, chi bằng bảo anh ta đang kể lể cho cậu thanh niên bên cạnh nghe thì đúng hơn, "Trước kia tôi toàn theo mảng tài liệu, phải đi lại phỏng vấn khá thường xuyên. Nói toẹt ra là lương thì thấp việc linh tinh thì nhiều!" Anh ta càu nhàu mấy câu, nhưng biểu cảm vẫn khá tươi tỉnh, "Dạo này nhà xuất bản bên tôi đang điều chỉnh cơ cấu, bản thân tôi cũng muốn đổi hướng, nên chuyển qua làm tổng biên tập cho bộ phận sách báo nhi đồng.

"Không phải lao tâm lao lực như trước, coi như được thăng một chức nhỏ. Nhưng dù sao cũng là chuyển qua hướng mới, tôi cũng có lắm chỗ đau đầu." Hà Khiêm xoa thái dương, cúi đầu lấy một quyển sách mỏng khoảng cỡ A5 ra khỏi cặp táp, đưa cho Nhiếp Chấn Hoành.

"Khổ nỗi, chủ đề cho số tháng sau đã chọn xong rồi, nội dung cũng chuẩn bị được hòm hòm, nhưng đột nhiên một họa sĩ lại bị bóc phốt đạo tranh, không thể dùng bản phác đấy được nữa. Bọn tôi tìm gấp họa sĩ khác hay hợp tác cùng, nhưng chẳng ai chịu nhận cả, tôi đang sầu bạc hết tóc đây!"

Hà Khiêm cười khổ nói, "Thật ra chỉ là một bức tranh minh họa thôi, không phức tạp gì. Nhưng gấp lắm, tôi lại mới lên chức, có tí trở ngại bên dưới. Giờ không tìm được ai thích hợp hơn, nên đành tới chỗ các chú thử vận may thôi chớ sao nữa?"

Nhiếp Chấn Hoành lật xem quyển tạp chí trong tay, quả thực đấy là sách báo nhi đồng.

Chữ to đoành, nội dung ít, nhưng lại có rất nhiều tranh minh họa sặc sỡ bắt mắt.

"Cho nên, anh tới là để..."

Nhiếp Chấn Hoành chủ động hỏi thay Lâm Tri, "Để đặt bản thảo của bé họa sĩ nhà em à?"

[HẾT CHƯƠNG 34]


Chương 35: Em không đọc

"Chẳng phải thế sao!"

Hà Khiêm giơ tay chỉ hai bức họa treo trên bức tường trong tiệm sửa giày, "Lần trước tới đây tôi đã để ý rồi, đấy là tranh Tiểu Lâm vẽ đúng không?"

Mắt anh ta chất chứa vẻ chờ mong. Đoạn, anh ta lại liếc tác phẩm còn chưa hoàn thành trên bảng vẽ của Lâm Tri, tha thiết bày tỏ, "Phong cách chủ đạo của tạp chí bên tôi cũng là màu nước, hoa cỏ chim thú, cùng lắm là mấy nhân vật hoạt họa đơn giản thôi, không khó vẽ đâu. Tôi thấy tranh của Tiểu Lâm màu sắc rất đậm đà, nội dung tranh cũng không trừu tượng, chắc chắn đủ trình độ để nhận bản thảo!"

Sợ Nhiếp Chấn Hoành không đồng ý, Hà Khiêm lại nói, "Ban nãy tôi cũng bảo Tiểu Lâm rồi, không bắt thằng bé vẽ không công đâu. Tiền nhuận bút bên tôi đều có hợp đồng ràng buộc, đã chọn thì nhuận bút sẽ về nhanh thôi.

"Lần trước tôi đã nói rồi mà, giờ tụi trẻ toàn kiêm nhiệm nhiều chức. Chú xem Tiểu Lâm làm thợ học việc trong tiệm này, bình thường chỉ có lương cứng thôi đúng không? Có thể lấy việc vẽ tranh làm nghề phụ mà! Thi thoảng nhận đơn riêng, ông chủ Nhiếp làm sếp cũng châm chước cho nhân viên tí nhé?"

Trước kia Hà Khiêm cũng đã chứng kiến quá trình Lâm Tri "vào ở" trong tiệm sửa giày của Nhiếp Chấn Hoành. Nhưng anh ta nào biết được, ông chủ Nhiếp là sếp xịn, nhưng cu thợ học việc lại không phải học việc real.

Chẳng những không học được bất kỳ kỹ năng sửa giày nào, mà còn chẳng có lấy nửa cắc tiền lương.

"Khụ, đương nhiên là em không có ý kiến gì rồi."

Nhiếp Chấn Hoành xoa chóp mũi, hơi nhột trước những lời ba láp của Hà Khiêm.

Nói cứ như thể anh là một ông sếp bất lương, o ép chú nhóc học việc đáng thương tới độ cu cậu chẳng dám hé răng, còn phải để người khác khuyên nhủ hộ.

Anh vội vàng đưa quyển tạp chí nhi đồng mình đang cầm cho Lâm Tri, đồng thời giải thích với Hà Khiêm, "Lâm Tri không học việc trong tiệm em đâu, chỉ ngồi đây giết thời gian với em thôi. Anh muốn đặt bản thảo của em nó thì cứ nói thẳng là được."

"Vậy à." Hà Khiêm đẩy kính, lại nhìn về phía Lâm Tri, "Thế thì... Tiểu Lâm, cậu nghĩ sao? Chịu nhận chứ?"

Bên ngoài là tiếng ồn ào náo động khi mọi người lục tục về nhà lúc chiều tà, nhưng trong tiệm sửa giày nho nhỏ này, bầu không khí lại lặng đi thật lâu.

Cậu thanh niên bị hai người đàn ông nhìn chăm chú vẫn cầm bút vẽ, không đưa tay ra nhận quyển sách mỏng kia. Cậu trốn sau bảng vẽ, tựa như một chú hamster sợ sệt, quan sát bìa tạp chí bằng ánh mắt hơi kháng cự.

Môi khẽ mím lại, không nói một câu.

Nhiếp Chấn Hoành nhìn theo ánh mắt Lâm Tri.

Mặt bìa là một bó hoa được ôm trong vòng tay đứa trẻ. Những chấm hồng đậm nhạt khác nhau nhuộm thành vẻ dịu dàng và thanh nhã của riêng loài hoa cẩm chướng, phối cùng những dòng chú thích đặc biệt ở rìa bìa tạp chí, liếc mắt một cái là có thể hiểu rõ hàm ý ẩn giấu và nội dung trong đó.

Nhưng Lâm Tri lại nhìn rõ lâu.

Ban đầu, Nhiếp Chấn Hoành còn tưởng cậu nhóc nhớ tới mẹ mình, không muốn nhận chủ đề sáng tác như thế. Nhưng về sau anh quan sát cẩn thận đôi mắt đen của cậu em nhà hàng xóm đang nhìn vào đâu, thì chợt phát hiện... hình như Lâm Tri chỉ đang, đọc chữ thôi.

Đúng vậy.

Tựa trẻ nhỏ mới học cách đọc, cậu đang phân biệt từng chữ được in trên bìa tạp chí.

Anh thầm lấy làm ngạc nhiên, còn Hà Khiêm đứng bên cạnh lại sốt sắng không chờ nổi, hỏi gặng, "Tiểu Lâm nghĩ gì đấy? Không biết vẽ gì hả?

"Không khó đâu! Chủ đề kỳ tới bên anh là Ngày Của Mẹ. Bộ phận truyền thông bên anh đã góp nhặt riêng rất nhiều lời nhắn mà các bé muốn gửi gắm cho mẹ, cho vào mục tương tác. Bức tranh minh họa còn thiếu nằm đúng ở mục ấy đấy.

"Tiểu Lâm, cậu cứ xem lướt đi, chọn cảnh nào đơn giản trong những bức thư ấy để vẽ là được!"

Nói đoạn, Hà Khiêm chủ động giật bản tạp chí in mẫu còn đang nằm trong tay Nhiếp Chấn Hoành đi. Anh ta lật sách loạt xoạt, tìm ra chuyên mục nọ, chỉ vào đấy cho Lâm Tri xem, "Nè, cậu nhìn đi, bên anh đã in hẳn thư tay của các độc giả nhỏ tuổi vào đây rồi!"

Trên trang sách rộng mở, những bức thư từ các bạn nhỏ ở khắp trời Nam bể Bắc đều được in trong đó.

"Sau này lớn lên, con muốn trở thành phi hàng gia. Vậy là con có thể chở hết những âu no của má bay ra ngoài không gian!"

"Em có một người mẹ rất hung rữ. Những lúc em không ngoan, mẹ sẽ như tử Hà Đông, kêu cà uồm cà uồm. Bố em nói thầm với em, thật ra ở trong lòng, mẹ là miu con đấy! Về sau em sẽ bớt nàm mẹ giận, mẹ sẽ kêu meo meo với em và bố ạ..."

"Chúc mẹ có một Ngày Của Mẹ thật vui! Con đã để giành 50 đồng tiền, khao mẹ ăn món mà mẹ thích nhất. Vậy nên, ba tháng nữa là sinh nhật con rồi, mẹ dẫn con đi ăn hăm ba gơ nha?"

Những màu mực khác nhau, những nét chữ đáng yêu riêng biệt, thậm chí còn có nhiều lỗi chính tả và phiên âm. Nhưng chúng đều có điểm chung, đấy là lời văn chan chứa sự chân thành và tình cảm của trẻ thơ, đọc lên vừa làm người ta ôm bụng cười, lại vừa khiến độc giả phải xúc động.

Nhiếp Chính Hoành đọc mấy bức thư này mà không nhịn nổi cười, nhưng liếc thoáng qua vẻ mặt Lâm Tri, nụ cười kia dần nhạt đi, hóa thành lắng lo.

"... Tri Tri?"

Bấy giờ Nhiếp Chấn Hoành đang tựa vào bàn để dụng cụ trong tiệm.

Lâm Tri ngồi ngay bên phải anh, còn Hà Khiêm thì ngồi xổm trước mặt hai người. Cổ tay phải đang chống bàn của Nhiếp Chấn Hoành đột nhiên bị Lâm Tri túm lấy, lực kéo đi kèm khiến thân thể anh không khỏi ngả về phía Lâm Tri.

Hình như cậu hàng xóm đang vô thức muốn kéo anh tới trước mặt mình làm một tấm khiên chống đao kiếm, dùng anh để tránh né động tác của Hà Khiêm.

"Sao thế?"

Nhiếp Chấn Hoành cảm nhận được cơn run rẩy truyền đến cổ tay mình. Những lời anh nghe thấy càng khiến trái tim anh run bắn.

"Không đọc đâu..." Sắc mặt Lâm Tri hơi tai tái, "Em không đọc đâu..."

Cậu co rúm người lại đằng sau Nhiếp Chấn Hoành, căng thẳng lắc đầu, "Đừng, đừng bắt em đọc... Em đần lắm..."

Câu này lộn xà lộn xộn không đầu chẳng đuôi. Lâm Tri lẩm bẩm, nhìn Hà Khiêm với vẻ mặt như thấy quái thú không bằng. Nhiếp Chấn Hoành thậm chí còn để ý cặp mắt đen bình thường luôn bình lặng không dao động của cậu thanh niên cũng tỏa ra vẻ hoảng sợ.

Hà Khiêm hoàn toàn không hiểu đầu cua tai nheo thế nào. Về phần Nhiếp Chấn Hoành, tuy không rõ thứ gì đã kích thích Lâm Tri, nhưng anh vẫn lập tức đứng thẳng người dậy, chắn cả Hà Khiêm và quyển tạp chí đằng sau thân hình cao lớn vạm vỡ của mình.

Chờ đến khi trong mắt Lâm Tri chỉ còn bóng dáng anh, Nhiếp Chấn Hoành mới dịu giọng nói với cậu, "Đừng sợ, đừng sợ mà."

Anh nâng tay trái, vỗ nhè nhẹ lên mu bàn tay đang nắm chặt cổ tay phải mình, "Không sao, đừng nhìn, chẳng có gì hay đâu. Không muốn vẽ thì mình đừng vẽ nữa, không sao."

[HẾT CHƯƠNG 35]


Chương 36: Anh hứa với em

Nhiếp Chấn Hoành quay đầu lại, ra hiệu bằng mắt để Hà Khiêm đi trước.

Hà Khiêm cũng hết hồn trước phản ứng của Lâm Tri, tuy không rõ nguyên do, nhưng anh ta vẫn ngượng ngùng ôm quyền nói lời xin lỗi với Nhiếp Chấn Hoành. Anh ta đứng dậy bỏ đi, nhưng hẵng còn ghi nhớ chuyện mình vừa đề cập. Trước khi về, anh ta để lại quyển tạp chí mẫu trên kệ hàng của tiệm sửa giày.

"Nào nào, anh ta đi rồi."

Cơ thể người trước mặt hẵng còn co rúm run rẩy, thậm chí cậu còn hớp từng hơi tựa một con cá bị mất nước, dường như không thể thở nổi. Nhiếp Chấn Hoành dứt khoát duỗi tay ấp lên phần gáy lộ ra của Lâm Tri, ôm cậu vào lòng mình.

"Suỵt, nghe anh này, thở ra, hít vào, đúng rồi, thở ra, hít vào..."

Anh vừa nói, vừa vỗ về từ đỉnh đầu xuống gáy cậu theo chiều tóc rủ, "Đúng rồi, cứ thế nhé, không sao đâu."

Động tác của Nhiếp Chấn Hoành rất dịu dàng, cũng vô cùng từ tốn.

Nhưng mỗi một cái ve vuốt, đều mang theo sức nặng khiến người ta an lòng.

Kim giây của chiếc đồng hồ treo tường nhảy từng chặp, mang theo tiếng tích tắc vừa quy luật vừa nhẹ nhàng.

Không biết nó đã xoay chuyển bao nhiêu vòng, tay Nhiếp Chấn Hoành cũng bất giác vỗ bấy nhiêu cái, cho đến khi nhịp thở của Lâm Tri dần đều lại, anh mới tiếp tục mở miệng lên tiếng.

"Tri Tri, em nhớ nhé."

Ngoài kia, tiếng ầm ĩ xô bồ đầu đường cuối ngõ vẫn ồn ã như thế, gần như sắp át hết chất giọng trầm thấp của người đàn ông, nhưng Lâm Tri lại nghe được.

Mỗi một câu từ, cậu đều nghe rõ ràng rành mạch.

"Em nhớ nhé, ở chỗ anh, không ai có thể ép em làm bất cứ chuyện gì."

Như thể có một cơn gió to vừa dịu dàng lại vừa mạnh mẽ, thổi tan hết những đám mây đen hỗn độn bao trùm trước mắt, làm cậu váng đầu hoa mắt vừa rồi.

Lâm Tri dần thoát khỏi nỗi kinh hoàng. Ánh chiều tà màu cam ấm rọi vào nhà qua ô cửa sổ, mạ một vầng hào quang ấm áp lên người đang che trước mặt cậu.

Người gần trong gang tấc tựa như một cây đại thụ to lớn, tán lá sum sê, cành nhánh chắc nịch. Trán cậu tựa lên thân cây, hơi cứng, nhưng lại khiến cậu an tâm vô cùng.

Lâm Tri túm vào vỏ cây, hít mùi thuốc lá nhàn nhạt trên áo quần người đàn ông, lòng dần lắng lại.

"Chú Nhiếp..."

Cậu hé miệng định lên tiếng, nhưng lối xưng hô mà cậu vô thức thốt ra lại khiến cậu hơi khựng lại.

"Anh Hoành." Lâm Tri vội sửa miệng.

Phần bụng mà trán cậu tựa vào run lên, có vẻ chủ nhân của nó đang cười.

"Thích gọi gì thì cứ gọi thế đi." Lâm Tri lại cảm nhận được hơi thở trên đầu mình, giọng nói phía trên vọng xuống, "Dù sao anh cũng già hơn em nhiều, gọi anh là chú cũng chẳng sao."

"Dạ."

Lâm Tri ừm hửm.

Cậu vứt bỏ chút nuối tiếc trong lòng đi, hơi quyến luyến cọ trán lên áo người đàn ông, rồi mới sụt sịt ngẩng đầu, "Anh Hoành ạ."

Chị Trương bảo rồi, không được gọi sai quan hệ.

"Ừ." Nhiếp Chấn Hoành chẳng quan tâm xưng hô xưng hiếc, anh chỉ xoa đầu Lâm Tri, cúi xuống quan sát biểu cảm của cậu, "Đỡ hơn chưa?"

Khóe mắt cậu nhóc hoe đỏ, may mà sắc mặt đã quay lại như mọi khi, không giống ban nãy nữa. Có điều đầm nước lặng thường ngày còn gợn sóng lăn tăn, đôi mắt đen láy long lanh ánh nước.

"Dạ." Lâm Tri gật đầu.

"Về sau, em sợ gì, thì đều có thể nói với anh Hoành nhé."

Nhiếp Chấn Hoành kéo một chiếc ghế, ngồi xuống trước mặt Lâm Tri, để mình cao bằng đầu gối cậu. Anh cố tình ép giọng xuống thật nhẹ, sợ lại làm chú nhóc hãi hùng, nên chỉ có thể hỏi ướm một câu.

Thật ra, Nhiếp Chấn Hoành hoàn toàn không có hứng thú với việc thám thính đời tư của người khác, nhưng nếu đấy là Lâm Tri, thì lòng anh lại không khỏi lo lắng nhiều điều.

Người trước mặt là một cậu ngốc lơ ngơ ngô ngố. Không hay hé răng, không thích biểu đạt, luôn đắm chìm trong thế giới của riêng mình, lơ là một tẹo thôi là có lẽ sẽ bị kẻ khác bỏ qua.

Anh không biết trước kia cậu nhóc từng trải qua chuyện gì, nhưng giờ họ đã qua lại với nhau, anh không thể vờ như không thấy được.

"Nói với anh ạ?"

Mí mắt hơi cụp bỗng nhướn lên theo lời người đàn ông nói, để lộ nỗi hoang mang và bối rối ẩn giấu bên trong.

"Ừ, nói với anh nhé."

Nhiếp Chấn Hoành vươn tay, nhẹ nhàng gỡ những ngón tay luôn nắm chặt bút vẽ của Lâm Tri ra.

Vừa rồi tay phải của Lâm Tri luôn vô thức siết chặt cây bút. Nhiếp Chấn Hoành lấy bút ra rồi, mới phát hiện mấy vệt móng tay sâu hoắm đã in hằn trong lòng bàn tay phải của cậu nhóc.

Anh thở dài khẽ khàng, xoa vết cấu kia bằng những ngón tay thô ráp, dịu giọng nói, "Nếu như em muốn nói."

"..."

Lâm Tri lại cụp mắt, ngẩn ngơ nhìn bàn tay đang xoa ấn cho mình của người đàn ông chằm chằm.

Đụn đất chất ứ trong lòng từ lâu dường như cũng bị ngón tay người đàn ông chạm vào, lặng lẽ được xoa lỏng.

Một lúc lâu sau, Lâm Tri mới hé miệng.

"Anh sẽ cười em mất."

Động tác tay của Nhiếp Chấn Hoành vẫn không dừng, anh chỉ nói.

"Không đâu."

Lâm Tri lập tức ngước mắt lên liếc người đàn ông.

Sắc mặt người đàn ông đứng đắn và nghiêm túc, anh còn đang một lòng một dạ xoa lòng bàn tay cho cậu.

"Em nói rồi, liệu anh có đuổi em đi không?"

Cậu lại hỏi.

"Không đâu."

Nhiếp Chấn Hoành vẫn trả lời như trước.

Đầu ngón tay Lâm Tri run rẩy, đụn đất sụp đổ, đất vụn rơi xuống.

"Anh hứa nhé?"

Cậu mím môi, đôi lúm đồng tiền trên má như phần trũng trên đồi đất, mềm xốp đến độ có thể biến mất bất cứ lúc nào.

"Ừ."

Nhiếp Chấn Hoành ngừng tay, bàn tay to rộng bao trọn tay phải của Lâm Tri, hứa hẹn với người đối diện ——

"Anh hứa."

Nhiếp Chấn Hoành không biết Lâm Tri muốn nói gì với anh.

Nhưng bất kể nội dung Lâm Tri nói có bất ngờ thế nào, thì câu trả lời của anh cũng không thay đổi.

Có lẽ hiện giờ anh còn chưa rõ rốt cuộc tình cảm mà mình dành cho Lâm Tri là gì.

Nhưng Nhiếp Chấn Hoành ý thức được rõ ràng, bản thân anh muốn bảo vệ bé con ngốc nghếch trước mặt anh đây.

Anh không thể chịu được việc thấy cậu sợ hãi, không thể chấp nhận nhìn cậu đau khổ. Anh chỉ muốn nuôi bé hamster ngô ngố này béo tròn, ngắm cậu chuyên tâm chơi những trò cậu thích hết cả ngày, chẳng cần phiền não về việc chi.

Vậy là đủ rồi.

Nha Đậu:

Tri Tri: Chít chít.

Lão Nhiếp: Không đâu.

Tri Tri: Chít chít chít chít chít.

Lão Nhiếp: Không mà.

Tri Tri: Chít chít chít.

Lão Nhiếp: Anh hứa đấy.

Tri Tri: Chít chít chít chít.

Lão Nhiếp: Anh cũng thích em.

(Khả năng hiểu ngôn ngữ lv10)

[HẾT CHƯƠNG 36]


Chương 37: Họa sĩ

Phải đến năm lớp 3, bệnh của Lâm Tri mới được phát hiện.

Trước đó, cậu chỉ là một em bé ngoan hơi ngố một tẹo trong cảm nhận của phụ huynh và giáo viên.

Hồi còn nhà trẻ, bé Lâm Tri không có gì khác biệt với những đứa trẻ còn lại.

Nhảy múa, ca hát, vẽ tranh, đếm số, giáo viên dạy thế nào, thì cậu sẽ làm theo như thế.

Cha mẹ của Lâm Tri đều ưa nhìn, nên cậu càng xinh xẻo đáng yêu. Hồi bé cậu ngoan vô cùng, cũng không hay quấy khóc, nên các cô và các bạn đều rất quý cậu. Khi ấy, Hứa Như – mẹ của Lâm Tri làm việc trong xưởng máy móc, người bố Lâm Kiến thì đi buôn bán bên ngoài. Cuộc sống của gia đình họ không phải sang giàu, nhưng cũng có thể coi là đủ đầy.

Về sau cậu lên tiểu học, tình hình dần thay đổi.

Ban đầu chỉ là giai đoạn học phiên âm.

A,o,e,b,p,m... Với những đứa trẻ bình thường, chúng chỉ cần đọc mấy lần là nhớ được mấy phụ âm và nguyên âm này. Nhưng trong mắt Lâm Tri, chúng lại giống những con nòng nọc, vòng tới vòng lui, trông đều từa tựa như nhau. Khi cả lớp viết chính tả, cậu luôn là đứa sai nhiều nhất. Lúc các bé cùng đọc phiên âm với nhau, cậu cũng toàn đọc lộn sang âm khác.

May mà trong sách giáo khoa có rất nhiều tranh mô tả ngữ cảnh. Hồi còn ở nhà trẻ Lâm Tri đã cực kỳ thích bôi vẽ, cậu cố gắng đối chiếu từng ký hiệu với những bức tranh hoạt họa và câu chuyện mà giáo viên kể, tốn bao nhiêu công sức, cuối cùng cũng nhớ đúng tất cả các chữ.

Sau nữa, là phải học chữ tương ứng với phiên âm.

Ban đầu, Lâm Tri vẫn theo kịp. Chẳng phải chỉ là chuyển mớ chữ ấy thành một đống hoa văn sao? Cậu đồ lại theo chữ trong sách mấy lần, nghiêm túc đọc phiên âm, rồi cũng nhớ được.

Nhưng về sau, những chữ phải học ngày một nhiều, thì Lâm Tri phát hiện mình hơi hoa mắt váng đầu.

Tại sao các bạn xung quanh chỉ cần nhìn lướt qua là có thể đọc được hết câu ngay nhỉ? Tại sao lần đầu đọc cậu chỉ toàn thấy những đường nét hỗn loạn nhảy nhót, phải cố gắng phân biệt chúng, thì mới có thể ghép đúng được những hoa văn trong đầu với chữ Hán trên sách vở và bảng đen?

Lâm Tri không biết.

Cậu cũng không dám nói với người khác về thế giới trong mắt mình.

Ở lớp có một bạn rất dốt Toán, mỗi lần làm sai bài tập, giáo viên dạy Toán toàn bắt bạn ý xòe tay ra, vụt thước vào lòng bàn tay bạn ý.

Lâm Tri lén lấy thước ra khỏi hộp bút của mình, thử vụt lên lòng bàn tay. Đau quá.

Cậu không muốn bị đánh.

Hơn nữa, cậu đọc chậm lại một tí, nhận mặt từng chữ, là vẫn hiểu được mà. Chắc hẳn cậu, không ngu đâu ý?

Thế giới của con trẻ đơn giản vậy đấy.

Lâm Tri không cảm thấy đây là chuyện lớn gì. Ông Lâm bình thường công việc bộn bề, ít khi về nhà. Bà Lâm bận làm nội trợ, chăm vén cuộc sống cho chồng và con trai. Cả bố và mẹ đều không chú ý đến tình hình học tập của con mình lắm, nên cứ thế, một mình Lâm Tri chăm chỉ làm theo phương pháp học tập của riêng cậu, học lên đến tận lớp 3.

Vì gặp khó khăn trong việc đọc chữ, nên lần nào làm bài Lâm Tri cũng làm rất chậm. Bài tập bình thường còn đỡ, cậu có thể dành nhiều thời gian ở nhà để làm hơn, nhưng đến lúc thi thố, thì Lâm Tri còn chẳng thể làm xong nổi bài thi. Dần dà, thành tích của cậu từ từ đi xuống.

Hứa Như vẫn luôn cho rằng con trai mình chỉ không nhanh nhạy bằng những đứa trẻ khác, ngốc nghếch chút thôi. Dù gì bình thường con mình học hành làm bài vô cùng nghiêm túc, không có vẻ gì là ghét học. Con thích làm nũng với cô, cũng hay chơi cùng tụi nhóc cùng tuổi. Ngoài việc bé hơi trầm hơn lũ con trai tuổi ấy, thì biểu hiện của Tiểu Lâm Tri hoàn toàn không có gì khác biệt với những đứa trẻ bình thường khác.

Mãi đến lớp 3, trong một cuộc thi đọc đặc biệt, điểm của Lâm Tri đội sổ cả lớp.

Sau khi trả bài về, giáo viên Ngữ Văn gọi Lâm Tri đứng dậy, nghiêm khắc phê bình đáp án râu ông nọ cắm cằm bà kia của cậu trước lớp.

Bình thường, Lâm Tri hơi mờ nhạt trong lớp.

Thường thì giáo viên sẽ thích các em chủ động phát biểu thể hiện, có điểm số xuất sắc hơn. Còn với những học sinh dốt điểm thấp, họ hay chú ý vào mấy đứa nghịch ngợm thích gây chuyện.

Lâm Tri chẳng liên quan gì đến hai thái cực này, điểm của cậu nằm ở tầm trung, biểu hiện bình thường, không hay lên tiếng, nhưng được cái cần cù chăm chỉ.

Trong một lớp 40-50 em, giáo viên hiếm khi điểm danh tới cậu. Chẳng ai ngờ nổi, một lần phân tích bài thi tầm phào lại tạo ra hậu quả khôn lường và không thể khắc phục trong quá trình trưởng thành và cuộc đời sau này của một đứa trẻ.

Đoạn văn khiến Lâm Tri bị điểm 0 cũng chẳng dài. Nó chưa đến nửa trang giấy, nội dung về một câu chuyện ngụ ngôn ngắn.

Có hai đứa trẻ, một bé thích đánh đàn, muốn làm nhạc sĩ; một bé yêu hội họa, muốn làm họa sĩ. Không may thay, cậu bé muốn làm nhạc sĩ đột nhiên bị điếc; cậu bé muốn làm họa sĩ, bỗng nhiên bị mù.

Về sau hai em gặp được một ông lão. Ông lão khuyên hai em rằng... Cậu bị điếc sẽ chuyển qua học vẽ tranh, cậu mắt mù thì bắt đầu đánh đàn... Rốt cuộc, cả hai đều gây dựng được thành tựu trong lĩnh vực của mình, nổi tiếng khắp năm châu.

Đoạn văn không dài, câu hỏi cuối bài cũng rất đơn giản.

Một câu là yêu cầu gạch đường lượn sóng dưới câu nói dẫn dắt hai đứa trẻ theo đuổi đam mê mới của ông lão; còn câu kia, là đặt một câu có từ "rốt cuộc".

Ông lão chỉ nói tổng cộng hai câu trong cả đoạn văn. Đề hỏi rất rõ ràng, ngoài Lâm Tri ra, các em khác đều trả lời đúng câu đầu tiên, chỉ mình Lâm Tri là gạch cả hai câu luôn.

"Đọc đề ấy, em không đọc đề hả? "Dẫn dắt hai đứa trẻ theo đuổi đam mê mới", mấy chữ to thế này, để chó ăn hết hay sao?"

Giáo viên Ngữ Văn cầm bài thi của Lâm Tri, giận sôi máu, "Còn cả bài đặt câu này nữa!"

"Cả lớp đều viết "rốt cuộc", còn em xem lại xem em viết gì? "Mỗi khi trời rét cực, mẹ đều mặc áo bông thật dày cho em"! Cô biết thời tiết bây giờ rất lạnh, nhưng em Lâm Tri à, cái từ "rốt cuộc" cô bảo em viết nó đang ở đâu?"

(Từ mà Lâm Tri phải viết là "终于" – rốt cuộc, nhưng do mắc chứng khó đọc nên ẻm đọc nhầm thành "冬天", nghĩa là mùa Đông. Em có sửa lại một chút cho bạn đọc dễ hình dung hơn.)

Lũ trẻ nít bé xíu, chưa hiểu "hành quyết công khai" là gì, nhưng nghe giáo viên đọc lại đáp án của Lâm Tri, cả lớp đều cười vang.

Chỉ mình Lâm Tri, đứng trước bàn học, là hoang mang bối rối siết chặt đôi tay, không biết nên trả lời thế nào.

Hóa ra, không phải là gạch chân hết những lời ông lão nói à.

Hóa ra, không phải là đặt câu với từ "rét cực" à.

"Được rồi, cô đã chỉ ra vấn đề giúp em rồi đấy. Em Lâm Tri, em dẫn trước đi, đọc diễn cảm lại từ đầu đến cuối đoạn văn này cùng các bạn. Sau tiết này, em tự sửa lại đáp án đúng bằng bút đỏ, rồi nộp cho giáo viên nhé."

Giáo viên Ngữ Văn cũng không muốn chì chiết Lâm Tri quá nhiều trước lớp, nên để cơ hội cho cậu sửa lỗi. Đoạn văn này có ngụ ý rất hay, cô muốn cho cả lớp đọc lại lần nữa, ôn bài cũ học bài mới.

Nhưng cô giáo đợi mãi, mà vẫn chưa thấy Lâm Tri mở miệng.

"Sao đấy? Sao em không bắt đầu đọc bài đi?"

Giáo viên Ngữ Văn cau mày, "Có hai đứa trẻ... Chuẩn bị, bắt đầu!"

"Có, có hai đứa trẻ, một bé thờ ích, thích..."

Lòng bàn tay Lâm Tri rịn mồ hôi.

Tầm nhìn của cậu mờ nhòe, những con chữ rối ren hỗn độn khiến người ta hoa mắt đang nhảy loạn lên nhanh hơn bất cứ lúc nào trước đây. Cậu chỉ có thể cố gắng mở to mắt, nhận diện từng chữ cái trên tờ giấy thi.

"Một thích nhạc sĩ, muốn làm... người đánh đàn... Một bé, một bé yêu họa sĩ, muốn làm... nhà hội họa..."


Chương 38: Đọc cho em

"Em ngu lắm."

Lâm Tri gục đầu xuống, muốn rút tay mình ra khỏi lòng bàn tay Nhiếp Chấn Hoành.

"Mẹ nói em mắc... một loại bệnh, khó nhận diện được chữ viết." Lâm Tri không nhớ tên căn bệnh ấy, chỉ có thể miêu tả vấn đề của mình một cách khô khan, "Hay nhìn nhầm thiên bàng, còn đọc sai thứ tự chữ, chữ nhảy lung tung, em không nắm bắt được..."

(Thiên bàng: Thiên bàng là khái niệm, là thuật ngữ được dùng trong lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ. Thiên bàng là bộ phận cấu thành nên chữ Hán (loại chữ hình thanh), được dùng để phân tích hình thể của con chữ trong tiếng Trung, từ đó ta phát hiện được nghĩa của chữ và âm đọc của chữ. .)

Hàng mi che đôi mắt rung động, tựa như chú bướm bị bó mình gắng vỗ cánh, nhưng dẫu làm cách nào cũng chẳng thể bay nổi.

"Ai cũng thích chế giễu em."

Những tiếng cười đùa hồn nhiên nhưng lại tràn ngập ác ý dường như lại vang rền quanh cậu. Lâm Tri cau mày, đọc lại những câu vè luôn văng vẳng bên tai từ ký ức của mình.

"Ve vẻ vè ve, chữ lộn lên đầu, đọc nhăng đọc cuội, Lâm Tri ngu muội, là thằng thiểu năng."

Bài vè này đã theo Lâm Tri hết quãng đường tiểu học. Sau này, gần như tất cả mọi người trong trường đều biết, lớp nào đấy có một đứa tên Lâm Tri, thằng đấy không biết đọc.

Lắm đứa tò mò chạy tới tìm cậu vào giờ ra chơi, nằng nặc mở sách ra bắt Lâm Tri đọc vài câu. Nếu Lâm Tri không chịu, chúng sẽ dùng đủ trò để ép cậu đọc. Chờ tới lúc Lâm Tri gắng gượng đọc bập bẹ, chúng mới cười cợt hài lòng bỏ đi.

Đến khi Hứa Như phát hiện ra vấn đề của con trai mình, kiên quyết làm thủ tục thôi học cho Lâm Tri, thì bệnh tình của Lâm Tri đã rất nghiêm trọng.

Cậu gần như không đọc được bất cứ chữ nào.

Bản thân cậu cũng trở nên lặng lẽ và khép kín.

Nhiếp Chấn Hoành cảm giác như có một cái dùi nhỏ đang mắc kẹt trong lòng mình, khiến tim anh quặn thắt đau đớn.

Anh siết chặt ngón tay mảnh dẻ mềm mại trong lòng bàn tay mình, cất giọng khàn khàn, "Không phải là lỗi của em, Tri Tri à.

"Em không thiểu năng, em cũng chẳng ngu ngốc tẹo nào, họ mới là những kẻ bệnh hoạn." Nhiếp Chấn Hoành đè cơn phẫn nộ khó lòng tả nổi trong giọng mình xuống. Anh không giận bé con trước mặt, mà giận những kẻ đã làm Lâm Tri tổn thương trong hồi ức đau khổ của cậu, những kẻ anh không thể chạm đến được.

"Nghe này, Lâm Tri."

Anh vươn bàn tay trái ra, vén phần tóc mái rũ xuống của cậu thanh niên lên, kéo Lâm Tri ngẩng đầu, để mắt cậu nhìn thẳng vào mắt anh.

"Em tuyệt lắm, tuyệt vời hơn rất nhiều người anh từng gặp trên đời.

"Việc học hành không phải là tất cả. Có kẻ đọc bao sách vở, mà vẫn trở thành phường khốn nạn bất lương, nhưng có người cả đời chưa từng động vào một quyển sách, mà vẫn có thể sống cho ra dáng, thành tài thành công."

Người đang gập lưng trên ghế dần ngồi thẳng dậy. Có điều đôi mắt cậu vẫn như một hồ nước lặng, không chút gợn sóng.

Trước kia, Nhiếp Chấn Hoành chỉ cảm thấy ánh mắt của cậu hàng xóm trì trệ đờ đẫn quá, không tràn ngập sức sống như đám thanh niên bình thường. Hiện giờ, khi đã biết nguyên nhân đằng sau, lần đầu tiên nỗi lo lắng và khổ sở khổng lồ trào dâng trong lòng anh vì ánh mắt này.

"Huống chi, tài năng của chúng mình có ở chuyện học hành đọc sách đâu."

Ngón tay anh sượt qua khóe mắt đỏ hoe của cậu thanh niên, muốn xô hồ nước trong mắt cậu ra, "Em nhìn mà xem, anh này, chị Trương này, và cả bé Tri Nhạc nữa. Bà con quanh đây, làm gì có ai mà không khen em vẽ đẹp?

"Ông trời..."

Lời nói bị cảm xúc trong lòng thôi thúc, chẳng biết tại sao, Nhiếp Chấn Hoành lại vô thức siết những ngón tay trong bàn tay phải của mình, kề bên môi nhẹ nhàng chạm khẽ.

"Chắc chắn ông trời đã từng hôn lên đôi tay em." Nếu không, thì làm sao trời cao lại để Tri Tri nhà mình vẽ ra những bức tranh đẹp đẽ nhường ấy kia chứ?

Nửa câu cuối kẹt lại rõ lâu trong miệng Nhiếp Chấn Hoành.

Đấy là do đầu óc anh đang hoảng hốt trước hành động của chính mình. Đến khi anh định thần, thì cậu hàng xóm trước mặt đã bình tĩnh lại rồi, đang khoe đôi má lúm đồng tiền ngọt ngào với anh.

"Khụ."

Nhiếp Chấn Hoành vội vàng buông lỏng cái tay hư đốn của mình ra để giấu giếm sự xấu hổ. Anh nhét cây bút Lâm Tri cầm ban nãy vào tay phải của cậu.

"Vừa rồi..." Anh đàn áp cơn sóng cồn trong lòng mình xuống, tính đánh trống lảng để bình tâm lại, "Cho nên vừa rồi em không muốn đọc chữ trong tạp chí, nên mới không chịu nhận việc à?"

Quyển tạp chí mẫu mà Hà Khiêm để lại vẫn nằm trên kệ, Nhiếp Chấn Hoành đứng dậy lấy nó xuống lần nữa, cầm trong tay mình.

Anh không mở nó ra, chỉ hỏi cậu nhóc vậy thôi.

"... Dạ."

Lâm Tri gật đầu.

Đống chữ cái dày ken ấy, còn thêm động tác thúc giục ép buộc của người kia, đều khiến Lâm Tri nhớ về chuyện hồi xưa, sau đấy đầu cậu lại đau điếng, hít thở khó khăn.

Nhiếp Chấn Hoành suy đoán đó là phản ứng kích ứng căng thẳng, nhưng anh cũng không muốn Lâm Tri nhớ lại những ký ức không hay kia nữa, nên lược qua chuyện ấy, chỉ dịu giọng hỏi cậu, "Kia nếu không đọc chữ, mà chỉ vẽ tranh thôi, thì em có nhận không?"

Tai Lâm Tri giật giật.

Cậu bỗng nhớ tới lời ông chú tên Hà Khiêm kia nói trước khi lấy sách ra nằng nặc nài ép mình.

"Nhuận bút... là tiền ạ?"

Đôi mắt đen như mực của cậu đã khôi phục chút thần thái, "Được bao nhiêu ạ?"

Tảng băng trong lòng Nhiếp Chấn Hoành tan thành nước, anh cười, nói rất chắc chắn, "Tiền đấy."

"Được bao nhiêu thì giờ anh cũng chưa biết," anh quơ quơ quyển tạp chí mình đang cầm, "Nhưng chắc hẳn sẽ là một khoản không nhỏ đâu."

Nhiếp Chấn Hoành nghĩ thầm, lát nữa lại qua hỏi Hà Khiêm. Đây là khoản thu nhập đầu tiên của cậu nhóc, dù nhà xuất bản trả ít, anh cũng sẽ chi thêm vào.

"Ít nhất..."

Không thể để lộ suy tính ấy, nên vào thời khắc này, Nhiếp Chấn Hoành chỉ ngẫm ngợi xem nên dùng lượng từ nào mà Lâm Tri hiểu được. Anh nói với cậu, "Ít nhất đủ cho hai đứa mình ăn tiệc to mười lần."

Đôi mắt Lâm Tri sáng bừng lên.

Mười lần, nhiều tiền quá!

Được tiền nhuận bút, cậu cũng có thể khao anh Hoành đi ăn.

"Em nhận ạ!"

Khác với thảm cảnh dẫu Hà Khiêm có cầu đến ông bà ông vải cậu vẫn im thin thít như ban nãy, Nhiếp Chấn Hoành vừa nói mấy câu, Lâm Tri đã gật đầu ngay.

Cậu thậm chí còn chủ động rướn người sang lấy quyển tạp chí Nhiếp Chấn Hoành đang cầm, định ép bản thân tự đọc một lượt. Nhưng người đàn ông trước mặt lại nhanh nhảu giơ cánh tay lên, né tránh tay cậu.

"Đừng đọc."

Nhiếp Chấn Hoành nắm gáy sách, quạt mát mặt mình.

Anh lật đến trang chuyên mục thư của các bé thiếu nhi mà Hà Khiêm đã mở ra trước đó, nói rất đỗi tự nhiên, "Để anh đọc cho em."

[HẾT CHƯƠNG 38]

Lâm Tri mắc chứng khó đọc (dyslexia), đây là một rối loạn học tập (learning disorder) liên quan đến việc đọc khó, phát triển và hiểu ngôn ngữ viết; người mắc chứng này cũng có thể gặp vấn đề về trí nhớ âm thanh, vận động lời nói, đặt tên hoặc tìm từ và các vấn đề về từ. .

Chứng khó đọc xảy ra nhiều với các ngôn ngữ tượng thanh, ít hơn trong các ngôn ngữ tượng hình. Người mắc chứng khó đọc thường được coi là những người có tư duy về mặt hình ảnh. Trẻ mắc chứng khó đọc tiếng Trung thường gặp khó khăn trong việc xử lý liên hệ giữa âm thanh/ký hiệu (phiên âm/chữ Hán).

Các triệu chứng phổ biến của chứng khó đọc tiếng Trung Quốc bao gồm:

Nhầm lẫn những từ trông giống nhau, như 爱 và 受.Nhầm lẫn những ký tự phát âm giống nhau, như 九/就/球.Không có khả năng viết các nét theo trình tự và hướng đúng quy tắc.Thêm hoặc bớt các nét, như 大 với 太 và 本 với 木.Viết sai thứ tự các bộ phận của từ, chẳng hạn như 唱 hay 昌口.Dễ cảm thấy mệt mỏi sau khi đọc một thời gian ngắn, do ký tự tiếng Trung rất phức tạp về mặt hình ảnh và cần phải phân biệt các ký tự giống nhau.Có hiểu biết kém về vị trí của các bộ trong một từ. Ví dụ, trẻ có thể không nhận biết được bộ/ký tự này nên nằm ở trái, phải, trên, hay dưới của từ.Không đọc hoặc lặp lại được một chữ tiếng Trung đúng thanh điệu, dù đã nhìn thấy từ mẫu.

Chương 39: Đào mật

Những bức thư do các bạn nhỏ gửi đều không dài.

Nhiếp Chấn Hoành ngồi trên chiếc ghế ngay trước mặt Lâm Tri, tựa vào lưng ghế, đọc cho cậu nghe từng câu chuyện của các bé bằng chất giọng trầm thấp ôn hòa. Còn Lâm Tri thì nằm nghiêng trên bảng vẽ, gối cánh tay, dỏng tai im lặng nghe người đàn ông đọc từng lá thư.

Hai người cứ một người đọc, một người nghe như thế.

Cho đến khi hoàng hôn ngoài kia buông xuống, màn đêm kéo rèm, Nhiếp Chấn Hoành đã đọc xong vài chục bức thư được sắp đầy mấy trang giấy.

Anh nâng chén trà lên uống miếng nước cho nhuận hầu, dời mắt khỏi trang sách, chợt phát hiện Lâm Tri đang nằm trên bảng vẽ nghe anh đọc sách đã khép đôi hàng mi, thở đều đều, như thể đang chìm trong mộng đẹp.

Nhiếp Chấn Hoành không khỏi bật cười.

Anh đang kể chuyện trước khi đi ngủ đấy à? Còn làm người ta thiếp đi luôn này.

Ở tiệm tạp hóa kế bên, Trương Thúy Phương đã bắt đầu bưng thức ăn ra ngoài, gọi con trai và chồng xuống ăn tối. Nhiếp Chấn Hoành nhìn con cá gần như không còn giãy giụa treo trên vách tường, cũng đứng dậy bắt đầu dọn dẹp.

Dịch dụng cụ, nhấc thùng gỗ, xếp những đôi giày đã sửa xong chỉnh tề trên giá, ra sân sau khóa cánh cửa nhỏ lại.

Làm xong hết thảy, Nhiếp Chấn Hoành mới nhẹ nhàng lay Lâm Tri dậy, "Dậy ăn đã. Ăn tối xong thì ngủ tiếp."

"... Vâng."

Lâm Tri mở mắt ra, ngáp một cái.

Cậu nhấc tay lên định dụi đôi mắt cập kèm, nào ngờ lại phát hiện mình dụi ra toàn mảnh vụn màu hồng, rơi lả tả theo động tác tay.

—— Đó là lớp màu còn chưa khô trên bảng vẽ. Ban nãy cậu nằm đè lên đó, nên chúng dây vào tay và má cậu.

"Đừng dụi nữa."

Nhiếp Chấn Hoành cũng thấy thế, vội vàng chặn cổ tay Lâm Tri lại, "Cẩn thận rơi vào mắt."

Anh rút vài tờ giấy ra từ bàn để dụng cụ, đi đến bồn rửa tay dấp nước vào, ấn lên mặt Lâm Tri mà lau. Màu acrylic khô rồi thì rất khó lau, Nhiếp Chấn Hoành lau mãi mà mới chỉ hết lớp ngoài.

(Màu Acrylic được tạo nên từ những sắc tố có nguồn gốc khoáng và hữu cơ, đây là loại màu gốc nước, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, có thể sử dụng để vẽ lên tường, lên giày, laptop hay vẽ các loại áo thun, vẽ lên ly thủy tinh và rất nhiều ứng dụng khác. Phần này có thể là sai lệch kiến thức của tác giả, vì màu acrylic rất khó tẩy trên chất liệu vải, nhưng nếu dính lên da và đã khô thì nó cô lại như keo, lau nhẹ bằng khăn ướt là sẽ bong ra.)

Cậu thanh niên ngồi trên ghế có vẻ hoàn toàn tin tưởng anh, cậu ngửa đầu, không hề phản kháng, để mặc cho anh muốn làm gì thì làm.

Hình như dạo này ăn uống tốt, nên cậu nhóc béo lên rồi. Hai bên má vốn gầy gò hốc hác đã có thêm ít thịt, gương mặt dưới ánh đèn vừa thanh tú lại vừa ngoan ngoãn.

Tựa một cái bát bằng sứ trắng, nhưng có thêm hoa đào của mùa Xuân.

Ánh mắt Nhiếp Chấn Hoành hấp tấp dịch khỏi khuôn mặt Lâm Tri, đưa về hướng bảng vẽ bên cạnh.

Anh hóa thoáng rung động bị đè xuống rồi lại trồi lên ban nãy thành câu đùa, ấn lên má cậu thanh niên, "Nửa quả đào dính cả lên mặt em rồi này."

Bức tranh dang dở đang được kẹp trên bảng vẽ.

Đó là một sọt tre đựng đầy những quả đào mật.

Lâm Tri luôn nghĩ gì vẽ đó. Dạo này trời càng lúc càng nóng, Nhiếp Chấn Hoành đã mua khá nhiều trái cây từ sạp nhà Lão Chu, để trong cửa hàng, tới chiều phơi nắng thì thi thoảng ăn một quả, giải nhiệt cho hai người.

Vì thế, ngày nào Lâm Tri cũng được ăn rất nhiều màu sắc sặc sỡ.

Màu vàng quả quýt, màu tím thanh mai, màu trắng của vải. Mấy nay người ta đang bày đào mật, cậu lại được gặm mấy quả đào hồng hồng giòn tan.

Thơm thơm, ngòn ngọt.

Bức tranh trên giấy vẽ, chính là cảnh tượng bình thường mà Lâm Tri nhìn thấy khi cậu tiện thể qua bên kia đường mua đồ sau bữa trưa hôm qua cùng Nhiếp Chấn Hoành.

Những quả đào tươi mới hái xuống từ trên cây được bày thành từng ô xen kẽ trước sạp hoa quả, nhiều quả còn chất đầy trong giỏ tre bên cạnh. Chúng cực kỳ giống những đứa bé béo tròn mũm mĩm, chen chúc, dẩu mông lên thành cả đống trăng trắng mềm mềm, theo cùng màu hồng đậm nhạt khác nhau.

Giữa ngày Hè oi bức, chỉ ngắm thôi đã thấy vị ngọt ngào mát lạnh ùa tới trước mặt.

"Sao càng lau lại càng nhoét ra thế này..."

Lau mãi lau mãi, cuối cùng lớp màu vẽ hồng như nhuộm thắm làn da Lâm Tri, hây hây như má hồng của người con gái. Nhiếp Chấn Hoành lau mấy lần, dứt khoát quẳng giấy đi, "Lát về dấp nước ấm lên."

Anh bổ sung thêm trong lòng, không dám lau thêm nữa.

"Đi thôi, đóng cửa nào."

Gọi Lâm Tri đứng dậy ra ngoài xong, Nhiếp Chấn Hoành tắt đèn trong tiệm. Anh đi tới cạnh cửa, nhấc cánh tay lên, giữ tay nắm cửa cuốn cũ xì kéo mạnh một cái. Tiếng lách cách vang rền, tiệm sửa giày được khóa lại.

"Về làm bữa canh cá đơn giản thôi."

Lấy đồ ăn xong, Nhiếp Chấn Hoành khập khiễng bước xuống thềm, từ tốn đưa cậu tùy tùng theo sau về khu nhà. Lâm Tri chậm chạp bước sau anh một bước, ngoan ngoãn đáp "Vâng".

Đèn đêm lướt qua hai người, vùng sáng loang loáng rớt vào đáy mắt Lâm Tri, tựa như ánh sao trồi lên từ mặt hồ.

*

Hồi nhỏ, Nhiếp Chấn Hoành cực ghét ăn cá.

Mẹ anh tính tình tùy tiện, bếp núc cũng vụng thối vụng tha, lần nào nấu cá cũng tanh lòm, vậy nên trong lòng cậu nhóc Nhiếp Chấn Hoành, cá là một món rất kinh.

Về sau chị gái anh yêu một đầu bếp. Ban đầu hai cụ nhà anh chỉ trời thề thốt nhất định không đồng ý cho hai đứa lấy nhau. Sau này anh đầu bếp nọ đến nhà anh nấu mấy bữa, là hoàn toàn chinh phục được ông bà Nhiếp.

Hiện giờ, đầu bếp ấy đã thành anh rể của anh, còn có đứa thứ hai với chị gái anh rồi. Ông bà Nhiếp đã chuyển qua ở nhà con gái để bế cháu giúp, nên mới bớt lải nhải rầy la bên tai Nhiếp Chấn Hoành.

Hồi chân Nhiếp Chấn Hoành mới bị thương, anh sống cực kỳ tiêu cực mất một khoảng thời gian khá dài.

Sau khi xuất viện, chị anh đón anh về nhà ở tạm một thời gian để tiện chăm sóc, nhưng Nhiếp Chấn Hoành sống y hệt cái xác không hồn, hầu như ngày nào cũng chết dí trên giường. Gia đình đã khuyên nhủ, cũng an ủi rất nhiều rồi, nhưng bản thân Nhiếp Chấn Hoành không nghĩ thông được, thì người khác có muốn giúp cách mấy cũng khó lòng giúp được anh.

Anh rể Vương Hạo tuy không có bằng cấp cao, chỉ làm nghề đầu bếp, nhưng có cách nhìn đời rất thông suốt. Vương Hạo không nói gì nhiều nhặn với Nhiếp Chấn Hoành, nhưng mỗi lần nấu ăn, anh ấy đều gọi Nhiếp Chấn Hoành ra khỏi phòng, giúp anh ấy nhặt rau, hoặc lấy hộ lọ gia vị.

Dạo đó, Nhiếp Chấn Hoành còn ngồi xe lăn.

Lúc ấy anh mới ngã từ voi xuống chó, tâm trạng ủ dột, không muốn ra ngoài cũng chẳng muốn chuyện trò. May mà anh rể không nói mấy thứ đạo lý cuộc đời to lớn với anh, mà chỉ đẩy anh vào bếp, rồi chuyên tâm nấu ăn ở quầy bếp của mình.

Dù sao cũng là đầu bếp, nên kỹ thuật dùng dao của Vương Hạo rất thiện nghệ. Ớt xanh, khoai tây, tảng thịt, củ cải... Bất kể thứ đồ ăn gì lên thớt của anh ấy, thì chỉ sau một chuỗi xoèn xoẹt cành cạch, là đã trở thành từng miếng hoặc sợi chỉnh tề đều tăm tắp.

Nhiếp Chấn Hoành quan sát lâu dần, lòng cũng từ từ lắng lại. Nhất là lúc nhìn anh rể nhấc muôi nhẹ nhàng và vững vàng, một đĩa đồ ăn đẹp thơm ngon lành ra khỏi nồi chỉ trong chớp mắt, cảm giác ngột ngạt không thể cởi bỏ trong lòng anh lập tức thuyên giảm đi rất nhiều trước mùi thơm của cơm gạo thức ăn.

"Trời đất bao la, ăn là quan trọng nhất."

Anh rể múc thức ăn, bảo anh mang ra bàn cơm, thuận miệng nói vậy.

Trong gia đình họ Nhiếp, kể từ ông Nhiếp trở đi, việc nội trợ về cơ bản đều do đàn ông làm. Đến đời anh rể Vương Hạo, anh ấy cũng kế thừa truyền thống tốt đẹp này, không để chị Nhiếp phải xuống bếp bao giờ.

Việc rửa rau nấu cơm đều được cánh mày râu thầu hết. Tới giờ cơm lên bàn, có thịt có rau có canh, ăn vào trong bụng, ấm áp thoải mái, có tư có vị.

Trong khoảnh khắc ấy, Nhiếp Chấn Hoành bỗng nhiên phát hiện, hình như chẳng có gì quan trọng bằng việc có cái ăn.

Trên cõi đời này, người ta đến tay không, mà đi cũng tay trắng. Nếu thật sự có điều gì phải trải qua trong hành trình tại thế giới này, thì chỉ có thể là mấy hương vị chua ngọt, đắng cay.

Anh đã được hưởng ngọt ngào sướng vui rồi, giờ cũng nuốt hết cực khổ đắng cay vào bụng.

Một khi đã vậy, sao không bình tâm lại mà sống thản nhiên, nếm thêm những món mình thích?

Về sau, Nhiếp Chấn Hoành học được tay nghề nấu nướng từ anh rể.

Anh cũng phát hiện thật ra có cách làm cá không tanh tẹo nào. Chỉ với mấy gia vị trong nhà, là ta có thể dễ dàng làm ra một bát canh cá thơm nức ngon lành.

"Xèo xèo ——"

Con cá trích được phủ một lớp bột khô trượt vào chảo gang đã thoa dầu. Tiếng nước và dầu chạm vào nhau nghe như một nốt nhạc lanh lảnh, nhảy lên trong gian bếp nho nhỏ.

Nhiếp Chấn Hoành cầm xẻng thức ăn, chờ vàng mặt nọ thì nhanh tay giở mặt kia, khiến thịt cá được bao vây trong lớp dầu cực nóng, cho đến khi cả con cá đã săn lại dưới đáy chảo, vây đựng đứng lên.

Lò xo báo nước sôi của chiếc ấm gia dụng nhảy lên đúng lúc này. Nhiếp Chấn Hoành nhấc ấm lên đổ nước vào chảo, để nước bao phủ cá.

Gừng thái lát sẵn đã nằm trên thớt, anh cầm mấy lát thả vào chảo, rồi chỉnh lửa đến mức lớn nhất. Chỉ trong chớp mắt, nước canh trong suốt bắt đầu sôi trào và chuyển qua màu trắng.

"Rồi đấy, anh xào thêm đĩa rau, lát nữa là ăn được thôi."

Bấy giờ Nhiếp Chấn Hoành mới có thì giờ để nói chuyện với Lâm Tri.

Anh ra hiệu cho cậu thanh niên mang mớ rau muống đã rửa sạch để ráo trong bồn ra bàn cơm ở phòng khách ngoài kia, ngồi xuống hướng dẫn cậu cùng nhặt rau.

Ở Tây Nam người ta gọi rau muống là rau dây, vì nó sinh trưởng trên mặt đất như dây mây, mọc thành từng cụm, nên mới có cái tên địa phương như thế.

Cách lặt rau thông thường là ngắt một dây dài tầm 30-40cm thành những đoạn ngắn, để cả cọng, xào trên lửa lớn với tỏi xắt lát và ớt khô. Chưa tới hai ba phút sau, một nồi rau dây thơm ngào ngạt, giòn mềm, nồng hương tỏi đã có thể bắc ra khỏi nồi.

Không chỉ có vị tươi mới mềm mại của lá rau, mà còn hòa quyện thêm hương ớt cay nồng, phối hợp với những lát tỏi giòn giòn hơi ngả vàng. Cắn một miếng, cọng rau xanh mướt giòn tan sần sật trong miệng. So với món mặn, thì ăn rau xào không cũng có cái hay rất riêng.

Hai người đều rửa sạch tay, Nhiếp Chấn Hoành cầm một cái chậu không qua để bỏ rau đã nhặt vào, rồi bắt đầu thuần thục ngắt từng cọng rau.

Lâm Tri ngồi cạnh quan sát thật nghiêm túc vài lần, sau đấy mới lấy mấy cọng rau qua đặt trước mặt mình.

Răng rắc.

Răng rắc.

Trong một thoáng, căn phòng chỉ có âm thanh nền từ bản tin đang phát trên TV, và tiếng răng rắc của cọng rau bị bẻ gãy.

Nhiếp Chấn Hoành chợt có cảm giác hơi quen thuộc.

Trong trí nhớ của anh, hồi nhỏ, mỗi lần tan học về nhà, bố anh cũng hay ôm một rổ rau thế này, mặc quần đùi, vừa xem TV vừa nhặt rau. Mẹ anh đeo kính, ngồi cạnh đấy khâu vá đan móc. Thi thoảng, món canh trong nồi lại sôi ùng ục, tỏa ra hương thơm ngon lành.

Khắp căn nhà tràn ngập hương vị gia đình.

[HẾT CHƯƠNG 39]


Chương 40: Vẽ cái này

Nửa tiếng sau, mấy món ăn nóng hổi đã được bưng lên bàn cơm nhà Nhiếp Chấn Hoành.

Bát ô tô sứ thanh hoa, đựng đầy món canh cá màu trắng sữa. Một con cá trích hoàn chỉnh nằm ở giữa món canh, những cọng hành lá xanh tươi trôi nổi trên bát canh trắng đục, tựa như một cuộn tranh khiến người ta phải thèm thuồng. Hương thơm nức mũi lan tràn từ phòng bếp đến phòng khách, đến cả Nhiếp Chấn Hoành còn phải chảy nước miếng.

"Uống bát canh đã, rồi hẵng ăn cơm."

Nhiếp Chấn Hoành cầm muôi múc một bát canh đầy cho Lâm Tri, rồi lại lấy đầu muôi khoắng một miếng thịt mềm nhất trên bụng cá, múc cả vào bát cho cậu.

"Cẩn thận xương đấy." Cá trích nhiều xương dăm, tuy lúc chiên sơ đã săn cả con lại rồi, nhưng khi nấu canh vẫn có thể có xương dăm rơi ra. Nhiếp Chấn Hoành tiện thể dặn dò một tiếng, rồi mới để bát canh xuống trước mặt Lâm Tri.

Anh cũng múc một bát cho mình, ngửa đầu uống hai ba ngụm là xong. Đến khi múc bát thứ hai anh mới phát hiện Lâm Tri còn chưa động đũa.

"Sao, sợ nóng à?" Bản thân Nhiếp Chấn Hoành da dày thịt béo, tự cảm thấy nhiệt độ của món canh này rất vừa phải. Anh đưa tay ra, áp mu bàn tay vào thành bát của Lâm Tri, nghĩ bụng hay là bỏ vào bồn nước lạnh cho nguội.

"Ưm, không ạ."

Lâm Tri lắc đầu, bưng bát canh lên nhấp từng ngụm nhỏ.

Ban nãy cậu chỉ nhớ tới mẹ thôi.

Trước kia mẹ cũng dặn cậu như thế. Mẹ gắp chỗ thịt mềm nhất cho cậu, còn bảo cậu uống chậm thôi kẻo hóc xương.

Anh Hoành... cũng tốt như mẹ vậy đó.

Món canh cá thơm ngon trượt xuống thực quản, nóng hổi chui vào dạ dày. Lâm Tri cảm thấy toàn thân ấm áp, như đang ngâm mình trong một ao nước ấm vậy.

Dường như bất cứ nơi nào có anh Hoành, cậu đều vô cùng an tâm.

Dù ngụp lội trong nước, cậu vẫn có thể yên tâm vùi đầu bơi qua bơi lại, thi thoảng thổi bong bóng ọc ọc, mà không bị cười chê.

Lâm Tri thích cảm giác này lắm.

"Phụt... Khụ."

Đang nghĩ ngợi dở chừng, một tiếng cười khẽ chợt vang lên bên tai Lâm Tri.

Cậu hoang mang ngẩng đầu, phát hiện người đàn ông ngồi đối diện mình đang gắp mấy cọng rau xanh mướt lên, để giữa không trung mà nhìn.

"Em lặt rau bằng thước đấy à?" Nhiếp Chấn Hoành cười, trải mấy cọng rau muống lên bát, ướm chiều dài, "Cọng nào cũng dài như nhau."

Lâm Tri chớp chớp mắt, cũng duỗi tay gắp một cọng từ đĩa, há miệng ăn hết.

"Giống nhau, mới ngon ạ."

Như lúc vẽ tranh phải đưa cọ theo một hướng, khi ngủ phải dịch chăn đến nách. Lâm Tri cảm thấy là, ngắt rau ra thành độ dài như nhau, thì lúc xào nấu sẽ ngấm đều gia vị, chắc chắn lại càng ngon hơn.

"Ừ, ngon thì ngon."

Nhiếp Chấn Hoành nhìn món rau trong bát chằm chằm mấy giây, rồi bỗng cảm thấy hình như mình cũng hiểu được lời cậu nhóc.

Có điều anh lại cười, nhét rau vào miệng, cố ý dõng dạc cướp công lao, "Đấy là nhờ anh xào ngon nhé."

Sau khi thân nhau, thi thoảng anh rất thích chọc bé hamster ngốc nghếch lơ ngơ này. Những phản ứng ngờ nghệch của Lâm Tri, dường như còn thú vị hơn tất thảy mọi điều khác với anh.

Có điều trêu người ta xong, Nhiếp Chấn Hoành ngước lên thấy khuôn mặt phình phình của bé hamster, đôi mắt anh lại lảng qua chỗ khác.

"Khụ... cũng có một nửa công lao của em vậy."

Anh lại cúi đầu gắp rau, bỏ vào bát cơm của Lâm Tri, "Ngon thì ăn thêm đi."

"Vâng ạ."

Lâm Tri hoàn toàn không biết suy nghĩ của người đàn ông đối diện, còn tưởng mình đang được khen.

Cậu vui vẻ đáp lời, rồi nghiêm túc tập trung gặm nhấm đồ ăn.

"Đúng rồi, em đã tính xong sẽ vẽ gì chưa?"

Yên lặng ăn một lát, chiếc di động đặt cạnh bàn của Nhiếp Chấn Hoành đột nhiên rung lên mấy cái. Anh mở phần tin nhắn ra nhìn, rồi cất tiếng hỏi.

Vừa nãy Hà Khiêm đã gửi phiên bản điện tử của hợp đồng qua, Nhiếp Chấn Hoành xem hết từ đầu đến đuôi, cảm thấy vẫn khá chuẩn chỉnh, nhuận bút cũng không tồi. Anh đã hạ quyết tâm mong chuyện này có thể tiến triển thuận lợi —— không chỉ để giúp Hà Khiêm giải quyết vấn đề cấp bách, mà quan trọng hơn, còn là vì Lâm Tri.

Những gì cậu nhóc từng trải qua trước kia quá u ám, Nhiếp Chấn Hoành muốn giúp Lâm Tri tạo lập lại sự tự tin và nhận thức về bản thân thông qua công việc vẽ tranh này.

"Phải một lát nữa mới đến 8 giờ," Nhiếp Chấn Hoành ngẩng đầu nhìn chiếc đồng hồ treo trên trường, "Hay là ăn xong anh đọc lại cho em lần nữa nhé?"

Anh cũng không biết hồi xế chiều mình đọc thư như thế, cậu nhóc ngủ gà ngủ gật này nghe lọt được bao nhiêu, có nảy ra linh cảm gì không. Nếu cần, thì anh đọc thêm mấy lần cũng chẳng sao, không thành vấn đề gì cả.

"Không cần ạ."

Lâm Tri lại lắc đầu tràn trề tự tin.

"Sao, em nghĩ xong rồi ư?" Nhiếp Chấn Hoành hơi kinh ngạc, "Nhanh vậy à? Giỏi quá nhỉ."

Lâm Tri được anh khen thì hơi nhếch khóe môi lên, "Dạ!"

Nhiếp Chấn Hoành cũng vui lây, mặt mày giãn ra, hỏi thêm, "Em tính vẽ cảnh gì?"

Lâm Tri hé miệng, nhưng lại phát hiện hình như mình cũng chẳng biết nên mô tả hình ảnh trong đầu thế nào. Cậu nhíu mày trăn trở một lúc lâu, ánh mắt đậu lại trên bát sứ lớn đựng canh cá giữa bàn, đôi mắt sáng bừng lên.

"Đây này!"

Cậu buông đũa, nâng chiếc bát sứ lên bằng cả hai tay, giơ ra trước mặt Nhiếp Chấn Hoành.

Vẽ cái này!

Tuy Nhiếp Chấn Hoành thường xuyên theo kịp được mạch suy nghĩ của Lâm Tri, nhưng lần này anh lại không thể đoán ra cậu họa sĩ muốn vẽ gì.

Anh dở khóc dở cười nhận cái bát ô tô sứ, đặt xuống bàn lần nữa, bảo Lâm Tri ăn tiếp đi.

Nhiếp Chấn Hoành cũng chẳng mấy tò mò, chỉ cần biết lòng Lâm Tri đã quyết, thì anh sẽ không gặng hỏi thêm nữa. Dù sao ban ngày hai người gần như luôn dính lấy nhau, sớm muộn gì anh cũng nhìn thấy thôi.

Ăn xong bữa tối, anh không giữ Lâm Tri lại lâu nữa.

Hình như cậu nhóc đang nhấp nhổm lắm, muốn về nhà cầm bút vẽ tiếp ngay. Còn trái tim Nhiếp Chấn Hoành cũng chẳng tĩnh lặng hơn là bao, anh muốn dành thêm thời gian để suy ngẫm một mình, nên thả cho người ta về nhà.

Có điều, trước khi Lâm Tri xuống lầu, Nhiếp Chấn Hoành vẫn vào bếp gọt mấy quả đào mật, bổ thành miếng cho vào bát đưa Lâm Tri, bảo cậu mang xuống lầu mà ăn.

—— Thèm đến nỗi vẽ cả ra giấy thế kia, thích đến mức nào nữa không biết?

Không thể không nói, kiểu suy nghĩ này, thực sự rất là "Lâm Tri".

Nha Đậu:

Về sau, Chít Chít lần lượt vẽ sầu riêng, đậu phụ thúi, bún ốc...

Lão Nhiếp: Tuyệt.

(vừa bóp mũi xử lý, vừa gọi cho quản lý thành phố)

[HẾT CHƯƠNG 40]



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro