Ánh đèn bên vệ đường - Hồi 1 (Tiếp theo)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


---o0o---

Khác hẳn với Vệ, Thắng có đầy đủ mọi ký ức tuổi thơ sóng gió đọng lại trong tâm hồn. Nó thừa biết họ và tên đầy đủ của mình là Mai Xuân Thắng, cái tên đúng tình đúng nghĩa do ba mẹ đặt cho chứ chẳng như Vệ, đến cả tên tuổi cũng chẳng nhớ. Tuy vậy, không có nhiều người sống trên mảnh đất thành thị này biết được tên thật của thằng bé, hầu hết mọi người quen chỉ thường gọi nó bằng biệt danh Thắng - Còi do dáng vẻ bề ngoài gầy trơ như que củi tội nghiệp. Kể từ ngày thằng bé bỏ nhà ra đi cũng đã chừng hai năm trôi qua, tức khoảng thời gian nó phiêu bạc và bươn trải bên ngoài gần như gấp đôi Vệ. Nhớ lại hồi nhỏ, Thắng vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó thuộc phía bắc tỉnh Thanh Hóa, xa lắc xa lơ ngoài vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mười bốn tuổi, nó đã từng được đến trường, từng học rất giỏi những môn lịch sử, ngữ văn mà từ đó bồi đắp lên một tấm lòng yêu quê hương đất nước nồng nàn thông qua những tác phẩm cách mạng, những cuộc chiến đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc trên trang giấy. Nếu không phải vì bản thân còn quá nhỏ và đang sống trong cái nôi hòa bình thực tại, có lẽ Thắng đã nguyện dấn thân để bảo vệ đất nước như bao dòng máu hào hùng từng hy sinh giết giặc, chứ chẳng thiết chi sống một cuộc đời lêu lổng tầm thường đến như vậy.

Ngày trước thành tích học tập của thằng bé rất tốt, đặc biệt có niềm đam mê mãnh liệt đối với những môn xã hội. Nhìn nó mà nhiều thầy cô đều tự nghĩ thầm: "Sao lại có một đứa trẻ như sinh ra nhầm thời đại vậy trời?" Thắng luôn thuộc làu làu những dòng thơ kháng chiến, thường xuyên kể với các bạn những câu chuyện đấu tranh, giải phóng đất nước hùng hồn và thậm chí đến cả lời ăn tiếng nói hằng ngày của nó cũng nhiều lúc tỏa ra mùi chú đội viên mẫu mực chính gốc, chẳng hạn như: "Giặc ngoại quốc tao còn không sợ thì mắc gì lại phải sợ thằng này, thằng kia, thằng kịa... cũng sinh ra trong nước mình" hay "Nói thật, tao chẳng e ngại chi cuộc đời nghèo khó hay vất vả gì cả, mà chỉ sợ cảnh không có đồng đội cùng chiến đấu bên mình thôi!".

Lắm lúc, dòng máu quân nhân chiến sĩ trong người không ít lần khiến cho Thắng bị bạn bè ghét bỏ, bởi mỗi khi ở gần nó, lũ trẻ trang lứa cảm thấy thật chẳng khác gì đang ngồi học trong lớp của một giáo viên dạy văn, dạy sử tẻ nhạt. Dù vậy, cũng nhờ phần nào cái tinh thần cách mạng nghịch cảnh mà người chiến sĩ nhỏ tuổi đã tự rèn luyện cho mình được những đức tính tự giác mạnh mẽ, luôn tuân thủ nghiêm ngặt nhiều luật lệ khắt khe mà bản thân đặt ra. Động lực duy nhất giúp Thắng có thể tự bươn trải, lang thang sinh tồn trên khắp mảnh đất thành phố chẳng qua vì nó nghĩ, trong lịch sử kháng chiến, có biết bao tấm gương anh hùng còn phải chịu cảnh vất vả hơn mình. Tâm hồn đứa trẻ luôn nhớ tới hình ảnh cậu bé Lượm đã dũng cảm, hứng lấy đòn roi tra tấn của bọn địch rồi vùng dậy, thoát khỏi nhà ngục tàn ác vào cuối thời Pháp thuộc như thế nào qua tác phẩm "Tuổi thơ dữ dội". Hay hai chị em Việt và Chiến đã trải qua những cuộc chiến khốc liệt, gian khổ trên mặt trận hiểm trở như thế nào trong truyện ngắn "Những đứa con trong gia đình" của nhà văn Nguyễn Thi... Mỗi ngày đọc trọn vẹn từng trang sách hào hùng về họ mà Thắng đã tự biết dặn lòng mình, cuộc sống phiêu bạc tứ phương của nó hiện giờ vốn chỉ như một hạt bụi cỏn con, thật chẳng đáng bận tâm hay nhắc tới...

Thú thực, nếu năm đó gia đình thằng bé không gặp phải chuyện hạnh phúc tan vỡ, thì bây giờ có lẽ Thắng đã quyết tâm học tập để trở thành một chính trị viên mẫu mực của đất nước cũng không chừng. Hồi đó, mẹ nó vốn làm nghề bán đồ khô có tiếng trên chợ, ai thường đi chợ hằng ngày đều thấy gian hàng quen thuộc luôn treo đầy ấp những thân cá, thân mực, da bò, da lợn đến cả mắm tôm, mắm ruốc... đầy đủ chai lọ lỉnh khỉnh khác nhau. Mỗi ngày đi học về, ngoài việc đọc sách, thằng bé còn chăm chỉ giúp mẹ mình dọn hàng, trông quán, phơi khô và làm vô vàn chuyện linh tinh khác. Cuộc sống kiếm góp, đồng ra đồng vô từ việc kinh doanh chỉ đủ nuôi Thắng ăn học thật vô cùng vất vả. Đã thế, bố thằng bé lại là một gã gàn bợm nhậu, suốt ngày chỉ biết hành hạ cả hai mẹ con để trấn lột tiền. Hôm nào mà không thấy hắn lết cái thân xác hũ hẽm khắp đầu đường xó chợ cùng chai rượu trong tay, ắt hẳn trời chỉ còn nước sập. Hễ mỗi khi hết tiền, gã lại quay về căn nhà lụp xụp đến thảm thương để mà gào thét, đánh đập vợ con bằng chính sức vóc của một người đàn ông trưởng thành. Mẹ Thắng cũng vì thế mà dần lâm bệnh nặng rồi qua đời bất ngờ. Đêm hôm đó, nó đã kêu lên thất thanh để gọi mẹ dậy dẫu bản thân thừa biết, người đã bỏ mình mà đi nhưng trong lòng đứa trẻ vẫn tự lừa dối rằng mẹ chỉ đang ngủ...

Nghiệt ngã hơn, người cha mà đứa trẻ hằng mang ơn sinh thành kể từ đó cũng không còn nghe thấy tung tích, ít lâu sau khi Thắng đã trở về ở với bà ngoại, mới nhận được tin là ba nó đã xuất cảnh sang nước khác để lấy vợ và sẽ chẳng bao giờ quay về quê hương nữa. Nước mắt thằng bé từ đó bắt đầu tự khô cạn dần, không còn ai nhìn thấy nó khóc, chỉ hiếm khi bắt gặp đứa nhỏ khẽ mỉm cười cho có lệ. Cứ thế mà lầm lũi nỗi đau mất gia đình và sống bên cạnh bà ngoại được một thời gian ngắn thì Thắng trốn vào Nam. Nó thừa cơ hội, giả vờ làm học trò của một anh thợ sửa tàu rồi trèo lên chuyến xe lửa bắc nam, sắp sửa khởi hành về thành phố Hồ Chí Minh mà lẳng lặng bỏ đi. Ngày đó cho tới giờ, người nhà đã hoàn toàn mất tin tức liên lạc đồng thời thằng bé cũng phải tự in dấu chân mình lên dòng đời vất vưởng nắng mưa.

---o0o---

Thắng và Vệ kéo nhau ra tới sát trụ lan can bờ kè dọc con kênh, ngắm nhìn dòng nước triều đang dâng lên cuồn cuộn như một con trăn khổng lồ vừa lách mình bên dưới lòng kênh sâu thẳm. Sóng nhấp nhô, liên tục đánh từng hồi sùi bọt trắng xóa vào mạn những con thuyền gỗ buôn trái cây xơ xác thường neo tạm bên bờ khiến chúng nổi bấp bênh, đong đưa trên mặt nước như cả bầy lật đật vừa bị phẩy động bởi một bàn tay vô hình. Lác đác nhiều đám lục bình cùng bọc nhựa, rác rưới bẩn thỉu trôi dạt giữa dòng kênh đục ngầu bị mắc cạn chỗ eo nước. Thỉnh thoảng gió lại còn kèm theo cả thứ mùi cống xả quen thuộc chỉ có ở thành thị sượt qua mũi hai đứa. Trước khung cảnh não nề, đôi vai nhỏ bé của Vệ bất thình lình rùng lên vì tiết trời mát lạnh, nó bỗng nhớ ra trên tay mình đang cầm hai ổ bánh mì thịt vừa mua ở đầu ngõ nhà chị Thu vẫn còn nóng hổi, nên lập tức giơ lên khoe với Thắng dưới ánh chiều tà đỏ tía:

- Anh Thắng nhìn này, nhìn này! Hôm nay anh được ăn nhiều hơn em rồi nhé...

Chất giọng hào phóng lập tức thu hút sự chú ý của người anh hiệu quả. Nhất thời, Thắng liền quay sang nhìn đầy tò mò khi đang bận suy nghĩ, hướng tầm mắt lơ đãng giữa dòng kênh rộng mênh mông:

- Trời ạ, đoán không sai mà! Nay chắc nhặt nhạnh được nhiều lắm nhỉ? Cũng may tao thừa biết nên đã mua sẵn hai chai nước...

Vừa nói, thằng bé vừa lôi từ cái bịch ni lông đen đang cầm trên tay ra hai chai trà xanh không độ rồi cóc nhẹ vào đầu đứa em mình, nói bằng chất giọng âu yếm:

- Tao trước giờ vốn chẳng phải để mày lo lắng giùm đâu Vệ à, nên đừng quan tâm tao mà hãy tự chăm sóc cho mình đã... Tiền thừa sao không để dành? Lỡ có bệnh hoạn gì nhiều lúc còn có cái mà mua thuốc uống, không tiền chẳng ai chịu bán thuốc ghi sổ cho mày đâu thằng ngu.

- Ớ hay! Hai chúng ta đã gọi nhau là anh em, thì dĩ nhiên tui luôn phải nghĩ tới anh mình rồi. Vả lại, nếu cứ ăn uống đầy đủ thế này thì lấy gì mà bệnh, có như anh tối ngày cần kiệm mới đổ bệnh ấy! Thấy tui không? Khỏe như... Xe tăng này!

Kẻ làm anh như Thắng bỗng phải phì cười trước những lời trẻ con của Vệ, đứa em ngây ngô vẫn chưa chịu dừng lại, tiếp tục làm hành động gồng một bên bắp tay lên, để lộ ra con chuột dưới lớp da bọc xương bé bằng miếng sơ mít. Chưa bao giờ Vệ khiến Thắng cảm thấy đáng yêu như lúc này, nửa tức cười nửa thật dễ thương, nó liền nhào tới ôm chầm lấy cổ đứa em rồi cùng nhau ngồi bệt xuống nền xi măng đầy cát bụi bên bờ con kênh Tẻ. Hơi ấm nhanh chóng lan truyền khắp người cả hai đứa, làm thằng bé nhận ra niềm hạnh phúc như ông trời đã ngụ ý ban tặng cho mình một món quà vô giá vào cái ngày tình cờ gặp Vệ:

- Thôi ăn đi, tối nay chắc trời mưa đó! Đã đỏ tới như thế này thì...

- Em ghét mưa!

Tiếng thở dài thườn thượt đồng loạt phát ra từ hai anh em y như thể không có hồi kết. Bầu trời chiều đỏ rực báo hiệu một cơn mưa lớn sắp kéo đến là kinh nghiệm từng trải đầu đời, được rút ra những ngày lặn lội nhọc công bên ngoài xã hội náo nức của hai đứa trẻ trạc tuổi.

Đang bận nhai nhóp nhép miếng bánh mì vừa cắn trong mồm, Vệ liền bị anh mình khẽ vỗ lên lưng ra hiệu. Hương thơm từ những lát thịt heo quay pha trộn cùng dòng nước sốt mặn ngọt vẫn chưa thôi quyến rũ đứa trẻ, nó phải cặm cụi cắn thêm ba, bốn miếng liền để nhồi đầy họng mới chịu nhìn sang hướng chỉ tay của Thắng. So với vị trí cả hai đứa đang ngồi đồng thời hướng mặt ra con kênh, thì ở phía bên phải là bãi xe buýt Kho Muối, một mảnh sân nhỏ hẹp chừng năm mươi mét vuông, chỉ thỉnh thoảng mới có vài chiếc buýt số bốn mươi bốn đổ lại trong ngày. Nắng chiều đỏ rực phủ khắp mặt nền xi măng phẳng tấp được bao bọc bởi lớp hàng rào mắt cáo cao lêu nghêu mọc xung quanh bãi đỗ. Vệ vội vã lướt nhìn sơ qua một lượt, bất thần ánh mắt thằng bé liền nheo lại bối rối trước một tình cảnh đáng thương nhưng cũng không mấy lạ lẫm ở mảnh đất Sài Thành.

Một người đàn ông có dáng hình mảnh khảnh, tương đối cao với vẻ mặt cọc cằn như da cá sấu vừa dừng xe lại ngay bên lề đường. Hắn ngồi nhấp nhổm trên chiếc Wave Alpha cũ màu xanh nước biển, lớp vỏ nhựa bên ngoài của con xe đã tàn tạ tới độ các miếng dán đề-can đều bị tróc sơn, nứt rạn. Gã mặc trên người một bộ áo sơ mi dài tay cũ rích cùng màu với chiếc xe, cái quần ka-ki vải cô-tông ống bó phủ qua mắt cá của đôi chân khúc khuỷu, nhìn thật chẳng khác gì hai cây sào được máng thêm bộ quần áo. Đằng sau yên xe là một thằng bé nhỏ con, có gương mặt lem luốc vệt đất trông vô cùng tội nghiệp. Ước chừng tuổi nó hiện tại chắc còn nhỏ hơn cả Vệ, vậy mà gã đàn ông mặt mũi bặm trợn cầm lái phía trước lại nỡ tay tát thẳng vào má đứa trẻ một phát cực lực, khiến nó phải ngã dúi ra sau. Nom vẫn chưa hả dạ, miệng hắn không ngừng chửi rủa đứa nhỏ bằng những lời tục tĩu, cay độc mà còn vung chân chà đạp lên đầu nó. Bấy giờ, đứa bé ốm yếu chỉ biết khóc lóc kêu tha, quỳ lạy tên khốn kia mà năn nỉ đủ lời. Bao nhiêu con người gần đó đều tận mắt trông thấy động thái hết sức man rợ nhưng không một ai dám can ngăn, họ im lặng trước chuyện bất bình chẳng qua cũng chỉ vì lẽ thường trong thói sống của đất Sài Gòn xưa nay, "Việc nhà ai nấy lo, trời kêu ai nấy dạ". Sau cùng chắc vì gã đàn ông kia cũng biết ngượng trước bàn dân thiên hạ nên đã lẳng lặng lôi đứa trẻ lên xe, ụp cái nón bảo hiểm sứt quai vào đầu nó rồi chóng vánh chở tới một con hẻm nhỏ mà biến mất hút. Sao suốt từ nãy giờ, trong lòng Vệ chỉ nửa thấy ấm ức trước mọi chuyện vừa xảy ra, nửa lại đồng cảm muôn phần thay cho hoàn cảnh của đứa bé bị đánh đập:

- Ui chao! Hắn đánh chi mà như đánh chó vậy nè?...

- Bọn chăn dắt đấy!

Vừa nói, Thắng vừa dán chặt hai đấm tay xuống nền bê tông hậm hực, Vệ chỉ biết nhìn nét mặt nổi gân xanh như rễ của nó mà lòng đâm ra khó hiểu. Ánh mắt người anh lúc này đã hừng hực vấy lên từng sợi tơ máu đỏ hoe, cả người run lên căm phẫn như một con vật bị người ta dẫm đạp mà lại chẳng thể chống cự. Cái cảnh hành xử bạo lực giữa gã đàn ông và đứa trẻ ban nãy đã làm nó liên tưởng tới mọi ký ức đau thương trong quá khứ, từ các trận đòn roi tàn nhẫn của người cha đổ lên đầu, lên cổ cho đến cả khoảnh khắc mẹ nó gục ngã trong vòng tay thằng bé dường như đều sống lại trước mặt. Đứa em thương anh như Vệ trước giờ chưa từng được Thắng kể cho nghe chuyện quá khứ đáng buồn của mình lần nào, nên nó chỉ biết lo lắng, cố bẻ lái câu chuyện sang một chiều hướng tích cực hơn:

- Cần chi phải đánh nó dã man như thế? Nói nhỏ nhẹ vẫn tốt hơn mà... Thế tại sao thằng đần đó bị hành hạ tới vậy nhưng vẫn không tìm cách phản kháng hay bỏ trốn anh nhỉ?

- Tại nó nhát, nếu trốn rồi lấy chỗ đâu mà ngủ? Lấy cái gì mà ăn? Đâu phải đứa nào cũng như tao với mày, dám bạ đâu ngủ đấy khắp nơi. Thằng đó tên Lù, nhà bên kia con kênh ngay trên đường Trần Xuân Soạn, nói là nhà chứ chẳng qua cũng chỉ là một cái phòng trọ xập xệ mà lão kia thuê. Ngoài nó ra còn có mấy chị em nữa hay sao ấy, tao cũng không rành... Hằng ngày chỉ thấy cả lũ lớn nhỏ nhà nó thường tản đi đủ chỗ để bán kẹo. Hôm nào mà bán ế hay lỗ vốn là lão lại lôi cả bày ra đánh, thà chịu đòn chứ có đứa nào dám chạy đâu, chỉ biết khóc lóc, xin tha đủ kiểu dưới chân lão. Mấy bữa nọ tao hay đi ngang qua nhà chúng nó cũng bị lão tiện tay quất cho mấy cây vào lưng vô cớ, chả biết ông nội đó có phải người nhà của bọn chúng không? Hay chỉ là dân chăn dắt đầu đường xó chợ mất nết...

- Thế sao anh hay người ta không ai báo... Công an?

- Hơi đâu mà báo! Chắc hàng xóm xung quanh chỉ nghĩ rằng, vốn chẳng phải việc của mình nên họ không muốn xen vào. Với lại ông kia cũng thuộc dân cô hồn, người ta sợ nếu đụng chạm tới lão biết đâu chừng bọn giang hồ sẽ quậy phá, nhè nhà cửa mình để trộm cắp đồ nên chẳng ai rảnh mà làm vậy. Còn tao á? Tao đâu có ngu mà đi báo giùm tụi nó! Đứa nào đứa nấy đều sợ bị lão bỏ, sợ không có ai chăm sóc, bám víu chân lão như bám ti mẹ thì bảo tao báo thế nào? Không khéo báo xong, tụi nó lại nhìn tao bằng ánh mắt căm hờn trong cái "trại" dành cho dân vô gia cư cũng nên. Thôi chả phải việc mình thì chớ có dại mà đụng...

Giọng nói của Thắng vẫn có phần hơi xúc động, bởi nó chỉ mới bình tĩnh lại đôi chút mà giải thích cho Vệ hiểu. Xem ra đứa em ngây ngô khi thấy tâm trạng anh mình đã tốt hơn thì lòng cũng nhẹ nhõm hơn nhiều. Vệ liền quay mặt qua ngắm nhìn cảnh dòng nước kênh êm dịu, trôi yên ả dưới bóng nắng chiều tà dần chuyển sang màu cà phê sữa. Bất chợt, Thắng lại tằng hắng giọng hỏi nó một chuyện mà trong lòng người anh vốn nao núng bấy lâu:

- Vệ này, nếu mày nhớ lại mọi chuyện... Mày... Mày sẽ làm gì?

- Ừ thì, tui hông biết và cũng chẳng muốn biết... Bởi dù sao đi nữa, tui... Tui vẫn sẽ ở mãi bên cạnh anh vì cái mạng này do anh cứu vớt về đến mấy lần mà...

Thoạt nghe câu trả lời "không biết" quen thuộc đã lọt vào tai đứa anh nhiều lần đến nổi khiến nó cảm thấy phát chán. Nhưng hôm nay lạ thay, từ chính miệng mình, Vệ vừa mạnh dạn nói lên những lời lẽ chân thành nhất sâu thẳm trong trái tim. Dù cho chúng có hơi vấp víu, hơi thô cằn nhưng sao Thắng vẫn cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Cứ ngỡ như, thằng bé vừa được người mẹ năm xưa an ủi, động viên trước bao nhiêu gian nan vất vả, khó khăn trên đường đời. Dưới ánh chiều tà đỏ tía, Thắng liền nhào tới ôm chầm lấy đứa em mình, siết chặt nó trong vòng tay rồi ngân nga vài câu thơ tự sáng tác theo ngẫu hứng:

"Tuổi thơ tôi là muôn vàn sóng gợn

Thuở ấu thơ gió dội khắp chân trời

Tựa ngọc ngà nổi chìm giữa biển khơi

Dẫu trăm đời vẫn phơi bày, tỏa sắc..."

Bài thơ ẩn ý quả giống hệt hoàn cảnh của hai đứa làm sao. Tuy vậy, Vệ nghe xong chỉ biết nhíu mày, băn khoăn:

- Ông anh đang lảm nhảm cái chi mà tui... Chả hiểu gì hết vậy?

---o0o---

Những gì hai đứa dự đoán dĩ nhiên đã trở thành hiện thực, cơn mưa ào ạt như trút nước xuống khắp cái thành phố nóng hầm hập, vừa đinh tai trong tiếng còi xe cộ, tiếng cãi nhau đủ kiểu của mấy bà chợ hàng nhức óc, lại vừa ngột ngạt bởi thứ mùi khí thải phương tiện khó chịu đến dại người. Tiếng mưa rơi ngày một nặng hạt, rơi lộp bộp trên những mái tôn, mái thép làm ướt sũng cả người lẫn vật đang vội vã tìm chỗ trú mưa ngang dọc mọi nẻo đường, hẻm ngõ. Dù vậy chẳng có mấy ai buồn để tâm tới hai đứa trẻ bụi đời đang phóng lon ton qua mặt họ, thật may mắn làm sao khi chúng chạy về kịp chỗ nghỉ ngơi của mình trước khi cơn mưa vừa đổ bộ.

Chỗ ngủ mà Thắng và Vệ đang cắm cọc dạo này thuộc khu đô thị Him Lam trên con đường Nguyễn Hữu Thọ quận bảy, chỉ cần chạy bộ qua cây cầu Kênh Tẻ nối liền giữa hai quận tầm mười phút là tới. Xung quanh luôn nhấp nhô những căn biệt thự hai tầng kiểu cách được cất san sát nhau, tạo thành một dãy phố tráng lệ theo mô hình kiến trúc tây âu hiện đại. Những gốc cây lim xẹt có nhiều nhành lá tròn đều, xum xuê đang bị mưa giông tạt rũ rượi dọc đường thật không khỏi khiến người nhìn chợt có chút tâm trạng buồn ngẩn buồn ngơ...

Hầu hết số lượng biệt thự ở đây đều vô chủ do giá cả khá đắt đỏ, nhiều ngôi nhà thậm chí vẫn còn xây dang dở chưa xong sau nhiều năm dự án. Các bức từng gạch đỏ hỏm, dính đầy xi măng lởm chởm y hệt da bò sát chốc mắt đã hút sạch những giọt nước mưa li ti khi chúng vừa kịp chạm vào vách tường. Từng khung cửa kính lung linh, trong suốt bỗng trở nên đục ngầu trước làn hơi nước trắng xóa tỏa ra từ những mảnh tường khô khốc, hay bốc lên chậm chạp khỏi mặt đường nhựa nóng ran y như người nào đó vừa hà làn hơi thở ẩm thấp lên chúng. Vệ đang nằm bên trong một cái cống bê tông tròn được xếp chồng lên nhau theo hình trụ, chất cạnh ngọn đèn đường cao quá khổ. Loại cống cỡ lớn này trước đây thường được người ta dùng để làm ống cống dẫn nước thải, mắc nối tiếp nhau theo hàng dài dưới lòng đất. Tuy nhiên, công trình xây dựng đường cống ngầm ở đây cũng đã ngừng thi công hồi lâu và bị bỏ hoang tít ngoài rìa khu đô thị. Nơi giáp ranh với một sân cỏ rộng chừng vài trăm mét vuông, đồng thời phần đằng trước hoàn toàn bị chia cách bởi một dòng mương nhỏ hiểm trở, tách ra từ con rạch Ông Lớn, nơi mà ngày xưa Thắng từng tìm thấy Vệ. Chúng chủ ý chọn hai cái cống nằm ngang, được xếp cao hơn so với mặt đất để đỡ bị ngập, nhưng nước mưa hắt từ bên ngoài vào thì không thể tránh khỏi, chỉ còn cách chui sâu hơn vào thân cống, khép nép được phần nào hay phần nấy...

Ngoài ra, xung quanh bãi đất còn có rất nhiều hố nông được đào lên bằng máy múc, tất cả đều bị ngập nước lũng bũng bởi cơn mưa. Chúng tình cờ trở thành các bãi bùn lầy trơn trượt, nguy hiểm đối với trẻ con mà chẳng bao giờ thấy có ai đưa ra quyết định tái thi công lại. Còn chỗ trú ẩn của bọn nhóc thì đã nổi lên như một cù lao thu nhỏ giữa dòng nước mưa đang chảy ào ạt, len lách qua những rặn cỏ xanh rì mà hướng về phía con kênh cuồn cuộn. Mọi khi trong khu biệt thự vô chủ, khắp nơi đều rải rác nhiều chốt an ninh như điểm đóng quân chiến trận, mấy tay bảo vệ thường chầu chực ngày đêm trong đó luôn xua đuổi những người vô gia cư như Vệ và Thắng, nếu chúng muốn lảng vảng gần khu vực này. Vậy nên hai đứa trẻ chỉ còn cách tá túc ở đằng xa ngoài rìa khu đô thị, nhiều lần Vệ đã tiếc nuối hỏi anh rằng, tại sao chúng ta không trốn vào những ngôi nhà vô chủ kia để ngủ. Thế nhưng quả không ngoài dự đoán, kẻ làm anh khôn khéo như Thắng luôn biết cách trả lời sao cho em mình chịu an phận: "Không phải nhà mình thì không được lẻn vào, nếu không sẽ bị ma bắt làm thế thân..." Vốn tin lời anh bảo, từ đó Vệ đâm ra lo sợ mà hết mực tuân theo lệnh, chẳng dám bén mảng vào những căn nhà vô chủ kia dù chỉ một bước.

Trước cảnh đất trời mưa gió rì rào mà trong người lại cảm thấy nóng bức vô cùng. Vệ tranh thủ, tận dụng thời điểm quý giá mà lột phăng đồ, chạy ra giữa mảnh sân trống để tắm mưa. Thấy thế, Thắng nằm trong cái cống kế bên liền réo lên inh ỏi:

- Chờ chút, cho tan bớt hơi nước đã, hít vào bệnh đấy...

Thằng bé hoàn toàn không còn chú tâm đến những lời anh mình nói, nước mưa liên tục đổ từng giọt mát lạnh lên khắp mặt mũi, đầu tóc nó. Đôi chân trần nhỏ bé giẫm lên từng nhúm cỏ mềm mại ướt át dưới cơn mưa rì rào, khiến cho Vệ càng cảm thấy sao thật thích thú quá, nó cứ khoái chí cười khanh khách không thôi. Đối với những đứa trẻ lang thang như anh em Vệ, chuyện tắm táp đã trở thành những cơ hội xa xỉ trong cuộc đời, bởi chúng không thể dễ dàng tìm được một nơi chốn kín đáo, ít người và có nguồn nước sạch như lúc này. Những con kênh, con rạch chảy ngang dọc khắp thành thị đều dơ bẩn vô cùng, chỉ đứng gần đó mà ai cũng phải dùng tay bịt chặt mũi trước thứ mùi hôi khủng khiếp chứ đừng nói chi tới chuyện dám nhảy xuống tắm. Nơi duy nhất mà chúng biết có nước sạch trong phố là mấy cái vòi tưới cỏ tự động trong các công viên, nhưng chẳng lẽ mọi người lại để hai đứa trẻ bụi đời cứ thản nhiên cởi đồ, đứng tắm công khai giữa chốn công cộng như thế. Thêm một lý do khác vì cả hai anh em đều biết ngại, đã lớn tới mười mấy tuổi đầu thì dù là con nít chúng cũng chẳng muốn phải cởi truồng cho người lạ xem chim. Bởi thế mới có câu "Không đâu tốt hơn ở nhà", mảnh đất hòa quyện cùng cơn mưa bất đắc dĩ lại trở thành cái nhà tắm lộ thiên tuyệt vời nhất dành cho tụi trẻ, bình thường gần đây đã chẳng có lấy một bóng người xuất hiện nên khi trời đổ mưa lại càng không. Thật không khỏi ngạc nhiên khi Vệ cứ mãi mê chạy nhảy ngoài trời, cười giỡn đầy thích thú dưới cơn mưa mát mẻ cuối thu như lúc này...

Thắng còn nằm trong cống, ngắm nhìn em mình nô đùa một lát rồi nó cũng cởi phăng bộ đồ bẩn thỉu, đầy mùi mồ hôi trên người mà chạy ra tắm cùng. Đứa anh một phần vì lo thằng nhỏ nghịch nước quá trớn lại sinh bệnh, còn phần khác vì cũng thấy thích thú, khó cưỡng lại trước vẻ mặt vui cười hồn nhiên của Vệ. Hai anh em liền chơi trò tạt nước, đuổi bắt nhau, chạy lòng vòng cho tới khi cơn mưa dần tạnh hẳn. Tiếng cười trẻ con vang vọng khắp khu đất vắng vẻ qua từng nẻo đường, cửa ngõ chao ôi thật nên thơ. Đầu tóc đứa nào đứa này đều ướt nhèm nhẹp song mặt mũi, tay chân trông đã sáng sủa hẳn lên bởi vừa được dòng nước mát gột sạch những vết bụi đất lấm lem vẫn thường hay bám trên người hằng ngày. Tự dưng, bản thân mỗi đứa sau khi đã mặc lại bộ quần áo cũ lại thèm chui trở vào từng cái cống riêng tư của mình. Tưởng chừng như chúng là những ngôi nhà ấm áp, ngon lành nhất trong cuộc đời bọn nhỏ và chỉ để nằm đấy suy nghĩ miên man về những chuyện vừa xảy ra, trong lòng cả hai bỗng thấy nhốn nháo đến lạ thường.

Đêm đã đến, gió chướng thổi miên man sau cơn mưa rào lùa vào từng cái cống bê tông tròn, rỗng hai đầu của lũ trẻ. Đứa nào đứa nấy đều co người, cuộn tròn trước cái lạnh se sắt như những con tôm luộc đỏ. Vệ đang thiu thiu ngủ chợt bị đánh thức bởi một tiếng động lạ văng vẳng bên tai, hình như có thứ gì đó đang đập thật mạnh từng hồi lên thành cống. Tuy có hơi thót tim, nhưng chỉ nửa giây sau thằng bé liền nhận ra ngay âm thanh lạ chính là do anh Thắng của nó đang ngủ mớ, quơ tay quơ chân đập trúng thành cống bê tông mà thành. Thảo nào...

Thật ra đây cũng không phải chuyện lạ lẫm gì, trước giờ Vệ cũng đã từng bắt gặp cảnh Thắng ngủ mê nhiều lần như vậy, thậm chí có đôi lúc nó còn thình lình la toáng lên, làm Vệ nằm bên cạnh sợ hoảng hồn. Xung quanh khu đất vắng vẻ đến quạnh hiu chỉ lấp lửng ánh đèn vàng tù mù cùng tiếng côn trùng kêu rang trời đất, không biết anh mình lại gặp ác mộng gì mà cựa quậy dữ thế, đến cả mấy cái cống cũng muốn lung lay theo. Chốc lát Vệ chỉ nghĩ lo lắng, "Ôi thôi, cứ để ảnh quẫy đạp vài ba phát nữa, không khéo chồng cống này sập mất..."

Nó lật đật bò dậy, trườn người chui ra khỏi chỗ ngủ bình yên của mình. Lớp áo cọc tay mỏng dính trên người đứa nhỏ như lập tức tan biến trước tiết trời lạnh gắt gao, để lộ ra làn da ngâm đen của thằng bé đang nổi hẳn từng lớp da gà, da ngỗng lên vì lạnh. Sau cơn mưa mặt đất vẫn còn khá ẩm ướt, đôi chân vệ bỗng trở nên nhạy cảm hơn với từng hạt cát, hạt sỏi dính vào lòng bàn chân mình. Thật ngộ thay, một đứa chuyên móc bọc, móc nhựa đi lang thang khắp đầu đường, xóm ngõ như nó hôm nay lại đâm ra sợ bị dính đất, chắc có lẽ vì buổi chiều vừa mới được tắm xong nên tối đến cu cậu không muốn bị bẩn người trước khi đi ngủ. Vừa khẽ chạm tay lên thành cống bên Thắng, Vệ liền xuýt xoa, thổi thổi vài làn hơi ấm áp vào đôi bàn tay nhỏ nhắn đang chụm lại gần miệng. Dường như đến cả cái cống được làm từ đất đá và sắt thép cũng trở nên lạnh ngắt giữa buổi trời khắc nghiệt như lúc này...

Loay hoay mãi Vệ mới bò vô được bên trong, chớp chớp mắt, nó nhanh chóng nhận ra ngay Thắng vẫn còn say giấc mê mệt mà chẳng hề hay biết có người đang muốn tiến gần mình. Không gian bên trong cái cống vốn không đủ chỗ cho hai đứa nhỏ nên Vệ phải nhẹ nhàng, cẩn thận để tránh làm anh mình tỉnh giấc. Thắng đang nằm nghiêng người qua một bên, đầu gối lên hai tay, chân co lên tới bụng. Tóc nó bù xù phủ hẳn trán, khẽ bay phất phơ trước từng làn hơi thở yếu ớt. Cơ thể nhỏ nhắn cứ run rẩy từng hồi, nửa như vì lạnh nửa lại như đang xúc động giữa cơn mơ. Trong này không hề có miếng vải thừa hay vải vụn nào để đắp ngoài mỗi bộ đồ thun Thắng đang mặc, chỉ vỏn vẻn mấy mảnh bìa cát tông được cắt ra từ thùng mì gói, thùng đựng hàng hóa cũ dùng để lót chỗ nằm và đậy đỡ lên người cho bớt lạnh. Bên chỗ ngủ của Vệ vẫn còn thoải mái và sung sướng hơn bởi nó có vài cái bao bố dựng lông bờm xờm, tuy không giữ ấm tốt nhưng ít ra vẫn có thể dùng để đắp lên người dễ dàng chứ không cứng ngắc ngơ như mấy miếng bìa giấy của Thắng. Thấy cảnh anh mình đang co ro nằm ngủ mà ngực thằng bé thình lình đau thắt lên, không ngờ trước giờ người anh kết nghĩa lại dám hi sinh cho đứa em chẳng quen chẳng biết như nó cao cả đến thế. Hồi trước, lúc còn chưa phải dời sang khu đô thị trống vắng này để ngủ, cả hai đứa từng có một cái mền lành lặn để đắp, nói đúng hơn nó chỉ là một cái rèm cửa cũ bị vứt bỏ trước cửa một tiệm cà phê được Thắng nhặt về. Cơ mà từ khi cái vỉa hè thân thuộc của hai đứa bị phong tỏa, để chuẩn bị mở cửa một khu công nghiệp mới. Các tay bảo vệ vừa xuất hiện đã cấm dân lang thang qua lại khiến hai đứa phải dời đi chỗ khác thì cái mền cũng không cánh mà bay. Dám chừng họ tưởng lầm rằng đồ bỏ của người ta nên khi dọn dẹp đã quẳng luôn lên xe chở rác và đưa tới bãi phế liệu, lúc biết được hai anh em chỉ thấy tiếc ngẩn ngơ. Sau đó không lâu thì tụi nó đành dời sang chỗ ngủ mới, khu đô thị ngừng thi công bên quận bảy. Cố gắng hết sức để tìm kiếm thêm mền gối cũ khắp các dãy phố hòng đem về đắp, tuy nhiên vẫn chưa phát hiện được cái nào. Thế là đành phải chịu trận trước cái lạnh suốt một thời gian dài...

Vệ ngã người, nằm xuống cạnh anh mình. Âm thầm vòng tay qua sờ thử trán anh, không hề thấy nóng tức Thắng không phải đổ bệnh sau cơn mưa ban nãy, thật may mắn làm sao. Thằng bé tiếp tục hạ thấp bàn tay xuống cái cổ ốm nhom, chợt phát hiện ra tóc gáy đứa anh đang đổ mồ hôi đầm đìa, hai mắt dù nhắm nghiền nhưng nước mắt nãy giờ cứ chảy ra thành dòng, ướt đẫm cả cổ áo lẫn miếng bìa giấy lót bên dưới. Nhiều lúc, Thắng còn thút thít lên thành tiếng, cả cơ thể cứ run liên hồi rồi nói mớ mếu máo vài lời mà Vệ nghe được cũng chẳng hiểu gì cả. Nó đang khóc, khóc tỉ tê với nét mặt sao vô cùng đau khổ, hàng lông mày nhíu dựng cả lên, răng nghiến chặt đến nổi có thể nghe rõ mồm một tiếng rin rít sởn tai. Thấy vậy, Vệ vốn rất thương anh nhưng thằng bé tự hỏi liệu có nên đánh thức anh dậy hay không. Nó xem Thắng quan trọng như người thân duy nhất trên đời, cũng chính vì đứa ăn hại, vô dụng như nó mà đã bao lần kẻ làm anh tội nghiệp đã phải chịu lắm phen vất vả, tổn thưởng. Thắng từng phải gắng sức làm việc để có đủ tiền mua thức ăn cho nó, an ủi nó, cứu mạng nó, thậm chí có cả đánh nhau cũng chỉ để bảo vệ nó trước đám du côn bên ngoài. Bây giờ nhìn cảnh anh mình đang đau khổ dù chỉ là trong mơ, Vệ thú thật chẳng biết phải làm gì cả. Thằng bé chỉ thấy bối rối cùng cực, chớp mắt liền tự lựa chọn cách mà bản thân cho rằng khôn ngoan nhất là luốn cuốn nằm xuống bên cạnh, khẽ ôm chặt lấy người anh mà bụng dạ trỗi cơn nhức nhói, xót xa muôn phần.

Không gian bên trong cống trở nên ọp ẹp tới khó chịu, vài con muỗi vo ve thỉnh thoảng đậu xuống đốt cả hai ngon lành nhưng Vệ lại không dám đập vì sợ sẽ làm Thắng thức giấc, nên nó chỉ cố quơ tay đuổi chúng bay đi. Hơi ấm nhanh chóng lan tỏa khắp cả hai đứa trẻ sau một lúc gần gũi nhau thật ấm áp, chừng như khi có người nằm bên cạnh mình, Thắng đã tự lực vượt qua được giấc mơ xúc động. Thằng bé tựa khi nào đã ngừng khóc thút thít hẳn, cả người cũng không thấy co giật bất ngờ hay quờ quạng tay chân y như trước mà chỉ nằm im lìm, ngoan ngoãn ngủ say sưa. Mặt nó tuy vẫn còn hằng những vệt nước mắt đọng khô, song trông biểu cảm đã trở nên dễ chịu và bình thản hơn. Bấy giờ Vệ mới thấy bớt lo thấp thỏm và lòng dạ cũng dần nhẹ nhõm đi muôn phần, nó thật không dám nghĩ lại cái cảnh Thắng phải chịu khổ sở như ban nãy. Ngoài ra cũng tò mò thay, chẳng biết anh mình đã mơ thấy những gì mà từ một đứa chững chạc lại trở nên xúc động mạnh mẽ đến thế. Thằng nhóc cứ tiếp tục phẩy tay đuổi muỗi cho hai anh em suốt đêm tới khi mệt nhoài mà ngủ gật lúc nào cũng chẳng hay. Màn đêm tĩnh mịch, yên lặng đan xen cùng tiếng ếch nhái kêu vang từ phía con mương trước mặt như dìu dắt hai đứa trẻ tiến sâu vào giấc ngủ ngon lành, trầm lắng...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro