2034, PHẦN IV: PHỤC KÍCH Ở TRƯỜNG SA

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

12:13 23 tháng Tư, 2034 (GMT+4:30)

ISFAHAN

Qassem Farshad chấp nhận. Hình phạt khắc nghiệt và ngay lập tức. Quyết định kỷ luật chính thức về tội quá tay trong khi hỏi cung phi công Mỹ và lệnh về hưu sớm được chuyển đến tay ông trong vòng một tháng. Ông hỏi, liệu có thể kháng cáo lên ai được không, viên sĩ quan liên lạc chỉ tay vào chỗ chữ ký của đích thân Tướng Mohammad Bagheri, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang. Quyết định đến tay khi ông đang bị đình chỉ công tác và về quê, cách 1 tiếng đồng hồ lái xe từ Isfahan. Ở đây bình yên, làm ông nhớ đến căn nhà của Soleimani ở Qanat-e Malek.

Farshad cố gắng quen với mọi việc. Mấy ngày đầu, sáng nào ông cũng đi bộ 5-6km, sau đó sắp xếp lại các ghi chép mà ông đã lưu trữ suốt sự nghiệp. Ông có ý tưởng viết hồi ký, có thể bổ ích cho lớp trẻ. Nhưng ông không tập trung được. Ông thấy ngứa ngáy ở cái cẳng chân bị mất, điều mà trước đây chưa bao giờ xảy ra. Đến trưa, ông dừng viết lách và đến dưới gốc cây du già ở cuối vườn để ăn trưa. Ông ngồi dựa lưng vào gốc cây và nhẩn nha ăn bữa trưa đơn giản: một quả trứng luộc, một miếng bánh mì và vài quả ô-liu. Gần đây ông ăn không ngon, và không bao giờ ăn hết phần. Ông để chỗ thừa cho 2 con sóc sống ở trên cây, mà ngày càng dạn hơn xán đến gần ông để kiếm ăn.

Ông nhớ đi nhớ lại cuộc nói chuyện cuối cùng với vị tướng già, về lời chúc của Soleimani một cái chết của chiến binh. Farshad đã không làm theo. Cơn thịnh nộ của ông ở Bandar Abbas đã làm bố ông và viên tướng già thất vọng. Thật ra, đánh tù binh chưa bao giờ là lý do để sa thải bất cứ một sĩ quan Vệ binh Cộng hòa nào. Ỏ Afganistan, ở Syria, và ở Paelestine, trong suốt đời binh nghiệp mình, ông đã chứng kiến tình báo được xây dựng qua nắm đấm. Ông cũng biết nhiều viên tướng được cất nhắc chỉ vì bạo lực. Nhưng cấp trên của Farshad mong muốn nhiều hơn ở ông. Họ đã nói rõ ràng: ông là cán bộ cấp thấp nhất trong những người họ tưởng. Vậy mà ông đã phản bội lại niềm tin đó. Mặc dù họ có thể nghĩ rằng, chẳng qua là Farshad nhất thời mất kiểm soát chút vì sự cứng đầu của viên phi công Mỹ, thực tế có thể sâu xa hơn thế.

Còn lâu Farshad mới mất kiểm soát.

Ông biết mình đã làm gì. Ông biết chính xác viên phi công Mỹ quan trọng thế nào, mặc dù không nắm hết được các chi tiết. Ông biết là bằng cách đánh đập tay phi công này, ông đã đẩy đất nước mình tới gần chiến tranh hơn với những thế lực đã giết bố ông và viên tướng già. Hy vọng là cả hai sẽ không thất vọng về mình, Farshad nghĩ. Có thể là họ tự hào là ta đã dẫn đất nước tiến gần hơn đền cuộc chiến tất yếu với phương Tây mà các lãnh đạo vô cảm của chúng ta cứ tìm cách lẩn tránh. Ông nghĩ là đã tận dụng cơ hội mà số phận đặt trước mặt. Nhưng có vẻ phản tác dụng và hậu quả là ông mất chức.

Cứ thế ngày này qua ngày khác, cái ngứa ở chân cũng dần dần đỡ đi. Ông sống cô đơn trong căn nhà của gia đình. Đi bộ hàng sáng và ra vườn ăn trưa mỗi ngày. Mỗi ngày cặp sóc sống trên cây lại tiến đến gần hơn, cho đến một ngày, con có lông màu nâu đậm mà ông cho là con đực (ngược với con cái, có cái đuôi màu trắng tuyết), đủ dũng cảm để tiến gần và ăn trong lòng bàn tay ông. Sau bữa trưa, ông vào nhà và lại viết tiếp. Tối đến, ông tự làm bữa ăn đơn giản rồi đọc sách trước khi ngủ. Bản thân sự tồn tại của ông được rút gọn lại như vậy. Sau cuộc đời binh nghiệp, đã chỉ huy hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lính, ông bất ngờ hứng thú khi chỉ phải chịu trách nhiệm cho mỗi cá nhân mình.

Không ai đến thăm. Không ai gọi điện. Chỉ có mình ông.

Khoảng vài tuần, một buổi sáng, ông nhận thấy con đường độc đạo qua gần nhà ông bỗng rầm rập xe quân sự, kể cả một số xe rất hiếm khi thấy. Chúng phun khói mù mịt. Qua rặng cây nhà mình, ông thấy đoàn xe bị tắc, thấy các sĩ quan chạy đi chạy lại quát mắng lái xe. Có vẻ như họ đang vội. Cuối buổi sáng hôm đó, khi Farshad đang lười nhác ghi chép thì điện thoại kêu, làm ông ngạc nhiên đánh rơi cả bút.

Xin chào

Có phải là chuẩn tướng Qassem Farshad?

Ai đầu đây đó

Giọng nói tự giới thiệu, mặc dù tên anh ta sau đó sẽ bị quên ngay, rồi thông báo là Bộ tham mưu đã ra lệnh tổng động viên các sĩ quan về hưu và dự bị. Sau đó anh ta đưa địa chỉ văn phòng tập trung. Đó là một tòa nhà ở khu hẻo lánh của Isfahan, rất xa trung tâm quân sự ở Tehran, nơi ông đã quen làm việc.

Farshad ghi lại vào giấy những chi tiết mà ông cần phải báo cáo, rồi bỏ cuốn sổ xuống đống giấy tờ. Ông phải kiềm chế để hỏi là chuyện gì đã xảy ra dẫn đến lệnh động viên. Ông nghĩ là mình biết, hoặc có trực giác mách bảo. Giọng nói hỏi ông cần gì không và chào từ biệt.

Farshad đặt ống nghe xuống. Ông có radio ở trên gác và ông có thể bật lên để biết chuyện gì đang xảy ra. Nhưng ông không muốn làm thế, ít nhất là bây giờ. Đã đến trưa và ông muốn mang đồ ăn ra vườn như thường lệ. Ông biết là nếu ông không đến tập trung thì cũng chẳng sao, không ai có quyền phán xét là ông đã không cống hiến đầy đủ cho Nước Cộng hòa Hồi giáo.

Vài tuần trước, có lẽ ông sẽ thấy dễ dàng hơn nhiều. Xách ba lô lên và bước vào cuộc chiến mới. Nhưng, thật lạ là ông bắt đầu thích cuộc sống yên tĩnh này. Ông thậm chí đã hài lòng nghĩ đến việc định cư lâu dài ở đây.

Khi đến gốc cây, ông thấy đói. Hôm nay ông đã đi bộ gấp đôi ngày thường. Có lẽ lâu lắm rồi ông mới thấy thèm ăn. Ông dựa lưng vào cây và bắt đầu nhâm nhi từng miếng, ngẩng đầu nhìn ánh nắng xuyên qua tán lá cây và rơi lên nụ cười của ông.

Ông vừa ăn xong và đang bắt đầu lim dim thì vợ chồng sóc xuất hiện. Ông có thể cảm thấy một con, chắc là con nâu đang cạo cạo chân mình. Khi ông mở mắt thì thấy con cái, đuôi trắng như tuyết, đang đứng gần đó quan sát. Farshad phủi vụn bánh mì trên áo xuống lòng bàn tay và chìa ra. Chỉ còn có thế. Con sóc nâu nhảy lên cổ tay và thò đầu liếm bàn tay ông. Farshad kinh ngạc. Ông chưa bao giờ nghĩ là có gì đó, nhất lại là con sóc, không sợ ông, tin tưởng ông.

Vì thế, ông không nhận thấy là con sóc không hài lòng với số thức ăn ít ỏ đó. Nó ngước lên nhìn ông, và khi hiểu rằng không còn gì nữa, cắn vào tay ông.

Farshad không nhăn mặt. Ông nắm lấy người con sóc và xiết chặt. Con sóc đang canh chừng, sợ quá chạy mất. Farshad xiết mạnh hơn. Ông không thể dừng lại, ngay cả nếu ông muốn. Phần muốn dừng lại của ông là phần mà muốn ông ở lại đây dưới cây du này. Tuy nhiên, ông xiết mạnh đến mức, máu từ vết cắn, máu của ông bắt đầu rỉ ra. Con sóc nâu vùng vẫy, co giật cho đến khi Farshad cảm thấy mình đang xiết một miếng bọt biển. Ông đứng dậy và vứt con sóc chết vào gốc cây.

Con sóc còn lại chạy đến chỗ bạn nó và nhìn Farshad, người đang quay lại nhìn ngôi nhà và chậm rãi đi vào nhà, đến với tờ giấy có ghi địa chỉ trên đó.

06:37 APRIL 23, 2034 (GMT+8)

BẮC KINH

Chức vụ mới của Lin Bao – Phó tư lệnh các chiến dịch Hải quân của Hội đồng Quân sự Trung ương là một vị trí quan liêu. Mặc dù đang trong tình trạng chiến tranh, điều duy nhất thay đổi là số lượng các cuộc họp mà ông phải tham dự. Ông thường xuyên nhìn thấy Bộ trưởng Chiang, nhưng bộ trưởng không bao giờ nhắc lại vụ chỉ huy Trịnh Hòa nữa. Còn ông thì không dám nêu lên. Trên lý thuyết thì công việc của ông có vẻ quan trọng, nhưng Lin Bao biết còn lâu lắm ông mới được về với biển cả. Từ chiến thắng của Nhóm tàu Chiến đấu Trịnh Hòa với người Mỹ đến giờ, ông có cảm giác hoảng loạn.

Ông không thể chỉ rõ nó là cái gì, một mớ hỗn độn những điều khó chịu, những vớ vẩn đời thường, nhưng có khả năng làm cuộc sống trở nên rất khó chịu. Khi làm tùy viên quân sự ở Mỹ, vị trí của ông là duy nhất và rất quan trọng. Còn bây giờ, khi đất nước đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất sau nhiều thế hệ, ông ở đây, hàng ngày đến làm việc ở Bộ quốc phòng. Ông không có lái xe riêng. Khi vợ ông lấy xe đưa con đến trường, ông buộc phải đi xe buýt. Ngồi chen chúc ở hàng ghế sau giữa hai sĩ quan thấp bé mà chỉ nói chuyện bóng rổ và cơ hội thăng tiến đã tắt ngủm, ông không thể nào tưởng tượng được vị trí của mình trên cầu tàu chỉ huy Hàng không mẫu hạm của ông.

Suốt 3 tuần, chỉ có Ma Qiang được hưởng vinh quang. Ông ta được tặng thưởng huân chương Mồng Một Tháng Tám, huân chương quân sự cao nhất. Khi Ma Qiang nhận huân chương, Lin hiểu rằng giấc mơ Trịnh Hòa của ông đã xa vời. Nhưng dù có thất vọng đến đâu, ông thấy được bù đắp phần nào khi thấy những sự kiện do mình khởi xướng đã vượt quá tầm kiểm soát của bất cứ ai.

Và Lin tiếp tục các công việc sự vụ của mình. Ông vẫn tiếp tục đi xe buýt và bị kẹt cứng giữa các sĩ quan cấp dưới. Ông không bao giờ nhắc lại tham vọng chỉ huy với Bộ trưởng Chiang và cảm thấy sự vô nghĩa của dòng thời gian đang trôi qua. Cho đến khi nó bị chặn lại bởi một sự kiện không lường trước.

Sự kiện bất ngờ đó là cuộc điện thoại cho Lin Bao từ Bộ chỉ huy Hạm Đội Nam Hải ở Trạm Giang. Sáng hôm đó, máy bay trinh sát không người lái đã phát hiện "Lực lượng đáng kể hải quân Mỹ" đang tiến về phía Nam đến quần đảo Trường sa với tốc độ 20 hải lý/giờ theo hải trình mà họ nói là "bảo đảm tự do hàng hải". Ngay sau khi nhận tin, Hạm đội mất liên lạc với máy bay. Đích thân tư lệnh hạm đội gọi điện về Hội đồng quân sự Trung ương: liệu ông có nên rủi ro gửi một máy bay nữa.

Trước khi Lin kịp đưa ra phương án gì, Bộ trưởng bước vào, tạo nên xáo trộn nhỏ trong phòng làm việc. Các sĩ quan cấp dưới xun xoe gây sự chú ý, còn Lin đứng sững tay vẫn cầm ống nghe. Ông giải thích tình huống nhưng Bộ trưởng khoát tay. Ông đã biết về chiếc máy bay và những gì mà nó nhìn thấy. Và ông cũng biết câu trả lời của mình, gãi gãi vào ống nghe giờ đã trở thành đồng lõa với Lin trong cuộc nói chuyện một chiều.

"Tôi biết, tôi biết..." Bộ trưởng lẩm bẩm. "Tôi đã nhận được báo cáo."

Sau đó là câu trả lời khó chịu

"Không, không được gửi bất cứ một máy bay nào nữa."

Rồi lại một câu khó chịu nữa

"Vì đằng nào các anh sẽ mất nốt máy bay đấy," Bộ trưởng Chiang trả lời ngắn gọn. "Chúng tôi đang chuẩn bị quân lệnh và các anh sẽ nhận được trong vòng một giờ nữa. Tôi khuyên các anh nên gọi lại tất cả quân nhân đang nghỉ phép trên bờ. Hãy chuẩn bị." Bộ trưởng Chiang gác máy. Rồi thở dài bực tức. Hai bờ vai chúi về phía trước dáng rất mệt mỏi. Sau đó ông ngẩng đầu lên với một biểu hiện khác hẳn, như đã được tiếp năng lượng cho bất cứ thách thức nào phía trước, ra lệnh cho Lin Bao đi theo mình.

Họ đi nhanh theo hành lang của Bộ, có mấy sĩ quan tùy tùng đi theo. Lin Bao vẫn chưa đoán được nước đi của Bộ trưởng là gì nếu không phái một máy bay trinh sát khác. Họ đến căn phòng họp không cửa sổ nơi họ gặp nhau lần đầu.

Bộ trưởng Chiang chiếm vị trí đầu bàn, ngả người trong chiếc ghế đệm xoay, đan hai tay trên ngực. "Tôi ngờ rằng đó là điều người Mỹ sẽ làm, tuy khó chịu nhưng có thể dự đoán được." Một sĩ quan tùy tùng chuẩn bị màn hình kết nối, và Lin Bao gần như biết chắc là họ sẽ nói chuyện với ai. "Theo tôi, người Mỹ sẽ gửi hai nhóm tác chiến với Hàng không mẫu hạm Ford và Miller vào Nam Hải. Họ chỉ có 1 mục tiêu, duy nhất một mục tiêu: chứng tỏ là họ vẫn có thể làm được điều đó. Hàng chục năm nay nay họ gửi tàu "bảo đảm tự do hàng hải" vào lãnh hải của ta mặc cho ta phản đối. Họ không chịu chấp nhận chủ quyền của ta ở Đài Bắc Trung hoa và sỉ nhục chúng ta ở Liên hợp quốc bằng cách gọi nó là Đài Loan. Và khi chúng ta nhẫn nhịn chấp nhận những khiêu khích đó, họ, đất nước của Clint Eastwood, Dwayne Johson hay LeBron James ngạo mạn cho rằng chúng ta là một dân tộc yếu đuối nên phải cúi đầu nhịn nhục."

"Nhưng sức mạnh của chúng ta luôn ở sự kiên nhẫn khôn ngoan. Người Mỹ không có khả năng kiên nhẫn. Họ thay đổi lãnh đạo và chính sách như lá cây theo mùa. Các cuộc tranh luận vô bổ trong xã hội làm họ không thể ra được một chính sách đối ngoại có ý nghĩa trong vài năm. Họ quản lý bằng cảm xúc, bằng đạo đức ngây thơ và niềm tin vào sự đặc biệt của dân tộc mình. Nươc Mỹ sẽ ở đâu sau hôm nay? Tôi tin rằng, ngàn năm nữa, sẽ không ai nhớ đến Mỹ như một quốc gia. Nước Mỹ sẽ được nhớ đến đơn giản như là một khoảnh khắc phù du của lịch sử."

Bộ trưởng Chiang đợi, tay đặt lên bàn, nhìn chằm chằm vào màn hình vẫn tối om. Ông rất tập trung, cứ như đợi một hình ảnh nào đó của tương lai. Màn hình bật sáng. Lại là Ma Qiang trên đài chỉ huy, như 6 tuần trước. Duy nhất khác biệt là ngôi sao nằm giữa những dải vàng đỏ của tấm huân chương Mồng Một Tháng Tám lấp lánh phía trên túi áo chiếc quần yếm chống cháy.

"Đô đốc Ma, máy bay trinh sát của Hạm đội Nam Hải bj mất tích khoảng 300 hải lý phía Tây nơi anh đang đứng." Ma Chiang đứng nghiêm, xiết hàm lại. Rõ ràng là ông ta hiểu sự nghiêm trọng của việc mất tích này. Bộ trưởng tiếp lời: "Hội đồng Quân sự Trung ương ủy quyền cho anh chỉ huy toàn bộ hệ thống vệ tinh."

Ma Qiang chậm rãi gật đầu, kiểu như để hiểu rõ quy mô to lớn của nhiệm vụ mà ông phải gánh vác. Trong thâm tâm, Lin Bao hiểu, anh ta phải xóa sổ hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ.

"Chúc anh may mắn."

Ma Qiang gật đầu lần nữa và màn hình lại đen ngòm. Trong phòng có có mấy sĩ quan ra vào, nhưng chỉ có Lin Bao và Bộ trưởng ngồi bên bàn. Bộ trưởng xoa xoa cái cằm nhẵn và lần đầu tiên trong buổi sáng nay, Lin Bao phát hiện ra biểu hiện hơi hoang mang của ông.

"Đừng nhìn tôi như thế," Bộ trưởng nói.

Lin Bao nhin đi chỗ khác. Có thể vẻ mặt đã phản bội các suy nghĩ của ông khi quan sát người đàn ông ra lệnh cho hàng ngàn người khác vào chỗ chết. Liệu họ có thực sự tin rằng, hải quân của họ dù có năng lực chiến tranh điện tử vượt trội, có thể tiêu diệt được hai nhóm tàu tác chiến HKMH của Mỹ?

Gerld R Ford và Doris Miller có tổng cộng 40 tàu. Khu trục hạm trang bị tên lửa siêu vượt âm. Các tàu ngầm tiến công lặng lẽ. Khinh hạm, tuần dương hạm trang bị tên lửa dẫn đường, máy bay không người lái tấn công và tên lửa siêu vượt âm tầm xa. Mỗi chiếc chứa đầy các công nghệ tiên tiến nhất, do thủy thủ đoàn thiện chiến, kinh nghiệm điều khiển, được hàng đàn vệ tinh hỗ trợ các công nghệ chiến tranh điện tử. Không ai hiểu điều đó hơn Lin Bao, người đã bỏ cả sự nghiệp để nghiên cứu Hải quân Mỹ. Ông cũng hiểu tính cách của người Mỹ, như một dân tộc. Các lãnh đạo nước ông đã ngây thơ khi cho rằng những động tác ngoại giao "đẹp đẽ" có thể hạ nhiệt cuộc xung đột khi một phi công Mỹ bị bắt và 3 tàu chiến bị đánh chìm. Không lẽ Bộ trưởng Chiang tin rằng người Mỹ sẽ nhường Biển Nam Trrung Hoa? Đạo đức của người Mỹ, một cảm giác rất khó nắm bắt, thường xuyên làm đất nước họ lạc lối, đòi hỏi sự đáp trả. Bởi thế việc hai HKMH quay lại hoàn toàn có thể dự đoán được.

Bộ trưởng Chiang yêu cầu Lin Bao ngồi với ông cho đến buổi chiều trong khi các nhân viên ra vào, nhận lệnh và báo cáo. Kế hoạch rõ ràng dần, Trịnh Hòa đang tiến vào vị trí phía Nam quần đảo Trường Sa, triển khai đội hình tác chiến tới tọa độ gần nhất được xác định của Ford và Miller. Hạm đội Mỹ nhiều khả năng sẽ ra được đòn đánh đầu tiên trước khi Trịnh Hòa có thể vô hiệu hóa hệ thống dẫn đường. Sau đó, thì con voi đã bị bịt mắt. Vũ khí thông minh của Mỹ đã không thông minh nữa, thậm chí không phải là ngu. Chúng bị chết não. Lúc đó Trịnh Hòa và ba nhóm tàu mặt nước nữa, sẽ tấn công.

Kế hoạch là thế!

Nhưng đến tận chiều muộn, không thấy tàu Mỹ đâu.

Ma Qiang liên lạc lại, cập nhật vị trí lực lượng của ông, đang dàn đội hình đường đua kéo dài hàng chục hải lí. Trong lúc Ma nói, Lin Bao nhìn đồng hồ một cách nghi ngờ.

"Tại sao anh cứ nhìn đồng hồ vậy?" Bộ trưởng ngắt lời

Lin Bao đỏ mặt lên.

"Anh muốn đi đâu nữa hả?"

"Không, tôi không có kế hoạch nào khác, thưa Bộ trưởng."

Bộ trưởng gật đầu với Ma, vẫn đang tiếp tục báo cáo, trong khi Lin ngồi phịch xuống ghế bất lực. Xe buýt đã chạy 15 phút trước đó. Giờ thì anh không biết về nhà bằng cách nào.

04:27 APRIL 26, 2034 (GMT+5:30)

NEW DELHI

Điện thoại vang lên: "Anh thức đấy chứ?"

"Vừa tỉnh."

"Tình hình tệ lắm, Sandy."

"Cái gì tệ?" Ông hỏi Hendrickson, nuốt nước bọt cho đỡ khô họng, dụi mắt. Các con số trên đồng hồ báo thức hiện lên rõ dần.

"Ford và Miller tèo rồi,"

"Ý ông là gì?"

"Họ thả bom vào chúng ta, hoặc bắn rụng chúng ta, hoặc thế nào tôi cũng chưa biết rõ. Các kênh liên lạc không làm việc. Chúng ta bị bịt mắt. Khi máy bay cất cánh, hệ thống lái bị tê liệt, hệ thống dẫn đường trục trặc rồi bị chiếm quyền. Phi công không thể nhảy dù. Tên lửa không phóng được. Hàng chục máy bay rơi xuống biển. Hàng không mẫu hạm, khinh hạm, khu trục hạm, tàu ngầm hạt nhân và diesel, tàu phóng lôi không người lái, tên lửa tàng hình siêu vượt âm, chế áp điện tử. Chúng tôi đang ghép các sự kiện lại. Tất cả xảy ra đêm qua. Christ ạ, cô ấy đã đúng."

"Ai đúng?"

"Sarah, Sarah Hunt. Tôi gặp cô ấy một tuần trước ở Yokosuka." Chow biết là hội đồng thẩm tra đã kết luận là Hunt không phải chịu trách nhiệm gì trong vụ mất hải đội ở Trận Đá Vành Khăn. Ông cũng biết rằng Hải quân cho rằng thất bại của Hunt là một sự ngẫu nhiên. Như thế dễ dàng hơn nhiều là đào sâu vào các tình huống dẫn đến trận đánh đó. Giờ thì Hải quân khó có thể bỏ qua thảm họa qui mô này. Ba mươi bảy tàu bị đánh chìm. Hàng ngàn thủy thủ mất mạng.

"Chúng ta đánh trả thế nào? Có trúng được phát nào không? Có tàu nào của chúng bị chìm không?"

"Không"

"Không cái nào?"

Đường dây im lặng một lúc. "Tôi nghe nói là Trịnh Hòa bị trúng một phát, nhưng không có tàu nào của chúng bị chìm."

"Trời ạ, không biết Wisecarver sẽ phản ứng thế nào?"

Ông đã tỉnh hẳn, bật đèn bàn, xỏ chân vào hai ống quần vắt trên ghế. Ông mới đến khu nhà khách thô kệch của Đại sứ quán Mỹ ở Delhi hai ngày trước. Trong khi ông mặc quần áo, Hendrickson giải thích là thông tin vẫn chưa lọt ra ngoài. Sự cố sập mạng cũng cho chính quyền một cơ hội kiểm soát thông tin, ít nhất là cho đến khi người Trung Quốc sử dụng nó chống lại ta. Lạ là họ vẫn chưa làm điều đó.

Hendrickson giải thích là Nhà Trắng đang hoảng loạn. "Lạy chúa, giờ thì cả nước sẽ nói gì?" Tổng thống đã thốt lên như vậy khi nghe tin. Wisecarver đã liên lạc với NORAD (Bộ Chỉ huy Vũ trụ Bắc Mỹ) và nâng cấp báo động lên DEFCON 2, với yêu cầu tổng thống nâng lên DEFCON 1 (khả năng có thể sử dụng vũ khí hạt nhân – NTN). Tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia, ông còn yêu cầu được ủy quyền sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại nhóm tàu Trịnh Hòa nếu xác định được vị trí của nó. Đáng ngạc nhiên là không ai phản đối cả. Tổng thống, người chỉ mấy ngày trước còn theo xu hướng xuống thang, giờ cũng tán thành cuộc tấn công như vậy.

Hạ nhiệt là lý do mà chính quyền cử Chow đến New Delhi. Các cuộc đàm phán về việc giải cứu Thiếu tá Mitchell đang tiến bộ, chính quyền Iran đã đồng ý đưa viên phi công đến đại sứ quán ở Ấn độ, một cuộc trao đổi tù binh sắp được tiến hành.

04:53 APRIL 26, 2034 (GMT+9)

CĂN CỨ YOKOSUKA

Chiều nay Hunt sẽ bay đi San Diego. Cửa sổ của bà nhìn ra cảng. Bình minh đang lên xóa tan sương mù. Ba con tàu ở chân trời. Một khu trục hạm, một khinh hạm, một tuần dương hạm. Chúng di chuyển rất chậm, gần như đứng yên. Khinh hạm và tuần dương hạm cạnh nhau, khu trục hạm hơi tụt lại sau. Bà có cảm giác không biết chúng có cập được cảng trước khi bà lên máy bay không? Ford và Miller đâu? Có cái gì đó không ổn.

Một pháo hiệu đỏ được bắn lên. Một phát nữa, rồi hai phát nữa. Đèn tín hiệu trên bong khu trục hạm bắt đầu nhấp nháy

Flash, flash, flash ... flash ... flash ... flash ... flash, flash, flash ...

Ba ngắn... ba dài... ba ngắn

Hunt nhận ra tín hiệu ngay. Bà chạy ra khỏi trại đến Bộ chỉ huy Hạm đội Bảy.

05:23 APRIL 26, 2034 (GMT+8)

BẮC KINH

Chiến thắng toàn diện. Ngoài kỳ vọng! Thậm chí không thể ngồi yên.

Ma Qiang báo cáo đã gặp được nhóm tàu khu trục tiên phong của Ford vào lúc đã quá nửa đêm. Ông đã sử dụng hệ thống tấn công điện tử để vô hiệu hóa chúng, hệt như vài tuần trước trong Trận Đá Vành Khăn. Điều này cho phép hàng chục các tàu phóng lôi tàng hình không người lái tiếp cận với khoảng cách gần hơn một km với các tàu kẻ thù để tấn công. Ba chiếc khu trục hạm bị bắn trực tiếp và chìm nghỉm trong 10 phút. Đó là đón tấn công đầu tiên, trong đêm tối. Khi tin về đến Bộ quốc phòng, mọi người hò reo ầm ĩ.

Các đòn đánh được liên tục đưa ra suốt đêm hôm đó. Bốn chiếc J-15 cất cánh từ Trịnh Hòa đã đánh trúng 15 phát chia đều cho 3 khu trục, 2 tuần dương và một khinh hạm, đánh chìm cả sáu. 6 chiếc trực thăng mang ngư lôi Kamov cất cánh từ 3 khinh hạm Jiangkai lớp 2, phóng 6 quả trúng 4, trong đó có một quả phá hủy bánh lái của Ford. Đây chỉ là đòn đầu tiên trong nhiều đòn tiếp theo nhằm vào hai hàng không mẫu hạm. Tên lửa và máy bay do hạm đội Mỹ phóng ra như rơi vào đêm tối mịt mùng, đen tối hơn khi công nghệ mà họ dựa vào đã phản bội họ. Tác chiến điện tử của Trung quốc đã vượt trội. Trí tuệ nhân tạo đã cho phép Trịnh Hòa lựa chọn chính xác công cụ để thâm nhập vào hệ thống của Mỹ. Năng lực tàng hình cũng quan trọng nhưng chỉ thứ hai. Chính năng lực tác chiến điện tử mới giúp Trịnh Hòa đánh bại hạm đội lớn hơn rất nhiều ở Biển Đông.

Trong suốt 4 giờ đồng hồ, đài chỉ huy Trịnh Hòa liên tục báo cáo về Bộ. Tốc độ tấn công nhanh kinh ngạc. Kinh ngạc hơn nữa là gần như không có thiệt hại. Sau hai tiếng, TQ vẫn chưa mất một tàu hay máy bay nào. Sau đó điều không thể tưởng tượng đã xảy ra, Lin Bao chưa nhìn thấy bao giờ trong đời. Lúc 4:03 phút, một tàu ngầm lớp Yuan chạy diesel áp sát mạn Miller, xua nước vào các ống phóng lôi của nó và khai hỏa ở khoảng cách rất gần.

Sau vụ nổ, chỉ 11 phút sau, con tàu khổng lồ đã chìm. Khi tin đến, thậm chí không ai ở Bộ tỏ ra vui mừng. Chỉ có im lặng. Bộ trưởng, đang ngồi đầu bàn, đứng dậy đi ra cửa. Lin Bao, quan chức cao cấp thứ hai trong phòng, cảm thấy có trách nhiệm phải hỏi là ông định đi đâu, vì trận đánh vẫn đang tiếp tục. Ford vẫn đang ở đó, trọng thương nhưng chiến đấu. Bộ trưởng quay lại, và biểu hiện của ông, ngày thường chỉn chu, để lộ ra cái mệt mỏi đã tích lũy nhiều tuần qua.

"Tôi ra ngoài thở khí tươi một chút," ông nói, nhìn đồng hồ. "Mặt trời sắp lên. Ngày mới sắp bắt đầu, và tôi muốn ngắm bình minh."

05:46 APRIL 26, 2034 (GMT+5:30)

NEW DELHI

Hendrickson treo máy là Chow biết ngay ông phải gọi cho ai, mặc dù ông không muốn. Ông nhanh chóng tính lệch múi giờ. Mặc dù đã muộn, nhưng ông biết mẹ còn thức.

"Sandeep, mẹ đã tưởng không phải nghe thấy con mấy ngày nữa." Bà nói, có vẻ chán ngán.

"Con biết", ông nói đuối sức. Ông đuối không phải vì mất ngủ. Thậm chí không phải vì nhận thức được tình trạng khốn khổ của Hạm đội Bảy, mà vì bắt buộc phải xin lỗi mẹ. Ông đã nói là sẽ không gọi trong chuyến đi này. Nhưng khi ông cần, bà vẫn có mặt, như lúc này đây. "Có vấn đề trong công việc mẹ ạ, " ông dừng lại để bà có thời gian tưởng tưởng xem "vấn đề công việc" của con trai là gì trong hoàn cảnh này. "Mẹ có thể nối con với bác anh mẹ được không?"

Đường dây im lặng, ông biết thế.

Có lý do để Chow không gọi Phó Đô đốc về hưu Anand Patel là "Bác con" mà là "Anh mẹ". Vì Anand chưa bao giờ là bác với Chow, và cũng không phải là anh cho cô em Lakshmi. Nguồn cơn của sự xa cách này là Lakshmi đã bỏ đám cưới được sắp đặt của mình và viên sĩ quan hải quân trẻ, bạn của anh mình, để chạy theo tình yêu, là bố của Chow: một sinh viên y khoa đang có kế hoạch đi học tại Đại học Columbia, để lại danh dự gia đình bị hủy hoại, ít nhất là theo quan điểm của ông anh. Nhưng đó là chuyện thời xưa. Xưa đến nỗi, đã hơn 20 năm kể từ khi chú rể hụt, chàng sĩ quan hải quân bị chết trong một tai nạn máy bay. Xưa đến nỗi, đã 10 năm kể từ khi bố của Chow, một bác sĩ ung thư lại chết vì căn bệnh ung thư. Trong lúc đó, anh của Lakshmi, bác của Sandy thăng tiến lên đến chức Đô đốc, chức vụ rất ít khi được nhắc đến trong nhà Chow, nhưng giờ đây ông muốn tận dụng để làm nội ứng trong việc thả Thiếu tá Mitchell.

Kế hoạch là thế nếu mẹ ông giúp. "Mẹ không hiểu Sandeep, chính phủ ta có đủ các quan hệ ở Ấn Độ. Sao không giải quyết những việc như thế này qua kênh chính thức."

Chow giải thích cho mẹ, đúng là những việc này thường được giải quyết qua kênh chính thức. Đúng là chính phủ có rất nhiều kênh liên lạc, chưa kể có rất nhiều nguồn tình báo mà Chow khác mà ông không muốn nhắc đến. Mặc dù thế, đôi khi mấu chốt để gỡ những cái nút Gordian (truyền thuyết Hy lạp, ngụ ý những vấn đề rất khó tháo gỡ – NTN) trong ngoại giao lại là quan hệ cá nhân, gia đình.

"Người đàn ông này không phải là gia đình mẹ nữa." Bà lạnh lùng.

"Mẹ, mẹ biết tại sao người ta lại chọn con Sandeep Chowdhury để đến đây không? Vô khối người có thể làm được. Họ chọn là vì gia đình ta gốc ở đây."

"Không biết bố anh sẽ nói gì. Anh là người Mỹ. Họ gửi anh vì anh là người giỏi nhất, không phải vì bố mẹ anh."

"Mẹ, con cần mẹ giúp."

"Được rồi, lấy bút đi"

Bà đọc cho ông số điện thoại mà bà đã nhớ thuộc lòng.

09:13 APRIL 26, 2034 (GMT+5:30)

NEW DELHI

Những vết sưng trên mặt anh đã xẹp đáng kể. Xương sườn cũng đỡ hơn nhiều. Khi Wedge thở sâu đã không đau nữa. Có một số vết sẹo, nhưng không sao. Anh tưởng tượng các cô gái sẽ bám lấy từng lời của anh trong các quán bar cạnh Căn cứ không quân Miramar khi anh được về nhà. Mấy hôm trước, anh được thay quần áo mới, thêm thịt vào khẩu phần ăn và đưa lên máy bay của chính phủ, có tiếp viên, nước hoa quả tươi và hạt điều. Tất nhiên là anh không bay một mình. Các mật vụ mặc thường phục dắt súng trong thắt lưng và đeo kính phản quang theo dõi anh. Khi Wedge tung mấy cái hạt điều lên và để rơi vào mồm mình, họ cười phá lên, mặc dù anh không hiểu là họ cười anh hay vui với anh.

Máy bay hạ cánh trong đêm, có lẽ là cố tình. Sau đó anh được đưa đi trong một cái xe có cửa sổ bị bịt kín. Không ai nói gì với anh cho đến tận đêm hôm đó, khi anh chuẩn bị đi ngủ trong một căn phòng trải thảm, sang trọng hơn tất cả những nơi anh đã bị ở mấy tuần rồi. Không ai nói với anh là họ đưa anh đi đâu, nhưng cho biết là tuần sau sẽ có đại diện Chữ thập đỏ đến thăm.

Nghĩ đến chuyện đó, anh khó có thể ngủ ngon được. Hình ảnh nữ y tá xinh đẹp, áo trắng, tất trắng, đội mũ chữ thập đỏ như trong các chuyến viếng thăm binh lính thời trước, cứ quay đi quay lại trong đầu anh, mặc dù anh biết nhân viên chữ thập đỏ bây giờ không phải như vậy nữa. Căn phòng trống không mặc dù chắc bên ngoài có người gác. Sự trống vắng đó càng giúp tăng trí tưởng tượng của anh về buổi tiếp xúc đầu tiên với thế giới bên ngoài sau hai tháng. Anh như nhìn thấy đôi môi của cô y tá cam đoan: em sẽ đưa anh về nhà.

Sáng hôm sau khi cửa mở, và một người đàn ông Ấn độ xuất hiện, khỏi phải nó là anh đã thất vọng thế nào.

09:02 APRIL 27, 2034 (GMT+4:30)

ISFAHAN

Tại trung tâm hành chính của Quân đoàn 2, không ai biết rằng điều gì đã xảy ra ở Biển Nam Trung Hoa. Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang đã ra lệnh tổng động viên. Đất nước chuẩn bị chiến tranh, hay ít nhất là trên bờ vực chiến tranh mà không ai biết là tại sao. Khi ra khỏi nhà, Farshad định mặc quân phục, nhưng nghĩ rồi lại thôi. Ông không còn là chuẩn tướng Vệ binh Cộng hòa nữa, nói gì đến lực lượng Quds tinh nhuệ. Bây giờ ông là thường dân. Dù sự thay đổi, hay chính xác là cắt đứt mới diễn ra được mấy tuần. Liệu vết cắt đó có nối lại được không, Farshad sẽ biết ngay thôi. Ông đứng đợi trong hàng dài đến tận tầng 3 của tòa nhà phụ. Có lẽ ông là người già nhất trong hàng, hơn hàng chục tuổi. Ông cảm thấy mọi người liếc nhìn ông già với những vết sẹo và bàn tay phải chỉ có 3 ngón.

Sau khoảng một tiếng, có người dẫn ông qua cầu thang lên tầng 4. "Đợi ở đây," viên hạ sĩ nói cứ như là sếp ông, bước vào phòng rồi quay ra ngay vẫy Farshad vào.

Đó là một văn phòng rộng. Đằng sau cái bàn gỗ sồi rộng là hai lá cờ bắt chéo. Cờ Cộng hòa Hồi giáo và Cờ quân đội. Một viên sĩ quan hành chính, hàm đại tá, đưa tay ra đón Farshad. Tay anh ta mềm, quân phục là thẳng cứng, ánh lên kim loại. Đại tá mời viên tướng già, anh hùng Cao nguyên Golan, huân chương Fath, ngồi xuống uống trà. Viên hạ sĩ đặt 2 cái cốc, một cái trước mặt Farshad, một cái trước mặt đại tá.

"Rất hân hạnh được tiếp ông ở đây," đại tá hớp trà và nói.

Farshad nhún vai. Mục tiêu chuyến thăm của ông không phải là nói chuyện khúm núm. Không muốn tỏ ra mất lịch sự, ông lẩm bẩm: "Anh có văn phòng đẹp."

"Tôi tin là ông sẽ có văn phòng đẹp hơn,"

"Tôi là tướng đánh trận, tôi còn không nhớ là mình có lúc nào có văn phòng". Farshad lắc đầu, uống hết chén trà rồi đặt mạnh nó lên khay, như muốn vào thẳng việc chính, bỏ qua mấy màn chào hỏi cho phải phép.

Viên đại tá rút từ ngăn kéo ra một cái phong bì và đưa cho ông. "Teheran mới gửi đến đêm qua. Tôi được yêu cầu đưa trực tiếp cho ông." Farshad mở phong bì, bên trong chỉ có một tài liệu in trên giấy dày, xen lẫn các chữ viết tay, dấu và chữ ký.

"Đây là quyết định thiếu tá hải quân?"

"Tôi được chỉ thị truyền đạt cho ông là Thiếu tướng Bagheri, Tổng tham mưu trưởng đích thân yêu cầu ông chấp nhận bổ nhiệm này."

"Tôi đã từng là chuẩn tướng," Farshad nói, để lá thư lên bàn

Đại tá không trả lời.

"Tại sao chúng ta lại tổng động viên?" Farshad hỏi.

"Tôi không biết, cũng như ông, không ai giải thích đầy đủ, giờ tôi chỉ thực hiện theo lệnh thôi." Sau đó ông lấy 1 cái phong bì nữa và đưa cho Farshad. Trong đó có vé máy bay đến Damas và chuyển tiếp đến căn cứ hải quân của Nga ở Tartus của Syria, nơi ông sẽ nhận nhiệm vụ. Ông tỏ ra hoang mang ra mặt. Ông không biết nhiệm vụ này là nghiêm túc hay được nghĩ ra để hạ nhục ông. Viên đại tá lải nhải giải thích về việc rất khó về mặt thủ tục để tái bổ nhiệm một sĩ quan bị khiển trách về chức vụ cũ trong cùng nhánh quân đội cũ. "Tôi vô tình được biết, các chức vụ cao cấp trong lực lượng Vệ binh Cộng hòa đều đã có chủ. Cộng hòa Hồi giáo cần sự phục vụ của ông. Và đây là vị trí duy nhất cho ông." Viên đại tá thò tay vào ngăn bàn một lần nữa và lấy ra đôi cầu vai hám thiếu tá hải quân, đặt giữa ông ta và Farshad.

Farshad khinh khỉnh nhìn lên phù hiệu, như vậy ông bị hạ xuống ba cấp. Sao lại thế được? Nếu ông muốn chiến đấu trong cuộc chiến sắp tới, liệu ông có phải hạ mình như vậy, không được thực hiện ngay cả một nhiệm vụ ở tiền tuyến, mà phải làm việc lặt vặt nào đó trong quan hệ với người Nga. Và làm thủy thủ. Ông còn không thích tàu bè. Bố ông và Soleimani chưa bao giờ phải mất danh dự như vậy. Farshad đứng dậy, và nhìn thẳng vào đại tá, cằm xiết lại, tay thành nắm đấm. Ông không biết phải làm gì, nhưng ông biết bố mình và Soleimani muốn ông phải làm gì.

Ông nhờ viên đại tá đưa bút để ký chấp nhận lệnh điều động. Sau đó thu lệnh và vé đi Tartus rồi quay mặt đi. "Thiếu tá, ông quên gì không?" viên đại tá nói và đưa đôi cầu vai. Farshad cầm lấy rồi đi ra cửa.

"Ông còn quên điều gì nữa không, thiếu tá?" Farshad quay mặt lại ngơ ngác.

Rồi ông hiểu ra. Ông cố gắng kiềm chế cơn giận đang sôi lên trong lòng, thôi thúc ông bạo lực. Thằng ngu trong bộ quân phục láng cóng, trong văn phòng rộng rãi mà chắc nó chưa dám bỏ đi bao giờ. Thằng ngu chỉ làm việc ngớ ngẩn này sang việc ngớ ngẩn khác, trong lúc cố tỏ vẻ mình là người lính, biết thế nào đánh nhau, giết chóc. Farshad muốn đấm vào mặt hắn, vặn cổ hắn đến khi môi hắn tím lại và đầu hắn lủng lẳng dưới cổ.

Nhưng ông không làm. Ông giấu giấc mơ đó đi để dành cho lúc khác. Thiếu tá hải quân Qassem Farshad đứng nghiêm, giơ bàn tay 3 ngón chào viên đại tá bàn giấy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#2034