2034, PHẦN II: WASHINGTON MẤT ĐIỆN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

18:42 MARCH 12, 2034 (GMT-4)

WASHINGTON, D.C.,

Về Bắc Kinh

Bất cứ ai đã từng sống qua chiến tranh đều có thể kể họ đang ở đâu tại thời điểm mất điện. Thuyền trưởng Hunt đang ở trên cầu chỉ huy John Paul Jones, tìm mọi cách giữ cho chiến hạm của mình nổi, bỏ mặc tiếng kêu khóc hoảng loạn từ các tầng dưới. Thiếu tá Wedge bị bịt mắt còng tay áp giải đi trong các đường hầm của căn cứ không quân Bandar Abbas. Đô đốc Lin Bao vừa rồi Sân bay quốc tế Dulles trên chiếc Gulfstream 900, của Bộ chỉ huy Quân sự Trung tâm.

Lin Bao đã từng bay trên chiếc máy bay này, khi thì trong đoàn đi dự Hội nghị quốc tế, khi thì tháp tùng Bộ trưởng hoặc các quan chức cấp cao. Đây là lần đầu tiên ông được bay một mình, chứng tỏ tầm quan trọng của công việc mà ông vừa hoàn thành. Lin Bao gọi cho Chow ngay sau khi cất cánh, khi các tiếp viên còn bị "trói" vào ghế ngồi và chiếc Gulfstream đang lấy độ cao ở mốc 300m. Treo máy với Chow, ông ngay lập tức gửi một tín hiệu mã hóa cho Trung tâm, xác nhận cuộc gọi đã hoàn thành. Tác động tức thời, chẳng khác gì ông bấm 1 cái nút cả. Cả Washington lung linh bên dưới bỗng tối om, rồi sáng lại ngay lập tức. Như một cái chớp mắt.

Lin Bao ngẫm nghĩ về cái chớp mắt của đời mình, ngắm bờ biển phía Đông biến mất khi phi cơ tiến vào không phận quốc tế trên Đại Tây Dương đen ngòm. Cứ như cả sự nghiệp của ông được xây dựng nhằm vào khoảnh khắc này. Tất cả trước đây, từ thời gian trong học viện, các nhiệm vụ thay đổi liên tục trong hải quân, đến việc học tiếp và trở thành một cán bộ ngoại giao, trải ra như từng cung đường leo núi. Và giờ ông đang ở đỉnh núi.

Ông nhìn ra cửa sổ, như muốn tìm kiếm điều gì ưa thích từ trên độ cao này. Tất nhiên là chỉ có đêm đen. Không trăng sao. Đại dương bên dưới cũng đen kịt. Từ khoảng trống rỗng này, ông cố tưởng tượng điều gì đang diễn ra ở bên kia bán cầu. Ông có thể nhìn thấy chuẩn đô đốc Ma Qiang trên đài chỉ huy của tàu sân bay Trịnh Hòa. Con đường sự nghiệp của ông được chính phủ sắp xếp trở thành tùy viên quân sự tại Mỹ chính xác như con đường Ma Qiang trở thành chỉ huy nhóm tàu chiến đấu thực thi chủ quyền trên đại dương. Nếu như họ không gặp nhau trong những ngày đầu sự nghiệp ở trường hải quân thì chắc họ cũng cảm nhận được đường quan lộ song song của mình. Ma khi đó là học lớp trên, xuất thân con nhà dòng dõi, cả bố và ông đều là đô đốc hải quân. Ma nổi danh vì hiểu biết và tàn bạo, đặc biệt khi đì bọn năm dưới. Lin Bao xuất thân dân học hành. Mặc dù sau này tốt nghiệp với số điểm cao chưa từng thấy, Lin vẫn trông như một cậu bé yếu đuối thò lò mũi xanh, mang nửa dòng máu Mỹ, nửa dòng máu Hoa, trở thành miếng mồi ngon cho sự chế nhạo và nghi ngờ của các bạn cùng lớp, trong đó có Ma.

Nhưng tất cả những cái đó đã lâu rồi. Cuối cùng thì cũng chính nhờ sự hỗn huyết mà chính phủ đã thấy được giá trị của Lin và đưa ông đến chức vụ hiện nay. Còn năng lực và sự tàn bạo đang được Ma sử dụng để chỉ huy hạm đội của mình, giáng những đòn sấm sét vào hải quân Mỹ. Mỗi người đều có vai của mình, làm việc của mình.

Một phần của Lin Bao mơ được đứng trên cầu chỉ huy của Trịnh Hòa với hạm đội dàn đội hình tác chiến đằng sau. Suy cho cùng, ông là sĩ quan hải quân, đã từng chỉ huy trên biển. Nhưng bù lại ông lại có thông tin từ vị trí của mình. Ngoài ông ra, chắc chỉ có 5-6 người nữa biết chính xác qui mô của những sự kiện đang diễn ra.

Ma và hàng ngàn thủy thủ dưới quyền ông ta không biết gì về chiếc F-35 đã bị buộc hạ cánh bởi các công nghệ điện tử mà chính phủ ông mượn tay Iran để thực hiện. Ông ta cũng không biết gì về các việc đó liên quan gì đến nhiệm vụ của mình. Những điểm mạnh nhất của người Mỹ mà Lin kính trọng: đạo đức vững, quyết tâm đến cùng, luôn lạc quan, lại chính là những thứ đang làm họ lúng túng: họ đang cố gắng tìm lời giải cho vấn đề mà họ không hiểu.

Điểm mạnh nhất của ta cũng sẽ là điểm yếu nhất của ta. Luôn luôn là như thế. Lin Bao nghĩ.

Người Mỹ đang hiểu như thế này. Họ bắt được con tàu Wen Rui, đầy những công nghệ nhạy cảm mà chính phủ của Lin Bao bằng mọi cách phải lấy lại. Vì thế họ cần phải có cái gì đó để mặc cả và vì thế xuất hiện chiếc F-35. Lin Bao có thể đoán được những bước tiếp theo của người Mỹ, đã nhiều lần thể hiện trong các cuộc đối đầu giữa hai dân tộc này. Hai bên đều sẽ lên gân, thậm chí đẩy đến bờ vực, rồi giảm nhiệt và cuối cùng là mặc cả. F-35 đổi lấy Wen Rui. Linh Bao biết và sếp của ông cũng biết, người Mỹ không thể tưởng tượng được là công nghệ trên chiếc F-35 chỉ là thứ yếu và những "đồ chơi" trên Wen Rui chẳng có giá trị gì. Người Mỹ sẽ không hiểu, hay ít nhất là cho đến khi quá muộn, rằng chính quyền của Lin Bao chỉ cần có khủng hoảng, để họ bắt đầu tấn công ở Biển Nam Trung hoa. Người Mỹ không có, hoặc nếu có đã mất từ lúc nào đó, trí tưởng tượng. Vụ 11/9 cũng thế và giờ là vụ Wen Rui. Đây không phải là thất bại của cơ quan tình báo Mỹ. Đây là thất bại của trí tưởng tượng Mỹ. Và càng vùng vẫy họ càng rơi vào bẫy của chính mình.

Lin Bao nhớ một trò chơi ông nhìn thấy trong một cửa hiệu ở Cambridge, nơi ông học ở Trường Kennedy của Harvard. Đó là một cái ống làm từ vật liệu như nan tre. Người bán hàng thấy ông tò mò, thì đề nghị bằng giọng Boston rất nặng mà Lin Bao phải cố gắng mới hiểu được: "anh đút ngón tay vào một đầu ống đi." Lin Bao làm theo. Nhưng khi ông rút ngón tay ra thì cái ống lại bóp lại, ông càng rút thì nó càng bóp mạnh giữ chặt ngón tay. Người bán hàng cười phá lên: "anh chưa nhìn thấy cái này bao giờ sao?" Lin Bao lắc đầu, ông ta càng cười to hơn rồi nói: "Đây là cái bẫy ngón tay Trung Hoa."

05:17 MARCH 13, 2034 (GMT+4:30)

BANDAR ABBAS

Chuẩn tướng Qassen Farshad ngồi trên cái ghế xếp bằng nhựa trong căn phòng trống cạnh một buồng giam. Đấy là buổi sáng sớm và ông đang không thoải mái. Ít người nhận thấy, vì trông ông lúc nào cũng đáng sợ. Tiếng đồn về ông còn đáng sợ hơn. Bởi thế rất khó đoán tâm trạng của ông. Ngay lúc ngồi nghỉ thì trông ông cũng như đang giận dữ hoặc khó chịu gì đó, phụ thuộc vào ai nhìn thấy ông. Farshad có sẹo, nhiều sẹo. Đáng kể nhất là ở tay phải, ông mất ngón út và ngón đeo nhẫn khi làm mìn tự chế ở Sadr City trong nhiệm vụ đầu tiên của người lính trẻ. Lỗi đó làm ông mất chỗ trong lực lượng Quds tinh nhuệ. Nhưng tướng trùng tên Qassem Soleimany, chỉ huy lực lượng Quds đã can thiệp, cho rằng đó là sự yếu kém của nhóm phiến quân Jaish al-Mahdi do Farshad tư vấn.

Đấy là là lần duy nhất ông sử dụng mối quan hệ đặc biệt với Soleimani trong suốt 30 năm hoạt động trong lực lượng Quds. Bố ông, mang hàm trung tá, đã chết khi liều mình ngăn chặn một vụ ám sát Soleimani vài tuần trước khi Farshad ra đời. Mặc dù vụ việc còn nhiều bí ẩn, nhưng việc Soleimani, người bảo vệ Nước Cộng hòa Hồi giáo, nợ dòng họ Farshad một ân tình, cũng phủ tấm màn huyền bí lên con đường thăng tiến của Farshard trong lực lượng Vệ binh Cộng hòa. Thêm vào nữa ông còn nổi danh là táo bạo và có năng lực.

Lịch sử chiến trận của ông trải dài qua những vết sẹo trên người. Khi tư vấn cho chính phủ Syria trong Trận Allepo, một mảnh đạn pháo đã chém ngang mặt từ lông mày xuống dưới má. Khi tấn công Herat sau sự sụp đổ của chính quyền Afganistan ở Kabul năm 2026, một viên đạn đã xuyên qua cổ ông, may mắn thế nào không chạm vào động mạch và khí quản, chỉ để lại ở đầu vào và đầu ra một lỗ thủng như đồng xu. Vết sẹo này làm cổ ông giống như Frankenstein mà bị tháo mất vít (thực chất là lính ông cũng gọi ông như vậy). Và trong trận đánh đỉnh cao của sự nghiệp khi ông chỉ huy một trung đoàn vệ binh cộng hòa đánh chiếm lại Cao nguyên Golan năm 2030, một quả tên lửa của Israel đã nổ phía sau ông, giết chết người lính liên lạc, và cắt cụt chân phải ông từ dưới gối. Ông vẫn còn đi khập khiễng từ vết thương đó, mặc dù sáng nào cũng đi bộ gần 5km bằng cái chân nhựa rất vừa vặn.

Những ngón tay bị mất, sẹo trên mắt, cẳng chân bị cưa cụt... tất cả đều ở nửa bên phải. Nửa bên trái người ông, ngoại trừ vết sẹo trên cổ, rất lành lặn. Nếu lính gọi ông là Vua Frankenstein vĩ đại thì các nhà phân tích tình báo Mỹ tại Langley lại gọi ông là "Dr Jekyll và Mr Hyde". Ông là người có 2 mặt, một mặt lành lặn và một mặt đầy sẹo. Ông có thể rất dễ thương, nhưng cũng có thể rất hung bạo. Và mặt hung bạo dễ dàng đưa ông đến những hành vi mất kiểm soát, giờ đây đang chế ngự ông, trong văn phòng trống cạnh những buồng giam của Bandar Abbas.

Năm tuần trước, Ban Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang đã ra một chỉ thị trực tiếp cho Farshad. Chính phủ dự kiến sẽ buộc hạ cánh một chiếc F-35 của Mỹ mà Farshad sẽ phải hỏi cung phi công. Ông sẽ có hai ngày để buộc phi công nhận tội và chính phủ sẽ sử dụng video này để bêu xấu người Mỹ. Sau đó viên phi công sẽ được thả, các công nghệ tối tân sẽ bị thu giữ còn máy bay sẽ bị phá hủy. Khi Farshad phản đối là việc thẩm vấn phi công là quá tầm thường với cương vị, ông được trả lời là ông là người có cấp bậc thấp nhất trong những người liên quan đến vụ việc nhạy cảm này. Nó có thể dẫn 2 quốc gia đến bờ vực của chiến tranh. Tình huống khó xử và lại gấp rút, nên Farshad được lệnh ở lại căn cứ không quân thêm hơn 1 tháng, đợi cho máy bay Mỹ bay qua.

Mình bị hạ cấp quá, Farshad chua chát nghỉ. "Người được tin tưởng có cấp bậc thấp nhất."

Farshad nhớ lại những ngày chinh chiến, nơi ông đã kiếm đủ các vết sẹo có thể. Ông nhớ những ngày cuối cùng của tướng Soleimani. Khi người Mỹ giết ông, căn bệnh ung thư vòm họng đang gặm dần viên tướng vĩ đại. Đã mấy lần người bạn già của bố ông đã phải nằm liệt giường vì căn bệnh quái ác. Trong một lần như vậy, viên tướng đã gọi Farshad đến bên mình ở căn nhà nhỏ đồng quê tại Qanat-e Malek, cách Teheran 3 giờ lái xe, nơi Soleimani đã sinh ra và lớn lên. Cuộc gặp gỡ cũng không lâu. Và Farshad nhìn thấy thần chết trong nụ cười Soleimani chào đón ông, trong hàm răng trệu trạo toàn lợi, trong đôi môi tím tái. Soleimani nói với ông bằng giọng khàn khàn, rằng bố ông là người may mắn, không bao giờ già vì đã chết như một liệt sĩ, điều mà chiến binh nào cũng mong muốn và ông cầu mong cho con của người bạn già cũng có một cái chết như vậy. Chưa kịp nghe Farshad trả lời, Soleimani đã ra hiệu để ông đi. Ra khỏi cửa ông còn nghe thấy tiếng nôn mửa thảm hại đằng sau. Hai tháng sau, kẻ thù lớn nhất của Soleimani, người Mỹ đã tặng ông ta món quà quí giá nhất: chết như một người lính trên chiến trường.

Ngồi đợi trong văn phòng trống ở Bandar Abbas, Farshad nhớ lại thời điểm đó. Ông gần như tin chắc số phận mình sẽ không được chết trên chiến trường như bố, mà sẽ chết trên giường bệnh, như viên tướng già suýt nữa đã bị như vậy. Và đó cũng là một lý do làm ông không vui lắm hôm nay. Một cuộc chiến tranh mới đang âm ỉ chuẩn bị xảy ra, ông cảm thấy điều đó, và có thể đó là cuộc chiến đầu tiên mà ông sẽ thoát thân mà không dính vết sẹo nào.

Một người lính trong bộ trang phục sạch sẽ và nghiêm chỉnh xuất hiện ở cửa: "Thưa chuẩn tướng..."

Gì vậy?

Tù binh đã đợi ngài.

Farshad từ từ đứng dậy, đi ngang qua anh lính tiến về phía buồng giam của viên phi công Mỹ. Dù có muốn hay không, ông vẫn phải làm việc đó.

21:02 MARCH 12, 2034 (GMT-4)

WASHINGTON, D.C.

Sandy Chowdhury biết tình hình đang tồi tệ. Địa chỉ email của chính phủ, số điện thoại di động của chính phủ, kể cả mấy máy bán hàng tự động dùng thẻ tín dụng chạy từ địa chỉ IP của chính phủ, tất cả đều sập. Không mật khẩu nào đúng. Không ai login vào được. Chow chỉ có thể nghĩ được: tình hình xấu, xấu, xấu!

Ông không liên lạc được với Bộ Chỉ huy Trung tâm hoặc Bộ Chỉ huy Ấn độ – Thái bình dương. Suy nghĩ của ông chạy lung tung, tưởng tượng ra vô khối những gì có thể xảy ra với chiếc F-35 cũng như số phận của John Paul Jones và các tàu đồng đội của nó.

Trí nhớ bắt đầu tour lại

Khi còn học ở Bắc Virginia, ông chạy vượt chướng ngại vật. Mọi việc đều ổn thỏa, cho đến khi ông gặp tai nạn trên đường chạy làm gãy xương gót chân trong chặng cuối cùng của cuộc đua tiếp sức 4x400m. Đó là cuộc thi khu vực trong năm đầu tiên ở trường. Khi ngã, ông cảm thấy mồ hôi chảy xót những chỗ da xước ở đầu gối và cẳng tay, nhưng không cảm thấy gì ở cái gót chân đã bị gẫy nát. Ông chỉ ngồi đó, nhìn các vận động viên khác lướt qua, ngơ ngác nhìn cái chân gẫy lủng lẳng dưới khớp mắt cá. Ông biết là nó sẽ rất đau. Nhưng lúc đó chưa có cảm giác đau đớn gì.

Bây giờ là lúc như vậy. Ông biết cái gì đó đã bị gẫy. Nhưng ông chưa cảm thấy gì.

Chow, Hendricksom cùng số nhân viên ít ỏi của mình chạy đi chạy lại, gõ gõ bàn phím, tháo phíc rồi cắm lại phíc những chiếc điện thoại câm như hến, cố gắng khởi động lại hệ thống từ chối phản ứng. Chiếc Không lực 1, dự kiến phải hạ cánh xuống căn cứ Andrew 1 tiếng trước đây, bỗng mất hút. Không thể nào liên lạc được. Điện thoại cá nhân của họ vẫn hoạt động, nhưng họ không dám gọi qua kênh dân sự không được bảo mật, nhất là sau khi Lin Bao cho Chow thấy những tin nhắn trong điện thoại của ông.

Mấy giờ sau khi mất điện, thời gian trôi qua một cách kỳ lạ. Ai cũng biết là mỗi phút đều quan trọng, ai cũng cảm thấy là những sự kiện đang diễn ra như thế này sẽ thay đổi tiến trình lịch sử. Nhưng không ai hiểu hình thái của nó. Không ai hiểu cái gì sẽ tiếp theo. Không có thông tin gì về Wen Rui, F-35 và Không lực 1, có vẻ như đã biến mất. Họ cũng không thể gọi được điện thoại theo kênh an toàn để tìm hiểu qui mô của cuộc tấn công. Tất cả đã bị xâm phạm.

Họ cố gắng tỏ ra bận rộn một cách vô ích. Chow và Hendrickson cố thủ trong Phòng Tình huống, cặm cụi chúi đầu vào bàn hội nghị, nguệch ngoạc vạch ra các kế hoạch rồi lại vứt bỏ đi. Cho đến khi sếp của Chow, Tren Wisecaver, cố vấn an ninh quốc gia đứng ở ngưỡng cửa đang mở.

Đầu tiên họ còn không nhận ra sự có mặt của ông ta.

"Sandy", ông ta nói

Chow nhìn lên ngơ ngác: "Thưa ngài?"

Mấy chục năm trước, Wise chơi ở vị trí hộ công của đội bóng đá Mỹ West Point nên trông ông vẫn phong độ. Tay áo xắn lên quá khuỷu, cà vạt thắt lỏng quaynh cổ, tóc muối tiêu chưa chải kỹ. Ông đeo một cặp kính cận thị nặng không gọng và trông như vừa ngủ dậy trong bộ vest của Brooks Brothers: "Các anh có bao nhiêu tiền mặt?"

"Gì cơ?"

"Tiền mặt. Tôi cần 80 đô trả taxi. Thẻ tín dụng chết tiệt của tôi không làm việc."

Chow và Hendrickson lục túi mãi gom được 76 đô, trong đó 3 đô là tiền xu, rồi đưa hết cả mớ giấy và xu đó cho Wisecarver khi cả hội đi từ Cánh Tây đến Đường Bắc nơi có sảnh của Nhà Trắng. Một chiếc taxi đang đợi cạnh vòi phun nước. Một mật vụ mặc quân phục đưa cho Chow giấy phép và đăng ký của lái xe taxi rồi quay về vị trí.

Sếp của Chow giải thích là máy bay của ông bị buộc chuyển hướng sang sân bay Dulles và hạ cánh như máy bay dân sự. Không có nghi lễ đón đưa, không có bảo đảm an ninh. Tổng thống được đưa về Andrew ngay sau đó, vì từ trên Không lực 1, bà chỉ có thể nói chuyện được với phó Tổng thống và Tướng 4 sao chỉ huy lực lượng chiến lược. Những kẻ thiết kế cuộc tấn công đã giữ những kênh này để bảo đảm tránh được leo thang hạt nhân. Bắc Kinh (hoặc ai đó làm việc này) biết rằng nếu tổng thống không liên lạc được với lực lượng hạt nhân, hệ thống sẽ tự động kích hoạt một cuộc tấn công phủ đầu.

Tuy nhiên bà không nói chuyện được với Bộ trưởng quốc phòng và các tướng chỉ huy mặt trận khác. Và Wisecarver phải lo việc đó. Nên ông này đã bỏ qua mọi thủ tục đưa đón, bắt taxi thẳng từ Dulles về Nhà Trắng để bảo đảm khôi phục liên lạc trước khi Tổng thống về đến nơi.

Và ở đây ông mới phát hiện ra là mình không có xu nào trong túi để trả tiền taxi.

Chow xem xét đăng ký của taxi. Lái xe là người nhập cư Nam Á, có họ trùng với cùng khu vực ở Ấn với gia đình Chow. Khi Chow tiến đến trả lại giấy tờ cho người lái xe, ông định nhắc chuyện đó, nhưng lại thôi. Không hợp cả về thời gian và không gian. Wise đếm tiền trả cho lái xe trong khi tay mật vụ ngó nghiêng khắp bốn phía để xem có mối đe dọa nào, dù là thật sự hay tưởng tượng không.

10:22 MARCH 13, 2034 (GMT+8)

BEIJING

Lin Bao không ngủ được nhiều trên máy bay. Vừa hạ cánh, ông được một đoàn vest đen, kinh đen, súng ống giấu kín, hộ tống đến trụ sở của Bộ Quốc phòng, một tòa nhà xấu xí ở trung tâm của thủ đô mờ mịt. Lin Bao đoán họ là các sĩ quan của Bộ an ninh Quốc gia nhưng không chắc lắm. Không một lời chào hỏi, họ đưa ông tới phòng họp không cửa sổ ở tầng 6 tòa nhà rồi rút lui sau khi đóng kín cửa.

Lin ngồi đợi. Bàn họp ở giữa phòng khá nặng nề, được thiết kế được tiếp khách quốc tế hoặc những cuộc đàm phán có độ nhạy cảm cao. Ở giữa bàn có một lọ hoa lan Ý, một trong số ít loài hoa sống được không cần ánh sáng mặt trời. Lin đưa ngón tay chạm vào bên dưới những cánh hoa trắng mịn, không thể không nghĩ đến sự trớ trêu của tình huống. (Loại hoa này tên tiếng Anh có nghĩa là Lan Hòa bình – NTN)

Trên bàn có 2 cái đĩa bạc, đựng đầy các gói kẹo M&M. Ông nhận ra bao bì tiếng Anh tức là loại sản xuất ở Mỹ. Hai cánh cửa cuối phòng mở ra và Lin Bao giật mình ngồi thẳng lại.

Các sĩ quan cấp dưới tràn vào, hạ màn hình, kết nối đường truyền an toàn, bày các chai nước lên bàn. Rồi họ lại nhẹ nhàng rút ra, nhanh như thủy triều xuống. Một người đàn ông nhỏ bé, ngực đeo đầy huy chương, bước vào. Ông ta mặc bộ quân phục màu tro, từ vải tốt, nhưng cắt khá vụng, tay áo trùm cả lên bàn tay. Thái độ của ông ta thân thiện. Hai dái tai lắc lư định vị một khuôn mặt tròn, và đôi má đầy đặn xếp lại thành một nụ cười cố định. Ông ta đưa tay ra như một cái phích cắm tìm ổ điện: "Đô đốc Lin Bao, Đô đốc Lin Bao. Xin chúc mừng. Anh đã làm rất tốt," ông nhắc lại tên đô đốc như một khúc khải hoàn.

Lin chưa bao giờ gặp bộ trưởng, tướng Chiang. Nhưng mặt thì quen. Vì đã nhiều lần nhìn thấy ảnh ông ta cùng các tướng tá trên các bức tường doanh trại trong đời quân ngũ của mình. Có lẽ vì nụ cười đã làm Chiang khác biệt so với các quan chức khác lúc nào cũng tỏ ra trầm trọng khi chụp ảnh. Thói quen đó, có thể làm cho người ta cho là biểu hiện của sự yếu đuối, là cái vỏ mềm mại bao bọc quyền lực của văn phòng ông. Bộ trưởng Chiang chỉ tay về mấy chiếc đĩa bạc, cố gắng giấu nụ cười sảng khoái "anh chưa ăn những chiếc kẹo M&M yêu thích của mình à?"

Lin Bao có cảm giác không lành. Nếu ông cho rằng Bộ trưởng và Bộ chỉ huy gọi ông về để báo cáo, ông sẽ nhanh chóng thất vọng. Họ đã biết hết, kể cả những chi tiết bé nhất. Từng câu nói, cử chỉ, từ ngữ, cho đến bình luận về M&M. Nhiệm vụ của mấy chiếc đĩa bạc là nhắc ông biết rằng không có gì thoát khỏi sự quan tâm của cấp trên, và đừng nghĩ rằng ai đó có thể có vai trò quá lớn và một con người có thể lớn hơn một cái bánh răng trong bộ máy không lổ: Cộng hòa Nhân dân.

Bộ trưởng Chiang ngả người trên ghế bành ở vị trí chủ tọa và mời Lin ngồi cạnh. Mặc dù đã làm việc gần 30 năm ở Hải quân, đây là lần đầu tiên Lin gặp trực tiếp một thành viên của Hội đồng Quân sự Trung ương. Khi ông học ở Trường Kennedy hoặc Học viện Hải quân ở Newport, khi tham gia những buổi tập trận cùng với quân đội phương Tây, ông thường ngạc nhiên vì độ thân thiện giữa các cấp sĩ quan của họ. Các đô đốc thường nhớ và dùng tên riêng của sĩ quan. Thứ trưởng và Bộ trưởng quốc phòng trước học cùng trường, hoặc sĩ quan hóa ra học cùng lớp với chỉ huy. Các quân đội phương Tây có vẻ là bình đẳng hơn, mặc dù về hình thức, cơ sở tư tưởng của đất nước ông là chủ nghĩa xã hội. Ông chẳng là gì ngoài là "đồng chí" với các sĩ quan cấp cao, và ông biết điều đó. Khi ở Newport, ông đã nghiên cứu Trận Kursk, trong đó một trong những nhược điểm của xe tăng Xô-viết là chỉ có xe chỉ huy mới có liên lạc hai chiều. Các cấp dưới không có lý do gì để trao đổi với chỉ huy cả, họ chỉ là bánh xe trong cỗ máy. Từ đó đến giờ cũng không có nhiều thay đổi.

Màn hình ở cuối bàn bật sáng. "Chúng ta đã thắng một trận lớn. Anh đáng được xem nó." Bộ trưởng giải thích. Đường liên lạc an toàn quá tốt, âm thanh hình ảnh rõ nét như nhìn ra cửa sổ vào phòng khác vậy. Phòng đó là cầu chỉ huy của Trịnh Hòa, và đô đốc Ma đứng giữa.

Ma Qiang giơ tay chào, không để ý đến Lin Bao và bắt đầu cập nhật tình hình. Họ đã đánh chìm 2 tàu khu trục Mỹ Carl Levin và Chung-Hoon. Chiếc đầu tiên nổ tung nên chỉ vài người trong số gần 300 thủy thủ đoàn sống sót. Chiếc thứ hai mất cả đêm mới chìm hẳn. Sáng nay lính của Ma đã vớt được một số thủy thủ Mỹ. Chiếc còn lại John Paul Jones đang bị nghiêng, nước tràn vào. Ma đã kêu gọi thuyền trưởng đầu hàng nhưng bà ta kiên quyết từ chối, bằng một ngôn ngữ tục tĩu đến mức phiên dịch viên còn băn khoăn khi dịch cho Ma. Hạm đội của Ma đã ở đây 36 tiếng và Ma lo rằng người Mỹ sẽ nhanh chóng có mặt. Ông xin phép được tiêu diệt nốt John Paul. "Đồng chí Bộ trưởng. Chúng tôi không nghi ngờ là sẽ đánh bại quân cứu viện. Nhưng tôi được chỉ thị là không để leo thang. Tôi có mấy chiếc J-312 có thể dùng để tấn công John Paul Jones. Tối đa là mất độ 52 phút. Đợi lệnh của đồng chí."

Bộ trưởng đưa ray xoa cái cằm tròn và nhẵn. Lin Bao dán mắt vào màn hình. Ở đằng xa, sau các thủy thủ đang chạy đi chạy lại trên bong, ông có thể nhìn thấy được chân trời và một đám khói mờ lớn lơ lửng trên mặt biển. Phải mất một lúc ông mới hiểu được đó là tất cả những gì còn lại từ 2 con tàu Carl Levin và Chung-Hoon. Và có lẽ sắp tới là số phận của John Paul. Lo lắng của Ma là có cơ sở. Chiến dịch này ngay từ đầu đã được thiết kế với qui mô giới hạn. Mục tiêu cuối cùng là kiểm soát được biển Nam Trung Hoa, chỉ có thể không xảy ra trong 2 trường hợp: Hạm đội của ông không tiêu diệt được hết các tàu Mỹ hoặc một tính toán sai sẽ dẫn đến leo thang ra khỏi tầm một cuộc phô trương sức mạnh có thể đầy bạo lực nhưng đơn lẻ.

"Đô đốc Ma, anh tin rằng có thể cứu được John Paul?" Bộ trưởng Chiang hỏi.

Ma suy nghĩ một lúc, nói chuyện với ai đó ngoài màn hình trước khi quay lại: "Đồng chí Bộ trưởng, chúng tôi tin rằng John Paul sẽ chìm trong 3 tiếng nữa nếu không được trợ giúp." Lin Bao thấy chiếc Trịnh Hòa đang xoay theo chiều gió để các tiêm kích cất cánh. Bỗng đằng xa xuất hiện một đám khói đen đặc. Đầu tiên Lin tưởng đó là một lỗi trên màn hình. Sau thì ông hiểu, John Paul đang bốc cháy cách đó chừng hơn chục hải lý.

Bộ trưởng Chiang gõ gõ ngón tay, như đang cân nhắc trước khi ra lệnh. Một trận đánh dứt điểm là quan trọng nhưng ông cũng phải cân nhắc để cuộc khủng hoảng không vượt quá tầm kiểm soát ảnh hưởng đến chủ quyền của đất nước ông ở Biển Nam Trung Hoa. "Anh được phép xuất kích, nhưng nghe đây, chúng ta phải gửi một thông điệp cực kỳ rõ ràng."

06:42 MARCH 13, 2034 (GMT+4:30)

BANDAR ABBAS

"Cái chỗ hôi hám chết tiệt này."

Không khí ẩm thấp bốc mùi bại hoại. Wedge nghĩ mình như đang bị giam trong nhà xí công cộng của bến xe buýt Greyhound. Anh bị bị mắt còng tay vào chiếc ghế thép đóng đinh xuống sàn nhà. Anh không nhìn thấy gì ngoài thi thoảng mấy cái bóng mờ loăng quăng và một quầng sáng trên cao mà anh cho có thể đó là cửa sổ.

Cửa kẽo kẹt mở. Wedge đoán đó là cửa thép. Tiếng những bước chân không đều, kiểu như người hơi bị thọt. Tiếng kéo ghế xiết trên sàn. Có ai đó vụng về ngồi im đối diện với anh, có vẻ như sợ chuyển động sẽ gây ra hậu quả kinh khủng. Wedge đợi ông ta nói trước, nhưng chỉ cảm thấy mùi thuốc lá. Anh rất thuộc Quy tắc ứng xử của Tù binh, trong mọi trường hợp không được lên tiếng trước.

"Thiếu tá Chris 'Wedge' Mitchell..." giọng đối diện vang lên.

Băng bịt mắt được tháo ra và Wedge chìm trong ánh sáng mặc dù căn phòng khá tối. Anh cố gắng, nhưng vẫn chưa tập trung nhìn ra người đối diện.

"Tại sao anh lại ở đây, thiếu tá Wedge?"

Mắt anh điều chỉnh dần dần. Người đối diện mặc quân phục xanh, có cầu vai vàng thể hiện đẳng cấp. Người rắn chắc như một vận động viên điền kinh và bộ mặt thù địch với một vết sẹo dài từ trên mày xuống dưới má. Mũi ông ta là một hình tam giác thu gọn kiểu như đã từng bị vỡ và nắn lại mấy lần. Tay ông ta đang cầm biển hiệu tên, được dán vào bộ đồ bay của Wedge.

"Không phải là Thiếu tá Wedge. Chỉ là Wede thôi. Và chỉ có bạn bè tôi mới gọi thế."

Người đàn ông trong quân phục xanh khẽ cau mày như cảm giác bị tổn thương. "Khi chúng ta kết thúc ở đây, anh sẽ muốn tôi làm bạn." rồi mời anh thuốc lá mà anh khoát tay không nhận. Người đàn ông nhắc lại "Tại sao anh ở đây?"

Wedge chớp mắt, quan sát căn phòng trống. Một cửa sổ có chấn song tít trên góc, in một hình chữ nhật ánh sáng lên sàn bê tông ẩm ướt. Chiếc ghế của anh. Chiếc bàn sắt. Chiếc ghế đối diện mà người đàn ông ngồi. Dựa trên cầu vai, anh đoán ông ta là chuẩn tướng. Trong góc xa của phòng có một cái thùng mà anh đoán là nhà vệ sinh của mình. Ở góc gần có trải một tấm nệm, chắc là giường ngủ. Trên tấm nệm có một sợi dây xích móc vào tường mà anh đoán mình sẽ bị xích vào khi ngủ, nếu họ định cho anh ngủ. Căn phòng như thời trung cổ, nếu không có cái camera treo chính giữa trần nhà. Bóng đèn đỏ nhấp nháy báo hiệu nó đang ghi lại mọi thứ.

Wedge cảm thấy một cơn kích động tràn xuống dạ dày. Anh thấy mình đang nghĩ về cụ của mình với câu chuyện vẽ mục tiêu lên kính lái, về Pappy Boyington, phi công vĩ đại nhất của Thủy quân lục chiến. Pappy cũng bị bắt và kết thúc chiến tranh trong trại giam của Nhật. Anh nghĩ về ông mình, thả napal và bắn rocket xuống Vùng 1 Chiến thuật ở Việt Nam trong khi con em ở nhà hút cần sa và đốt thẻ quân dịch. Anh nghĩ về bố mình. Người mà anh nghĩ sẽ tự kết tội mình nếu con ông ta chết mục xương ở cái nhà tù này. Wedge luôn mong muốn được như bố mình, kể cả nếu điều đó giết chết anh. Lần đầu tiên, anh nghĩ đến cái chết.

Viên tướng hỏi lại lần nữa tại sao anh ở đây.

Wedge trả lời như được huấn luyện: tên, quân hàm và số hiệu quân nhân.

"Không phải cái đó, tôi muốn hỏi tại sao anh ở đây?"

Wedge nhắc lại lần nữa.

Viên tướng gật đầu nghe chừng đã hiểu, ông ta đứng dậy đi lòng vòng và dừng lại đằng sau Wedge để cả hai tay lên vai anh, các ngón tay như càng cua muốn bóp lấy cổ Wedge. "Chúng ta chỉ có thể giải quyết tình huống này bằng cách hợp tác với nhau, Thiếu tá Mitchell. Dù có thích hay không thì sự thật là anh đã xâm phạm lãnh thổ chúng tôi và chúng tôi có quyền được biết tại sao anh làm thế và chấm dứt ở đây. Không ai muốn leo thang cả."

Wedge nhắc lại câu trả lời lần thứ ba, nhìn lên cái camera.

"Tôi tắt cái camera đi nhé? Anh chỉ nói với tôi thôi. Không có gì sẽ bị ghi lại cả!"

Từ những khóa huấn luyện sống sót, Wedge biết rằng viên tướng muốn xử dụng kỹ thuật xây dựng lòng tin, và từ đó dẫn đến nhận tội. Mục tiêu của các cuộc thẩm vấn không phải là thông tin mà kiểm soát – kiểm soát cảm xúc. Một khi cảm xúc đã bị kiểm soát, bằng cách xây dựng quan hệ, hay thông thường hơn là bằng bạo lực, thông tin sẽ tự đến. Nhưng có gì đó ở đây không phù hợp với viên tướng này. Cấp bậc ông ta quá cao để là sĩ quan thẩm vấn đầu tiên. Ông ta có quá nhiều sẹo nếu là một sĩ quan tình báo. Và quân phục xanh của ông ta không phải là quân phục thông thường của quân đội Iran. Đó chỉ là trực giác của Wedge, trực giác của một phi công luôn được huấn luyện phải tin vào trực giác của mình trong và ngoài buồng lái. Lần này, niềm tin vào trực giác thuyết phục anh chuyển sang tấn công để giành quyền kiểm soát tình huống.

Viên tướng hỏi lại lần nữa tại sao Wedge lại đến đây.

Lần này anh không nhắc lại tên, cấp bậc và số hiệu nữa. Anh mặc cả: "tôi sẽ nói với ông nếu ông nói với tôi."

Viên tướng ngạc nhiên "Tôi không tin là tôi hiểu ý anh."

"Tại sao ông lại ở đây?" Wedge hỏi "Nếu ông nói với tôi, tôi sẽ nói với ông."

Viên tướng không đứng đằng sau nữa mà quay trở lại ghế. Ông ta nghiêng người về phía tay tù binh cứng đầu: "Tôi ở đây để hỏi cung anh," viên tướng ngập ngừng kiểu như câu nói sẽ làm ông ta mất mặt mà ông ta không nhận ra cho đến khi phát âm hết chữ cuối cùng.

"Vớ vẩn!" Wedge nói

Viên tướng đứng dậy.

"Ông không phải là sĩ quan hỏi cung. Với bộ mặt thế kia mà ông bảo tôi tin ông là mấy tay liệt dương bên tình báo ư?"

Mặt ông ta đỏ lên vì xấu hổ, đến tận chân vết sẹo.

"Ông phải ra mặt trận với những người lính của mình," Wedge nói và mỉm cười liều lĩnh. Anh đã đánh cược và từ phản ứng của viên tướng, anh biết là mình đã đúng và đã kiểm soát được tình hình.

"Vậy tại sao ông lại ở đây? Ông đã gây tội gì với ai mà giờ phải hạ mình làm cái công việc nhảm nhí này?"

Viên tướng chồm lêm và giáng cho Wedge một nắm đấm mạnh đến nỗi chiếc ghế anh ngồi bị long vít bật ra khỏi sàn. Wedge gục xuống bất động như một hình nhân ma-nơ-canh. Anh nằm nghiêng với bàn tay vẫn bị xích vào ghế, hứng chịu những cú đấm liên tiếp. Chiếc camera trên trần với cái đèn hiệu màu đỏ đã thôi nhấp nháy là thứ cuối cùng mà Wedge nhìn thấy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#2034