Hồi ức

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mùa đông tràn về Vũ Tước. Kéo đi nắng và trả lại một màu xám xao xác. Vũ thành đang trải qua một cơn bệnh dịch nheo nhóc. Dân chúng cứ dăm bữa lại phải kéo xác người chết ra ngoại ô để đốt xác. Đứng trên thành, nhìn ra phía xa xa, những đụn khói đen ngòm và tiếng gào góc nhuộm đầy một trấn luôn tươi vui đầy hoa nở. Vũ Tước xa cách kinh thành, xung quanh là một vùng thảo nguyên rộng lớn. Dân chúng nơi đây hào sảng, sung túc, vũng bền no đủ canh giữ biên cương. Thánh thượng tuy không quá sủng nhưng cũng luôn trọng dụng, tin tưởng giao phó, mỗi năm đều được dân chúng Vũ Tước cống nạp rất nhiều. Vậy mà từ ngày bệnh dịch tràn đến, dân chúng chết như ngả rạ, lo lắng không dám ra khỏi nhà, không dám làm ăn, nghèo đói nheo nhóc, kho lương phát ra mỗi ngày một cạn, thành chủ phái người năm lần bảy lượt gửi thư cầu hòa thánh thượng lại không nhận được một lời hồi âm.

Ta năm ấy bảy tuổi, ngày ngày núp sau lưng cha nghe bàn chính sự, ngày ngày cùng cha và các bô lão nghĩ cách chống dịch, trong đầu tuy không hiểu rõ, nhưng trước cảnh quê hương rơi vào cảnh lâm nguy, lòng đau khôn xiết nên sớm hôm học về y học. Nguồn bệnh xuất phát không rõ ràng, cũng không rõ lây nhiễm bằng cách nào nên các thầy thuốc trong vùng cũng chịu bó tay. Người chết ngày càng nhiều, mà lương thực thuốc men ngày càng cạn kiệt. Chỉ khoảng nửa tháng nữa, dân chúng chưa kịp chết vì bệnh đã chết đói hết sạch. Thành chủ vừa đau lòng trước cảnh con dân chết chóc, vừa oán hận hoàng đế không cứu giúp, quyết định đi tới kinh thành cầu trợ.

Độ đó, trời bắt đầu rét nặng, tuyết rơi phủ đầy khắp mặt đất. Cha ta ngồi trong phòng gói ghém đồ đạc, còn huynh đệ tỉ muội ta đứng ngồi quanh bàn trà, im lặng không nói một câu. Thân là thế tử, quận chúa của Vũ Tước, ai trong chúng ta cũng hiểu rõ chuyến đi này không thể tránh khỏi. Nhưng ai cũng biết được chuyện hoàng đế vốn dĩ đã không có ý định đưa tay cứu trợ, ý đã định ép Vũ Tước vào nước chết. Vũ Tước bấy lâu hùng mạnh trấn giữ một phương, cả về tiền của lẫn quân đội đều không hề thua kém hoàng tộc, hoàng đế ắt cũng đôi phần nghi sợ. Chuyến này cha đi ắt lành ít dữ nhiều.

Mẫu thân ta ngồi trên giường cứ khóc mãi. Bà vốn không phải người sinh ra ở đây mà là một công chúa chốn kinh thành. Sinh ra giữa những tranh đấu, nghi kị, hơn ai hết, bà hiểu rõ chuyến đi này của phu quân bà là thế nào. Nhưng suốt hai mươi năm gắn bó với Vũ Tước, trải qua bao gian nan khốn khó cùng dân chúng, bà cũng không thể làm ngơ được. Vậy nên chỉ dám ngồi khóc không nói nên lời.

Cha lại đưa chúng ta lên thành một lần nữa. Trong đêm tuyết trắng, những đốm lửa leo lét chập chờn vẫn cố gắng gượng, tiếng khóc ai oán vẫn văng vẳng trong đêm. Cha đưa lại thanh trường đao lại cho đại ca, thanh đao có uy lực điều khiển tất cả quân lính của Vũ Tước.

Mọi thứ trông cậy ở con. Cha chỉ lẩm bẩm bảo thế.

Rồi cha lấy áo choàng dày chùm lên người ta, thắt thật cẩn thận, rồi nắm tay ta đi xuống những bậc cầu thang đá trắng. Dưới ánh đèn, bóng cha ta thật dài, còn bóng ta bé nhỏ bước cạnh nhau. Chúng ta đi qua sân tuyết trắng.

Cha bế ta lên lưng Cửu Bảo, con ngựa mà ta nuôi từ nhỏ, thật cẩn thận. Ta ngoái đầu nhìn lên thành. Các bô lão cúi đầu im phăng phắc, nghi thức đưa tiễn trước khi một đội quân ra chiến trận. Mẫu thân dựa vào đại tỉ âm thầm lau nước mắt.

“Hoắc”

Cha hét lên một tiếng. Cả một đoàn quân rầm rập bước đi. Ánh đèn sáng rực một khoảng trời tăm tối. Ta nắm chặt dây cương, thúc Cửu Bảo bước đi, bàn tay đỏ lên lạnh cóng, nhưng không hề run sợ.

Dân chúng Vũ Tước không ngủ, đốt đèn trong những căn nhà mù mịt. Lúc đó tiếng khóc ngưng lại. Chỉ còn tiếng chân đi và tiếng cháy lẹt đẹt của lửa.

Đoàn quân đi không ngừng nghỉ suốt ba ngày vượt qua thảo nguyên và hoang mạc lạnh lẽo. Từ bé đến giờ chưa bao giờ ta ngồi trên lưng ngựa lâu như thế, cả lưng đã tê không còn chút cảm giác. Những lúc mệt quá, ta ngủ thiếp đi trên lưng Cửu Bảo. Rồi thỉnh thoảng choàng tỉnh dậy, ta lại quờ quạng nhìn ngó khắp nơi xem đã đến đâu. Ta muốn nhớ đường về nhà.

Ngày thứ tư, đến Doanh Châu, cha hạ lệnh cắm trại nghỉ ngơi. Quân sĩ, đã lâu không ăn uống ngủ nghỉ lại cộng thêm tiết trời giá lạnh sức đã suy yếu sáu phần, vội vã ăn uống rồi lăn ra ngủ.

Ta ở trong lều với cha. Nửa đêm, đang ngủ thì bị cha gọi dậy. Giọng cha không hớt hải mà trầm tĩnh đến lạ. Cha pha một ấm trà thơm, loại trà mà hai cha con thích nhất mỗi lần mùa đông chơi cờ đều uống.

-         Con có biết tại sao ta đưa con đi không? Cha hỏi.

Ta lắc đầu, dĩ nhiên ta không biết. Ta mặc dù có tìm tòi y học, nhưng vốn dĩ chỉ là một còng rơm trong đống lửa cháy, càng không biết dùng binh, không biết võ thuật, cũng không giỏi văn thơ đối đáp. Từ nhỏ đến lớn chỉ là một quận chúa được nuông chiều.

Cha mỉm cười, lôi trong túi một thanh kiếm đưa cho ta. Thanh kiếm dài xấp xỉ người ta, màu trắng bạc, đường nét tinh xảo.

-         Vũ Tịch, con có còn mệt không, còn buồn ngủ không?

Ta lắc đầu, hoàn toàn tỉnh táo.

-         Vậy bây giờ con hãy tìm một chỗ ở đây mà con thấy thật an toàn không ai biết được để giấu thanh kiếm này nhé. Cha bảo.

-         Để làm gì ạ? Ta ngây thơ đáp.

-         Để tạo một bất ngờ cho hoàng đế. Cha mỉm cười. Nếu sau hôm nay có bất cứ chuyện gì xảy ra, ta không thể trở về được, thì con nhất định không được trở về Vũ Tước, nhất định phải học cách bảo vệ chính mình, con rõ chưa?

-         Tại sao con không được trở về Vũ Tước.

-         Vì nếu con trở về cả nhà ta sẽ không còn một ai. Con có muốn thế không? Nên con nhất định phải ở lại đây. Phải sống thật tốt. Con rõ chưa?

Ta gật đầu. Cha đưa ta lên lưng Cửu Bảo. Cửu Bảo ngoan, phải chăm sóc Tam quận chúa thật tốt. Cha lẩm bẩm.

Ta chạy vào khu rừng lớn, tối om. Cỏ cây chen nhau mọc chồng chất. Nơi nào thì an toàn nhỉ? Sao cha lại làm khó ta như thế, nơi đây đâu phải là nhà mà bắt ta tìm chỗ an toàn chứ. Nhưng nghĩ mãi nghĩ mãi, cuối cùng ta dùng ngựa, dưới một gốc cây nhỏ. Cây này không rõ thuộc giống gì nhưng có mùi rất đặc trưng, có lẽ đã trồng được mười năm tuổi. Ta dùng lưỡi kiếm đào một cái rãnh nhỏ bên dưới gốc cây thật sâu, sau đó cởi hết khăn buộc đầu và áo bông cuộn thanh kiếm lại, chôn dưới gốc cây, sau đó phủ cỏ dạy, dây leo và lá khô lại. Dùng đá rạch một đường trên thân cây, dùng tấm vải hớt lấy nhựa đang chảy đầy ứa để giữ lấy mùi thơm. Sau đó nhét vào túi áo. Bấy giờ cả người ta chỉ còn mình áo vải mỏng và áo choàng, đầu tóc rối bù xù. Ta dắt Cửu Bảo quay trở về. Trong rừng âm u lạnh lẽo hơn rất nhiều. Thỉnh thoảng lại có tiếng chim kêu rung rợn, khiến ta vô cùng sợ hãi. Ta cứ đi mãi đi mãi mà không thấy lối ra, tay chân đã bắt đầu bầm tím và và tâm trí không còn rõ ràng nữa. Ta nằm trên lưng Cửu Bảo để nó mặc sức đi, cho đến khi thấy ánh lửa thấp thoáng. Tiếng bàn bạc xì xào to dần lên. Ta ngỡ đã về đến trại, vội vã cựa mình nhảy xuống nhưng không cử động được mà rơi tự do xuống nền đất lạnh, không còn chút cảm giác.

Đến khi ta tỉnh dậy, trời đã sáng. Ta đang nằm trên một cái xe thồ hàng hóa, được quấn chặt một lớp chăn dày. Phía trước, sau lưng là quân sĩ. Nhưng họ không giống quân sĩ của Vũ Tước. Họ đeo giáp lớn, chạm trổ kì quái, đầu đội mũ sắt, tay cầm giáo dài. Người đi đầu tiên dáng điệu to lớn vạm vỡ, khoác áo choàng đỏ nhưng tuyệt nhiên không phải cha ta.

-         A ha, con bé đã tỉnh dậy.

Tiếng của một gã binh lính ồ ồ làm ta giật mình. Cả đám người quay lại nhìn ta. Ta không hiểu họ định làm gì nhưng lúc đó đã rất hoảng sợ, nước mắt nước mũi ứa ra, miệng gọi cha ơi.

Người đi đầu bị ta làm phiền đến bèn ra lệnh dừng lại, rồi xuống ngựa, đi đến chỗ ta.

-         Ngươi là ai?

Lúc này ta mới nhìn rõ ngũ quan sắc mặt người này. Đôi mắt sâu đầy tinh anh ẩn dưới đôi long mày dày rậm. Bộ râu dày đã có vài sợi bạc làm gương mặt trông dữ dằn. Người này tầm đã tứ tuần nhưng còn trẻ khỏe, giọng nói dày và ấm.

-         Ta không biết.

Ta đáp. Ta không biết người này là ai, nhưng nếu là quan binh ở chốn này thì cũng chắc cũng có vài phần quen biết với cha ta, nhưng ta vốn dĩ không thể tin tưởng người lạ nên tìm cách lảng tránh.

-         Ngươi trông ngũ quan hài hòa, quần áo cũng thuộc loại vải thượng hạng, tại sao đêm hôm lại một mình đi vào chốn này.

Nhanh trí, ta đáp:

-         Phụ mẫu ta là thương nhân buôn bán đó đây, ta đi theo hầu hạ, chẳng may gặp cướp. Nhân lúc sơ ý cha ta đã giúp ta chạy trốn, giờ ta đang đi tìm cha mẹ.

-         Cha mẹ ngươi tên gì? Người kia hỏi lại.

-         Ta không nhớ. Ta giả bộ ngây thơ lắc đầu.

-         Tại sao lại không nhớ? Ngươi đang lừa bản tướng quân sao? Người kia nhìn vào mắt ta hỏi.

Ta lắc đầu nguầy nguậy, bật khóc gào lên mấy tiếng, ta không biết ta không biết.

Có một vị khác đứng sau lưng tướng quân nọ, chậm rãi đáp.

-         Nó chỉ là một đứa trẻ, gặp biến cố lớn nên ắt hẳn việc quên lãng cũng là điều không tránh khỏi. Người hà tất phải gặng ép nó sao. Dẫu sao đứa trẻ này cũng chẳng thể làm ảnh hưởng đến chúng ta được.

Ta ngước nhìn lên người vừa nói. Người này, cũng mặc binh phục, nhưng dáng người thanh mảnh, cử chỉ tao nhã, dù ngoài tứ tuần nhưng vẫn rất nhẹ nhàng, trên tay phe phẩy quạt lông vũ, có vẻ như một vị quân sư.

Vị tướng quân kia nghe xuôi tai thì không nói gì nữa, chỉ lệnh cho một gã binh tính.

-         Cho nó ăn uống và áo mặc, đừng bắt nạt nó, miễn là nó không khóc lóc làm hỏng việc thì cứ mang theo.

Vị quân sư, bật cười.

-         Diệp đại nhân có vẻ thương xót tiểu tử này.

Tướng quân hừ lạnh, không nói thêm gì.

Ta được đi theo họ suốt chặng đường rất yên ổn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro