Chương 8. Hội chợ Tết - Vẫn còn thương lắm...

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hạnh Nguyên: Bảo Bình 
Gia Mai: Xử Nữ
Thùy Linh: Cự Giải 
Mạc Khôi: Kim Ngưu
Phong Hưng: Sư Tử 
Phú Đạt: Song Tử
Duy Hiếu: Thiên Yết 
Thiên Bảo: Nhân Mã

"Chúng ta mất 4 năm cấp 2 để kì vọng vào 3 năm học cấp 3, mất 3 năm cấp 3 để khát khao về 4 năm đại học, mất 4 năm đại học để nhớ về 7 năm trung học. Và mất cả đời để tượng niệm về tuổi trẻ của chúng ta."

------------------------------

Từ sáng tới giờ, Gia Mai phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Nào là đi tìm đội văn nghệ cảm ơn, nào là xuống lớp xem tổng duyệt kịch. Giờ nó lại ba chân bốn cẳng mang công văn lên văn phòng trường xin chữ kí. Còn không có thời gian nhìn xem Thùy Linh Thiên Bảo đã lết xác đến chưa. Vội vội vàng vàng không kịp nhìn ngó xung quanh nên nó suýt nữa đã đâm sầm vào người ta. Mà dù chưa đâm thì Gia Mai cũng thành công bị dọa sợ đến rơi cả tập giấy tờ xuống đất, bởi vì người đứng sừng sững như cột đá trước mặt quá sức khủng bố rồi. Đầu húi cua nhuộm vàng chóe, tai xỏ khuyên, đeo vòng cổ dây xích cỡ bự, làn da rám nắng khỏe khoắn, tay chân vạm vỡ chắc nịch, lồ lộ cả từng thớ cơ, dù ăn mặc có vẻ đứng đắn nhưng nó vẫn thấy thấp thoáng sau tay áo phông một hình xăm xanh đỏ ngoằn ngoèo đáng sợ. Nhưng điều làm con bé hít thở không thông ấy là vẻ mặt lạnh lẽo không nhìn ra vui buồn cùng với cặp mắt diều hâu sáng quắc đang chiếu thẳng vào mình như thăm dò con mồi. Gia Mai trước giờ luôn tự hào là người giao thiệp rộng, đã kinh qua đủ mọi loại người từ hiền lành như bụt đến ngỗ nghịch như quỷ nhưng thề có trời cao đất dày, người tỏa ra mùi dân anh chị thứ thiệt, bản mặt hầm hố đòi nợ thế này nó mới gặp lần đầu, và cũng không hề muốn gặp thêm lần nào nữa. Con bé thầm nghĩ, so với anh giai đầu gấu, mấy thằng bạn chơi thể thao thích tập cơ lớp mình còn không xứng làm muỗi.

Mà khoan, sao nhân vật trông không có xíu liên quan nào đến đời sống học đường này lại xuất hiện trong trường mình, lại còn ở ngay tòa nhà ban giám hiệu? Chẳng lẽ có học sinh nào vay tín dụng đen nợ nần chồng chất nên giờ xã hội đen kéo tới "làm việc" với nhà trường? Eo ơi càng nghĩ càng thấy sợ.

Hai người đang đứng ở cầu thang chật hẹp chỉ đủ rộng cho một người đi, Gia Mai thì ngây ngẩn nghĩ đến xuất thần, đương nhiên anh chàng kia không cách nào bước xuống. Hắn ta mất kiên nhẫn buông một câu:

- Tránh ra.

Gia Mai giật mình, biết điều nhường đường, trước khi viễn cảnh bị cánh tay cuồn cuộn cơ bắp kia dộng thẳng vào mặt xảy ra. Chàng trai nghênh ngang đút tay vào túi quần nện từng bước nặng trịch, không e dè gì mà đạp chân nên vài tờ giấy nó làm rơi vung vãi trên đất. Nếu là bình thường Gia Mai đã sang sảng gọi người ta lại giáo huấn vì tội thiếu tôn trọng, mất lịch sự nhưng giờ nó chỉ dám hậm hực nuốt cục tức vào bụng, cúi người nhặt nhạnh giấy tờ. Con bé không hề muốn dây dưa vào loại người này chút nào. Trường học thì sao, khu giám hiệu thì sao, nó không chắc trước khi các thầy cô và đám bạn kịp đến giúp đỡ, nó có ngăn được việc bị tẩn cho răng rơi đầy đất, chả còn sức mà húp cháo hay không nữa.

Ôi trời, không biết cái tập file dày cộp Hà Vân đưa nó có bao nhiêu tờ nữa. Vừa nhặt, vừa phủi bụi bẩn, vừa sắp xếp lại cho đúng thứ tự từ nãy tới giờ chưa xong. Gia Mai chúa ghét công việc giấy tờ, nó chỉ thích bay nhảy vận động chân tay chứ động đến chữ với số là hoa cả mắt. Chốc chốc nó lại thở dài thườn thượt, hơi lo lắng không biết Phong Hưng có lo được đội kịch không.

Chợt một bóng áo trắng phủ đầy tầm mắt con bé, kèm theo giọng nói trầm ấm dễ nghe, như rót mật vào tai:

- Để anh giúp em.

Lần thứ hai trong ngày, cũng là lần thứ hai trong vài phút gần đây, Gia Mai không thể kìm được tiếng xuýt xoa trong lòng. Chưa kịp hết hồn với thanh niên bặm trợn ban nãy, nó đã bị sốc ngôn ngữ khi ngẩng đầu nhìn anh chàng mới xuất hiện. Đối diện với nó là khuôn mặt điển trai, trắng trẻo tới phát sáng, đầu tóc gọn gàng sạch sẽ. Anh mặc sơ mi trắng, quần kaki màu be, tay áo xắn đến khuỷu lộ rõ những đốt xương thon gầy, trông cực kì thư sinh. Chính là cái kiểu thư sinh mà bọn con trai phàm phu tục tử 11B có tu mười kiếp cũng không tu ra được. Dù cũng ngồi xổm xuống nhặt giấy như nó nhưng anh ta phải cao hơn cả một cái đầu. Dường như nhận ra ánh mắt cô gái dừng trên người mình lâu hơn mức bình thường, anh khẽ hắng giọng:

- Em mang cái này lên văn phòng phải không? Em là học sinh hả?

- Ơ... ừm... vâng ạ. Em học lớp 11B - Đám bạn thân mà ở đây chắc mắt mũi rủ nhau rớt hết khỏi tròng khi nghe thấy câu đáp thỏ thẻ như mèo của con bạn.

- Ồ may quá, anh là Huy, giáo viên thực tập môn Địa Lý bắt đầu dạy từ kì hai. Lát nộp công văn xong em dẫn anh thăm quan một vòng quanh trường được không? - Anh hào phóng tặng Gia Mai thêm một nụ cười ấm áp.

Điên rồi, điên rồi, sao Gia Mai lại cảm thấy nụ cười của anh còn dịu dàng dễ mến gấp tỷ lần con bé Thùy Linh nhỉ? Tim nó chạy loạn xạ trong lồng ngực, đầu óc rối bời không nghĩ được cái gì ra hồn. Đội kịch, hội chợ, đám bạn đang chờ gì gì nó cũng vứt sau lưng hết ráo. Gia Mai rất không có tiền đồ gật đầu cái rụp trước lời đề nghị hấp dẫn của anh giáo mới.


Mạc Khôi căng mắt nhìn lên sân khấu. Sau tiết mục trình diễn thời trang du xuân của câu lạc bộ Thời trang là tới vở kịch rồi. Lúc nãy nói chuyện với Phú Đạt, cậu cũng hiểu sương sương rằng mọi vấn đề phát sinh ngày hôm qua đều đã được giải quyết bởi một bàn tay thần bí. Cậu rất nghi ngờ không hiểu vị ân nhân này mọc từ đâu ra, mặt khác cũng thấy vui thay mấy đứa đội kịch, ít ra thì ông trời không phụ công sức chuẩn bị hai tuần trời của tụi nó. Dù cũng muốn nán lại xem vở kịch kì công này rốt cuộc ra cái hình thù gì lắm, nhưng biết tính cô người yêu nên ngay khi MC vừa lên giới thiệu tiết mục tiếp theo, Mạc Khôi đã giả vờ ôm bụng kêu đau, rủ Hạnh Nguyên đi lên phòng y tế với mình.

Phú Đạt đứng bên cạnh ngoảnh đầu sang ném cho cậu ánh mắt khinh bỉ. Hạnh Nguyên có lẽ cũng phát giác ra điều này nên cười cười:

- Cậu đi một mình đi. Tớ muốn xem tiếp.

Mạc Khôi đành phải tẽn tò ngồi xuống. Hình như hôm nay là ngày "Mạc Khôi và nhật ký bị lũ bạn cho ra rìa" thì phải. Sáng giờ không được phút nào yên lành hết trơn.

Vở kịch bắt đầu bằng cảnh đôi bạn thỏ La La và nhím Sol Sol chơi đùa vui vẻ trong rừng. Một ngày nọ, nhím bị một cái gai nhọn hoắt đâm vào người đau điếng, nó nhờ thỏ nhổ ra hộ nhưng tay thỏ quá ngắn, chẳng thể nào với tới cái gai mà không bị đám lông nhím chọc cho te tua. Cố nhổ mấy lần mà chẳng được, nhím vừa đau vừa mất kiên nhẫn, liền cãi nhau với thỏ. Thỏ giận quá bỏ đi biệt tăm cả tháng trời. Mấy ngày sau đó, nhím lọ mò đi gõ cửa từng nhà đám bạn sóc, dê, nai, cáo nhờ giúp đỡ. Bọn nó chỉ giúp lấy lệ, không được liền ngoảnh mặt luôn. Chẳng có ai chịu khó, tận tình nhổ gai mặc kệ bị lông nhím đâm như thỏ đã làm. Giờ thì nhím mới thấy hối hận, nó ngồi khóc hu hu. Bỗng dưng một cây nhíp dài ơi là dài xuất hiện trước mặt nó. Thì ra là thỏ biến mất mấy tháng nay vì lặn lội vào thành phố mua nhíp để nhổ gai. Gai đã nhổ ra, hai đứa lại làm lành. Nhím biết hôm nay là sinh nhật thỏ nên đã dành dụm đồ ăn để chờ thỏ về mở một bữa tiệc to thật là to. Đám bạn muông thú trong rừng đều rủ nhau tới chúc mừng sinh nhật thỏ. Ai nấy vui vẻ nhảy múa ca hát cả ngày.

Bọn nhóc cấp một thích thú hò hét ầm ĩ. Chúng nó chỉ chực chờ chạy lên sờ mó mấy con thú ngộ nghĩnh mà tụi diễn viên thủ vai. May là tình trạng hỗn loạn ấy không xảy ra vì team hậu cần Hưng, Bảo, Minh Trung đã cùng phụ huynh giữ ổn định trật tự. Đã thế Thùy Linh còn niềm nở phát quà cho bọn nhóc nên giờ đứa nào đứa nấy mân mê gói bim bim với chiếc dreamcatcher xinh xinh trên tay quên cả trời đất. Trên sân khấu, Gia Mai thay mặt đội kịch cảm ơn khán giả. Ngay lúc Mạc Khôi tưởng tiết mục đã hạ màn, Tết fes đến hồi kết thúc, thì Gia Mai khiến tất cả mọi người ngỡ ngàng bởi câu nói sau đó.

- Vở kịch này lấy ý tưởng từ chính chuyện của tôi và cô bạn thân. Vì chút xích mích mà chúng tôi đã không nói chuyện với nhau mấy tuần nay rồi. Nhưng thực ra cô ấy luôn ở sau lưng cổ vũ, sẵn sàng đưa bàn tay giúp đỡ khi tôi gặp khó khăn. Nếu không có cô ấy thì vở kịch không thể diễn ra thành công như thế này được. Tôi biết nếu mình tiếp tục cố chấp sĩ diện thì sẽ bỏ lỡ mất tình bạn đẹp nhất tuổi học trò. Thế nên...

- Hạnh Nguyên ơi, cảm ơn mày, cũng xin lỗi vì đã nặng lời với mày. Vở kịch này chính là món quà sinh nhật tao muốn tặng mày. Giờ chắc mày cũng hiểu tại sao tao lại đặt tên nhân vật là La La và Sol Sol rồi nhỉ? Chúc mày sinh nhật thiệt là vui vẻ. Thế là huề nhau rồi nhé.

Trong tiếng đồng ca bài Happy birthday, tiếng vỗ tay ào ào của mọi người xung quanh, cả tiếng sụt sùi của mấy bác gái đa sầu đa cảm, Mạc Khôi cảm thấy như mình là cô bé Alice vừa đi lạc vào xứ sở thần tiên. Cậu mơ màng, lạ lẫm nhìn sang cô bạn gái mắt đã hoe đỏ tự bao giờ. Còn chưa kịp mở miệng hỏi xem chuyện gì vừa xảy ra thì Hạnh Nguyên đã chạy ào lên sân khấu ôm chầm lấy Gia Mai.

- Được thôi, huề thì huề.


Thứ bảy.

Thấy Mạc Khôi vội vã chạy theo mình dỗ dành, Hạnh Nguyên mềm lòng không làm khó cậu chàng nữa. Tính ra nhỏ cũng chẳng bực bội giận dỗi gì hết, chỉ là đã lỡ nhìn thấy tin nhắn của đội kịch mà vờ như không có gì thì mất mặt quá. Ít nhất cũng phải tỏ vẻ mình vẫn chưa nguôi ngoai, vẫn còn giận Gia Mai lắm lắm.

Ai dè chỉ một thoáng liếc qua mà làm nhỏ nhộn nhạo cả một buổi chiều. Hạnh Nguyên chắc chắn đã nhìn thấy hàng loạt dòng chữ "có biến" nhuốm màu khủng hoảng bọn nó gửi toán loạn trong group chat. Lòng nhỏ bất giác hơi lo lắng, không biết "biến" ở đây là gì, cũng không biết mấy đứa ấy đã giải quyết êm xuôi chưa. Sáng mai đã phải lên diễn rồi mà bây giờ còn trục trặc, cái đội kịch này đúng là xui tận mạng. Hạnh Nguyên chợt thấy tội Gia Mai. Dù kiên quyết dứt áo ra đi nhưng thỉnh thoảng Hạnh Nguyên vẫn tình cờ nghe ngóng được một số chuyện của đội kịch. Thấy con bé Gia Mai dạo này lo chuyện làm kịch mà phờ phạc hẳn, gầy đi cả kí lô. Thú thực Hạnh Nguyên đã không còn tức giận, thờ ơ như nhỏ thể hiện bề ngoài nữa. Dẫu sao đội kịch toàn là mấy đứa quen biết, dẫu sao Gia Mai cũng là một trong hai con bạn thân nhất trần đời của nhỏ, lại còn là đứa chuyên đi chọc ngoáy khắp làng khắp xóm với mình, không muốn quan tâm cũng khó. Hai tuần không có nó, cuộc đời nhỏ tẻ nhạt đi chút xíu.

Hạnh Nguyên định gọi điện tra hỏi Mạc Khôi nhưng chợt nhớ ra cậu đã rút khỏi đội kịch vì mình nên có lẽ cũng mù tịt tin tức. Sau một hồi đấu tranh tư tưởng lâu lắc, Hạnh Nguyên hạ quyết tâm tấn công từ tuyến phòng thủ yếu ớt nhất - con bạn thân còn lại.

[Linh ơi tớ hỏi tí]

Mãi đến tối mịt mới thấy Thùy Linh nhắn tin trả lời.

[Cậu bận gì mà mất tích cả chiều thế?]

[Không có gì đâu. Cậu hỏi tớ gì à?]

[Đội kịch các cậu bị làm sao hả?]

Đầu dây bên kia yên lặng rất lâu, có vẻ không biết nên đáp lại thế nào. Hạnh Nguyên sốt ruột nhắn tiếp.

[Có chuyện gì cậu cứ nói đi, không phải ngại tớ đâu]

Thế là Hạnh Nguyên biết về việc đội kịch bị bom trang phục. Nhỏ thấy may vì mình nhắn tin thay vì gọi điện, nếu không Thùy Linh đã được dịp nghe nhỏ không tiếc lời mắng chửi chị chủ tiệm mất uy tin kia một tràng tối tăm mặt mũi rồi. Hạnh Nguyên nghĩ thế nào, bèn gạ Thùy Linh cho xem kịch bản. Cô bạn hiền lành dễ tính này đương nhiên chẳng ngại ngần chụp từng trang gửi cho nhỏ. Ôi trời nghĩ ra cái kịch bản vừa buồn cười vừa trẻ nghé như này đúng chỉ có Gia Mai mà thôi. Nhưng càng đọc Hạnh Nguyên càng cảm thấy quái quái, rõ ràng câu chuyện con nít này ẩn giấu một ý nghĩa gì đó, quen lắm nhưng không tài nào nghĩ ra được. Cả tên nhân vật cũng rất dị luôn, La La và Sol Sol?

Nhỏ mang theo cảm giác lạ lùng ấy mặc áo khoác, đeo túi đi ra ngoài. Cô Thủy mẹ nhỏ, thấy vậy liền từ trong bếp nói vọng ra:

- Giờ này không ở nhà ăn cơm còn chơi bời gì đấy?

- Con có việc đến cửa hàng cô út một lát.

- Muộn rồi bảo thằng Minh lấy xe chở đi. Con gái con đứa, xe thì không biết lái, một mình chạy lông nhông ngoài đường không sợ bị bắt cóc hả? - Nói rồi, bà réo gọi thằng nhóc Tiến Minh đang mải chơi game trên phòng.

- Hừ, có mà mẹ sợ con đi đàn đúm với Mạc Khôi nên cử thằng Minh đi giám sát thì có - Hạnh Nguyên nhăn mặt giải thích - Con đã bảo rồi, Mạc Khôi tốt lắm, mẹ gặp cậu ấy mấy lần còn không biết sao?

- Con gái lớn đúng là không giữ được. Mẹ còn chưa nói gì đã gân cổ bênh bạn trai chằm chặp, mẹ...

Câu nói của bà chẳng có cơ hội hoàn thành, vì thằng nhóc Tiến Minh đã hậm hực chạy xuống ỉ ôi:

- Mẹ, sao lúc nào mẹ cũng bắt con chở chị thế? Chị có chân chị tự đi được mà! Chị có bị người ta lừa bán sang nước ngoài thì lỗi tại chị chứ còn trách ai được.

Hạnh Nguyên mặt đen như đít nồi. Đúng là đẻ được đứa em đáng đồng tiền bát gạo ghê ha.


Cả dòng họ nhà nhỏ từ cụ kị tám đời đến con cháu đều làm trong ngành y, hoặc ít nhất là có liên quan tới ngành y. Tự dưng lòi ra một cô út trái khoáy đi kinh doanh cửa hàng quần áo. Mới đầu cả nhà phản đối ghê lắm, nhất là ông bà nhỏ còn dọa gạch tên cô khỏi gia phả. Nhỏ còn nhớ buổi chiều Giao thừa hôm đó trời mưa tầm tã, nhỏ đang ngồi chơi đồ hàng với nhóc Minh và thằng Đạt thì thấy cô út kéo va li xềnh xệch từ trên lầu xuống, vẻ mặt hết sức quyết tuyệt. Cô đứng giữa phòng khách cãi nhau một trận to với ông bà và các bác, Hạnh Nguyên Tiến Minh Phú Đạt bị lùa lên phòng không cho chứng kiển cảnh xích mích gia đình, nên nhỏ cũng không rõ hai bên đã nói những gì. Chỉ biết khi đánh bạo ngó đầu xuống tầng một, nhỏ liền nghe thấy "chát" một tiếng đau điếng, má cô út đỏ ửng lên. Nội nhỏ thì run run chỉ tay ra ngoài đường, cả câu mắng thốt ra cũng run rẩy không kiềm chế được:

- Cút, mày cút cho khuất mắt tao. Tao không có đứa con gái như mày!

Thế mà cô út bướng bỉnh đi thật, còn không cả che ô mà cứ thế dầm mình trong làn mưa lạnh lẽo.

Tết năm đó có lẽ là cái Tết kinh hoàng nhất đối với đại gia đình. Đêm giao thừa cả hai ông bà đều phát bệnh, phải chuyện vào viện cấp cứu. Ông nội sốt nằm liệt giường tận nửa tháng, còn bà nội, người bà luôn yêu thương chiều chuộng hai chị em nhỏ, luôn nheo mắt cười hiền từ che chở mỗi khi nhỏ nghịch ngợm bị bố mẹ la rầy, đã vĩnh viễn bỏ cả nhà ra đi. Bà vốn sức khỏe yếu, đẻ được năm đứa con cũng ngốn đi của bà rất nhiều sức lực, bà đau ốm liên miên mấy năm liền, nay chuyện của cô út chính là giọt nước tràn ly, lấy đi giọt nhựa sống cuối cùng.

Tối mồng ba, sợ rằng bà không qua khỏi thì hai chị em nhỏ không được gặp bà lần cuối, bố mẹ đưa hai đứa tới bệnh viện thăm bà. Hạnh Nguyên lúc ấy còn bé tí teo, không hiểu tâm trạng nặng nề của người lớn. Nhỏ ra sức kéo kéo tay bà, bảo bà nhanh về nhà chơi với nhỏ. Bà nửa tỉnh nửa mê, không rõ có nghe thấy lời nhỏ nói hay không. Chỉ thấy hai hàng nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo đã sớm bị thời gian sương gió làm tàn phai, bà thì thào trong cơn mơ:

- Cái út... cái út...

Lần đầu tiên cô út trở về, cô đứng rất lâu rất lâu trước mộ bà nội, không khóc không gào, chỉ đứng đấy từ sáng tới tối mịt. Phòng cô ở tạm ngay cạnh phòng nhỏ, dù lắp tường cách âm nhưng không hiểu sao nhỏ vẫn nghe rõ mồn một tiếng nấc nghẹn ngào. Lúc tờ mờ sáng chợt tỉnh giấc, tiếng khóc xé lòng của cô vẫn văng vẳng bên tai không tài nào dứt được.

Chuyện đã qua hơn chục năm, mọi người cũng kị phải nhắc lại. Còn cô út, bằng niềm đam mê bất tận với thời trang cùng tài kinh doanh thượng thừa, cô như cá gặp nước càng bán càng lãi, cửa hàng làm ăn phát đạt, mở được chi nhánh vào tận miền Nam. Thấy cô thành công như thế, ông nhỏ cũng nguôi ngoai phần nào, không còn gay gắt như trước. Thỉnh thoảng tình cờ nghe ai khen thương hiệu quần áo của cô, đôi mày ông lại giãn ra đầy nhẹ nhõm.

Cô út từng xoa đầu Hạnh Nguyên bảo:

- Cháu là bé ngoan nhưng không cần lúc nào cũng phải răm rắp nghe lời người lớn. Đôi lúc cũng hãy thử nghe theo tiếng gọi con tim, làm thứ mình thích, làm điều mình yêu...

Lúc đó Hạnh Nguyên không cho là đúng. Từ khi khôn ra nhỏ luôn mang thành kiến với cô út vì chuyện của ông bà. Nhỏ cho rằng chính vì cô út không nghe lời nên bà mới mất sớm. Nhỏ cảm thấy mình phải thật ngoan ngoãn nghe lời để bố mẹ luôn vui lòng. Ai ngờ con người ai rồi cũng trải qua thời kỳ phản nghịch, mà thời kỳ phản nghịch của nhỏ lại còn tới rất sớm, chính là cái lần nhỏ cãi lời mẹ, quyết tâm yêu đương với Mạc Khôi. Nhưng may mắn hơn cô út, bố mẹ nhỏ sống thoáng hơn ông bà rất nhiều, không gây khó dễ cho tình cảm hai đứa, cũng dần dần chấp nhận Mạc Khôi. Hình như là được nước lấn tới, gần đây nhỏ lại bắt đầu cảm thấy mình không hợp theo ngành y của gia đình chút nào rồi.

Bớt giận cô út đôi chút nhưng những lời cuối cùng của bà nội trước khi mất vẫn như một cái gai bén rễ sâu trong lòng nhỏ, muốn dứt ra cũng không được. Hạnh Nguyên tính tình vô tư, vui vẻ là thế nhưng lại chưa bao giờ cho cô út nhà mình sắc mặt tốt. Vậy nên khi thấy thấp thoáng bóng con bé ngoài bãi đỗ xe, cô út đã phải dụi mắt cả chục lần vì tưởng mình hoa mắt, không hiểu sao nhỏ lại xuất hiện ở tiệm mình vào cái giờ này.

Hạnh Nguyên đưa kịch bản cho cô út, nhờ cô tìm xem có bộ nào phù hợp với các nhân vật không. Chẳng mấy khi được con bé nhờ vả, cô út cũng rất tích cực đào bới trong kho tàng quần áo của mình, cuối cùng cũng tìm ra mấy bộ ưng ý.

- Cháu làm kịch cho trường hả? Cô gửi đến đấy luôn nhé!

- Khoan đã, đợi tám giờ sáng mai hẵng gửi. Cô đừng để tên cháu trên danh thiếp, ghi tên tiệm là được rồi - Nếu đã mất công lặn lội tới nhà cô út, nhỏ cũng phải để cho đám bạn, nhất là Gia Mai, mất ăn mất ngủ đêm nay mới công bằng.

Cô út tính thắc mắc hỏi sao phải thần bí dấu tên làm gì, nhưng thấy con bé dù vừa nhờ giúp đỡ vẫn lười cho mình một ánh mắt thân thiện, liền ngậm bồ hòn làm ngọt luôn.

Sáng hôm sau Hạnh Nguyên tới sớm gặp đội văn nghệ. Dù nhỏ chẳng phải là thành viên đội, nhưng hồi lớp 10 thi hoa khôi thành phố, đội văn nghệ giúp nhỏ rất nhiều trong tiết mục biểu diễn tài năng. Từ đó đến giờ mỗi khi được nhờ, Hạnh Nguyên vẫn hay qua đội múa, hát, vẽ vời trang trí luôn. Nên tính ra hai bên cũng gọi là có giao tình. Bởi vậy trưởng đội văn nghệ Thu Quỳnh vừa nghe lời đề nghị đổi thứ tự tiết mục, cảm thấy không có ảnh hưởng gì, liền hào sảng đồng ý ngay. Cô nàng vỗ vai Hạnh Nguyên cười ẩn ý:

- Chị còn tưởng em rút khỏi đội kịch rồi cơ.

- Ha ha em đoán là rút không nổi rồi.


- Ơn giời, cuối cùng thì hai mẹ cùng làm lành - Duy Hiếu nốc một hơi hết luôn cốc cô ca, cười khà khà - Tao đoán chúng mày bị ếm lời nguyền 502 rồi, cả đời cũng không dứt nhau ra được đâu.

Giờ thì cả đội kịch tụ tập ăn liên hoan ở quán tủ sau trường. Tính sương sương cũng hơn hai chục đứa, bác chủ quán nhẩm tiền mà như mở cờ trong bụng. Tụi nó ăn uống là phụ, đập phá tám chuyện mới là chính. Ầm ĩ cả góc phố. Ai đi qua cũng không ngại ngoái đầu nhìn nhiều một chút.

- Chúc mừng cả nhà hôm nay diễn kịch thành công rực rỡ!

- 1 2 3 dô, 2 3 dô, 3 uống...

- Hồng, Hoa nay diễn ổn áp lắm nhé. Ra trường có muốn dấn thân vào showbiz không?

- Thôi thôi, công đầu là phải kể leader Gia Mai đây này, cầm mic lên nói có vài câu mà cả trường vỡ oà luôn. Bọn tao đã tính là gì.

- Không biết lớp mình có thắng giải gian hàng không nhỉ? - Thùy Linh sáng nay phá lệ dậy rõ sớm để nướng bánh mà không được giải thì tiếc quá.

- Thắng sao được mà thắng khi có những con giời chả đóng góp gì cho lớp, chỉ lo ăn bánh chưng nhà hàng xóm - Duy Hiếu liếc xéo đôi bồ câu đang chim chuột nhau phía đối diện.

- Đứa nào? Đứa nào mất dạy thế? Phun cái tên ra đây để anh em cho nó biết tay nào.

- Tao tưởng kịch bản là cô tiên xanh biến ra cái nhíp mà nhể? Đổi lúc nào tao chẳng biết luôn - Mạc Khôi nhanh chóng đánh trống lảng.

- À... - Gia Mai nhìn sang Thùy Linh. Hóa ra lúc Thùy Linh đến trường nghe chuyện ân nhân dấu tên đã đoán ngay được là Hạnh Nguyên, cũng tại tối qua bỗng dưng con nhỏ gặng hỏi chuyện đội kịch đã làm cô bán tín bán nghi rồi. Mà cô còn nhận ra Hạnh Nguyên và trưởng đội kịch chơi khá thân với nhau. Ai dè đúng thật. Gia Mai nghe Thùy Linh phân tích mới đầu cũng nghi ngờ lắm, nhưng càng nghĩ càng thấy cô có lý. Thế là ngay phút chót nó sửa cái kết luôn, làm cho cả đội kịch ngã ngửa một phen, may là hai cô nàng diễn viên chính đúng là trời phú, chỉ tập thử có một lần mà lên diễn mượt như ăn bánh.

- Chán thế, tao còn muốn xem thằng Anh Vũ diện váy xanh uốn éo mà.

- Cút nhé, tao không phải là trò hề của mày!

Phú Đạt được khai sáng thì ỉu xìu, hóa ra chỉ có cậu đến cuối mới biết chuyện, còn đứa nào đứa nấy cũng tẩm ngẩm tầm ngầm, bụng đầy bí mật.

- Bọn tao cũng biết đếch đâu - Mạc Khôi và Duy Hiếu nhún vai, chẳng hiểu chuyện này có gì đáng buồn.

Kết thúc bữa tiệc mặn, tụi nó chuyển sang tiệc ngọt mừng sinh nhật Hạnh Nguyên. Dù sinh nhật nhỏ vẫn hay tổ chức cùng đám bạn nhưng đây là lần đầu tiên có nhiều đứa tham dự đến thế, vui phải biết.

- Ủa mà La La Sol Sol nghĩa là gì?

- Là viết tắt nick facebook hồi trẩu tre của tao với Mai đó. La vie rose, Solo dream.

- Trời thảo nào tao đọc cái tựa thấy quen vãi luôn mà chả nhớ nổi là gì - Duy Hiếu à một tiếng.

- Mày có đọc à? - Gia Mai vạch trần câu nói sặc mùi giả tạo của cậu chàng - Hình như lúc tao phát kịch bản đứa nào đấy đã phất tay chuồn vội mà nhỉ?

Trong đám bạn, Duy Hiếu là đứa mặt dày nhất, dày đến nỗi có dùng máy ép ép hết mỡ ra thì vẫn đủ để mặt không đổi sắc, tim không run khi bị cà khịa. Biết mình nói không lại con bạn nên Duy Hiếu lảng ngay sang chuyện khác:

- Mà đám bạn thú kì ghê giúp chả giúp mà kéo nhau đi ăn sinh nhật như đúng rồi.

- Mày khác gì. Tao thấy mày còn tỉnh bơ hơn chúng nó nữa kìa - Lần này người đâm chọc cậu là Hạnh Nguyên. Chơi với Gia Mai lâu nhỏ cũng nhiễm luôn cái tính thích cà khịa muôn nơi của con bé từ lúc nào chẳng biết.

- Được lắm bro - Gia Mai giơ ngón cái khen nhỏ bạn. Hai cô gái hợp tác bắt nạt được Duy Hiếu thì sảng khoái đập tay nhau. Chỉ tội thằng nhóc bị nói cho á khẩu, lại còn phải ăn quả bơ to đùng đến hết bữa tiệc.


Nghỉ Tết có lẽ là quãng thời gian Duy Hiếu nhàn nhất trong năm. Nhà đông con cháu, cậu lại chẳng phải đít nhôm đít nồi gì, bên trên còn một đống anh chị nên cứ Tết là cậu được thả rông thích chơi đâu thì chơi, mọi việc cỗ bàn, dọn dẹp đã có anh chị lo hết.

Cậu chỉ lãnh đúng nhiệm vụ lên chùa thắp hương xin lộc thôi. Đã thế nhà cậu còn ngay gần chùa, đi bộ mất có năm phút, đúng là không thể tiện lợi hơn. Như đã thành thông lệ, sáng mùng một Tết Duy Hiếu dậy từ lúc gà gáy, cốt là muốn đến chùa thật sớm để tránh đông người. Cậu ăn mặc tươm tất lịch sự, bày lát bánh mì kẹp trứng ốp cùng cốc sữa lên bàn, vừa thưởng thức vừa xem bản tin buổi sáng y hệt một doanh nhân thành đạt thực thụ.

Sáng mùng một nào cũng một vòng luẩn quẩn nhà - chùa - nhà buồn tẻ muốn chết, thế nên năm nay tự dưng nhìn thấy Thùy Linh khệ nệ bê bánh trái đi ngay trước mình, Duy Hiếu liền không kìm được vui mừng chạy tới vỗ bốp một phát vào lưng cô.

- Hế lô đồng chí.

- Á - Con bạn la lên khe khẽ, mất quán tính cả người cả đồ lao về phía trước. Duy Hiếu hoảng hồn kéo tay cô lại tránh cho một pha chụp ếch đáng xấu hổ. Nhưng cậu quên mất rằng giờ mình cũng tay xách nách mang, đứng còn không vững nói gì đến giúp người ta. Thế là thay vì có một pha chụp ếch, giờ lại có hai con ếch nằm sõng soài trước cổng chùa. May là còn sớm, mọi người chưa đến nhiều nên không ai chứng kiến cái cảnh mất mặt mũi này của hai đứa.

Thùy Linh vuốt sống mũi sưng đỏ, ngoái đầu nhìn xem thủ phạm vừa tông vào mình là ai thì bắt gặp bộ dạng còn thê thảm hơn của Duy Hiếu. Lúc định đứng dậy chẳng hiểu thế nào áo cậu lại vướng phải cái đinh, xoẹt một đường rách từ nách xuống gấu, lộ luôn cả cái bụng phẳng lì không có tí cơ nào. Thùy Linh đỏ mặt vội ngoảnh sang chỗ khác.

- Cậu... nay cậu cũng lên thắp hương à?

- Ơ thế hóa ra mày cùng quê với tao.

Quác... quác... quác...

Cô xin phép không nhận thằng bạn này được không?

- Mọi năm tao có thấy mày đâu - Vừa nói cậu vừa nhặt đồ của mình. Bỏ mặc cô bạn vẫn đang loay hoay cố đứng dậy. Thật chẳng ga lăng chút nào.

- Bình thường là mẹ tớ đi, năm nay mẹ bận nên tớ mới đi thay.

Duy Hiếu gật gù. Ở cái vùng quê nghèo này, cả một huyện may ra mới có một cái chùa to. Thế nên dù nhà hai đứa có "tao ở đầu sông mày cuối sông" đi chăng nữa thì việc tình cờ đi cùng một chùa cũng không khó hiểu. Thấy cô bạn chật vật tội ơi là tội, Duy Hiếu bối rối gãi đầu:

- Tao xin lỗi nhé. Mày có sao không?

- Hơi bị đau đấy - Thùy Linh giả bộ nhăn mặt hù cậu bạn. Đáng tiếc Duy Hiếu là đứa không tim không phổi, thấy cô xuýt xoa mà chẳng thèm an ủi lấy một câu, chỉ mải mê đếm xem hộp kẹo có rơi mất chiếc nào không. Đúng lúc ánh mắt của cô dừng trên người thằng bạn thì một cơn gió thổi qua cuốn theo tà áo cậu bay bay, để hở tấm lưng trắng nõn như sữa.

Thùy Linh:...@9^&!*#$.

Thề có chúa cô không cố ý nhìn đâu.

- Này... áo cậu làm sao bây giờ?

- Hả? Ừ nhể, thế này thì làm sao vô chùa được.

Thùy Linh nhiệt tình cởi áo khoác đưa cho cậu. Mới đầu nhìn thấy cái áo màu hồng nhạt cực kỳ nữ tính ấy, Duy Hiếu lập tức lắc đầu từ chối. Sau rồi vì sự nghiệp đi nhanh về nhanh, cậu đành ngậm ngùi chấp nhận số phận. Cậu dám cá rằng mấy thằng bạn mà ở đây, chắc chắn sẽ cười cậu thối mũi. Nếu hôm nay không phải Thùy Linh mà là bất kì đứa nào khác, thể nào chúng nó cũng chụp ảnh tới tấp rồi đăng status "nam sinh khoe thân trước cổng chùa" cho mà xem.

Tôn chỉ đi nhanh về nhanh hóa ra không dễ thực hiện như cậu nghĩ. Mới thắp hương ra hai đứa đã bị cuốn vào một hàng xem bói ngay gần đó. Đúng hơn là Duy Hiếu bị Thùy Linh kéo vào. Cậu càu nhàu:

- Tao tưởng trước giờ có mỗi con Nguyên là tin sái cổ mấy cái trò bói toán này. Ra mày cũng thế à?

- Không hiểu sao hôm nay tớ có linh cảm lắm. Bói thử một chút đâu mất gì đâu.

Không mất gì nhưng mất ba chục ngàn. Duy Hiếu rứt ruột để tờ tiền mới cóng vào bát mà chỉ đổi lại một câu phán "hai mươi năm sau con sẽ giàu to, tha hồ ăn sung mặc sướng" như trò đùa của lão thầy bói, liền sửng cồ mắng Thùy Linh:

- Linh cảm của mày thế đấy hả? Thôi về!

- Con gái, khoan đi đã.

Khi hai đứa còn đang dùng dằng kẻ muốn ở, người đòi về thì lão ta gọi giật lại. Thùy Linh nín thở nhìn thầy bói, như thể lão chuẩn bị nói điều gì cực kì hệ trọng vậy.

- Thầy vừa xem rồi. Cái tướng con sau này kiểu gì cũng phải trải qua hai đời chồng. Thầy thấy lạ một điều là, đời chồng trước của con ly hôn không phải do xích mích, cãi vã, cũng không phải vì ngoại tình, con cái, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu gì hết. Cứ thế mà ly hôn thôi, rất hòa thuận êm ấm là đằng khác.

- Tào lao.

- Thế còn đời chồng sau thì sao ạ?

Hai đứa đồng thanh.

- Muốn biết tiếp thì, ừm... - Lão ta gõ gõ vào cái bát ra hiệu. Thùy Linh ngẩn người một lúc mới hiểu. Tính ra hôm nay đi chùa chứ không phải đi shopping, cô lại chẳng mang nhiều tiền đến thế. Định vay Duy Hiếu thì thằng bạn đã cách xa cả chục mét, bực bội xua tay với cô.

- Bố mày đếch cho vay nhé. Đi hay ở tùy mày đấy. Đừng để đến lúc bị lừa không còn xu dính túi mới hối hận - Nói rồi hiên ngang bỏ đi mất chẳng kịp cho cô ú ớ tiếng nào.


Lời Duy Hiếu nói giống y xì đúc lời mẹ cô. Tình cờ biết chuyện Thùy Linh bỏ ba chục ngàn đi xem bói lúc nghe cô nấu cháo điện thoại với Hạnh Nguyên, bà liền bóp trán khổ não. Cô con gái này của bà cái gì cũng ổn, ngoan ngoãn chăm học, dịu dàng nết na, chỉ phải cái tội quá mức tin người. Năng lực phản biện gần như bằng không. Lớn rồi thì đỡ hơn chút chứ hồi bé còn bị mấy thằng nhóc hàng xóm lừa lội xuống ruộng bắt dế để rồi bị đỉa cắn cho sưng tấy cả hai chân, vừa sợ vừa tủi khóc sụt sùi nguyên một ngày. Thế mà hôm sau vẫn tin chúng nó sái cổ đứng rung cây ổi cho quả nhanh rụng. Mà khổ nỗi ổi còn xanh còn chát lắm, đấy lại là lứa giống ông bà ngoại đầu tư chăm sóc để đem xuất khẩu. Đến lúc thấy đống ổi chưa kịp chín đã chết yểu rơi đầy vườn, cả nhà chỉ còn biết ôm nhau khóc tu tu.

Vậy nên ngoài mong Thùy Linh học giỏi thành đạt, bà còn cầu trời khấn phật phù hộ con bé kiếm được tấm chồng vừa đối xử chân thành, thật thà với vợ mà vẫn phải đủ nhạy bén để cân EQ cho cả vợ. Không thì làm sao hai đứa sống được ở cái đất này bây giờ.

À nhưng đấy là chuyện của sau này, còn bây giờ thì...

- Học hành chưa đâu vào đâu mà đã lo ba cái trò bói toán nhăng nhít rồi. Chưa tốt nghiệp cấp ba thì cấm có yêu đương gì nghe rõ chưa?

--------- Hết chương 8 ---------

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro