PHẦN V: BƠI VÀO ĐÊM ĐEN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


07:26 MAY 06, 2034 (GMT+8)

ĐÔNG NAM TRƯỜNG SA

Lin Bao nhìn thấy ánh sáng sớm trên biển. Ông đã không ra biển từ lâu lắm rồi. Cũng đã lâu rồi ông không chỉ huy.

Nhưng chưa lâu lắm từ chiến thắng vĩ đại trên vùng biển này, từ khi chính phủ công bố đã đánh chìm 37 tàu chiến của Mỹ gồm cả hai hàng không mẫu hạm Ford và Miller, làm cả thế giới ngỡ ngàng: cán cân quân sự trên đại dương đã thay đổi.

Cũng chưa lâu lắm từ khi ông nhận được lệnh từ đích thân Bộ trưởng Chiang, chỉ huy Nhóm tàu chiến đấu Trịnh Hòa. Ông mới chia tay vợ con ở Bắc kinh ba ngày trước đây để đến Bộ chỉ huy Hạm đội Nam Hải ở Trạm Giang nhận nhiệm vụ.

Lin Bao nghĩ về Ma Qiang khi bay ra tàu. Hai phi công trẻ của chiếc máy bay cánh quạt hai động cơ mời ông ngồi vào chiếc ghế thứ ba trong buồng lái. Họ vui vẻ và tự hào được nhận trách nhiệm đưa vị tư lệnh mới từ Trạm Giang ra tàu, luôn miệng bảo đảm với ông là sẽ bay êm và hạ cánh chuẩn... "là điềm tốt cho chỉ huy mới đấy ạ." Một anh vừa nói vừa cười toe toét.

Ngắm nhìn đại dương từ trên buồng lái, Lin Bao trầm tư không biết Ma Qiang nằm đâu dưới đáy biển. Ước muốn cuối cùng của bạn ông là được hòa vào biển cả. Lin Bao biết, điều đó là một phần của huyền thoại mà Ma tìm cách xây dựng quanh mình, đến tận khi hy sinh đúng vào thời điểm chiến thắng vĩ đại nhất. Cũng như anh hùng hải quân Đô đốc Nelson Horation ở Trafalgar, Ma Qiang đã đưa tàu của mình đến quá gần vùng chiến sự một cách bất cẩn, kích động hiểm nguy tô điểm cho vinh quang của mình. Một chiếc máy bay Mỹ kiểu cũ F/A-18 –Ong Vò Vẽ, lọt qua được lưới phòng không của Trịnh Hòa, và phi công, theo một cách rất không-đặc thù-Mỹ, đã đâm cả máy bay vào vào buồng chỉ huy của Trịnh Hòa, như các phi công Thần Phong của Nhật.

Đã có thể nhìn thấy Trịnh Hòa ở đường chân trời, bé như một con tem. Khi máy bay lấy góc tiếp cận, Lin cảm thấy cũng không khác gì chiếc Ong Vò Vẽ trong những phút cuối cùng. Ông nhớ lại phản ứng của Bộ trưởng khi nghe tin Đô đốc Ma và một số thủy thủ và sĩ quan hy sinh trong cuộc tấn công kamikaze của phi công Mỹ. "Đó là một phi công rất dũng cảm", Bộ trưởng khen viên phi công Mỹ mà không nhắc gì đến Ma Qiang. Có vẻ là tính cách háo vinh danh của Ma làm ông khó chịu hơn là cái chết của anh ta. Mặc dù ngầm phê phán việc mạo hiểm không cần thiết của Ma, Bộ trưởng vẫn cùng Thường trực Bộ chính trị công khai ca ngợi và vinh danh Ma Qiang, người hùng của Chiến thắng Biển Đông giờ đã thành huyền thoại.

Thay thế người hùng không dễ, Lin nghĩ, trong khi máy bay bắt đầu hạ cánh xuống bong. Ông có thể nghe thấy cuộc đối thoại với kiểm soát không lưu khi máy bay lượn vòng. Hai cáp giữ số 1 và số 4 đã bị hỏng khi đánh nhau, và bây giờ, hơn một tuần sau vẫn chưa được xử lý. Lin Bao có thể hình dung những việc ông phải làm để chuẩn bị cho những trận đánh ác liệt phía trước.

Máy bay rung lắc mạnh do nhiễu động. Khi hạ xuống độ 300m, Lin thấy sàn tàu có đông người, hay ít nhất là đông hơn bình thường. Có lẽ thủy thủ muốn ra xem chỉ huy mới hạ cánh. Máy bay tiếp bong hơi xa, phi công phải tăng ga nâng độ cao để có thể hạ cánh lần thứ hai.

Phi công hạ cánh trượt quay mặt lại và bẽn lẽn xin lỗi Lin Bao: "nhiễu mạnh quá, đồng chí Đô đốc thứ lỗi. Chúng tôi sẽ đưa đồng chí hạ lần này."

Lin Bao báo phi công không phải lắng, nhưng trong thâm tâm ông đã ghi cú hạ cánh trượt này vào danh sách những việc quan tâm của ông khi nhận chức trách chỉ huy. Máy bay lấy lại độ cao. Có lẽ phi công nhận thấy vẻ không hài lòng của Lin, nên cứ lảm nhảm trong khi chuẩn bị hạ cánh lần 2. "Tôi đã nói trước rồi mà thưa đồng chí, hạ cánh lần đầu mang lại điềm may, nhưng tôi không tin lắm."

Một cú nhiễu động nữa.

"Tôi nhớ khi Đô đốc Mia nhận chức, trời cũng rất gió. Phải đến lần thứ ba ông ấy mới hạ cánh được." Viên phi công vui vẻ thêm vào.

13:03 APRIL 28, 2034 (GMT+5:30)

NEW DELHI

Nếu không có quyết định của chính phủ Trung Quốc đợi hai bốn giờ mới tung tin chiến thắng ở Biển Đông ra, Chow sẽ không có cơ hội để đưa Wedge ra khỏi sứ quán Iran. Ngay từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, Chow đã thấy việc bắt giữ Wedge là mắt xích yếu nhất trong chuỗi các hành động chính xác của đối phương, tính từ cuộc gọi của viên tùy viên quân sự ăn M&M về Wen Rui.

Giải cứu Mitchell là một việc làm khá mạo hiểm. Wedge đã rất thất vọng khi thấy một nhân viên ngoại giao đứng đắn chứ không phải một nữ y tá xinh đẹp của Chữ Thập Đỏ. Tuy nhiên nỗi thất vọng nhanh chóng biến mất khi Chow giải thích chính phủ Ấn vừa thuyết phục được Iran chuyển Wedge sang cho họ quản lý sáng nay. "Nhanh chân lên!" Chow giục và họ được hai sĩ quan tình báo Ấn Độ vội vã đưa ra qua cửa sau.

Sau này khi Wedge hỏi Chow làm thế nào mà ông bác ông có thể thuyết phục được viên đại sứ chuyển anh cho Ấn Độ giam giữ, rõ ràng là gây bất lợi cho chính phủ Iran, Chow đã trả lời bằng tiếng Nga: Kompromat (thông tin có thể làm hạ thấp uy tín, phá hoại sự nghiệp của một chính trị gia – NTN)

"Kompromat?" Wedge hỏi lại

"Trẻ em," Chow trả lời, giải thích là cơ quan tình báo Ấn Độ thường có những công cụ để tác động lên các nhân viên nước ngoài, đặc biệt là cỡ đại sứ. Ông đại sứ này lại là một kẻ ấu dâm đồng tính. Khi ông bác Chow đến hé lộ thông tin cho đại sứ, ông này đã tính toán đơn giản: ông ta sẽ bị kỷ luật nhẹ hơn nếu bị chính phủ Ấn Độ lừa, hơn là công khai các khuynh hướng tình dục của mình. "Đấy là lý do vì sao anh được thả, Thiếu tá Mitchell."

Chow để Wedge lại bệnh viện với một nhân viên sứ quán, người sẽ phải lo để anh bay về Mỹ hoặc về bất cứ đâu mà Thủy quân lục chiến thấy hợp. Chow phải quay về Washington, về với các trách nhiệm của mình, về với con gái. Khi quay về căn nhà ở khu phụ của sứ quán để thu dọn đồ đạc ra sân bay, anh vội đến mức bước qua mà không nhận ra ông bác mình đang kiên nhẫn ngồi đợi trên sofa.

"Sandeep, bác nói vài lời được không?" Chow giật mình khi nghe thấy giọng trầm của bác ngay phía sau. "Xin lỗi đã làm cháu bất ngờ."

"Làm sao bác vào được đây?"

Viên đô đốc già đảo mắt, có vẻ như ngạc nhiên tại sao ông cháu lại hỏi câu ngây ngô vậy. Trong một buổi sáng ông đã sử dụng các mối quan hệ của mình trong giới tình báo, quân sự và ngoại giao để lấy được viên phi công Mỹ từ bên Iran, không có lẽ gì ông không xử lý được cái khóa của phòng thằng cháu. Tuy nhiên ông vẫn trả lời: "một nhân viên sứ quán của cháu đã cho bác vào," rồi như cảm thấy thế là chưa đủ, ông nói thêm, "một người mà trước đây bọn bác cũng giúp đỡ chút ít."

Chow đồng ý nói chuyện với bác. Hai người đi ra ngoài ngồi vào chiếc Mercedes đen. Chow cũng chẳng hỏi là đi đâu và bác cũng không nói. Trên xe họ không nói gì. Chow cũng không phản đối. Mấy ngày nay ông nằm bẹp ở sứ quán, đây là lần đầu tiên ông được ngắm phố. Những con phố bụi bặm cũ kỹ đã bị phá hủy. Những hàng cây xiêu vẹo nở hoa tưng bừng cũng đã biến mất. "Đám đông bồng bột và bất tiện dễ bị kích động phản kháng" như bác ông đã có lần nói như thế, cũng không còn nữa.

Phố sạch sẽ. Những ngôi nhà mới và đẹp.

Những thay đổi to lớn trong bộ mặt đô thị Ấn Độ xảy ra hai thập kỷ trước, dưới thời của tổng thống Modi, người cùng với các đồng minh dân tộc chủ nghĩa của mình, đã quyết tâm lột xác Ấn Độ cũ bằng cách đầu tư vào hạ tầng, cuối cùng đã khuất phục được Pakistan bằng Cuộc chiến Mười Ngày năm 2024, và dùng thắng lợi đó để hiện đại hóa quân đội.

Chow có thể soi lại lịch sử bằng cách nhìn qua cửa sổ, ngắm những con phố sạch bong, chen chúc những dãy nhà cao tầng bọc kính, những toán lính và thủy thủ tha thẩn đi dạo trên phố, sau giờ trực ở nhiệm sở. Modi và các trợ thủ của mình đã tiêu diệt tất cả những ai chống đối các cải cách, muốn che dấu một xã hội đã đổ nát. Tất nhiên chưa phải mọi thứ đều đã hoàn hảo. Nông thôn còn nhiều việc phải làm. Nhưng con đường phía trước rõ ràng là tươi sáng hơn hẳn.

Cuối cùng họ cũng đến được chỗ cần đến. Không phải là một bước tiến, mà là một bước lùi về thời gian: Delhi Gymkhana, câu lạc bộ của ông bác. Một con đường dài, thẳng giữa thảm cỏ được cắt cẩn thận, dẫn đến sảnh có mái che. Từ xa Chow có thể nhìn thấy sân cỏ tennis và bể bơi nước xanh biếc. Người phục vụ cúi đầu chào và trao đổi gì đó với bác, họ được dẫn vào hiên nhà, nhìn ra khu vườn cầu kỳ mang dấu ấn Anh Quốc thuộc địa từ thời thành lập câu lạc bộ.

Patel gọi gin tonic còn Chow gọi soda, làm cho ông bác hơi thất vọng. Khi người bồi chạy đi, Patel hỏi: "Cô em bác thế nào?"

"Mẹ cháu ổn, rất vui được làm bà nội". Bỗng Chow dừng lại, anh cảm thấy mình không có quyền thông tin về mẹ mình cho ông bác xa lạ. Cái chết của bố anh đã ảnh hưởng sâu sắc đến mẹ. Có lẽ cuộc nói chuyện đã chỉ dừng ở đây nếu không có sự ồn ào trong câu lạc bộ, cạnh chiếc TV trên quầy bar. Những vị khách quen trịnh trọng mặc đồ tenis trắng, những người hầu khoác jacket, mấy chàng ca sĩ, tất cả xúm lại nghe tin tức. Những người dẫn chương trình đang tổng hợp những tin tức đầu tiên về trận đánh lớn ở Biển Nam Trung hoa. Họ chỉnh lại tai nghe, mắt nhìn chằm chằm vào camera khi các tin tức tuôn ra từ đầu dây, dần dần hình thành một kết luận khủng khiếp: Hải quân Mỹ đã bị đánh bại hoàn toàn.

Chỉ có Chow và bác ông không thấy cần thiết phải xúm vào TV. Họ ngồi lại trên hiên vắng.

"Phải có thời gian, người ta mới hiểu được tất cả những thứ đó nghĩa là gì!" Patel nói hất hàm về phía TV.

"Đơn giản là chúng cháu đang có chiến tranh."

Patel gật đầu nhấp một hụm gintonic. "Đúng rồi, nhưng đây mới là khởi đầu thất bại của các anh. Đó mới là điều đáng nói."

"Chúng cháu có thể đã hơi đánh giá thấp họ. Nhưng Hải quân Mỹ mạnh mẽ và có phần vượt trội. Chúng cháu sẽ không sai lầm nữa và họ sẽ phải hối tiếc." Chow dừng lại và đổi giọng. "Tôi sợ là chúng ta đã đán thức người khổng lồ đang ngủ và tiêm cho anh ta một sức mạnh khủng khiếp."

Bác ông biết câu nói đó. "Đô đốc Isoroku Yamamoto. Nhưng đây không phải là Trân Châu Cảng và tình hình đã thay đổi. Anh nhìn quanh xem, nhìn câu lạc bộ này. Khi một đế chế qua thời đỉnh cao, nó sẽ sụp đổ. Câu lạc bộ này, với tất cả nét Anh xưa cũ, là tượng đài của sự vượt ngưỡng."

Chow nhắc cho ông bác rằng, đất nước ông còn lâu mới đến ngưỡng. Mới có thất bại đầu tiên, cứ cho là hai đi, nếu tính cả vụ "phục kích hải đội" của John Paul Jones và các tàu đi cùng. "Chưa kể, chúng tôi còn chưa bàn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược.", Chow thêm một chút chất giọng nghiêm trọng.

Viên đô đốc già khoanh tay trước ngực. "Anh thử nghe xem. Vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược. Anh có nghe các anh nói gì không? Với những vũ khí này, không ai có thể thắng."

Chow nhìn ra ngoài, rồi lẩm bẩm, như cậu thanh niên tức tối: "Hiroshima... Nagasaki... Chúng tôi đã thắng."

"Chúng tôi? Ai là chúng tôi?" giọng của bác trở nên khó chịu. "Gia đình anh đã sống cách đây chỉ có 3 dặm những ngày đó. Anh nghĩ là tại sao nước Mỹ lại thịnh vượng sau Thế chiến Hai?"

"Vì chúng tôi thắng." Chow nói

Patel lắc đầu. "Người Anh cũng thắng, người Nga thắng, ngay cả người Pháp cũng thắng."

"Cháu không hiểu bác muốn nói gì?"

"Trong chiến tranh, không phải là thắng. Mà là thắng thế nào. Người Mỹ thường không bắt đầu mà chỉ kết thúc cuộc chiến. Còn bây giờ." Patel gục cằm xuống, và lắc đầu buồn bã. "bây giờ ngược lại, các anh khởi đầu cuộc chiến mà không biết cách kết thúc nó."

Rồi ông đổi chủ đề và hỏi về em mình. Chow cho ông xem ảnh con gái, chia sẻ một chút về cuộc ly dị của ông, về ác cảm của mẹ ông với con dâu như bản sao của Ellen Degeneres, mặc dù Patel không hiểu. Sau khi lắng nghe, ông hỏi: "Liệu cháu có tính đến chuyện về nhà không?"

"Nước Mỹ là nhà của cháu," Chow trả lời. "Không nơi đâu trên thế giới, con của một người nhập cư có thể leo lên được vị trí trong Nhà Trắng. Nước Mỹ rất đặc biệt. Đó là điều cháu muốn nói với bác."

Pate ngồi nghe ông một cách nghiêm túc. "Cháu có biết là bác thích nhất điều gì khi tham gia câu lạc bộ này không?"

Chow ngơ ngác nhìn

"Lại đây," Patel nói rồi đẩy lùi ghế, duỗi thẳng chân trên sàn lát đá hoa của hiên nhà. Họ bước vào căn phòng ngay phía trong, trông như phòng truyền thống, sát tường là những tủ kính bày những chiếc cúp có đôi quai cầm, có khắc năm, đã từ nhiều thế kỷ trước. Patel đưa Chow đến một bức ảnh được đóng khung ở góc nhà. Các sĩ quan quân đội Anh đứng thành ba hàng, với những người giúp việc đội khăn đứng bên cạnh. Bức ảnh đề thời gian gần 100 năm trước, trước khi Ấn Độ dành độc lập. Patel giải thích đây là bức ảnh chụp các sĩ quan Anh của Trung đoàn bộ binh Ấn độ số 2, là các thành viên của câu lạc bộ này, ngay trước khi họ được cử đến chiến trường Thái Bình Dương. "Đa số họ bị giết ở Miến Điện hoặc Mã Lai." Những gương mặt từ tấm ảnh nhuốm màu thời gian nhìn Chow ám ảnh. Ông bác rút cây bút bạc từ trong túi rồi khoanh tròn một khuôn mặt, với bộ râu được tỉa tót, người đậm, đeo lon, mắt nhìn thẳng vào camera. "Đây là ông ấy, cháu thấy tên không? Lance Naik Imran Sandeep Patel... cụ của cháu đấy."

Chow đứng lặng trước bức ảnh.

"Không chỉ có Nước Mỹ mới làm người ta đổi đời. Nước Mỹ không đặc biệt như vậy." bác nói.

Chow lấy điện thoại và chụp lại khuôn mặt của ông tổ.

"Bác nghĩ là chính phủ bác sẽ phản ứng thế nào?" ông nói, ra hiệu về phía chiếc TV đang đưa tin nóng về một cuộc chiến nhiều khả năng là sắp xảy ra.

"Khó nói, nhưng bác nghĩ là chúng ta sẽ thoát ra ổn thỏa."

"Vì sao bác nghĩ như vậy?"

"Vì chúng ta học được những bài học mà các anh đã quên mất."

11:42 MAY 13, 2034 (GMT+9)

YOKOSUKA NAVAL BASE

Đầu tiên chuyến bay về nhà của bà bị hủy

Sau đó là lệnh mới: kiểm tra y tế tại Bệnh viện Hải quân

Lần này bà qua được.

Bà được thăng chức sớm lên chuẩn đô đốc một sao. Nhiệm vụ mới làm bà sốc. Bà được giao chỉ huy Nhóm chiến đấu gồm Hàng không mẫu hạm Enterprise và 20 tàu khác. Tất cả thủ tục hết một tuần. Tuần sau bà sẽ gặp hạm đội ở Yokosuka. Đêm trước khi Enterprise cập bến, bà lần đầu tiên gặp cơn ác mộng mà sau này sẽ đeo đuổi bà.

Trong ác mộng đó, ba đứng nhìn 3 tàu còn lại từ Nhóm chiến đấu của Ford và Miller bò về cảng. Bà đứng ở trên cảng, khi một trong ba con tàu, chiếc khu trục hạm, thả cầu tàu. Nhưng chiếc khu trục hạm này không phải thuộc nhóm của Ford và Miller. Nó là soái hạm cũ của bà, John Paul Jones. Thủy thủ đoàn xuống tàu và bà nhận ra rất nhiều người lính trẻ. Trong đó có thuyền trưởng Jane Morris. Cô ấy hút xì-gà, vẫn điếu xì-gà họ đã chia sẻ với nhau trên đài chỉ huy của John Paul Jones mấy tuần trước. Tưởng như cả đời người đã trôi qua. Khi Hunt đến gần, Morris vẫn bình thản bước qua, như là bà không tồn tại. Không phải là Morris phản ứng gì, mà có vẻ như Hunt mới là bóng ma còn Morris và các thủy thủ mới là những người đang sống.

Trong lúc Hunt đang tìm cách gây chú ý của Morris, bà nhìn thấy một viên hạ sĩ quan đang đi xuống cầu tàu lên bến. Anh ta gây chú ý vì mặc toàn đồ trắng. Quần rộng loe phủ lên đôi giầy da được đánh bóng. Hai lon khâu vào tay áo. Chiếc mũ hải quân trắng vui nhộn lệch trên đầu anh. Có lẽ anh chưa đến 25 tuổi. Và mặc dù là hạ sĩ quan, anh ta đeo vô khối huân huy chương trên người, bao gồm cả huân chương đã giết chết mình. Anh là lính đặc nhiệm SEAL. Anh bước lên bến, đến thẳng chỗ Hunt và cầm tay bà xiết chặt 3 lần: TÔI/YÊU/BÀ – hệt như bố bà vẫn thường làm. Anh nhìn vào mắt bà, cầm tay, chờ đợi. Khuôn mặt cạo nhẵn nhụi, cơ thể thon hình chữ V, mạnh mẽ. Bàn tay anh ấm. Suýt nữa bà không nhận ra ông. Trong trí nhớ của bà, ông luôn già hơn, từng trải. Bà không bao giờ nhớ những tấm huân chương lấp lánh của bố mình. Nhưng bây giờ chúng đang đặc biệt lấp lánh. Đôi mắt xanh của ông nhìn thẳng vào bà. Và bà xiết chặt tay ông 4 lần: CON/CŨNG/YÊU/BỐ.

Ông nhìn bà và nói: "Con không phải làm như vậy." rồi thả tay bà, bước đi. Bà gọi với theo, "Làm gì ạ?" nhưng ông không quay lại

Giấc mơ luôn kết thúc ở đây. Hunt vừa ra khỏi giấc mơ khu Enterprise được kéo vào cảng. Bà vẫn còn đang bị câu hỏi trong giấc mơ ám ảnh khi gặp với thủy thủ đoàn trên bến cảng. Bà bắt gặp mình đang tìm kiếm ông, hoặc Morris, liệu có đi cùng với các thủy thủ đang xuống tàu kia. Thủy thủ đoàn còn trẻ. Đa số các sĩ quan hoặc vị trí chính thức đều trẻ hơn quy định 1,2 bậc. Đó là kết quả của những tổn thất gần đây trong chiến đấu, cũng như vấn đề thiết hụt nhân lực trầm trọng trước đó. Hunt hài lòng với việc họ trẻ, hy vọng là họ khao khát và sự nhiệt tình sẽ bổ khuyết cho kinh nghiệm.

Theo kế hoạch Enterprise sẽ ở lại cảng một tuần sau khi di chuyển từ Hạm đội Năm ở Vịnh Arab. Đồng đội của nó, chiếc Bush vừa ngu ngốc mất một phi công trên bầu trời Iran, và Enterprise quyết không mắc phải sai lầm đó trong khi thực thi nhiệm vụ mới. Nhưng là nhiệm vụ gì thì họ cũng không rõ. Họ biết năng lực tác chiến điện tử của Hải quân Trung quốc có thể làm cho các hệ thống liên lạc, vũ khí, điều khiển hiện đại của họ, chỉ còn là những chiếc máy tính ngớ ngẩn, mà họ chưa biết cách chống lại. Tuy nhiên họ biết rằng bất cứ nhiệm vụ cụ thể nào của họ, cũng phải bao gồm tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa hạm đội Trung quốc đang đe dọa phá vỡ cán cân quyền lực trong khu vực.

Đầu tiên, tất nhiên, họ phải đi tìm được hạm đội Trung Quốc, đặc biệt là Nhóm tác chiến Trịnh Hòa. Kinh nghiệm từ vụ Wen Rui và thảm họa của Ford và Miller đã chứng tỏ khả năng Trung quốc có thể che dấu cả một vùng biển rộng lớn. Khi Bộ chỉ huy Hạm đội Bảy hủy lệnh về hưu của Hunt, họ cũng đã gửi các máy bay trinh sát không người lái đi khắp Biển Nam Trung Hoa và các góc của Thái Bình Dương để xác định vị trí và đoán định các bước tiếp theo của hạm đội Trung Quốc. Đủ loại máy bay từ phiên bản tàng hình mới nhất của MQ-4C Triton, đến RQ-4 Global Hawks hay RQ-170 Sentinels của CIA, tất cả đều kết nối chăt chẽ với hệ thống vệ tinh của Mỹ. Nhưng cũng như trường hợp chiếc F-35 ở Bandar Abbas, cứ đến một khoảng cách nào đó, người Trung Quốc lại có thể vô hiệu hóa toàn bộ các thiết bị trên maý bay. Kết quả là Bộ chỉ huy đã để lại cho Hunt một lỗ đen to tướng với bán kính gần 800 hải lý. Bao gồm vùng biển Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan và Philippines. Trịnh Hòa và hạm đội Trung Quốc nằm ở đâu đó trong lỗ đen này và Hunt được kỳ vọng là sẽ tìm ra và tiêu diệt.

Bà đã yêu cầu vô hiệu hóa tất cả các thiết bị điều khiển trên một trong những phi đội của mình VMFA-323 có tên là Death Rattles (Rắn đuôi kêu chết chóc), phi đội duy nhất của Thủy quân lục chiến trên bong của Enterprise còn sử dụng FA-18 Hornet cổ lỗ. Bà có 2 ngày để điều chỉnh lại các máy bay trên cảng. Thực tế là Hunt đang biến một trong các phi đội của bà thành "Phi đội Ngu".

Chỉ huy phi đội ra sức phản đối. Anh này bảo với Hunt là không chắc chắn là tất cả các phi công của anh biết cách bay chay bằng mắt và tay mà không có sự trợ giúp của các thiết bị. Bà bỏ qua, không phải vì bà thấy anh này vô lý, mà bà không có lựa chọn nào khác. Bà biết rằng, lần sau, nếu phải đánh nhau, bà sẽ đánh mù.

Tất nhiên là nếu bà có thể tìm ra Trịnh Hòa.

09:00 MAY 21, 2034 (GMT-4)

QUANTICO

Wedge chỉ muốn về nhà. Về San Diego. Về với bãi biển. Về với tập gym lúc 6h sáng. Họp trước bay lúc 8h00. 9h00 tập phiên đầu Ăn trưa. 13h30 bay lượt 2, sau đó là họp rút kinh nghiệm. Uống bia ở câu lạc bộ sĩ quan và ngủ đêm trên giường không phải của mình. Anh muốn đeo kính Ray-Ban, lướt sóng ở Punta Miramar. Anh muốn chém gió với đồng đội cùng phi đội, và chứng minh rằng đó không phải là chém gió trong các bài tập cận chiến ở Căn cứ Không quân Fallon.

Anh không muốn làm gì?

Anh không muốn về Quantico. Anh không muốn viên thượng sĩ mà Bộ chỉ huy phân "hộ tống trong vùng WDCMA" cứ lẽo đẽo theo sau.

"WDCMA là cái quái gì vậy?" Wedge hỏi viên thương sĩ ù lì, chẳng có công trạng gì ngoài mấy cái giấy khen luyện tập và phiếu "bé ngoan".

"Washington DC, Metro Area, thưa ngài!" (Vùng nội thành thủ đô Washington)

"Anh chơi tôi à?"

"Tuyệt nhiên không, thưa ngài."

Trong suốt mấy tuần anh quay về Mỹ, hay là CONUS theo cách mà thượng sĩ bắt anh phải gọi như vậy, anh và anh ta đã trao đổi kiểu này với anh ta mấy lần rồi. Khi anh ta từ chối cho anh ăn tối với anh bạn thời sinh viên gần Quảng trường Dupont. ("Anh chơi tôi à?" "Tuyệt nhiên không, thưa ngài."), hay khi thượng sĩ kiên quyết đòi đi cùng khi anh muốn đi xem phim ở rạp của căn cứ ("Anh chơi tôi à?" "Tuyệt nhiên không, thưa ngài."), hay gần đây, có lẽ đau nhất, khi anh cứ bị gia hạn ở lại Quantico, đầu tiên là 1 ngày, sau đó là 2 ngày, sau đó là 1 tuần, rồi tuần nữa (("Đm, anh chơi tôi à?" "Tuyệt nhiên không, thưa ngài.")

Lý do chính, trên giấy tờ, để họ bắt anh ở lại là giải trình. Suốt tuần đầu tiên, anh phải lần lượt gặp đủ loại sĩ quan từ CIA, DIA, NSA, Bộ ngoại giao, và thậm chí cơ quan Tình báo Trắc địa. Anh đã giải thích chi tiết cho họ, những trục trặc mà anh gặp phải với chiếc 35, những hành động mà anh đã xử lý theo quy trình, và kể cả không theo quy trình như nã đạn vào bảng điều khiển. "Khi hệ thống đơ, tôi tắt chúng đi." Các sĩ quan bàn giấy và nhà thầu công nghiệp có vẻ không tin lắm. Rồi anh kể lại bị bắt thế nào, ít nhất là những gì mà anh nhớ được.

"Kể cho chúng tôi nghe về tay sĩ quan Iran đi."

"Tay này có bàn tay phải chỉ có 3 ngón, tính tình nỏng nảy, và đấm đá tôi thối phổi. Các anh muốn biết gì nữa không?"

Mấy tay bàn giấy cắm cúi ghi chép vào sổ.

Wedge thấy chán ngán. Đó là vấn đề. Anh ngồi không suốt ngày, xem tin tức. "Ba mươi bảy con tàu," anh thường nói to lên như vậy, như từ hư vô. Mỗi lần nói như vậy, anh hy vọng là ai đó, có thể là tay thượng sĩ cứng nhắc, sẽ chạy đến an ủi và nói với anh là không có gì xảy ra cả. Ford, Miller và các tàu hộ tống vẫn còn nguyên. Tất cả chỉ là giấc mơ ảo ảnh. Chỉ có sự vĩ đại của nước Mỹ là thật.

Wedge quen rất nhiều những phi công giờ đã chết từ khi học ở trường bay Pensacola chục năm trước. "Chúng ta bị bẻ nanh." Wedge chua chát nghĩ về trận đánh, liếm lưỡi vào những chỗ răng anh bị đánh gẫy. Trong tuần thứ hai ở Quantico, anh bỏ 4 tiếng đồng hồ ra tiệm răng, và chính nha sĩ báo cho anh lý do chính thức mà anh bị giữ lại căn cứ. Sau khi thay 5 cái răng, nữ nha sĩ lấy gương cho Wedge soi. "Anh nghĩ nghế nào? Liệu đã đủ đẹp trai để họ đưa anh đến Nhà Trắng chưa?"

Một tuần nữa trôi qua.

Như vậy là anh đợi đến báo cáo ở Nhà Trắng. Viên thượng sĩ kể cho Wedge anh đã nổi tiếng thế nào khi bị bắt. Cho anh xem phong trào #FreeWedge trên mạng xã hội. Tổng thống, suy cho cùng là một nhà chính trị, nên chẳng có gì lạ là muốn chụp ảnh cùng với Wedge. Bà ấy cần phải làm thế. Nhưng cuộc gặp cứ bị hoãn lại. Mặc cho Wedge ngồi chờ xem TV. Hạm đội Trung quốc biến mất. Mất tăm. Bộ trưởng quốc phòng, Tham mưu trưởng, Cố vấn an ninh quốc gia, con diều hây non Trent Wisecarver – ra sức họp báo, đe dọa đáp trả đích đáng "Sự xâm lăng của Trung Quốc."

Người Tàu vẫn quan sát và im lặng.

Sau vài tuần ầm ĩ, có vẻ chính quyền cũng cảm thấy mệt. Ngày đầu tiên không có họp báo, cuối cùng Wedge cũng được triệu tập đến Nhà Trắng. Trên suốt chặng đường từ Quantico, anh lo sửa đi sửa lại bộ quân phục màu xanh mới được may đo vội vã. Nghe nói là Tổng thống sẽ gắn huân chương cho anh. Rồi hỏi dăm ba câu, chụp ảnh và xong. Vừa sửa sang mấy dải băng trên ngực, Wedge vừa lùa lưỡi kiểm tra hàm răng mới.

"Ngài trông bảnh lắm," thượng sĩ nhận xét. Wedge cám ơn và cả hai nhìn ra cửa sổ.

Khi họ đến cổng vào Cánh Tây, có vẻ như không ai chào đón cả. Mật vụ không tìm thấy tên Wedge trong danh sách ra vào ngày hôm nay. Wedge rủ tay thượng sĩ đi làm cốc bia ở Old Ebbit Grill hay Hay-Adams gần đó rồi rồi tí quay lại nhưng thượng sĩ từ chối. Anh ta tranh cãi với sĩ quan mật vụ, làm cuối cùng họ phải gọi sếp. Mất đến nửa tiếng để họ gọi sang Lầu Năm góc và Bộ chỉ huy Thủy quân lục chiến.

Chow tình cờ đi ngang qua. Ông biết về chuyến viếng thăm của Wedge và tình nguyện hộ tống anh. Còn thượng sĩ thì phải đợi vì Chow chỉ được dẫn một người một lần. Ông dẫn Wedge qua các văn phòng chi chít ở Cánh Tây và giải thích một cách hối lỗi: "từ khi bị mất điện, không một hệ thống nào làm việc trở lại bình thường cả." Sau đó ông tìm được chỗ để Wedge ngồi đợi. "Tôi biết là có lịch của anh ngày hôm nay, nhưng tình hình hiện tại khá bất định. Để tôi đi kiểm tra xem lúc nào mời anh vào." Sau đó Chow biến mất vào sự rối rắm như tổ ong. Wedge có thể quan sát thấy điều đó. Các nhân viên vội vàng chạy về một hướng, rồi đột ngột dừng lại, và quay đầu chạy ngược. Các cuộc nói chuyện có vẻ rất căng thẳng, nhưng lại thì thầm. Điện thoại reo liên tục. Đàn ông thì chưa cạo râu. Đàn bà thì không chải tóc. Ăn uống ngay tại bàn làm việc

"Vậy đó chính là anh?", một nhân viên, kẹp một cặp tài liệu đỏ dưới nách, cặp kính không gọng ngự trên mũi, xuất hiện ngay cạnh, ngắm nghía Wedge như thể anh là một bức tranh có xuất xứ đáng ngờ.

Theo bản năng, Wedge đứng dậy, chào và tự giới thiệu: "Vâng, tôi là Thiếu tá Chris Mitchell, thưa ngài," cứ như anh đang ở trong cuộc diễu binh ở Quantico. Trent Wisecarver tự giới thiệu không phải bằng tên mà bằng chức vụ, "Tôi là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống," rồi bắt tay Wedge một cách hờ hững, như thể ông không thể tập trung đủ sự quan tâm cho một cái bắt tay thân thiện hơn. "Thiếu tá Mitchell," ông chỉ tay vào cái cặp dưới nách, "anh có lịch, nhưng tổng thống đang quá bận rộn chuẩn bị cho bài phát biểu toàn quốc vào tối nay. Nên bà đã ủy quyền cho tôi trao phần thưởng cho anh." Wise đưa chiếc cặp đỏ và cái hộp xanh chứa huân chương cho Wedge. Ông ta ngưng một chút, có vẻ như để tìm từ phù hợp, "Xin chúc mừng," rồi lại vội vã chạy đi họp tiếp.

Wedge tự lần mò trong Cánh Tây để đi ra cổng. Tay thượng sĩ vẫn nghiêm túc đứng chờ. Chẳng ai nói với ai câu nào, họ bước ra Đường Pennsylvania vào một gara công cộng nơi họ để chiếc xe công vụ. Thượng sĩ cũng không hỏi chi tiết cuộc gặp với Tổng thống của Wedge. Có vẻ như anh ta cảm thấy việc trao huân chương diễn ra cũng không trang trọng lắm, nên cố gắng mua vui cho Wedge bằng cách nhắc là có thể ngày mai anh ta sẽ hết nhiệm vụ và Wedge có thể tự do gia nhập lại phi đội của mình.

Wedge mỉm cười, cả hai im lặng lắng nghe những điệu nhạc xưa trên radio khi lái về Quantico. Bỗng nhạc tắt phụt, phát thanh viên thông báo, tổng thống sẽ có bài phát biểu với toàn quốc.

Thượng sĩ vặn to radio. Wedge nhìn qua cửa sổ vào đêm đen.

"Hỡi các công dân Mỹ, vài giờ trước, tình báo của chúng ta đã phát hiện một hạm đội lớn của Trung Quốc ở sát bờ biển Đài Loan, một đồng minh của Hoa Kỳ. Trong bối cảnh những xung đột gần đây với Bắc Kinh, đây là sự đe dọa thực tế không những chỉ với sự độc lập của quốc đảo mà của cả chúng ta. Những thất bại quân sự gần đây đang làm hạn chế đôi chút khả năng ứng phó của chúng ta với mối đe dọa này. Nhưng hãy tin là chúng ta vẫn có đủ năng lực. Tôi xin trích lời tổng thống thứ 35 JF Kennedy,'tất cả các dân tộc, dù họ có yêu quí chúng ta hay ko, cần phải biết rằng, chúng ta sẽ trả mọi giá, chấp nhận mọi đau khổ, vượt qua mọi hiểm nguy, để ủng hộ bất cứ người bạn nào, chống lại bất cứ kẻ thù nào, nhằm bảo vệ tự do cho nhân loại.' Lời cam kết đó được đưa ra vào những ngày khó khăn nhất của chính quyền Kennedy, trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cu Ba và vẫn còn nguyên giá trị hôm nay."

"Tôi muốn nói trực tiếp với các công dân và chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung hoa. Hệ thống tác chiến điện tử của các người làm hạn chế khả năng đáp trả thông thường có chừng mực. Chúng tôi không chọn con đường chiến tranh, nhưng khi bị dồn ép, chúng tôi sẽ đáp trả. Chúng tôi sẽ giữ các cam kết với đồng minh của mình. Hãy đưa các tàu chiến của các người về cảng, hãy tôn trọng quyền tự do hàng hải. Chúng ta vẫn có thể tránh được thảm họa. Nhưng xâm phạm chủ quyền của Đài Loan là làn ranh đỏ cuối cùng với Hoa Kỳ. Các người sẽ hứng chịu những hậu quả thảm khốc. Để sát cánh cùng với các đồng minh, tôi đã ra lệnh ủy quyền sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật cho các chỉ huy trong khu vực."

Wedge tắt đài. Cao tốc I-95 vẫn nhộn nhịp. Chỗ này chỗ kia, xe này vượt lên, xe kia lùi xuống, chiếu đèn pha vào bóng đêm. Wedge có thể nhìn thấy bóng lái xe và hành khách trong xe, chăm chú nghe radio. Wedge không cần phải nghe gì cả. Anh hiểu điều gì sắp xảy ra.

Thượng sĩ lẩm bẩm, "Lạy chúa, vũ khí hạt nhận," rồi nói tiếp "Tôi hy vọng là Nhà Trắng đã tính toán kỹ."

Wedge gật đầu. Họ tiếp tục đi trong im lặng.

Wedge nhìn xuống đầu gối, nơi anh vẫn giữ chiếc cặp đỏ có bằng chứng nhận và hộp xanh chứa huân chương.

"Hay xem huân chương của ngài tí đi," thượng sĩ nói.

Wedge mở hộp. Bên trong rỗng không.

Cả anh và thượng sĩ đều không biết nói gì. Thượng sĩ ngồi thẳng trên ghế lái. Tay đặt vào vị trí 10h và 2h trên vô lăng. "Không sao," anh ta lẩm bẩm, liếc qua một lần nữa cái hộp không trên gối Wedge. "Hôm nay Nhà Trắng có lẽ đã có tí bối rối. Mai chúng ta sẽ xử lý."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#2034