[2] Tang

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Này, biết gì chưa? Cậu út nhà ông Tứ đi rồi."

"Cái gì? Đi rồi? Từ bao giờ?"

"Nghe bảo đêm qua."

"Gớm chửa, đúng ngày mẹ mất. Đúng là nghiệt chủng."

"May quá còn gì. Trời thương trời đưa nó đi, cũng đỡ phải tội đứa nào gả cho nó."

"Cũng đúng."

"Này, nhưng mà sao trời mãi chưa mưa nhỉ?

Trời thậm chí còn nắng to hơn hôm qua nữa.

Vậy là, lại lục tục kéo nhau sang nhà thầy Chung để hỏi. Nghiệp chướng đi rồi, sao ông trời vẫn không chịu cho mưa xuống.

Thầy Chung chẳng hề bất ngờ, điềm tĩnh trả lời:

"Chết rồi cũng phải gả vợ."

Vốn tưởng rằng, cậu út là cái đồ xui xẻo, là cái nghiệp mà cả làng phải đỡ. Mà giờ thì đúng thật, chết rồi vẫn chẳng chịu buông tha cho làng.

Gả vợ cho một người chết ư?

Cả làng lại được dịp náo loạn. Ai mà lại muốn gả con gái cho người đã khuất chứ? Lời qua tiếng lại một hồi lâu vẫn chưa đi đến kết quả. Già làng đăm chiêu suy nghĩ rồi đứng dậy:

"Đến nước này rồi, đừng loạn nữa."

"Bẩm bà, thế là..."

"Chọn một đứa con gái đi. Còn lại theo tao đến nhà lão Tứ."

"Bẩm bà, nhưng..."

"Nếu còn muốn sống thì mau làm đi."

Có người định phản bác, nhưng nghe đến đấy lại thôi. Gần đây còn chẳng có đủ nước sinh hoạt, lương thực cũng giảm sút. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì e là cả làng diệt vong thôi.

Người ta thương con, người ta hận cậu út. Kẻ hả hê, cười rằng sống đến ngày nay đã là phúc phần lớn nhất cả đời của cậu. Lại có người tặc lưỡi xót xa, dù sao cũng là một kiếp người.

Ngoài kia trời vẫn nắng chang chang, nhưng không hiểu sao vừa vào cổng nhà ông Tứ, không khí cứ âm u lạ thường. Phải chăng do người mới mất nên thế?

Đến nơi đã thấy thầy Chung đã có mặt từ bao giờ rồi, đang chỉ đạo sắp xếp để làm lễ cho kịp giờ lành. Ông Tứ mặt cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, lại có phần nhếch nhác. Chắc là đã thức cả đêm. Thấy có người đến, ông quay ra nhìn, rồi tỏ vẻ bất mãn. Ông đã cố gắng làm mọi thứ nhỏ nhất có thể, thế mà vẫn đến tai đám người này.

"Người đã mất không thể sống lại, xin hãy nén bi thương."

Ông Tứ khinh khỉnh, không phải là mong con trai ông chết lắm sao?

"Vẫn còn chưa tới giờ, già làng đã vội vàng thế?"

"Lão Tứ, bà già này vẫn còn nể lão nên mới sang thưa chuyện với lão. Chuyện lần trước, lão đã nghĩ xong chưa?" Già làng nghiêm túc hỏi.

"Người thì đã mất, bà vẫn còn muốn nói chuyện này sao?"

"Cậu út chưa vợ, ông nỡ để con mình đơn độc sang bên kia sao? Huống hồ đây cũng là tục lệ của làng."

Ông Tứ lặng người. Đúng rồi, làng vẫn có lệ làm lễ thành hôn cho những người đã mất.

"Nhưng cũng không nhất thiết phải làm thế. Không phải tục lệ đó đã bỏ bao nhiêu năm rồi sao? Nó sinh ra đã khổ rồi, giờ đến lúc nhắm mắt các người cũng không để nó yên sao?"

"Ông Tứ ăn sung mặc sướng, quên hết người trong làng rồi đấy phỏng?" Những người theo sau bắt đầu lên tiếng.

"Nhà giàu thích nhỉ? Trong khi chúng tôi nai lưng ra làm cũng chẳng đủ ăn."

"Không chịu tích đức, giờ thì nghiệp đến rồi đấy."

Ông Tứ tức điên người. Cái làng này thường ngày tránh nhà ông như tránh tà, giờ còn bày đặt tình làng nghĩa xóm ư?

"Nó đã chết rồi! Còn có thể làm gì chứ? Để nó yên!"

"Thầy Chung nói rồi, không làm sẽ không có mưa. Chúng tôi đói khổ đã mấy vụ mùa rồi."

"Chừng nào trời chưa đổ mưa thì ông đừng mong yên ổn."

"Làm đi! Vì làng cả thôi."

Bảo Bình bình thản đứng xem người ta dồn ép, chỉ trích thầy của mình. Đúng là vì lợi ích của bản thân, chuyện gì cũng có thể nói được. Họ có vui không nhỉ, khi những lời nói cho sướng miệng đó đang đẩy người ta vào đường cùng? Còn thầy, không biết thầy đã hiểu cảm giác tuyệt vọng ấy hay chưa, khi mà chẳng một ai đứng ra nói đỡ giúp thầy một câu? Thầy đã từng làm vậy với người ta mà, thầy có nhớ không?

Bảo Bình ghét nhất cái thói gièm pha và nhiều chuyện của làng. Chưa hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện, từ miệng người này sang miệng người khác đầy sự xét nét và đố kị, mỗi người một câu, lại thành ra hiểu lầm. Mà hiểu lầm này, nhiều khi lại dẫn đến một kết cục tồi tệ khác. Cậu lúc đó không có mặt, cũng chỉ nghe cậu ba Sư Tử kể lại bằng giọng điệu mỉa mai và chẳng có lấy một chút xót thương, dầu cho cậu ba cũng từng thích người ấy. Cuộc trò chuyện kết thúc, cậu ba ra về với hốc mắt tím bầm, cười khùng khục như điên dại.

"Đáng đời!"

À, hóa ra tình người cũng chỉ đến như thế.

"Trước mắt, xin hãy bình tĩnh. Đừng làm phiền người đã khuất nữa." Thầy Chung lên tiếng. "Lão Tứ, chúng ta nói chuyện một lát."

Già làng giơ tay bảo mọi người yên lặng. Thầy Chung kéo ông Tứ vào một góc khuất người. Chẳng biết hai người nói gì với nhau, chỉ thấy chừng một lát sau, thấy ông Tứ đi ra, cho người chuẩn bị sính lễ.

"Về kêu người nhà gái chuẩn bị đi. Giờ Thân rước dâu, giờ Dậu bái lễ." Thầy Chung chỉ đạo.

Người làng cũng không nói gì nữa, lục tục kéo nhau về. Nhà ông Tứ cuối cùng cũng yên tĩnh trở lại.

Cái Yết ngồi ngoài cửa buồng của cậu út. Nó co người lại, chúi mặt xuống hai đầu gối, rấm rức khóc. Nó không nói được, chỉ có thể "ê a" mấy tiếng thê lương. Cậu út bỏ nó đi rồi.

Tại sao lại đột ngột như vậy?

Từng mảng kí ức rời rạc lộn xộn trong đầu khiến nó càng lúc càng hoảng sợ. Lúc cúng cho bà cả, cậu vẫn còn bình thường. Mà không hiểu sao, được một lúc rồi cậu biến đi đâu mất. Đến lúc cậu trở lại, người cậu đổ nhiều mồ hôi lắm. Nó dìu cậu về đến buồng phòng, cậu đột nhiên ho dữ dội. Lúc ấy nó không biết làm gì cả, chống quýt đỡ cậu lên giường rồi nhanh chóng đi báo cho ông Tứ, để ông gọi thầy lang. Nhưng về đến nơi, cậu đã đi mất rồi.

Cậu giận nó đã bỏ cậu lại đúng không? Nên cậu mới rời đi?

Cái lúc cậu ho, nó gào đến xé họng cũng chẳng được. Đám người ở bảo là tưởng nó té đau nên không gấp. Thiên Yết mặc kệ, nó đã nghe nhiều lời bao biện lắm rồi. Nó hận lắm, nhưng lại hận bản thân nhiều hơn. Có phải nếu nó không bị câm, cậu đã được cứu rồi không?

"Yết, mày đã ăn gì chưa?"

Nó ngẩng đầu lên, là cậu cả. Yết buồn bã lắc đầu, nó không thấy đói.

"Ăn đi, tối nay nhiều việc lắm." Bảo Bình đưa cho nó gói cơm nắm.

Nó nhận lấy. Hình như món đầu tiên cậu út cho nó cũng là cơm nắm. Yết cắn một miếng, đắng ngắt. Lại cắn miếng thứ hai, cũng chẳng khá hơn. Nó cứ ngấu nghiến cái miếng cơm nắm đến nỗi mắc nghẹn. Bảo Bình vội vàng lấy cho nó chút nước.

Nó đi theo cậu có được không nhỉ? Dù sao cũng chẳng có ai cần nó.

"Cậu cả, chúng con xin phép."

Bảo Bình phẩy tay, cho phép mấy đứa người hầu vào. Chúng nó cầm một cái túi to, chẳng biết để làm gì. Cái Yết cũng chẳng còn tâm trí để ý chúng nó nữa. Nó hiện tại chỉ nghĩ về cậu thôi.

Cậu cả bảo nó về ngủ một tẹo đi. Cái Yết cũng gật đầu. Nhìn nó thất thểu rời đi, cậu cả lắc đầu. Hóa ra cũng có người đối xử tốt với em trai cậu, chỉ là giờ người cũng không còn nữa rồi.

Trên đường về bếp, cái Yết trông thấy ông Tứ len lén xách theo một cái bọc đi vào vườn sau. Vốn tính tò mò, nhưng nhớ lại ngày trước, nó liền thôi không bám theo nữa. Chẳng ngờ, ông Tứ đã thấy nó, còn vẫy tay gọi nó đi theo.

Cái Yết không thích ông Tứ. Nó không biết ông đã làm những gì, nhưng có lẽ cũng chẳng mấy tốt đẹp. Trong mắt nó, ông là con người xấu xa lúc nào cũng lăm le quát nạt người khác. Mà nguyên do nó không nói được cũng vì ông chứ đâu.

Chính tay ông đã cắt lưỡi nó đấy!

Ông Tứ dẫn nó đến một gian nhà bỏ trống, bảo nó dọn dẹp bớt bên trong đi. Nó lặng lẽ làm. Xong, ông Tứ thắp ba nén hương rồi mở cái bọc ra. Toàn là đồ để trang trí cho đám cưới. Một tay ông dán chữ hỉ, câu đối, sắp xếp từng cái nến, bông hoa. Cái Yết giúp ông thay chăn màn. Đương lúc dọn dẹp mấy thứ thừa thãi, ông hỏi:

"Yết, mày có muốn gả cho cậu út không?"

Nó quay lại nhìn ông, vẻ ngạc nhiên lắm. Cậu út đã mất rồi cơ mà?

"Mày chỉ cần trả lời có hay không thôi."

Nó dù khó hiểu, nhưng cũng gật đầu. Được gả cho cậu là ước mơ lớn nhất của nó mà.

Ông Tứ có vẻ hài lòng về câu trả lời của nó, dặn nó ngồi chờ ông rồi rời đi. Trong đầu ông nãy giờ vẫn văng vẳng lời của thầy Chung, khiến ông lo sợ không thôi.

"Cái làng này đâu phải chỉ có mỗi một người sinh vào ngày Nguyệt Kỵ?"

Quay trở về, cả làng vui mừng. Cô dâu cũng đã chọn xong rồi. Mọi chuyện sẽ sớm đâu vào đấy thôi.

Người ta vui là thế, nhưng đâu để ý đến tâm trạng của người được chọn?

Bạch Dương gấp một ít quần áo, còn soạn cả chút đồ dùng cá nhân, nhìn bình thản đến lạ thường. Lúc thầy u trở về, nhìn vẻ mặt buồn bã của họ, Bạch Dương cũng đoán ra rồi. Nhưng cũng đâu có cách nào từ chối đâu. U cứ khóc mãi thôi, than trách ông trời sao cứ đày đọa nhà mình. Con gái lớn lấy chồng chưa bao lâu đã chết thảm, giờ còn phải gả con gái út cho người đã mất. Cái nhà đó như miệng cọp, vào rồi làm gì có đường ra.

"Lấy chồng như không thế để làm gì? Tôi biết cái bà già đó quá mà. Ngày con trai lão Lê mất, không muốn con gái mình phải chịu khổ đã bỏ cái lệ đó đi rồi. Thế mà bây giờ..."

"Bà nó khóc cũng đâu thay đổi được gì? Đi làm cơm đi, con nó còn chuẩn bị không lại muộn giờ."

"Tôi xót con, ông không thương nó nhưng tôi thương!"

Bạch Dương vốn muốn ra ngoài nói gì đó với thầy u, nhưng rồi lại thôi. Cô ngồi xuống giường, với lấy chiếc khăn thêu, tiếp tục công việc dang dở. Nhưng chẳng thêu thêm được mấy đường, Bạch Dương lại không cẩn thận để kim đâm vào tay, khiến phần họa tiết bị dính một chút máu. Những lời của u ban nãy cứ chạy đi chạy lại trong đầu, khiến Bạch Dương không giữ nổi vẻ bình thản nữa rồi.

Vậy là cô sắp lấy chồng, một người chưa từng gặp mặt, mà giờ cũng chẳng lấy một hơi thở.

Mắt Bạch Dương đỏ hoe, nhìn ra bên ngoài khung cửa sổ. Những mơ mộng trước giờ phải chấm dứt tại đây thôi.

"Chồng à...?"

Đáng lẽ câu này phải là để gọi người thân thương nhất, nhưng giờ xa lạ biết bao.

To be continue...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro