Hồi 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Ở khắp mảnh đất thành thị, người ta vẫn thường hay kinh doanh theo hình thức nhỏ trong các hiên hẻm như tiệm làm móng, gánh bún riêu, bún bò, sạp rau củ di động... Mấy cô nội trợ hễ khi nào dư dả thời gian, không cần bận tâm lo lắng chuyện chồng con, gia đình là lại kéo nhau đến những nơi như thế ngồi tiêu tiền, tán dốc. Vô tình thói quen hằng ngày này đã tạo nên một khu phố thu nhỏ len lỏi trong các cửa ngõ kín đáo, mang phong cách hết sức riêng biệt, đậm nét trên mảnh đất Sài Thành rộng lớn mà không phải ai cũng có thể cảm nhận được. Người ta có thể ngồi nghe vanh vách những lời nói xấu gã này gã kia của mấy cô mấy dì, hay từng lời bàn tiếu chính trị về nhiều vấn đề nóng bỏng trên thế giới quanh bàn cà phê, rượu chè của các anh các chú mà không hề kém phần chi tiết, rõ ràng như những biên tập viên trên chương trình thời sự mỗi tối. Điển hình như con hẻm số tám mươi sáu, nằm trên đường ba mươi bảy thuộc khu dân cư Tân Quy, Quận bảy. Ngày nào cũng như ngày nấy, cái tiệm làm móng, gội đầu tạm bợ của chị Mi hay nhiều người còn gọi là Mi – Móng đều rộn ràng, sôi nổi tiếng nói cười thoải mái của mấy bà nội trợ sống gần đấy. Ngồi trước cửa tiệm có một chị gái với gương mặt già dặn đã vẹn chồng con, nay được rảnh rỗi ra làm bộ móng, mắt lim dim thư giản trên cái ghế đẩu dài đồng thời kiêu sa lên tiếng:

- Trân này! Mày có thấy dạo này ngõ xó nhà mình hay xuất hiện mấy thằng nhóc hít keo không?

- Có đâu? Nhà tao tút trên lầu bốn, đời nào lại để ý mấy cái trò này? Mà nay con mắm Tư - Điệu nhà mày ăn trúng phải thứ gì mà cũng bày quan tâm bọn hít keo ấy thế?

Trân là một cô gái khác cũng trạc tuổi Tư - Điệu, hai người sống chung trong một căn trọ bốn tầng quanh đây. Thỉnh thoảng cũng thường ghé tiệm làm nail này để sắm chung với nhỏ bạn vài bộ móng mới hay kiểu tóc sành điệu nào đó, thú vui tao nhã mà chị em nào cũng thích. Trân đang nhắm nghiền mắt, nằm trên chiếc ghế bọc da dài, khoái chí tận hưởng cảm giác gội đầu mát lạnh nên cô trả lời có phần hơi chểnh mảng. Tư - Điệu thấy vậy cũng không mấy lưu tâm, chỉ lấy hơi mà tiếp tục than vãn:

- Mày thì sướng rồi! Chưa chồng con gì cả mà ở trọ còn có bồ săn sóc từng li từng tí chứ đâu như tao... Nhà dưới tít tầng trệt lại chuốc thêm cái lão chồng suốt ngày đi đây đi đó, bỏ mặc đứa con nhỏ ở nhà bơ vơ với mẹ một mình. Tại dạo nọ đang xem ti vi, tao thấy thời sự rêu tin bọn nhóc thành phố mới mười mấy tuổi đầu đã nghiện hít keo con chó, con mèo gì đấy nên cũng hơi lo sợ cho bé "Bon" nhà tao. Giờ đang được nghỉ hè, mà khổ cái nhà dưới lầu nên thằng nhỏ cứ thích chạy ra đầu hẻm chơi. Thấy vậy tao cũng lo, lỡ đâu đụng phải tụi hút chích kia thì khổ...

- Mày cứ yên tâm đi, chỗ này làm sao mà có... Nếu nói sợ thì mày phải hỏi em Mi này, thằng Thuận – Đệ Long, đệ phượng gì đó còn hay tới đập phá mấy cái quán ven đường nữa không em? Dạo nọ chị thấy nó kéo nguyên một bày nhóc con nhoi nhoi tới đập quán bà Út bán bún riêu đầu ngõ, bàn ghế bể hết trơn luôn. Nghe đâu vì bả không chịu đút tiền cúng cô hồn cho nó nên mới bị vậy, cũng tội thật... Tiệm em Mi từng bị nó tới phá không?

Bấy giờ chị Mi, người chủ tiệm đang bận gội đầu cho khách nên cũng không theo kịp diễn biến cuộc trò chuyện thiên địa, chỉ kịp thình lình nhận ra có người đang hỏi mình:

- Ơ... Dạ không... Nhà em có mặt bằng đàng hoàng mà chị, nó đâu dám tới phá. Chỉ tội bà Út bả phải bán ngay đầu hẻm, không có nhiều người phụ nên nó mới ăn hiếp bả... Nói vậy chứ em cũng sợ bọn du côn này lắm, chúng nó ghét ai chúng nó toàn nhè nhà cửa người đó mà trộm. Có lần nghe kể mất tới mấy chiếc xe tay ga của dãy nhà kế bên mà công an còn chẳng làm được gì...

- Ôi thôi thôi... Đừng bận tâm chi mấy thằng bụi đời đó nữa, để tao xem thử nay bà Út có bán không? Kêu mấy tô bún riêu ăn coi... Ê nhỏ, nhỏ!

Chị Tư vừa ngó mặt ra ngoài ngõ đã cất giọng cao cao, trong vắt như tiếng như tiếng loa phát thanh mà hò hét một thằng nhóc đang lúi húi, thổi lửa cạnh cái bếp than tổ ong nghi ngút khói. Mặt nó vẫn còn dính tèm lem nhọ nồi khi đứng dậy, vội vã trở mu bàn tay chùi sơ cái bản mặt xong rồi lại chùi vào hai đít quần chắp vá, hớt hả chạy về phía tiệm làm tóc. Bộ đồ cũ sờn dính đầy khói bếp và cái thân hình bé nhỏ, mệt nhoài của thằng bé run run dựa vào khung cửa, chị Tư nhìn nó bằng một ánh mắt lạ lùng, như vẻ chị chưa từng gặp qua đứa nhóc này trước đây:

- Ủa, nhỏ mới tới phụ quán bà Út hả? Tên gì? Nhiêu tuổi rồi?

- Dạ... Vệ...Vệ không biết mình mấy tuổi...

Thái độ chị bỗng trở nên kinh ngạc trước câu trả lời của thằng bé, mặt mày nó tuy có hơi bẩn nhưng cũng khá sáng sủa, dáng vóc yếu ớt chắc chỉ chừng mười hay mười một tuổi đầu. So với đứa con đầu lòng của chị thì Vệ hẳn lớn hơn, chị càng nhìn nó tâm trí càng ngẩn ngơ một hồi như thể vẻ ngoài của thằng bé này chứa một sức hút kì lạ khó giải thích, có thể dễ dàng khiến người ta quên bẵng đi mọi chuyện. Mãi tới khi Vệ phải giơ năm ngón tay qua lại trước mặt ra hiệu, chị Tư mớt chợt giật mình trở về với thực tế:

- À, ừ... Lấy chị ba tô bún em... Không hành với ớt nhé!

Chưa nghe dứt lời Vệ đã nhanh nhẹn đứng thẳng lên, đôi chân nó chạy lon ton như chú ngựa đang phi nước rút trên đường. Nhìn theo hình dáng be bé ấy mà lòng chị vẫn còn dại hẳn, đầu óc cứ nghĩ ngợi đăm chiêu. Trân vừa gội đầu xong, đang ngồi trên cái ghế bọc da bên cạnh thấy thế liền trêu chọc cô bạn:

- Má, má... Con nhà người ta đấy, không phải con nhà má đâu mà nhìn như điên vậy?

- Tầm bậy mày... Tại tao thấy thằng nhóc này lạ quá? Hình như không phải dân xóm này... Chẳng biết bà Út bả lôi ở đâu về được một thằng phụ quán nhỏ xíu như thế?

- Mi ơi! Em biết nó con nhà ai không? Chỉ bả để bả đi nhận làm con nuôi kìa... Haha

Giọng điệu của Trân vẫn không ngừng đá xéo đối phương, chị Mi đứng phía sau đang bận sáy khô tóc cho khách cũng cố dõi theo hình dáng Vệ qua lớp kính trong suốt của tiệm mà lắc đầu trả lời:

- Không chị ạ... Hình như dân từ xóm khác đến, chỉ có bà dì Thu ve chai giới thiệu thôi chứ còn đâu ra nữa...

Đối với Vệ, cảnh xì xào bàn tán về mình như vừa rồi thật không phải hiếm hoi gì trong đời. Lúc trước, nó đã từng phụ bưng bê cho những quán ăn ven đường rải rác khắp quận bốn, ít nhiều được trải qua thứ cảm xúc trìu mến mà khách hàng dành cho đứa nhỏ. Hầu hết mọi người, dù là đàn ông hay phụ nữ đều có vẻ lơ mơ ngay từ lần đầu tiên gặp Vệ, họ đa phần đều cảm thấy thích thú, vui vẻ khi ngắm nhìn vẻ mặt nó mà chẳng biết lý do. Thậm chí có những anh, những chị còn muốn được nựng má hay xoa đầu chú bé nhưng chưa lần nào thành công vì Vệ luôn biết khéo léo giữ khoảng cách, không để ai chộp được mình. Lúc nào thằng nhỏ cũng nhớ như in lời Thắng dặn, không được để người khác chạm vào cơ thể mình, dù cho sự thật là nó vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa của lời dặn. Ngoài ra, cũng vì bản thân đứa trẻ vốn không thích bị người lạ vuốt ve. Cái cảm giác khi được ai đó sờ soạng, âu yếm tưởng chừng như đã biến Vệ thành một con vật ngoan ngoãn, luôn mừng rỡ mỗi lúc gặp hơi người làm nó chẳng thấy dễ chịu chút nào...

Chiều hôm qua khi đã bán xong đống ve chai như thường lệ, chị Thu liền cao hứng giới thiệu cho hai đứa một công việc mới, phụ quán bún riêu cho bà Út đầu ngõ này. Chẳng qua do chị và bà chủ gánh bún này vốn có mối ân tình lâu năm, hễ cứ vài tháng là chị lại ghé ngang đây mua ve chai giùm bả, nhờ tài thương lượng giá cả rất phải chăng nên giữa chị và đối tác nhanh chóng tạo được một mối quan hệ khá tốt đẹp. Khi nghe tin bà Út đang cần người phụ quán, làm mấy chuyện lặt vặt như bưng bê, lặt rau, thổi lửa... Chị đã không ngần ngại giới thiệu ngay hai anh em Thắng và Vệ cùng những lời nhận xét đức tính tốt đẹp như dễ bảo, ngoan hiền, siêng năng... Tuy nhiên, người ta chỉ nhận một đứa làm thôi nên Thắng đã từ chối ngay từ đầu mà nhường cho em mình. Đứa anh ấp a ấp úng bảo đã bận công chuyện khác, phải sớm hoàn tất cho xong chứ không hề kể rõ cho Vệ nghe chuyện gì. Bấy giờ lòng dạ đứa em mới trỗi lên cơn ngưỡng mộ khắp khởi, mang ơn anh hết mực vì nó biết Thắng đã chủ tâm nhường phần công việc nhẹ nhàng lại cho nó làm...

Tuy là quán xá ven đường nhưng số lượng khách vào ủng hộ hằng ngày không phải ít, Vệ và bà chủ đã phải chạy tất bật như chạy xô mỗi khi có ai gọi từng tô bún ăn tại chỗ hoặc mang về. Sáng nay đúng bốn giờ, trời còn chưa hửng sáng nó đã có mặt ở đầu ngõ, phụ bà Út bắt lửa bếp than, luộc thịt, trộn rau... Thằng bé cũng được bà khen ở cái điểm dễ bảo và sáng dạ, chỉ cần nhìn sơ qua một lần là nó đã biết làm ngay. Hai người lận đận mãi gần tới sáu giờ thì chuyện đâu cũng vào đấy, nồi nước lèo đã sôi, thịt luộc đã xắt thành lát và bàn ghế cũng đã được bày ngay ngắn trước ngõ. Ban nãy, bà chủ có ngỏ lời nấu cho Vệ một tô bún nóng hổi vì nhìn mặt nó ai cũng thừa hiểu sáng giờ chưa ăn gì, mới bốn giờ đã chạy lại đây thì lấy đâu ra mà ăn kịp, dù sự thật không phải bà yêu cầu nó tới sớm như thế. Thành ra đứa nhỏ cũng sợ đói, không đủ sức làm việc nên đành gật đầu nhận lấy, cơ mà còn chưa kịp ăn hết nửa tô thì khách đã ghé nườm nượp như thuyền cập bến...

Buổi sáng tang tảng đối với những cô chú công nhân đi làm, những cô cậu học sinh tới trường, ai cũng thích ghé ngang tiệm bà Út để thưởng thức một tô bún riêu ngon đúng điệu. Ngoài ra khách khứa họ đến ăn có lẽ một phần cũng vì mến cái cách sống chân thật, chất phác của bà chủ quán dù đôi khi có hơi làm người khác mất lòng. Chẳng hạn như nước lèo dùng xương heo sụn để nấu thì không bao giờ bà nói khoác như nhiều tiệm vẫn thường hay bảo là dùng xương sườn, hay xương bò mắc tiền này nọ... Vệ phụ quán suốt từ sáng tới giờ, làm đủ mọi chuyện vặt vãnh, nào là dọn bàn, rửa tô, bưng rau, nhóm lửa... chỉ trừ chuyện tính tiền và thối tiền cho khách là nó không nhận, bởi thằng bé sợ rằng bà Út sẽ nghĩ mình thừa cơ hội trộm cắp này nọ. Tô bún riêu từ hồi sáu giờ sáng của nó bây giờ đã để tới gần mười giờ trưa, nước lèo bị bún hút cạn gần hết, cọng nào cọng nấy trương phình, to ra như những sợi bánh canh nhão nhoẹt, hành lá chín khô bám đầy trên thành tô trông thật chả ra làm sao. Bà chủ có bảo nó đổ đi, để bà nấu thêm cho tô khác nhưng nhất quyết thằng bé không chịu, đang ngồi cong lưng vừa dự định há mồm ăn tiếp thì nó thấy cái bếp than muốn tắt ngủm nên đã vội vã chạy tới thổi lửa rồi sau đó thì tình cờ bị chị Tư kêu làm ba tô bún.

Đứa nhỏ thở hì hụt quay về, trán nó vẫn còn đổ mồ hôi lấm tấm sau cả buổi chạy hàng nhưng Vệ vẫn không cảm thấy mệt mỏi nhiều. Nó nói lại với bà Út những lời khách vừa gọi:

- Tiệm làm móng kêu ba tô bún không hành không ớt bà ơi...

Bấy giờ bà chủ đang loay hoay xếp tảng thịt luộc đỏ lừ lên dĩa, chuẩn bị sắt nghe vậy liền quay sang trả lời:

- Rồi rồi biết rồi... Mày lo đi ăn hết tô bún của mày đi, không đủ tới lấy thêm mà ăn này, sáng giờ chạy như chạy giặc mà không chịu hâm nóng lại ăn kẻo đổ bệnh ngay cho mà coi...

Vệ lững thững quay đầu bước đi, tiến tới chỗ cái bàn nhỏ đặt tô bún nát nhừ rồi ngồi phịch xuống, lòng tự hỏi tại sao người lớn cứ hay lo lắng cho mấy đứa trẻ như nó đổ bệnh thế, hết anh Thắng giờ tới cả bà Út, bộ con nít dễ bệnh lắm hả ta? Nó nghĩ linh tinh trước khi gắp một đũa bún đưa lên mồm, sợi nào sợi nấy đều đỏ choét, rụng lở tở ngay khi đầu đũa của thằng bé vừa chạm phải. Nó đành chuyển sang dùng muỗng múc ăn luôn cho lẹ, vị thật chẳng tới nổi nào, có lẽ vì lâu nay chỉ biết ăn bánh mì nên nó đâm ra nhạy cảm hơn với bún cũng nên. Ánh mắt đứa trẻ dõi theo dáng hình bà chủ quán đang thuần thục làm ba tô bún sao trông vô cùng nhanh nhẹn, rồi bà lặng lẽ bưng cái mâm cùng một ít rau sống, chanh ớt đi ngang qua mặt nó. Tuy chỉ trong giây lát, nhưng đứa trẻ thật không hiểu tại sao lòng nó lại chẳng hề thích ánh mắt của bà lỡ nhìn phải lúc nó đang ăn, mà nói đúng hơn thì dường như nó chả thích ai nhìn khi mình đang ăn cũng như ngược lại, ngoại trừ Thắng...

Bà Út vừa bưng ba tô bún tới trước cửa tiệm làm tóc của chị Mi, Trân là người tiên phong chạy ra lĩnh cái mâm nóng hổi. Cả ba cô nàng ai cũng tỏ vẻ hài lòng vô cùng trước những tô bún ngập khói thơm phức bên cạnh dĩa rau tươi bắt mắt. Chị Tư liền quay sang, tranh thủ hỏi thăm mấy lời với bà chủ thân quen đang đứng trước cửa:

- Nay bán đắt không bà? Sắp nghỉ chưa?

- Con này bậy mày! Đắt có đắt thật chứ chưa nghỉ, sáng giờ bán được tầm bốn chục tô tính cả bọc mang về, nước lèo tao vẫn còn đủ bán cho tới chiều một hai giờ lận. Lời có được bao nhiêu đâu mà nghỉ, vậy chớ người ta mới nói...

- Uả mà dì Út cho con hỏi này cái, thằng nhóc đó là con nhà ai vậy?

Trân tinh quái cắt ngang câu trả lời mà chị biết nếu còn để kéo dài nữa sẽ trở thành những lời ca cẩm lê thê của dì rồi hất mặt qua chỗ Vệ đang ngồi, thằng bé vẫn còn cặm cụi húp bún nãy giờ nên không hề nhận ra người ta lại bàn tán về mình.

- À, cháu chắt gì của con Thu ve chai đấy. Qua nghe tao nói cần người phụ quán nên nó chỉ cho thằng này tới đây, thiệt cái tình à... Từ sáng sớm bốn giờ thằng nhỏ đã phụ tao đủ thứ chuyện, cũng được cái siêng năng dễ bảo lắm mày, mà mỗi tội ốm quá, tao sợ làm chút nữa nó đâm ra xỉu luôn. Thấy vậy chứ sáng nay khách đông cũng không thấy cu cậu kêu ca tiếng nào, bỏ ăn để phụ tao làm giờ mới cắm mặt cắm cổ mà ăn kia kìa...

- Haha, tại dì biết sao hông? Con Tư vừa mới chạm mặt thằng nhỏ có một cái đã thích tới muốn đẻ thêm mấy đứa rồi... Nó dễ thương lắm hả Dì?

Bị trêu chọc, Tư Điệu đang ngồi ngâm bộ móng trong cái thau nước nhỏ bên cạnh, khẽ thọt chân ra đá trúng Trân khiến hai đứa cười khúc khích. Bà Út đứng vẩy vẩy vạc áo vài ba cái lấy hơi cho đỡ mệt rồi quay sang nhìn vóc dáng be bé của Vệ mà trầm ngâm, phân trần:

- Ừ, nói mới nhớ nha, sáng nay gặp nó lần đầu, cả tao cũng mơ mơ màng màng luôn, cứ như cái thằng này lạ lạ làm sao ấy. Nhìn dáng nó đâu giống dân lang thang bậy bạ đâu mày? Coi bộ giống con nhà đại gia nào đó hơn ấy...

- Thôi thôi, bớt tán dóc đi mấy mẹ, con nhà người ta mà cứ như con nhà mình. À dì này!... Dạo này thằng Thuận du côn còn dám tới đây quậy phá không dì?

Vừa nghe tới cái tên trời đánh, nét mặt bà Út lập tức thay đổi từ hiền hòa trở thành gắt gỏng, giọng điệu như muốn ăn tươi nuốt sống thịt người ta:

- Nó dám, Tao đập cho nó chết... Thằng đó là cái thứ dân vô học, trộm cắp đầu đường xó chợ, chẳng biết cha mẹ nào đẻ ra lại không biết dạy con, để nó đi lang thang đập phá xóm làng. Bữa tới đây quậy mày! Đòi tao đóng tiền bảo kê này nọ, tao mới cự lại "Tao đâu cần bọn con nít đầu dính cức trâu như tụi mày bảo kê", thế là nó giơ chân đạp đổ luôn mấy cái bàn trước quán. Cũng may đợt đó có mấy chú thanh niên đang ngồi ăn nên tụi nó không dám quậy gì nhiều. Suốt mấy bữa rày đâu cũng chẳng thấy ló mặt ra nữa. Lần tới nó mà dám phá tiếp tao thề tao báo công an cho cả lũ lên phường ngồi...

Tuy nói vậy chứ, nếu có báo công an mà họ tới kịp thì chắc tụi nó cũng đã đập tan tành cái quán bún bình dân của dì rồi. Đấy là còn chưa tính tới chuyện mấy chú mặc đồ xanh lè đó có thể phạt dì vì cái tội lấn chiến địa bàn nữa, nên lựa chọn duy nhất cũng như ổn thỏa nhất là dì hãy "xì" ra cho tụi nó một chút tiền. Đành rằng là vậy nhưng ai mà chẳng biết cái tính cách ngay thẳng, sống chính trực của dì. Họa may đợi lúc trời sập mới có chuyện dì nộp tiền cho bọn du côn, chị Tư nghĩ thầm:

- Có khách kìa dì Út...

- À rồi rồi! Tới liền... tới liền!

Nghe thấy có khách, bà chủ quán liền chạy vội về quầy bún, tạm gác câu chuyện tầm phào với mấy chị mối ruột qua một bên. Phải công nhận rằng, có một câu truyền miệng nổi tiếng linh nghiệm mà nhiều người thích xem phim chưởng Trung Quốc hay bàn tụng, "Vừa nhắc Tào Tháo, Tào Tháo tới liền". Vệ đang mải miết ngồi ăn bún chợt bắt gặp hình dáng của hai thanh niên tuổi chừng mười bảy, mười tám vừa lảng vảng trước ngõ, mắt dáo dác dòm ngó như muốn nắm bắt tình hình trong quán suốt từ nãy giờ. Một tên có dáng người mảnh khảnh, đầu nhộm đỏ tía như con chít chòe, mặc bộ quần jean rách cùng cái áo cụt tay sọc ca-rô màu đường phèn. Mặt mũi thì sứt sẹo, môi thâm như dân nghiện thuốc lá lâu ngày, đứng chống nạnh ngay bên cạnh quầy bún của bà Út. Còn một thằng khác nữa đang đứng sau, dáng vóc lẫn tuổi tác cũng tương tự, đều toát lên cái vẻ dân chợ búa gai góc. Khác chỗ hắn chơi quả đầu vàng khè như chùm đuôi bò, diện cái áo sơ mi dài tay, bó sát thân đến nổi để lộ cả mấy cọng xương sườn ốm nhách. Vệ vẫn tiếp tục ngồi ăn, mắt dõi theo hai đứa này, trong lòng bỗng bị một nỗi bất an xâm lược. Thằng đứng trước quầy bún vừa gõ tay lên mặt kính, vừa trợn mắt há mồm la lên inh ỏi:

- Bà Út đâu? Bà Út bán bún riêu đâu? Ra đây cho tụi này biểu coi...

Bấy giờ khi đã nhận ra đối phương không phải khách hàng, bà chủ tiệm mới chầm chậm tiến tới, thái độ như một con mèo dựng lông sắp sửa nhảy vào cáu xé đối thủ. Biết chừng có chuyện chẳng lành nên Vệ cũng âm thầm đứng dậy, tìm chỗ thoáng để quan sát hai người cho dễ. Bà Út vừa bước tới đầu con hẻm đã mạnh dạn lên tiếng, giọng nói không hề chứa chút gì giống vẻ sợ hãi:

- Sao? Giờ tui bây muốn gì? Tao là bà Út nè, có gì ngon nói ra!

- Tụi này là lính đi thu tiền bảo kê giùm cho đại ca Thuận, mấy bữa nay cho bà khuất rồi, giờ có chịu đóng tiền không?

- Mày về bảo thằng vô học đó tới đây, bao giờ cần tiền xây mồ mả ông bà già nó thì tao đóng...

Bà chủ tiệm giận dữ quát, nhưng còn chưa kịp nói hết câu thì tên đồng bọn phía sau đã nhổ toẹt một bãi nước bọt, giơ chân đá một phát vào cái bàn nhựa đặt gần đó làm chanh ớt cùng mớ chai lọ đựng tương, đựng mắm đổ tung tóe khắp mặt đất. Hai tên cô hồn như vẫn chưa hả dạ, đạp đổ tiếp mấy cái ghế trong lúc miệng không ngừng vung tục, chửi rủa người phụ nữ đã có tuổi bằng cha, bằng mẹ mình. Thấy cảnh đồ đạc bị đạp đổ, bà Út đứng chỉ biết bất động trong vài giây mà lòng đau như cắt, chẳng thể ngờ tụi du côn này lại dám phá hoại miếng cơm manh áo vất vả của cuộc đời bà. Như tức nước vỡ bờ, Vệ thấy bà chủ liền lao tới, mở nắp nồi nước lèo đang sôi ùng ục, dùng cái gáo múc canh to tổ chảng mà tạt nước nóng túi bụi vào người hai thằng du côn. Đứa nào đứa nấy đều bị phỏng, la chí choé rồi bất ngờ một trong hai thằng tiến lại gần bà. Nó giơ hai cánh tay xương xẩu ra ôm chặt thân, không cho bà vùng vẫy để đứa thứ hai tiếp tục quậy phá, đạp đổ mấy hộp đựng muỗng đũa văng xổn xoảng khắp nơi. Tuy chúng không dám đánh bà vì chắc vẫn còn chút lòng tự trọng hèn hạ của những thanh niên trai tráng mà lại đi đánh đập bà già năm bảy chục tuổi, nhưng khi phải đứng đó nhìn cảnh chúng đập phá tan tành cái quán xá của mình mà nước mắt bà cứ rơi trong khi hốc mắt đỏ chóe, miệng không ngừng gào thét lên từng cơn chửi thề dữ dội.

Nãy giờ trong tiệm chị Mi, ba người con gái đều nghe thấy và tận mắt chứng kiến toàn cảnh sự việc khó coi song chẳng ai dám lên tiếng, chỉ biết nín re như hến. Cũng chẳng thể nào trách họ được vì toàn thân con gái, ba chị cũng có làm được gì đâu, trong giây phút bất ngờ như vậy thật chẳng còn ai đủ lí trí bình tĩnh mà cầm điện thoại lên báo công an giúp bà. Đáng nói hơn là những người hàng xóm xung quanh, toàn đàn ông con trai nhưng chẳng ai buồn chạy vào can ngăn bởi họ e sợ bọn du côn này. Nhỡ đâu chúng lại nhớ mặt mà nhè nhà cửa mình để trộm đồ, hay rình rập bắt nạt con cái mình trên đường đi học về thì nguy to... Thôi đành đứng làm ngơ hóng chuyện vậy, ai cũng chỉ biết vây quanh xì xào to nhỏ thay vì cảm thấy xấu hổ cho hành động hèn nhát của bản thân mình. Cuộc xô xát diễn ra được ít lâu thì bỗng nhiên, ở một xó nào đó chợt vang lên tiếng con nít hò hét "Công an đến", "Công an đến" rồi dân chúng cứ thay phiên bàn tán về hai từ công an từ kẽ mồm người nọ truyền sang kẻ khác như chơi trò truyền tin...

Đối với mấy tên giang hồ nghe vậy thật chẳng khác gì như chuột ngửi thấy hơi mèo, lập tức cả hai sợ xanh mặt mà bỏ chạy. Trước khi vọt hai đứa chỉ kịp huýt nhau một tiếng rồi vắt cẳng chạy mất dép, đâm xuyên qua đám đông rồi lủi vào một con hẻm nhỏ mà biến mất tâm như cá lặn xuống sông, chỉ để lại bà chủ quán bún thất thần ngồi khụy chân đau đớn ngay trước ngõ, mặt mũi vẫn còn đọng hai hàng nước mắt ròng ròng...

Mọi người ai nấy đều ngóng cổ vịt ra nấn ná đợi hình dáng của mấy chú công an xuất hiện để giải quyết vấn đề, nhưng chẳng thấy đâu cả. Khi hiểu ra mọi chuyện, dân chúng cùng đồng loạt kinh ngạc vì nghe bảo những tiếng kêu inh ỏi của đứa con nít ban nãy là do Vệ nhanh trí, nắm bắt tâm lý dân chợ búa hay sợ công an mà gào lên, hù dọa cho hai thằng vô học kia bỏ chạy. Ngay lúc còn chưa xảy ra xô xát, thằng bé đã rất muốn đứng đấy mà hét rằng công an tới nhưng xung quanh chẳng có lấy một bóng người che chắn. Chỉ cần liếc sơ hai thằng du côn kia sẽ nhận ra ngay trò thùng rỗng kêu to, nên nó phải đợi cho bọn chúng phá quán, để mọi người xúm tụm lại xem mới dám bày ra chiêu múa rìu qua mắt thợ này, một kế sách thật hết sức bất đắc dĩ. Cả ba chị gái trong tiệm làm tóc bấy giờ mới dám chạy ra, phụ bà chủ quán nhặt nhạnh lại mấy lọ tương, xếp lại bàn ghế... Mọi người xung quanh vẫn không ngừng bàn tán xì xào, lời ra lời vô, nào là thương thay cho bà chủ tiệm, cũng có mấy người bảo bà cứng đầu cứng cổ, không chịu giao tiền cho tụi nó nên mới sinh nông nổi này. Nào là khen Vệ xử lý tài tình, nhỏ mà khôn nhưng thật sự trong lòng nó chẳng còn hơi đâu mà nghe ngóng mấy lời ca tụng từ những kẻ sống nhút nhát tới hèn nhát như họ. Nó chỉ xót xa cho bà chủ quán vẫn còn bơ phờ chưa thể nói thành lời, lom khom nhặt mấy cái dĩa nhựa cùng đống muỗng đũa rơi lăn lóc trên mặt đất.

Mấy cô khách thân quen đã từng nhiều lần ủng hộ quầy bún riêu này có vẻ cũng chẳng còn lấy gì làm lạ trước cái cảnh to tiếng ban nãy, cả ba chỉ biết lủi thủi phụ nhặt đồ. Chị Mi vừa đứng dậy đã lập tức nói với Tư Điệu và Trân:

- Hai thằng vừa rồi một thằng tên Tuấn một thằng tên Phi, nghe đồn đâu là dân chuyên hút cần, trộm chó dưới đường Trần Xuân Soạn... Cũng may vừa rồi thằng bé nhanh trí hù đuổi tụi nó kịp, không thì có mà hai đứa đã đập nát luôn cái quầy kính đắt tiền này. Sao chả bao giờ thấy công an nắm cổ mấy thằng này cho đeo gông hết nhỉ... Ê bé, nãy có đứa nào thấy mặt mày không? Hổng chừng nó nhè mày đi đường đánh mày đó.

Lời cảnh báo của chị Mi thú thật chẳng khiến Vệ sợ hãi chút nào cả, nhưng bất giác làm thằng bé nhớ lại, hình như có bắt gặp ánh mắt cú vọ của một trong hai thanh niên ban nãy xoáy thẳng vào mặt mình. Có lẽ hai đứa đó cũng đã nhớ mặt Vệ rồi không chừng... 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro