Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngồi mơ màng trong sảnh tiếp tân của một trong những khách sạn tồi tàn nhất Thụy Điển là gã đàn ông mà cuộc đời sắp sửa dính dáng tới chết chóc, thương tật, trộm và cướp. Cháu trai duy nhất của nhà buôn ngựa Henrik Bergman, kế thừa và đào sâu thêm những khiếm khuyết thừa hưởng từ ông nội. Ông già là nhà buôn ngựa hàng đầu miền nam Thụy Điển. Mỗi năm ông bán không dưới bảy ngàn con, mà toàn là giống hảo hạng. Nhưng từ năm 1955, lũ nông dân phản bội bắt đầu đổi những cỗ máy bằng xương thịt lấy máy kéo với tốc độ không hiểu nổi. Bảy ngàn giao dịch rớt xuống bảy trăm, rồi bảy mươi, rồi còn có bảy. Trong vòng năm năm, tài sản gia đình trị giá hàng triệu kronor đã bốc hơi như khói. Năm 1960, Ông Bố của đứa-cháu-trai-chưa-chào-đời cố gắng cứu vãn tình thế bằng cách đến thăm các trang trại quanh vùng, rỉ tai họ về những tai ương quanh việc cơ giới hóa. Những lời đồn thổi bay nhanh như gió. Chẳng hạn như dầu máy có thể gây ung thư nếu dính vào da, mà dĩ nhiên làm sao mà tránh cho được việc đó. Hơn nữa, Ông Bố thêm thắt các nghiên cứu chỉ ra rằng dầu máy có thể gây vô sinh cho nam giới. Mà nhẽ ra ông không nên đề cập đến vấn đề này. Một là, nó chẳng đúng tẹo nào. Hơn nữa, chuyện ấy nghe quá vừa tai mấy tay lực điền phải kiếm cơm nuôi từ ba đến tám đứa trẻ nheo nhóc ở nhà mà vẫn còn máu nóng. Thay vì lúng túng lục tìm bao cao su, sờ soạng mấy cái máy cày chạy dầu xem ra dễ chịu hơn nhiều. Ông Nội qua đời trong nghèo túng, bởi cú đá của chính con ngựa cuối cùng sót lại. Ông Bố rầu rĩ thừa hưởng đế chế vô mã cũng kịp tham gia vài khóa học. Chẳng bao lâu sau, ông được nhận vào làm cho Facit AB, một trong những công ty hàng đầu thế giới sản xuất máy đánh chữ và máy tính cơ. Ông thật thành công trong việc khiến tương lai vùi dập mình chẳng phải một, mà những hai lần trong cuộc đời, bởi sự ra đời của máy tính điện tử. Cứ như là phải giễu cợt cho bằng được dòng máy cục mịch nặng trịch do Facit sản xuất, loại máy tính Nhật ra đời, nhỏ gọn bỏ vừa vặn túi trong áo khoác. Các máy móc của tập đoàn Facit không hề teo tóp đi (ít nhất là teo cũng không đủ nhanh mà cạnh tranh), nhưng bản thân tập đoàn thì tuột dốc không phanh và nhanh chóng trở thành không còn chút giá trị nào. Con trai của người buôn ngựa bị sa thải. Để cố quên đi sự thật đau lòng bị cuộc đời chơi tới hai vố, ông đắm chìm trong bia rượu. Thất nghiệp, cay đắng, thường xuyên không tắm rửa và chẳng mấy khi tỉnh táo, ông đánh mất luôn sự hấp dẫn giới tính với cô vợ trẻ hơn những 20 tuổi. Cô đành chịu nhịn ông một tí, rồi thêm một tí. Nhưng cuối cùng người phụ nữ trẻ kiên nhẫn vỡ lẽ rằng việc cưới sai một người vẫn sửa chữa được. Một buổi sáng, cô nói với chồng “tôi muốn ly dị”. Ông chồng thì đang đi lòng vòng quanh căn hộ, tìm kiếm gì đó trong lúc chỉ mặc vỏn vẹn có cái quần lót trắng xỉn màu. “Mình có thấy chai cô-nhắc đâu không?” Ông hỏi vợ.
“Không. Nhưng tôi muốn ly dị”.
“Tôi để nó trên kệ tối qua. Mình đem cái chai đi đâu rồi chắc.”
“Chắc tôi bỏ trong tủ rượu lúc lau dọn bếp, ai mà nhớ được, nhưng mà tôi đang nghiêm túc nói là tôi muốn ly dị.”
“Trong tủ rượu à? Đương nhiên rồi, lẽ ra phải tìm ở đó trước. Ngu gì đâu. Vậy cô muốn chuyển đi hả? Cô cũng cắp theo cái thứ toàn bĩnh vào quần chứ?” Vâng, cô vợ đem theo đứa bé. Đứa bé trai với mái tóc vàng nhạt và đôi mắt xanh tình cảm. Cậu nhóc mà mãi sau này lớn lên sẽ trở thành anh tiếp tân. Về phần cô, bà mẹ trẻ từng mơ mộng trở thành giáo viên ngôn ngữ, nhưng đứa trẻ lại vô tình ra sớm mười lăm phút trước kỳ thi cuối khóa. Giờ đây cô chuyển đến Stockholm với cậu con trai, đồ đạc và tờ đơn ly dị đã ký. Cô dùng lại họ mẹ, Persson, mà không cân nhắc hậu quả cho cậu con trai tên Per (chả phải là không thể đặt tên Per Persson, hoặc tương tự, Jonas Jonasson cũng vậy thôi, có điều nhiều người nghĩ rằng tên họ kiểu thế nghe quá đơn điệu). Tại thủ đô, Mẹ Per Persson kiếm được công việc giám sát giao thông. Cô xuôi ngược các con đường hằng ngày, nghe những lời biện bạch dài dòng của những kẻ đậu xe trái phép mà phần đông đều dư khả năng trả tiền phạt. Giấc mơ trở thành giáo viên truyền đạt môn ngữ pháp tiếng Đức khó nhằn cho đám sinh viên lơ đãng giờ đành dang dở. Sau khi người mẹ trải qua cả nửa cuộc đời làm công việc mà ban đầu chỉ đinh ninh là tạm thời, đột nhiên một trong những gã đàn ông đậu xe trái phép luôn mồm ca thán, mất hồn phát hiện ra bên dưới bộ đồng phục nhân viên giám sát giao thông là một phụ nữ. Chuyện này dẫn tới chuyện kia, rằng họ cùng ăn tối trong nhà hàng sang trọng, vé đậu xe bị xé làm đôi khi họ vừa chia sẻ tách cà phê vừa thậm thụt rúc rích. Chuyện kia lại dẫn sang chuyện nọ, gã đậu xe trái phép đã kịp cầu hôn mẹ Per Persson. Người cầu hôn là nhân viên nhà băng người Iceland, đang định chuyển đến Reykjavik. Gã hứa trên trời dưới biển mọi thứ với vợ sắp cưới miễn cô chịu chuyển đến nơi ở mới. Gã cũng rộng lượng chào đón cậu con trai. Tuy nhiên, thời gian qua nhanh đến nỗi cậu bé tóc vàng nhạt giờ đây đã trưởng thành và có thể tự mình quyết định mọi chuyện. Cậu tin vào tương lai tươi sáng ở Thụy Điển. Vì rằng chẳng ai có thể so sánh chuyện thực sự xảy ra với chuyện đáng lý sẽ xảy ra, thật khó phán rằng niềm tin của cậu là đúng hay sai. Mới mười sáu tuổi, Per Persson tìm được công việc làm thêm trong khi vẫn đi học. Gã chưa từng hé răng với mẹ về công việc mình làm. Gã có lý do làm thế. Bà mẹ căn vặn: “Mày đi đâu thế nhóc?”
“Con đi làm.”
“Trễ thế này sao?”
“Vâng, kinh doanh suốt ngày mà mẹ.”
“Mà thật ra mày làm cái gì ấy nhỉ?”
“Con nói cả ngàn lần rồi. Con làm trợ lý... trong công ty giải trí. Nơi người ta họp hành, những việc tương tự như vậy.”
“Trợ lý kiểu gì chứ? Mà mày bảo cái chỗ ấy tên gì...”
“Con phải đi đây. Thế mẹ nhé.” Per Persson lỉnh đi ngay lập tức. Dĩ nhiên là gã không muốn chia sẻ tí chi tiết nào, chẳng hạn như công việc kinh doanh là bán các gói tình yêu ngắn hạn trong tòa nhà lót gỗ vàng tồi tàn thô kệch ở Huddinge, phía nam Stockholm. Chẳng hạn như trụ sở công ty mang tên Câu lạc bộ Tình Yêu. Hoặc chẳng hạn như việc chính của gã là hậu cần, phục vụ và giám sát. Quan trọng là khách hàng tìm được đường đến đúng phòng, chọn đúng loại tình yêu trong đúng hạn thời gian. Gã cần ghi chú, theo dõi thời gian ra vào và nghe ngóng qua các lớp cửa (rồi thả hồn theo trí tưởng tượng phong phú). Nếu có chuyện gì rối reng xảy ra thì nhanh chóng báo động cho ông chủ. Trong thời gian bà mẹ bận bịu việc chuyển nhà và Per Persson kết thúc chương trình học, đúng thể thức hẳn hoi, ông chủ quyết định bắt tay vào hoạt động kinh doanh mới. Câu lạc bộ Tình Yêu trở thành Khách sạn Hương Biển. Chẳng phải vì khách sạn nằm gần biển hay đại loại thế, mà vì ông nghĩ “Ờ thì chỗ này cũng phải có cái tên mà gọi cho tiện mồm chứ.” Mười bốn phòng. Hai trăm hai mươi lăm kronor một đêm. Nhà vệ sinh chung. Tấm trải giường và khăn tắm thay mới mỗi tuần, nhưng chỉ khi cái cũ trông thực sự đã nhàu nhĩ quá lắm. Chuyển đổi loại hình kinh doanh từ quản lý tổ ấm tình yêu đến khách sạn hạng ba không phải là thứ ông thật tâm mơ ước. Ông kiếm được bộn tiền hơn khi khách hàng có thêm ai đó cùng trò chuyện trên giường kia. Vả chăng có cô nào trống khách thì ông sẵn tiện tranh thủ lấp dùm một lúc. Ích lợi duy nhất là khách sạn Hương Biển ít bất hợp pháp hơn. Ông chủ hộp đêm khi trước đã từng bóc lịch tám tháng, ông nghĩ vậy là quá đủ rồi. Vốn chứng tỏ tài năng qua công việc hậu cần, Per Persson nay được giao làm tiếp tân chỗ mới, mà gã nghĩ chuyện có thể còn tồi tệ hơn (dù lương thì tệ hết mức rồi). Công việc của gã bao gồm kiểm tra khách hàng ra vào, bảo đảm khách trả tiền, đặt phòng và hủy phòng. Gã còn được hưởng thụ chút chút miễn việc vui vẻ này không ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh. Mô hình kinh doanh mới, tên công ty mới, công việc của Per Persson cũng khác mà lại chịu trách nhiệm nhiều hơn trước kia. Điều này thôi thúc gã kiến nghị ông chủ cân nhắc việc thay đổi mức lương. Ông chủ băn khoăn, “Thế nhưng mày muốn tăng hay giảm?” Per Persson đáp rằng tăng thì dĩ nhiên là tốt hơn. Cuộc đàm phán không diễn ra như gã mong đợi. Rồi đến nước gã chỉ hy vọng giữ nguyên những gì bữa giờ đang có.
May mà vẫn giữ được y thế. Ông chủ lại còn hào phóng đề nghị: “Ê, hay mày dọn vào phòng sau quầy tiếp tân mà ở, khỏi trả tiền nhà sau khi mẹ mày chuyển đi.” Per Persson đồng ý cách này sẽ giúp tiết kiệm ít tiền. Gã được trả lương không chính thức, nên tiện tay có thể moi thêm chút lợi ích từ quỹ phúc lợi xã hội và trợ cấp thất nghiệp. Hơn nữa, công việc và cuộc sống của gã giờ ráp thành một. Gã sinh hoạt và sống ngay sau quầy tiếp tân. Một năm, hai năm, năm năm trôi qua, thực tế là đời gã trai chẳng có gì tốt đẹp sáng sủa hơn ông nội và ông bố. Gã chỉ có thể trách cứ ông nội. Ông già từng mấy lần lên hương thành triệu phú hẳn hoi. Mà thế hệ thứ ba máu mủ ruột rà giờ đây phải đứng sau quầy tiếp tân, đón tiếp những khách hàng bốc mùi với tên tuổi kiểu như Anders Sát Thủ cùng những thứ gớm ghiếc khác. Tay Anders Sát Thủ này vô tình là một trong những khách hàng dài hạn ở Khách sạn Hương Biển. Tên thật của hắn là Johan Andersson, cuộc sống trưởng thành chủ yếu trong trại giam. Chuyện ăn nói đối với hắn không hoàn toàn dễ dàng, nhưng từ hồi trẻ, hắn nhận ra rằng lời nói sẽ thuyết phục hơn hẳn nếu dần cho kẻ chống đối kia một trận, hay tỏ ra đang cân nhắc chuyện dần đối thủ một trận. Và một trận nữa nếu cần thiết. Dần dà, cách đàm thoại này đưa tay Johan trẻ tuổi đến bước giao du với toàn loại hư hỏng. Bạn bè mới tăng cường kỹ năng tranh cãi bạo lực bằng rượu cùng ma túy, làm tiêu tùng hẳn cuộc đời trai trẻ. Cũng chính những thứ đó cho hắn án tù mười hai năm khi chỉ vừa hai mươi tuổi. Lý do vì hắn không tài nào lý giải được làm cách nào mà cái rìu của hắn lại cắm trên lưng tên phân phối thuốc phiện có số má trong vùng. Tám năm sau, Anders Sát Thủ mãn hạn tù. Hắn ăn mừng việc ra khám nhiệt tình đến nỗi gần như không có thời gian để tỉnh táo lại trước khi bị kết án thêm mười bốn năm tù chồng lên tám năm trước đó. Đợt này thì liên quan đến việc dùng súng. Ở cự ly gần. Ngay thẳng vào mặt kẻ kế nhiệm tên trùm buôn thuốc phiện bị chém bằng rìu năm xưa. Một cảnh tượng vô cùng khó nuốt cho bất cứ ai được cử đến dọn dẹp hiện trường. Trước tòa, Anders Sát Thủ khăng khăng rằng hắn không cố tình làm vậy. Đằng nào thì hắn cũng nghĩ mình không cố tình. Hắn không nhớ rõ lắm về những gì xảy ra. Lần tiếp theo vào tù cũng tương tự, khi hắn cứa cổ tên buôn thuốc phiện thứ ba vì tên này lỡ bảo Sát Thủ tính tình sao mà khó chịu. Gã đàn ông cổ-bị- cứa thật ra nói chẳng sai, nhưng chuyện ấy không cứu vãn được gì. Anders Sát Thủ được trả tự do năm năm mươi sáu tuổi. Không giống những lần trước, lần này hắn nhất quyết lên kế hoạch tự do mãi mãi chứ không vào tù ra khám nữa. Muốn thế thì phải bỏ rượu. Và thuốc. Và tất tật những bọn hay thứ gì liên quan đến rượu và thuốc.
Bia thì ngoại lệ; bia giúp tinh thần hắn phấn chấn. Hoặc ít nhất thì cũng không nổi điên. Hắn tìm đường đến Khách sạn Hương Biển, tin rằng nơi này vẫn cung cấp những dịch vụ dành cho người thiếu thốn tình cảm trong đôi ba thập kỷ đơn côi sau chốn ngục tù. Sau khi thất vọng nhận ra dịch vụ đó không tồn tại nữa, hắn vẫn quyết định ở lại khách sạn. Rút cuộc thì cũng phải có nơi nào đó trú thân, với giá hai trăm kronor một đêm thì cũng không cần cò kè thêm, nhất là khi chuyện cãi cọ có thể dẫn đến những điều đã từng xảy ra trong quá khứ. Trước khi lấy phòng, Anders Sát Thủ còn tranh thủ kể lể chuyện đời tư với gã tiếp tân mới gặp. Chuyện về thời thơ ấu, dù rằng sát thủ cho rằng đoạn này chẳng có mấy liên quan đến phần sau cuộc đời. Ký ức tuổi thơ phần nhiều về người cha nhậu nhẹt sau giờ làm để đỡ chán công việc, và người mẹ hành xử y khuôn để đỡ chán cha hắn. Điều này khiến ông già chịu đựng không nổi bà già, nên thường nện bà thường xuyên trước sự chứng kiến của câu con trai. Nghe xong câu chuyện, gã tiếp tân nín thinh, bắt tay và tự giới thiệu: “Per Persson”.
“Johan Andersson”, sát thủ đáp lời, cũng có hứa sẽ ít ra tay nhất có thể trong tương lai. Rồi hắn hỏi gã tiếp tân liệu có chai bia nào đó không. Sau mười bảy năm không uống thì gã có hơi khô cổ một chút.
Per Persson không có ý định khởi đầu tình bạn với Anders Sát Thủ bằng việc kiệt xỉ không phục vụ nổi một chai bia. Trong khi rót bia, gã tranh thủ hỏi ông Andersson có ý định tránh xa khỏi rượu chè hút xách chăng. Johan Andersson trả lời, “Chắc chắn là như vậy sẽ ít gây phiền phức hơn. Mà cứ gọi tao là Anders Sát Thủ, ai cũng gọi như vậy.”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#ygi