khoa sơn | trên bàn cờ thếp vàng, là cờ đen cờ trắng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Disclaimer: Tất cả mọi tình tiết đều là hư cấu, không có thật. Đây là một triều đại hoàn toàn giả tưởng, được truyền cảm hứng từ lịch sử Việt Nam và một chút tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc, xin đừng đánh đồng với sử thật.

*********

Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say.

.

Huỳnh Sơn vẫn còn nhớ như in lần đầu hai người họ chạm mắt.

Đó là một ngày hội ở kinh thành. Khi ấy, chàng vẫn là vị tân Bảng nhãn đang mòn gối ở vị trí Kiểm thảo viện Hàn Lâm, vẫn còn có thể nhàn nhã ngồi uống rượu cùng người bằng hữu thân thiết từ tấm bé. Chính trực và lỳ lợm khác thường, người đó đã không quản khó khăn để từng bước leo lên vị trí thủ lĩnh cấm vệ quân hiện tại. Ấy vậy mà thuở ấy, gã chỉ là một Vệ úy nhỏ nhoi của phủ Triệu Kính hầu, mang trong mình biết bao hoài bão tuổi trẻ và một tấm lòng kiên trung cho vị Hoàng đế đương thời dẫu lúc đó phe cánh của hai vị hoàng tử đang tranh đấu ác liệt ngôi Trữ quân. Còn chàng, chàng lựa chọn đứng ngoài ván cờ chính trị, dửng dưng ngắm nhìn. Câu chuyện quyền lực luôn là những thứ mà chàng, một kẻ sĩ xuất thân bần hàn áo vải chẳng bao giờ mảy may hứng thú.

Nhưng chuyện chính sự đâu phải để đàm luận vào một ngày xuân phơi phới. Huỳnh Sơn nghiêng nghiêng vò rượu, chẳng biết đã say hay chưa, ngồi mơ màng bên bệ cửa sổ đỏ son ngắm yến oanh dập dìu. Vô tình, rượu rớt xuống đầu một người đi ngang qua đấy. Y xoa xoa tóc, ngẩng lên nhìn. Chàng đáp lại bằng một mắt cười say sưa. Họ biết nhau từ đấy.

Huỳnh Sơn tưởng như mình đã có thêm một tri kỷ, một người rất gần với ước mơ tao nhân mặc khách của chàng. Công tử Anh Khoa, con trai duy nhất của Hình bộ Thượng thư, cũng là một bậc tài danh. Sự xuất hiện của y tựa hồ cơn lốc lạ thổi tràn vào cuộc sống chàng. Y lại biết được hóa ra kinh thành khốc liệt này cũng tồn tại một ánh cười mát lành như hương sen nơi miền quê xa xôi. Âu cũng là cái duyên cái số, hai người cứ vậy mà thân thiết với nhau, trở thành đôi bạn đồng liêu được bao người mến mộ. Người ta hay đồn, chẳng khó để bắt gặp cậu công tử loanh quanh trong viện Hàn lâm, hay vị Kiểm thảo kia ngồi đánh cờ thưởng trà trong khuôn viên vườn phủ Thượng thư. Như hình với bóng.

Dần dà, Anh Khoa trở thành khách quen của viện Hàn lâm. Mỗi lần thấy Huỳnh Sơn cắm cúi ghi chép hay nghiên cứu những cuốn sách cũ trong viện, y sẽ bĩu môi nói chàng là đồ mọt sách cổ hủ. Y thường quấn lấy chàng, đòi chàng nói chuyện với mình; chuyện gì cũng được. Những lúc quá bận rộn, chàng thường sẽ gạt phăng đi và y chỉ đành tiu nghỉu ngồi một bên chờ đợi. Nhưng cũng có nhiều bận chàng mềm lòng mà đồng ý dừng tay chuyện trò dăm câu với y, hệt như để dỗ dành trẻ nhỏ.

Chàng kể cho y nghe rất nhiều chuyện cũ, từ chuyện ngày chàng còn ở quê đến những chuyện làng trên xóm dưới. Sơn kể, cha chàng vốn cũng là một người theo nghiệp đèn sách, tài năng chẳng thua kém gì các bậc tiền nhân. Không những thế, ông còn có tài gảy độc huyền cầm điêu luyện, thường hay đi nghe hát ả đào mặc cho người ta chỉ trỏ xì xào rằng "xướng ca vô loài". Chắc có lẽ cũng vì hổ phụ sinh hổ tử mà Huỳnh Sơn đã sớm bộc lộ thiên tư âm nhạc từ khi còn nhỏ, chỉ chờ người trau chuốt là tài năng sẽ nở rộ rực rỡ. Chỉ tiếc thọ mệnh ông ngắn ngủi; ngày lên kinh ứng thí ông đột ngột ốm nặng rồi qua đời, để lại vợ góa con côi nơi quê nhà. Mẹ chàng một mình thờ chồng nuôi con, cũng là người đã đến tìm thầy đồ dạy con viết chữ Nho, đọc sách thánh hiền; giúp chàng thành tài. Cũng may, bà đã chờ được ngày con trai mình vinh quy bái tổ, quay về báo hiếu trước khi nhắm mắt xuôi tay, lặng lẽ xuống suối vàng đoàn tụ cùng chồng mình. Quê hương trong ký ức Huỳnh Sơn là một miền thương mến, cũng là nỗi buồn da diết mà chàng mang theo đến với kinh đô phồn hoa.

Khác với Sơn, Anh Khoa là con nhà dòng dõi, y sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm quan, cha y cũng là một công thần được trọng dụng hết mực. Tuy vậy, y lại lựa chọn đi theo phò tá cho nhị Hoàng tử Lý Khải, chỉ vì tán thưởng vị hoàng thân ăn sung mặc sướng này cũng là một kẻ sĩ ở đời. Đó dường như là tình bằng hữu hơn là mối quan hệ chủ tớ. Dù sao, như cách y nói với chàng, y cảm thấy dường như nhị Hoàng tử có vẻ đang nung nấu một bí mật gì đó.

Huỳnh Sơn nhấp môi chén trà, tay đẩy quân mã tiến tới trước. Vài tia nắng lấp lánh tràn qua kẽ lá, đậu trên má chàng những mảng sáng long lanh.

"Người nói với ta những chuyện này để làm gì?"

"Để ngươi cẩn trọng hơn." Anh Khoa cười mà mắt không cười, nhìn bàn cờ đang nghiêng dần lợi thế về phía chàng. "Mà này, Huỳnh Sơn, ngươi đã trải qua mùa đông ở đây bao giờ chưa?"

Chàng lắc đầu. Còn mấy tháng nữa mới tới mùa đông, mà chàng chỉ mới ở lại kinh thành chưa đầy một năm. Nắng ấm vẫn còn phủ khắp mặt đất, và bầu trời thì hẵng còn xanh lắm. Y bảo, mùa đông ở nơi này lạnh lẽo và chán ngắt, tay chân có khi còn tê cóng đến mức không thể cử động được, ngươi sẽ chán ghét mất thôi. Không ai muốn ra đi vào một ngày giá buốt như thế. Nếu được chọn, ai cũng sẽ chọn chết vào một ngày ấm áp, hoặc tham lam hơn thì chết khi đã sống một cuộc đời vinh hiển, hạnh phúc, an hưởng tuổi già, biết rằng khi bản thân chết đi sẽ có người thương nhớ. Y cũng là một người tham lam. Y nói, mai sau y sẽ không ra đi vào mùa đông đâu.

"Nếu ta ra đi, Huỳnh Sơn sẽ nhớ ta chứ?"

"Hẳn rồi."

Di xe, ép vương. Chiếu tướng. Chàng ngẩng đầu khỏi ván cờ đã định đoạt được kết quả cuối cùng, mỉm cười. Để rồi giật thót khi thấy Khoa đang nhìn mình bằng ánh mắt chất chứa biết bao xuyến xao và chờ đợi. Xuyến xao điều gì? Chờ đợi điều gì? Chỉ biết rằng dường như cõi lòng chàng đang động, và một thứ gì đó mơ hồ đang nảy mầm giữa đôi bên. Không ai có thể từ chối một ánh mắt như thế. Luống cuống, chàng cúi đầu rót thêm chén trà, thầm nghĩ thật may vì mình đã không nói ra những gì không nên nói.

"Ngươi lại thắng này, giỏi thật."

"Do người không tập trung thôi."

Ít lâu sau, hoàng thượng khi vi hành tình cờ phát hiện ra người ở viện Hàn lâm sâu mọt lười biếng, sách giấy đều bị mối mục làm cho mốc hỏng gần hết mà gần như không ai chịu quét dọn chỉnh lý. Chỉ có Kiểm thảo Nguyễn Huỳnh Sơn kịp thời nhận ra, tận tâm sao lại từng bản từng quyển y đúc, thư pháp gãy gọn tuyệt đẹp, trí nhớ học vấn lại càng đáng nể phi thường khiến quân chủ vô cùng vừa ý. Giữa phong ba thanh lọc nhân công gay gắt ở viện Hàn lâm, chàng vụt lên như một ngôi sao sáng, nhanh chóng thăng thành chính thất phẩm Hiệu lý trong con mắt ghen tị của người đời.

.

Mùa đông đầu tiên nơi kinh thành đã đến với Huỳnh Sơn. Đúng như lời Anh Khoa nói, tiết trời lạnh cóng và hanh khô, băng giá phủ khắp nơi nơi, đến cả hơi thở phả ra cũng trắng xóa. Chưa quen với cái lạnh khắc nghiệt nên chàng chỉ ru rú trong nhà, thỉnh thoảng lơ đễnh dạo bộ quanh phủ dưới trời tuyết lạnh. Đến một sáng nọ, Anh Khoa phi ngựa ghé qua, rủ chàng đi cùng y.

"Đi đâu cơ?"

"Ra ngoại thành chơi đó. Ngươi đi cùng ta nhé?"

Thế mà chàng cũng đồng ý. Thế mà y cũng dám to gan nhấc bổng người con trai trước mặt lên yên ngựa, mặc kệ chàng la oai oái bên tai. Rồi phi nước đại ra khỏi cổng thành, tiến xa về phía chân trời lồng lộng gió bấc. Họ dừng lại ở vạt rừng ngay kế một trấn nhỏ thưa dân. Anh Khoa cười, tự hào bảo y muốn dẫn chàng đến nơi này từ lâu rồi.

Huỳnh Sơn lướt mắt nhìn một lượt, thâu gọn cảnh trí thần kỳ chung quanh vào trong đôi đồng tử mở tròn. Dòng sông đóng băng thành một khối lạnh toát, có thể bước đi trên đó được nhưng rất dễ trượt chân. Hai người nắm tay mà dẫn dắt nhau trượt trên băng để khỏi ngã. Vậy mà vẫn ngã. Vậy mà tiếng cười khanh khách vẫn cùng với những tiếng xuýt xoa rơi vãi khắp trời đông. Cả cỏ cây ven đường và những mái lầu son gác tía cũng được bọc trong một tấm chăn dày đùng đục. Cành cây đã trụi lá từ mùa thu, nhưng vào đông có tuyết đọng lại trông giống như những bông hoa bụ bẫm và ngộ nghĩnh lạ lùng.

"Mùa đông ở đây lạnh, mà cũng đẹp lắm." Y nói với chàng. "Đất và trời như phủ một tấm chăn trong suốt có thể soi gương được. Những đứa trẻ lớn lên ở phương Bắc như ta có thể đi được trên mặt nước phủ băng từ khi lên năm cơ."

"Sao người nói ta sẽ chán nhanh thôi?"

"Cảnh đẹp đến mấy ngắm hoài cũng sẽ chán mà."

Thêm một, rồi hai, rồi ba... Bao nhiêu mùa đông hai người đã trải qua cùng nhau; mà Huỳnh Sơn vẫn chưa cảm thấy chán chút nào. Thứ mầm chồi ngày xưa giờ đã đâm hoa nảy lộc, quấn hai trái tim nóng rực lại với nhau. Nhưng vẫn chẳng ai dám mở lời. Dù là nam nhi cả, nhưng đâu ai dám đảm bảo hai người con trai với nhau sẽ không bị những lề thói xưa cũ hay miệng đời thế gian dồn ép đến chết. Họ biết mình muốn làm gì, nhưng họ không được phép làm như thế.

Tuyết tan dần. Mùa xuân lại đến. Lần này, bên khung cửa sổ đỏ son năm ấy lại có thêm một vị khách mới. Có lẽ do trời thương, thấu cho sự chăm chỉ bấy lâu của Huỳnh Sơn mà quan lộ của chàng dạo này cũng một đường hanh thông. Từ chính thất phẩm Hiệu lý, nay chàng đã được bổ nhiệm lên một chức quan tứ phẩm, Học sĩ của viện Hàn lâm. Anh Khoa biết tin thì nháo nhào một hai kéo chàng đi ăn mừng, mặc cho sự phản đối yếu ớt của Huỳnh Sơn. Tựa như chút bình yên trước giông bão biến động kéo về.

Trong khi đó, cuộc chiến tranh đoạt hoàng quyền xem chừng đã dần lên đến cao trào. Những tưởng nhị Hoàng tử Lý Khải chỉ là một công tử văn nhã yếu ớt quanh năm làm bạn với thuốc thang khiến người người xung quanh ngán ngẩm; đâu có ai ngờ, chính gã đã âm thầm xây dựng một bè phái từ trong ra ngoài kinh thành Thiên Long, hạ một nước cờ hóc búa làm đại Hoàng tử Lý Nhân suýt chút nữa đại bại. Hai vị Hoàng tử chính thức đối chọi nhau ra mặt, gay gắt như nước với lửa. Từ hậu cung đến tiền triều, sóng ngầm liên tiếp từng đợt xô tới, lặng lẽ mà tàn nhẫn.

Gió, nổi lên rồi.

.

Mùa thu kéo đến mang theo khí lạnh. Thế cuộc chuyển vần. Anh Khoa được mời tới uống trà tại phủ nhị Hoàng tử Lý Khải. Huỳnh Sơn không biết hai người họ đã nói với nhau những gì, chỉ biết rằng khi bước ra thì sắc mặt của y xám ngoét, tái dại. Hỏi gì cũng không đáp. Chàng đuổi theo bóng lưng ấy suốt đoạn đường, rồi bần thần đứng lại, chẳng dám đi đến cùng.

Giá như chàng dám đuổi theo.

Tháng mười, tại yến tiệc mừng thọ Hoàng đế, nhị Hoàng tử Lý Khải dấy binh phản loạn, giết cha, hại anh. Gã âm thầm sắp đặt bao nhiêu quân cờ, hòng đổ vấy tội lỗi lên đại Hoàng tử Lý Nhân. Không những lấy máu quần thần gột rửa triều điện mà còn giết sạch các sử gia hòng sửa lại sự thật đáng hờn về bản thân. Khiến thây người chất đầy sàn gạch, sân ngọc nhuộm đỏ máu tanh.

Tuyết đầu mùa hôm ấy nhuốm sắc đỏ thẫm gai mắt.

Không ai ngờ, đội quân của đại Hoàng tử lại mai phục ngay trong hoàng cung. Đại Hoàng tử cứu giá nhanh chóng, hợp lực cùng các Đại tướng quân truy cùng giết tận những kẻ phản đồ. Trong số đó, có công tử con trai Hình bộ Thượng thư Trần Anh Khoa - cũng chính là kẻ ám sát Hoàng đế đương triều.

Bởi, ở hoàng cung chất chứa biết bao hùm lang, chôn cất bao nhiêu âm mưu chết chóc, ai mà chưa từng giả vờ ẩn mình, giấu tài, nhẫn nại quan sát kẻ thù? Trước mặt những con cáo già lão làng, dăm ba sự giả vờ giấu diếm chỉ như trò mèo vặt vãnh mua vui. Đại Hoàng tử Lý Nhân tất nhiên hiểu rõ điều đó. Nhưng một lớp vỏ bọc nông cạn, hữu dũng vô mưu, hống hách ngạo mạn, ruột để ngoài da lại khác. Làm sao chúng không thể coi thường Lý Nhân, khi chúng sở hữu cả một vò mưu kế, đã quá giỏi thao túng người khác còn vị Hoàng tử này chỉ có trong tay một đội quân bình thường? Vì vậy, trong ván cờ này, nhị Hoàng tử và cả kinh thành đã mắc bẫy.

Nhị Hoàng tử Lý Khải bất tuân lễ hiếu, giết cha chém anh, khinh nhờn quốc pháp. May thay đại Hoàng tử kịp thời vực dậy, cùng trung thần ái quốc muôn nơi không quên ân huệ trời bể của Tiên vương, đồng lòng đoàn kết hợp sức diệt trừ bè lũ phản loạn, yên định thiên hạ.

Chỉ buồn chăng ngôi Trữ quân vẫn còn để trống mà Đại Nam lại chẳng thế thiếu vua một ngày. Xét thấy đại Hoàng tử Lý Nhân văn võ song toàn, thân phận cao quý lại có công dẹp loạn cho nước nhà, thật xứng là người có thể cáng đáng cơ đồ ông cha để lại. Nay trung thần trên dưới một lòng xin tôn đại Hoàng tử lên ngôi rồng, vì sự trường tồn anh minh thịnh thế muôn đời của Đại Nam.

Giờ đây, người đứng ngoài song sắt nhìn vào kẻ đang không còn ra hình người kia, lòng đầy thương xót. Đó dường như còn là một tình cảm thương xót khác, bối rối trước sự tàn độc của ván cờ quyền lực. Thời loạn này, đâu có thể là sự thật và đâu là dối trá? Cái đám bê bết máu kia đã từng là một thanh niên khỏe mạnh, giờ lại là tội nhân vừa nhận án tử hình. Cảnh tượng khiến cho họ cảm thấy ký ức tốt đẹp đã quá xa xôi rồi, xa đến mức như thuộc về cả kiếp trước.

Có một lần y đã nói với chàng, ta chỉ sống vì chính mình, hy vọng rằng sẽ không phải sống vì ai, cũng không phải chết vì ai.

Huỳnh Sơn vẫn còn nhớ, nhớ rất rõ. Kinh thành tuyết đổ màu máu, đỏ rực cả góc trời.

.

Hành thích hoàng thân là một tội nặng. Lý nào y lại ngu ngốc đến vậy. Chứng cứ đã có, động cơ đã biết, không điều gì có thể phản bác tội trạng của y được nữa.

Y muốn nói với chàng rằng, đêm hôm đó, y không có ý định hạ sát bệ hạ, y chỉ muốn nói với nhị Hoàng tử rằng, y không hề muốn tham gia vào cuộc tranh đoạt ngôi vị khốc liệt, máu chảy đầu rơi ấy thôi.

Khi y tới phủ Hoàng tử thì người đã chết cứng rồi. Y vừa muốn chạy ra ngoài thì đã thấy quân triều đình bao vây, rồi trời đất tối sầm. Khoảnh khắc ấy, y chỉ muốn ngửa mặt lên trời mà cười thật to, cười cho thỏa thích, cười trong sự cay đắng tột cùng. Cao tay, quả là cao tay. Nhị Hoàng tử có cùng đường vẫn phải hạ được một nước cờ cuối, nhằm kéo theo cả những đồng minh đã biết quá nhiều xuống hoàng tuyền cùng bản thân.

Anh Khoa biết bản thân đã cầm chắc cái chết. Y muốn được nhìn thấy tuyết khi máu đã thôi chảy, cũng muốn được thấy mùa xuân về tới. Y muốn về lại ngày xuân ấy, chàng Bảng nhãn nhẹ cười mà nghiêng vò rượu mơ.

Chập chờn trong giấc mộng xa xôi, y như thấy vòng tay quen thuộc kéo mình rời khỏi mặt đất lạnh băng của ngục tù, chân tay bị xiềng xích tụ máu dần trở nên ấm áp. Dù cho lúc ấy đã vào lập đông, tiết trời rất lạnh, còn y chỉ có một bộ quần áo rách nát trên người. Bóng hình thanh tân thấp thoáng bên cạnh, choàng cho y một tấm áo choàng sạch sẽ, thơm một mùi thơm rất lạ. Rất khó nói, nhưng lại rất dễ say. Mùi hương vấn vít như hương rượu mơ ngày xuân ấy. Y không thể mở mắt nhưng vẫn muốn nói với người bên cạnh, ta không giết người. Ta không muốn máu đổ trên tuyết trắng.

Chàng nói, được rồi, ta tin người. Chúng ta rời khỏi đây thôi. Có phải lạnh lắm không? Người hãy cố chịu một chút. Nhìn này, đêm nay tuyết đã ngừng rơi.

.

Từ ấy không ai còn biết vị Học sĩ viện Hàn lâm ấy đã đi đâu, về phương trời nào.

Có người nói chàng biến mất cùng ngày mà kẻ phải chịu tử hình biến mất khỏi nhà giam. Nghe đâu hôm đó thủ lĩnh cấm vệ quân ra lệnh triệu binh đột xuất, nhà giam cũng không được canh phòng cẩn mật. Chẳng lẽ thủ lĩnh dọn đường để bằng hữu đưa kẻ kia đi?

Không lý nào lại thế, một người phản bác, thủ lĩnh trung thành với Hoàng đế, lý nào bằng hữu ngài lại là một kẻ phản đồ?

Biết đâu được đấy, người nọ chen lời, trước đây Học sĩ từng rất thân thiết với công tử con nhà Hình bộ Thượng thư. Mà, người ấy phò tá nhị Hoàng tử có ai là không hay...

.

Bệ hạ thở dài, nhìn ra trời đông đột nhiên ngả dần sang sắc xám xịt ảm đạm. Vào thời điểm này trong năm, bóng cây chỉ còn trơ trụi cành khô. Mùa đông đã bắt đầu đặt những bước chân mạnh mẽ xuống trần gian. Nhưng, dường như năm nay, mùa đông đến sớm hẳn. Phải chăng, ông trời đang xót thương cho một thời loạn lạc, hay đang giúp ta trừ khử một mối nguy đáng ngại? Từ đại Hoàng tử, rồi đến Hoàng đế, không nước cờ nào ta đi mà không có đèn trời soi xét. Vậy thì, liệu có thật trên đời này có "trời" không?

Làm gì có bàn tay nào vươn được đến cùng trời cuối đất. Có chăng chỉ là bàn tay của ông trời cho phép kẻ nào được ở, kẻ nào phải ra đi trong một ván cờ đổ máu. Nhưng, ta chính là ta, không phải Thiên tử, không phải con trời. Ta chính là Hoàng tử đã chiếm được ngai vàng. Thứ gì không có được thì phải tự mình giành lấy. Ta không tin có ông trời. Ta cũng không tin vào báo ứng. Hãy chạy đi, những kẻ phản đồ. Ta sẽ xem nơi mà bàn tay ta không vươn được tới ấy liệu có phải xa vời đến thế. Liệu báo ứng có phải đã ở rất gần?

Rốt cuộc, tuyết ở kinh thành có màu gì?

.

Rất nhiều năm sau, ta đã trở thành một ông già đầu tóc bạc phơ. Những năm qua, ta đã cùng người ngắm hoa đào nở rộ trong nắng xuân, thấy cơn mưa mát mẻ giữa trời hạ, thấy cành lá đìu hiu lúc thu sang, cũng đi tới nơi mà dòng máu chảy không còn nhuộm đỏ cả trời tuyết. Phải chạy trốn tới bao giờ? Đến khi đã trở thành hai ông già lưng còng đầu bạc, không còn quá sợ hãi cái chết mới có thể giản dị, bình thản mà yêu thương nhau.

Không còn là vị công tử và chàng Bảng nhãn ngày nào, nhưng vẫn ngồi bên khung cửa sổ của một mái nhà không sang trọng lắm. Nghiêng nghiêng vò rượu.

Chỉ khác là, người trong lòng nay đã ở bên nhau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro