Pháp cú 42: Truyện cái chết định nghiệp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Kẻ thù hại kẻ thù

Oan gia hại oan gia

Không bằng tâm hướng tà

Gây ác cho chính ta."

(III-Phẩm Tâm, Pháp Cú 42)

Tích Pháp Cú: Có người tên là Nan-đà là trưởng ngành gia súc cho ông Cấp Cô Độc. Ông thu tiền hoa lợi từ buôn bán gia súc. Ông cũng có những xưởng sản xuất từ chế phẩm gia súc như thịt, sữa, trứng... Hàng tháng ông về gặp ông Cấp Cô Độc để báo cáo tài chính và nộp tiền lợi tức. Nhà ông Cấp Cô Độc thường xuyên tổ chức trai tăng cúng dường tăng đoàn Đức Phật. Ông Nan-đà cũng được gặp Phật và nghe Phật giảng pháp. Rồi từ từ ông hiểu đạo và tôn kính Đức Phật.

Một lần Đức Phật và tăng đoàn có việc đi gần nông trại của Nan-đà. Ông vội chạy ra nghênh đón:

- Vì nhân duyên nên Đức Thế Tôn đi qua vùng đất của con. Con kính mời Thế Tôn và Chư Tăng thọ trai trong 7 ngày ở gia đình con.

Đức Phật nhận lời. Nan-đà liền ra lệnh cho gia nhân chuẩn bị đồ ăn cúng dường trai tăng trong 7 ngày. Đến này thứ 7 Phật thuyết pháp thì Nan-đà chứng Sơ quả Dự Lưu. Kể từ đó ông nhìn cuộc đời thanh thản không còn tham, sân, si như trước. Lòng ông tôn kính Đức Phật tuyệt đối.

Sau khi mọi việc viên thành thì Phật từ biệt. Nan-đà xin được tiễn Phật một đoạn đường. Ông đi sau Phật tay ôm bình bát của Phật với trọn lòng tôn kính Đức Thế Tôn như voi con đi sau voi chúa. Đến giữa đường Phật dừng lại và nói:

- Này Nan-đà, ông đưa Như Lai đến đây đã đủ. Hãy quay về và làm các bổn phận của mình.

Nan-đà quỳ xuống dâng bát cho Phật. Ông lễ Phật 3 lễ rồi đứng nhìn Phật và tăng đoàn đi khuất mới quay lưng đi về. Đi được một đoạn thì ông bất ngờ bị kẻ thù bắn cung tên giết chết. Ông Cấp Cô Độc cho người làm lễ an táng long trọng. Sau đó các Tỳ kheo chưa đắc đạo đến hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, nếu Nan-đà không đưa tiễn Thế Tôn thì Nan-đà sẽ không bị chết. Vậy có phải vì đưa tiễn Thế Tôn nên ông bị kẻ thù bắn chết?

- Này các Tỳ kheo, nếu Nan-đà không đưa tiễn Như Lai thì Nan-đà vẫn bị bắn chết vì đó là định nghiệp phải trả.

Rồi Phật đọc bài kệ:

"Kẻ thù hại kẻ thù

Oan gia hại oan gia

Không bằng tâm hướng tà

Gây ác cho chính ta."

(III-Phẩm Tâm, Pháp Cú 42)

Bài học kinh nghiệm:

Bài học 1: Ta hại ta mới thảm khốc

Phật muốn nói rằng: "Kẻ thù hại ta chết, oan gia giết ta chết... cái đó không đáng sợ. Chỉ sợ tâm của ta hướng tà tạo ác nghiệp. Tương lai ác nghiệp thành quả báo mới hại ta khủng khiếp".

Có câu rằng: "Bồ tát sợ nhân chúng sinh sợ quả". Chúng sinh cứ thấy quả báo khổ thì sợ hãi, cầu khấn, kêu than hay trốn chạy. Biết đâu rằng ác nghiệp đã gieo trong quá khứ thì quả báo 100% sẽ tới. Dù có chui vào hầm sâu hay sống trên núi cao cũng chẳng thể thoát. Cho nên "Quả báo ăn cháo gãy răng". Phật gọi đó là Định Nghiệp 100% sẽ tới không thể nào thoát. "Định nghiệp Phật không thể cứu" là 1 trong Tam bất năng của Phật.

Còn chúng sinh thì thoải mái làm ác, tạo ác nghiệp. Vì chúng sinh không biết có Luật nhân quả. Bồ Tát thì biết rõ nhân đã gieo trong quá khứ khi đủ duyên quả báo ắt sẽ tới. Khi quả báo tới thì Bồ Tát không hề sợ hãi. Bồ Tát Nhẫn nhục Ba-la-mật trả nợ ác nghiệp vượt qua khổ. Nhưng Bồ Tát luôn sợ hãi với tâm ác, lời nói ác và hành động ác (Tam ác nghiệp) ở hiện tại. Bởi vì cái khổ ở tương lai sẽ mãi mãi không chấm dứt nếu hiện tại vẫn đang tạo ác nghiệp.

Bài học 2: Tâm ác hại ta nhiều đời nhiều kiếp

Trong triết học Phật Giáo thì tâm ác được Phật liệt kê cụ thể có 10 món gọi là "Thập kiết sử". "Kiết" (hay Kết) là chúng bám keo két trong tâm ta nhiều đời nhiều kiếp không thể dứt. "Sử" là nó sai sử mọi hành động của ta. Thập kiết sử là: 1-Thân kiến, 2- Giới cấm thủ, 3- Nghi, 4- Tham ái dục, 5- Sân hận, 6- Trạo hối, 7- Kiêu mạn, 8- Tham sắc ái, 9- Tham vô sắc ái, 10- Vô minh. Ai diệt xong hết 10 kiết sử thì đắc A-la-hán được Phật gọi là vị "Thánh lậu tận". Tức vị thánh không còn chút nhiễm ô, cấu uế, kiết sử nào trong tâm. Ta hay gọi tắt Kiết sử là "Tham, Sân, Si". Và tu hành là diệt trừ mọi "Tham, sân, si".

Vì còn kiết sử trong tâm nên mọi lời nói việc làm của ta liên tục tạo Ác nghiệp mới. Chính vì tồn tại Ác nghiệp nên quả báo khổ đeo bám ta mãi mãi trong Luân hồi cho đến khi ta trả xong hết nợ.

Khi diệt xong hết 10 kiết sử thì vị "Thánh lậu tận" vĩnh viễn, mãi mãi không còn quả báo đau khổ. Vị đó sẽ đến một nơi không còn đau khổ. Mà bản chất Luân hồi luôn có sinh tử nên luôn có đau khổ. Vậy cõi không còn đau khổ đó sẽ chấm dứt sinh tử và nằm ngoài Luân hồi. Cõi đó là Niết Bàn tịnh diệt.

Bài học 3: Duyên đắc đạo thời Đức Phật

Ta thấy thời Đức Phật tại thế chỉ cần được gặp Phật, cúng dường trai tăng, nghe Phật giảng pháp dù cư sỹ cũng đắc Sơ quả Dự Lưu. Vị đó vĩnh viễn không đoạ 3 ác đạo và chắc chắn chứng Niết Bàn ở tương lai. Bạn nên biết Thiên chủ Đế Thích ta hay gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế mới chỉ chứng Sơ quả Dự Lưu (theo kinh Đế Thích sơ vấn thuộc Trường Bộ).

Còn nay ta hiểu đạo Phật, ngồi thiền tu dài dài, tụng kinh niệm Phật mãi mãi nhưng duyên hẩm vì quá xa thời Đức Phật nên chẳng thấy ai đắc đạo. Vậy nên Phật nói: "Vạn hữu do duyên sinh" là chính xác. Ngày nay nhân đắc đạo thì nhiều mà duyên không có nên chẳng thể đắc. Còn thời Đức Phật những vị có nhân đắc đạo từ ngàn đời trước đã tái sinh gặp Đại duyên Chánh pháp của Phật thì đắc đạo hàng loạt.

Vậy nên, có một thời các sư đọc kinh Phật thấy A-la-hán có hàng ngàn hàng vạn thì coi thường A-la-hán là sai lầm. Sự thật A-la-hán là vô cùng vĩ đại. Phật gọi vị đó là "Vô thượng bồ đề" tức không ai có thể chứng cao hơn kể cả Phật.

Đức Phật là một vị A-la-hán đầu tiên tìm được Chánh Pháp. Trong khi trước đó thế gian này không có Chánh Pháp. Nếu Đức Phật đó không có duyên giáo hóa dạy bảo Chánh Pháp cho đời thì gọi là Độc Giác Phật tức vị Phật chỉ giác ngộ 1 mình. Nếu Đức Phật đó chuyển pháp luân đưa Chánh Pháp giáo hóa thế gian thì gọi là Thế Tôn Phật. Những vị tu theo Chánh pháp của Phật đắc đạo viên mãn A-la-hán thì không được gọi là Phật. Chỉ được gọi là A-la-hán.

Bài học 4: Tôn kính Phật tuyệt đối

Ngày nay, ta tôn kính Phật chỉ ở vỏ ngoài bằng nghi thức lễ bái, thờ cúng và niềm tin tôn giáo. Thế nhưng để tôn kính Phật tuyệt đối thì phải thấy được trí tuệ Phật. Muốn thấy được trí tuệ Phật thì phải tu đắc đạo ít nhất chứng Sơ quả dự lưu. Các vị thánh trí tuệ càng cao, càng thấy sự vĩ đại của Phật nên các vị có lòng tôn kính Phật mãnh liệt. Nên đắc đạo vĩ đại như Đức Phổ Hiền Bồ Tát thì trong Thập hạnh Phổ Hiền có công hạnh 1 và 2 là: "Nhất dạ đảnh lễ Chư Phật, Nhị dạ Tôn Kính Như Lai".

Còn ai tu mà thấy: "Ta đây cũng là Phật. Phật ở tâm ta. Không phải tìm Phật ở bên ngoài" là sai. Trí tuệ ta thế nào mà dám thấy tâm ta là Phật? Tâm ta chứa đầy tham, sân, si, dục, ái, hỉ, lộ, mạn, nghi... Thập Kiết Sử còn nguyên đã diệt được món nào đâu mà thấy tâm ta là Phật? Tâm Phật nào mà tham, sân, si, ái, dục, cấu uế, nhiễm ô... như tâm ta vậy?

Thế nên ông Nan-đà sau khi đắc Sơ quả dự lưu thì lòng tôn kính Phật của ông tuyệt đối. Trước đó dù ông có tôn kính Phật nhưng chưa đủ trí tuệ để thấy sự vĩ đại của Phật nên tâm tôn kính còn sơ sài.

Bài học 5: Định nghiệp

Đức Phật có tam bất năng: (1) Định nghiệp đã tới, Phật không thể cứu. (2) Chúng sinh vô duyên, Phật không thể độ. (3) Chúng sinh vô lượng, Phật không biết hết. Định nghiệp là nghiệp đã gieo trong quá khứ, nay duyên đã đủ thì quả báo tới. Phật không thể thay đổi Định nghiệp.

Ta chú ý: Trong Tiểu Kinh Nghiệp phân biệt (thuộc Trung Bộ Kinh) Phật nói: "Nghiệp là thai tạng tạo ra chúng sinh. Nghiệp là quyến thuộc đeo bám chúng sinh. Nghiệp chia chúng sinh đi 2 đường cõi lành và cõi dữ bởi Nghiệp có liệt và có ưu (xấu và tốt)". Vậy Nghiệp có tốt có xấu, bởi Nhân có thiện có ác, cho nên Quả báo tới có lành có dữ.

Do vậy, Nan Đà bị Định nghiệp phải chết thì dù không tiễn Phật ông vẫn bị bắn chết. Vậy sao biết đó là Định nghiệp hay không phải Định nghiệp? Ta hãy xét trường hợp cái chết của Đức Mục Kiền Liên.

"Khi đó Tôn giả ngồi thiền trong hang động Ka-la-si-la nước Ma Kiệt Đà. Bọn cướp được ngoại đạo thuê giết Tôn giả tay cầm gươm đao đi vào động. Sáu lần Tôn giả đều dùng thần thông biến mất. Đến lần thứ 7 thì duyên đã mãn quả báo chắc thành là Định nghiệp. Tôn giả không biến mất. Ngài ngồi đó để bọn cướp chém thành ngàn mảnh nhỏ. Sau khi bọn cướp bỏ đi Tôn giả dùng thần thông thu gom thân xác biến mất hiện ra trước Phật đảnh lễ từ biệt thầy. Sau đó Tôn giả ngồi thiền nhập Niết Bàn."

Vậy tức, quả báo khổ đến ta phải cố gắng hết sức để thoát quả báo. Sau khi cố hết sức rồi mà quả báo vẫn đến thì là Định nghiệp. Khi đó ta nên Nhẫn nhục Ba-la-mật đón nhận quả báo một cách bình an. Chứ không phải buông xuông trước mọi quả khổ. Theo tôi đó là Nhẫn nhục sai lầm như năm 1197. Khi đó hơn 3000 vị Tỳ kheo ở học viện Nalanda bị gần 100 tên Hồi giáo chém giết mà không hề phản kháng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#lvt