A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa - Phần 18

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa

阿彌陀經疏鈔演義

Phần 18

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không năm 1984

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Minh Tiến, Huệ Trang và Đức Phong

Tập 35

 

      Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn mươi bốn:

      (Sớ) Vấn: Hà cố bất cữu độn nhân, phản ức lợi giả?

      (疏) 問:何故不咎鈍人,反抑利者。

      (Sớ: Hỏi: Sao không bắt lỗi kẻ độn căn, mà ngược lại chèn ép bậc lợi căn?)

 

      Sau khi đại sư giải thích xong, chắc cũng có người ôm lòng hoài nghi: Vì sao chẳng quở trách kẻ căn tánh trung hạ, lại đặc biệt quở trách bậc thượng căn lợi trí? “Cữu” (咎) có nghĩa là chê trách. Trong phần trước nói đến “cuồng huệ, ngoan hư”, những loại người ấy đều là những kẻ được coi là thông minh, trí huệ trong hiện tại. Nói thông minh thì được, chứ bảo là trí huệ thì chưa chắc, vì sao vậy? Quý vị phải hiểu: Trong nhà Phật thường nói tới “bát nạn”, tức là tám thứ nạn mà con người gặp phải. Không chỉ gây chướng ngại cho mặt Hành và Chứng, mà còn chướng ngại đối với mặt lý giải, nên gọi là “tao nạn” (gặp nạn). Trong tám nạn ấy, có một thứ gọi là Thế Trí Biện Thông, trong đoạn này nói về hạng người ấy, cậy vào sự thông minh và biện tài của bản thân, chẳng chịu sốt sắng tu học, chẳng chịu thật thà tu học.

      (Sớ) Đáp: Lợi giả thị tài cao cử, thường vị viễn thắng độn nhân.

      (答:利者恃才高舉,常謂遠勝鈍人。

      (Sớ: Đáp: Kẻ lợi căn thường cậy tài, ngạo nghễ, ngã mạn, thường nói: “Ta vượt xa những kẻ độn căn”).

      Đây là nguyên nhân và lý do khiến họ mắc nạn: Thường tự cho là mình thông minh, trí huệ cao cả, kết quả xôi hỏng bỏng không! Thật sự có thành tựu là những người thật thà, luôn tự cảm thấy mình chẳng bằng ai. Kẻ thường cảm thấy mình chẳng bằng ai sẽ thành tựu dễ dàng! Vì sao? Họ khiêm hư. Kẻ ngạo nghễ, ngã mạn chẳng những học Phật không thể thành tựu, mà đối với học vấn thật sự trong thế gian cũng chẳng thể thành tựu được! Trong Luận Ngữ, Khổng lão phu tử nói: “Như hữu Châu Công chi tài chi mỹ”, [nghĩa là] giả sử có người tài hoa, đức năng giống như Châu Công[1], Châu Công là thánh nhân, nhưng người ấy có khuyết điểm, “sử kiêu thả lận” (mà nếu ngạo mạn lại còn keo kiệt), ngạo mạn, coi thường người khác, keo kiệt, “kỳ dư tắc bất túc quán hỹ” (thì những điểm [tài đức] khác chẳng đáng để xét tới nữa), chẳng cần nói tới người ấy nữa! Tài hoa của kẻ đó là giả, chẳng thật. Đủ thấy ngạo mạn thì học vấn thế gian cũng chẳng thể thành tựu, huống gì Phật pháp? Tổ sư đại đức thường quở trách hạng người thông minh lợi căn ấy!

     

      (Diễn) Bất cữu độn nhân, phản ức lợi giả, vị trước Sự độn căn, bất tri Lý tánh, ưng đương ha trách, khai kỳ huệ tánh, phá kỳ ngu mông, sử do Sự nhập Lý, khả dã. Hà nãi xả bỉ ngu phu, phản ức lợi giả?

(不咎鈍人,反抑利者,謂著事鈍根,不知理性,應當呵責,開其慧性,破其愚蒙,使由事入理可也。何乃捨彼愚夫,反抑利者?

      (Diễn: “Chẳng bắt tội kẻ độn căn, ngược lại chèn ép người lợi căn”, ý nói: Đối với kẻ độn căn chấp trước Sự, chẳng biết Lý tánh, lẽ ra nên quở trách, để mở mang huệ tánh, phá trừ sự ngu si, mê muội cho họ, khiến cho họ sẽ từ Sự mà nhập Lý thì mới là điều nên làm. Sao lại bỏ kẻ ngu phu ấy, ngược ngạo chèn ép người lợi căn vậy?)

      Đây là ý nghĩ của người hỏi, mấy câu này nói rất rõ ràng. Người độn căn thua kẻ thông minh trí huệ, nhưng hạng người này có ưu điểm: Thật thà! “Chấp Sự”: Chấp trước Sự, [bảo họ] niệm Phật mỗi ngày niệm một vạn tiếng, họ thật thà niệm một vạn tiếng, [bảo họ] niệm hai vạn tiếng, họ thật thà niệm hai vạn tiếng, chấp Sự, chấp tướng tu hành. Lý luận của pháp môn Niệm Phật hết sức sâu, cổ đại đức nói: “Duy Phật dữ Phật phương năng cứu cánh” (chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo), Đẳng Giác Bồ Tát còn chưa hiểu rốt ráo lý ấy. Đủ thấy đạo lý này rất sâu! Một cuốn kinh Di Đà mỏng tanh, chúng ta đọc cũng chẳng thấy có cảm giác gì. Thế mà bộ chú giải này của Liên Trì đại sư là hai cuốn dày cộp; nếu chúng tôi giảng mỗi ngày, cũng phải mất một năm mới có thể giảng viên mãn. Ở đây, chúng tôi có thâu âm, ba trăm ba mươi lăm cuốn, một bộ kinh Di Đà đấy nhé! Có giảng hết ý nghĩa được chăng? Thưa quý vị, chỉ là nói một phần trong vạn phần của ý nghĩa kinh Di Đà mà thôi! Do đây biết: Đạo lý này sâu xa, lý luận vi diệu.

      Người chẳng hiểu Lý có thể vãng sanh hay chăng? Đây là chuyện chúng ta hết sức quan tâm. Giả sử không hiểu Lý chẳng thể vãng sanh, chúng ta sẽ gặp khó khăn trước mắt liền, chẳng biết làm cách nào mới tốt đẹp! Nói thật ra, chẳng hiểu rõ Lý cũng có thể vãng sanh, chúng ta hãy an lòng. Hiểu rõ đạo lý này, chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới rồi sẽ lại học, học trực tiếp với A Di Đà Phật, phải như vậy thì mới có thể rốt ráo. Chẳng hiểu Lý, phẩm vị vãng sanh thấp một chút, đừng sợ! Ngược lại, chính mình đã đến thế giới Tây Phương rồi! Giống như đi học, bắt đầu từ lớp Một, không sao hết, tôi đã được vào học, có thể học hết lớp Một sẽ có thể tốt nghiệp. Người hiểu Lý phẩm vị cao một chút, có thể học nhảy lớp, có ý nghĩa như vậy. Hiểu rõ đạo lý này, một mặt phải Sự Trì, chú trọng nơi Sự Trì, một mặt nghiên cứu lý luận, lý luận có thể giúp cho chúng ta nâng cao phẩm vị, điều này hết sức trọng yếu! Nếu chỉ bàn lý luận, chẳng chú trọng Sự Trì, đâm ra sẽ mắc họa chẳng đạt kết quả gì, chẳng có phần nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới.

      Học Phật thì quý vị phải biết: Phật pháp từ đầu đến cuối lấy trí huệ làm mục tiêu, như câu nói: “Do Giới sanh Định, do Định khai Huệ”. Trí huệ mở mang sẽ có thể phá mê, khai ngộ, lìa khổ, được vui. Do vậy, học Phật phải mở mang trí huệ. Pháp môn Niệm Phật tợ hồ chú trọng cầu nguyện vãng sanh, chẳng chú trọng mở mang trí huệ. Do vậy, có những kẻ coi thường pháp môn này, cho rằng Thiền và Giáo cao minh hơn rất nhiều. Thật ra là hiểu lầm! Trí huệ do đâu mà khai? Từ tâm thanh tịnh mà khai, tâm đã thanh tịnh bèn khởi tác dụng là trí huệ. Những người có học vấn trong thế gian và xuất thế gian thường ví tâm ta như nước, tức tâm thủy. Khi nước bất động, chẳng có sóng mòi, bình tịnh, nó có tác dụng giống như tấm gương soi rõ ràng cảnh giới bên ngoài, đó gọi là trí huệ. Tâm thủy trong tâm dấy lên sóng mòi, vẫn có tác dụng, cũng soi được cảnh giới bên ngoài, nhưng soi thành méo mó, vặn vẹo, chẳng hoàn chỉnh. Hiện thời, tâm thủy của chúng ta dấy lên sóng mòi, phiền não nặng là gió to, sóng cả; phiền não nhẹ là gió nhỏ, sóng bé, nói chung là chẳng bình tịnh. Do vậy, đối với hết thảy sự lý thế gian và xuất thế gian, ta cũng biết được phần nào, chẳng hoàn chỉnh. Do biết phiến diện, nên dễ phát sanh hiểu lầm. Chẳng hạn như biết mặt này, chẳng biết mặt kia, chấp trước mặt này, phủ định mặt khác, đó là lầm lỗi. Chẳng thể thấy mọi mặt được, đó chính là vì tâm thủy của chúng ta dấy lên sóng mòi.

      Thưa quý vị, pháp môn Niệm Phật chú trọng tu Định, khởi sự từ chỗ này. Nhất tâm bất loạn là Định, nhưng phương pháp này lại hết sức thuận tiện. Thưa quý vị, công phu chân chánh chẳng phải ở nơi công khóa sáng tối. Quý vị ấn định công khóa sáng tối: Buổi sáng niệm một quyển kinh Di Đà, niệm mấy ngàn câu Phật hiệu, điều này cố nhiên rất quan trọng, dưỡng thành thói quen niệm Phật. Thế nhưng công phu ấy phải được vận dụng trong cuộc sống thường nhật. Nếu quý vị không vận dụng được, sẽ giống như đi học tốt nghiệp xong, ra ngoài đời không sử dụng được, sở học vô dụng! Đấy chẳng phải là uổng công học hành ư? Nếu quý vị vận dụng công khóa sáng tối vào cuộc sống, suốt ngày từ sáng đến tối đãi người, tiếp vật, khởi tâm, động niệm, chớ để công phu ấy gián đoạn, giữ cho một câu Phật hiệu miên mật giống như kinh Lăng Nghiêm dạy: “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật” (Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật). Ức (憶) là gì? Trong tâm có, trong tâm thường nghĩ đến Phật, nơi miệng thường niệm Phật. Đặc biệt là khi phiền não dấy lên, khi ý niệm vừa dấy lên, chẳng cần biết thiện niệm hay ác niệm, chỉ cần ý niệm dấy lên, ngay lập tức đổi nó thành A Di Đà Phật. Đó gọi là công phu. Đấy là quý vị vận dụng công khóa sáng tối vào cuộc sống, công phu đắc lực. Nói cách khác, quý vị chẳng thể có ý niệm nào khác, chỉ có một ý niệm. Hễ nó dấy lên, ý niệm thứ hai bèn là A Di Đà Phật, chẳng để cho vọng niệm tiếp nối. Một thời gian lâu sau, tâm quý vị sẽ dần dần định.

Do vậy, pháp môn này chú trọng tu Định, đặc biệt là trong giai đoạn hiện tại, nói thật ra, đây là công phu ổn thỏa, thích đáng, thực tiễn. Quý vị đừng ham cao chuộng xa, chỉ cầu nội tâm bình lặng. Tâm tĩnh đến cùng cực, trí huệ sẽ mở mang. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “Tịnh cực, quang thông đạt” (Tịnh đến cùng cực thì quang minh (trí huệ) sẽ thông đạt). Quang ấy chính là trí huệ, sẽ thông đạt. Do vậy, công phu niệm Phật gồm ba giai đoạn. Tầng thứ nhất là công phu thành phiến, công phu gom thành một khối, ép thành một khối giống như chúng tôi vừa mới nói: Trong tâm quý vị vừa dấy lên một ý niệm, lập tức đổi nó thành A Di Đà Phật. Đó là sức mạnh của Phật hiệu, chế phục vọng niệm, chẳng cho nó dấy lên, ép thành một khối. Đạt đến cảnh giới ấy sẽ có thể vãng sanh, sẽ có phần trong Tây Phương Cực Lạc thế giới.

      Có những đồng tu thường đến hỏi: “Con phiền não, nghiệp chướng quá nặng, tạo tội nghiệp quá sâu, có thể vãng sanh hay chăng?” Người ấy rất hoài nghi, tội nghiệp trong đời này, tội nghiệp trong đời trước, tội nghiệp trong nhiều đời, nhiều kiếp, làm thế nào đây? Có được vãng sanh hay chăng? Nếu quý vị thường hoài nghi như thế, quả thật là đại chướng ngại. Chương Hạ Phẩm Hạ Sanh trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, tức là chương nói về phép Quán thứ mười sáu, đức Phật đã giảng: Ngũ Nghịch, Thập Ác, lâm chung mười niệm hay một niệm, đều có thể vãng sanh. Tôi nghĩ, các đồng tu tuy tạo tội nghiệp, vẫn chưa tội nặng đến mức đó! Vấn đề là một niệm khi lâm chung của quý vị có đúng là Phật hiệu hay không? Vấn đề ở chỗ này! Nếu một niệm lúc lâm chung đích xác là Phật hiệu, tin tưởng pháp môn Tịnh Độ, đã phát nguyện, lại chịu niệm, chắc chắn vãng sanh. Liên Trì đại sư và Ngẫu Ích đại sư đã nói rất rõ ràng, bản thân chúng ta phải tin tưởng!

      Do vậy, lúc bình thường niệm Phật công phu thành phiến, đấy thật sự là sám trừ nghiệp chướng, gọi là “chân sám hối”. Quý vị hiểu nghiệp chướng là gì? Trong tâm có ý niệm là nghiệp chướng. “Chân tâm vô niệm”: Trong chân tâm không có ý niệm, không có vọng niệm. Hễ khởi tâm động niệm thì đều là vọng tâm, vọng tâm là nghiệp chướng, là sanh diệt tâm. Do đây, có thể biết rằng: Niệm một câu Phật hiệu nhằm chế phục vọng niệm, tiêu nghiệp chướng, sám trừ nghiệp chướng. Niệm niệm sám trừ nghiệp chướng, niệm niệm Định - Huệ viên mãn, còn có pháp môn nào thù thắng hơn pháp môn này? Tôi học Phật ba mươi mấy năm, chưa tìm ra bất cứ pháp môn nào thù thắng hơn pháp môn này. Điều này là chân thật, chẳng hư dối; nhưng phải hiểu Lý. Không hiểu rõ Lý, tuy vẫn có thể vãng sanh, nhưng nó gây chướng ngại khiến phẩm vị của quý vị sẽ cao hay thấp. Do vậy, càng hiểu rõ Lý càng tốt. Chẳng thể hiểu Lý thì Hạ Phẩm Hạ Sanh cũng được, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ lo chuyện ấy cũng được. Tốt nhất là Lý và Sự quân bình, đó là lý tưởng nhất, Định và Huệ dễ dàng thành tựu. Có thể thấy là đại sư hoàn toàn chẳng bỏ những kẻ độn căn, Ngài nói rất có lý.

      (Diễn) Cái dĩ độn nhân tự tri bất như, cân cân tự thủ, vô kiêu, vô thị, vô quá, vô phi.

      (演) 蓋以鈍人自知不如,斤斤自守,無驕無恃,無過無非。

      (Diễn: Ấy là vì người độn căn tự biết chẳng bằng ai, tự giữ gìn cẩn thận từng chút một, chẳng kiêu ngạo, chẳng ỷ y, không lỗi, không sai).

      Nhất định vãng sanh. Do vậy, thường là người thông minh chẳng bằng kẻ ngu! Quả thật, ít có kẻ thông minh hay có tri thức vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, do họ có nhiều chướng ngại. Những bà cụ không biết chữ, chẳng hiểu biết gì, rất dễ vãng sanh!. Họ chính là những người được nói tới ở đây. Những kẻ có học vấn, đúng như cổ nhân đã nói: “Thông minh phản bị thông minh ngộ” (Thông minh đâm ra bị thông minh gây lầm lạc), chẳng bằng bà cụ già, “vô kiêu, vô thị, vô quá, vô phi” (không kiêu, không ỷ mình, không lầm lỗi, không sai trái), thật thà niệm Phật, bà ta thật sự vãng sanh.

      (Diễn) Lợi giả bất nhiên, cố ức chi dã.

      () 利者不然,故抑之也。

      (Diễn: Kẻ lợi căn không như vậy, cho nên phải chèn ép họ).

     Người lợi căn chẳng thật thà; do vậy, họ học này nọ hết sức khó khăn. Tuy thông minh một chút, nhưng thông minh không được sử dụng đúng đắn, đấy là khuyết điểm của họ. Sự quở trách ở đây mang ý nghĩa ấy. Chúng ta quay lại xem lời Sớ, lời đáp là “lợi giả ỷ tài cao cử” (kẻ lợi căn thường ỷ tài, cao ngạo), “cao cử” là ngạo nghễ, ngã mạn,“thường vị viễn thắng độn nhân” (thường nói mình vượt xa kẻ độn căn), tự cho mình là đúng, nghĩ mọi người chẳng sánh bằng mình.

      (Sớ) Kim vị thử thuyết, sử chi họa hổ phất tựu, phản lạc nhất trù.

      (今為此說,使之畫虎弗就,反落一籌。

      (Sớ: Nay vì hạng người này mà nói, khiến cho họ là những kẻ vẽ cọp chẳng thành, đâm ra thua mất một thẻ[2]).

      Tôi vừa mới nói ý nghĩa này!

      (Sớ) Ký bỉ tri phi, hồi tâm niệm Phật, phi viết ức chi, thật tích chi nhĩ.

      (冀彼知非,回心念佛,非曰抑之,實惜之耳。

      (Sớ: Mong họ biết sai, hồi tâm niệm Phật, chứ không phải là chèn ép họ, thật ra là tiếc nuối cho họ).

     

      Hai câu này nói quá hay, chẳng phải là chê trách, hạ thấp họ, mà thật ra là tiếc nuối giùm họ: Người thông minh trí huệ chịu niệm Phật, phẩm vị chắc chắn chẳng thuộc Trung Hạ phẩm. Lần này, tại Los Angeles, tôi gặp dịp cư sĩ Sử Hoằng Hy vãng sanh. Cụ năm nay bảy mươi bảy tuổi, viết di chúc rõ ràng, bảo với vợ: “Tôi biết trước lúc mất, không bị bệnh”. Trước hôm cụ qua đời một ngày, [nói mình] sắp về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Bà vợ không tin, bảo ông cụ ăn nói lăng nhăng. Ngày hôm sau, cụ vãng sanh. Buổi sáng hôm sau rất bình thường, sáng dậy ăn điểm tâm, đến trưa, bà cụ nấu cho chồng một chén bạch mộc nhĩ, cụ cũng ăn, mười một giờ rưỡi qua đời. Quý vị thấy đó, rất tự tại! Năm trước, ở Hương Cảng, tôi cũng gặp một vị lão cư sĩ, tám mươi mấy tuổi, cụ biết trước lúc mất một tháng, báo tin cho pháp sư Sướng Hoài. Tôi tin cư sĩ Sử Hoằng Hy tuyệt đối chẳng phải là đến ngày hôm trước mới biết, tôi tin cụ nhất định đã biết từ sớm, thật đấy, chẳng giả tí nào! Cụ sang thế giới Tây Phương làm Phật. Những người ấy đều là tấm gương sống động cho chúng ta, phải thật sự buông xuống mới đạt được cảm ứng. Đấy là người niệm Phật thành công. Chẳng chịu thật thà tu, chẳng chịu buông xuống, tức là tự mình chướng ngại chính mình. Do vậy, lời lẽ này của đại sư quả thật là mến tiếc những kẻ thông minh trí huệ, đặc biệt răn nhắc chúng ta: Niệm Phật phải chú trọng Sự Trì, ngàn vạn phần đừng nên chấp Lý phế Sự, kẻo hỏng mất. Phải biết trong thời kỳ Mạt Pháp, thật sự thành tựu chỉ có pháp môn này.

      Trước mắt, Điền phu nhân cũng là một tấm gương tốt, cũng có rất nhiều người quý vị biết bà ta, tức cư sĩ Diệp Mạn[3]! Tôi biết bà ta chưa lâu, tuy nghe nói bà ta rất nổi tiếng, nhưng trước kia tôi không biết người này. Tôi từng nghe người khác kể, trước kia, khi bà ta giảng giải Phật Học bèn hủy báng Tịnh Độ, bảo Tịnh Độ chẳng đáng một đồng, bà ta học Thiền. Năm ngoái, tôi sang giảng kinh ở Los Angeles, bà ta đến nghe một lần, sau đấy trở về Đài Loan, bà ta thường đến nghe kinh, nghe xong, bảo tôi: “Tôi nghĩ mà rất hổ thẹn, đại khái là trừ niệm Phật ra, không có con đường thứ hai nào dễ đi cả!” Năm nay tôi ở Mỹ, bà ta cũng đi các nơi giảng giải Phật học, bà nói khác hẳn lúc trước một trăm tám mươi độ, hoàn toàn tán thán Tịnh Độ, chẳng giảng Thiền, thật chẳng dễ dàng!

      Tịnh Độ thành tựu là đới nghiệp vãng sanh, là công phu thành phiến, thứ công phu này mỗi cá nhân chúng ta đều có thể làm được, thật sự có thể thành tựu. Thiền và Mật, theo tôi thấy đều chẳng thể thành tựu. Chắc cũng có vị muốn nói: “Thầy chưa hề tham Thiền!” Tuy tôi chưa hề tham Thiền, nhưng khẩu đầu Thiền rất cao minh! Trong nhà Thiền, trọng yếu nhất là kinh Kim Cang, Lục Tổ Đàn Kinh, Chứng Đạo Ca của Vĩnh Gia đại sư, Thiền Tông Tập, Đại Châu Hòa Thượng Ngữ Lục, tôi đều giảng nhiều lần. Do vậy, nói tới Khẩu Đầu Thiền, không ai sánh bằng tôi, tôi biết giảng, nhưng quý vị hỏi tôi: “Làm được hay không?” Thưa quý vị, tôi không làm được! Tôi nói được, nhưng không làm được. Tôi nói thật với quý vị, đừng nói tới những thứ Thượng Thượng Thiền xuất thế gian, Thiền Định thấp nhất trong thế gian tôi làm chưa được, đều chẳng dễ gì tu tập được. Trong Thiền, thấp nhất là Sơ Thiền Thiên của Sắc Giới, tách khỏi Dục Giới. Dục Giới là gì? Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, tiếng tăm, lợi dưỡng. Những thứ tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ bày ra trước mắt, quý vị có còn động tâm hay chăng? Nếu vẫn còn động tâm, Thiền của quý vị là Khẩu Đầu Thiền, là Dã Hồ Thiền, tôi cũng nói được mà! Quý vị động tâm thì nói cách khác, quý vị chẳng rời khỏi Dục Giới, chẳng thể vượt thoát Dục Giới trong tam giới! Pháp sư Quảng Khâm suốt đời tham Thiền, nay dạy người khác niệm Phật. Lão hòa thượng Hư Vân trong cuốn Khai Thị Lục cuối cùng của Ngài, hơn chín mươi phần trăm là khuyên người khác niệm Phật.

      Mật lại càng chẳng cần phải nói nữa. Những thói tệ của Mật rất nhiều, không cách nào kể xiết[4]. Thầy của tôi là Thượng Sư Mật Tông, Phật pháp của tôi được Chương Gia đại sư đặt vững nền tảng, tôi theo học với Ngài ba năm. Do vậy, những lề lối trong Mật Tông tôi hoàn toàn biết rõ. Không phải là tôi không hiểu, tôi cũng hiểu, tôi cũng là kẻ rất am hiểu! [Mật Tông] chắc chắn chẳng phải là kẻ sơ học mà hòng tu được! Mật và Thiền có tốt hay không? Tốt chứ! Quá tốt! Có phải học hay không? Phải học! Khi nào học? Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới mới học. A Di Đà Phật là vị Kim Cang Thượng Sư cao minh nhất, học với Ngài, tuyệt đối chẳng bị đi vào ngõ rẽ, con đường này ổn thỏa, thích đáng hơn nhiều! Hiện thời, trong thế gian này, tìm một vị thầy, trong kinh Lăng Nghiêm, Thích Ca Mâu Ni nói rất hay, trong thời đại hiện tại, “tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, yêu ma quỷ quái đều xuất gia, đều mặc ca-sa, đều dùng thân phận đại pháp sư xuất hiện trong thế gian, đều là yêu ma, quỷ quái, quý vị học với họ, lẽ nào chẳng lạc đường?

      Do vậy, ngày nay tìm thầy khó lắm! Có người hỏi: Ông chẳng phải là yêu ma quỷ quái ư? Lẽ nào ông là thiện tri thức thật sự ư? Tôi thưa với quý vị, tôi chẳng phải là thiện tri thức, cũng chẳng phải là yêu ma, quỷ quái. Tôi giảng kinh ở các nơi, tôi chẳng dám tự nhận lấy thân phận làm thầy, chúng ta là đồng học. Chúng ta có thầy, thầy là ai? Là Liên Trì đại sư. Bản chú giải này là của Liên Trì đại sư, chúng ta tôn Liên Trì đại sư làm thầy. Nay tôi ở đây cùng với quý vị nghiên cứu lời giáo huấn của thầy, vị thầy này khá lắm! Năm trăm năm trước mọi người đều công nhận Ngài là thiện tri thức. Ngoài vị thầy này ra, còn có một vị thầy nữa: Ấn Quang đại sư. Nay chúng ta học với hai vị: Học theo ngài Liên Trì và ngài Ấn Quang. Do vậy, chúng ta đọc tụng, nghiên cứu, thảo luận, phạm vi giới hạn trong Liên Trì Đại Sư Toàn Tập và Ấn Quang Đại Sư Văn Sao. Chúng ta có hai thứ ấy, quyết định có thể vãng sanh, quyết định chẳng bị hỏng chuyện. Do vậy, tôi với mọi người có thân phận đồng học, tôi học sớm hơn quý vị vài năm, chỉ như thế mà thôi! Phải nhận biết đường lối rõ ràng, thầy đã chọn chắc rồi! Người hiện thời thì sao? Tôi là phàm phu mắt thịt, tôi nhìn không ra, chẳng dám, vạn nhất gặp phải yêu ma quỷ quái, làm thế nào bây giờ? Chẳng phải là hỏng mất đại sự ư? Vì thế, đối với người hiện thời, chúng ta không có huệ nhãn để chọn lựa, chúng ta tìm cổ nhân. Cổ nhân được mọi người công nhận, tìm cổ nhân tôn làm thầy, làm tư thục đệ tử của cổ nhân sẽ không mắc khuyết điểm quá lớn, chúng ta có thể an tâm. Do vậy, nếu quý vị hỏi “thầy của ông là ai?” Thầy của tôi là Liên Trì đại sư, mọi người chẳng nói gì được nữa!

      Tam, kết thán.

      (Tự) Toại sử thùy thủ đồ cần, ỷ môn không vọng, thượng cô Phật hóa, hạ phụ kỷ linh, kim sanh dĩ cập đa sanh, nhất ngộ nhi thành bách ngộ, cam tâm khổ thú, thúc thủ tử môn, vô cứu, vô quy, khả bi, khả thống.

三、結歎

(遂使垂手徒勤,倚門空望,上孤佛化,下負己靈。今生以及多生,一誤而成百誤,甘心苦趣,束手死門,無救無歸,可悲可痛。

      (Ba, kết lại lời than thở.

      Tựa: Khiến cho [đấng Từ Phụ] uổng công siêng khổ duỗi tay [tiếp dẫn], tựa cửa ngóng nhìn suông, trên cô phụ sự giáo hóa của Phật, dưới phụ bạc linh tánh của chính mình, đời này cùng nhiều đời, lầm lẫn một điều thành trăm điều lầm lẫn, cam lòng ở trong nẻo khổ, bó tay nơi cửa tử, không được cứu, không chỗ quay về, đáng buồn, đáng đau thay!)

     

      Đây là tổng kết ý nghĩa của đoạn văn trước đó: Những kẻ tự cậy mình thông minh, chẳng thuộc loại cuồng huệ thì cũng là tu mù, thật đáng tiếc! Mấy câu này của đại sư cảm thán vô hạn.

      (Diễn) Toại sử thùy thủ đồ cần giả.

      (遂使垂手徒勤者。

(Diễn: Khiến cho [đấng Từ Phụ] uổng công siêng khổ duỗi tay [tiếp dẫn]).

      Câu này nói về A Di Đà Phật.

      (Diễn) Di Đà từ phụ, chung nhật thùy kim sắc tý, tiếp dẫn niệm Phật chúng sanh, chúng sanh bất khẳng niệm Phật, thị thùy thủ đồ cần.

      (彌陀慈父,終日垂金色臂,接引念佛眾生,眾生不肯念佛,是垂手徒勤。

      (Diễn: Di Đà từ phụ, suốt ngày duỗi cánh tay sắc vàng, nhằm tiếp dẫn chúng sanh niệm Phật, nhưng chúng sanh chẳng chịu niệm Phật, đó là “uổng công siêng năng duỗi cánh tay”).

      Quý vị thấy tượng A Di Đà Phật duỗi tay. Thời thời khắc khắc mong quý vị đến, quý vị chẳng chịu đến, có cách nào bây giờ? Quý vị phải chịu đến, phải niệm Phật. Pháp môn này chỉ cần đầy đủ ba điều kiện: Tín, Nguyện, Hạnh. Đầy đủ ba điều kiện này, chắc chắn vãng sanh. Ba điều kiện này là nội dung của bộ kinh này. Do vậy, chúng ta tốn thời gian mấy năm để nỗ lực nghiên cứu, thảo luận bộ kinh này rất đáng công! Hiểu rõ lý luận, sẽ hiểu phương pháp, tin sâu, phát nguyện, y giáo phụng hành, một đời này của chúng ta là thân cuối cùng luân hồi trong sáu nẻo của thế giới Sa Bà, đời sau chẳng luân hồi nữa, đời sau vượt thoát lục đạo. Chuyện này rất có ý nghĩa, chúng ta mới thật sự chẳng bỏ uổng đời này. Con người sống trong thế gian này, những “được, mất” trong thế gian này là giả, chẳng thật, được sanh về thế giới Tây Phương là thật, chẳng giả! Do vậy, nhất định phải hiểu rõ chân - giả, thị - phi.

     

(Diễn) Di Đà chung nhật vọng chúng sanh cầu sanh Tịnh Độ, như từ mẫu ỷ môn vọng tử, chúng sanh bất khẳng niệm Phật, thị ỷ môn không vọng.

(彌陀終日望眾生求生淨土,如慈母倚門望子,眾生不肯念佛,是倚門空望。

(Diễn: Phật Di Đà suốt ngày mong chúng sanh cầu sanh về Tịnh Độ như mẹ hiền tựa cửa ngóng chờ con, chúng sanh chẳng chịu niệm Phật là “tựa cửa ngóng nhìn suông”).

 

Đây là nói tỷ dụ. Mấy câu dưới đây là nói theo phương diện biểu thị pháp. Biểu thị pháp rất trọng yếu; hiểu những pháp được biểu thị thì mới thật sự hiểu được nghĩa thú trong bộ kinh này.

(Diễn) Nhược ước Lý quán giả.

(若約理觀者。

(Diễn: Nếu nhìn theo mặt Lý thì...)

Nhìn từ mặt Lý.

(Diễn) Thủ biểu đề huề chi bi.

(手表提攜之悲。

(DiễnTay biểu thị lòng bi nâng đỡ).

Bi tâm, [Phật duỗi tay] biểu thị đại từ đại bi.

(Diễn) Mục biểu chiếu liễu chi Trí.

(目表照了之智。

(Diễn: Mắt biểu thị Trí chiếu soi thấu suốt).

 

      Con mắt biểu thị trí huệ. Tay là tay từ bi, mắt là mắt trí huệ.

      (Diễn) Đồng thể chi bi, bất ly chúng sanh, vi thùy thủ thâm uyên. Tự nhiên chi trí, biến tại lục thú, vi ỷ môn vọng tử.

      (同體之悲,不離眾生,為垂手深淵。自然之智,遍在六趣,為倚門望子。

      (Diễn: Lòng Bi đồng thể, chẳng lìa chúng sanh, là duỗi tay xuống tận vực sâu. Trí tự nhiên trọn khắp sáu đường là tựa cửa ngóng chờ con).

      Mấy câu này thật sự rất quan trọng, nói rõ mối quan hệ giữa A Di Đà Phật và chúng ta. Nếu mối quan hệ này chẳng mật thiết, chúng ta sẽ hoài nghi Ngài: Ngài muốn tôi đến nơi đó là vì ý gì? Tôi còn suy xét, so đo, để khỏi bị Ngài lừa! Trước hết, phải hiểu rõ mối quan hệ, nếu đó là người thân của chúng ta như cha mẹ, quý vị sẽ an tâm, chẳng còn phải đắn đo nữa. Vậy thì A Di Đà Phật rốt cuộc là người như thế nào đối với chúng ta? Ngài và chúng ta có cùng một Thể. Nói ra điều này chắc mọi người rất khó tin tưởng! Quả thật chẳng dễ gì tin tưởng được! Nhưng câu nào trong kinh điển cũng là lời chân thật, tuyệt đối chẳng phải là vọng ngữ. Nếu muốn hiểu rõ chuyện này, phải đổ công sức kha khá nơi bộ Di Đà Sớ Sao này. Một bộ Di Đà Sớ Sao là đủ rồi! Nói thật ra, những lý luận ấy nằm trong Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Viên Giác, nhưng kinh văn của các bộ đại kinh, đại luận hoàn toàn được trích dẫn trong bản chú giải Di Đà Kinh Sớ Sao này. Do vậy, quý vị đọc bộ này là đủ rồi, chẳng cần phải đọc những bộ đại kinh, đại luận nữa, có bộ sách này là được rồi!

      Kinh Hoa Nghiêm nói: “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (nên quán tánh pháp giới, hết thảy chỉ do tâm tạo). Mười pháp giới, trên từ Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, dưới là lục đạo chúng sanh, được gọi là mười pháp giới. Mười pháp giới do đâu mà có? Từ tự tánh của chúng ta biến hiện ra. A Di Đà Phật và Tây Phương Tịnh Độ chẳng ra ngoài lệ ấy, từ tự tánh giác của chúng ta biến hiện ra. Hiện tại, thế giới Sa Bà của chúng ta cũng do tự tánh biến hiện ra, do tự tánh mê biến hiện ra. Trong tự tánh của chúng ta có mê và ngộ, giác thì biến hiện thành cảnh giới của Phật, Bồ Tát; mê thì biến hiện thành cảnh giới của lục đạo luân hồi. Trong khóa tụng chúng ta cũng đọc thấy: “Tam thế nhất thiết Phật, cộng đồng nhất Pháp Thân, nhất tâm, nhất trí huệ” (Ba đời hết thảy Phật, cùng chung một Pháp Thân, một tâm, một trí huệ), hoàn toàn nói về tự tánh. Do vậy, nói theo tự tánh thì gọi là lòng Bi đồng thể.

      Chúng ta và A Di Đà Phật có cùng một bản thể, Triết Học hiện đại gọi [bản thể ấy] là bản thể của nhân sinh vũ trụ. Chúng ta có cùng một bản thể, cùng một căn bản. Do vậy, gọi là “đồng thể đại bi, vô duyên đại từ”, “duyên” là điều kiện, “từ” là yêu thương. “Vô duyên” là không có điều kiện, là từ bi thật sự. Nếu quý vị chẳng hiểu rõ đồng thể cho lắm, chúng tôi nêu lên một tỷ dụ. Ví như tay trái của chúng ta bị muỗi chích, tay phải liền xua đuổi nó. Tay phải giúp đỡ tay trái, vì sao tay phải muốn giúp đỡ? Đồng thể! Chúng ta và A Di Đà Phật có quan hệ như vậy, A Di Đà Phật rõ ràng đồng thể với chúng ta. Chúng ta nghĩ Ngài chẳng đồng thể với chúng ta, đã quên sạch rồi; thật ra, thật sự là đồng thể, quan hệ hết sức thân mật, nên Ngài mới thường duỗi tay tiếp dẫn chúng ta, nhưng bản thân chúng ta mê mất, quên tuốt, chẳng thừa nhận.

      (Diễn) Đồ cần không vọng, thị Chân Như nội huân vô minh, nhi vô minh toàn bất cố Chân Như dã.

      (徒勤空望,是真如內熏無明,而無明全不顧真如也。

      (Diễn: “Uổng công siêng năng, ngóng chờ suông” là Chân Như hun đúc vô minh bên trong, nhưng vô minh hoàn toàn chẳng đoái hoài Chân Như).

      “Chân Như nội huân vô minh” là A Di Đà Phật tiếp dẫn; “vô minh toàn bất cố Chân Như” là chúng ta chẳng muốn niệm Phật, chẳng cầu vãng sanh. Đây là nói theo Lý, nhưng cần hiểu rằng: Lý là Lý trong Sự, Sự là Sự trong Lý, Lý và Sự là một, chẳng phải hai. Hiểu rõ Lý, quý vị mới tin tưởng Sự này; có tin tưởng Sự này thì mới có thể thông đạt Lý. Như vậy thì mới có thể thật sự đạt đến Lý Sự vô ngại.

      Chúng sanh mê hoặc, điên đảo, cô phụ sự giáo hóa của đức Phật, “thượng cô Phật hóa” (trên phụ bạc sự giáo hóa của Phật), chữ Phật ở đây chỉ hai vị Phật: Thứ nhất là phụ bạc Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta, chúng ta chẳng nghe, tự cho mình là đúng, đó là cô phụ sự giáo hóa của Phật. Đối với chúng sanh, đức Phật giáo hóa mỗi người mỗi khác. Ví như cha mẹ dạy con cái, cá tánh và tính tình của mỗi đứa con khác nhau. Có đứa rất vâng lời, có đứa rất lì lợm. Do vậy, chẳng thể dùng một phương pháp để dạy bảo chúng nó. Đối với chúng sanh rất vâng lời, dạy kẻ ấy niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, chẳng cần phải nhọc lòng, nhất định thành tựu. Đối với chúng sanh rất lì lợm, dùng đủ mọi phương pháp để điều phục kẻ ấy, rất cực lòng! Phải tốn một thời gian dài mới có thể thành tựu. Trong kinh, đức Phật đã nói rất rõ ràng: “Thời kỳ Chánh Pháp, Giới Luật thành tựu; thời kỳ Tượng Pháp, Thiền Định thành tựu, thời kỳ Mạt Pháp, Tịnh Độ thành tựu”. Nay chúng ta đang sống trong thời kỳ Mạt Pháp, nếu quý vị tu Tịnh Độ là rất vâng lời. Nếu quý vị học Thiền, học Giới, tức là không chịu nghe lời, cô phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Đồng thời lại cô phụ A Di Đà Phật. A Di Đà Phật hằng ngày trông ngóng chúng ta sanh về Tây Phương, chúng ta chẳng chịu về. Nhất định phải hiểu rõ nỗi khổ tâm của Phật, Bồ Tát. Do vậy, trên chẳng xứng với Phật, dưới chẳng xứng với chính mình. Nếu chính mình không có cơ duyên này thì chẳng nói làm chi, cơ duyên khó có được! Thật sự đúng như trong bài Khai Kinh Kệ đã nói, “trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ”. Đời này, chúng ta thật sự nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nên mới gặp được duyên phận này, quả thật chẳng dễ gì gặp được! “Hạ phụ kỷ linh” (dưới là phụ bạc linh tánh của chính mình), chúng ta gặp được, nếu chẳng chịu học đàng hoàng, tức là cô phụ chính mình. Nếu quý vị suy nghĩ nhiều phen, [sẽ thấy] cửa Phật rộng lớn, tám vạn bốn ngàn pháp môn, cớ sao quý vị gặp đúng một môn này? Đúng là chẳng dễ dàng. Do vậy, gặp được thì phải thật sự tu. Quý vị chẳng chịu nỗ lực, [tức là] cô phụ chính mình đấy!

     (Diễn) Kim sanh, đa sanh, nhất ngộ bách ngộ giả, kim sanh ngộ thử thù thắng pháp môn.

      (今生多生,一誤百誤者,今生遇此殊勝法門。

      (Diễn: “Đời này, nhiều đời, lầm một, lầm cả trăm”: Đời này gặp được pháp môn thù thắng này).

 

      Thật đúng là thù thắng.

      (Diễn) Như cửu khách tha hương, sạ văn gia tín, ưng đương dũng mãnh tinh tấn, cầu nguyện vãng sanh.

      (如久客他鄉,乍聞家信,應當勇猛精進,求願往生。

      (Diễn: Như khách xa quê lâu ngày, vừa mới nghe tin nhà, hãy nên dũng mãnh, tinh tấn cầu nguyện vãng sanh).

      Chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay sanh tử luân hồi trong lục đạo, đây là nỗi sỉ nhục không chi lớn bằng! Những người cùng ở với chúng ta trong thuở ấy, ai sẽ thành Phật thì đã thành Phật, ai nguyện làm Bồ Tát thì đã là Bồ Tát, chúng ta vẫn ở trong sanh tử luân hồi, chúng ta phải nên cảnh giác điều này. Đừng nói đời quá khứ, hãy nói về đời hiện tại này, trong số các đồng tu, tôi vừa mới nhắc tới cư sĩ Sử Hoằng Hy, cụ đã vãng sanh, đã giải thoát rồi, đúng là lìa khỏi tam giới lục đạo. Nay chúng ta vẫn chưa xuất ly! Sử cư sĩ cả đời thất ý trên con đường công danh: Sau khi đất nước độc lập, cụ làm tư lệnh quân đồn trú ở Cơ Long; tiên sinh Bành Mạnh Tập làm tư lệnh quân đội đồn trú ở Cao Hùng, đường công danh rất đắc ý, còn đường công danh của cụ Sử chẳng thuận lợi! Sau khi làm tư lệnh quân đồn trú, cụ làm sĩ quan tham mưu cao cấp tại Bộ Quốc Phòng mãi cho đến khi nghỉ hưu. Suốt đời chẳng toại chí. Do vậy, cụ thật thà niệm Phật, nay cụ đã thành Phật, chúng ta đâu thể sánh bằng! Vì thế, được hay mất không nhất định, mất cái này, được cái khác. Cái mà cụ thật sự đạt được lần này không một ai có thể sánh bằng. Đây là một vị đồng tu ở ngay trước mắt chúng ta, chúng ta phải nỗ lực theo gót cụ, chớ nên tụt hậu. Nếu chúng ta vãng sanh, vẫn phải bị bệnh một trận rồi mới vãng sanh thì chúng ta vẫn chẳng bằng cụ, cụ không bị bệnh! Đấy mới là chẳng cô phụ chính mình, mới là chẳng cô phụ những vị lão đồng tham. Tu những pháp môn khác, chẳng trông cậy được, thật đấy! Chúng ta thấy rất nhiều trường hợp nhãn tiền rồi! Do vậy, hãy nên dũng mãnh, tinh tấn

cầu nguyện vãng sanh.

      (Diễn) Nhi nãi du du dương dương, mạc nhiên bất cố, khởi phi đại ngộ?

      (而乃悠悠揚揚,漠然不顧,豈非大誤。

      (Diễn: Mà cứ rề rà, mặc kệ chẳng đoái hoài, há chẳng phải là lầm lẫn to lớn ư?)

      Như vậy thì sẽ làm hỏng đại sự liễu sanh tử đấy nhé! Đời này trong thế gian, chúng ta phải coi đại sự sanh tử là chuyện lớn bậc nhất, chuyện gì lầm lẫn cũng chẳng sao, chuyện này chẳng thể lỡ làng được! Nếu lỡ làng đời này, phiền phức lớn lắm!

      (Diễn) Hựu bất duy kim sanh chi ngộ, kim sanh dĩ cập đa sanh, nhất ngộ nhi thành bách ngộ dã.

      (又不唯今生之誤,今生以及多生,一誤而成百誤也。

      (Diễn: Lại nữa, chẳng phải chỉ lầm lạc đời này, mà đời này cùng với nhiều đời, lầm lạc một điều, trở thành trăm điều lầm lạc).

      Nếu chúng ta bỏ uổng đời này, đời sau có được làm thân người hay chăng? Chẳng dám quả quyết! Nếu muốn đời sau được làm thân người, đời này quý vị phải thực hiện Ngũ Giới Thập Thiện thì mới đạt tới tiêu chuẩn. Tuy đã thọ Ngũ Giới, thậm chí thọ Bồ Tát Giới, nhưng quý vị chưa làm đúng cách thì vô ích! Khó! Quá ư là khó! Trong kinh điển, đức Phật đã nói rất nhiều: Sau khi đã mất thân người, lại được làm thân người là chuyện hết sức khó khăn! Dẫu được làm thân người, có cơ hội nghe nói tới Phật pháp hay không? Quý vị thấy toàn thế giới ngày nay có bốn mươi ức người, bao nhiêu người được nghe Phật pháp? Tỷ lệ không cân xứng! Quý vị có được may mắn như thế hay chăng? Có được nghe Phật pháp hay chăng? Dẫu được nghe Phật pháp, có được nghe Tịnh Độ nữa hay chăng? Người nghe Phật pháp cũng chẳng ít, có mấy ai được nghe Tịnh Độ? Cứ loại bỏ từng tầng một, loại trừ đến cuối cùng, chẳng còn sót lại mấy ai! Do vậy, đời này chúng ta gặp được cơ duyên này, quyết định chẳng để luống uổng. Đời quá khứ, có lẽ là chúng ta cũng bỏ lỡ nhiều lượt rồi, đời này chớ nên bỏ lỡ lần nữa! Dưới đây, sách Diễn Nghĩa dẫn một câu nói của cổ nhân để kết luận.

      (Diễn) Cổ vân: “Hiệp lộ tương phùng như bất tiến, giá hồi yếu kiến định hoàn nan”, thị dã.

      (古云:狹路相逢如不薦,這回要見定還難,是也。

      (Diễn: Cổ nhân nói: “Đường hẹp gặp nhau không đón lấy, lần sau muốn gặp khó khôn cùng!” là nói về chuyện này vậy)

      Đây là tỷ dụ những ý nghĩa vừa được nói trên đây, nhất định phải thành tựu, chẳng thể lỡ làng lần nữa! Nếu chẳng sốt sắng tu học, chính là quý vị “cam tâm khổ thú, thúc thủ tử môn, vô cứu, vô quy, khả bi, khả thống” (đành lòng ở trong nẻo khổ, bó tay nơi cửa tử, không ai cứu, không nơi quay về, đáng buồn, đáng đau). “Khổ thú” là lục đạo luân hồi trong thế giới Sa Bà. Quý vị cam tâm luân hồi trong lục đạo, còn có cách nào nữa đây? Đời người có ý nghĩa gì? Đời người có gì đáng giá? Ngày nay, nhiều người cao đàm khoát luận (bàn luận những chuyện viễn vông, thiếu thực tế), bàn luận ý nghĩa và giá trị của đời người. Thật ra, nói xuyên suốt thì đời người từ lúc lọt lòng cho đến khi bước vào mộ, mỗi ngày càng gần [cái chết] hơn, chẳng chịu bỏ lỡ mỗi phút, mỗi giây nào, đời người có ý nghĩa như vậy đó, có giá trị như vậy đó, đợi đến khi Diêm Vương bắt, quý vị mang theo được thứ gì ra đi? Thứ gì cũng chẳng mang theo được. Nói cách khác, chẳng có ai không đang chờ chết! Phải giác ngộ, đấy chính là “bó tay nơi cửa tử, không ai cứu, không chỗ quay về”! Có thể trốn thoát hay chăng? Được chứ! Người chịu niệm Phật, thật sự có thể thoát khỏi sự khống chế của vua Diêm La, quý vị phải chịu tu!

      Năm nay, tôi ở ngoại quốc hơi lâu một chút, ở Hương Cảng hai tháng, ở nước Mỹ bảy tháng. Sau khi trở về, nghe có người nói: Tôi muốn bỏ lửng, không trông nom đạo tràng này, bỏ chạy, có rất nhiều nơi trách móc. Thật ra, nếu mọi người chịu lắng lòng suy nghĩ, quý vị sẽ hiểu đấy là chuyện tôi nên làm. Đặc biệt là ở Mỹ, tại Mỹ không có Tịnh Độ. Tại Mỹ cũng không có ai dám nói Tịnh Độ, vì sao? Quý vị nói Tịnh Độ, mọi người sẽ chê cười. Vì sợ người ta chê cười, dẫu chính mình niệm Phật, nhưng người ta hỏi tới, vẫn chẳng dám thừa nhận mình là người niệm Phật, vẫn phải nói tôi tham Thiền, vẫn phải nói giả dối, khởi vọng ngữ, giữ thể diện, quý vị nói xem còn có cách nào nữa chăng? Tôi sang Mỹ hoằng dương Tịnh Độ, lót đường từ ba năm trước. Do vậy, năm đầu tiên tôi không giảng Tịnh Độ, mà giảng Mật, giảng Thiền, tôi biết giảng! Tôi ở Mỹ quốc giảng kinh Kim Cang, Lục Tổ Đàn Kinh, giảng Mật cũng chẳng ít, lót đường mà! Rồi tôi bảo họ: Thiền và Mật tôi đều hiểu, tôi chẳng phải là kẻ không thông hiểu [những pháp môn ấy]. Giáo tôi cũng hiểu, năm ngoái, tôi sang đó giảng kinh Hoa Nghiêm. Năm nay, tôi sang đó giảng Tịnh Độ, mọi người chẳng dị nghị. Những gì quý vị hiểu tôi đều hiểu, tức là tôi hiểu những pháp đó, chứ quý vị vẫn chưa hiểu! Cho nên rất nhiều người học Thiền, học Mật đều quay đầu. Có người quay đầu hoàn toàn, có người quay đầu nửa chừng, quay đầu nửa chừng là sao? Khi họ nghe giảng thì tin tưởng, cũng niệm Phật. Quý vị hỏi họ: “Ông còn cần đến Thiền và Mật hay không?” “Tôi tạm thời vẫn chưa buông xuống được!” Vẫn là muốn thử xem có linh hay không! Còn thử xem linh hay không là quay đầu nửa chừng, chưa quay đầu hoàn toàn! Đủ thấy là tôi sang ngoại quốc chẳng uổng công, quả thật đã khiến cho không ít người quay đầu. Quay đầu là bờ!

       

      (Sớ) Thùy thủ giả, cổ vân: “Tẩu nịch viện chi dĩ thủ”. Ỷ môn giả, Vương Tôn Cổ mẫu vân: “Nhữ triêu xuất nhi bất hoàn, tắc ngô ỷ môn nhi vọng”.

      (垂手者,古云:嫂溺援之以手。倚門者,王孫賈母云:汝朝出而不還,則吾倚門而望。

      (Sớ: “Duỗi tay” là như cổ nhân nói: “Chị dâu chết đuối, [em chồng] đưa tay cứu giúp”. “Tựa cửa” là như mẹ ông Vương Tôn Cổ nói: “Buổi sáng ngươi ra khỏi nhà [mà tối] chưa về, ta tựa cửa trông ngóng”).

      Những điều này không cần phải nói nhiều. “Duỗi tay” và “tựa cửa” đều có điển cố, đều là những từ ngữ có xuất xứ.

      (Sớ) Kim vị chúng sanh một ư khổ thú.

      (今謂眾生沒於苦趣。

      (Sớ: Ở đây có ý nói: Chúng sanh chìm đắm trong nẻo khổ).

 

      “Một” (沒) có nghĩa là thoạt xuất hiện, thoạt biến mất. “Khổ thú”: Nói thật ra, sáu nẻo đều khổ, chứ chẳng phải chỉ có tam đồ. Tam đồ quá khổ! Nay chúng ta sanh trong nhân gian, hãy suy nghĩ cặn kẽ, trong thế gian này có vui sướng hay chăng? Nếu nói thế gian có vui sướng, quý vị đã mê hoặc, điên đảo. Nếu quý vị hiểu đời người là khổ, quý vị đã giác ngộ. Thế gian không có vui, chỉ có khổ, chẳng vui!

      Vui là gì? Vui là khổ tạm thời ngưng nghỉ. Quý vị cảm thấy vui, thật ra là [khổ] tạm ngừng mà thôi! Ví như quý vị một bữa không ăn, đói bụng rất khổ, đến khi cho quý vị ăn một bữa, vui sướng, chữa trị cái bệnh khổ ấy. Thế nhưng mấy tiếng đồng hồ sau lại không được rồi, bệnh khổ lại đổ ra, lại phải trị liệu lần nữa. Đấy là rất khổ! Thân thể này là cái thân bệnh, bị bệnh đói, mỗi ngày phải “uống thuốc” ba lần, mỗi lần không uống thuốc sẽ chẳng cảm thấy tự tại. Quý vị thật sự nghĩ thông suốt chuyện này, sẽ hiểu con người thật sự khổ sở, chẳng vui sướng. Trời lạnh phải mặc y phục, trời nóng phải toát mồ hôi, khổ quá! Sao không khổ cho được? Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, không có những nỗi khổ ấy, hằng ngày chẳng cần ăn, không ăn cơm bao năm cũng chẳng đói, tự tại lắm! Chúng ta thường nói “vị y thực bôn ba” (bươn chải vì cơm áo), Tây Phương Cực Lạc thế giới không nghe nói những lời này! Có chỗ tốt lành này, chúng ta nhất định muốn sang đó mới là người thông minh. “Một ư khổ thú” (chìm đắm trong nẻo khổ), tam giới đều là khổ!

      (Sớ) Phật viện chi như thùy thủ thâm uyên.

      (佛援之如垂手深淵。

      (Sớ: Phật giúp đỡ như duỗi tay [cứu người sa chân nơi] vực thẳm).

      Đức Phật đến giúp đỡ chúng ta, làm Tăng Thượng Duyên cho chúng ta, giống như chúng ta rơi trong biển cả rất sâu, đức Phật duỗi tay giúp đỡ, cứu độ chúng ta.

      (Sớ) Chúng sanh bối giác hiệp trần, Phật niệm chi như ỷ môn vọng tử.

      (眾生背覺合塵,佛念之如倚門望子。

      (Sớ: Chúng sanh trái nghịch tánh giác, xuôi theo trần lao, đức Phật nghĩ nhớ như mẹ tựa cửa ngóng con).

      “Giác” (覺) là giác ngộ, “trần” (塵) là trần lao, mê hoặc. Chúng sanh trái nghịch tánh giác của chính mình, tâm bị cảnh giới xoay chuyển, “trần” là lục trần. Tâm chuyển theo cảnh, khổ lắm! Hôm nay có đồng tu đến hỏi tôi: Trong nhà ông ta thờ một bức tượng Thích Ca Mâu Ni Phật, có người bảo ông ta: “Không được! Thờ tượng Phật thì hết thảy duyên phận đều chẳng dám đến nhà nữa”. Tôi nói: “Duyên phận gì?” [Ông ta trả lời]: “Thăng quan, phát tài, sanh con đẻ cái, những duyên phận ấy đều chẳng dám tới”. Tôi bảo ông ta: “Ai bảo ông thế?” Ông ta nói: “Có người bảo với con”. “Tôi cho ông biết: Kẻ ấy là yêu ma quỷ quái! Từ xưa đến nay, hoặc ngay trong hiện tại, bao nhiêu người thờ hình tượng Phật, Bồ Tát, trong nhà chuyện gì cũng cát tường như ý”. Quý vị hãy đọc A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung Kinh, cúng dường Phật, Bồ Tát, chỉ có kẻ nào chẳng dám tới? Yêu ma quỷ quái chẳng dám đến cửa. Kẻ nói lời ấy đúng là yêu ma quỷ quái, mong quý vị sẽ vứt tượng Phật, Bồ Tát đi để chúng nó vào cửa cho tiện. Hiện thời, quá nhiều lời lẽ bịa đặt, yêu ngôn mê hoặc lòng người, trong tâm chúng ta luôn phải hiểu rõ! Nói cách khác, người học Phật đừng nên đoán mạng, xem tướng, xem Phong Thủy, đừng dùng tới chúng! Người học Phật không gì chẳng tự tại, không gì chẳng cát tường. Phong Thủy tốt là gì? Quý vị thấy đó, trong tâm rất hoan hỷ, rất thỏa ý, đó là Phong Thủy tốt. Đừng nghe những lời bịa đặt đồn thổi của kẻ khác, thật đáng thương! Bị người ta lợi dụng, nói những câu khó nghe, bị người khác xoay mòng mòng, đó mới là ngu si! Do vậy, đừng tin tưởng những thứ đó, phải tin vào chính mình. Niệm niệm thân tâm thanh tịnh, hãy nên trái giác, hiệp trần, đó mới là đúng. Đừng bị cảnh giới chuyển, phải chuyển cảnh giới!

     

      (Sớ) Viện chi tuy ân, niệm chi tuy thiết, thâm trầm bất khởi, viễn thệ vô hoàn, thị cô Phật hóa dã.

      (援之雖殷,念之雖切,深沉不起,遠逝無還,是孤佛化也。

      (Sớ: Tuy giúp đỡ ân cần, dẫu nghĩ nhớ thiết tha, nhưng [lòng phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ] chìm sâu, chẳng dấy lên, trốn đi xa chẳng trở về, đó là cô phụ sự giáo hóa của Phật vậy).

     Những điều này đều nhằm tỷ dụ [chúng sanh] cô phụ sự giáo hóa của Phật, chẳng chịu quay đầu.

      (Sớ) Hạ phụ giả.

      (下負者。

      (Sớ: Dưới là phụ bạc...)

      “Hạ phụ” là cô phụ chính mình.

      (Sớ) Phàm quyết hữu tâm, định đương tác Phật.

      (凡厥有心,定當作佛。

      (Sớ: Phàm những ai có tâm, nhất định sẽ thành Phật).

      Câu này có nghĩa là phàm những ai có tâm, đều có thể thành Phật, nhất định thành Phật. Vậy thì phải hỏi: Quý vị có tâm hay không? Quý vị có tâm! Mắt có thể thấy, tai có thể nghe, đó là tâm. Đã có thấy, nghe, hay, biết, lẽ đâu chẳng thể thành Phật? Ở đây, tôi muốn bảo quý vị Phật là gì, phải nhận thức rõ ràng. “Trí giác viên mãn” thì gọi là Phật. Nói cách khác, quý vị có trí huệ viên mãn, có giác tánh viên mãn, sự viên mãn này vốn sẵn viên mãn. Trong kinh Hoa Nghiêm và Viên Giác, đức Phật đã nói rất rõ ràng, những kinh điển khác không nói, vì đây chẳng phải là những điều đức Phật thường nói. Trong những bộ kinh ấy (tức kinh Hoa Nghiêm và Viên Giác), đức Phật nói lời chân thật, “nhất thiết chúng sanh bổn lai thành Phật” (hết thảy chúng sanh vốn sẵn thành Phật), vốn sẵn là Phật! Vốn sẵn là Phật, mà nay quý vị biến thành phàm phu là vì quý vị đã trái nghịch giác tánh của chính mình, mê mất rồi! Tuy là mê, trí huệ viên mãn và giác tánh viên mãn của quý vị có bị tổn thất hay chăng? Chắc chắn chẳng bị tổn thất, vẫn là viên mãn, nhưng chính quý vị không thừa nhận, tự mình quên mất. Khi nào quý vị giác ngộ, nó sẽ viên mãn y như cũ. Giác tánh đã vốn có thì chúng ta có thể khôi phục hay chăng? Đương nhiên là có thể khôi phục! Mê là hư vọng, là giả, nhất định có thể đoạn được! Giác là chân, chắc chắn có thể chứng đắc. Chính mình phải có tín tâm. Do vậy, nhất định sẽ thành Phật.

      (Sớ) Cố Phật giáo trì danh.

      (故佛教持名。

      (Sớ: Do vậy, Phật dạy trì danh).

 

      Đây là một phương pháp thiện xảo nhất để quý vị phá mê, khôi phục sự viên giác của chính mình: Niệm Phật. Niệm A Di Đà Phật, hoặc là niệm sáu chữ “Nam-mô A Di Đà Phật”, sáu chữ này đều là tiếng Phạn, thật sự chẳng khác gì thần chú. Mật Tông trì chú, Nam-mô A Di Đà Phật là vô thượng chú. Cuối Tâm kinh có nói: “Thị đại thần chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú” (là đại thần chú, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng), chú ấy là gì? A Di Đà Phật là đại minh chú, là chú vô thượng, là chú không có gì sánh bằng. Tôi giảng Tâm Kinh là giảng theo cách này. Nam-mô có nghĩa là quy y, A dịch là Vô, Di Đà dịch là Lượng, Phật dịch là Giác, dịch hoàn toàn sang nghĩa tiếng Hán là “quy y Vô Lượng Giác”. Giác là chẳng mê! Quy là trở lại, từ đâu mà trở lại? Từ mê quay trở lại, nương theo Giác. Vô lượng là thứ gì ta cũng phải giác. Do vậy, niệm một câu Phật hiệu này, thứ gì cũng phải giác! Câu Phật hiệu này nhắc nhở quý vị thời thời khắc khắc phải giác ngộ, giác chứ không mê. Giác chẳng mê là Phật, mê chẳng giác là phàm phu. Do vậy, nhất định sẽ thành Phật. Đức Phật dạy chúng ta phương pháp thiện xảo như vậy đó!

      (Sớ) Dục nhân niệm ngã tự tâm, thành ngã tự Phật.

      (欲人念我自心,成我自佛。

      (Sớ: Muốn cho con người niệm tự tâm của chính mình, thành vị Phật của chính mình).

      Hiểu ý nghĩa này rồi, Phật hiệu là tự tâm của chính mình. Quy y Vô Lượng Giác là quy y giác tánh của chính mình. Do vậy, niệm Phật là niệm giác tánh của chính mình, thành “tự Phật”, chứ không phải vị Phật của ai khác. Thật sự có một vị A Di Đà Phật, Ngài đã thành tựu như vậy, Ngài đem phương pháp này dạy chúng ta. Dạy chúng ta để ai nấy đều có thể thành tựu, nhưng sợ chúng ta còn có chướng ngại, gặp khó khăn, nên kiến lập một đạo tràng ở Tây Phương để giúp đỡ chúng ta, giúp cho chúng ta thành tựu. Cơ duyên này quả thật quá thù thắng.

      (Sớ) Nhi mạc nhiên bất tín, ninh bất phụ kỷ linh hồ.

      (而漠然不信,寧不負己靈乎。

      (Sớ: Mà vẫn lơ là chẳng tin, há chẳng phải là phụ bạc linh tánh của chính mình ư?)

 

      Đối với Lý Sự chân thật trong chương này, nếu chúng ta chẳng tin tưởng, chẳng chịu phát nguyện, chẳng chịu tu học, đấy thật sự là cô phụ chính mình. Hôm nay đã hết giờ rồi!

Tập 36

      Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn mươi sáu:

      (Sớ) Kim sanh đa sanh giả, sanh sanh đọa lạc, vô hữu cùng dĩ dã. Nhất ngộ, bách ngộ giả, thử sanh tha quá, đa kiếp nan phùng dã. Nhập khổ thú, tự dăng thư ốc ư xí trung. Phó tử môn, loại ngưu dương tựu hồ đồ tứ, mạc vị cứu bạt, vô khả quy bằng, khởi bất ai tai?

      (今生多生者,生生墮落,無有窮已也。一誤百誤者,此生磋過,多劫難逢也。入苦趣,似蠅蛆飫於廁中。赴死門,類牛羊就乎屠肆。莫為救拔,無可歸憑,豈不哀哉。

      (Sớ: “Đời này, nhiều đời”: Đời đời đọa lạc chẳng có cùng tận. “Một lầm, trăm lầm” là đời này bỏ lỡ, nhiều kiếp khó gặp. Vào nẻo khổ, dường như giòi tửa no ứ trong nhà xí; vào cửa tử giống như trâu, dê bước vào lò mổ, chẳng được cứu vớt, không chỗ nương về, há chẳng đau buồn ư?)

      Đoạn này dễ hiểu, nói rõ đời này và nhiều đời đã lầm lạc mà vẫn lầm lạc.

      Tứ, thuật ý.

      四、述意。

      (Bốn, nêu bày dụng ý [viết Sớ Sao]).

      Đoạn này là Liên Trì đại sư tự trình bày dụng ý vì sao Ngài chú giải kinh Di Đà.

       

      (Tự) Châu Hoằng.

      (袾宏。

      (Tựa: Châu Hoằng).

      Hai chữ Châu Hoằng là pháp danh của đại sư. Phàm tự xưng, bất luận trong khi nói hoặc trong khi viết, đều nên dùng lối khiêm hư. Khiêm hư nhất là xưng danh, tự khiêm; người khác gọi Ngài sẽ chẳng thể gọi thẳng tên, gọi thẳng tên là thiếu cung kính nhất. Đó là lễ nghi thời cổ. Con người hiện thời gặp mặt bèn gọi tên, còn gọi đủ cả tên lẫn họ. Trong thời cổ, điều này nhất định không thể được! Kẻ phạm tội mới gọi cả tên lẫn họ. Bình thường kêu tên chỉ có hai hạng người có thể kêu, thứ nhất là cha mẹ, thứ hai là thầy. Người khác gọi chúng ta thì sao? Gọi tên tự. Khách sáo hơn thì gọi tên hiệu, chúng ta gọi Ngài là Liên Trì đại sư. Liên Trì là hiệu của Ngài, tôn kính Ngài [thì gọi bằng tên hiệu]. Chắc chắn Ngài chẳng thể tự xưng là Liên Trì, do trong quá khứ khiêm hư. Trước kia, ngay cả đế vương đối với bầy tôi cũng phải gọi tên tự của họ, cũng chẳng thể gọi tên thật! Nếu [bị vua chúa] gọi thẳng tên, tức là [kẻ bầy tôi ấy] đã phạm tội.

      (Tự) Mạt pháp hạ phàm.

      (末法下凡。

      (Tựa: Là phàm phu hạ căn đời Mạt Pháp).

      Ngài sanh trong thời đại Mạt Pháp. Pháp vận của Phật gồm ba thời kỳ: Chánh Pháp, Tượng Pháp, và Mạt Pháp. [Pháp vận của] mỗi vị Phật đều có ba thời kỳ, nhưng ba thời kỳ ấy dài ngắn không nhất định. Một mặt là do nguyện lực của từng vị Phật, mặt khác là do quả báo của chúng sanh. Chúng sanh có phước, pháp vận của Phật sẽ dài. Chúng sanh chẳng có phước báo, pháp vận của Phật bèn ngắn ngủi. Đấy là cách nói thông thường. Chánh Pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật – nói “Chánh Pháp” là kể từ sau khi đức Phật diệt độ – khoảng cách còn chưa xa, di giáo và giáo pháp thời đức Phật tại thế chẳng khác nhau, hết sức thuần chánh. Chúng ta gọi thời kỳ ấy là Chánh Pháp. Đến thời Tượng Pháp, thời gian ấy cách lúc Phật diệt độ đã xa, có kinh nói là một ngàn, có kinh nói là do phụ nữ xuất gia, Chánh Pháp bị giảm thiểu năm trăm năm, Chánh Pháp chỉ còn năm trăm năm. Chúng tôi cũng không bàn luận điều này, bất luận là năm trăm năm cũng được, mà một ngàn năm cũng xong, nói chung, chúng ta nay đang sống trong thời kỳ Mạt Pháp. Tượng Pháp là một ngàn năm, tức là một ngàn năm thứ hai sau khi đức Phật diệt độ, cách Phật đã xa. Pháp càng lưu truyền càng sai ngoa, truyền lâu ngày đã bị biến chất, đấy là đạo lý nhất định. Vì truyền lâu ngày, có nhiều ý kiến của người khác xen vào, chẳng thuần nữa. Tuy chẳng thuần, vẫn tương tự, vẫn giống. Đến thời kỳ Mạt Pháp, sau khi Phật diệt độ đã hai ngàn năm, tức là một ngàn năm thứ ba. Thời kỳ ấy gọi là Mạt Pháp. Mạt Pháp dài một vạn năm. Do vậy, pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật tổng cộng là một vạn hai ngàn năm. Thời kỳ Mạt Pháp cách Phật càng xa. Nói cách khác, so với Tượng Pháp càng sai khác hơn nhiều. Chiếu theo sách vở Trung Quốc ghi chép từ xưa đến nay, kể từ Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ đến nay là ba ngàn lẻ mười hai năm. Trong Hư vân Lão Hòa Thượng Niên Phổ có khảo chứng, dựa theo những ghi chép xa xưa của Trung Quốc, Thích Ca Mâu Ni Phật xuất sanh nhằm năm Giáp Dần (1027 trước Công Nguyên) đời Châu Chiêu Vương, tính từ niên đại ấy,

Thích Ca Mâu Ni diệt độ cách hiện tại ba ngàn lẻ mười hai năm[5].

      (Diễn) Mạt Pháp đối Chánh Tượng ngôn.

      (末法對正像言。

      (Diễn: Mạt Pháp là đối với Chánh Pháp và Tượng Pháp mà nói).

      Đối ứng với Chánh Pháp và Tượng Pháp để nói.

      (Diễn) Chánh giả, chứng dã. Dĩ Hiện Lượng Trí, chứng Thật Tướng Lý, sơ nhất thiên niên, hữu giáo hành lý quả, cố viết Chánh dã.

      (正者,證也,以現量智,證實相理。初一千年,有教行理果,故曰正也。

      (Diễn: Chánh là chứng. Dùng Hiện Lượng Trí để chứng Thật Tướng Lý, trong một ngàn năm thứ nhất có giáo, hành, lý, quả, nên nói là Chánh).

      Phật pháp hết sức viên mãn, hết sức đầy đủ, có giáo pháp, hành pháp, lý pháp và quả pháp. Trong thời đại Chánh Pháp, người chiếu theo Phật pháp tu hành chứng quả hết sức nhiều. Hiện Lượng Trí là gì? Hiện Lượng là đối với Tỷ Lượng mà nói. Hiện Lượng là hiện tiền, tức là trí huệ do ta đích thân chứng được. Trí huệ chân thật chứng đắc lý Như Như[6] của vũ trụ và nhân sinh, hiện thời gọi là “chân lý”; trong Phật pháp gọi [chân lý ấy] là Thật Tướng. Thật Tướng là tướng chân thật. Nay chúng ta thấy hết thảy tướng chẳng phải là tướng chân thật, mà là tướng hư vọng. Tướng chân thật rốt ráo là như thế nào? Nói xuyên suốt thì tướng chân thật và tướng hư vọng không khác nhau, là một. Đã là một, vì sao có chân và vọng? Nếu chúng ta dùng chân tâm, sẽ thấy cảnh giới hiện tại là tướng chân thật. Nếu dùng vọng tâm, sẽ thấy cảnh giới bên ngoài là tướng hư vọng. Tướng chuyển theo tâm, đạo lý là như vậy đó. Chân tâm là tâm chẳng sanh chẳng diệt. Tâm có sanh và diệt là vọng tâm. Trong vọng tâm có sanh diệt. Chân tâm và vọng tâm chúng ta đều có đủ; không có chân, làm sao có vọng? Vọng do chân mà khởi. Chân tâm là cái tâm thanh tịnh của chúng ta. Nay chúng ta dùng pháp môn Niệm Phật cầu nhất tâm bất loạn; nhất tâm bất loạn là chân tâm của chính mình. Chân tâm của chúng ta chẳng thể hiện tiền, vì sao? Vọng niệm quá nhiều! Vọng niệm quá nhiều thì gọi là vọng tâm. Do vậy, pháp môn Niệm Phật nhằm khôi phục chân tâm của chúng ta. Nếu chúng ta khôi phục chân tâm, quý vị sẽ thấy cảnh giới trước mắt là Thật Tướng.

      Thật Tướng rốt ráo là như thế nào? Thật Tướng: Tướng bên ngoài cũng bất sanh, bất diệt, mầu nhiệm đến cùng cực! Quý vị nói: Tôi không tin tưởng! Rành rành là có sanh diệt, sao lại nói bất sanh, bất diệt? Thưa quý vị, bất sanh bất diệt là thật, sanh diệt là giả! Do tâm quý vị sanh diệt, quý vị thấy tướng bên ngoài là tướng sanh diệt. Nếu tâm quý vị chẳng sanh diệt, sẽ thấy tướng bên ngoài là tướng chẳng sanh diệt. Đây rốt ráo chẳng phải là cảnh giới hiện tiền của chúng ta, chúng ta không có cách nào lý giải được! Nhưng chúng ta có thể dùng tỷ dụ để giảng rõ. Không thể tỷ dụ khít khao được, chỉ có thể dựa theo tỷ dụ để suy tưởng. Ví như chúng ta dùng một tấm gương để soi cảnh giới bên ngoài, tấm gương bất sanh bất diệt, những tướng hiện bóng trong gương cũng bất sanh bất diệt. Điều này dễ hiểu. Nếu chúng ta dùng máy chiếu phim [để tỷ dụ] thì ống kính đóng mở, đóng mở là nó có sanh diệt, chiếu tướng cảnh giới bên ngoài, tướng ấy cũng là tướng sanh diệt. Quý vị thấy cuộn phim gồm nhiều tấm. Nay chúng ta dùng cái tâm vọng tưởng, cái tâm suốt ngày từ sáng đến tối tưởng Đông nghĩ Tây giống như ống kính của máy chụp hình đóng mở không ngừng. Do vậy, thấy tướng cảnh giới bên ngoài là tướng sanh diệt. Tâm chúng ta không thể giống như tấm gương, khi nào chúng ta đắc nhất tâm bất loạn, trong Duy Thức gọi nhất tâm bất loạn là Đại Viên Kính Trí. “Viên” (圓) là viên mãn, “đại” (大) là rộng lớn, [Đại Viên Kính là] giống như một tấm gương [rộng lớn]. Gương chẳng có sanh diệt, soi tỏ y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, hết thảy muôn tướng cũng là bất sanh bất diệt. Đạt đến cảnh giới ấy, trong kinh Phật thường bảo là quý vị đã chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. “Pháp” (法) là hết thảy vạn pháp, “Vô Sanh” (無生) là hết thảy vạn pháp bất sanh, bất diệt, “Nhẫn” (忍) là đồng ý, thừa nhận. Tôi tự mình thấy, đức Phật nói bất sanh, bất diệt, tôi đồng ý, tôi thừa nhận. Vậy là cảnh giới của quý vị và cảnh giới của Phật chẳng khác! Đã chẳng khác thì quý vị cũng thành Phật, cảnh giới Phật đấy nhé! Quý vị đạt đến cảnh giới ấy sẽ gọi là “thành Phật”. Nay chúng ta tu pháp môn này tức là tu pháp môn thành Phật. Đấy là nói “Hiện Lượng Trí chứng Thật Tướng Lý”, Lý (理) là chân lý.

     

      (Diễn) Tượng giả, tự dã.

      (像者,似也。

      (Diễn: Tượng là tương tự).

      Đây chẳng phải là chân thật, chỉ tương tự.

      (Diễn) Dĩ Tỷ Lượng Trí, y hy kiến đạo, phảng phất, bất chân. Đệ nhị thiên niên, hữu giáo, hành, lý, nhi vô quả chứng, cố viết Tượng dã.

      (以比量智,依稀見道,彷彿不真。第二千年,有教行理,而無果證,故曰像也。

      (Diễn: Dùng Tỷ Lượng Trí [để lãnh hội Phật pháp], thấy đạo ít ỏi, [Phật pháp trong thời này] hơi giống [với thời Chánh Pháp], chứ không thật. Trong một ngàn năm thứ hai, có giáo, hành, lý, nhưng không có chứng quả, cho nên gọi là Tượng).

      Thời đại Tượng Pháp là một ngàn năm thứ hai [sau khi đức Phật diệt độ]. Người chứng quả ít ỏi, có tu hành, nhưng không có cách nào chứng quả. Quả được nói ở đây thông thường là nói tới Tứ Quả La Hán. Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả còn có thể chứng đắc, nhưng không có ai chứng được Tứ Quả La Hán. Đấy là trong thời Tượng Pháp. Thời Chánh Pháp, người chứng A La Hán rất nhiều. Thời Tượng Pháp, người chứng A La Hán rất ít. Do vậy, trong thời Tượng Pháp, chúng ta thấy có Tam Quả thánh nhân, rất ít thấy Tứ Quả La Hán. Trừ những bậc tái lai ra, người thật sự tu hành mong chứng quả A La Hán chẳng dễ dàng đâu nhé!

      (Diễn) Mạt Pháp tắc không đằng tự lượng[7], duy thượng đấu tranh, đồ hữu giáo lý, nhi vô hành quả, cố viết Mạt dã.

      (末法則空騰似量,唯尚鬥爭,徒有教理而無行果,故曰末也。

      (Diễn: Mạt Pháp thì tưng bừng so đo bằng tri kiến lệch lạc của chính mình, chỉ chuộng tranh chấp, chỉ có giáo lý, nhưng không có người hành và chứng quả, nên gọi là Mạt).

     

Mạt Pháp là thời đại hiện tại. Chiếu theo cách nói của Trung Quốc, hiện thời là một ngàn năm thứ hai của thời Mạt Pháp. Thích Ca Mâu Ni Phật đã diệt độ ba ngàn lẻ mười hainăm, Chánh Pháp một ngàn năm, Tượng Pháp một ngàn năm, Mạt Pháp đã hơn một ngàn năm, chúng ta thuộc một ngàn năm thứ hai của thời Mạt Pháp. Liên Trì đại sư cách chúng ta năm trăm năm. Năm trăm trước đây, Ngài là người sống vào cuối đời Minh. Khi ấy đã là thời Mạt Pháp, nói cách khác, đã từng là thời “đấu tranh kiên cố”. Tuy là đấu tranh kiên cố, nhưng so với hiện tại, vẫn tốt hơn rất nhiều. Trong thời ấy, tự viện, tùng lâm còn có mấy trăm người cùng tu. Trong tự viện hiện thời, hai người ở với nhau đã tranh chấp, đấu tranh kiên cố. Do vậy, chẳng những cảnh giới Hiện Lượng không có, mà ngay cả Tỷ Lượng cũng chẳng thể bàn tới.

      Khoa học kỹ thuật phát đạt, thuật ấn loát tiến bộ, lưu thông kinh Phật tiện lợi hơn xưa kia rất nhiều. Thuở ấy, Liên Trì đại sư muốn đọc một bộ kinh, phải chép tay, chẳng có bản ấn loát. Hiện thời chúng ta chẳng cần phải tốn sức, chẳng cần phải chép kinh. Thuật ấn loát phát đạt có chỗ nào tốt đẹp hay chăng? Có chỗ tốt đẹp, nhưng thói tệ càng lớn! Trước kia chúng ta không biết, chứ hiện thời biết rồi, có kinh điển ngụy tạo, chú giải lệch lạc ý nghĩa kinh! Hiện thời có rất nhiều ngoại đạo dựa hơi Phật giáo, treo chiêu bài Phật giáo, nhưng bên trong là ngoại đạo, bảo thuyết của ngoại đạo là Phật giáo, thật ra, bên trong hoàn toàn chẳng phải là Phật giáo. Họ cũng đọc kinh Phật, tụng Kim Cang, Tâm Kinh, nhưng những lời chú giải toàn là nói nhăng, nói cuội, những thứ “kinh điển” ấy hiện thời được lưu thông rộng rãi. Vì sao chúng được lưu thông với số lượng lớn ngần ấy? Tín đồ của họ đông dường ấy? Thật ra, những thứ đó toàn là yêu ma, quỷ quái. Yêu ma quỷ quái thông hiểu Tâm Lý Học, nắm được những nhược điểm trong tánh tình con người; bởi lẽ, con người luôn thích tiện nghi, khoái nhất là không phải tu mà vẫn chứng quả. Lũ yêu ma quỷ quái ấy nói: “Được rồi! Tôi dạy quý vị niệm một bài chú, dạy quý vị pháp thuật, quý vị vừa học sẽ thành tựu; cách ấy nhanh chóng, chẳng cần phải đoạn Hoặc, quá thuận tiện!” Do vậy, đạo của chúng được lưu truyền rộng rãi.

      Chánh pháp dạy quý vị theo quy củ, mà không có ai chịu tiếp nhận. Ở Trung Quốc là như vậy mà ở ngoại quốc lại càng là như vậy. Do vậy, chúng ta thấy trong thế gian này, mười phần hết bảy tám phần là ngoại đạo dựa hơi Phật giáo. Hiện tượng chẳng tốt đẹp này, nếu chiếu theo cổ thư Trung Quốc ghi chép, chính là điềm báo trước đại kiếp nạn. Sách Tả Truyện ghi: Nước nhà sắp mất, nhất định có yêu ma quỷ quái làm loạn. Những thứ ngoại đạo dựa dẫm Phật giáo đều là yêu ma quỷ quái, nhận định về yêu ma quỷ quái như thế nào? Sách Tả Truyện viết: “Nhân khí thường, tắc yêu hưng” (Con người vứt bỏ lẽ thường thì yêu quái nổi lên), “thường” là bình thường, đúng mực. Không đi theo đường lối đúng đắn, yêu ma quỷ quái bèn hiện tiền. Do vậy, yêu quái chẳng phải là mặt xanh, nanh chĩa! Thấy những thứ ấy quý vị hoảng hồn, làm sao thân cận chúng nó cho được? Chúng chẳng đi theo “thường đạo”, chẳng tu chánh pháp, đi theo ngã dị đoan, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này!

      “Thường đạo” là gì? Dị đoan là gì? Phân biệt như thế nào? Chúng tôi nghĩ mọi người rất quan tâm chuyện này. Quý vị có thể phân biệt, yêu ma quỷ quái dẫu nhiều, quý vị cũng đừng sợ chúng, vì sao? Quý vị nhận biết thì chúng chẳng thể gạt gẫm quý vị; sợ là quý vị không nhận biết chúng! Cách phân biệt đơn giản nhất là: Hễ là chánh pháp, điều thứ nhất là phải dạy quý vị tin vào chính mình, chẳng tin tưởng nơi những sức mạnh quái đản, lạ lùng. Điều thứ nhất là phải tin tưởng chính mình, điều thứ hai là tin Phật; đấy là lời Phật dạy. Nếu điều thứ nhất là phải tin thần, tin tưởng Phật rồi kế đó mới tin vào chính mình, đó chính là ma thuyết, là điên đảo. Phật và thần được đưa ra như là oai quyền bậc nhất thì là ngoại đạo. Chúng ta nhất định phải phân biệt điều này.

      Tiếp đó, chánh pháp dạy quý vị là “y pháp, bất y nhân”. Pháp là gì? Kinh điển. Nhân là gì? Là người giảng, là người chú giải, ta chẳng nương theo. Chúng ta lấy kinh làm chủ, chúng ta nghiên cứu chú giải, dựa theo chú giải của cổ nhân. Chúng ta chẳng nương theo chú giải của người đời nay. Vì sao? Chẳng đáng tin cậy, chưa trải qua sự thử thách của lịch sử. Chẳng hạn như bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư đã được lưu truyền năm trăm năm; trong năm trăm năm ấy, bao nhiêu bậc cao minh đã xem qua, công nhận tác phẩm này chẳng có vấn đề, chúng ta có thể tin tưởng. Nếu trong ấy có khuyết điểm, nó đã sớm bị đào thải rồi! Vì thời ấy, thuật ấn loát chưa thuận tiện, cần phải chép tay. Bản khắc gỗ là phải khắc từng chữ một, rất tốn công sức. Nếu chẳng phải là thứ chân chánh, ai chịu bỏ tiền [khắc in]? Ai bằng lòng lưu thông thứ ấy? Do vậy, lịch sử làm chứng cho chúng ta, chứng minh những gì Ngài nói là chân thật, chẳng phải là hư vọng. Phàm những thứ gì càng lâu xa, càng đáng tin cậy; văn chương cũng giống như thế. Phàm những thứ được lưu truyền là những thứ tốt đẹp. Ví như Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên là những đại văn học gia đời Đường, một đời họ đã viết không biết bao nhiêu văn chương, những thứ hay nhất được lưu truyền, những thứ dở hơn đều bị bỏ đi. Vì sao? Không có ai muốn lưu thông. Do vậy, những thứ ấy càng cổ xưa càng chân thật, càng có giá trị. Vì thế, tôi khuyên các vị hãy bớt xem những thứ văn chương của người hiện thời.

      Thật ra, văn chương Văn Ngôn không khó! Bí quyết để học văn Văn Ngôn là đọc tụng, phải đọc thường xuyên. Trước kia, trẻ nhỏ học thuộc lòng, có thể học thuộc năm mươi hay một trăm bài cổ văn, chướng ngại văn tự sẽ chẳng còn nữa. Hiện tại, chúng ta có cần phải đọc Cổ Văn Quán Chỉ hay chăng? Thưa quý vị, không cần! Quý vị niệm kinh này là được rồi. Thiên văn chương này của Liên Trì đại sư là một bài văn chương Văn Ngôn rất đơn giản, mà cũng là văn chương hay nhất. Quý vị đọc bộ sách này, đọc hằng ngày, đọc suốt ba năm, sẽ thông thạo văn chương Văn Ngôn. Mỗi ngày đọc mấy đoạn, chẳng cần phải đọc những thứ khác. Không chỉ thông đạt văn chương Văn Ngôn, mà còn thông đạt kinh văn; một hành động không chỉ đạt được hai thứ, mà còn đạt nhiều thứ. Vì sao? Giáo, lý, hành, quả cũng đều có thể đạt được, có thể đắc nhất tâm là chứng quả. Đó là chánh pháp.

      Tiếp đó, tà - chánh được phân biệt bởi cái tâm thanh tịnh. Phàm là chánh pháp, sẽ dạy quý vị bất luận trong cảnh giới nào, thuận cảnh cũng thế, mà nghịch cảnh cũng vậy, thường giữ cho cái tâm của chính mình thanh tịnh. Đó là chánh pháp. Nếu nó khiến cho cái tâm của quý loạn cào cào, đó là tà pháp, chẳng phải là chánh pháp. Chánh pháp nhất định lấy Thiền Định làm cương lãnh. Nói “tám vạn bốn ngàn pháp môn” thì “pháp” (法) là phương pháp, “môn” (門) là “môn kính” (門徑: đường lối). Phương pháp, mánh khóe nhiều ngần ấy đều nhằm tu Định. Nói cách khác, đều là tu tâm thanh tịnh. Phương pháp Niệm Phật này là một trong tám vạn bốn ngàn phương pháp, chúng ta dùng phương pháp này để tu tâm thanh tịnh. Nhất tâm bất loạn là Thiền Định, không chỉ là Thiền Định, mà còn là Thiền Định cao cấp, Thiền Định thượng thượng. Trong phần trước, tôi đã có nói: Thiền Định khó tu, khó thành! Phương pháp Niệm Phật thì được! Quả thật là có thể tu thành tựu. Công phu niệm Phật có ba đẳng cấp, công phu bước đầu là công phu thành phiến, giai đoạn này chưa đắc Thiền Định, mà là Tương Tự Định. Niệm đến Sự nhất tâm bất loạn là Thiền Định, gọi là Niệm Phật tam-muội. Niệm đến Lý nhất tâm bất loạn là thượng thượng Thiền Định. Cùng một phương pháp, cảnh giới dần dần nâng cao lên, đó là chánh pháp. Nếu cách hành trì nào khiến cho tâm hoảng loạn, hoặc dấy lên hoài nghi, chẳng cần biết nó tốt đẹp như thế nào, đều là ma đến nhiễu loạn, quyết định chẳng thể nghe theo!

      Mấy hôm rồi có đồng học đến hỏi tôi: Trong nhà thờ tượng Phật, tượng Bồ Tát, đặt ở vị trí ấy, có người đến nói với ông ta, như thế này cũng chẳng đúng, như thế kia cũng chẳng đúng. Rốt cuộc phải làm thế nào? Đó là ma đến nhiễu loạn. Thờ phụng tượng Phật, tượng Bồ Tát, bất luận là ai cũng chắc chắn là cát tường. Thế nhưng cách cúng dường như thế nào thì nhất định phải hiểu. Thờ Phật có hai ý nghĩa trọng yếu:

1) Thứ nhất là thời thời khắc khắc nhắc nhở chính mình phải có tâm cung kính, điều này rất trọng yếu. Tâm cung kính là biểu hiện của Tánh Đức. Trong khóa tụng, quý vị thường đọc “nhất thiết cung kính” (hết thảy cung kính), chúng ta đối với người, đối với sự, đối với vật có phải là chí thành, cung kính hay chăng? Nếu chí thành, cung kính, người ấy là Phật, là Bồ Tát. Phật, Bồ Tát đối với người, đối với vật, đối với sự đều chí thành, cung kính. Phàm phu khác với Phật, Bồ Tát; phàm phu đối với người, sự, vật chẳng cung kính. Chư Phật, Bồ Tát đối với người, sự, vật cung kính, quyết định là bình đẳng, thanh tịnh, chẳng có cao, thấp, chẳng có ta thích người này, ta cung kính họ một chút, hoặc người kia là bề trên, là thân thích của ta, ta cung kính họ một chút. Kẻ nọ là oan gia đối đầu của ta, ta căm hận hắn, ta còn cung kính hắn hay sao? Đấy là phàm phu! Phật, Bồ Tát không như vậy, Phật, Bồ Tát cung kính hết thảy, chẳng có phân biệt. Do vậy, chúng ta thờ tượng Phật là vì chúng ta cung kính Phật. Do cung kính Phật, bèn lập tức nghĩ: “Ta phải cung kính hết thảy chúng sanh, phải cung kính hết thảy vạn vật”. Chẳng riêng gì Phật pháp nói như thế, mà ngay cả pháp thế gian cũng nói như thế.

      Căn bản pháp luân của Phật pháp là kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm đến phần tổng kết cuối cùng là mười đại cương lãnh tu hành, tức mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát. Nguyện thứ nhất là “lễ kính chư Phật”. Đương nhiên chúng ta trông thấy chư Phật phải cung kính, nhưng thấy người khác chẳng phải là Phật thì quý vị đã sai rồi! Kinh dạy: “Nhất thiết chúng sanh bổn lai thành Phật” (Hết thảy chúng sanh vốn sẵn thành Phật). Do vậy, đối với mỗi một chúng sanh, quý vị đều phải cung kính giống như Phật. Đó là ý nghĩa thứ nhất trong việc thờ Phật, đó gọi là chân cúng dường. Lẽ đâu thờ một bức tượng Phật chẳng đại cát, đại lợi?

      2) Ý nghĩa thứ hai là báo ân. Phật là vị thầy bậc nhất của chúng ta. Chúng ta ngày nay có thể đạt lợi ích thù thắng nơi pháp, chúng ta đừng quên vị thầy căn bản. Do vậy, chúng ta thờ Phật, đừng nên coi Ngài như một vị thần, hãy coi Ngài như một vị thầy, giống như chúng ta thường thờ tổ tiên. Đấy là truy ngược lại nguồn gốc để báo đáp. Vì vậy, thờ Phật có hai ý nghĩa hết sức trọng yếu.

      Kế đó, trông thấy tượng Phật bèn hiểu chính mình cũng là Phật. Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, đó là cô phụ linh tánh của chính mình, chẳng xứng đáng với chính mình. Chúng ta chẳng suy nghĩ loạn xạ, sẽ là Phật. Chúng ta suy nghĩ tán loạn, bèn là phàm phu. Do vậy thành Phật hay thành phàm phu là do trong một niệm của chính mình. Chính mình chẳng khởi vọng tưởng thì là Phật, Bồ Tát. Thế nhưng chúng ta cũng rất muốn không khởi vọng tưởng, mà vọng tưởng cứ dấy lên mãi, không làm sao được! Đấy là do chính mình có nghiệp chướng, tiêu trừ nghiệp chướng như thế nào? Đấy cũng là một câu hỏi lớn. Có người muốn mau chóng tiêu trừ nghiệp chướng, quý vị có cái tâm ấy, có nguyện vọng ấy, có kẻ thừa cơ nói: “Ông hãy bỏ tiền cất cái miếu ấy, hoặc làm gì đó, nghiệp chướng sẽ tiêu trừ”. Quý vị hãy nghĩ xem, bỏ hết tiền ra, nghiệp chướng có tiêu trừ hay không? Trong hết thảy cảnh giới, ta thật sự một niệm chẳng sanh thì nghiệp chướng tiêu trừ. Quý vị suốt ngày từ sáng đến tối vẫn khởi vọng tưởng, nghiệp chướng chẳng tiêu trừ! Chẳng những không tiêu trừ, mà quý vị còn thấy nó tăng thêm chẳng ít, vì sao? Muốn làm thêm chuyện tốt, làm công đức, làm công đức bèn lại có chướng ngại, lại có phiền bực! Chẳng phải là quý vị lại tăng thêm cả đống vọng niệm ư? Do vậy, chẳng những nghiệp chướng không tiêu trừ, mà ngược lại còn tăng trưởng chẳng ít nghiệp chướng; đấy cũng là ma đến nhiễu loạn.

       Phật pháp dạy quý vị bố thí, bố thí là gì? Là vứt bỏ vọng niệm của chính mình. Quý vị có tiền, tiền là chướng ngại, vì sao? Có tiền bỏ vào ngân hàng lại sợ lợi tức ít, bỏ vào chỗ có tiền lời cao thì sợ chỗ đó sập tiệm, tâm quý vị bất an, vọng niệm nhiều quá, đấy là chướng ngại! Quý vị bỏ sạch hết tiền, chẳng cần đến nữa, thứ gì cũng đều bỏ, trong tâm chẳng có vướng mắc gì, đạo lý là như vậy đó. Bảo quý vị làm chuyện tốt, vẫn nghĩ ngợi: “Ta làm bao nhiêu công đức, ta làm bao nhiêu chuyện tốt”, đấy là trên chướng ngại chồng thêm chướng ngại, nghiệp chướng không tiêu được! Tâm mỗi ngày một thanh tịnh hơn chính là hiện tượng nghiệp chướng tiêu trừ. Tâm mỗi ngày một phiền não hơn, tức là nghiệp chướng tăng thêm. Hiểu nguyên lý và nguyên tắc, sẽ dễ dàng phân biệt Phật và ma. Có tiền quả thật sẽ khởi vọng tưởng thì bố thí vẫn là tốt đẹp hơn. Đấy là sự thật, chẳng giả tí nào!

      (Diễn) Tứ giáo các hữu nội ngoại phàm.

      (四教各有內外凡。

      (Diễn: Trong bốn giáo, mỗi giáo đều có nội phàm và ngoại phàm).

      “Tứ giáo” là Tạng, Thông, Biệt, Viên, Thiên Thai đại sư nói như vậy. Nói đến phàm phu thì có nội phàm và ngoại phàm. Ngoại phàm giống như chúng ta hiện thời là ngoại phàm. Chữ “nội phàm” chỉ những ai? Phàm những ai chưa kiến tánh, nhưng đã đắc Thiền Định thì gọi là “nội phàm”, như A La Hán, Quyền Giáo Bồ Tát đều được coi là nội phàm. Đã kiến tánh thì mới là Bồ Tát thật sự. Lấy công phu Niệm Phật để nói, công phu thành phiến là nội phàm, công phu chưa thành phiến là ngoại phàm. Lý nhất tâm bất loạn mới gọi là thánh nhân, chẳng phải là phàm phu. Như vậy là công phu có nhiều tầng lớp.

      (Diễn) Nhược nãi vị thông tứ giáo, bác địa phàm ngu, danh hạ phàm dã.

      (若乃未通四教,博地凡愚,名下凡也。

      (Diễn: Nếu chưa thông hiểu tứ giáo, là hạng phàm ngu sát đất thì gọi là “hạ phàm”).

      Đây là Liên Trì đại sư khiêm hư! Giống như trình độ của chúng ta trong hiện thời quả thật là phàm phu, là “hạ phàm” danh đúng với thật. [Liên Trì đại sư tự nhận là] hạ phàm mà có thể viết ra một bộ chú giải như thế này, quá khiêm hư, quá khách sáo, Ngài tuyệt đối chẳng phải là hạ phàm. Dưới đây, Ngài khách sáo mấy câu như “cùng tưu vãn học” (kiến giải hết sức lệch lạc, học muộn), xin xem chú giải.

      (Sớ) Cùng tưu vãn học.

      (Diễn) Tưu giả, thiên ngung giả, cùng, cực dã.

(窮陬晚學

      (陬者,偏隅也。窮,極也。

      (Sớ: Kiến giải lệch lạc tột cùng, học Phật muộn màng.

Diễn: “Tưu” là lệch về một góc, “cùng” là tột bậc).

      Có ý nghĩa như thế này: Kiến giải của chính mình chẳng viên mãn, kiến thức rất nông cạn, sai sót, thiếu học vấn, thiếu tu trì, thiếu đức hạnh. [Những điều này] đều là [Liên Trì đại sư] nói khách sáo.

      (Diễn) Thử phương tại Diêm Phù Đề chi cực Đông, cố danh Chấn Đán quốc.

      (此方在閻浮提之極東,故名震旦國。

      (Diễn: Phương này ở phía cực Đông của châu Diêm Phù Đề, nên gọi là nước Chấn Đán).

Thời đại của Liên Trì đại sư, [người ta] còn chưa biết trái đất hình tròn, nhưng người chân chánh học Phật đều biết, nhưng không nói. Nói ra sẽ chuốc lấy phiền phức, vì sao? Mọi người không tin! Vì sao người học Phật biết? Vì trong Phật pháp nói tới mười phương thế giới, nói Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phương bàng, trên, dưới. Trong mười phương đã có thế giới thì đương nhiên là chúng ta ở giữa hư không. Nếu chẳng ở giữa hư không, làm sao có mười phương thế giới? Vì vậy, đức Phật đã sớm nói rõ, nhưng không nói rất rõ rệt, người thông minh nghe nói sẽ nhận biết. Chữ “Diêm Phù Đề” (Jambudvīpa) chỉ quả địa cầu của chúng ta. Do [Trung Hoa] ở phương Đông, nên gọi là Chấn Đán. Phương Đông là Chấn [trong Bát Quái]. Mặt trời mọc từ phương Đông; do vậy, trong quá khứ, người Tây Vực gọi Trung Quốc là Chấn Đán (Cīnasthāna).

(Diễn) Đại sư nhất sanh tự cư học địa, bất cảm dĩ tiên bối tự xử, cố xưng vãn học.

      (大師一生自居學地,不敢以先輩自處,故稱晚學。

(Diễn: Đại sư cả đời tự coi mình thuộc địa vị học trò, chẳng dám tự xưng là người thuộc lớp trước [so với người khác], vì thế xưng là kẻ học sau).

      Xưng “vãn học” là nói khiêm hư, “học địa” là học sinh. Suốt đời, Ngài tự coi mình là đứa học trò mới học, trọn chẳng dám dùng thân phận thầy giáo đối với người khác. Do vậy, xưng là “vãn học”. Đại sư”: Trong nhà Phật gọi đức Phật là đại sư, Bồ Tát cũng chẳng thể gọi [là đại sư]. Bồ Tát được gọi là “đại sĩ” như Quán Âm đại sĩ. Hiện thời, các pháp sư xưng là đại sư, hết sức thiếu khiêm hư. Liên Trì đại sư tự xưng là “hạ phàm”, hoặc xưng là “vãn học”. Cổ đại đức thật sự tu hành chứng quả, xưng là “đại sĩ”; tại gia cư sĩ cũng có thể xưng như vậy, như Phó đại sĩ. Đối với người thế gian, có học vấn thế gian, giống như họa sĩ, nhạc sĩ, người ta gọi họ là “đại sư” thì được. Đó là cách xưng hô trong thế gian, chẳng phải trong cửa Phật. Phàm là đối với pháp sư trong Phật môn, đối với cư sĩ đã chính thức quy y Tam Bảo, chẳng thể xưng là “đại sư”. “Khai sĩ” là người đã khai ngộ, đây là tiếng xưng hô bậc Bồ Tát. “Đại sĩ” dịch từ chữ Ma Ha Tát, Đại Bồ Tát được gọi là “đại sĩ”, là bậc Bồ Tát đã đăng địa (chứng từ Sơ Địa trở lên). Các vị pháp sư dịch kinh trải các đời ở Trung Quốc được gọi là Tam Tạng Pháp Sư, chẳng gọi là đại sư. Do vậy, người xuất gia chẳng thể xưng là đại sư, đó là tiếm việt (lấn lướt, quá phận).

      Trong Thiền Tông xưng là “thiền sư”. Thầy của các vị đế vương thời cổ gọi là “quốc sư”, đều chẳng thể xưng là “đại sư”, chỉ có tổ sư Tịnh Độ Tông có thể xưng là “đại sư”, điều này rất đặc biệt. Vì sao? Quý vị phải hiểu: “Đại sư” là Phật, nếu quý vị gặp được “đại sư”, đời này nhất định chứng quả, nhất định thành tựu. Nói cách khác, nếu quý vị gặp được tổ sư Tịnh Độ Tông, mà có thể tin nhận, phụng hành, đời này nhất định vãng sanh thế giới Tây Phương. Vãng sanh thế giới Tây Phương là thành Phật, vị ấy có thể xưng là “đại sư”, chẳng khác gì Phật. Do vậy, tổ sư Tịnh Độ Tông được gọi là “đại sư”.

      Tổ sư Tịnh Độ Tông do đâu mà có? Chẳng phải là đời này truyền cho đời kia như Thiền Tông Trung Quốc, Đạt Ma tổ sư là đời thứ nhất, Huệ Khả là đời thứ hai. Họ có sư thừa (thầy truyền cho trò), từ đời này truyền xuống cho đời kia. Tịnh Độ Tông không có, tổ sư Tịnh Độ Tông là do “dân tuyển”, chẳng phải là thế tập. Cả đời vị ấy tu hành hoằng hóa, có công lao thù thắng đối với Tịnh Độ được mọi người công nhận. Do vậy, Ngài chẳng phải là kế thừa một cá nhân nào! Nếu đời nào không có người như vậy, đời ấy không có [tổ sư Tịnh Độ Tông]. Ví như vị tổ sư thứ nhất của Tịnh Độ Tông và vị tổ sư thứ hai cách nhau mấy trăm năm, trong mấy trăm năm không có ai. Vị tổ sư đời thứ nhất là ngài Huệ Viễn triều Tấn, Ngài là người đề xướng pháp môn Niệm Phật đầu tiên, kiến lập liên xã tại Lô Sơn, tỉnh Giang Tây. Thuở ấy, những người cùng niệm Phật với Ngài gồm một trăm hai mươi ba người, ai nấy đều vãng sanh, là một trang thù thắng nhất trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Vị tổ sư đời thứ hai là Thiện Đạo đại sư đời Đường, trong mấy trăm năm không có người thứ hai giống như vậy xuất hiện. Cận đại có Ấn Quang đại sư, mọi người công nhận Ngài là tổ sư đời thứ mười ba của Tịnh Độ Tông, do vậy, Ngài được tôn xưng là đại sư. Ở đây nói: “Đại sư suốt đời coi mình thuộc địa vị học trò”, đối với vị tổ sư một đời của Tịnh Độ Tông có thể gọi là “đại sư”, chứ đối với những người khác chẳng thích hợp cho lắm. Đây cũng là điều mọi người chúng ta nên biết.

      (Tự) Võng thông huyền lý, tố bỉ không đàm, họa bính hà ích cơ trường, Yên thạch nan vu cổ mục.

      (罔通玄理,素鄙空談,畫餅何益饑腸,燕石難誣賈目。

      (Tựa: Chẳng thông lý diệu huyền, trọn thẹn bàn suông, bánh vẽ ích gì cho bụng đói, đá non Yên khó lừa mắt lái buôn [sành sõi]).

      Những điều này đều có điển cố.

      (Diễn) Võng thông huyền lý, vị vị năng thật khế diệu tâm.

      (罔通玄理,謂未能實契妙心。

      (Diễn: “Chẳng thông lý huyền diệu”, ý nói: Chưa thể thật sự khế hợp diệu tâm).

      “Võng thông” là chưa thông. “Huyền lý” là những lý huyền diệu sâu xa nhất trong Phật pháp. “Diệu tâm” là chân tâm, mà cũng là nhất tâm bất loạn như kinh này chủ trương, [Liên Trì đại sư] đặc biệt nói: Chưa thể chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn, chưa chứng đắc! Ngài có phải là  chứng đắc hay không, hay chỉ khiêm hư nói chưa chứng đắc? Điều này rất khó nói! Nói nghiêm ngặt, chưa thể chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn, sẽ không thể viết ra bộ chú giải này. Do vậy, những lời nói này vẫn là lời lẽ khiêm hư, khách sáo.

      (Diễn) Không đàm, tức y thông Thiền khách, văn tự học nhân, thính kỳ ngôn dã, siêu hiền thánh chi tiền. Kê kỳ hành dã, lạc phàm dung chi hậu. Tố bỉ, vị bình tố tự bỉ.

      (空談,即依通禪客,文字學人。聽其言也,超賢聖之前;稽其行也,落凡庸之後。素鄙,謂平素自鄙。

      (Diễn: “Nói suông”: Tức là giống như những kẻ thông hiểu Thiền, những người học thông hiểu văn tự, nghe lời họ nói [cảm thấy] vượt trỗi bậc hiền thánh. Xét đến những gì họ làm, thua cả hạng phàm phu tầm thường! “Tố bỉ” nghĩa là tự khinh mình tầm thường).

      Ngài tự mình chẳng chịu bàn suông, đó là tự khinh mình, chứ không phải là khinh thường người khác. [Những điều được nói ở đây] cũng là hiện tượng thường thấy trong thời kỳ Mạt Pháp, tức là: Phật pháp ngoài cửa miệng; nói được, nhưng không làm được! Họ rất biết nói, đương nhiên những gì họ nói là cái học do hỏi han, ghi nhớ mà ra. Họ đọc nhiều, nghe nhiều, cũng thường hỏi người khác, [nên gọi] là “ký vấn chi học” (học thức có được do ghi nhớ và thưa hỏi), chằng phải là cảnh giới do chính mình đích thân chứng được. Đấy gọi là “không đàm” (bàn suông). Phật pháp quý nhất là thực chứng, nghĩa là tự mình thật sự chứng đắc. Nói “chứng đắc” thì “đắc” là gì? Tâm Kinh nói: “Vô trí, diệc vô đắc” (không trí mà cũng chẳng đắc), đấy gọi là “chứng đắc”. Chứng đắc gì? Chứng đắc “vô trí, diệc vô đắc”. Nếu quý vị có trí, có đắc, sẽ là chướng ngại. Lục Tổ nói rất hay: “Vốn chẳng có một vật, nào sợ nhuốm bụi trần”, đấy là nói về chân tâm. Chân tâm là nhất tâm, trong nhất tâm thứ gì cũng không có. Nếu có trí, có một vật, lại có đắc, tức là lại có thêm một vật nữa, tâm quý vị chẳng thanh tịnh. Khi nào, bản thân quý vị đạt đến “vốn chẳng có một vật”, sẽ thật sự chứng đắc. Ở đây gọi [cảnh giới ấy] là “thật khế diệu tâm”, thật” (實) là chân thật, “khế” (契) là khế hợp. “Diệu tâm” là chân tâm, quả thật “vốn chẳng có một vật”.

     Khi Lục Tổ chứng đạo, nói ra cảnh giới của chính mình: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn thanh tịnh”. Tự tánh là tự tâm, bổn tâm của chính mình là thanh tịnh. Hiện tại nó chẳng thanh tịnh là do chính mình gây ra, chẳng phải là người khác gây nên. Quý vị vốn chẳng có vọng niệm, hằng ngày tự mình khởi vọng tưởng, vậy thì còn có cách nào nữa đây? Chuyện ấy Phật, Bồ Tát chẳng thể giúp quý vị được, vì quý vị tự mình sanh vọng tưởng. Phật, Bồ Tát giúp đỡ chúng ta bằng cách nói cho chúng ta biết rõ ràng những nguyên tắc và nguyên lý, khiến cho chúng ta tự mình giác ngộ. Tâm ta vốn sẵn thanh tịnh, hóa thành suốt ngày tưởng Đông nghĩ Tây; cái suy tưởng ấy quả thật là vọng tưởng, vì quý vị nghĩ xem: Chẳng có thứ gì là chân thật, đều là giả. Vì sao biết chúng là giả? Vì cái tâm có thể suy tưởng ấy là giả, là pháp sanh diệt; niệm này sanh, niệm kia diệt. Kinh Kim Cang giảng về vọng tâm, bảo “tam tâm bất khả đắc”, quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc. Quý vị còn có suy tưởng gì nữa? Nếu “tưởng” là thật thì có thể tưởng, Phật cũng sẽ chủ trương, cũng bảo quý vị tưởng. Tưởng là giả, chẳng thật!

      Chân tâm ly niệm, chân tâm không có niệm. Niệm mà không có niệm được gọi là “chánh niệm”. Niệm mà có niệm thì gọi là “vọng niệm”, hoặc “vọng tưởng”. Ngàn kinh vạn luận nói tới đạo lý này, tám vạn bốn ngàn pháp môn đều nhằm khôi phục cái tâm thanh tịnh của chính mình. Phật pháp là như thế mà thôi! Do vậy, Phật pháp chẳng gạt người, Phật pháp câu nào cũng đều là chân thật. Lại thưa cùng quý vị, hết thảy tai nạn của chúng ta đều do vọng tưởng sanh ra. Nếu tâm địa thanh tịnh, tai nạn gì cũng đều chẳng có. Tâm thanh tịnh là tâm cát tường nhất. Trong tâm thanh tịnh có thể sanh ra trí huệ, tâm thanh tịnh có thể sanh ra vạn pháp. Do vậy, đức Phật dạy chúng ta khôi phục tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là Phật pháp. Tâm thanh tịnh là Vô Thượng Bồ Đề, Phật pháp thường gọi nó là “huyền lý”. Phàm những kẻ có cái học thức “ký vấn” thì chẳng phải là học thức thật sự, vì nó chẳng lưu lộ từ tâm thanh tịnh !

      Do điều này, học Phật nhất định phải có thiện xảo. Chẳng biết thiện xảo thì sao? Quý vị mỗi ngày đọc kinh, mỗi ngày nghe kinh, chẳng thể khai trí huệ! Quý vị đạt được một chút trí huệ cũng là cái học “ký vấn”, chẳng phải là trí huệ thật sự. Chẳng những không thể khai trí huệ, mà ngược lại còn hằng ngày tăng trưởng Sở Tri Chướng, phiền phức to! Người biết nghe phải nghe như thế nào? Nghe mà không nghe, không nghe mà nghe, quý vị sẽ khai trí huệ, ở đây gọi là “thật khế diệu tâm”. Đấy chính là như kinh Kim Cang đã nói: “Chẳng giữ lấy tướng, như như bất động”. “Chẳng giữ lấy tướng” chẳng phải là không cần tướng. Chẳng hạn như nay chúng ta đối trước kinh bổn, đó là tướng, tôi nói ở đây, quý vị nghe tại nơi ấy, đó là tướng. Đó là tướng tiếp xúc, tiếp xúc như thế nào? Chẳng chấp trước. Tôi đọc kinh, chẳng chấp tướng văn tự; tôi nghe giảng, chẳng chấp tướng ngôn thuyết. Trong tâm chẳng khởi vọng tưởng, ý niệm gì cũng chẳng có. [Nếu khởi lên ý nghĩ]: “Đoạn này giảng khá quá, đoạn kia giảng rất hay”, như vậy là hỏng bét, quý vị chấp vào tướng mất rồi!

      Chẳng chấp trước, quý vị có công phu ấy, bất luận người nào giảng kinh đều có thể nghe được, vì sao? Giảng rất hay, chẳng chấp tướng hay. Giảng thật tệ, chẳng chấp tướng tệ. Nói chung, chẳng chấp tướng sẽ là khéo nghe, là thật sự nghe. Trong cảnh giới này, quý vị rèn luyện điều gì? Rèn luyện nhất tâm bất loạn, đó là công phu thật sự. Do vậy, quý vị nghe xong, có khi hoát nhiên khai ngộ, ắt phải nghe như vậy thì mới có thể hoát nhiên khai ngộ. Nếu quý vị nghe xong, gật đầu: “Khá lắm! Hay quá!” Quý vị vĩnh viễn chẳng thể khai ngộ, quý vị là phàm phu, chẳng biết nghe. Người thật sự biết nghe cao minh lắm! Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát dạy chúng ta ba nguyên tắc: Chẳng chấp tướng ngôn thuyết, chẳng chấp tướng văn tự, chẳng chấp tướng tâm duyên. “Tâm duyên” là trong tâm suy tưởng, trong tâm khởi ý niệm. Chẳng khởi ý niệm là như kinh Kim Cang đã nói: “Chẳng chấp lấy tướng, như như bất động”. Đó gọi là tu hành chân chánh, là dụng công chân chánh.

      Nếu quý vị học được phương pháp này, chẳng những trong giảng đường nghe kinh là như vậy, mà quý vị đãi người, tiếp vật, trong hết thảy công việc đều như vậy. Chuyện gì cũng làm viên mãn, trong tâm thanh tịnh. Đó là sự nghiệp của Bồ Tát, chứ chẳng phải là bảo quý vị chuyện gì cũng đều chẳng làm, mà là chuyện gì cũng đều làm, nhưng thứ gì cũng thanh tịnh, thứ gì cũng chẳng chấp trước. Do vậy, Phật pháp chẳng lìa pháp thế gian. Pháp thế gian chính là Phật pháp. Trong Phật pháp và pháp thế gian, không có giới hạn. Hễ mê thì hết thảy gọi là pháp thế gian, vì sao? Đọa trong thế gian. Thế gian là mười pháp giới, có quá khứ, hiện tại, vị lai. Đó là Thế. Có hết thảy giới hạn, đó là Giới. Vì sao? Khởi tâm động niệm thì hết thảy pháp đều là pháp thế gian. Nếu thật sự có thể “chẳng chấp lấy tướng, như như bất động”, hết thảy pháp đều gọi là pháp xuất thế gian, không có một pháp nào là pháp thế gian. Do đây có thể biết: Thế gian và xuất thế gian cũng là do một niệm của chúng ta mê hay ngộ mà thôi! Hễ mê thì xuất thế gian biến thành thế gian, ngộ rồi, thế gian biến thành xuất thế gian.

      Lại thưa với quý vị, hễ ngộ thì xuất thế gian cũng chẳng có. Pháp thế gian không có, xuất thế gian còn do đâu mà có nữa đây? Thế gian và xuất thế gian là hai pháp; hai pháp chẳng phải là Phật pháp. Trong Đàn Kinh, sư Ấn Tông hỏi Lục Tổ: “Ngũ Tổ có giảng Thiền Định, giải thoát hay chăng?” Lục Tổ trả lời: “Thiền Định, giải thoát là hai pháp; hai pháp chẳng phải là Phật pháp. Phật pháp là pháp Bất Nhị”. Quý vị hãy khéo suy nghĩ đạo lý này rồi mới đọc bản kinh này, sẽ thấy thú vị. Đọc rồi sẽ khai ngộ. Quý vị đọc hiểu thì rất tốt! Đọc không hiểu, cũng chẳng sao! Không hiểu, chẳng cần phải mong hiểu! Vì quý vị suy tưởng, sẽ rớt vào vọng niệm, khởi vọng tưởng, đấy là vì quý vị có chướng ngại. Nếu không có chướng ngại, vừa đọc sẽ tự nhiên hiểu rõ, chẳng cần phải suy tưởng mới hiểu rõ. Đó là Ngộ. Do vậy, hễ ngộ thì hằng ngày đều có ngộ xứ; quý vị không suy tưởng mà vẫn hiểu rõ chuyện này, đó là ngộ xứ.

Làm thế nào để khai ngộ? Tâm càng thanh tịnh thì càng có thể khai ngộ. Tâm càng thanh tịnh thì phạm vi ngộ càng rộng lớn. Hễ chưa thể khai ngộ, đều là do vọng niệm quá nhiều, phiền não quá nặng. Phiền não và vọng tưởng đều là giả, trong chân tâm không có những thứ này. Chuyện này đã được giảng hết sức thấu triệt trong kinh Lăng Nghiêm, đặc biệt là trong đoạn kinh văn “thập phiên hiển Kiến” (mười phen chỉ rõ cái Thấy). Tánh Thấy là chân tâm, tánh Thấy là bất sanh bất diệt. Tánh Thấy vốn sẵn thanh tịnh, quyết định chẳng dính dáng tới vọng tưởng, phiền não! Điều này chứng minh trong chân tâm không có phiền não, chẳng có vọng niệm. Vọng niệm và phiền não đều từ vô minh sanh khởi, vô minh là mê hoặc, [vọng niệm và phiền não] từ mê hoặc biến hiện ra. Bản thân của mê là không thật, là hư vọng.

Chúng ta tự mình tu hành, công phu phải thực tiễn. Tôi lại thưa cùng quý vị, chân chánh vận dụng công phu thì công phu chẳng ở nơi hình thức. Tôi mỗi ngày đối trước tượng Phật, niệm mấy quyển kinh, lần bao nhiêu chuỗi, lạy bao nhiêu lạy, đó gọi là “công khóa”, vẫn là hình thức. Tương ứng với cái tâm thanh tịnh của chính mình, đó là công phu. Nếu chẳng tương ứng với cái tâm thanh tịnh của chính mình, chẳng phải là công phu. Dẫu cho quý vị mới nửa đêm, ba giờ sáng đã dậy tụng khóa sáng, mà suốt ngày từ sáng đến tối vẫn khởi vọng tưởng, vẫn lo tạo tiếng tăm, lợi dưỡng, vẫn ở trong ngũ dục, lục trần, thì là kẻ “hạ phàm” danh phù hợp thật, ngay cả danh xưng “vãn học” cũng chẳng xứng! Bởi vậy, công phu chẳng ở nơi hình thức, mà là niệm niệm giác chứ không mê, niệm niệm chánh chứ không tà, niệm niệm tịnh chứ chẳng nhiễm. Từ xưa đến nay, không ít bậc đại đức thực hiện công phu gì vậy? Quý vị thấy trong Thiền Tông Tập, thiền sư Vĩnh Gia đã nói: Phương pháp tu hành của Ngài là “cơ lai ngật phạn, khốn lai miên” (đói thì ăn, buồn ngủ thì ngủ). Bụng đói bèn ăn cơm, buồn ngủ thì đi ngủ, tuyệt vời! Công phu của Ngài chẳng chấp vào hình tích, đó là công phu chân chánh, là công phu chân thật, chẳng ở nơi hình thức.

Công phu hình thức được đại chúng trong tự viện cùng nhau thực hiện. Quý vị ở nhà, cả nhà đều học Phật, hoặc người nhà chẳng phản đối học Phật, quý vị có thể áp dụng nghi thức. Nếu trong nhà có người chẳng tin Phật, có người tin Cơ Đốc Giáo, nếu quý vị làm chuyện ấy, trong tâm họ khó chịu. Nếu họ hủy báng, gây khó dễ cho quý vị, khiến quý vị sanh phiền não, đó là sự tu hành của chính mình có chướng ngại. Do vậy, chúng ta nhất định phải hiểu nguyên tắc và nguyên lý của Phật pháp, hiểu trong tình hình nào nên dùng cách tu như thế nào? Có thể tự lợi, lợi tha, đấy là phương pháp tu hành tốt nhất. Tự lợi là nhất định chẳng trở ngại cái tâm thanh tịnh của chính mình. Tâm ta ngày một thanh tịnh hơn, đó là tự lợi. Đồng thời lại có thể ảnh hưởng người khác, đó là lợi tha. Đối với nghi thức tụng niệm sáng tối của người tại gia, càng đơn giản càng hay, hãy chiếu theo cách tu trong cuốn Tây Phương Xác Chỉ: Tụng một biến kinh Di Đà, bảy biến Vãng Sanh Chú, niệm một ngàn câu Phật hiệu, sau khi niệm xong bèn lễ Phật, cách ấy tốt lắm. Cách ấy cũng phải có phước báo, không bị chướng ngại thì mới làm được! Nếu có chướng ngại thì mức thấp nhất là cách Thập Niệm sáng tối. Đó là gọi là “định khóa” (công khóa cố định). Trừ định khóa ra, tán khóa cũng rất quan trọng. “Tán khóa” chính là bất luận lúc nào, bất kể ở đâu, trong tâm Phật hiệu chẳng gián đoạn.

Phật hiệu nhằm đánh thức giác tâm của chúng ta. Một câu Nam-mô A Di Đà Phật có nghĩa như sau: Nam-mô là quy y, A là vô, Di Đà là lượng, Phật là giác. Dịch toàn bộ [Phật hiệu] sang nghĩa tiếng Hán là Quy y Vô Lượng Giác. Quy (皈) là quay đầu lại, chúng ta từ mê hoặc, điên đảo quay đầu lại, nương vào Giác. Khởi vọng tưởng là mê hoặc, điên đảo; quay đầu trở lại, ta không khởi vọng tưởng nữa, niệm Nam-mô A Di Đà Phật, từ tà tri kiến mà quay đầu lại. Phàm là tri kiến thì đều là tà tri kiến, vì sao? Trong chân tâm không có tri kiến, cho nên nói: “Vô trí, diệc vô đắc”. Bát Nhã vô tri mà! Quý vị đọc kinh Đại Bát Nhã, Bát Nhã là gì? Bát Nhã vô tri, trong tâm thanh tịnh một niệm chẳng sanh, vô tri mà! Khi khởi tác dụng thì không gì chẳng biết. Ví như cái chuông, chuông chẳng vang ra tiếng, quý vị vừa gõ nó liền ngân vang, gõ mạnh bèn kêu to, gõ nhẹ sẽ kêu nhỏ. Khi quý vị gõ, nó chẳng động tâm: “Ông gõ tôi, tôi nên ngay lập tức ngân vang”, nó không có ý niệm ấy. Chân tâm của chúng ta cũng giống như thế! Do vậy, chân tâm không có niệm, chân tâm không có “tri”, nhưng khi khởi tác dụng thì không gì chẳng biết. Trong tâm quý vị “có tri” là hỏng rồi, như vậy là quý vị có cái chẳng biết. Do vậy, quý vị muốn cầu trí huệ, thì phải cầu gì? Cầu vô tri. Quý vị tính học cái này, tính học cái kia, càng học nhiều, càng rối ren, vì sao? Giống như cái chuông nhét chặt cứng thì gõ cách nào nó cũng chẳng ngân!

Do vậy, tâm phải thanh tịnh, phải rỗng rang, rỗng rang thì mới linh, linh giác đấy! Hễ thấy liền biết, hễ nghe liền biết. Đó là “không gì chẳng biết”, trí huệ thật sự. Đó là tác dụng của tự tánh thanh tịnh tâm. Trí huệ của Phật, Bồ Tát và cổ thánh tiên hiền đều là như vậy. Nói đến chỗ này, Liên Trì đại sư tự mình quả thật đã đạt đến chân tu thực tiễn, vì những điều [được nêu ra] trong bản chú giải này đều là cảnh giới Hiện Lượng lưu lộ từ tự tánh thanh tịnh tâm của chính Ngài, tuyệt đối chẳng phải là bàn suông! Ngài nói câu nào cũng đều là chân thật. Hôm nay đã hết giờ rồi!

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa

Phần 18 hết

           


[1] Châu Công tên thật là Cơ Đán, là con trai thứ tư của Châu Văn Vương (Cơ Xương), em trai của Châu Vũ Vương (Cơ Phát), do được phong thái ấp ở Châu Thành (nay thuộc huyện Phụng Tường, tỉnh Thiểm Tây) nên gọi là Châu Công. Con cháu của Châu Công là người nước Lỗ, nên Châu Công còn được gọi là Lỗ Châu Công. Khi Châu Vũ Vương mất, con trai là Châu Thành Vương (Cơ Tụng) còn nhỏ, Châu Công phù tá, giữ quyền nhiếp chánh, suốt ba năm dẹp nội loạn, chế định lễ nhạc, pháp luật, chú giải kinh Dịch, đặt vững nền tảng cho Nho Giáo cũng như vương triều nhà Châu. Ông nổi tiếng là người hiền lương, trung chánh, chí công vô tư. Do vậy, ông được hậu thế xưng tụng là thánh nhân. Tống Chân Tông từng truy tặng ông tước hiệu Văn Hiến Vương, và kinh điển Nho gia thường gọi ông bằng mỹ hiệu Nguyên Thánh.

[2] “Thua một thẻ” có nghĩa là thua kém. Trù (籌) là cái thẻ dùng để đếm, hay tính toán thời cổ. Trong sách A Di Đà Kinh Sớ Sao Sự Nghĩa, Liên Trì đại sư giải thích như sau: “Trù là tính toán. Trương Lương nói: “Thỉnh tá tiền trợ, trù chi” (Xin mượn đôi đũa để tính toán) là dùng theo ý này. Lại nữa, cổ nhân chơi bài phạt kẻ thua uống rượu, dùng thẻ để ghi nhớ hình phạt. Dương Toản chẳng đồng ý với hình phạt của Doãn Quân, muốn sửa đổi, bèn cầm bút, trầm ngâm, hồi lâu sau nói: “Toản thua một thẻ”.

[3] Bà Diệp Mạn (tên thật là Lưu Thế Luân), người Hồ Nam, sanh năm 1914, vợ ông Điền Bảo Đại, được coi là một chuyên gia văn hóa quán thông Nho - Đạo - Phật của Đài Loan. Ông Điền, chồng bà ta, từng làm đại sư tại Mỹ, Nhật, Phi Luật Tân, Úc v.v... Bà ta sáng lập Văn Hiền Học Hội nhằm truyền bá Tam Giáo, thành lập Văn Hiền Thư Viện tại Los Angeles, mỗi năm mở nhiều khóa giảng Tứ Thư, Đạo Đức Kinh và kinh Phật. Bà ta cũng dạy học tại đại học Phụ Nhân tại Đài Loan, kiêm chủ biên tờ Phụ Nữ Tạp Chí.

[4] Xin lưu ý ở đây Hòa Thượng không hề chê bai Mật Tông, Ngài chỉ chê thói tệ của những người mạo danh tu Mật Tông. Nhất là hiện thời có những người học được một hai pháp, được “quán đảnh danh nghĩa” (tức là tham dự các buổi empowerment nhằm kết duyên) của các lạt-ma Tây Tạng, bèn ngộ nhận đã được quán đảnh đúng pháp, lập tức lập tông, lập phái, lập đạo tràng, tự xưng là Thượng Sư hay Pháp Vương để quán đảnh, truyền pháp cho người khác, lập ra rất nhiều dị thuyết, không giữ giới luật, thậm chí mạo nhận mình là hóa thân của vị này vị nọ, gây tổn hại rất lớn cho Mật Tông nói riêng và Phật pháp nói chung.

[5] Hòa Thượng giảng bộ Sớ Sao này vào năm 1984-1985.

[6] Như Như có nghĩa là các pháp đều bình đẳng, không hai. Như là tên gọi khác của Lý, tức bản thể bất biến, bình đẳng, hoàn toàn vượt khỏi đối đãi, so lường, nên gọi là Như. Do pháp nào cũng đều là Như, nên gọi là Như Như (thường được diễn tả bằng câu: “Do cái này Như nên cái kia Như”), nhằm nhấn mạnh ý nghĩa vạn pháp bình đẳng, vô sai biệt.

[7] Tự Lượng là cách so sánh để nhận hiểu sự vật dựa trên kiến giải chủ quan của chính mình. Do nó không thuộc ba thứ Lượng (Hiện Lượng, Tỷ Lượng, và Thánh Ngôn Lượng) nên gọi là Tự Lượng (Tự là tương tự). Do Hiện Lượng, Tỷ Lượng và Thánh Ngôn Lượng dựa trên chánh tri chánh kiến hoặc dựa trên trí huệ của thánh nhân (Phật, Bồ Tát, La Hán, Thanh Văn, Duyên Giác), nên chúng còn gọi là Chánh Lượng. “Không đằng” là bay vọt lên không. Do vậy, “không đằng tự lượng” có nghĩa là so sánh, lãnh hội mọi pháp bằng tà tri tà kiến, thiên kiến của chính mình, rồi lập ra đủ mọi thứ ý kiến, tranh chấp tưng bừng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro