[1] Hạn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Làng Yên đến hạn rồi. Người ta ai cũng bảo nhau thế.

Dạo gần đây, không khí lúc nào cũng nặng nề. Ông giời cứ mặt nặng mày nhẹ, nắng không có, mà mưa cũng chẳng thấy đâu. Bầu trời chỉ toàn một mảng xám xịt. Mà không có mưa thì sông khô giếng cạn, cả làng thiếu nước, mùa màng cũng chẳng bội thu như mọi năm.

Dân làng bèn làm lễ hỏi thầy cúng, muốn dâng lòng thành kính lên bề trên, đồng thời hỏi xem có cách nào giải hạn không.

Thầy cúng nói, muốn giải hạn, hãy gả vợ cho người con trai sinh vào giờ Dần ngày Nguyệt Kỵ.

Mà cả cái làng này, có đúng một người sinh vào ngày giờ đó thôi. Đó là Song Ngư, cậu út nhà ông Tứ.

Gả vào nhà ông Tứ thì sướng quá rồi còn gì? Ông Tứ giàu nứt đố đổ vách, cơ nghiệp cũng cả trăm mẫu ruộng, nhà cao cửa rộng. Nghe đồn sau khi cậu út được sinh ra, ông phất lên ghê lắm. Nên ông rất cưng chiều cậu, coi cậu như bảo vật trong nhà.

"Cái con gà bệnh ấy có chó thèm lấy." Bà ba nghe xong câu chuyện, nhổ toẹt bãi trầu xuống.

"Ấy, bà cũng quá lời rồi. Được gả cho cậu là phước phận cả đời, ai mà nỡ từ chối." Già làng tiếp lời. "Huống chi, thầy cũng nói đây là cơ hội để cậu khỏi bệnh."

"Linh tinh, nếu lấy vợ có thể chữa bệnh thì cần gì thầy lang?" Bà ba nhíu mày.

"Bà cũng biết tiếng thầy Chung còn gì? Thầy đã nói sai bao giờ đâu?"

Ông Tứ không lên tiếng. Nhưng câu vừa rồi đã chọc đúng chỗ ngứa của ông. Chiếc kéo tỉa cây cứ đứng khựng mãi ở không trung.Già làng nhẹ nhàng tiến về phía ông Tứ, vỗ vỗ vào lưng ông như để an ủi:

"Tôi hẵng đến thông báo như vậy, quyết định nằm ở ông thôi. Cảm ơn đã nghênh đãi bà già này."

Thấy ông không phản ứng, già lắc đầu thở dài:

"Nghiệt chủng... đến chết vẫn là nghiệt chủng mà thôi."

Lời vừa dứt, ông Ngũ cắt cái rụp. Nhành hoa mới nhú chưa bao lâu đã lìa cành, nằm lạnh lẽo trên nền gạch đỏ. Bà ba chép miệng đứng dậy:

"Ối chao, sinh ra thì mẹ mất. Trời tru đất diệt mới phải đạo."

Phòng cậu út cách nhà chính chẳng xa, nên bà ba càng cố cất cao cái giọng chua ngoa của mình cốt để cậu nghe được, biết đường mà an phận đi. Nhưng nghe được rồi, Song Ngư cũng chẳng mấy bận tâm, ngón tay thon dài tiếp tục lật sang trang kế. Cậu quen rồi. Ngoại trừ thầy và anh cả, từ khi cậu ra đời, cái nhà này ai chẳng đay nghiến cậu? Đám gia nhân trong nhà không nói xấu thì cũng chì chiết nguyền rủa cậu mà thôi.

Nhưng được sinh ra đâu phải lỗi của cậu?

Song Ngư gập cuốn sách lại. Con Yết đang nằm lăn lóc dưới sàn cũng vì vậy mà giật mình thức giấc. Nó vội cất cuốn sách, giúp cậu uống trà rồi đỡ cậu nằm xuống.

"Còn buồn ngủ không?"

Nó lắc đầu lia lịa, cái đầu rối bù trông đến là buồn cười. Nhẩm đếm hình như bây giờ đã là giờ Dậu, nó vội vã cầm cái khay rồi chạy đi mất. Song Ngư khó hiểu, tay với lấy cái đồng hồ quả quýt ở trên giường. À, hóa ra là đi lấy bữa tối.

Nói về người không cay nghiệt với Song Ngư, chắc là có thêm Thiên Yết. Nghe đâu nó được ông Tứ thương tình nhặt về. Nó chăm cậu từ sáng đến tối, cũng không hề tỏ thái độ nề hà hay phiền phức gì.

Cậu phì cười, một con câm thì có thể làm gì chứ? Nếu cái lưỡi kia không bị cắt, chẳng phải nó cũng sẽ nói xấu cậu sao? Cậu chẳng tin nó lắm đâu. Sống lâu cùng những cái miệng độc địa kia, hẳn tư tưởng và suy nghĩ của nó cũng ảnh hưởng nhiều lắm rồi.

Nhưng cậu nghĩ vậy thì oan cho nó quá. Bởi vì Thiên Yết hoàn toàn tự nguyện muốn chăm sóc cậu.

Yết với tay lên chạn lấy cái bát, xới một tô cơm đầy. Rồi nó múc thêm một bát canh với lấy mấy miếng thịt kho, còn cẩn thận dùng kéo cắt nhỏ ra cho cậu. Bà Thăm đang đun bếp cũng quay ra cau có nhìn:

"Thanh niên trai tráng mà lắm chuyện gớm!"

Nó nhíu mày, mỏ chu ra không hài lòng. Ai ác với cậu út, nó đều không thích. Thế là trước khi bà ra ngoài, nó liền cố ý gạt chân một cái, khiến bà mất thăng bằng mà ngã sóng xoài ra đất, rổ rau văng tung tóe. Bà gào ầm lên:

"Cha bố con câm kia, mày dám chọc vào bà à?"

Nhưng con bé đã lủi đi từ bao giờ rồi. Bà Thăm đứng dậy, xương kêu rắc một tiếng đau điếng. Bà giận lắm, nhưng không thể làm gì được. Con Yết chỉ quanh quẩn bên cậu út, mà dù có căm ghét đến đâu bà cũng chẳng dám kinh động đến cậu. Vậy là đành nén cơn giận, thu dọn rồi quay trở lại với công việc.

Một đám người ở ngồi trong bếp đang xì xào bàn tán, thấy bà Thăm trở vào liền lập tức im bặt. Có đứa đon đả lấy ghế cho bà ngồi, cười nói:

"Bà chấp nó làm gì, chỉ tổ mệt người."

"Nó dạo này càng lúc càng không coi ai ra gì. Chẳng lẽ tao lại để nó leo lên đầu lên cổ mình ngồi?"

"Mà cũng chẳng biết cha mẹ nó là ai nhỉ?"

"Chắc cũng một phường mèo mả gà đồng, làm gì còn mặt mũi mà ở lại làng này?"

"Phước nó lớn nhỉ, được ông Tứ nhặt về. Chăm sóc cậu út tốt thế, có khi sau này lại được gả cho cậu cũng nên."

"Con Huệ, mày cũng muốn được gả cho cậu út hả? Thế nhường anh Khoai cho tao nhé?" Con Cúc khoái chí trêu chọc.

"Úi giời, mày nghĩ gì thế? Cậu út mà cũng so được với anh Khoai à?"

"Biết đâu đấy. Ha ha!"

"Chúng mày thổi cơm xong chưa mà ngồi túm tụm ở đây?"

Cả đám người đang rôm rả, nghe tiếng quát liền vội vã trở lại công việc. Chết rồi, cậu cả đến từ bao giờ thế? Đã nghe thấy những gì rồi?

Cái nhà này, sợ nhất là cậu cả - Bảo Bình, rồi mới đến ông Tứ. Nghe đâu, con Cúc suýt nữa thì bị cậu đánh chết vì dám trái ý cậu. Cúc không dám kể những chuyện xảy ra hôm đó, nó sai rành rành rồi, và nó sợ lại vạ miệng. Thế nên, chẳng ai dám ho he gì với cậu cả.

"Lấy cơm cho cậu út chưa?"

"Dạ bẩm cậu, cái Yết đã lấy rồi ạ. Dạ, cơm cũng sắp xong rồi, tôi sẽ bê lên luôn."

"Đã mua đủ đồ làm cơm cúng chưa?"

"Dạ bẩm cậu, đã mua đủ ạ."

Cậu cả gật đầu rồi rời đi. Bà Thăm khẽ thở phào một tiếng, nhanh chóng sắp bát đũa:

"Nhanh lên, ông lại quở cho bây giờ."

Từ ngày bà cả mất, ông Tứ cứ trầm hẳn xuống. Căn nhà lúc nào cũng đượm nét u buồn. Ông Tứ thắp một nén nhang, lầm bầm khấn gì đó. Rồi ông vươn tay muốn vén tấm vải che di ảnh của bà cả lên, bàn tay chai sạm run rẩy từng hồi. Ông muốn nhìn thấy bà dù chỉ là một giây, nhưng nhớ đến những lời răn của thầy Chung, ông lại ngập ngừng rồi buông tay xuống. Mắt ông hướng nhìn vào cái bọc trắng đặt cạnh di ảnh của bà cả, nỗi xót xa càng lúc càng dâng cao.

Than ôi, cái nghiệp này thật nặng quá. Ông không biết là mình còn có thể gánh đến bao giờ nữa.

"Mời thầy xơi cơm."

Cậu cả đã đứng sau thầy từ lúc nào rồi. Cậu chăm chăm nhìn vào di ảnh, rồi lại nhìn thầy mình. Cậu không nói gì, nhưng ông Tứ hiểu, nó vẫn đang trách mình. Trách rất nhiều chuyện.

Ông Tứ thở dài, ngồi xuống chiếc phản đã bày sẵn mâm cơm. Bà tư nhanh nhẹn ngồi bên cạnh rót rượu cho ông Tứ. Bà ba lắc đầu, bảo con dâu đơm sẵn cơm ra, rồi cũng ngồi xuống cạnh ông.

Ông Tứ uống cạn chén rượu, khà một tiếng rồi hỏi:

"Cậu Mã với thằng ba lại không ăn à?"

"Xưởng có việc gấp, cậu vừa về lại đi rồi." Bảo Bình gắp một miếng thịt cho thầy, rồi lập tức chú tâm vào ăn cơm.

"Thằng ba lại quá chén ở chỗ nào hả?"

"Ấy, ông nghĩ vậy lại oan cho nó quá. Sư Tử gần đây đã bắt đầu chú tâm làm ăn rồi." Bà ba lập tức giải thích.

"Làm gì thì làm, đêm nay không được vắng mặt đâu đấy."

"Dạ, em biết rồi mà. Thôi, cậu ăn đi. Cũng có tuổi rồi, nay còn thức khuya."

Bữa cơm ở cái nhà này càng lúc càng khó nuốt. Bảo Bình nghĩ thế. Không phải là không ngon, mà là vì phải ngồi ăn cùng những người cậu không thích.

Mà, phải dùng từ "căm ghét" mới đúng chứ?

"Thằng cả, đã ưng ý đứa nào chưa?"

Bảo Bình thở dài, lại nữa rồi.

"Học gì thì học, đừng có học cậu Mã của mày. Bao nhiêu tuổi rồi mà còn không chịu yên bề gia thất? Định lông bông đến chừng nào nữa?"

Bà ba tiếp lời:

"Bà mối cũng giới thiệu nhiều đối tượng lắm, chỉ cần cậu đồng ý thôi."

Bảo Bình buông bát đũa xuống, bình tĩnh nói:

"Tôi đã nói rất rõ với thầy là tôi sẽ chỉ rước ai thôi nhỉ?"

"Mày vẫn còn tơ tưởng đến cái đứa mèo mả gà đồng đấy à? Định bôi tro trát trấu vào mặt tao đến chừng nào nữa?"

"Việc này thì thầy là người rõ nhất chứ?"

Ông Tứ sững lại. Ý thằng con ông là gì? Nó đang muốn nhắc đến chuyện này? Hay chuyện kia?

"Muốn người khác không biết, thì tốt nhất là đừng làm."

Nói rồi, Bảo Bình lập tức rời khỏi nhà chính. Cậu không muốn ở lại thêm một chút nào nữa. Nói không chừng, cậu sẽ không kìm được mà bất kính với thầy mất thôi.

Một câu vừa rồi của cậu khiến thầy tức điên người, mạnh tay ném cái chén xuống sàn. Bà ba đưa mắt nhìn người duy nhất không lên tiếng suốt từ đầu bữa - Thiên Bình. Cô con dâu gật đầu tỏ ý đã hiểu, vội bồng đứa con về phòng. Lúc đứa trẻ rời đi rồi, bà ba mới ngọt ngào bóp chân cho ông Tứ, dịu giọng:

"Kìa cậu, mình đã là người có tuổi, việc gì phải thế?"

"Ôi chao, để phận con cháu lên tiếng dạy dỗ như thế, chị ba cũng thật rộng lượng." Bà tư che miệng cười.

"Em tư, đừng cắt nghĩa câu chữ của chị." Bà ba nén giận.

"Nào em dám thế. Nhưng cậu cả bây giờ chẳng hề kiêng nể. Dám có ngày cậu ấy dắt vợ về mà không cần thưa chuyện với người thân sinh ra mình ấy chứ?"

"Là nó thì dám lắm."

Cậu cả Bảo Bình chưa từng là một người con ngoan hiền, chỉ là cậu biết ứng xử chừng mực. Chí ít thì, cho đến thời điểm hiện tại, Bảo Bình là đứa con mà ông Tứ ít phải bận tâm nhất.

Nhưng giờ khác rồi. Thằng con tưởng chừng sẽ làm ông an lòng, lại muốn rước một con đàn bà chửa hoang về. Hơn nữa, cái đứa đó lại còn nói điên nói khùng. Ngày nó bị cả làng cạo đầu bôi vôi rồi thả trôi sông, chẳng biết dạt về đâu hay đã rục xương dưới sông Thao rồi.

Ông Tứ tiếp tục uống rượu. Chết thì càng tốt.

Nhưng ngộ nhỡ nó chưa chết thì sao?

"Không hiểu sao trời cứ càng lúc càng oi thế nhỉ?" Bà ba than phiền.

"Cũng quá ba tuần trăng chưa mưa rồi còn gì. Còn mấy nữa là cấy mùa tám đâu?"

"Thế cậu định thế nào? Chuyện gả vợ cho cậu út..."

Lời bà ba chưa dứt, mà ngoài trời đang oi, đột ngột nổi lên một trận gió lớn. Gió mát lắm, mang theo mùi hương của đất trời, làm dịu đi phần nào cái nóng oi ả. Đâu đó còn nghe thấy tiếng sấm đì đùng. Ông Tứ nhớ lại mấy lời mỉa mai của già làng, tặc lưỡi nói:

"Cái hạn của làng lại muốn đổ lên một mình thằng út à?"

Gả vợ ư? Cho một người vốn mang họa sát thân?

Giải hạn ư? Cho một nơi thấm đẫm máu tanh, chất chứa biết bao oán thán?

Lời của thầy Chung ư? Một gã thầy bói chả biết chui từ đâu ra với một bụng toan tính âm mưu?

"Qua đêm nay hẵng tính."

To be continue...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro