Chương 1. Căn Cơ Đóm Tàn - Nhất Ảo Tưởng Sắc Thiên.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

" Chiến trường đẫm máu, đạo kiếm phong quang, hai quân Đại Việt - Ung Châu giao chiến kịch liệt ngày đêm. Không phải không biết mệt, mà là không thể mệt. Một khi ngã xuống, thế gian xoay chuyển, trật tự đất trời, chỉ sợ lại biến đổi thêm lần nữa".

Ông Sắc Khâu nheo đôi mắt lam đục ngầu, ngồi trên tấm ván khắc chạm cầu kì, gỗ đã cũ, từng vết, từng vết nứt, như chứng chỉ thời gian " Khi đó, làng A Dao không xa, không gần ở phía Tây chiến trường. Mùi máu nồng nặc bốc đến, binh lính hai bên nằm rải rác như lá cây khô héo, mất đi sinh mệnh lẫn chấp niệm, đấu dũng, đấu trí cả đời, cuối cùng lại vẫn là nằm cùng nhau trên một mảng đất khô cằn, đều là anh hùng không lưu danh, mang trên mình một tiếng tử binh. Vừa đáng thương, lại đáng hận đến tận cùng"

Bên dưới, mọi người chăm chú ngước mắt nhìn ông cụ chầm chậm kể lại lịch sử của làng. Ông Sắc Khâu là người sống lâu nhất trong làng, ông biết rất nhiều câu chuyện từ thuở xa của làng A Dao, cứ đến mỗi tối thứ 6 hàng tuần mọi người đều sẽ đến nhà ông nghe ông kể lại những mẩu chuyện từ thời nảo thời nào.

Xa, thì là từ thời tổ tiên, gần thì là chuyện thời cụ cố, cụ nội. Tất cả, đều được lưu truyền xuống cho nhà này, cốt là gìn giữ bản sắc làng A Dao, theo như cụ cố của cụ nội ông Sắc Khâu thì là :

" Thời gian có thể quên A Dao, quên mất những sinh mệnh yếu ớt đến tàn phai trong chớp mắt. Thế nhưng, dân làng A Dao thì không nên như thế, đã sống ở A Dao, phải nhớ tới sử của A Dao. Một, không chiến công hiển hách, góp mặt đôi dòng trong trang sử nước nhà. Hai, không lưu danh thế hệ dân tộc toàn nước, nhưng tất cả đều là tổ tiên A Dao, công lớn nhất, là tồn tại, nuôi dưỡng con cháu và nuôi dạy chúng lớn khôn. Đây, đã là thứ nên được lưu danh ngàn đời A Dao ".

" Thời đó làng ta dân ít, cũng chỉ là thổ dân hoang dại trốn tránh trần đời, như những con ốc sên mãi chỉ biết trốn mình trong vỏ. Cũng may, ít nhất tâm tính còn lương thiện, không ngại mệt nhọc mà lôi từng cái xác đem đi chôn cất tử tế, chôn ở ngay chính khu mộ tập thể sau làng đấy thôi " đôi tay nhăn nhúm vươn đầy những vết đồi mồi, run rẩy chỉ về phía xa sau làng, đặng lại tấm tắc hoài niệm cứ như chính ông thật sự chứng kiến cảnh tượng máu chảy thành sông, xác chết vương vãi khắp nơi khi đó.

" Cụ ơi, nếu đã biết quân Ung Châu đáng hận, sao ta lại không mặc chúng ở đấy, chỉ chôn cất cho binh sĩ nước ta. Dù sao, chết ở chiến trường nơi chúng bỏ cả sinh mạng để bảo vệ, lắm khi lại còn tốt hơn nằm dưới lớp đất lạnh lẽo đã chẳng phải quê nhà " anh Tuân nháo nhác mở lời.

" Có lẽ vậy, thế nhưng Tuân ạ, đáng hận chân chính nào phải những sinh mạng tốt thí này ? Họ sinh ra nơi Ung Châu, sao có thể không toàn lực bảo hộ mảnh đất dưới chân, đáng hận chân chính là triều đình Ung Châu, là đám triều thần phản nghịch trời tru, đất diệt. Chôn ở nơi đây, ngắm nhìn nơi mình thủ hộ thay đổi từng ngày, sống dùng mạng cống hiến, chết dùng linh hồn hòa theo từng lớp đất, từng ngọn cây, vĩnh viễn bảo vệ nơi này, cũng là điều hay. Dù sao, từ trước đến nay, thứ họ chân chính bảo hộ, đã khi nào là Long đế Hoàng triều đâu ".

" Anh Tuân để cụ kể hết nào, anh cứ nhao nhao lên làm em chẳng tập trung được vào câu chuyện này " Miên Hoa bên cạnh đẩy Tuân một phát, nhăn mi vẻ dỗi hờn lắm.

Tuân cười cười, lại trêu " Cô thì tập trung nỗi gì, có mà lại tơ tưởng đến các anh đẹp trai, cơ bụng tám múi săn chắc thời đó thì có ".

" Ơ hay cái anh này, sao anh chẳng được miếng duyên nào thế. Đáng đời bị ế, đồ vô duyên " Hoa dỗi thật, cô thụi mạnh một phát vào bụng anh rồi đứng lên đổi chỗ, ngồi tít tận góc xa.

Tuân ôm bụng rít gằn, gớm, cái con bé này trông cứ lùn lùn bé tí mà ra tay cũng ghê thật, đau thấy mụ nội tổ bố nó ra.

Xung quanh mọi người cười phá lên, cái cảnh này thì chẳng còn lạ lẫm là bao. Tuân tính tình hào sảng, mồm to uống rượu, lại thích nghịch ngợm chuyện người khác, cứ trêu mãi mấy cô nàng cùng tuổi, cái Hoa bị trêu suốt, lắm khi tức phát khóc rồi thằng Tuân lại phải theo sau để dỗ, thấy riết mọi người cũng quen.

" Thôi, trời tối rồi. Mọi người ăn nốt bánh lựu rồi soi đèn về sớm kẻo nhà lại lạnh, lần sau, ba tôi lại kể câu chuyện khác cho mọi người nghe " con gái ông Sắc vốn đang ngồi kế ván, nhìn nhìn sắc trời rồi buông lời đuổi khéo.

Chính lúc đó, cụ Sắc bỗng ho sù sụ cong cả lưng, áo lụa rũ xuống hằn rõ nét từng đốt sống lưng nhọn hoắc, cả người ông run bần bật vào từng nhịp ho, tấm ván kẽo kẹt rung lắc, giọng ho khản đặc như tiếng động cơ máy kéo lâu năm, cặp mắt đục ngầu trợn ngược, ông thở lên từng hơi cứ như sắp chết đến nơi.

Ai cũng thấy, hằng chục cặp mắt rao ráu nhìn ông, thế nhưng chẳng ai hỏi han gì mà cứ lần lượt rút đi, ngay cả anh Tuân ồn ào nhất cũng buông mắt, chầm chậm theo sao lưng đoàn người.

Trong tay bọn họ, ai cũng có một chiếc đèn dầu lập lòe, từ xa, nhìn cứ như đàn đom đóm dập dờn chăm chỉ kiếm ăn, ánh sáng những tưởng chiếu rọi cả phương trời, nhưng nhìn kĩ, hóa ra chỉ mờ mờ góc nhỏ, đắm chìm trong đó, từng người đều tự ảo tưởng bản thân.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro