Lời thề trong chùa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mấy tiếng chuông âm vang dội lên sau bức tường đá thấp lè tè của chùa Thiếu Lâm. Tiếng chuông não nùng, uể oải chơi vơi một giây lát trong không trung, sau đó từ từ vọng ra khỏi chùa, vượt qua cánh rừng liễu mọc ngay sát chân tường, qua những thửa ruộng bậc thang trồng lúa trông tựa những nấc thang khổng lồ cuốc trên khắp các sườn núi, rồi chìm vào tấm thảm nhung xanh rờn của cây cối ở một nơi nào đó trên các đỉnh núi...

Dùng bữa tối và đèn nhang xong, các nhà sư từng nhóm một từ trai phòng của mình kéo đến nhà nguyện. Họ thì thầm hỏi nhau không biết tiếng chuông triệu tập đột xuất vừa nổi lên có ý nghĩa gì.

Vài phút sau, sân chùa vắng ngắt. Đã sang canh hai. Đúng lúc tiếng chuông điểm canh vừa vang lên thì có bốn nhà sư rời khỏi nơi tịnh trai nằm khuất sâu trong chùa. Một người đảo mắt nhìn quanh và sau khi đã tin chắc rằng họ không bị ai theo dõi, mới vẫy gọi mấy người kia. Bốn người vội vã chạy băng qua sân và biến mất ở phía cổng.

Mái tam quan xiêu vẹo với hàng chữ Tĩnh tâm trí tự, những bức tường hoen ố, có chỗ bị lở mất nửa khu vườn bỏ hoang cỏ mọc um tùm, nhà cửa lâu nay không được sửa sang quét vôi lại, nghĩa trang nơi các nhà sư yên nghỉ không ai nhòm ngó chăm sóc, cảnh vật này cho ta thấy rõ chốn thánh địa đang ở vào thời kỳ suy vong.

Có một thời, nơi đây đã từng là chốn nghênh tiếp cực kỳ long trọng dành cho các bậc quyền quý ở địa phương, từ tỉnh bạn và từ các vùng nông thôn lân cận kéo đến, là chỗ diễn những vở múa rối, hát bóng, là địa điểm tổ chức tết Nguyên Tiêu và những ngày hội ngay hè náo nhiệt. Song tất cả những chuyện đó đã lùi vào dĩ vãng. Năm 1644, nhà Minh đã bị sụp đổ trước sức tấn công của giặc Mãn Châu. Nhiều thành phố bị san thành bằng địa, biết bao vùng tịnh không một bóng người. Cơ man nào là đầu người đã lìa khỏi xác bị dùng làm vật tô điểm khủng khiếp cho con đường tiến quân của bọn xâm lược. Quân ngoại bang hành hạ cả những người đã khuất. Bọn chúng đào mồ những ai khi sống không chịu khuất phục chúng, chặt đầu và thiêu xác họ, dùng tội tử hình để buộc đàn ông phải theo phong tục của người Mãn Châu là tết tóc và cạo trọc một mảng đầu nhằm mục đích lăng nhục những kẻ bại trận. Ở nông thôn, bọn quan lại cai trị mới đã đề ra luật lệ liên đới bảo lĩnh khắt khe, đó là chế độ bảo giám. Tố giác, truy nã, nhục hình, xử tử đã trở thành một đặc trưng có tính chất tập tục trong đời sống ở nông thôn, hệt như việc thờ cúng tổ tiên vậy.

Giặc Mãn Châu đặc biệt lo ngại giới sư sãi, chúng coi họ là những cái ổ gây phiến loạn và lộn xộn. Đền chùa, từ bao thế kỷ nay không những đã trở thành trung tâm tôn giáo, mà còn là trung tâm văn hóa của Trung Hoa, giờ đây đã bị suy vi.

Chùa Thiếu Lâm cũng trở nên hoang tàn. Còn đâu nữa những bữa tiệc linh đình đủ cả sơn hào hải vị nấu theo kiểu Trung Hoa mà từ xa người ta đã ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt. Các thi sĩ không còn ghé qua nơi đây ngâm những bài thơ của mình trước đám thính giả đầy lòng ngưỡng mộ. Dưới mái chùa không còn vang lên tiếng sáo trúc du dương được nhân dân ưa thích, cũng chẳng còn những âm thanh dịu dàng, êm ái của cây đàn tì bà và tiếng cồng đá nhịp nhàng ngân vang. Các vùng xung quanh chẳng còn thấy nổi lên tiếng ồn ào, náo nhiệt của đám người đông đúc kéo đến dự những ngày lễ hội. Thậm chí những kẻ hành hương nghèo khổ cũng không thể tìm được một chỗ nương náu ở nơi đây như trước nữa. Giặc Mãn Châu nghiêm cấm tụ họp. Chúng bắt bất kỳ một ai mà chúng tình nghi.

Nước Trung Hoa dần dần tàn lụi dưới ách của triều đại Mãn Thanh.

Song, sau khi chiếm được ngôi báu của đất nước Trung Hoa, quân Mãn Châu không thể ăn ngon ngủ yên, truy hoan ca mừng thắng lợi. Ngay từ những ngày đầu, ách thống trị của ngoại bang đã gây phẫn nộ ở khắp trong nước. Kỵ binh của quân Mãn Châu đã vấp phải sức kháng cự kiên cường của đội quân do vị anh hùng Sĩ Kỳ Phan lãnh đạo, khi chúng đến tới bờ sông Hoàng Hà. Ba hoàng thân của nhà Minh bị lật đổ đã dấy lên cuộc đấu tranh ở phía Đông - Nam và Tây - Nam. Những đội nghĩa quân Lý Đính Ngô tiếp tục cuộc đấu tranh này. Cuộc khởi nghĩa của Tam quận vương chư hầu ở phương Nam bùng nổ. Họ không chịu quy phục. Quân Mãn Châu quyết định chấm dứt tình trạng nguy hiểm đối với việc nắm quyền của chúng. Chúng ra lệnh giải tán các đội quân của những quận vương, song không ai chấp hành lệnh này.

Trong nông dân, tại các đền chùa bắt đầu thấy xuất hiện các tổ chức bí mật như: Huynh Hội, Bạch Huệ, Thiên Địa Hội... Họ được nhân dân rất quý trọng, vì đã đưa ra khẩu hiệu: Phế Thanh, phục Minh.

Một trăm lẻ tám nhà sư của chùa Thiếu Lâm đã sống rất mẫu mực. Họ mãn nguyện với việc tụng kinh, ăn chay và ít khi rời khỏi nơi tụng niệm. Nhưng vẻ thuần phục và hờ hững với công việc trần tục tạo nên không khí thanh bình và bằng lặng ở trong chùa chỉ là cái vỏ che đậy mà thôi. Thực ra dưới mái chùa người ta đang ngấm ngầm hoạch định những kế sách đấu tranh chống quân ngoại bang ở các vùng đất phía Nam. Các nhà sư tổ chức một hội kín theo đúng quan niệm của nước Trung Hoa cổ xưa về ba lực lượng cơ bản của thế giới; thiên hoàng, địa hoàng và nhân hoàng. Hội này được mệnh danh là Tam Hoàng.

... Nhà nguyện chật chội và ngột ngạt. Các sư ngồi san sát bên nhau ở dưới sàn. Mấy chú tiểu không tìm được chỗ đành ngồi ngoài bậc thềm bằng đá đã bị rạn nứt.

Trên bàn thờ đặt pho tượng nhỏ bằng đồng tạc hình Khổng Tử, bát hương và hai cây nến. Tường có treo bức tranh Quan Vũ ngồi uy nghi, đầu đội mũ trụ, tay khoanh trước ngực, ria dài và thưa rủ xuống hai bên mép. Quây quanh Quan Vũ là đoàn hộ giá gồm: một viên quan, một tên lính vác giáo, hai tráng sĩ có khuôn mặt giống hệt nhau. Một người tay cầm thỏi bạc, người kia cầm gươm và sách. Hai bên bức tranh treo hai hàng câu đối có chữ thiếp vàng ghi điển lễ cầu nguyện của Hội Tam Hoàng và những vần thơ chống Mãn Châu. Trên các bức phướn màu vàng treo ở mấy góc phòng có thêu khẩu hiệu bằng chữ đen: Phế Thanh, phục Minh. Trước bệ thờ đặt các bát hương to hơn, hương thắp bốc khói ngào ngạt. Hương cháy từ từ, tỏa khắp căn phòng mùi trầm thơm ngọt lịm. Quanh phòng thắp đầy nến, ánh lửa hồng lập lòe nhảy nhót trên những khuôn mặt nhợt nhạt, xám ngoét của các vị sư.

- Chư đệ! - Sư trụ trì, một ông lão khô đét, nét mặt nhăn nheo, râu thưa, cổ ngẳng như cổ cò, kêu gọi những người đang có mặt ở trong phòng. - Lũ quân Thanh hung bạo đã xâm chiếm Tổ quốc ta. Lẽ nào lại có thể dằn nén được lòng căm thù bọn ngoại bang? Chúng xéo nát mùa màng của ta, xúc phạm nơi thờ cúng của ta, nhạo báng đồng bào ta. Nghĩa vụ của mỗi người chúng ta là đấu tranh chống quân Mãn Châu đáng căm ghét. Song Trời, Đất đâu có sinh ra những con người cùng một loại như nhau. Có những người tốt và trung thực, họ sinh ra theo định mệnh của số phận tốt lành. Những kẻ độc ác sinh ra là do lệnh của số kiếp tai ác. Chùa của chúng ta lúc nào cũng trong sạch và minh mẫn. Nhưng, một tia độc ác và gian ngoan mảnh mai như sợi tơ tằm lọt qua vòm mái chùa ta. Loại sâu độc tham lam đã đục khoét tâm hồn một người trong chúng ta. Hắn phản bội những người anh em đã cùng hắn san sẻ miếng cơm, ngụm nước suốt bao năm nay.

Tiếng rì rầm phẫn nộ lan khắp các hàng người đang ngồi ở dưới sàn. Ông già giơ bàn tay xương xẩu lên, cả nhà nguyện im phăng phắc.

- Hắn đã che đậy được bộ mặt phản bội đê tiện của mình cho mãi đến tận ngày nay. Song, nếu đất không vững chắc, nó sẽ bị nghiền nát vụn. Kiễng chân mãi, đứng lâu sao được, lừa dối sẽ có ngày lòi mặt ra. Một người anh em của ta đã lọt được vào nơi đóng trại của quân giặc, hôm nay đã báo cho ta biết rằng quân Mãn Châu đang tiến tới đây để tiêu diệt chúng ta sạch sành sanh. Người anh em đó cũng cho rõ cả tên của kẻ phản bội...

Sư trụ trì im lặng, từ từ đưa cặp mắt đã phai màu nhìn các sư. Lương tâm ông cắn rứt vì ông đã nói dối. Làm gì có thám báo thám biếc. Song khốn thay, cái tin tối nay quân Mãn Châu sẽ tàn sát tất cả mọi người sống trong chùa Thiếu Lâm lại là điều có thực. Tin này do cháu ông già Lý, một lão nông dân đánh cá thường hay tạt vào đây đưa hàng hóa, đã cung cấp cho. Do phải chạy ba chân bốn cẳng, nên thằng bé vừa hổn hển thở vừa tuôn ra một mạch là hôm nay, ở ngoài bờ sông, nó đã chạm trán bọn lính của bát kỳ quân nó vội nấp vào bụi cây, do đó nghe được câu chuyện bọn lính kháo nhau rằng đêm nay chúng sẽ được dịp vớ bẫm của chùa khi "bọn sư phiến loạn về chầu trời".

Không còn nghi ngờ gì nữa: có kẻ đã báo cho bọn Mãn Châu biết rõ âm mưu lật đổ. Tên phản bội chỉ có thể là một kẻ nào đó nằm trong số các sư ở đây mà thôi, vì người ngoài không thể biết được bí mật của các sư trong chùa Thiếu Lâm.

Cháu ông lão đánh cá - một người mà sư trụ trì biết rất rõ - đã báo tin quá muộn. Hẳn là bọn Mãn Châu đang dùng con đường độc đạo tiến đến đây. Không hy vọng gì rút chạy khỏi chùa được nữa rồi, vì cả ba mặt chùa đều là sườn núi dốc thẳng đứng. Chỉ còn mỗi một cách là cử người đến cầu cứu Tam quận vương chư hầu, đồng thời ở đây phải cố cầm cự chờ quân cứu viện đến.

Sư trụ trì cho gọi bốn nhà sư tin cẩn nhất đến tịnh trai của mình và ra lệnh cho họ lên đường, sau đó, triệu tập số người còn lại để báo cho biết cái tai họa sắp tới và định bụng tìm ra kẻ phản bội...

Sư trụ trì nói chậm rãi, chốc chốc dừng lại và nhìn như xoáy vào khuôn mặt những người đang ngồi ở dưới sàn.

- Chư đệ! - Ông nhắc lại, giọng sang sảng vang lên một cách trang trọng. - Ta biết rõ tên kẻ nào đã bán linh hồn cho lũ Mãn Châu đáng căm giận...

Không khí trong phòng càng thêm căng thẳng. Các sư nhoài người ra phía trước, dán mắt vào khuôn mặt của ông lão.

- Nó hiện đang ngồi trà trộn trong chúng ta đây, chư đệ ạ! - Sư trụ trì buột thốt lên, tiếng ông phá tan sự im lặng đang bao trùm khắp căn phòng.

Đôi mắt sư trụ trì tình cờ hướng về phía cửa mở toang của nhà nguyện. Một nhà sư trẻ ngồi nơi bậc thềm ra vào lẫn với những người không tìm được chỗ ngồi ở trong phòng, đã đứng bật dậy và lao vụt ra phía cửa chùa hé mở. Vài người ở những hàng cuối vọt đuổi theo hắn.

- Đứng lại! - Sư trụ trì giơ tay lên. - Nó chẳng chạy đi xa được đâu.

Đúng vậy, mấy phút sau, ba nhà sư vạm vỡ đã lôi tên chạy trốn vào sân, hai tay hắn bị trói quặt sau lưng. Ông già thông thái đã bố trí cho những người trung thành của mình phục sẵn ở bên ngoài.

Ở dưới sàn, các sư ngồi giãn ra hai bên. Tên phản bội bị giải đến trước bàn thờ theo lối đi vừa được tạo ra và bị bắt quỳ phủ phục, cả nhà nguyện vang lên tiếng thét phẫn nộ. Sư trụ trì giơ tay ra hiệu cho mọi người im lặng, rồi cất giọng nói:

- Thiên hạ nói không sai, trong người tên phản bội là tâm hồn của kẻ hèn nhát.

Sư trụ trì quay lại bảo kẻ tu hành đang quỳ phủ phục:

- Mười tám năm trước đây, khi ta nhặt được ngươi ở trên đường, hồi đó, nhà ngươi là một đứa trẻ sơ sinh dở chết dở sống, ta không ngờ rằng ta đã tha một con chuột nhắt vào viện hóa đạo, - giọng sư trụ trì đầy vẻ đau khổ. - Ta đã không nghĩ rằng nuôi dưỡng nhà ngươi chính là nuôi dưỡng cái chết cho bản thân. Nhà ngươi hãy cho chúng ta hay tại sao nhà ngươi lại chạy sang hàng ngũ quân Mãn Châu? Nhà ngươi đã được hứa trả có hậu hĩnh không về những cái đầu của chúng ta? Nói đi xem nào, A Sát!

Gã thanh niên quỳ phủ phục và nhìn chằm chằm vào một điểm ở trước mặt mình. Đôi mắt hắn ti hí giữa hai hàng mi hé mở, nên trông không ra mắt nữa, mà chỉ là hai kẽ hở nhỏ, môi hắn mím chặt lại. Xem ra hắn không buồn nghe sư trụ trì nói. Một phút trôi qua trong bầu không khí im phăng phắc, rồi lại một phút nữa trôi qua.

Bỗng tên A Sát trấn tĩnh lại. Hắn đưa mắt đảo quanh nhìn những người đang ở trong phòng, mặt méo xệch đi vì căm hờn.

- Tất cả lũ các ngươi sẽ chết hết! - Hắn thét lên. - Chết tuốt! Lũ ngươi chỉ còn sống được không đầy một giờ nữa thôi! Quân Mãn Châu sẽ giết sạch chúng bay! Ta sẽ phỉ nhổ nhà ngươi! Nghe rõ chưa, lão già? Ta sẽ phỉ nhổ! Nhà ngươi sẽ không dám giết ta đâu! Đức Thánh Nhân sẽ không tha thứ cho nhà ngươi về tội sát nhân!

Tiếng gào thét của hắn chuyển thành tiếng khóc nức nở điên dại, ngực hắt ra những hơi thở khò khè, cổ họng kêu lên cùng cục. Sau đó, A Sát im bặt. Cặp mắt lại ti hí. Môi mím chặt.

Ai nấy dường như thẫn thờ sửng sốt, không thốt lên được một lời nào trong mấy giây. Mãi sau mới có tiếng thét nổi lên:

- Bắt nó phải trả cái tội phản bội của nó! - cả nhà nguyện vang dậy tiếng ồn ào phẫn nộ.

- Giết chết loài phản bội đi! Phải giết!

- Chặt đầu nó đi!

- Phanh thây nó ra!

- Treo cổ nó lên!

Sư trụ trì không tài nào dẹp yên các sư đang đùng đùng nổi giận. Chật vật lắm ông mới đưa nhà nguyện trở lại im lặng.

- Bớ chư đệ, mong chư đệ hãy hồi tâm! - Sư trụ trì phẫn nộ thét lên khi những tiếng hò hét cuối cùng lắng xuống. - Đức Thánh Nhân đâu có dạy chúng ta làm điều tàn bạo! Chư đệ hãy nhập tâm: với người tốt ta sẽ làm điều thiện và ngay cả với kẻ ác ta cũng sẽ làm điều thiện. Chúng ta được dưỡng dục một phẩm hạnh như thế đấy. Chư đệ, lẽ nào ta lại phụ lời di huấn của Đức Thánh Nhân. Không! A Sát không xứng với tội chết. Nó sẽ sống. Và đấy là hình phạt cao nhất về tội phản bội của nó. Còn bây giờ, chúng ta hãy cầu khấn Đức Thánh Nhân và trông chờ lòng từ bi của người. Người sẽ không bỏ mặc chúng ta và quân cứu viện mà ta đã cử bốn sư đệ đi cầu cứu sẽ đến kịp thời. Phế Đại Thanh, phục Minh!

Hai ngày sau, bốn nhà sư được sư trụ trì cử đi cầu viện đã nấp sau các gốc cây, rồi men dần tới chân tường chùa Thiếu Lâm. Họ đã lọt qua đám quân Mãn Châu đang tiến về phía chùa, song sự liều mạng của họ té ra là vô ích. Các sư trở về tay không, vì Tam quận vương chư hầu đã từ chối không chịu chi viện.

Các sư lặng lẽ lọt vào sân qua cửa bí mật và sững người khiếp sợ. Một cảnh tượng hãi hùng trải ra trước mặt họ: xác các sư bị chặt đầu, chặt cụt chân tay, bị moi gan mổ ruột, nằm la liệt dưới mặt đất. Vào đến nhà nguyện họ cũng bắt gặp những cảnh tượng không kém ghê rợn như vậy: xác sư trụ trì và một vài sư khác cũng bị chặt cụt méo mó. Căn phòng bốc lên mùi xú uế không sao chịu nổi.

Các sư vội vàng quay ra và tiến sâu vào sân chùa, đi về phía tịnh trai, nơi họ từ giã cách đây hai ngày.

Đúng lúc đó, một tiếng rên yếu ớt từ phía hàng rào nổi lên, đập vào tai họ. Các sư chú ý đề phòng. Tiếng rên lại nổi lên, cả bốn người đều chạy bổ đến chân tường, họ thấy một sư hữu may mắn sống sót nằm ở dưới đất, mình bê bết máu.

Họ đưa nhà sư này vào tịnh trai, rửa sạch máu và băng bó lại. Độ ba giờ sau, người bị thương hồi tỉnh và vắn tắt thuật lại diễn biến của cái đêm khủng khiếp ấy. Cần gì phải biết tỉ mỉ cặn kẽ nữa, những điều mắt thấy đã tự nói rõ cả rồi.

Vĩnh Duy, nhà sư lớn tuối nhất trong bốn người và được coi là nhân vật thứ hai ở chùa sau sư trụ trì, lên tiếng:

- Chư đệ! Do có sự phản bội hèn hạ, nên chúng ta đã phải chịu một đòn nặng nề. Chúng ta đã có trên trăm người thế mà chỉ còn lại vẻn vẹn có năm anh em ta. Song tiếng nói của Đức Thánh Nhân mách bảo ta rằng chúng ta không có quyền xuôi tay bỏ mặc sự nghiệp đã được biết. Thiên hoàng kêu gọi chúng ta tiếp thêm sức sống cho Hội Tam Hoàng đang hấp hối. Liệu chư đệ có sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi đó không?

- Có! - Các sư đồng thanh đáp khẽ, nhưng kiên quyết.

- Chư đệ có sẵn sàng tiếp tục cuộc đấu tranh thiêng liêng của chúng ta chống quân Mãn Châu đáng căm giận không?

- Có!

- Chư đệ có sẵn sàng hy sinh vì chính nghĩa cao cả không?

- Có!

- Nếu vậy, chư đệ hãy nghe đây. Đám mây trắng và thuần khiết bốc lên báo hiệu điềm lành. Chúng ta phải phò nhà Minh lên ngôi báu. Chúng ta thề sẽ diệt triều Thanh. Chúng ta sẽ vượt qua sông Hoàng Hà vĩ đại và dựng lại vương triều Minh! Chúng ta thề như vậy vào đúng năm Rồng! Ở khắp mọi nơi, Đức Long hoàng thiêng liêng luôn luôn che chở Đại Huynh Hội của chúng ta.

Vĩnh Duy thở dài thườn thượt và nói tiếp:

- Chư đệ, xin chư đệ hãy nghe tôi giãi bày! Tôi không có khả năng gì cả! Điều duy nhất mà tôi có, đó là lòng trung thành đối với nghĩa vụ. Tôi ủng hộ triều Minh và sẵn sàng diệt những kẻ phản bội không ghê tay. Số phận của tôi phó mặc cho ông Trời. Chư đệ hãy tin vào tấm lòng trung thực của tôi và nghe lời tôi nói. Mặt trời nằm ở trên trời, trái tim thuộc về con người. Trái tim phải rực sáng và nóng bỏng như Mặt Trời. Khốn thay cho kẻ nào quên mất những điều đó! Hội Thiên, Địa và Nhân ra đời từ trong máu của những người anh em chúng ta đã hy sinh. Chúng ta đã quá cả tin và nhân từ nên đã phải chịu tổn thất về chuyện đó. Từ nay trở đi, luật lệ chủ yếu của Hội Tam Hoàng là thẳng tay tàn nhẫn. Tôi kêu cầu Hoàng Long Giao - một con rồng tàn bạo nhất - phù hộ cho chúng ta! Phế Thanh dựng Minh. Thiên hoàng, nữ Địa hoàng và các thần linh của tổ tiên chúng ta chứng giám cho lời tôi!

Vĩnh Duy rút con dao găm từ trong thắt lưng ra, rồi đưa lên miệng.

- Im lặng - đó là luật lệ thứ hai của Hội Tam Hoàng. Chư đệ cứ cắt lưỡi tôi, nếu một lúc nào đó tôi vi phạm luật lệ im lặng.

Nhà sư hé miệng, rồi bập mạnh lưỡi dao sắc bén vào đầu lưỡi. Môi Vĩnh Duy nhuốm máu đỏ thắm, một tia máu mảnh trào xuống cằm. Lúc này, trông nhà sư thật hung dữ: đầu cạo nhẵn bóng, lỗ mũi nở rộng mặt bê bết máu. Ông ta cầm con dao găm trong bàn tay phải, vung lên rồi đâm phập xuống. Lưỡi dao vach một đường vòng cung và khựng lại trước ngực chỗ tim Vĩnh Duy. - Lưỡi thép sắc bén này sẽ đâm thủng tim tôi, nếu một lúc nào đó tôi phản bội Đại Huynh Hội.

Ông ta đưa con dao găm cho nhà sư đứng ngay cạnh.

- Sư đệ thề đi!

Nhưng khi người này định đọc lời tuyên thệ, thì từ trong nhà nguyện vọng ra một tiếng động mạnh tựa như có một vật gì đó rơi xuống sàn đá. Các nhà sư lặng người đi. Vĩnh Duy đưa mắt ra lệnh cho một nhà sư đi thăm dò xem có chuyện gì vậy. Người này lẳng lặng trườn ra ngoài tịnh trai và lẩn vào đêm tối, một lúc sau, xuất hiện cũng lặng lẽ như khi biến mất.

- A Sát, - nhà sư khẽ nói.

- Nó làm gì ở đằng ấy thế?

- Nó tìm kiếm vật gì đó bên bệ thờ.

Vĩnh Duy cười, vẻ khinh bỉ.

- Nó tìm của nả của những người anh em mà nó đã phản bội. Thế nghĩa là quân Mãn Châu đã rút rồi. Của cải thì đúng là chúng ta có thật. Nhưng A Sát chẳng đào bới được gì đâu, vì chỉ có sư trụ trì và tôi mới biết rõ chỗ chôn giấu thôi. Vàng sẽ còn giúp ích nhiều cho chúng ta.

Đôi mắt Vĩnh Duy ánh lên một ngọn lửa độc ác.

- Đức Thánh Nhân trao tên phản bội cho chúng ta. Càng hay!

Các sư liền rút dao găm ra.

- Khoan đã, - Vĩnh Duy ngăn họ lại. - Tên A Sát đáng tội chết. Nhưng nếu chúng ta đâm mũi dao găm của mình vào thân thể nó, thì chúng ta có khác gì những kẻ sát nhân thông thường cơ chứ? Đức Thánh Nhân răn dạy chúng ta rằng kẻ nào không tuân thủ nghi lễ, kẻ đó là một tên vô đạo đức. Nhờ có nghi lễ nên Trời, Đất mới thuận hòa, Nhật, Nguyệt mới sáng tỏ, Bốn Mùa mới lần lượt thay thế nhau trong một năm. Mọi việc đều phải tuân theo nghi lễ: từ việc thừa hành ý Trời, thờ phụng Tổ tiên, tôn kính Bề trên đến việc thưởng và phạt cũng vậy. Chư đệ này, ta nên làm thế này, thế này...

Khi Vĩnh Duy dứt lời, các sư liền lẳng lặng đi về phía nhà nguyện.

A Sát vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm vô hiệu của mình. Hắn thận trọng sờ sờ mặt sàn bên bệ thờ và hy vọng rằng một phiến đá sẽ từ từ xê dịch và cái kho báu bí mật sẽ mở ra ngay trước mặt hắn.

Tàn sát các sư trong chùa Thiếu Lâm xong, lũ giặc Mãn Châu phục kích chờ suốt một ngày đêm đội quân mà bốn nhà sư đã đi cầu viện để cứu các sư huynh của mình. Mãi tới chiều tối hôm sau lũ giặc mới chịu rút. Trước khi rút, chúng ta lệnh cho A Sát nằm chờ "bọn dấy loạn" và dò la xem Tam quận vương chư hầu cùng quân sĩ đang ẩn náu ở đâu. A Sát loanh quanh luẩn quẩn quanh chùa một hồi lâu, lưỡng lự không dám vào, vì hắn có cảm giác hồn ma không đầu của sư trụ trì đang rình hắn ở trong đó. Nhưng hắn rất thèm muốn tìm số vàng mà tình cờ hắn được biết qua câu chuyện trao đổi giữa sư trụ trì và Vĩnh Duy. A Sát đợi đến tối và nén sợ bước vào nhà nguyện.

- A Sát! - Một giọng nói quen thuộc nổi lên. - Sư đệ!

Nghe thấy mấy tiếng "sư đệ", nỗi khiếp sợ nổi lên trong lòng A Sát dịu lắng. Tất nhiên là bốn sư này không hay biết gì về sự việc đêm nọ. Chỉ tiếc mỗi điều là hắn vẫn chưa tìm ra được kho báu. Nhưng không sao, hắn sẽ hỏi dò Vĩnh Duy xem chỗ cất giấu vàng ở đâu. Còn nếu khi nào hắn nhận được số tiền thưởng mà quân Mãn Châu đã hứa cho thì hắn sẽ là người giàu có, rất giàu có.

- Tôi đây, sư huynh Vĩnh Duy ạ, - A Sát thì thầm đáp, rồi bước ra ngoài nhà nguyện.

- Chào sư đệ! - Vĩnh Duy chào hắn.

- Chào sư huynh, - A Sát đáp lễ và rầu rĩ nói tiếp:

- Trông thấy những điều lũ quân Mãn Châu đáng nguyền rủa đã gây ra cho sư trụ trì và những người anh em khác của chúng ta, thật là khủng khiếp.

Vĩnh Duy nghiến răng và quay mặt đi.

- Đúng, - ông ta chậm rãi tán thành, - nỗi đau thương của chúng ta thật vô hạn. Nhưng, tuy được gặp mỗi mình sư đệ còn sống sót, chúng tôi cũng thấy mừng rồi. Sư đệ hãy thuật lại cho chúng tôi nghe giờ phút cuối cùng của các sư hữu thân thích của chúng ta.

- Chao ôi, sư huynh ơi! Những giây phút khủng khiếp đó, tôi đã không ở bên họ và tôi không thể tự tha thứ cho bản thân về chuyện đó. Giá như tôi đã chết quách đi cùng với mọi người thì tốt hơn.

"Nhà ngươi không còn phải chờ đợi lâu la nữa đâu", - Vĩnh Duy không thương xót thầm nghĩ.

- Sau khi sư huynh đi rồi, - A Sát kể tiếp, - sư trụ trì cử tôi vào làng thăm dò xem quân Mãn Châu có đông không và khi nào thì chúng định tấn công vào chùa. Nhưng tôi đã không chạm trán với chúng ở trong làng. Chúng tiến theo con đường khác. Khi tôi quay về thì mọi chuyện đã xảy ra rồi.

- Lẽ nào lại có thể có con đường khác vào chùa được nhỉ? - Vĩnh Duy hỏi, mắt nhìn A Sát chằm chằm.

- Không, không có đâu, - A Sát vội vàng bác lại - chúng rời khỏi làng theo mạn phía Bắc và băng qua rừng tới chỗ đường lên núi.

- Thôi, sư đệ đừng rầu rĩ buồn phiền nữa, - Vĩnh Duy để tay lên vai tên phản bội. - Hội Tam Hoàng chưa chết đâu. Chúng tôi đã hồi sinh nó và sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh. Sư đệ có cùng đi với chúng tôi không? Sư đệ có hoảng sợ trước cái chết của các sư hữu thân thích của chúng ta không?

- Tôi xin sẵn sàng, - A Sát đáp, - chúng ta sẽ trả thù cho họ!

- Như vậy thì ta không nên để mất thời gian quý báu nữa. Về chỗ tịnh trai của tôi đi. Ta sẽ ăn thề trung thành với nhau và rời bỏ cái nơi khủng khiếp này. Thi hài bị làm nhục của các sư hữu chúng ta kêu gọi chúng ta rửa hận!

Các sư quay về chốn tịnh trai của Vĩnh Duy. Như đã được xếp đặt từ trước, họ đã đưa nhà sư bị thương sang phòng bên để A Sát không nhìn thấy. Mới đầu, những sư cùng đi với Vĩnh Duy làm lễ tuyên thệ.

- Bây giờ đến lượt sư đệ, - Vĩnh Duy quay lại bảo A Sát.

A Sát gật đầu. Hắn rất hồi hộp lo lắng. Mới đứng nghe các sư đọc lời thề hắn đã run lẩy bẩy, lúc này hắn lại càng run hơn.

Hai nhà sư bước ra khỏi tịnh trai.

Vĩnh Duy giơ dao găm lên môi A Sát. Hắn líu lưỡi thốt ra những lời cần phải nói. Sau đó, lưỡi dao tì vào ngực hắn.

- Tim tôi sẽ bị đâm thủng... - A Sát mới nói được đến đấy thì đã tịt ngắc. Mắt hắn mở trợn tròn. Người ta đưa Lỗ Chân vào tịnh trai. Khi thấy Lỗ Chân nằm ở chân tường, A Sát cứ ngỡ rằng nhà sư đã bị giết chết rồi.

- Đúng! Trái tim nhà ngươi sẽ bị đâm thủng bởi lưỡi thép sắc bén này! - Vĩnh Duy thét lên, rồi đâm con dao găm vào ngực tên phản bội.

A Sát giật mạnh tay ôm ngực, chệnh choạng bước đi vài bước về phía cửa. Vĩnh Duy và các sư khác im lặng nhìn theo hắn. A Sát lảo đảo và ngã gục xuống sàn.

- Sư trụ trì đã quá từ bi, - Vĩnh Duy dằn giọng nói và đưa mắt căm hờn nhìn cái thây đã tắt thở. - Sư trụ trì tôn sùng những lời di huấn của Đức Thánh Nhân. Nhưng lẽ nào Đức Thánh Nhân lại không rõ rằng con người cũng có loại súc sinh với tâm hồn chuột nhắt.

Vĩnh Duy im lặng một lúc, rồi quay lại bảo các sư:

- Chư đệ! Chúng ta phải lấy máu ăn thề để tỏ rõ lòng trung thành của chúng ta với nhau và với Hội Thiên, Địa và Nhân thiêng liêng của chúng ta.

Vĩnh Duy dùng dao găm rạch một đường lên ngực bên trái, phía dưới tim. Nhà sư lấy một chiếc bát sành hứng chỗ máu đang chảy từ chỗ vết rạch ra rồi đưa cho sư hữu. Những người này lần lượt làm theo Vĩnh Duy. Khi những giọt máu của nhà sư cuối cùng đã được hứng vào bát, Vĩnh Duy liền đỡ lấy bát, rồi uống một ngụm. Những người khác cũng làm như vậy.

Nghi lễ đã kết thúc.

- Từ nay trở đi chúng ta sẽ giữ hết sức bí mật tất cả những gì có liên quan tới huynh hội thiêng liêng của chúng ta, - Vĩnh Duy nói: - Nếu không cần thiết, tôi cấm không ai được nói đến chữ Tam Hoàng. Trước khi những từ này buột ra khỏi mồm chúng ta, chúng ta phải súc miệng bằng nước chè thơm. Mỗi người sẽ lựa chọn một tên mới cho bản thân.

- Sư huynh, - Lỗ Chân khẽ nói, - sư huynh xứng đáng là người thay thế sư trụ trì. Chúng tôi tin tưởng trao số phận của chúng tôi và việc cai quản Đại Huynh Hội chúng ta cho sư huynh.

Vĩnh Duy trân trọng nghiêng mình:

- Đa tạ sư đệ!

- Chúng ta kêu cầu Hoàng Long Giao phù hộ cho Hội Tam Hoàng, - Lỗ Chân nói tiếp, - như vậy người đứng đầu hội thiêng liêng của chúng ta từ nay sẽ mang tên là Hoàng Long. Hoàng Long sẽ là biểu tượng cho sự không thương tiếc của Hội Tam Hoàng đối với lũ quân Mãn Châu đáng căm hờn.

Lỗ Châu quay lại hỏi các nhà sư khác:

- Chư huynh có thuận tình với tôi không nào?

Các sư im lặng cúi đầu.

- Đa tạ các sư đệ, - Vĩnh Duy nhắc lại và lại nghiêng mình đáp lễ. - Lỗ Chân, sư đệ coi quản bệ thờ và gìn giữ các thánh tích thiêng liêng của chúng ta trong Viện hóa đạo. Như vậy, từ nay sư đệ sẽ được mệnh danh là Thủ Tự. Sư đệ sẽ lo hoàn tất việc nghi lễ của hội thiêng liêng chúng ta.

- Diêu Lương, - Vĩnh Duy quay lại bảo một nhà sư đang đứng im lặng trong góc tịnh trai và tay phe phẩy chiếc quạt giấy màu trắng, - mọi người đều biết rõ là sư đệ có tài nói hay, đồng thời lại biết cách giữ kín những suy nghĩ của mình. Sư đệ luôn luôn cầm quạt để không ai đọc được nét mặt của sư đệ. Sư đệ biết cách lý giải những lời răn dạy của Đức Thánh Nhân và bình những câu cách ngôn của tổ tiên chúng ta. Sư đệ sẽ là người gìn giữ những tư tưởng trong sáng của hội thiêng liêng chúng ta, giữ gìn cho Đại Huynh Hội chúng ta tránh được thói vô đạo đức, tránh lầm lạc và rối loạn. Từ nay trở đi sư đệ có tên là Bạch Phiến Chỉ.

Diêu Lương nghiêng mình:

- Sư đệ Vương Trạch Phú, - Vĩnh Duy quay lại bảo một sư cao lớn, cao hơn các sư khác đến một đầu, sư đệ là lưỡi gươm trừng phạt của Hội Tam Hoàng. Sư đệ hãy cầm lấy kiếm và gậy và kẻ nào phản bội Hội Thiên, Địa và Nhân thiêng liêng của chúng ta, sẽ phải run sợ trước sư đệ. Chúng ta sẽ gọi sư đệ là Hồng Trượng.

- Xin sư huynh Hoàng Long yên tâm, - Vương Trạch Phú nghiêng mình đáp, - kẻ nào thối chí sẽ chịu chung số phận với tên A Sát.

- Và cuối cùng sư đệ Đặng Quang, - Vĩnh Duy đặt tay lên vai nhà sư trẻ nhất. - Không ai nhanh nhẹn bằng sư đệ. Không ai lọt qua trước mũi kẻ thù lẹ làng và lặng lẽ bằng sư đệ. Sư đệ là sợi dây liên lạc giữa chúng ta với nhau. Sư đệ lấy rơm bện một đôi hài để quân Mãn Châu không nghe thấy tiếng chân sư đệ bước. Tên của sư đệ sẽ là Thảo Hài.

- Xin sư huynh Hoàng Long cứ ra lệnh, - nhà sư trẻ sốt sắng nói, - tôi sẵn sàng lao vào cuộc chiến đấu. Phế Thanh phục Minh! - Phế Thanh, phục Minh! - các sư khác đồng thanh hô.

- Còn bây giờ ta phải đi khỏi nơi đây! - Vĩnh Duy nói. - Viện hóa đạo bị vấy máu bẩn thỉu của kẻ phản bội rồi!

Các sư bước ra ngoài sân. Vương Trạch Phú lực lưỡng nên ghé vai cõng Lỗ Chân đang bị thương. Đi tới nhà nguyện, bỗng Vĩnh Duy đứng lại bảo:

- Sư đệ Bạch Phiến Chỉ, ta không nên để bọn Mãn Châu làm ô uế các thánh tích thiêng liêng của Hội Tam Hoàng. Sư đệ vào nhà nguyện lấy đem đi theo bát hương, kiếm, gậy, gương bát quái, lọng vàng.

Diêu Lương lặng lẽ tiến đến bên của nhà nguyện.

- Và cầm theo áo cà sa của sư trụ trì nữa nhé - Vĩnh Duy khẽ nói với theo. - Vết máu thiêng liêng của sư trụ trì chúng ta mãi mãi nhắc nhở chúng ta nhớ tới mối thù.

Vĩnh Duy ra hiệu cho các sư khác cứ đi tiếp, còn bản thân mình thì tựa như một con mèo, nhảy vài bước đã ra tới nghĩa trang của chùa.

Một lát sau, các sư đã tụ tập bên chiếc cửa bí mật. Vĩnh Duy ôm một cái tráp nhỏ bằng gỗ trong đựng châu báu. Năm người vượt qua rừng liễu mọc quanh chùa, rồi nhằm phía núi rảo bước.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro