Pháp cú 41: Truyện Trưởng lão bị thân nghiệp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Không bao lâu thân này

Sẽ nằm dài trên đất

Bị vứt bỏ vô thức

Như khúc cây vô dụng."

(III-Phẩm Tâm, Pháp Cú 41)

Tích Pháp Cú: Có Trưởng lão tên là Pu-chi-ga-ta-ti-sa sau khi xuất gia thọ giới một thời gian thì từ từ toàn thân nổi mụn nhọt. Ngài chữa mãi không khỏi và nó khiến Ngài đau đớn. Rồi các mụn đó chín vỡ ra chảy mủ, ruồi bâu, hôi thối, giòi bọ.

Bệnh tình ngày càng trầm trọng và đau đớn. Lúc đầu các huynh đệ còn chăm sóc. Sau bệnh quá nặng và hôi thối nồng nặc không ai chịu nổi. Mọi người làm cho Ngài cái xạp tre để Ngài ngoài hiên cho thoáng khí. Rồi mọi người lánh xa Ngài dần dần.

Đến lúc nghiệp của Ngài gần mãn thì Đức Phật đến. Đức Phật bảo các Tỳ kheo gỡ ngoại Y của Pu-chi-ga-ta-ti-sa mang giặt. Đức Phật dùng khăn nhúng nước nóng và đích thân Phật trực tiếp lau từng vết thương cho Ngài. Khi ngoại Y khô thì Phật sai gỡ nội Y giặt phơi và quấn ngoại Y. Rồi Phật lại tiếp tục lau từng vết thương cho Ngài. Nội Y khô thì Phật sai mang nội Y mặc lại và choàng ngoại Y bên ngoài. Sau đó Phật đọc bài kệ Pháp Cú:

"Không bao lâu thân này

Sẽ nằm dài trên đất

Bị vứt bỏ vô thức

Như khúc cây vô dụng."

(III-Phẩm Tâm, Pháp Cú 41)

Đọc xong bài kệ thì Trưởng lão đắc đạo A-la-hán. Ngài mỉm cười và nhẹ nhàng bỏ thân nhập Niết Bàn. Sau đó Phật cho làm lễ Trà tỳ hỏa thiêu theo nghi thức một vị A-la-hán.

Các Tỳ kheo chưa đắc đạo ngạc nhiên thấy Trưởng lão Pu-chi-ga-ta-ti-sa trước đó còn đau đớn kêu rên. Nhưng được Phật chăm sóc đặc biệt và đọc bài kệ thì đắc đạo A-la-hán. Các Tỳ kheo mới hỏi Phật. Phật kể lại sự tình...

Vào kiếp xưa Trưởng lão Pu-chi-ga-ta-ti-sa sống bằng nghề bẫy chim. Bắt được con chim nào Ngài bẻ gãy 2 cánh, bẻ gãy 2 chân bỏ và vào giỏ để nó không bay không chạy. Đời sống đó Ngài gặp một vị Độc Giác Phật vẻ ngoài là tu sỹ đi khất thực. Chợt lòng người thợ săn động tâm bèn mang thức ăn ngon ra cúng dường vị tu sỹ. Ngài quỳ cúng dường và xin:

- Xin cho con được dự vào quả vị của Ngài.

Câu nói đó là vô tình chứ người thợ săn không hề biết tu sỹ kia là Độc Giác Phật. Phật mỉm cười đồng ý và nói:

- Lành thay, lành thay.

Và Phật nhận đồ ăn cúng dường. Sau khi thọ thực xong thì vị Độc Giác Phật ra đi.

Đến đời sống này Trưởng lão Pu-chi-ga-ta-ti-sa hội đủ nhân duyên thì quả báo tới dồn dập. Ngài có duyên gặp Phật Thích Ca xuất gia tu hành đắc đạo A-la-hán. Rồi quả báo của tội sát sinh chim từ kiếp xưa cũng đến đòi nợ. Cuối cùng Ngài nhập Niết Bàn dự vào quả vị Phật đúng như lời ước nguyện kiếp xưa.

Bài học kinh nghiệm:

Bài học 1: Quán tử thi

Trong các bản Kinh Nikaya Phật dạy về thiền nổi tiếng có 3 bản kinh: (1) "Kinh Giáo giới La Hầu La" Phật dạy về quán 16 hơi thở kết quả là đạt Thất giác tri. Và Chánh niệm tỉnh giác là Giác tri thứ nhất. (2) "Kinh Thân Hành Niệm" là Phật dạy về thiền quán thân kết quả là đắc Lục Thông A-la-hán. (3) "Kinh Tứ Niệm Xứ" là đầy đủ viên mãn nhất về thiền. Tứ niệm xứ gồm: 1- quán hơi thở, 2- quán tứ oai nghi, 3- quán thân, 4- quán tâm, 5- quán thọ, 6- quán pháp. Trong đó quán thân, tâm, thọ, pháp là 4 phần chính nên gọi là Tứ Niệm Xứ. Phật ấn chứng ai tu theo kinh Tứ Niệm Xứ có thể đắc đạo A-la-hán chỉ trong 7 ngày nếu đủ phúc và đủ tâm mong cầu giác ngộ.

Còn "Kinh Thân Hành Niệm" Phật dạy quán thân là vô thường: sinh - già - bệnh - chết. Bản chất của thân là bất tịnh: xương, thị, cơ, phủ, tạng, ruột, đờm, rãi, máu mủ, tiêu, tiểu, móng, lông... Bản chất của thân là Tứ đại: xương, lông, móng, răng là Đất (Thổ Đại). Thịt da, gân, cơ, máu, mủ... là Nước (Thủy Đại). Trong thân có hơi thở là Gió (Phong Đại). Hơi nóng là Lửa (Hỏa Đại)... và Quán bản chất kết thúc của thân là Tử thi: thân này chết vứt lăn lóc như khúc cây, trương sình, giòi bọ rúc rỉa rữa ra thành nước... chỉ còn xương... lâu ngày xương cũng tan thành bụi...

Và đoạn kệ Pháp Cú 41 này chính là kinh "Thân hành niệm" phần Quán Tử Thi. Trưởng lão Pu-chi-ga-ta-ti-sa nghe bài kệ liền đắc đạo A-la-hán đúng như Phật ấn chứng cuối kinh "Thân hành niệm".

Bài học 2: Quả báo có thể rất lâu mới tới

Ta thấy từ thời vị Độc Giác Phật quá khứ đến thời Phật Thích Ca là rất lâu mà quả báo không tới. Đến đời sống này thì quả báo tới dồn dập. Vậy nên Đại Kinh Nghiệp Phân Biệt thuộc Trung Bộ Kinh Nikaya thì Phật nói: "Không phải gieo nhân thì quả tới luôn, cũng không phải quả báo sẽ tới ở kiếp sau. Mà quả báo chỉ tới khi đủ duyên".

Đối với quả báo cần duyên dễ như đủ tiền tiêu xài, mua nhà, mua xe thì dễ dàng nên có thể đến sớm. Còn quả báo cần Đại duyên như đắc A-la-hán thì cần thời gian rất lâu. Đại duyên đó là phải đúng thời có Chánh pháp Đức Phật tồn tại trên thế gian. Còn nếu trong thời Mạt Pháp tức là khi Chánh pháp bị sai lệch thì phúc lớn vĩ đại cũng chẳng thể đắc đạo.

Thế nên Sa-môn Cồ Đàm phúc vĩ đại mà tu khổ hạnh cực đoạn 6 năm sai lầm mà chẳng thể đắc đạo. Còn khi đủ duyên tìm được Chánh pháp thì Sa-môn Cồ Đàm tu 49 ngày là đắc đạo thành Đức Phật vĩ đại.

Bài học 3: Nguyên tắc để nhập Niết Bàn là tất cả ác nghiệp quá khứ phải trả nợ xong và chấm dứt

Ta thấy trước khi Phật nhập Niết Bàn thì Phật trải qua cơn bạo bệnh do nấm độc của người thợ rèn Chun Đa vô tình làm món ăn dâng Phật. Rồi Tôn giả Mục Kiền Liên trước khi nhập Niết Bàn thì tội cũ kiếp xưa Ngài là Đại Ác Ma Du Si phá tăng đoàn Phật quá khứ tới đòi. Khi đó bọn cướp được ngoại đạo thuê giết Tôn giả kéo đến. 6 lần Ngài biến mất trước mặt bọn cướp. Đến lần thứ 7 thì duyên đã mãn và Ngài ngồi đó để bọn cướp chém giết. Sau khi bọn chúng bỏ đi thì Ngài dùng thần thông thu gom thân xác biến mất hiện ra trước Phật đảnh lễ thầy lần cuối. Sau đó Ngài ngồi thiền nhập Niết Bàn.

Nghĩa là: "Nguyên tắc để nhập Niết Bàn là tội cũ kiếp xưa phải tất toán hết sạch". Và Trưởng lão Pu-chi-ga-ta-ti-sa cũng có duyên nhập Niết Bàn nên phải trả nợ hết ác nghiệp quá khứ. Thế là quả báo khổ đến dồn dập bắt Trưởng lão phải trả nợ. Sau khi trả xong thì Ngài đắc A-la-hán và nhập Niết Bàn.

Bài học 4: Nghiệp quật thì mọi người xa lánh

Ta thấy Trưởng lão lớn tuổi đức cao vọng trọng nhưng bị bệnh. Lúc đầu mọi người còn giúp đỡ. Sau thì mọi người xa lánh dần dần. Đó là tâm lý thường tình dù là các Tỳ kheo đạo đức hơn người vẫn vậy.

Thế nên, để phục vụ người bệnh được tận tình chu đáo mà hi vọng vào bác sỹ, y tá, hộ lý, điều dưỡng viên là điều không thể. Họ chỉ vì trách nhiệm nghề nghiệp vì chuyên môn mà làm theo thói quen được đào tạo. Còn chăm sóc người bệnh bằng cái tâm thương yêu sẻ chia chỉ có người trong gia đình, ơn nghĩa thân tình mà thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#lvt