Phần Không Tên 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

12 chiến công của Hercule

Nguyên tác: The Labours of Hercules

Năm phát hành: 1947

Phần 2 này gồm các bản truyện đã được Việt hóa và xuất bản.

MỤC LỤC

3. The Arcadian Deer - Một Chuyện Tình/ Bắt sống con Hươu cái ở Cerynaea của Artemis

5. The Augean Stables - Một Vụ Vu Khống/ Dọn sạch chuồng bò của Augeas

6. The Stymphalean Birds - Một Vụ Tống Tiền/ Diệt đàn chim và con Stymphalus

7. The Cretan Bull - Một Vụ Trả Thù- Bắt sống con Bò mộng đảo Crete

8. The Horses of Diomedes - Kẻ Buôn Bán Ma Túy/ Đoạt Bầy ngựa cái của Diomedes

9. The Girdle of Hippolyta - Bức Họa Của Rubens/ Đoạt chiếc Thắt lưng của Hypolyte, nữ hoàng bộ tộc Amazon

10. The Flock of Geryon - Đàn Cừu Của Andersen/ Đoạt đàn bò của Geryon

11. The Apples of Hesperides - Chiếc Cốc Bằng Vàng/ Đoạt những quả của chị em Hesperides

12. The Capture of Cerberus - Xuống Địa Ngục/ Bắt con chó ba đầu

CHAP 3. The Arcadian Deer

MỘT CHUYỆN TÌNH

Dịch giả: Trần Bình

Hercule Poirot giậm chân, thổi vào những đầu ngón tay cho ấm. Những mẩu tuyết trên ria mép anh đang tan thành nước.

Anh đập cửa và một người đàn bà hiện ra. Đó là một người phụ nữ nông thôn mạnh khỏe đang nhìn Hercule Poirot với vẻ lạ lùng. Chắc hẳn là bà chưa bao giờ thấy một người nào giống anh.

- Ông đã gọi cửa? - Bà ta hỏi.

- Đúng. Xin bà cho nhóm lò sưởi.

Người đàn bà đi ra và quay trở lại với một ít củi khô và giấy vụn trên tay, quỳ trước lò sưởi và bắt đầu nhóm lò.

Hercule Poirot tiếp tục giậm chân và thổi ấm những đầu ngón tay. Anh đang lo ngại. Chiếc xe hơi của anh, một chiếc Mesaro Gratz đắt tiền, máy móc chưa đủ hoàn thiện theo đòi hỏi. Người lái xe của anh, một chàng trai được trả công hậu hĩnh, đang mày mò sửa chữa. Chiếc xe vẫn không chịu nhúc nhích trên con đường nhỏ cách đây hai kilomet, trong khi tuyết bắt đầu rơi. Nhà thám tử, đi đôi giày lịch sự đánh xi láng bóng, đã buộc phải đi bộ tới Hartly Dene, một ngôi làng nhộn nhịp vào mùa hè và hôn mê vào mùa đông này. Quán "Thiên Nga Đen" gần như hốt hoảng khi đón vị khách bất ngờ mới tới. Chủ quán cứ suy nghĩ mãi mà không hiểu tại sao ông khách không thuê một chiếc xe khác có sẵn trong cửa hàng cho thuê và sửa chữa xe trong làng để tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Hercule Poirot cũng đã từ chối lời gợi ý không phù hợp với quan niệm về tiết kiệm của anh. Thuê một chiếc xe hơi? Anh cũng đã có một chiếc xe to, lịch sự. Và anh chỉ muốn đi đường với chiếc xe này chứ không phải với chiếc xe khác. Nếu việc sửa chữa được nhanh chóng thì nó cũng không thể chạy dưới trời tuyết rơi dầy đặc như thế này trước sáng ngày kia. Tuy không muốn, nhưng chủ quán vẫn phải xếp một phòng ngủ cho anh và cử một người phục vụ nhóm lò sưởi và chuẩn bị bữa ăn.

Một tiếng đồng hồ sau, chân duỗi thẳng trước lửa ấm, Hercule Poirot nghĩ tới bữa ăn mà anh sắp dùng. Thịt bò rán chắc vô vị, khoai tây rắn như đá, còn pho mát thì không mềm và bánh bích quy thì không giòn. Lúc này Hercule Poirot đang nhìn lửa cháy và nghĩ, dù sao vẫn còn tốt hơn là lội trên tuyết với đôi giày đánh xi như thế này.

Có tiếng gõ cửa và bà phục vụ bước vào:

- Thưa ông, có người ở xưởng sửa chữa xe muốn gặp ông.

- Cho người ấy vào - Hercule Poirot trả lời bằng một giọng thân mật.

Người đàn bà đi ra. Nhà thám tử khoan dung nghĩ đây có thể là một đề tài bà ta có thể kể lại với bạn bè trong những ngày đông.

Có tiếng gõ cửa rụt rè.

- Mời vào! - Poirot nói.

Một chàng trai xuất hiện. Vụng về, anh đứng ở ngưỡng cửa, tay xoay chiếc mũ cát két. Nhìn anh, Poirot tự nhủ là mình chưa bao giờ được ngắm một người đẹp đến như vậy. Một vị thần Hy Lạp ở con người ấy chăng?

- Đó là vấn đề chiếc xe, thưa ông - Chàng trai nói bằng một giọng lơ đãng - Đã biết rõ vì sao nó không chạy được. Phải mất một tiếng đồng hồ để sửa chữa.

- Hỏng gì vây?

Chàng trai hào hứng kể về những chi tiết kỹ thuật. Poirot gật đầu nhưng anh không hiểu gì cả. Sự hoàn thiện trong vẻ đẹp thể chất của anh là cái mà Poirot chú ý. Phải, anh tự nhủ, một người đáng mến, một vị thần Hy Lạp, một chàng chăn cừu Arcadie. Và chàng trai ngừng bặt.

Hercule Poirot chau mày. Cảm giác đầu tiên của anh hoàn toàn mới về phương diện thẩm mỹ...

- Tôi hiểu - Anh nói - Phải tôi hiểu rõ. Người lái xe của tôi đã giải thích về những cái đó rồi.

Anh nhìn thấy mặt chàng trai đỏ lựng, tay nắm chặt chiếc mũ.

- Vâng, thưa ông - Anh ta lắp bắp - Tôi hiểu...

- Nhưng - Nhà thám tử nói dịu dàng - Anh thấy tốt hơn là trực tiếp nói với tôi những điều đó ư?

- À... vâng, thưa ông, tôi thấy như vậy là tốt hơn cả.

- Anh rất tận tâm. Xin cảm ơn anh.

Vì những lời cuối cùng của anh ta nói với giọng kéo dài nên Poirot tin rằng câu chuyện nói trên của anh ta không quan trọng gì. Anh không lầm. Chàng trai không động đậy. Anh ta vẫn vò chiếc mũ cát-két.

- Ôi... Xin ông tha lỗi, thưa ông, nhưng có đúng ông là một nhà thám tử, có đúng ông là Hercule Poirot không?

- Đúng!

Chàng trai trở nên vui vẻ.

- Tôi đã đọc những bài báo nói về ông

- A! Vậy ư?

Người ta có thể đọc thấy trong mắt chàng trai một vẻ buồn phiền. Hercule Poirot cảm thấy thương hại vì muốn giúp đỡ anh ta.

- Thế nào? Anh nói đi. Anh muốn hỏi tôi điều gì?

Và những lời nói dồn dập:

- Thưa ông, có thể ông cho tôi là lố bịch, nhưng thực ra tôi không thể bỏ lỡ dịp may như thế này. Do đã được đọc những câu chuyện ly kỳ về ông, tôi tự nhủ mình có thể hỏi ý kiến ông. Liệu ông có điều gì phật ý trong việc này không?

Hercule Poirot lắc đầu.

- Anh muốn tôi giúp đỡ anh bằng cách nào đó.

- Vâng - Chàng trai trả lời bằng giọng nhỏ nhẹ và vội vàng - Đó là vấn đề một cô gái... Nếu... nếu ông có thể tìm lại được cô ấy...

- Tìm lại cô ta ư? Cô ta mất tích sao?

- Thưa ông, vâng.

- Có thể là tôi sẽ giúp anh - Poirot xác nhận - Nhưng trước hết anh phải yêu cầu cảnh sát đã. Đó là nghề nghiệp của họ và họ có nhiều điều kiện hơn tôi.

- Tôi không thể, thưa ông. Đây là câu chuyện riêng tư.

Hercule Poirot chăm chú nhìn anh ta rồi chỉ vào một chiếc ghế.

- Thế thì mời anh ngồi xuống. Tên anh là gì?

- Williamson, thưa ông, Ted Williamson.

- Ted, mời anh ngồi xuống và nói cho tôi nghe câu chuyện của anh đi.

- Xin cảm ơn ông.

Chàng trai cẩn thận ngồi xuống mép ghế và ngước cặp mắt đáng thương nhìn Poirot.

- Nói đi - Nhà thám tử giục với giọng hiền từ.

Anh ta thở ra một hơi dài.

- Thế này, thưa ông. Tôi chỉ gặp cô ấy có mỗi lần ấy. Tôi cũng không biết tên thật của cô ấy là gì, nhưng lá thư của tôi đã được gửi trả lại và sau đó...

- Hãy kể từ đầu. Anh đừng vội vàng. Chỉ kể những chuyện gì đã xảy ra thôi.

- Thưa ông, vâng. Thế này. Hẳn là ông biết lâu đài Crasslawn, tòa nhà lớn bên sông, phải, bên kia cầu.

- Không, tôi không biết.

- Tòa nhà ấy là của ngài George Sanderfield. Nó được dùng làm nơi nghỉ cuối tuần và nơi tổ chức những buổi chiêu đãi. Ở đây không buồn chút nào! Có những nữ nghệ sĩ và mọi thứ. Tóm lại, lúc ấy vào tháng sáu... máy thu thanh bị hỏng và người ta cử tôi đến để sửa chữa. Tôi tới nơi. Ngài George đang chơi thuyền với khách khứa và người đầu bếp phải đi theo để sửa soạn đồ uống. Trong nhà nghỉ có cô gái ấy... đó là cô hầu phòng của một trong những bà khách. Cô ấy chỉ cho tôi chiếc máy thu thanh và ở lại bên tôi trong khi tôi làm việc. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện... Cô ấy nói với tôi tên cô ta là Nita và bà chủ của cô là một vũ nữ người Nga.

- Cô ta quốc tịch gì? Anh quốc ư?

- Không, thưa ông, cô ấy là người Pháp, tôi cho là như thế. Giọng cô hơi lơ lớ. Nhưng cô nói tiếng Anh rất thạo. Cô ấy... cô ấy rất đáng mến, và chỉ một lát sau tôi đã hỏi cô là tối nay cô có thể cùng tôi đi xem chiếu bóng được không. Cô ấy trả lời rằng chủ cô chắc là sẽ cần đến cô, nhưng có thể thu xếp để có thể được tự do từ tối nay vì mọi người chắc chắn chưa về nhà vào lúc chiều được. Tóm lại, tôi đã để cả buổi chiều không xin phép chủ xưởng (điều này có thể làm cho tôi mất việc làm) để đi chơi với cô ấy trên bờ sông.

Anh ngừng nói. Một nụ cười thoáng trên môi và đôi mắt thì mơ màng.

- Và cô ta rất đẹp, phải không? - Poirot dịu dàng hỏi.

- Người ta không thể tưởng tượng được là có ai đẹp hơn, thưa ông. Tóc như những sợi tơ vàng, xõa sang hai bên như đôi cánh... và cái cách đi đứng rất vui vẻ, nhẹ nhàng. Tôi... tôi yêu ngay cô ấy khi mới thoạt nhìn, thưa ông. Tôi không thể nào nói khác được.

Poirot ngắc đầu xác nhận.

-... Thế rồi - Chàng trai nói tiếp - Cô ấy bảo tôi rằng bà chủ cô dự định rời khỏi đây trong mười lăm ngày nữa và chúng tôi quyết định sẽ gặp lại nhau - Anh ngừng nói - Nhưng sau đó cô ấy đã không tới. Tôi đã đợi ở nơi hẹn mà không thấy cô. Thế là tôi quyết định tới nhà để hỏi cho rõ. Bà người Nga còn đang ở đấy và cô hầu phòng của bà cũng vậy, người ta bảo tôi thế. Người ta đã gọi cô hầu phòng. Nhưng khi người này xuất hiện thì đó không phải là Nita! Một cô gái da ngăm đen chạm trán với tôi! Anh muốn gặp tôi ư? Cô ta bối rối hỏi tôi. Chắc chắn là cô ta thấy tôi sửng sốt. Tôi nói với cô là không phải cô mà là cô hầu phòng khác của bà người Nga. Thế là cô ta bật cười. Cô kia vừa được cho thôi việc rồi. Cho thôi việc ư? Tôi nhắc lại. Vì sao kia chứ? "Này thưa ông, ông làm tôi ngạc nhiên". Lúc này tôi chẳng biết nói gì thêm nữa. Sau đó, tôi quay trở lại gặp cái cô Marie da ngăm đen ấy và xin cô địa chỉ của Nita. Tôi không nói là tôi không biết họ của Nita. Tôi hứa là tôi sẽ biếu cô ta một cái gì đó nếu cô ta cho tôi địa chỉ. Đây không phải là loại người giúp việc không công. Cuối cùng thì cô ta cũng cho tôi địa chỉ ở Londres. Tôi đã viết thư cho Nita. Nhưng lá thư đã được gửi trả lại kèm theo dòng chữ của trạm bưu điện ghi trên phong bì: "Không còn ở địa chỉ này nữa".

Ted Williamson ngừng bặt và nhìn thẳng vào Poirot bằng cặp mắt tối sầm.

-... Ông cho chuyện này là thế nào, thưa ông? Đây không phải là công việc của cảnh sát. Nhưng tôi muốn gặp lại cô ấy. Tôi không biết phải làm thế nào. Nếu... nếu ông có thể tìm cô ấy giúp tôi - Mặt anh ta ửng đỏ - Tôi... tôi dành dụm được ít tiền. Tôi có thể bỏ ra năm bảng Anh... nếu cần thì mười...

- Đừng có nói đến tiền nong lúc này - Poirot thân mật nói - Chúng ta hãy suy nghĩ đã: cô gái tên là Nita ấy. Cô ta biết tên anh và biết anh làm việc ở đâu chứ?

- Cô ấy biết, thưa ông.

- Cô ta có thể viết thư cho anh nếu cô ta muốn chứ?

Lần này thì Ted trả lời chậm chạp hơn:

- Thưa ông, vâng.

- Vậy anh không nghĩ rằng... có thể là...

Chàng trai ngắt lời anh.

- Ông muốn nói rằng tôi yêu cô ấy còn cô thì không yêu tôi phải không, thưa ông? Về mặt nào đó mà nói thì có thể là như vậy... nhưng, cô ấy mến tôi... cô ấy mến tôi... đây không phải là chuyện vui đùa trong chốc lát... và, thưa ông, tôi nghĩ rằng có một lý do nào đó sau câu chuyện này. Cô ấy sống giữa đám người lạ lùng. Có thể là cô ấy đang mắc kẹt chuyện gì đó, nếu ông muốn biết tôi đang nghĩ gì.

- Anh muốn nói rằng cô ta đang chờ đợi một cháu bé ư? Nó là con anh ư?

- Nếu có thì không phải đó là con tôi, thưa ông! - Ted trả lời - Chúng tôi không làm chuyện gì quá trớn.

Poirot nhìn anh, nghĩ ngợi.

- Cho dù cô ta có con... thì anh vẫn cứ muốn gặp lại cô ta ư?

- Vâng! Không có gì là phức tạp cả. Tôi muốn cưới cô ấy, nếu cô muốn. Và cái khó khăn của cô cũng không làm tôi thay đổi ý kiến. Ông có muốn tìm cô ấy giúp tôi không, thưa ông?

Hercule Poirot cười.

- Tóc xõa ra như đôi cánh bằng vàng - Poirot lẩm bẩm - Phải, hình như đây là công việc thứ ba của Hercule... nếu là nhớ không nhầm thì chuyện này xảy ra ở Arcadie...

Herucle Poirot cau mày đọc mảnh giấy mà Ted Williamson đã ghi cho anh một tên người và bên dưới là một địa chỉ.

- Cô Valetta, số nhà mười bảy, phố Upper Renfrew Lane.

Liệu anh có biết thêm điều gì với cái địa chỉ này không? Anh nghi ngờ cái đó. Nhưng Ted không thể cho anh một tài liệu nào khác.

° ° °

Upper Renfrew Lane là một phố không mấy sạch sẽ nhưng đáng tôn trọng. Một bà già to béo, mắt hấp háy ở số nhà mười bảy nghe tiếng chuông của Poirot ra mở cửa.

- Xin bà cho tôi gặp cô Valetta.

- Đã đi khỏi đây lâu rồi.

Poirot bước vào trước khi cánh cửa định đóng sập lại.

- Xin bà vui lòng cho tôi địa chỉ của cô ấy.

- Cô ta không để địa chỉ lại.

- Cô ấy rời khỏi đây hồi nào?

- Mùa hè vừa rồi.

- Bà có thể cho biết chính xác hơn không?

Cùng lúc ấy trên tay của nhà thám tử hiện ra hai đồng tiền kim loại va chạm nhau bật lên những tiếng dễ chịu.

Người đàn bà mắt hấp háy thay đổi thái độ một cách kỳ diệu.

- Không phải là tôi không muốn giúp đỡ ông đâu, thưa ông - Bà ta trìu mến nói - Ông hãy đợi cho một chút để tôi nhớ lại. Tháng tám, không, trước đó, tháng bảy. Phải, đúng là tháng bảy, tuần lễ đầu. Cô ta bất chợt ra đi. Trở về nước Ý, tôi cho là như thế.

- A! Cô ấy là người Ý ư?

- Vâng, thưa ông.

- Và trước đó cô ấy là người hầu phòng của một bà vũ nữ ư?

- Đúng thế. Bà Semoulina hoặc cái tên gì đó giống như vậy. Bà ta nhảy ba-lê ở Thespis. Đó là một trong các ngôi sao.

- Bà có biết tại sao cô Valetta lại thôi việc không?

Bà già ngần ngừ trước khi trả lời.

- Không, tôi không biết.

- Người ta đã cho cô ấy thôi việc phải không?

- Tôi cho rằng người ta đã làm cho nhà cửa có nền nếp hơn! Nhưng ông không lo. Cô Valetta không mất gì cả. Cô ta không phải loại người mặc cho ai đối xử với mình thế nào. Cô ta có tính cách riêng! Tôi không chỉ nói như vậy... một phụ nữ Ý thực sự... đôi mắt đen của cô nảy lửa nhìn ông như muốn thọc dao găm vào bụng ông ấy. Tôi không dám làm trái ý cô ta trong khi tức giận.

- Bà chắc chắn là mình không biết địa chỉ hiện nay của cô ấy chứ?

Lại hai đồng tiền nữa gợi cho người ta nghe thấy những tiếng xủng xoẻng của chúng.

Câu trả lời có giọng thật thà:

- Ô! Tôi rất muốn biết. Tôi không sung sướng mấy khi thấy ông phải bắt buộc. Nhưng cô ấy đã ra đi như vậy, rất đột ngột, thế đấy!

- Vâng, thế đấy - Poirot suy nghĩ, nhắc lại.

° ° °

Ambrose Vandel thôi không mô tả một cách thích thú việc ông bài trí cho một buổi vũ ba-lê sắp tới để trả lời câu hỏi đặt ra mà không cần phải nài nỉ nhiều.

- Sanderfield? Goeorge Sanderfield ư? Một lão già bẩn thỉu, lão lăn trên đống vàng nhưng đó là một tên dâm đãng. Đó là một đồng tiền giả! Quan hệ với một cô vũ nữ ư! Có có, thưa ông... Lão có quen biết với Katrina, Katrina Samoushenka. Chắc ông đã nhìn thấy cô ấy rồi chứ? Ôi! Thưa ông, một "Con Thiên Nga ở Tuoleta", chắc chắn là ông đã xem vở biểu diễn đó! Tôi bài trí cho vở đó đấy. Và một vở khác, đó là "Con hươu trong rừng rậm". Tôi không nhớ rõ là của Debussy hay là của Mannine. Cô ấy nhảy với Michael Novgin. Cả anh ta nữa, cũng rất là kỳ diệu phải không ông?

- Cô ta là bạn thân của George Sanderfield chứ?

- Phải. Cô ấy có thói quen đi nghỉ cuối tuần ở nông thôn. Ở đấy có những buổi đón tiếp tình cảm, đúng chứ?

- Ông thân mến, liệu ông có thể giới thiệu tôi với cô Samoushenka không?

- Nhưng cô ấy không ở đây nữa! Cô ấy bất chợt đi Paris hoặc ở nơi nào đó. Người ta nói rằng cô là một gián điệp Nga. Tôi thì tôi không tin! Nhưng nhiều người cứ hay nói những chuyện bịa đặt như vậy. Katrina thì bao giờ cũng thừa nhận mình là người Bạch Nga, cha cô là một hoàng tử hay quận công gì đó. Như thế lại càng tốt. Tôi nói với ông rằng nếu theo đúng như tinh thần của Bethsabée thì ông phải có phong cách của những người Xê-mích. Để giải thích, tôi...

Và ông ta tiếp tục bài diễn thuyết của mình một cách đầy hứng thú.

° ° °

Cuộc gặp gỡ với ngài George Sanderfield của Hercule Poirot được tiến hành theo kiểu cầu may.

"Đồng tiền giả" như lời mô tả của Ambrose Vandel hình như đang khó ở. Ngài George là người béo và thấp. Tóc đen và cứng. Gáy có một ụ mỡ.

- Vâng, thưa ông Poirot, liệu tôi có thể giúp ông được việc gì đây? - Ông ta hỏi - Chúng ta... chúng ta hình như chưa gặp nhau lần nào. Tôi có nhầm không nhỉ?

- Chưa, chưa gặp.

- Thế thì có việc gì vậy? Tôi tò mò muốn biết, xin thú nhận là như thế...

- Ồ! Rất đơn giản... tôi muốn có một tin tức nhỏ.

- A! Ông muốn biết một nguồn vốn ư? - Chủ đầu tư nói bằng giọng khó chịu - Tôi không biết là ông thích công việc kinh doanh.

- Đây không phải là vấn đề kinh doanh mà là chuyện về một người đàn bà.

- A! Một phụ nữ - Ngài George thở phào, ngả lưng vào thành ghế.

- Ông có biết cô Katrina Samoushenka đúng không?

Sanderfield cười.

- Vâng, có biết. Một con người thú vị. Nhưng đáng tiếc là cô ấy đã rời khỏi Londres rồi.

- Tại sao cô ta lại bỏ đi?

- Ông thân mến, cái đó thì tôi không biết. Hình như có điều qua tiếng lại với nhà hát nơi cô làm việc. Cô ấy thường bị kích động, ông hiểu không. Một phụ nữ Nga chính cống. Rât tiếc là tôi không thể giúp gì cho ông. Tôi không biết cô ấy hiện ở đâu. Tôi không còn quan hệ gì với cô ấy.

Nói xong ông ta đứng lên. Theo ông cuộc gặp này đã kéo khá dài rồi.

- Tôi không tìm cô Samoushenka - Poirot vẫn ngồi yên nói.

- Nhưng vì sao...?

- Không, đây là vấn đề người hầu phòng của cô ta.

- Cô hầu phòng của cô ấy ư - Sanderfield ngạc nhiên hỏi lại.

- Chắc ông còn nhớ cô hầu phòng ấy?

Sanderfield một lần nữa tỏ ra rất ngạc nhiên.

- Trời ơi! Chuyện gì vậy? - Ông ta trả lời mà không mấy tin tưởng - Chắc chắn là như thế, tôi biết cô ấy có một... một cô hầu không tốt, hình như thế. Vô ý và chuyên lục lọi mọi nơi. Ở địa vị ông, tôi sẽ không tin vào một lời nào của cô ta. Cô ta là loại người đẻ ra là nói dối rồi.

- Nhưng ông còn nhớ cô hầu ấy chứ? - Poirot hỏi.

- Chỉ nhớ mang máng thôi - Sanderfield nói chữa lại - Cũng không nhớ cả tên cô ta nữa. Xem nào... Marie, một cái gì giống như thế... Không, đáng tiếc, tôi không nhớ ra.

- Nhà hát Thespis đã cho tôi biết tên cô hầu ấy là Marie Hellin... và địa chỉ nữa. Nhưng tôi hỏi về cô hầu làm việc với cô Samoushenka trước Marie Hellin tên là Nita Valetta kia.

- Tôi cũng không nhớ cả cô này nữa. Người tôi nhớ hơn cả là cô Marie ấy. Một cô gái ngăm đen, mắt gian giảo.

- Cô hầu tôi hỏi là cô đã ở nhà ông tại Grasslawn tháng sáu vừa rồi kia.

- Thôi, tất cả những gì tôi có thể nói là tôi không nhớ gì cả. Tôi cho rằng vào thời kỳ ông nói thì cô Katrina không có người hầu nào cả. Ông nhầm rồi.

Hercule Poirot lắc đầu. Anh không nhầm mà anh tin chắc.

° ° °

Marie Hellin nhìn trộm Hercule Poirot rồi đưa cặp mắt ti hí nhưng thông minh về phía khác.

- Thưa ông, tôi nhớ rất rõ. Cô ta bằng giọng vô tư nói - Bà samoushenka cho tôi nghỉ việc vào cuối tháng sáu. Cô hầu phòng sau đó cũng chỉ làm việc trong thời gian rất ngắn.

- Cô có biết tại sao cô gái đó phải bỏ đi không?

- Không, có thể là cô ấy ốm. Bà chủ không nói gì cả.

- Bà chủ cô là người dễ chịu chứ?

Cô gái nhún vai.

- Tính nết bà ấy rất kỳ cục. Lúc cười, lúc khóc. Đôi khi quá thất vọng thì bà ấy không nói gì, không ăn uống gì. Có lúc thì vui sướng quá đáng. Các vũ nữ đều như vậy cả. Đây là vấn đề điều độ.

- Còn ngài George thì thế nào?

Cô gái hoạt bát hẳn lên và cặp mắt của cô đầy ác cảm.

- A! Ngài George ư? Hẳn là ông đã nói chuyện với ông ta chứ? Chỉ được vài lời xin lỗi thôi phải không! A! Về ông này thì tôi có thể nói được! Đây, khi...

- Không, không, vô ích - Poirot ngắt lời.

Cô ta nhìn anh với đôi mắt trợn tròn, miếng há hốc đầy giận dữ và thất vọng.

° ° °

- Tôi tự nhủ là ông biết mọi chuyện, ông Alexis Pavlovitch ạ - Hercule Poirot thì thào với giọng nịnh khéo.

Anh nghĩ đến công việc thứ ba mà Hercule đã làm với sự chuyển dịch chỗ ở nhiều lần mà anh không thể tưởng tượng nổi. Sự biệt tăm của cô hầu phòng là vấn đề khó khăn nhất. mọi điểm theo dõi đều đứt quãng không thể tiếp nói được.

Điểm cuối cùng, tối nay, ở Paris, là khách sạn Au Samovar, một khách sạn mà chủ nhân là bá tước Alexis Pavlovitch thường khoe khoang là biết tường tận cuộc đời của các nghệ sĩ.

Thoạt tiên ông ta gật đầu thỏa mãn:

- Vâng, ông thân mến, đúng thế, tôi biết. A! Cô Samoushenka bé nhỏ ấy, cô vũ nữ tài ba ấy, người mà ông muốn biết, là cô ấy đã đi đâu ư? Thật là kỳ diệu! - Ông ta hạ thấp những ngón tay xuống - Đúng là một sự lãng quên! Đã xa rồi cái thời cô ấy là vũ nữ ba-lê... rồi bất chợt cô ra đi... đến nơi tận cùng của trái đất... và lập tức... A! Phải! Ngay lập tức người ta quên cô.

- Cô ta hiện ở đâu?

- Ở Vagray-les-Alpes bên Thụy Sĩ. Nơi nghỉ ngơi của những người bị ho làm cơ thể suy kiệt. Có thể là cô ấy sắp chết. Ôi, đúng như thế! Cô là định mệnh của tự nhiên. Chắc chắn là cô ấy sắp chết.

- Liệu ông có nhớ một cô trong số người hầu phòng của bà vũ nữ này không? Một cô tên là Nita Valetta ấy?

- Valetta? Valetta? Tôi nhớ là có thấy một cô hầu phòng bên cạnh Katrina trên sân ga. Một cô gái ở vùng Pisa nước Ý, có phải không. Phải, bây giờ thì tôi nhớ rõ, cô ấy là người Ý, từ vùng Pise.

- Nếu như vậy thì tôi phải tới Pise - Hercule Poirot càu nhàu.

° ° °

Trong nghĩa trang Campo Santo ở Pise, Hercule Poirot đang ngắm nhìn một ngôi mộ.

Thế là cuộc điều tra của anh đã kết thúc... tại đây bên cạnh một nấm đất, dưới đó một sinh vật xinh tươi, từng làm rung động trái tim và trí tưởng tượng của một chàng thợ máy bình thường người Anh, đang nghỉ ngơi.

Đây có phải là một kết luận tốt nhất cho mối tình vừa lạ lùng vừa bất chợt này không. Bây giờ thì cô gái sống mãi trong ký ức của chàng trai, người chỉ được sống bên cô trong ít giờ ngắn ngủi trong một đêm hè. Cái đó tránh được mọi sự khác biệt về quốc tịch, và khoảng cách khi tỉnh mộng.

Hercule Poirot cúi đầu buồn bã. Anh nhớ lại câu chuyện giữa anh với gia đình Valetta. Người mẹ dáng vẻ nông dân, người cha ngập trong đau thương, người em da ngăm đen, môi khô cứng.

- Cái đó diễn ra nhanh quá, thưa ngài, nhanh quá. Đã nhiều năm cháu nó đau đớn... bác sĩ không cho chúng tôi lựa chọn... ông ấy nói phải mổ ngay ruột thừa. Ông ấy đưa nó đi bệnh viện và nó chết trước khi tỉnh lại.

Bà mẹ nức nở.

- Bianca rất thông minh - Bà thì thào - Thật là khủng khiếp khi nó chết trẻ như thế...

- Cô ta chết trẻ - Poirot nhắc lại một mình.

Đó là lời anh phải mang về cho chàng trai, người đã nhờ anh giúp đỡ với một sự tin cậy như vậy.

Cô ta sinh ra không phải để cho anh, anh bạn. Cô đã chết trẻ.

Cuộc điều tra của anh đã xong. Ngọn tháp Penchée cắt dọc bầu trời, những bông hoa đầu xuân nhô lên những nụ xanh nhạt hứa hẹn một cuộc sống tươi vui sắp tới.

Có phải là gió xuân đã làm cho anh có một tinh thần chống lại cái bản kết luận cuối cùng này không? Hay là do một cái gì đó? Một bóng ma của kỷ niệm... một tiếng... một lời nói? Tất cả những cái đó không thể kết thúc một cách rõ ràng với một sự chính xác cao chăng?

Nhà thám tử thở dài. Anh không thể để lại một nghi vấn nào. Và như thế anh còn phải tiếp tục cuộc hành trình để tới Vagray-les-Alpes.

Phải, anh nghĩ, đây chính là nơi tận cùng của trái đất. Lớp tuyết dày, những ngôi nhà nhỏ ở rải rác; trong mỗi nhà có một con người bất động đang đấu tranh lại cái chết tới một cách may rủi.

° ° °

Khi nhìn thấy Katrina Samoushenka, má lõm, mặt đỏ bừng trong cơn sốt, đôi tay gày gò đặt trên tấm chăn đắp, lập tức anh nhớ lại. Không nhớ tên cô nhưng anh đã nhìn cô nhảy. Anh phát khùng, ngây ngất vì cái nghệ thuật cao thượng ấy đã bị lãng quên.

Anh đã thấy Michael Novgin, người thợ săn quay cuồng trong khu rừng huyền ảo sinh ra từ tưởng tượng của Ambrose Vandel. Anh đã thấy con hươu cái xinh đẹp mãi mãi thèm muốn, mãi mãi bị săn đuổi... Một sinh vật hiền lành, xinh tươi, có những chiếc sừng nhỏ trên đầu và chân cứng như đồng đang phóng nhanh. Và sau phát đạn, ngã xuống lần cuối, vết thương... và Michael hoảng hốt, xác con hươu cái trên tay.

Katrina Samoushenka nhìn nhà thám tử với vẻ ngạc nhiên:

- Tôi chưa từng gặp ông, có phải không? Ông muốn gì ở tôi?

Hercule Poirot cúi đầu.

- Thưa bà, trước hết tôi muốn cảm ơn bà về buổi chiều đẹp như thế này...

Cô cười lơ đãng.

-... Nhưng tôi tới đây vì công việc. Tôi đã đi tìm một trong số những người hầu gái của bà... Cô ta tên là Nita.

- Nita ư?

Cô nhìn anh, mắt mở to.

-... Bà biết những gì về Nita?

- Tôi sẽ nói cho ông biết sau.

Và rồi anh kể lại câu chuyện xe hơi của anh bị hỏng dọc đường, anh mô tả Ted Williamson, tình yêu và nỗi âu lo của anh ta. Cô gái chăm chú nghe.

- Thật là cảm động - Cô ta nói sau khi anh ngừng lời.

- Vâng, rất cảm động. Đúng như vậy - Hercule Poirot xác nhận - như là câu chuyện về Arcadie phải không? Thưa bà, bà có thể nói, về cô gái này?

Katrina Samoushenka thở dài.

- Tôi đã có một cô hầu phòng... tên là Juanita. Cô ấy rất xinh, vâng... vui vẻ, có trái tim nồng hậu. Cái gì đã xảy ra với những người mà Thượng đế hằng che chở. Cô ấy đã chết trẻ.

Poirot đã nghe nói về chuyện này và bây giờ anh gạn hỏi.

- Cô ta đã chết ư?

- Vâng.

Hercule Poirot yên lặng trong một phút đồng hồ. Sau đó anh hỏi tiếp:

- Có một điều mà tôi không rõ lắm. Tôi đã hỏi ngài George Sanderfield về cô hầu phòng của bà nhưng ông tỏ vẻ lạ lùng. Tại sao?

Có một sự phật ý lướt trên mặt của người vũ nữ.

- Ông ấy tưởng ông hỏi về Marie... cô gái tôi thuê sau khi Juanita thôi việc. Marie thường tìm mọi cách vòi tiền về một việc gì đó liên quan tới ông ấy, hình như thế. Đó là một cô gái xấu xí... vô ý tứ, đọc trộm thư và lục lọi các ngăn kéo.

- A! Cái đó đã giải thích tất cả - Anh lẩm bẩm - Họ của Juanita là Valetta và cô ta đã chết trong khi mổ ruột thừa ở Pise. Đúng như vậy chứ?

Anh nhận ra một sự ngập ngừng trước khi gật đầu của người vũ nữ.

- Vâng, đúng.

- Nhưng tại sao? - Poirot hỏi tiếp - Cha mẹ của cô ta lại gọi cô là Bianca chứ không gọi là Juanita?

- Bianca hay Juanita... thì có gì là quan trọng? Chắc chắn cô ta nhận thấy gọi là Juanita thì lãng mạn hơn tên thật của mình.

- Đó là cách giải thích của bà. Còn tôi, tôi có cách giải thích khác kia.

- Cách giải thích ấy như thế nào?

Poirot cúi thấp đầu về phía trước.

- Cô gái mà Ted Williamson gặp gỡ có bộ tóc vàng mà anh ta mô tả nó giống như đôi cánh vàng.

Anh đưa tay ra vuốt ve mớ tóc vàng của Katrina...

-... Cánh vàng hay sừng vàng? Thiên thần hay quỉ dữ? Đó là tùy theo mỗi người. Ít ra đây không phải là sừng vàng của con hươu cái bị thương chứ?

- Con hươu cái bị thương... - Katrina thất vọng lẩm bẩm.

- Sự mô tả của Ted Williamson làm tôi suy nghĩ nhiều... nó thể hiện một kỷ niệm không rõ ràng, không thể nắm bắt được... Và cái kỳ niệm ấy, đó là cô đã chạy trốn vào rừng với những chiếc chân nảy lửa. Liệu tôi có nên nói rõ suy nghĩ của mình không, thưa cô? Trong tuần lễ cô không có người hầu. Bianca Valetta đã trở về Ý, cô chưa mượn được người thay thế, cô phải tự thu xếp trong khi ở Grasslawn. Thời kỳ ấy cô đã thấy có những triệu chứng của bệnh tật và cô phải ở trong nhà khi những người khác đi du ngoạn. Có tiếng chuông gọi cửa và cô ra mở... Liệu tôi có phải nói rằng cô đã trông thấy ai không? Cô đã thấy xuất hiện một chàng trai đơn giản như một đứa trẻ và đẹp như một thiên thần! Với anh, cô đã tạo ra một cái tên, không phải là Juanita mà là Nita, và... trong nhiều giờ liền cô đã cùng chàng trai đi dạo ở Arcadie...

Một sự yên lặng kéo dài. Sau đó Katrina trả lời rất khẽ và mơ hồ:

- Ít nhất thì có một điều mà tôi đã nói thật với ông. Tôi đã nói cái kết luận thực sự của câu chuyện. Đó là Nita chết trẻ.

- A! Không - Hercule Poirot thay đổi vẻ mặt rất nhanh. Anh đấm tay xuống bàn - Cái đó tuyệt đối vô ích! Cô không cần phải chết! Có có thể chiến đấu để sống lâu như những người khác.

Cô ta lắc đầu không mấy tin tưởng:

- Cuộc sống còn có ý nghĩa gì với tôi?

- Không phải cuộc sống sân khấu, rõ ràng là như vậy. Nhưng cô hãy nghĩ tới một cuộc sống khác. Thật thà nói cho tôi biết, cô gái, ông thân sinh ra cô có đúng là một hoàng tử hoặc một đại quận công hoặc một đại tướng không?

Bất chợt cô ta cười.

- Cha tôi làm nghề lái xe tải ở Léningrad.

- Thật là tốt! Thế thì tại sao cô không thể trở thành vợ của một người thợ máy trong một xưởng sửa chữa ô tô nông thôn kia chứ? Sẽ có một đàn con đẹp như thiên thần và có thể chúng cũng sẽ nhảy giỏi như cô đã từng nhảy nữa kia chứ?

Katrina nín thở.

- Nhưng đó là một ý nghĩa khó mà tin được.

- Không có một trở ngại nào cả - Hercule Poirot tự khẳng định - Tôi tin chắc nó sẽ trở thành hiện thực.

Chap 5. The Augean Stables

MỘT VỤ VU KHỐNG

Dịch giả: Lưu Vân

"Câu chuyện thật là tế nhị, thưa ông Poirot."

Một nụ cười thoáng trên môi của nhà thám tử. Anh cố giữ để khỏi thốt thành lời: "Bao giờ cũng thế ".

Nhưng anh vẫn giữ bộ mặt kiểu cách và chăm chú nghe một cách dễ mến.

Ông George Conway tiếp tục nói một cách nặng nề. Những câu nói tới với ông một cách dễ dàng và đầy hình ảnh: câu chuyện thật là tế nhị của chính phủ, lợi ích công cộng... sự đoàn kết của đảng... Sự cần thiết phải thể hiện một mặt trận thống nhất... quyền của báo chí... sự phồn vinh của đất nước.

Tất cả những cái đó đều rất tốt... nhưng chúng cần phải được nói nhiều đến thế ư? Hercule Poirot cảm thấy quai hàm của mình sự đau đớn vì không thể ngáp được.

Anh cố kiên tâm. Ông George Conway rất có cảm tình với anh. Rất đúng là ông ta muốn tiết lộ với anh một điều gì đó, nhưng ông quên mất nghệ thuật nói chuyện đơn giản. Với ông lời nói không phải là cách làm sáng tỏ vấn đề mà là bưng bít nó.

Cuối cùng anh đỏ mặt ném một cái nhìn thất vọng sang một người đang ngồi ở đầu bàn: ông Edward Ferrier.

- Rõ rồi George - Ông Ferrier cắt ngang - Tôi sẽ nói tiếp.

Hercule Poirot rời mắt khỏi ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, quay sang nhìn ông Thủ tướng. Anh rất quý Edward Ferrier nhất là anh đã được một cụ già tám mươi hai tuổi nói đến ông. Giáo sư Fergus Mac Leod sau khi thoát khỏi một tai nạn trong khi nghiên cứu một loại hóa chất. Đã có thời gian chuyển sang hoạt động chính trị. Khi ông John Hemmett danh tiếng và rất bình dân về nghỉ hưu, người ta đã yêu cầu người con rể ông là Edward Ferrier đứng ra lập nội các. Là một nhà chính trị thì ông này còn quá trẻ, chưa đến năm mươi tuổi. Ferrier là một trong những học trò của tôi, ông Mac Leod đã nói như vậy. Đó là một con người trong sạch.

Chỉ có thế thôi, nhưng đối với Poirot thì đã là đủ. Sự tín nhiệm của công chúng đã xác nhận trong sự đánh giá đó đối với người đã cưới con gái của John Hammett, người được mọi người dân Anh quốc thương mến. Ông có những phẩm chất nói lên: "Người ta công nhận Hammett là lương thiện". Mọi người còn nhớ những mẩu chuyện về cuộc sống gia đình của ông. Hơn nữa khi người nói đến cái ô của Chamberlain (Arthur Neville Chamberlain (1869-1940) Thủ tướng nước Anh 1937-1940) thì người ta cũng nói đến cái áo đi mưa của Hammett, cái áo mà ông không bao giờ rời bỏ, một biểu tượng của khí hậu nước Anh.

Hơn nữa ông lại có oai phong. Cao lớn, luôn đi thẳng người, tóc vàng, mắt xanh. Mẹ ông là người Đan Mạch. Là người đứng đầu Bộ Hải quân trong nhiều năm nên người ta gọi ông ta là "Viking". Nước Anh đã run lên khi thấy ông nghỉ hưu vì lý do sức khỏe. Ai là người sẽ ngồi vào chỗ của ông? Cả nước thở phào nhẹ nhõm khi biết người đó là Edward Ferrier, người con rể lý tưởng của ông. Hercule Parker ngắm con người trầm tĩnh, có giọng nói nghiêm trang dễ nghe, đang ngồi trước mặt mình. Hơi gầy, ông có vẻ mệt mỏi.

- Ông Poirot, ông có biết tờ tuần báo "Những tia X" không?

- Thỉnh thoảng tôi cũng đọc nó - Poirot vẻ khó chịu, thừa nhận.

- Thế ông có biết nó được dùng vào việc gì không - Ông Thủ tướng nói - Một phần phỉ báng, một phần ám chỉ ít nhiều ẩn ý những bí mật quốc gia có phần đúng, có phần là bịa đặt, tất cả được dùng với vẻ hoa mĩ... Từ nửa tháng nay tờ báo ấy đã báo trước cho độc giả một sự khám phá lớn về một vụ bê bối nhất hạng trong giới chính trị cấp cao nhất, về những phát giác đáng ngạc nhiên về những thối nát và những vụ biển thủ công quỹ.

Hercule Poirot nhún vai.

- Đó là mánh lới thường thấy. Cái ngày bị lật tẩy, độc giả thấy rõ thì họ sẽ hoàn toàn thất vọng.

- Lần này thì sẽ không có chuyện đó - Ferrier đáp lại một cách khô khan.

- Ông đã biết tính chất của những sự phát giác đó chứ?

- Gần như là chính xác.

Edward Ferrier yên lặng một lúc trước khi giải thích một cách chậm chạp và thận trọng.

Câu chuyện ông kể không có gì đặc biệt. Việc xảy ra vẽ lên một ông cựu Thủ tướng không hay ho gì. Người ta tố cáo ông đã biển thủ quỹ của đảng, là một kẻ lừa bịp, lợi dụng hoàn cảnh để vơ vét cho cá nhân.

Ông Thủ tướng im lặng và cuối cùng ông Bộ trưởng Nội vụ gầm lên.

- Thật là ghê tởm! - Ông quát to - Ghê tởm! Thằng bất lương, cái thằng giẻ rách Perry ấy cần mang xử bắn đi.

- Như vậy có nghĩa là những lời tố cáo ấy sẽ được dùng trong tờ Những tia X phải không? Poirot hỏi.

- Phải.

- Ông sẽ sử dụng những biện pháp đề phòng nào?

- Những cái đó sẽ hình thành lời tố cáo chống lại John Hammett - Ferrier chậm rãi nói - Ông có thể chống lại tờ báo bằng cách kiện về tội phỉ báng.

- Liệu ông ấy có làm như thế không?

- Không! Đúng là những kẻ đó muốn như vậy. Báo sẽ phát hành với một số lượng lớn. Mọi việc đã được phơi ra dưới ánh sáng của những ngọn đèn chiếu cực mạnh.

- Lần này nếu chúng thua thì chúng phải trả một giá rất đắt.

- Chúng không thể thua được! - Ferrier trả lời bằng giọng âm thầm.

- Tại sao?

- Theo tôi... - ông George bắt đầu nói.

Nhưng Ferrier đã cắt ngang lời.

- Vì họ đã có ý định công bố... Đúng như vậy.

- Edward thân mến! - Ông George kêu lên, bực mình một cách rõ ràng, ít có tính chất nghị viện.

Một nụ cười thoáng hiện trên đôi môi của Ferrier.

- Khốn nỗi, George, có lúc sự thật cần được nói ra. Đây là trường hợp này.

- Ông hiểu cho, ông Poirot, tất cả những chuyện này đều là tuyệt mật. Không một lời nào - Ông George bối rối nói.

- Ông Poirot hoàn toàn hiểu rõ - Ferrier nói xen vào - Nhưng có thể ông ấy không hiểu đảng Nhân dân đang bị thử thách. John Hammett tức là đảng. Đối với nhân dân Anh, ông ấy tượng trưng cho sự trong sạch, sự thật thà. Chúng tôi không có quá khứ tốt đẹp để trở thành những con người nổi bật, nhưng có thanh danh để làm chúng tôi thành những người thật thà. Và điều bất hạnh muốn rằng người đứng đầu của chúng tôi, người thật thà của nhân dân, trở thành một kẻ bất lương tồi tệ trong thế hệ của mình.

Một lần nữa ông George lại gầm lên.

- Ông không hiểu gì về chuyện này hay sao? Poirot hỏi.

Nụ cười buồn rầu hiện lên trên nét mặt mệt mỏi của ông Thủ tướng.

- Có thể là ông không tin tôi, nhưng cũng như những người khác, tôi đã bị lợi dụng. Tôi không hiểu thái độ lạ lùng của vợ tôi đối với thân phụ mình... bà ấy biết rõ tính nết của ông cụ. Chúng tôi đã buộc ông cụ phải nghỉ việc vì lý do sức khỏe, nhưng chúng tôi cũng đã thấy trước. Rồi chúng tôi bắt tay vào quét dọn...

- Những chuồng bò của Augias - Ông George càu nhàu. (Theo thần thoại Hy Lạp thì Augias, con trai thần mặt trời, có một chuồng chăn nuôi súc vật nhiều năm không được coi sóc. Hercule phải đào hai nhánh sông vào chuồng bò để quét dọn – ND )

Poirot hơi giật mình.

- Nhưng công việc thật là quá sức với chúng tôi - ông Ferrier tiếp tục nói - Khi những sự việc được đưa ra công khai, cả nước sẽ quay lưng lại với chúng tôi. Chính phủ sẽ đổ. Everhard và đảng của hắn sẽ lên nắm quyền. Ông biết cái chính trị của Everhard là như thế nào không? Hắn khôn khéo nhưng tàn bạo, hiếu chiến và không biết tự giới hạn mình. Những người ủng hộ chúng thì bất lực và nhu nhược... cái đó sẽ dẫn đến sự chuyên chính.

- Chỉ cần bóp nghẹt được tất cả những cái đó! - Ông George nói.

Ông Thủ tướng lắc đầu một cách chậm chạp.

- Ông không tin là những cái đó có thể xảy ra chứ? - Poirot hỏi.

- Ông Poirot, tôi mời ông tới vì ông là niềm hy vọng cuối cùng của tôi. Công việc rất quan trọng, rất nhiều người biết, khó mà nghĩ đến việc bưng bít nó đi. Dùng bạo lực ư? Mua chuộc ư? Không thể được và rất vô ích. Ông Bộ trưởng Bộ nội vụ đã ví nó với những chuồng bò của Augias. Phải, cần có một dòng nước sông tràn nước... một sự kỳ lạ.

- Ông cần đến một Hercule - Poirot hài lòng xác nhận - Hercule là tên tôi, ông không nên quên...

- Ông có thể tạo ra được những điều kỳ lạ ư, ông Poirot?

- Chắc rằng ông đã cho điều ấy là có thể vì ông cho gọi tôi đến.

- Đúng như vây... Tôi nghĩ rằng sự cứu giúp, nếu có, không thể nào tới bằng những biện pháp thông thường, John Hammett là một kẻ bịp bợm. Liệu người ta có thể xây dựng được một ngôi nhà trên một nền móng mục nát không? Tôi không biết. Nhưng tôi cố thử. Ông cười với vẻ cay đắng - Những nhà chính trị, rõ ràng là như vậy, muốn yên vị bằng những lý do chính đáng.

Hercule đứng lên.

- Thưa ông - Anh nói - Theo kinh nghiệm thì tôi ít thích những nhà chính trị. Nếu John Hammett có ý đồ ấy với họ, tôi sẽ không ra tay. Nhưng với ông, tôi hiểu điều mà một nhà bác học đương thời đã nhận xét. Ông là một người trong sạch. Tôi sẽ làm việc này với năng lực của tôi.

Anh cúi đầu chào và rời khỏi phòng.

- A! Như thế đấy, đột ngột làm sao - Ông George kêu lên.

- Đó là một lời khen - Ông Edward Ferrier nói.

Khi Poirot đang bước xuống cầu thang thì một người đàn bà tóc vàng, cao lớn đến trước mặt anh.

- Thưa ông Poirot, xin ông vui lòng quá bộ tới chỗ tôi, được không?

Anh đi theo bà vào một căn phòng. Bà cẩn thận đóng cửa phòng lại. Bà chỉ cho anh một chiếc ghế và mời anh một điếu thuốc.

- Ông vừa gặp chồng tôi, phải không? - Bà nói bằng giọng bình tĩnh - và ông ấy đã cho ông biết câu chuyện liên quan đến cha tôi.

Poirot nhìn bà với vẻ chăm chú. Bà ta xinh đẹp, nét mặt bà lộ ra là con người có tính cách và thông minh. Là phu nhân của Tổng thống, đó là một bộ mặt bình dân, là nghĩa nữ của John Hammett, bà ta lại càng bình dân hơn.

Đó là một người vợ quên mình, một người mẹ tinh ý. Bà quan tâm đến cuộc sống hàng ngày trong vai trò một người phụ nữ. Bà ăn mặc đẹp nhưng không phải là theo mốt mới nhất. Bà tham gia nhiều công tác từ thiện và bà có chân trong chương trình giúp đỡ vợ con của những người thất nghiệp. Dân trong nước kính trọng và yêu mến bà. Đó là một trong những con chủ bài của đảng.

- Chắc bà đã phải đau khổ nhiều, thưa bà - Poirot nói.

- Ồ! Vâng... ông không thể biết như thế nào đâu. Đã nhiều năm nay, tôi đã sợ... một cái gì đó xảy ra.

- Bà không biết rõ đó là chuyện gì ư?

- Không, không hiểu chút nào. Tôi chỉ biết rằng thân phụ tôi không phải... như cái mà người ta đã tưởng. Từ khi còn rất trẻ tôi đã biết rõ... đó là một kẻ lừa dối.

Giọng bà bắt đầu run lên:

-... Gả tôi cho Edward... và Edward bắt đầu mất tất cả.

- Thưa bà, bà có những kẻ thù chứ? - Poirot bình tĩnh hỏi.

Bà ta nhìn anh một cách ngạc nhiên:

- Kẻ thù ư? Tôi không tin.

- Tuy nhiên tôi thì tôi tin là có đấy - Poirot trầm ngâm nói.

Và anh bắt đầu nói với vẻ sôi nổi:

- Bà có can đảm không, thưa bà? Người ta đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh chống lại chồng bà... cả bản thân bà nữa. Bà cần sửa soạn một sự chống lại.

- Đối với tôi thì chẳng có gì là quan trọng cả! - Bà kêu lên - Chỉ có Edward phải đề phòng mà thôi!

- Nói người này tức là người ta nói người khác. Thưa bà, bà nên nhớ là vợ của một vị Hoàng đế đấy.

Anh thấy mặt bà tái nhợt

- Ông định nói gì với tôi đây? - Bà ta nói và cúi đầu về phía anh.

° ° °

Percy Perry, chủ bút tờ Những tia X, ngồi trước bàn giấy khói thuốc bay nghi ngút.

Hắn người nhỏ thó và có cái đầu như đầu con chồn.

- Phải - Hắn nói bằng giọng êm dịu nhưng nhớp nhúa - Người ta sẽ cung cấp cho chúng những thứ rác thải. Chúng sẽ có những cái đó! Thật là thú vị phải không ông bạn.

Người trợ lý trẻ tuổi của hắn, đeo kính mát, nhìn hắn với vẻ lo ngại.

- Ông không nóng nảy đấy chứ? - Anh ta hỏi lại.

- Anh chờ một sự phản ứng bằng bạo lực ư? Không sợ gì cả. Không ai có gan làm thế đâu. Hơn nữa, làm như vậy thì họ đạt được gì? Bây giờ thì người ta đã chuẩn bị tất cả rồi, ở lục địa này cũng như ở châu Mỹ nữa.

- Họ sẽ phải lăn lộn trong cái thùng nhào bột. Nhưng họ cũng phải làm một cái gì chứ?

- Chắc chắn là như thế, họ sẽ phải cử một người đến thương lượng một cách nhũn nhặn...

Cùng lúc ấy chuông điện thoại reo lên. Percy Perry nhấc máy.

- Ai vậy? Được, cho vào.

Hắn đặt máy, cười nửa miệng.

- Họ giao công việc cho tên người Bỉ kỳ cục này! Hắn nhập cuộc. Hắn muốn biết cuộc chơi của chúng ta.

Hercule Poirot xuất hiện. Anh ăn mặc một cách cẩn thận: một chiếc áo khoác trắng cài cúc đàng hoàng.

- Rất hân hạnh được làm quen với ông, ông Poirot - Percy Perry nói - Ông muốn tham dự cuộc đua ngựa ở Ascot ư? Không à? Ồ! Tôi cứ tưởng như vậy.

- Tôi được khen ngợi nhiều quá - Nhà thám tử trả lời - Người ta thích có những ấn tượng tốt - Anh nói thêm và nhìn một cách vô tư vẻ mặt khó coi cùng cách ăn mặc cẩu thả của nhà báo, nhất là khi anh có những ưu thế tự nhiên.

- Ông muốn gặp tôi về vấn đề gì vậy? - Perry lạnh lùng cắt ngang.

Poirot cúi đầu về phía trước, vỗ vào cái đầu gối mềm của chủ nhà, cười tinh quái:

- Tống tiền.

- Ông muốn nói cái quỷ gì vây?

- Một con chim nhỏ nói với tôi rằng... vào một lúc nào đó, ông sẽ đưa ra một vài bài có trọng lượng lớn trên tờ báo của mình một cách dí dỏm, tài khoản trong nhà băng của ông sẽ lớn lên đột ngột... Nhưng đó chỉ là những lời nói suông thôi, chứ thực tế thì không có những bài báo như vậy.

Poirot ngồi thẳng lên với vẻ hài lòng.

- Ông cho đây là một sự thóa mạ ư? - Chủ nhà hỏi.

Poirot cười một cách thận trọng:

- Tôi tin chắc là ông không làm như thế.

- Ngược lại! Dù thế nào đi nữa tôi cũng thách ông chứng minh được là tôi tống tiền họ!

- Không, không, tôi tin ông. Ông hiểu sai rồi. Tôi không đe dọa ông. Tôi chỉ có một câu hỏi đơn giản: bao nhiêu?

- Tôi không biết ông muốn nói gì.

- Về một đại sự quốc gia, thưa ông Perry.

- Tôi là một nhà cải cách, thưa ông Poirot. Tôi muốn cọ rửa cái phía dưới của nền chính trị. Tôi phản đối tệ hối lộ. Ông có biết môi trường chính trị của đất nước hiện giờ như thế nào không? Đó là những cái chuồng của Augias, không hơn, không kém.

- Này! Trong đó có cả ông nữa...

- Và người ta phải cọ rửa những chuồng bò ấy, đó là những làn sóng trong sạch của ý nguyện công chúng.

Hercule Poirot đứng lên.

- Tôi vỗ tay khen ngợi những tình cảm của ông - Anh nói - Nhưng thật là thiệt hại vì ông không cần đến tiền.

- Này, đợi cho một phút - Người kia vội vàng nói - Tôi không cho là như thế...

Nhưng Hercule Poirot đã ra khỏi phòng.

Anh không ưa những kẻ tống tiền và đó là sự chối từ của anh với những công việc tiếp theo của họ.

° °

Everit Dashwood, một chàng trai mặt tròn trĩnh của tờ báo Cành Cây thân mật nắm tay Hercule Poirot bằng cả hai bàn tay của mình.

- Toàn bùn là bùn, thưa ông. Ở chỗ chúng tôi là bùn sạch... có thế thôi.

- Tôi không coi ông giống như Perry.

- Cái con quỷ hút máu người ấy. Đó là sự nhục nhã trong làng báo của chúng tôi. Nếu có thể, chúng tôi dã cho hắn trôi luôn.

- Đúng là lúc này đây, lúc mà tôi có trách nhiệm làm sáng tỏ một vụ om sòm chính trị.

- Và đồng thời cọ rửa những cái chuồng bò của Augias nữa phải không? Thật là quá sức ông, ông bạn. Chỉ có một cách: làm cho dòng sông Tamise chảy ngược vào trụ sở Quốc hội.

- Ông nói hơi quá đáng.

- Tôi biết rõ con người, thế thôi.

- Tôi có cảm giác ông là người mà tôi cần. Ông là con người mạnh bạo, ông biết cách hài hước và ông yêu mến những cái xuất phát từ sự bình thường.

- Nhưng những cái đó sẽ đến đâu kia chứ?

- Có một âm mưu cần phải lột mặt nạ. Đây sẽ là một nguồn tài liệu cho tờ báo của ông.

- Rất tốt!

- Đây là một âm mưu làm ô danh một phụ nữ.

- Càng tốt. Những câu chuyện giật gân bao giờ cũng đắt giá.

- Vậy thì ông ngồi xuống và lắng nghe...

° ° °

Mọi người bàn tán:

- Không, tôi không tin chút nào. John Hammett từ xưa tới nay vốn là người thật thà. Ông ta không giống những nhà chính trị khác.

- Đó là cái mà người ta nghe nói về bọn đê tiện trước khi người ta lột mặt nạ chúng.

- Trong vụ dầu hỏa ở Palestine lão ta kiếm được hàng triệu đồng. Đúng là một sự lường gạt.

- Everhard không làm những chuyện như vậy. Ông ta theo trường phái cũ.

- Tôi không muốn tin John Hammett là một tên kẻ cướp. Báo chí nói không một câu nào đúng sự thật cả.

- A! Thế ư? Vợ của Ferrier là con gái của ông ấy. Và anh đã đọc những điều người ta viết về bà ta chưa? (Một bài báo của tờ Những tia X được truyền tay nhau: Vợ một hoàng đế ư? Chúng tôi nghe nói rằng một phu nhân cấp cao trong giới chính trị đã cùng đi với một tên đĩ đực tới một nơi đáng nghi vấn. Ôi! Dagmar Dagmar, tại sao ngươi lại như vậy?)

- Bà Ferrier không bao giờ như thế, một tiếng nói chậm chạp và nghiêm chỉnh. Một tên đĩ đực ư? Đó là một loại trai nhảy đầm Nam Mỹ.

- Ồ! Một giọng nói khác chen vào - Với phụ nữ thì người ta không bao giờ hiểu rõ được. Họ có thể làm mọi chuyện.

° ° °

-... Đúng thế đấy, anh yêu, em cam đoan rằng cái đó tuyệt đối đúng. Mini nghe Paul nói lại chuyện Andy đã kể cho anh ta nghe. Bà ta hoàn toàn đồi bại rồi.

- Bà ta có vẻ khờ dại và đáng mến trong các cuộc lạc quyên từ thiện kia mà.

- Đó là một sự ngụy trang đơn giản thôi, anh yêu. Bà ta có vẻ bất kham. Chỉ cần đọc báo Những tia X là rõ cả. Thật là khủng khiếp. Em tự hỏi là họ lấy ở đâu ra những tin tức ấy?

- Anh bảo đây là một vụ om xòm chính trị ư? Người cha đã biển thủ quỹ của đảng thì sao?

° ° °

- Bà Rogers ạ, tôi không muốn nghĩ đến chuyện này chút nào. Tôi bao giờ cũng cho rằng bà Ferrier là một người xinh đẹp.

- Bà có tin rằng những điều kinh khủng ấy là sự thật không?

- Tôi nhắc lại: tôi không muốn nghĩ đến chuyện này. Bà ta đã tham gia một cuộc bán đấu giá lấy tiền góp quỹ từ thiện ở Pelchester hồi tháng Sáu vừa rồi. Tôi ngồi gần bà ta như tôi đang ngồi với bà đây. Bà ta có nụ cười đáng mến.

- Phải, chắc chắn là như thế, nhưng không có lửa thì sao lại có khói kia chứ.

- Tất nhiên. Chỉ có Thượng đế mới biết rõ thôi...

° ° °

Edward Ferrier mặt tái nhợt, những nết nhăn sâu xuống, quay về phía Poirot.

- Những đòn đánh vào vợ tôi! Thật là huyên náo... bạo loạn! Tôi sẽ khởi tố những cái giẻ rách nhơ bẩn ấy!

- Tôi không khuyên ông làm điều ấy.

- Nhưng phải chặn đứng những lời dối trá đê hèn ấy!

- Ông có chắc chắn rằng đây chỉ là những lời dối trá không? Vợ ông sẽ nói sao?

Ferrier tỏ ra lúng túng trong một khoảnh khắc.

- Vợ tôi cho rằng tốt hơn cả là không chú ý đến việc này nữa... nhưng tôi không thể... mọi người đều nói...

- Vâng, mọi người đều nói.

° ° °

Rồi báo chí lại đưa tin: Vợ Ferrier bị chấn động thần kinh đã đi nghỉ ở Ecosse.

Phỏng đoán dị nghị, khẳng định: Bà Ferrier không có ở Ecosse, bà ta chưa bao giờ sống ở đây...

° ° °

Những chi tiết gây ồn ào:

- Em đã nói với anh là Andy đã nhìn thấy bà ta. Phải trong cái hộp đêm gớm guốc ấy! Bà ta đang say rượu hoặc say ma túy và bên cạnh bà có một anh chàng người Argentine...

Và câu chuyện được nhân lên:

Bà Ferrier bị một chàng kị sĩ người Argentine bắt cóc; người ta thấy bà say sưa ở Paris. Đã nhiều năm nay bà thường dùng chất kích thích này và bà uống rượu như một cái thùng không đáy.

Dần dần những người đàn bà tiết hạnh của Anh quốc, lúc đầu thì ngây thơ sau đó nổi loạn tin rằng câu chuyện hẳn là căn cứ vào một điều gì đó. Đó là phu nhân của Thủ tướng ư? Than ôi!

Sau đó lại có những tấm ảnh...

Bà Ferrier chụp ở Paris, trong một hộp đêm, tay ôm lấy cổ một chàng trai tóc nâu, mắt bối rối... sau đó, trên bãi biển, không mặc quần áo, đầu dựa vào chàng trai ấy.

Bà Ferrier trả giá đúng lúc, bài báo nói như vậy...

° ° °

Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau, tờ Những tia X bị truy tố về tội phỉ báng.

Ông Mortimer, luật sư của Hoàng gia, đĩnh đạc, bất bình về câu chuyện, đại diện cho bên nguyên đơn. Bà Ferrier, luật sư nói, là nạn nhân của một âm mưu đê hèn mà người ta chỉ có thể ví câu chuyện "Chuỗi hạt ngọc của Hoàng hậu", nhằm hạ uy tín của Marie Antoinette, dưới con mắt của nhân dân. Ở đây người ta muốn bôi nhọ, làm mất uy tín một phụ nữ quí phái, có đầy đủ đức tính và trên đất nước mà bà là vợ của một lãnh đạo cao nhất. Ông Mortimer nhắc nhở với kẻ căm ghét hành động của một vài đảng phái chính trị quá khích nhằm mục đích phá hoại nền dân chủ. Sau đó ông gọi các nhân chứng ra.

Người đầu tiên là linh mục ở nhà thờ Northumerland, ông Honderson, một trong những bộ mặt có uy tín của Nhà thờ Anh quốc. Với tính thanh liêm dễ tha thứ và là một nhà hùng biện có tài, ông được mọi người quen biết yêu mến và súng bái ông. Ông thề rằng vào thời gian viết trên báo chí thì bà Ferrier đang sống với vợ chồng ông. Bị mệt mỏi vì những công tác từ thiện mà bà đã tham gia, bà được lệnh của thầy thuốc là phải tuyệt đối nghỉ ngơi. Người ta đã giữ bí mật cuộc nghỉ này để tránh các cuộc phỏng vấn của báo chí.

Một ông thầy thuốc danh tiếng tiếp lời linh mục tuyên bố rằng ông đã khám bệnh cho bà Ferrier và đã ra lệnh cho bà nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh mọi sự lo nghĩ.

Một thầy thuốc khác cũng nói là ông đã săn sóc sức khỏe cho bà Ferrier trong thời gian ở Northumberland.

Sau đó người ta gọi đến Thelma Andersen.

Những người tham dự phên tòa đều giật nẩy mình khi nhìn thấy người đàn bà này. Bà ta giống hệt bà Ferrier.

- Bà tên là Thelma Andersen phải không?

- Vâng.

- Bà thuộc quốc tịch Đan Mạch ư?

- Phải, tôi sinh ra ở Copenhague.

- Và bà làm việc trong một quán cà phê tại đây, đúng không?

- Đúng.

- Xin bà vui lòng cho chúng tôi biết đã có việc gì xảy đến với bà ngày 18, tháng Ba vừa rồi?

- Có một ông người Anh đến tìm tôi. Ông ấy nói với tôi rằng ông ta làm việc trong tòa báo Những tia X.

- Bà có chắc chắn là ông ta nói Những tia X không?

- Ồ! Chắc chắn chứ! Vâng, vì thoạt đầu tôi cho rằng đây là một tờ báo về y học. Nhưng thực ra thì không phải. Ông ấy nói với tôi rằng có một bà tài tử người Anh muốn tìm một người thay thế và tôi đúng là người mà bà ta cần. Tôi ít đi xem chiếu bóng nên tôi không nhớ cái tên mà ông ấy nói ra. Nhưng ông ấy nói rằng bà tài tử này bị ốm và bà cần một người nào đó xuất hiện trước công chúng thế chân bà ta và bà sẽ trả nhiều tiền cho công việc này.

- Ông người Anh ấy đã trả cho bà bao nhiêu tiền?

- Năm trăm bảng Anh. Lúc đầu tôi cho đây là chuyện đùa cợt... nhưng ngay lập tức ông ấy đưa cho tôi một nửa số tiền trên. Và tôi đã xin nghỉ phép nơi tôi làm việc.

Và người làm chứng tiếp tục kể lại việc mình đã làm. Người ta đã đưa bà đi Paris, cung cấp cho bà quần áo và giới thiệu bà với một "Chàng hiệp sĩ".

Một người Argentine lịch sự, lễ phép và đáng mến.

Tất nhiên nhân chứng cảm thấy thoải mái. Trở về Londres, chàng trai có nước da nâu đã cho bà tới các hộp đêm và người ta đã chụp ảnh họ như thời gian ở Paris. Nhiều nơi họ tới mà nhà cửa không được đàng hoàng lắm thì người ta không chụp ảnh. Người ta bảo trước với bà rằng mọi bức ảnh sẽ được đăng báo và ngài Ramon bao giờ cũng đối xử lễ phép với bà.

Không, chưa bào giờ người ta nói với bà cái tên bà Ferrier và bà cũng chưa bao giờ nghĩ là mình đóng vai bà này. Bà đã hành động không một chút mánh lới nào.

Người ta đưa cho bà xem những tấm ảnh và bà nhận ngay đây là những bức ảnh người ta đã chụp bà khi ở Paris và ở Riviera.

Những lời khai của Thelma Andersen biểu lộ sự thành thật tuyệt đối. Đó là một người đàn bà đứng đắn nhưng hình như kém thông minh. Lúc này bà ta rất bực mình vì hiểu được người ta đã bắt bà phải đóng vai trò này.

Bên bị đơn không thuyết phục ai cả. Họ tuyên bố rằng mình không có quan hệ gì với nhân chứng. Văn phòng của họ ở Londres cũng nhận được những tấm ảnh như vậy và họ đã cho rằng đây là những ảnh thật.

Lời kết luận của ông Mortimer làm thỏa mãn mọi người. Ông nói đây chỉ là một âm mưu chính trị đê hèn hòng làm mất uy tín ông Thủ tướng và phu nhân. Tình cảm của mọi người đều hướng về bà Ferrier khốn khổ.

Bản án không kết tội ai và nó đã được sự tán thành nhiệt liệt của quần chúng và sự tốn kém của nó cũng rất to lớn.

Đám đông hoan nghênh bà Ferrier, chồng và thân phụ bà khi họ ra về.

Edward Ferrier nồng nhiệt nắm chặt tay của Poirot.

- Ông Poirot, tôi chân thành cảm ơn ông. Dù sao đi nữa thì cái giẻ rách Những tia X cũng đã bị quét dọn. Cái đó dạy cho họ đừng có mưu toan làm những điều ô nhục như vậy nữa! Đánh vào Dagmar con người hiền lành nhất! Cảm ơn Thượng đế, ông đã thành công trong việc lật mặt nạ bọn chúng... Ai đã gợi ý cho ông rằng họ đã sử dụng một diễn viên đóng thay như vậy?

- Cái đó chẳng có gì là mới. Cái đó đã được bà Jeanne de la Motte sử dụng thành công trước khi bà ta đóng vai Marie- Antoinette rồi.

- Tôi phải đọc lại cuốn "Chuỗi hạt ngọc của Hoàng hậu" mới được. Nhưng mà làm thế nào mà ông tìm được người đàn bà mà họ dùng để thay thế?

- Tôi đã tìm bà ta ở Đan Mạch và đã gặp bà ta ở đây.

- Nhưng tại sao lại tìm ở Đan Mạch?

- Vì bà nội của bà Ferrier là người Đan Mạch và bà Ferrier là người có những nét Đan Mạch nổi bật. Và còn vì những lý do khác nữa...

- Sự giống nhau thật rõ ràng. Thật là một ý nghĩ quỉ quái! Tôi tự hỏi vì sao bà ta lại đi vào một vai trò bẩn thỉu này.

Poirot cười.

- Nhưng bà ta không tự đi vào đây...

Và anh chỉ tay vào ngực mình.

- Chính tôi đã nghĩ ra cái đó.

- Tôi không hiểu. Ông muốn nói gì vậy?

- Chúng ta phải nhớ lại một chuyện khác xa hơn chuyện "Chuỗi hạt ngọc của Hoàng hậu" đó là chuyện việc cọ rửa những chuồng bò của Augias, Hercule đã dùng cả một con song. Chúng ta hiện đại hóa câu chuyện. Chúng ta kể cho mọi người khác nghe một câu chuyện bê bối với một lực lượng khác của tự nhiên là người phụ nữ. Cái này cần đến dòng nước xoáy mạnh hơn là sự tranh cãi chính trị lặt vặt. Cũng như Hercule, tôi đã phải nhúng tay xuống bùn để đắp một con đê làm quay ngược dòng nước. Một người bạn làm báo đã giúp đỡ tôi. Anh ta đã đi Đan Mạch tìm một người đàn bà để sắm vai trò mong muốn. Anh ta đã gặp và nói chuyện với người đó và ra vẻ vô tình nhắc đến tờ báo Những tia X với hy vọng là bà ta nhớ lại việc đã làm. Bà ta đã làm việc đó thật. Sau đó thì việc gì xảy ra? Phải bóc nhiều lớp bùn bao bọc người vợ của Hoàng đế. Chuyện này thích thú với mọi người hơn là những chuyện om xòm chính trị. Kết thúc ra sao? Đạo đức bị xúc phạm. Người đàn bà hoàn toàn trong trắng. Một dòng thác tình cảm tốt đẹp đã cọ rửa những chuồng bò của Augias. Bây giờ thì mọi tờ báo trong nước có thể đăng những chuyện biển thủ tiền của ông John Hammett nhưng không một người nào tin có thực lấy một chữ.

Cánh mũi phập phồng, ông Edward Ferrier nắm chặt tay lại.

- Vợ tôi! Ông đã dám cả gan dùng vợ tôi...

Chắc chắn là điều sung sướng đối với Poirot trong nghề nghiệp của mình là không phải chịu một sự sửa sai nào khi bà Ferrier bước vào phòng.

- Thế nào - Bà nói - Công việc tốt chứ.

- Dagmar... Mình đã biết tất cả ư?

- Nhưng chắc chắn là như vậy, anh yêu.

Và bà cười, một nụ cười đơn giản, có phần thân thiết của một người vợ chân chính.

- Và mình không nói với tôi một lời nào!

- Nhưng, Edward, anh đã chẳng để ông Poirot có toàn quyền hành động đấy ư?

- Chắc chắn là không!

- Thì đó là chúng tôi nghĩ ra.

- Chúng tôi ư!

- Ông Poirot và tôi... Tôi đã nghỉ an dưỡng tốt ở nhà ông linh mục. Bây giờ tôi rất khỏe khoắn. Người ta muốn tôi dự một buổi lễ đặt tên cho một con tàu ở Liverpool... đây là một việc tốt, tôi tin như vậy.

Chap 6. The Stymphalean Birds

Một Vụ Tống Tiền

Harold Waring đã chú ý tới hai người phụ nữ khi họ từ con đường dưới hồ đi lên. Trời đẹp, bầu trời xanh ngắt, mặt trời nhấp nháy. Harold đang ngồi ở tầng trệt của khách sạn, hút tẩu và nghĩ đến cuộc sống tốt đẹp.

Hoạt động chính trị tạo cho người ta cái vẻ mãn nguyện. Một thứ trưởng ở tuổi ba mươi thì thật là tuyệt. Anh có thể tự hài lòng về mình. Ngài thủ tướng chẳng thường nói: Anh chàng Waring còn tiến xa! Cuộc sống hiện ra dưới những màu sắc rực rỡ.

Harold đã quyết định đi nghỉ ở Herzoslovaquie để tránh những con đường lớn, để tránh xa tất cả, tất cả. Khách sạn nằm bên hồ Stampka, tuy nhỏ nhưng rất đầy đủ tiện nghi. Khách trọ phần đông là những người nước ngoài. Người Anh ở đây chỉ có bà Rice một phụ nữ cao tuổi, và cô Clayton, con gái bà. Harold thấy mến cả hai. Cô Elsie Clayton rất xinh đẹp là loại người ăn mặc không theo thời trang. Cô ít trang điểm, nếu không muốn nói là không trang điểm, tính dè dặt gần như là nhút nhát. Bà Rice là loại người mà người ta gọi là có tính cách. To cao, giọng nói ồm ồm bà thường quen ra những quyết định, nhưng trí óc bà vẫn sáng suốt. Có thể nói bà chỉ sống vì con.

Harold dã có những giờ dễ chịu bên bà mẹ và cô gái nhưng họ không tìm cách giữ rịt lấy anh. Những người đi nghỉ trong khách sạn thường tổ chức từng nhóm đi du ngoạn. Họ chỉ ở đây một hoặc hai đêm rồi đi nơi khác, Harold đã chú ý đến điều này cho đến khi...

Hai người phụ nữ từ đường dưới hồ đi lên một cách chậm chạp. Đúng lúc Harold chú ý tới họ thì có một dám mây đen che khuất mặt trời. Chàng trai giật mình. Hai người đàn bà này có bộ dạng khác thường. Mũi dài và khoằm như mỏ chim, mắt nhìn chòng chọc. Họ giống nhau một cách kỳ lạ. Mỗi người đều khoác một chiếc áo choàng, hai vạt tung bay như đôi cánh lớn.

Hai bà này đi thẳng vào tầng trệt của khách sạn. Họ không còn trẻ, đã khoảng ngoại tứ tuần. Vẻ giống nhau có thể coi đây là hai chị em ruột. Khi đi qua chàng trai, họ nhìn anh rất lâu và chăm chú.

Harold cảm thấy khó chịu quay mặt đi nơi khác thì nhìn thấy một bàn tay có những ngón dài như vuốt của con thú...

Những người đàn bà ghê tởm làm sao! Đúng là những con ác điểu...

Khi nhìn thấy bà Rice đi đến thì những ý nghĩ đen tối của anh bị xua tan. Anh chạy lại và đẩy cho bà một chiếc ghế. Bà cảm ơn anh, ngồi xuống và theo thói quen bà đan lia lịa.

- Bà có nhìn thấy hai bà vừa tới khách sạn không? - Harold hỏi.

- Mặc áo khoác phải không? Có, tôi đã gặp họ.

- Họ thật khác thường, có đúng không?

- Thế nào? Đúng, có thể là như vậy. Tôi cho rằng họ mới tới đây. Họ rất giống nhau... Có thể là chị em sinh đôi.

- Có thể là tôi hay tưởng tượng - Chàng trai nói - Nhưng tôi thấy họ thật là kỳ quái.

- Thế ư? Tôi phải nhìn họ gần hơn mới được... Người gác cổng sẽ cho chúng ta biết họ là ai. Hình như họ không phải là người Anh.

- Ồ! Không phải

Bà Rice nhìn đồng hồ đeo tay.

- Đã tới giờ dùng trà rồi. Ông Waring, liệu ông có thể bấm chuông giúp được không?

Anh đi bấm chuông và trở về ghế ngồi.

- Chiều nay con gái bà có đi chơi đâu không? - Anh hỏi.

- Elsie ư? Một vòng quanh hồ sau đó là rừng thông. Thật tuyệt.

Người hầu bàn đưa trà tới.

- Elsie vừa nhận được thư của chồng - Bà Rice nói tiếp khi người phục vụ đã đi xa - Chắc chắn là nó không xuống đâu.

- Chồng cô ấy ư? - Harold ngạc nhiên nhắc lại - Tôi tưởng cô ấy góa chồng.

Bà Rice ném cho anh một cái nhìn bất chợt.

- Ồ! Không - Bà nói giọng khô khan - Nó không góa chồng. Thật là bất hạnh! - Giọng bà trở nên khoa trương.

Harold không che giấu nổi vẻ tò mò.

-... Phải, thưa ông Waring, việc say sưa chịu trách nhiệm về mọi sự đau khổ.

- Anh ấy uống rượu ư?

- Đúng. Hắn ghen một cách bệnh hoạn và vũ phu không thể tưởng tượng nổi - Bà thở dài nói - A! Thế gian mới tàn nhẫn làm sao thưa ông Waring. Tôi quí mến Elsie, đó là đứa con độc nhất của tôi... và khi thấy nó khổ sở thì tim tôi tan nát.

- Cô ấy hiền lành - Harold thật thà nói.

- Quá hiền nữa là khác, chắc chắn như thế.

- Thế nào?

- Một người phụ nữ sung sướng thì có lòng kiêu hãnh. Sự hiền lành của Elsie xuất phát từ sự thất bại, tôi cho là như thế. Cuộc đời đã vùi dập nó.

- Tại sao... tại sao cô ấy lại lấy anh ta?

- Philip Clayton là một chàng trai đầy quyến rũ. Hắn đã và sẽ còn hấp dẫn mọi người. Hắn có một gia tài lớn và không một ai cho chúng tôi biết tính nết thực sự của hắn. Tôi ở góa từ lâu. Hai người đàn bà độc thân sống bên nhau thì đó là những quan tòa tồi...

- Vâng, đúng như thế - Harold suy nghĩ nói.

Anh thương hại tình cảnh của Elsie Clayton vào tuổi chưa đến hai mươi nhăm. Anh nhớ lại cái nhìn trong sáng, cặp mắt xanh, vành môi cong. Và anh chợt nhận ra tình cảm của mình đối với cô gái ấy đã vượt quá một tình bạn đơn giản.

Và cô ấy đang sống với một con ác thú...

Sau bữa ăn, Harold tới gặp bà mẹ và cô con gái. Elsie Clayton mặc một chiếc áo màu nhạt. Hẳn là cô ta đã khóc, mắt đỏ hoe.

- Tôi đã biết hai mụ nữ yêu tinh mình chim của ông là ai rồi - Bà Rice nói với giọng vui vẻ - Những người Ba Lan, trong một gia đình quí phái, người gác cổng đã nói với tôi như thế.

Harold nhìn về phía hai phụ nữ Ba Lan.

- Hai bà kia ư - Elsie vô tư hỏi - Hai bà tóc nhuộm kia ư? Họ như một cái gì để gây tai họa... tôi không hiểu tại sao.

- Đúng như điều tôi đã nói! - Harold nói với vẻ chiến thắng.

Bà Rice cười.

- Hai người thật là kỳ cục - Elsie thật thà xác nhận - Nhìn họ con liên tưởng tới những con chim kền kền.

- Chúng thường móc mắt những xác chết để ăn! - Harold nói thêm.

- Ôi! Không - Người đàn bà trẻ sợ hãi kêu lên.

- Tha lỗi cho tôi.

- Mong sao họ không gặp chúng ta trên đường đi dạo - Bà Rice nói.

- Chúng ta chẳng có bí mật tội lỗi gì cả - Elsie tuyên bố.

- Nhưng ông Waring có cái đó thì sao - Người mẹ nháy mắt nói.

- Không khi nào, cuộc đời tôi như cuốn sách để mở.

"Những người không chịu đi theo con đường ngay thẳng thì thật là điên rồ". Anh chợt nghĩ. Một lương tâm trong sáng, đó là cái mà người ta cần trong cuộc sống. "Những cái đó giúp người ta đối mặt với thế gian, xua đuổi những kẻ muốn anh đi chệch đường".

Anh cảm thấy mình rất mạnh, tuyệt đối mạnh, để làm chủ số phận của mình. Cũng như mọi người Anh, Harold Waring rất kém về ngoại ngữ. Tiếng Pháp của anh mới ở trình độ bập bẹ và phát âm theo kiểu tiếng Anh. Anh không biết một tiếng Đức nào, cả tiếng Ý cũng vậy.

Nhưng cho đến bây giờ anh không cảm thấy phiền phức. Trong hầu hết các khách sạn ở lục địa, bao giờ cũng có ai đó biết nói tiếng Anh.

Cái vùng hẻo lánh mà tiếng nói hầu hết là của người Slave, chỉ có người gác cổng biết nói tiếng Đức, anh phải cầu cứu đến một người phiên dịch. Bà Rice biết nhiều thứ tiếng nhưng giọng bà vẫn pha lẫn giọng Slave. Harold quyết định mình phải học tiếng Đức. Trời đẹp và sau khi học được vài chữ, anh thấy đã đến giờ đi dạo trước bữa ăn. Anh đi theo con đường xuống hồ, rồi đi vào rừng thông. Sau khi đi khoảng chừng năm phút, tai anh bắt gặp một tiếng động. Không thể nhầm lẫn được: cách chỗ anh đứng một vài mét một phụ nữ đang khóc nức nở.

Harold dừng lại một lúc sau đó anh đi về phía có tiếng khóc. Elsie Clayton đang ngồi trên một thân cây, tay ôm mặt, thổn thức.

- Bà Clayton - Harold dịu dàng gọi - Elsie đó phải không?

Cô ta giật nẩy mình, ngẩng mặt lên nhìn anh. Anh ngồi xuống bên cô.

-... Tôi có thể làm được gì? - Anh nồng nhiệt hỏi.

Cô ta lắc đầu.

- Không... Không... Ông rất tốt. Nhưng ông không thể giúp gì được tôi đâu!

- Có phải vì... chồng bà không? - Anh khó chịu hỏi lại.

Cô gật đầu. Sau đó cô lau mặt, lấy ra một hộp phấn, đấu tranh để lấy lại sự can đảm.

- Tôi không muốn mẹ tôi lo lắng- Cô run rẩy nói - Mẹ tôi sẽ rất hoảng hốt khi thấy tôi đau khổ. Thế là tôi tới đây để khóc. Thậy là ngốc nghếch, tôi biết điều đó... Nhưng... nhiều khi cuộc đời hình như không thể chịu đựng nổi.

- Tôi lấy làm tiếc - Harold nói.

Cô nhìn anh với cái nhìn biết ơn. Sau đó nói rất nhanh:

- Tất cả do lỗi của tôi. Tôi đã kết hôn với Philip với tất cả tấm lòng. Nếu xảy ra chuyện gì, thì người đáng trách độc nhất là tôi.

- Bà thật can đảm khi nói rõ sự tình theo cách đó.

Cô ta lắc đầu:

- Ồ! Không, tôi không can đảm. Tôi cũng không mạnh dạn nữa, tôi hèn nhát. Sống với Philip thật là đáng lo ngại. Anh ta làm tôi run lên khi lên cơn điên dại, tôi chết khiếp.

- Nhưng phải rời bỏ hắn ta! Harold kêu lên.

- Tôi không dám. Anh ta... anh ta không ly hôn tôi đâu.

- Thật là nực cười. Tại sao bà không ly hôn hắn.

- Tôi không có một lý do gì - Cô ta đứng lên - Không, tôi phải theo số phận của mình. Ông biết đấy, tôi luôn luôn sống bên mẹ tôi. Philip sẽ thấy không có trở ngại gì. Nhưng khi chúng ta đi từ con đường này ra...

Cô đỏ mặt ngập ngừng một chút khi nói tiếp:

- Anh ta rất ghen! Chỉ cần tôi vô ý nói đến tên một người đàn ông nào đó thì sẽ có những cảnh tượng kinh khủng đối với tôi.

Sự bực bội của Harold tăng lên. Anh đã nhiều lần nghe những chuyện ghen tuông của người chồng đối với vợ. Anh cho rằng như vậy là đúng, người chồng thường là có lý. Nhưng Elsie Clayton không phải là người đàn bà lẳng lơ. Chưa bao giờ cô đưa mắt tống tình anh.

Elsie tránh xa anh với vẻ run rẩy. Cô ngước mắt nhìn lên trời.

- Mặt trời sắp lặn. Trời rét. Tốt nhất là chúng ta trở về khách sạn. Sắp đến giờ ăn rồi.

Họ đứng lên và đi về khách sạn. Đi khoảng một phút đồng hồ họ thấy một bóng người đi phía trước. Họ nhận ra chiếc áo khoác. Đó là một trong hai người phụ nữ Ba Lan.

Họ vượt qua và Harold cúi đầu chào. Bà ta không trả lời nhưng nhìn họ chằm chằm làm chàng trai đỏ mặt. Người đàn bà ấy có nhìn thấy họ ngồi trên thân cây lúc nãy không? Chắc chắn bà ta nghĩ rằng...

Dù thế nào đi nữa bà ta cũng nghĩ rằng... Một nỗi bực dọc mơ hồ nổi lên.

Trời ơi! Có những phụ nữ suy nghĩ khá tầm bậy!

Mặt trời đã lặn... hai người đều cảm thấy lạnh... có phải đây là lúc ấy bà ta đang rình mò họ không?

Bất chợt Harold cảm thấy khó chịu.

Harold trở về phòng mình lúc khoảng mười giờ. Người phu trạm đã tới và anh nhận được rất nhiều thư từ. Có một số thư đòi hỏi anh phải trả lời ngay.

Mặc quần áo ngủ, anh bắt tay làm việc. Anh đã viết được ba lá thư và bắt đầu viết lá thư thứ tư. Đúng lúc ấy cửa phòng anh bật mở như bị gió thổi mạnh và Elsie chạy vội vào phòng.

Harold vội vàng đứng lên. Elsie đóng cửa và đứng sững bên cạnh chiếc tủ thấp. Mặt tái nhợt như người chết, cô thở đứt quãng. Cô như đang khiếp đảm.

- Chồng tôi! - Cô lắp bắp - Anh ta đến bất chợt. Tôi cho rằng anh ta muốn giết tôi... Anh ta điên rồi... Xin che chở cho tôi. Đừng để anh ta tìm được tôi.

Cô bước một vài bước. Cô run rẩy đến mức đi loạng choạng sắp ngã. Harold phải đưa tay ra đỡ lấy cô. Cùng lúc ấy cửa bật mở và một người đàn ông đứng sững ở ngay đấy. Người tầm thước anh ta lông mày rậm, tóc nâu chải bóng. Tay anh ta vung vẩy một chiếc mỏ-lết lớn.

- Thế là bà già người Ba Lan nói có lý! - Anh ta nói giọng điên dại, the thé - Mày vui thú với con người này!

- Không! Philip, không phải - Elsie kêu lên - Không đúng đâu. Anh nhầm rồi!

Người đàn ông tiến lên, đe dọa và Harold đứng trước che cho người đàn bà trẻ.

- Tao nhầm mà tao lại tìm thấy mày trong phòng của nó! Đồ đĩ! Tao phải giết mày!

Anh ta tìm cách đẩy Harold và túm lấy Elsie đang kêu khóc.

Harold tìm cứu cho người đàn bà. Nhưng Philip chỉ có một ý định, tóm được cô. Sợ hãi, Elsie chạy ra cửa đang để ngỏ và người chồng của cô lập tức đuổi theo. Không để chậm một giây, Harold cũng lao theo họ.

Elsie chạy vội vào phòng của mình ở phía đầu hành lang. Harold nghe thấy tiếng chìa khóa đang khóa phía trong cửa. Nhưng đã quá muộn, Philip Clayton đã có thời gian đẩy cửa và bước vào trong phòng. Elsie kêu lên một tiếng kinh hoàng. Harold chạy tới...

Người đàn bà đứng trước cửa sổ, tay túm chặt lấy tấm màn che đang kêu van. Philip Clayton chạy đến phía cô, giơ cao chiếc mỏ-lết lớn. Elsie kêu lên một tiếng khiếp đảm, tay cầm lấy chiếc chặn giấy nặng trên bàn ném vào đầu người chồng.

Clayton ngã xuống như một chiếc bao nặng. Harold đứng chết lặng bên cạnh cửa. Người vợ trẻ quì xuống bên cạnh chồng bất động.

Người ta nghe thấy tiếng khóa mở trong hành lang.Elsie đứng phắt lên chạy đến bên Harold.

- Tôi xin ông - Cô nói với giọng run rẩy - Ông trở về phòng mình ngay đi... Người ta sẽ tới dây... và sẽ thấy ông ở đây.

Vừa rồi, Clayton chưa đánh vợ. Nhưng có thể là người ta đã nghe thấy tiếng kêu của Elsie. Nếu người ta trông thấy Harold ở đấy thì sẽ có những chuyện phiền phức và khinh bỉ. Đối với anh cũng như đối với cô, tốt hơn là không nên để xảy ra một vụ tai tiếng.

Khi anh vừa trở về phòng mình xong thì anh nghe thấy tiếng một cánh cửa ở một phòng nào đó kẹt mở.

Anh không ngủ và chờ. Sớm hoặc muộn thì Elsie cũng sẽ tới. Anh biết cái đó. Anh đợi hơn một tiếng đồng hồ. Rồi có tiếng gõ nhẹ cửa.

Không phải là Elsie mà là mẹ cô với dáng vẻ làm anh kinh ngạc. Bà ta đột nhiên già thêm mười tuổi. Mớ tóc màu xám rối bù và mắt thâm quầng.

Anh vội vàng đưa ra một chiếc ghế. Bà ngồi xuống thở dốc.

- Thưa bà, hình như bà quá xúc động. Tôi mời bà uống gì đây?

Bà ta lắc đầu:

- Không. Đừng bận rộn về tôi. Tôi khỏe. Đó chỉ là một cú sốc, thưa ông Waring, đã có một chuyện ghê gớm xảy ra.

- Clayton bị thương có nặng không?

- Anh ta chết rồi.

Gian phòng hình như quay cuồng. Harold không thể nói lên thành tiếng sau nhiều giây đồng hồ.

- Chết ư? - Anh hỏi lại bằng một giọng mơ hồ.

- Cạnh cái chặn giấy đập trúng vào thái dương - Bà Rice nói một cách đơn điệu, mệt mỏi - Sau đó anh ta ngã, đầu đập vào lò sưởi. Tôi không hiểu do đâu mà anh ta chết, do cái chặn giấy hoặc do lò sưởi... nhưng anh ta đã chết... cái đó thì chẳng nghi ngờ gì nữa.

Một tai họa, tai họa... Harold không thể nghĩ đến chuyện gì khác nữa.

- Đó là một tai nạn. Tôi đã trông thấy hắn ta! - Anh ta nói một cách hăng hái.

- Đúng như vậy! - Bà Rice khô khan trả lời - Tôi biết cái đó. Nhưng... nhưng... mọi người có chịu tin như thế không? Tôi... thật ra tôi rất sợ. Chúng ta không phải đang ở Anh quốc.

- Tôi có thể chứng nhận hành động của Elsie - Chàng trai thong thả nói.

- Phải... Và nó có thể chứng nhận hành động của ông, thế đấy!

Harold với bản chất thông minh và thận trọng, hiểu rõ điều bà ta nói và thế yếu của anh và Elsie.

Anh đã có nhiều thời gian ngồi bên Elsie. Mặt khác, một trong hai người đàn bà Ba Lan đã trông thấy họ trong rừng thông, một trong những điều kiện có thể bị nghi vấn. Hai người phụ nữ ấy có vẻ như không biết tiếng Anh, nhưng cũng có thể họ biết một vài từ như "ghen", "chồng" chẳng hạn. Trong mọi trường hợp sự giận dữ, ghen tuông của Clayton đã làm anh nhớ lại những điều mà người ta đã nói với anh. Và anh, Harold, lại đang ở trong phòng của Elsie khi chồng cô ta chết. Chẳng ai có thể chứng minh là anh đã không giết chết Philip Clayton bằng chiếc chặn giấy cả... Là người chồng, hắn không thể không ngạc nhiên khi trông thấy vợ đang trong đôi tay của anh. Chỉ có Elsie là nói ngược lại. Nhưng liệu người ta có tin cô không?

Bất chợt anh lạnh người vì sợ hãi.

Không, không chỉ trong chốc lát mà người ta có thể ghép họ vào tội chết được chỉ vì một cái chết mà họ không gây ra, cả với Elsie và anh nữa. Người ta chỉ có thể gán cho họ cái tội giết người không cố ý mà thôi. Nhưng liệu có cái tội danh đó trong cái xứ sở xa xôi này không nhỉ? Nhưng dù chỉ để chứng minh sự vô tội của họ thì điều đó cũng cần phải có một cuộc điều tra... Báo chí sẽ đăng tin... Một nhà chính trị trẻ tuổi có tương lai... Một người chồng ghen tuông, một người đàn bà xinh đẹp... Nghề nghiệp của anh không thể đứng vững trước một vụ bê bối như thế.

- Liệu người ta có thể giấu xác chết đi không nhỉ? - Đột nhiên anh hỏi - Chuyện giết người sẽ không có nữa.

Và anh đỏ mặt trước con mắt phản đối của bà Rice.

- Ông Harold thân mến, chúng ta không sống trong một cuốn truyện trinh thám! Thật là điên rồ khi muốn làm như vậy.

- Phải, đúng thế, anh thừa nhận. Nhưng làm gì đây? Trời ơi, làm gì đây?

Bà Rice lắc đầu, chau mày suy nghĩ một cách tuyệt vọng.

- Phải làm một cái gì chứ? - Harold nài nỉ - Bất cứ một cái gì để tránh khỏi tai họa ấy.

- Elsie, con gái nhỏ bé của tôi - Bà Rice rên rỉ - Tôi có thể vì nó mà làm bất cứ việc gì. Nó sẽ chết mất... Cả ông nữa, cả sự nghiệp của ông, tất cả...

- Không nên nghĩ đến tôi - Harold nói.

- Như thế là không công bằng... Tôi, tôi biết giữa hai người không có chuyện gì... Nhưng những người khác...

- Ôi! Thật là bất hạnh. Chúng ta lại không đang ở Anh quốc!

- Nhưng... - Bà Rice ngẩng đầu - Đúng, chúng ta không đang ở Anh quốc. Tôi tự hỏi liệu có thể...

- Sao? - Harold nói.

- Ông có bao nhiêu tiền ở đây? - Bà Rice hỏi sỗ sàng.

- Không nhiều lắm. Nhưng tôi có thể đánh điện tín về nhà để họ gửi thêm cho tôi.

- Chúng ta cần nhiều tiền đấy - Bà già nói một cách cay đắng - Nhưng tôi thấy cái đó đáng giá với những khó khăn mà chúng ta phải gỡ ra.

Harold thấy có một tia sáng hy vọng.

- Bà có ý kiến gì.

- Chúng ta không thể tự mình che giấu cái chết đó, nhưng chúng ta có thể hủy bỏ vụ này một cách công khai.

- Bà tin là như vậy ư? - Harold hỏi một cách đầy hy vọng nhưng cũng có đôi chút nghi ngờ.

- Vâng! Người quản lý khách sạn sẽ ở phía chúng ta. Lão ta không có lợi ích gì để tiết lộ vụ này. Tôi biết cái đó qua kinh nghiệm, người ta có thể mua tất cả những gì mình muốn ở vùng Ban-căng... Còn cảnh sát thì lại càng hư hỏng hơn những nhân viên hành chính... May mắn thay, tôi có cảm giác rằng không một ai trong khách sạn chú ý đến những việc đã xảy ra.

- Ai ở căn phòng kế bên phòng của cô Elsie?

- Hai bà người Ba Lan. Họ không nghe thấy gì cả nên họ không chạy ra hành lang. Philip tới lúc khi khuya. Không ai trông thấy hắn, trừ tên gác cổng. Chúng ta có thể có được một giấy chứng nhận về một cái chết bình thường không? Còn những kẻ khác thì chỉ cần cho đủ nhờn miệng là được... và phải tìm người mà chúng ta cần... chắc chắn đó là viên cảnh sát trưởng.

- Cái đó như một vở hài kịch - Harold cười gượng gạo - Cuối cùng thì chúng ta có thể làm thử xem.

Bà Rice tỏ rõ tính năng động của mình. Bà bắt đầu bằng việc gặp người quản lý khách sạn. Harold ngồi trong phòng mình. Anh đã thỏa thuận với bà ta là anh đứng ngoài cuộc. Người ta chỉ nói về sự cãi cọ vợ chồng. Vẻ xinh đẹp, trẻ trung của Elsie làm cho cô được mọi người yêu mến.

Sáng hôm sau rất nhiều nhân viên cảnh sát tới khách sạn. Người ta dẫn họ vào phòng bà Rice. Đến trưa thì họ ra về. Harold đã đánh điện về nhà yêu cầu gửi tiền cho anh nhưng anh không tham dự gì vào những công việc đang xảy ra. Việc này cũng chẳng ích gì vì không một nhân viên cảnh sát nào biết nói tiếng Anh

Buổi chiều, bà Rice vào phòng của anh. Sắc mặt xanh xám có vẻ mỏi mệt. Nhưng người ta có cảm giác yên tâm khi nhìn nét mặt của bà.

- Cái đó xong rồi! - Bà nói một cách đơn giản.

- Trời phù hộ! Bà thật là kỳ diệu! Thật là không thể tưởng tượng được!

- Nhưng từ sự dễ dàng ấy, người ta có thể tin rằng không có gì là không bình thường. Họ đã giơ tay ra nhận tiền. Thật là... ghê tởm!

- Chưa phải là lúc phê phán tệ ăn hối lộ của các cơ quan chính quyền - Harold khô khan nói - Hết bao nhiêu?

Bà đọc một bảng kê những con số cùng với danh sách người.

- Ông đồn trưởng cảnh sát.

- Ông thanh tra cảnh sát.

- Những nhân viên cảnh sát.

- Ông bác sĩ.

- Ông quản lý khách sạn.

- Người gác cổng.

Harold chỉ có thể có một lời bình luận.

- Người gác cổng thì chẳng quan trọng gì - Anh nói.

- Theo cách nói công khai, cái chết không xảy ra ở khách sạn. Philip bị đau tim đột ngột trên xe lửa. Hắn rơi xuống đường... ông biết đấy, họ luôn luôn để ngỏ cửa. Công việc mà cảnh sát sắp đặt thì thật là phi thường!

- Thật là sung sướng khi cảnh sát nước ta không giống như vậy.

Bữa ăn kết thúc, chàng trai tới gặp bà Rice và con gái bà để dùng cà-phê. Anh quyết định không thay đổi những thói quen thường ngày.

Anh chưa gặp lại Elsie từ cái đêm ấy. Cô rất xanh và run rẩy sau cơn choáng váng. Nhưng cô đã có sự cố gắng đáng khen để lấy lại tư cách cư xử như trước kia.

Họ đang trao đổi ý kiến về quốc tịch của một ông khách mới tới trọ. Harold đoán rằng ông ta là người Pháp vì có bộ ria mép giống anh. Elsie cho rằng ông ta là người Đức, và bà Rice, người Tây Ban Nha.

Một người họ ở tầng trệt, trừ hai bà người Ba Lan. Cũng như mọi lần, Harold không khỏi rùng mình khi nhìn thấy họ.

Một người hầu bàn tới nói nhỏ với bà Rice. Bà ta đứng lên đi theo người này ra cửa gặp một nhân viên cảnh sát.

Elsie hoảng hốt kêu lên:

- Ông.... Ông có tin rằng có chuyện gì đó xảy ra không?

- Không, không - Harold mạnh dạn trả lời. Nhưng tim anh thắt lại.

- Mẹ cô thật là kỳ diệu - Anh nói thêm.

- Phải. Mẹ tôi không chấp nhận thất bại... thật đáng sợ.

- Không nghĩ đến nó nữa. Mọi việc đã xong.

- Tôi không thể không nghĩ là... là tôi đã giết hắn.

- Bỏ cái ý nghĩ ấy đi! Đây là một tai nạn. Cô biết rõ cái đó... Hơn thế, nó là quá khứ. Chúng ta hãy cố gắng quên nó đi.

Bà Rice quay lại.

- Tôi sợ quá - Bà ta vui vẻ nói - Một thủ tục giấy tờ. Tất cả tốt đẹp. Hình như chúng ta có thể làm một việc gì đó, như vậy mới xứng đáng với sự mệt nhọc.

Họ gọi rượu.

- Vì tương lai - Bà Rice nhấc cốc nói.

Harold cười với Elsie.

- Vì hạnh phúc của cô!

Cô cười với anh.

- Vì hạnh phúc của ông - Cô trả lời, giọng chiến thắng. Tôi tin chắc ông sẽ trở thành người có tiếng tăm lớn.

Sau khi sợ hãi, họ trở nên vui vẻ, gần như là thoải mái. Bóng đen đã bị xóa sạch. Tất cả trở nên tốt đẹp...

Bên kia tầng trệt, hai người đàn bà mũi khoằm đứng lên, cẩn thận xếp chiếc áo đan dở lại rồi đi tới quầy rượu.

Họ gật đầu ra hiệu cho bà Rice mời bà tới ngồi bên họ. Một trong hai bà bắt đầu nói, bà kia nhìn chằm chằm vào Harold và Elsie. Một nụ cười thoáng hiện trên môi bà ta... một nụ cười ác ý...

Bà Rice chăm chú nghe, thỉnh thoảng nói một đôi câu. Harold không hiểu họ nói gì với nhau nhưng thấy sự vui vẻ đã biến mất trên mặt của bà Elsie.

Hai bà người Ba Lan đứng lên, sau khi nghiêng mình, họ đi vào khách sạn.

- Có vấn đề gì vậy? - Harold bồn chồn hỏi bà Rice.

- Hai người đàn bà ấy muốn tống tiền chúng ta. Họ đã nghe thấy mọi chuyện cái đêm hôm ấy. Việc chúng ta muốn bịt kín câu chuyện trở nên trăm lần tồi tệ hơn... - Bà Rice trả lời với giọng thất vọng...

Harold Waring đứng bên hồ. Anh bồn chồn đi đi, lại lại hơn một tiếng đồng hồ vì sự thất vọng đã xâm chiếm lấy mình. Anh đến đúng chỗ lần đầu tiên anh gặp hai người đàn bà quái ác đang nắm cuộc sống của Elsie và của anh bằng những móng nhọn của họ.

- Quỉ tha ma bắt hai con yêu tinh ấy đi! - Anh quát to.

Một tiếng ho nhẹ làm anh quay lại và anh thấy mình đang đứng trước mặt một người đàn ông râu mép rậm rạp. Chắc chắn ông ta đã nghe thấy tiếng kêu của anh và anh thấy khó chịu không biết nói gì ngoài việc chào một ngày tốt lành.

- Nhưng hình như cái đó cần cho ông! - Người ấy trả lời bằng tiếng Anh rất rành mạch.

- Có nghĩa là... là...

- Ông đang có sự lo lắng, thưa ông. Tôi có thể giúp ông được việc gì không?

- Ồ! Không! Cảm ơn ông nhiều! Tôi... tôi đi xả hơi!

- Nhưng tôi có cảm giác rằng tôi có thể giúp ông được. Tôi không nhầm lẫn, có đúng không, khi nhìn thấy vẻ lo lắng của ông với hai người đàn bà ngồi ở tầng trệt khách sạn trưa nay?

Harold nhìn ông ta với vẻ ngạc nhiên:

- Ông biết một chuyện gì đó về họ ư? Nhưng trước hêt, ông là ai?

- Tôi là Herucle Poirot - Người đàn ông thấp người trả lời như ông là một vị trong hoàng tộc. Chúng ta hãy đi dạo dưới rặng cây và ông hãy kể cho tôi nghe câu chuyện đã xảy ra.

Harold không hiểu tại sao mình lại kể mọi chuyện với người mà anh chỉ mới biết một vài phút trước đây. Có lẽ vì thần kinh anh quá căng thẳng...

Poirot chăm chú nghe, gật đầu, đôi lúc lắc đầu vẻ nghiêm trang:

- Những con chim trên hồ Stymphale, những con quái vật mỏ thép ăn thịt người... phải chúng đã gây ra những việc này - Anh mơ màng nói khi Harold kể xong câu chuyện.

Chàng trai nhìn anh với vẻ lạ lùng.

- Ông nói gì?

- Tôi suy nghĩ, thế thôi. Tôi có cách nhìn sự kiện riêng của mình. Còn ông thật là khó khăn.

- Ông nói về người nào vậy?

- Việc tống tiền như vậy chỉ là một trò cười. Những con yêu tinh ấy sẽ còn bắt ông nộp tiền, nộp tiền mãi mãi. Chuyện gì xảy ra nếu ông từ chối?

- Sẽ mất hết - Harold chua chát trả lời - Sự nghiệp của tôi sẽ sụp đổ và một phụ nữ khốn khổ trước nay không làm hại ai sẽ sống trong cảnh địa ngục. Thượng đế cũng không hiểu ra sao nữa!

- Phải, cần làm một cái gì đó.

- Cái gì?

Hercule Poirot lim dim mắt và một lần nữa Harold nghi ngờ sự thăng bằng của thần kinh người này khi nghe thấy anh ta lẩm bẩm:

- Đã đến lúc phải dùng đến những chiếc thanh la bằng đồng.

- Ông điên à?

- Không. Tôi chỉ cố gắng làm theo Hercule thời xưa. Ông hãy cố chờ một vài tiếng đồng hồ nữa, ông bạn. Ngày mai, chắc chắn là như thế, tôi sẽ giải thoát ông khỏi những tên đao phủ ấy.

Harold Waring đi xuống tầng trệt vào sáng hôm sau để tìm Hercule Poirot đang ngồi một mình ở đó. Tự nhiên mặt anh nóng bừng. Anh tiến lại gần người ấy.

- Thế nào? - Anh lo ngại hỏi.

- Tốt rồi.

- Ông muốn nói gì?

- Tất cả được giải quyết bằng cách thích hợp.

- Nhưng cái gì đã xảy ra?

- Tôi đã dùng những chiếc thanh là bằng đồng... Phải, nếu ông thích nghe như vậy, tôi đã gõ lên... Tóm lại, tôi đã đánh điện tín. Những con chim trên hồ Stymphale của ông đã ở một nơi mà chúng không thể gây tội ác được nữa. Thưa ông.

- Cảnh sát đã tìm họ? Người ta đã bắt chúng?

- Đúng như vậy.

Harold thở phào.

- Thật là kỳ diệu? Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được... - Anh đứng lên - Tôi phải đi báo tin cho bà Rice và Elsie mới được!

- Họ biết rồi.

- A! Hay quá! - Anh ngồi xuống - Ông hãy cho tôi biết làm thế nào... Bất chợt anh ngừng nói.

Hai người đàn bà mũi như mỏ chim từ con đường dưới hồ đi lên. -... Nhưng ông vừa mới nói với tôi là cảnh sát đã bắt họ rồi?

Hercule Poirot theo dõi cái nhìn của chàng trai.

- Ô! Những bà kia ư? Nhưng họ hoàn toàn vô tội. Những bà người Ba Lan dòng dõi quí phái. Có thể là diện mạo của họ hơi khó coi, thế thôi.

- Nhưng tôi không hiểu!

- Không, đúng như vậy. Cảnh sát bắt những người đàn bà khác kia... Mụ Rice xảo quyệt và con bé Elsie khóc sướt mướt kia. Chúng là những con chim săn mồi nổi tiếng. Chúng sống bằng nghề tống tiền, ông bạn thân mến.

Harold có cảm giác đất dưới chân anh sụt lở.

- Nhưng - Anh nói bằng giọng yếu ớt - Nhưng... người đàn ông... người bị giết thì sao?

- Không một ai bị giết cả. Không có người đàn ông nào cả.

- Tôi đã nhìn thấy người ấy.

- Nhưng không. Mụ Rice với giọng ồm ồm đóng vai nam giới rất giỏi. Mụ đã đóng vai người chồng, đội bộ tóc giả màu nâu vào và hóa trang cẩn thận.

Poirot cúi xuống để vỗ nhẹ đầu gối của người ngồi bên cạnh.

-... Không được nhẹ dạ, cả tin, ông bạn. Người ta không dễ mua chuộc cảnh sát trong bất cứ quốc gia nào, nhất là trong những vụ giết người! Vì biết cả tiếng Anh và tiếng Pháp nên mụ Rice đã điều hành mọi việc. Cảnh sát đã vào phòng của mụ. Đúng. Nhưng vì chuyện gì thì ông lại không biết. Có thể mụ ta bịa ra chuyện đánh mất một chiếc bàn chải răng hoặc một món đồ nữ trang nào đó. Nhưng ông đã nhìn thấy. Đó là cái chính. Ông đã yêu cầu người nhà gửi tiền đến cho ông và ông đưa tiền cho mụ Rice giải quyết mọi việc! Thế đấy! Những con chim săn mồi ấy không bao giờ thấy no nê. Chúng đã thấy ông ghét hai bà người Ba Lan khốn khổ. Hai bà có cuộc nói chuyện bình thường với mụ Rice nhưng chúng không bỏ lỡ cơ hội để tiếp tục cuộc chơi... Ông còn phải bỏ ra nhiều tiền hơn nữa.

Harold phải cố gắng lắm mới hỏi thêm được một câu:

- Còn Elsie... Elsie?

Hercule Poirot tránh không nhìn mặt anh.

- Con bé đóng vai trò của mình rất khéo. Nó thường đóng vai như thế luôn. Đó là một nữ diễn viên giỏi. Nó làm ra vẻ trong trắng... vô tội. Nó biết thức tỉnh những tinh thần hiệp sĩ... Cái đó bao giờ cũng thành công với những người Anh chúng ta.

- Tôi sẽ trở lại làm việc và học tất cả những ngoại ngữ của châu Âu. Đây là lần cuối cùng tôi bị lừa dối theo cách đó!

Chap 7. The Cretan Bull

Một Vụ Trả Thù

Hercule Poirot nhìn người phụ nữ tới thăm một cách chăm chú. Mặt hơi xanh xao, cô ta có chiếc cằm bướng bỉnh, mắt màu xám, tóc đen, đôi chỗ có màu xanh nước biển.

Anh nhận thấy bộ quần áo bằng tuýt cắt rất khéo nhưng đã hơi cũ, chiếc túi xách đã biến dạng và sự kiêu ngạo không tự giác vẫn lộ ra cho dù cô gái đang rất bồn chồn.

"Phải, Poirot nghĩ, đây là một gia đình danh tiếng nhưng nghèo! Chắc hẳn đã có một chuyện gì khác thường đã xảy ra với họ nên cô ta phải tới đây".

- Tôi... Tôi không hiểu là ông có sẵn sàng giúp tôi không, thưa ông - Diana Maberly nói bằng giọng hơi run run - Hoàn cảnh thật là... đặc biệt.

- Cô kể cho tôi nghe xem nào.

- Tôi đến gặp ông vì tôi không biết phải giải quyết ra sao nữa! Tôi cũng đã tự hỏi là liệu có cách nào không!

- Và cô muốn tôi là người quyết định ư?

Cô gái đỏ mặt.

- Người mà tôi đã hơn một năm nay là vợ chưa cưới vừa đột nhiên hủy bỏ hôn ước - Cô nói rất nhanh.

Cô ta nhìn nhà thám tử với vẻ thách đố.

- Hẳn ông đã thấy tôi đang mất thăng bằng, đúng không?

Hercule Poirot chậm chạp lắc đầu.

- Ngược lại, thưa cô. Cô là người rất thông minh, tôi không nghi ngờ gì cả. Nghề nghiệp của tôi không phải là hòa giải những chuyện cãi vã của những người đang yêu nhau, tôi tin là như vậy. Việc từ hôn này thật khác thường. Đúng như vậy không?

Cô gái gật đầu.

- Anh Hugh đã cho rằng mình mắc chứng điên - Cô ta nói một cách rõ ràng, cụ thể - Và anh ấy cho rằng người điên thì không có quyền kết hôn.

Hercule Poirot nhướn lông mày.

- Và cô cũng nghĩ như vậy ư?

- Tôi không biết... nhưng thế nào là điên? Ai cũng điên đôi chút chứ?

- Vâng, người ta nói như vậy - Poirot nói mà không thỏa hiệp.

- Người ta có thể nhốt ông lại khi ông cho vỏ trứng vào nồi nước sôi... hoặc một con ngựa, hoặc...

- Và người chồng chưa cưới của cô đã đến giai đoạn ấy chưa?

- Anh Hugh hoàn toàn mạnh khỏe như tôi biết. Chắc chắn là vẫn thăng bằng...

- Vậy tại sao anh ta lại cho rằng mình điên?... Trong gia đình có ai mắc chứng tâm thần không?

Diana buộc phải thừa nhận:

- Người ông nội anh ấy, tôi biết như vậy và có thể là một bà cô nữa tinh thần không minh mẫn lắm. Nhưng mỗi gia đình thường có một người khác thường như vậy! Quá thông minh hoặc kém thông minh, hoặc...

Cặp mắt cô gái như đang cầu cứu.

- Tôi thấy làm tiếc, thưa cô - Poirot nói bằng giọng chân thành.

Cô ta vụt đứng lên.

- Nhưng tôi không muốn ông lấy làm tiếc! Tôi muốn ông làm một việc gì đó.

- Việc gì?

- Tôi không biết... nhưng ở đây có một cái gì không thể hiểu nổi.

- Thưa cô, xin cô cho biết về người chồng chưa cưới của cô, được không?

Diana nói nhanh:

- Anh ấy là Hugh Chandler. Hai mươi bốn tuổi. Cha anh là đô đốc hải quân Charles Chandler. Họ sống trong trang viên Lyde Manor của dòng họ Chandler từ thời Elisabeth. Hugh là con một. Theo truyền thống của gia đình, Hugh làm việc trong ngành hàng hải. Cha anh không muốn anh làm một nghề nào khác và... chính ông lại là người buộc con trai phải xuất ngũ!

- Từ bao giờ?

- Đã gần một năm

- Hugh Chandler có thích làm thủy thủ không?

- Rất thích.

- Có bê bối gì xảy ra không?

- Đối với Hugh ư? Không. Anh ấy tiến bộ nhanh trong nghề nghiệp. Anh ấy... chỉ không hiểu bố mình thôi.

- Lý do của ông đô đốc hải quân Chandler nêu ra là gì?

- Không có lý do nào cả. Đúng thế... Ông ta nói người con trai phải quản lý mọi việc trong nhà... nhưng đây không phải là lý do. Cả ông George Frobisher cũng thấy như vậy.

- George Frobisher là ai?

- Đại tá George Frobisher. Một người bạn từ thời thơ ấu của đô đốc hải quân Chandler, và là người cha đỡ đầu của Hugh. Ông đại tá thường ngày vẫn qua lại Lyde Manor.

- Ông Frobisher nghĩ thế nào về việc ông bạn mình buộc con trai phải xuất ngũ?

- Ông ấy cũng rất ngạc nhiên. Ông ấy cũng không hiểu. Nói cho đúng ra không ai hiểu cả.

- Hugh Chandler cũng vậy ư?

Diana không trả lời ngay. Poirot hỏi thêm:

- Chắc hẳn lúc ấy anh ta cũng không hiểu tại sao, anh ta cũng ngạc nhiên. Nhưng bây giờ thì sao?

- Cách đây một tuần... anh ấy nói cha mình có lý...đây là việc duy nhất phải làm...

- Cô có hỏi tại sao không?

- Tôi có hỏi. Nhưng anh ấy không muốn trả lời.

Hercule Poirot suy nghĩ một lát.

- Những tháng gần đây trong làng có chuyện gì xảy ra không? Có chuyện gì làm mọi người ngạc nhiên, sau đó nói truyền tai nhau không?

- Tôi không hiểu ông định nói gì! - Cô gái hỏi vặn lại.

- Tốt hơn cả là cô nên trả lời - Poirot nói một cách nhẹ nhàng nhưng rất quả quyết.

- Không có chuyện gì cả... không như ông nghĩ đâu!

- Tại sao?

- Ông thật là quá quắt! Ở nông thôn thì ngày nào chẳng có chuyện... những chuyện trả thù... hoặc những chuyện ngu ngốc.

- Có những chuyện gì?

- Người ta đã làm náo động lên vì mấy con cừu - Cô gái buộc lòng phải nói - Chúng bị cắt cổ. Ô! Thật là kinh sợ! Nhất là ở cùng một trang trại; chủ trại là một người rất bướng bỉnh. Cảnh sát cho rằng đây là kết quả của một vụ thù oán.

- Người ta có bắt được thủ phạm không?

- Không... Nhưng nếu ông nghĩ... - Cô ta nói với vẻ bực dọc.

Poirot giơ một cánh tay.

- Cô không hiểu tôi đang nghĩ gì đâu. Cô nói xem, người chồng chưa cưới của cô có đi khám bác sĩ không?

- Không.

- Đơn giản thế ư?

- Anh ấy không muốn... Anh ấy không ưa các bác sĩ.

- Còn ông bố?

- Với người cha thì đây chỉ là những ông lang vườn.

- Ông đô đốc hải quân Chandler thì sao? Ông ta vẫn mạnh khỏe và hạnh phúc chứ?

- Ông ấy đã già đi rất nhanh...

- Từ năm ngoái ư?

- Vâng. Bây giờ ông ấy chỉ còn là cái bóng của mình ngày xưa thôi.

- Lúc đầu ông ta tán thành chuyện cầu hôn, đúng không?

- Vâng. Trang trại của cha mẹ tôi ở ngay bên trang trại của ông ấy. Có từ ba đời nay. Ông ấy rất vui mừng khi thấy chúng tôi gắn bó với nhau, Hugh và tôi.

- Còn bây giờ thì sao? Ý kiến của ông ta đối với vụ từ hôn này ra sao?

- Tôi đã gặp ông Chandler vào hôm qua - Cô gái nói với giọng run run - Mặt ông ấy tái nhợt. Hai tay ông nắm lấy tay tôi. "Thật là nghiệt ngã đối với cháu, cháu gái, ông ấy nói với tôi, nhưng Hugh có lý... nó đã làm việc duy nhất phải làm".

- Và hôm nay cô đến gặp tôi ư?

- Vâng. Ông có thể giúp tôi được gì không?

- Tôi không biết. Nhưng trước hết tôi phải tới tận nơi để nắm tình hình đã.

° ° °

Diana đã gọi điện thoại mời ba vị khách tới nhà mình để dùng trà. Mọi người đang ngồi ở tiền sảnh.

Hugh Chandler đã gây một ấn tượng mạnh với Hercule Poirot. Cao lớn, cân đối, ngực và vai nở nang và một mái tóc dày. Anh ta rắn rỏi và thở mạnh.

Ông đô đốc, tóc bạc trắng, có phần già trước tuổi, lưng còng như đang mang một gánh nặng, mắt thâm quầng và có vẻ ủ ê. Bạn ông, ông đại tá George Frobisher thì ngược lại. Nhỏ nhắn, gầy khô, tóc hung, hai bên thái dương đã có những sợi bạc, ông luôn luôn hoạt động như một con cáo. Ông này có thói quen hay chau đôi lông mày trên cặp mắt sắc sảo, đầu cúi thấp để nhìn rõ mặt người đang tiếp chuyện.

- Người mẫu, đúng không? - Ông đô đốc nói khi nhận ra Poirot đang chăm chú nhìn chàng trai.

Hercule Poirot khẽ gật đầu. Anh ngồi ngay bên ông đại tá. Ba người kia ngồi đầu bàn đối diện đang chuyện trò có phần nào gượng gạo.

- Phải, anh ta rất đẹp trai - Người thám tử trả lời - Một con bò mộng... một con bò mộng thực sự.

- Anh chàng đúng khuôn mẫu, phải không?

Ông Frobisher cất tiếng hỏi anh rồi nói tiếp:

- Tôi biết ông là ai rồi.

- Nhưng đây không phải là điều bí mật! - Poirot giơ tay trả lời như muốn nói mình không đi một cách bí mật đâu.

- Cô gái đã cho ông biết về vụ này chưa?

- Vụ nào?

- Về vấn đề của anh Hugh... phải, tôi thấy hình như ông đã biết tất cả. Nhưng tôi tự hỏi tại sao cô ta lại đến tìm ông... tôi không nghĩ đây lại là lĩnh vực công việc của ông... hãy nghe tôi, đây là công việc của ngành y tế.

- Tôi quan tâm đến tất cả mọi việc... ông sẽ còn ngạc nhiên nữa.

- Tôi không biết Diana mong đợi gì ở ông.

- Cô Maberly là người có tính chiến đấu cao.

- A! Là như vậy, đúng thế - Ông đại tá xác nhận một cách nồng nhiệt - Đây là một cô gái can đảm. Cô ta không bao giờ chịu bỏ cuộc. Nhưng, lúc này có những cái không thể chiến đấu được...

Ông ta có vẻ mệt mỏi và già đi.

Poirot hạ thấp giọng.

- Tôi có thể biết trong gia đình đã có người nào đã mắc... chứng điên không?

- Phải, lúc này, lúc khác - Ông Frobisher nói nhỏ - Cách đây hai, ba thế hệ. Người cuối cùng là ông nội của Hugh.

Poirot nhìn sang đầu bàn bên kia. Diana đang cười nói với Hugh. Người ngoài thì cho là không một ai trong hai người đang có những buồn phiền.

- Điên như thế nào? - Poirot hỏi khẽ.

- Ông già ngày càng trở nên bạo ngược. Ba mươi năm trước ông cụ vẫn bình thường. Sau đó có những hành động lạ lùng. Những người xung quanh bắt đầu xầm xì. Cuối cùng thì... ông cụ điên rồ quá mức, ông cụ khốn khổ. Điên rồ tới mức giết người! Người nhà phải giam ông cụ lại.

Ông ta ngừng lời một thoáng.

-... Ông cụ sống rất lâu, tôi cho là như vậy... Hugh rất sợ ông nội, đúng thế. Do đó tại sao ông cụ không đi gặp thày thuốc. Ông cụ tự giam mình trong nhiều năm. Tôi không chê trách gì ông cụ, nếu là tôi, tôi cũng sẽ làm như vậy.

- Thế còn ông đô đốc, ông ta nghĩ sao?

- Ông ấy hoàn toàn suy sụp.

- Ông ta có yêu thương con trai mình không?

- Ông ấy chỉ sống vì con trai. Ông hãy hiểu cho, vợ ông đã bị chết đuối khi Hugh mới mười tuổi. Từ đấy ông đô đốc hết lòng vì con.

- Ông ta có yêu vợ không?

- Ông ấy yêu vợ tha thiết. Mọi người đều tôn thờ bà ta. Đó là một trong những người phụ nữ làm say lòng người mà tôi đã biết. Ông có muốn xem tranh vẽ bà ta không?

- Vâng, tôi rất hài lòng.

Frobisher đẩy chiếc ghế.

- Ông Charles Chandler, tôi sẽ cho ông Poirot xem một vài đồ vật - Ông đại tá nói to - Đây là một người am hiểu.

Ông đô đốc giơ tay, trong một cử chỉ mơ hồ. Poirot đi theo Frobisher. Một lát sau, bộ mặt vui vẻ Diana không còn nữa và cô tỏ ra bồn chồn. Hugh cũng vậy, anh ta bối rối trước con người nhỏ bé có bộ ria đen kia.

Trong nhà tối om. Một lát sau Poirot mới nhìn thấy mọi đồ vật. Anh thấy trong nhà có nhiều thứ rất đẹp.

Ông đại tá Frobisher đưa anh tới chỗ treo các bức họa. Chân dung những người trong gia đình Chandler đã qua đời hoặc mất tích đều được trưng bày tất cả trên tường bằng thạch cao. Nam giới với những bộ mặt vui vẻ hoặc nghiêm nghị, trong những bộ triều phục hoặc sĩ quan hải quân. Phụ nữ vận đồ xa-tanh và đeo những chuỗi ngọc.

Ông Frobisher dừng lại trước một bức họa ở một góc tường.

- Đây là tác phẩm của nhà danh họa Open - Ông nói bằng giọng cộc cằn.

Nhà nghệ sĩ thể hiện một phụ nữ cao lớn, tay dắt một con chó săn, bà ta có mớ tóc màu nâu đỏ và vẻ người tràn đầy sức sống.

- Con trai bà ta thì không vẽ ở đây, đúng không? - Ông Frobisher nhận xét.

- Về một ý nghĩa nào đó thì đúng.

- Thật vậy, anh ta không thừa hưởng được sự tế nhị và tính nữ giới của mẹ. Đấy là một phiên bản nam giới... nhưng điều cơ bản...

Ông ta ngừng lời.

- Khi tôi nghĩ đến việc anh ta nhận ở dòng họ Chandler một cái gì thuộc về quá khứ... - Ông ta nói tiếp sau đó một vài giây.

Hercule Poirot rời mắt khỏi bức vẽ để nhìn người cùng đi. George Frobisher vẫn nhìn chằm chằm vào chân dung người phụ nữ.

Hai người đàn ông đều buông tiếng thở dài.

- Ông biết rõ bà ta chứ? - Nhà thám tử hỏi bằng giọng nhẹ nhàng.

- Chúng tôi cùng lớn lên ở đây. Khi tôi sang Ấn Độ thì bà ấy mới có mười sáu tuổi... Khi tôi trở về... bà ấy đã lấy ông Charles Chandler.

- Ông cũng biết rõ ông ấy chứ, cả ông ấy nữa?

- Charles là một trong những người bạn thời thơ ấu của tôi... người bạn tốt... ông ấy bao giờ cũng vậy.

- Ông vẫn thường gặp họ sau khi họ kết hôn chứ?

- Mỗi kỳ nghỉ phép tôi đều tới đây. Charles và Caroline vẫn giành sẵn cho tôi một phòng riêng.

Ông Frobisher ưỡn ngực và hếch cằm với vẻ như sẵn sàng làm mọi việc.

- Do đó tại sao tôi thường có mặt ở đây... phòng khi người ta cần đến tôi.

- Và ông nghĩ thế nào về việc này? - Poirot hỏi.

Ông Frobisher nhăn mặt.

- Thật thà mà nói, tôi không hiểu ông có thể làm gì được trong vụ này - Ông ta nhấn mạnh - Tôi không hiểu tại sao Diana lại kéo ông tới đây.

- Ông biết việc Hugh Chandler hủy bỏ hôn ước với Diana Maberly chứ?

- Đúng, tôi biết.

- Ông có biết rõ lý do không?

- Tôi không quan tâm tới việc đó - Ông Frobisher nói bằng giọng bực mình - Bọn trẻ hành động theo ý thích của chúng. Tôi không quan tâm.

- Hugh Chandler nói với Diana rằng mình không có quyền lấy cô vì anh ta đã mất trí.

Trán của ông Frobisher lấm tấm mồ hôi.

- Tại sao lại nói những chuyện tệ hại ấy? Và ông cho rằng tôi có thể giải quyết được ư? Hugh biết mình phải làm gì, anh chàng khốn khổ ấy. Đây không phải là lỗi của anh ta... di truyền... Anh ta đã làm việc phải làm.

- Nếu tôi có thể tin chắc...

- Ông có thể tin ở tôi.

- Nhưng ông không nói gì cả.

- Tôi không muốn nói.

- Tại sao ông đô đốc hải quân Chandler lại bắt con trai ra khỏi hải quân?

- Vì ông ta thấy không thể làm khác được.

- Tại sao?... Cái đó có liên quan gì đến những con cừu bị chọc tiết không? - Poirot nhẹ nhàng hỏi.

- Ông cũng biết cả chuyện này nữa ư? - Người cùng đi bực mình hỏi lại.

- Diana đã kể lại với tôi.

- Đang lẽ cô ấy phải yên lặng!

- Theo cô ta thì đây là việc không có gì là quan trọng.

- Cô ấy đã biết những gì?... Ô! Vì cần phải như vậy! - Ông Frobisher nói với vẻ miễn cưỡng - Một đêm ông Charles Chandler nghe thấy tiếng động. Ông ấy cho rằng có một kẻ nào đó đã đột nhập vào trong nhà. Ông thấy có ánh đèn trong phòng của con trai. Hugh đang ngủ rất say, quần áo dính đầy máu... trong chậu rửa mặt cũng có máu... Người cha không thể đánh thức con được. Sáng hôm sau ông nghe thấy người ta nói có những con cừu bị cắt cổ. Ông ấy đã hỏi Hugh. Anh ấy không nhớ gì cả... cũng không hề ra khỏi phòng... nhưng giày của anh dính đầy bùn. Anh ấy không thể giải thích được, anh ấy không biết gì cả! Ông Chandler tới hỏi ý kiến tôi... nhưng rồi liên tiếp ba đêm sau hiện tượng trên lại diễn ra...

- Rồi sau đó thì sao? - Poirot hỏi.

- Tôi sẽ không trả lời một câu hỏi nào nữa! Hơn ai hết, Hugh biết rõ việc phải làm.

Hercule Poirot thấy không cần thiết phải cãi lại điều ông ta cho rằng chỉ có mình ông mới biết cách giải quyết việc này ra sao.

° ° °

Họ gặp ông đô đốc hải quân Chandler ở tiền sảnh đang định vào trong nhà.

- Ô! Hai ông ở đây rồi - Ông ta nói nhỏ và mơ hồ - Ông Poirot, tôi muốn nói chuyện với ông. Mời ông vào văn phòng của tôi.

Frobisher tránh sang một bên và Poirot đi theo ông đô đốc với cảm giác đi theo một người mạnh khỏe hoạt bát để báo cáo công việc.

Chandler chỉ một chiếc ghế và Poirot ngồi xuống.

Poirot thấy những ý kiến của Frobisher là đúng. Chandler như đang trong cơn thất vọng sâu sắc...

Ông đô đốc thở dài.

- Tôi thấy làm tiếc khi Diana dính líu vào những việc này... Cô gái khốn khổ, Tôi biết cô ấy rất buồn phiền. Nhưng... tóm lại, xin ông hiểu cho, ông Poirot, trong bi kịch riêng của gia đình, chúng tôi không muốn nói chuyện này với người ngoài.

- Tôi biết rất rõ tình cảm của ông.

- Diana, cô bé khốn khổ... không thể tưởng tượng được, cả tôi cũng vậy, ngay từ đầu. Chắc chắn là tôi vẫn không hiểu được nếu tôi không biết...

- Biết gì?

- Rằng cái tì tật đó đã có sẵn trong dòng máu của gia đình.

- Lúc đầu ông tán thành cuộc hôn nhân này chứ?

Ông đô đốc đỏ mặt.

- Ông muốn nói rằng tôi có thể phản đối được ư? Nhưng lúc đó, tôi không nghĩ đến. Hugh rất giống mẹ... không ai nghĩ đến những người trong gia đình Chandler cả. Cho đến lúc này con trai tôi không có vẻ gì là khác thường cả.

- Ông không đưa anh ta đi khám bệnh ư?

- Không - Ông đô đốc càu nhàu - tôi không bao giờ làm như vậy! Con trai tôi được an toàn khi ở đây, cùng với tôi. Người ta không thể giam nó trong bốn bức tường như con dã thú được...

- Anh ta được an toàn. Nhưng những người khác thì sao?

- Ông muốn nói gì?

Poirot không trả lời nhưng nhìn thẳng vào mắt ông đô đốc.

-... Đúng là méo mó nghề nghiệp! Ông muốn tìm một kẻ phạm tội ư? Con trai tôi không phải là kẻ mà ông tìm, ông Poirot.

- Chưa hết đâu.

- "Chưa hết đâu" là thế nào?

- Chuyện về những con cừu thì sao?

- Ai đã nói với ông chuyện này?

- Diana Maberly. Và cả bạn ông, ông đại tá Frobisher nữa.

- Đáng lẽ George phải ngậm miệng mới phải.

- Đây là người bạn cũ của ông, đúng không?

- Người bạn tốt nhất của tôi - Ông đô đốc nói bằng giọng cục cằn.

- Ông ta cũng là bạn của vợ ông nữa chứ?

Chandler mỉm cười.

- Phải. George đã rất say mê Caroline, tôi tin là như vậy. Khi cô ta còn rất trẻ. Tôi cho rằng vì lý ấy mà suốt đời ông ấy không bao giờ lấy vợ. Tôi rất sung sướng khi là người thắng cuộc... Nhưng tôi đã thắng để rồi mất cô ta.

Ông thở dài, đôi vai sụp xuống.

- Ông đại tá Frobisher có ở bên hai người khi vợ ông bị chết đuối không?

- Có. Ông ấy đã đi cùng chúng tôi đến Cornouaille. Nhưng sau đó tôi cùng vợ tôi đi dạo và việc đó đã xảy ra. Tôi cũng không hiểu tại sao con thuyền lại đi ra biển... rất nhanh. Tôi đã giữ lấy vợ tôi theo sức khỏe của tôi...

Tiếng nói của ông vỡ ra.

- Hai ngày sau đó, xác của vợ tôi dạt vào bờ. Ơn trời hôm ấy chúng tôi không mang theo thằng Hugh. Lúc ấy tôi chưa nghĩ gì... Nhưng sau đó tôi cho rằng cái đó có khi lại là hay cho nó... Tất cả đã kết thúc... Chúng tôi là những người cuối cùng của dòng họ Chandler, thưa ông Poirot. Khi Hugh cầu hôn, tôi hy vọng... cuối cùng... thật vô ích khi nói thêm nữa. Ơn trời may mà chúng nó chưa lấy nhau. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói.

° ° °

Hercule Poirot đang ở vườn hồng cùng Hugh Chandler. Diana Maberly vừa bỏ đi làm một việc gì đó.

Chàng trai quay bộ mặt đau khổ lại với người cùng đi dạo.

- Ông Poirot, cần làm cho cha tôi hiểu Diana là người không chịu khuất phục hoàn cảnh. Cô ấy sẽ không chịu xuôi tay... Cô ấy vẫn tin rằng tôi không bị mất trí.

- Còn anh thì anh tin rằng... xin lỗi... mình đã bị điên ư?

Chàng trai rùng mình.

- Tôi chưa hoàn toàn tin mình bị như vậy... nhưng sự việc vẫn cứ xảy ra. Diana không biết những việc đó. Cô ấy chỉ gặp tôi khi tôi hoàn toàn tỉnh táo.

- Việc gì đã xảy ra khi anh không hoàn toàn tỉnh táo?

- Trước hết, tôi nằm mơ. Và mỗi khi nằm mơ như vậy thì tôi trở thành điên. Hôm qua chẳng hạn, tôi không còn là con người nữa. Thoạt tiên tôi hóa thành một con bò mộng... một con bò mộng đang giận dữ, miệng đầy máu và bụi. Rồi tôi lại hóa thành con chó, một con chó dại rất lớn... khi thấy tôi trẻ con bỏ chạy và người lớn thì nã đạn vào tôi... một người nào đó đã cho tôi một bát nước, nhưng tôi không thể nào uống được... cũng không thể nào nuốt được... Ôi, Thượng đế!...

Hai tay Hugh Chandler ôm lấy đầu gối. Mặt cúi xuống, mắt lim dim như đang nhìn một cái gì đó đang tiến lại bên mình.

- Không chỉ có vậy. Tôi đã nhìn thấy nhiều con ma ghê sợ khi tôi đã tỉnh ngủ hắn. Nhiều khi tôi đã cùng bay với những con ma ấy!

- Ô! Ô! - Hercule Poirot kêu lên.

- Ô! Nhưng đây là sự thật hoàn toàn. Cái đó ở trong máu tôi. Đây là sự di truyền trong gia đình. Tôi không thể thoát ra được. Ơn trời, may mà tôi nhận ra kịp thời trước khi cưới Diana. Ông hãy hình dung xem, nếu có con thì chúng tôi sẽ ra sao?

Anh ta đặt bàn tay lên cánh tay của Poirot.

- Ông cần cho cô ấy biết chuyện này. Cô ấy cần quên tôi đi. Cô ấy sẽ đi tìm một người khác. Có anh Steve Graham đang rất mê cô ấy, đây là một chàng trai tốt. Cô ấy sẽ sung sướng khi sống bên anh ta... một cách trung thực. Đúng là Graham không giàu, cha mẹ cô ta cũng vậy, nhưng không có tôi họ sẽ giải quyết tốt công việc...

- Tại sao khi không có anh thì họ sẽ giải quyết tốt công việc? - Nhà thám tử hỏi.

Hugh Chandler cười hiền hậu:

- Mẹ tôi rất giàu. Tôi được thừa kế của bà. Tôi tặng lại cho Diana tất cả.

- A!... Nhưng anh sẽ sống cho đến khi rất già, anh Chandler.

Chàng trai lắc đầu.

- Không, không phải như vậy - Anh nói một cách bất chợt (và cũng bất chợt rùng mình) - Trời! Ông nhìn xem, ngay bên cạnh ông, một bộ xương người... đang vẫy gọi tôi.

Hugh nhìn ra giữa nắng, đồng tử giãn ra. Sau đó anh ta gục xuống.

- Ông không nhìn thấy gì ư? - Anh ta hỏi Poirot với giọng như trẻ con.

Poirot chậm chạp lắc đầu.

- Đây nữa... đối với tôi cũng thế thôi. Chính là máu làm tôi sợ. Máu trong phòng ngủ, trên quần áo của tôi... Nhà tôi có một con vẹt. Một buổi sáng người ta thấy con vẹt trong phòng tôi, cổ bị cắt đứt... còn tôi thì đang ngủ, một lưỡi dao cạo dính máu trên tay.

Anh ta quay sang Poirot.

- Cuối cùng, trong làng cừu và chó bị giết chết. Cha tôi khóa chặt cửa phòng tôi mỗi buổi tối... nhưng thỉnh thoảng cửa lại bị mở ra vào sáng hôm sau. Tôi có một chiếc chìa khóa riêng, nhưng tôi không nhớ là đã để nó ở đâu. Tôi không làm những việc này, cái gì đó đã chiếm hữu tinh thần của tôi, biến tôi thành một con thú khát máu và không thể uống nước được...

Anh ta úp mặt vào hai bàn tay.

- Tôi biết anh không đi khám thày thuốc - Poirot nói sau đó một vài phút.

- Thế ư? Về thể chất, tôi hoàn toàn mạnh khỏe như một con bò. Tôi có thể sống nhiều năm... nhiều năm trong sự giam hãm! Không, tôi sẽ không chịu thế đâu. Có những cách giải quyết khác. Một tai nạn... trong khi lau súng chằng hạn. Diana sẽ hiểu ra... Tôi muốn kết thúc cuộc đời theo cách của tôi.

Hugh nhìn nhà thám tử bằng cặp mắt thách đố, nhưng người này không chú ý mà chỉ hỏi anh ta một câu đơn giản:

- Hàng ngày anh ăn gì và uống gì?

Hugh Chandler ngả người về phía sau và cười lớn.

- Có những giấc mơ là do ăn uống không tiêu ư? Ông muốn nói như vậy sao?

- Hàng ngày anh ăn gì và uống gì? - Poirot vẫn nhẹ nhàng hỏi.

- Cũng như mọi người khác!

- Không dùng thuốc chứ? Thuốc viên? Thuốc bột?

- Trời! Không. Ông cho rằng những thứ ấy có thể chữa khỏi bệnh cho tôi ư?

- Trong nhà này có ai bị rối loạn thị giác không?

Hugh Chandler hốt hoảng nhìn Poirot.

- Cha tôi thường bị như vậy. Ông bị rối loạn thị giác.

- A!

Poirot suy nghĩ một lúc:

- Ông đại tá Frobisher đã sống ở bên Ấn Độ trong một thời gian dài, đúng không?

- Đúng. Ông ấy ở trong một đơn vị quân đội đóng ở Ấn Độ. Ông ấy rất am hiểu nước này... ông thường nói về xử sở này... những phong tục, tập quán ở đây... tất cả...

- A! - Poirot dằn giọng nhắc lại.

- Anh cạo mặt bị sứt cằm đấy ư? - Poirot lưu ý Hugh.

Hugh đưa tay lên mặt.

- Vâng, vết sứt quá sâu. Cha tôi tới trong lúc tôi đang cạo mặt. Lúc ấy tôi đãng trí. Tôi đã làm xước cằm và cổ. Cái đó làm khó khăn cho việc cạo mặt sau này.

- Anh cần bôi kem làm dịu da.

- Tôi đã dùng kem mà bác George đưa cho - Bỗng nhiên Hugh cười lớn - Chúng ta đang nói như những nhân viên trong cửa hàng dược phẩm: thuốc an thần, kem làm dịu da, rối loạn thị lực... Tất cả những cái đó là gì? Ông muốn câu chuyện đi tới đâu đây, ông Poirot?

- Tôi đang cố gắng làm tất cả những gì để giúp được cô Diana Maberly - Poirot bình tĩnh trả lời.

Nét mặt của chàng trait hay đổi và trở nên nghiêm trọng hơn. Anh ta đặt tay vào cánh tay của Poirot.

- Phải, ông hãy làm việc ấy. Nói với Diana là hãy quên đi... không còn hy vọng gì nữa. Kể lại cho cô ấy nghe những chuyện mà tôi đã nói với ông... Nói với cô ấy là hãy tránh xa tôi ra! Đây là việc duy nhất mà ông có thể giúp tôi lúc này. Ra đi và quên hết.

- Cô có can đảm không, thưa cô. Rất can đảm. Đây là cái mà cô đang cần.

- Ôi, đúng ư? - Diana kêu lên - Anh ấy điên thật ư?

- Tôi không phải là thày thuốc tâm thần, thưa cô. Tôi không có quyền nói "người này điên, người kia không điên".

- Ông đô đốc hải quân Chandler cho rằng anh ấy điên, ông đại tá George Frobisher cũng cho là như vây. Hugh, cả anh ấy nữa, cũng cho rằng mình điên.

- Còn cô thì sao?

- Tôi ư? Tôi nói anh ấy không phải như vậy! Do đó tại sao...

- Do đó tại sao cô đến tìm tôi, đúng không?

- Phải. Tôi còn cách nào khác được?

- Đây đúng là câu hỏi mà tôi muốn đặt ra cho cô, thưa cô.

- Tôi không hiểu.

- Stephen Graham là ai?

Cô gái có vẻ ngạc nhiên.

- Stephen Graham ư? Đúng... đây là một chàng trai - Cô gái nói và nắm lấy cánh tay anh - Ông đang nghĩ gì? Ông đang ở đây mà chẳng nói gì với tôi cả. Ông làm tôi sợ. Tại sao?

- Có thể - Poirot trả lời - vì bản thân tôi cũng đang rất sợ.

Đôi mắt cô gái mở to.

- Sợ cái gì? - Cô lẩm bẩm.

Hercule Poirot thở dài:

- Bắt một kẻ giết người thì dễ hơn nhiều việc phòng ngừa một kẻ giết người - Anh nói.

Diana kêu lên:

- Ôi! Không nên dùng câu đó.

- Cần phải như vậy - Poirot trả lời.

Rồi anh thay đổi cách nói, có vẻ ra lệnh nhiều hơn.

- Thưa cô, đêm nay chúng ta, cô và tôi, cần nghỉ lại ở Lyde Manor. Rất cần thiết. Cô có thể giải quyết được việc này không?

- Được... chắc chắn là được. Nhưng tại sao?

- Vì không nên để mất thời gian. Cô nói là mình can đảm, cô hãy chứng minh cái đó. Cô hãy làm như tôi nói và không nên hỏi gì cả.

Cô ta gật đầu và ra về mà không nói gì thêm.

Một vài phút sau anh cũng theo cô gái đi vào trong nhà. Trong phòng đọc sách, cô gái đang nói gì đó với ba người đàn ông. Anh lên lầu một. Không có ai trên cầu thang.

Không khó khăn gì lắm để tìm phòng của Hugh Chandler. Trên một ngăn giá bằng kính trong phòng vệ sinh có rất nhiều chai lọ.

Hercule Poirot bắt đầu công việc. Một lát sau anh xuống tiền sảnh và gặp cô gái, má đỏ và mắt sáng lên từ phòng đọc sách bước ra.

- Xong rồi! - Diana nói.

Đến lượt ông đô đốc đi ra và mời nhà thám tử vào phòng đọc sách và chính ông ta khép cửa lại rồi nói:

- Thưa ông Poirot, tôi không thích chuyện này.

- Chuyện gì vậy, thưa đô đốc?

- Diana đã nài nỉ tôi cho hai người nghỉ qua đêm ở đây. không phải là tôi không hiếu khách nhưng... thật thà mà nói, ông Poirot, tôi không thích như vậy. Tôi không hiểu. Để làm gì kia chứ?

- Cứ nói là tôi muốn làm một cuộc thí nghiệm.

- Thí nghiệm gì?

- Xin lỗi ông, đây là việc của tôi...

- Nhưng, thưa ông, tôi không mời ông tới đây...

Poirot ngắt lời ông ta:

- Xin ông hãy tin tôi, ông đô đốc, tôi hiểu ý ông. Tôi tới đây vì sự bướng bỉnh của một cô gái. Ông nói thế này, ông Frobisher nói thế kia còn Hugh thì nói rất khác. Bây giờ tự tôi phải biết rõ sự thật.

- Nhưng sự thật nào kia chứ? Tôi đã nói rồi, ở đây chẳng có gì phải xem xét cả! Hàng đêm tôi nhốt con trai tôi trong phòng, đó là tất cả!

- Nhưng sáng nay cửa phòng của anh ta không khóa, anh ta nói với tôi như vậy.

- Sao?

- Tự ông có thể lên đó xem.

Ông Chandler cau mày.

- Tôi cho rằng ông George đã mở... Ông nghĩ thế nào?

- Ông để chìa khóa ở đâu? Cắm trong ổ khóa ư?

- Không. Trên một cái dầm chìa ra ở bên cạnh. Ngoài tôi thì ông George hoặc Withers, người hầu phòng, cũng có thể lấy chìa để mở khóa. Chúng tôi đã bảo Withers rằng Hugh bị mộng du... Đây là một đày tớ trung thành. Nó đã ở đây nhiều năm rồi.

- Ngoài ra có chìa khóa nào khác nữa không?

- Theo tôi biết thì không.

- Người ta có thể làm một chìa khóa khác.

- Nhưng đó là ai?

- Con trai ông cho rằng mình đã giấu nó ở đâu nhưng không nhớ ra.

Ông đại tá Frobisher chợt đi vào và lên tiếng:

- Tôi không thích như vậy, Charles... Cô gái...

- Đúng như tôi đã nghĩ - Ông đô đốc nói ngay - Cô ta không nên cùng ông tới đây. Ông thì tùy, nhưng...

- Tại sao ông không muốn cô Maberly có mặt ở đây đêm nay?

- Có thể gặp rủi ro - Ông Frobisher nói bằng giọng trầm. Trong trường hợp ấy...

- Hugh rất yêu Diana - Poirot lưu ý hai người.

- Chính vì lý do ấy - Ông Chandler kêu lên - Mẹ kiếp, ông bạn, phải công nhận đây là vấn đề người điên. Hugh cũng thấy như vậy. Diana không nên tới đây.

- Nếu vậy - Poirot đáp - thì cô ấy tự quyết định.

Anh đi ra. Đứng bên chiếc xe nơi Diana đang đợi anh. Cô gọi nhà thám tử.

- Nào chúng ta hãy đi mua sắm những thứ cần cho đêm nay. Chúng ta sẽ về kịp dùng bữa chiều.

Trên đường, Poirot kể lại cho cô gái nghe câu chuyện giữa ba người vừa rồi.

Diana bật cười.

- Họ cho rằng Hugh sẽ đem lại chuyện không hay cho tôi ư?

Thay vì trả lời, Poirot hỏi cô có thể cho anh ghé vào cửa hàng dược phẩm trong làng không. Anh đã quên mang bàn chải răng.

Trên xe cô gái đợi anh đi mua sắm. Cô thấy anh đã mất rất nhiều thời gian để mua bàn chải răng...

° ° °

- Cô có can đảm không, thưa cô. Rất can đảm. Đây là cái mà cô đang cần.

- Ôi, đúng ư? - Diana kêu lên - Anh ấy điên thật ư?

- Tôi không phải là thày thuốc tâm thần, thưa cô. Tôi không có quyền nói "người này điên, người kia không điên".

- Ông đô đốc hải quân Chandler cho rằng anh ấy điên, ông đại tá George Frobisher cũng cho là như vây. Hugh, cả anh ấy nữa, cũng cho rằng mình điên.

- Còn cô thì sao?

- Tôi ư? Tôi nói anh ấy không phải như vậy! Do đó tại sao...

- Do đó tại sao cô đến tìm tôi, đúng không?

- Phải. Tôi còn cách nào khác được?

- Đây đúng là câu hỏi mà tôi muốn đặt ra cho cô, thưa cô.

- Tôi không hiểu.

- Stephen Graham là ai?

Cô gái có vẻ ngạc nhiên.

- Stephen Graham ư? Đúng... đây là một chàng trai - Cô gái nói và nắm lấy cánh tay anh - Ông đang nghĩ gì? Ông đang ở đây mà chẳng nói gì với tôi cả. Ông làm tôi sợ. Tại sao?

- Có thể - Poirot trả lời - vì bản thân tôi cũng đang rất sợ.

Đôi mắt cô gái mở to.

- Sợ cái gì? - Cô lẩm bẩm.

Hercule Poirot thở dài:

- Bắt một kẻ giết người thì dễ hơn nhiều việc phòng ngừa một kẻ giết người - Anh nói.

Diana kêu lên:

- Ôi! Không nên dùng câu đó.

- Cần phải như vậy - Poirot trả lời.

Rồi anh thay đổi cách nói, có vẻ ra lệnh nhiều hơn.

- Thưa cô, đêm nay chúng ta, cô và tôi, cần nghỉ lại ở Lyde Manor. Rất cần thiết. Cô có thể giải quyết được việc này không?

- Được... chắc chắn là được. Nhưng tại sao?

- Vì không nên để mất thời gian. Cô nói là mình can đảm, cô hãy chứng minh cái đó. Cô hãy làm như tôi nói và không nên hỏi gì cả.

Cô ta gật đầu và ra về mà không nói gì thêm.

Một vài phút sau anh cũng theo cô gái đi vào trong nhà. Trong phòng đọc sách, cô gái đang nói gì đó với ba người đàn ông. Anh lên lầu một. Không có ai trên cầu thang.

Không khó khăn gì lắm để tìm phòng của Hugh Chandler. Trên một ngăn giá bằng kính trong phòng vệ sinh có rất nhiều chai lọ.

Hercule Poirot bắt đầu công việc. Một lát sau anh xuống tiền sảnh và gặp cô gái, má đỏ và mắt sáng lên từ phòng đọc sách bước ra.

- Xong rồi! - Diana nói.

Đến lượt ông đô đốc đi ra và mời nhà thám tử vào phòng đọc sách và chính ông ta khép cửa lại rồi nói:

- Thưa ông Poirot, tôi không thích chuyện này.

- Chuyện gì vậy, thưa đô đốc?

- Diana đã nài nỉ tôi cho hai người nghỉ qua đêm ở đây. không phải là tôi không hiếu khách nhưng... thật thà mà nói, ông Poirot, tôi không thích như vậy. Tôi không hiểu. Để làm gì kia chứ?

- Cứ nói là tôi muốn làm một cuộc thí nghiệm.

- Thí nghiệm gì?

- Xin lỗi ông, đây là việc của tôi...

- Nhưng, thưa ông, tôi không mời ông tới đây...

Poirot ngắt lời ông ta:

- Xin ông hãy tin tôi, ông đô đốc, tôi hiểu ý ông. Tôi tới đây vì sự bướng bỉnh của một cô gái. Ông nói thế này, ông Frobisher nói thế kia còn Hugh thì nói rất khác. Bây giờ tự tôi phải biết rõ sự thật.

- Nhưng sự thật nào kia chứ? Tôi đã nói rồi, ở đây chẳng có gì phải xem xét cả! Hàng đêm tôi nhốt con trai tôi trong phòng, đó là tất cả!

- Nhưng sáng nay cửa phòng của anh ta không khóa, anh ta nói với tôi như vậy.

- Sao?

- Tự ông có thể lên đó xem.

Ông Chandler cau mày.

- Tôi cho rằng ông George đã mở... Ông nghĩ thế nào?

- Ông để chìa khóa ở đâu? Cắm trong ổ khóa ư?

- Không. Trên một cái dầm chìa ra ở bên cạnh. Ngoài tôi thì ông George hoặc Withers, người hầu phòng, cũng có thể lấy chìa để mở khóa. Chúng tôi đã bảo Withers rằng Hugh bị mộng du... Đây là một đày tớ trung thành. Nó đã ở đây nhiều năm rồi.

- Ngoài ra có chìa khóa nào khác nữa không?

- Theo tôi biết thì không.

- Người ta có thể làm một chìa khóa khác.

- Nhưng đó là ai?

- Con trai ông cho rằng mình đã giấu nó ở đâu nhưng không nhớ ra.

Ông đại tá Frobisher chợt đi vào và lên tiếng:

- Tôi không thích như vậy, Charles... Cô gái...

- Đúng như tôi đã nghĩ - Ông đô đốc nói ngay - Cô ta không nên cùng ông tới đây. Ông thì tùy, nhưng...

- Tại sao ông không muốn cô Maberly có mặt ở đây đêm nay?

- Có thể gặp rủi ro - Ông Frobisher nói bằng giọng trầm. Trong trường hợp ấy...

- Hugh rất yêu Diana - Poirot lưu ý hai người.

- Chính vì lý do ấy - Ông Chandler kêu lên - Mẹ kiếp, ông bạn, phải công nhận đây là vấn đề người điên. Hugh cũng thấy như vậy. Diana không nên tới đây.

- Nếu vậy - Poirot đáp - thì cô ấy tự quyết định.

Anh đi ra. Đứng bên chiếc xe nơi Diana đang đợi anh. Cô gọi nhà thám tử.

- Nào chúng ta hãy đi mua sắm những thứ cần cho đêm nay. Chúng ta sẽ về kịp dùng bữa chiều.

Trên đường, Poirot kể lại cho cô gái nghe câu chuyện giữa ba người vừa rồi.

Diana bật cười.

- Họ cho rằng Hugh sẽ đem lại chuyện không hay cho tôi ư?

Thay vì trả lời, Poirot hỏi cô có thể cho anh ghé vào cửa hàng dược phẩm trong làng không. Anh đã quên mang bàn chải răng.

Trên xe cô gái đợi anh đi mua sắm. Cô thấy anh đã mất rất nhiều thời gian để mua bàn chải răng...

Hugh Chandler lấy súng trên giá xuống và bắt đầu nạp đạn thì Poirot đặt tay lên vai anh. Nhà thám tử nhỏ bé chỉ nói một câu nhưng đầy uy lực:

- Không.

- Ông bỏ tay ra. Không nên dính líu vào việc này! Sẽ là một tai nạn! Tôi đã nói với ông rồi, đây là cách duy nhất để thoát ra...

- Không! - Hercule Poirot nhắc lại.

- Ông đã biết nếu Diana không gài chặt cửa thì tôi đã bóp chết cô ấy rồi... Diana!

- Anh sẽ không giết cô Maberly đâu.

- Tôi đã giết con mèo. Ông không thể nói khác được.

- Không, anh không giết con mèo cũng như con vẹt và cả những con cừu nữa.

Hugh ngạc nhiên nhìn anh.

- Trong hai chúng ta thì ai là người điên? Ông hay tôi?

- Không ai điên cả.

Cùng lúc ấy đô đốc Chandler và đại tá Frobisher bước vào phòng, theo sau có Diana.

- Ông này nói rằng tôi không điên... - Hugh nói với những người mới đến bằng giọng run rẩy.

- Tôi lấy làm sung sướng để báo tin rằng anh hoàn toàn tỉnh táo - Nhà thám tử khẳng định một lần nữa.

Hugh bật cười, cười như một thằng ngốc.

- Thật là kỳ cục! Hoàn toàn tỉnh táo mà lại đi giết những con vật mà tôi bắt gặp. Ông cho rằng tôi là người bình thường khi làm những việc ấy ư?

- Tôi xin nhắc lại, không phải anh là người giết các con vật ấy.

- Vậy thì ai?

- Mỗi khi người ta cho anh dùng một liều thuốc gây ngủ mạnh và người ta đặt vào tay anh một con dao hoặc một lưỡi dao cạo dính máu.

- Nhưng tại sao?

Poirot quay sang ông đại tá Frobisher.

- Thưa đại tá, ông đã sống nhiều năm ở Ấn Độ, đúng không? Ông có thấy những người dùng ma túy quá liều lượng cho phép đã phát điên lên như thế nào không?

Mắt của ông đại tá sáng lên:

- Tôi không tận mắt nhìn thấy nhưng có nghe nói đến chuyện này. Người ta dùng cà độc dược (datura).

- Đúng thế. nguyên tắc dùng cà độc dược gần giống với ancaloide atropine mà người ta thu được chất benladon. Việc bào chế benladon để có được suynfat atropine dùng vào việc chữa mắt là rất dễ dàng. Sau khi đi hỏi ý kiến các dược sĩ, người ta có thể làm ra chất độc này mà không gây ra sự nghi ngờ nào. Khi có được chất này người ta có thể để nó lẫn vào ví dụ như kem cạo râu chẳng hạn. Sau khi dùng, người ta thấy trên mặt có những vết đỏ. Và cứ như thế người dùng sẽ bị khô miệng, khó nuốt, hoang tưởng mà ông Chandler đã làm thí nghiệm.

Poirot quay về phía chàng trai.

- Để không còn chút nghi ngờ nào, tôi cho anh biết: trong kem cạo mặt của anh có chất suynfat atropine. Tôi đã mang nó đi phân tích.

Hugh tái mặt và run rẩy.

- Ai đã làm việc này? Tại sao?

- Tôi đã hình dung ra câu chuyện. Hình tam giác muôn thuở: hai người đàn ông và một phụ nữ. Đại tá Frobisher yêu mẹ anh nhưng bà ấy lại đi lấy đô đốc Chandler.

- George! George! - Ông đô đốc kêu lên - Tôi không tin.

- Ông muốn nói sự thù hận đã đổ vào đầu... người con trai ư? - Hugh hỏi với vẻ hoài nghi.

- Theo một nghĩa nào đó thì đúng.

- Đây là sự nói dối đến cực điểm! Tôi không tin, Charles.

Ông đô đốc đang bước giật lùi.

- Cà độc dược... Ấn Độ... Tôi hiểu... - Ông lẩm bẩm - Chúng tôi không khi nào nghĩ đến cà độc dược có thể gây ra sự điên rồ trong gia đình.

- Đúng thế - Hercule Poirot nói bằng giọng mạnh mẽ - Chứng điên rồ ở trong máu. Một người điên thèm khát việc trả thù... Khôn khéo che giấu những triệu chứng điên rồ trong nhiều năm.

Anh đột nhiên quay sang ông đại tá:

- Trời! Chắc hẳn ông đã nghi ngờ, sau đó là biết rõ Hugh chính là con trai của ông, đúng không? Tại sao không bao giờ ông nói chuyện này với anh ta?

Ông đô đốc Chandler lẩm bẩm một câu gì đó và nuốt nước bọt một cách khó khăn.

- Tôi không biết - Ông đại tá Frobisher nói - Tôi không tin chắc... Một hôm Caroline đến tìm tôi với vẻ bồn chồn và lo ngại... Cô ấy đang sợ một cái gì đó. Tôi không biết là chuyện gì. Cô ấy... Tôi... Chúng tôi đã mất trí. Sau đó tôi ra đi... Đây là việc duy nhất phải làm. Tôi... tôi đã tự hỏi... Nhưng Caroline không hề nói gì tới việc Hugh là con trai của tôi. Sau đó là những triệu chứng điên rồ. Tôi cho rằng vấn đề đã được giải quyết một cách rõ ràng.

- Ô! Phải! Ông không nhận ra Hugh cũng cau mày như ông, cũng hếch cằm lên như ông. Nhưng ông Charles Chandler đã để ý đến những cái đó, ông ta ấy. Đã nhiều năm... Và người vợ đã thú nhận với chồng. Bà ta vẫn yêu ông Frobisher. Charles Chandler nghĩ cách trả thù. Chỉ một mình ông ta mới biết tại sao bà Caroline lại chết đuối. Sau đó thì sự thù hận đổ vào đầu chàng trai. Anh ta mang họ của đô đốc, nhưng không phải là con trai của ông ta. Những câu chuyện về Ấn Độ của ông đã gợi ý cho ông ta làm cho Hugh phát điên một cách từ từ để rồi anh ta có thể tự sát vì thất vọng. Ông đô đốc Charles Chandler là người khát máu chứ không phải Hugh. Chính Charles Chandler là người cắt cổ những con cừu. Nhưng Hugh là người phải gánh chịu! Ông có biết tôi bắt đầu nghi ngờ từ lúc nào không? Đó là lúc Chandler phản đối việc đưa Hugh đi khám thầy thuốc. Đối với Hugh, người đã tin chắc rằng mình bị điên, thì đây là chuyện bình thường, nhưng người cha! Ông ta không tìm cách nào để chữa chạy cho con trai mình. Và trong trường hợp này, ông ta có thể gặp một rủi ro khác. Đó là thày thuốc sẽ kết luận anh ta hoàn toàn khỏe mạnh.

- Tôi hoàn toàn khỏe mạnh ư? - Hugh chậm chạp hỏi lại.

Sau đó anh ta đến gần Diana.

- Cháu không nên sợ hãi. Dòng họ của ta không ai mắc chứng điên cả.

- Hugh... - Diana lẩm bẩm.

Ông đô đốc Chandler nhặt lấy khẩu súng.

- Toàn là chuyện vớ vẩn! Tôi sẽ đi kiếm một con thỏ.

Hercule Poirot giữ ông Frobisher lại khi ông này muốn chạy theo ông Chandler.

- Đây là cách duy nhất...

Hugh và Diana ra khỏi phòng.

Hai người đàn ông ngồi lại, người Anh và người Bỉ nhìn người mang họ Chandler cuối cùng đi vào rừng và mất hút giữa bóng cây.

Trong rừng có tiếng súng nổ.

Chap 8. The Horses of Diomedes

Kẻ Buôn Bán Ma Túy

Chuông máy điện thoại reo vang.

- A lô! Ông đấy ư, Poirot?

Hercule Poirot nhận ra giọng nói của Stoddard, người bác sĩ trẻ tuổi. Anh rất quí Michael Stoddart. Nụ cười thân thiện tuy hơi rụt rè, thái độ vô tư khi nghiên cứu những vấn đề về tội phạm và nhất là lương tâm nghê nghiệp của anh ta.

- Tôi có làm phiền ông không? - Chàng trai ngập ngừng hỏi.

- Anh đang lo ngại về vấn đề gì?

- Đúng hế. Ông đã hỏi đúng chỗ - Michael Stoddart nói như được an ủi.

- Tôi có thể giúp anh được việc gì?

- Ông có phiền lòng khi tôi mời ông tới đây vào lúc này không... Nhưng... nhưng... tôi đang rất bối rối...

- Được rồi, tôi đến! Tại nhà anh ư?

- Không... Tôi đang ở số nhà 17, phố Conningley Mews. Ông sẽ tới chứ? Tôi rất cám ơn ông.

° ° °

Lúc này đã một giờ sáng và hầu hết mọi người đang ngủ sâu. Phố xá tối om trừ một hai cửa sổ còn ánh đèn.

Lúc nhà thám tử đến số nhà 17 thì anh đã thấy Stoddart đang đứng đón ở bậc thềm.

- Ông rất đáng mến! - Người bác sĩ nói - Mời ông lên.

Một cầu thang chật hẹp như một chiếc thang dẫn lên lầu một rồi lầu hai. Đây là một căn phòng lớn, trang bị đồ gỗ, có đi-văng, thảm trải, chăn gối và rất nhiều chai rượu, cốc nằm rải rác và một số đã vỡ. Đầu mẩu thuốc lá nằm rải rác khắp nơi.

- Stoddart thân mến - Poirot nói - tôi cho rằng đây là một phòng tiếp khách..

- Phải - Người thày thuốc thừa nhận - Và là một phòng tiếp khách dữ dội.

- Anh có dự buổi tiếp ấy không?

- Không. Tôi tới đây chỉ vì nghề nghiệp của mình thôi.

- Đã có chuyện gì xảy ra?

- Đây là nhà của bà Patience Grace.

- Một cái tên rất thú vị.

- Tại nhà bà Grace này thì chẳng có gì là thú vị cả! Bà ta không xấu... Bà ta đã có hai hoặc ba đời chồng và bây giờ bà ta đang nghi ông chồng hiện tại là không trung thành. Họ bắt đầu bằng việc uống rượu và sau đó là dùng ma túy. Nói chính xác là dùng cô-ca-in. Lúc đầu cô-ca-in cho người ta cái cảm giác mình như là một vị anh hùng có thể làm những việc gây ấn tượng mạnh. Nhưng dùng nhiều quá thì con người sẽ trở thành dễ cáu giận và hung bạo. Bà Grace đã cãi nhau với chồng, ông Hawker. Kết quả: ông ta bỏ đi. Bà vợ ra cửa sổ nhìn theo và bắn ông ta bằng một khẩu súng lục mới tinh mà một người nào đó đã cho bà.

- Bà ấy có bắn trúng không? - Poirot hỏi.

- Không trúng người chồng! Viên đạn cách xa ông này một vài mét và trúng vào một người bới rác khốn khổ. Anh ta đã bị thương ở cánh tay. Cả hàng phố kéo đến và người ta đã khiêng anh ta lên đây. Vết thương chảy rất nhiều máu... Và người ta đã gọi tôi...

- Rồi sao nữa?

- Tôi đã băng bó cho anh ta. Vết thương không nặng. Người ta đã an ủi anh. Anh ta đã nhận được mười hoặc hai mươi li-vrơ và anh ta đã im lặng. Điều đó dường như là sự may mắn cho anh ta, con người khốn khổ.

- Còn anh.

- Tôi đã làm công việc của mình. Bà Grace bị khủng hoảng tinh thần. Tôi tiêm một mũi thuốc an thần và đặt bà lên giường. Tôi cũng phải chữa chạy cho một cô gái nữa. Cô ta mê man, không biết gì nữa. Những người khác thì bỏ chạy hết.

- Anh có thời gian để nghĩ đến tình huống này không?

- Đây không phải là sự say sưa nói chung... Mà là ma túy, một loại bệnh khác hẳn.

- Anh có cho rằng mình đã chẩn bệnh đúng không?

- Tuyệt đối đúng. Không thể sai lầm. Chắc chắn đây là cô-ca-in. Tôi đã thấy thứ này trong một chiếc hộp... Nhưng chất độc này ở đâu tới?

- Cảnh sát có chú ý đến cuộc tiếp khách này không? - Poirot hỏi.

- Có... - Người bác sĩ trẻ trả lời nhưng không mấy vui vẻ.

Poirot chăm chú nhìn người bạn.

- Vậy thì anh lo ngại cái gì?

- Có những người vô tội dính líu vào chuyện này. Cái đó sẽ có ảnh hưởng rất ghê gớm đối với họ.

- Anh có lo ngại cho bà Grace không?

- Trời, không! Bà ta đã tái phạm!

- Thế còn cô gái thì sao? - Poirot nhẹ nhàng gợi ý.

- Theo một nghĩa nào đó thì đúng, cả cô ấy nữa, một tiết mục kỳ cục. Cô ta muốn mình là người số một. Nhưng cô ta còn rất trẻ, có phần nào cuồng nhiệt... như là một con ngựa tuột cương. Cô ta ở trong nhóm người này vì cô ta hình dung là mình sẽ được nổi tiếng.

Poirot mỉm cười:

- Anh đã gặp cô ấy rồi chứ?

Michael Stoddart gật đầu. Có thể nói anh ta đã trở thành một đứa trẻ.

- Tôi đã gặp cô ta ở Metonshire trong một buổi khiêu vũ của những người thợ săn. Cha cô ta là một vị tướng trong đội quân đã từng ở Ấn Độ. Ông tướng có bốn cô con gái, tất cả đều kỳ cục như vậy. Xung quanh họ toàn là những người điên rồ. Trong vùng, những kẻ giàu có thường tìm đến những cuộc vui "quái gở" nhất.

Hercule Poirot suy nghĩ và nhìn người đối thoại.

- Bây giờ thì tôi hiểu tại sao anh lại gọi tôi. Anh muốn giúp tôi giúp anh giải quyết vụ này ư?

- Ông có nhận không? Bổn phận của tôi không phải là như vậy, nhưng tôi muốn Sheila Grant tránh được mọi lời chê trách công khai.

- Cái đó có thể thu xếp được. Tôi có thể gặp cô ấy được không?

- Xin ông đi theo tôi.

Khi hai người rời khỏi phòng khách thì có tiếng kêu ở phòng bên cạnh.

- Bác sĩ! Hãy thương lấy tôi. Bác sĩ, tôi phát điên lên rồi!

Poirot đi theo người thày thuốc vào một phòng ngủ bừa bộn không thể tả nổi. Một phụ nữ tóc vàng do thuốc nhuộm, cặp mắt có lúc lờ đờ, có lúc tinh nhanh đang quằn quại trên chiếc giường chăn gối lộn xộn.

- Ông hãy nhìn những con vật đang bò lúc nhúc kia! Tôi thề là đúng như vậy. Tôi điên rồi. Trời ơi. Hãy tiêm cho tôi một mũi. Bất cứ thuốc gì!

Để mặc người bác sĩ chăm sóc con bệnh, Poirot đi vào một phòng khác xa hơn.

Một phụ nữ khác nằm trong một căn phòng nhỏ trang bị một cách sơ sài.

Đi rón rén, Hercule Poirot đến bên giường và nhìn người đang nằm trên đó. Tóc đen, mặt dài và xanh nhợt và rất trẻ... phải, rất trẻ.

Chiếc chăn màu trắng kéo lên tận mặt và cô gái mở to cặp mắt sợ hãi. Cô ta ngồi lên, hất mớ tóc nặng nề ra phía sau. Có thể nói đây là một cô ngựa non hoảng hốt, sợ hãi khi thấy người lạ.

- Ông là ai?

Giọng nói trẻ con trái ngược với vẻ gay gắt của câu hỏi.

- Cô đừng sợ, thưa cô.

- Bác sĩ Stoddart đâu?

Cùng lúc ấy người thày thuốc trẻ tuổi bước vào trong phòng.

- A! Ông đây rồi! - Cô gái kêu lên như được an ủi - Người này là ai?

Đó là một trong những người bạn của tôi, cô Sheila. Lúc này thì cô ra sao?

- Hãy còn đau đớn lắm... Tại sao tôi lại dùng cái thứ bẩn thỉu ấy?

- Nếu là cô thì tôi không bao giờ mắc lại nữa! - Stoddart nói giọng nghiêm nghị.

- Tôi... tôi... sẽ không dùng nữa.

- Ai đã đưa nó cho cô? - Poirot hỏi.

Cặp mắt mở to, đôi môi run run:

- Ngay tại đây... Mọi người đều dùng thử, tất cả. Thoạt tiên thì rất kỳ diệu.

- Nhưng ai mang nó tới đây? - Poirot căn vặn.

Cô ta lắc đầu:

- Tôi không biết... Có thể là Tony. Tony Hawker. Tôi không biết ai khác.

- Đây có phải là lần đầu cô dùng cô-ca-in không, thưa cô? - Poirot nhẹ nhàng hỏi.

Cô gái gật đầu xác nhận.

- Nhưng đây cũng là lần cuối cùng! - Stoddart nhấn mạnh.

- Vâng... Chắc chắn là như vậy... Nhưng thật là kỳ diệu.

- Nghe rõ đây, Sheila - Người thày thuốc trẻ nói bằng giọng cương quyết - Tôi là bác sĩ và tôi biết điều mình nói. Tôi đã thấy nhiều người nghiện ma túy và thề với cô, họ chẳng đẹp đẽ chút nào. Ma túy tàn phá tất cả. Không bao giờ được đụng đến nó! Hãy tin tôi, việc này chẳng có gì là kỳ cục cả. Cha cô sẽ ra sao khi biết chuyện này?

- Cha tôi ư? - Sheila nhắc lại bằng một giọng the thé - Cha tôi ư? - Rồi cô ta lại cười - Ô! Tôi như trông thấy ông ấy ở đây! Tốt nhất là cha tôi không biết gì cả. Ông ấy sẽ bị một cơn cấp phát mới.

- Và rất chính đáng.

Ở phòng bên có tiếng kêu.

- Bác sĩ... bác sĩ... - Tiếng bà Grace rên rỉ.

Stoddart đi ra miệng làu bàu.

- Đúng ra thì ông là ai? - Sheila hỏi Poirot - Ông không dự buổi tiếp đón tối hôm qua chứ?

- Không. Tôi là bạn của bác sỹ Stoddart.

- Ông cũng là thày thuốc ư? Nhưng trông ông không giống như vậy.

- Tôi là Hercule Poirot - Thám tử trả lời, như người ta nói màn một của vở kịch

Có ngay hiệu quả mong muốn. Poirot cảm thấy buồn vì thế hệ trẻ không biết anh là ai.

Nhưng dù sao Sheila Grant cũng đã nghe nói về anh. Ngạc nhiên và chán ngán cô ta không rời mắt khỏi anh...

° ° °

Người ta nói mọi người đều có một bà cô ở Torquay.

Người ta cũng nói ai cũng có một người anh em họ ở Mertonshire. Cách Londres quá xa, ở đây người ta làm nghề săn bắn và đánh cá. Chỉ một vài làng có đường bộ, đường sắt. Những người lao động không chịu tới đây. Kết quả: người ta không thể tới đây để lập nghiệp được.

Hercule Poirot không phải là người Anh, không có bà con họ hàng ở đây, nhưng anh có quan hệ tốt với những người ở đây và được họ mời tới. Chủ nhà của anh là một bà già hiếu khách hay nói chuyện về những người hàng xóm xung quanh.

- Nhà Grant ư? Phải, phải! Có bốn đứa con. Bốn con gái. Tôi không nghi ngờ gì khi ông tướng giữ được chúng. Một người đàn ông có bốn đứa con gái thì có thể làm gì hơn!

Bà Carmichael giơ hai tay lên trời.

- Phải, làm gì hơn? - Poirot xác nhận.

- Tuy nhiên, ở trung đoàn, theo ông ta nói với tôi, ông ấy duy trì một kỷ luật sắt. Nhưng những đứa con gái lại mạnh hơn ông. A! Thời tôi còn trẻ thì không có chuyện này. Ông đại tá Sandys rất nghiêm khắc với các con gái của mình...

Bà kể về những chuyện trong quá khứ:

"Không phải các cô gái nhà Grant không thể dạy bảo được - bà già nói tiếp - Đơn giản là chúng có cái đầu nóng nảy... và chúng không muốn sống ở đây. A! Mảnh đất này đã thay đổi rồi. Những người xa lại tới sinh sống ở đây. Bây giờ chỉ có một thứ đáng kể, đó là tiền. Và những câu chuyện người ta kể lại! Là ai? Anthony Hawker ư? Phải tôi biết anh ta. Một người trẻ tuổi khó gần. Nhưng anh ta nằm lăn trên đống vàng. Anh ta thiết tiệc... tiệc rất đặc biết khiến người ta khó tin. Nhưng con người lại rất ác khẩu. Ông biết đấy, để tỏ ra thông thạo, người ta cam đoan là trong bữa tiệc mọi người đều đã uống rượu và dùng ma túy. Người ta nói bà Larkin, một người bạn của Anthony Hawker, lại nhắm vào những cô gái nhà Grant. Tôi không ưa bà này. Nghe nói đây là bọn ve vãn đàn ông. Tuy nhiên họ rất xinh đẹp.

Chút nữa thì Poirot đã cắt ngang câu chuyện.

- Anh muốn hỏi thêm về bà Larkin ư? Anh bạn, thời nay liệu người ta có thể nói ai là ai không? Bà ta cưỡi ngựa, hình như thế, và lấy làm thích thú. Người chồng ở ngoài thành phố. Ông ta chết chứ không phải ly hôn. Bà ta ở vùng này một thời gian. Bà ta làm quen với nhà Grant. Tôi cho rằng...

Bà già bất chợt ngừng nói. Miệng mở to, mắt trợn chừng. Bà ta cúi xuống và chém mạnh vào bàn tay Poirot. Bà không thấy anh suýt xoa kêu đau.

- Tôi hiểu! - Bà già kêu lên - Tôi hiểu tại sao anh lại tới đây. Anh là một kẻ đạo đức giả. Hãy nói hết với tôi!

- Nhưng nói gì chứ?

Bà Carmichael giơ tay, Poirot tránh sang một bên.

- Hercule Poirot, tôi thấy bộ ria của anh run rẩy. Không nên câm như hến mãi. Chắc hẳn là đã có một tội ác nên anh mới tới đây... Và anh đã không xấu hổ khi làm cho tôi phải nói chuyện! Xem nào, có phải là một vụ giết người không? Gần đây, ai chết? Chỉ có bà Louisa Gilmore, nhưng bà ấy đã chín mươi nhăm tuổi và mắc bệnh phù thũng. Ông Leo Staverton chết vì bị ngã ngựa... Không... Có lẽ không phải là một vụ giết người. Thật đáng tiếc. Tôi nhớ đến một vụ trộm cướp gần đây... Beryl Larkin ư? Bà ta đã đầu độc ông chồng ư? Vẻ đờ đẫn có thể là do hối hận.

- Thưa bà, thưa bà - Poirot kêu lên - Bà đã đi quá xa.

- Đừng nói những lời ngu ngốc ấy. Anh đã có một mục tiêu, Hercule Poirot.

- Bà có biết chuyện thần thoại không, thưa bà?

- Cái đó thì có liên quan gì ở đây?

- Với nghĩa là tôi làm theo Hercule nổi tiếng của tôi. Một trong những công việc của Hercule là thuần hóa đàn ngựa hoang dã của Diomède(1).

- Anh không nói mình tới đây để chăn dắt ngựa với tuổi tác và đôi giày bóng lộn thế kia. Có thể là chưa bao giờ anh đứng bên một con ngựa nữa kia.

- Thưa bà, những con ngựa chỉ là tượng trưng thôi. Chúng đều hung dữ và ăn thịt người.

- Thói quen mới nhơ bẩn làm sao. Tôi vẫn nghĩ rằng những người Hy Lạp và La Mã cổ đại đều là những người khó coi. Tượng của họ đều không có quần áo... Tôi nói đến đâu rồi nhỉ? A, phải rồi! Anh muốn nói có phải là bà Larkin đã giết chồng không?... Anthony Hawker có phải là "kẻ giết người trong hòm" không? Đúng thế chứ?

Bà già nhìn anh với cặp mắt đầy hy vọng. Nhưng Poirot vẫn yên lặng.

- Hercule Poirot, nếu anh ở đây mà không nói với tôi điều gì, nhìn tôi như một con cú vọ thì tôi sẽ ném một cái gì đó vào đầu anh.

- Xin bà hãy kiên tâm - Thám tử khuyên giải.

° ° °

Ashley Lodge, nhà của ông tướng Grant, không lớn lắm. Xây dựng trên sườn đồi, khu nhà có những chuồng ngựa rất đẹp còn vườn thì bỏ hoang.

Một nhân viên của hãng địa ốc đã đánh giá ngôi nhà có trang bị nội thất tốt. Những bức tượng Phật bằng gỗ ngồi trong hốc tường; đồ đồng chất trên mặt những chiếc bàn thấp; trên giá có một đàn voi và trên tường treo những bức họa của người bản xứ.

Một chân bị băng bó đang gác trên chiếc ghế đẩu, tướng Grant ngồi trên chiếc ghế bành có lò-xo đặt giữa khung cảnh Anh - Ấn ấy.

- Bệnh gút - Ông giải thích - Không nên mắc chứng bệnh này... ông Poirot. Bệnh tật làm tính nết con người thay đổi! Đây là lỗi của ông thân sinh ra tôi! Ông cụ suốt đời uống rượu Pooc-tô... Ông nội tôi cũng thế... tôi là người chịu hậu quả. Ông muốn dùng gì? Xin ông hãy bấm chuông.

Một người hầu, tên là Abdul, đầu quấn khăn bước vào. Ông tướng ra lệnh cho anh ta mang uých-ky và sô-đa lên. Lệnh của ông được chấp hành...

- Than ôi! Tôi không thể nâng cốc cùng ông được! Ông bác sĩ nói đây là thuốc độc đối với tôi. Tôi tự hỏi ông ta đã biết những gì! Hẳn ông ta rất hài lòng khi thấy tôi chỉ được ăn canh cá mà thôi!

Trong lúc bực mình, ông tướng đã cựa mình khá mạnh khiến chiếc chân băng bó lại đau nhức. Ông ta xin lỗi Poirot về những lời nguyền rủa của mình.

- Khi bệnh kịch phát tôi thường tỏ ra cáu kỉnh, thế là các con gái tôi bỏ đi. Tôi không thể chiều ý chúng được. Tôi nghe nói ông đã biết một trong những đứa con gái của tôi, đúng không?

- Đúng và tôi rất hài lòng. Ông có nhiều con gái chứ?

- Bốn - Ông tướng trả lời không mấy vui vẻ - Không một đứa con trai nào. Bốn con gái!

- Các cô đều xinh đẹp, người ta bảo tôi như vậy.

- Không xấu... không xấu. Nhưng tôi không biết chúng nó đang ở đâu. Chúng đi mọi nơi. Tôi không thể nhốt chúng lại được.

- Các cô ấy đều quen biết dân trong vùng này, tôi nghe nói như vậy.

- Ô! Có rất nhiều con quạ khoang già nua không ưa chúng nó. Có một "bà góa đáng mến" thường đến gặp tôi và gù gù như con mèo: "Ôi! Tướng quân, ông có một cuộc sống rất thú vị!"

Ông tướng nháy mắt, tay đưa lên mũi.

- Rất rõ ràng. Tôi không nghĩ làng này tồi hơn so với các làng khác. Tuy hơi ồn ào đối với tôi. Tôi chỉ thích nông thôn khi còn là nông thôn... Không có xe máy, không có máy thu thanh!

Poirot dần dà đưa câu chuyện đến Anthony Hawker.

- Hawker ư? Hawker... Tôi không biết... A! Có đấy... Một anh chàng có đôi mắt rất gần nhau. Không nên tin những người đang nói chuyện mà không nhìn thẳng vào mắt mình.

- Đây là một người bạn của cô Sheila, đúng không?

- Của Sheila ư? Tôi không biết. Các con gái tôi không nói gì cả.

Ông cau mày nhìn nhà thám tử với vẻ thăm dò.

- Nói xem, ông Poirot, tại sao ông lại đến thăm tôi.

- Tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ nói với ông thế này: cô Sheila và có thể các cô khác nữa có những người bạn không đáng tin cậy.

- Tôi thấy sợ. Tôi cũng được nghe điều đó lúc này, lúc khác.

Ông ta nhìn Poirot với vẻ đau đớn:

- Nhưng tôi không thể làm được gì! Ông nói xem, tôi phải giải quyết việc này như thế nào?

Poirot ngẩng đầu bối rối và trả lời bẳng một câu hỏi khác:

- Ông có nhận thấy một trong các cô ấy gần đây thường mơ mộng, bồn chồn, ủ ê... không?

- Nhưng, mẹ kiếp, ông thân mến, ông nói như một thầy thuốc ấy. Không, tôi không thấy gì cả.

- Thật là sung sướng - Poirot nói một cách nghiêm trang.

- Nhưng chúng đã đi tới đâu?

- Tới chỗ nghiện ma túy.

- Cái gì?

Một tiếng rú chứ không phải tiếng kêu vì ngạc nhiên.

- Người ta muốn làm cho cô Sheila nghiện ma túy. Rất dễ mắc nghiện khi dùng cô-ca-in. Một hoặc hai tuần lễ là đủ. Khi nghiện rồi thì người ta có thể làm bất cứ việc gì để có được ma túy. Ông cũng biết buôn bán chất độc này có thể kiếm được rất nhiều lãi.

Nhà thám tử yên lặng trong lúc những lời xúc phạm tuôn ra hàng tràng trên miệng ông già. Cuối cùng ông ta nói mình sẽ giành lại đứa con khi tên đểu giả ấy rơi vào tay ông. Hercule Poirot lên tiếng:

- Khi chúng tôi tóm được gã, tôi sẽ rất hài lòng điệu gã đến trước mặt ông.

Anh đứng lên nhưng vướng phải một chiếc bàn thấp, để tránh ngã quỵ tay anh đã bám vào vai ông tướng.

- Ôi! Xin lỗi ông! - anh bối rối nói - Nhưng liệu tôi có thể yêu cầu ông, xin ông đừng nói gì với các cô gái không?

- Sao? Tôi sẽ bắt chúng phải nói lên sự thật!

- Và ông chỉ thu được điều ngược lại thôi. Họ sẽ nói dối ông.

- Nhưng, mẹ kiếp, thưa ông...

- Ông phải yên lặng, tôi cam đoan là phải như vậy. Đây là vấn đề sống chết. Ông hãy tin tôi.

- A! Được... tôi sẽ làm như ông nói.

° ° °

Phòng khách của bà Larkin đã đông người.

Bà chủ nhà đang pha rượu cocktail trước một chiếc bàn nhỏ có vách ngăn. Đây là một phụ nữ to béo. Tóc màu nâu. Đồng tử mắt màu đen đang giãn ra. Bà ta đi đi lại lại với vẻ ngập ngừng. Chỉ cần chú ý thì biết bà ta hơn mười năm so với số ba mươi tuổi mà bà ta tuyên bố.

Hercule Poirot đi theo một bà bạn của bà Carmichael để tới đây. bất chợt anh thấy một cốc cốc- tai trên tay và tay kia nằm trong tay của cô gái ngồi bên cửa sổ.

Cô gái tóc vàng và nhỏ nhắn. Da cô trắng hồng, Poirot thấy trong mắt cô đầy sinh khí.

- Xin chúc cho sức khỏe của cô, thưa cô - Anh nói.

Cô gái gật đầu, nhấp một ngụm rượu rồi đột nhiên hỏi:

- Ông biết chị tôi, đúng không?

- Chị cô ư? A! Cô là một trong các cô gái của ông Grant?

- Tôi là Pam Grant.

- Chị cô hiện giờ ở đâu?

- Đang đi săn. Chị ấy sắp về đây.

- Tôi gặp chị cô ở Londres.

- Tôi biết.

- Cô ta đã kể chuyện với cô ư?

Pam Grant gật đầu.

- Tony Hawker có mặt ở đấy không?

Poirot chưa kịp trả lời thì cánh cửa phòng khách bật mở. Hawker và Sheila bước vào. Họ mặc quần áo thợ săn và má của Sheila có vết bùn.

- Xin chào mọi người. Chúng tôi đến để uống một cốc rượu đây. Chiếc vò rượu của Tony đã cạn khô rồi.

Beryl Larkins bước lại.

- A! Anh đây rồi, Tony. Đã xảy ra chuyện gì?

Bà ta kéo Tony tới ngồi trên một chiếc tràng kỷ gần lò sưởi. Poirot thấy anh ta đưa mắt nhìn Sheila trước khi đi theo bà chủ nhà.

Sheila đã nhìn thấy Poirot. Ngập ngừng một giây rồi cô ta tới bên cửa sổ.

- Hôm qua chính ông đã đến nhà tôi, đúng không?

- Cha cô đã nói như vậy ư?

Cô gái lắc đầu.

- Người hầu Abdul đã mô tả vị khách tới thăm. Tôi... tôi tự hỏi...

- Chị đã gặp cha chưa? - Pam hỏi.

- A... Có... Chúng tôi có người bạn chung.

- Tôi không tin - Pam cãi lại.

- Tại sao cô lại không tin? Tại sao cha và tôi lại không thể có một người bạn chung?

Cô gái đỏ mặt.

- Đừng có kỳ cục như vậy. Tôi muốn nói... không phải vỉ thế mà chj đi gặp cha.

Cô ta quay về phía Sheila.

- Tại sao chị không nói gì, Sheila?

Sheila giật mình.

- Cái đó chẳng liên quan gì đến Tony Hawker cả.

- Tại sao?

Sheila đỏ mặt và đi về phía những người khác.

- Tôi không thích Tony Hawker - Pam nói với giọng giận dữ - Có một cái gì độc ác trong con người anh ta, cả bà Larkins cũng vậy. Ông nhìn xem...

Poirot nhìn theo.

Đầu của Hawker gục lên vai bà chủ nhà. Anh ta muốn tán tỉnh bà, nhưng người phụ nữ lên tiếng:

-... Nhưng tôi không thể chờ đợi được. Tôi muốn có ngay lúc này!

- Đàn bà - Poirot mỉm cười nói - thường không muốn chờ đợi.

Nhưng Pam Gran không trả lời. Đầu cúi thấp, tay vân vê nếp váy.

- Ông Poirot, Tony đã cho Sheila cái gì khiến chị ấy thay đổi nhanh đến như vậy?

Anh nhìn thẳng vào mắt cô gái:

- Đã bao giờ cô dùng cô-ca-in chưa, thưa cô?

- Ô! Không! Chưa bao giờ. Cô-ca-in ư? Rất nguy hiểm.

Tay cầm một cốc rượu, Sheila tới bên hai người.

- Cái gì nguy hiểm? - Cô ta hỏi.

- Chúng tôi đang nói về hậu quả của việc dùng ma túy - Poirot trả lời - Cái chết chậm về thể xác và tinh thần, phá hoại tất cả những cái tốt đẹp của nhân loại.

Sheila Grant kêu lên một tiếng. Một phần rượu trong cốc đổ cả ra ngoài.

-... Bác sĩ Stoddart đã giải thích cho cô... Tất cả những cái đó đều dẫn đến cái chết, trong khi đang sống. Người ta thu lợi trong sự suy sụp và đau đớn của người khác; đây là con quỷ hút máu người.

Nói xong Poirot bỏ đi để mặc hai cô gái đứng lại.

Sau lưng mình, Poirot nghe thấy tiếng của Pam thúc giục "Sheila" rồi tiếp đó một tiếng thì thào "chiếc vò rượu".

Poirot tới chào bà Larkin.

Ở tiền sảnh, Poirot thấy trên mặt bàn có một chiếc mũ đi săn, một roi ngựa và một vò rượu có đánh dấu bằng hai chữ A.H.

"Chiếc vò rượu của Tony đã cạn khô rồi".

Poirot cầm lấy chiếc vò và lắc nhẹ. Không có tiếng động của nước. Anh mở nắp vò.

Chiếc vò đựng đầy chất bột trắng...

° ° °

Ở tầng trệt nhà bà Carmichael, Hercule Poirot đang ngồi bên cô gái. Anh nói bằng giọng nhiệt thành:

- Cô còn trẻ, thưa cô. Tôi tin rằng cô chưa biết rõ việc mình làm, cô và các chị em cô. Các cô được nuôi dưỡng bằng thịt của đồng loại như những con ngựa của Diomède.

Sheila rùng mình.

- Thật kinh tởm khi nói như vậy - Cô ta nức nở và nói - Tuy nhiên, điều đó rất đúng! Tôi không biết cho đến tối hôm ấy, ở Londres, ông Stoddart đã nói. Ông ấy rất nghiêm khắc và rất... chân thành. Tôi thấy ghê rợn về việc tôi đã làm... Trước đó, đối với tôi, thì như người ta uống rượu trước giờ đóng cửa tiệm...

- Còn bây giờ thì sao? - Poirot hỏi.

- Tôi sẽ làm mọi việc mà ông muốn. Tôi... tôi sẽ nói lại với những người khác. Tôi cho rằng ông Stoddart không thèm nói chuyện với tôi nữa...

- Ngược lại. Cả hai chúng tôi đều muốn giúp đỡ cô khi chúng tôi tìm được một điểm xuất phát. Nhưng có một việc rất cần thiết. Không có tội nào là không được miễn giảm hình phạt. Chỉ có cô và chị em cô mới có thể làm được việc này. Chỉ có những người làm chứng mới có thể nêu lên sự phạm tội.

- Ông muốn nói... cha tôi ư?

- Không phải là cha cô, thưa cô. Tôi đã chẳng nói với cô rằng Hercule Poirot là người biết mọi chuyện đấy ư? Có thể nhận diện cô bằng một tấm ảnh. Cô là Sheila Kelly, chứ không phải là Sheila Grant. Trước đây vài năm cô được gửi đến trại cải tạo vì tội trộm cắp. Khi ra trại, một người đàn ông đã đưa cô đến gặp ông Grant và cô trở thành "con gái ông tướng". Nhiều tiền, nhiều thú vui. Chỉ có một việc phải làm là đưa chất "bột trắng" cho các bạn bè cô và nói rằng một người nào đó ngoài các cô đã cho cô. Các chị em cô cũng hành động như vậy. Thưa cô, người ấy phải được bắt giữ và xét xử. Sau đó...

- Sau đó thì sao?

- Thượng đế sẽ dắt dẫn các cô...

° ° °

Michael Stoddart ngạc nhiên nhìn Poirot.

- Ông tướng Grant ư?

- Đúng, bạn thân mến. Mọi sự dàn cảnh đều là trò trẻ con. Tượng Phật, đồ đồng, người đầy tớ Ấn Độ! Bệnh gút! Mốt cũ rồi. Cụ già sinh ra người cha của các cô gái mười tám, đôi mươi bị bệnh này chứ không phải bản thân ông ta.

"Vì muốn kiểm tra nên khi ra về tôi giả vờ vấp ngã vào chân ông ta. Ông già hoảng hốt vì điều tôi khám phá ra mà ông ta không lường trước được.

"Suy nghĩ của tôi là đúng... tướng quân đội đóng ở Ấn Độ... đau ốm... tính tình khó chịu, cuối cùng là mọi đặc điểm thường thấy ở nhân vật này... nhưng ở vào một nơi giá cả đắt đỏ đối với một sĩ quan nghỉ hưu. Những người giàu có ở kế bên, rừng để đi săn. Ai lại đi nghi ngờ bốn cô con gái đầy sức sống. Đã có nhiều người nhập cuộc, có thể nói đây là những nạn nhân".

- Ý kiến nào khiến ông đến gặp kẻ đại bất lương ấy? Có phải ông muốn thức tỉnh ông ta không?

- Phải. Tôi muốn biết đã có chuyện gì xảy ra. Tôi không phải chờ đợi lâu. Những cô gái thi hành mệnh lệnh của ông ta. Anthony Hawker là một trong những nạn nhân của ông tướng được dùng như một vật tế thần. Đáng lẽ Sheila phải nói với tôi về cái vò rượu để ngoài tiền sảnh. Nhưng đã không quả quyết. Một cô khác đã làm cho cô ta nhớ lại thân phận mình bằng một tiếng "Sheila" như một mệnh lệnh.

Michael Stoddart đứng lên đi đi, lại lại trong phòng.

- Tôi vẫn để mắt đến cô gái ấy - Anh ta nói - Tôi muốn biết những lý do phạm tội của những người trẻ tuổi. Khi người ta nghiên cứu cuộc đời của gia đình của các cô gái ấy, người ta bao giờ cũng phát hiện ra rằng...

Poirot ngắt lời người thày thuốc trẻ:

- Bạn thân mến, tôi rất khâm phục môn học mà anh đang theo đuổi. Tôi không nghi ngờ gì đến một ngày nào đó anh sẽ có những bằng chứng của lý thuyết của anh liên quan đến Sheila Kelly.

- Và cả những người khác nữa.

- Có thể. Nhưng mà người mà tôi tin chắc đó là Sheila... Anh thuần hóa cô ta không chút nghi ngờ! Thực ra cô ta đã nắm được anh rồi...

Michael Stoddart đỏ mặt.

- Ông Poirot, xin đừng nói những điều vô lý ấy...

Chap 9. The Girdle of Hippolyta

Bức Họa Của Rubens

"Vụ này dẫn tới vụ kia", đó là lời Poirot thường nói đến mà không cho biết rõ nguồn gốc của ý kiến này.

Anh chỉ nói thêm là cái đó có những chứng cứ được minh xác, nhất là trong vụ bức họa của Rubens bị đánh cắp.

Vụ này không làm anh thích thú. Một phần, bức họa chỉ có vinh dự đối với anh về phương diện hội họa. Phần khác trường hợp nó bị đánh cắp thì chằng có gì là khác thường cả. Anh đảm nhiệm việc điều tra vụ này chỉ để làm hài lòng ông Alexander Simpson, người đối với anh như người bạn thân, và vì những lý do cá nhân liên quan đến một số kỷ niệm thần thoại khác nữa.

Sau khi mất trộm, Alexander đã mời Poirot tới và thốt ra những lời lẽ giận dữ. Bức họa của Rubens mới được phát hiện ra trong thời gian gần đây. Đó là một tác phẩm ít được biết đến nhưng đã được công nhận khi trưng bày trong phòng triển lãm của Simpson. Người ta đã ăn trộm nó giữa ban ngày, ban mặt. Đó là thời kỳ mà những người thất nghiệp có thói quen nằm ăn vạ ở vỉa hè hoặc tràn vào nhà hàng Ritz. Một vài người trong số họ đã vào phòng triển lãm Simpson, dạo khắp nơi với băng khẩu hiệu "Nghệ thuật là một loại xa xỉ vô ích! Hãy nuôi sống những người đang đói". Khi người ta đã gọi cảnh sát tới, đám người lạ lùng ấy mới chịu giải tán. Lúc đó mọi người mới nhận ra bức họa của Rubens bị lấy cắp, bức họa bị cắt khỏi khung cửa của nó.

- Nó chỉ là bức tranh cỡ nhỏ - Simpson giải thích - Ai cũng có thể cuộn tròn lại mang nó dưới nách trong khi mọi người đang để mắt vào bọn người u mê vì thiếu việc làm.

Những người u mê ấy đã phải trả giá, người ta mãi sau này mới biết, khi mở lại phòng triển lãm. Nhưng không ai hiểu rõ lý do thực sự của vụ này.

Poirot đã suy nghĩ, nhưng cho rằng cảnh sát có nhiều điều kiện giải quyết việc này hơn mình...

- Nghe tôi, anh Poirot - Simpson năn nỉ - Tôi biết rõ ai là người ăn cắp bức tranh ấy và hiện giờ nó ở đâu.

Người chủ phòng triển lãm tin rằng có một băng cướp quốc tế làm việc này cho một tên triệu phú nào đó không biết hổ thẹn muốn chiếm lấy những tác phẩm nghệ thuật... với giá rẻ mạt. Bức họa của Rubens sẽ được chuyển một cách gian lận sang nước Pháp và giao cho nhà triệu phú ấy. Cảnh sát Anh và Pháp đã được báo tin nhưng Simpson không tin tưởng một chút nào về kết quả công việc của họ.

-... Và một khi tên triệu phú khốn kiếp đã nhận được hàng thì công việc sẽ rất khó khăn. Đối với những kẻ giàu có phải được đối đãi một cách kính trọng. Hoàn cảnh sẽ rất tế nhị. Anh chính là người mà chúng tôi cần đến.

Để kết thúc câu chuyện, Hercule Poirot tuy không thích thú chút nào nhưng vẫn phải nhận việc này và anh phải sang nước Pháp càng nhanh càng tốt. Việc điều tra này không làm anh vui thích nhưng chính nó lại dẫn tới một vụ khác rất thú vị đối với anh: vụ một nữ sinh mất tích.

Chính cảnh sát trưởng Japp là người đầu tiên nói với anh chuyện này. Anh ta tới tận nhà nên việc coi sóc người hầu phòng đóng gói va li của nhà thám tử bị đứt quãng.

- A - Japp nói - Anh đi Pháp đấy ư? Nhưng hình như thế giới ta đã báo đầy đủ tin tức cho Scotland Yard rồi kia mà.

Japp chép miệng.

- Chúng tôi có nhiều thám tử! Simpson đã nhờ cậy anh điều tra vụ mất bức họa của Rubens. Ông ta không tin tưởng ở chúng tôi! Cuối cùng thì chẳng có gì là quan trọng. Vì anh đi Paris. Tôi nghĩ rằng anh có thể làm một công đôi việc. Thanh tra Hearn đang ở đấy, anh ta cộng tác với cảnh sát Pháp. Nhưng anh biết rõ Hearn... Một chàng trai tốt nhưng thiếu... óc tưởng tượng. Tôi muốn biết ý kiến anh...

- Về chuyện gì?

- Một cô gái mất tích. Báo chí buổi chiều đã nói rồi. Tất cả cho rằng cô ta bị bắt cóc. Cô ta là Winnie King. Đó là con gái của một ông thày tu ở Cranchester.

Winnie từ Crachester đi Paris để sống tại một trường đại học của bà Pope, một trường học lớn cho trẻ em người Mỹ và người Anh. Ở Londres một nhân viên của hãng Elder Sister Limited phụ trách việc dẫn em ra ga Victoria và giao cho bà Burshaw, người đại diện của bà Pope. Tại đây cùng với mười tám cô gái khác, cô xuống tàu thủy. Mười chín em đã qua biển Manche, qua hải quan ở Calais, lên xe lửa đi Paris và đã dùng bữa trong một toa xe-phòng ăn. Nhưng khi tới ngoại ô Paris, bà Burshaw đếm lại đàn cừu của mình thì chỉ còn mười tám!

- A! A! - Poirot nói - Xe lửa có dừng lại ở chỗ nào không?

- Ở Amiens; nhưng tất cả các nữ sinh ở trong toa xe-phòng ăn đều cam đoan là Winnie cùng dùng bữa với họ lúc ấy. Họ cho rằng cô ta biến mất trong lúc họ về chỗ ngồi trong xe. Họ không chú ý vì đơn giản họ tưởng là cô gái đã sang ngồi ở toa khác.

- Người ta nhìn thấy cô ta lần cuối cùng vào lúc nào?

- Khoảng mười phút sau khi xe chuyển bánh từ Amiens - Japp húng hắng ho một cách khó chịu - Người ta đã thấy cô gái vào phòng vệ sinh.

- Cái đó rất bình thường - Poirot bình luận - Còn gì nữa?

- Phải. Người ta đã tìm thấy chiếc mũ của em bên cạnh đường sắt... cách Amiens khoảng hai mươi kilometer.

- Nhưng không thấy xác chết?

- Không.

- Ý kiến riêng của anh thế nào?

- Thật là khó nói! Không có dấu vết bị giết... Cô ta không thể rơi từ xe lửa xuống được.

- Sau khi rời Amiens xe lửa có dừng lại chỗ nào không?

- Không. Xe chỉ chạy chậm lại vì có biển báo hiệu. Nhưng tôi cho rằng tốc độ xe chạy lúc ấy vẫn còn lớn, nếu ai nhảy xuống thì chắc chắn đã bị thương ngay. Anh nghĩ rằng cô gái đã sợ hãi và tìm cách chạy trốn ư? Cô cảm thấy khó chịu vì đây là lần đầu tiên cô ta xa nhà ư? Có thể là như vậy. Nhưng dù sao cô gái cũng đã mười lăm tuổi rưỡi rồi! Và trong suốt chuyến đi cô vẫn vui vẻ, nói chuyện như một con chim sáo kia mà.

- Người ta đã lục tìm trên xe lửa rồi chứ?

- Rồi, trước khi tàu vào ga phía Bắc Paris. Cô gái không có mặt ở trên tàu nữa. Đó là điều chắc chắn - Người cảnh sát trưởng thở dài - Cô bé biến mất, thật là lạ lùng. Kỳ cục!

- Cô gái ấy thuộc loại nào?

- Cũng bình thường thôi, đó là tất cả những gì tôi biết.

- Tôi cho rằng... Cô ta là người như thế nào?

- Tôi có tấm ảnh nhỏ của cô. Ô! Cô ta không nhan sắc lắm.

Anh đưa tấm ảnh cho Poirot. Nhà thám tử yên lặng ngắm nhìn. Tấm ảnh được chụp một cách tự nhiên. Người ta thấy một cô gái lều nghều đang ăn một quả táo. Đôi môi mở tô để lộ hàm răng hơi thô. Cô bé có hai tết tóc hai bên và đeo kính.

- Thường thôi, phải không? - Japp hỏi - Vào tuổi này các cô gái đều như vậy cả. Nhưng sau đó các cô sẽ là hoa hậu. Tôi tự hỏi các cô ấy đã biến đổi như thế nào, thật là mầu nhiệm.

Poirot cười:

- Không có gì là mầu nhiệm đối với một người đàn bà cả - Anh nói - Còn gia đình cô gái thì như thế nào? Họ có cho biết thêm điều gì không?

Japp lắc đầu.

- Không tin tức gì thêm. Người mẹ đang ốm. Ông bố thì hoảng hốt. Ông ta chửi rủa cô bé đã đòi đi Paris... Con gái ông đã chờ đợi chuyến đi này từ lâu. Cô ta muốn học hội họa và âm nhạc. Học trò của bà Pope đều ham thích nghệ thuật. Nhà trường có danh tiếng từ lâu, con cái những gia đình giàu có thường theo học ở đây. người ta không nhận bất kỳ ai vào học vì chi phí quá lớn.

Poirot thở dài.

- Tôi biết loại trường đó. Còn bà Burshaw tới nước Anh nhận học sinh thì sao?

- Bà ta không được tận tâm lắm xét về phương diện suy nghĩ. Bà đã rụng rời với ý nghĩ là bà Pope trút mọi trách nhiệm cho mình.

- Trong việc này không có một chàng trai nào chứ?

Japp ra một cử chỉ hùng biện chỉ vào tấm ảnh.

- Liệu trong đầu cô bé có chàng trai nào không?

- Chắc chắn là không, nhưng cái đó cũng có thể có trong một trái tim lãng mạn. Vào cái tuổi mười lăm thì đó không phải là quá sớm.

- Nhưng, nếu một trái tim lãng mạn có thể làm con người biến mất khỏi một con tàu đang chạy thì tôi phải tìm đọc trong các tiểu thuyết ái tình.

Nói xong người cảnh sát nhìn Poirot một cách tràn đầy hy vọng.

-... Anh đã có ý kiến gì chưa?

Poirot chậm chạp lắc đầu.

- Có thể ngẫu nhiên người ta tìm được đôi giày của cô bé trên đường sắt chăng? - Nhà thám tử hỏi.

- Giày ư? Không, tại sao?

- Đơn giản chỉ là một ý kiến thôi...

Hercule Poirot đang sửa soạn rời khỏi nhà để lên xe tắc-xi thì chuông điện thoại reo lên.

- Ai vậy?

Đó là Japp.

- Rất may gặp được anh! Mọi việc đã xong, anh bạn. Tôi vừa mới nhận được tin của Scotland Yard. Cô gái đã được tìm thấy. Bên đường, cách Amiens khoảng hai mươi kilometer. Cô bé rất hoảng sợ. Người ta chưa kịp gây chuyện gì cho cô. Theo thầy thuốc, người ta đã tiêm thuốc ngủ cho cô... Dù sao cô ta cũng đã thoát nạn và mạnh khỏe.

- Thế là anh không cần đến tôi nữa chứ - Poirot chậm chạp hỏi.

- Vâng, không! Rất tiếc là đã làm anh bận rộn!

Japp cười và bỏ máy.

Nhưng Hercule Poirot không cười. Nét mặt vẫn nghiêm nghị anh buông máy.

° ° °

Thanh tra Hearn nhìn Poirot với vẻ ngạc nhiên:

- Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ông quan tâm đến việc này như thế, thưa ông.

- Cảnh sát trưởng Japp đã nói với ông việc này rồi, đúng không? Tôi có thể xem lại vụ này chứ?

- Vâng. Ông ấy nói rằng tôi tới đây để giải quyết một vụ khác nhưng ông cũng sẽ giúp thêm vào việc giải đáp câu đố này. Nhưng tôi không đợi vì công việc xong rồi. Tôi tưởng rằng đang điều tra vụ kia.

- Việc kia có thể tạm gác lại. Còn cái việc làm tôi quan tâm thì câu đó vẫn chưa được giải quyết, đúng không?

- Có nghĩa là cô bé đã được tìm thấy. Cô ta không bị thương. Đó là cái chính.

- Nhưng như vậy chưa đủ để giải đáp bài toán. Cô bé trở về như thế nào? Cô ta nói gì? Cô ta đã được một bác sĩ khám sức khỏe chưa? Bác sĩ nói sao?

- Người ta đã tiêm thuốc mê cho cô. Cô gái hãy còn bị ngây ngất. Cô bé không nhớ gì từ sau lúc ở Cranchester ra đi nữa. Chắc chắn cô hơi bị rối loạn thần kinh. Có vết bầm máu ở sọ não. Theo bác sĩ, cái đó giải thích sự mất trí nhớ.

- Cái đó thường xảy ra... nhưng do ai? - Poirot lưu ý.

- Ông không nghĩ rằng cô gái đóng kịch đấy chứ, thưa ông?

- Còn ông nghĩ sao?

- Không. Tôi nghĩ trái lại. Đó là một cô bé ngoan... hãy còn là trẻ con so với tuổi cô.

- Một cô gái thật thà - Poirot nói - Nhưng làm thế nào mà cô bé rời khỏi xe lửa được? Tôi biết ai là người chịu trách nhiệm và tại sao?

- Nếu như vậy thì tôi cho rằng đã có một mưu đồ bắt cóc cô gái. Người ta muốn giữ cô ta để đòi một khoản tiền chuộc.

- Nhưng họ đã không làm như thế!

- Họ sợ vì tin tức đã được loan báo... và họ đã trả cô ta lại ở dọc đường.

- Số tiền chuộc sẽ là bao nhiêu đối với một ông thày tu ở Cranchester - Poirot hoài nghi hỏi lại - Các chức sắc ở Nhà thờ Anh quốc không phải là những triệu phú.

- Theo tôi đó là một việc làm bị thất bại nửa chừng, thưa ông.

- A! Đây là ý kiến của ông ư?

- Vậy ý kiến của ông thì thế nào, thưa ông?

- Tôi muốn biết cô ta biến khỏi xe lửa như thế nào? Có những hành khách nào trong toa xe, toa mà bà Pope đã dành riêng ấy?

Hearn gật đầu tán thành và lấy ra một cuốn sổ tay.

- Có bà Jordan và bà Butters, hai bà già độc thân ở Thụy Sĩ về; không có gì để nói về hai bà này (họ là những người mà ai cũng biết là tử tế ở Hampshire, nơi cư trú của họ); hai thương nhân đáng kính trọng. Một chàng trai tên là James Eliott và vợ. Vợ rất xinh. Người chồng thì nghèo. Cảnh sát đã từng nghi ngờ anh ta dính líu vào những việc mua bán gian lận. Nhưng chưa bao giờ anh ta bắt cóc trẻ con. Dù sao người ta cũng đã khám xét hành lý của anh chàng và không thấy gì đáng nghi ngờ cả. Cuối cùng có một bà người Mỹ, bà Van Suyder, tới Paris. Người ta không biết gì về bà này cả. Nhưng bà ta tỏ ra đứng đắn. Đó là tất cả.

- Từ sau khi rời Amiens thì đoàn tàu không dừng lại ở đâu nữa, đó tuyệt đối là chắc chắn chứ?

- Tuyệt đối. Tàu có chạy chậm lại một lần nhưng người ta không thể nhảy xuống mà không chết hoặc bị thương được.

- Đúng là điều làm cho câu chuyện trở nên lý thú. Một nữ sinh biến mất như một phép lạ đúng ngay ở đoạn sau ga Amiens. Và cô ấy lại hiện ra như một phép lạ đúng sau ga Amiens. Giữa hai thời điểm ấy cô ta ở đâu?

- Cái đó hình như là điên rồ khi được trình bày như vậy - Người thanh tra lắc đầu nói. - A! Người ta có nhắc đến việc ông hỏi về đôi giày. Cô nữ sinh ấy có đi đôi giày khi người ta tìm thấy cô nhưng một nhân viên đường sắt cũng tìm thấy một đôi giày khác bên đường ray. Người ấy đã mang về nhà mình vì giày còn tốt. Đôi giày đi đường, màu đen, đóng chắc chắn.

- A! - Poirot nói một cách thỏa mãn trong khi Hearn nhìn anh với vẻ lạ lùng.

- Tôi không hiểu, thưa ông. Nhưng chiếc giày ấy có một ý nghĩa nào đó ư?

- Chúng xác nhận một lý thuyết - Poirot trả lời...

° ° °

Như mọi học đường khác về loại này, trường của bà Pope được xây dựng ở Neuilly. Hercule Poirot đang dừng lại trước đường, ngắm nhìn mái nhà được xây dựng một cách trang trọng thì đột nhiên bị một đám đông cô gái nhỏ từ cửa lớn chạy ra và vây quanh.

Anh đếm được hai mươi nhăm nữ sinh, tất cả ăn vận đồng phục, áo dài màu xanh nước biển, mũ loại xấu. Từ mười bốn đến mười tám tuổi, các nữ sinh còn vụng về, da trắng hoặc ngăm đen béo mập hoặc gày gò. Một người đàn bà tóc xám đi theo. Chắc đó là bà Burshaw.

Poirot phải đợi một phút trước khi có chuông vào lớp và anh yêu cầu gặp bà Pope.

Bà Lavina Pope khác hẳn người đồng sự của mình, bà Burshaw. Bà có nhân cách gợi lên sự kính trọng. Bà đội mũ mốt mới và ăn mặc nghiêm trang nhưng rất đẹp. Tóm lại bà là người duyên dáng.

Văn phòng tiếp Poirot của bà nói lên bà là người có học vấn cao. Đồ gỗ đẹp, lọ hoa, các bản sao những tác phẩm hội họa nổi tiếng và một vài bức họa thuốc nước rất nổi. Có những tấm ảnh được đóng khung có ghi chú của những học sinh đã thành công trên đường đời.

Bà Pope đón Poirot với vẻ thận trọng của một người hay nhầm lẫn.

- Ông Hercule Poirot đấy ư? Tôi đã nghe thấy tên ông, thưa ông. Chắc hẳn ông đến vì vụ của em Winnes King phải không? Một vụ rắc rối đáng buồn.

Nhưng bà Pope lại không buồn chút nào. Bà đánh giá việc xảy ra theo giá trị của bà và cố diễn đạt một cách đơn giản nhất.

-... Cái đó từ trước tới nay chưa hề xảy ra. Và nó sẽ không xảy ra nữa!

- Cô gái ấy là một nữ sinh mới, phải không?

- Đúng vậy.

- Bà đã có cuộc gặp sơ bộ với Winnie... và với cha mẹ cô ta chứ?

- Không! Không phải là gần đây. hai năm trước đây tôi đi nghỉ một làng bên Cranchester... Ở nhà một đức giám mục... - Bà Pope nhấn mạnh - Xin ông nhớ cho: Đức Giám mục. Tôi đã làm quen với ông thày tu và bà King (bà ta rất vụng về). Tôi đã thấy em Winnie. Một em gái ngoan ngoãn, có năng khiếu nghệ thuật. Tôi đã nói với bà King là tôi sẽ rất sung sướng nếu được đón em về trường tôi... để tiếp tục việc học tâp bình thường. Chúng tôi tập hợp các em theo từng môn nghệ thuật, thưa ông Poirot. Các em được dẫn đến nhà hát lớn, đến nhà hát kịch Pháp, đến viện bảo tàng Louvres để các em học tại đấy. Những thày giáo giỏi về âm nhạc, về ca vũ, về hội họa tới đây để giảng dạy cho các em.

- Bà Pope chợt nhớ ra rằng Poirot không phải là một phụ huynh học sinh.

- Tôi có thể làm gì giúp ông đây, thưa ông?

- Tôi rất sung sướng nếu biết rõ hoàn cảnh hiện tại của Winnie.

- Bà King đã tới Amiens và mang em về nhà. Đó là cách giải quyết khôn ngoan sau khi đứa trẻ khốn khổ bị cú sốc như vậy... Chúng tôi không nhận những học sinh đau ốm. Chúng tôi tập hợp các em lại không phải là để chăm sóc người ốm.

- Theo bà thì đã có chuyện gì xảy ra - Poirot hỏi không quanh co.

- Tôi không có ý kiến gì. Câu chuyện mà người ta kể lại cho tôi nghe thì hình như không thể tưởng tượng nổi.

- Có thể là bà đã có cuộc gặp với cảnh sát?

Bà Pope hơi rùng mình. Giọng nói của bà lạnh lùng hơn.

- Một ông Lafarge ở đồn cảnh sát đã tới gặp tôi với hy vọng là tôi có thể rọi thêm một chút ánh sáng vào chuyện này không. Đúng là tôi không thể làm gì được. Ông ta đòi kiểm tra chiếc rương của Winnie. Tôi nói với ông ta rằng chiếc rương đã được một nhân viên cảnh sát khác kiểm tra rồi. Nói nhỏ với ông, cảnh sát họ làm ăn thiếu phương pháp. Ít lâu sau, người ta gọi điện thoại cho tôi, cảnh cáo tôi là không để họ xem xet mọi đồ đạc của Winnie. Tôi đã tỏ ra rất đúng đắn. Không nên để họ bắt nạt.

- Bà là người có cá tính và tôi ngỏ lời khen ngợi bà, thưa bà. Chiếc rương của Winnie đã được mở ra để kiểm tra chứ, tôi giả định như vậy?

Bà Pope phần nào mất đi vẻ tự tin.

- Vấn đề thủ tục cổ hủ. Tuyệt đối không cần thiết như vậy. Người ta mở tất cả những chiếc rương của học sinh và đồ dùng của các em được sắp xếp theo một trật tự nhấ định. Tất nhiên sau đó người ta xếp lại đúng như khi những chiếc rương chưa được mở ra.

- Đúng ư? - Poirot đứng lên nhắc lại, lưng tựa vào tường. Này, có phải đây là bức tranh vẽ cây cầu Cranchester nổi tiếng và ngôi nhà thờ ở phía sau không đấy?

- Ông có lý, Winnie ngẫu nhiên đã vẽ cái đó để làm tôi ngạc nhiên. Bức tranh dó xếp trong rương của em. Việc làm đó thật cảm động.

- A - Poirot nói - Bà nghĩ như thế nào... về phương diện hội họa?

Poirot đã nhìn thấy nhiều phiên bản vẽ cây cầu Cranchester bằng sơn dầu, bằng thuốc nước, bằng than, bằng bút chỉ. Có những bức họa đẹp, những tác phẩm nổi tiếng, những bức họa bình thường, những bức vẽ xấu xí, vẽ bôi bác như thế này thì anh chưa thấy bao giờ.

Bà Pope nở một nụ cười độ lượng:

- Không nên làm nản chí một đứa trẻ, ông thân mến. Winnie sẽ học và vẽ tốt hơn.

- Cô ta sẽ vẽ tranh thuốc nước có đúng không?

- Đúng như vậy. Tôi cũng không rõ em này có thích vẽ tranh sơn dầu không.

- Thưa bà, xin phép bà...

Nhấc bức tranh khỏi chỗ treo, Poirot mang ra trước cửa sổ ngắm nghĩa kỹ càng.

- Thưa bà, tôi yêu cầu bà cho tôi bức tranh này.

- Đó là... thưa ông.

- Bà không muốn nói rằng nó cần được treo ở đây chứ... Nó quả xấu xí.

- Ô! Cái đó chẳng có chút giá trị nghệ thuật nào, tôi thừa nhận như thế. Nhưng đó là kết quả lao động của một học sinh và...

- Tôi cam đoan, thưa bà, bức tranh này không có chỗ đứng trên tường của bà.

- Nhưng, tại sao, thưa ông?

- Tôi sẽ chứng minh để bà rõ, nhưng trước hết xin bà hãy nghe câu chuyện một con vịt xấu xí trở thành con thiên nga thế nào.

Nhà thám tử miệng nói, tay lấy trong túi ra một chiếc lọ nhỏ, một miếng bọt biển và vài miếng giẻ lau rồi bắt đầu làm việc. Một mùi dầu thông tỏa khắp gian phòng.

- Có lẽ bà ít đi nhà hát dự các buổi diễn.

- Không, đúng vậy, nó rất nhạt nhẽo...

- Vâng, chắc chắn là như thế, nhưng nhiều khi nó có ý nghĩa giáo dục lớn. Tôi đã thấy một nhà nghệ sĩ tạp kỹ đã làm thay đổi sự vật một cách thần kỳ. Một bức họa vẽ một quán rượu tuyệt hảo, đầy thơ mộng. Mười phút sau biến thành một cô bé gày gò mặc đồng phục nữ sinh, mười phút sau nữa trở thành một phụ nữ Bohemien lang thang nói những chuyện bói toán...

- Rất có thể, nhưng tôi không hiểu...

- Nhưng tôi xin chỉ cho bà thấy chuyện lý thú đã xảy ra trên xe lửa. Winnie, cô học trò với hai bím tóc mỏng mảnh, mắt đeo kính, bộ hàm giả chỉnh răng làm miệng méo đi, ăn mặc xoàng xĩnh. Mười lăm phút sau cô đã biến thành một cô gái xinh đẹp như lời của thanh tra cảnh sát Dream. Tay chân mềm mại, giày cao gót... chiếc áo măng-tô đắt tiền khoác ngoài bộ đồng phục, một chiếc khăn nhung che đến mang tai và một phần bộ mặt, da trắng, môi son! Đó là bộ mặt của ai thì chỉ có Thượng đế mới biết được. Nhưng bà thì bà có thể xác nhận một cô học sinh vụng về đã biến thành một thiếu nữ kiều diễm như thế nào.

Suýt nữa thì bà Pope kêu lên.

- Ông muốn nói rằng Winnie King đã hóa trang...

- Không. Không phải tự cô bé. Người ta đã bắt cóc cô gái trong thời gian cô đang ở giữa Cranchester và Londres và một người nào đó đã thế chân cô. Bà Burshaw chưa bao giờ nhìn thấy Winnie King. Làm thế nào mà bà ấy biết được cô nữ sinh có hai bím tóc mỏng manh, đeo chiếc hàm chỉnh răng mà bà tiếp nhận lại không phải là cô gái mà bà đón tiếp? Cho đến đây mọi việc đã tốt đẹp, nhưng sự gian trá không phải chỉ có thế. Bà biết rõ cô Winnie thật. Cô Winnie giả biến mất để hiện lại nguyên hình là người vợ của James Eliott. Bím tóc, tất chân, bộ hàm giả là những vật nhỏ. Còn đôi giày và chiếc mũ thì được ném qua cửa sổ toa xe. Một lúc sau Winnie thật đã qua biển Manche và được một chiếc xe hơi chở đi và bỏ lại trên đường giữa Amiens và Paris. Nếu người ta đã tiêm thuốc mê cho cô bé thì cô không còn nhớ những việc đã xảy ra đối với cô nữa.

- Nhưng tại sao? - Bà Pope mất hẳn vẻ đĩnh đạc, hỏi lại - Lý do của việc lừa lọc ấy là gì?

- Vì chiếc rương của Winnie. Người ta muốn chuyển từ nước Anh sang nước Pháp một vật mà mọi cơ quan hải quan đang tìm kiếm... Một vật bị đánh cắp. Có nơi nào chắc chắn hơn một chiếc rương của học sinh? Thưa bà, trường bà có tiếng tăm tốt. Ở ga phía Bắc hành lý của học trò được đưa đến một lúc! Và sau đó, sau khi có vụ bắt cóc, có gì hợp lý hơn là xem xét chiếc rương của đương sự một cách công khai của một nhân viên cảnh sát. Nhưng may thay thủ tục của nhà trường quy định rằng chiếc rương đó được mở ra với sự có mặt của Winnie... Nhưng không phải là cái mà cô ta mang đi từ Cranchester... Bà cho tôi bức họa này chứ, thưa bà? Bà đã thừa nhận rằng nó không thích hợp với trường của bà, đúng không?

Và Poirot đưa bức họa cho bà Pope.

Bức họa "Cây cầu Cranchester" đã biến mất như trò ảo thuật, một cảnh rất cổ điển màu nhạt thay vào đó "Chiếc thắt lưng của Hippolyte", Hippolyte đang đưa cho dũng sĩ Hercule chiếc thắt lưng của mình do nhà danh họa Rubens sáng tác.

- Một tác phẩm nghệ thuật lớn... Ở văn phòng của bà thì rất đẹp.

Bà Pope hơi đỏ mặt.

Hippolyte một tay tháo thắt lưng, bộ áo quần duy nhất... Dũng sĩ Hercule khoác tấm da cừu trên lưng.

- Thật là đẹp - Bà Pope nói sau khi bình tĩnh lại - Bây giờ... như ông đã nói... cần phải chú ý đến nỗi khổ tâm của các bậc làm cha mẹ. Một số người trong bọn họ tỏ ra có những thiên hướng suy nghĩ nông cạn...

Vừa bước ra khỏi cửa trường Hercule Poirot bị một đám đông nữ sinh đủ các tầm thước các màu da tấn công. Chớp mắt anh đã bị vòng vây khép kín và siết chặt.

- Trời ơi! - Anh tự nhủ - Có phải đây là trận chiến đấu của nữ giới không?

Hai mươi nhăm giọng the thé nhắc lại cùng một câu:

- Thưa ông Poirot, xin ông vui lòng ký tên vào cuốn sổ chữ ký của em!

Chap 10. The Flock of Geryon

Đàn Cừu Của Andersen

- Tôi tha thiết xin lỗi ông, ông Poirot, tôi đã lạm dụng thời giờ của ông.

Bà Carnaby nắm chặt lấy chiếc quai của túi xách tay và lo lắng nói. Bà ta, như thường lệ, lúc nào cũng thở vội vàng.

- Ông còn nhớ tôi đấy chứ, đúng không? - Bà ta hỏi.

- Đối với tôi thì bao giờ bà cũng là kẻ phạm tôi khôn ngoan mà tôi chưa hề gặp - Poirot trả lời với vẻ tinh quái.

- Ôi! Tại sao ông lại nói như vậy? Ông đã đối xử rất tốt với tôi. Chúng tôi thường nói về ông, Emily và tôi, và mỗi khi chúng tôi thấy một tờ báo viết về ông, chúng tôi cắt ra ngay lập tức và chúng tôi dán vào một quyển sổ riêng.

- Rất cảm ơn. Thế còn con chó Auguste hiện nay ra sao?

- Ô! Ông Poirot nó trở nên thông minh hơn bao giờ hết. Nó biết tất cả. Có một lần tôi mải ngắm một cháu nhỏ trong xe thì tôi thấy xe rung động mạnh, Auguste đã nhanh nhẹn cắn đứt dây an toàn buộc cháu bé ra. Thế có giỏi không? Chúng tôi đã học được ở nó một việc làm tốt. Chúng tôi bảo nó: Hãy sống chết vì Hercule Poirot! Và nó đã làm như thế.

- Tôi có cảm giác rằng Auguste đã tham gia vào một tội ác nào đó với bà mà chúng ta sắp sửa nói đến.

Bà Carnaby không cười. Bộ mặt béo tốt của bà tối sầm lại.

- Thưa ông Poirot - Bà ta nói với giọng có phần nghẹn ngào - Tôi đang rất lo ngại.

- Có việc gì vây? - Nhà thám tử nhẹ nhàng hỏi.

- Tôi sợ... một nỗi sợ hãi không thể dứt bỏ đươc! Tôi có những ý nghĩ!

- Ý nghĩ về việc gì?

- Ô! Những ý ngĩ lạ lùng nhất! Ví dụ như hôm qua, trong óc tôi nghĩ đến một kế hoạch tài tình để ăn cướp ở một trạm bưu điện. Tôi không chủ tâm! Tự dưng nó đến thôi! Tôi cũng đã nghĩ đến những thủ đoạn tinh vi để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu... Tôi tin chắc rằng sẽ thành công.

- Tôi không nghi ngờ gì về điều đó. Vì cái đó mà những ý nghĩ của bà đều nguy hiểm cả.

- Cái đó làm tôi lo lắng vô cùng, nhất là khi nghĩ đến cái cách mà tôi đã làm. Cái đó chắc đã làm cho tôi có nhiều thích thú. Tôi đã rời bỏ nhà bà Hoggin và tới làm việc cho một bà già khác với chân đọc sách cho bà nghe và viết thư giúp bà. Thư từ thì viết nhanh thôi, còn đọc sách thì tôi bắt đầu đọc bà già đã ngủ rồi. Thế là tôi dùng thời gian để suy nghĩ. Tôi đã đọc một cuốn sách dịch từ tiếng Đức nói về những thủ đoạn phạm tội một cách tinh vi, loại trừ mọi sự xúc động. Do đó tại sao tôi tìm gặp ông.

- A! ra thế đấy.

- Ông thấy không, trong bản thân tôi có nhiều thói xấu, có nhiều mong muốn hành động! Cuộc dời khốn khổ của tôi rất nhàm chán. Thật thà mà nói tôi muốn sống như những con chó Bắc Kinh. Tôi hy vọng, nếu có thể được từ bỏ ý định hành động bằng những việc làm tốt.

- A! Đó là vì muốn cộng tác với tôi mà bà tới đây ư?

Bà Carnaby đỏ mặt.

- Đấy là điều tự hào về phần tôi, tôi hiểu điều đó. Ông đã là người rất tốt...

Bà ta ngừng lời. Người ta thấy trong cặp mắt xanh của bà một sự van nài âm thầm.

- Đó là một ý định - Poirot chậm chạp nói.

- Tôi không thông minh lắm. Nhưng tôi có... khả năng giả vờ rất giỏi. Như vậy rất cần thiết cho việc có một chỗ đứng. Tôi đã nhận thấy người ta thu được nhiều kết quả tốt nếu tỏ ra ngu ngốc hơn.

Hercule Poirot cười.

- Thưa bà, bà làm tôi thích thú.

- Ôi! Ông thật là một con người kỳ diệu! Như vây, tôi có thể hy vọng được chứ? Tôi được chia một phần gia tài nhỏ, ôi, rất nhỏ thôi, nhưng cái đó cho phép chúng tôi, cô em tôi và tôi, sống một cuộc sống đơn giản ngoài phần tôi kiếm thêm được.

- Tôi phải nghĩ việc sử dụng những tài năng của bà một cách có ích nhất. bà đã có một suy nghĩ nào về việc này chưa?

- Thưa ông Poirot, ông đúng là người đọc được tư tưởng của những kẻ khác. Một trong những người bạn tôi có những hành động làm tôi lo ngại và tôi muốn mang chuyện này đến hỏi ý kiến ông. Có thể ông cho đây là công việc lố bịch của một cô gái già chăng? Nhiều khi người ta cường điệu vấn đề, người ta nhìn sự cố ý như là một sự ngẫu nhiên.

- Cái đó làm tôi ngạc nhiên, thưa bà. Nói xem bà đang suy nghĩ về việc gì?

- Thế này. Tôi có một chị bạn. Một người bạn rất thân tuy rằng những năm gần đây tôi ít gặp chị. Chị ấy tên là Emmeline Clegg. Chồng chị qua đời để lại cho chị một số tiền kha khá. Nhưng cái chết của chồng làm chị rất khổ sở. Chị cảm thấy cô độc. Chị có phần nào nhẹ dạ, tôi sợ là như vậy. Tôn giáo có thể giúp chị nhiều... nhưng tôi thấy ở đây không phải là thứ đạo chính thống.

- Bà muốn nói về Nhà thờ Hy Lạp ư?

Bà Carnaby hình như phật ý:

- Ồ! Không, Nhà thờ Anh quốc! Tôi không tán thành lắm, nhưng tôi theo đạo Cơ đốc... không, tôi không nói về môn phái xuất hiện vào lúc này, lúc khác... tìm cách lôi kéo tư tưởng nhiều người, nhưng tôi cho rằng chúng vẫn có những yếu tố tín ngưỡng...

- Bà cho rằng bạn bà là một nạn nhân của một môn phái kiểu đó phải không?

- Đúng như vậy! Tôi tin chắc là như thế. Đó là "Đàn cừu của Mục sư". Trụ sở của nó ở Devonshire... một tòa lâu đài đẹp bên bờ biển. Những thành viên của nó tập trung ở đây từng lúc mà họ gọi đây là thời kỳ ẩn cư. Mỗi đợt kéo dài mười lăm ngày để tiến hành những cuộc lễ dài. Có ba đợt như thế trong một năm: gieo cấy đồng cỏ, chăm bón đồng cỏ và thu hoạch đồng cỏ.

- Thật là lạ lùng - Poirot bình luận - Vì người ta không thu hoạch đồng cỏ như thu hoạch lúa.

- Tất cả đều lạ lùng - Bà Carnaby nói với giọng hăng hái - Cả môn phái quây quần xung quanh người mà họ gọi là Đại Mục sư. Một ông thày thuốc tên là Andersen nào đó. Một con người rất quyến rũ, đầy vẻ hấp dẫn.

- Có phải tín đồ hầu hết là phụ nữ không?

- Có ít nhất ba phần tư là phụ nữ, tôi thấy hình như thế. Còn đàn ông thì hầu hết là bọn tính nết kỳ quặc. Hoạt động của môn phái phụ thuộc vào phụ nữ vì chính họ là những người cung cấp tài chính.

- A! Chúng ta đã biết rõ. Bà có cho rằng đây là một vụ lường gạt không?

- Thật thà mà nói, tôi cho là như vậy. Tôi có cớ để lo ngại. Người bạn gái khốn khổ của tôi đã tin tưởng vào tổ chức này nên chị vừa làm bản di chúc để lại toàn bộ gia tài cho môn phái ấy.

- Chính hắn là người... gợi ý chứ?

- Không phải. Đó là ý kiến của chị ấy. Người Đại Mục sư chỉ hướng cho chị một cách sống mới... theo đó thì sau khi chết mọi thứ ta có đều trở về với cội nguồn của chúng. Nhưng đây chưa phải là điều tôi lo lắng nhất.

- Là điều gì vậy?

- Trong số những người sùng đạo có rất nhiều phụ nữ giàu có. Năm ngoái đã có ba người trong số họ qua đời.

- Và đã để lại toàn bộ gia sản cho môn phái.

- Đúng.

- Người nhà của họ không phản đối ư?

- Đó là những người độc thân, những người không có bà con xa, gần, bạn bè. Chắc chắn là không có một sự phản kháng nào. Theo tin tức tôi thu lượm được thì những cái chết đó không có nghi vấn gì. Một người chết vì bệnh cảm cúm sau đó chuyển thành sưng phổi. Một người khác bị ung thư dạ dày. Không có gì đáng ngờ và họ không chết ở thánh đường Green Hill mà chết ở nhà. Tất cả đều là chuyện thường tình, tôi không băn khoăn gì, nhưng bây giờ... tóm lại... tôi không muốn chuyện đó xảy ra với Emmeline.

Poirot yên lặng suy nghĩ. Khi anh lên tiếng thì đó là bằng giọng nghiêm trang:

- Bà có thể ghi tên, tuổi và địa chỉ những người trong môn phái ấy đã chết không? - Anh hỏi.

- Chắc chắn là được.

- Tôi tin chắc rằng bà rất can đảm và quyết đoán. Và bà cũng giỏi đóng kịch. Liệu bà có thể đảm nhận một công việc có thể gọi là khá nguy hiểm được không?

- Không có gì làm tôi thích thú hơn!

- Tôi cũng xin báo trước nếu có điều rủi ro gì xảy ra thì nó sẽ là rất ghê gớm. Chúng ta chẳng đã chạm trán với bọn mất trí, bọn trộm cướp đó sao? Chỉ có một cách là nắm chặt được sự việc. Đó là gia nhập môn phái ấy. Rất tốt nếu bà thổi phồng số tài sản bà có. Bà rất giàu và sống chẳng có mục đích gì cả. Bà nói chuyện với bà bạn Emmeline của bà về thứ tôn giáo mới này. Bà tìm cách tỏ ra mình ngốc nghếch. Bà ta sẽ thuyết phục bà. Bà sẽ được rủ đến thăm thánh đường Green Hill. Ở đấy bà sẽ bị thất bại vì tài dụ dỗ và lôi kéo của tên thầy thuốc Andersen. Tôi cho rằng tôi có thể hoàn toàn tin tưởng bà.

Bà Carnaby cười.

- Tôi tin rằng mình sẽ thắng cuộc!

° ° °

- Thế nào, anh bạn, anh bạn gặp tôi có việc gì vây?

- Đúng là có việc đấy - Poirot nhăn mặt trả lời thanh tra Japp - Tôi ghê tởm cái bọn lang băm tóc dài, nhồi sọ những người đàn bà bằng những lời dối trá. Những tên này đã có những đề phòng. Không dễ gì mà lật tẩy hắn.

- Nhưng anh đã biết những gì về viên thầy thuốc Andersen này?

- Đó là một nhà hóa học tương lai, nhưng hắn đã bị một trường đại học nào đó ở Đức đuổi cổ đi. Vì mẹ hắn là người Do Thái, hình như thế. Hắn thích thú những chuyện hoang đường và những tôn ggiáo phương Đông. Hắn để mọi thời gian rảnh rỗi vào việc nghiên cứu và đã viết được một vài cuốn sách về vấn đề này... Về phần tôi, tôi không hiểu gì cả.

- Có thể lão ta là một tên cuồng tín chăng?

- Cái đó đối với tôi là quá rõ ràng.

- Có liên quan gì đến những tên và địa chỉ mà tôi đã cung cấp cho anh không?

- Không. Cả ở đây cũng vậy. Bà Everitt chết vì bệnh viêm ruột. Theo bác sĩ chữa bệnh cho bà thì không có gì đáng nghi ngờ. Bà Lloyd thì chết do bị sưng phổi. Lady Western bị bệnh lao. Bà này bị bệnh từ nhiều năm... trước khi gặp tên lang vườn này. Bà Lee bị sốt rét sau khi ăn món xà-lách ở phía Bắc nước Anh. Ba người trong số họ ngã bệnh và chết tại nhà. Bà Lloyd qua đời tại một khách sạn ở miền trung nước Pháp. Thoạt nhìn thì không một cái chết nào liên quan đến Đại Mục sư. Có thể đây đơn giản chỉ là một sự ngẫu nhiên.

Hercule Poirot thở dài:

- Tuy nhiên, anh bạn, tôi có cảm giác rằng đây giống như công việc thứ mười của Hercule và tên thày thuốc Andersen giống như con quỷ Geryon mà tôi có trách nhiệm trừ khử hắn.

Japp nhìn anh với vẻ nghi hoặc:

- Poirot, anh nói xem, anh vẫn chưa rời được những cuốn sách lạ lùng thời cổ hay sao?

- Bao giờ cũng vậy - Poirot nói với vẻ đĩnh đạc, những ý kiến của tôi cũng xuất phát từ thiện tâm.

- Anh có thể đưa ra một tôn giáo mới với lời tụng: Không ai thông minh hơn Hercule Poirot. Amen!...

° ° °

- Tôi thấy công việc thật là kỳ diệu nhờ vào sự yên tâm và bình tĩnh của mình - Bà Carnaby thở dài nói.

- Tôi đã nói điều đó với chị rồi - Bà Emmeline Clegg lưu ý.

Hai người bạn gái đang ngồi trên một sườn đồi dốc về phía biển màu xanh thẳm. Cỏ màu xanh ngọc, đất màu đỏ. Thánh đường Green Hills nhô ra trên một mỏm đất nhỏ nối với đất liền.

- Đất đỏ... - Bà Clegg lẩm bẩm - Mảnh đất vinh quang và hứa hẹn ở đây hộ tống ba định mệnh.

- Đức ngài đã có nhiều lời nói đẹp trong buổi lễ tối qua! - Bà Carnaby thì thào.

- Hãy đợi đến buổi lễ tối nay, lễ Chăm bón đồng cỏ!

- Tôi rất ngóng đợi, tôi thú nhận điều đó.

- Chị sẽ thấy một cuộc thí nghiệm kỳ diệu.

Bà Carnaby đã tới thánh đường Green Hills vào tuần lễ trước. Bà đã nói với người bạn gái: Tại sao lại như thế. Emmeline, một người thông minh như chị v.v...

Khi tiếp xúc lần đầu tiên với thày thuốc Andersen bà đã chú ý nói rõ ràng mọi vấn đề:

- Cha tôi là giáo đồ Nhà thờ Anh quốc và lòng tin của tôi không bao giờ phai nhạt. Tôi không tin vào một tôn giáo nào khác.

- Bà thân mến, bà là bạn của bà Clegg và là vị khách nồng nhiệt theo danh nghĩa ấy. Nhưng xin bà hãy tin chúng tôi, tôn giáo của chúng tôi không phải là một tà giáo.

- Nó rất tốt đẹp - Bà Carnaby nói với bạn như thế sau khi tạm biệt Đức ngài.

- Phải, và với một tinh thần cao cả, kỳ diệu.

Bà Carnaby cảm thấy rõ ràng ảnh hưởng của cái tinh thần siêu đẳng ấy. Bà giật mình. Bà không tới đây để chịu thất bại vì cái ảo giác ma quái của tên Đại Mục sư này! Để từ bỏ những ám ảnh xấu, bà nhớ lại những lời của Hercule Poirot. Anh hiện ra từ chốn rất xa xăm...

- Này! Hãy nhớ lại, mi tới đây để làm gì? - Bà lẩm bẩm.

Nhưng, ngày qua ngày, bà cảm thấy sự thú vị của Thánh đường. Sự yên tĩnh, êm dịu, thức ăn đơn giản nhưng rất ngon. Sự phục vụ ân cần và những bài thánh ca về tình yêu, tài hùng biện của Đức ngài thức dậy ở mỗi người cái đẹp, cái tao nhã của nhân loại... Tất cả đã xóa sạch và ném đi cái xấu xa của đời thường.

Tối nay sẽ có buổi lễ lớn... Tối nay, Amy Carnaby sẽ được khai sáng và trở thành một con chiên trong đàn.

° ° °

Buổi lễ được tiến hành trong một tòa nhà quét vôi màu trắng toát gọi là "Chuồng cừu Thiêng liêng" rửa tội cho những người mới gia nhập môn phái. Mọi tín đồ đều tập trung ở đây đúng vào lúc mặt trời vừa lặn. Họ được đứng trên một chiếc bục đặt giữa phòng và mang trên người một loại áo khoác bằng da cừu. Andersen khoác chiếc áo dài màu xanh lá cây, tay cầm một chiếc gậy mục đồng bằng vàng. Râu tóc màu vàng, mắt xanh, vẻ đẹp trai, dáng người cao lớn, hắn tỏ ra rất đường bệ.

Hắn nâng chiếc gậy chăn cừu lên, sự yên lặng tuyệt đối được thiết lập.

- Các con chiên của ta đâu?

- Chúng con đang ở đây, ôi Mục sư! - Các con chiên đồng thanh trả lời.

- Sự vui mừng của sự biết ơn tràn ngập trong tim của các con. Đây là ngày hội của sự vui mừng.

- Ngày hội của sự vui mừng và chúng con rất sung sướng.

- Không còn lo âu đối với các con, không còn thống khổ đối với các con nữa. Chỉ có sự vui mừng!

- Mục sư có bao nhiêu cái đầu?

- Ba cái đầu: một cái bằng vàng, một cái bằng bạc và một cái bằng đồng.

- Mục sư có bao nhiêu cơ thể?

- Ba cơ thể: một cái bằng xương thịt, một cái bằng đạo lý và một cái bằng ánh sáng.

- Các con cống hiến cho môn phái bằng gì?

- Bằng máu.

- Các con đã sẵn sàng chưa?

- Đã sẵn sàng!

- Các con hãy bịt mắt lại và đưa cánh tay phải ra.

Rất dễ bảo, các tín đồ bịt mắt bằng một dải vải xanh mang theo. Cũng như những người khác bà Carnaby đưa cánh tay trần ra.

Viên Đại Mục sư đi qua hàng người. Người ta nghe thấy những tiếng kêu nhỏ vì đau đớn hoặc vì ngây ngất.

- Thật là buồn cười! - Bà Carnaby tự nhủ - Chứng cuồng loạn tập thể này thật đáng thương. Ta phải bình tĩnh quan sát những phản ứng của người khác. Ta không muốn để họ ảnh hưởng tới ta... không muốn cái đó.

Viên Đại Mục sư đã đi đến trước mặt bà. Bà thấy người ta nắm lấy cánh tay mình. Cảm thấy một sự đau đớn bất chợt như bị đâm vào tay bằng một mũi kim.

- Việc hiến máu sẽ mang lại sự vui vẻ! - Người chủ lễ nói.

Hắn đi tiếp.

Rổi một mệnh lệnh vang lên.

- Bỏ khăn ra và hãy hưởng thụ khoái lạc tinh thần.

Bà Carnaby nhìn xung quanh và đi theo đoàn người rời khỏi chuồng cừu. Bà cảm thấy người nhẹ nhàng, sung sướng. Tại sao bà đã tự cho mình là một phụ nữ cao tuổi, sống vô ích và không được yêu đương? Cuộc đời thật là kỳ diệu... Bản thân bà cũng thật là kỳ diệu! Bà ngồi lên một chiếc ghế dài đặt trên thảm cỏ xanh nhìn những tín đồ khác đối với bà lúc này hình như đông đảo hơn.

Hình như cây cối cũng đang di chuyển...! Bà giơ tay lên với về đầy quyền lực. Bà thấy mình có thể chỉ huy cả thế giới. Cesar, Napoleon, Hitler ư? Những nhân vật tí hon khốn khổ! Họ có gì đáng kể nếu đặt bên Amy Carnaby? Ngày mai bà sẽ lập lại hòa bình trên toàn thế giới, thiết lập tình hữu nghị quốc tế. Không còn chiến tranh, không còn nghèo khổ, bệnh tật nữa.

Bà Amy Carnaby sẽ làm việc này!

Nhưng đi đâu mà vội vàng. Thời gian là vô tận. Bà Carnaby thấy chân tay rời rã nhưng đầu óc thì nhẹ nhàng, dễ chịu. Bà ngủ. Nhưng vừa ngủ bà vừa lập những dự án vĩ đại... Những cánh đồng xanh trải rộng.... Những tòa nhà đồ sộ... Một thế giới mới, kỳ diệu...

Nhưng rồi dần dần cái thế giới thai nghén ấy bị chao đảo và nhà sáng tạo ngáp dài, duỗi thẳng tay chân tê dại. Chuyện gì đã xảy ra từ lúc chập tối đến giờ? Bà đã nằm mơ ư?

Trăng sáng, bà Carnaby có thể nhìn rõ mặt đồng hồ đeo tay. Kim chỉ mười giờ kém mười. Bà biết mặt trời lặn lúc tám giờ mười. Như thế từ lúc ấy đến giờ chỉ có một giờ ba mươi nhăm phút thôi ư? Không thể như vậy được! Và lúc này...

Thật là huyền hoặc!

° ° °

- Bà cần làm theo những chỉ dẫn của tôi một cách rất cẩn thận - Hercule Poirot nói.

- Ồ, ông có thể hài lòng về tôi.

- Bà đã nói về ý định hiến tài sản cho môn phái rồi chứ?

- Phải, tôi đã nói với Đức ngài... xin lỗi, với ông Andersen, một cách phóng đại và cảm động. Tôi nói năng không kém cỏi lắm... Tôi có cảm giác rằng mình rất thật thà. Thày thuốc Andersen là người rất đáng mến, hấp dẫn.

- Tôi biết rõ chuyện này!

- Ông ấy nói: Hãy hiểu những gì bà có thể làm. Tiền nong không làm ông ấy quan tâm, đúng là như thế. Ông ấy trả lời tôi với nụ cười kỳ diệu chứa đựng một điều bí mật gì đó: "Nếu bà không có gì, cái đó cũng không quan trọng. Dù thế nào, bà cũng đã gia nhập môn phái". Tôi trả lời: Ồ tôi có thể! Một người bà con xa đã để lại cho tôi một số tiền lớn. Tôi chỉ sờ đến nó một lần khi làm các thủ tục cần thiết. Nhưng tôi không còn một ai thân thiết, tôi quyết định lập di chúc cho môn phái.

- Hắn nhận vật tặng của bà một cách vui vẻ chứ?

- Ông ấy nhận với vẻ thờ ơ, ông ấy bảo: "Tôi cũng không thể sống lâu được. Một cuộc sống tràn đầy những hoan lạc tinh thần đang chờ đợi tôi". Ông ấy nói bằng giọng rất cảm động.

- Bà có nói cho hắn biết tình trạng sức khỏe của mình không? - Poirot khô khan hỏi.

- Có. Tôi nói là tôi đã từng bị đau phổi nhưng sau một thời gian nằm bệnh viện thì phổi đã ổn định.

- Rất tốt!

- Tôi không hiểu tại sao tôi phải nói như vậy trong khi hai lá phổi tôi rất bình thường?

- Đây là điều rất cần thiết. Bà có nói chuyện về người bạn gái của mình không?

- Có. Tôi đã tiết lộ với bà ấy, trước đó đã bắt bà phải giữ bí mật, rằng Emmeline được thừa hưởng gia tài của chồng sẽ còn được hưởng một tài sản lớn của một bà cô thân thiết nữa.

- Hy vọng rằng cái đó sẽ đặt bà Clegg khỏi vòng nguy hiểm trong một thời gian nữa.

- Ồ! Ông Poirot, ông cho rằng ở đây có một điều gì đó là gian dối chăng?

- Đó là cái mà tôi đang cố công khám phá. Bà có gặp một ông Cole nào đó trong Thánh đường không?

- Có, có một người có tên như vậy vào những ngày cuối... Một con người kỳ dị. Ông ta mặc quần soóc màu xanh lá cây và chỉ ăn có mỗi món rau thôi. Đúng là một tên cuồng tín.

- Được! Cái đó tiến triển tốt. Tôi khen bà về công việc đã hoàn thành. Bây giờ, tất cả đã sẵn sàng cho những buổi lễ mùa thu.

° ° °

- Bà Carnaby, xin bà vui lòng cho tôi gặp bà một chút - Ông Cole đuổi theo chân bà, mắt đỏ ngầu.

- Tôi có cảm giác... Tôi cần phải kể lại với bà!

Bà Carnaby thở dài. Ông Cole và những ảo giác của ông làm bà sợ hãi. Đôi khi bà có cảm giác rằng đây là một người điên.

Mắt đỏ, môi run rẩy, ông Cole thuật lại câu chuyện một cách vội vàng:

- Tôi suy nghĩ, tôi trầm tư về sự hoàn mỹ của cuộc sống, về sự sung sướng của bất tử và tôi đã nhìn thấy... Tôi thấy mụ phù thủy Elie từ trên trời rơi xuống trần gian bằng một cỗ xe rực lửa.

Bà Carnaby thở dài yên tâm. Cái ảo giác cuối cùng của ông Cole là ông đã đi dự một đám cưới giữa một ông tiên với một bà tiên... và bà đã chú ý nghe...

-... Ở trên ấy - Ông Cole vẫn nói - người ta đã lập hàng trăm bàn thờ. Có tiếng gọi tôi. "Nhìn đây! Nhìn và chứng kiến những cái gì mi đã thấy rõ. Những cô gái đồng trinh xinh đẹp và trần truồng sẵn sàng hy sinh..."

Ông ta tặc lưỡi và bà Carnaby đỏ mặt.

- Những thày tu rút dao và xả thịt các nạn nhân của mình.

Bà Carnaby bỏ chạy. Bà đến bên Lipscomb, người coi sóc nơi ăn ở và góp phần làm tăng sự phồn vinh của Green Hills. Bà đi theo hắn ta, nói với hắn là bà đã đánh rơi đâu một chiếc bàn chải. Với bản tính ít giúp đỡ mọi người, hắn nói đây không phải là công việc của hắn và tìm cách tránh bà. Nhưng bà chỉ rời khỏi hắn khi gặp Đức ngài vừa ở chuồng cừu ra. Được khuyến khích bởi nụ cười của hắn, bà nói với hắn về Cole: "Ông ta đúng là... hoàn toàn là..."

Đức ngài đặt một bàn tay lên vai bà.

- Hãy xua đuổi sự sợ hãi của con đi. Tình yêu hoàn toàn thì không biết sợ hãi...

- Nhưng con có cảm giác rằng ông Cole bị điên rồi. Những ảo giác của ông...

- Bằng cặp mắt trần tục ông ấy sẽ còn những ảo giác. Một ngày nào đó ông sẽ nhìn thấy đức tối cao một cách trực diện.

- Nhưng tại sao ông Lipscomb lại tỏ ra thô bạo như vậy? - Bà mạnh dạn hỏi.

Một lần nữa đức ngài lại cười rất tươi.

- Lipscomb là một con chó giữ nhà trung thành. Đó là một tâm hồn hơi thô kệch... nguyên thủy... nhưng tuyệt đối trung thành.

Sau đó hắn bỏ đi. Bà Carnaby thấy hắn đến bên ông Cole, đặt tay lên vai ông. Liệu ảnh hưởng của đức ông có thể chữa được chứng bị các ảo giác ám ảnh của ông ta không?

Dù thế nào đi nữa chỉ còn một tuần lễ nữa là đến dịp lễ mùa thu rồi.

° ° °

Buổi lễ mùa thu sẽ diễn ra vào buổi tối thì trưa hôm đó bà Carnaby gặp Hercule Poirot trong một quán trà ở Newton Woodbury. Người phụ nữ có tuổi này đỏ mặt và bối rối hơn mọi ngày.

Poirot đặt ra cho bà rất nhiều câu hỏi nhưng bà chỉ trả lời nhát gừng.

- Có bao nhiêu người tham dự lễ? - Anh hỏi thêm.

- Tôi cho rằng có đến một trăm hai mươi người, Emmerline cũng có mặt ở đấy và cả ông Cole nữa, chắc chắn là như thế. Ông ta có những ảo giác. Ông đã thuật lại một số. Tôi không tin. Tôi sợ rằng ông ta bị điên. Sau nữa cũng có đến hai chục người mới gia nhập môn phái.

- Tốt! Bà biết rõ những công việc mình phải làm chứ?

Bà Carnaby không trả lời ngay và khi trả lời thì giọng nói của bà trở nên rất kỳ lạ:

- Tôi hiểu những điều ông đã nói với tôi, ông Poirot...

- Rất tốt!

- Nhưng tôi sẽ không làm như vậy đâu - Bà nói thêm một cách rõ ràng, rành mạch.

Herucle Poirot kinh ngạc nhìn bà ta. Bà bất chợt đứng lên.

- Ông bảo tôi tới đấy để dò xét thày thuốc Andersen - Bà nói với vẻ giận dữ - Ông nghi ngờ ông ta đã làm những chuyện bẩn thỉu. Nhưng ông ta là một con người kỳ diệu. Tôi tin ông ta với cả trái tim mình. Tôi không làm những việc đê hèn này đâu thưa ông! Tôi là một con chiên của môn phái. Tôi đã thuộc về Đức ngài. Tôi trả phần nước trà tôi đã dùng.

Bà ta ném tiền lên mặt bàn và đi ra khỏi quán trà như một luồng gió.

- Của quỷ! - Hercule Poirot nói.

Cô phục vụ phải tới hai lần thì anh mới hiểu ra là cô đưa tờ giấy thanh toán. Rồi anh lại nhận ra cái nhìn ngạc nhiên của một người có vẻ cau có. Anh đỏ mặt, trả tiền rồi ra khỏi quán. Óc anh đang suy nghĩ rất dữ.

° ° °

Một lần nữa các con chiên lại tập trung ở chuồng cừu linh thiêng. Người ta đã đọc những câu nói và trả lời.

- Các con đã sẵn sàng chưa?

- Đã sẵn sàng!

-...

- Các con hãy bịt mắt lại và đưa cánh tay phải ra.

Người Đại Mục sư lộng lẫy trong chiếc áo khoác màu xanh từ trên bục bước xuống. Người bị ảo tưởng và chỉ ăn rau, ông Cole đứng bên cạnh bà Carnaby, rên khẽ vì ngây ngất.

Người Đại Mục sư đến trước mặt người phụ nữ đứng tuổi và nắm lấy cánh tay bà.

- Không! Không tiêm đâu!

Những câu nói lạ lùng, không ai biết được. Một tiếng chửi rủa, một tiếng thét giận dữ. Người ta bỏ băng vải bịt mắt... để nhìn cái cảnh không thể giải thích được này. Đức ngài đang giãy giụa trong vòng tay của ông Cole, người đang được một số con chiếc khoác áo da cừu giúp sức.

Những bóng người lạ từ cửa chuồng cừu thiêng liêng chạy vào, những người ăn vận đồng phục.

- Cảnh sát! - Một người nào đó kêu lên - Họ bắt Mục sư!

Sợ hãi, kinh hoàng nổi lên... Với mọi người ở đây, mục sư là một người tử vì đạo, đau đớn như những nhà tiên tri trước một đám đông dốt nát...

Trong lúc ấy, thanh tra cảnh sát Cole gói cẩn thận chiếc ống tiêm dưới da vừa lấy ra khỏi tay tên Đại Mục sư.

° ° °

Buổi lễ mùa thu sẽ diễn ra vào buổi tối thì trưa hôm đó bà Carnaby gặp Hercule Poirot trong một quán trà ở Newton Woodbury. Người phụ nữ có tuổi này đỏ mặt và bối rối hơn mọi ngày.

Poirot đặt ra cho bà rất nhiều câu hỏi nhưng bà chỉ trả lời nhát gừng.

- Có bao nhiêu người tham dự lễ? - Anh hỏi thêm.

- Tôi cho rằng có đến một trăm hai mươi người, Emmerline cũng có mặt ở đấy và cả ông Cole nữa, chắc chắn là như thế. Ông ta có những ảo giác. Ông đã thuật lại một số. Tôi không tin. Tôi sợ rằng ông ta bị điên. Sau nữa cũng có đến hai chục người mới gia nhập môn phái.

- Tốt! Bà biết rõ những công việc mình phải làm chứ?

Bà Carnaby không trả lời ngay và khi trả lời thì giọng nói của bà trở nên rất kỳ lạ:

- Tôi hiểu những điều ông đã nói với tôi, ông Poirot...

- Rất tốt!

- Nhưng tôi sẽ không làm như vậy đâu - Bà nói thêm một cách rõ ràng, rành mạch.

Herucle Poirot kinh ngạc nhìn bà ta. Bà bất chợt đứng lên.

- Ông bảo tôi tới đấy để dò xét thày thuốc Andersen - Bà nói với vẻ giận dữ - Ông nghi ngờ ông ta đã làm những chuyện bẩn thỉu. Nhưng ông ta là một con người kỳ diệu. Tôi tin ông ta với cả trái tim mình. Tôi không làm những việc đê hèn này đâu thưa ông! Tôi là một con chiên của môn phái. Tôi đã thuộc về Đức ngài. Tôi trả phần nước trà tôi đã dùng.

Bà ta ném tiền lên mặt bàn và đi ra khỏi quán trà như một luồng gió.

- Của quỷ! - Hercule Poirot nói.

Cô phục vụ phải tới hai lần thì anh mới hiểu ra là cô đưa tờ giấy thanh toán. Rồi anh lại nhận ra cái nhìn ngạc nhiên của một người có vẻ cau có. Anh đỏ mặt, trả tiền rồi ra khỏi quán. Óc anh đang suy nghĩ rất dữ.

° ° °

Một lần nữa các con chiên lại tập trung ở chuồng cừu linh thiêng. Người ta đã đọc những câu nói và trả lời.

- Các con đã sẵn sàng chưa?

- Đã sẵn sàng!

-...

- Các con hãy bịt mắt lại và đưa cánh tay phải ra.

Người Đại Mục sư lộng lẫy trong chiếc áo khoác màu xanh từ trên bục bước xuống. Người bị ảo tưởng và chỉ ăn rau, ông Cole đứng bên cạnh bà Carnaby, rên khẽ vì ngây ngất.

Người Đại Mục sư đến trước mặt người phụ nữ đứng tuổi và nắm lấy cánh tay bà.

- Không! Không tiêm đâu!

Những câu nói lạ lùng, không ai biết được. Một tiếng chửi rủa, một tiếng thét giận dữ. Người ta bỏ băng vải bịt mắt... để nhìn cái cảnh không thể giải thích được này. Đức ngài đang giãy giụa trong vòng tay của ông Cole, người đang được một số con chiếc khoác áo da cừu giúp sức.

Những bóng người lạ từ cửa chuồng cừu thiêng liêng chạy vào, những người ăn vận đồng phục.

- Cảnh sát! - Một người nào đó kêu lên - Họ bắt Mục sư!

Sợ hãi, kinh hoàng nổi lên... Với mọi người ở đây, mục sư là một người tử vì đạo, đau đớn như những nhà tiên tri trước một đám đông dốt nát...

Trong lúc ấy, thanh tra cảnh sát Cole gói cẩn thận chiếc ống tiêm dưới da vừa lấy ra khỏi tay tên Đại Mục sư.

° ° °

Poirot nắm chặt bàn tay của bà Carnaby và giới thiệu bà với thanh tra cảnh sát Japp.

- Đây là người cộng tác can đảm của tôi!

- Hạng nhất rồi, thưa bà - Japp nói - Không có bà thì chúng tôi không làm được gì.

- Trời! Ông thật đáng mến. Nhưng, ông thấy tôi đang gần tới chỗ dễ chịu. Tôi gần như sắp trở thành những mụ điên khùng đấy! Trong quán trà có lúc tôi thấy quá kinh khủng. Tôi không biết phải xử trí ra sao nữa. Tôi đã phải tùy cơ ứng biến.

- Bà thật là tuyệt diệu - Poirot nói nồng nhiệt - Có lúc tôi nghĩ ai trong chúng ta là người mất trí, vài giây đồng hồ sau tôi hiểu ra sự trung thực của bà.

- Tôi đã bị một cú choáng mạnh khi qua chiếc gương soi tôi thấy tên Lipscomb đang ngồi phía sau tôi. Tôi chưa biết đây là hắn đi theo tôi hay chỉ là ngẫu nhiên. Tôi đã nói với ông đây là sự ứng phó của tôi và tin rằng ông hiểu được.

Poirot cười.

- Tôi hiểu ngay sau đó. Đó là người độc nhất ngồi gần chúng ta để có thể nghe được câu chuyện. Khi ra khỏi quán tôi đã cho người theo dõi hắn. Khi biết rằng hắn trở về Thánh đường, tôi biết là bà không bỏ rơi tôi... Nhưng tôi vẫn sợ sự nguy hiểm sẽ đến với bà.

- Tôi gặp sự nguy hiểm ư? Trong ống tiêm có gì vậy?

- Tôi nói hay anh nói đây? - Japp hỏi.

- Thưa bà - Poirot nói - Tên thày thuốc Andersen này đã bắt tay vào việc thiết lập một tổ chức giết người theo khoa học rất lỗi lạc. Hắn như đã để hết thời gian vào nghiên cứu vi khuẩn học. Dưới một cái tên khác ở Sheffield, hắn có một phòng nghiên cứu việc cấy những vi khuẩn khác. Hắn tiêm vào tín đồ một lượng nhỏ cần sa đủ gây cảm giác sung sướng, cái sung sướng mà đức tối cao đã hứa với các tín đồ.

- Cái cảm giác thật là tuyệt vời - Bà Carnaby nói thêm.

- Đây chỉ là một dạng tác động của nó thôi. Nhờ vào vẻ bên ngoài của mình và tác dụng của chất ma túy hắn đã gây được sự cuồng loạn tập thể có ích cho những ý đồ của hắn. Nhưng chỉ có phụ nữ vì sùng đạo, vì lòng biết ơn, đã lập di chúc cho môn phái thừa kế gia sản của mình thôi. Họ qua đời. Những cái chết bình thường, không uẩn khúc gì. Tôi sẽ không nói sâu về mặt khoa học với bà. Bà chỉ cần biết là người ta có thể tiêm vào cơ thể con người vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn lao. Vi khuẩn lao vào một người khỏe mạnh thì không việc gì, nhưng vào một người đã từng nhiễm lao phổi... thì người đó sẽ chết mà không gây cho bác sĩ chữa bệnh một nghi vấn nào. Bà đã nói với hắn là bà đã từng mắc bệnh lao phổi. Chính ống tiêm đó chứa vi khuẩn lao. Hai lá phổi khỏe thì không nhiễm bệnh. Nhưng tôi sợ hắn tiêm vào người bà một loại vi khuẩn khác. Tôi kính phục lòng can đảm của bà và tôi đã để bà thử thách rủi ro...

- Thật là hoàn hảo! Tôi thích thử thách với rủi ro. Tôi chỉ sợ mỗi bò tót thôi. Nhưng các ông đã có đủ chứng cớ để nhốt con quỷ dữ ấy không?

- Ồ! Nhiều hơn nữa là khác - Japp trả lời - Chúng tôi đã khám phòng thí nghiệm và các dụng cụ linh tinh của lão!

- Chắc chắn là hắn còn gây ra nhiều tội ác khác nữa - Poirot nói - Hắn không bị đuổi khỏi trường đại học nào ở Đức vì mẹ là người Do Thái. Đó chỉ là điều lừa bịp để gây cảm tình thôi.

Bà Carnaby thở dài.

- Có chuyện gì vậy?

- Tôi nghĩ đến giấc mơ trong buổi lễ thứ nhất... nhờ vào chứng cuồng loạn, tôi giả thiết là như vậy. Tôi thu xếp thế giới vào một cách rất tuyệt diệu! Không có chiến tranh, bệnh tật, những sự xấu xa, sự nghèo khổ.

- Là mộng thì thật dễ chịu rồi - Japp nói vui.

Bất chợt bà giật mình.

- Tôi phải về nhà. Emmeline đang lo lắng. Và hình như tôi vắng mặt quá lâu đối với con Auguste.

- Chắc chắn là nó cũng nghĩ như Emmeline rằng bà đã chết vì Hercule Poirot đấy.

Chap 11. The Apples of Hesperides

Chiếc Cốc Bằng Vàng

Hercule Poirot chỉ cần nhìn cái trán rộng, cái miệng mím chặt, cái cằm bướng bỉnh và đôi mắt sắc sảo ấy cũng đủ hiểu tại sao Emery Power trở thành một nhà tài chính mạnh mẽ như vậy.

Những ngón tay dài và thanh tú cũng nói rõ tại sao nhà tài chính nổi tiếng hai bên bờ Đại Tây Dương và là nhà sưu tầm hiểu biết về những tác phẩm nghệ thuật. Từ nghệ thuật ông cũng yêu quý môn lịch sử. Một vật không chỉ cần đẹp mà còn phải nói lên những phong tục tập quán của một vùng đất nữa.

Tiếng nói của ông êm dịu, không phô trương, nhưng cũng đủ làm cho người nghe phải chú ý.

- Bây giờ ông không nên nhận nhiều việc khác nữa - Ông ta nói - Nếu ông nhận việc này, tôi cho là như vậy.

- Nó có quan trọng không?

- Đối với tôi thì nó đặc biệt quan trọng.

Poirot cúi thấp đầu xuống nhìn Emery Power nhưng anh không nói gì cả.

- Đây là việc tìm lại một công trình nghệ thuật. Nói chính xác hơn đây là chiếc cốc bằng vàng có chạm trổ ở thời kỳ Phục hưng. Người ta nói đây là của đức Giáo hoàng Alexandre VI, Rodrigue Boriga. Ngài thường mang ra để khách quí dùng. Người được mời chết.

- Một phong tục đáng chú y.

- Chiếc cốc ấy có một lịch sử náo động. Nó đã bị đánh cắp nhiều lần. Người ta đã giết nhau để có được nó. Nó đã để lại một vết máu dài đằng sau nó.

- Vì giá trị nội tại của nó hay vì những lý do khác?

- Đúng thế, nó có giá trị rất lớn. Nó được chế tạo bằng một phương pháp tuyệt diệu; đây là công trình của Benveuto Cellini. Nó được chạm hình một cái cây có một con rắn quấn xung quanh; thân con rắn có những viên đá quí còn quả trên cành cây thì bằng ngọc màu lục bảo.

Poirot có vẻ thích thú.

- Những quả táo - Ông lẩm bẩm.

- Đá quí rất đẹp, nhưng giá trị thực tế của chiếc cốc là ở lịch sử của nó. Hầu tước San Veratrino đã bán đấu giá nó vào năm 1929. Những nhà sưu tầm đã tranh cãi nhau, nhưng tôi đã mua được nó với giá ba mươi ngàn livre vào thời kỳ đó.

- Một số tiền lớn!

- Khi tôi đã thích thì tôi biết trả giá, ông Poirot.

- Có thể là ông đã biết câu ngạn ngữ Tây Ban Nha: "Hãy nhận cái mà anh muốn... và trả tiền. Thượng đế nói!".

- Nhà tài chính cau mày và cặp mắt của ông ta đanh lại một lúc.

- Ông cũng thích nghiên cứu triết học ư? - Ông ta hỏi bằng giọng lạnh lùng.

- Tôi đã đến tuổi biết suy nghĩ.

- Tôi không nghi ngờ gì. Nhưng không phải do suy nghĩ mà có thể lấy lại được chếc cốc. Tôi cho rằng hành động là tốt hơn cả.

- Thật là sai lầm! Đã có nhiều người phạm phải. Nhưng xin lỗi ông. Chúng ta đã thay đổi chủ đề của câu chuyện. Ông đã nói mình mua được chiếc cốc ấy từ tay hầu tước San Veratrino, đúng không?

- Phải, nhưng điều tôi chưa nói với ông là nó đã bị đánh cắp trược khi đến tay tôi.

- Chuyện xảy ra như thế nào?

- Người ta tới ăn cướp lâu đài của ông hầu tước vào ban đêm, ngoài chiếc cốc còn có nhiều đồ vật có giá trị khác bị mất.

- Người ta đã giải quyết như thế nào?

Power nhún vai.

- Cảnh sát đã điều tra vụ này, đúng thế. Người ta đã bắt và xét xử hai tên kẻ cướp: Dublay, người Pháp và Ricovetti, người Ý và thu được tang vật.

- Trừ chiếc cốc của Borgia ư?

- Trừ chiếc cốc. Như cảnh sát cho biết, ngoài hai tên ăn trộm bắt được còn có kẻ tòng phạm thứ ba tên là Patrick Casey người Ái Nhĩ Lan. Dublay, tên cầm đầu, chuẩn bị kế hoạch, Ricovetti lái xe và tiêu thụ còn Casey là tên vào trong nhà để lấy đồ đạc.

- Của ăn cắp được sẽ chia đều cho ba đứa ư?

- Có thể là như vậy. Nhưng dù sao những thứ lấy lại được đều kém giá trị. Vật quí hiếm thường được mang ra nước ngoài.

- Casey không bị bắt và xét xử sao?

- Không phải như ông đang nghĩ. Hắn đã có tuổi. Các cơ bắp đã giãn ra rồi. Mười lăm ngày sau đó hắn ngã từ lầu năm xuống đất và chết ngay tức khắc.

- Ở đâu

- Ở Paris. Trong một mưu toan ăn trộm nhà ông chủ ngân hàng Duvauglier.

- Và từ đó người ta không được tin gì về chiếc cốc nữa ư?

- Đúng thế.

- Cũng không thấy ai rao bán ư?

- Cũng không. Tôi gần như tin chắc là như vậy. Ngoài cảnh sát còn ba thám tử tư tiến hành điều tra vụ này.

- Và ông có lấy lại được tiền không?

- Đồ vật bị mất ngay trong nhà ông ta, ông hầu tước muốn trả lại tiền cho tôi.

- Nhưng ông không nhận ư?

- Không.

- Tại sao?

- Vì tôi muốn như vậy.

- Ông muốn nói rằng khi tìm được chiếc cốc thì nó thuộc quyền sở hữu của ông ư?

- Đúng thế.

- Nhưng sau hành động này là cái gì?

Power cười:

- Ông hiểu rõ tôi đấy, tôi thấy rõ. Rất đơn giàn. Tôi đã biết rõ ai là người đang giữ chiếc cốc ấy.

- Ông làm tôi thích thú. Vậy người đó là ai?

- Đó là ông Reuben Rosenthal. Không chỉ là một nhà sưu tầm như tôi, nhưng vào thời kỳ ấy, ông ta là một kẻ thù cá nhân của tôi. Chúng tôi cạnh tranh nhau trong nhiều vụ việc... và tôi thường là người thắng cuộc. Việc tranh chấp của chúng tôi đã lên đến đỉnh cao với chiếc cốc ấy. Trong hai chúng tôi người nào cũng muốn có nó. Chúng tôi nâng giá trong cuộc mua đấu giá ấy.

- Và ông lại là người thắng cuộc chứ?

- Không hẳn như vậy. Tôi thận trọng nhường cho một người thứ hai làm việc này. Không ai chịu nhường trước cả, nhưng để cho người thứ ba giành thắng lợi và tìm cách tiếp cận người ấy, lại là một chuyện khác.

- Một thất vọng nhỏ.

- Đúng thế.

- Nhưng nếu ông Reuben biết chuyện thì sao?

Ông Power có một nụ cười rạng rỡ.

- Theo ông - Poirot hỏi tiếp - có phải ông Reuben không chịu nhận là thua nên đã đi thuê bọn ăn trộm không?

Emery Power giơ một bàn tay lên với vẻ không đồng ý.

- Ô, không! Tại sao lại đi vào cụ thể như vậy? Một thời gian sau ông Reuben đã có được chiếc cốc ấy từ một nguồn không xác định.

- Cảnh sát không công bố một tấm ảnh nào của chiếc cốc ấy ư?

- Chiếc cốc không cần trưng bày ra trước mắt của mọi người.

- Ông có tin rằng ông Reuben đang muốn xem ai là chủ sở hữu vật đó không?

- Đúng. Nếu tôi nhận tiền đền bù của ông hầu tước thì ông Reuben sẽ đi thương lượng với ông này để có được chiếc cốc. Nhưng, là chủ sở hữu của nó tôi sẽ tìm cách thu hồi lại báu vật của mình.

- Có nghĩa là ông đang thu xếp để ăn cắp lại nó từ ông Reuben ư?

- Không phải là ăn cắp, ông Poirot. Tôi chỉ giành lại cái đó thôi.

- Nhưng ông đã không đạt được điều đó ư?

- Vì một lý do đặc biệt, ông Reuben không có chiếc cốc đó trong tay.

- Tại sao ông biết.

- Có một sự hợp nhất trong tổ chức kinh doanh dầu lửa. Bây giờ lợi ích của tôi và của ông Reuben là như nhau. Chúng tôi không còn là kẻ thù mà trở thành đồng minh của nhau. Ông ta đã cam đoan với tôi là chưa bao giờ ông có chiếc cốc ấy trong tay.

- Và ông tin ông ấy.

- Phải.

- Như vậy gần mười năm qua ông chạy theo một cái đích sai lầm, đúng không?

- Không thể bằng cách nào khác - Nhà tài chính thú nhận với một giọng cay đắng.

- Và bây giờ, tất cả đều làm lại từ đầu. Tôi là thám tử, tôi có bổn phận đưa ông tới một cái đích chính xác, đúng không? Người ta đã dẫm chân tại chỗ từ khi...

- Nếu công việc là dễ dàng thì tôi đã không mời ông tham gia - Power nói với vẻ thiếu nhã nhặn - Đúng là nếu ông thấy không thể...

Ông ta đang tìm một danh từ nhẹ nhàng hơn. Poirot đứng lên nói một cách khô khan:

- Danh từ không thể là không có đối với tôi, thưa ông. Tôi chỉ tự hỏi công việc có thú vị đến mức làm tôi hăng hái lên không.

- Việc này có lợi ích của nó: ông cho tôi biết số tiền thù lao.

- Chúng ta sẽ nói đến nó khi công trình nghệ thuật ấy được tìm ra, được không?

- Tùy ý ông. Tôi không chấp nhận sự thất bại.

- Trong trường hợp ấy... tôi hiểu.

° ° °

Thanh tra cảnh sát Wagstaffe tỏ rõ sự quan tâm của mình.

- Chiếc cốc Veratrino ư? Phải, tôi nhớ rất rõ. Tôi biết nói tiếng Ý nên người ta cử tôi tới để hợp tác với cảnh sát ở đây. Và chúng tôi không thể nào tìm ra đồ vật ấy.

- Theo ông thì tại sao? Người ta đã bán nó đi rồi ư?

- Tôi nghi ngờ... tuy vẫn có thể là như vậy. theo tôi thì rất đơn giản. Người ta đã giấu nó ở đâu đó... và một người duy nhất biết ở đâu thì lại chết rồi.

- Ông muốn nói đến Casey ư?

- Phải. Có thể là hắn thường qua lại Ý. Hắn đã giấu chiếc cốc ở đây và từ ngày ấy đến nay không ai động đến.

- Casey có nhà riêng không?

- Có... ở Liverpool - Viên thanh tra cười - chiếc cốc không nằm dưới sàn nhà đâu. Chúng tôi tìm rồi.

- Gia đình hắn ra sao?

- Người vợ bị ho lao... Tuy chồng như vậy nhưng bà ta vẫn là người mộ đạo, không muốn rời bỏ hắn. Bà ta đã qua đời cách đây một vài năm. Người con gái rất giống mẹ... Cô ta đã đi tu. Người con trai sang Mỹ để lập nghiệp.

- Có thể người con gái biết nơi cất giấu, đúng không?

- Tôi không tin. Chiếc cốc cũng sẽ được đem đi bán.

- Hay là người ta đã nấu chảy nó rồi?

- Rất có thể. Nhưng tôi cũng không tin. Chiếc cốc có giá trị sưu tầm. Mà muốn có được nó thì người ta có thể làm bằng mọi cách.

- Thế còn hai tên kẻ cắp kia?

- Ricovetti và Dublay sắp được tha.

- Dublay là người Pháp chứ?

- Đúng. Hắn là đầu não của bọn trộm cắp.

- Bọn này còn những ai nữa.

- Một cô gái tên là Kate. Làm nghề hầu phòng để làm nội ứng. Cô ta đã đi Úc sau khi băng nhóm tan rã.

- Còn ai nữa?

- Còn Yougonian, hắn có một cửa hàng nhỏ ở Paris. Người ta không tìm được lý do gì để bắt nên vẫn canh chừng hắn.

Poirot thở dài nhìn sổ ghi chép: Mỹ, Úc, Ý, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ...

- Có lẽ ta phải đi vòng quanh thế giới - Anh lẩm bẩm.

- Ông nói gì?

- Tôi nói một vòng thế giới mà tôi sẽ phải đi.

° ° °

Poirot có thói quen thảo luận công việc với Georges, người hầu phòng thân tín.

- Georges, nếu anh phải đến năm nơi trên thế giời thì anh sẽ làm như thế nào?

- Đường hàng không là nhanh nhất, thưa ông chủ. Nhưng dễ bị đau tim.

- Hỏi ý kiến của ai là tốt nhất?

- Thưa ông, ông hãy hỏi công ty Du lịch.

Hercule Poirot tự nhủ:

- Với thân chủ của mình, Emery Power, cái quan trọng nhất là hành động. Nhưng không để mất sức lực, tiền của vào những việc vô ích. Không thể làm khác mọi người được... nhất là khi không cần để ý đến tiền bạc.

Poirot đứng lên, tới bàn giấy, rút một tập hồ sơ, lấy một tấm phiếu ghi hai chữ "Thám tử".

- Georges, tôi đọc, anh ghi cho tôi... Hankerton, New York; Laden và Bosher, Sydney; Giovanni Mezzi, Rome; Nahum, Constantinople; Rogers và Franconnaed, Paris...

Anh đợi cho Georges viết xong.

- Được rồi, anh tìm cho tôi giờ tàu đi Liverpool.

- Vâng, ông chủ đi Liverpool ngay bây giờ ư?

- Phải. Có thể tôi còn đến nhiều nơi khác nữa. Nhưng sẽ tính sau.

° ° °

Ba tháng sau, đứng trên bờ biển lởm chởm đã, Hercule Poirot nhìn ra đại dương. Chim mòng biển từ trên cao lao vút xuống mặt nước. Không khí ẩm ướt, Poirot có cái cảm giác của những người lần đầu đặt chân lên Inishgowlen như đến tận cùng của trái đất. Chưa bao giờ anh hình dung ra một phong cảnh quyến rũ lại ở một nơi xa xôi hẻo lánh đến như vậy. Ở phía tây nước Ái Nhĩ Lan này, xưa kia những người lính La Mã đã xây dựng những công sự kiên cố và những con đường lát đá.

Hercule Poirot nhìn xuống đôi giày của mình và thở dài. Ở đây người ta phải quên đi những thói quen trong cuộc sống thường ngày.

Phía xa là những hòn đào giàu có của đất nước tươi trẻ này...

Một tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Tiếng chuông mà anh quen thuộc từ thời thơ ấu.

Anh lại tiếp tục cất bước. Mười phút sau anh đứng trước một bức tường cao có cửa bằng sắt. Hercule Poirot đến gần và giật giây chuông.

Một bộ mặt hiện ra trong một ô vuông nhỏ trên cánh cửa. Người ta hỏi anh muốn gì. Giọng nói của một phụ nữ.

- Đây có phải là tu viện Sainte-Marie không?

- Nhưng ông muốn gì? - Tiếng nói gay gắt của người phụ nữ cao lớn cất lên.

Hercule Poirot không muốn trả lời câu hỏi thiếu nhã nhặn ấy.

- Tôi muốn gặp Mẹ bề trên - Anh nói với bà ta.

Có tiếng kéo then cửa. Cửa mở và người ta đưa anh đến một phòng đợi nhỏ.

Rồi nhà tu hành xuất hiện với chuỗi hạt trên cổ.

Hercule Poirot là người Công giáo và không khí ở đây không xa lạ với anh.

- Xin Mẹ tha lỗi nếu con làm Mẹ bận rộn. Nhưng trong các xơ ở đây có xơ nào tên là Kate Casey không?

Mẹ bề trên nghiêng đầu.

- Đúng thế, Tên thánh của xơ ấy là Marie-Ursule.

- Xơ Marie-Ursule có thể giúp đỡ con. Xơ có nhiều thông tin rất quan trọng đối với con.

Mẹ bề trên lắc đầu, nét mặt vô cảm.

- Xơ Marie-Ursule không thể giúp con được gì đâu.

- Nhưng con tin rằng...

- Xơ Marie-Ursule đã qua đời cách đây hai tháng.

° ° °

Trong phòng khiêu vũ của khách sạn Jimmy Donovan ngồi trên chiếc ghế quay lưng vào tường. Khách sạn này không mấy thuận tiện. Lò xo giường nhiều chiếc bị gãy. Không có nước nóng. Thức ăn làm anh đầy bụng, khó tiêu.

Có năm người ngồi trong phòng và họ đang nói chuyện chính trị. Hercule Poirot mới quen biết họ nên có phần nào lo ngại.

Anh quay sang người ngồi gần đấy. Khác với mọi người, anh ta có vẻ như một người thị thành sa sút.

- Hãy tin tôi, thưa ông - Anh ta nói với vẻ nghiêm chỉnh - con Pegeen's Pride không mang lại may mắn... Ông đánh bao nhiêu? Ông có biết tôi là ai không? Atlas... Tôi thắng cuộc suốt mùa... Tôi đã đặt vào con Larry's Girl bao nhiêu? Hai mươi nhăm trên một... Cứ đi theo tôi, ông không bao giờ thua cuộc.

Hercule Poirot nhìn anh ta với vẻ kính phục.

- Trời - Anh ta nói - đây là điềm xấu! - Và giọng anh ta run lên.

° ° °

Sau đó một vài tiếng đồng hồ, mặt trăng hiện lên sau một đám mây để rồi biến mất. Poirot và người bạn mới của mình đã đi được một vài kilometers. Nhà thám tử đi khập khiễng. Có lẽ đôi giày da của anh không thích hợp với những chuyến đi nông thôn.

- Nói xem - Người đi cùng lên tiếng - Ông tin chắc rằng ông tu viện trưởng sẽ nói gì? Tôi không có tội lỗi gì để phải hối hận trong lương tâm cả, ông biết đấy.

- Ông chỉ làm cái việc của Xê-da lại trả cho Xê-da thôi - Poirot trả lời một cách chắc chắn.

Họ đã đi tới chân tường của tu viện. Atlas rên rỉ, anh ta cảm thấy mình "trống rỗng".

Nhà thám tử nói một cách cương quyết:

- Bình tĩnh! Đây anh chỉ đối mặt với mọi người mà với Hercule Poirot.

° ° °

Atlas cẩn thận gấp những tờ giấy bạc năm livres.

- Có thể là ngày mai tôi không còn nhớ bằng cách nào mà tôi thắng cuộc. Tôi rất sợ ông O'Reilly...

- Hãy quên đi tất cả, anh bạn. Ngày mai, thế giới này là của chúng ta.

- Đúng là Working Lad. Nó là một con ngựa! Rồi Sheila Boyne nữa, nó sẽ bảy chống lại một... Ông không nói gì về Thượng đế của thời xưa chứ... Hercule? Có một Hercule sẽ đua vào ngày mai.

- Anh bạn, hãy đặt cuộc vào Hercule. Hãy tin tôi, không thể thua được.

Hôm sau, con Hercule của ông Roslyn thắng con Boynen Stakes sáu mươi trên một.

° ° °

Với một vẻ thận trọng, Poirot mở cái gói ra. Trước hết là tờ giấy màu xám, sau đó là một lớp bông và cuối cùng là tờ giấy lụa.

Sau đó anh đặt lên bàn của Emery Power một chiếc cốc lấp lánh đá quý.

Nhà tài chính nín thở.

- Xin có lời khen, ông Poirot, cuối cùng ông ta nói. Nhà thám tử nhẹ nhàng cúi đầu.

Emery Power giơ tay sờ lên miệng cốc.

- Đây là của tôi ư? - Ông ta hỏi với giọng trầm.

- Vâng, đây là của ông.

Poirot thở dài, đứng lên, tay vịn vào lưng ghế.

- Ông tìm thấy nó ở đâu? - Ông ta hỏi một cách vô tư.

- Trên một bàn thờ.

Power giật mình.

- Phải, con gái của Casey là người mộ đạo, khi người cha qua đời, cô ta thực hiện những lời dặn lại của cha. Cô ta dốt nát nhưng tin vào Chúa. Chiếc cốc được giấu ngay trong nhà của Casey tại Liverpool. Cô ta mang nó vào một nhà tu với ý nghĩ, tôi giả thiết, là chuộc lỗi cho cha. Tôi không nghĩ rằng những người tu hành không biết gì về giá trị của các đồ vật. Trước mắt họ, đây chỉ là một cốc rượu lễ và người ta phải dùng đúng chức năng của nó.

- Một câu chuyện kỳ lạ. Ai đã gợi ý cho ông tới đó?

Poirot nhún vai.

- Tôi dùng phương pháp loại trừ. Tôi đã ngạc nhiên khi thấy không có một vụ mua bán nào đối với chiếc cốc. Cái đó cho phép tôi nghĩ, hẳn là nó ở nơi đúng theo công dụng vật chất của nó. Và tôi nhớ là con gái của Patrick Casey là người mộ đạo. Tôi đã nói và tôi xin nhắc lại: mộ đạo.

- Thật đáng khen. Xin ông đưa tôi một bản kê tiền thù lao và tôi sẽ viết cho ông một tờ séc.

- Tôi không lấy tiền thù lao.

- Thế nào? - Power ngạc nhiên hỏi lại.

- Khi còn bé chắc hẳn ông đã đọc truyện cổ tích trong đó ông vua thường hô: "Hãy cho ta biết nhà ngươi yêu cầu cái gì?"...

- Ông muốn yêu cầu cái gì?

- Có đấy. Nhưng không phải là tiền. Tôi chỉ có một yêu cầu nhỏ.

- Là cái gì? Có phải là một khoản trợ cấp không?

- Đấy cũng là một hình thức tiền. Không đơn giản hơn kia.

- Thế nào?

Hercule Poirot đặt tay lên chiếc cốc.

- Trả lại nó về tu viện.

Có một giây yên lặng.

- Ông điên đấy ư? - Emery Power hỏi.

Hercule Poirot lắc đầu.

- Không. Không điên chút nào. Xin ông nhìn đây.

Anh cầm chiếc cốc lên. Bằng móng tay anh đưa vào miệng con rắn quấn xung quanh thân cây và ấn xuống. Một cánh cửa sập rất nhỏ mở ra.

- Ông nhìn đây! Chính bằng cái cửa này làm người ta cho thuốc độc vào đồ uống. Ông đã nói chiếc cốc có một lịch sử ma quái. Nó đã để sau nó bạo lực và đau khổ. Làm thế nào biết được rồi đây ai là người bị hại?

- Mê tín, dị đoan!

- Có thể! Nhưng tại sao ông lại muốn giữ nó? Không phải vì cái đẹp, cũng không phải vì giá trị. Ông đã có hàng trăm, có thể là hàng ngàn vật quí, hiếm. Ông muốn có được uy tín. Ông không chịu thua cuộc. Ông đã thắng cuộc. Chiếc cốc đã nằm gọn trong tay ông. Nhưng tại sao lại không đưa ra một hành động đẹp? Trả lại nó về nơi nó đã ở bình yên trong gần mười năm qua, trong sự trong sáng. Ngày xưa nó là của nhà thờ, bây giờ trả nó về nhà thờ. Ông để tôi vẽ sơ đồ nơi tôi tìm thấy nó... Khu vườn Hòa bình trông ra biển về hướng về một Thiên đường xa xăm của sự tốt đẹp và vĩnh cửu của tuổi trẻ.

Anh đang mô tả vùng Irishgowlan theo cách của mình. Emery Power đưa một tay lên che mắt. Ông yên lặng.

- Tôi sinh ra bên bờ biển của nước Ái Nhĩ Lan - cuối cùng ông Power nói - Tôi sang Mỹ từ khi tôi còn là đứa trẻ.

Nhà tài chính đứng lên, mặt sáng lên một lần nữa.

- Ông là một con người lạ lùng, thưa ông Poirot. Ông hãy làm như ông muốn. Mang chiếc cốc này trả lại cho tu viện, thay tôi tặng lại cho tu viện. Một tặng phẩm rất đắt giá, ba mươi nghìn livres... đổi lại, liệu tôi được cái gì nhỉ?

- Tu viện sẽ cầu nguyện cho ông trong các buổi lễ - Poirot nói một cách nghiêm trang.

Một nụ cười tham lam trên mặt của Power.

- Dù sao đây cũng là một nơi đầu tư tốt! Đây là việc tốt nhất mà tôi chưa từng làm...

° ° °

Trong một hành lang nhỏ của tu viện, Poirot kể lại câu chuyện và đưa chiếc cốc rượu lễ cho Mẹ bề trên.

- Nói lại là chúng tôi cảm ơn ông ấy và chúng tôi sẽ cầu nguyện cho ông ấy.

- Ông ấy rất cần cầu nguyện.

- Có phải đây là một con người khốn khổ không?

- Rất khốn khổ vì ông ấy không biết thế nào là hạnh phúc. Rất khốn khổ vì ông ấy không biết mình là ai nữa.

- A! Thế thì đây là một người rất giàu.

Poirot không trả lời... anh không còn gì để nói cả.

Chap 12. The Capture of Cerberus

Xuống Địa Ngục

Bị xô đẩy tứ phía, tránh va phải vào cái lưng, cái vai vội vàng, nhào lộn, bị chèn ép, Hercule Poirot cay đắng nghĩ thế gian quá đông người. Dù sao lúc sáu giờ chiều thì Londres chật ních những người. Ngột ngạt, bụi mù, mùi khó chịu và những bàn tay, ở đâu cũng thấy những bàn tay! Hơn nữa, nhân loại khi nhìn cả đám thì không có gì là hấp dẫn cả. Ít khi nhìn thấy một ngôi làng nổi bật về mặt trí thức, một phụ nữ ăn vận một cách nhã nhặn. Họ đan áo ở cả những nơi ít lích sự nhất, mắt trống rỗng, những ngón tay run rẩy.

Với vẻ ủ ê, Poirot nhìn những người đàn bà trẻ xung quanh: họ đều giống nhau, không duyên dáng và thiếu nữ tính. A! Nhìn một người phụ nữ xinh đẹp, dí dỏm... một người phụ nữ có những đường cong quí phái, ăn vận một vẻ kiểu cách... Ngày xưa người ta thường gặp họ, nhưng bây giờ...

Tầu điện ngầm đỗ lại. Mọi người chạy ùa ra và đẩy Poirot đứng trước những mũi kim đan, những người khác thì lên tàu và dồn ép anh vào phía trong một lần nữa. Tàu lại chạy với những cái lắc rất mạnh. Poirot bị ném vào một bà to béo đang mang rất nhiều túi xách, "Xin lỗi". Nhưng cạnh sườn anh lại đập vào cạnh một chiếc va-li. "Xin lỗi". Anh cảm thấy bộ ria của mình bị cụp xuống một cách thảm hại. May thay, tàu đã dừng ở ga anh xuống.

Một làn sóng người đưa anh tới cầu thang tự động anh đã có chỗ đặt chân và nhất định không chịu để mất.

Thật là sung sướng khi thoát khỏi cái nơi quỉ quái ấy để lên mặt đất! Kể cả khi tay phải xách một chiếc va-li nặng.

Có ai đó gọi tên anh. Ngạc nhiên, anh ngước mắt lên. Trên chiếc thang tự động bên cạnh đang đi xuống, anh thấy lại một hình bóng cũ. Một người đàn bà rực rỡ, tóc hung, đội một chiếc mũ rơm trang trí bằng những con chim và những chiếc lông nhiều màu sắc.

Bà ta há to miệng được trang điểm rất khéo:

- Đúng là ông ấy rồi. Ôi! Ông thân mến! Khi nào thì chúng ta gặp nhau?

Nhưng định mệnh khắc nghiệt là hai chiếc cầu thang tự động đi ngược chiều nhau. Hercule Poirot đi lên còn nữ bá tước Vera Rossakoff lại đi xuống.

Hercule Poirot quay lại, cúi xuống và vẫy tay.

- Ô! Bà thân mến! Tôi có thể tìm bà ở đâu? - Anh thất vọng kêu to.

Câu trả lời của bà ta như chìm sâu vào lòng đất. Tuy vậy lúc này cũng rất rõ ràng:

- Dưới địa ngục!

Hercule Poirot nhắm mắt một lúc. Sau đó anh lảo đảo. Anh không thấy là mình đã lên mặt đường. Việc lên lên, xuống xuống của mọi người vẫn diễn ra bên cạnh anh. Bên cầu thang đi xuống như đưa người ta xuống địa ngục! Đó là cách giải thích câu trả lời của bà bá tước. Poirot lại dùng cầu thang đi xuống. Nhưng dưới chân cầu thang không có dấu vết gì của bà ta. Bà ta đi đâu? Tới Bakerloo hay là Piccadilly? Đám đông vẫn giữ mật độ như cũ, nhưng vẫn không thấy bóng dáng cùa người bạn Nga, nữ bá tước Vera Rossakoff của anh.

Mệt mỏi và buồn rầu, Poirot lên tàu để về Piccadilly Circus. Anh về tới nhà trong sự bối rối.

Số phận muốn rằng những người đàn ông ngăn nắp và tầm vóc nhỏ bé thường bị những người phụ nữ ngông cuồng quyến rũ. Poirot không thể xóa bỏ được ảnh hưởng sự quyến rũ của bà bá tước đối với anh. Hai mươi mốt năm qua anh không gặp lại bà ta, nhưng ảnh hưởng đó vẫn còn. Sự trang điểm của người phụ nữ ấy lúc này gợi lên hình ảnh mặt trời đã ngả bóng, nhưng đối với Hercule Poirot thì bà ta vẫn là người phụ nữ đầy ấn tượng. Và cái cách ăn cắp đồ trang sức khéo léo của bà ta! Anh nhớ lại vẻ trơ trẽn khi bà ta nhận mình là thủ phạm. Một triệu phụ nữ thì chỉ có một người như vậy! Anh đã tìm ra bà ta nhưng rồi lại mất.

"Xuống địa ngục!". Đúng, anh không nhầm. Bà ta đã nói như vậy... Bà ta nói về hệ thống tàu điện ngầm của Londres ư? Hay phải hiểu nó theo nghĩa tôn giáo. Nếu cho rằng cách sống của bà ta khi chết đi đáng phải hỏa thiêu dưới địa ngục thì với sự lịch lãm Nga, sự tế nhị sơ đẳng bà ta cũng không thể nói rằng ở đấy đã giành chỗ cho Poirot.

Không, chắc chắn là bà ta nói về một chuyện khác. Một người phụ nữ không tinh ý! Người khác thì họ đã nói tới khách sạn Ritz hoặc khách sạn Claridge, nhưng Vera Rossakoff lại nói xuống địa ngục!

Poirot thở dài nhưng chưa chịu nhận là đã thất bại. Trong khi lúng túng, anh tìm con đường đơn giản nhất và sáng mai anh sẽ hỏi bà Lemon, người nữ thư ký của mình.

- Bà Lemon, tôi có thể đặt ra cho bà một câu hỏi được không?

- Chắc chắn là được, thưa ông - Người thư ký tay ngừng gõ vào bàn phím máy chữ và nói.

- Nếu một ông hoặc bà bạn của bà nói sẽ tìm họ dưới địa ngục thì bà sẽ làm thế nào?

Không ngập ngừng, bà Lemon nói ngay:

- Trong trường hợp ấy, tốt nhất là tôi sẽ gọi điện thoại đến để giành một bàn - Bà ta trả lời.

Hercule Poirot ngạc nhiên nhìn bà:

- Bà... sẽ... gọi điện... để... giữ... một bàn ư? - Anh nhắc lại.

Bà Lemon gật đầu khẳng định:

- Tối nay ư? Bà ta nhấc máy điện thoại và bấm số: "Allo! Số máy 14578 đấy ư? Xuống địa ngục, đúng không? Yêu cầu giành riêng một bàn cho hai người. Văn phòng của ông Hercule Poirot đây. Mười một giờ".

Bà thư ký gác máy và lại làm tiếp công việc bỏ dở của mình.

Hercule Poirot cần những lời giải thích.

- Địa ngục ấy thế nào? - Anh hỏi.

Bà ta ngạc nhiên:

- Ô! Ông không biết ư? Đây là một nhà hàng rất được ưa chuộng mới mở. Do một bà người Nga nào đấy quản lý, tôi cho là như vậy. Chiều nay tôi có thể lấy cho ông một thẻ ra vào nhà hàng, rất dễ.

Không muốn nói gì thêm nữa, bà Lemon tiếp tục đánh máy.

° ° °

Ngay tối hôm ấy, vào lúc mười một giờ, Hercule Poirot bước qua ngưỡng cửa, ở bên trên có một tấm biển có đen nê-ông ghi tên nhà hàng. Một người vận bộ đò màu đỏ ra đón và cởi áo khoác cho anh rồi chỉ tay vào chiếc cầu thang dẫn xuống tầng hầm. Trên mỗi bậc đều có những dòng chữ:

Tôi rất muốn

Tha thứ và làm lại.

Tôi có thể dừng chân nếu tôi muốn...

Bậc cuối của cầu thang là một cây cầu như một chiếc tàu thủy trên một bể nước có rất nhiều hoa loa kèn màu đỏ.

Poirot đi qua cầu. Bên trái là một cái hang bằng đá hoa cương trong đó có một con chó xấu xí lông đen và rất to lớn. Anh chưa bao giờ nhìn thấy một con chó như vậy. Con chó ngồi thẳng người và tuyệt đối bất động. Có thể không phải là chó thật, Poirot hy vọng như vậy. Nhưng bất chợt nó sủa lên những tiếng ghê rợn. Gần đấy có một chiếc giỏ con đựng đầy bánh bích-quy của chó. Trên mỗi miếng bánh đều có giòng chữ "Phần thưởng cho Cerbere"( ). Con chó nhìn chằm chằm vào giỏ bánh rồi lại sủa nữa. Poirot lấy bánh ném cho nó. Con vật há chiếc mõm to lớn và đớp lấy miếng bánh. Cerbere đã nhận phần thưởng và Poirot tiếp tục đi.

Căn phòng mà anh đặt chân vào không lớn lắm. Phòng có những chiếc bàn nhỏ, một sàn khiêu vũ và được thắp sáng bằng những bóng đèn màu đỏ. Những mô hình con quỉ đuôi dài, sừng nhọn dựng xung quanh hàng rào.

- A! Ông đã tới rồi.

Nữ bá tước Rossakoff ăn mặc lộng lẫy vội vàng đến trước mặt anh và giơ tay.

-... Rất thân, ông bạn rất thân, tôi rất vui khi thấy ông tới đây! Sau nhiều năm! Bao nhiêu nhỉ? Không, đừng nói. Đối với tôi thì đó là hôm qua. Trông ông không thay đổi chút nào cả.

- Bà cũng vậy, bà thân mến - Poirot đáp lại và cúi xuống hôn tay người phụ nữ.

- Đã hai chục năm rồi. Một sự sụp đổ, nhưng rất ngoạn mục. Bà ta đưa Poirot đến chiếc bành đã giành sẵn cho hai người.

- Ông bạn Hercule Poirot nổi tiếng của tôi - Bà ta nói - Nỗi kinh hoàng của những kẻ bất lương! Tôi rất sợ ông, tôi cũng vậy, ngày xưa... Nhưng bây giờ tôi đang sống một cuộc sống khá tẻ nhạt! Đây là giáo sư Liskeard - Bà ta nói tiếp và giới thiệu một người đứng tuổi, cao lớn và gày gò - Ông ấy biết mọi chuyện trong quá khứ và chính ông là người giúp tôi trang trí căn phòng này.

Nhà khảo cổ học khẽ rùng mình.

- Nếu biết trước ý định của bà thì kết quả sẽ... đáng chán hơn nữa.

Trên tường Orphee đang chỉ huy dàn nhạc trong lúc Eurydice đang nhìn người này với vẻ hy vọng. Đằng trước Osiris nhìn những bong bóng nước có những người trẻ tuổi khỏa thân.

- Xứ sở của tuổi trẻ - Bà bá tước giải thích và không đổi giọng bà ta nói thêm: - Đây là Alice bé nhỏ của tôi.

Poirot cúi đầu chào một cô gái vẻ nghiêm nghị đeo kính gọng đồi mồi.

-... Cô gái rất thông minh. Đây là một nhà tâm lý học có bằng cấp. Cô ta biết tại sao những người điên lại điên! Có rất nhiều lý do, hình như thế. Tôi thấy rất kỳ lạ.

Cô gái nở một nụ cười đáng mến nhưng có phần kiêu ngạo. Bằng một giọng dứt khoát cô ta hỏi ông giáo sư có muốn khiêu vũ không. Được khen ngợi nhưng ông giáo sư vẫn có vẻ khó chịu:

- Thưa cô, tôi chỉ biết nhảy điệu valse thôi.

- Đây là valse - Alice bình tĩnh đáp.

Họ đứng lên và bước ra sàn nhảy. Kết quả không mấy thích thú.

Nữ bá tước Rossakoff thở dài:

- Tuy nhiên cô ta cũng không đến nỗi xấu lắm.

- Cô gái không thể sử dụng những cái mình vốn có.

- Thời xưa người ta phải cố gắng lắm mới có thể hài lòng với công việc. Alice đã viết nhiều bộ sách nói về quan hệ giữa người và người, nhưng liệu có ai mời cô ta đi nghỉ cuối tuần ở Brighton? A! Khi tôi còn trẻ trung...

- Thưa bà, con trai bà hiện nay ra sao rồi?

Poirot muốn dùng danh từ "thằng bé" nhưng anh chợt nhớ rằng đã hai chục năm qua rồi.

Nét mặt của người phụ nữ rạng lên.

- Nó đã lớn, vai rộng, rất đẹp trai. Nó đang ở bên Mỹ. Ở đó nó xây dựng cầu, khách sạn, kho hàng, đường sắt, tất cả những gì mà người Mỹ muốn.

Poirot ngạc nhiên:

- Anh ta là kỹ sư hay kiến trúc sư?

- Không quan trọng! Nó rất đáng mến. Nó chỉ nói về sắt thép, sức bền vật liệu. Tôi không hiểu gì về những cái đó. Nhưng chúng tôi rất yêu quí nó. Tôi cũng yêu quí Alice. Chúng nó là vợ chồng chưa cưới. Chúng gặp nhau trên một chuyến máy bay, hoặc tàu thủy hoặc xe lửa gì đó và chúng yêu nhau. Chúng đều là những người lao động. Khi Alice đến Londres tôi giữ nó ở đây.

Bà bá tước lấy tay ôm lấy bộ ngực lép kẹp của mình.

- Các con yêu nhau, ta cũng yêu các con. Tại sao con lại để nó ở Mỹ, tôi nói với Alice như vậy. nó bảo nó đang viết một cuốn sách. Tôi không hiểu rõ nội dung của sách. Nhưng tôi thường bảo nó phải biết tha thứ. Ông bạn, ông nghĩ như thế nào về việc làm ăn của tôi ở đây?

- Trí tưởng tượng thật phong phú và rất đẹp.

Căn phòng đã đông người. Những bộ y phục buổi tối cùng với những bộ y phục thành thị phóng đãng.

- Ở đây chúng tôi có tất cả những thứ cần thiết, đúng không? Cánh cửa của Địa ngục luôn rộng mở.

- Trừ người nghèo chứ?

Bà bá tước cười:

- Người giàu thì khó lên Thiên đàng, đúng không? Họ phải được ưu tiên xuống địa ngục chư ́!

Ông giáo sư và Alice đã trở về chỗ. Bà bá tước đứng lên.

- Xin lỗi. Tôi có chút việc với Aristide, người quản lý.

Bà ta trao đổi một vài câu gì đó với người quản lý sau đó đi nói chuyện với khách hàng.

Ông giáo sư lấy khăn tay lau trán, uống một cốc rượu rồi cũng bỏ đi. Poirot ngồi lại với cô Alice nghiêm nghị. Cô ta không xấu nhưng rất khó chịu.

- Tôi chỉ biết tên của cô thôi - Anh nói.

- Giáo sư Alice Cunningham - Cô ta đáp - Ông đã quen bà Vera từ bao giờ?

- Đã hai chục năm rồi.

- Nghiên cứu về bà ấy là việc làm thú vị. Tất nhiên tôi quí mến bà ấy không chỉ do đây là mẹ của người chồng tương lai của tôi mà còn do yêu cầu của nghề nghiệp nữa.

- Thế ư?

- Tôi đang viết một cuốn sách nói về tâm lý học tội phạm. Cuộc sống ban đêm ở đây có nhiều điều đáng nói. Chúng tôi tiếp nhiều khách hàng là những kẻ tội phạm các loại. Tôi đã nói chuyện với họ. Ông đã biết những hành động tội phạm của bà Vera... Tôi muốn nói về những vụ trộm cắp trước đây của bà ta...

- Ừ... phải... đúng thế - Poirot trả lời vẻ choáng váng.

- Tôi gọi đây là sự phức tạp của chứng ăn cắp vặt. Bà ta chỉ thích những gì sáng lấp lánh. Không phải là bạc. Bao giờ cũng là đồ trang sức. Tôi phát hiện ra thời thơ ấu bà ta rất sung sướng. Bà ta đã có một cuộc sống buồn tẻ và không nguy hiểm. Bà ta đã gây ra một bi kịch để mình bị trừng phạt. Như vậy cần phải tìm căn nguyên của thói trộm cắp. Bà ta muốn tìm sự nổi danh để rồi bị trừng phạt.

- Tôi nghi ngờ chuyện bà ấy đã có một cuộc sống buồn tẻ và được che chở với ý nghĩa như một quí tộc ở Nga trong thời kỳ cách mạng - Poirot cải chính.

Cặp mắt xanh sáng của cô Cunningham ánh lên một tia thích thú:

- A! Bà ta đã cho ông biết chuyện này sao?

- Không nghi ngờ rằng bà ta đã là người quí phái - Poirot nói mà không để cập đến sự dối trá của người phụ nữ này.

- Mỗi người đều tin vào cái mà mình muốn tin - Cunningham nói.

Poirot cảm thấy buồn phiền. xã hội của bà bá tước làm anh hài lòng ở chỗ bà ta thuộc dòng dõi quí phái đồng thời cũng không muốn làm phật lòng cô gái đeo kính là giáo sư tâm lý học.

- Cô có biết tôi ngạc nhiên về ai không? - Anh hỏi.

Thay vì trả lời Alice Cunningham chỉ phác ra một cử chỉ có vẻ như độ lượng.

- Tôi rất ngạc nhiên về cô, còn trẻ và có thể là đẹp nếu cô biết tự chăm sóc. Cô tới đây khi nhiệt độ xuống hai mươi độ dưới không, ăn vận như đi chơi gôn. Cô có chiếc mũi đỏ bóng lên nhưng cô không đánh phấn. Môi cô tô son một cách cẩu thả! Cô là một phụ nữ nhưng cô không biết là như vậy. Nhưng tại sao? Thật đáng tiếc.

Một lát sau anh hài lòng khi thấy Alice Cunningham trở về là con người. Một tia giận dữ bùng lên trong đôi mắt của cô. Nhưng ngay lập tức cô ta lấy lại vẻ tươi cười khinh thường.

- Ông Poirot, tôi có cảm giác là ông quên mất ý thức hệ hiện đại. Cái cơ bản không phải là ở sự trang điểm.

Một chàng trai bảnh bao đang nhìn cô ta.

- Đây là một mẫu người rất thú vị - Alice lẩm bẩm - Anh ta tên là Paul Varesco! Anh ta sống bằng tiền bao của phụ nữ. Anh ta sống một cách trơ trẽn. Tôi đã nghe anh ta kể chuyện một người vú em đã nuôi anh ta từ năm anh ta lên ba tuổi.

Hai phút sau Alice đã trong vòng tay của chàng trai ấy. Họ nhảy một cách tuyệt vời. Khi họ đến bên bàn, Poirot nghe thấy cô gái nói: "Sau mùa hè ở Bagnor, bà ta đã cho anh một con sếu nhỏ bằng vàng, đúng không?". Một con sếu, phải, thật ý nghĩa.

Rồi anh thấy một cái gì đó xua đuổi ý nghĩ của anh về Alice. Một người đàn ông trẻ, tóc vàng, mặc quần áo buổi chiều ngồi bên chiếc bàn trước mặt Poirot. Bên cạnh anh ta là một "cô gái thân mến". Dù cho ai đó có nói anh ta là "một kẻ lười biếng có nhiều tiền" nhưng anh ta không lười biếng và cũng không có nhiều tiền. Đây là thám tử Charles Stevens và chắc chắn anh ta đang làm nhiệm vụ của mình.

° ° °

Sáng hôm sau, tới thăm người bạn cũ là thanh tra Japp ở Scotland Yard.

Sự đón tiếp của người này khiến anh ngạc nhiên.

- Cáo già! - Japp kêu lên - Tôi tự hỏi tại sao ông lại chui vào cái hang ổ ấy!

- Nhưng tôi không biêt gì cả, xin cam đoan với ông... không biết gì cả!

Japp không tin và nói không úp mở.

- Ông muốn điều tra về cái Địa ngục ấy ư? Vẻ bề ngoài nó cũng giống như mọi hộp đêm khác. Nhưng nó vẫn đứng vững. Chắc kinh doanh khá vì những khoản phải chi rất lớn. Về công khai thì một phụ nữ người Nga làm chủ. Người ta nói đây là một nữ bá tước, tôi không hiểu tại sao...

- Tôi biết nữ bá tước Vera Rossakoff - Poirot nói - Chúng tôi là bạn cũ của nhau.

- Nhưng đây chỉ là sự mượn tên. Bà ta không có tiền. Có thể tên quản lý Aristide Papopolous là người thu tiền lãi. Tôi không chắc chắn lắm. Tóm lại chúng ta chưa biết ai là người nằm trong chăn.

- Và các ông đã cử thanh tra Stevens đi điều tra vụ này ư?

- A! Ông đã thấy Stevens! Cáo già!

- Anh ta đi tìm cái gì?

- Ma túy. Một vụ buôn lậu lớn. Không thanh toán bằng tiền mà bằng đá quý.

- A!

- Chuyện như thế này. Bà Cachin, hoặc nữ hầu tước Chose, không có tiền mặt nhưng có đồ trang sức do gia đình để lại. Một hôm bà ta đến gặp một nhà chuyên môn để lau chùi lại. Người này tháo những viên dá quý trên đồ trang sức ra và thay vào đó bằng những viên đá giả. Bà Machin không hay biết gì. Đây là việc bảo trì bình thường, không phải là ăn cắp, không có tiếng kêu ca, không có gì cả. Sớm hay muộn người ta sẽ phát hiện ra một vài món trang sức nào đó là của giả và bà Machin là vô tội và thất vọng. Không lúc nào bà ta rời chuỗi hạt khỏi cổ! Và các cảnh sát khốn khổ của chúng ta đi theo dõi những cô hầu phòng, những viên quản lý đáng nghi ngờ... Chúng tôi đã phát hiện ra tất cả bọn họ đều nghiện ma túy. Nhưng vẫn còn câu hỏi số ma túy đó ở đâu ra?

- Và các ông cho rằng ở hộp đêm Xuống Địa ngục ư?

- Đúng, đây có thể là đại bản doanh. Chúng tôi cũng tìm thấy ma túy ở một cửa hiệu kim hoàn của một người tên là Paul Varesco... Tôi thấy hình như ông biết tên này, đúng không?

- Tôi đã gặp anh ta ở hộp đêm Xuống địa ngục.

- Đây là cái địa ngục mà tôi muốn biết. Đây là nơi tập trung của những kẻ bất lương. Nhưng phụ nữ ở đây rất xinh dẹp. Hộp đêm và hiệu kim hoàn có liên hệ với nhau. Tôi cho rằng hiệu kim hoàn là của hộp đêm. Đây là nơi lý tưởng cho mọi người ra vào, cả những phụ nữ xinh đẹp, cả những tên trộm cướp.

- Ông cho rằng đây là nơi trao đổi ma túy - đồ trang sức ư?

- Đúng. Tôi cho rằng người phụ nữ Nga ấy phụ trách việc đổi chác. Nhưng chúng tôi không có chứng cứ. Cách đây một vài tuần lễ chúng tôi thấy Varesco mang đá quí tới hộp đêm. Stevens đi theo dõi nhưng chúng không có cuộc trao đổi nào cả. Khi Varesco ra khỏi nơi này, chúng tôi đã bắt giữ và khám người hắn: không có viên đá quí nào trên người hắn. Người ta tới hộp đêm để khám, kết quả: không có đá quí, không có ma túy!

- Thất bại, đúng không?

- Như ông nói. Nhưng không phải là thất bại hoàn toàn. Cũng trong cuộc khám xét ấy chúng tôi đã tóm cổ được tên Peverel, kẻ giết người ở Battersea. Người ta nói hắn đã sang Ecosse, nhưng thực ra hắn ẩn náu ở đây.

- Có thể có một nơi trú ẩn ở những gian nhà phụ.

- Cái đó thì có thể. Nhưng người ta đã lục soát tất cả mà không thấy gì. Nhưng, nói riêng với nhau thôi, một trong những người của chúng tôi đến tận nơi và chút nữa thì bị con chó ấy vồ.

- Con Cerbere ư?

- Đúng. Cái tên rất tinh quái! Nói xem ông Poirot, nếu ông muốn có dịp may. Vụ này cũng rất xứng đáng. Nhất là ma túy!

° ° °

- Tôi muốn nói chuyện nghiêm chỉnh với bà - Poirot nói.

Anh tới hộp đêm lúc chưa có khách hàng. Bà bá tước và Poirot ngồi trước một chiếc bàn nhỏ bên cửa ra vào.

- Nhưng tôi không cảm thấy nghiêm chỉnh. Con bé Alice nghiêm chỉnh là một lẽ, còn giữa chúng ta, tôi thấy cái đó là không cần thiết.

- Tôi có cảm tình với bà - Poirot nói tiếp mà không bối rối - và tôi không muốn thấy bà lâm vào cảnh rắc rối.

- Nhưng ông đang nói gì vậy? Thật là mơ hồ! Tôi đang ở đỉnh cao của thế giới, tiền chảy vào như nước suối.

- Nơi này là của bà ư?

Bà ta nhìn đi chỗ khác.

- Chắc chắn là như vậy.

- Nhưng còn những người góp vốn.

- Ai nói với ông như vậy? - Bà ta hỏi ngay.

- Người góp vốn với bà là Paul Varesco.

- Ô! Paul Varesco! Ý kiến gì mà hay vậy?

- Anh ta có một tập hồ sơ tư pháp rất dày. Rất nhiều tên kẻ cướp đã tới đây, bà có nhận ra chúng không?

Bà bá tước cười lớn:

- Chắc chắn là tôi đã nhận ra. Ông không biết đây là vẻ hấp dẫn của Địa ngục ư? Họ tới đây để người này trông thấy người kia. Và để nói thêm, ở chiếc bàn bên kia, một người đàn ông đang vuốt ria mép, đó là một thanh tra của Scotland Yard, một cảnh sát mặc thường phục.

- A! Bà biết cả chuyện này.

- Nhưng, ông thân mến, tôi không đơn giản như ông nghĩ đâu.

- Ở đây bà cũng buôn bán ma túy nữa, đúng không?

- A! Cái đó thì không! Nó rất ghê tởm.

Poirot chăm chú nhìn bà ta.

- Tôi tin bà - Cuối cùng anh nói - Nhưng cơ ngơi này thuộc về ai? Rất cần thiết bà phải nói thật với tôi.

- Của tôi! - Bà ta nói một cách dứt khoát.

- Trên giấy, đúng. Nhưng đứng sau bà là ai?

- Ông biết không, ông thân mến, tôi thấy ông rất tò mò? Có đúng không Doudou?

- Bà gọi con chó ấy là gì?

- Đó là con Doudou của tôi.

- Thật là kỳ cục.

- Nó rất đáng mến! Đây là một con chó cảnh sát. Hắn biết làm mọi việc. Ông xem đây.

Bà hầu tước đứng lên nhìn xung quanh rồi cầm lấy đĩa bí-tết trên bàn bên cạnh. Xong việc bà ta cầm đĩa thịt đến đặt trước mặt con chó và nói với nó điều gì bằng tiếng Nga.

Con Cerbere vẫn ngồi thẳng người, không hề chú ý đến miếng thịt.

- Ông thấy chưa? Không phải chỉ trong một vài phút mà trong nhiều tiếng đồng hồ, nếu cần.

Bà ta lại nói nhỏ một câu nữa và, ngay tức khắc con Cerbere vươn cổ đớp ngay lấy miếng thịt.

Vera Rossakoff ôm lấy đầu con chó và hôn rối rít.

- Nó có khôn không? Tôi, Alice và các bạn tôi... nó có thể làm mọi việc mà chúng tôi muốn. Chỉ cần nói với nó một mật khẩu! Tôi có thể cam đoan với ông nó sẽ cắn nát một thanh tra cảnh sát, ví dụ như vậy! Cắn nát thành muôn mảnh.

Bà ta lại cười to.

- Tôi chỉ cần nói với nó một câu!

Poirot không thích kiểu đùa của bà bá tước. Thanh tra Stevens có thể gặp nguy hiểm.

- Giáo sư Liskear muốn nói chuyện với bà - Anh nhanh trí nói.

Ông giáo sư đứng trước mặt bà ta, nói một cách chê trách.

- Tại sao bà lại lấy dĩa bí-tết của tôi?

° ° °

- Chiều thứ năm, ông bạn. Andrew, đội trưởng đội chống ma túy sẽ giải quyết vụ này. Nhưng anh ấy sẽ rất hài lòng nếu ông có mặt.

Cốc rượu của Japp đã cạn, anh ta nói tiếp:

- Tôi có cảm giác là chúng tôi đã nắm chắc tình hình. Chúng tôi đã tìm ra một con đường bí mật.

- Ở đâu vậy?

- Đằng sau hàng rào. Người ta có thể quay ngang nó để đi. Đến bậc cuối, điện tắt từ công-tơ. Chúng tôi cần một vài phút để sửa chữa. Không ai được ra khỏi đây cả, ngôi nhà đã được canh giữ... Chúng tôi đã điều tra những ngôi nhà chung tường và chúng tôi đã tìm ra...

- Rồi các ông sẽ làm gì? - Poirot hỏi.

Japp nháy mắt.

- Cảnh sát xuất hiện, điện tắt và có một người bên kia cánh cửa bí mật nhìn xem chúng có những hành động gì. Lần này thì chúng tôi tóm gọn.

- Tại sao lại vào thứ năm?

- Chúng tôi đã biết rõ cách làm việc của cửa hiệu kim hoàn. Nó xuất hàng vào thứ năm. Những viên đá quý của bà Carrington.

- Ông cho phép tôi tiến hành một vài việc chuẩn bị, được không? - Poirot hỏi.

° ° °

Thứ năm tiếp đó, ngồi bên chiếc bàn quen thuộc, Poirot nhìn xung quanh.

Bà bá tước hôm nay trang điểm có phần lộng lẫy hơn. Bà ta tỏ ra Nga hơn. Bà ta vỗ tay, cười lớn. Paul Varesco đã tới. Vận bộ đồ buổi chiều để cải trang. Trông hắn rất hấp dẫn nhưng có vẻ lo lắng. Buông tay khỏi một người đàn bà to béo, người đầy đá quý, hắn đến trước mặt Alice Cunningham đang ghi gì đó vào một cuốn sổ nhỏ. Hắn yêu cầu được nhảy với cô gái. Người đàn bà to béo hằn học nhìn Alice và trông theo Varesco một cách tiếc rẻ.

Khi âm nhạc tắt, Alice đến ngồi bên Poirot! Cô ta vừa có vẻ bối rối vừa tỏ ra sung sướng.

- Rất thú vị - Cô ta nói - Varesco sẽ là nhân vật quan trọng trong cuốn sách của tôi. Người ta không thể nhầm lẫn trong xu hướng tượng trưng được...

- Ảo tưởng đắt giá của phụ nữ là họ tin rằng mình có thể cải tạo được kẻ bất lương.

- Tôi làm việc này không vì một tình cảm cá nhân nào cả! Thưa ông Poirot - Cô gái cãi lại với giọng lạnh lùng.

- Nhưng bao giờ cũng vậy, lòng vị tha trong sáng nhất bao giờ cũng có đối tượng là một chàng trai xinh đẹp như là ngẫu nhiên. Cô có ngạc nhiên khi được biết thái độ của tôi khi đến lớp học không?

- Ông không phải là một tên tội phạm.

- Cô có thể nhận ra những kẻ phạm tội khi gặp bọn chúng không?

- Chắc chắn là có.

Giáo sư Liskeard đến ngồi bên Poirot.

- Các vị đang nói về bọn tội phạm ư? Ông cần nghiên cứu luật Hammourabi, 1800 năm trước Công nguyên. Thật là thú vị: Người đàn ông nào bị bắt quả tang đang ăn cắp trong một đám cháy sẽ bị ném vào lửa.

Ông ta đang nhìn vào hàng rào.

- Có những đạo luật của Sumer cổ nhất - Ông ta nói tiếp - Một người đàn bà thù ghét chồng mình thì bị ném xuống sông. Nhưng một người đàn ông có những tình cảm tương tự đối với người vợ thì được thưởng một số tiền. Không ai ném anh ta xuống sông cả.

- Bao giờ cũng chỉ có một chuyện như vậy - Alice nói - Một đạo luật cho đàn ông, một đạo luật khác dành cho đàn bà.

- Phụ nữ rất ham thích của cải có một giá trị tiền tệ lớn nhất. những người Babylone là giỏi nhất trong việc này.

Một tiếng ồn ào lấn át tiếng của ông giáo sư. Một người nào đó kêu to "Cảnh sát!". Phụ nữ hốt hoảng đứng lên. Đèn vụt tắt...

Khi có ánh sáng thì Poirot đã đi được một nửa cầu thang dẫn ra ngoài phố. Những người cảnh sát đang canh gác chào anh. Poirot ra phố. Một người đàn ông rất nặng mùi, một bông hồng cài trên ve áo đang đợi anh ở chân tường.

- Tôi đấy, thưa sếp - Người ấy nói bằng giọng ồm ồm - Đến lượt tôi chứ?

- Phải, vào đi!

- Sếp nói xem, có rất nhiều cảnh sát...

- Không sợ. Tôi đã nói về anh với họ rồi.

- Họ không nhúng mũi vào việc này chứ?

- Không. Anh sẽ xử trí ra sao? Con chó rất lớn và rất dữ tợn.

- Nó sẽ không dữ tợn với tôi. Với những thứ tôi hiện có trên người... con chó nào cũng phải theo tôi xuống địa ngục.

- Nhưng con chó này phải ra ngoài địa ngục kia.

° ° °

Tiếng chuông điện thoại réo vào lúc sáng tinh mơ. Poirot nhấc máy.

- Ông đã yêu cầu tôi gọi cho ông! - Tiếng của Japp cất lên.

- Phải, đúng như vậy, thế nào rồi?

- Không tìm thấy ma túy, nhưng chúng tôi đã có những viên ngọc lục bảo.

- Lấy ở đâu?

- Trong túi giáo sư Liskeard.

- Giáo sư Liskeard ư?

- Ông ngạc nhiên ư, cả ông nữa? Ông giáo sư đã ngây ngô như một đứa trẻ. Ông ta không hiểu tại sao lại có những viên ngọc trong túi áo mình. Tôi tin rằng ông ta nói thật. Ông ta chỉ có thể có tiền để mua sách cũ thôi. Tôi cho rằng trong hộp đêm này không có ma túy.

- Ô! Ông bạn, đêm hôm nay chắc chắn sẽ có... Nói xem, những ai không bị bắt giữ?

- Có hoàng tử Henry Scandenberg và người tùy tùng, họ mới tới nước Anh vào ngày hôm trước. Ông Evan, bộ trưởng, người của Công đảng, chắc chắn ông ta đã tiêu bằng tiền đóng thuế của dân chúng. Cuối cùng là phu nhân Viner, hai ngày nữa sẽ kết hôn với quận công Loeminster. Tôi tin rằng không một người nào trong số này dính líu tới vụ buôn lậu.

- Ông có lý. Nhưng đêm nay chắc chắn sẽ có ma túy trong hộp đêm này. Một người nào đó sẽ lôi ra.

- Ai vậy?

- Tôi, ông bạn.

Poirot phải gác máy vì chuông cửa đang réo. Anh ra mở cửa và nữ bá tước Rossakoff chạy ùa vào.

- Nếu chúng ta không già thì tôi là người sẽ gặp nguy hiểm! - Bà ta kêu lên - Tôi tới đây theo lệnh ông. Một viên cảnh sát đã bám sát tôi và đang đợi tôi ở dưới phố. Có chuyện gì vậy, ông bạn?

Tế nhị, Poirot tránh cái nhìn của bà ta.

- Tại sao bà lại cho những viên ngọc lục bảo vào túi giáo sư Liskeard? - Anh hỏi - Việc này chẳng lịch sự chút nào!

Bà bá tước mở to mắt.

- Ô! Tôi đút chúng vào túi ông đấy chứ?

- Vào túi tôi ư?

- Phải, tôi chạy vội đến chiếc bàn mà ông đang ngồi khi đèn vụt tắt. Có lẽ là tôi đã nhầm.

- Tại sao bà lại định nhét vào túi tôi những viên ngọc ăn cắp được?

- Tôi cho rằng đây là cách tốt nhất có thể làm được.

- Đúng thế, bà thật là quá đáng!

- Không phải như vậy, ông thân mến, xin ông hãy đặt mình vào địa vị tôi lúc ấy. Cảnh sát đã tới, đèn tắt và một bàn tay thò vào túi xách của tôi. Sờ vào qua lớp nhung tôi thấy một vật gì đó rất cứng. Tôi mở ra và tôi biết ngay ai đã làm việc này.

- A!

- Đúng thế! Thằng mất dạy! Con rắn độc! Đồ quỷ sứ! Cái thằng cặn bã Paul Varesco!

- Người góp vốn với bà ư?

- Phải! Hắn chính là chủ hộp đêm. Chính hắn là người mang tiền đến. Tôi không muốn phản thùng hắn. Tôi giữ lời hứa. Nhưng bây giờ hắn chơi lại tôi, đẩy tôi vào vòng nguy hiểm. Tôi nhổ vào tên của hắn!

- Xin bà bình tĩnh lại và mời bà đi theo tôi.

Anh mở cửa một căn phòng nhỏ trong đó có một con chó, con Cerbere, quen thuộc với Địa ngục nay đang chiếm cả phòng ăn của Poirot. Người nặng mùi đang đứng bên cạnh con vật.

- Doudou! - Bà tá tước kêu to - Doudou con vật yêu quí của ta!

Cerbere vẫy đuôi nhưng vẫn ngồi yên.

- Xin phép được giới thiệu đây là ông William Higgs - Poirot nói - Ông Higgs đã chinh phục được con Cerbere đi theo ông đêm hôm qua.

- Ông ư? Ông làm như thế nào?

Higgs cúi mặt ra chiều xấu hổ.

- Thật khó nói khi đứng trước mặt một phụ nữ. Với cách làm này thì con vật nhất định phải khuất phục. Kể cả đối với con chó cái cũng vậy thôi, bà hiểu chứ?

Bà bá tước quay sang Poirot.

- Nhưng tại sao?

- Một con chó biết ngậm trong mõm một vật cho đến khi người ta bảo nó nhả ra, trong nhiều tiếng đồng hồ, nếu cần. Bây giờ bà hãy ra lệnh cho nó nhả cái mà người ta bắt nó giữ trong mõm nó, được không?

Vera Rossakoff có vẻ rất ngạc nhiên nhưng cũng nói với con chó hai câu ngắn gọn.

Cerbere há mõm để rơi ra một vật.

Poirot nhặt lên một gói bọc bằng mảnh cao su màu đỏ lên. Anh mở gói ra. Trong gói có chất bột trắng.

- Cái gì vậy? - Nữ bá tước hỏi.

- Cô-ca-in. Không nhiều lắm, đúng không? Nhưng cũng phải trả nhiều triệu li-vrơ nếu muốn mua nó và nó sẽ gây tai họa cho rất nhiều người.

- Và ông tin rằng... - Bà ta nói - Xin thề với ông nó không phải là của tôi! Tôi cũng chơi đùa với chó bằng quả bóng bằng cao su... cho vui thôi. Bây giờ tại sao lại có cái này?

- Đó là điều tôi nghĩ khi nhìn thấy con chó - Ông Higgs nói.

- Bà không thể phân biệt cái thiện với cái ác - Poirot chê trách.

- Nhưng đây là ma túy. Tôi không nghĩ người ta lại dùng nó trong hộp đêm của tôi. Nói xem, ông tin tôi chứ?

- Tôi tin bà. Tôi không muốn người ta làm hại bạn bè của mình. Bà là người phải trả giá khi công việc của chúng không trót lọt. Người ta phải tìm thấy những viên đá quí trong túi xách tay của bà và nếu có một người thông minh (như tôi) thì người ta sẽ thấy ma túy trong mõm con chó của bà. Con chó chấp nhận Alice cũng là do lệnh của bà. Đứa con gái với những tiếng lóng khoa học trong bộ đồ thể thao có nhiều túi lớn làm tôi nghi ngờ ngay từ đầu. Thật không bình thường đối với một phụ nữ bị coi thường ngay ở vẻ bề ngoài. Còn những chiếc túi! Chúng có thể chứa những viên đá quí và cô-ca-in. Việc trao đổi rất dễ dàng khi cô ta khiêu vũ với kẻ tòng phạm. Một vỏ bọc rất đẹp. Ai lại nghi ngờ một thày thuốc tâm lý? Cô ta có thể tạo cho những con bệnh giàu có của mình thói quen dùng ma túy... Nhưng cô ta đã khinh thường Hercule Poirot. Khi đèn tắt, tôi đã tới ngồi bên con Cerbere. Tôi nghe thấy tiếng chân của Alice chạy lại. Cô ta đã làm cho con chó há mõm ra và đặt cái gói vào đấy. Còn tôi, rất nhẹ nhàng, với chiếc kéo, tôi đã cắt một mẩu vải trên ống tay áo của cô ta. Tôi sẽ đưa nó cho thanh tra Japp để so sánh vài và bắt giữ cô ta. Người ta sẽ nói Scotland Yard rất khôn ngoan.

Nữ bá tước Rossakoff ngạc nhiên nhìn anh và rồi bà ta rú lên:

- Nhưng, Niki, con trai tôi... Niki, con trai tôi, nó sẽ rất đau khổ...

- Ở Mỹ còn rất nhiều con gái.

- Không có ông thì mẹ nó đã vào trong nhà tù, cạo trọc đầu! Ôi, ông thật là tuyệt vời, thật là tuyệt vời...

Bà ta nhảy lại, ôm lấy cổ Poirot và hôn thật lâu dưới cái nhìn có vẻ như đánh giá của ông Higgs.

Con Cerbere vẫy đuôi.

Tiếng chuông cửa cắt ngang cảnh vui vẻ này.

- Japp! Poirot nói và gỡ tay người bạn ra.

- Tốt nhất là tôi nên tránh mặt sang phòng bên, đúng không? - Bà bá tước gợi ý rồi biến mất.

Poirot định ra mở cửa thì ông Higgs gọi giật lại.

- Sếp! Xin sếp nhìn vào chiếc gương đã.

Làm theo lời khuyên của anh ta và anh giật mình lùi lại: mặt anh có vết son môi.

- Nếu là Japp ở Scotland Yard thì anh ta sẽ hình dung là đã có chuyện tệ hại...

° ° °

Một tuần lễ sau, bà Lemon, thư ký riêng của Poirot, mang một tờ hóa đơn vào gặp chủ.

- Xin lỗi ông Poirot, nhưng tôi có phải chi khoản này không? "Leonora, người bán hoa. Hoa hồng đỏ, mười một livres, tám shillings, sáu xu gửi cho bà Vera Rossakoff ở nhà hàng "Dưới địa ngục".

Poirot mặt đỏ lên tận mang tai.

- Hoàn toàn đúng theo lệnh, bà Lemon... Một phần đóng góp nhỏ... Con trai bà bá tước làm lễ hứa hôn với con gái ông chủ một tập đoàn sắt thép của anh ta ở Mỹ. Bà ta vẫn rất thích hoa hồng đỏ.

- Rất có thể, nhưng vào mùa này hoa hồng đỏ rất đắt.

- Có những lúc người ta không thể tiết kiệm được, anh trả lời.

Rồi với những bước chân mềm mại, Poirot ra khỏi phòng, miệng huýt sáo. Bà thư ký nhìn theo và rất ngạc nhiên:

- Ôi Trời! - Bà lẩm bẩm - Vào tuổi ông ấy... Ô!... Không...

HẾT

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kkkkk