A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa - Phần 9

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa

阿彌陀經疏鈔演義

Phần 9

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không năm 1984

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong

       Xin đọc A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, trang mười tám:

Tập 17

      (Sớ) Kim vị ước Sanh Diệt môn, dĩ bất như thật tri Chân Như pháp nhất cố, bất giác tâm khởi nhi hữu kỳ niệm, tắc vô minh sở phú, thất bổn lưu mạt, hỗn loạn chân thể, cố danh viết Trược. Như trừng nê sa, phục sử tịnh khiết, tư chi vị thanh, tức chỉ chuyển Ngũ Trược nhi thành Thanh Thái dã.

      (疏) 今謂約生滅門,以不如實知真如法一故,不覺心起而有其念,則無明所覆,失本流末,渾亂真體,故名曰濁。如澄泥沙,復使淨潔,斯之謂清,即指轉五濁而成清泰也。

      (Sớ: Nay ước theo Sanh Diệt môn thì do chẳng như thật biết “trong Chân Như, các pháp là một”, tâm bất giác dấy lên ý niệm, liền bị vô minh che lấp, đánh mất gốc, chạy theo ngọn, hỗn loạn chân thể, nên gọi là Trược. Như lắng bùn cát, khiến cho [nước] trong sạch trở lại, đó gọi là Thanh, tức là chuyển Ngũ Trược thành cõi Thanh Thái).

      Đối với những đồng tu nghiên cứu Phật học chúng ta mà nói thì đoạn kinh văn này hết sức trọng yếu. Có nhiều vị đồng tu hỏi: “Vô minh do đâu mà có? Vì sao có vô minh?” Ở đây, Liên Trì đại sư đã bảo cho chúng ta biết chuyện này, nhưng đoạn kinh văn này có ý nghĩa khá sâu, nhất định phải rất chú tâm lãnh hội. Quá nửa lời chú giải trích dẫn những câu văn từ Đại Thừa Khởi Tín Luận để giải thích.

      “Ước Sanh Diệt môn, dĩ bất như thật tri Chân Như pháp nhất cố” (Ước theo Sanh Diệt môn thì do chẳng như thật biết: Trong Chân Như, các pháp là một): Đây là nói cho chúng ta biết nguyên nhân vì sao vô minh khởi lên. Xin hãy xem phần chú giải:

      (Diễn) Ước Sanh Diệt môn giả.

      (演) 約生滅門者。

      (Diễn: Ước theo Sanh Diệt môn thì... )

Nhìn từ phía Sanh Diệt môn.

      (Diễn) Thượng Minh Tánh nhất khoa, thị ước Chân Như môn thuyết.

      (演) 上明性一科,是約真如門說。

      (Diễn: Khoa mục Minh Tánh (giảng rõ Tánh) trong phần trước là dựa theo Chân Như môn để nói).

      Đoạn lớn Minh Tánh trong phần trước là căn cứ trên Chân Như môn để nói. Trong Chân Như môn, hoàn toàn nói tánh thể của bổn tánh là bất sanh bất diệt, đó là nói theo phương diện Pháp Tánh; còn nói theo Sanh Diệt môn, tức là luận theo Pháp Tướng thì Tướng có sanh diệt, Tánh bất sanh bất diệt.

      (Diễn) Kim tán kinh, thị ước Sanh Diệt môn thuyết dã.

      () 今讚經,是約生滅門說也。

      (Diễn: Nay phần khen ngợi kinh này bèn ước theo Sanh Diệt môn để nói).

      Nay chúng ta tán thán bộ kinh này. Đây là đoạn lớn thứ hai trong lời Tựa. Lời Tựa có tất cả năm đoạn, [phần Tán Kinh] là đoạn thứ hai. Phần Tán Kinh dựa trên Sanh Diệt Môn để nói.

      (Diễn) Luận vân.

      () 論云。

      (Diễn: Khởi Tín Luận chép).

      “Luận” ở đây là Khởi Tín Luận.

      (Diễn) Y nhất tâm pháp hữu nhị chủng môn.

      () 依一心法有二種門。

      (Diễn: Pháp được kiến lập trên nhất tâm có hai môn).

      Hai môn được kiến lập trong nhất tâm, quyết chẳng phải là hai cái tâm, mà là trong nhất tâm có hai môn.

      (Diễn) Nhất giả, tâm Chân Như môn, nhị giả, tâm Sanh Diệt môn.

      (演) 一者心真如門,二者心生滅門。

      (Diễn: Một là tâm Chân Như môn, hai là tâm Sanh Diệt môn).

      Một đằng là nói theo phương diện Lý Thể của chân tâm, một đằng là nói theo phương diện tác dụng của chân tâm, có thể thấy: Vẫn là nói về cùng một chuyện! Nói theo tâm thể (bản thể của cái tâm) thì là Chân Như môn; nói theo phương diện tác dụng của cái tâm thì là Sanh Diệt môn. Do vậy, Sanh Diệt và Chân Như là một, không phải hai, tức là Thể và Dụng là một, không hai. Hiểu được mối quan hệ giữa Thể và Dụng, quý vị sẽ hiểu được ý nghĩa “một tâm hai môn”.

      (Diễn) Tâm Chân Như giả, tức thị nhất pháp giới đại tổng tướng pháp môn thể.

      () 心真如者,即是一法界大總相法門體。

      (Diễn: Tâm Chân Như chính là Thể của pháp môn đại tổng tướng Nhất Chân pháp giới).

      Bài giảng thứ nhất trong Phật Học Thập Tứ Giảng được mở đầu bằng câu: “Nhất Thiết Trí, tri pháp tổng tướng” (Nhất Thiết Trí biết tổng tướng của các pháp). “Tổng tướng” là dựa trên Thể để nói, tổng tướng là Không tướng, như thường nói: “Vạn pháp đều không”. Không chẳng phải là Vô, Không là Có. Lũ phàm phu chúng ta sợ Không nhất, cho rằng đã là Không thì sẽ chẳng được gì cả, hết sức kinh sợ, hoảng hốt! Phàm phu chấp Có, do chấp Có nên có phiền não, sanh tử, luân hồi, phiền phức to lớn. Nếu quý vị thật sự liễu giải Không, phiền não sẽ chẳng còn nữa. Phiền não đã Không, thì sanh tử cũng Không, luân hồi cũng Không, quý vị chứng được Pháp Thân, Bát Nhã và đại tự tại (giải thoát). Lợi ích công đức của Không thù thắng, quả thật chẳng có cách nào hình dung được. Phàm phu sợ Không, người học Phật chẳng sợ Không; do Không nên mới có thể kiến tánh, mới có thể hòa cùng Nhất Chân pháp giới, đấy là tương ứng với bản thể của pháp môn. Đây là dựa trên Chân Như bổn tánh để nói.

      Hai chữ Chân Như mầu nhiệm tột bậc! “Chân”: Chẳng những nói Tánh là chân, mà Tướng cũng chân, một thứ chân, hết thảy đều chân. Ngộ rồi thì quả thật là cảnh giới này, chẳng có một pháp nào không chân, đó gọi là “Thật Tướng của các pháp”, Thật là tướng chân thật. Thế nhưng một thứ đã mê rồi thì hết thảy đều mê. Mê rồi, tìm một thứ chân cũng chẳng thể được, vì sao? Hoàn toàn bị mê tình che lấp, tìm chẳng được pháp chân thật. Nếu quý vị chú tâm thấu hiểu ý nghĩa của “Như” thì như trong bộ Pháp Hoa Kinh Văn Cú, Trí Giả đại sư đã dùng ba phương pháp để đọc từ ngữ “thập như thị”, biến nó thành ba mươi câu, lại từ ba mươi câu này diễn biến thành “bách giới, thiên như”. Đấy chính là thấy hết thảy pháp, không một pháp nào chẳng Như. “Pháp” là Pháp Tướng. Pháp Tướng giống như Pháp Tánh, Pháp Tánh giống như Pháp Tướng. Nói cách khác, Pháp Tánh chính là Pháp Tướng, Pháp Tướng chính là Pháp Tánh. Tánh - Tướng bất nhị, Tánh là chân, mà Tướng cũng là chân; do vậy gọi là Chân Như. Đây chính là như kinh Bát Nhã thường nói “chư pháp Thật Tướng” (Thật Tướng của các pháp).

      Cảnh giới tu hành gồm ba phẩm Thượng, Trung, Hạ, giống như thành tích học tập có ba bậc Thượng, Trung, Hạ. Thành tích bậc nhất là cao nhất: Lý nhất tâm bất loạn sẽ thấy Chân Như, thấy được [Chân Như trong] cảnh giới này. Thành tích bậc nhì là Sự nhất tâm bất loạn, cảnh giới này chưa thấy được Chân Như. Thành tích bậc ba đương nhiên chẳng thấy được Chân Như, đấy chính là công phu thành phiến. Tuy vậy, quý vị phải hiểu: Bậc ba đã được coi là thi đậu, chắc chắn được vãng sanh. Sau khi đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ lại dần dần nâng cao cảnh giới, mục tiêu cuối cùng nhất định là chứng đắc Chân Như, chứng đắc Thật Tướng, ở trong Tịnh Độ gọi là Thật Báo Trang Nghiêm Độ, Lý nhất tâm bất loạn thì mới có thể chứng được!

      (Diễn) Tâm sanh diệt giả.

(演) 心生滅者。

      (Diễn: Tâm sanh diệt là...)

      “Tâm sanh diệt” là cảnh giới hiện tại của chúng ta, ý nghĩa này khá dễ hiểu. “Tâm Chân Như” chẳng phải là cảnh giới hiện tại của chúng ta. Trong tâm chúng ta, ý niệm này sanh, ý niệm khác diệt, trong một ngày chẳng biết khởi lên bao nhiêu vọng tưởng. Đấy là“tâm Sanh Diệt môn”. Tâm sanh diệt là tác dụng của chân tâm, trong ấy có mê và ngộ. Hễ ngộ thì gọi là Như Lai Tạng, mê thì gọi là A Lại Da. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: A Lại Da và Như Lai Tạng là cùng một chuyện. Vì sao gọi là Như Lai Tạng? Như Lai được cất giữ trong ấy. Tâm sanh diệt có thể nói là chân và vọng hòa hợp, vừa có chân, vừa có vọng. Ngộ thì nó là chân, mê thì nó là vọng. Chẳng thể nói một nửa này là chân, nửa kia là vọng, [nếu hiểu như vậy] là sai rồi! Ngộ thì gọi là Như Lai Tạng, mê thì gọi là A Lại Da.

      (Diễn) Y Như Lai Tạng cố hữu sanh diệt tâm, sở vị: Bất sanh bất diệt dữ sanh diệt hòa hợp, phi nhất, phi dị, danh vi A Lê Da thức vân vân. Thử tức Sanh Diệt môn dã.

      (演) 依如來藏故有生滅心,所謂不生不滅與生滅和合,非一非異,名為阿黎耶識云云。此即生滅門也。

      (Diễn: Nương vào Như Lai Tạng nên có tâm sanh diệt, nghĩa là: Bất sanh bất diệt và sanh diệt hòa hợp, chẳng phải một, chẳng phải khác, gọi là A Lê Da thức v.v... Đây chính là môn Sanh Diệt vậy).

      A Lê Da thức chính là A Lại Da thức (Ālayavijñāna). Tông chỉ học Phật là phá mê khai ngộ. Gọi là phàm phu vì mê mất Như Lai Tạng, trong tâm sanh diệt mê mất Như Lai Tạng. Hễ một thứ mê, hết thảy đều mê, chẳng thể thấy được chân tướng của vũ trụ nhân sinh, mê mất rồi!

      (Diễn) Dĩ bất như thật tri.          

       (演) 以不如實知。

      (Diễn: Do chẳng biết đúng như thật).

Chẳng thể giống như chư Phật và các vị đại Bồ Tát thật sự liễu giải “Chân Như pháp nhất cố” (trong Chân Như, các pháp là một). Do vậy, kinh Hoa Nghiêm gọi [cảnh giới ấy] là Nhất Chân pháp giới, toàn thể pháp giới là một, chứ không phải hai. Vì thế, nói theo Chân Như môn, nó là bản thể của pháp môn đại tổng tướng Nhất Chân pháp giới. Khi tâm sanh diệt thì là tác dụng của pháp môn đại tổng tướng Nhất Chân pháp giới. Tác dụng của chư Phật, Bồ Tát là đại tự tại, giống như kinh Hoa Nghiêm đã nói “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”. Tác dụng của các Ngài là cảnh giới vô ngại, giải thoát thật sự, tự tại thật sự. Thế nhưng sau khi đã mê, chúng ta hứng chịu quả báo là hết thảy các nỗi khổ bất bình đẳng, thiếu tự do trong hiện tại, phiền phức rất lớn! Chúng ta khởi tâm động niệm, hết thảy tạo tác đều là nhân của các nỗi khổ, tạo thành những trói buộc, tạo ra nghiệp phân biệt. Mê rồi mới làm ra những chuyện ấy, mới có sanh tử luân hồi không dứt trong lục đạo.

(Diễn) Bất giác hữu kỳ niệm giả.

(演) 不覺有其念者

(Diễn: Bất giác có ý niệm là....)

      “Bất giác tâm khởi nhi hữu kỳ niệm” (Tâm bất giác dấy lên bèn có ý niệm): Tâm bất giác là tâm mê hoặc, là vô minh. Đấy gọi là “vô minh bất giác sanh tam tế”. Vô minh đứng đầu trong ba tướng Tế.

      (Diễn) Luận vân: “A Lê Da thức hữu nhị chủng nghĩa, nhất giả giác nghĩa, nhị giả bất giác nghĩa”.

      (演) 論云:阿黎耶識有二種義,一者覺義,二者不覺義。

      (Diễn: Khởi Tín Luận viết: “A Lê Da thức có hai nghĩa: Một là nghĩa giác, hai là nghĩa bất giác”).

      Chúng ta tu hành phải nương vào nghĩa Giác, phải tách lìa nghĩa Bất Giác. Có thể nói là Quyền Giáo Nhị Thừa, ngoại đạo, phàm phu đều dùng nghĩa Bất Giác trong A Lê Da thức (A Lại Da thức); do vậy, mê hoặc, điên đảo, đúng như kinh Địa Tạng đã nói: “Khởi tâm động niệm vô bất thị nghiệp” (Khởi tâm động niệm không gì chẳng phải là nghiệp), bởi lẽ, họ khởi tâm động niệm đều dựa theo cái tâm Bất Giác.

      Tiếp theo đó, sách Diễn Nghĩa chú giải thế nào là Giác và Bất Giác, nhất định phải hiểu rõ ràng, đây là chỗ để chúng ta tu học.

      (Diễn) Sở ngôn giác nghĩa giả, vị tâm thể ly niệm.

      (演) 所言覺義者,謂心體離念。

      (Diễn: Nghĩa giác như vừa mới nói [trong câu trên] chính là: Tâm thể ly niệm).

      Bốn chữ này phải nhớ thật kỹ. Giác là gì? “Tâm thể ly niệm” là giác. Hiện thời, phiền phức nhất là chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối khởi lên ý niệm, chẳng thể tách rời ý niệm. Nói cách khác, có ý niệm là chẳng giác. Chẳng giác nên mới khởi niệm! Giác rồi sẽ không còn ý niệm nữa. Ý niệm càng nhiều thì quý vị mê càng sâu. Khi nào không còn ý niệm nữa thì là giác. Đấy chính là tướng trạng biến hiện của giác và mê, chúng ta nhất định phải nhận biết. Tướng trạng của giác là trong tâm không có ý niệm, tướng trạng của mê là có ý niệm; bất giác sẽ có niệm, còn giác bèn không có ý niệm. Khi giác thì....

      (Diễn) Tức thị Như Lai bình đẳng Pháp Thân.

      () 即是如來平等法身。

      (Diễn: Chính là Pháp Thân bình đẳng của Như Lai).

      “Tâm thể ly niệm” thì quý vị chứng đắc Pháp Thân thanh tịnh. Chứng một thứ, hết thảy đều chứng. Đã chứng được Pháp Thân thanh tịnh thì đương nhiên Báo Thân viên mãn liền hiện tiền. Báo Thân viên mãn do trí huệ thành tựu, Giác là trí huệ, trí huệ hiện tiền. Giác khởi tác dụng là ngàn trăm ức Hóa Thân. Chỉ cần quý vị có thể thật sự làm được “tâm thể ly niệm” thì sẽ chứng trọn ba thân. Phật và phàm phu khác nhau ở chỗ này. Do vậy, hễ suốt ngày từ sáng đến tối khởi tâm động niệm, khởi vọng tưởng thì chẳng phải là chuyện tốt đẹp!

      Vì thế, học Phật, tôi nhắc lại lần nữa, Phật pháp chẳng phải là học thuật thế gian. Nói cách khác, dùng phương pháp của học vấn thế gian để học Phật pháp là hỏng rồi! Phương pháp được áp dụng trong học vấn thế gian đều là bất giác, có ý niệm; quý vị áp dụng phương pháp ấy để học Phật pháp thì làm sao vào cửa Phật cho được? Cổ đức nói rất hay, trong buổi giảng chúng tôi nhắc lại một lần nữa, hy vọng mọi người hãy nhớ kỹ và lại còn biết áp dụng: Nghe kinh phải “tiêu quy tự tánh”. Tiêu quy tự tánh là tâm thể ly niệm, trở về với tự tánh. Do tự tánh không có ý niệm, nghe từng câu rõ ràng, rành mạch, trọn chẳng có một tí phân biệt, chấp trước, vọng tưởng thì mới gọi là “tiêu quy tự tánh”. Nếu quý vị nghe xong, điều gì cũng ghim chặt trong lòng, đấy là bất giác, có ý niệm, sẽ biến thành pháp thế gian, nhất quyết chớ nên như vậy! Học Phật kiểu đó thì trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp cũng chẳng thể thành tựu, mà vẫn là phàm phu.

      Giống như kinh Kim Cang đã nói, đại chúng tham dự pháp hội giảng kinh này, mỗi một vị đều là thiện căn sâu dầy, trong đời quá khứ đều đã thân cận vô lượng vô biên chư Phật Như Lai. Thân cận chư Phật Như Lai nhiều như thế mà nay vẫn là phàm phu, vẫn một mực hồ đồ là do nguyên nhân nào? Là vì quý vị chẳng biết tiêu quy tự tánh, hoàn toàn ghi nhớ ngôn ngữ, ghi nhớ văn tự, chấp vào tướng ngôn thuyết, tướng danh tự, khởi tâm động niệm chấp vào tướng tâm duyên, chẳng lìa niệm. Do vậy, chẳng thể thành tựu. Nay đã thật sự hiểu rõ căn bệnh này, đau đáu sửa đổi lỗi trước, đó là “cải tà, quy chánh”. Tà là gì? Hữu niệm! Bất giác có ý niệm, đấy là căn cội to lớn của hết thảy tà tri kiến. Chúng ta tu hành phải tu từ căn bản, trị bệnh phải trị từ căn bản, phải dốc sức từ chỗ này.

      Có đồng tu bảo tôi: Trong khoảng thời gian này, kinh này được giảng rất sâu, nghe không hiểu! Dẫu nghe hiểu cũng không thể áp dụng vào cuộc sống thường nhật được! Áp dụng không được cũng phải nghe, vẫn phải tích cực nghe, không nghe không được! Nghe nhiều là huân tập, nghe lâu sẽ biết dùng. Bản thân tôi cũng đã từng trải qua chuyện này. So ra, lúc tôi mới học còn gian nan hơn quý vị. Khi ấy, những thứ thầy giảng cho tôi không được rõ ràng như tôi giảng [hiện thời], nhất định phải thấu hiểu, phải có lòng nhẫn nại! Thưa quý vị, tôi nhập cảnh giới này, gần như là học Phật hai mươi năm mới nhập cảnh giới này. Dùi mài nhiều năm như thế, không bỏ, không buông lung ngày nào. Lúc mới đầu nghe kinh, thầy cũng thường nói “tiêu quy tự tánh”, “chuyển Thức thành Trí”, tôi cũng nói được, nhưng chẳng biết cách “tiêu quy” như thế nào, cũng chẳng biết cách chuyển ra sao, đâm ra chỉ biết nói như vậy mà thôi, sau đấy mới dần dần hiểu được đôi chút.

      Tôi thưa cùng quý vị, nếu thật sự muốn thấu hiểu, tiến nhập vài phần, mà nếu chỉ ngồi nghe dưới giảng đài sẽ rất khó, sợ rằng hai mươi năm cũng chả có tin tức gì. Tôi dâng lên quý vị một phương pháp: Quý vị phải lên đài giảng, giảng hằng ngày. Dẫu chẳng thể giảng hằng ngày, một tuần cũng giảng được ba bốn lượt. Giảng được hai mươi năm chắc chắn sẽ có tin tức. Đấy là kinh nghiệm của bản thân tôi. Do vậy, tôi cảm thấy học sinh học ở trên bục giảng, chứ không phải học ở dưới bục giảng. Dưới bục giảng đều là thầy giáo, đều là thiện tri thức. Học sinh ở trên bục giảng, chẳng phải là giảng kinh, mà là hằng ngày báo cáo những điều tâm đắc. Nói cách khác, mỗi ngày đều có đông đảo giáo viên như vậy đốc thúc, giám sát, nhắc nhở quý vị thì mới có thể thành công. Một hai vị thầy thì tầm mắt quá nhỏ, có thể gạt gẫm họ, có thể lười nhác, lấp liếm cho xong, nhưng mấy trăm vị thầy, mấy trăm con mắt sẽ chẳng thể gạt gẫm được đâu!

      Nhất định phải nghiêm túc nỗ lực thì chính mình mới có thể nhập cảnh giới này, biết tiêu quy tự tánh và chuyển Thức thành Trí ra sao. Thật sự hiểu thì sẽ chẳng khó, đến khi ấy mới là tu hành thật sự. Chẳng thể vận dụng nguyên tắc này thì có thể nói là “tu mù, luyện đui”, rất khó đạt được hiệu quả rõ ràng. Ví như tu nhẫn nhục, rất nhiều người đều nói, mà sự thật cũng đúng như vậy, mức nhẫn nại có hạn, đến cực hạn sẽ bùng nổ. Vì sao bùng nổ? Vì không tiêu quy tự tánh, không tiêu trừ, hóa giải được, nó vẫn tồn tại trong ấy, càng tồn tại càng nhiều, đương nhiên đến cuối cùng phải bùng nổ. Phải làm như thế nào? Hễ nó xảy đến bèn tiêu quy tự tánh, không còn nữa, nó xảy đến bèn hóa giải nó, không tích tụ, hóa thành gì vậy? Hóa thành trí huệ, hóa thành Thiền Định, hóa thành công đức. Nó biến hóa. Sự biến hóa ấy là chuyển biến, há chẳng phải là chuyển Thức thành Trí ư? Tham, sân, si, mạn đều là những thứ trong thức tâm mới có, hễ tiếp xúc liền biến thành trí huệ, đó gọi là “chuyển Thức thành Trí”.

      Đến khi ấy mới thật sự chứng được “bình đẳng Pháp Thân”, Pháp Thân là bình đẳng. Tâm bình đẳng mới thấy pháp bình đẳng, mới thấy cảnh giới bình đẳng. Mười pháp giới, trên từ chư Phật, dưới đến địa ngục A Tỳ, hoàn toàn bình đẳng, không hai, không khác, giống như tổ sư Hoàng Long của Thiền Tông đã khảo nghiệm người đến cầu học: “Cánh tay ta có giống tay Phật hay không?” Tức là trên bình đẳng với Phật. Ngài lại duỗi một chân ra, “chân ta có giống chân lừa hay không?” Lừa là súc sanh, dưới bình đẳng với súc sanh. Điều này hiển thị Nhất Chân pháp giới, phải hiểu ý nghĩa của Ngài. Phàm phu chúng ta nhìn thấy sẽ nghĩ chắc chắn chẳng bình đẳng, như vậy là không nhập môn được rồi! Do đó, mới nói mười pháp giới. Mười pháp giới là bình đẳng, đều là một pháp giới. Trong một pháp giới, có Phật, Bồ Tát, địa ngục, ngạ quỷ hay không? Thưa cùng quý vị, có chứ! Trên mặt Tướng thì có, trong Tánh thì không. Thành Phật thì Chân Như bổn tánh của chúng ta chẳng tăng tí nào, đọa địa ngục A Tỳ, Chân Như bổn tánh cũng chẳng tổn hoại tí xíu nào, bất tăng, bất giảm, bất sanh, bất diệt, Tướng có, Thể không, Sự có, Lý không. Trên Lý thì không có, chứ không phải là nói Tướng cũng chẳng có. Lầm rồi! Nơi Tướng là có! Tướng là do phần nào bất giác [trong chân tâm] biến hiện ra, do tâm bất giác dấy lên, biến hiện sâm la vạn tượng. Hễ giác thì cái bất giác ấy cũng là giác. Giác sự bất giác, Lý và Sự của bất giác đều hiểu rõ, không có một pháp nào chẳng hiểu rõ; do vậy, đắc đại tự tại trong hết thảy cảnh giới.

      Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới không có Lạc Thọ (cảm nhận sự sung sướng). Vì sao Tây Phương Cực Lạc thế giới không có lạc? Thưa quý vị, sự vui ấy là sự vui trong khổ và lạc, là tương đối. Do cảnh giới bình đẳng nên trong địa ngục A Tỳ không có Khổ Thọ, lìa khỏi hết thảy Thọ. Thọ là giả, chẳng phải chân thật. Khổ, lạc, ưu, hỷ, xả (khổ, sướng, buồn, vui, buông bỏ) là năm loại cảm thọ lớn của phàm phu. Đến khi quý vị đã “tâm thể ly niệm” thì cảm thọ khổ, lạc, ưu, hỷ, xả đều chẳng còn nữa. Cảm thọ khi ấy sẽ là một vị thanh tịnh bình đẳng, cảm thọ khi ấy mới là cực lạc. Do vậy, những cảm nhận “khổ, lạc, ưu, hỷ, xả” đều là khổ, trong bất giác mới có. Sau khi đã giác, [những cảm thọ ấy] sẽ không còn nữa, giác rồi mới có chân lạc.

      (Diễn) Sở ngôn bất giác nghĩa giả, vị bất như thật tri Chân Như pháp nhất cố, bất giác tâm khởi nhi hữu kỳ niệm.

      () 所言不覺義者,謂不如實知真如法一故,不覺心起而有其念。

      (Diễn: Nói tới nghĩa “bất giác” thì chính là vì chẳng biết đúng như thật: “Trong Chân Như, các pháp là một”, nên tâm bất giác khởi lên, bèn có ý niệm).

      Mấy câu này do Liên Trì đại sư viết trong phần Sớ, do chính Ngài tự viết, và cũng trích dẫn Khởi Tín Luận.

      (Diễn) Kim thích “bất tri Chân Như pháp nhất”.

      () 今釋不知真如法一。

      (Diễn: Nay giải thích ý nghĩa “trong Chân Như, các pháp là một”).

      Nay chúng ta không biết pháp giới là Nhất Chân, đấy là gốc bệnh của sanh tử luân hồi. “Chân Như pháp” là gì? Là toàn thể pháp giới. Trong nhà Phật thường nói “y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới (hoặc nói “tận hư không, trọn pháp giới”)là một, không hai”. Câu nói này rất khó hiểu, chúng ta rất khó tiếp nhận. Vì sao nói là “pháp nhất”? Ta là ta, người khác là người khác, ta và người khác làm sao có thể hợp nhất? Chắc chắn chẳng thể hợp nhất! Vĩnh viễn không có cách nào thừa nhận [ta và người khác] cùng một Thể, đó là mê, là bất giác. Do vậy, trong hết thảy các pháp, quý vị mới sanh khởi những thứ phân biệt, chấp trước. Đó đều là những giới hạn do phân biệt, chấp trước vạch ra. Tách lìa phân biệt, chấp trước thì những giới hạn ấy chẳng còn nữa. Vì vậy, quý vị hãy nghĩ xem: Tách rời hết thảy những phân biệt, chấp trước, chẳng phải là vạn pháp trở về một hay sao? Vạn pháp vốn là một; những phân biệt, chấp trước là hư vọng, nhất định chẳng phải là chân thật.

      Tôi nêu lên một tỷ dụ nông cạn, gần gũi. Địa cầu của chúng ta là một chỉnh thể, nhưng người sống trên địa cầu nhóm người này tự hạn định một khu: Đây là quốc gia của tôi; nhóm người kia hạn định một khu khác, đây là quốc gia của họ, xong luôn! Đánh nhau, tàn sát lẫn nhau vì biên giới giữa hai quốc gia. Nếu họ bỗng nhiên giác ngộ, vốn là một, trọn chẳng có giới tuyến, người một nhà mà! Không đánh nhau nữa, sẽ không có chuyện gì nữa! Do vậy, những giới tuyến là do con người phân biệt, chấp trước mà phát sanh. Nếu đại chiến thế giới lần thứ ba bùng nổ, con người rất thông minh, thông minh đến tột cùng, vũ khí, khoa học kỹ thuật phát triển đến kết quả cuối cùng: Toàn bộ nhân loại đều bị hủy diệt! Người thông minh mới có thể hủy diệt chính mình, vì sao làm những chuyện ấy? Phân biệt, chấp trước! Phải hiểu rằng trong chân tâm vốn chẳng có phân biệt, chấp trước. Hễ có phân biệt, chấp trước thì chính là do “bất tri Chân Như pháp nhất” (chẳng biết trong Chân Như các pháp là một). Chư Phật, Bồ Tát tuyệt đối không cãi cọ, trọn chẳng tranh chấp, vì sao? Các Ngài biết “Chân Như pháp nhất”, hết thảy chúng sanh cảm nhận vui sướng, bản thân các Ngài rất sung sướng. Hết thảy chúng sanh chịu khổ, các Ngài cũng rất khổ, tự mình chịu khổ. Thật phi phàm! Đấy là “đồng thể đại bi, vô duyên đại từ”. “Vô duyên” là không có điều kiện, vì sao? Vì cùng là một Thể.

      Quý vị mỗi đêm ngủ đều nằm mộng, hãy khéo suy nghĩ về cảnh trong mộng. Cái tâm ta tạo ra giấc mộng, cái được tạo là giấc mộng. Có người nào trong giấc mộng chẳng phải là chính ta? Đều do chính mình biến hiện. Mộng thấy một người thân ái thì chính là cái tâm của chính quý vị biến hiện ra, chứ không phải người ấy từ bên ngoài bước vào giấc mộng của quý vị. Không phải vậy! Mộng thấy người chán ghét, người ấy cũng do cái tâm của quý vị biến hiện ra, trọn chẳng phải là kẻ đáng chán ghét ấy chui vào trong giấc mộng. Quý vị mới thật sự giác ngộ: “Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”. Hữu tình và vô tình trong mộng, núi, sông, đại địa đều là chính mình, há chẳng phải như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Tình và vô tình cùng viên mãn Chủng Trí”. Thời gian trong cảnh mộng ngắn ngủi, quý vị tỉnh giấc sẽ có thể nghĩ thông suốt đạo lý ấy. Tất cả hết thảy cảnh giới là một, do một cái tâm hiện ra, đều là do chính mình hiện ra, nhưng sau khi quý vị tỉnh giấc mộng, thật ra vẫn đang nằm mộng, cả một giấc mộng lớn, không có cảnh nào nhận biết giấc mộng lớn ấy. Quý vị chẳng biết y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều do chân tánh của chúng ta bất giác có ý niệm bèn hiện ra cảnh giới ấy.

      Chân Như bổn tánh là như thế nào? Y báo và chánh báo trang nghiêm trong hiện tại chính là hình dáng của Chân Như bổn tánh. Nếu đang nằm mộng, thì cái tâm trong mộng ấy có hình dáng ra sao? Cảnh giới trong mộng là hình dáng của tâm. Toàn thể vọng là chân, toàn thể chân là vọng, toàn thể mộng là tâm, toàn thể tâm là mộng. Tâm và mộng là một, không hai. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới và Chân Như bổn tánh của chúng ta là một, không hai. Nếu quý vị thật sự thấu hiểu từ chỗ này thì sẽ chứng đắc Pháp Thân. Giống như trong giấc mộng, ta đột nhiên giác ngộ ta đang nằm mộng, toàn thể giấc mộng là chính mình, đó gọi là Pháp Thân. Pháp Thân là toàn thể, toàn bộ cảnh giới vốn là chính mình, đó gọi là chứng đắc Pháp Thân. Do vậy, Pháp Thân hiển hiện trước mặt chúng ta, nhưng chính chúng ta chẳng thừa nhận, chẳng biết y báo và chánh báo trang nghiêm là một Thể! Đối với một Thể lại khởi phân biệt, chấp trước, còn làm gì được nữa! Giác ngộ, hiểu rõ rồi thì pháp giới sẽ hòa thuận, tự tại. Mê thì do có phân biệt, chấp trước, nên có đấu tranh, phải tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, phải chịu vô lượng khổ báo. “Chẳng biết trong Chân Như các pháp là một”, câu này có nghĩa là....

      (Diễn) Vị bất liễu như lý nhất vị dã.

      () 謂不了如理一味也。

      (Diễn: Tức là chẳng hiểu rõ [các pháp] đúng như lý, có cùng một vị).

       “Liễu” (了) là hiểu rõ. Kẻ ấy chẳng hiểu rõ hết thảy tướng đúng lý, chúng là một vị, chứ không phải hai vị. “Một vị” có nghĩa là bình đẳng, hết thảy pháp quả thật bình đẳng. Xét về tánh thì là bình đẳng, đấy là điều không còn phải bàn cãi nữa, chúng ta đều công nhận. Tướng là bình đẳng, dẫu là sâm la vạn tượng các thứ sai khác, tướng của chúng là một, không hai. Cơ bản của Tướng, cơ bản của vật chất chính là các lạp tử cơ bản. Sâm la vạn tượng đều do các lạp tử cơ bản hợp thành, trong kinh Phật gọi chúng là “cực vi chi vi”(thứ nhỏ nhất trong các thứ cực vi), còn gọi là Lân Hư Trần. Sâm la vạn tượng trong mười pháp giới đều do những thứ này tổ hợp thành. Nếu quý vị nhìn vào các lạp tử cơ bản thì hết thảy tướng bình đẳng, là một tướng, không phải hai, không có hai thứ, mà là một thứ. Hơn nữa, thứ ấy là Tướng Phần. Tướng Phần và Kiến Phần có cùng một căn nguyên, lại càng bình đẳng. Kiến và Tướng có cùng một nguồn.

      Tướng do đâu mà có? Tướng do Kiến Phần biến hiện, chứ thật ra không có thứ này. Nếu quý vị thật sự thông đạt đạo lý này, sẽ khế nhập cảnh giới này, mới hiểu bản thể của hết thảy các hiện tướng (tướng được biến hiện) chính là Không, trọn chẳng thể được! Tánh là Không, Tướng cũng là Không. Cái Không ấy chẳng phải là không có gì, Không là Có. Vì sao Có mà lại nói là Không? Vì chẳng thể được, quả thật chẳng thể được. Nếu chúng ta chú tâm lãnh hội, bất luận một pháp nào trước mắt cũng đều chẳng thể được. “Chẳng thể được” là sự thật, là chân tướng. Nếu quý vị có thể bỏ cái tâm được - mất thì sẽ tự tại. Trong “chẳng thể được” mà muốn cầu điều gì thì sẽ đau khổ! Tục ngữ thường nói: “Sanh bất đới lai, tử bất đới khứ” (sanh chẳng mang gì đến, chết chẳng đem theo gì đi). Quý vị thấy có người nào chết mà đem theo được vật gì hay không? Thứ gì cũng không đem theo được, cho thấy “chẳng thể được”; nhưng hiện thời chúng ta còn chưa chết thì vẫn mong có được! Thật ra, mỗi ngày ban đêm đi ngủ có khác gì chết đâu? Nói cách khác, mỗi đêm quý vị đã chết mấy tiếng đồng hồ mà quý vị vẫn không giác ngộ, rất ngu si vậy!

      Trong thế gian, chẳng có vật gì là của quý vị hết; ngay cả thân thể cũng không phải! Quý vị hãy nghĩ kỹ: Khi ngủ, thân thể này có phải là của quý vị hay chăng? Khi ngủ nằm mộng, đã sớm quên mất cái thân này rồi. Thân thể còn chẳng phải là của chính mình, huống hồ vật ngoài thân! Khi nằm mộng, thân mà còn chẳng mang theo được thì quý vị còn mang theo vật gì được nữa? Do vậy, người giác ngộ hằng ngày cảnh tỉnh, cảnh tỉnh trong mỗi giờ, cảnh tỉnh trong mỗi niệm. Nếu có tâm cảnh tỉnh cao như vậy thì mới có thể nhập môn. Phật pháp câu nào cũng nhằm nói với chúng ta pháp chân thật, chẳng có một lời dối trá nào, quyết định chẳng lừa gạt chúng ta. Nếu chúng ta muốn được tự tại thật sự, nhất định phải liễu giải chân tướng sự thật.

      Phước báo, thụ dụng là xứng tánh. Do vậy, người thật sự nhập môn, sẽ được đại tự tại. Giả tướng này cũng vô cùng thù thắng. Quý vị thấy mười hai quyển đầu của kinh Hoa Nghiêm nói về sự trang nghiêm nơi y báo và chánh báo trong thế giới Hoa Tạng, loại hưởng thụ ấy trong nhân gian chúng ta không có. Chẳng những nhân gian không có mà cõi trời cũng chẳng có. Sự hưởng thụ phú quý của họ do đâu mà có? Chẳng do con người tạo ra, mà cũng chẳng do tu được, trong Chân Như bổn tánh vốn sẵn trọn đủ. Phước báo xứng tánh, chỉ cần quý vị thấy tánh, bỏ được ý niệm “được - mất, lấy - bỏ”, sẽ thụ dụng tự tại, hoàn toàn xứng tánh như vậy. Nếu quý vị chẳng thể bỏ được, trong chân tánh vẫn còn một phần bất giác thì phước báo phải do tu mà có, vì sao? Chẳng thể dùng được phước báo xứng tánh, nó chẳng khởi tác dụng.

      Tôi lại nêu tỷ dụ: Phước báo xứng tánh giống như tài sản trong nhà quý vị. Giả sử quý vị có trương mục một trăm vạn trong ngân hàng, đó là xứng tánh. Hiện thời ở trên đường, đi ăn cơm, trong túi không có tiền, kẹt quá chừng! Tuy có tiền, nhưng tiền ấy là xứng tánh, hiện thời bên mình không có, không lấy ra được. Món tiền tiêu dùng lặt vặt nơi thân trong hiện tại phải do tu mà có. Nếu là xứng tánh thì chẳng cần phải tu, trong bổn tánh vốn có sẵn. Quý vị nói xem: Thứ phước báo nào là lớn? Hiểu được đạo lý này sẽ nhanh chóng cầu minh tâm kiến tánh. Kiến tánh rồi phước báo mới lớn, thật sự lớn! Pháp môn Tịnh Độ gọi “kiến tánh” là “nhất tâm bất loạn”. Do vậy, nhất định phải sốt sắng nỗ lực, tu đến nhất tâm bất loạn, phước báo xứng tánh hiện tiền.

      Chúng ta nay đang mê hoặc, phước báo phải do tu mà có. Kinh thường dạy: Tu Tài Bố Thí được giàu có. Trong quá khứ, quý vị tu Tài Bố Thí nhiều, trong một đời này tài sản nhiều, giàu to. Đời trước quý vị chẳng tu Tài Bố thí, đời này cuộc sống vật chất nhất định nghèo nàn, thiếu hụt, đó là đạo lý nhất định. Quý vị tu Pháp Bố Thí, đời này được thông minh, trí huệ. Quý vị tu Vô Úy Bố Thí, đời này được khỏe mạnh, sống lâu. Có quả, nhất định phải có nhân. Khi đang mê, tu nhân nào sẽ được quả báo ấy, nhân quả chẳng sai mảy may, đó là do tu mà có. Đã là “tu nhân sẽ có thể đạt được quả báo” thì có thể bỏ quả báo được hay không? Thưa quý vị, không thể bỏ được, vì vẫn còn nhân. Quý vị nói: “Tôi có quả báo phú quý, tôi không cần, tôi tặng cho người khác”, có thể được! Quý vị có thể tặng cho người khác, không đầy mấy bữa lại có [tiền bạc] đưa tới. Trong mạng quý vị có [tài sản] mà! Trong mạng đã có thì bỏ chẳng được. Trong mạng không có, cầu cách nào cũng chẳng cầu được. Chuyện là như vậy đó! Trước kia, tại Đại Lục thờ thần tài là Đào Châu Công, tức là Phạm Lãi thời Xuân Thu, ông ta nhất định là Bồ Tát tái lai, thật phi phàm! Ông ta giúp Việt Vương Câu Tiễn phục quốc, công lao hết sức to. Khôi phục đất nước xong, công thành, thân thoái, không làm quan, đổi họ tên thành Đào Châu Công, buôn bán, ba lần phát tài, ba lần phân tán tài sản. Buôn bán chẳng mấy năm, phát tài to, ông đem tiền của bố thí trọn khắp để cứu giúp người nghèo. Phân tán hết sạch rồi lại bắt đầu buôn bán bằng món tiền vốn nhỏ nhoi. Không đầy mấy năm lại phát tài to. Điều này cho thấy trong mạng ông ta có tiền của, có bỏ cũng bỏ không được. Đây là hiện tượng trong khi chúng ta còn đang mê. Nếu là xứng tánh, hết thảy phước báo đều tự nhiên, chẳng do tu mà có. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, tu nhân khẩn yếu lắm!

      Bồ Tát từ Sơ Phát Tâm cho đến địa vị Như Lai tu pháp môn gì vậy? Chính là tu bố thí. Bố thí là xả, là buông xuống. Chỉ có thật sự buông xuống được thì mới thấy thấu suốt. Buông xuống giúp cho thấy thấu suốt. Thấy thấu suốt giúp buông xuống. Thấy thấu suốt là trí huệ, buông xuống là giải thoát, tự tại, tức ba đức Bát Nhã, Giải Thoát và Pháp Thân đều thuộc trong ấy. Chẳng phải là quý vị muốn chứng Tam Đức mật tạng hay sao? Nhất định phải tu Bố Thí Ba La Mật. Đoạn này nói lên ý nghĩa: Quý vị chưa thể hiểu rõ pháp giới là một.

      (Diễn) Đắc kiến tâm tánh, tâm tức thường trụ, danh “như thật tri”, tức thử bất tri, tức thị căn bản vô minh.

      (演) 得見心性,心即常住,名如實知。即此不知,即是根本無明。

      (Diễn: Thấy được tâm tánh thì tâm bèn thường trụ, gọi là “biết đúng như thật”. Nếu chẳng biết điều này thì sẽ là căn bản vô minh).

      “Như thật tri” là gì? Như thật tri là thấy tâm tánh. Gộp hai chữ tâm tánh để nói thì “tâm” là thức thứ tám, “tánh” là Chân Như bổn tánh. Tánh là Thể của tâm, tâm là tác dụng của tánh. Tâm và tánh được gộp lại một chỗ để nêu rõ ý nghĩa Thể và Dụng không hai; Thể và Dụng là một, không hai. Nói tách ra thì có khi tâm là tánh, tánh là tâm, phải nhìn vào những câu văn ở phía trước và phía sau câu này để nhận ra ý nghĩa. Hai chữ này gộp lại thì một là nói về chân tâm, hai là nói về vọng tâm. Chân tâm là Thể, vọng tâm là tác dụng.

      Nếu quý vị thấy tâm tánh, tâm và tánh là một, Thể và Dụng không hai, Thể và Dụng giống hệt nhau, tâm là thường trụ. Kinh Lăng Nghiêm nói “chân tâm thường trụ”. Trụ có nghĩa là bất động, động là chẳng trụ. Chân tâm thường trụ là cái tâm thường trụ, thanh tịnh, tịch diệt, mà cũng là cái tâm “tâm thể ly niệm”, không có hết thảy vọng niệm. Đấy là chân tâm, đó gọi là “như thật tri”. Kinh Pháp Hoa gọi cái “tri” ấy là Phật tri, Phật kiến. Trong kinh Pháp Hoa, Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta: “Khai thị ngộ nhập tri kiến của Phật”. Như thật tri chính là Phật tri, Phật kiến, mà cũng “chánh tri, chánh kiến” như chúng ta thường nói. Có thể thấy rằng: Chánh tri, chánh kiến từ tâm thể ly niệm sanh ra. Nói cách khác, nó từ chân tâm sanh ra. Chân tâm khởi tác dụng là Phật tri, Phật kiến, là “như thật tri”.

      “Tức thử bất tri” (nếu không biết điều này): Kẻ ấy không biết đúng như thật, suy nghĩ loạn xạ, chỗ nào cũng suy đoán, nghi hoặc, biến thành hiện tượng như vậy. “Tức thị căn bản vô minh”: Phật pháp nói “căn bản vô minh” nhằm chỉ điều này. Một niệm tối sơ bất giác nên chẳng thể biết Chân Như pháp giới đúng như thật. Đó gọi là căn bản vô minh. Vô minh là chẳng sáng suốt.

      (Diễn) Tâm khởi hữu niệm, tức thị nghiệp tướng.

      (演) 心起有念,即是業相。

      (Diễn: Tâm khởi lên, có ý niệm, chính là tướng trạng của nghiệp).

      Phải đặc biệt chú ý hai câu này! Trong tâm khởi lên ý niệm thì gọi là “tạo nghiệp”. Ai chẳng tạo nghiệp? Như Lai mới chẳng tạo nghiệp. Bồ Tát đều tạo nghiệp, Bồ Tát gọi là “giác hữu tình”, “hữu tình” là tạo nghiệp. Tuy tạo nghiệp nhưng các Ngài giác ngộ, giác chứ không mê, nên gọi là Bồ Tát. Thật sự chẳng tạo nghiệp là Phật. Đẳng Giác Bồ Tát còn có một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, sau khi giác ngộ thì nghiệp đã tạo gọi là “tịnh nghiệp”; nếu bất giác thì nghiệp đã tạo gọi là “nhiễm nghiệp”. Nghiệp có nhiễm và tịnh, trong nhiễm nghiệp lại có thiện và ác. Ác là nhiễm, mà thiện vẫn là nhiễm. Quả báo của ác nghiệp là trong tam ác đạo, quả báo của thiện nghiệp là trong ba thiện đạo. Người ấy không thoát khỏi luân hồi, vì sao? Đều là do nhiễm nghiệp ô nhiễm chân tâm của chúng ta. Tịnh nghiệp tuy là có nghiệp, nhưng chẳng nhiễm. Do vậy, người ấy có thể vượt thoát tam giới, đạo lý là ở chỗ này. Quý vị phải ghi nhớ: Tâm chẳng thể hữu niệm, tâm có niệm là “nghiệp tướng”, tức là một trong ba tướng Tế của A Lại Da thức.

      (Diễn) Luận vân: Y bất giác cố, tâm động, thuyết danh vi nghiệp dã.

       (演) 論云:依不覺故,心動說名為業也。

      (Diễn: Khởi Tín Luận viết: “Do nương theo bất giác nên tâm động, gọi là nghiệp”).

      “Nghiệp” là sự nghiệp, nghiệp là tạo tác. Chẳng tạo tác sẽ chẳng gọi là “nghiệp”. “Tâm động” bèn trở thành nghiệp. Tâm rỗng rang, tâm tịch tĩnh, tâm ly niệm; nói chung, phải hiểu rõ những ý nghĩa này. Tu hành quan trọng nhất là tu tâm. Cái tâm của chúng ta rất ác, phải tu thành rất thiện. Cố nhiên, quý vị tu tâm thì vẫn là tu nhiễm nghiệp. Nếu thật sự hiểu rõ tâm là Không, trong tâm bất cứ gì cũng đều chẳng có, quý vị tu pháp tịch tĩnh, đó gọi là “chân tu hành” (tu hành thật sự).

      Phật pháp thường lấy hình tròn làm biểu tượng, chẳng hạn “pháp luân thường chuyển”. Quý vị hãy nghĩ xem, hình tròn có tâm hay không? Đương nhiên có. Ở chỗ nào? Tìm không được. Chân tâm là như vậy, nó có, nhưng nó là không. Tâm quả thật cái gì cũng không có, nó khởi tác dụng giống như bản thân đường tròn, đại chuyển pháp luân, diệu dụng vô cùng. Vì thế, học Phật là tu tâm. Tu tâm chính là tu cái tâm “trạm tịch, hư linh” này, tâm nhất định phải rỗng không, thứ gì cũng đều chẳng có. Thế nhưng chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay tập khí phiền não quá nặng. Nói cách khác, vọng tưởng từ đầu đến cuối chẳng đoạn, ngay cả ngủ nghỉ cũng chẳng chân thật, vẫn nằm mộng. Nằm mộng là khởi vọng tưởng. Quý vị đã hiểu tánh chất nghiêm trọng của vấn đề rồi đó!

      Tu hành dễ dàng, tu tâm khó khăn! Có thể nói pháp môn Niệm Phật là một loại thuốc thanh lương cho việc tu tâm, là phương thuốc hết sức tuyệt diệu. Chẳng phải là quý vị có vọng niệm đó sao? Được rồi! Vọng niệm gột không hết thì xoay chuyển nó. Chẳng khởi niệm thì thôi, hễ khởi niệm bèn A Di Đà Phật, chuyển biến hết thảy vọng niệm thành một niệm, cách này rất mầu nhiệm! Một niệm ấy công đức vô lượng vô biên, tuy niệm ấy (niệm A Di Đà Phật) vẫn là vọng niệm, nhưng hết thảy những vọng niệm tạp nhạp của quý vị đã được gom thành một, quy về một vọng niệm. Đấy là cương lãnh tu học trọng yếu trong Phật pháp. Chỉ cần quy ý niệm về một, quy về một câu A Di Đà Phật, lâu ngày chầy tháng, nhất định sẽ hoảng nhiên đại ngộ, sẽ đắc Lý nhất tâm bất loạn, chứng đắc “Chân Như pháp nhất”. Nói cách khác, chứng đắc cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm gọi cõi Thật Báo Trang Nghiêm là Nhất Chân pháp giới. “Thật” là chân thật. Pháp chân thật chỉ có một, chỉ có pháp chân thật mới gọi là trang nghiêm. Hết thảy hư vọng chẳng đáng gọi là trang nghiêm, chỉ có chân thật mới thật sự là trang nghiêm!

      Chúng ta hãy đặc biệt chú ý: Tâm động là tạo nghiệp! Do vậy, phải nhanh chóng chuyển nghiệp. Chuyển “khởi tâm, động niệm” thành A Di Đà Phật, chuyển nhiễm nghiệp thành tịnh nghiệp, chuyển từ chỗ này. Quý vị chuyển được thì là tu hành thật sự. Tu hành không phải là suốt ngày từ sáng đến tối cầm cuốn kinh để tụng niệm, lần chuỗi niệm Phật, gõ mõ, hằng ngày dập đầu lạy lục tại nơi đó, chẳng phải là tu nơi hình thức. Những thứ đó là công phu bề ngoài. Tu hành chân chánh thì phải dồn sức nơi tâm, thực hiện công phu nơi khởi tâm động niệm, ý niệm vừa dấy lên bèn chuyển thành Phật hiệu, đó gọi là “tu từ căn bản”, nay chúng ta phải thực hiện từ chỗ này.

      Thực hiện từ chỗ này thì có phải là dốc sức nơi nghiệp tướng hay chăng? Chẳng phải vậy! Nếu hướng theo phía nghiệp tướng thì cũng không sai, nhưng chẳng thể chuyển nghiệp tướng. Vì sao? Nghiệp tướng ấy chính là [cái tâm bị dao động] vô cùng vi tế. Sự dao động vi tế ấy chính là khởi tâm động niệm, bản thân chúng ta chẳng thể cảm nhận được. Ví như ban đêm quý vị nằm mộng, do tâm động mới có mộng cảnh; quý vị có thể cảm nhận tâm động hay chăng? Chẳng cảm nhận được, quá vi tế mà! Hiện thời, chúng ta có thể cảm nhận những thô niệm (ý niệm thô tháp), tham, sân, si, mạn là những thô niệm, chứ chẳng thể cảm nhận tế niệm. Đối với những ý niệm vi tế (tế niệm) [chẳng hạn] như nghiệp tướng, kinh Đại Thừa nói hàng Bát Địa Bồ Tát mới có thể nhận biết được. Do vậy, đạt đến Bát Địa mới có thể chuyển A Lại Da Thức thành Đại Viên Kính Trí. Đây là nói về Viên Giáo, từ Sơ Trụ kiến tánh cho đến Bát Địa gồm ba mươi tám địa vị Bồ Tát. Giống như đi học, mỗi năm học một lớp cho đến hết ba mươi tám lớp. Có tất cả bốn mươi mốt lớp, học hết bốn mươi mốt lớp sẽ tốt nghiệp, đến lớp thứ ba mươi tám mới thấy được những ý niệm vi tế. Nay chúng ta có thể tự nhận biết những ý niệm thô, những ý niệm ấy vừa dấy lên liền ngay lập tức chuyển chúng thành Phật hiệu, đấy là công phu tuyệt diệu, là chỗ để chúng ta dốc sức tu hành.

      Do vậy, cổ đức nói: Hạnh môn trong Đại Thừa Phật pháp không phải là tu hành nơi hình tướng, mà tu nơi khởi tâm động niệm, hãy đặc biệt chú ý tới chỗ này! [Tuy vậy], hình thức cũng chẳng thể phế trừ, hình thức nhằm mục đích đại từ đại bi tiếp dẫn chúng sanh, nó vẫn có tác dụng thù thắng nhất, gây ảnh hưởng cho những người chưa học Phật. Cá nhân tu hành thì không cần phải coi trọng hình thức. Có rất nhiều đồng tu người nhà của họ còn chưa học Phật, nếu có những nghi thức sợ rằng sẽ khiến người nhà khó chịu, hủy báng, thậm chí gây chướng ngại, quý vị hãy nên dụng công nơi tâm địa. Nếu người nhà chẳng phản đối thì có thể vận dụng nghi thức, vì sao? Những nghi thức ấy có thể ảnh hưởng người nhà quý vị. Tuy họ không lễ Phật, nhưng họ thấy quý vị hằng ngày lạy Phật, đã gieo hạt giống lạy Phật vào A Lại Da thức của họ. Họ không niệm Phật, nhưng hằng ngày nghe quý vị niệm Phật, hạt giống ấy cũng gieo vàotrong thức tâm (cái tâm bị điều khiển bởi thức, không phải là chân tâm) của họ, giống như quý vị đã độ họ, chỉ cần họ không phản đối. Nếu họ phản đối, nói chung phải tránh né, đừng câu nệ hình thức, như vậy sẽ là công đức viên mãn.

      (Diễn) Nhiên thử tuy động niệm nhi cực vi tế, duyên khởi nhất tướng Năng Sở bất phân, tức đương Lê Da Tự Thể Phần dã.

       (演) 然此雖動念而極微細,緣起一相能所不分,即當黎耶自體分也。

      (Diễn: Ý niệm ấy tuy động nhưng vi tế tột bậc, duyên khởi một tướng, Năng và Sở chẳng phân, đấy chính là Tự Thể Phần của A Lại Da thức).

      Đây là ba tướng Tế, tức là ý niệm hết sức vi tế. Do vì niệm đã động, nên mới có y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Vũ trụ do đâu mà có? Do tâm bất giác dấy động mà có! Chúng ta đêm ngủ nằm mộng, do tâm bất giác động nên hiện ra cảnh trong mộng. Trong Chân Như bổn tánh, tâm bất giác động niệm, hiện ra y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới.“Duyên khởi nhất tướng, Năng Sở bất phân”: Trong một niệm tối sơ, chủ thể động (tâm bất giác), cái bị động (ý niệm), chủ thể hiện (vọng tâm), đối tượng được hiện (y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới) chẳng dễ gì phân biệt được. Vì sao chẳng dễ gì phân biệt được? Điều này cho thấy động và tịnh có cùng căn nguyên, có cùng một tự thể là Chân Như bổn tánh. “Tức đương Lê Da Tự Thể Phần”: Chính là Tự Thể Phần của A Lại Da thức. Trong bốn phần (Tướng Phần, Kiến Phần, Tự Chứng Phần, Chứng Tự Chứng Phần) của Duy Thức, nó chính là Tự Chứng Phần, tức Tự Thể Phần của A Lại Da thức. Vì thế, thoạt đầu, Kiến Phần và Tướng Phần có cùng một nguồn. Kiến Phần là Năng, Tướng Phần là Sở. Năng và Sở cùng một nguồn. Do vậy, một niệm tối sơ thật chẳng dễ dàng phân định [đâu là Năng, đâu là Sở], gần như là một chuyện, đành phải để cho nó tiếp tục tăng trưởng rồi hai phần Kiến và Tướng mới càng ngày càng rõ rệt hơn.

      Đến chỗ này, [toàn bộ những câu văn trong sách Diễn Nghĩa] chỉ nhằm giải thích câu “dĩ bất như thật tri Chân Như pháp nhất cố, bất giác tâm khởi nhi hữu kỳ niệm”. Nhất niệm có mối quan hệ hết sức lớn, trong khi ấy, không thể nào nhận biết được một niệm này, nên nó mới diễn biến thành cảnh giới hiện tiền của chúng ta.

      (Diễn) Vô minh sở phú, thất bổn lưu mạt giả.

      (演) 無明所覆,失本流末者。

      (Diễn: “Vô minh che lấp, đánh mất gốc, chạy theo ngọn” là...)

      “Bổn” (gốc) là Nhất Chân pháp giới, “mạt” (ngọn) là mười pháp giới; Bổn là Chân Như bổn tánh, Mạt là tam tế, lục thô (ba tướng Tế, sáu tướng Thô của A Lại Da thức).

      (Diễn) Vô minh, tức căn bản vô minh, tức bất như thật tri dã. Phú, vị phú cái chân tánh. Bổn tức chân tánh, Mạt vị tam tế, lục thô, ký thất bổn tự lưu mạt.

       (演)無明,即根本無明,即不如實知也。覆,謂覆蓋真性。本即真性,末謂三細六粗,既失本自流末。

      (Diễn: Vô minh là căn bản vô minh, tức là chẳng biết đúng như thật. Phú là che lấp chân tánh. Bổn là chân tánh. Mạt là tam tế, lục thô. Đã mất gốc liền tự chạy theo ngọn).

      “Tam tế, lục thô” biến hóa thành lục đạo luân hồi hiện tiền, biến hiện ra các cõi nước Phật và đại thiên thế giới. Đại thiên thế giới là lục đạo luân hồi. Lục đạo luân hồi là đại thiên thế giới. Do vậy, chính mình mê, chính mình tạo, chính mình chịu. Trong ấy, chắc chắc chẳng thể oán trời, hờn người. Nếu oán trời, hờn người, sẽ tạo nghiệp càng sâu, càng bị hãm sâu, nhất định phải giác ngộ: Hết thảy cảnh duyên đều là tự làm, tự chịu. Người giác ngộ là Bồ Tát, Bồ Tát chẳng sợ quả báo, cảnh nghịch xảy đến bèn thuận theo, đón nhận quả báo rất tự tại, vì Ngài đã hiểu “phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, giống như nằm mộng, biết “hết thảy pháp đều chẳng thể được”. Do vậy, bất luận là nghịch cảnh hay thuận cảnh, không gì chẳng tự tại; người giác ngộ mới làm được! Người mê hoặc không thể làm được, chẳng thể tự tại. Trong Phật Học Thập Tứ Giảng có nói: “Ác nan khiển, hảo nan cầu” (ác khó đuổi, tốt khó cầu), phải gắng sức đoạn ác, mong cầu điều tốt sẽ cầu chẳng được, đó là chuyện không thể xảy ra được! Do vậy, nếu thật sự biết cầu thì nhất định phải hiểu lý, tu học đúng lý, đúng pháp, ắt là “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng” (trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng). Hôm nay tôi giảng đến đây!

Tập 18

      Xin đọc A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, trang mười tám:

      (Sớ) Tắc vô minh sở phú, thất bổn lưu mạt, hỗn loạn chân thể, cố danh viết Trược. Như trừng nê sa, phục sử tịnh khiết, tư chi vị Thanh, tức chỉ chuyển Ngũ Trược nhi thành Thanh Thái dã.

      (Diễn) Vô minh sở phú, thất bổn lưu mạt giả, vô minh, tức căn bản vô minh, tức bất như thật tri dã. Phú, vị phú cái chân tánh, Bổn tức chân tánh, Mạt vị tam tế, lục thô, ký thất bổn tự lưu mạt.

      (疏) 則無明所覆,失本流末,渾亂真體,故名曰濁。如澄泥沙, 復使淨潔, 斯之謂清, 即指轉五濁而成清泰也。

  (演) 無明所覆,失本流末者。無明,即根本無明,即不如實知也。覆,謂覆蓋真性。本即真性,末謂三細六粗,既失本自流末。

      (Sớ: Liền bị vô minh che lấp, đánh mất gốc, chạy theo ngọn, hỗn loạn chân thể, nên gọi là Trược. Như lắng bùn, cát, khiến cho nó trong sạch trở lại, đó gọi là Thanh, tức là chuyển Ngũ Trược thành cõi Thanh Thái.

      Diễn: “Vô minh che lấp, đánh mất gốc, chạy theo ngọn”: Vô minh là căn bản vô minh, tức là chẳng biết đúng như thật. Phú là che lấp chân tánh. Bổn là chân tánh. Mạt là tam tế, lục thô. Đã mất gốc tự chạy theo ngọn).

      Kinh văn giảng rõ vì sao vô minh khởi lên trong chân tánh? Sau khi vô minh đã dấy lên, nó sẽ phát triển như thế nào? Đoạn văn này tuy không dài, những cũng nói rất rõ ràng. Trong buổi giảng trước, tôi đã đặc biệt nhắc quý vị, câu “Chân Như pháp nhất” hết sức trọng yếu. Nhà Thiền thường nói: “Thức đắc nhất, vạn sự tất” (biết một chuyện, muôn sự đều xong). Chúng ta học Phật công phu không đắc lực là vì khuyết điểm này, tức là chúng ta chẳng biết: Trong Chân Như các pháp là một. Chẳng biết tu hành phải tương ứng với Nhất Chân, pháp giới vốn là Nhất Chân, nhưng cái Nhất ấy quả thật rất khó hiểu. Hễ trong tâm quý vị có Nhất thì sẽ chẳng Nhất. Trong Nhất không có gì cả, hễ có một quan niệm sẽ là sai. “Tâm thể ly niệm” là Nhất, hễ có niệm sẽ chẳng Nhất! Thế nhưng công phu này rất khó thực hiện, trong tâm chúng ta luôn khởi tâm động niệm. Dẫu một ý niệm gì cũng không có thì lại biến thành Vô Tưởng Định, lại sai mất rồi! Quả báo của Vô Tưởng Định là cõi trời Vô Tưởng trong Tứ Thiền Thiên. Hai bên Có và Không đều lìa thì mới là Nhất. Có “hữu niệm” không được, có “vô niệm” cũng không được. Hữu niệm và vô niệm đều phải bỏ, đấy mới là nhất tâm, đấy mới là tương ứng với “Chân Như pháp nhất”. Hiểu rõ đạo lý này thì mới hiểu cương lãnh trọng yếu trong tu học.

      “Bất giác tâm khởi nhi hữu kỳ niệm” (Tâm bất giác khởi lên ý niệm), cho thấy: Chúng ta khởi tâm động niệm thì là bất giác, cái bất giác ấy chính là căn bản vô minh. “Giác tâm bất khởi niệm” (Giác tâm chẳng khởi niệm), chúng ta phải phản tỉnh ở chỗ này. Bất luận trong cảnh giới nào, khởi tâm động niệm là nghiệp tướng, trước đó là căn bản vô minh. Vô minh bất giác sanh tam tế. Vô minh che lấp chân tánh của chúng ta, trong kinh này gọi chân tánh là nhất tâm, Lý nhất tâm. Vô minh che lấp nhất tâm của chúng ta, đấy là mê mất Bổn. Bổn là Lý nhất tâm, tức Chân Như bổn tánh, “thất” (失) là mê mất. Mê mất là bất giác, nên mới rớt vào “chi mạt” (枝末: cành nhánh). Chi mạt chính là ba tế tướng của A Lại Da, tức Nghiệp Tướng, Chuyển Tướng và Cảnh Giới Tướng.

      Trong đoạn này còn nói Tướng Phần và Kiến Phần có cùng nguồn. Nay chúng ta nói tinh thần và vật chất có cùng một nguồn cội, đều do Chân Như bổn tánh biến hiện. Chúng ta nghe những câu này xong ngơ ngác không hiểu! Nói những hiện tượng tinh thần bị mê hoặc, điên đảo là do Chân Như bổn tánh sau khi đã mê biến hiện ra, chúng ta còn tin tưởng mấy phần, đại khái là vẫn còn có thể xảy ra như vậy; chứ nói núi, sông, đại địa, sâm la vạn tượng cũng là do Kiến Phần của chúng ta biến hiện ra, chúng ta rất khó thể tin tưởng! Làm sao mà cái tâm này có thể biến hiện ra núi sông, đại địa ở bên ngoài? Những hiện tượng trước mắt là ba tế tướng của A Lại Da, A Lại Da rộng lớn không có ngằn hạn. Giác ngộ rồi, A Lại Da biến thành Đại Viên Kính Trí, toàn thể cảnh giới biến thành Nhất Chân pháp giới. Mê rồi thì sẽ là vô lượng vô biên pháp giới, chứ không phải chỉ có mười pháp giới! Sự thật này rất khó lòng thấu hiểu được, nhưng chúng ta nghĩ nó giống như lúc nằm mộng sẽ thấy chẳng khó hiểu nữa. Trong giấc mộng, quý vị thấy có chính mình, vậy thì cái “chính mình ở trong mộng ấy” là do đâu mà có? Chính mình có thân thể mà cũng có tinh thần, vậy thì tinh thần và sắc tướng từ đâu mà có? Núi, sông, đại địa trong giấc mộng do đâu mà có? Trong mộng cũng có hư không, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, thử hỏi những thứ ấy do đâu mà có? Há chẳng phải là tâm của chính mình biến hiện ra ư? Trong mộng có thể biến sắc thân, có thể biến núi, sông, đại địa, sau khi chúng ta mê mất chân tánh, lẽ nào tướng chẳng hiện ra? Công năng của chân tánh so với công năng của “độc đầu ý thức”[1] trong mộng phải lớn hơn rất nhiều, thù thắng hơn rất nhiều! Nó có thể biến. Do vậy, lấy những hình tượng được hiện trong mộng để tỷ dụ đạo lý này hòng suy tưởng thì đối với những đạo lý được nói trong kinh Phật sẽ có thể tin tưởng mấy phần.

      Ba tế tướng đều là Tự Thể của A Lại Da. Nghiệp Tướng là tướng động của vô minh, động gọi là Nghiệp. Do tâm bất giác khởi lên nên gọi là Nghiệp. “Tâm khởi” sẽ có niệm, ý niệm là Kiến Phần. Từ Nghiệp Tướng biến ra Chuyển Tướng. Niệm có thể chuyển, chuyển gì vậy? Chuyển biến, biến gì vậy? Biến ra cảnh giới; vũ trụ, nhân sinh, sâm la vạn tượng đều được biến ra. Biến ra những tướng ấy thì gọi là Cảnh Giới Tướng, tức là Tướng Phần của A Lại Da. Từ trong Cảnh Giới Tướng lại biến hiện sáu thứ thô tướng, [gộp cả ba tế tướng và sáu thô tướng, ta có] “tam tế, lục thô”. Ba tế tướng (Nghiệp Tướng, Chuyển Tướng, Cảnh Giới Tướng) của A Lại Da bao gồm toàn bộ vũ trụ nhân sinh, bao gồm toàn thể vũ trụ, đó là ba tế tướng. “Lục thô tướng” không giống vậy. Sáu thô tướng là nói về từng cá nhân trong chúng ta, tức là chỉ cho từng người riêng biệt. Mỗi một hữu tình chúng sanh đều có sáu thô tướng, sáu thứ thô tướng do đâu mà có? Từ ba tế tướng biến hiện ra, chẳng tách rời ba tế tướng. Kinh Đại Thừa thường nói tâm có thể hiện tướng, “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Sâm la vạn tượng, các thứ sai biệt là do thức biến. Trong “lục thô” thì thứ nhất là Trí Tướng, thứ hai là Tương Tục Tướng, cổ nhân ghép hai tướng này với thức thứ bảy, còn Chấp Thủ Tướng và Kế Danh Tự Tướng được ghép với thức thứ sáu. Khởi Nghiệp Tướng ứng với năm thức trước (Nhãn Thức, Nhĩ Thức v.v...). Nghiệp Hệ Khổ Tướng là quả báo.

      (Diễn) Hỗn loạn chân thể giả.

      () 渾亂真體者。

      (Diễn: Hỗn loạn chân thể là...).

      “Chân thể” là bổn tánh, là nhất tâm bất loạn. Nay chúng ta đánh mất nhất tâm, vọng niệm từ sáng đến tối không ngừng, cái tâm rối loạn, chẳng phải là nhất tâm. Tâm là trược tướng, chẳng phải là tướng thanh tịnh.

      (Diễn) Như Lăng Nghiêm vân: “Thí như thanh thủy, thanh khiết bổn nhiên. Hữu chư thế nhân, thủ bỉ thổ trần, đầu ư thanh thủy, thủy vong thanh khiết, dung mạo cốt nhiên, danh chi viết Trược”.

      (演) 如楞嚴云:譬如清水,清潔本然。有諸世人,取彼土塵,投於清水,水亡清潔,容貌汨然,名之曰濁。

      (Diễn: Như kinh Lăng Nghiêm nói: “Ví như nước trong vốn sẵn thanh khiết. Có những người đời lấy đất, bụi ném vào nước trong, nước mất thanh khiết, mất đi dáng vẻ [sẵn có], nên gọi là Trược”).

      “Thí như thanh thủy, thanh khiết bổn nhiên” (Ví như nước trong vốn sẵn thanh khiết): Câu này tỷ dụ bổn tánh của chúng ta. Nếu có người đem bùn cát quăng vào nước trong trẻo, nước ngay lập tức vẩn đục, mất đi tướng thanh tịnh. Bùn, cát, đất, bụi là gì? Là bất giác, là tam tế, lục thô, vô minh. Tam tế, lục thô giống như bùn, đất, cái tâm thanh tịnh của chúng ta có những thứ này, mất đi thanh tịnh, nhất tâm cũng mất. Đây là tình huống hiện thời của chúng ta.

      (Diễn) Phục sử tịnh khiết giả.

      () 復使淨潔者。

      (Diễn: “Khiến cho trong sạch trở lại” là....) .

      Tiếp theo đó nói đến cách tu hành, tu hành giống “như lắng trong bùn, cát, khiến cho nước lại trong sạch”. Đó gọi là Thanh. Trừng (澄) là lắng cặn.

      (Diễn) Lăng Nghiêm vân: “Như trừng trược thủy, trữ ư tịnh khí, tĩnh thâm bất động”.

      (演) 楞嚴云:如澄濁水,貯於淨器,靜深不動。

      (Diễn: Kinh Lăng Nghiêm chép: “Như lắng trong nước đục, đựng trong đồ chứa sạch, lặng lẽ, sâu thẳm, bất động”).

      Quý vị chứa nước ấy lại, tuy nó có bùn, cát, không sao cả! Do nước vốn là khiết tịnh, để một thời gian lâu, bùn, cát sẽ lắng xuống. Lắng cặn thì cần phải có công phu Định lực; chỉ cần quý vị chịu tu Định thì tam tế, lục thô sẽ dần dần tiêu mất. “Tĩnh thâm bất động”: Câu này tỷ dụ sự tu hành, bất luận tu pháp môn nào cũng đều phải tĩnh, tĩnh chính là Định. Tám vạn bốn ngàn pháp môn là tám vạn bốn ngàn mánh khóe hay phương pháp nhằm tu “tĩnh thâm bất động”, tuyệt đối chẳng có pháp môn nào dạy quý vị tu Động. Lễ Phật cũng là một môn tu hành, có người chuyên môn dùng phương pháp này để tu hành. Mỗi ngày lạy Phật ba ngàn lạy, đấy chẳng phải là“tĩnh thâm bất động” ư? Đúng vậy! Hằng ngày lễ Phật là động, vì sao có thể bất động? Bất động thì làm sao lễ Phật được? Bất động ở đây là tâm bất động, chứ không phải thân bất động. Thân bất động, suốt ngày từ sáng đến tối nhìn vào vách, trong tâm vẫn khởi vọng tưởng, có ích gì đâu! Bảo quý vị “nhất tâm bất loạn”, chứ đâu có bảo quý vị “nhất thân bất loạn!” Lễ Phật thân tuy động, nhưng tâm bất động, trong tâm lắng trong đến mức cùng cực sẽ tự nhiên cảm ứng; sự cảm ứng ấy khiến cho tam tế, lục thô dần dần bị đào thải, dần dần chuyển biến thành Định - Huệ. Do vậy, lễ Phật là một phương pháp tu hành rất xảo diệu, thậm chí xảo diệu hơn kinh hành. Hiểu được nguyên tắc này, bất luận trong trường hợp nào, bất luận dùng phương pháp nào, cũng đều là tu tâm thanh tịnh, đều tu tâm bất động. Chỉ có không động tâm thì mới có thể thành tựu.

      (Diễn) Sa thổ tự trầm.

   () 沙土自沉。

      (Diễn: Cát, đất tự chìm).

      “Cát, đất” tỷ dụ phiền não. Tâm bất động thì mới đoạn được phiền não, phiền não đoạn rồi nghiệp chướng liền tiêu. Chúng ta muốn thật sự tiêu nghiệp chướng thì nhất định phải tu tâm thanh tịnh.

      (Diễn) Thanh thủy hiện tiền, danh vi sơ phục khách trần phiền não.

      (演) 清水現前,名為初伏客塵煩惱。

      (Diễn: Nước trong hiện tiền thì gọi là “vừa mới chế phục khách trần phiền não”).

      Đây chính là “hàng phục kỳ tâm” như kinh Kim Cang đã nói. Hàng phục cái tâm phải dùng Thiền Định rất sâu. Thiền Định: Quý vị đừng bị danh từ này mê hoặc, cứ ngỡ Thiền Định nói chung là ngồi xếp bằng, nhìn vào vách! Rất nhiều người chẳng thể thật sự liễu giải ý nghĩa được bao hàm trong danh tướng này. Bởi lẽ, học Thiền thì Lục Tổ Đàn Kinh là nguyên tắc chỉ đạo tối cao của Thiền Tông Trung Quốc. Trong Đàn Kinh có nói: “Chẳng chấp lấy tướng là Thiền, chẳng động tâm là Định!” Bất luận trong cảnh giới nào, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, quý vị chẳng chấp tướng thì gọi là Thiền. Chẳng khởi tâm, chẳng động niệm gọi là Định. Do đây có thể biết rằng: Tịnh tọa hay không chẳng quan trọng, Định thật sự cao minh không có hình tướng, đi, đứng, nằm, ngồi đều là Thiền Định, vui cười, giận mắng cũng là Thiền Định. Đâu có ngốc nghếch cố chấp [phải ngồi Thiền mới là Thiền Định] như vậy! Phật pháp là sống động, hoạt bát; Thích Ca Mâu Ni Phật và các vị Bồ Tát trong hội Hoa Nghiêm, có vị nào chẳng hoạt bát, sống động? Do vậy, học Phật sợ nhất là học thành si ngốc, phiền phức lắm! Học hành trở thành kẻ cuồng chữ, học Phật biến thành kẻ cuồng Phật, sai mất rồi!

      Bước đầu trong công phu tu học là chế phục phiền não. Khuất phục phiền não là “công phu thành phiến” trong pháp môn Niệm Phật. Nếu không chế phục được phiền não thì công phu chẳng thành tựu. Công phu thành phiến, quyết định vãng sanh. Các đồng tu phải đặc biệt chú ý điều này, chuyện này là chuyện của chính mình, đừng bận tâm đến chuyện của người khác. Đối với người khác, có duyên phận thì chúng ta giới thiệu pháp môn với họ. Họ có thể tiếp nhận, có thể y giáo phụng hành là họ có thiện căn, phước đức. Họ nghe xong, chẳng chịu làm theo hoặc hành chẳng đắc lực là do thiện căn, phước đức của họ quá ít, quý vị cũng chẳng cần phải nóng ruột: “Đối với người này phải làm cách nào đây, ta vẫn chưa thể độ hắn được!” Quý vị nóng ruột như thế thì tâm của chính mình lại bị đục ngầu. Không độ chúng sanh được, mà chính mình lại bị họ lôi xuống nước, phải chú ý điều này. Chư Phật, Bồ Tát hoằng pháp lợi sanh, hằng ngày tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, chính các Ngài chắc chắn chẳng động tâm, chắc chắn chẳng khởi niệm, vĩnh viễn giữ gìn tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Có bản lãnh ấy thì mới có thể thả chiếc bè Từ. Chúng ta thường xử sự theo cảm tình, nhất là đối với bạn bè thân thiết, nếu tôi không độ họ, trong tâm khó chịu, nếu như tôi vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, họ chẳng thể vãng sanh thành công thì tôi quay lại bầu bạn với họ, lầm lẫn quá lớn. Thành tích là ở chỗ này, nhất định phải đoạn phiền não. Khi bắt đầu thì là chế phục phiền não trước, khi công phu định lực sâu hơn thì có thể đoạn được phiền não.

      (Diễn) Khử nê thuần thủy, danh vi vĩnh đoạn căn bản vô minh.

      (演) 去泥純水,名為永斷根本無明。

      (Diễn: Khử bùn, [còn lại] thuần là nước thì gọi là vĩnh viễn đoạn dứt căn bản vô minh).

      Cảnh giới này là Lý nhất tâm bất loạn, vì sao? Nó “vĩnh viễn đoạn dứt căn bản vô minh”, thuộc địa vị nào vậy? Thành Phật rồi! Thành Phật mới có thể vĩnh viễn đoạn dứt căn bản vô minh, Đẳng Giác Bồ Tát vẫn chưa làm được vì còn có một phẩm sanh tướng vô minh chưa đoạn. Chúng ta phải hiểu: Định ở mức độ cạn, Định nhỏ nhoi chỉ có thể chế phục phiền não. Thiền Định rất sâu mới có thể đoạn phiền não. Thế nhưng, [thật ra] Định chẳng thể đoạn vô minh, từ Định khai Huệ, Huệ mới có thể chiếu phá vô minh. Tâm Kinh nói Huệ là Bát Nhã sâu xa: “Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không”. Nếu dùng trí huệ Bát Nhã để quán chiếu, chiếu kiến căn bản vô minh thì mới được, chứ dựa vào công phu định lực thì chưa được; nhưng trí huệ Bát Nhã từ Định sanh ra, không có Định sẽ chẳng có Huệ. Chúng ta đọc nhiều, nghe nhiều, nhớ nhiều kinh Phật một chút, bèn tưởng là trí huệ của chính mình mở mang, lầm rồi! Trí huệ mở mang mà phiền não, vô minh chưa đoạn thì phải hiểu đấy chẳng phải là trí huệ, mà là Thế Trí Biện Thông như trong Phật pháp đã nói. Thế Trí Biện Thông là một trong tám nạn của người học Phật, gặp nạn rồi! Loại trí huệ này gọi là Sở Tri Chướng. Học Phật phải phá hai thứ chướng, tăng trưởng Sở Tri Chướng mà lầm lẫn ngỡ là khai trí huệ, có hỏng bét hay là không?

      Học Phật trong thời cận đại, trong nhà Phật có rất nhiều chuyện hiếm có, lạ lùng, cổ quái mà thuở xưa chưa hề có! Tôi thường gặp [người ta kể] “ông X... đã khai ngộ rồi”, còn có kẻ tự nói mình đã khai ngộ. Khí chất của người đã ngộ và chưa ngộ khác nhau! Người đã ngộ làm sao có vô minh? Làm sao có phiền não? Tôi ở ngoại quốc, nghe nói tại Los Angeles có mười mấy người trẻ tuổi đã khai ngộ. Tôi giảng kinh ở Los Angeles, bọn họ đến nơi ấy nghe tôi giảng kinh. Tôi nói: “Lạ nhỉ! Khai ngộ rồi thì còn nghe tôi giảng kinh để làm gì? Còn có chỗ nghe rồi không hiểu, còn phải nêu khá nhiều câu hỏi”, đủ thấy bọn họ chắc chắn chưa khai ngộ. Vì sao? Tôi chưa khai ngộ mà! Tôi chưa khai ngộ, nếu họ khai ngộ rồi, lẽ ra phải cao minh hơn tôi nhiều lắm chứ! Kết quả là so ra họ chẳng bằng tôi, đủ thấy bọn họ quả thật chưa khai ngộ. Chưa khai ngộ mà tự cho là mình đã khai ngộ, đại khái họ cũng chẳng phải là vọng ngữ, trong Phật pháp gọi họ là kẻ “tăng thượng mạn”, chưa khai ngộ mà tự cho là đã khai ngộ.

     Tôi còn gặp người bảo tôi chính ông ta đã chứng quả. Tôi cũng chẳng có cách nào! Tôi bèn nói: “Hay quá! Tôi vẫn chưa chứng quả”, chẳng qua tôi bảo kẻ ấy: “Người thật sự chứng A La Hán chắc chắn có Lục Thông. Trong tâm tôi nghĩ tới chuyện gì, khởi vọng tưởng gì, ông có biết hay không? Nếu ông không biết, ông chẳng có Tha Tâm Thông. Chúng ta đang ở trong nhà, ngoài đường có xe gì chạy qua, ông có thấy được hay không? Cách vách mà không thấy thì ông chẳng có Thiên Nhãn Thông!” Khảo nghiệm từng chuyện, môn thần thông nào kẻ ấy cũng không có. Tôi nói: “Ông chẳng phải là A La Hán, A La Hán nhất định có thần thông”. Như vậy là kẻ ấy tự mình suy nghĩ, đại khái là chưa chứng đắc. Khó lắm! Có nhiều người nẩy sanh lầm lẫn, chưa chứng đắc mà cho là đã chứng đắc, chưa khai ngộ mà tưởng là đã khai ngộ. Thật ra là do đọc kinh quá ít, chẳng hiểu cảnh giới. Giống như chúng ta đi đường, từ Đài Bắc muốn đến Cao Hùng, khi đến được Bản Kiều bèn ngỡ đã tới nơi: “Tôi đã đến Cao Hùng rồi!” hiểu lầm, chẳng hiểu cảnh giới!

      Tu hành phải hiểu lý luận, phương pháp, còn phải biết cảnh giới. Biết cảnh giới giống như biết đường, biết rõ ràng công phu của chính mình đạt đến trình độ nào, con đường trước mặt phải đi như thế nào, còn bao xa, cũng phải biết thật rõ ràng, quyết chẳng lạc lối. Có những người chẳng dốc công phu nơi Định - Huệ, ở đâu cũng khoe khoang chính họ đã khai ngộ, lại còn muốn thỉnh đại pháp sư ấn chứng cho mình, thỉnh thượng sư Mật Tông ấn chứng. Đúng là mê! Ấn chứng cho kẻ ấy: “Người này khai ngộ! Kẻ kia chứng quả!” Kết quả toàn là giả! Do vậy, người hiểu lý thật sự phân biệt chân, vọng, tà, chánh, đúng, sai, quyết chẳng mê lầm phương hướng, chẳng bị kẻ khác lừa gạt, chẳng bị người ta đùa bỡn.

      Hiện thời, kẻ gạt người rất đông, nhưng rất nhiều người bằng lòng bị gạt, nói lời thật với họ, họ không nghe, chẳng tin tưởng. Nói lời giả với họ, gạt gẫm họ, họ hết sức vui thích. Thậm chí kẻ gạt người nói: “Ông đến học với tôi, học mấy bữa tôi sẽ thọ ký cho ông: Ông là Bồ Tát này, chứng quả vị nọ”. Người ấy bèn đem hết của cải tích cóp trong nhà dâng cúng cho hắn. Những gã [lừa bịp] ấy chẳng sợ nhân quả báo ứng! Nếu những người ấy trong tương lai không chứng quả, bị gạt, thì thiếu nợ vẫn phải trả, thiếu nợ thì phải trả nợ, thiếu mạng phải đền mạng, đã khiến cho Pháp Thân huệ mạng của chúng sanh bị lầm lỡ, lại còn gạt gẫm tài vật, biết làm sao nữa! Hiện thời, trong thế gian hiện nay, hiện tượng này chẳng phải là không có, chúng ta học Phật phải chú ý, cẩn thận, phải biết phán đoán. Phương pháp duy nhất để phán đoán là đọc kinh, đối chiếu những điều kẻ ấy nói hay viết với kinh điển. Nếu trong mười câu có chín câu gần như đúng mà có một câu đáng đặt dấu hỏi thì toàn bộ đều có vấn đề!

      Thủ đoạn của bọn gạt người rất xảo diệu, biến giả thành chân, người sơ học thường chẳng phân biệt chân và vọng, thoạt nhìn ngỡ là thật; thật ra, trong ấy có xen lẫn giả, chúng ta phải cẩn thận điều này. [Thủ đoạn] càng cao minh thì càng khó phân biệt. Kinh Lăng Nghiêm từ quyển Tám trở đi, kinh văn chiếm đến một quyển rưỡi nhằm giảng về năm mươi thứ Ấm Ma. Cảnh giới ma hiện tiền, đúng là quý vị coi nó là cảnh giới Phật. Đối với bản lãnh hiện thời của chúng ta, nếu cảnh giới nào hiện tiền sẽ không có cách nào biện định được, nhất định sẽ bị gạt, đối với người tu hành chúng ta mà nói thì công phu sẽ vứt sạch, đáng tiếc lắm! Do vậy, cái hay của kinh Lăng Nghiêm là cảnh tỉnh chúng ta: Trong thế giới này, yêu ma quỷ quái quá nhiều, chỗ nào cũng có. Quý vị nhận biết chúng thì chúng nó sẽ không làm gì quý vị được! Nếu quý vị hiểu nguyên tắc tu hành, sẽ chẳng bị chúng nó lừa gạt.

      Nguyên tắc tu hành là “khuất phục phiền não, đoạn phiền não, phá vô minh”. Nguyên tắc tu học là phải “tăng trưởng công phu định lực, tăng trưởng cái tâm thanh tịnh, tăng trưởng trí huệ của chúng ta”. Có như vậy mới chẳng bị gạt! Nương vào Giới, Định, Huệ, thành tựu Văn, Tư, Tu; con đường ấy quyết định chính xác. Trong kinh luận, hết thảy chư Phật, Bồ Tát đều chỉ dạy chúng ta như thế. Khôi phục bổn tánh là như thế nào? Làm thế nào để thành tựu cái tâm thanh tịnh? Ý nghĩa ấy chính là “chuyển Ngũ Trược thành cõi Thanh Thái”, trong quyển cuối cùng của bộ sách này có một đoạn Sớ Sao rất dài nhằm thảo luận vấn đề này.

      (Sớ) Vô minh sở dẫn, khí giác trục trần, vi viễn chân thể, cố danh viết Bối.

      (疏) 無明所引,棄覺逐塵,違遠真體,故名曰背。

      (Sớ: Do vô minh dẫn dắt, bỏ giác, đuổi theo trần, trái nghịch, xa lìa chân thể, nên gọi là Bối).

      Đối với “thanh, trược, hướng, bối”, phần trên đã giảng về “thanh, trược”, ở đây lại giảng về “hướng, bối”.

      (Diễn) Vô minh sở dẫn đẳng, thử vô minh, diệc tức căn bản vô minh. Giác tức Bổn Giác, Trần tức tam tế, lục thô.

      (演) 無明所引等,此無明,亦即根本無明。覺即本覺,塵即三細六粗。

      (Diễn: “Vô minh dẫn dắt” v.v... Vô minh ở đây cũng chính là căn bản vô minh. Giác chính là Bổn Giác, Trần là tam tế, lục thô).

      “Khí giác, trục trần”: Khí (棄) là vứt bỏ, Giác là Bổn Giác. Nói thật ra, Khí là mê mất, tức mê mất Bổn Giác. “Trục” (逐) là nắm níu, tâm tâm niệm niệm nắm níu ngũ dục, lục trần. Trần (塵) ở đây là tam tế, lục thô. Ngũ dục, lục trần là những thứ thô nhất trong các tướng thô. Tướng rất thô chính là Khởi Nghiệp Tướng trong sáu tướng Thô. Chấp Thủ Tướng, Kế Danh Tự Tướng và Khởi Nghiệp Tướng đều là ngũ dục, lục trần.

      (Diễn) Do vô minh sanh nghiệp tướng, nãi chí tạo nghiệp thọ báo, thị tiệm viễn Chân Như chi giác, tùy trục cảnh giới chi trần.

  (演) 由無明生業相,乃至造業受報,是漸遠真如之覺,隨逐境界之塵。

      (Diễn: Do vô minh sanh nghiệp tướng, cho đến tạo nghiệp, lãnh chịu quả báo, dần dần xa cách sự giác ngộ nơi Chân Như, chạy theo lục trần trong cảnh giới).

Đoạn này giải thích câu “vô minh bất giác sanh tam tế, cảnh giới làm duyên tăng trưởng lục thô”, tức là nói về quá trình phát triển của tam tế, lục thô, từ “vô minh nghiệp tướng” cho đến khi “tạo nghiệp thọ báo”, cả chín thứ tướng (tức tam tế và lục thô) đều được nêu ra. Trải qua quá trình phát triển như vậy mà dần dần xa lìa Chân Như, trái nghịch Bổn Giác. “Tùy trục” cũng là nắm níu trần duyên trong cảnh giới.

      (Diễn) Như cùng tử xả phụ đào thệ, cố danh viết Bối.

      (演) 如窮子捨父逃逝,故名曰背。

      (Diễn: Như đứa con nghèo túng bỏ cha trốn đi, nên gọi là Bối).

      Câu này là một thí dụ trong kinh Pháp Hoa. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật có kể một câu chuyện rất dài: Đứa con trai của vị trưởng giả giàu to quên mất cái nhà của chính mình, bỏ trốn ra ngoài kiếm cơm, khổ sở khôn xiết! Trái nghịch Bổn Giác cũng giống như vậy; vì sao trái nghịch Bổn Giác? Sau khi vô minh khởi lên, sẽ mê mất bổn tánh.

      (Sớ) Phản kỳ khứ lộ, phục sử quy hoàn, tư chi vị Hướng.

      (疏) 返其去路,復使歸還,斯之謂向。

      (Sớ: Quay ngược lại con đường đã đi, khiến cho trở về, đấy gọi là Hướng).

      Đoạn này nhằm giải thích ý nghĩa chữ Hướng. Hướng (向) là quay đầu lại, trong nhà Phật thường nói “hồi đầu thị ngạn” (quay đầu lại sẽ là

bờ). Quay đầu thì từ đâu mà quay? Trước hết là từ ngũ dục lục trần mà quay lại, rồi mới lại từ lục thô, tam tế mà quay về. Như vậy thì mới có thể trở về bổn tánh, nhưng trong đoạn này, sách cũng nói, đấy chính là điều được diễn đạt trong bản kinh này:

      (Sớ) Tức chỉ bối Sa Bà nhi hướng Cực Lạc dã.

      () 即指背娑婆而向極樂也。

      (Sớ: Tức là nói “trái nghịch Sa Bà để hướng về Cực Lạc” vậy).

      Ở đây đại sư khuyên chúng ta hãy nên lìa khỏi thế giới Sa Bà, quy hướng thế giới Cực Lạc. Thế giới Sa Bà quả thật là khổ, chẳng thể giải quyết vấn đề. Ngay cả tu Thiền Định thế gian cũng chẳng dễ dàng, đừng nói là Thiền Định xuất thế gian. Sơ Thiền trong Thiền Định thế gian chẳng dễ gì thành tựu! Ngàn vạn phần chớ nên coi “Thiền ngoài cửa miệng, Thiền kiểu chồn hoang” là Thiền Định của Như Lai, lầm lạc mất rồi! Trong tâm mới đạt được một tí khinh an liền lầm tưởng chính mình đã nhập Định, lầm lạc quá lớn, tự mình dối gạt chính mình! Khi dối gạt người khác chính là tự dối gạt chính mình trước! Hạng người ấy rất ngu si, người thông minh quyết chẳng tự gạt mình. Lời chú giải cho đoạn này giảng rõ Lục Thô.

      (Diễn) Phản kỳ khứ lộ giả, vị bất tu biệt tầm quy lộ, tức tựu lộ hoàn gia, tiện đắc phản thân kiến phụ.

      (演) 返其去路者,謂不須別尋歸路,即就路還家,便得返身見父。

      (Diễn: “Quay ngược lại con đường đã đi” ý nói: Chẳng cần phải tìm con đường nào khác, cứ theo đường ấy trở lại nhà, sẽ được xoay mình gặp cha).

      Đây là tỷ dụ. Chính vì như vậy, đức Phật mới mở ra tám vạn bốn ngàn pháp môn, với ý nghĩa nhằm làm cho ai nấy đều theo đường trở về nhà, chẳng đi đường vòng. “Nhà”: Chân Như bổn tánh giống như cái tâm của vòng tròn, còn lũ chúng sanh chúng ta giống như đang đứng trên rìa ngoài của vòng tròn. Quý vị muốn đi đến cái tâm của vòng tròn thì phải đi thẳng theo đường kính, về thẳng đến nhà, chẳng thể đi quanh quẹo. Người khác tu pháp môn khác, người ấy cứ đứng ngay tại điểm đó, theo lối đó trở về nhà. Ta đứng tại điểm này, ta cũng có thể theo đường này trở về nhà. Ta chẳng cần đánh một đường vòng, học theo người ta. [Học theo người ta] chưa chắc đã có thể về đến nhà! Học Phật nhất định phải khế cơ; khế cơ là thích hợp với căn tánh và trình độ của chính mình, lại còn có thể thích hợp hoàn cảnh sống hiện thời, chẳng gây chướng ngại hay mâu thuẫn với cuộc sống hiện tại của chúng ta, tu hành như vậy sẽ thuận tiện. Có nhiều pháp môn là vì muốn thích hợp với những người có căn tánh khác nhau; do vậy, đức Phật giảng nhiều pháp môn vì chẳng phải chỉ giảng cho một cá nhân. Ví như bác sĩ trị bệnh kê rất nhiều toa thuốc, những toa thuốc ấy chẳng phải chỉ vì một người mà kê toa. Có những pháp môn chẳng thích hợp cho chúng ta tu học, tu tập những pháp môn ấy chỉ chuốc thêm phiền, tăng trưởng phiền não, tăng trưởng tà kiến. Những pháp môn ấy có phải do đức Phật nói ra hay không? Do đức Phật nói, nhưng chẳng hợp với căn cơ của chúng ta, chẳng khế cơ mà!

      Vì vậy, nhất định phải chọn lựa pháp môn. Khi đức Phật còn tại thế, chẳng cần phải chọn lựa vì quý vị đến thưa hỏi đức Phật, đức Phật bèn nói một pháp môn, giống như quý vị đi khám bệnh, thầy thuốc ngay lập tức kê toa. Hiện thời, đức Phật chẳng còn trụ thế nữa, những kinh điển được lưu lại chính là các toa thuốc đã kê cho rất nhiều người thuở ấy. Không có cách nào kê toa thuốc cho thật khớp với căn bệnh mà chúng ta đang mắc phải hiện thời. Bác sĩ chỉ dựa theo bệnh tình mà kê toa, chứ bệnh nhân chẳng thể bị bệnh đúng như [triệu chứng mô tả] trong toa thuốc được! Nay đức Phật đã không còn trụ thế, kinh điển là toa thuốc, chúng ta lấy đọc, suy xét mỗi toa thuốc có thể trị được căn bệnh của ta hay không. Nếu nhận thấy toa thuốc ấy chẳng thích hợp với căn bệnh cho lắm, phải nhanh chóng thay đổi cho phù hợp, thay đổi toa thuốc, thay đổi phương pháp, [ngõ hầu] chính mình đạt được một chút lợi ích trong sự tu học là tốt rồi, bèn có thể tiếp tục nỗ lực không ngừng, công hiệu là nhất định đoạn được phiền não.

      (Diễn) Tiên phá chấp thủ kế danh, không kỳ Nhân Chấp.

      (演) 先破執取計名,空其人執。

      (Diễn: Trước hết là phá chấp trước nắm giữ so đo danh tự, khiến cho Nhân Chấp rỗng không).

      Cương lãnh được nói ở đây chính là nguyên tắc chung cho tất cả các pháp môn. Bất cứ pháp môn nào trong tám vạn bốn ngàn pháp môn đều chẳng thể trái nghịch [nguyên tắc này]. Nếu trái nghịch nguyên tắc, nguyên lý này, chắc chắn chẳng phải là Phật pháp. Công phu tu hành sơ bộ chính là phá Chấp Thủ Tướng. Tướng thứ nhất trong sáu thô tướng chính là Trí Tướng, thứ hai là Tương Tục Tướng, thứ ba là Chấp Thủ Tướng, thứ tư là Kế Danh Tự Tướng. “Kế” (計) là so đo, phân biệt, “danh” (名) là danh tướng, “chấp”(執) là chấp trước, “thủ” (取) là lấy - bỏ. Trong hết thảy các pháp, quý vị khởi phân biệt, chấp trước, có cái tâm lấy - bỏ, được - mất, hoàn toàn do Ngã Chấp (Nhân Ngã Chấp) phát sanh. Chẳng lìa được những thứ ấy, Ngã Chấp tăng trưởng! “Nhân Chấp” chính là Nhân Ngã Chấp (chấp trước có ta, có người). Nếu còn những thứ này, sẽ chẳng phá được Nhân Ngã Chấp, chúng ta niệm Phật chẳng thể thành tựu Sự nhất tâm. Liên Trì đại sư, Ngẫu Ích đại sư đều bảo với chúng ta như thế này: Phá Nhân Ngã Chấp, đắc Sự nhất tâm bất loạn. Phá Pháp Ngã Chấp (phá Pháp Chấp), đắc Lý nhất tâm bất loạn. Điều này rất khẩn yếu! Công phu niệm Phật của chúng ta phải nhìn từ chỗ này; đó là thành tích, đạt đến tiêu chuẩn ấy, biết chính mình đã đạt đến nhất tâm bất loạn.

      Pháp môn Niệm Phật dùng một câu danh hiệu, câu danh hiệu ấy từng tiếng đều nhắc nhở chính mình. Trong cảnh giới, chúng ta vừa mới có phân biệt (so đo danh tự là phân biệt), một câu A Di Đà Phật liền lay tỉnh chính mình. Nam-mô A Di Đà Phật, có nghĩa là Vô Lượng Giác. Trong cái tâm giác ngộ không so đo tướng danh tự, không chấp trước hay giữ lấy tướng, trong mê hoặc mới có! Hy vọng chúng ta trong khi mê sẽ nhanh chóng dùng một câu Phật hiệu hét cho chính mình quay đầu lại, đấy là quay về. “Tựu lộ hồi gia” (theo đường trở về nhà) thì Phật hiệu mới có ích. Quyết chẳng phải là nói tôi mỗi ngày niệm mấy ngàn tiếng, mấy vạn tiếng Phật hiệu, chắc là A Di Đà Phật rất hoan hỷ, rất ưa thích tôi, trong tương lai khi tôi lâm chung, Ngài nhất định đến đón tôi! Đấy vẫn là so đo danh tự y như cũ, vẫn là chấp lấy y hệt như cũ, hằng ngày tăng trưởng cả đống phiền não, chẳng thấy nhạt bớt mấy phần, không được rồi! Toàn là hiểu lầm, toàn là sai lạc! Kinh dạy chúng ta điều kiện vãng sanh là “nhất tâm bất loạn, tâm chẳng điên đảo”, chứ hoàn toàn không dạy “hằng ngày niệm bao nhiêu câu Phật hiệu, không cần phải nhất tâm bất loạn”, không hề nói điều đó! Nhất định phải hiểu đạo lý này, nhưng Phật hiệu chớ nên gián đoạn, vì sao? Hễ gián đoạn, vọng tưởng sẽ khởi lên, nghiệp chướng quá nặng mà!

      Do vậy, đổi tất cả vọng niệm thành một câu, tức là một câu Phật hiệu, đổi thành một niệm; nhưng mỗi câu Phật hiệu đều phải giác ngộ trong mỗi tiếng, chớ nên mê! Do vậy, kinh, sớ, luận chẳng thể không đọc, chẳng thể không nghiên cứu! Nếu không, tuy niệm một câu danh hiệu này, vẫn là hồ đồ mê muội niệm, mỗi tiếng đều mê hoặc, điên đảo, chứ không phải là mỗi tiếng đều giác ngộ, vô ích! Cổ đức nói: “Hãm phá hầu lung dã uổng nhiên” (hét vỡ cuống họng cũng uổng công). Một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu, hét rách toạc cuống họng có ích chi đâu, vì sao? Chẳng thể đoạn phiền não! Chẳng thể phá Ngã Chấp! Kẻ ấy chẳng biết cách phải niệm Phật hiệu như thế nào! Mười vạn câu Phật hiệu của kẻ ấy, mỗi tiếng đều mê muội chẳng giác, không được rồi! Phật dạy chúng ta niệm câu Phật hiệu sao cho từng tiếng giác chứ chẳng mê, từ trong mê gọi chính mình hãy quay đầu giác ngộ, ý nghĩa là như vậy đó! Do vậy, xét đến thành tích thì phải phá phân biệt, chấp trước. Trong cuộc sống thường nhật, người niệm Phật tâm phân biệt, chấp trước phải mỗi ngày một nhạt mỏng hơn, cảnh giới ấy là cảnh giới tốt đẹp, công phu có tiến bộ. Mỗi ngày thấy [phiền não, chấp trước] nhạt hơn chính là thấy thấu suốt, mỗi ngày đều có thể buông xuống dễ hơn, như vậy là niệm Phật hiệu đắc lực, có sức kha khá, Ngã Chấp tự nhiên phá trừ.

      (Diễn) Thứ phá Tương Tục, Trí Tướng, đãng kỳ Pháp Chấp.

      (演) 次破相續智相,蕩其法執。

      (Diễn: Kế đó là phá Tương Tục Tướng và Trí Tướng, quét sạch Pháp Chấp).

      Lại tiếp tục phá Tương Tục Tướng và Trí Tướng, đây là Pháp Chấp trong thức thứ bảy. Trong phần trước là Ngã Chấp, ở đây là Pháp Chấp. Nay chúng ta gọi Pháp Chấp là “tri kiến”. Phàm là tri kiến thì đều là Sở Tri Chướng. Do vậy, quý vị học này nọ, học nhiều như vậy để làm gì? Học càng nhiều, Sở Tri Chướng càng nặng. Trí huệ chân thật là như kinh Đại Bát Nhã đã nói “Bát Nhã vô tri”. Quý vị hỏi Phật, Bồ Tát: “Ngài có trí huệ hay chăng?” Các Ngài sẽ nói: “Tôi không có trí huệ”. Trong Đàn Kinh, có người hỏi Lục Tổ, Lục Tổ nói: “Ta không biết, ta cũng chẳng hiểu”. Ngài nói lời ấy chẳng phải là gạt người, mà cũng chẳng phải là khiêm hư, thật sự là không có. Trong tâm thanh tịnh chẳng có gì hết, “vốn chẳng có một vật”, lẽ nào có tri kiến? Không có! Bát Nhã đúng là vô tri, vô tri thì tâm mới thanh tịnh. Khi nó khởi tác dụng, giống như tấm gương soi cảnh giới bên ngoài: Khi soi thì không gì chẳng biết, ngay khi nó đang soi, chính nó vẫn chẳng biết, vẫn là thanh tịnh, quyết chẳng bị ô nhiễm, đấy mới là trí huệ chân chánh. Nay chúng ta dùng “thấy, nghe, hay, biết” để nhận biết những thứ ấy thì hoàn toàn là tà tri, tà kiến, toàn là Sở Tri Chướng.

      Do vậy, nghe kinh phải lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, lìa cả ba tướng ấy thì quý vị nghe kinh có thể tăng trưởng trí huệ. Nếu chấp vào ba tướng ấy, quý vị nghe kinh sẽ tăng trưởng tà kiến, tăng trưởng Sở Tri Chướng. Đây là mấu chốt rất quan trọng. Trong Hoa Nghiêm Kinh Huyền Nghĩa, Thanh Lương đại sư đã nói rất rõ ràng: Kẻ chẳng khéo học rất dễ dàng rớt vào tà kiến và vô minh. Do vậy, phải biết học! Trong ấy có phương tiện thiện xảo. Không hiểu phương tiện thiện xảo thì quý vị nghe kinh sẽ chuyên nhớ danh tướng, tức là chấp vào tướng ngôn thuyết, tướng danh tự, hoặc là nghe xong bèn suy nghĩ câu kinh này có đạo lý như thế nào, tức là khởi vọng tưởng, chấp vào tướng tâm duyên. Nghe bằng phương tiện thiện xảo thật sự là “nghe mà không nghe, không nghe mà nghe”, cao minh đấy! Nghe kinh như vậy sẽ tăng trưởng công phu định lực, tăng trưởng trí huệ.

      Ví như quý vị nghe giảng kinh ở nơi đây, trong hai tiếng đồng hồ, quý vị nghe từng câu rõ ràng, rành mạch phân minh, đó là trí huệ. Lúc nghe, trong tâm quý vị bất động, chẳng động tâm, chẳng khởi niệm, đó là Thiền Định. Trong hai tiếng đồng hồ ở nơi đây, quý vị tu điều gì? Định - Huệ song tu, có Định, có Huệ. Nếu khi quý vị nghe kinh mà chấp tướng danh tự, chấp tướng ngôn thuyết, lại còn suy nghĩ câu này có những đạo lý này nọ, thì Định lẫn Huệ đều chẳng có, mà nghe những thứ gì vậy? Danh ngôn thế gian, đó là pháp thế gian! Phật pháp và thế gian pháp sai khác trong một niệm. Quý vị nghe pháp thế gian, nghe Phật học cũng là Phật học thế gian, vô ích! Phật học thế gian tăng trưởng Pháp Chấp, tăng trưởng Sở Tri Chướng. Do vậy, biết giảng chẳng bằng biết nghe, biết nghe cao minh lắm! Chỉ cần quý vị biết nghe thì ai giảng kinh cũng đều có thể nghe, vì sao? Quý vị nghe giảng tại nơi đó, tu Định - Huệ của chính mình, quyết chẳng chấp tướng. Người biết nghe, trí huệ thật sự hiện tiền, đấy là có đại định rất sâu, có Bát Nhã rất sâu, đến khi ấy, Định và Huệ của người ấy không gì chẳng tăng trưởng, cảnh giới đương nhiên khác hẳn, dần dần sẽ càng nâng cao hơn.

      Phá Pháp Chấp là địa vị Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, đạt đến Lý nhất tâm bất loạn. Sau đấy còn có chuyện gì nữa hay chăng? Còn chứ! Vì sao? Vẫn chưa viên mãn! Trong Viên Giáo, từ Sơ Trụ cho đến quả vị Như Lai còn có bốn mươi hai tầng cấp; do vậy, trong Lý nhất tâm bất loạn có bốn mươi hai mức độ, tuy đều chứng đắc Lý nhất tâm, nhưng công phu có sâu hay cạn khác nhau. Thập Trụ Bồ Tát chứng đắc nông cạn. Thập Địa Bồ Tát chứng đắc sâu xa.

      (Diễn) Thứ phá tam tế Lại Da, quy ư giác thể.

      (演) 次破三細賴耶,歸於覺體。

      (Diễn: Kế đó là phá ba tế tướng trong A Lại Da thức, trở về giác thể).

      Lại phải “phá tam tế Lại Da”, có thể phá được ba tế tướng trong A Lại Da thức, sẽ đắc nhất tâm bất loạn rất sâu, chẳng nông cạn. Phá ba tế tướng (Nghiệp Tướng, Chuyển Tướng, Cảnh Giới Tướng) trong A Lại Da thức chính là bắt đầu bước vào hàng Bát Địa Bồ Tát trong Viên Giáo, Bát Địa là Bất Động Địa. Khi ấy, A Lại Da thức bắt đầu chuyển thành Đại Viên Kính Trí, mãi cho đến khi viên thành Phật quả thì mới là “trở về giác thể”.

      (Diễn) Tư chi vị Hướng dã.

      () 斯之謂向也。

      (Diễn: Đó gọi là Hướng).

      Đây là ý nghĩa của chữ Hướng. Đây là nguyên tắc chung của ngàn kinh muôn luận, quyết định chẳng có ngoại lệ; ngay cả pháp môn Tịnh Độ của chúng ta cũng chẳng thể trái nghịch được! Trái nghịch nguyên tắc, nguyên lý này thì sẽ là ma thuyết, chẳng phải là Phật thuyết! Thế nhưng pháp môn Tịnh Độ là pháp môn đặc biệt, tức là dạy quý vị hãy lìa khỏi thế giới Sa Bà, cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Vì sao? Dễ dàng hơn! Chúng ta muốn phá Ngã Chấp, phá Pháp Chấp, sợ rằng trong một đời sẽ chẳng thể làm được. Tuy không làm được, nhất định phải làm được, chẳng thể nói là “làm không được”, chúng ta bèn không làm, sai mất rồi! Làm không được cũng phải làm. Làm được mấy phần thì tính mấy phần, vẫn tốt hơn chẳng làm! Nhất định phải làm! Thật ra, làm không được, vẫn còn có thể đới nghiệp vãng sanh, đới nghiệp (nghiệp mang theo) chính là Ngã Chấp và Pháp Chấp. Ngã Chấp lẫn Pháp Chấp chưa phá thì có thể mang sang Tây Phương Cực Lạc thế giới để phá. Đây là tình hình trong cõi Thánh Phàm Đồng Cư của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Phá Ngã Chấp, sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư. Phá Pháp Chấp sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm.

      Thế giới Cực Lạc quả thật quá thù thắng. Trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư có trọn đủ các sự thù thắng của cõi Phương Tiện và Thật Báo; nói thô thiển một chút thì [trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư] sự hưởng thụ, đãi ngộ, những điều tốt lành [trong hai cõi Phương Tiện và Thật Báo] đều có hết. Điều này chẳng thể thấy trong những thế giới khác, chỉ riêng Tây Phương Cực Lạc thế giới có tình trạng này. Do vậy, đúng là Tây Phương Cực Lạc thế giới thù thắng khen ngợi khôn cùng. Cũng chính vì vậy, mười phương chư Phật mới hiện tướng lưỡi rộng dài đến chứng minh cho Thích Ca Mâu Ni Phật, chứng minh những lời Phật Thích Ca đã nói là lời thành thật. Trong kinh văn, lưỡi chư Phật thè ra che khắp tam thiên đại thiên thế giới, có đồng học nói câu này rất khó hiểu, gần như chẳng thể nào có chuyện này! Hiện thời quý vị nghĩ không thể nào có chuyện này, thì khi nào quý vị đạt đến địa vị Bồ Tát, sau khi đã phá hết Ngã Chấp, quý vị sẽ giác ngộ đấy là chuyện có thể xảy ra, vì sao? Kinh Phật nói đến hết thảy các pháp, tướng lưỡi rộng dài cũng là một pháp,“duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Nếu tâm thức chẳng thể biến hiện tướng ấy thì tâm thức có công năng hữu hạn, làm sao có thể gọi là “vạn đức, vạn năng”, chẳng thể nói là “vốn sẵn đầy đủ”. Khi ngộ đạo, Lục Tổ nói: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn đầy đủ”, [nếu nghi ngờ câu “quảng trường thiệt tướng” trong kinh Di Đà] thì phải mở ngoặc chú thích “chẳng trọn đủ tướng lưỡi rộng dài”, đối với câu “nào ngờ tự tánh có thể sanh vạn pháp” lại phải chú thích thêm “chẳng thể sanh ra tướng lưỡi rộng dài có thể che khắp tam thiên đại thiên thế giới”, nhưng đâu có chú giải như vậy, cho thấy quả thật là vốn sẵn trọn đủ, có thể sanh ra vạn pháp. Chúng ta nghĩ thông suốt đạo lý này, chẳng còn hoài nghi nữa!

      Có Lý ắt có Sự, có Sự nhất định phải có Lý. Lý - Sự bất nhị thì mới là chánh thuyết. Thế nhưng trong trường học, gặp gỡ bạn học, nếu họ hoài nghi thì quý vị không cần phải nói theo cách ấy. Vì sao? Đối với hàng sơ học, có những Lý chẳng thể giảng rõ được, càng biện luận họ càng hồ đồ, càng rối ren. Có thể tạm thời dùng cách nói phương tiện sao cho họ chẳng hoài nghi, sanh tín tâm đối với Phật pháp, chúng ta nhằm đạt đến mục đích ấy, cần gì cứ phải nói rườm rà truy đến tận gốc, tận đáy như vậy? Có làm như vậy, họ cũng chẳng hiểu rõ. Do vậy, đức Phật thuyết pháp đối với mỗi người mỗi khác, đối với kẻ trình độ cạn thì nói pháp cạn, với kẻ trình độ sâu thì nói pháp sâu, đức Phật không có cách nói nhất định, nhưng chắc chắn chẳng trái nghịch chân lý, quyết định chẳng trái nghịch.

      (Sớ) Nhiên thử thả tựu chúng sanh nhất kỳ tùng mê đắc ngộ nhi ngôn, tự hữu trừng chi, phản chi chi tích, nhi ư tự tánh, thật vô đắc thất, diệc vô tăng tổn. Thị cố thời trược, thời thanh, thủy phi dịch tánh, hốt bối, hốt hướng, nhân vô nhị thân.

      (疏) 然此且就眾生一期從迷得悟而言,似有澄之返之之跡,而於自性,實無得失,亦無增損。是故時濁時清,水非易性;忽背忽向,人無二身。

      (Sớ: Đây là dựa theo chúng sanh từ mê được ngộ trong một đời để nói, nên dường như có những hình tướng, dấu vết lắng trong, quay trở lại, chứ trong tự tánh, thật sự chẳng có được, mất, cũng không có tăng hay tổn. Vì thế, có lúc đục, có lúc trong, tánh nước chẳng đổi, chợt hướng về, chợt trái nghịch, nhưng người chẳng có hai thân).

      Lại xiển minh ý nghĩa “vốn chẳng có một vật”, “vốn sẵn thanh tịnh” thì làm gì có những thứ “trong, đục, hướng về, trái nghịch”. Chắc chắn chẳng có! “Chúng sanh nhất kỳ”“nhất kỳ” là một đời, trong một đời này, không nói tới đời trước, cũng chẳng nói tới đời sau, mà nói ngay vào đời hiện tại của chúng ta. Từ mê mà khai ngộ, giống như có những dấu tích, tướng mạo “trừng chi, phản chi”(lắng trong, quay trở lại). Trước kia chúng ta mê hoặc, điên đảo, gặp được Phật pháp, y giáo tu hành, khai ngộ. Thật ra, khai ngộ có tiểu ngộ, có đại ngộ, có đại triệt đại ngộ. Ai nấy đều có tiểu ngộ, mỗi ngày đọc kinh, nghe kinh có chỗ ngộ thì tiểu ngộ tích tập sẽ biến thành đại ngộ. Tuy vậy, tâm nhất định phải thanh tịnh, phiền não phải nhẹ đi thì mới có thể tích tập tiểu ngộ thành đại ngộ. Nếu quý vị nói là đã ngộ mà phiền não hoàn toàn chẳng giảm nhẹ, thậm chí ngày càng nặng thêm thì dẫu có tích tụ bao nhiêu tiểu ngộ đi nữa, cũng chẳng thể trở thành đại ngộ được!

      Thật sự ngộ thì ngộ là khai trí huệ, trí huệ có thể chế phục phiền não, phá được vô minh. Dẫu chưa phá được vô minh, cũng có thể nhạt bớt một chút, có công năng như vậy. Thế nhưng có người ngộ, nhưng cái ngộ ấy là giải ngộ, chứ không phải là chứng ngộ. Giải ngộ chẳng thể liễu sanh tử. Vì giải ngộ chỉ là hiểu rõ trên mặt Lý; tuy đã hiểu Lý, giống như đã biết đường nhưng vẫn chưa đi. Nói cách khác, phiền não chưa đoạn, chưa hết sanh tử, tuy biết đường, đâu có ích gì! Giải ngộ vô ích, cổ nhân chê là “kể chuyện ăn, đếm của báu”. Kẻ ấy chẳng phải là tà tri tà kiến, chẳng phải là Pháp Chấp, thật sự hiểu rõ, nhưng không y giáo tu hành! Nói cách khác, kẻ ấy không tu Định. Người ngộ rồi nhất định sẽ tu Định, lại còn dễ thành tựu Định ấy, vì người ấy đã biết đường, hiểu cái hay của Định, lại hiểu phương pháp tu hành, sẽ tu nhanh hơn người khác. Đấy là giải ngộ rồi phải tu chứng, ngộ hậu khởi tu, cách thức này khá cao minh!

      “Tu chứng nhất kỳ” là khi tu chứng trong một đời này, sẽ có những dấu vết “lắng trong, nhơ đục, hướng về, trái nghịch” để có thể thấy được, nhưng phải hiểu rằng: Nếu nói theo phương diện Chân Như tự tánh thì không có những dấu vết, hình tướng ấy, chắc chắn sẽ không có! “Thật sự không có được - mất”, trong chân tâm không có được - mất, được - mất là vọng tâm, “cũng không có tăng hay tổn”, trong chân tâm không có tăng hay tổn. Khi mê, pháp tài công đức của chúng ta bị tổn hoại, mất đi, khi ngộ sẽ lại có. Thật ra, trong chân tánh không có được, mất, tăng, tổn. Tiếp theo đó là tỷ dụ, “lúc đục, lúc trong”. Nước có khi đục, có khi trong, nhưng“tánh nước chẳng thay đổi”. Tánh của nước vốn thanh khiết, hoàn toàn chẳng biến đổi. Trong hay đục chẳng thể biến đổi tự tánh của nó. Vì sao? Vì nước hoàn toàn không ô nhiễm, nước là nước, bùn cát là bùn cát. Dường như tạm thời lẫn lộn, nhưng để nó lắng lại thì nước vẫn là nước, bùn cát vẫn là bùn cát, tự nhiên lắng xuống. Chúng ta phải hiểu lý này. “Chợt trái nghịch, chợt hướng về”: Có lúc thì trái nghịch, có lúc hướng về, “người không có hai thân”: Vẫn là cùng một người, “trái nghịch” và “hướng về” chẳng qua do cái thân của chính mình chuyển biến. Những điều này đều là nói tỷ dụ.

      Tiếp theo, sách nêu một tấm gương về công phu tu chứng của bậc cổ đức để làm gương. Đoạn công án này trích từ Lục Tổ Đàn Kinh, đây là chuyện của thiền sư Hoài Nhượng, môn đồ đắc ý của Lục Tổ đại sư. Hôm nay đã hết giờ rồi!

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa

Phần 9 hết

[1] “Độc đầu ý thức”: Ý thức của cái tâm tán loạn có thể chia thành bốn loại, tức minh liễu (nhận biết rõ ràng), định trung (ý thức khởi tác dụng trong Định), độc tán (ý thức đột nhiên sanh khởi do nghĩ nhớ quá khứ, hoặc suy tưởng vị lai, hoặc do so sánh, phân biệt, chấp trước mà có), mộng trung (ý thức trong giấc mộng). Trong bốn loại này, minh liễu ý thức là ý thức do năm thức trước (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức) tiếp nhận sáu trần mà sanh khởi, nó phải luôn sanh khởi cùng với năm thức trước nên còn gọi là Ngũ Câu Ý Thức. Định trung, độc tán và mộng trung ý thức chẳng cùng với năm thức trước sanh khởi nên gọi là Độc Đầu Ý Thức, hoặc Tán Vị Độc Đầu Ý Thức.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro