2034, PHẦN III: SỐNG ĐỂ KỂ LẠI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

11:01 MARCH 13, 2034 (GMT+8)

BIỂN ĐÔNG

Hai tia chớp bạc xuất phát từ chân trời phía đông, lượn vòng quanh con tàu đang bị trọng thương John Paul Jones. Hơn một nửa thủy thủ đoàn đã mất mạng hoặc nổ tung sau 2 quả thủy lôi táng trực diện, hoặc chết đuối trong các khoang được đóng lại để cứu con tàu. Rất ít người bị thương, như trong bao trận hải chiến khác. Ở đây không có hậu phương để chữa trị, chỉ có biển cả mênh mông.

Cả tàu gần như nín thở chết lặng khi 2 chiến đấu cơ lao vào mà không tấn công. Một hy vọng mong manh: hay là đây là máy bay ta từ Yokosuka hoặc 1 hàng không mẫu hạm đồng minh nào đó đến ứng cứu. Chỉ khi các thủy thủ thấy bom và tên lửa treo lủng lẳng dưới cánh và hai phi cơ rất thận trọng tiếp cận, họ mới biết đó chỉ là ảo tưởng.

Thuyền trưởng Sarah Hunt không có thời gian để đồn đoán. Toàn bộ quan tâm của bà vẫn ở chỗ mà quả thủy lôi đầu tiên nổ tung ngày hôm qua. Bà cần phải giữ được soái hạm, mà giờ đây đã trở thành con tàu của bà. Thuyền trưởng Morris đã mất tích ngay sau vụ nổ thứ hai. Hunt cũng không liên lạc gì được với 2 tàu còn lại của bà ngoài việc nhìn chúng bị vỡ ra rồi chìm xuống. Bà biết là tàu và thủy thủ đoàn của mình cũng sắp phải hứng chịu số phận tương tự. Mặc dù họ đã dập tắt được các đám cháy, nhưng nước đang tràn vào nhiều hơn họ có thể bơm ra. Những tấm thép của vỏ tàu đang kêu lên kèn kẹt như con gấu bị thương, dưới áp lực nước ngày càng tăng, sắp không trụ vững được nữa rồi.

Hunt đứng trên cầu tàu, cố gắng tỏ ra bận rộn. Kiểm tra đi kiểm tra lại mấy cái máy liên lạc đã mất tín hiệu, gửi người đi đánh giá các hư hỏng, đánh dấu vị trí tàu trên hải đồ bằng tay, vì GPS đã không hoạt động. Bà làm thế để thủy thủ đoàn khỏi tuyệt vọng khi thấy chỉ huy của mình bất lực, và khỏi phải tưởng tượng cảnh nước sẽ dâng ngập "cột buồm". Bà ngước nhìn lên 2 chiến đấu cơ từ Trịnh Hòa và ước gì chúng đừng vòng vo trêu ngươi nữa mà thả bom ngay đi để bà có thể chìm xuống cùng con tàu của mình.

"Thưa chỉ huy...", một anh lính liên lạc đứng sau bà bất ngờ xen vào, chỉ về hướng đường chân trời.

Hai chiếc phi cơ đã thay đổi góc tấn công và đâm thẳng vào John Paul Jones. Chúng bay thấp và rất nhanh nối đuôi nhau. Ánh mặt trời lóe lên dưới cánh làm Hunt lầm tưởng là chúng đã nã đại bác. Bà nhăn mặt, nhưng không nghe thấy đạn đập vào tàu. Khoảng cách đang rút ngắn lại. Hệ thống phòng không của John Paul đã hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Một sự im lặng bao trùm cầu tàu. Mọi thứ, vị trí chỉ huy của bà, con tàu và đoàn thủy thủ tất cả như tan chảy ra vào thời khắc cuối cùng của mình. Anh lính liên lạc, chắc chỉ tầm hơn 19 tuổi ngước nhìn bà. Bất giác, Hunt đưa tay ôm lấy anh ta. Hai chiếc máy bay đã gần đến nỗi bà có thể quan sát rõ những gợn sóng khí dưới cánh. Chỉ một tích tắc thôi, chúng sẽ thả bom.

Hunt nhắm mắt lại. Đợi một tiếng nổ sấm sét!

Nhưng không có gì xảy ra cả.

Bà ngẩng đầu lên. Hai phi cơ cuốn lấy nhau bốc lên cao như chơi trốn tìm trên những tầng mây. Sau đó chúng lại xà xuống, bay chậm như đứng lại, cách mặt biển chỉ vài chục mét. Phi cơ đầu tiên bay qua trước mũi tàu gần đến nỗi Hunt nhìn thấy phi công trong buồng lái, rồi nghiêng cánh chào. Hunt tin rằng đây là thông điệp mà anh ta phải mang đến cho bà.

Hai chiếc máy bay lại ngóc lên cao và biến mất về nơi chúng đã bay đến.

Cầu tàu im phăng phắc. Bỗng có tiếng lạo xạo. Lần đầu tiên sau nhiều ngày, họ bắt được sóng liên lạc!

12:06 MARCH 13, 2034 (GMT+8)

BẮC KINH

Màn hình phụt tắt và kéo lên trần. Buổi họp video kết thúc. Chỉ còn Lin Bao và Bộ trưởng Chiang ngồi bên bàn hội nghị mênh mông.

"Anh có nghĩ là Đô đốc Ma không hài lòng với tôi?"

Câu hỏi làm Lin bất ngờ. Ông không bao giờ nghĩ một người ở cương vị như Chiang lại quan tâm đến cảm xúc của cấp dưới. Không biết trả lời thế nào, ông giả vờ như không nghe thấy câu hỏi, làm cho Bộ trưởng Chiang phải đắn đo là tại sao ông lại hỏi như vậy. Bộ trưởng cau mày:

"Ma Chiang là một viên tướng tuyệt vời, rất quyết liệt, hiệu quả, thậm chí hung bạo. Nhưng chính sự hiệu quả là điểm yếu của anh ta. Anh ta chỉ là một con chó săn. Như nhiều sĩ quan quân sự khác, anh ta không hiểu sự tinh tế. Anh ta tin là tôi đã ngăn cản anh ta lập đại công bằng cách tha cho John Paul. Nhưng anh ta không hiểu mục tiêu thực sự của nhiệm vụ của mình.

"Vậy mục tiêu thực sự là gì vậy?" Lin Bao không dám hỏi thành tiếng mà im lặng chờ đợi Bộ trưởng nói tiếp: "Lin Bao, anh học ở phương Tây, anh chắc hẳn phải nhớ câu chuyện Aristodemus."

Lin Bao gật đầu. Ông biết câu chuyện Aristodemus, người chiến sĩ Sparta nổi tiếng, duy nhất sống sót sau trận Thermopylae mà ông được học trong seminar "Lịch sử chiến tranh" tại Trường Kennedy của một giáo sư hâm mộ Hy lạp cổ đại. Trước trận đánh cuối cùng của "Ba Trăm Chiến binh", Aristodemus bị đau mắt. Vua Sparta Leonidas đã cho anh về nhà, trước khi quân Ba Tư tiêu diệt sạch đội quân của nhà Vua.

Lin Bảo nói: "Aristodemus là người Sparta duy nhất còn sống để kể lại câu chuyện."

Bộ trưởng Chiang ngả người trên ghế. "Đó là điều mà Ma Qiang không hiểu,", ông vừa nói vừa cười nửa miệng. "Nhiệm vụ của anh ta không phải là đánh chìm hạm đội Mỹ. Nhiệm vụ của anh ta là chuyển một thông điệp. Nếu cả hạm đội mất hút, thì thông điệp cũng sẽ bị mất hút. Ai là người sẽ chuyển thông điệp? Bằng cách thể hiện một sự kiềm chế và để lại những người sống sót, chúng ta có thể gửi thông điệp một cách rõ ràng hơn. Chúng ta không muốn bắt đầu một cuộc chiến vô nghĩa. Chúng ta muốn người Mỹ cuối cùng phải lắng nghe và tôn trọng chủ quyền lãnh hải của ta."

Sau đó Bộ trưởng khen ngợi Lin Bao trong vai trò tùy viên quân sự tại Mỹ, đã thành công trong việc sử dụng Wen Rui để bẫy John Paul Jones. Trách nhiệm của người Mỹ trong việc bắt giữ chiếc tàu trinh sát dưới vỏ bọc tàu đánh cá sẽ làm bịt mồm sự hò hét phản đối ở Liên hiệp quốc, rồi từ tổ chức vốn đã không hiệu quả này thẩm thấu đến các tổ chức khác cũng vô dụng như thế. Bộ trưởng trầm ngâm chia sẻ cách nhìn của ông về những sự kiện sắp xảy ra trong những ngày tới. Ông tưởng tượng ra cảnh những thủy thủ sống sót kể lại câu chuyện họ bị Trịnh Hòa đè bẹp như thế nào. Ông tưởng tượng, thường trực Bộ chính trị thỏa thuận với chính quyền Iran để thả chiếc F-35 và viên phi công để làm hài lòng người Mỹ. Và cuối cùng, ông tưởng tượng là chính phủ và Hải quân nước ông thực thi quyền kiểm soát hoàn toàn Biển Nam Trung hoa, hoàn thành giấc mơ của nhiều thế hệ.

Bộ trưởng có vẻ rất phấn khích khi kết thúc chuỗi suy tưởng của mình. Ông đặt tay lên cổ tay Lin Bao: "Đất nước nợ anh. Tôi nghĩ là anh nên dành một chút thời gian cho gia đình. Nhưng chúng ta cũng nên nghĩ về tương lai. Anh muốn cương vị nào?"

Lin Bao ngồi thẳng lên, nhìn thẳng vào mắt Bộ trưởng, hiểu rằng cơ hội này sẽ khó lặp lại: "Tôi muốn được chỉ huy trên mặt biển, thưa đồng chí Bộ trưởng."

"Tốt, ", Bộ trưởng khẽ khoát tay ra sau khi đứng dậy, như là đã phê duyệt yêu cầu này của Lin Bao, rồi đi ra cửa. Lin Bao thu hết can đảm, nói thêm: "Đặc biệt, thưa đồng chí Bộ trưởng, tôi muốn chỉ huy hạm đội Trịnh Hòa."

Bộ trưởng dừng lại, ngoái đầu: "Anh muốn lấy cương vị của Ma Qiang?" rồi cười phá lên. "Có thể tôi đã hiểu sai về anh. Có thể anh cũng là người tàn bạo. Để xem chúng ta có thể thu xếp được không. Nhớ lấy hết mấy cái kẹo M&M đi nhé."

16:07 MARCH 22, 2034 (GMT-4)

WASHINGTON, D.C.

Chow đã ngủ ở văn phòng 10 ngày liền. Mẹ ông trông con gái. Vợ cũ không quấy rối dù là email hay tin nhắn, ngay cả sau khi Interner và điện thoại hoạt động trở lại. Cuộc sống cá nhân của ông ơn trời bình yên. Có lẽ nhờ cuộc khủng hoảng đang bao trùm đất nước và gia đình biết ông đóng vai trò trung tâm trong việc xử lý nó.

Các đối thủ lâu đời từ hai cánh chính trị tả hữu, sẵn sàng xả hàng chục năm khó chịu giận dữ vào cuộc kích động mới này. TV, báo chí ngay lập tức hiểu được điều gì đã xảy ra ở Biển Nam Trung hoa và trên bầu trời Iran.

Một hạm đội bị đánh chìm

Một phị công bị bắt

Kết quả là sự đoàn kết và giận dữ của công chúng.

Sự phẫn nộ càng ngày càng lớn, đôi lúc trở nên trở nên điếc tai. Từ những bình luận buổi sáng đến tin tức cuối ngày, công chúng đòi hỏi: Chúng ta phải làm gì đó. Trong nội bộ chính quyền, nhóm do Wisecarver dẫn dắt, đi theo trí tuệ của đám đông, tin rằng quân đội Mỹ phải chứng tỏ cho thế giới quyền lực tối thượng của mình. Tổng thống thì hơi nghi ngờ. Không phải đội của bà, bao gồm cả Chow, tìm cách tránh né những gì đang được thảo luận trong chính quyền, trên màn hình, trên báo chí. Họ nghi ngờ việc leo thang khi tình huống có vẻ như đã vượt quá kiểm soát. Họ đang dò dẫm.

Sau 10 ngày khủng hoảng, chiến lược giảm nhiệt có vẻ thất bại. Cũng như vụ chìm tàu Lusitania trong Thế chiến thứ Nhất, hay những lời than khóc của "Hãy nhớ Maine" trước thềm cuộc chiến Mỹ-Tây Ban Nha, một loại cái tên mới đã ăn vào trí nhớ của dân Mỹ. Họ biết Carl Levin và Chung-Hoon đã chìm, còn John Paul thoát nạn. Mà cũng không hẳn là tự thoát, mà được một tàu ngầm lai về sau khi cứu các thủy thủ trên bong, trong đó có chỉ huy hải đội, người đang được Hải quân giấu mặt vì phải thẩm tra.

Nếu cái tên Sarah Hunt, cho đến giờ vẫn giữ được kín đáo tương đối, thì thiếu tá thủy quân lục chiến Chris "Wedge" Mitchell có số phận ngược lại. Sau trận hải chiến một chiều tại Đá Vành Khăn, các quan chức cao cấp Trung quốc đã tiếp cận chính phủ Mỹ, bao gồm Bộ trưởng quốc phòng Chiang, người tích cực khẳng định đây chỉ là một sự hiểu lầm lớn. Để thể hiện thiện chí, ông ta đề nghị sẽ sẽ trực tiếp thương thảo để Iran trả lại chiếc F-35 và thả phi công. Khi đoàn Trung quốc mang theo thông điệp này đến sứ quán Mỹ tại New Delhi (do đại sứ quán của họ tại Washington bị đóng cửa vì khủng hoảng), chính phủ Mỹ đã đáp trả đỉnh điểm của sự dối trá khi chính quyền Trung quốc giả vờ cho rằng chiếc F-35 sẽ được trả lại nguyên vẹn mà không bị Trung quốc và Iran ăn cắp những công nghệ nhạy cảm. Nhưng sức ép phải mang phi công về ngày càng cao.

Ai đó trong chính phủ đã lộ tên của Thiếu tá Mitchell ra ngoài cho một hãng truyền hình, 3 ngày sau khi anh bị mất tích. Người dẫn chương trình đã đến tận nhà anh tại Kansas City, Missouri và tìm thấy câu chuyện tuyệt vời về 4 thế hệ phi công. Cuộc phỏng vấn được truyền trực tiếp từ phòng khách với các kỷ niệm chiến tranh từ hơn 100 năm, từ lá cờ chiến của Nhật đến bộ đồ bay vấy máu. Ống kính ghi hình bố của Mitchell, kể chuyện về cậu con trai, mắt nhìn trống rỗng ra sân, nơi có cái cây lớn phải sử dụng chạc thép để đỡ những cành nặng nề. Mitchell bố kể về truyền thống gia đình, đời ông của ông trong phi đội Cừu Đen trong Thế chiến II. Chương trình còn khoe ảnh Thiếu tá Mitchell "Wedge" đẹp trai cùng với ảnh bố anh, ảnh Pop và Pop Pop của ông ấy, những thế hệ liên kết nước Mỹ hiện nay với nước Mỹ một thời hoàng kim thuở trước.

Khi video được đưa lên mạng, đã có hàng triệu truy cập ngay trong giờ đầu tiên.

Tại cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia ở Phòng Tình huống trong ngày thứ năm của cuộc khủng hoảng, tổng thống hỏi mọi người đã xem đoạn phỏng vấn đó chưa? Tất cả đều đã xem. Thẻ #FreeWedge tạo sóng trên mạng xã hội. Chỉ cần nhìn ra bất cứ một cửa sổ nào của Cánh Tây cũng thấy cả rừng cờ đen POW/MIA (Tù binh – Mất tích) che lấp bóng dáng thành phố. Tổng thống ngạc nghiên thành tiếng tại sạo số phận của 1 phi công lại gây cảm xúc mạnh hơn cái chết của hàng trăm thủy thủ ở Biển Hoa Nam. Cả phòng yên tĩnh. Mỗi nhân viên đều biết rằng bà chuẩn bị ký lời chia buồn gửi gia đình các thủy thủ Carl Levin, Chung-Hoon và John Paul Jones vừa thiệt mạng. Bà lắc đầu tự hỏi, tại sao anh ta lại quan trọng hơn họ?

"Anh ta là hồi ức sống lại, thưa Bà," Chow buột miệng

Hơn nửa nội các quay lại làm ông ngay lập tức cảm thấy hối tiếc vì đã phát biểu. Ông thậm chí còn không ngồi, mà đang đứng dựa lưng vào tường như các nhân viên cấp hai khác. Ông nhìn xuống tay mình, làm như thể là cả phòng sẽ nghĩ là không phải ông vừa phát biểu, mà là ai đó đã chơi trò giấu giọng.

Tổng thống từ tốn nhưng nghiêm túc đề nghị ông giải thích.

"Wedge là một mắt xích của cả chuỗi sự kiện," Chow hơi lưỡng lự bắt đầu nhưng bắt được tự tin ngay. "Gia đình anh ta gắn chúng ta với thời ta đã đánh bại quân đội đối phương trong một cuộc đối đầu trực tiếp. Cả nước đang có cảm giác là thời đó bây giờ đang lại đến. Anh ta nhắc mọi người là như một dân tộc chúng ta có thể làm được gì. Vì thế mà họ đầu tư để thổi anh ta lên."

Không ai đồng ý hoặc không đồng ý với Chow.

Sau mấy nhịp im lặng, tổng thống thông báo là bà chỉ có một mục tiêu duy nhất là tránh được leo thang đến đối đầu trực tiếp như Chow vừa nhắc đến. "Mọi người rõ chưa?" bà nhìn quanh.

Tất cả gật đầu, nhưng sự căng thẳng chỉ rõ là không phải ai cũng đồng ý.

Tổng thống đứng dậy và cùng đoàn trợ lý rời phòng họp. Cuộc nói chuyện lại ồn ào tiếp tục. Các bộ trưởng, cục trưởng chụm vào nhau, trong hành lang, cứ như bàn tán thuyết âm mưu nào đó. Hai nhân viên văn phòng kiểm tra lại chắc chắn không ai để quên ghi chép hoặc tài liệu gì.

Khi Chow quay về chỗ làm việc của mình, xếp ông ta là Trent Wisecarver đã đợi. "Sandy...", Chow cảm thấy ngay là sếp không hài lòng, hệt như đứa trẻ chỉ cần nghe giọng nói của bố mẹ là biết nó đã làm gì đó sai trái. Chow bắt đầu lắp bắp, xin lỗi vì việc đã không kiềm chế phát biểu trong cuộc họp và bảo đảm điều đó sẽ không lặp lại. Hơn chục năm trước, con trai Wise chết vì coronavirus. Nhiều người tin rằng bi kịch này đã hình thành tính cách diều hâu của ông, làm ông cảm thấy sai lầm của người cha trong mỗi nhân viên mà ông coi như con mình.

"Sandy," Wise nhắc lại, giọng đã mềm và hiền hòa hơn. "Về nhà nghỉ ngơi đi."

03:34 MARCH 20, 2034 (GMT+4:30)

TEHRAN

Đầu tiên Wedge nghĩ là anh ta đang ở nhà. Anh thức dậy trong một căn phòng tối, chăn gối sạch sẽ. Nhưng không nhìn thấy gì. Sau đó anh thấy 1 dải sáng bên dưới, có thể là khe cửa đóng kín. Anh ngóc đầu dậy để nhìn rõ hơn. Và cảm thấy đau nhói. Cùng với cảm giác đau đớn, anh nhận ra mình đang ở rất xa nhà. Anh ngả đầu xuống gối, mở to mắt.

Wedge mất cả đêm để nhớ lại. Anh không nhớ sự việc đã bắt đầu thế nào, nhưng các chi tiết dần hiện ra. Đánh võng dọc biên giới, mất kiểm soát, cố gắng nhảy dù, hạ cánh xuống Bandar Abbas, hút Marlboro trong buồng lái, người đàn ông với những vết sẹo, sức ép của bàn tay ba ngón lên vai mình...

Anh chạy lưỡi trong miệng và thấy mấy chỗ răng mất. Môi mặn và phồng rộp. Ánh sáng chui qua các khe rèm cửa. Wedge bắt đầu nhận thức được xung quanh, nhưng anh chỉ nhìn được lờ mờ. Một mắt sưng vù, còn mắt kia thì không rõ lắm.

Mắt thế này thì anh sẽ không thể bay được nữa. Mọi thứ khác đều sẽ lành lại. Mọi thứ khác đều có thể làm lại. Không phải mắt!

Anh thử đưa tay lên mặt nhưng không được. Cổ tay đã bị xích vào giường. Cái giường kêu lạch xạch khi anh cố rướn lên để chạm được tay vào mặt. Có những bước chân vội vã đi đến phòng anh. Cửa mở, một y tá trẻ trùm đầu xuất hiện chính giữa ô sáng. Cô ta đưa tay lên miệng ra dấu cho anh im lặng. Cô không tiến lại quá gần, chắp tay như một cử chỉ xin lỗi và lên tiếng mềm mỏng bằng một ngôn ngữ mà Wedge không hiểu. Sau đó cô ấy đi ra, và Wedge có thể nghe tiếng chân cô chạy dọc hành lang.

Đèn trong phòng bật lên. Cuối phòng có TV treo trên cánh tay sắt. Có dòng chữ gì đó viết ở phần dưới chiếc TV.

Wedge ngả cái đầu đau nhói lên gối và tập trung nhãn lực của con mắt còn lại vào phần dưới chiếc TV. Các chữ cái hiện lên rõ nét dần dần, rồi cả dòng chữ. Và cuối cùng anh có thể nhìn thấy rõ ràng như mắt 10/10 cái tên tuyệt diệu và đầy cảm xúc: PANASONIC

Anh nhắm mắt và nuốt cục cảm xúc trào lên trên cổ họng.

"Chào Thiếu tá Wedge," ai đó vừa vào nói bằng thứ tiếng Anh rời rạc. Wedge quay đầu về hướng đó. Đó là một người Ba tư, mặt xương gồ ghề như những nhát chém, và bộ râu được tỉa tót chính xác. Anh ta dùng các ngón tay dài lần theo mạch máu trên tay Wedge vẫn đang bị xích vào giường.

Wedge nhìn viên bác sĩ với ánh mắt thách thức nhất có thể.

Anh bác sĩ này giải thích một cách thân thiện như để lấy lòng "Ông bị một tai nạn, thiếu tá ạ. Nên chúng tôi mang ông tới đây, Bệnh viện Arad, tôi cam đoan là tốt nhất Tehran. Chấn thương của ông khá nặng và tôi cùng các đồng nghiệp đã chăm sóc ông suốt tuần qua." Anh ta gật đầu về phía cô y tá đi theo mình quanh giường Wedge như thể cô ta là trợ lý cho một nhà ảo thuật đang biểu diễn. "Chúng tôi muốn đưa ông về nhà, nhưng chính quyền ông đang có một chút cản trở. Nhưng tôi tin là mọi việc sẽ được thu xếp và ông sẽ sớm được về nhà. Ông yên tâm chứ, thiếu tá?"

Wedge không nói gì và vẫn nhìn chằm chằm vào viên bác sĩ.

"Ok, ít nhất thì ông cũng có thể cho tôi biết hôm nay ông cảm thấy thế nào?" Viên bác sĩ nói không thoải mái lắm.

Wedge nhìn lên TV. Chữ PANASONIC lấy nét nhanh hơn hẳn. Anh mỉm cười và quay về phía bác sĩ nói những điều mà anh quyết tâm sẽ chỉ nói cho bọn khốn này: tên, cấp bậc và số hiệu.

09:42 MARCH 23, 2034 (GMT-4)

WASHINGTON, D.C.

Ông đã làm điều sếp bảo! Về nhà. Dành cả chiều chơi với Ashni. Ông rán thịt gà và khoai tây hai bố con, ăn xong xem phim: Anh em nhà Blues, đều là khoái khẩu. Ông đọc cho con nghe 3 cuốn sách của Dr Seus, và đến nửa cuốn thứ ba thì lăn ra ngủ, mãi đến nửa đêm mới mò về giường của mình. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, ông nhận được mail của Wisecarver. Tiêu đề: Hôm nay. Nội dung: Nghỉ ở nhà nhé

Thế là ông đưa con đến trường. Rồi về nhà. Tự pha café, rán trứng, nướng bánh, và thịt nguội. Rồi suy nghĩ xem mình biết làm gì nữa. Còn phải 2 tiếng nữa mới đến giờ ăn trưa. Ông đi bộ ra Công viên Logan, cầm theo chiếc tablet để check thông tin. Tất cả, từ quốc tế, quốc nội, xã luận, ý kiến độc giả đến nghệ thuật... tất cả đều liên quan kiểu gì đó đến cuộc khủng hoảng 10 ngày qua. Các bài xã luận mâu thuẫn nhau. Có cái thì cảnh báo về cuộc chiến rởm, không khéo Sự kiện Vành Khăn, lại giống Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, và cảnh báo các nhà chính trị cơ hội, lại giống như 70 năm trước, sử dụng việc này để thúc đẩy các mục tiêu vớ vẩn ở Đông Nam Á. Bản xã luận khác đi xa hơn vào lịch sử để tìm góc nhìn đối lập, nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc nhân nhượng: "Nếu chặn đứng được phát xít Đức ở Sudetenland (vùng đất của Tiệp được đồng minh nhượng cho Đức để tránh chiến tranh – NTN), có thể đã tránh được cuộc đổ máu thảm khốc của thế chiến II."

Chow bắt đầu đọc lướt, tới bài "Ở Biển Hoa Nam, làn sóng kích động xâm lược đã nổi lên đe dọa nhấn chìm thế giới tự do." thì ông khó có thể nuốt hết được những lời lẽ hùng biện cao cả để đẩy đất nước tới cuộc chiến.

Chow nhớ một ông bạn học từ khóa cao học ở Học viện Hải quân, một thủy thủ tái ngũ, bắt đầu sự nghiệp từ vị trí một nhân viên bệnh viện cho Thủy quân lục chiến ở Iraq. Một hôm đi học qua chỗ ngồi của anh ta, Chow thấy một postcard có hình con tàu Maine bị đánh gẫy. Khi Chow cười lớn nhận xét là mình thì muốn gắn một một con tàu không bị nổ và chìm lên chỗ làm việc, thì anh bạn đã nghiêm mặt trả lời: "Tôi giữ nó vì hai lý do. Thứ nhất là tấm gương về việc tự mãn sẽ giết chết ta – một con tàu đầy nhiên liệu và vũ khí có thể nổ bất cứ lúc nào. Nhưng quan trọng hơn, tấm hình này nhắc tôi là khi Maine nổ tung năm 1898, khi chúng ta chưa có mạng xã hội, chưa có Tin nóng 24h, chúng ta không có vấn đề gì khi biến nó thành một cuộc lên đồng của dân tộc, đổ tội cho bọn "khủng bố Tây ban nha" rồi dẫn tới cuộc chiến tranh Tây ban nha – Mỹ. Năm mươi năm sau, sau một cuộc điều tra đầy đủ, anh biết họ tìm ra cái gì không? Maine nổ tung từ bên trong vì một nồi hơi bị xì hay một khoang đạn bén lửa. Chẳng có khủng bố nào cả. Bài học của Maine, hoặc ngay cả Iraq, nơi tôi chiến đấu, là tốt hết hãy biết thật rõ cái gì đang xảy ra trước khi đánh nhau."

Chow đóng máy tính. Đến giờ ăn trưa rồi. Ông thả bộ về nhà, trầm tư. Ông mong muốn hạ nhiệt khủng hoảng không phải vì bất cứ xu hướng nào trong quá khứ. Ông là thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia, là người tin vào vũ lực. Ông sợ leo thang vì trực giác. Sai lầm cố hữu của tất cả các cuộc chiến là khi bắt đầu bên nào cũng nghĩ là mình sẽ thắng.

Ông thử tìm các chữ để miêu tả suy nghĩ của mình, kiểu như viết sách trắng cho chính bản thân. Câu đầu tiên sẽ là. "Nước Mỹ mà chúng ta tin là như thế, đã không còn là Nước Mỹ mà chúng ta đang là như thế". Ông cân nhắc, liệu câu khẳng định đó đã đầy đủ, liệu thổi phồng sức mạnh Mỹ sẽ mang lại đại họa? Nhưng đang giờ ăn trưa, và ông không thể làm gì để có thể trả lời các câu hỏi sống còn đó. Cuộc khủng hoảng hy vọng sẽ qua đi. Những cái đầu lạnh sẽ thắng, như mọi khi.

Ông mò tìm trong tủ lạnh. Rỗng.

Trong phòng có tiếng nhạc hiệu của CNN. Người dẫn chương trình công bố tin nóng hổi: "Chúng tôi mới nhận được video độc quyền về phi công bị bắt, Thiếu tá Mitchell."

Chow đập đầu vào tủ lạnh khi vội ngước nhìn lên. Trước khi ông kịp chạy đến, biên tập viên cảnh báo, video có thể chứa những hình ảnh bạo lực, khán giả cần chú ý. Chow không cần phải xem. Ông biết là nó tệ đến mức nào. Ông phi ra cửa, nhảy lên xe, phóng đến văn phòng, quên cả tắt TV.

Không thích nhờ vả vợ cũ, Chow nhắn tin nhờ mẹ đón hộ Ashni ở trường. Mẹ anh trả lời ngay lập tức, không hề than phiền vì bị đổi kế hoạch như mọi khi. Có thể bà ấy cũng đã xem video, Chow nghĩ vậy. Chow nghe đủ các đài radio trong quãng đường 15 phút đến văn phòng: MSNBC, Fox, NPR, WAMU, ngay cả đài hiphop WPGC cũng nói về những điều họ mới thấy. Wedge nằm nghiêng trên sàn dưới những đòn đấm đá tàn bạo của viên sĩ quan Iran, vẫn chỉ nhắc lại tên, cấp bậc và số hiệu.

Các quan điểm khác nhau nhanh chóng hội tụ: Chúng ta phải noi gương kiên cường bất khuất của người phi công. Không ai có thể dọa nạt được nước Mỹ. Hay chúng ta đã quên mất mình là ai? Đã quên mất tinh thần của các cha già lập quốc? Chow nhớ lại cuộc họp hôm qua tại Phòng Tình huống và chỉ thị phải hạ nhiệt của tổng thống. Với sự xuất hiện của video này, có vẻ không còn cơ hội cho hạ nhiệt.

Khi ông ào vào văn phòng, người đầu tiên ông gặp là Hendrickson. Hai người đã không gặp nhau từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Văn phòng Hội đồng An ninh toàn người bên Lầu Năm góc sang để hỗ trợ – đôi khi là cản đường – các đối sách của chính quyền với Iran.

"Video xuất hiện khi nào vậy?" Chow hỏi. Hendrickson kéo ông ra hành lang, nhìn quanh, rồi thì thào ra vẻ bí mật "Đêm qua. Bộ chỉ huy Mạng (đáng tiếc là không phải NSA) giải mã được tín hiệu. Có vẻ như ông tướng Iran mất kiểm soát. Ông này có quan hệ cao. Cấp trên không tin là ông ta lại làm như thế cho đến khi có video. Chúng ta đã lấy được từ email nội bộ. Người Iran chưa bao giờ giỏi trong việc bảo đảm an ninh mạng. Họ thích tấn công, nhưng đôi khi quên gài cửa sau."

"Nhưng làm sao báo chí lại có?" Chow hỏi

Hendrickson nhìn với cái nhìn chán ngán mà Chow đã quá quen với hồi học cùng ở Trường Fletcher, mỗi khi ông hoặc bạn cùng lớp hỏi câu hỏi mà câu trả lời đã quá rõ ràng với Hendrickson. Nhưng ông này cũng trả lời theo nghĩa vụ: "Rò rỉ, chứ anh nghĩ thế nào?"

Trước khi Chow kịp hỏi nghi ngờ cho ai rò rỉ, Trent Wisecarver bước ra khỏi phòng, đi vào hành lang. Cặp kính không gọng kẹp trên mũi, cứ như là đang đọc sách. Ông cắp nách mấy tệp tánh liệu được đánh dấu TỐI MẬT. Dựa trên độ dày, và lại là tài liệu giấy chứ không phải điện tử, Chow đoán đây chắc là kế hoạch tác chiến cực kỳ nhạy cảm. Khi thấy Chow, Wisecarver nhăn mặt: "Tôi đã bảo anh ở nhà cơ mà."

16:23 APRIL 09, 2034 (GMT+9)

CĂN CỨ HẢI QUÂN YOKOSUKA

Thuyền trưởng Sarah Hunt bước ra khỏi căn-tin. Đã 3 tuần bà bị kẹt lại ở căn cứ, không có xe, ở trong phòng của sĩ quan cần vụ, có mỗi cái TV suốt ngày chiếu chương trình quân đội Mỹ chán ngắt, một cái bếp nhỏ và tủ lạnh không làm được đá. Tại sao Hải quân lại chọn thẩm tra bà ở đây chứ không phải tại cảng gốc San Diego? Bà đoán là có thể họ không muốn gây chú ý. Nhưng không chắc lắm. Hải quân vốn không quen giải trình với bất cứ ai, nhất là với chính mình, ít nhất là ở mức độ cấp bậc của bà. Vì thế, từ lúc thoát khỏi Trận Đá Vành Khăn đến giờ, bà vẫn phải tiếp tục phải sống trong căn phòng đơn sơ này, mỗi ngày 1 hoặc 2 lần đến tòa nhà văn phòng xấu xí để trả lời các câu hỏi trước máy ghi âm, hy vọng là quá trình điều tra sẽ nhanh chóng trả lại thanh danh để bà có thể nghỉ hưu một cách nhẹ nhàng.

Bà đang bắt đầu nghĩ là Hội đồng thẩm tra có thể sẽ chẳng bao giờ ra được quyết định thì nhận được tin vui dưới dạng hòm thư thoại của người bạn cũ Chuẩn Đô đốc John Hendrickson. Ông này bảo đang tình cờ có việc ở căn cứ và muốn ghé qua uống nước. Khi Hendrickson dạy tại Annapolis, ông này còn xung phong huấn luyện đội Softball (bóng mềm), và Hunt là một ngôi sao trong đội ông. Với cách mà bà bảo vệ gôn nhà, cả đội đặt biệt hiệu cho bà là "Tường Đá". Không biết bao nhiêu lần cầu thủ tấn công đối phương nằm ngửa ngắm trời trên lưng bà, còn Hạ sĩ Sarah "Tường Đá" đứng đó, tay cầm bóng, cười đắc thắng, còn trọng tài rống lên "Outtt!"

Sarah đang đứng trả tiền ở căn-tin. Bà mua 2 bịch bia IPA, một hộp hạt các loại, một ít phó mát và bánh qui. Khi đứng trong hàng, bà không thể nào bỏ qua được cảm giác là các thủy thủ khác đang nhìn mình. Họ biết bà là ai, nhìn trộm mà giả vờ không nhận ra. Bà không biết đó là kính trọng hay coi thường. Bà đã chiến đấu trong trận hải chiến lớn nhất là hải quân tham dự kể từ sau Thế chiến II.

Cho đến bây giờ, bà là chỉ huy duy nhất trong một trận đánh chiến thuật trên biển. Ba chỉ huy cấp dưới của bà đã chìm cùng với những con tàu của mình. Trong lúc đợi đến lượt, bà thầm nghĩ không hiểu các thủy thủ của Trân Châu Cảng nghĩ gì, vào những ngày sau thất bại nặng nề đó. Sau này thì họ được tôn vinh, nhưng thực sự các cựu chiến binh cảm thấy thế nào trong những ngày đầu tiên. Họ có phải trải qua Hội đồng thẩm vấn.

Nhân viên thu ngân trả lại phiếu thu cho Hunt. Bà quay về phòng. Đổ các hạt ra bát nhựa. Xếp bánh qui và phó mát ra đĩa. Mở 1 lon bia và đợi.

Không mất nhiều thời gian

Knock, knock, knock ... knock ... knock ... knock ... knock, knock, knock ...

Không thể tưởng tượng được. Hunt nghĩ và mời vào. Hendrickson mở cửa không khóa, bước qua phòng và vào ngồi đối diện với Hunt qua cái bàn nhỏ ở bếp. Ông thở nặng nhọc như vừa làm gì mệt mỏi lắm, lấy 1 lon bia đang đổ mô hôi lạnh trên bàn rồi bốc một nhúm lạc rang. Họ biết nhau quá rõ để không ai phải nói gì cả.

"SOS, em có nhớ không?"

Bà gật đầu, rồi thêm "Nhưng đây không phải là Ký túc xá Bancroft. Em cũng không phải là cô hạ sĩ 21 tuổi và anh là chàng trung úy 27 tuổi tìm cách lẻn vào phòng em."

Ông gật đầu buồn bã.

"Suze thế nào rồi?"

"Vẫn ổn," ông trả lời

"Còn bọn trẻ?"

"Cũng ổn... sắp có cháu rồi", ông tươi tỉnh. "Kristine đang có bầu. Thời điểm cũng thích hợp. Nó vừa trực bay xong. Giờ chuyển lên bờ."

"Nó vẫn với anh chồng nghệ sĩ ấy à?"

"Thiết kế đồ họa," Hendrickson chữa lại

"Con bé thông minh," Hunt nói, nở một nụ cười chịu đựng. Nếu Hunt mà lúc nào đó lấy chồng, người đó cần phải là một nghệ sĩ, một nhà thơ, một ai đó mà tham vọng – hoặc không có tham vọng – không mâu thuẫn với bà. Bà luôn biết điều đó. Và chính vì lý do đó, mấy chục năm trước, bà chia tay với Hendrickson. Họ đều đang tự do. Có điều sự khác biệt về cấp bậc làm họ phải giấu diếm. Hendrickson nghĩ sẽ công khai sau khi Hunt tốt nghiệp. Mặc dù cảm xúc với ông là thật, nhưng bà biết rằng bà sẽ không thể đi theo ông được, ít nhất là không thể theo mà vẫn có sự nghiệp mà mình muốn.

Khi bà nói với ông điều đó vài tuần trước tốt nghiệp, ông đã nói bà là tình yêu của đời mình, điều mà trong suốt 30 năm sau, ông vẫn không bao giờ phủ nhận. Lúc đó bà chỉ trả lời ông bằng sự im lặng, giống như sự im lặng giữa họ bây giờ, làm ông nhớ đến biệt danh của bà "Tường Đá."

"Em thế nào?"

"Em ổn," bà nói và chiêu một ngụm bia.

"Hội đồng thẩm tra sắp hoàn thành báo cáo,"

Bà nhìn ra cửa sổ, về phía cảng, nơi bà nhận thấy rất nhiều tàu đã cập cảng trong tuần qua.

"Sarah, anh đã đọc về tất cả những gì đã xảy ra. Họ đáng phải tặng em huân chương chứ không phải là một cuộc điều tra." Ông đưa tay ra đặt lên tay bà.

Bà vẫn lơ đãng nhìn hàng hàng lớp lớp các khối thép màu xám trên cảng. Bà muốn được ở trên bong của những con tàu đó, chứ không phải bị chôn chân trong căn phòng này, ở cuối sự nghiệp. "Không ai tặng huân chương cho vị chỉ huy đã đánh mất tất cả những chiến hạm của mình."

"Anh biết."

Bà nhìn ông. Có vẻ ông không phải là cái bầu phù hợp để chứa những nỗi buồn của bà: hạm đội bị phá hủy, nghỉ hưu vì sứ khỏe, hay là quyết định không lấy chồng, biến Hải quân thành gia đình. Hendrickson có một sự nghiệp thăng tiến như diều, từ các bậc chỉ huy, đến bằng cấp, trường lớp, rồi vị trí ở Nhà Trắng. Mà vẫn vợ con và giờ là cháu đàng hoàng. Hunt không bao giờ có những thứ đó, ít nhất là có với qui mô mà bà từng mơ ước.

Bà chua chát: "Vì thế mà anh đến đây, để bảo với em rằng em xứng đáng được huân chương?"

"Không," ông rời tay khỏi tay bà và ngồi thẳng lại. Rồi lại nghiêng về phía bà cứ như là sợ làm cho bà cảm thấy khoảng cách giữa hai người là quá xa vậy. "Anh đến đây để nói với em rằng, Hội đồng sẽ kết luận là em đã làm tất cả mọi việc có thể trong hoàn cảnh cụ thể lúc đó."

"Hoàn cảnh lúc đó là hoàn cảnh nào?"

Hendrickson lại bốc một nắm đầy và bỏ từng hạt lạc vào mồm. "Đó là điều anh hy vong em sẽ nói cho anh."

Hội đồng thẩm tra không phải là lý do duy nhất mà ông bay đến Yokosuka. Đáng tiếc là Hunt không nhận ra điều rõ ràng như ban ngày đó. Bà chìm đắm trong nỗi buồn, và sự hoang mang của mình để có thể để ý đến bức tranh toàn cảnh.

"Vậy là anh ở đây để thống nhất câu trả lời với em?"

Ông gật đầu.

"Vậy chúng ta sẽ đáp trả thế nào?"

"Anh không thể nói được Sarah. Nhưng em có thể hình dung được."

Bà ngoảnh ra cửa sổ nhìn bến cảng đầy ắp chiến hạm, từ hàng không mẫu hạm với chi chít máy bay trên bong đến những chiếc tàu ngầm nổi lập lờ trên mặt nước, rồi mấy chiếc khinh hạm nửa chìm nửa nổi và những khu trục hạm truyền thống với mũi tàu hình dao cạo nhô cao chém sóng.

Đó là câu trả lời.

"Anh và sếp anh định gửi những chiến hạm này đi đâu?"

Ông không trả lời, mà tiếp tục nhấn vào các vấn đề kỹ thuật. "Em khai với hội đồng là toàn bộ liên lạc bị cắt đứt. Bọn anh vẫn chưa biết là chúng làm thế nào, nhưng có 1 số giả thiết." ông lại hỏi bà tiếp về tần số tiếng ồn mà bà nghe được trong máy bộ đàm, hệ thống Aegis bị tắt hay chỉ bị treo. Ông còn hỏi tiếp một loạt các câu hỏi bí ẩn trên mức chi tiết của hội đồng. Bà trả lời tốt nhất có thể, cho đến khi bà không chịu được nữa, khi bà cảm thấy qua các câu hỏi, kế hoạch của Hendrickson và các sếp của ông để chống lại kẻ thù ở Bắc Kinh sẽ thất bại thảm hại.

"Anh không thấy à?", bà bực tức ngắt lời. "Các chi tiết kỹ thuật của đối thủ không quá quan trọng. Không thể chiến thắng công nghệ bằng nhiều công nghệ hơn. Mà phải bằng cách không dùng công nghệ. Họ bịt mắt con voi lại, rồi ăn thịt nó."

Ông ngơ ngác "Voi nào?"

"Chúng ta, chúng ta là con voi."

Hendrickson uống nốt ngụm bia. Ông nói, mấy tuần vừa rồi là khó khăn, và hôm nay là một ngày dài mệt mỏi. Ông sẽ quay lại sáng mai để thăm bà, rồi sẽ bay đi vào buổi chiều. Ông hiểu những điều bà nói, hay ít nhất là muốn hiểu. Nhưng chính quyền đang bị sức ép khủng khiếp phải làm gì đó để chứng minh là mình không bị ép buộc. Mà không chỉ ở trên biển. Còn viên phi công thủy quân lục chiến bị ép hạ cánh nữa. Rồi ông diễn thuyết về cách các toan tính chính trị nội địa ghê tởm dẫn dắt chính sách đối ngoại, trong lúc đứng lên và đi ra cửa. "Vậy sáng mai ta sẽ nói chuyện tiếp?"

Bà không trả lời.

"Được không em?"

"Được", bà gật đầu rồi đóng cửa lại khi ông bước ra.

Đêm đó bà ngủ mơ màng, trống rỗng, trừ một giấc mơ. Có ông. Và không có Hải quân. Hai người trong một thế giới khác, khi họ có những lựa chọn khác. Bà tỉnh giấc và không thể ngủ ngon được tiếp vì cứ muốn mơ tiếp giấc mơ đó. Sáng hôm sau, những tiếng gõ cửa đánh thức bà. Không phải ông. Không phải tiếng gõ SOS. Chỉ là tiếng gõ bình thường.

Khi bà mở cửa, một thủy thủ đưa bà một bức thư. Bà phải đến điều trần lần cuối chiều nay trước hội đồng. Bà cám ơn anh lính rồi quay lại với căn phòng nửa sáng nửa tối, khi bóng đêm vẫn còn lẩn khuất trong góc. Bà đến cửa, vén rèm ra, ánh sáng tràn vào làm bà tạm thời lóa mắt.

Bà dụi mắt và nhìn ra cầu cảng. Trống rỗng, các con tàu đã đi đâu hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#2034