Epilogue : 'Sag', người đọc thư

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

(Cho những bạn không nhớ đến 'Sag': một cậu bé xuất hiện trong chương Thư của Virgo (2), đoạn cuối. Chương này sẽ viết về tự truyện của cậu lúc bây giờ).

___oOo___



Những lá thư này đã được viết từ trăm năm rồi. 102 năm, hơn cả một thế kỉ.

Và theo kiến thức lịch sử tôi học ở trường đại học, những tấm thư này đã có từ thời Thế chiến đầu tiên.

Tôi nhớ lần đầu đọc chúng là từ rất lâu về trước. Khi tôi còn chưa hiểu chuyện, vì quá chán việc dọn nhà kho nên mới ngồi đọc giết thời gian. Thưở đó tôi chỉ là đứa nhóc tiểu học bé tí ham vui, còn bây giờ thì đã lớn tòng ngòng đúng dáng sinh viên đại học rồi. 

Nhưng cũng vì tôi đã là người lớn, nên giờ đọc lại những lá thư cũ này tôi càng nghiệm ra nhiều điều hơn trước. Thậm chí khi xưa có những từ trong thư tôi đọc không hiểu, hay những dòng cảm xúc yêu thương viết ở cuối từng lá thư mà tôi khi đó chẳng để ý nhiều. Cho đến hiện tại có dịp xem lại chúng lần thứ hai, tôi mới thấu được hết tất cả nỗi đau ẩn khuất được ghi đè trên dòng thư ấy. 

Hẳn là do trải nghiệm sống theo năm tháng tôi trưởng thành, tôi cũng không rõ nữa.

"Cháu đang đọc gì thế, cháu yêu của bà?"

Tôi cảm nhận bàn tay gầy gò mềm yếu của người động đậy trên mu tay mình, đánh mắt sang đã thấy người đang nhẹ cười nhìn tôi trìu mến. Hai bà cháu cùng ngồi trên một hàng ghế xe đò, ngồi tựa vào nhau, một tay bà nắm lấy tay tôi không rời suốt cả đường đi. Bà đã đến ngưỡng độ tuổi chín mươi, khác với những năm trước đã không còn sức sống để thoải mái đi lại một mình. Người đã già yếu, tóc bạc trắng cả đầu, thân gầy khoác nhiều áo ấm nhưng người vẫn chừa lại đôi tay gầy guộc ôm lấy tay tôi.

"Những lá thư từ trăm năm trước bà ạ."

Tôi đối mặt với người, đáp lại người lễ phép theo thói quen. Bà của tôi khổ sở ngả người ra sau, nhịp thở đều nhưng phẳng lặng, mắt người chớp mi chầm chậm ngỡ như lim dim ngủ. Nhưng tôi có thể thấy cặp mắt bạc màu của người đang hướng đến những xấp thư cũ tôi vừa đọc. 

"Ta cũng đã từng đọc qua chúng, mấy lá thư cũ đó". Người khẽ cong môi cười. Một nụ cười đôn hậu được vẽ lên trên đôi môi nhợt nhạt mấp máy của bà. "Ta đã cất chúng trong kho nhà mà quên bẵng chúng đi. Còn tưởng đống thư này đã bị đóng bụi rồi chứ, haha." 

"Những lá thư này là của bà?" 

Tôi tọc mạch hỏi nhỏ, nhưng lại thấy người chậm chạp lắc đầu. 

"Chúng là của cha mẹ ta để lại. Ta đã từng giữ chúng như di vật của họ."

Người nói, nắm tay của người trên tay tôi lại khẽ động. Tôi quan sát bà mình trầm ngâm một lúc, hai mắt người khép hờ, nếp chân chim của người hằn lên thấy rõ. 

"Khi ấy ta còn trẻ, cũng là người nhỏ nhất trong số các anh chị em. Nhưng chiến tranh lúc đương thời đã khiến họ phải ra đi vĩnh viễn, chỉ còn một mình ta sống từ hậu chiến đến già". Đến đoạn, người thở dài nhưng chẳng ra hơi, như đứt quãng. "Ta của thưở đó đã đọc những lá thư này trong ngày dự đám tang của mọi người. Ta từng đọc đi đọc lại chúng đến thuộc làu làu luôn đấy. Nhớ lại những lúc ấy thật là hoài niệm."

"Cháu xin lỗi... đó quả là một câu chuyện buồn..."

Tôi lẩm bẩm miệng tạ lỗi, tranh thủ vân vê nắm lấy bàn tay nhẹ bẫng của người. Nó thật sự lành lạnh và mỏng manh, mềm nhẹ như bông nhưng lại truyền cho tôi cái cảm giác dễ vỡ vụn, khiến tôi trong lòng cứ nhộn nhạo nhìn người không thôi. Tay người run run làm tôi chỉ muốn đan ngón tay mình vào người và nắm chặt. Tôi có thể thấy đôi mắt bà long lanh nước khi người kể chuyện ngày xưa cho tôi, dẫu sau đó bà  đã che giấu nó trước tôi bằng cái nhoẻn cười điềm nhiên.

"Những năm trước đó là thời chiến mà cháu. Thế chiến một, rồi Thế chiến hai". Bà tôi thì thầm, hai mắt đục mờ liên tục chớp. "Những chuyện mất mát như vầy, vào khoảng thời gian đó với ta chỉ là chuyện thường tình mà thôi. Tất cả đã là quá khứ rồi cháu à."

Người nói với tôi như thế, thế nhưng bàn tay bao trọn tay tôi cứ run rẩy không dứt. Người lại thở hắt thành tiếng, đầu ngửa ra đệm ghế xe. Mi mắt người từ từ nhắm lại nhưng tôi kịp thấy rõ khóe mắt người động lại một chấm lệ nhỏ. Chiếc xe xốc nẩy giữa chuyến đi khiến bà đươm mệt mỏi, cuộc đối thoại vừa rồi ắt đã làm người nghĩ ngợi quá nhiều. Tôi nhanh chóng kéo rèm cửa kính xe cho khuất nắng, ghé sát tai người à ơi vài câu hát ru cho người ngủ yên. 

Tôi quan sát người ngủ bên cạnh mình, bàn tay nhăn nhúm của người vẫn giữ chặt lấy tôi. Lần này đến lượt tôi chớp chớp mắt, xấp thư cũ trên tay tôi liền lấy chúng để che đi mặt mình, sụt sịt mũi. 

Trong đầu tôi lại quanh quẩn cái hôm cuối cùng người nằm nghỉ tại bệnh viện. Tôi từng được báo tin người chỉ còn có vài ngày sống ít ỏi. Và tôi sau đó thầm lặng khóc biết bao nhiêu lần mỗi khi mường tượng đến cái ngày ấy, dẫu thâm tâm đã hiểu đây là chuyện khó tránh.

Người bà của tôi đã đạt đến độ tuổi chín mươi, sức khỏe ốm yếu, không thể sinh hoạt bình thường mà không có ai coi sóc bên cạnh. Bà của hiện tại luôn cần tôi để dìu dắt, từng bước chân người tôi luôn dõi theo không dám rời mắt. Cũng giống như khi xưa tôi luôn cần bà để nuông chiều, được người chăm lo bảo bọc và hát ru mỗi khi đêm ngủ. Tôi có thể là một kẻ may mắn vì được sinh ra trong thời bình, nhưng tôi chỉ là tên mồ côi không cha mẹ, anh chị em hay thân thích ngay từ thưở lọt lòng. Suốt cả cuộc đời tôi chỉ có mỗi người bà ở bên, đóng tròn vai người làm cha làm mẹ, dạy dỗ tôi và nuôi dưỡng tôi khôn lớn, yêu thương tôi hết mực. 

Và cho đến hiện tại tôi đã lớn hơn bà cả một thước, nhưng mỗi khi nghe bà nhắc đến ngày người nhắm mắt, tôi thật không muốn thời khắc đó sẽ đến với tôi.

Vốn dĩ chuyến đi này của chúng tôi chỉ là một cuộc đi viếng khu nghĩa trang cổ, nơi mà người mong muốn sẽ được chôn cất tại đây khi ngày ấy đến.


.


Sau một buổi đi xe, hai bà cháu cuối cùng cũng đã đến nơi.

Tôi chỉnh lại lớp áo len ngoài bà đang mặc, xong xuôi hết cả mới dìu người bước đi. Chúng tôi dạo bộ trên lối đi lát đá giữa nền đất nghĩa trang. Mặt đường lát đá ướt sũng vì tuyết tan, dàn ra hai bên là lớp đụn tuyết trắng phau lấp kín. Cảnh sắc xung quanh nghĩa trang độc một màu trắng, chỉ còn lại lác đác mấy cái cây khô khốc khẳng khiu, dưới chân là những bia mộ đá trồi lên bao quanh, đầu phủ bông tuyết đông thành lớp. Mọi thứ nơi đây tiêu điều vắng lặng như tờ, vang vọng mỗi tiếng bước chân của hai bà cháu trên con đường lát đá, thi thoảng có kèm theo tiếng gió rít thổi qua lạnh tê người. 

"Đây chính là nơi bà từng kể cho cháu?", tôi bắt chuyện với bà.

"Đúng vậy, Sag của bà. Tất cả thế hệ nhà ngoại chúng ta đều cùng yên nghỉ tại đây." 

Người ôn tồn đáp, chậm đưa mắt đến một ngả rẽ lát đá cắt ngang lối đi. Tôi dìu người bước đi theo hướng nhìn của người, tay nâng lòng bàn tay gầy yếu của người. 

Chúng tôi đi đến một bãi đất nhỏ nằm sâu trong góc của nghĩa trang. Những bia mộ đá xếp thành hàng, thẳng tắp và giống hệt nhau, trên đầu đều có một mảng trắng của tuyết dần tan làm cho mặt bia hiện ra những vệt nhiễu nước. Người bà tôi lúc này bỗng buông tay người khỏi tôi, chậm chạp khom người trước hai bia mộ gần bà nhất, bàn tay nhăn nhúm phủi quét đống tuyết bâu trên đỉnh đầu bia đá. Tôi nâng khủyu tay người đỡ đần người đứng vững, và tôi có thể thấy ánh mắt người khẽ sáng lên như mong chờ một điều gì đấy. 

"Sag à, cháu hãy nhớ kĩ nơi này nhé", người bất chợt cất tiếng căn dặn tôi, trong khi tay người vẫn mãi việc dọn tấm bia. "Khi ta chết rồi, xin hãy chôn cất thân xác ta tại đây, cùng với cha mẹ ta, anh chị em và tổ tiên ta."

Tôi đứng bên người lắng nghe, nghe rất rõ từng câu từng từ người nói. Khi ấy tôi đã thấy người bật lời với đôi môi mấp máy nhẹ cười, cặp mắt bạc màu chăm chú vào hai tấm bia và những nếp nhăn quanh mắt người đang giãn ra.   

Người chăm chú dọn tuyết trên đôi mộ bia mà không để ý tôi đứng đằng sau, môi bặm vào nhau, mặt đỏ gay gắng hít thở thật sâu giữa trời đông rét buốt. 

Những lớp băng tuyết trút xuống khỏi hai tấm bia làm hiện lên từng nét chữ khắc đẽo trên chúng, lờ mờ vết rêu đống vẩy theo thời gian và những lằn nứt vỡ xiên xẹo cắt ngang. Tuy vậy tôi vẫn có thể đọc được dòng tên 'Taurus Marin' và 'Gemini Williams' khắc rõ trên đôi bia, và tôi biết người bà yêu quý của tôi đã chú mục vào chúng ngay từ khi hai bà cháu ta vừa đặt chân tại đây. 

Gió bắc thổi phần phật giữa nghĩa trang, phả vào mặt tôi tê rần như cắt da cắt thịt. Thế nhưng bà tôi vẫn tiếp tục đứng trước cặp mộ mặc gió rét run, thậm chí còn đột ngột khuỵu chân quỳ trên đụn tuyết, ngồi bệt trên tuyết thẩn thờ rất lâu. Nét mặt người trắng toát sững sờ, đăm chiêu nhìn mãi những hàng chữ nhỏ khắc trên hai bia mộ. Tôi nhận ra cả thân bà run run dưới bao lớp áo bao bọc, cánh mũi ửng đỏ thở ra khói trắng. Người thậm chí còn rên hư hử với đôi môi nhợt nhạt mấp máy, đứt quãng những câu kinh cầu nguyện quen thuộc, hai tay trắng bệch của người chắp lại nhau ngang ngực. 

Tôi đứng bên người theo dõi người cầu nguyện, chầm chậm ôm tay người sưởi ấm trong lòng đôi tay mình. Tôi để yên cho người đọc kinh dưới trời rét buốt. Tôi đã trông thấy mắt người long lanh nước dẫu đây là trời đông. Tôi thấy nét mặt người giãn ra, miệng nhẩm kinh khẽ cong thành một nụ cười hạnh phúc. 

Đôi tay người run run dưới lòng bàn tay tôi, cùng đôi mắt nhạt màu của người tiếp tục dán chặt vào hai cái tên được khắc thành hàng trên hai tấm bia. Và tôi khi ấy đã ngỡ ngàng nhận ra mắt người hằn lên những tia sáng, như thể người đã trông thấy một thứ gì đó đẹp đẽ nhưng vô hình đối với tôi. 


"Cha, mẹ, con đã về thăm hai người rồi đây."


.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro