Pháp cú 29: Truyện tuấn mã và ngựa hèn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Tinh cần giữa phóng dật

Tỉnh thức giữa lầm mê

Người trí như tuấn mã

Bỏ sau con ngựa hèn"

(II-Phẩm Không Phóng Dật, Pháp Cú 29)

Tích Pháp Cú: Có hai người huynh đệ cùng xuất gia. Họ đến gặp Phật để nhận pháp tu. Sau khi nhận được đề mục và phương pháp thì họ về trú xứ là khu rừng vắng để tu hành. Ở trong rừng, điều kiện ăn ở khó khăn và hàng ngày phải đi khất thực xa. Nhưng một người tinh cần. Ngoài thời gian khất thực, làm các nghi lễ cần thiết thì vị đó dành trọn thời gian tu hành tọa thiền nhập định.

Người còn lại thì phí thời gian vào la cà, ăn uống, nói truyện phiếm. Đêm tối vị đó đốt củi sưởi ấm và rủ thêm người đến nói truyện. Lúc đầu là truyện đạo sau dần chuyển thành truyện thế gian nhảm nhí. Sáng lạnh vị tu sĩ chăm chỉ dậy ngồi thiền từ sớm. Vị lười biếng thì cuốn chăn ngủ nướng.

Thời gian dần qua, vị chăm chỉ tiến lên đạt được các mức định và ngồi thiền được lâu. Vị lười nhác không thấy vui còn ghen tức mỉa mai. Một lần, Đức Phật ghé thăm khu rừng nơi hai vị ẩn cư. Hai vị đảnh lễ Phật và trình bày kết quả đạt được. Đức Phật hỏi:

- Ở đây các ông tu hành ra sao?

Vị lười nhác nhanh nhẹn cướp lời:

- Ở đây con tu tinh cần, còn người này lười nhác.

Đức Phật nghiêm mặt nói:

- Ông là người lười nhác lại không biết quý người bạn tinh cần chăm chỉ.

Và Phật đọc bài kệ ngắn để khen vị tu sĩ chăm chỉ:

"Tinh cần giữa phóng dật

Tỉnh thức giữa lầm mê

Người trí như tuấn mã

Bỏ sau con ngựa hèn"

(II-Phẩm Không Phóng Dật, Pháp Cú 29)

Bài học kinh nghiệm:

Bài học 1: Người trí như tuấn mã

"Tinh cần" là chăm chỉ, cần mẫn làm điều tốt, đúng đạo lý chánh pháp. Ta hay nhầm tinh cần với "Tinh tấn". "Chánh tinh tấn" là giai đoạn 6 của Bát Chánh Đạo. Một người phúc lớn từ bỏ phúc thế gian. Vị đó từ bỏ gia đình cùng tài sản lớn bé. Vị đó cạo tóc xuất gia tu hành giới hạnh Phật được gọi là "Chánh Tinh Tấn". "Chánh tinh tấn" dịch chính xác là "Bước tiến quan trọng theo con đường chánh đạo".

"Phóng dật" là lười biếng, tham đắm thế gian, hưởng thụ, thác loạn. "Tỉnh thức" là tỉnh táo, trí tuệ, sáng suốt, thông minh. "Lầm mê" là mê mờ, lầm lạc, sai lầm, làm điều không đúng đạo lý.

Người trí tài giỏi thì tu hành tiến lên phía trước như một con tuấn mã. Con ngựa đẹp đẽ khỏe mạnh đó sẽ bỏ càng ngày càng xa con ngựa hèn yếu ở phía sau.

Bài học 2: Xuất phát điểm là như nhau nhưng người "tỉnh thức tinh cần" càng tu càng bỏ xa kẻ "phóng dật lầm mê"

Ta thấy xuất phát điểm 2 vị là như nhau. Cùng đến với Phật, cùng xin pháp môn tu hành, cùng bắt đầu tu học theo lời Phật dạy. Thế nhưng kẻ lầm mê thì sống phóng dật, lười biếng, ngủ nướng, chuyện phiếm, nhảm nhí, vô bổ... ví như con ngựa hèn.

Còn vị tỉnh thức thì chăm chỉ, siêng năng, tinh cần tu tập. Vị đó tiến nhanh và mạnh mẽ lên phía trước như con tuấn mã. Kết quả cuối cùng là vị "tinh tấn tỉnh thức" càng ngày càng bỏ xa kẻ "phóng dật lầm mê" ở phía sau. Tương lai một vị đi về cõi trời hay cõi Phật. Còn một vị cứ mãi mãi ở cõi thấp kém.

Bài học 3: Kẻ xấu thì hay nói xấu người tốt. Người tốt ít khi nhận cái tốt về mình và không bao giờ nói xấu bạn bè

Vậy nên ta thấy khi Phật hỏi thì người tốt không bao giờ tự nhận mình tốt hoặc nói xấu anh bạn lười biếng. Nhưng kẻ xấu thì lập tức tự nhận mình là người tốt và vu oan giá họa cho người tốt là xấu xa. Đó là tâm lý của phàm và thánh. Muôn đời như vậy chẳng thể nào khác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#lvt