Chương 12

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


"A, bác Ralph! Lâu ngày quá! Blue đâu rồi?"

"Đây nè!" cậu lái phụ lên tiếng từ phái đuôi thuyền, khuất sau mấy thùng gỗ đựng trái cây. "Anh sao rồi Tom? Thấy tụi tôi ra có mừng không?"

"Sao không mừng, hai người đem đồ ăn ra kia mà?" anh bật cười, trêu hai thầy trò. Máy thuyền xả khói, nổ bình bịch, tiến sát bờ. Không khí kèn dày khói dầu diesel. Đã giữa tháng Sáu, lần đầu tiên có thuyền tiếp tế từ khi đứa bé xuất hiện bảy tuần trước đó.

"Dây chăng rồi. Tời cũng sẵn luôn."

"Trời đất, sốt sắng chưa kìa!" Ralph reo lên. "Đi đâu mà vội hả? Bữa nay trời đẹp quá. Cứ thủng thẳng thôi. Còn phải gặp nhân vật mới nữa chứ! Bà Hilda nhà tôi chất theo đủ món cho đứa nhỏ, chưa nói tới quà của ông bà nó gởi nữa."

Ralph đi xuống cầu tàu, ôm chồm lấy Tom. "Chúc mừng con trai. Nghe mừng quá. Nhất là sau khi... sau những chuyện trước đó."

Bluey tiếp lời. "Mừng cho anh quá. Má tui cũng gởi lời thăm."

Tom đưa mắt nhìn về phía trước. "Cảm ơn nhiều. Tụi tôi cảm kích lắm."

Họ đi theo dốc mòn lên nhà, thấy bóng Isabel thấp thoáng sau dây phơi đầy tã lót chăng như dây cờ tín hiệu trong gió lộng. Tóc cô búi lại, mấy sợi bung ra, bay bay trong gió.

Ralph đưa hai cánh tay ra khi tới gần. "Trời, nhìn là biết ngay hả? Đúng là gái một con. Da dẻ hồng hào, tóc tai mượt mà, giống y như bà Hilda nhà tôi sau mỗi lần sinh nở."

Isabel đỏ mặt trước lời khen, hôn lão một cái thật nhanh. Cô cũng hôn cả Bluey, cậu chàng cúi đầu lẩm bẩm. "Chúc mừng chị."

"Ta vào nhà thôi. Nước vừa sôi, có cả bánh nữa" cô nói.

Họ ngồi quanh chiếc bàn cũ bằng gỗ thông, Isabel thỉnh thoảng lại liếc mắt về phía đứa nhỏ đang ngủ trong nôi.

"Đàn bà xứ Mũi ai cũng nói chuyện cô sanh nở một mình. Đương nhiên, mấy bà vợ nông dân cũng không thấy gì ghê gớm – Mary Linford nói bả sanh ba đứa mà có cần ai đâu. Nhưng người ở thị trấn thì nể lắm. Lúc đó Tom cũng không đến nỗi vướng chân vướng cẳng quá hả?"

Hai người nhìn nhau. Tom vừa định lên tiếng nhưng Isabel đã nắm lấy tay anh, siết chặt. "Anh ấy giỏi lắm. Cháu không dám đòi hỏi gì hơn." Mắt cô rớm ướt.

"Nhỏ xinh quá hả, tui nói thiệt." Bluey nói. Nhưng chỉ thấy được mỗi gương mặt nhỏ xíu đội mũ mềm hé ra từ chiếc chăn bông.

"Mũi giống Tom nè, đúng không?" Ralph góp lời.

"Ừm..." Tom ngập ngừng. "Con gái mà mũi giống cháu chưa chắc gì đã là hay!"

"Phải đó!" Ralph bật cười. "Giờ nhờ anh Sherbourne ký giùm tôi mấy cái đơn. Làm luôn cho xong."

Tom thấy nhẹ cả người khi đứng dậy khỏi bàn. "Được thôi. Mời thuyền trưởng Addicott lên văn phòng." Anh nói, để Bluey ở lại nựng nịu đứa bé trong nôi.

Bluey đưa tay vào nôi, lắc cái lục lạc về phía đứa bé, giờ đã tỉnh ngủ hẳn. Nó nhìn món đồ chơi say sưa, cậu lại lắc tiếp. "Thích chưa hả nhỏ, lục lạc bằng bạc nữa nè! Như công chúa vậy đó: trước giờ tui chưa thấy cái gì đẹp vậy! Có cả thiên thần nữa. Thiên thần vậy mới hợp với thiên thần này chứ... Còn cả chăn bông..."

"ờ, mấy thứ đó còn lại từ khi..." Giọng Isabel chùng hẳn xuống. "khi trước."

Bluey đỏ mặt. "Xin lỗi. Tui không có ý nhiều chuyện. Tui... đã dỡ hàng đây. Cảm ơn chị cho ăn bánh," rồi cậu lỉnh ngay qua cửa bếp.

Janus Rock

Tháng Sáu năm 1926

Ba má thương yêu,

Vậy là Chúa đã gởi xuống một thiên thần cho chúng con. Lucy cưng lắm! Nó rất xinh, không chê chỗ nào được. Ăn ngủ cũng ổn. Không quấy gì.

Ước gì ba má được nhìn thấy, được ẵm bồng Lucy. Mỗi ngày nó mỗi khác, hẳn khi ba má gặp Lucy không còn là em bé nữa. Đợt tới khi tụi con vào bờ Lucy chắc đã chập chững biết đi. Nhưng giờ con gởi ba má cái này, coi như thế cho một tấm ảnh. Con đã nhúng bàn chân Lucy vào phẩm son đó! (Ở Hải đăng cái khó ló cái khôn...) Mời ba má xem kiệt tác gởi kèm với thư.

Tom là một người cha tuyệt vời. Janus thật khác từ khi có Lucy. Hiện giờ giữ Lucy cũng dễ - con cứ đặt nó vào giỏ rồi đem theo mỗi khi con đi nhặt trứng hay vắt sữa. Chắc tới lúc nó biết bò sẽ khó khăn hơn. Nhưng con cũng chẳng nôn nóng gì.

Con muốn kể cho ba má nghe thật nhiều về Lucy – tóc nó màu đen, mỗi khi tắm xong nó thơm vô cùng. Mắt cũng màu sẫm luôn. Nhưng con không thể nào nói cho hết được. Lucy tuyệt vời không tả xiết. Chỉ mới vài tuần thôi mà con đã không thể hình dung làm sao sống thiếu nó được.

"Ông ngoại, bà ngoại" ơi, chắc con phải dừng thư ở đây để thuyền còn về, chứ không phải mất ba tháng nữa thì mới lại viết thư được.

Thương ba má nhiều,

Isabel

TB: Con đã đọc thư ba má gởi theo thuyền sáng nay. Cảm ơn ba má gởi chiếc chăn thỏ con cho Lucy. Còn búp bê thì dễ thương quá. Cả mấy cuốn sách nữa. Con cũng hay đọc mấy bài đồng dao cho Lucy nghe, nên chắc nó sẽ rất thích mấy bài mới này.

TTB: Tom gởi lời cảm ơn ba má đã gởi chiếc áo len. Ở ngoài này trời đã bắt đầu lạnh rồi.

Trăng non như chiếc lưỡi liềm đính trên nền trời đang sẫm tối. Tom và Isabel ngồi bên nhau trên hiên nhà, ánh sáng hải đăng chiếu quanh đảo ngay trên đầu hai người. Lucy đã ngủ say trong tay Tom.

"Muốn thở khác nhịp với Lucy được cũng thật khó, đúng không mình?" anh nói, mắt nhìn chăm vào đứa bé.

"Ý mình là sao?"

"Cứ như có bùa mê gì vậy. Mỗi khi con ngủ như thế này tôi cũng thở theo nhịp con thở. Cũng giống như tôi làm việc cũng theo nhịp quay đèn." Tom nói mà gần như tự nhủ với mình. "Tôi thấy hoang mang lắm mình à."

Isabel mỉm cười. "Tình yêu mà Tom. Có gì mà phải sợ."

Tom thấy lạnh sống lưng. Giờ đây khi anh không thể hình dung sống mà không có Isabel, anh nhận ra Lucy cũng đang bước vào trái tim mình. Và anh ước gì Lucy cũng thật sự thuộc về nơi đó.

Ai đã từng làm việc trên những hải đăng xa bờ đều hiểu cái cảm giác cô quạnh và cả sự kỳ bí ấy. Nếu lục địa Australia là một lò nung lớn thì các ngọn hải đăng như những tia lửa rơi ra, có nhiều ngọn chỉ có vài người đến. Nhưng chính những ngọn đèn biển hiu quạnh đã làm cho lục địa đỡ cô độc – bởi nhờ đó tàu thuyền đi lại an toàn, vượt qua hàng ngàn dặm, đem đến nào máy móc, sách vở và quần áo, rồi mang đi len sợi và lúa mì, than đá và vàng: thành quả lao động đổi chác với sản vật của tự nhiên.

Sự cô quạnh như con tằm miệt mài nhả tơ, khiến ta chỉ biết tập trung vào một nơi chốn, một thời điểm, một nhịp điệu duy nhất – nhịp quay của ngọn đèn. Hòn đảo không biết đến tiếng người hay dấu chân ai khác. Ở hải đăng xa bờ, ta muốn tự kể chuyện gì cũng được, sẽ không ai phản đối: từ hải âu đến lăng kính đến ngọn gió, tất cả đều không màng đáp lại.

Vậy là Isabel cứ bồng bềnh trôi trong cái thế giới nhân từ thần thánh của riêng mình, nơi những lời cầu nguyện được đáp trả, nơi ý Chúa và dòng hải lưu mang con trẻ đến. "Tom, em tự hỏi tại sao tụi mình lại may mắn đến vậy?" cô thốt lên trong suy tư, Isabel ngỡ ngàng xúc động nhìn đứa con gái lớn như thổi. Cô sung sướng khi Lucy mỗi ngày một khác: biết lật, bắt đầu bò; những tiếng bập bè đầu tiên.

Giông bão đi theo mùa đông đến một nơi phương trời khác, và hạ về mang tới bầu trời xanh trong hơn, ánh nắng cũng rực chói hơn.

"Lên đi con," Isabel bật cười rồi nhấc bổng Lucy lên hông. Cả ba thả bộ theo con đường mòn xuống bãi biển lấp lánh nắng trong một buổi dã ngoại. Tom ngắt đủ hoa lá, hết cỏ biển, rồi rau sam biển. Lucy ngửi lá, nhai thử một chút rồi nhăn mặt khi gặp vị lạ. Anh ngắt từng bó hoa trang hồng nho nhỏ cho con, rồi chỉ cho con thấy vảy lấp lánh của một con cá mặt trăng hay cá thu xanh anh bắt được trên vách đá ở mép đảo, chỗ nước hụt sâu thăm thẳm. Những đêm trời êm giọng Isabel văng vẳng trong gió, du dương êm dịu, đọc những câu chuyện về Snugglepor và Cuddlepie cho Lucy nghe ở phòng trẻ, trong lúc Tom sửa đồ đạc ở nhà kho.

Mọi chuyện có đúng sai thế nào thì Lucy vẫn ở đấy và Isabel là một người mẹ không thể tốt hơn. Mỗi đêm khi cầu nguyện cô lại tạ ơn Chúa đã ban cho mình gia đình, sức khỏe, cuộc sống hạnh phúc và cầu cho mình xứng đáng với những món quà tặng mà Chúa đã ban.

Ngày nối ngày đều đặn như sóng vỗ lên bờ biển, hầu như không để lại dấu tích thời gian trôi qua trong cái thế giới nhỏ xíu ấy, nơi chỉ có công việc, những giấc ngủ say, sự chăm bẵm và nhìn ngắm. Isabel rơi nước mắt khi cất đi những thứ đồ nhỏ nhất của Lucy. "Cứ như mới hôm qua con còn nhỏ xíu, vậy mà giờ đây mình nhìn con xem." Cô vừa nói với Tom vừa xếp đồ lại, gói trong giấy mền – một cái núm vú giả, chiếc lục lac, chiếc áo đầm đầu tiên, một đôi giày bé xíu. Cô làm việc đó cũng như bất kỳ bà mẹ nào khác trên thế gian.

Khi không thấy tháng, Isabel khấp khởi mừng trong bụng. Cô từng hết hi vọng có thêm đứa con nữa, vậy mà giờ đây... Cô nán đợi thêm chút nữa, cứ nguyện cầu, chưa vội nói gì với Tom. Nhưng rồi cô thấy tâm trí mình dạt trôi, mơ tưởng đến một đứa em trai hay em gái cho Lucy. Trái tim cô đong đầy hi vọng. Thế rồi dòng máu lại về, dữ dội như một màn trả trù, đau đớn và nặng nề, theo một thứ chu kỳ mà cô không thể hiểu được. Đầu cô cũng ong theo, rồi đôi khi cô còn vã mồ hôi khi đi nằm. Rồi nhiều tháng trôi qua mà chẳng có gì cả. "Đợt tới vào bờ, em sẽ đi khám bác sĩ Sumpton. Không cần lo gì đâu," Em khỏe như vâm, mình à. Không có gì phải lo cả." Isabel thấy tràn ngập tình yêu với chồng và đứa con gái nhỏ. Vậy đã quá đủ.

Tháng nối tháng qua đi, đánh dấu bằng thứ nghi lễ kỳ lạ của hải đăng- thắp đèn, kéo cờ hiệu, lọc cặn dầu khỏi bể thủy ngân. Rồi ghi chép các loại giấy tờ đơn từ thông thường, chịu đựng những lá thư cáu bẳn của Đội trưởng phụ trách chất đốt, một người luôn muốn làm rõ bao nhiêu phần trăm hỏng hóc của ống hơi là do người gác đèn không chỉn chu, bao nhiêu mới là do người thợ không khéo. Cuốn sổ nhật ký hải đăng đổi từ năm 1926 đến năm 1927 ngay giữa trang. Ngành Hải đăng Khối Thịnh Vượng Chung không cho phép phí giấy, mà mấy cuốn sổ đó lại rất đắt tiền. Tom ngẫm nghĩ về thái độ thờ ơ ấy. Cứ như thể với Hải đăng, đến cả bước chân thời gian cũng thật tầm thường tẻ nhạt, không có gì ấn tượng. Mà cũng đúng thôi – quang cảnh nhìn từ ban công tháp đèn ngày đầu năm mới cũng chẳng khác gì với ngày cuối cùng của năm cũ.

Thi thoảng Tom bắt gặp mình giở lại trang nhật ký của ngày 27 tháng Tư năm 1926. Rồi đến một lúc dườn như cuốn sổ luôn tự mở ra ngay trang đó.

Isabel chăm chỉ miệt mài. Mảnh vườn rau tươi tốt, nhà cửa luôn sạch sẽ. Cô giặt giũ, vá chắp áo quần cho Tom, nấu những món anh thích ăn. Lucy mau lớn. Ngọn đèn cứ quay. Thời gian trôi đi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro