Pháp cú 28: Truyện Tôn giả Ma-ha Ca Diếp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Người trí không buông lung

Rất tinh cần tu tập

Bước lên đỉnh núi cao

Nhìn thế gian xao động"

(II-Phẩm Không Phóng Dật, Pháp Cú 28)

Tích Pháp Cú: Đức Ma-ha Ca Diếp ở gần thành Vương Xá. Ngài vào hang Bip-pha-ly nhập định. Tại đó Ngài dùng thiên nhãn quan sát thế gian xem nhân quả quá khứ, hiện tại, tương lai của mọi chúng sinh. Khi đó Đức Phật ở Kì Viên cách 4000 dặm cũng đang nhập định. Phật thấy Ma-ha Ca Diếp trong định. Đức Phật gửi đến Ngài lời nhắn:

- Chỉ có Phật mới thấu suốt được nhân quả nghiệp duyên của chúng sinh. Còn A-la-hán tuy có thiên nhãn nhưng không thể thấy được tận cùng. Đây là sự khác nhau giữa A-la-hán và Phật.

Phật muốn nhắn Đức Ma-ha Ca Diếp rằng: "Những gì mà A-la-hán thấy không phải là tất cả. Phải đến vô lượng thời gian tu hành tiếp sau thì một A-la-hán mới hội đủ đại nhân duyên thành Phật. Khi đó thiên nhãn Phật mới linh cảm thấy được tận cùng của chân lý, nghiệp duyên, nhân quả".

Sau khi xuất định, Phật kể lại cho Ngài A-Nan nghe truyện Ngài Ma-ha Ca Diếp trong định và Phật đọc bài kệ tán thán vị A-la-hán đã vượt lên thế gian:

"Người trí không buông lung

Rất tinh cần tu tập

Bước lên đỉnh núi cao

Nhìn thế gian xao động"

(II-Phẩm Không Phóng Dật, Pháp Cú 28)

Truyện kể thêm về Đức Ma-ha Ca Diếp

Đức Ma-ha Ca Diếp sinh ra trong gia đình giàu có thuộc dòng dõi Bà-la-môn. Dung mạo Ngài rất đẹp. Ngài kém Phật 8 tuổi. Ngài sinh năm 616 TCN còn Phật sinh năm 624 TCN.

Thủa nhỏ đức hạnh Tôn giả đã siêu phàm. Khi lớn lên là thanh niên thì Ngài tự cạo tóc xuất gia tự tu hành. Đến khi gặp Phật và được Phật dạy thiền sau 7 ngày chứng A-la-hán. Trong bản kinh nổi tiếng Phật dạy về thiền Nikaya là Tứ Niệm Xứ thì Phật ấn chứng một vị thánh có đại căn duyên tu theo Kinh này sẽ đắc đạo sớm nhất sau 7 ngày. Đó chính là Phật nói về trường hợp Tôn giả Ma-ha Ca Diếp vậy.

Chính vì căn duyên của Tôn giả vĩ đại nên Ngài đắc đạo thời gian nhanh nhất trong hàng Đại đệ tử Phật. Do đó Ngài có danh vị "Phạm hạnh đệ nhất" bởi Ngài đắc thành Phạm hạnh viên mãn A-la-hán nhanh nhất.

Có người nói danh vị đó Ngài có được là vì Đạo đức Ngài cao nhất là không đúng. Bởi vì sao? Vì toàn bộ A-la-hán là diệt tận Kiết sử không chút lỗi sai thì đều Đạo đức vô ngã tuyệt đối giống nhau.

Ngài có hạnh nguyện là khổ hạnh, nghiêm trang và hơi khó tính. Ngài đề cao giới luật và rất có uy tín trong tăng chúng. Chính Ngài căn theo giới luật nên không đồng ý thành lập Ni đoàn. Về sau nhờ Đức A-Nan thuyết phục rất lâu thì Ngài và Phật mới đồng ý thành lập Ni đoàn.

Khi Đức Phật nhập diệt thì Tôn giả Ma-ha Ca Diếp đã lãnh đạo đại chúng kết tập kinh điển lần 1 và Tôn giả A-Nan chủ trì đọc tụng. Đại hội kết tập kinh điển Phật Giáo lần 1 diễn ra ngay sau khi Phật nhập diệt 7 ngày có viên mãn 500 vị A-la-hán tham dự. Đại hội đó không có ai không chứng A-la-hán. Nên ta hay gọi là "Ngũ Bách Kết Tập".

Tôn giả Ma-ha Ca Diếp có huyền thoại nổi tiếng lấy vợ suốt 10 năm vẫn trong sạch. Khi cha mẹ lớn tuổi thì bắt Ngài phải lấy vợ. Ngài không muốn lấy vợ chỉ muốn đi tu. Ngài ra điều kiện là sẽ vẽ hình một người con gái xinh đẹp (do Ngài tưởng tượng ra) nếu cha mẹ tìm được người con gái như tranh vẽ đó thì Ngài lấy làm vợ.

Thật kỳ lạ là có người con gái đẹp giống như tranh mà Ngài vẽ. Người nhà tìm được cô gái đó. Tin báo về Ngài vô cùng ngạc nhiên. Ngài viết thư nói với cô gái là Ngài xin lỗi do vì không muốn lấy vợ nên Ngài tưởng tượng vẽ ra hình để làm khó cha mẹ. Ngài mong cô tha thứ và đừng nhận lời cầu hôn.

Giữa đường gia nhân bóc thư ra xem và viết lại thư khác rằng: "Anh yêu em tha thiết..." Gia đình cô gái nhận lời cầu hôn. Hóa ra cô gái cũng muốn được đi tu nhưng bị cha mẹ ép cưới nên trong đêm tân hôn cô nhất quyết không cho Ngài đụng đến. Ngài cũng muốn đi tu nên không có ý xâm phạm. Rồi hai "vợ chồng" đó sống với nhau suốt 10 năm nhưng hoàn toàn trong sạch. Sau đó 2 bên cha mẹ đều mất sớm. Hai người cạo tóc đi tu khi chưa gặp Đức Phật. "Chồng" ôm bình bát xin ăn và "Vợ" đi sau cũng ôm bình bát xin ăn. Sau khi gặp Phật Ngài ra nhập tăng chúng và "Vợ" nhập vào ni chúng.

Đức Phật rất đề cao Tôn giả Ma-ha Ca Diếp. Có lần Đức Phật khen Ngài rằng: "Nếu không gặp Như Lai thì Ma-ha Ca Diếp tự tu cũng chứng A-la-hán".

Thế ta mới thấy duyên đắc đạo thời Đức Phật lớn chừng nào. Nếu Tôn giả Ma-ha Ca Diếp tự tu tự chứng A-la-hán trước Phật thì Ngài chính thức là một vị Phật tự tu, tự giác ngộ, tự chứng đạo vì không căn theo Chánh pháp của một vị Phật để lại. Nếu Phật đó giáo hóa thế gian thì sẽ là Thế Tôn Phật. Nếu Phật đó không có duyên giáo hóa chúng sinh mà chỉ đắc đạo riêng mình rồi nhập Niết Bàn sẽ là Độc Giác Phật, Bích Chi Phật hay Duyên Giác Phật.

Tôn giả Ma-ha Ca Diếp thân tướng siêu phàm mình phát hào quang giống Phật. Một lần có một Bà-la-môn phương xa chưa được gặp Phật bao giờ đến Tinh xá đảnh lễ Phật. Vị đó thấy Tôn giả Ma-ha Ca Diếp thân tướng siêu phàm tưởng là Phật bèn đến đảnh lễ Ngài. Tôn giả Ma-ha Ca Diếp biết vị đó tưởng nhầm bèn đứng dậy đến bên Phật và quỳ xuống đảnh lễ Phật. Ngài muốn chỉ cho vị Bà-la-môn phương xa rằng: "Đây mới là Đức Phật thật sự".

Tôn giả Ma-ha Ca Diếp là Sơ Tổ đời thứ nhất của Thiền Tông Phật Giáo. Ngài sinh năm 616 TCN tại Ma Kiệt Đà và mất năm 496 TCN tại Gurupada giri. Ngài hưởng thọ 11*11=121 tuổi (cả tuổi mụ). Đây là số tuổi viên mãn của một thánh nhân. Tuổi dương thế của Phật cũng là số viên mãn của một thánh nhân 9*9=81 tuổi (cả tuổi mụ). Tuổi đắc đạo của Phật cũng là số viên mãn 6*6=36 tuổi (cả tuổi mụ).

Bài học kinh nghiệm:

Bài học 1: Bước lên đỉnh núi cao nhìn thế gian xao động

Phật dạy trong bài Pháp Cú rằng: "Người trí tuệ thì chăm chỉ (tinh cần) tu tập, diệt tật xấu Kiết sử. Diệt xong Kiết sử thì vị đó chứng Tam minh diệt Vô minh. Vị đó như một người sáng mắt nhìn thấy nhân quả quá khứ hiện tại tương lai rõ như lòng bàn tay. Còn chúng sinh thì vô minh không thấy được nhân quả như không thấy ánh sáng. Vị thánh diệt Vô minh như người bước lên đỉnh núi cao nhìn thế gian xao động".

Bài học 2: Sao Phật chỉ nhắn A-la-hán trong định? Sao Phật không nói bí mật đó cho mọi người?

Khi Đức Ma-ha Ca Diếp nhập Diệt Tận Định quan sát khắp tam thế thì Phật hiện ra nhắc nhở: "Chỉ có Phật mới thấu suốt được nhân quả nghiệp duyên của chúng sinh. Còn A-la-hán tuy có thiên nhãn nhưng không thể thấu được tận cùng chân lý như Phật. Các A-la-hán còn phải tu tiếp để tiến lên nữa". Nhưng khi nói truyện với đại chúng thì Phật chỉ khen ngợi Tôn giả Ma-ha Ca Diếp mà không kể về tình tiết nhắc nhở về mức định A-la-hán còn thấp.

Ta nên biết Tôn giả Ma-ha Ca Diếp tu thiền 7 ngày đắc A-la-hán và có danh vị "Phạm Hạnh Đệ Nhất". Ngài là một A-la-hán vĩ đại nhất trong hàng Đại đệ tử Phật. Nếu Phật nhắn Ngài tức Phật gián tiếp nhắn toàn bộ các A-la-hán chứ không chỉ riêng đức Ma-ha Ca Diếp.

Rồi toàn bộ Kinh Nguyên Thủy Nikaya thì đích đến cao tột cùng là "Tối thắng Niết Bàn". Vậy vì sao đã là "Tối thắng Niết Bàn" rồi mà Phật lại bảo còn thấp? Có khi nào có đích đến cao hơn A-la-hán mà Phật cố tình giữ bí mật không nói ra? Nếu có sao Phật lại cố tình giữ bí mật? Ta hãy tìm hiểu nhé...

Ta thấy, trong Kinh Đại Bổn, kinh số 14 thuộc Trường Bộ Kinh Nikaya thì Phật nói đến 6 vị Phật quá khứ trong 91 Đại Kiếp mà Phật thấy đều là Bồ Tát cõi Đâu Suất Đà Thiên hóa sinh cõi người thành Phật. Trong tương lai sẽ có Bồ Tát Di Lặc cũng từ Đâu Suất Đà Thiên hóa sinh cõi người thành Phật (Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, số 26 thuộc Trường Bộ Kinh).

Trong kinh Bổn Sanh thuộc Tiểu Bộ Kinh Nikaya nói về quá khứ 4 A Tăng Tỳ kiếp vào thời Phật Nhiên Đăng. Khi đó có Bồ Tát Thiện Tuệ vì tôn kính Phật Nhiên Đăng đã nằm ra vũng bùn để Phật bước qua. Sau đó Phật Nhiên Đăng đã thọ ký tương lai Bồ Tát Thiện Tuệ sẽ thành Phật Thích Ca.

Vậy Quá khứ, Hiện tại, Tương lai luôn có Bồ Tát hóa sinh cõi người thành Phật. Thế sao trong toàn bộ giáo lý Nguyên Thủy không hề thấy Phật Thích Ca nói gì về con đường tu của Bồ Tát thành Phật? Có ai thắc mắc điều này không?

Sự thật rằng có một con đường tu cao hơn quả vị A-la-hán. Đó chính là con đường Bát Nhã Ba-la-mật. Các vị A-la-hán đắc đạo khi đứng trước ngưỡng cửa Niết Bàn. Vì trí tuệ vĩ đại của các vị, vì tình yêu với chúng sinh nên một số vị đã không bước vào.

Ngay ngưỡng cửa Niết Bàn đó thì A-la-hán phát đại nguyện ở lại Luân Hồi từ bi cứu độ chúng sinh cho tới vô lượng vô biên. Vị đó hóa thân làm Đại Bồ Tát. Đích đến cuối cùng của Đại Bồ Tát là thành Phật. Điều này được ghi trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Kinh Pháp Hoa) ở các phẩm Thọ Ký chứ không phải quan điểm cá nhân tôi.

Đây chính là một bí mật vĩ đại của Phật Thích Ca. Nếu bí mật này được nói ra thì mọi người sẽ bỏ con đường "Tối thắng Niết Bàn" mà tu theo con đường vĩ đại hơn là "Bát nhã Ba-la-mật". Sự thật đúng vậy. Từ khi Đại Thừa Bát Nhã được phổ biến sau thời Đức Phật Thích Ca 500 năm lại có rất ít các vị đắc đạo A-la-hán. Bởi vì các vị tu sĩ đã từ bỏ con đường thấp "Tối thắng Niết Bàn" mà vội vã đi theo con đường cao siêu "Bát nhã Ba-la-mật". Đó giống như chưa học hết lớp 1, lớp 2 đã mơ tưởng làm giáo sư tiến sỹ cứu giúp nhân loại.

Bài học 3: Vô sắc giới xứ định

Kinh Phật nói về Tam giới:

Thứ nhất Dục Giới: Đây là cõi còn dục và chúng sinh tồn tại có giới tính (nam hoặc nữ). Cõi này trải rộng gần hết Lục đạo Luân hồi: Địa ngục, Súc sinh, Ngã quỷ, Người, Thần và Trời dục giới. Địa ngục lại chia thành 18 tầng tách biệt với nhau dành cho chúng sinh từ tội nặng tới nhẹ. Các cõi Súc sinh, Ngã quỷ, Người, Thần chỉ có 1 tầng và chúng sinh trong cõi đó nhìn thấy nhau. Trời dục giới lại chia thành 8 tầng dành cho các vị phúc từ bé tới lớn trong đó có Tam thập tam thiên của vua trời Đế Thích.

Thứ hai Sắc Giới: Đây là cõi trời rất cao. Ở đó các vị không còn giới tính mà chỉ là hào quang. Kinh Ba-lê, số 24 Trường Bộ Kinh miêu tả các vị Trời sắc giới như sau: "Ở tại đây, những loài hữu tình này do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh và sống như vậy trong thời gian khá dài." Vậy các vị Trời sắc giới do ý sinh ra tức đó là cõi tâm linh. Tâm các vị luôn hỉ lạc. Thân chiếu hào quang. Các vị di chuyển trong hư không và sống trong ánh sáng quang vinh. Tuổi thọ các vị khá dài. Tôi thấy các vị Trời sắc giới giống các vì sao, tinh tú hay mặt trời... Trời sắc giới có 13 tầng trong đó có cõi Phạm Thiên của vua trời Phạm Thiên.

Thứ ba Vô Sắc Giới: Đây là cõi mà các vị thánh nhập định không còn thân, không hào quang, không hỉ, không lạc... Các vị chỉ còn tâm linh phủ trùm khắp vũ trụ hư không. Vô Sắc Giới có 5 tầng mà cao nhất là Diệt Tận Định: cõi của các A-la-hán nhập định.

Tôn giả Ma-ha Ca Diếp và Đức Phật nhập Diệt Tận Định tâm phủ trùm khắp hư không và thấy rõ nhau. Phật và Tôn giả Ca Diếp dùng truyền tâm trong định để trao đổi vượt giới hạn không gian 4000 dặm.

Còn giới hạn về thời gian trong định thì các A-la-hán thấy Tam thế: quá khứ, hiện tại, tương lai. Nhưng các vị không thể tác động vào nó. Vậy theo lý thuyết Phật Giáo có thể thấy được quá khứ và tương lai mà không thể tác động.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#lvt