Pháp cú 11, 12: Truyện 2 vị Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Sai mà tưởng là đúng

Đúng mà tưởng là sai

Thu mình trong tà kiến

Đường giác ngộ đứng ngoài"

(I-Phẩm Song Yếu, Pháp Cú 11)

"Đúng thì biết là đúng

Sai thì biết là sai

An trú trong chánh kiến

Đường giác ngộ không dài"

(I-Phẩm Song Yếu, Pháp Cú 12)

Truyện diễn ra trong một đoạn lịch sử Đức Phật: Sau khi Đức Phật đắc đạo, đầu tiên Phật giáo hóa năm anh em Kiều Trần Như. Đây là năm vị quan trong triều được vua Tịnh Phạn bí mật giao trách nhiệm âm thầm thăm sóc thái tử khi Ngài đi tu. Trong 5 vị thì Kiều Trần Như lớn tuổi nhất.

Bạn còn nhớ, Đức Phật ra đời được 7 ngày tuổi vua cha Tịnh Phạn mời 7 vị Bà La Môn đến đoán tướng cho Phật. Vị trẻ nhất trong đó là Kiều Trần Như. Khi nói bài pháp đầu tiên thì Phật 6*6=36 tuổi (cả tuổi mụ) còn Kiều Trần Như khoảng 50-60 tuổi.

Sau khi độ cho 5 anh em Kiều Trần Như, Phật độ tiếp chàng trai Gia-xá giàu có, thông minh đức hạnh. Sau khi ngộ đạo thì Gia-xá kéo 54 người bạn thân theo Phật tu và đều đắc thánh quả. Đó là 60 vị A-la-hán đầu tiên trên thế gian này.

Sau đó, Phật về vùng U-ru-ve-la-cap-pa độ 30 chàng trai thuộc dòng dõi Bat-đa-va-di-ga đắc đạo. Sau đó Đức Phật tìm đến nhóm thờ lửa, tu khổ hạnh có thần thông là nhóm 3 anh em Ca Diếp Thờ Lửa.

Khi gặp 3 anh em Ca Diếp, Đức Phật không nói đạo lý mà Phật thi triển thần thông để hóa độ. Trong kinh ghi lại Đức Phật dùng 1500 thần thông khuất phục 3 anh em Ca Diếp. Sau khi bị khuất phục thì 3 anh em kéo theo 1000 đệ tử Quy Y Phật. Sau khi độ được nhóm thờ lửa, Phật thuyết cho họ nghe bài Pháp có tựa đề là "Lửa". Phật lấy ngay triết lý về lửa vốn dĩ rất thân quen với họ để nói về Đạo lý Chánh pháp của Người.

Khi đó tăng đoàn đã trên 1000 người. Rồi Đức Phật vào thành Vương Xá gặp vua Bình Xa. Phật thực hiện lời hứa năm nào với vua là sẽ độ cho vua khi Phật tìm được đạo.

Vua Bình Xa quá kính ngưỡng Phật, một người 6 năm trước Vua đã gặp chưa đắc đạo đã phi thường. Nay Vua gặp lại Phật thì thật sự là một Đấng Giác ngộ Vô thượng. Vua quy y và làm đệ tử Phật. Vua bắt toàn bộ quần thần trong triều quy y theo. Giới Bà La Môn quyền quý, thấy vua quan làm vậy cũng đổ theo quy y Phật. Khi đó hầu như toàn bộ thành Vương Xá đều theo làm đệ tử Đức Phật.

Phật sinh ra ở tiểu quốc nhỏ Sa-ki-a (Thích Ca) tại kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Nhưng Phật đặt nền móng Kinh Đô tôn giáo của Người ở thủ đô Vương Xá của Đại Quốc Ma Kiệt Đà. Đây là Kinh Đô đạo Phật đầu tiên sau khi Phật thành đạo. Vua Bình Xa cúng dường Đức Phật khu rừng trúc để xây làm Tịnh Xá. Đó là Tinh xá Trúc Lâm (Vê-lu-va-na) nổi tiếng.

Gần thành Vương Xá có 2 ngôi làng cạnh nhau. Hai làng có 2 gia đình trưởng tộc giàu có. 2 gia đình đó có 2 con trai chơi thân với nhau như bóng với hình. Cả hai đều rất đạo đức, trí tuệ, tài năng và dung mạo đẹp. Đó chính là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.

Khi đến tuổi trưởng thành mà 2 thanh niên không màng truyện vợ con. 2 chàng chỉ thích tìm hiểu triết học đạo lý. 2 chàng quyết tâm đi tu 2 gia đình buồn nhưng không dám ngăn cản. Vì gia đình rất tôn trọng 2 chàng về đạo đức và trí tuệ. Do đó mọi quyết định của 2 chàng từ trước đến nay đều được chấp thuận.

Khi đó, ở Vương Xá nổi lên một thầy tu khổ hạnh tên là San-da-gia. Vị này thuyết pháp hay, tu thiền khổ hạnh có nhiều người theo làm đệ tử. 2 chàng trai như bao người khác xin xuất gia theo thầy. Thế nhưng trí tuệ thầy không đáp ứng được nguyện vọng 2 Ngài. Kinh kể rằng: "2 Ngài vấn đáp thầy một lúc thì thầy không trả lời được. Khi thầy hỏi 2 Ngài đến đâu thì 2 Ngài trả lời thông suốt mạch lạc".

Nhưng vì 2 Ngài có tình nghĩa nên thấy thầy trí tuệ còn hạn chế mà vẫn kính trọng. Hai Ngài xin thầy được phép đi du hành làm sa môn lang thang tìm đạo. Sau mấy năm tham vấn khắp nơi không tìm được đạo, 2 Ngài quay về Vương Xá và nói:

- Chúng ta chưa có duyên tìm được đạo sư khai ngộ. Vậy ta cứ theo đạo lý đã học mà về nhà tự tu. Một trong hai người, ai tìm được đạo hãy đến báo cho người kia.

Hai chàng trở về nhà và tự tu trong tịnh cốc tại gia. Cha mẹ rất vui vì nay con trai họ đã về. Thời gian trôi qua đến lúc Đức Phật đắc đạo giáo hóa dân chúng thành Vương Xá. Phật ở Tịnh Xá Trúc Lâm dạy các đệ tử tỏa ra khắp nơi đem Chân lý Chánh pháp Giác ngộ này đến cho mọi người.

Hôm đó, Xá Lợi Phất có việc phải vào thành. Ngài nhìn thấy Tôn giả A-sa-di (trong nhóm 5 vị Kiều Trần Như) đang khất thực. Tôn giả A-sa-di đã là một vị thánh nhân A-la-hán nên thần thái oai nghi thanh tịnh khác hẳn người phàm.

Xá Lợi Phất bằng trực giác đoán biết đây là một con người phi thường. Xá Lợi Phất đến lạy và đi theo Tôn giả. Sau khi khất thực xong Tôn giả A-sa-di đến gốc cây ngồi. Xá Lợi Phất liền lấy miếng vải của mình trải xuống thỉnh Tôn giả ngồi rồi đứng hầu một bên.

Sau khi Tôn giả thọ thực xong đặt bát xuống Xá Lợi Phất quỳ xuống đảnh lễ:

- Thưa Tôn giả, Tôn giả từ đâu đến, thầy của Tôn giả là ai, Tôn giả tu theo pháp gì mà toàn thân toát ra sự quang minh thanh tịnh vậy?

Tôn giả A-sa-di khiêm tốn nói:

- Này hiền hữu, ta chỉ là một sa môn tầm thường.

Xá Lợi Phất lại nói:

- Thưa Ngài, con có niềm tin rằng Ngài đã chứng được đạo vị phi thường. Xin Ngài hãy nói cho con một đôi lời để con có hướng đi.

Tôn giả A-sa-di thấy Xá Lợi Phất quá ân cần kính trọng nên đã nói ra bài kệ (Đạo Phật ngày nay bài kệ này vô cùng nổi tiếng):

"Các pháp do duyên sinh

Thầy ta Gô-ta-ma

Đã nói ra như thế."

Vừa dứt câu thì Xá Lợi Phất ngộ đạo chứng dự lưu là quả thánh đầu tiên. A-sa-di nói tiếp:

"Còn nữa này hiền hữu

Các pháp vì duyên diệt

Thầy ta Gô-ta-ma

Cũng nói ra như thế."

Bài kệ sau thì Xá Lợi Phất không chứng thêm gì. Khi đó Ngài bừng tỉnh đảnh lễ A-sa-di và nói:

- Con có một người bạn. Xin Tôn giả cho con biết Đại Sa Môn Cồ Đàm (Gô-ta-ma) hiện đang ở đâu.

- Ở tại Tinh xá Trúc Lâm trong rừng trúc của vua Bình Xa.

Xá Lợi Phất từ biệt Tôn giả A-sa-di rồi đến gặp Mục Kiền Liên. Tại đây Ngài đọc bài kệ đầu thì Mục Kiền Liên bừng ngộ chứng quả Dự lưu. Bài kệ sau cũng không chứng thêm gì. Hai huynh đệ mới nói:

- Ta hãy đến thăm thầy cũ San-da-gia. Ta hãy nói những điều lợi lạc này và mời thầy cùng đến Tinh xá Trúc Lâm gặp Đại Sa Môn Cồ Đàm để học đạo.

Hai vị đến gặp San-da-gia:

- Hôm nay, trên đường chúng con gặp một vị mà chúng con nghĩ là một thánh nhân A-la-hán giữa thế gian này. Vị đó nói lên bài kệ làm chúng con khai ngộ. Chúng con đã thấy được Chân lý Chánh pháp. Và con xin thầy hãy đi cùng chúng con đến Tịnh Xá Trúc Lâm. Nơi đó có Đại Sa Môn Cồ Đàm đang giáo hóa.

Rồi 2 Ngài đọc bài kệ. San-da-gia nghe xong không thấy xúc động gì. Hai Ngài tiếp tục thuyết phục thầy nhưng không được. Hai Ngài hỏi:

- Tại sao thầy không chịu đi trong khi cả đời thầy dâng hiến cho đạo tìm cầu giác ngộ?

San-da-gia đáp:

- Bây giờ tôi hỏi hai anh: "Trên đời này, người trí tuệ và người ngu xi, ai đông hơn?"

- Thưa thầy, giữa thế gian này người ngu đông hơn người trí.

- Vậy ai có trí tuệ tới Cồ Đàm mà tu. Còn ở đây ta sẽ giáo hóa những người kém trí tuệ hơn. Và ở đây ta sẽ đông hơn.

2 vị Xá Lợi Phất mà Mục Kiền Liên khi đó mới vỡ lẽ: "Thầy mình không có mục tiêu tìm Chân lý mà là tìm danh vọng". Xá Lợi Phất đứng lên nói một câu:

- Thầy sẽ nổi tiếng vì câu nói này (Đúng là San-da-gia nổi tiếng đến ngày nay sau 2500 năm vì câu nói đó của ông)

Hai anh em từ giã thầy cũ rồi đi đến Trúc Lâm Tinh xá. Khi đó Phật đang thuyết pháp. Vừa thấy bóng dáng hai chàng từ xa Đức Phật dừng bài pháp và tán thán:

- Kìa là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Một đôi bạn Phúc Duyên hoàn hảo.

Hai Ngài đến nghe Phật thuyết pháp. Bài pháp của Phật làm nhiều người chứng đạo mà hai Ngài không chứng thêm gì. Tuần sau Đức Xá Lợi Phất chứng A-la-hán. Tuần tiếp theo thì Đức Mục Kiền Liên cũng chứng A-la-hán.

Sau khi hai vị chứng A-la-hán, Phật tuyên bố đưa hai vị lên làm Đại Đệ Tử lãnh đạo Tăng đoàn (Thượng thủ Tăng đoàn). Hai Ngài mới khoảng hơn 20 tuổi mà Tăng đoàn lúc đó có Kiều Trần Như gần 60 tuổi. Rồi có ba anh em Ca Diếp rất lớn tuổi. Mọi người mới ngạc nhiên hỏi Phật thì Đức Phật trả lời:

- Như Lai không thiên vị. Như Lai làm việc này vì nhân duyên phải thế.

Sau đó, Đức Phật kể các kiếp xưa Ngài Kiều Trần Như đã tạo công đức gì để nhân quả được đắc đạo đầu tiên. Phật kể tiếp nguyên nhân 55 thanh niên Da-Xá phát nguyện gì mà đắc A-la-hán. Ba anh em Ca Diếp phát nguyện gì mà đắc A-la-hán...

Còn Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất từ nhiều kiếp luôn phát nguyện phụ với Phật thống lãnh tăng đoàn. Và hôm nay Phật làm đúng như vậy.

Sau đó, hai Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên kể cho Phật nghe vị thầy cũ San-da-gia. Và câu nói nổi tiếng của vị đó: "Thế gian này, người ngu đông hơn người trí. San-da-gia vô trí sẽ độ được số đông những con người vô trí đó".

Đức Phật nghe xong đã nói bài Pháp Cú:

"Sai mà tưởng là đúng

Đúng mà tưởng là sai

Thu mình trong tà kiến

Đường giác ngộ đứng ngoài"

(I-Phẩm Song Yếu, Pháp Cú 11)

"Đúng thì biết là đúng

Sai thì biết là sai

An trú trong chánh kiến

Đường giác ngộ không dài"

(I-Phẩm Song Yếu, Pháp Cú 12)

Tin tức về 2 Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên tu theo Phật đắc đạo làm thống tăng đoàn đạo Phật đã bay đi khắp nơi. Toàn bộ đệ tử của San-da-gia nghe thấy mà bỏ đi hết. San-da-gia đã hộc máu mà chết vì tham vọng đổ vỡ.

Bài học kinh nghiệm:

Bài học 1: Biết rõ đúng sai

Biết rõ đúng sai là điều vô cùng khó khăn. Ai tìm được cái đúng tuyệt đối, tức đã tìm ra chân lý tuyệt đối. Đúng sai còn tùy vào đối tượng quan sát, vị trí thời điểm quan sát. Ví dụ trong vật lý: Một vật gọi là di chuyển phải căn cứ biểu kiến với vật thể khác. Nếu A bắn viên đạn về B. Tại điểm A ta thấy viên đạn bay đi xa. Tại điểm B ta thấy viên đạn bay về gần. Rồi nếu ta bắn súng liên thanh. Các viên đạn di chuyển cùng tốc độ. Chúng sẽ thấy nhau như đang đứng yên.

Vậy sao có thể biết rõ đúng sai tuyệt đối? Không bao giờ có giá trị tuyệt đối. Khi trí tuệ ta tăng trưởng, ta thông minh hơn thì làm ít điều sai hơn mà thôi. "Kiến thức là vô hạn mà cuộc đời thì hữu hạn". Kiến thức chính là cái đúng nó nhiều vô hạn. Nhưng cuộc đời con người thì hữu hạn nên mãi mãi ta không tìm được "Cái đúng tuyệt đối" hay "Tận cùng của kiến thức".

Thế nhưng trong Đạo Phật lại có cái đúng tuyệt đối. Những vị thánh A-la-hán được Phật gọi là "Diệt tận vô minh chứng đạt vô thượng Bồ đề". Vị thánh đó giác ngộ chân lý tuyệt đối không gì có thể hơn. A-la-hán được Phật gọi là "Bậc thánh vô học". Vị đó không cần học thêm bất cứ điều gì. Tự trong trí tuệ vị đó tự suy ra chân lý và làm theo chân lý. Rất tiếc vị thánh A-la-hán sau khi từ bỏ thân người thì nhập Niết Bàn không còn trong Luân Hồi. Thế nên chân lý tuyệt đối chính là Niết Bàn.

Bài học 2: Người ngu đông hơn người trí

Trên Youtube, các video vớ vẩn nhảm nhí như: Nấu cháo gà nguyên lông, đổ nước mắm lên đầu mẹ, cái bánh siêu to khổng lồ lãng phí vì chẳng ai ăn... lại nhiều người xem. Rồi các chuyện cướp, hiếp, giết, tin hot, tin nóng, hở hang, lộ hàng, sờ-căng-đan showbiz, đua đòi đú đởn, ăn chơi chụp chẹp... rất nhiều người xem. Còn chuyên mục người tốt việc tốt, việc tử tế, khoa học tri thức, kiến thức thú vị... chẳng ai xem. Nên "kẻ ngu đông hơn người trí" là vậy.

Bài học 3: Phật giáo hóa bằng thần thông

Trong cuộc đời giáo hóa của Phật ta thấy Phật hiếm khi dùng thần thông. Đa phần Phật dùng đạo lý nói chánh pháp để giáo hóa.

Nhưng đó là người có tâm tôn kính Phật, trân trọng đạo lý và tìm cầu chánh pháp. Khi Phật nói họ lắng nghe, thấu hiểu mà giác ngộ. Còn đối với kẻ kiêu ngạo, có thần thông hay võ thuật sao siêu thì nói đạo họ không thèm nghe. Mà tâm không thèm nghe thì sao có thể giác ngộ chánh pháp.

Ví dụ như trường hợp Phật giáo hóa 3 anh em Ca Diếp thờ lửa có thần thông hay tên cướp Angulimala võ thuật cao siêu vậy. Chỉ có thần thông của Đức Phật mới khiến họ "tâm phục khẩu phục". Nhưng khuất phục xong bằng thần thông thì Phật phải nói đạo thì họ mới giác ngộ. Do vậy gốc vẫn là chánh pháp. Còn thần thông chỉ để khuất phục khiến kẻ cứng đầu khiếp sợ biết lắng nghe mà thôi.

Ngày nay cũng vậy. Những kẻ giàu sang phú quý, quyền lực nghiên quốc gia... mà các sư nghèo đến nói đạo họ không thèm nghe. Họ chỉ nghe thầy tướng số, tử vi, phong thủy, bói toán mà thôi. Vì sao vậy? Vì tướng số, tử vi, phong thủy, bói toán là huyền môn thần bí giống như thần thông vậy.

Vậy nên ở chùa luôn có 2 vị hộ pháp: Ông thiện và Ông ác. Ông thiện sẽ dùng đạo lý khuyên bảo. Ông ác là chém giết, thần thông biến hóa khiến chúng sinh cứng đầu khuất phục. Và trong truyện tích này ta thấy Phật có 2 Đại đệ tử thượng thủ tăng đoàn: Tôn giả Xá Lợi Phất trí tuệ đệ nhất chuyên dùng lý lẽ khuyên bảo. Và Tôn giả Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất chuyên dùng phép thuật khuất phục chúng sinh. Ta cũng nên vậy. Ta phải có thần thông, quyền lực, tiền bạc vĩ đại. Nhưng ta cũng cần có trí tuệ thấu đạt đạo lý. Khi đó ta mới có thể là hộ pháp toàn năng.

Bài học 4: A-la-hán luôn khiêm hạ

A-la-hán được Phật định nghĩa là "Vị thánh diệt trừ hết 10 Kiết sử". Trong đó Kiết sử thứ 7 là kiêu mạn. Do vậy A-la-hán là vĩ đại nhưng không hề kiêu mạn. Các vị A-la-hán là vô ngã và khiêm tốn tột cùng.

Ngoài ra, thời Phật tại thế thì trên A-la-hán còn có Đức Phật muôn ngàn lần vĩ đại hơn. Sau thời Phật, các A-la-hán xịn diệt xong kiêu mạn thì vẫn giữ tâm khiêm hạ. Nhưng các vị gần chứng A-la-hán có thần thông mà chưa diệt kiêu mạn lại vô cùng "bố đời". Do vậy, sau thời Đức Phật mới có các bản kinh lý không như "Kinh Kim Cang", "Bát nhã Tâm kinh" để giúp các vị chưa diệt kiêu mạn tu tâm khiêm hạ.

Bài học 5: Phật từ bỏ phúc thế gian nhưng phúc vẫn tới theo tự nhiên

Ta thấy Phật từ bỏ phúc thế gian là ngôi vị thái tử Thích Ca. Người xuất gia tu hành không màng thế tục. Nhưng đắc đạo xong thì Phật làm thầy vua Bình Sa của Đại Quốc Ma Kiệt Đà. Phật được vua cúng khu vườn thượng uyển Trúc lâm để làm Tinh xá. Rồi Phật được ông Cấp Cô Độc đại quốc Cô-sa-la mua đất khu vườn của Thái Tử Kỳ Đà bằng số tiền vàng phủ kín đất vườn để cúng Phật. Vua Cô-sa-la là Ba-tư-nặc cũng quy y làm đệ tử Phật. Nên người phúc lớn dù không mong cầu thì phúc vẫn đến một cách tự nhiên.

Bài học 6: Đắc đạo phải có tâm cầu đạo

Ta thấy 2 thanh niên Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên có tâm cầu đạo vĩ đại. Rồi sa môn Cồ Đàm cũng có tâm cầu đạo vĩ đại. Nên Ngài đã tu 6 năm khổ hạnh cực đoan quyết tìm được đạo. Chính vì vậy khi gặp đúng Chánh pháp thì các vị đắc đạo ngay tức thì. Hai Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên nghe xong bài kệ thì đắc đạo Sơ quả Dự lưu. Sa môn Cồ Đàm ngồi thiền 49 ngày dưới gốc Bồ đề thì đắc đạo làm Phật.

Vậy nên muốn đắc đạo thì đầu tiên tâm ta phải mong cầu đạo vĩ đại. Khi đủ phúc, đủ duyên thì tìm được đạo mà tu đắc đạo. Còn nếu ta có phúc lớn, được sinh trong thời duyên lớn có chánh pháp Đức Phật tồn tại. Nhưng tâm ta lại đi mong cầu có thật nhiều tiền hay quyền lực vĩ đại làm đại đế vương... thì chẳng bao giờ đắc A-la-hán cả. Vậy nên 3 yếu tố chính để đắc đạo là: Tâm cầu đạo, Phúc và Duyên.

Bài học 7: Các pháp do duyên sinh

Đức Phật dạy về Nhân Quả. Nhưng bài kệ mà Tôn giả A-sa-di nói cho Ngài Xá Lợi Phật lại là "Các pháp do duyên sinh". Sao không phải "Các pháp do nhân sinh" ? Thế còn Duyên là gì?

Theo luật nhân quả, nhân đã gieo chắc chắn tương lai sẽ có quả báo. Nhưng khi nào quả báo tới lại do duyên. Duyên là các điều kiện đủ như: Đủ thời gian (thiên thời). Đủ các điều kiện thuận lợi (địa lợi). Khi đó quả báo mới tới. Do vậy duyên quyết định khi nào quả báo tới. Nên "Các pháp do duyên sinh" mà Ngài A-sa-di nói là chính xác.

Nhân là điều kiện cần và Duyên là điều kiện đủ để Quả báo thành. Thiếu 1 trong 2 yếu tố Nhân Duyên thì Quả báo không thành. Nên mới có câu nói rằng: "Vì đại nhân duyên mà Đức Phật ra đời".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#lvt