Ánh đèn bên vệ đường - Hồi 1 (Tiếp theo)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


---o0o---

Chín giờ hơn, mọi nẻo đường trong thành phố bắt đầu tràn đầy ánh nắng cùng tiếng xe cộ inh ỏi quen thuộc. Bụi đường thỉnh thoảng hằng lên người Vệ những lằn đất đen kịt, bám ghét nơi cổ tay, cổ chân bẩn thỉu. Nó cũng không buồn phủi chúng xuống, một phần do cảm thấy đã quen và phần khác vì thừa biết có phủi chúng cũng sẽ bám lại như thường. Đôi chân lững lờ bước ngang dọc trên con đường Hoàng Diệu, Vệ khẽ đưa tay lên lau đi những giọt mồ hôi đổ đầm đìa trên trán, mắt dáo dác tìm kiếm những đống phế thải, thùng rác đổ dọc ven đường mà mọi người vốn chẳng ai thèm chú ý. Sáng nay thằng bé đã phải tốn gần cả giờ đồng hồ để chạy vọt từ ngôi trường THCS Nguyễn Du qua đoạn đường Nguyễn Thái Học, rồi trèo tiếp lên cây cầu Ông Lãnh nối liền giữa Quận Tư và Sài Gòn để đến đường Hoàng Diệu. Sở dĩ nó phải chạy hộc tốc như vậy, bởi ở khắp Quận Nhất, nơi hầu hết cư dân thành phố đều hay gọi là Sài Gòn dạo này xuất hiện rất nhiều các chú công an tuần tra khu vực. Vệ vốn không dám cũng như không được phép tới gần họ theo như lời Thắng bảo, người anh em chí cốt của nó.

Ngày trước, Vệ vừa tỉnh dậy, Thắng đã kịp dạy lại cho thằng bé ba điều cơ bản cũng như quan trọng nhất để sống trong cái cõi bụi đời. Một là tránh xa bọn trẻ đầu đỏ, đầu vàng hay đeo túi xách chéo thân, thường có người lớn đưa rước mỗi ngày tới một địa điểm cụ thể bán vé số, ăn xin hay gì đó đại loại. Hai là né khỏi những người lớn muốn tiếp cận nó, bất kể ai đi chăng nữa cũng không được quá thân thiết với họ, tuyệt đối càng không để người lạ chạm vào mình ngoại trừ Thắng. Ba là điều phức tạp cũng như khó nhớ nhất, không xòe tay xin tiền, không trộm cắp, không khóc, không ham hố bên lũ trẻ lạ, không về trễ, không hít keo, không chơi game, không làm rách quần áo, không không và không... Những cái không đó nhiều vô vàn và liên tục thay đổi tùy theo tâm trạng của Thắng, quả thật mới đầu rất khó khăn nhưng dần dà Vệ cũng mau chóng nắm bắt được cách thức chúng thêm bớt như thế nào bởi nó đã ở bên cạnh và hiểu Thắng nhiều hơn. Hai đứa thường tự nhắc nhở, dựa dẫm nhau rồi trải qua biết bao nhiêu chuyện khó nhằn mà ở chính cái lứa tuổi đó, người ta thậm chí còn chẳng biết tới vị mồ hôi trông ra làm sao...

Trước đây Vệ từng tự hỏi, cớ gì nó lại phải tuân theo những luật lệ ngu ngốc mà Thắng cứ vạch ra theo ý thích. Thằng nhóc cũng chỉ là trẻ con nên khó tránh khỏi cái tính cứng đầu cứng cổ, ghét bị lên lớp, ham vui đồng thời chưa chịu suy nghĩ thấu đáo. Thế là có lần, Vệ bỏ mặc lời khuyên bảo của bạn, chạy thẳng vô tiệm game, mở máy lên chơi ngon lành sau một buổi chiều dày công bán hết tập vé số cả trăm tờ. Cái thuở ấy có một người chủ thường xuyên giao vé số cho chúng đi bán hằng ngày, mỗi tờ như vậy thằng bé chỉ lời được một ngàn đồng nhưng lại phải trao trả tới bảy phần trong tổng số tiền lời lại cho chủ. Chao ôi, quả thật là một cách thức bóc lột sức lao động của những đứa trẻ lang thang đầy mưu mẹo, tuy vậy cả Thắng lẫn Vệ bấy giờ đều ngậm ngùi tuân theo, hai đứa thà đi bán vé số cả ngày vẫn thấy đỡ cực hơn so với chuyện móc bọc, móc chai giữa thời kỳ giá nhựa còn rẻ thối hơn bèo. Số tiền kiếm được hầu hết chỉ vỏn vẹn đủ cho Vệ mua hai phần thức ăn vào bữa sáng và tối, tuy nhiên chính bản thân tên đần như nó đã không hề nhận ra. Kết quả đợt đó là cu cậu đốt hết tiền vào tiệm nét sau một ngày rã rời chân tay để mời mọc bán vé. Ngồi phè phởn trên chiếc ghế đệm sang trọng mới chỉ chốc lát đã tốn hết ba giờ đồng hồ, mười lăm nghìn ra đi trong im lặng, mùi mẫn và đầy hối tiếc nhưng đã quá trễ. Trời thì ngày càng tối mà nó cũng chẳng còn tiền để mua thức ăn, ổ bánh mì trong bụng từ buổi sáng đã bốc hơi khỏi dạ dày trong lúc nó nhọc công lặn lội trên khắp các nẻo đường, ngõ xó để mời người ta mua từng tờ vé số giúp mình. Bây giờ Vệ mới hiểu rõ những điều quý giá mà Thắng răn dạy, nó kiềm nén, ôm cái bụng đói meo nằm lăn lộn trên mặt đất khổ sở cả buổi trời, mãi cho tới khi Thắng kịp trở về bên xó vệ đường vắng lặng, nơi mà chúng từng làm chỗ ngủ suốt một khoảng thời gian trước.

Người bạn thân chỉ vừa nhìn thôi đã đủ hiểu mọi chuyện, Thắng đành giả vờ lay Vệ dậy mặc dù nó thừa biết thằng bé vẫn chưa ngủ, chỉ đang tự dằn vặt bản thân mình bằng cách nằm khuất mặt sang hẳn một bên, hòng trốn tránh ánh mắt của nó. Nấn ná một hồi sau Vệ cũng chịu quay qua nhưng còn chưa kịp nói gì, Thắng đã lập tức xé đôi ổ bánh mì mà ban nãy nó vừa mới mua dứt khoắc, không chút đắn đo rồi chìa về phía bạn:

- Thêm một luật nữa, không được nhịn đói... Mày lớn rồi, đừng có đi làm chuyện ngu ngốc như vậy.

Nhìn tấm thân đứa bạn gầy gò, ốm đói lại còn phải chịu chia sẻ phần ăn ít ỏi với mình, hai mắt Vệ bỗng ướt đẫm khó tin. Nó cầm lấy phân nửa ổ bánh rồi quay lưng, ngồi ngấu nghiến trong nghẹn ngào, dấu đi từng dòng nước mắt hối hận và đầy nể phục trước mặt bạn. Kể từ đó Vệ nhận ra mình đã xem Thắng như một người anh ruột đúng nghĩa, tuyệt đối vâng lời và cố gắng làm cho anh càng vui càng tốt.

---o0o---

Vệ khắc khoải nhìn vào đồng hồ của một tiệm rèn sắt mà nó đang đứng đối diện phía bên kia lề đường, người thợ rèn phát hiện ra nó đang dòm ngó chăm chú liền bỏ dở công việc, tiến ra trước cửa nhà mà nạt nộ:

- Mày nhìn cái gì mà nhìn, Cút! Đứng đó nữa tao đập chết bà mày giờ...

Trước những lời đe dọa hùng hổ, Vệ đành nhanh chóng chuồn đi cùng cái bao tải đựng ve chai thù lù trên lưng. Xung quanh biển người qua lại tuy vô cùng tấp nập nhưng không một ai buồn lên tiếng chở che cho thằng bé, có lẽ trong mắt họ, bọn trẻ vô gia cư như nó cũng chỉ như những thứ chất độc, những mầm mống dịch hạch làm ô nhiễm xã hội. Người lớn đâu ai thèm nghĩ rằng, thằng bé chỉ muốn xem giờ sau một ngày lượm lặt vất vả, chứ nó có màn bận tâm chút gì tới của cải hay đồ đạc của họ. Dù bị chửi oan nhưng trong lòng Vệ vốn không hề cảm thấy tức giận bởi nó đã quen rồi, quen với cái tiếng quát tháo đầy đe dọa, quen với cái ánh mắt kinh tởm của mọi người dành cho nó. Mà dù sao đi nữa, thằng bé cũng đã tìm thấy câu trả lời mà mình hằng mong muốn, bốn giờ chiều, thế nên cứ để họ chửi mỏi miệng cũng chả ảnh hưởng gì tới ai, miễn là trong lòng nó thấy thỏa mãn là được. Thắng đã từng dạy nó như vậy.

Rẽ sang một con hẻm ẩm mốc, nồng nặc mùi cống thối bốc lên từ những lỗ thoát nước thải dơ bẩn trong góc tường, Vệ xốc thử cái bao tả tơi trên lưng mình để ước chừng trọng lượng. Hôm nay quả không tệ, chú bé đinh ninh rằng mình vừa hốt được cả vài kí nhựa lẫn lon sắt chứ chả đùa, đấy là Vệ đã cất công lọc bỏ đi những loại mủ, nhôm mà người thu mua ve chai không cần đến. Người ta thường bảo, làm việc gì nhiều ắt hẳn sẽ giỏi việc đó, quả nhiên là vậy. Vào cái bữa đầu tiên cất công đi lượm ve chai, thằng bé không tài nào phân biệt được đâu là nhựa tốt, đâu là nhựa dởm. Nó cứ nhắm mắt nhắm mũi hốt trọn cả bao để rồi đem bán, nhưng mãi tới khi người mua chắt lọc đống nhựa chỉ còn phân nửa, cu cậu mới đẫn đờ hiểu chuyện. Kể từ đó nó tự mình học cách đánh dấu nhãn hiệu, chẳng hạn như chai nước tương Chinsu là nhựa dởm họ sẽ không cần tới, chai trà xanh không độ là nhựa cực tốt họ bán rất lời, vỏ lon bia Con Cọp là hai trăm đồng, lon nước Xá Xị lùn là một trăm... Cứ như vậy mà hàng chục, hàng trăm loại ve chai nằm gọn trong đầu Vệ như một cửa hàng tạp hóa, chỉ khác ở chỗ giá cả chúng rẻ bèo và bẩn thỉu hơn. Lắm lúc làm việc, thằng bé dần nhận ra thứ nào nên được ưu tiên trong bao, thứ nào nên bỏ và rồi mọi chuyện tuyệt nhiên hiệu quả lên hẳn. Một buổi lượn lờ Vệ có thể kiếm chác được nhiều tiền hơn so với những đứa trẻ cùng nhặt nhạnh ve chai giống mình, dẫu vậy đôi khi chuyện kiếm sống cũng không hề dễ bề. Muôn trùng cuộc chiến tranh giành nhựa mủ, đánh nhau tới sứt đầu mẻ trán hay cái kết bị mấy tay bảo vệ, chủ hàng quán xua đuổi luôn là những trở ngại to lớn đối với thằng bé. Đã vậy, trong bộ luật khó nhằn thứ ba của Thắng lại còn có cái "Không đánh nhau", thành ra mỗi lần đụng độ bọn trẻ khác muốn tranh giành bãi phế liệu của mình, Vệ chỉ đành miễn cưỡng bỏ đi. Một nửa cuộc đời phiêu bạc khắp xó xỉnh nó đều tự hỏi, tại sao Thắng lại nghĩ ra nhiều cái luật hèn nhát đến mức như vậy...

Bà chủ hàng ve chai phế liệu là một người phụ nữ hiền lành, tình nghĩa. Dáng người thon thả, hay mặc bộ quần áo bà ba cũ sờn, tóc chị thường cột búi sen ở cao trên đỉnh đầu làm lộ rõ vài cọng bạc phếch bạc phơ như dây cước. Đôi mắt thăm quần khó tránh khỏi từ những đêm thức trắng cân nhựa mệt nhọc. Vết nhăn trên mặt chị nổi khăng khít khắp cả lên y hệt một bà lão già nua, mặc dù chị chỉ mới vẻn vẹn hai hay ba mươi tuổi đời.

Đã từng rất nhiều lần chị Thu, người mà cả Vệ lẫn Thắng vẫn thường hay gọi là chị Thu-Ve Chai năm lần bảy lượt giúp đỡ chúng. Chị ấy luôn cho chúng cơm canh, chủ động mua đống nhựa của hai đứa với giá cao hơn so với những người khác. Hay kể cả khi mùa nhựa hết thời, chị cũng âm thầm giới thiệu cho anh em tụi nó những công việc vặt vãnh như phụ hàng quán, đánh giày, bán kẹo... mà không sợ bị bọn trẻ đồng nghiệp tranh giành. Thắng là đứa tò mò, nhạy cảm nên nhiều lúc nó hoài nghi tại sao chị Thu lại đối xử tốt với cả hai như vậy. Người anh lớn dĩ nhiên cũng kể lại với Vệ, nhắc nhở Vệ cũng như nhắc nhở chính đứa em trai mình phải cẩn trọng, phải tránh xa kẻo mắc phải cạm bẫy của bọn lừa lọc, tuy nhiên đứa ngốc như Vệ đã không hiểu hết lời dặn dò ẩn ý của Thắng. Thành ra ngày đó, có lần thằng bé tranh thủ chạy thẳng tới cửa hàng ve chai của chị Thu ở cuối hẻm sau một buổi làm việc thường lệ, mà hỏi:

- Tại sao chị lại tốt với anh em tụi em vậy? Phải chăng chị có ý đồ gì hả?

Thú thật, tật mất trí nhớ của Vệ cũng có ảnh hưởng ít nhiều tới cách hành xử của nó nên mới ra nông nổi này. Nếu là người khác, có lẽ họ đã nổi sùng mà tống cổ thằng bé đi khuất mắt luôn cho rồi, nhưng bấy giờ chị Thu lại chỉ mỉm cười hiền hòa bảo:

- Tại hai đứa ngoan, chị thấy hai đứa không theo bọn chăn dắt, biết tự mình kiếm sống chứ chẳng chịu xòe tay xin tiền nên chị thương, chị giúp. Dù đành vậy, nhưng nhà cửa chị cũng chẳng khấm khá gì, mà lão chồng lại suốt ngày quạu quọ... Nên hai đứa phải tự cố gắng nghe chưa!

Trước những lời dặn dò tình nghĩa, vốn rất hiếm thấy trên mảnh đất Sài Thành bon chen mà trong lòng Vệ chỉ mường tượng nửa hiểu nửa không. Hôm đó, nó lặng lẽ cầm tiền về rồi kể lại mọi thứ cho anh mình, vừa mới nghe Thắng đã choáng váng vì độ tỉnh của thằng em.

- Trời đất! Mai mốt không phải chuyện gì cũng đi hỏi trực tiếp mọi người nghe. Nhiều khi họ đâm ra giận rồi ghét cả tao với mày không chừng...

Sau câu chuyện dở khóc dở cười hôm đó, mà Vệ dần dà nhận ra công dụng quý giá từ những điều luật chán ghét của Thắng. Nếu không phải vì nó tuyệt đối khước từ cảnh xòe tay xin tiền, có lẽ chị Thu đã chẳng thương xót mà giúp đỡ hai anh em như hiện giờ. Thậm chí, thằng bé còn tình cờ bắt gặp cảnh Thắng phải đi xin lỗi, giải thích rõ ràng ngọn nghành, đầu đuôi câu chuyện cho chị Thu hiểu tại sao Vệ lại ăn nói hồ đồ như vậy. Và dĩ nhiên, trong lời giải thích đó bao gồm luôn chuyện chú bé được nhặt về từ ven sông, đồng thời bị mất trí nhớ ngớ ngẩn giữa một đêm vắng tanh vắng ngắt.

Còn chưa kịp nhìn rõ hình dáng thấp thoáng của đứa trẻ đang lò mò ngoài đầu hẻm, Chị Thu đã lập tức nhận ra ngay đó là ai trong hai anh em Vệ và Thắng. Mặc dù hai đứa chỉ hơn kém vóc dáng nhau đôi chút nhưng khác hẳn với Thắng, người em trai được nó lượm về từ thuở nào lại có dáng đi yếu ớt hơn, thiếu phần chững chạc và tất bật như anh mình. Ở Thắng chị thấy một nét già giặn, trưởng thành và ít nở nụ cười thay vì so với Vệ, tuy đã từng nếm trải khá nhiều nhưng vẫn còn lộ rõ tính nết trẻ con từ cái dáng đi dáng đứng. Trước giờ bản thân chị chưa từng thử nghĩ, mình thương đứa nào hơn bởi cả hai anh em đều quá giỏi giang so với mọi đứa trẻ đồng trang lứa khác. Không hiểu sao chị lại cảm thấy chúng lễ phép tới lạ thường mặc dù chẳng biết Thắng và Vệ đã từng được đặt chân tới trường lớp lần nào chưa. Vừa gặp lại nhau, đứa trẻ đã cúi đầu cất tiếng chào thật to như mọi bữa bên cạnh cái bao nhựa đầy ấp của mình:

- Cháu chào cô Thu ve chai ạ...

Nghe vậy, miệng chị không khỏi mỉm cười trước câu nói vô tư của thằng bé:

- Trời ạ, gọi tui là chị Thu thôi ông tướng! Hôm nay nhặt được nhiều không?

- Cũng tạm ạ, xin cô xem thử giúp cháu...

Vệ khéo léo, cầm lấy cái bao tải trông bự khủng khiếp nhưng nhẹ hều của mình bằng hai tay rồi chuyền sang cho chị. Vừa đổ đóng ve chai ra sân chị vừa tiện thể hỏi thăm nó một lượt:

- Anh Thắng đâu? Nay cháu có nhớ ra được chuyện gì không?

- Dạ, tụi cháu tách ra từ sáng sớm để thu lượm được nhiều vỏ chai hơn. Ảnh bảo chiều đến khi bán xong sẽ hẹn gặp nhau ở bờ sông dưới chân cầu Kênh Tẻ. Cháu dự sẽ tới chỗ hẹn sau khi bán đống mủ lại cho chị và hôm nay... cháu chả nhớ ra điều gì hết!

- Tội quá nì?

Giọng chị Thu nghe nửa xót thương nửa thiết tha vì hoàn cảnh của thằng bé. Vệ chỉ biết đứng im như trời trồng, nhìn chị đặt bao nhựa lên cân mà lòng ngập tràn hy vọng chứ chẳng nói chẳng rằng. Nó đang hồi hợp chờ đợi xem kết quả làm việc sau một ngày cực nhọc, nói chính xác hơn đó chỉ là một dãy số vỏn vẹn.

- Tất cả hai mươi bảy ngàn, mà thôi cô cho mày luôn năm chục này.

Dứt đoạn, chị đứng phắt dạy móc cục tiền lẻ từ bên túi ngang hông mình như những người phụ nữ buôn hàng chính hiệu, đồng thời rút ra ngay năm mươi nghìn đồng tiền lẻ dúi vào tay Vệ. Tranh thủ lúc chị còn bận nhét lại cục tiền vào chiếc túi thun co giãn mà chẳng hề để ý, Vệ đã nhận xong thành quả và chuồn đi từ lúc nào không hay, nhưng vẫn không quên gửi lời cảm ơn chới với.

- Mai cháu gặp lại chị ạ...

Mãi cho tới khi kịp nhồi xong đống tiền lẻ to tổ chảng về lại vị trí cũ, chị mới chợt nhận ra Vệ đã bỏ lại hai mươi ba nghìn tiền thừa. Dường như nó không dám nhận thêm tiền bo của chị trong bất kỳ hoàn cảnh nào y như lời thằng anh dạy dỗ. Biết thế lúc nãy chị đừng nói giá gốc làm chi để cu câu phát hiện có phải hơn không. Cả hai anh em nhà tụi nó trước giờ vốn luôn từ chối sự giúp đỡ của mọi người, với Thắng lại càng khó giấu hơn bởi nó thuộc làu làu giá từng loại nhựa theo thời. Khẽ chép miệng tội nghiệp, chị Thu thầm nghĩ: "Đâu ra trên đời còn hai cái đứa thật thà vậy hà?"

---o0o---

Bên bờ con Kênh Tẻ, dưới chân cây cầu Kênh tẻ luôn tấp nập những bóng người qua lại dù là sáng hay chiều. Thật sự, nơi đây mọi bữa đều đông đúc, bon chen nhiều hàng gánh phong phú như một xóm chợ cách đấy không xa. Nếu tính từ chỗ Vệ đứng đồng thời hướng mặt ra dòng kênh, chỉ cần đi thẳng qua trái thêm bốn trăm mét nữa là sẽ gặp chợ Long Nhãn. Một địa điểm vốn chẳng mấy nổi tiếng, chỉ những ai thường sống quanh quẩn trong khu vực quận bốn mới biết đường mà mò lại nơi đây đi chợ. Khắp bốn bề thường văng vẳng tiếng reo hò, tiếng mời chào của mấy chị bán cá, những cô bán thịt, bán trái cây, rau củ và cả... bán quán nhậu. Nét mặt họ phân nửa bồn chồn, lo lắng vì số hàng ế sau cả ngày ê chề, còn nửa khác thì lại cười tươi, ra sức vẫy tay, ngoắt ngoéo nồng nhiệt những vị khách vừa tan sở ở chỗ làm, những vị phụ huynh bận đón con ra về sau một buổi chiều học hành vất vả hay bất kỳ ai trong túi có tiền đang lảng vảng gần đó. Như được ban tặng thứ giác quan trời phú, hễ chỉ cần có khách vừa liếc sơ qua gian hàng của mình là nào cô, nào chị, nào chú, nào bác đều đồng thanh mời hỏi bằng những tiếng rao ngon ngọt, khéo léo tựa đổ mật vào tai. Vệ nhìn cảnh đó mà lòng nhẹ bẫng đi, vì thằng bé biết rằng không chỉ có mình nó mới phải vất vả kiếm sống. Bên kia con đường chật kín, có biết bao người lớn luôn phải đổ mồi hôi sôi, nước mắt vì đồng tiền chứ chẳng riêng gì bản thân đứa trẻ...

Ánh mắt Vệ bất chợt dừng lại trước hình dáng của một thằng nhóc gầy gò, quen thuộc đang cố tìm lối thoát khỏi biển người chen chúc. Chỉ mới nhìn thôi thằng bé đã nhận ra ngay đó chính là Thắng, người bạn thân nhất cũng như người anh em tốt bụng đã cứu mạng nó vào cái đêm hoạn nạn. Ấn tượng về anh mình trong mắt Vệ vẫn chẳng khác chút nào, tóc mọc dài gần phủ gáy, hai mắt thâm quầng, sâu hõm mà cổ lại gầy nhom như cổ cò ma. Cái áo thun màu cháo lòng in hình siêu nhân cũ rích hay mặc trên người, chỉ để lộ mỗi hai cánh tay khẳng khiu, đen đúa hơn cả ngư dân làng chài. Còn cái quần đùi bằng vải màu rêu của Thắng bây giờ đã trở nên phai sờn, đôi chỗ bị sức chỉ như mèo cào từ khi nào cũng chẳng hay. Nó đang cặm cụi, tiến gần về phía Vệ cùng một nụ cười tinh nghịch nở rộ trên gương mặt. Ôi, sao cảm giác thật giống hệt với cái ngày đầu tiên mà hai đứa cùng trò chuyện cách đây chừng một năm về trước...

---o0o---

- Mày tên gì?

- Không nhớ...

- Nhà ở đâu?

- Không biết...

- Nhiêu tuổi?

- Cũng không biết!...

- Thế mày biết cái gì?

Đứa trẻ chỉ biết giữ im lặng, mắt nhìn dáo dác vào hư không như thể chẳng hiểu nổi đối phương đang hỏi gì. Trước tình cảnh khó xử, Thắng liền vỗ tay một cái "bộp" lên trán, nó gần như đã phải chịu thua trước thái độ thờ ơ của thằng nhóc kỳ lạ mà mình vô tình nhặt về. Tối hôm qua trên đoạn cầu Him Lam - Rạch Ông Lớn ngoài rìa quận bảy, Thắng vừa đi vừa nhai ổ bánh mì, từ tốn cuốc bộ trên con đường trở về chỗ ngủ sau một ngày đánh giày mệt mỏi. Bỗng dưới chốn chân cầu bì bõm bùn lầy, nó tình cờ phát giác ra một thằng bé trạc tuổi mình đang co người ngủ say như ngất chỗ bờ đê gần đó, mặc dù xung quanh dòng nước đen ngòm là cả một đàn muỗi, ruồi nhặn liên tục bu đậu đủ thứ loại rác thải xú uế, hôi thối đến rợn người. Ban đầu Thắng còn tự hỏi: "Ôi chao! Cái thằng lạ mặt kia sao hay vậy ta... Nơi gớm ghiếc như thế này mà nó cũng ngủ được, bộ chẳng còn lấy chỗ nào khác để nằm nữa hả trời?". Dứt đoạn, nó tiện tay chọi luôn mảnh giấy gói bánh mì lẫn cái bịch ni lông vào mặt thằng bé, tuy nhiên hắn vẫn ngủ say như chết. Bấy giờ trong lòng Thắng mới chợt nhận ra chuyện chẳng lành, nên liền tìm cách trèo xuống dưới chân cầu để xem xét. Chỉ mới leo được vài bước chân, thằng nhỏ đã phải tức thì kéo vạc áo lên chùm ngang mũi để tránh thứ mùi hôi đến mức phát buồn nôn khủng khiếp, đồng thời hai tay liên tục xua lia lịa, đuổi gắp những đàn côn trùng bay ngoe nghẻo khắp nơi trên mớ rác rưởi nổi lềnh bềnh. Lúc sắp lại gần đứa trẻ, Thắng còn cảnh giác dò dẫm từng bước một thật cẩn thận, nhằm tránh các vũng bùn lầy trơn trượt trong bụi rậm. Nó quả không muốn chịu cái cảnh trời đã tối bưng mà còn bị té thẳng xuống dòng sông hôi hám, đáng nguyền rủa này...

Thằng nhóc kỳ lạ vẫn nằm ngất lịm như chết, chẳng hay có người đang tiến sát lại mình. Thắng đành thử lay vai nó đồng thời khẽ cất tiếng kêu nhiều lần nhưng không có động tĩnh. Bọn côn trùng hút máu đã đậu kín khắp cả người đứa trẻ nãy giờ như một tổ ong, chỉ cần mỗi ánh đèn bão tù mù trên đỉnh cầu rọi xuống cũng đủ soi thấy, chúng đang kéo bè kéo phái, đáp cánh từng đám rậm rì trên làn da hồng hào của đứa nhỏ. Thấy vậy, Thắng thật chẳng biết phải làm gì khác ngoài hoảng hốt phủi tay, cố xua đi lũ ruồi muỗi háu đói rồi nhanh chóng quàng tay thằng bé lên cổ, cõng nó về thẳng chỗ mình dẫu cho nơi đó vẫn còn cách khá xa chân cầu và bản thân Thắng cũng chưa biết chút gì về người ta.

Đêm đó cũng chính là tình cảnh éo le mà hai đứa gặp nhau, đến tận bây giờ người anh vẫn còn nhớ rõ như in trong đầu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro