Pháp cú 09, 10: Truyện Đề-bà-đạt-đa không xứng áo cà sa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Ai mặc áo Cà sa

Tâm chưa rời uế trược

Không tự chế, không thật

Không xứng áo Cà sa"

(I-Phẩm Song Yếu, Pháp Cú 09)

"Ai rời bỏ uế trược

Giới luật khéo nghiêm trì

Tự chế sống chân thật

Thật xứng áo Cà sa"

(I-Phẩm Song Yếu, Pháp Cú 10)

Tích Pháp Cú: Lần đó hai Tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên dẫn theo 1000 Tỳ kheo đi về thành Vương Xá. Trong lần thuyết pháp Ngài Xá Lợi Phất giảng về Nhân quả của hạnh bố thí. Ngài nói:

- Nếu người nào đó thường hay bố thí. Nhưng họ không khuyên người khác bố thí. Đời sau kẻ đó sẽ giàu có nhưng cô độc. Quanh họ không có thân quyến.

- Người nào không làm hạnh bố thí. Nhưng họ lại hay khuyên người khác bố thí. Đời sau họ không giàu nhưng lại có nhiều quyến thuộc giàu và họ được người thân giúp đỡ.

- Người nào không bố thí và cũng không khuyên người khác bố thí. Đời sau vừa nghèo vừa cô độc.

- Người nào vừa bố thí, vừa khuyên người khác bố thí. Kiếp sau giàu có và nhiều quyến thuộc.

Ngài giảng vậy với nghĩa lý sáng tỏ, mang lợi ích cho nhiều người ở thành Vương Xá. Dân chúng cảm kích bàn nhau làm lễ cúng dường trai tăng. Lần này toàn bộ dân chúng quyên tiền góp sức ủng hộ. Không như các lần trước đó là chỉ một người giàu bỏ tiền.

Có một ông nhà giàu nọ có xấp vải quý được ông ướp hương hoa. Ông ta muốn cúng dường cho Tôn giả nào xứng đáng nhất.

Một người khuyên ông cúng cho Tôn giả Xá Lợi Phất. Người khác lại bàn rằng Tôn giả Xá Lợi Phất hiếm khi đến đây. Chi bằng cúng cho Đề-bà-đạt-đa vì Ngài đến đây thường xuyên và thân thiết hơn.

Và rồi Đề-bà-đạt-đa có y mới. Ngài đi dạo quanh thành suốt ngày. Không biết tại sao Ngài khoác y mới, với vải thượng hạng, với tay nghề thợ khéo nhất kinh thành mà không hề đẹp.

Mọi người ngạc nhiên bàn tán: "Tấm y vô cùng đẹp và quý báu nhưng sao Ngài Đề-bà-đạt-đa đắp lên mình lại không hề thấy đẹp?"

Các Tỳ kheo chưa đắc đạo mới mang chuyện đó hỏi Phật. Đức Phật nói:

- Người sống không tinh cần, không từ bi, không chân thật, không giới hạnh, không xứng với áo Cà sa nên mặc không đẹp. Không phải bây giờ mới xảy ra truyện này. Từ xa xưa truyện này đã xảy ra rồi.

Đức Phật kể lại:

"Vào kiếp xưa Đề-bà-đạt-đa là thợ săn. Mọi người hay đặt ông săn voi lấy ngà. Trong rừng có bầy voi đông đúc và có một vị Độc Giác Phật. Bầy voi có linh tính nên chúng hay đến hầu hạ vị Độc Giác Phật.

Người thợ săn theo dõi bầy voi phát hiện vị Độc Giác Phật được bầy voi cung kính. Một lần Phật ra ngoài, tên thợ săn nén ăn cắp tấm y của Ngài. Tên đó đến chỗ Ngài hay ngồi đắp y giả làm Độc Giác Phật dụ bầy voi. Bằng cách đó gã giết được nhiều voi.

Thời đó có vị Bồ Tát (tiền thân Phật Thích Ca) đầu thai làm voi chúa. Voi chúa phát hiện đây là tên thợ săn đắp giả y của Độc Giác Phật.

Voi chúa đi đến tránh được mũi giáo của tên thợ săn và hạ gục hắn. Từ thời đó Đề-bà-đạt-đa đã không xứng với áo cà sa."

Kể chuyện xong Phật đọc bài kệ:

"Ai mặc áo Cà sa

Tâm chưa rời uế trược

Không tự chế, không thật

Không xứng áo Cà sa"

(I-Phẩm Song Yếu, Pháp Cú 09)

"Ai rời bỏ uế trược

Giới luật khéo nghiêm trì

Tự chế sống chân thật

Thật xứng áo Cà sa"

(I-Phẩm Song Yếu, Pháp Cú 10)

Bài học kinh nghiệm:

Bài học 1: Đi với Bụt mặc áo cà sa

Dân gian có câu rằng: "Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy". Thiện luôn đi với thiện. Vị đó có tâm thiện, hành động thiện, lời nói thiện, chơi với người thiện, dáng vẻ thiện... Ác luôn đi với ác. Kẻ đó có tâm ác, hành động ác, lời nói ác, chơi với kẻ ác và thần thái dáng vẻ ác. Dân gian còn gọi là "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã".

Do vậy, người có tâm ác, sống không tự chế bản thân, sống không chân thật, đạo đức giả thì mặc áo cà sa sẽ thấy không thích hợp. Người lành thiện sống theo giới luật Phật, sống chân thật, tâm lương thiện, biết tự chế bản thân mới phù hợp với áo cà sa. Người ấy mặc áo cà sa mới thấy đẹp và phù hợp.

Bài học 2: Hạnh Bố thí

Ta thấy Tôn giả Xá Lợi Phất giảng về hạnh bố thí rất sâu sắc chi tiết hợp lý. Có 4 hạng người:

Hạng thứ nhất: là người không bố thí, không khuyên ai bố thí thì cả họ và người thân đều thiếu phúc. Quả báo toàn bộ bọn họ đều nghèo khổ.

Hạnh thứ hai: là người chỉ bố thí một mình không khuyên ai bố thí. Họ sẽ có phúc nhưng người thân thiếu phúc. Quả báo kiếp sau phúc sai biệt nên họ không ở cùng nhau. Kẻ bố thí sẽ được giàu có mà cô đơn vì người thân đã sinh về cõi khổ.

Hạnh thứ ba: Người không bố thí nhưng hay khuyên người khác bố thí. Đó chính là các sư vì sư chẳng có tiền để bố thí. Nhưng sư suốt ngày khuyên người khác bố thí vì đó là chánh pháp Phật dạy. Quả báo kiếp sau mọi người đều giàu có. Họ sẽ cung kính cúng dường sư để trả nợ. Nhưng sư chẳng màng vật chất nên chẳng giàu. Bù lại sư có nhiều đệ tử giàu có giúp đỡ hỗ trợ. Còn những sư làm ăn kinh tế "mượn đạo tạo đời" tích góp tiền ngàn tỷ thì tôi không bàn. Điều này đúng như lời Tôn giả Xá Lợi Phất giảng.

Hạnh thứ tư: là người biết bố thí, biết khuyên họ hàng và người khác bố thí. Quả báo đời sau kẻ đó có người thân quyến thuộc đông đảo và tất cả họ đều giàu.

Bàn thêm chút ít về hạnh Bố thí. "Tiểu kinh Nghiệp phân biệt" thuộc Trung bộ kinh Nikaya thì Phật ấn chứng: "Kẻ bố thí cúng dường cho vị thánh tu hành chân chính thì đời sau sẽ có tài sản vĩ đại. Bởi vì vị tu hành chân chính là thánh nhân phúc lớn. Kẻ cúng dường vật chất cho vị phúc lớn thì quả báo sẽ có tài sản lớn". Từ đó suy ra, nếu ta cúng dường nhầm cho kẻ ác tạo tội. Ta sẽ phạm tội đồng lõa với cái ác.

Bài học 3: Thượng thừa tướng pháp

Theo Ma Y Thần Tướng (sách đời Tống) nói rằng: Tướng mặt mũi chân tay... là Bộ vị tướng pháp thuộc hàng thấp nhất. Gọi là Hạ Thừa Tướng Pháp. Tướng cốt cách dáng vẻ: đi đứng nằm ngồi, ăn uống nói cười và xương cốt... là Trung thừa tướng pháp. Cao cấp nhất là Thượng thừa tướng pháp. Đó là tướng thần thái, khí sắc, thanh hương.

Vậy một người có thần thái tác phong oai nghi đĩnh đạc là người có Thượng thừa tướng pháp tốt đẹp. Kẻ đó dù mặc áo bình thường ta vẫn thấy đẹp. Người không có thần thái oai phong thì thượng thừa tướng pháp kém xấu. Kẻ đó dù đắp vàng lên người thì nhìn ta vẫn thấy hèn kém.

Thượng thừa tướng pháp còn 4 yếu tố: 1- Khí lực hơi thở mạnh yếu dài êm hay hơi thở dốc ngắn thể hiện sức khỏe tốt xấu. 2- Sắc mặt tươi vui hồng hào hay ủ ê, sầu muộn, thất thần, hoảng hốt sẽ thấy cát hung. 3- Cơ thể toát ra hương thơm hay mùi hôi thối để thấy phúc nhiều ít. 4- Thanh âm giọng nói trầm hùng ngân vang hay khô cộc, eo éo, the thé để thấy giàu có cao sang hay nghèo hèn. Bạn hãy chú ý.

Bài học 4: Độc Giác Phật quá khứ

Kinh Phật hay nói đến những vị A-la-hán tự tu tự giác ngộ chánh pháp mà đắc đạo ở thời không có chánh pháp của Phật trên thế gian. Vị đó không có duyên giáo hóa chúng sinh vì lý do gì đó. Vị đó chỉ chứng A-la-hán một mình rồi sau đó nhập Niết bàn. Phật gọi vị đó là "Độc giác Phật" tức vị thánh giác ngộ một mình. Trong các kinh vị đó còn có tên gọi khác là: Duyên Giác Phật hay Bích Chi Phật.

Còn các vị Phật chuyển pháp luân bằng chánh pháp giáo hóa chúng sinh trong 91 đại kiếp mà Phật thấy chỉ có 6 vị. Điều đó được ghi trong Kinh Đại Bổn. Bản kinh số 14 thuộc Trường Bộ Kinh Nikaya. Thế nhưng Độc Giác Phật thì có rất nhiều.

4 - Sao Phật lại sinh làm con voi?

Ta nhớ, Kinh Đại Bổn là kinh số 14 thuộc Trường Bộ Kinh Nikaya nói rõ rằng: "6 vị Phật trong 91 đại kiếp mà Phật thấy đều là Bồ Tát ở Đâu Suất Đà Thiên hóa sinh cõi người làm Phật". Vậy trước khi là Phật thì vị thánh đó là Bồ Tát thực hành Bát Nhã Ba-la-mật "Từ bi cứu độ chúng sinh vô lượng vô biên".

Bồ Tát thì luôn đi kèm với Đại nguyện: Bồ Tát Quan Âm có đại nguyện cứu độ chúng sinh vô úy thí. Bồ Tát Địa Tạng có đại nguyện cứu độ chúng sinh nơi Địa ngục. Bồ Tát Phổ Hiền có đại nguyện cứu độ chúng sinh hiền thiện. Bồ Tát Văn Phù có đại nguyện cứu độ chúng sinh tầm cầu chánh pháp. Rồi Bồ Tát Dược Vương, Bồ Tát Đại Thế Chí, Bồ Tát Diệu Âm, Bồ Tát Chuẩn Đề...đều có những Đại nguyện riêng. Do vậy Bồ Tát không nề hà khó khăn vất vả. Bồ Tát chỉ thấy nơi đâu chúng sinh có duyên và có sự mong cầu cứu độ thì Bồ tát hiện thân cứu giúp.

Loài voi là loài thân hình to lớn, tâm linh mạnh mẽ. Voi hiền lành thân thiện và có tâm thiện. Khi loài voi bị nghiệp đau khổ thì Bồ Tát vẫn tùy tâm loài voi mà hiện thân cứu giúp. Bởi vì tâm thiện của voi tương ưng với tâm Bồ Tát.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#lvt