Chương 21-30

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 21: Tìm tới nhà.

Ăn xong bữa trưa, Trương Thúy Phương đuổi Vương Kim Bảo đi rửa bát, còn mình thì cầm máy tính lên tính tiền hàng của quán.

Nhiếp Chấn Hoành giúp họ dọn dẹp bàn ăn rồi dẫn Lâm Tri về tiệm sửa giày. Chiếc giày anh dán đế hồi sáng đã khô keo, anh bảo Lâm Tri đeo vào chân thử coi sao.

"Hai bên đã đều nhau chưa?"

Tối qua, sau khi đưa em hàng xóm về nhà, Nhiếp Chấn Hoành bảo cậu tháo cả hai bên đưa anh, hôm nay anh mang xuống nhà sửa.

Nhiếp Chấn Hoành kiểm tra một lượt chiếc giày bên phải mà lần trước anh đã sửa, thấy vẫn ổn thỏa, nhưng hình như trong quá trình đi lại, Lâm Tri hơi làm mòn mé trong. Anh điều chỉnh lại một chút, rồi đối chiếu theo đấy để sửa chiếc bên trái.

"Dạ."

Lâm Tri đeo vào, đứng dậy giậm giậm chân.

"Đều rồi ạ."

"Lần sau cậu đừng mua loại giày này nữa."

Giờ quen thân nhau rồi, Nhiếp Chấn Hoành cũng nói những điều mà lần trước anh chưa nói, "Tốt nhất là cậu nên mua da thật. Tuy hơi đắt, nhưng dùng được lâu.

"Thật ra da PU bây giờ cũng có loại gia công tốt, nhưng nếu cậu không biết cách phân biệt thì dễ bị lừa lắm."

Anh ra hiệu cho Lâm Tri cởi một bên giày ra, gập đoạn trước lại cho cậu nhìn, "Loại da nhân tạo này làm bằng chất liệu rẻ tiền lắm, bọc ngoài vải trơn thôi. Tuy chống mòn đấy, nhưng không đủ độ mềm dẻo. Chưa nói đến việc cào rát chân, mà còn dễ nhăn nữa."

Vừa nói, Nhiếp Chấn Hoành vừa gập nhẹ nó lại, không ngờ phần da ở hông giày lại nứt ra ngay trước mắt hai người.

Anh khựng tay lại, không khỏi hỏi, "Cậu mua đôi này từ bao giờ?"

Lâm Tri nghiêng đầu ngẫm nghĩ, "Lúc chuyển nhà ạ."

Sau đó cậu chỉ sang mặt đường bên kia, "Chỗ đó đó."

Hồi đấy Lâm Tri định đi tìm việc, nên xuống nhà mua bừa một đôi.

Vốn dĩ... mẹ bảo sẽ dẫn cậu đi mua. Nhưng sau đó vừa đặt may comple cho cậu xong là mẹ đã đổ bệnh...

Tâm trạng của Lâm Tri không khỏi chùng xuống, cậu ngẩn ngơ nhìn chằm chằm vào những hoa văn Baroque phức tạp trên bề mặt chiếc giày.

(Baroque (hình học trừu tượng) là một dòng họa tiết đã có từ thời Phục hưng. Với những hoa văn mang sắc thái chuyển động đầy màu sắc, tinh xảo và mang tính trừu tượng cao, họa tiết baroque luôn đem lại vẻ sang trọng, quyền quý và tinh tế.)

"Ô, Tiểu Lâm, cưng mua đôi giày này từ tiệm bên đó à?"

Chất giọng oang oang của Trương Thúy Phương cắt ngang tâm trạng sa sút của Lâm Tri. Thím ta kiểm kê ở quán mình, nhưng cái tai cũng chẳng nhàn rỗi. Nghe hết đoạn đối thoại giữa hai người, rồi nhìn lên theo hướng ngón tay Lâm Tri chỉ, thím lại bắt đầu bật đài.

"Xì! Thứ gian thương vô liêm sỉ!"

Trương Thúy Phương hiển nhiên có xích mích với chủ tiệm giày bên ấy, mở miệng ra là giọng rất gắt, "Con mẹ đấy toàn thế thôi, vì tiền mà bất chấp tất cả!"

Nhiếp Chấn Hoành vừa nghe là biết ngay Trương Thúy Phương đang nhắc tới ai, anh thấy hơi đau đầu.

Hai người láng giềng này ngứa mắt nhau đã lâu, anh thì lại quen cả hai bên, giúp đằng nào cũng không phải, nên đành câm miệng im thin thít.

Nhưng Trương Thúy Phương lại không muốn ngừng lời.

"Đấy chú nói xem, nhà nó muốn mở tiệm gội đầu thì cứ làm ăn tử tế đi, lại còn dành nửa quán ra để bán giày. Nó còn bảo gì mà nhập hàng xưởng ngoại, hứ, chị thấy nó lấy hàng từ thằng bồ ngoại tình nào thì có!"

Giọng thím ta choang choác, cũng chẳng sợ đối phương nghe thấy, "Hồi đấy chị đi nhuộm tóc, đúng ra mất 200 tệ là xong, nó lại còn gạt chị dùng loại thuốc nhuộm cao cấp gì đấy, làm bà phí mợ nó cả ngàn tệ!

"Nếu mà xịn thật thì chị cũng chẳng ý kiến," Cứ nhắc tới chuyện này là Trương Thúy Phương lại tức, "Ai dè về nhà chưa gội được mấy lần, màu đã trôi gần hết! Phì!"

"Vợ ơi, cái chuyện từ thời tám hoánh nào rồi, sao vợ cứ lải nhải mãi thế."

Vương Kim Bảo đã rửa bát xong, đi ra từ phòng trong, không nhịn nổi mà chêm vào một câu.

"Làm sao, ông nghe nhiều quá khó chịu hay gì?"

Hàng lông mày của Trương Thúy Phương dựng ngược lên, "Nó làm ăn thiếu đạo đức, còn không cho tôi chê chắc?"

Nhiếp Chấn Hoành bụng bảo dạ tới hẹn lại lên rồi. Quả nhiên, Trương Thúy Phương phun ra câu tiếp theo ngay, "Vương Kim Bảo, con mẹ Phan Mỹ Liên đấy cho ông của ngon miếng ngọt gì? Có phải ông cũng đang thương hương tiếc ngọc nó không?!"

"Trời đất chứng giám!" Vương Kim Bảo vội vàng chỉ trời mà thề, "Anh toàn đi cắt tóc ở nhà Tiểu Thung đầu phố bên kia! Chưa từng bước vào tiệm nhà Phan Mỹ Liên bao giờ!"

Khát vọng sống thuộc về đàn ông không ngừng dâng lên, Vương Kim Bảo nói tiếp, "Biết mình không thích nhà bên ấy, nên có gặp ả anh cũng chẳng nói câu nào!"

"Hừ!" Trương Thúy Phương khoanh tay hừ lạnh, "Tốt nhất là phải thế!"

Hai vợ chồng nhà này gần như cứ vài bữa là lại đôi co qua lại như thế.

Với Nhiếp Chấn Hoành, đây chỉ là một cuộc đối thoại cực kỳ bình thường, nhưng chuyện này lại vô cùng mới mẻ với Lâm Tri.

Cậu ngồi ngoài cửa của tiệm sửa giày, dỏng tai, nhìn hai người đang cãi nhau chằm chằm không chớp mắt. Thấy Vương Kim Bảo rúm ró ngoan ngoãn nhận sai như thế, cậu cảm thấy lạ lùng làm sao.

Trước kia gia đình cậu cũng thường xuyên cãi nhau.

Nhưng bố cậu không ăn nói khép nép như Vương Kim Bảo, mẹ cậu cũng không to tiếng như Trương Thúy Phương.

Khi đó mẹ toàn đuổi cậu vào phòng, cậu thì bịt kín tai lại, đếm số một mình. Cậu đếm mãi đến chừng nào mẹ mở cửa ra lần nữa, ôm cậu vào lòng thơm cậu thì mới thôi.

Trong nhận thức của Lâm Tri, nhân vật "ông chồng" trong gia đình, là một mảng đen lớn, u tối đè nén, khiến người ta khó lòng thở nổi.

Còn xung quanh Vương Kim Bảo lại là mấy đám mây lờ lững cũng béo lùn mập ú như chính chú ta, trăng trắng mềm mềm tựa bông. Như thể chị Trương chọc bừa ngón tay vào, là sẽ bật ra ngay.

"Được rồi được rồi, đừng nói về chuyện này nữa."

Vương Kim Bảo thoáng liếc thấy đối tượng mình bàn tán đang đi tới đây, lòng chú ta không khỏi run rẩy, vội vàng kéo vợ vào trong nhà, "Hình như bia sắp hết rồi, mình vào tính thử xem, mai phải nhập bao nhiêu hàng?"

Hai bà này mà gây nhau thật, thì 500 con vịt trên đường cũng chẳng át tiếng nổi.

Trương Thúy Phương liếc ngang qua, cũng thấy người đang đi tới.

Thím còn tưởng Phan Mỹ Liên nghe thấy tiếng thím mắng chửi thị ban nãy, nên qua đây ăn thua đủ. Thím đã xắn tay áo chuẩn bị ứng chiến sẵn, nhưng khi đằng đó tới gần, thím lại thấy một cô bé đi sau Phan Mỹ Liên.

Bấy giờ Trương Thúy Phương mới thả tay áo xuống đi vào trong cửa hàng.

Hừ! Nếu không phải nể tình con nhóc Tri Nhạc, thì thím ta thèm vào mà sợ đối đầu trực diện với con mụ kia!

"Tiểu Nhiếp!"

Người phụ nữ để tóc búi đang đi tới từ bên kia đường chính là Phan Mỹ Liên mà Trương Thúy Phương vừa nhắc tới. Thị đã ngoài tứ tuần, nhưng vẫn đeo giày cao gót mặc váy hoa nhí, trông quyến rũ ra trò, nhưng khí thế khi bước vào cửa tiệm của Nhiếp Chấn Hoành lại ngập vẻ hăm dọa.

—— Đúng là không phải thị đến để choảng nhau với Trương Thúy Phương thật.

"Chú giải thích đi?"

Thị chống nạnh, túm đứa con gái đang theo đằng sau ra trước, hằn học hỏi, "Đôi giày Tri Nhạc đang đeo là ở đâu ra đây?!"

Nha Đậu:

Láng giềng mới xuất hiện rồi ~

[HẾT CHƯƠNG 21]


Chương 22: Cho cậu hết đó

Phan Mỹ Liên ban đầu không có tên là Phan Mỹ Liên.

Thị sinh ra ở nông thôn, bọn con trai xung quanh không tên Cường Tử thì cũng là Cẩu Đản. Trên thị còn có ba người chị, đến lượt thị thì bố mẹ không còn đủ chữ nghĩa để đặt tên hay hớm nữa. Thấy thị xinh xẻo đáng yêu, bố mẹ đặt cho thị cái tên Tiểu Mỹ, mà quả thực tên sao người chiêm bao làm vậy.

Quê thị chẳng có chỗ nào kiếm tiền được, lớp già đều bán mặt cho đất bán lưng cho trời, còn phần lớn lớp trẻ thì rời quê đi làm xa. Mỗi năm Tết đến, Phan Tiểu Mỹ luôn được nghe những người trở về khoác lác thế giới ngoài kia phồn hoa thế nào.

Phan Tiểu Mỹ nghe mà mê mẩn, cũng không muốn làm ruộng ở nhà nữa. Thị lén thu dọn hành lý, trốn cha trốn mẹ vào thành phố lớn cùng một người đồng hương.

Lúc đó Phan Tiểu Mỹ quả thật đã tin lời bà chị đồng hương, rằng lên phố thì nằm không cũng kiếm được tiền.

Nhưng hiện thực lại vả cho thị một cái bạt tai đau điếng.

Đúng thật, nằm không cũng ra tiền, nhưng thị không ngờ lại là "nằm" kiểu đấy.

Phan Tiểu Mỹ bị người ta dụ dỗ lừa gạt vào một tiệm uốn tóc, từ đấy, đời thị sang trang mới.

Không có bằng cấp, chẳng có ô dù, ngay khi còn ở cái tuổi chưa biết gì, Phan Tiểu Mỹ đã mất đi quyền lựa chọn. Huống chi gần như nhà nào trên con phố ấy cũng làm nghề này, thị cũng chẳng chạy đi đâu được.

Cuối cùng Phan Tiểu Mỹ cũng nhận ra ngày xưa mình ngu xuẩn đến thế nào, nhưng thị đã không thể xoay chuyển cục diện được nữa. Thị đành gắng làm lụng mấy năm trong salon tóc, coi như học một ngón nghề, cho đến khi thị mang thai với bạn trai cũ.

Đó cũng là lúc thị đổi qua cái tên Phan Mỹ Liên này.

Các chị em trong tiệm đều có biệt danh mỹ miều, nào là Giai Giai, A Vân các kiểu. Phan Tiểu Mỹ không được học hành, một khách quen hay tới gội đầu là giáo viên Ngữ Văn, Phan Tiểu Mỹ bèn chủ động nhờ anh ta đặt cho mình một cái tên hay.

Anh giáo kia nghe thấy lời nhờ vả này, quan sát chị qua gương, bật cười khe khẽ, đoạn bảo, "Đặt là Mỹ Liên đi."

Hồi đó Phan Mỹ Liên còn chưa hiểu ý nghĩa của tiếng cười kia.

Thị chỉ vô cùng mừng rỡ cảm ơn thầy giáo ấy, phục vụ anh ta thêm phần tận tình.

Nghe anh giáo bảo anh ta tham khảo tên nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng để đặt tên cho mình, Phan Mỹ Liên càng sướng rơn. Mỗi lần giới thiệu bản thân với khách mới, thị đều ưỡn thẳng lưng. Thậm chí về sau, khi nhờ người nọ người kia làm chứng minh thư hộ mình, thị còn chọn cái tên này.

Phải rất lâu sau đó, khi Phan Mỹ Liên thật sự hiểu rõ hàm ý đằng sau cái tên này, thị mới chợt nhận ra lúc gã giáo viên nọ nhìn thị qua gương rồi bật cười, nụ cười ấy mới nhuốm màu trào phúng mỉa mai làm sao.

(Cái tên của Phan Mỹ Liên được phỏng theo Phan Kim Liên, một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết Thủy hử của nhà văn Thi Nại Am, là người đàn bà đa tình và hiểm độc, giết chồng để ngoại tình và cũng là nhân vật trong truyện Kim Bình Mai của Vương Thế Trinh. Sau này người ta hay cho Phan Kim Liên là kẻ lẳng lơ, lăng loàn, nhưng thật ra về sau điều này đã được chứng minh là sai sự thật.)

Cảm giác bất lực, chán nản và cái tên này đã đồng hành cùng Phan Mỹ Liên qua những thời khắc gian khó nhất trong đời thị. Mãi đến mấy năm trước, thị tích cóp đủ tiền, đưa con gái về Tây Nam, dừng chân lại thành phố cách quê mình không xa này, mở một cửa tiệm làm đầu thuộc về chính thị.

Công việc đứng đắn, tuy lời lãi không bao nhiêu, nhưng cũng đủ nuôi sống hai mẹ con.

Phan Mỹ Liên chẳng trông chờ gì vào bản thân nữa, thị chỉ mong con gái mình ngoan ngoãn biết phấn đấu, học hành tấn tới trở nên nổi bật, lấy lại hết tất cả thể diện mà thị chưa từng có trong đời.

Nhưng thị không biết mình đã dạy sai khoản nào, mà con ranh chết giẫm kia không chăm chỉ học hành tử tế, mà chỉ thích mấy thứ chẳng nên cơm cháo gì!

"Tiểu Nhiếp, chú có biết không, sang năm là Tri Nhạc thi đại học rồi!"

Phan Mỹ Liên túm cánh tay cô con gái Phan Tri Nhạc, la lối Nhiếp Chấn Hoành một chặp, "Học sinh cấp 3 như nó đã biết gì đâu, chú là đàn ông đàn ang bằng này tuổi đầu, mà lại tiếp tay cho nó làm bậy làm bạ à?!"

Ngày xưa Phan Mỹ Liên luôn ân cần cười nói với hàng xóm láng giềng. Nhưng hôm nay đề cập đến chuyện con gái mình, gương mặt má phấn môi son của thị dữ tợn hẳn lên. Không chỉ Phan Tri Nhạc đi theo đằng sau thị không dám hé răng, mà đến cả Nhiếp Chấn Hoành cũng chẳng biết nên mở miệng thế nào để thùng thuốc súng trước mặt không nổ banh chành.

Bầu không khí trong tiệm sửa giày bỗng dưng hơi căng thẳng.

Nhiếp Chấn Hoành nghe hết những câu chất vấn của Phan Mỹ Liên, cúi đầu nhìn đôi giày của Phan Tri Nhạc.

Cô bé 15-16 tuổi, đã trổ mã. Một đôi bốt da trắng cao đến đầu gối bọc lấy đôi chân thon dài thẳng tắp, phối cùng bộ đồ thủy thủ trẻ trung tươi tắn, trông vừa cao ráo vừa xinh xẻo.

Nhất là vòng đăng ten màu xanh nước biển khảm ở lưng bốt nằm trên nền da giày màu sáp, tiệp màu với áo quần, lại càng bắt mắt hơn.

—— Vừa nhìn đã biết đấy là tay nghề khéo léo của anh.

Dù gì ngoài quán anh ra, thì quanh đây chẳng ai làm được món sửa giày này.

Nhiếp Chấn Hoành hơi đau đầu, anh biết ngay sớm muộn gì trò giấm giúi của con bé cũng bị phát hiện mà.

Anh còn chưa kịp nghĩ ra cách giải thích với Phan Mỹ Liên, thì một chùm tóc đột nhiên chắn ngang tầm nhìn.

Hóa ra là Lâm Tri đứng bên cạnh anh.

Cậu thanh niên mảnh khảnh đang ưỡn lưng chắn giữa anh và Phan Mỹ Liên.

Như một chú nhím nhỏ dựng đứng gai trên người theo bản năng khi bị uy hiếp.

Nhiếp Chấn Hoành không thể thấy vẻ mặt của Lâm Tri, nhưng anh có thể tưởng tượng ra, chắc hẳn lúc này khuôn mặt xinh trai không có biểu cảm của cậu nhóc đang nghiêm lại, đôi mắt đen láy nhìn đối phương chằm chằm không chớp, khiến người ta phải dè chừng.

Một nơi nào đó trong trái tim anh chợt bị cào nhẹ.

Tựa như những mầm non vừa nhú ngoài kia, xào xạc theo cơn gió.

Nhiếp Chấn Hoành giơ tay vò mái tóc đen đằng trước, tiện thể ghì mạnh hơn, kéo Lâm Tri quay lại cạnh mình.

"Chị Phan, chị đừng nóng, chị em mình cứ từ từ nói chuyện đã ạ."

Sau khi đưa mắt trấn an Phan Tri Nhạc đằng sau Phan Mỹ Liên, Nhiếp Chấn Hoành lấy hai chiếc ghế con ra từ trong nhà, đặt trước mặt hai mẹ con, "Chị ngồi xuống làm miếng nước đã, Tri Nhạc cũng ngồi đi."

Tuy giọng anh không lớn, nhưng chẳng biết tại sao lại cực kỳ có sức thuyết phục.

Phan Mỹ Liên vốn đang hùng hổ chiếm thế chủ đạo, nhưng lại bị vài ba câu nói của Nhiếp Chấn Hoành làm cho xuôi hẳn, thị cũng ngồi xuống theo lời anh.

Có điều miệng thị vẫn còn gay gắt lắm, "Chú có cho chị uống trà núi Mông Đỉnh cũng chẳng có tác dụng đâu nhé!

(Trà Mông Đỉnh: là một loại trà nổi tiếng trong tích truyện cũ, nghe đồn trị được bách bệnh. .)

"Hôm nay chú mà không giải thích rõ ràng chuyện chú với Phan Tri Nhạc đã làm với nhau, thì chị không cho chú bán buôn gì nữa đâu!"

"Vâng giải thích ạ, có gì mà em không giải thích được đâu."

Nhiếp Chấn Hoành không thoái thác. Anh vừa trả lời, vừa móc mấy tờ tiền lẻ ra khỏi túi quần, đưa cho Lâm Tri, bảo cậu sang bên kia đường mua mấy cân hoa quả.

"Mua loại nào cậu thích ăn ấy," Nhiếp Chấn Hoành kề lại gần tai Lâm Tri, thì thào bảo, "Tiền thừa coi như phí chạy vặt của cậu."

Bé nhím ban nãy còn dựng hết gai lên, giờ lật thân lại.

Khoe cái bụng mềm mại, và đôi mắt đen lay láy, nhìn anh đăm đăm, hỏi.

"Cho em hết ạ?"

Lâm Tri đang cần tiền lắm, nghe thấy "phí chạy việc", cậu cảm thấy như mình đã tìm được công việc mới.

"Ừ, cho cậu hết đấy."

Tuy Nhiếp Chấn Hoành không biết Lâm Tri đang nghĩ gì, nhưng anh có thể đoán được sơ sơ qua ánh mắt cậu.

Anh nghĩ thầm, e là cậu ngố này chỉ nghe được nửa câu sau, lại không để ý đây. Nên anh dặn thêm lần nữa, "Nhờ Lão Chu rửa hộ, rồi mượn đĩa bê qua đây nhé."

Lâm Tri gật đầu đồng ý, cầm tiền đi ngay.

Hai lúm đồng xu lõm xuống bên môi cậu thanh niên hẵng còn vương vấn trong tầm nhìn của Nhiếp Chấn Hoành, anh không khỏi bật cười thầm.

—— Chút phí chạy vặt cỏn con, đáng để chú nhóc ấy vui đến thế hay sao?

Sai Lâm Tri đi chỗ khác xong, Nhiếp Chấn Hoành rót hai cốc nước ấm cho cặp mẹ con đang ngồi trong cửa hàng.

Cứ nhắc đến con mình là Phan Mỹ Liên y như một con sư tử cái bị xâm phạm vào lãnh địa vậy. Nhiếp Chấn Hoành biết thừa nếu hôm nay không hòa giải được tại đây, thì chẳng rõ lúc về nhà con bé Phan Tri Nhạc sẽ còn bị mẹ nó "dạy dỗ" nặng đến mức nào.

Làm mẹ thì phải rắn, nhưng đứng từ góc độ một người ngoài cuộc, Nhiếp Chấn Hoành không thể không nói rằng, Phan Mỹ Liên đang kiểm soát con mình quá đà.

Quá đáng đến độ đôi lúc hàng xóm láng giềng như họ cũng không khỏi thấy tội thay cho con bé.

"Đấy, đã bảo mà, làm sao mà cứ đến cuối tuần lại chẳng thấy bóng dáng nó đâu!"

Phan Mỹ Liên ngồi xuống là bắt đầu hỏi cung ngay, "Nó toàn bảo là đi học thêm chỗ thầy Trương, nên chị vui lắm. Nếu hôm nay chị mà không tình cờ gặp thầy Trương, thầy ấy bảo từ kỳ trước đã thôi mở lớp dạy thêm rồi, thì chị vẫn không hay biết gì như con ngu vậy!"

Nhắc tới đây, lửa giận của Phan Mỹ Liên lại bốc lên, thị véo cánh tay con gái mình thật mạnh, "Con ranh chết tiệt, không học được điều hay, chỉ biết mấy mánh lới gian dối!"

Phan Tri Nhạc cúi đầu, mắt ậng nước, nhưng không dám nói gì. Xem chừng trước khi tới đây cô bé đã bị mẹ mắng một trận rồi.

"Trước kia chị thấy kho thiếu mất mấy đôi giày, không ngờ con oắt chết tiệt này lại thó về để đeo," Phan Mỹ Liên cáu điên lên, cứ kể được nửa chừng với Nhiếp Chấn Hoành là lại quay đầu mắng con gái, "Bà đây để mày thiếu ăn thiếu mặc gì à?! Mà còn trộm đồ của chính nhà mình!?"

"Con không trộm!"

Phan Tri Nhạc rốt cuộc cũng lên tiếng, ngẩng đầu cãi lại với đôi mắt ậng nước, "Đấy là hàng khách trả về rồi! Chính mắt con thấy mẹ vứt vào kho thải!"

Giọng em lanh lảnh, bình thường ríu rít như chim sơn ca, giờ lại ngập tràn nỗi ấm ức và phản kháng, "Mẹ thải rồi mà, có bán lấy tiền được nữa đâu! Tại sao con không được lấy để đeo?!"

Phan Mỹ Liên ghét nhất là bị người khác trả treo, nhất là con gái mình.

"Sao mày biết tao thải? Mày đã hỏi tao tiếng nào chưa?!"

Phan Tri Nhạc cười khẩy, chẳng để mặt mũi cho mẹ mình chút nào, "Không phải thủng đế thì cũng là đứt quai, ai mà dám mua về đeo nữa!"

"Mày!"

Phan Mỹ Liên bị con gái đâm cho một nhát, giơ tay lên định cho Phan Tri Nhạc một cái bạt tai. Tay thị đã nhấc lên rồi, may thay Nhiếp Chấn Hoành phản ứng nhanh, chặn thị lại, "Có gì thì từ từ nói, mẹ con thì có giận nhau lâu bao giờ đâu chị?"

Khuyên nhủ xong, Nhiếp Chấn Hoành ngoái lại, thấy Phan Tri Nhạc cũng cứng đầu cứng cổ chẳng chịu thua tẹo nào thì hơi đau đầu.

Con nhóc này di truyền 100% tính nết của mẹ nó chứ đâu.

"Chị Phan, trước kia thật tình em cũng chẳng để ý lắm, không biết mấy đôi giày Tri Nhạc mang tới lại là như thế."

Nhiếp Chấn Hoành đành phải chuyển đề tài về mình, "Lúc đấy thấy mấy đôi giày đó... em còn tưởng cháu nó ra hẳn trạm phế phẩm lấy về, tốn bao nhiêu công sửa cho nó.

"Hôm nay em mới rõ nguyên do. Biết vậy hồi xưa sửa xong em đã bảo Tri Nhạc mang về cho chị," Anh sờ gáy, chủ động nhận lỗi, "Tất cả cũng tại mắt em không tinh tường, ngại quá ngại quá."

Câu này của Nhiếp Chấn Hoành rất hay, trong cương có nhu, đánh trúng tâm lý trọng sĩ diện của Phan Mỹ Liên.

Quả nhiên, Phan Mỹ Liên nghe vậy, gương mặt vừa nãy còn gay gắt mới dịu đi.

"Hầy, mấy thứ đấy đúng là hàng thải thật!"

Dù gì thị mở cửa hàng là để bán buôn, cũng chẳng muốn sau này nhà mình không bán được hàng nữa, "Hồi trước có một lô giày bị lỗi, chị thu hồi hết rồi! Còn chưa kịp xử lý thì đã bị con ranh chết tiệt này khoắng mất!"

Vừa giải thích, Phan Mỹ Liên vừa lườm Phan Tri Nhạc, rồi mới gây sự tiếp với Nhiếp Chấn Hoành.

"Dù chú không biết nó lấy giày từ chỗ nào, nhưng Tri Nhạc lấy đâu ra tiền mà thuê chú sửa giày cho nó?!"

Nói một hồi, mắt Phan Mỹ Liên quét đến bộ váy Phan Tri Nhạc đang mặc.

Thị lại nhớ ra gần đây, lúc lục lọi tủ quần áo của con gái, thị phát hiện có mấy món đồ mới mà mình chưa thấy bao giờ.

Một mối nghi ngờ xẹt qua óc Phan Mỹ Liên, khiến da đầu thị sắp nổ tung đến nơi.

"Phan Tri Nhạc ——!"

Phan Mỹ Liên túm tóc con gái đứng bật dậy, giọng điệu chát chúa đến đáng sợ.

"Nói ngay! Mày lấy tiền ở đâu ra!?"

[HẾT CHƯƠNG 22]


Chương 23: Cục vàng

Lúc Phan Mỹ Liên chất vấn con gái, Lâm Tri đang bê một đĩa hoa quả từ sạp trái cây nhà Lão Chu về.

Nghe thấy giọng nói sắc lẻm của người phụ nữ, tay cậu bất giác run lên, gần như tất cả số hoa quả trên đĩa đều lăn xuống đất.

Nhiếp Chấn Hoành thấy vậy thì cau mày, nhấc chân định đi ra ngoài.

Nhưng cùng lúc đấy anh cũng để ý thấy động tác của Phan Mỹ Liên. Anh đành dừng bước lại, nhíu mày nói, "Chị Phan, chị thả tay ra đã ạ."

Nhiếp Chấn Hoành đỡ Phan Tri Nhạc, để da đầu cô bé không quá đau vì bị kéo tóc.

"Tri Nhạc là một đứa trẻ ngoan. Hàng xóm láng giềng chúng em đã dõi theo cháu từ nhỏ đến lớn bao năm ròng," Anh nghiêm mặt nói, "Có gì thì từ từ nói, sao chị phải động tay động chân? Chị đừng để xảy ra hiểu lầm, lại làm sứt mẻ tình cảm mẹ con vì mấy chuyện đâu đâu."

Thấy Phan Mỹ Liên chí ít cũng đã thả lỏng tay ra, Nhiếp Chấn Hoành mới lê chân đi đến trước mặt Lâm Tri.

Bấy giờ Lâm Tri đã cúi xuống nhặt hết trái cây lên. Chỉ là cậu cứ nhìn đống hoa quả dính bụi chằm chằm, có vẻ không vui, "Bẩn rồi."

"Không sao."

Nhiếp Chấn Hoành nhận đĩa quả từ tay cậu, "Rửa lại là được."

Đoạn, anh lại cẩn thận quét mắt quan sát mặt Lâm Tri mấy lần, hỏi ướm, "Sợ à?"

Ban nãy lúc Phan Mỹ Liên cất tiếng chửi mắng, Nhiếp Chấn Hoành thấy sắc mặt cậu hàng xóm tái nhách cả đi.

Như thể rất sợ cảnh tượng thế này.

Lâm Tri mím môi, nhẹ nhàng lắc đầu.

Cậu chỉ hồi tưởng lại mấy chuyện lúc nhỏ, cơ thể phản xạ theo điều kiện mà thôi.

"Hay là cậu về nhà trước đi?"

Nhiếp Chấn Hoành cảm thấy Lâm Tri không thích chỗ ồn ào quát tháo thế này, dứt khoát bảo cậu, "Tôi mang giày qua cho cậu."

Nói đoạn, anh định vào cửa hàng lấy đôi giày Lâm Tri vừa thay hồi nãy ra.

Nhưng bàn tay đang xuôi bên quần anh đột nhiên thấy lạnh.

Nhiếp Chấn Hoành cúi đầu nhìn, phát hiện ngón út của mình bị ai kia túm chặt.

"Không về đâu."

Giọng điệu của cậu thanh niên vẫn đều đều, nhưng chẳng hiểu sao Nhiếp Chấn Hoành lại cảm thấy cậu kích động hơn mọi ngày.

"Sao," Anh tránh né hai mẹ con trong phòng, thì thầm hỏi, "Muốn xem người ta cãi nhau à?"

"..."

Lâm Tri cảm thấy, đôi lúc cái anh trước mặt mình hơi bị ngốc ngốc ý.

Cậu ngước mắt lên, liếc nhìn người phụ nữ đang phát rồ phát dại trong phòng, túm ngón tay người đàn ông, níu anh khom lưng xuống, kề tai anh nói nhỏ.

"Hai người, đánh thắng được mà."

Đầu tiên Nhiếp Chấn Hoành sửng sốt, sau đấy anh bật cười.

"Được."

Anh vò mạnh mái tóc mềm mại của cậu thanh niên, "Lát nữa tiệm tôi mà bị lật lên thật, thì cậu bảo vệ tôi nhé."

*

Câu này của Nhiếp Chấn Hoành một nửa là để trêu Lâm Tri, nửa kia thì là thật.

Tiếng tăm của Phan Mỹ Liên quanh khu này chẳng ra gì, nhưng sức chiến đấu của thị lại ra trò.

Trước kia có bà vợ của một ông khách phát hiện chồng mình không thích gội đầu ở nhà, gần như ném tất cả tiền riêng vào "Tiệm uốn tóc Mỹ Liên" do Phan Mỹ Liên mở, nên xông thẳng đến tiệm thị, chỉ vào mặt Phan Mỹ Liên mà chửi.

Đàn bà chợ búa, chửi mà đã dơ thì có thể khiến người ta đi rửa lỗ tai. Nhưng Phan Mỹ Liên chẳng chịu thua kém tẹo nào, thị kéo xoạch rèm ra, chống nạnh đôi co với bà vợ kia. Cuối cùng còn chửi thắng cả bà vợ nọ, khiến chị ta phải căm giận lôi ông chồng nhà mình về quỳ ván giặt.

Phụ nữ làm ăn buôn bán bên ngoài một thân một mình, vốn đã rất dễ rước mấy tin đồn nhảm nhí vào người, đấy là còn chưa kể đến kiểu người ăn vận và hành xử chẳng biết khiêm tốn là gì như Phan Mỹ Liên.

Tuy thị không còn làm ngón nghề ngày xưa nữa, nhưng để nuôi mấy miệng ăn trong nhà, thị vẫn thường xuyên để khách nói nọ nói kia chòng ghẹo mình. Bản thân Phan Mỹ Liên không thấy sao, nhưng những gia đình đứng đắn xung quanh đều không ưa thị lắm. Nhất là hội láng giềng cùng giới tính, họ đều lén dán cho thị cái mác lăng loàn lả lơi.

Những chuyện như thế Phan Mỹ Liên đã chịu mãi rồi, thị không thèm để tâm. Thị chỉ để ý hai việc.

Một, là kiếm tiền.

Hai, chính là đứa con gái Phan Tri Nhạc.

Giờ đụng đến chuyện thứ hai, có khi thị phá banh tiệm sửa giày của anh không biết chừng, bởi vậy Nhiếp Chấn Hoành mới đau đầu như thế.

"Phan Tri Nhạc! Mày nói đi!"

Cô con gái bị túm tóc mà vẫn chẳng nói câu nào, Phan Mỹ Liên thấy con mình như thế, huyết áp lại càng tăng.

"Có phải mày làm chuyện đáng xấu hổ gì rồi không!? Nói đi!"

"Con thì làm được việc gì đáng xấu hổ!?"

Câu này của người mẹ dường như đã tháo kíp nổ của cô bé, Phan Tri Nhạc rốt cuộc cũng mở miệng lên tiếng. Hai mắt em đỏ au, nhưng lời nói lại sắc lẻm y hệt mẹ mình.

"Mẹ tưởng ai cũng như mẹ à!? Con chưa từng làm chuyện gì đáng xấu hổ cả!"

Nói xong, em bỗng im bặt.

Sắc mặt cũng sầm hẳn xuống.

Nhiếp Chấn Hoành nói thầm trong lòng: Thôi xong.

Quả nhiên, Phan Mỹ Liên như bị câu này kích thích, tát Phan Tri Nhạc một cái nảy lửa.

Chát ——

Lần này, Nhiếp Chấn Hoành không can ngăn nữa.

Cô bé khóc như mưa, cúi người cởi luôn đôi bốt ra, ném tới cạnh chân Phan Mỹ Liên.

"Của bà đấy, trả cho bà!"

Phan Tri Nhạc cởi cả hai chiếc bốt, che bên má sưng đau bằng một tay, oán hận trừng mắt nhìn mẹ, "Sau này tôi tích cóp đủ rồi, bà tiêu tốn cho tôi đồng nào, tôi sẽ trả lại hết cho bà! Không cần bà nữa!"

Nói xong, cô bé để chân trần chạy biến đi, chẳng thèm ngoái đầu lại.

"Phan Tri Nhạc! Mày đứng lại đấy cho tao!"

Phan Mỹ Liên cả kinh sửng sốt vài giây vì bị con gái phản kháng. Đến khi định thần lại, mặt thị gần như méo cả đi. Thị cũng chẳng thể gây sự tiếp với Nhiếp Chấn Hoành được nữa, mà lập tức chạy ra khỏi cửa hàng, đuổi theo bóng con gái.

Chỉ để lại một đôi bốt chẳng ai đoái hoài, nằm xiêu vẹo trong cửa hàng của Nhiếp Chấn Hoành.

"Thế mới bảo, đẻ con như rước cục nợ vào người vậy!"

Trương Thúy Phương trốn trong tiệm tạp hóa nghe hết câu chuyện, lúc này mới đi ra, vừa khâu mũ luôn tay, vừa tựa cửa cảm thán.

Tuy thím không ưa Phan Mỹ Liên, nhưng thấy Phan Tri Nhạc nói năng với mẹ như vậy, thím cũng liên tưởng đến thằng ranh nhà mình, tự thấy đồng cảm với thị.

"Đôi lúc, cách giáo dục cũng quan trọng lắm."

Nhiếp Chấn Hoành khom lưng nhặt đôi bốt kia lên, để vào góc tường, không bày tỏ ý kiến.

Còn Lâm Tri đứng cạnh Nhiếp Chấn Hoành thì chăm chú dõi theo hướng hai mẹ con chạy đi một lát, rồi mới nhìn về phía Trương Thúy Phương, hỏi.

"Vậy tại sao còn muốn sinh con ạ?"

Đôi mắt đen đặc của cậu ngập tràn vẻ hoang mang.

Thật ra Lâm Tri chưa hỏi hết câu.

Điều mà cậu không hiểu nổi là, nếu sinh con ra như rước cục nợ, vậy tại sao còn muốn sinh nó ra đời làm gì?

Trước kia, Lâm Tri cũng thường xuyên phải nghe những lời như thế.

Có điều mẹ luôn kéo cậu đi, không cho cậu nghe tiếp nữa.

Bây giờ cậu cuối cùng cũng có cơ hội hỏi thành lời, mà hai người trước mặt, dường như cũng hiểu câu hỏi của cậu.

"Thằng bé ngốc nghếch ạ."

Trương Thúy Phương thắt nút chỉ phần mụn vá trên chiếc mũ trẻ con, thuận miệng nói, "Lúc sinh con ra đời, làm sao cha mẹ biết được đứa trẻ trong bụng sẽ báo hiếu hay báo mình?

"Vả lại..."

Thím cúi đầu cắn đứt đoạn chỉ thừa, xoay cái mũ nhỏ nhìn ngắm mấy lần, sau rốt mới hài lòng cất kim chỉ đi.

"Dù lúc con nó báo cha báo mẹ khiến mình phiền lòng," Trương Thúy Phương nhếch mày lên, "Nhưng dù gì cũng là miếng thịt rơi ra từ bụng bà đây, có hỗn mấy vẫn là cục vàng của mẹ!"

Nhiếp Chấn Hoành bật cười trước câu nói của chị Trương.

Anh nhìn cậu nhóc đang ngơ ngác, không cầm được lòng mình, ngứa tay xoa đầu cậu.

"Ừ. Tri Tri nhà ta, chắc chắn cũng là cục vàng."

[HẾT CHƯƠNG 23]


Chương 24: Đi cứu người

Nhiếp Chấn Hoành nói mấy chữ "Tri Tri" này vô cùng thuận miệng.

Anh cũng không biết mình bị cái giống gì mà lại gọi người ta tự nhiên như thế.

Rõ ràng hai người mới quen nhau chưa bao lâu, cũng chẳng tiếp xúc gì nhiều nhặn, thậm chí thi thoảng còn râu ông nọ cắm cằm bà kia, nhưng điều ấy dường như chẳng ảnh hưởng gì đến việc càng ngày anh càng để ý đến cậu thanh niên này nhiều hơn.

Như thể có một điểm sáng lặng thầm chợt xuất hiện trong cuộc đời ồn ã mà bình lặng của anh, đột nhiên thơ thẩn trong tầm nhìn của anh, khiến người ta không cầm lòng nổi mà cứ phải dõi theo.

Nhìn lâu, chẳng hiểu sao lại thấy thân thương lạ thường.

Nhiếp Chấn Hoành nhớ hồi mình còn bé, bà chị anh từng mua một con hamster.

Nó lúc nào cũng chôn mình trong góc gặm trái cây khô rau ráu, người thì ngây ngây, anh thò ngón tay chọc nó mấy cái, nó toàn đơ ra một xíu rồi mới động.

Thi thoảng nó chỉ cần kêu chít chít là có thể khiến bà chị anh gào lên the thé, ôm nó vào lòng hết vuốt lông lại xoa đầu.

Hồi đấy Nhiếp Chấn Hoành chỉ mê bóng rổ, khinh chả thèm nhìn mấy con thú cưng tụi con gái thích.

Anh hoàn toàn không hiểu nổi chúng có gì đáng yêu.

Nhưng tới tuổi này, anh lại cảm nhận được từ "đáng yêu" ở một người con trai.

Thật ra Lâm Tri không có diện mạo theo kiểu dễ thương, nhưng không biết vì đâu Nhiếp Chấn Hoành luôn cảm thấy cậu nhóc rất ngoan. Có lẽ... là bởi lời nói cử chỉ của Lâm Tri luôn tràn ngập sự ngây thơ và vô hại với thế giới này chăng?

Khiến người ta sẵn lòng quan tâm lo lắng, nhấc phương diện tốt đẹp nhất của cuộc đời tới cho cậu xem.

Chẳng qua Nhiếp Chấn Hoành không ngờ được rằng, anh còn chưa kịp xoay mặt tốt của khu dân cư này cho cậu nhóc chiêm ngưỡng, thì một cảnh tượng khiến lòng người run sợ đã diễn ra trước.

Đó là vài ngày sau khi Phan Mỹ Liên gây gổ với con gái ở tiệm sửa giày.

Một buổi sáng bình thường không có gì đặc sắc, đám nhân viên giờ hành chính lại vội vàng bước vào một ngày làm việc mới, hội người già ra ngoài đi bộ tập thể dục buổi sáng thì lũ lượt xách đồ ăn về nhà. Cả khu dân cư vẫn bình thường như mọi hôm. Người đi đường theo tốp năm tốp ba và các dân buôn nhỏ bày bán những món hàng chẳng đáng mấy tiền dạo bước qua lại trên phố.

Nhưng bỗng nhiên, một tiếng hô hoán vang lên giữa đám đông ——

"Mau nhìn lên trên kìa!"

Tò mò luôn là một phần của bản tính nhân loại. Chất giọng nhuốm vẻ gấp gáp và hoảng sợ khiến những người xung quanh đồng loạt quay đầu nhìn theo tiếng hô ấy. Người đàn bà mua thức ăn cất tiếng gào sợ hãi đang che miệng bằng một tay, tay kia nâng lên chỉ về phía trước, như thể nhìn thấy cảnh tượng gì đó không thể tin nổi.

Đám đông chung quanh nhìn theo hướng ngón tay thím ta chỉ, chẳng bao lâu sau, biểu cảm tương tự cũng lần lượt xuất hiện trên gương mặt những kẻ khác.

Thứ cùng xuất hiện theo, còn có tiếng mọi người đua nhau nói chuyện và gào thét loạn xị.

"Trời ơi!"

"Con cái nhà ai kia!?"

"Ấy —— cô bé ơi! Mau vào phòng đi!"

"Báo cảnh sát! Báo cảnh sát thôi ——!"

Nhiếp Chấn Hoành vốn đang sửa giày trong tiệm, nhưng ngoài tiệm ồn ào quá, nghe chừng đã xảy ra chuyện gì lắm. Anh không kìm được, phải bỏ việc đang dở tay xuống, đứng dậy đi ra ngoài tìm hiểu tình hình.

Lúc này, gần như tất cả mọi người trên phố đều ngẩng đầu nhìn về một hướng.

Nhiếp Chấn Hoành nhìn theo mắt mọi người, vẻ ngạc nhiên khó tin cũng nhanh chóng hiện lên trên nét mặt anh.

Đó là một tòa nhà dân ở bên kia đường, cũng thuộc xưởng máy móc, ngay chéo chỗ anh ở.

Nó cũng là một tòa 6 tầng, nhìn chẳng khác gì những tòa nhà cũ kỹ bên cạnh. Điểm khác biệt duy nhất là ở một sân phơi nhô ra từ tầng 4. Một cô bé mười mấy tuổi đang để chân lơ lửng giữa không trung, ngồi trên lan can sân phơi!

"Ơ kia... có phải là Tri Nhạc không?"

"Ai cơ?"

"Ầy, con gái nhà bà chị tiệm tóc ấy!"

"Đúng đúng! Nhìn giống lắm!"

"Con bé nghĩ quẩn gì mà lại muốn nhảy lầu thế kia?"

"Hầy, biết đâu là tại bị cái nết của con mẹ nó kích cho nên mới thế..."

"Đừng nói nữa đừng nói nữa, bình thường ngồi lê đôi mách thì tán dóc gì cũng được, giờ người ta sắp chết đến nơi rồi, các bà ngậm hết mồm vào đi!"

Câu cuối cùng, là Trương Thúy Phương mắng bọn họ.

Thím nhận ra sự lạ trên phố trước Nhiếp Chấn Hoành, bấy giờ thím đã chạy đến ngay dưới chân tòa nhà, vừa nôn nóng ngẩng đầu quan sát tình hình, vừa luôn mồm ngăn những lời bàn tán linh tinh của đám đông xung quanh.

Tiệm uốn tóc của Phan Mỹ Liên cũng không xa phố này là bao, có láng giềng chạy đi gọi rồi. Còn phần đông mọi người chỉ chen chúc vây quanh tòa nhà, hoặc tới hóng hớt, hoặc đang hô hoán khuyên giải an ủi cô bé trên lầu.

Tuy Nhiếp Chấn Hoành đứng cách đấy hơi xa, nhưng vẫn có thể nhìn thấy biểu cảm của Phan Tri Nhạc đang ngồi bên ban công.

Lòng anh thầm thấy không ổn.

Cô bé để chân trần, chỉ mặc váy ngủ, tóc cũng rối bù. Điều khiến anh thêm bất an là, gương mặt xưa kia luôn ríu rít nay tái nhợt hẳn. Dù những người dưới lầu có kêu gào thế nào, dường như em đều không có phản ứng.

Bộ dạng ấy... khiến anh liên tưởng đến một người bạn cũ.

Người đó cũng như thế này trước khi gặp chuyện.

Về sau, người ấy không còn nữa.

Nhiếp Chấn Hoành lập tức kêu Vương Kim Bảo hẵng còn trông tiệm tạp hóa gọi điện thoại báo cảnh sát luôn. Mắt anh tần ngần quanh tất cả cửa hàng trên phố, nhanh chóng cất bước về một hướng.

Trước khi xuống cầu thang, anh bất giác ngẩng đầu nhìn lên khoảng ban công nhỏ xeo xéo trên tiệm mình. Vừa trông lên, anh đã suýt nhảy dựng.

"Lâm Tri! Em rụt người vào cho anh!"

Nhiếp Chấn Hoành gầm lên, bấy giờ cậu thanh niên đang vịn ban công thò nửa người ra hóng mới rụt vào bên trong.

"Muốn xem thì xuống mà xem," Nhiếp Chấn Hoành nhớ ra chuyện mình phải làm, lại lo không có mình trông coi thì cu cậu sẽ gây rắc rối gì mất, nên anh dứt khoát gọi người ta xuống luôn, "Đi cứu người với anh."

"Dạ!"

Mắt người trên lầu sáng rực lên, cậu lập tức biến mất khỏi tầm nhìn của Nhiếp Chấn Hoành. Chẳng bao lâu sau, tiếng chân xuống lầu vang lên loẹt xoẹt trong hành lang, một cậu thanh niên trẻ tuổi mặc áo khoác vải dù chạy tới cạnh Nhiếp Chấn Hoành.

Nhìn tướng là biết cậu chạy xuống rất vội, còn chưa kịp cởi chiếc tạp dề chắn bắn màu trên người ra. Vệt màu chưa khô hẵng còn vương trên lớp vải màu be, dây buộc của đôi giày vải bạt cũng lỏng lẻo.

"Đi thôi."

Nhiếp Chấn Hoành cũng không có thời gian để sửa sang lại bề ngoài cho cậu nữa, anh kéo tay Lâm Tri chạy về cuối phố.

Chỗ đấy rõ ràng ở hướng khác với căn nhà mà gia đình họ Phan đang sinh sống, nhưng Lâm Tri vẫn theo sau Nhiếp Chấn Hoành, chẳng mảy may nghi ngờ tẹo nào.

Về sau, sự kiện này hạ màn, khi Vương Kim Bảo lấy chuyện này ra để hỏi bỡn cậu, Lâm Tri tỏ vẻ cực kỳ dĩ nhiên ——

"Anh Hoành nói muốn đi cứu người.

"Anh ấy nói chuyện giữ lời lắm."

[HẾT CHƯƠNG 24]


Chương 25: Muốn

Nơi mà Nhiếp Chấn Hoành đưa Lâm Tri đến, là một cửa hàng bán chăn bông ở cuối phố.

Cửa hàng đó cũng không cách tiệm sửa giày của Nhiếp Chấn Hoành bao xa, chủ tiệm là một người dân tộc Duy Ngô Nhĩ, cũng là láng giềng lâu năm ở khu này. Vì lấy vợ người bản địa, nên ông chú an gia ở Dung Thành, tiện thể mở một tiệm nhỏ bán chăn đệm để đỡ đần gia đình.

Có lẽ vì hoài niệm cố hương, nên ông chủ Nhiệt Hợp Mạn đặt cho tiệm nhà mình cái tên là "Tiệm chăn bông Thiên Sơn". Vừa thấy cái tên ấy, là người ta đã cảm thấy chất lượng hàng hóa trong tiệm rất ổn rồi.

(Tìm hiểu về dân tộc Duy Ngô Nhĩ, người Uyghur. . Tên của ông chủ tiệm được phiên âm là Reheman.)

"Lão Mạn!"

Nhiệt Hợp Mạn là một ông chú Tân Cương để râu quai nón xồm xoàm, tên thật của chú thực ra còn dài dằng dặc, nhưng chẳng ai nhớ nổi, nên họ cứ gọi chú là "Lão Mạn" luôn, vừa thân thiết lại vừa dễ nhớ.

Nhiếp Chấn Hoành bước nhanh vào cửa hàng chăn đệm, gọi Lão Mạn đang dạy con gái làm bài tập ở buồng trong ra, "Mau, cho em hai chiếc chăn dày dặn với."

"Loại lớn nhất ạ." Lâm Tri đứng cạnh bổ sung.

"Đúng vậy, loại kích cỡ lớn nhất ấy."

"Được," Nhiệt Hợp Mạn thấy sắc mặt hai người có vẻ nghiêm trọng và nôn nóng, lập tức mau mắn tìm kiếm trên kệ hàng, tiện thể hỏi, "Có chuyện gì thế?"

Chú ta cũng nghe được loáng thoáng tiếng ồn bên ngoài, nhưng vì đang bận chăm con gái, nên Nhiệt Hợp Mạn không đi ra hóng hớt.

"Con bé nhà họ Phan, sắp nhảy lầu rồi."

Đều là hàng xóm láng giềng, Nhiếp Chấn Hoành nhắc một cái là Nhiệt Hợp Mạn nghĩ ra ngay. Chú ta cũng rất lấy làm cả kinh, "Sao lại ra cớ sự này!? Con bé đang yên đang lành, sao lại nghĩ quẩn vậy chứ!?"

Cùng là người có con gái, Nhiệt Hợp Mạn quả thực không dám tưởng tượng nếu sau này con gái mình tính nhảy lầu, chú ta sẽ suy sụp đến mức nào.

Có điều giờ không phải lúc để dông dài, Nhiệt Hợp Mạn lục lọi nhanh hơn, mau chóng lấy ra hai chiếc chăn bông dày rộng nhất trên giá, đưa cho Nhiếp Chấn Hoành và Lâm Tri mỗi người ôm một chiếc.

"Đủ chưa?"

Chú không hề nhắc đến tiền nong, mà chỉ hỏi họ có cần thêm chăn không.

"Đủ rồi, nhiều nữa cũng không dùng được." Nhiếp Chấn Hoành bình tĩnh gật đầu.

Anh lấy chăn bông chỉ để phòng ngừa nhỡ phải đỡ người. Với độ cao từ tầng 4, nếu không đỡ được thì dù có lót thêm chăn bông dưới đất e cũng chẳng có tác dụng gì.

Nhiếp Chấn Hoành cảm ơn Nhiệt Hợp Mạn thật ngắn gọn, rồi khuyên chú ta ở lại trong tiệm, "Bác đừng qua đó, chỗ đấy đông đúc láo nháo, bác nên ở nhà trông A Y cẩn thận. Tiện thể gọi cứu thương hộ em nhé, bên kia có lẽ mới gọi cảnh sát thôi."

"Được! Hai chú mau sang đấy đi!"

Nhiệt Hợp Mạn không từ chối, bế đứa con gái Y Na 5 tuổi tò mò đi ra từ buồng trong vào lòng rồi mới dừng chân. Chú móc di động ra bắt đầu bấm số. Về phần Nhiếp Chấn Hoành và Lâm Tri, họ ôm chăn bông, vội vàng chạy về dưới tòa nhà mà gia đình họ Phan đang sinh sống.

"Phan Tri Nhạc! Con quay vào ngay cho mẹ!!"

Dưới tòa nhà nơi gia đình họ Phan ở, người ta đã tụ tập đông nườm nượp. Bấy giờ Phan Mỹ Liên cũng đã chạy về từ tiệm uốn tóc, thị đang vừa bàng hoàng vừa thảng thốt gào lên tầng trên.

Búi tóc bình thường luôn tinh tươm đỏm dáng của thị giờ đã xổ ra một nửa, thị còn chẳng thoa son, trông hơi tã tượi, nhưng vẫn siết nắm tay lại bằng một lực rất mạnh.

"Con muốn gì, thì cứ nói hết với mẹ," Phan Mỹ Liên ép cơn giận và nỗi hoảng loạn xuống, "Sắp thành người lớn đến nơi rồi, sao còn giở trò dùng cái chết để ép buộc nhau thế này, hở con!?"

Thị tính khuyên con gái quay về phòng, nhưng thị lại không biết rằng, mình càng nói thế, thì con gái thị càng suy sụp chán nản hơn.

"Con muốn gì..."

Tiếng nói vọng xuống từ tầng bốn hơi nhỏ, nhưng đám đông vẫn lặng đi.

"Mẹ hỏi con muốn gì ư?!"

Vẻ mặt Phan Tri Nhạc hơi quái đản, nhưng cũng kèm theo cả sự sáng tỏ không chút kinh ngạc.

Mẹ của em, bao nhiêu năm ròng, chẳng phải vẫn luôn thế hay sao?

"Trước nay mẹ chẳng bao giờ nghĩ tới thứ mà con muốn, đó giờ mẹ chưa từng ngẫm xem thứ con thật sự thích là gì.

"Mẹ chỉ áp đặt những thứ mẹ muốn lên đầu con, một khi con làm gì chệch hướng, là mẹ sẽ khăng khăng ép con phải quay về đường mẹ chọn.

"Từ nhỏ đến lớn, con luôn cố gắng làm vừa lòng mẹ.

"Nhưng mẹ ơi, con cũng là một người đang sống mà! Mẹ có biết chăng, không chỉ mình mẹ là có ước mơ đâu, con cũng có mơ ước của riêng con chứ!"

Đám đông đang nhìn lên đột nhiên lại bắt đầu ồn ào, hóa ra Phan Tri Nhạc đã chuyển từ tư thế ngồi thành đứng trên ban công.

Rìa tường chỉ rộng tầm nửa bàn chân, sơ sẩy là ngã xuống ngay.

Tựa như chưa bao giờ được biểu đạt tâm tình của mình rõ ràng như thế, Phan Tri Nhạc đứng trên ban công cao cao, giọng mỗi lúc một to hơn, nói mỗi câu càng thêm khí phách.

"Bây giờ... Mẹ còn cướp đi cả thú vui duy nhất của con...

"Ha ha, không nên cơm cháo gì...

"Giày múa của con, quần áo của con, huy chương của con... trong mắt mẹ đều là những thứ không nên cơm cháo gì... nhưng mẹ có biết những thứ ấy quan trọng với con đến nhường nào không!?

"Mẹ không biết!

"Mẹ vứt hết chúng đi rồi!"

Xả hết những lời mình luôn cất giấu trong lòng xong, ngực Phan Tri Nhạc phập phồng, em thở phì phò.

Em cụp mắt xuống, nhìn người mẹ đang không nói nổi thành lời của mình từ đằng xa, đột nhiên cảm thấy vô cùng sung sướng.

Em giơ bàn tay lên, thất thần híp mắt lại, đo đạc con phố bằng ngón tay mình.

Hóa ra... đám người trưởng thành này, nhìn từ trên đây xuống, cũng chỉ to bằng ngón tay em thôi.

"Mẹ."

Phan Tri Nhạc dang đôi cánh tay, nhón mũi chân.

Ngọn gió Xuân thổi qua váy ngủ của em, dập dềnh rung động. Đôi chân thon dài thẳng tắp nhẹ nhàng xoay nửa vòng trên ban công, tựa như một cánh én linh hoạt, lượn một vòng tự nhiên và mỹ lệ.

Trái tim của tất cả những người ở dưới đều thắt lại.

Dự cảm chẳng lành len lỏi vào tâm trí đám đông.

"Cảm ơn mẹ đã sinh con ra, nuôi con lớn.

"Mẹ có thể kiểm soát con, kiểm soát đồ đạc của con, kiểm soát mọi thứ trong nhà.

"Nhưng con chẳng có gì nằm trong tầm kiểm soát của mình.

"Con chỉ có... cái mạng này, là còn có thể khống chế được một tẹo."

Chim én thu cánh lại.

Một đụn mây đen che đi ánh dương, tiếng máy bay xé gió xuyên qua tầng mây, lướt về phương xa vang lên loáng thoáng đâu đây.

Còn cô én nhỏ đã thu cánh lại thì khép hàng mi, rơi thẳng xuống mặt đất.

"A ——"

"Đừng mà!"

"Tri Nhạc —— đừng —— Tri Nhạc à ——!"

"Đỡ! Mau đỡ con bé đi!!"

Phụp.

Âm thanh như bị bóp nghẹt khiến người ta tuyệt vọng dội vào tim tất cả những người có mặt.

Hai chân Phan Mỹ Liên mềm nhũn, thị bất lực ngã quỳ ra đất.

[HẾT CHƯƠNG 25]

Chương 26: Đỡ thành công.

Chiếc máy bay trên bầu trời cắt một kẽ hở lên tầng mây, ánh nắng mỏng manh xuyên qua tán cây tươi tốt, rọi xuống con phố.

Màu máu đỏ vốn nên xuất hiện lại bị một mảng trắng mềm mại hóa thành hư vô. Đám mây lún xuống đỡ được cô én nhỏ, chậm rãi đặt em lên mặt đất.

Cùng lúc đó, tiếng còi xe cảnh sát và tiếng hú của xe cứu thương cũng lần lượt xuất hiện. Mọi người đồng loạt thở phào, tránh đường cho nhân viên y tế.

"Trời đất ơi, đúng là nghìn cân treo sợi tóc mà!"

"Chẳng thế à, tôi còn tưởng con bé chết chắc rồi cơ!"

"May quá may quá, A Di Đà Phật, ông trời phù hộ..."

Trong những tiếng bàn tán sôi nổi của những người xung quanh, nhân viên y tế nâng cáng đã chạy tới trung tâm đám đông.

Ở nơi đó, một chiếc chăn to màu trắng được trải trên mặt đường xi măng, giữa chăn bông là một cô bé mặc váy ngủ màu hồng.

"Bác sĩ, bác sĩ!"

Sau một hồi hết buồn bã lại mừng vui, Phan Mỹ Liên rốt cuộc cũng bình tĩnh lại, thị túm một chiếc áo blouse trắng, kích động khẩn cầu, "Bác sĩ mau xem con gái tôi có bị làm sao không với ạ!"

"Chị bỏ tôi ra đã thì tôi mới xem được chứ." Người mặc áo blouse trắng có lẽ cũng gặp nhiều trường hợp người thân thế này rồi, nói với vẻ bất đắc dĩ.

"Vâng vâng, phiền bác sĩ khám cẩn thận với ạ," Phan Mỹ Liên vội vàng buông tay ra, đôi môi run rẩy, "Con bé còn nhỏ..."

Nói một lúc, thị lại không cất nổi thành lời.

Sống lưng xưa nay luôn cố gắng ưỡn thẳng giờ oằn xuống, bộ áo quần phô trương cũng tả tơi như những cánh hoa tàn mất đi chất dinh dưỡng.

Nhìn đứa con gái hai mắt nhắm nghiền không rõ sống chết, nước mắt của Phan Mỹ Liên tuôn rơi như mưa, làm nhòe đường kẻ mắt và lớp kem nền của thị, phơi bày gương mặt hoảng loạn dưới lớp phấn son.

Gương mặt ấy ngập tràn sự lo lắng xót xa của mẹ dành cho con gái.

"Xời, giờ còn biết khóc cơ đấy. Ép con gái mình tới nỗi nó muốn nhảy lầu cơ mà. Làm mẹ mà như thế à?"

"Đây chính là cái kiểu có "dục vọng kiểm soát" mà trên mạng hay nói đấy hả?"

"Mấy ông mấy bà đừng bàn chuyện người ta nữa, nhà ai mà chẳng có nỗi khổ riêng? Thời nay dạy dỗ bọn trẻ con có phải là dễ đâu!"

"Nói vậy cũng đúng, thằng nhà tôi tới tuổi dậy thì cũng ương bướng lắm. Bảo nó làm gì là nó cứ phải làm ngược lại, động tí là dọa tự tử!"

"Bác đấy, giờ là thời đại nào rồi? Mình đâu thể áp đặt suy nghĩ lên đầu con trẻ mãi. Cái đấy gọi là gì ấy nhỉ, đặt mình vào vị trí của người khác, bác có hiểu không..."

Tiếng bàn tán bốn phía tựa như những sợi tơ sắc bén quấn quanh Phan Mỹ Liên.

Từng sợi từng sợi, chui vào lỗ tai, trói chặt người thị lại, dần khiến Phan Mỹ Liên ngộp thở.

Thị... thật sự đã sai rồi sao?

Thị thật sự đã ép con gái mình đến mức nó phải tìm đến cái chết để giải thoát khỏi tuyệt vọng ư?

Nhưng thị chỉ... chỉ muốn tốt cho con bé thôi mà!

Tại sao, tại sao lại ra nông nỗi này?

Chẳng ai có thể giải đáp câu hỏi ấy cho Phan Mỹ Liên.

Còn lúc này, thị đang hồn vía lên mây, cũng chẳng có tâm trạng tìm kiếm đáp án, chỉ vin vào bản năng, lên xe cứu thương theo bác sĩ, đi thẳng đến bệnh viện cùng con gái.

*

Trong thời khắc nguy cấp vừa nãy, hai chiếc chăn bông to mà Nhiếp Chấn Hoành và Lâm Tri mang đến đã đóng vai trò lớn nhất trong thành công này.

Nhân lúc cô bé đứng trên lầu đối thoại với mẹ, mấy anh trai tráng dẹp một khu phòng hộ rộng mấy mét vuông trên phố, để chỗ trải hai chiếc chăn bông ngay dưới ban công tòa nhà của gia đình họ Phan.

Khi Phan Tri Nhạc nhảy xuống, cô bé đáp trúng một chiếc chăn.

May mà cô bé nhẹ cân, vả lại cũng nhảy từ chỗ không quá cao, nên cái chăn được chống đỡ bằng sức tay của mấy anh đàn ông mới đón được em, không đến nỗi ngã thẳng xuống đất.

Bác sĩ kiểm tra bước đầu ở hiện trường, nói rằng cô bé chỉ bị xây xước. Tuy đã ngất đi, nhưng cũng may là không có vấn đề gì.

Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.

Đám mây đen che kín trên đầu mọi người cũng dần tan đi.

Chỉ còn một chiếc xe cảnh sát ở lại hiện trường, mấy nhân viên cảnh sát chung một đồn đang tìm hiểu tình hình từ quần chúng xung quanh. Những người còn lại thấy hết trò vui thì cũng dần tản đi.

Câu chuyện hôm nay, chẳng còn nghi ngờ gì nữa, sẽ trở thành đề tài trà dư tửu hậu của rất nhiều người, rồi lâu dần, sẽ từ từ chìm vào quên lãng.

Chỉ có những người thực sự trải qua, mới có thể hiểu rõ được rằng—— một khi đã chịu tổn thương, thì vết thương sẽ tồn tại mãi mãi. Dẫu sau này có bù đắp bao nhiêu, thì vết rách sẽ mãi còn đó, vắt ngang trái tim.

Nhưng may thay, thời gian luôn tiến về phía trước.

Khi cuộc đời có thêm nhiều trải nghiệm đẹp đẽ, khi sự chú ý của một người luôn hướng về những điều vui vẻ hạnh phúc, thì những tỳ vết và sứt sẹo ấy sẽ không ngừng bị bỏ lại phía sau, cho đến khi nhỏ xíu tới độ không còn nhìn thấy được nữa.

*

Đến khi Nhiệt Hợp Mạn chạy tới nơi xảy ra chuyện, thì đám đông đã tan gần hết. Trương Thúy Phương đang thu chăn với mấy láng giềng.

Nhiếp Chấn Hoành và Lâm Tri, cùng vài anh chàng cao to phụ đỡ cô bé đều bị hội Trương Thúy Phương xua đi nghỉ ngơi dưới bóng cây, lấy cớ mỹ miều là để họ nghỉ cho lại sức, khỏi cần động tay nữa.

"Các chú gan quá!"

Mới nãy Nhiệt Hợp Mạn bế con gái ở đầu phố bên kia trông từ đằng xa. Tuy không thể thấy hết toàn cảnh, nhưng chú ta vẫn nhìn được rõ cảnh tượng Phan Tri Nhạc nhảy xuống, không khỏi nín thở.

Không ngờ chiếc chăn Nhiếp Chấn Hoành vừa mượn từ quán chú ta lại có tác dụng thật. Nhiệt Hợp Mạn phải thầm cảm tạ Thánh A La phù hộ. May quá! Lòng chú ta cũng đang ngập tràn tò mò. Đợi đến lúc vợ về để đổi ca trông con gái, chú ta bèn chạy qua nói chuyện với họ ngay.

"Cũng nhờ các anh đây bận rộn vất vả."

Lúc này Nhiếp Chấn Hoành mới kín đáo xoa cổ tay mình, đẩy công lao cho mấy người kia.

Ban nãy, trong tình thế cấp bách, anh đành phải tập hợp mọi người ngay ở hiện trường. Cũng may thực sự có vài người hăng hái làm việc nghĩa xung phong kéo chăn chung với anh, nên may mắn cũng đỡ được cô bé.

Trong số đó, có một người đàn ông cao lớn trông rất uy nghiêm, mặc bộ đồ liền màu xanh lục quân đội. Nhiếp Chấn Hoành nhìn lướt qua, cảm thấy anh ta có vẻ là quân nhân.

"Đội trưởng ơi, hỏi gần xong rồi, em về đồn xử lý lời khai đây ạ."

Lúc này, một đồng chí cảnh sát bước đến gần người đàn ông cao lớn, nói với anh ta bằng chất giọng khản đặc, có vẻ họ quen biết nhau.

Người đàn ông kia nghiêng người gật đầu. Anh cảnh sát nọ lại chào hỏi chàng trai bên cạnh người đàn ông, sau đó đưa hai nhân viên vào xe cảnh sát rời đi.

Bấy giờ Nhiếp Chấn Hoành mới phát hiện, một bên mắt của người đàn ông cao lớn hình như có vấn đề, bị che phủ bởi một làn sương trắng mỏng.

Thoạt nhìn, người ta sẽ vô cớ cảm thấy gai gai sống lưng. Nhưng khi anh ta cúi đầu trò chuyện với chàng trai bên cạnh, màu trắng đục kia lại tựa băng tuyết đang tan chảy, chẳng có chút uy lực nào.

Nhiếp Chấn Hoành đột nhiên nhớ tới câu chuyện tầm phào mà mấy khách quen của tiệm anh từng đề cập. Họ bảo ở khu dân cư phức hợp cách khu tập thể này không xa, có một anh bảo vệ chột mắt, canh gác đất đai giỏi lắm, bắt được bao nhiêu là trộm, khiến dân trong ấy yên tâm vô cùng.

Chẳng lẽ kẻ mà họ nhắc đến chính là người trước mắt đây chăng?

Nhiệt Hợp Mạn móc bao thuốc ra chia hết một vòng cho mọi người.

"Tôi nên gọi các anh em thế nào nhỉ?"

"Long Nghị."

"Tần Thiên."

"Vương Kim Bảo!"

"Lão Vương, ông thì mau hút thuốc đi!"

Nhiệt Hợp Mạn cạn lời đập lên cánh tay ông bạn quen vừa xí xớn lại gần. Vương Kim Bảo vui tươi hớn hở ngậm thuốc lá nói, "Làm sao, nãy tôi cũng góp sức chứ bộ!

"Tuy hai anh em đây với Lão Nhiếp bỏ nhiều sức hơn, nhưng tốt xấu gì tôi cũng đỡ một góc, chả có thằng này thì đã hư xôi hỏng chè hết rồi!"

Chiếc chăn bông mà Phan Tri Nhạc rớt trúng, tình cờ thay lại là chiếc mà bốn người họ đang giữ. Mỗi người nắm một góc chăn, đón cô bé rơi vào giữa.

"Anh Vương chắc tay lắm ạ!"

Chàng trai trẻ tên Tần Thiên nở nụ cười, giơ ngón cái với ông chú trung niên bụng phệ, khen ngợi, "Em còn sợ không đỡ nổi, may có anh Vương bên cạnh bù trừ cho em."

"Hầy dà, chuyện cỏn con, cỏn con ấy mà," Vương Kim Bảo không khỏi làm đỏm. Chú ta được khen một cái là đuôi cong tớn lên, cười không thấy tổ quốc đâu nữa, "Dù gì ngày xưa anh cũng từng đi cứu trợ Châu Phi, mấy năm nay béo lên tí thôi, chứ sức vẫn còn!"

Nhiếp Chấn Hoành cắn thuốc lá ngồi cạnh đấy, nghe Vương Kim Bảo khoác lác, cánh tay để sau lưng đột nhiên bị ai đó bóp một cái.

Anh lia mắt qua, phát hiện Lâm Tri đang chọc mình.

—— Sao thế?

Mọi người đang dở câu chuyện, Nhiếp Chấn Hoành không tiện ngắt lời, nên ra hiệu bằng mắt với cậu em hàng xóm.

Ai dè anh lại phát hiện ngón tay chú nhóc đang nắn bóp cơ bắp trên cánh tay mình dựa theo động tác và hướng xoa ban nãy của anh.

Tuy rằng động tác hơi vụng về.

Nhưng lực độ vừa phải truyền vào lớp biểu bì bên trong, dường như thật sự khiến những bắp thịt đang căng cứng vì phải đỡ nặng mềm đi khá nhiều.

"Nhớ hồi đó, anh làm công trình bên ấy, cũng toàn vác gạch trét xi măng, phải khỏe thì mới cáng đáng được chứ lị!" Vương Kim Bảo còn đang hồi tưởng về những năm tháng huy hoàng ngày xưa.

Tần Thiên ngồi một bên còn cổ vũ nhiệt tình, "Đấy em đã bảo mà, anh có khí thế lắm!"

"Đúng rồi Tiểu Tần này, mấy đứa cũng sống ở gần đây à?" Tần Thiên tươi sáng như ánh dương, lại nói năng khôn khéo, Vương Kim Bảo vừa quen mà đã cảm thấy như gặp được tri kỷ, bèn tán dóc thêm với cậu.

"Em với anh Long sống ở khu phức hợp Nước Cạn đằng sau, cách chỗ này mấy con phố ạ."

"À à, chỗ đó hả, anh biết đấy. Ngay cạnh chợ thức ăn nhỉ, tối anh với vợ đi bộ hay ghé ngang khu đó lắm."

"Đúng ạ, hôm nay bọn em ra ngoài có tí việc, lúc về thì gặp đúng tình cảnh gay go này. Chắc cũng là ông trời run rủi cho chúng em tới phụ cứu người đấy ạ."

"Nói chỉ có chuẩn!"

Nhắc tới chuyện cô bé nhảy lầu, đám người lớn lại hơi thổn thức.

Nhất là Nhiệt Hợp Mạn, có thể là vì nhà cũng có một cô con gái, chú còn dõi theo Phan Tri Nhạc mấy năm nay, nên càng day dứt hơn, bèn hỏi gặng vì đâu nên nỗi.

Đề tài này thì mấy bà mấy cô đang dọn chăn ở đàng kia biết rõ hơn họ.

Trương Thúy Phương gấp chăn tử tế rồi để lên ghế, mở miệng từ tốn kể.

Nha Đậu:

Mang anh Long với bé Thiên qua cameo hữu nghị lè hahaha.

(Dòng thời gian không giống nhau đâu, này là vài năm sau truyện "Trong mắt chỉ có trời xanh" nha.)

PS: Việc đỡ trẻ ngã từ nhà cao tầng bằng chăn thì đã được rất nhiều báo chí truyền thông đưa tin. Nhưng thật ra nếu gặp phải tình huống này thì phải báo cảnh sát đầu tiên đã nha.

[HẾT CHƯƠNG 26]

Long Nghị và Tần Thiên là công và thụ trong bộ "Trong mắt chỉ có trời xanh" cùng chung series Chuyện Phố Phường này của Nha Đậu

Chương 27: Em không ngốc nhé.

Hóa ra, mấy năm nay Phan Tri Nhạc luôn lén tập nhảy.

Tụi trẻ đứa nào chẳng có sở thích riêng? Về lý thuyết, trong thời đại bây giờ, nhiều bậc phụ huynh còn sẵn lòng chủ động chi tiền cho con theo học mấy lớp sở thích. Chúng không những giúp đời sống tinh thần phong phú hơn, mà còn có thể được cộng điểm khi thi đại học.

Nhưng dở một nỗi là, gia đình Phan Tri Nhạc lại không phải một gia đình bình thường.

Phan Mỹ Liên vốn không được học hành tử tế, lại có quá khứ như vậy, nên thị chỉ một lòng muốn bồi dưỡng con gái thành dân trí thức. Còn mấy thứ nhảy nhót vẽ vời, với thị đều là dòng giống vớ vẩn sai trái.

Vả lại, thứ Phan Tri Nhạc thích cũng không phải là múa truyền thống múa đương đại như các bậc phụ thường nghĩ, mà là kiểu nhảy đường phố hay nhảy trong nhà gì gì đấy mà rất nhiều người thuộc thế hệ trước không hiểu nổi.

—— Cứ loạn cào cào lên, chẳng hiểu ra cái giống gì.

Đây là bình luận duy nhất của Phan Mỹ Liên với món nhảy nhót này.

Trên thực tế, Phan Tri Nhạc đã bộc lộ tài năng thiên bẩm với khiêu vũ từ khi còn rất nhỏ. Tuy cô bé chưa từng được huấn luyện bài bản, nhưng thân thể em đồng điệu với âm nhạc và tiết tấu một cách rất tự nhiên.

Mấy năm nay, cứ đến sẩm tối là lại có một tốp người già ở độ tuổi xế chiều về hưu tổ chức nhảy dân vũ trên quảng trường nhỏ giữa khu tập thể. Từ hồi còn là học sinh tiểu học, Phan Tri Nhạc đã rất thích chạy đến cạnh quảng trường sau khi làm xong bài tập, cùng nhún nhảy vung tay tung chân theo điệu nhạc với các ông các bà.

Cô bé xinh xắn đáng yêu, lại không làm ồn, các bác gái nhảy dân vũ đều rất thích em, thường xuyên cho em quà và đồ ăn vặt.

Một giáo viên dạy nhảy về hưu trong số đó phát hiện ra tài năng của cô bé, bèn nảy sinh lòng quý mến nhân tài, nhiều lần lén dạy riêng cho Phan Tri Nhạc khi ra quảng trường, coi như giúp cô bé có kiến thức cơ sở.

Có điều, chẳng bao lâu sau, những buổi dạy vụng trộm này đã bị Phan Mỹ Liên ngăn cản.

Bình thường Phan Mỹ Liên quản con gái rất nghiêm, Phan Tri Nhạc về cơ bản chẳng có chút tiền tiêu vặt nào. Cho nên khi Phan Mỹ Liên phát hiện đầu con gái mình có thêm mấy chiếc kẹp tóc mới, thị bèn hỏi con bằng được chuyện là thế nào, không cho phép con bé ra chỗ quảng trường nơi các ông các bà nhảy dân vũ nữa.

Trong quan niệm của Phan Mỹ Liên, ở đời chẳng có bữa cơm nào là miễn phí cả. Người khác cho mình thứ gì, không sớm thì muộn cũng phải trả lại theo cách khác thôi, chẳng thà đừng nợ nần ai ngay từ đầu.

Thị còn lo con mình sẽ bị kẻ xấu bắt cóc chỉ vì tham mấy của rẻ này. Đến lúc đó, con gái con lứa, kêu trời trời không biết kêu đất đất chẳng hay, có khổ sở thế nào cũng làm gì có ai biết được.

Một lần bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng.

Tình thương dành cho con gái của Phan Mỹ Liên bị giấu trong sự nghiêm khắc và kiểm soát. Thị tự cho là mình làm thế chỉ vì muốn tốt cho con. Nhưng thị không biết rằng, đôi lúc lời nói của mình lại tựa như những lưỡi dao, cắt vào da thịt con gái thị.

Đến lúc Phan Tri Nhạc lên cấp 3, Phan Mỹ Liên lại càng quản thúc chặt hơn.

Phương pháp giáo dục con của phụ huynh Trung Quốc được thể hiện hết sức sinh động trong gia đình mẹ đơn thân này. Phan Mỹ Liên yêu cầu con gái phải đặt hết tâm tư vào chuyện học hành, vứt sạch những thứ còn lại ra khỏi đầu.

Xung quanh đều là xóm giềng đã dõi theo Phan Tri Nhạc từ nhỏ, họ hiểu con đường trưởng thành của cô bé chẳng kém gì Phan Mỹ Liên.

Trong số đó, có chị Uông chủ quán quà sáng, nhà có thằng còn trai là bạn cùng trường cùng khối với Phan Tri Nhạc. Chị chia sẻ ít thông tin liên quan đến sự kiện lần này.

"Em nghe con em kể, Tri Nhạc cũng có tiếng tăm trên trường lắm. Con bé tham gia câu lạc bộ gì ấy, còn giành giải đại diện cho toàn trường đấy, giỏi đáo để."

"Nhưng sao Phan Mỹ Liên cứ suốt ngày lải nhải con mụ học dở nhỉ?"

"Hầy, đấy không phải là giải thưởng thi đua học tập đâu, hình như là thi nhảy thì phải, còn vào chung kết cả nước nữa."

Bấy giờ, một người phụ nữ sống cùng tòa nhà với gia đình họ Phan xen miệng vào.

"Hai hôm trước tôi thấy mẹ con nhà ấy cãi nhau, hình như có nhắc đến huy chương gì ấy?"

Người đàn bà kia cố gắng nhớ lại câu chuyện mình hóng được ngoài hành lang, nói, "Hình như con bé Tri Nhạc chất vấn mẹ nó tại sao lại vứt hết huy chương cúp thưởng của nó đi, lúc ấy tôi còn thấy lạ ghê cơ.

"Phan Mỹ Liên bảo con bé đừng có lơ là việc chính, học thói câu kéo đàn ông..."

"Phỉ phui phỉ phui, cái con mụ Phan Mỹ Liên này! Tập nhảy thì là câu trai à? Má nó chứ!"

Trương Thúy Phương nhớ lại dáng vẻ cô bé lúc nhảy lầu, oán hận thóa mạ mấy câu, "Tôi mà sinh được đứa con gái ngoan ngoãn như thế, thì ngày ngày nâng niu trong tay còn chẳng đủ! Thành tích học tập có phải là tất cả đâu, đúng là mụ ấy làm mẹ chẳng ra gì!"

Vương Kim Bảo tựa cây nghe vợ nói thế, chú ta hé miệng, những lời cất giấu trong lòng còn chưa thốt ra bị khói thuốc che kín.

Chú ta nghĩ thầm: Giờ bà nói thì tiến bộ cởi mở lắm, thế sao lúc thằng cu nhà mình bị trứng ngỗng, bà lại rút que đan tẩn nó một trận hả?

Nhưng Vương Kim Bảo cũng chỉ dám nói câu ấy trong lòng thôi.

Nếu xổ thẳng ra miệng, thì người bị đánh bằng que đan có lẽ sẽ là chú ta mất.

Sau khi xâu chuỗi hết đống thông tin này, những người ở đây đã hiểu đại khái nguyên nhân dẫn đến việc Phan Tri Nhạc nhảy lầu.

Ai nấy đều chất chồng tâm sự, than thở vài câu. Họ hẹn nhau mấy hôm nữa cùng vào viện thăm cô bé, rồi chuẩn bị ai về nhà nấy.

Nhiếp Chấn Hoành đưa Lâm Tri theo cùng, giúp Nhiệt Hợp Mạn ôm hai chiếc chăn bông về cửa hàng của chú ta. Trên đường, anh nói với Nhiệt Hợp Mạn, "Hai cái chăn này bẩn rồi, bác cũng chẳng bán được. Lát về bác cứ tính giá, bán cho em đi."

"Chấn Hoành, sao chú lại nói thế!"

Nhiệt Hợp Mạn không vui, chú cau mày, chòm râu quai nón cũng không che nổi sự bực mình của chú ta, "Chuyện này liên quan đến mạng người! Chăn bẩn thì có sao? Nếu cứu được một mạng người, thì có phải khoắng sạch tiệm tôi cũng vui lòng!"

"Em biết bác có lòng," Nhiếp Chấn Hoành vội nói, "Nhưng em cũng không thể để thiệt bác được, ai mà chẳng phải nuôi gia đình."

"Xéo xéo xéo!"

Đúng lúc này, ba người tới cửa tiệm chăn bông Thiên Sơn. Nhiệt Hợp Mạn đặt chiếc chăn mình đang ôm lên quầy thu ngân, rồi giựt chiếc mà Nhiếp Chấn Hoành cầm, lập tức đuổi cả hai ra ngoài.

"Hai chú mau về đi!" Chú ta phẩy tay với Nhiếp Chấn Hoành đầy vẻ ghét bỏ, "Tôi tự biết phải xử lý thế nào, mấy chú đừng lo bò trắng răng! Muốn đòi tiền, tôi cũng phải đòi của Phan Mỹ Liên chứ!"

Nhiếp Chấn Hoành dở khóc dở cười, thấy Nhiệt Hợp Mạn quả quyết như vậy thì đành đưa Lâm Tri về.

Tay cậu nhóc vẫn đang túm cánh tay anh.

Dọc đường, cậu giống như một cái đuôi nhỏ, chẳng hó hé gì, cũng không tụt lại đằng sau, chỉ tròn mắt dỏng tai nghe họ trò chuyện.

"Sợ không?"

Vừa nãy, lúc đỡ người nhảy lầu, Nhiếp Chấn Hoành không để Lâm Tri động tay vào, chỉ bảo cậu đứng một bên quan sát. Theo anh thấy, thì chú nhóc này không có đủ sức để chịu khổ.

Đây là lần thứ hai anh hỏi câu này, đợt trước là lúc Phan Mỹ Liên mắng con gái.

Lần này Lâm Tri không phủ nhận.

Cậu xoay cổ lại, nhìn về nơi Phan Tri Nhạc nhảy lầu ban nãy, rồi mới do dự gật đầu với Nhiếp Chấn Hoành.

"Tim em," cậu thả bàn tay đang túm người đàn ông ra, ấp lên ngực, rầu rĩ nói, "Ngừng đập." Ngay vào khoảnh khắc em gái kia nhảy xuống.

Trong một khoảng thời gian rất dài, Lâm Tri không có bất kỳ khái niệm vào về "cái chết".

Cho đến khi mẹ qua đời.

Cậu mới ý thức được chữ "Chết" vô cùng đơn giản này nặng nề và đáng sợ đến nghẹt thở.

Tựa như có một màn sương che trời lấp đất bao phủ toàn bộ tầm nhìn, xóa nhòa mọi sự tồn tại trong làn hơi mịt mùng, khiến người ta không thể thấy đường biết lối.

Cậu không thích chữ "Chết" ấy.

Nên cậu cũng chẳng thích thời tiết có sương mù.

Đó là màu sắc duy nhất mà cậu ghét, ngoài màu đen ra.

Lúc đó, cậu chỉ biết thu mình trong chiếc chăn trên giường, cuộn tròn người lại, vờ như không thấy gì cả.

"Em không sao rồi, yên tâm đi."

Giọng nói của người đàn ông vọng xuống từ phía trên, cắt đứt dòng suy tưởng trôi xa của cậu. Lâm Tri cảm giác được chỗ giữa mày được ai kia xoa nhẹ, "Tuổi còn trẻ, chớ nhíu mày.

"Em đừng bao giờ tìm đến cái chết để giải quyết vấn đề."

Nhiếp Chấn Hoành thấy cậu hàng xóm nghe lời giãn mày ra, thì mới châm điếu thuốc Nhiệt Hợp Mạn đưa mình lúc nãy, nhìn về phương xa rít một hơi thật sâu.

"Hành động làm khổ người thương mua vui kẻ thù này, chỉ có kẻ ngốc mới làm thôi."

"Em không ngốc nhé."

Lâm Tri mím môi, im lặng một lúc lâu, rồi lại dẩu miệng nói.

Cậu tưởng Nhiếp Chấn Hoành đang dạy dỗ mình, y như mẹ cậu ngày xưa, lúc nào cũng lải nhải bên tai cậu mấy chuyện chỉ có tụi ngốc mới làm.

Nhưng cậu có ngốc đâu.

Nhiếp Chấn Hoành đưa mắt về, thấy vẻ mặt bất mãn của cậu thanh niên, cảm giác nặng nề vì nhớ lại chuyện cũ cũng bay biến bặt tăm.

Anh thấy ngón tay Lâm Tri còn dính màu vẽ vì ban nãy chạy xuống vội quá chưa kịp rửa, bèn đưa cậu tới lu nước ở sân sau tiệm giày của anh, bâng quơ đáp lại.

"Ừ ừ, em là người tài trí nhưng giả vờ ngu dốt."

[HẾT CHƯƠNG 27]

Thành ngữ cổ có câu: "Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp" (Kẻ tài trí giả như ngu dốt, kẻ dũng mãnh giả như khiếp sợ), Lão Tử cũng giảng: "Đại âm vô thanh, đại tượng vô hình" (Tiếng lớn ầm ầm như không có tiếng, hình lớn hiện ra như không có hình), đều là có ý nói rằng người có tài trí cao nhưng luôn khiêm tốn, không để lộ tài năng, vẻ ngoài biểu hiện ra giống như một người ngu dốt, nhưng thực ra lại là người có trí tuệ phi phàm. Đó là thể hiện ra công phu và bản lĩnh của bậc quân tử tài trí.

Ý tưởng/hành động tự sát có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tâm thần, tâm lý phức tạp hơn như trầm cảm, lo âu, tâm thần phân liệt, hậu chấn tâm lý, v.v. Mong các bạn có cái nhìn khách quan, đừng đổ lỗi cho nạn nhân. Nếu phát hiện người thân, bạn bè, người quen hoặc chính bản thân có biểu hiện muốn tự sát, xin hãy tìm đến sự giúp đỡ từ các y bác sĩ, những người trong ngành.

Đối với Đường Dây Nóng Phòng Ngừa Tự Tử tại Việt Nam, hãy gọi 800‑273‑8255 hoặc nhắn tin 838255.


Chương 28: Cậu thợ học việc

Nói xong câu ấy, bản thân Nhiếp Chấn Hoành cũng phải cười trước.

Nhưng cười một lát, liếc cậu thanh niên đang nghiêm túc cúi đầu rửa tay dưới vòi nước, nụ cười bên môi anh lại vụt tắt.

Ngẫm lại Phan Tri Nhạc còn trẻ mà đã đi đến bước đường tự sát, và cả người anh em ngày xưa từng làm ăn buôn bán chung với mình, Nhiếp Chấn Hoành chợt nhận ra một điều rõ ràng là, đôi khi đơn giản cũng không phải chuyện gì xấu.

Cậu em hàng xóm thoạt trông ngốc nghếch ngờ nghệch, biết đâu nội tâm lại thông suốt hơn lũ các anh.

Không nghĩ ngợi quá nhiều, chỉ chú tâm làm việc mình thích, dường như chính vì vậy nên thế giới lại nhẹ nhàng hơn nhiều.

Còn chú bé Lâm thì vẫn không hay biết gì, cũng không nhận ra mình đã được nâng lên một tầm cao hùng vĩ trong lòng Nhiếp Chấn Hoành.

Cậu chỉ ngoan ngoãn rửa sạch màu vẽ dính tay, sau đó đi đến kệ hàng trong phòng, lấy chiếc khăn sạch lau khô tay mình.

Dường như cậu đã vô thức đưa tiệm sửa giày này vào vùng an toàn của mình, không còn xa lạ và phòng bị như lúc đầu nữa. Thậm chí cậu còn dám chủ động chạm vào đồ đạc trong ấy.

"Ô, cậu thợ giày mới tới đấy à?"

Lúc cậu đang lau tay, một khách hàng bỗng nhiên bước vào trong tiệm, cất giọng hơi ngạc nhiên.

Nhiếp Chấn Hoành vẫn còn ở sân sau, nghe thấy tiếng nên anh đi vào, nhưng không rõ lời vị khách kia nói, "Cậu thợ giày gì cơ?"

Khách đến là một người đàn ông hơn ba mươi tuổi đeo kính, thoạt nhìn rất hào hoa phong nhã, có phong thái của dân học hành. Bấy giờ, anh ta chỉ vào Lâm Tri, nói với Nhiếp Chấn Hoành, "Cậu này không phải là thợ học việc mà chú nhận về à?"

Chẳng trách Hà Khiêm lại nghĩ như vậy.

Anh ta là khách quen của tiệm, vì phải đi làm gặp đối tác, nên anh ta rất hay đến tiệm Nhiếp Chấn Hoành sửa và đánh giày. Binh thường anh ta toàn thấy Nhiếp Chấn Hoành đeo tạp dề da để đỡ dính bẩn khi sửa giày. Nhưng lúc này tiệm không bật đèn, cửa hàng hơi âm u, người đàn ông đeo kính không thấy màu vẽ trên người Lâm Tri, chỉ để ý cậu cũng đeo tạp dề buộc cổ, liếc qua cũng từa tựa cách ăn mặc của Nhiếp Chấn Hoành!

Nhưng mà xinh trai hơn —— Hà Khiêm thầm bổ sung trong lòng —— không thô kệch như ông chủ Nhiếp.

"Em lấy đâu ra bản lĩnh nhận thằng bé về học việc ạ?"

Nhiếp Chấn Hoành cười to một lúc rõ lâu vì câu nói của Hà Khiêm, sau đấy mới ôm vai Lâm Tri giới thiệu cậu với khách quen, "Đây là cậu em hàng xóm dưới nhà em, người ta là họa sĩ, dân nghệ thuật thứ thiệt đấy."

"Hở?"

Hà Khiêm nghe vậy là hỏi liền, "Vẽ tranh à? Phong cách gì, truyện tranh, doodle, hay là minh hoạ?"

Nhắc đến đề tài này là Nhiếp Chấn Hoành ù ù cạc cạc ngay.

Anh vỗ nhẹ lên lưng Lâm Tri, "Anh Hà cũng là dân tri thức, hai người hẳn sẽ có đề tài chung để nói với nhau."

Dân tri thức?

Lâm Tri hoàn toàn không hiểu ba chữ này có nghĩa gì, nhưng Hà Khiêm chẳng chờ cậu lên tiếng mà đã phẩy tay luôn, "Chỉ là kiếm miếng cơm trong nhà xuất bản thôi, ông chủ Nhiếp chớ làm tôi xấu hổ!"

Lâm Tri biết đại khái nhà xuất bản là gì, nhưng cậu hoàn toàn chẳng có bất kỳ hứng thú gì với đề tại này.

Toàn bộ tâm trí cậu chỉ dồn vào câu nói vừa rồi của Nhiếp Chấn Hoành, cậu ngước lên hỏi cực kỳ nghiêm túc.

"Anh muốn nhận em làm thợ học việc ạ?"

Lâm Tri ngẫm ngợi, làm cho anh Hoành có vẻ dễ hơn bán nhà đất nhiều ấy.

Không cần dậy sớm thức khuya, không phải học thuộc sổ tay, khỏi cần nhớ giá thuê của các loại nhà, cũng đỡ phải giao tiếp với nhiều người luôn.

Còn được cái nữa là, chỗ làm ở ngay dưới nhà cậu, cậu có thể về nhà vẽ tranh đúng giờ, đi ngủ đúng giấc, không phải đeo đôi giày da khiến cậu đau chân, mặc bộ comple làm cậu khó chịu nữa.

Có vẻ... giống lời mẹ dặn, là một công việc siêu tốt ý.

"Em còn coi là thật đấy à?"

Nhiếp Chấn Hoành cúi đầu là thấy ngay đôi mắt đen láy của Lâm Tri. Anh phát hiện mắt cậu không ẩn chứa vẻ đùa giỡn, chỉ tỏa ra ánh sáng nóng bỏng. Anh lại thấy hơi đau đầu.

"Thân anh nuôi được mỗi miệng anh thôi," anh cố gắng ấn đầu cậu hàng xóm xuống, "Không có tiền thuê em đâu."

Chuyện này là thật.

Tuy Nhiếp Chấn Hoành chỉ tốn 2000 tệ để thuê cửa hàng này, nhưng anh tính phí sửa giày rất rẻ, một đôi vài đến vài chục tệ là cùng. Cuối tháng trả xong tiền thuê nhà, số lợi nhuận còn lại chỉ đủ chi tiền ăn uống của anh, rồi thêm vài lá trà mấy bao thuốc, chứ chẳng còn thừa bao nhiêu.

Nhiếp Chấn Hoành không rõ tình cảnh của Lâm Tri lắm, nhưng sau đêm mưa lần trước, anh cũng để tâm và thương cảm đứa trẻ không còn mẹ này nhiều hơn.

Anh tính giúp Lâm Tri mà chưa tìm được cơ hội thích hợp, nhưng anh chưa bao giờ nghĩ đến việc giữ cậu nhóc lại chung một mái nhà.

Miếu nhà anh nhỏ, đừng nên chắn ngang đường đời rộng mở của người ta.

"Không trả tiền cũng không sao!"

Chất giọng trong trẻo chợt cắt ngang dòng suy tưởng của Nhiếp Chấn Hoành.

Nhiếp Chấn Hoành hơi kinh ngạc. Anh nhìn về phía Lâm Tri, lại nghe thấy cậu nói rất đỗi thản nhiên, "Bao ăn là được ạ."

Cậu họa sĩ đeo chiếc tạp dề sặc sỡ có vẻ rất cố chấp, đếm ngón tay nói với anh, "Một ngày hai bữa, một tháng 60 bữa, mỗi bữa 10 tệ, chỉ cần 600 tệ thôi ạ."

Nhiếp Chấn Hoành không khỏi hỏi lại theo lời cậu, "Một ngày ba bữa cơ mà, bữa còn lại đâu?"

Lâm Tri chớp chớp mắt, "Em không ăn sáng ạ." Ăn chung với bữa trưa luôn, có thể tiết kiệm ít tiền.

Dạo này cậu toàn làm như thế.

Nhiếp Chấn Hoành cau mày, "Em vẫn đang tuổi ăn tuổi lớn, sao lại không ăn sáng được?"

Hà Khiêm đứng ngoài rìa nhìn hết nổi nữa.

Anh ta nhận ra cả hai đang râu ông nọ cắm cằm bà kia, nhưng chẳng hiểu sao bầu không khí lại hài hòa lạ thường. Nhớ tới chuyện khiến mình phiền lòng dạo gần đây, anh ta quyết định vui vẻ đẩy đưa câu chuyện, "Hay là ông chủ Nhiếp cứ nhận em nó làm thợ học việc đi, cũng chỉ thêm một miệng ăn, mà còn có người bầu bạn cùng nữa.

"Người ta là thanh niên thời đại mới, làm bao nhiêu việc một lúc, nếu muốn kiếm tiền thì kiếm được mối khác ngay ấy mà."

*

Tiệm uốn tóc Mỹ Liên đóng cửa suốt nửa tháng. Mãi đến trước kỳ nghỉ tháng 5, Phan Mỹ Liên mới làm thủ tục xuất viện cho con.

Trong khoảng thời gian ấy, một số bà con láng giềng quen biết gia đình họ Phan đều đến bệnh viện thăm hỏi cô bé Tri Nhạc. Nhà họ Uông bán quà sáng, Lão Chu mở sạp trái cây, Nhiệt Hợp Mạn ở cửa hàng bông, đến cả Trương Thúy Phương cũng kêu Vương Kim Bảo xách theo một hộp thực phẩm chức năng, cùng mang đến bệnh viện.

Nhiếp Chấn Hoành vốn không định góp vui.

Nhưng anh nghe nói nơi Phan Tri Nhạc dưỡng bệnh chính là bệnh viện mà mình từng phẫu thuật chân, nên tính đến thăm bệnh hỏi han nhân lúc đi kiểm tra phục hồi chức năng định kỳ.

Một cô bé có tương lai xán lạn như thế, chẳng ai đành lòng thấy em héo tàn khi đang độ đương Xuân. Tuy đám người ngoài như họ cũng không giúp được gì, nhưng mỗi người ghé tai Phan Mỹ Liên khuyên thị một câu, biết đâu lại có thể khiến quan hệ giữa hai mẹ con khá hơn?

Vì thế nhân giờ cơm trưa, Nhiếp Chấn Hoành đề cập chuyện này với Lâm Tri.

Buổi nói chuyện với Hà Khiêm hôm trước đã khiến cuộc sống của hai người thay đổi ít nhiều.

Điểm khác biệt lớn nhất là chỗ vẽ tranh của Lâm Tri. Cậu chuyển từ ban công tầng 2 xuống tiệm sửa giày của Nhiếp Chấn Hoành.

Cũng chẳng phải Nhiếp Chấn Hoành thật sự cần một ai "bầu bạn", mà hoàn toàn ngược lại. Anh cảm thấy Lâm Tri mới là người cần tiếp xúc với bên ngoài nhiều hơn.

Bảo anh chõ mũi vào chuyện người khác cũng được, nói anh lo chuyện bao đồng cũng thế, từ mấy lần tiếp xúc với Lâm Tri, Nhiếp Chấn Hoành có cảm giác cuộc sống hiện tại của cậu em hàng xóm hơi khép kín quá.

Ngày nào cũng chỉ cô đơn nhốt mình trong phòng.

Ngoài thuốc màu và bàn vẽ, dường như cuộc đời cậu không còn một ai khác.

Quả thực, có kẻ thích cuộc sống cô độc, cũng khoái cảm giác thoải mái vui sướng khi không bị ai quấy rầy, nhưng Lâm Tri hiển nhiên không phải kiểu người như vậy.

Dường như cậu khuyết thiếu một phân đoạn nào đó trong quá trình trưởng thành, nên vô thức phòng bị sợ hãi trước tất cả những gì xa lạ, rồi lại vô thức khát khao sự náo nhiệt và thiện ý của đám đông.

Đây là một chú hamster thiếu sự bảo vệ, tràn ngập tò mò và rụt rè với thế giới bên ngoài.

Nhiếp Chấn Hoành không đành lòng thấy vẻ âm u chết chóc và phẳng lặng thờ ơ hiện lên trong cặp mắt trẻ trung kia. Đấy không phải là ánh mắt mà một thanh niên mới ngoài hai mươi nên có.

Huống chi, em hàng xóm chăm sóc bản thân rất vụng, chi bằng để anh theo dõi quan tâm, chí ít cũng không đến đận chết đói.

Cho nên, sau một hồi suy nghĩ như vậy.

Nhiếp Chấn Hoành dứt khoát làm theo lời Hà Khiêm, hỏi Lâm Tri có bằng lòng ở lại cửa hàng của anh không.

Không phải làm thợ học việc, chỉ là chạy vặt đỡ đần tí thôi.

Nếu thi thoảng khách đông, thì Lâm Tri cần giúp anh dọn dẹp cửa tiệm kệ hàng, hoặc làm mấy công việc cọ rửa đơn giản. Để đáp lại, Nhiếp Chấn Hoành sẽ bao cậu ba bữa trong ngày, coi như là thù lao chạy việc.

Còn lúc nào không có việc gì, Lâm Tri có thể vẽ tranh trong cửa hàng.

Dù sao cửa tiệm hơn 20 mét vuông, hầu hết đều trống không. Bình thường Nhiếp Chấn Hoành hay vứt giày dép dụng cụ lung tung, giờ anh dọn bừa một tí là có đủ chỗ cho Lâm Tri đặt giá vẽ vung cọ rồi.

Đương nhiên Lâm Tri cũng đồng ý với cách sắp xếp này.

Cậu gần như gật đầu ô kê ngay lập tức, vui đáo để. Hai lúm đồng tiền bên má cậu nom ngọt ngào đến nỗi khiến Nhiếp Chấn Hoành bất chợt cảm thấy phải chăng cái chốn tồi tàn của anh là nơi đất lành chim đậu phong thủy tốt gì cơ.

[HẾT CHƯƠNG 28]


Chương 29: Đi xe bus

Đã thăm người bệnh thì không thể đi tay không được.

Nhiếp Chấn Hoành sang quán chị Trương mua một túi quà toàn đồ ăn vặt mà tụi trẻ thích, rồi lại qua sạp của Lão Chu bên kia đường mua một giỏ hoa quả, coi như đã chuẩn bị xong quà.

Vốn anh định chuẩn bị quà chung với Lâm Tri, nhưng hình như cậu em hàng xóm đã có suy tính riêng. Cu cậu vùi đầu trước giá vẽ bôi trát mấy hôm. Tới ngày hai người xuất phát đến bệnh viện, cậu cuộn một bức tranh nhỏ, cắm trong túi ở bên hông ba lô.

"Sao còn đeo ba lô nữa thế?"

Giờ hôm nào hai người cũng ở chung một mái nhà, Nhiếp Chấn Hoành đã thấy trước bức tranh Lâm Tri vẽ tặng cô bé. Bức tranh nọ không lớn, chỉ to chừng một thước vuông, cuộn lại còn chẳng dài bằng nửa cánh tay, thật sự không đáng phải vác một cái ba lô to chỉ để đựng nó.

Lâm Tri không trả lời thẳng, chỉ lôi chiếc túi sau lưng lên đằng trước, kéo khóa ra cho người đàn ông nhìn.

"Nước, khăn giấy, sổ ký họa, bút chì, chìa khóa, di động, hoa quả..." Cậu đếm từng thứ một, cho đến khi Nhiếp Chấn Hoành bật cười ngắt lời cậu.

"Từ từ, sao còn có cả hoa quả nữa?"

Nhiếp Chấn Hoành duỗi tay xách một cái túi trong suốt ra khỏi chiếc ba lô đang mở khóa của cậu thanh niên, ngón tay còn dính nước từ nút thắt của túi.

Anh quơ quơ thứ quả trong túi, "Thanh mai à?"

Giờ đang đúng mùa thanh mai bán nhiều ngoài chợ, quả nào quả nấy đều tròn xoe căng mọng, chen chúc thành một mảng đỏ tím tươi ngon đượm vị mùa Hè.

(Quả dương mai, hay còn gọi là thanh mai đỏ, dâu rừng.)

"Dạ."

Lâm Tri lại không cảm thấy có gì sai cả, cậu nhận túi, vừa mở ra vừa nói, "Ra ngoài, là phải mang đủ."

Đây là lời mẹ dạy cậu.

Mỗi lần mẹ dẫn cậu ra ngoài tản bộ hoặc vẽ cây cối, mẹ đều chuẩn bị tất cả những thứ này, sau đó bỏ vào ba lô to cho cậu.

Hai mẹ con họ có thể đi bộ bên ngoài cả ngày, ngồi nghỉ bừa trong công viên hoặc thảm cỏ nào đó mà không bao giờ thiếu đồ đạc. Ở đấy, cậu vẽ tranh, mẹ đọc sách, thi thoảng lại ăn một miếng trái cây. Đến khi mặt trời xuống núi, họ từ tốn giẫm lên ánh hoàng hôn về nhà, thời gian trôi qua êm ả mà sướng vui.

Trước kia, mẹ thường làm tất cả những việc này cho cậu.

Giờ mẹ không còn nữa, Lâm Tri nghĩ bụng, cậu cũng sẽ làm thế.

"Anh muốn ăn không ạ?"

Cậu kéo miệng túi ra, tay cầm một nhúm thanh mai, mắt nhìn Nhiếp Chấn Hoành với vẻ vô cùng tha thiết.

Nhiếp Chấn Hoành tiện tay cầm một quả nhét vào miệng.

"Ặc..."

Cơ mặt anh giần giật, anh cố nén vị chua loét đang dâng lên trong má, lúng búng khen một câu, "Cũng không tệ lắm."

Cậu nhóc trước mặt nghe thế thì mắt sáng ngời. Thấy cậu cũng định thò tay vào túi lấy một quả nếm thử, Nhiếp Chấn Hoành vội vàng buộc chặt túi giúp cậu.

"Vừa ăn sáng xong, chưa tiêu hóa. Để chốc nữa hẵng ăn."

"Vâng ạ."

Lâm Tri bèn nghe lời rụt tay về, lại buộc chắc chiếc túi nhỏ, cất vào ba lô.

"Đi thôi, chúng ta đi xe nhé."

Trước kia Nhiếp Chấn Hoành toàn cho là đứa nhóc này lơ ngơ không biết việc, chẳng phân biệt được cái chi chi, nhưng không ngờ trong vài phương diện cu cậu lại rất tinh tế hiểu chuyện. Tuy rằng... chọn trái cây hơi vụng.

Anh xoa đầu Lâm Tri, tiện thể gác cánh tay lên vai cậu, dẫn cậu đi về phía trạm xe bus.

Khu nhà họ thuộc vùng nội thành cũ, xe bus rất nhiều, chỉ đi mấy trạm là tới bệnh viện. Chẳng mấy chốc, hai người đã lên xe.

Hôm nay là ngày làm việc, tuy đã qua 9h, nhưng vẫn chưa hoàn toàn hết giờ cao điểm buổi sáng. Xe bus khá đông đúc, không còn ghế trống. Nhiếp Chấn Hoành bèn đứng chung với Lâm Tri ở khoảng giữa xe, túm vào phần tựa lưng của ghế trước.

Thời nay xe bus trong thành phố hầu như đã đổi hết qua dùng năng lượng mới. Tuy giảm thiểu được khí thải carbon, nhưng mỗi khi xe vào bến, lực quán tính của xe điện luôn khiến người trong xe ngã trái ngã phải, chân không đứng vững.

Chưa đi hết một trạm, xe bus đã phanh gấp mấy lần vì phải tránh né người đi đường. May thay hai người trai tráng nên đều đứng khá vững trên sàn xe, chỉ đong đưa nửa thân trên theo xe, còn đôi chân vẫn trụ vững, không nhúc nhích tẹo nào.

Nhưng dù sao chân Nhiếp Chấn Hoành cũng từng bị thương. Thêm mấy lần lắc lư như thế, lực dồn vào bên chân bị thọt của anh, gân mắt cá bên trái lại bắt đầu đau nhâm nhẩm.

Nhiếp Chấn Hoành kín đáo xuýt xoa, chuyển qua tay khác để nắm thanh vịn. Theo lực quán tính của chiếc xe, người anh ngả lại gần ghế trước, anh chống vào lưng ghế để giảm lực nghiêng.

Động tác này không gây chú ý, nhưng Lâm Tri vốn luôn nhìn ra ngoài cửa sổ lại nghiêng đầu liếc qua đây.

"Nhìn anh làm gì?"

Nhiếp Chấn Hoành giơ tay xoay đầu cậu lại, "Cầm tay vịn chắc vào."

"... Dạ."

Như đã đề cập trước đó, Nhiếp Chấn Hoành luôn không thích bị tách biệt khỏi người thường.

Càng không ưa kẻ khác nhìn cái chân què của anh với ánh mắt tiếc nuối thương hại.

Trong lòng anh vẫn còn khúc mắc.

Dù rằng bây giờ đã chấp nhận số phận, quen với hoàn cảnh, trở thành một người rảnh rỗi chẳng có ham mê gì, nhưng anh vẫn không thích bị nhòm ngó bằng ánh mắt khác thường.

Xem thường ai thế?

Chân anh què, không có nghĩa anh là một gã tàn phế cần kẻ khác giúp đỡ.

Kiểu suy nghĩ này luôn day dứt trong lòng anh, Nhiếp Chấn Hoành chẳng thấy có gì sai cả, cho đến khi Lâm Tri đập anh tỉnh người ra bằng một phương thức thẳng thừng và trần trụi khác.

*

Xe tới trạm tiếp theo, dừng lại.

Chỗ này có một trung tâm thương mại lớn, mấy bà nội trợ trên xe đều đi xuống để dạo chơi mua sắm. Tại hàng ghế màu đỏ trước mặt Nhiếp Chấn Hoành và Lâm Tri, một cụ già cũng đứng lên, chống gậy run rẩy đi về phía cửa hông của xe bus.

Đời sống sinh hoạt của người dân tại Dung Thành rất phong phú. Dường như mọi người luôn rất dư dả thời gian, uống trà, dạo phố, đánh bài, khoác lác. Đến cả tài xế trên đường cũng chẳng nóng nảy, mà cứ đi thong thả tà tà.

Trước khi vào trạm, tài xế còn rảnh rang kéo phanh, vặn nắp chai trà làm một hớp, rồi mới tiếp tục lái xe.

Đến khi tất cả người già ở cửa sau đã xuống xe hết, cửa xe mới chậm rãi đóng lại, chở hành khách lảo đảo lắc lư tới trạm tiếp theo.

Ghế trước mặt hai người đang bỏ trống, có điều không ai ngồi cả.

Vẫn còn kha khá người đang đứng trên xe, nhưng màu đỏ tươi rói của chiếc ghế kia như đang nhắc nhở mọi người về tác dụng của nó —— đây là ghế ưu tiên.

Hầu như ai có ăn có học thì đều không ngồi lên ghế đó, mà để lại cho đối tượng đặc thù cần chỗ này.

"Anh ngồi đi ạ."

Vạt áo của Nhiếp Chấn Hoành bỗng nhiên bị kéo giật, anh nghe thấy người bên cạnh bảo vậy với mình.

"..."

Nhiếp Chấn Hoành không hé răng, chỉ nghiêng đầu liếc Lâm Tri.

Đôi mắt cậu thanh niên vẫn đen thăm thẳm, nhìn thẳng vào mắt anh. Biểu cảm của cậu tự nhiên và nghiêm túc, không có vẻ gì là bỡn cợt.

Môi Nhiếp Chấn Hoành mím lại thành đường thẳng, "Không cần."

Anh hơi sẵng giọng, phun ra hai chữ đấy với Lâm Tri xong thì quay đầu qua hướng khác, nhìn ra ngoài cửa sổ.

Tựa như một cây đại thụ chắc chắn, quật cường ưỡn thẳng sống lưng, chẳng ai có thể chặt đổ được anh.

Lâm Tri chớp chớp mắt, vẻ khó hiểu hiện lên trong ánh mắt.

Cậu cụp mi, lại nhìn chân trái của người đàn ông đăm đăm mấy lần.

Mãi đến khi lửa giận của Nhiếp Chấn Hoành suýt lan ra ngoài, cậu mới chậm rãi ngẩng đầu, đưa mắt về hướng khác.

Giờ Nhiếp Chấn Hoành đang hơi cáu kỉnh, còn thêm tí bực dọc vì bị chọc phải cái chân đau.

Nhưng phát hiện người bên cạnh mình chẳng hó hé câu nào, anh lại cảm thấy phải chăng bản thân đang làm quá lên. Cậu em nhà hàng xóm này vốn hơi tồ tẹt lớ ngớ, biết đâu cậu ta chỉ bâng quơ một câu như thế, chứ chẳng có ý sâu xa gì chăng?

Nhiếp Chấn Hoành nghĩ vậy, chợt liếc thấy hình như Lâm Tri đang chuyên tâm lẩm bẩm gì đấy.

Anh nhìn theo mắt cậu thanh niên, phát hiện hình như cậu nhóc đang đọc thầm lời nhắc nhở dán cạnh ghế ưu tiên ——

"Ghế ưu tiên cho người già, người yếu, người bệnh, người tàn tật, phụ nữ mang thai".

Cái này thì có gì hay mà phải đọc?

Tên ngố này đang ám chỉ mình đấy à?

Cũng chẳng thể trách Nhiếp Chấn Hoành vì suy nghĩ như vậy được.

Dù gì chỉ có mấy chữ ngắn tí, liếc vội cũng hiểu rõ được ngay, mắc gì phải đọc từng chữ? Bảo không có ý gì khác thì khó mà tin được lắm.

Chỉ là, Nhiếp Chấn Hoành không biết tại mình hoa mắt hay do xe rung lắc, mà anh thấy khẩu hình cậu hàng xóm đang mấp máy lại không khớp với mấy chữ kia lắm.

Bị cái tật gì không biết, chẳng hiểu ra làm sao cả.

Thôi thôi, chắc chắn anh lại nghĩ nhiều rồi.

Nhiếp Chấn Hoành cảm thấy mình không thể để cậu ngố này làm cho lú não được, nên anh bèn vỗ nhẹ lên lưng Lâm Tri.

"Nhìn gì thế, em ngồi đi."

Vừa lên xe là anh đã nhận ra tâm trạng của cậu hàng xóm hơi là lạ, hình như cu cậu không thích chen chúc trong đám đông thế này, cứ đứng xích lại gần anh.

Giờ có ghế trống, để cu cậu ngồi xuống rồi anh che đằng trước là có thể ngăn được hầu hết những người xung quanh.

Lâm Tri nghe vậy, tai giật giật.

Cậu nhìn quanh quất, rồi lại nghiêng đầu quan sát sắc mặt Nhiếp Chấn Hoành. Phát hiện người đàn ông quả thực không có vẻ gì là muốn ngồi, cậu bèn nghe lời ôm ba lô, dứt khoát ngồi lên đó.

Cậu chẳng hề để tâm đến việc thanh niên trai tráng như mình ngồi lên ghế ưu tiên đỏ au cho đối tượng đặc biệt thì có bị người khác khinh thường không.

Từ góc nhìn của Nhiếp Chấn Hoành, anh chỉ cảm thấy Lâm Tri vẫn được coi là trẻ con. Tuy đây là ghế ưu tiên, nhưng giờ không có ai cần nhường chỗ trên xe, cho cu cậu ngồi cũng chẳng sao.

Nhưng anh lại không biết rằng, hiện giờ tư duy của anh và Lâm Tri hoàn toàn không khớp nhau.

Trong nhận thức của Lâm Tri, chỉ có một nguyên nhân để được phép ngồi xuống —— đó chính là, bản thân cậu phù hợp với yêu cầu sử dụng chiếc ghế ưu tiên này.

Cậu, bị bệnh.

Người bệnh, đương nhiên có thể ngồi ghế ưu tiên.

Nha Đậu:

Lão Nhiếp: Hả. Sao anh lại ngồi được? Xem thường ai thế?

Chít Chít: Em, bị bệnh. Em ngồi.

Lão Nhiếp: Được thôi. Anh, bị tàn tật. Anh cũng ngồi (ngoan ngoãn ngồi xuống sát cạnh Chít Chít)

[HẾT CHƯƠNG 29]


Chương 30: Tặng em

Phòng bệnh của Phan Tri Nhạc nằm ở tầng 2 khoa Chăm sóc Sức khỏe của bệnh viện.

Lúc nhảy lầu, cô bé may mắn được mọi người đỡ bên dưới, chỉ bị trầy da do cành cây quẹt phải, giờ vết trầy đã kết vảy. Sở dĩ em ở lại bệnh viện lâu như thế mà chưa xuất viện, là để Phan Mỹ Liên thấy yên tâm hơn.

Khi Nhiếp Chấn Hoành và Lâm Tri đi vào phòng bệnh, Phan Mỹ Liên đang gọt táo cho con gái.

Qua chuyện lần này, bầu không khí giữa hai mẹ con đã dịu đi phần nào, nhưng giữa họ vẫn tồn tại một khe núi vô hình vô dạng. Một người ở đầu này, một kẻ ở đầu kia.

"Ồ, xem ra em mua hoa quả đến lại thành thừa rồi."

Nhiếp Chấn Hoành gõ cửa đi vào phòng bệnh, phá vỡ bầu không khí yên lặng trước.

"Ơ Tiểu Nhiếp tới đấy à, còn cậu này..." Phan Mỹ Liên buông việc đang dở tay, đứng dậy đón khách.

Lần trước đến tiệm sửa giày của Nhiếp Chấn Hoành, thị từng gặp Lâm Tri một lần. Có điều lần đấy đầu óc thị chỉ toàn suy nghĩ về chuyện con gái mình, còn chưa kịp làm quen người ta.

"Đây là Lâm Tri, nhà ở trên tiệm em," Nhiếp Chấn Hoành giới thiệu cậu thanh niên đứng bên cạnh với hai mẹ con, "Hôm đó thằng bé cũng ở đấy, em nó rất quan tâm đến tình hình của Tri Nhạc, nên hôm nay bọn em tiện thể đi chung đến thăm hỏi hai mẹ con chị."

Vừa nói, Nhiếp Chấn Hoành vừa đưa túi quà thăm bệnh mình đang xách cho Phan Mỹ Liên.

"Tới thì tới, sao phải mang lắm quà cáp thế này!"

Tuy nói vậy, nhưng Phan Mỹ Liên vẫn cười và nhận ý tốt của hai người, rồi dẫn họ qua ngồi vào rìa chiếc giường trống.

"Ngồi tạm vậy ha," Thị hơi ngượng ngùng, "Bên này cũng chẳng có ghế ghiếc gì, hai chú ngồi tạm giường vậy. Chị thay ga rồi."

Nhiếp Chấn Hoành không để ý, Lâm Tri càng chẳng có ý kiến. Hai người đứng bừa bên mép giường, dồn sự chú ý vào cô bé nằm trên giường.

"Tri Nhạc à, giờ con thấy sao rồi?"

Nhiếp Chấn Hoành nhìn cô bé đang tựa nghiêng ở đầu giường, mặt đượm vẻ quan tâm, "Đã khá hơn chút nào chưa?"

Tuy tuổi anh phải gấp đôi cô bé, nhưng vì cái tính cái nết cho phép, nên giữa hai người không có khoảng cách thế hệ. Bình thường Phan Tri Nhạc lại hay đến quán anh sửa giày, anh cũng biết việc cô bé bí mật tập nhảy, họ còn thân nhau hơn cả tưởng tượng của Phan Mỹ Liên nhiều.

"Con khá hơn nhiều rồi ạ, chú Nhiếp."

Cô bé trên giường bện tóc hai bên thả trước ngực, ngửa mặt cười với anh.

So với vẻ hoạt bát đáng yêu ngày xưa, Phan Tri Nhạc bây giờ như biến thành một người khác vậy. Nết na và ngoan ngoãn, vẫn xinh đẹp, nhưng thiếu sức sống hơn nhiều.

Khiến người ta trông mà quá đỗi hụt hẫng.

Nhiếp Chấn Hoành hé miệng, muốn hỏi han quan tâm thêm mấy câu, nhưng lại sợ chạm phải vết thương lòng của cô bé. Anh liếc nhìn cậu thanh niên ngơ ngác không biết gì, còn đang quan sát phòng bệnh đầy vẻ mới lạ, dứt khoát đẩy cậu lên trước.

"Đây là anh Lâm Tri nhé, chỉ lớn hơn con một tẹo thôi, cũng sống cùng khu nhà mình. Tên hai đứa đều kèm chữ "Tri", cũng coi như có duyên đấy."

Nghe thôi đã biết đây quả thực là kiểu hết cái để nói nên bới ra mà giới thiệu. Đến Nhiếp Chấn Hoành còn cảm thấy xấu hổ thay chính mình. May mà cu cậu bên cạnh rất biết phối hợp, cậu bỏ ba lô xuống, lấy một cuộn giấy ra từ túi ở hông cặp.

"Đây là...?"

Phan Tri Nhạc nhìn bàn tay đưa tới trước mặt mình, hơi nghi hoặc.

Mấy ngày nay, có giáo viên, có bạn bè, có hàng xóm tới thăm cô bé.

Nhưng hình như hầu hết những người đó đều không tới thăm cô bé, chỉ mang hoa tươi trái cây tới nói chuyện với mẹ em. Mấy đứa bạn còn lại thì vây quanh cô bé kể mấy chuyện thú vị trên trường, nhưng chẳng ai lại như người lạ mặt này, còn đưa thẳng cho em một tờ... giấy?

"Tặng em đó."

Lâm Tri không giải thích, chỉ dứ dứ bức tranh trước mặt Phan Tri Nhạc.

Thấy Phan Tri Nhạc nhận rồi, cậu như thể đã hoàn thành xong một việc trong kế hoạch của mình, chẳng hề quan tâm đến thái độ của cô bé sau khi nhận được món quà, cúi đầu lấy túi quả thanh mai ra khỏi ba lô.

Mới nãy thấy dì kia gọt táo, cậu cũng muốn ăn trái cây.

Phan Tri Nhạc hoang mang nhận cuộn giấy, chỉ có thể nhìn về phía Nhiếp Chấn Hoành.

Nhiếp Chấn Hoành nở một nụ cười có chút bất đắc dĩ mà lại không ngoài dự liệu, giơ tay vỗ vỗ lên vai cu cậu Lâm Tri im re, ra hiệu cho Phan Tri Nhạc tự mở ra xem, "Anh Lâm Tri của con thích vẽ tranh, anh ấy vẽ riêng cho con đấy, mong là con thích."

Hóa ra đấy là tranh.

Phan Tri Nhạc nghe xong thì không xem tranh ngay, mà ganh tị liếc nhìn Lâm Tri.

Vẽ tranh à, thích thật đấy.

Em kéo chiếc dây nịt trên cuộn tranh xuống, tròng vào tay mình, sau đấy chậm rãi mở bức họa trong tay ra.

Một mảng xanh lam trải rộng trước mắt em.

Vô biên vô hạn, trong suốt tựa làn sóng xanh, nhưng lại không nặng nề trùng điệp như sóng, mà bay vút lên tầng không, bị cơn gió thổi thành một vùng xanh thẳm trong vắt không thấy bến bờ.

Có đám mây màu trắng lửng lơ ở giữa, mềm mại tựa kẹo bông gòn, khiến người ta thấy thoải mái và thư thái, mà lại như ẩn chứa những sợi tơ cứng vô hình.

Giữa một đám mây trong ấy, là một bóng người nho nhỏ.

Nhìn kỹ, người này đang dang hai tay, gương mặt mơ hồ ngước lên trên, vạt váy dài bên chân tung bay như cánh chim. Đôi chân đeo giày da màu trắng tựa hai cây kẹo giẫm trên đám mây, toàn thân cô gái như hòa làm một với mảng trắng xanh này.

"Vẽ gì thế? Cho mẹ xem với nào."

Phan Mỹ Liên thấy con gái trải tranh ra xong thì cứ ngẩn ngơ ngắm mãi, lát sau mắt lại loang loáng ánh nước. Dục vọng khống chế trong lòng thị lại vô thức trào ra, thị duỗi tay cướp bức tranh đi.

"Mẹ!"

Phan Tri Nhạc mới bất cẩn một tẹo, món đồ trong tay đã bị Phan Mỹ Liên lấy mất. Em cuống cuồng muốn giật nó về, rồi lại sợ làm hỏng bức tranh, nên đành gào từ một bên, "Sao mẹ lại làm vậy nữa!?"

Vẻ thất vọng trong giọng điệu của con gái khiến tay Phan Mỹ Liên khựng lại.

Thị cũng ý thức được việc mình vừa làm đã đi ngược lại lời hứa hẹn với con sau sự cố vừa rồi, tính trả lại bức tranh mà mình mới giật. Nhưng khi cúi đầu nhìn thấy cảnh tượng Lâm Tri vẽ, động tác kia lại dừng lại.

"Cậu vẽ cái quái gì đây?!"

Bàn tay thị run lên, thị toan xé bức tranh. May mà Nhiếp Chấn Hoành nhanh tay lẹ mắt, túm cổ tay Phan Mỹ Liên lại, cứu được bức họa của Lâm Tri.

"Tiểu Nhiếp, đứa hàng xóm nhà chú..." Phan Mỹ Liên chỉ vào Lâm Tri bằng cái tay còn lại, giọng run rẩy, "Không muốn để mẹ con chị được sống tử tế nữa à!

"Tri Nhạc nhà chị mới nhảy xuống từ chỗ cao chót vót như thế, cậu ta lại vẽ thứ này, chẳng lẽ sợ Tri Nhạc không chịu nhảy thêm lần nữa hay sao!! Hả?!"

Vì lo lắng cho con gái mấy hôm liền, nên Phan Mỹ Liên không còn điểm trang quyến rũ nữa. Lúc này, vẻ mặt dữ tợn của thị càng khiến thị giống một con thú mẹ bị dồn vào đường cùng. Thị quay lưng về phía con gái, gằn giọng chất vấn hai người bằng âm điệu cực kỳ thù hằn.

Từ góc độ của Phan Mỹ Liên, bây giờ con thị tốt nhất đừng nên tiếp xúc với bất cứ thứ gì ở trên cao nữa, thậm chí thị còn chọn tầng thấp nhất cho con nằm viện, chỉ vì sợ lại kích thích con gái mình.

Nhưng gã thanh niên kia, lại cố ý vẽ cảnh cao như thế, còn vẽ người ta lên giữa giời!

Ý thằng đó là gì đây?

Đang nguyền rủa con gái thị đấy ư!!?

Lâm Tri trợn tròn mắt đứng bên cạnh Nhiếp Chấn Hoành, bị vẻ mặt hung ác của Phan Mỹ Liên làm cho sợ tới nỗi hơi bất lực.

Cậu... chỉ vẽ thứ mà mình nhìn thấy thôi mà?

Em gái xinh như thế.

Cậu không hiểu, tại sao dì này lại ghét cậu cơ chứ?

Lâm Tri đưa mắt về phía cô bé trên giường.

Ở trong mắt cậu, toàn thân em gái ấy đang được bao trong một vầng hào quang màu lam.

Trước kia nó sáng bừng, như tầng không dưới ánh mặt trời, có chim muông vờn quanh ríu rít.

Mà nay, mảng xanh lam ấy đã trầm lắng đi nhiều, tựa như khoảng trời màu chàm trong cơn giông tố, ướt đẫm khiến người ta chẳng tài nào vui nổi, chim chóc cũng không thể sải cánh bay.

[HẾT CHƯƠNG 30]


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro