v

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

> Thơ của Arthur Rimbaud đã được sử dụng để định hình hành trình Hoa Dạng Niên Hoa như thế nào

Đính kèm bên những bức ảnh của Hoa Dạng Niên Hoa trong album còn là một biểu tượng tuổi trẻ nữa, ấy là những vần thơ của Arthur Rimbaud - Con người có đế giầy gió. Người biết Rimbaud là thi sĩ, kẻ từng xem phim tái hiện cuộc đời ông, những người khác lại biết đến ông khi nghe về câu thơ của Xuân Diệu trong bài Tình trai.

"Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men
Say thơ xa lạ, mê tình bạn
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen

Những bước song song xéo dặm trường
Đôi hồn tươi đậm ngát hoa hương
Họ đi, tay yếu trong tay mạnh
Nghe hát ân tình giữa gió sương

Kể chi chuyện trước với ngày sau
Quên gió môi son với áo màu
Thây kệ thiên đường và địa ngục
Không hề mặc cả, họ yêu nhau...."

"Hãy thử liên tưởng một cậu con trai rất trẻ, yêu thích văn thơ và với những cá tính ương ngạch, chuộng đổi mới, chuộng tự do tìm đến một nhà thơ cùng thời, hiểu nhau, phục nhau vì thơ, cảm nhau rồi yêu nhau, bất chấp xã hội quanh mình. Rồi cả một vùng trời cố chấp ụp xuống tình yêu để con người yếu đuối tự xung đột chính mình và xung đột lẫn nhau. Rồi chia tay. Biết bao nhiêu điều không thể chia sẻ cho nhau, không nói với nhau được. Rồi bất chấp. Rồi bỏ luôn. Có lẽ tình yêu của cả hai không thể chống lại một xã hội đầy chướng ngại vật. Cuộc sống yêu đương hạnh phúc của cả hai chắc chỉ như những cơn mưa rào trong những ngày hè chói chang, và chẳng có một nền tảng nào để níu kéo, giữ được ngoài những con chữ." Người ta đã nói như vậy về mối tình Arthur Rimbaud với thi sĩ cuồng say Paul Verlaine như vậy đấy.

Rimbaud bắt đầu viết thơ từ khi còn rất trẻ, 15 tuổi, quá trẻ trong cái thời kỳ nước Pháp suy tàn ấy. Thơ của Rimbaud là một thứ thơ phóng đãng của đầu thế kỷ hai mươi, những dòng thơ đó đem lại sự sống còn cho tới ngày nay, được trải rộng đầy kinh ngạc đối với giới yêu thơ. Nhưng tất cả chúng đã chấm dứt khi ông còn chưa tròn 21 tuổi, vì những bơ vơ, quay cuồng trong sự dằn vặt, chối bỏ, chê ghét, xa lánh của mọi người và với bản tính bất chấp ông tự tách ra cô lập chính mình.
Và vì thơ của Arthur Rimbaud chỉ dành cho những người trẻ, cho đám sinh viên ưa nổi dậy, với những câu thơ bốc lửa, những con người khám phá, xung phong và nguồn cảm hứng xuất phát từ độc dược, tất cả đã thể hiện trong cuộc đời cũng như trong thơ của Rimbaud. Albert Camus gọi ông là "Nhà thơ của phản kháng, đó là những gì vĩ đại nhất của thế giới". Trong mắt Andre Breton, ông là "Chúa trời của lứa tuổi hoa niên".

Mỗi con người khi còn là trẻ thơ thường ấp ủ giấc mơ làm người lớn. Còn khi đã trở thành người lớn, lại là những giấc mơ, hoài niệm về thời thơ trẻ. Đó là một vòng quay đầy nhiệm màu, trong đó có sự khám phá, nhận thức, và suy ngẫm về đời sống. Hoa Dạng Niên Hoa là một vòng quay như vậy. Thơ của Arthur Rimbaud cũng là một vòng lặp kỳ diệu như thế. Rimbaud đã làm thơ từ khi còn là một đứa trẻ, và khi từ bỏ thơ ca, ông cũng mới chỉ là một chàng trai tuổi đôi mươi. Ông làm thơ với một tâm hồn của đứa trẻ đang lớn, và ở giai đoạn chấp chới trước ngưỡng cửa trưởng thành, rồi đến khi đứa trẻ đã lớn, Rimbaud dừng lại và để cho thơ ca tất cả những gì trong veo nhất của một đứa trẻ.

Thơ ca của Rimbaud vừa khao khát mãnh liệt, vừa chán chường tột độ, vừa say mê vừa dửng dưng, vừa tò mò vừa nghi vấn. Đó là đặc trưng của tuổi trẻ, đặc trưng của một Hoa Dạng Niên Hoa đã được Bangtan khắc họa nên trong suốt những năm tháng trẻ trung như thế.

Đoạn trích đầu tiên được đặt kế bên tấm ảnh của Jungkook và Jimin nhắm mắt tựa vào nhau trong thung lũng hoa là một phần của bài thơ Le Dormeur du Val (The Sleeper in the Valley - Người ngủ trong thung):

"The scents no longer make his nostrils twitch;
He sleeps in the sunlight, one hand on his chest,
Tranquil. In his right side, there are two red holes."
(Hoa cỏ thơm, mũi anh chẳng rung động;
Dưới ánh trời, anh ôm ngực ngủ yên,
Hông bên phải hai lỗ sâu hoen đỏ.)

Đoạn trích là khổ cuối cùng của bài thơ, toàn bộ bài thơ tái hiện lại cái chết của một anh lính trẻ tuổi. Máu đỏ, nhưng anh nằm yên bình như đứa trẻ, đôi môi vẽ lên nụ cười tưởng như chỉ đang ngủ với hoa cỏ dưới chân, ánh dương rực rỡ và suối nước róc rách ngay cạnh bên. Anh lính trẻ tuổi bị bắn mà chết, chết giữa cánh đồng hoa cỏ, chết rồi nhưng vẫn như đang ngủ, vẽ nên sự chết chóc ẩn chứa trong tuổi thanh xuân.

Đoạn trích thứ hai được đính kèm với tấm ảnh của V đứng dưới tán hoa nằm trong bài thơ Chanson de la plus haute tour (The song of the highest tower - Bài hát từ đài cao nhất), được trích từ cuốn sách Une Saison en Enger (A season in hell - Một mùa nơi địa ngục) của Arthur Rimbaud:

"Let it come, let it come
The day when hearts love as one.
Let it come, let it come
The day when hearts love as one."
(Xin qua đây, và hãy tới đây
Khi con tim ta đang hòa làm một.
Xin qua đây, và hãy tới đây
Khi con tim ta đang hòa làm một.)

Cả bài thơ là lời tâm sự của một kẻ đang đợi chờ người thương của mình trở về trong mòn mỏi, sợ hãi và đau đớn. Khi viết Une Saison en Enger, Rimbaud thể hiện cái khao khát muốn đoán trước và dự báo được tương lai, cũng như hiểu rõ được tâm trí của mình, kể cả khi có ý thức hay vô thức, kể cả khi những viễn cảnh đó tràn ngập chết chóc và đau thương giống những điều mà Hoa Dạng Niên Hoa đã kể, như chính khổ thơ nối tiếp ngay sau đoạn trích trên:

"Như một đồng cỏ mượt mà
Gieo xác quên lãng chốn xa sương mờ
Lớn rộ và đơm bông hoa
Trầm hương cùng với khói pha cỏ lùng
Vo ve ồn dữ ong rừng
Từng đám ruồi bẩn săn lùng thức ăn"

Chanson de la plus haute tour vốn không phải bài thơ viết một lần rồi thôi, trước khi được in trong tập Une Saison en Enger, nó vốn chỉ là một bản nháp năm 1872 nằm trong tập thơ Fêtes de la patience (Ngày hội nhẫn nại). Đến khi Rimbaud hoàn thiện Chanson de la plus haute tour, ông đã lược bỏ đi một đoạn thơ. Và đoạn thơ này đã được đặt cạnh bên tấm ảnh RM đứng trong rừng hoa:

“I told myself: wait
And let no one see:
And without the promise
Of true ecstasy.
Let nothing delay
This hiding away.”
(Tôi bảo mình: hãy cứ chờ đợi thôi
Giấu nó đi, và đừng để ai biết
Không hứa han, vẫn phải chờ và đợi
Vì hạnh phúc đích thực, có còn tồn tại đâu.
Đừng để ai ngăn cản bước em lại
Cứ tiến lên, và thoát khỏi nơi đây.)

Khi viết Chanson de la plus haute tour, Rimbaud mới chỉ 18 tuổi, nhưng cậu thanh niên ấy đã nói mình đang lãng phí tuổi đời, đang đầy thống khổ lẫn nghi ngờ và đang tìm kiếm một tình yêu. Đoạn thơ bị lược bỏ này chính là những sự mong mỏi đến tuyệt vọng của kẻ đang phải chờ đợi ấy, không một lời hứa liệu có hạnh phúc hay không, chỉ còn lại sự chờ đợi. Để rồi đến năm 21 tuổi, Arthur Rimbaud tuyên bố tất cả những gì ông viết ra đều là một sự thất bại. Cả đời, ông là thơ. Cả đời, cũng chỉ là 5 năm tuổi trẻ viết thơ và thực sự sống. Và cả đời cũng chính là đi tìm kiếm tình yêu, tìm kiếm và định danh chính bản thân mình.

Một nhà thơ, theo Rimbaud, là bỏ cú pháp, bỏ cả ngôn ngữ để khám phá ngôn ngữ mới, một thứ ngôn ngữ không bị logic hay ngữ pháp ràng buộc. Bởi vì thi nhân cũng là thị nhân, cũng là nhìn những sự vật xung quanh, chỉ khác là không dùng giác quan, mà dùng cảm xúc. Dùng cảm xúc để chiêm ngưỡng cuộc đời, cũng là dùng cảm xúc để vẽ nên những ảo mộng. Như cách mà năm 17 tuổi ông đã viết nên một câu chuyện đẹp và buồn đến từ trong chính những tưởng tượng ấy.

“You’re in love.
Taken till the month
of August.
You’re in love.
Your sonnets make
her smile.”
(Yêu nhiều lắm.
Tình bay
tận tháng Tám.
Yêu thật rồi.
Thơ tặng
nàng cười tươi.)

Được đặt kế bên bức ảnh chụp Jin, SUGA và j-hope đứng trong một khu rừng, đoạn thơ này thuộc phần IV - “Điểm kết thúc của tình yêu mùa hè/Và rồi mùa hè lại đi” của cuốn tiểu thuyết thơ Roman (Romance - Tình) mà Rimbaud viết năm 17 tuổi đó. Toàn cảnh bài thơ là nỗi tiếc nuối, nhớ thương một bóng hình cô gái duyên dáng, thân thương, từng gót giầy nện trên lề phố như mang theo cả tâm tư chàng trai 17 tuổi đi theo, cũng là sự luyến tiếc sao mà mùa hè đi nhanh quá, nhanh như cách hoa nở hoa tàn trong tuổi trẻ của những người thanh niên.

Tuổi trẻ trôi nhanh, và tuổi trẻ cũng là khoảng thời gian của những thất bại. Thất bại trong tình yêu, thất bại trong xã hội, và cả thất bại từ sâu bên trong chính bản thân mình. Sự thất bại và lo lắng này được khắc họa lại thông qua một đoạn thơ được xuất hiện hai lần, một lần là bên cạnh tấm ảnh đen trắng của Jungkook, một lần là bên cạnh Jin và những cánh hoa rơi:

“She was very much half-dressed
And big indiscreet trees
Threw out their leaves against the pane
Cunningly, and close, quite close.
Sitting half naked in my big chair,
She clasped her hands.
Her small and so delicate feet
Trembled with pleasure on the floor.”

Đoạn thơ này mở đầu bài thơ Première soirée (First evening - Đêm đầu tiên), toàn bài thơ như vẽ nên một đêm tình ngọt ngào miên man. Nhưng khi viết nên bài thơ này vào năm 16 tuổi, Rimbaud vừa trải qua một chuyện tình đầy trớ trêu và giả dối. Mọi thứ đều khiến Rimbaud nghĩ rằng đây là một mối quan hệ hoàn hảo, một thứ tình cảm hai chiều, nhưng hóa ra chỉ có mình Rimbaud đơn phương và đã bị cô gái ấy từ chối. Dù cho cuối cùng họ cũng ở bên nhau, thì đó vẫn là một bàn thua đau đớn đối với Rimbaud, khi hóa ra tất cả những nỗ lực bỏ ra đều chỉ là ảo tưởng của bản thân và chẳng thể đổi lấy được gì đáng giá. Thử và sai, thất bại liên tục, quay ngược thời gian đến cả ngàn lần, liệu tuổi trẻ có để cho con người ta có một cơ hội thứ hai như Hoa Dạng Niên Hoa đã tạo ra?

Tác phẩm tiếp theo của Rimbaud được đưa vào thế giới của Hoa Dạng Niên Hoa là Le bateau ivre (The drunken boat - Con tàu say):

“Then I bathed in the Peom of the Sea
Infused with stars, the milk-white spume blends,
Grazing green azures: where ravished, bleached
Flotsam, a drowned man in dream descends.”
(Và tôi tắm trong bài thơ biển cả
Nơi bọt biển hòa vào với trời sao
Nơi màu xanh chẳng còn hình bóng nữa
Nơi có người chết đuối cùng giấc mơ.)

Đoạn thơ này cũng xuất hiện đến hai lần, một lần là ở tấm ảnh đen trắng của SUGA, một lần là khi V nằm trong bồn tắm. Con tàu say là sự ẩn dụ cho cuộc đời trôi dạt của Rimbaud với tư cách một nhà thơ. Suốt 100 câu thơ là những câu chuyện lấy cảm hứng từ đời thực của Rimbaud, được kể lại thông qua cuộc hành trình đi xuống địa ngục và tìm kiếm cái chết. Rimbaud từ giã cuộc đời khi còn rất trẻ, cái chết đến với ông ngay khi ông còn chưa kịp kể hết chuyện đời trai. Nhưng có lẽ ông đã chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết ấy khi từ khi viết nên Le bateau ivre, viết nên một cuộc đời trôi dạt như một người trẻ tuổi lênh đênh giữa dòng đầu và chẳng hề ngần ngại đón chào cái chết.

“Nothing else I desire,
It’s possessed my life entire.
That charm! It’s taken heart and soul
Scattered all my effort so.”
(Tôi chẳng còn mong gì hơn thế
Bởi nó vây lấy cả đời tôi
Mê hoặc toàn bộ tấm thân này
Để rồi nỗ lực cũng tiêu vong.)

Đoạn thơ này nằm trong bài thơ Ô saisons, ô chateaux (O seasons, O castles - Này bốn mùa, này lâu đài kia ơi). Được đặt bên tấm ảnh của RM, và một tấm ảnh khác chụp lại Jimin cùng SUGA, thông qua bài thơ này, Rimbaud vẽ nên những hạnh phúc, những tươi vui, đồng thời cũng là những lo lắng, những nuối tiếc khi bỏ lỡ giấc mơ, điều mà người trẻ nào cũng từng trải qua. Tiếp đó lại là một đoạn thơ nữa đến từ bản nháp của Chanson de la plus haute tour trong tập thơ Fêtes de la patience được ghi dấu hai lần, một lần là trong tấm ảnh của RM, lần khác là với V:

“Idle Youth
By all things enslaved
Through sensitivity
I’ve wasted my days
Ah! Let the moment come
When hearts love as one.”
(Tuổi trẻ tôi biếng nhác
Làm nô lệ thế gian
Bởi những xúc cảm ấy
Mà bỏ lỡ cuộc đời
Rồi khoảnh khắc ấy đến
Tôi biết yêu là gì.)

Đoạn thơ này nằm cả ở phần mở đầu lẫn phần kết của bản nháp Chanson de la plus haute tour, tập trung vào việc con người ta lãng phí cả cuộc đời, lãng phí cả tuổi trẻ, để rồi khi nhận thức được bản thân thì sẽ tìm thấy tình yêu. Có thể thấy rằng, tất cả những câu thơ của Arthur Rimbaud được sử dụng trong photobook của Hoa Dạng Niên Hoa phần nào chính là câu trả lời cho hành trình tuổi trẻ ấy, có những tiếc nuối khi tuổi trẻ đi nhanh quá, có những đau thương đến từ những sai lầm, và cuối cùng là có cả tình yêu. Những hình ảnh trong những bài thơ này cũng là điềm báo trước cho những chuyện sẽ xảy ra đối với vũ trụ của Hoa Dạng Niên Hoa, từ những giấc mơ có điềm báo trong Save ME đến những người lựa chọn từ giã cuộc đời. Để chiêm nghiệm và phân tích thật sâu ý nghĩa của những đoạn thơ này thì còn cần một khoảng thời gian không ngắn nữa, nhưng hy vọng với bài viết này, mọi người sẽ có thể có thêm một góc nhìn khác về câu chuyện tuổi trẻ mà BTS muốn kể.

“It has been found again.
What? - Eternity.
It is the sea fled away
With the sun.”
(Lại tìm thấy nó
Tìm thấy điều gì?
Là sự vĩnh cửu
Khi biển chạy trốn
Cùng với mặt trời.)

Nằm bên cạnh bức ảnh của RM, đoạn thơ này mở đầu bài thơ Éternité (Eternity - Vĩnh cửu), cũng có lẽ là sự kết thúc của Hoa Dạng Niên Hoa, khi ta nhận ra rằng đau khổ cũng như hạnh phúc là không thể tránh khỏi và sẽ kéo dài vĩnh viễn. Bởi sẽ không bao giờ có điểm cuối cùng, không bao giờ có lần cuối cùng biển cả biến mất, cũng không bao giờ có lần cuối cùng chúng ta nhìn thấy ánh mặt trời, chúng sẽ luôn luôn quay lại. Bóng đêm sẽ sớm biến mất, và ánh sáng cũng sẽ không thể mãi mãi duy trì, con người cần phải chấp nhận tất cả những mặt trái ngược đó. Mở lòng với đau thương để sẵn sàng đón chào hạnh phúc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#bts