Chương 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Mũi Partageuse được các nhà thám hiểm người Pháp đặt tên khi vẽ bản đồ vùng đất nhô ra từ gốc phía Tây Nam của phần lục địa Úc Châu, khá lâu trước khi người Anh đổ bộ chiếm đất này làm thuộc địa năm 1826. Di dân dần dần kéo đến, phía Bắc từ Albany, phía Nam từ Swan River Colony, định cư trên những cánh rừng hoang sơ trải dài hàng trăm dặm giữa hai xứ đó. Người ta dùng cưa tay để đốn những cái cây cao như tháp nhà thờ rồi san mặt đất thành đồng cỏ nuôi bò. Di dân nước da còn xanh tái cùng với những đàn ngựa thồ chặt cây mở đường, nhẫn nại lấn từng tất đất khó nhọc. Mảnh đất trước đó còn chưa từng có dấu người, giờ đây bị cào xới, bị đốn trụi, rồi đo đạc vẽ vời bởi bàn tay của những kẻ bỏ xứ, đi thử vận may ở một phương trời xa lạ, vừa sợ bỏ mạng vừa mơ đổi đời sung sướng.

Người Partageuse cùng nhau trôi dạt như bụi trong gió, cuối cùng cắm rễ ở nơi hai đại dương gặp nhau bởi có dòng nước ngọt, hải cảng tự nhiên và đất đai màu mỡ. Cảng ở đây chẳng bì được với Albany những cũng tiện lợi cho dân địa phương vận chuyển gỗ súc, gỗ đàn hương hay thịt bò. Những cơ sở kinh doanh nhỏ mọc ra, rồi bám lại như địa y trên mặt đá núi. Dần dần thị trấn có trường học, vài nhà thờ mỗi cái một vẻ, hát những bài thánh ca cũng không giống nhau, rồi thêm mấy căn nhà gạch đá kiên cố cùng với rất nhiều nhà ván tấm lợp tôn. Rồi có thêm cửa hiệu, tòa thị chính, có cả một nhà phân phối nông cụ Dalgety. Và tửu quán. Rất nhiều tửu quán.

Từ thuở ban đầu, người Partageuse đã có một thứ niềm tin thầm lặng rằng "thời sự" chỉ diễn ra ở nơi nào khác. Tin tức từ bên ngoài nhỏ giọt vào Partageuse, như nước mưa đọng trên cây rả rích rơi xuống, thi thoảng rộ lên tin vặt chỗ này, đồn đại chỗ kia. Năm 1890 thị trấn được lắp đường dây điện báo, khiến mọi thứ cũng mau mắn hơn một chút. Rồi thêm vài hộ có điện thoại. Partageuse cũng từng gởi quân tham chiến ở Transvaal năm 1889, số thương vong đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng nhìn chung, cuộc sống ở Xứ Mũi đều đều như một màn diễn phụ, chưa bao giờ xảy ra chuyện gì quá hay ho hay quá tệ hại.

Những thị trấn phía Tây khác thì đương nhiên không giống vậy. Chẳng hạn như Kalgoorlie, nằm sâu trong đất liền hằng trăm dặm, nơi có những con sông vàng chảy ngầm dưới đất, ngay dưới bề mặt sa mạc khô cằn. Khi mới đến Kalgoorlie người ta mang theo xe cút kít và đồ đãi vàng, khi đi ra thì lái xe ô tô mua bằng cục vàng to như con mèo, chạy bon bon trong thị trấn chỉ mới có vài con đường, lại được đặt những cái tên đầy mai mỉa như Croesus. Cả thế giới muốn thứ mà Kalgoorlie có được. Sản vật của Partageuse, những gỗ súc, gỗ đàn hương chỉ là bọt bể: chẳng bì lại được với Kalgoorlie đang gặp thời phất lên vùn vụt.

Năm 1914 thời cuộc đổi thay, Partageuse cũng có thứ mà cả thế giới mong muốn. Đàn ông. Thanh niên. Trai tráng. Những con người cả đời chuyên cầm rìu, kéo cày, dạn dày gió sương giờ trở thành miếng mồi ngon lành nhất trên bàn toan tính chiến sự ở một phương trời xa xôi.

Năm 1914 chỉ có những là cờ tung bay và mùi da thuộc còn mới trên quân phục. Mãi đến một năm sau mới bắt đầu khác đi. Người ta nhận ra Partageuse không còn là màn phụ đều đều nữa. Thay vì mừng rỡ đón người chồng và đứa cón con trai rắn rỏi trở về, đàn bà xứ Mũi chỉ còn nhận điện tín. Những mẫu giấy rơi xuống từ bàn tay run rẩy, bị cuốn phăng đi trong gió phần phật, báo tin rằng đứa con trai mà họ từng cho bú mớm, tắm rửa, la mắng và có khi phải làm họ phải khóc lóc giờ đây...chẳng còn nữa. Partageuse hòa vào thế giới rộng lớn bên ngoài, trong một cơn vượt cạn đau đớn.

Đương nhiên, chuyện mất con cũng là một phần của cuộc sống mà nhiều người phải kinh qua. Chẳng có gì đảm bảo rằng bào thai có thể sống từ chỗ tượng hình cho tới khi được sinh ra, hoặc cứ sinh ra là sẽ cứng cáp mà lớn lên. Tạo hóa chỉ cho phép những kẻ khỏe mạnh và may mắn được dự phần ở cái thiên đường chớm nở này. Cứ nhìn vào bìa trong của cuốn Kinh thánh ở mỗi nhà là thấy ngay. Nghĩa trang kể lại câu chuyện của những em bé bị rắn cắn, bị ngã xe ngựa, không còn khóc nữa, ngủ yên mãi, như thể cuối cùng cũng chịu nghe lời mẹ dỗ dành "cái ngủ mày ngủ cho ngoan". Bọn trẻ con sống sót dần quen với việc dọn bàn ăn khuyết đi một chỗ, cũng như từng quen với chuyện phải nhích dọc theo băng ghế khi có thêm đứa em nữa. Như cánh đồng lúa mì, không phải hạt nào gieo xuống cũng đến ngày gặt hái, Chúa thi thoảng lại ban phát con trẻ, rồi lại mang chúng đi, theo một thứ lịch thần bí, không ai hiểu nổi. Nghĩa trang thị trấn luôn ghi lại trung thực điều đó, những tấm bia mộ nằm trơ trợi như những chiếc răng lỏng lẻo, cáu ghét, thật thà kể lại câu chuyện của những kẻ yểu mệnh vì cúm, vì chết đuối, vì gỗ đè và cả sét đánh. Đến những năm 1915 chúng bắt đầu nói dối. Đàn ông trai tráng khắp xứ chết như ngả rạ, nhưng nghĩa trang vẫn lặng thinh không kể gì nữa.

Sự thật là thân xác họ vùi lấp dưới bùn đất nơi xa xôi. Nhà chức trách làm mọi thứ có thể: Khi điều kiện và lịch hành quân cho phép, họ đào huyệt; khi có thể nhặt được tứ chi, gom góp cho đủ một con người, họ sẽ cố hết sức mà làm vậy, rồi chôn cất có nghi lễ nọ kia. Tất cả đều được ghi lại. Sau đó người ta chụp ảnh ngôi mộ. Với 2 bảng một shilling 6 xu, gia đình có thể đặt thêm một tấm bia tưởng niệm. Về sau nữa các đài tưởng niệm mọc lên ở khắp nơi, nhưng không phải để ghi nhớ sự mất mát, mà chỉ nhắc đến vinh quang và chiến thắng. "Chiến thắng mà chết chóc," ai đó lầm bầm, "là một thứ chiến thắng nghèo nàn."

Không có đàn ông, xứ Mũi dần trống vắng, hoang hốc như khoang phô mai Thụy Sĩ đầy lỗ. Nhưng xứ Mũi chưa từng có lệnh cưỡng bách tòng quân. Chưa ai từng bị bắt đi lính.

Trờ trêu nhất vẫn là những kẻ mà ai cũng gọi là "may mắn". Họ trở về, được đám con gái ăn mặc sạch sẽ ra đón, đến con chó cũng được cột nơ để chào mừng. Thường chính con chó sẽ nhận ra sự khác lạ đầu tiên. Không hẳn là người trở về bị mất một mắt hay cẳng chân; mà đúng hơn là một sự vắng mặt khác, vẫn là một kiểu mất tích trong khi làm nhiệm vụ mặc dù thân xác vẫn còn đó. Billy Wishart ở xưởng cưa Sadler: vợ hiền, ba con thơ, những tưởng không muốn gì hơn. Wishart bị ngạt khí trong chiến tranh, giờ đây cầm thìa mà tay run bần bật như máy cắt rơm, súp bắn tung tóe đầy bàn. Anh tay run tay đến nút áo cũng không cài được, hằng đêm mặc nguyên áo quần ngoài nằm bên vợ, có quắp người lại, khóc tu tu. Hay cậu Sam Dowsett hãy còn trẻ, sống sót qua đợt đổ bộ đầu tiên ở Gallipoli, rồi lại mất cả hai tay và một nửa gương mặt ở Bullecourt. Hằng đêm bà mẹ góa bụa lại ngồi lo nghĩ rồi đây sẽ chăm sóc cho cậu một khi bà nằm xuống. Con gái xứ này không ai dại mà lấy Sam nữa. Những lỗ thủng trong khoang phô mai Thụy Sĩ. Hoang hốc mất mác.

Một thời gian khá lâu, người ta vẫn còn bàng hoàng, như đang dự một trò chơi mà luật chơi bất ngờ thay đổi. Người ta cố xoa dịu mình bằng cái suy nghĩ rằng con trai xứ Mũi đã không chết vô ích: chúng đã trở thành một phần của cuộc chiến chính nghĩa vĩ đại. Rồi có những lúc họ cũng tin được điều đó, và nuốt xuôi được cả nỗi giận dữ và tiếng thét tuyệt vọng, chỉ chực gào xé cổ họng mà bật ra như tiếng kêu giận dữ của chim mẹ vừa mất con.

Sau chiến tranh người ta cố gắng châm chước với những người may mắn trở về, giờ đây đổ ra rượu chè, gây gổ đánh nhau hoặc không làm nổi việc gì quá vài ngày. Công ăn việc làm trong thị trấn cũng chỉ ổn định có chừng. Kelly vẫn giữ tiệm chạp phô. Lão Len Bradshaw vẫn bán thịt, mặc dù cậu con trai nóng ruột thay cha lắm rồi: cứ nhìn cậu lấn lướt chỗ ông già dưới quầy mỗi khi rướn người lấy một khúc sườn hay một cái má heo là biết ngay. Bà Inkpen (bà này dường như chỉ có họ mà không có tên, mặc dù cô em gái vẫn gọi riêng là Popsy) đứng ra trông coi xưởng đóng máng ngựa khi ông Mack chồng bà không về sau trận Gallipoli. Gương mặt bà cứng cỏi lạnh lùng như miếng sát móng ngựa, tính khí bà cũng vậy. Những tay đàn ông lực lưỡng làm việc cho bà, cứ một điều "Thưa bà Inkpen", hai điều "Dạ bà. Đủ ba túi đầy rồi thưa bà Inkpen", mặc dù ai trong số họ cũng dư sức nhấc bổng bà lên chỉ bằng ngón tay.

Người xứ Mũi biết rõ ai có thể cho mua chịu, ai phải đòi trả ngay, ai nói thật ai nói dối khi họ mang hàng đến trả đòi lại tiền. Cửa hàng vải vóc và kim chỉ Mouchemore làm ăn được nhất quanh dịp Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh, mấy tháng đầu đông còn tranh thủ bán thên len đan áo cũng khá chạy. Cả mấy thứ đồ nho nhỏ không tiện nói của đàn bà con gái. Larry Mouchemore thường vuốt hàm râu nhọn mỗi khi sửa lại cách người ta đọc tên lão ("đọc là 'mu' chứ không phải 'mao'") rồi lo sợ và hằn học khi bà Thurkle có ý định mở hiệu da lông thú ngay kế bên. Hiệu lông thú? Ở xứ Mũi? Tin nổi không? Lão mỉm cười hiền lành sáu tháng sau đó khi bà Thurkle dẹp tiệm. Lão nhanh tay mua hết đám hàng tồn kho, thôi thì cũng là "hàng xóm tắt lửa tối đèn", rồi keiems cũng khá sau khi bán lại cho một tay chủ tàu đi Canada, nghe đâu ở đó người ta chuộng mấy thứ này lắm.

Cho đến năm 1920, Partageuse đã khoác vẻ vừa kiêu hãnh mong manh, vừa dạn dày sương gió như một thị trấn phía Tây điển hình. Ngay giữa bãi cỏ vuông vức gần trung tâm có một đài tưởng niệm bằng đá hoa cương, ghi tên đàn ông trai tráng xứ Mũi, nhiều kẻ chưa đầy đôi tám, nhưng sẽ mãi không quay về để làm đồng, đốn cây hay học nốt bài vở, mặc cho nhiều người ở nhà vẫn nín thở chờ đợi. Dần dần những mảng đời dệt lại với nhau, như một thứ vải vóc tiện dụng, trên đó những sợi chỉ đan xen qua trường học, công việc, gia đình, làm dày dạn thêm những mối quan hệ dường như vô hình với người xứ khác.

Còn Janus Rock chỉ nối với xứ Mũi bằng con thuyền tiếp tế một năm bốn lần, lơ lửng ở mép tấm vải đó, như một chiếc nút áo lỏng lẻo, dễ dàng rơi tỏm xuống Nam Đại Dương.

Cây cầu tàu dài hẹp ở Mũi Partageuse đóng bằng gỗ bạch đàn, thứ gỗ vẫn va vào nhau rầm rập trong những khoang xe lửa chạy trên tàu trước khi được kéo xuống tàu thủy. Nước biển ở vịnh ngay dưới chân thị trấn Partageuse trong xanh như lam ngọc. Ngày tàu của Tom cập bến, mặt nước óng ánh tựa thủy thinh vừa mới được lau bóng.

Đàn ông trai tráng luôn chân luôn tay bốc dỡ hàng, thở hồng hộc đánh vật với đám kiện hàng, thỉnh thoảng lại hò hét hay huýt gió. Trên bờ cũng tấp nập không kém, người ta qua lại, vẻ gấp gáp, kẻ đi bộ, kẻ lại cưỡi ngựa hay đánh xe.

Lạc lõng giữa quang cảnh làm việc khẩn trương đó là một cô gái đang rải bánh mì cho đàn hải âu. Cô cười lớn, ném vụn bánh ra đủ hướng và ngắm bầy chim quang quác cãi nhau, sốt sắng tranh giành phần thưởng. Một con hải âu sải cánh vừa mới ngoặm lấy và nuốt chửng một mẩu bánh đã lại tiếp tục tham lam ngụp lặn tìm mẩu tiếp theo, khiến cô bật cười khanh khách.

Mấy năm rồi Tom mới nghe một giọng cười như vậy, một giọng cười không hề có chút chai sạn hay chua chát nào. Hôm đó là một buổi chiều mùa đông nắng dịu, anh chẳng vội đi đâu, cũng chẳng phải làm gì. Vài ngày nữa anh sẽ ra Janus, sau khi gặp những người cần gặp và ký những thứ cần ký. Nhưng giờ đây, anh vẫn chưa cần ghi nhật ký hải đăng, chưa phải lau lăn kính hay phải đổ nhiên liệu vào bể. Giờ đây, nơi này, có một người đang cười đùa. Tự dưng Tom thấy như chiến tranh đã thực sự chấm dứt. Anh ngồi trên băng ghế gần cầu tàu, để ánh nắng ve vuốt trên gương mặt, ngắm cô gái cười khach khách, những lọn tóc đen bay bay dệt lưới trong gió. Anh nhìn theo mấy ngón tay thanh mảnh in bóng xuống mặt nước xanh. Dần dần một lúc sau anh mới để ý là cô khá xinh. Lâu hơn một chút anh nhận ra cô đẹp.

"Anh cười gì vậy?" cô gái gọi với theo, khiến Tom giật mình.

"Xin lỗi cô" Anh thấy mặt mình đang đỏ lên.

"Cười có mà gì phải xin lỗi!" Cô gái reo lên nhưng giọng nói không hiểu sao vẫn thoáng buồn. Rồi gương mặt cô sáng bừng hẳn. "Anh không phải là người xứ Mũi."

"Ừ."

"Còn tôi ở đây cả đời rồi. Bánh mì không?"

"Cảm ơn cô nhưng tôi không đói."

"Không phải cho anh ngốc ạ! Là để cho hải âu kia."

Cô với tay đưa cho anh một mẫu bánh. Nếu là một năm trước, mà chỉ có khi một ngày trước thôi có lẽ Tom đã từ chối và quay gót bước đi. Nhưng tự dưng, vẻ ấm áp, sự tự nhiên và nụ cười của cô gái rồi cả một điều gì đó anh không thể gọi thành tên khiến anh nhận lấy món quà nhỏ.

"Cá là tôi sẽ dụ được nhiều hơn anh cho coi," cô nói.

"Được thôi, thử xem nào!" Tom đáp lời.

"Bắt đầu nè!" cô tuyên bố. Cả hai thi nhau ném những mẫu bánh lên trời hoặc theo góc xiên xẹo rồi thụp người xuống tránh đám hải âu đang quang quác sà xuống, đập cánh va vào nhau ầm ĩ.

Cuối cùng khi đã hết bánh mì, Tom vừa cười vừa hỏi. "Vậy vừa rồi ai thắng?"

"Ôi, tôi quên đếm mất." Cô gái nhún vai. "Thôi coi như hòa vậy."

"Được thôi," anh nói, đội mũ lên và cầm lấy chiếc túi xách. "Tôi phải đi đây. Cảm ơn cô. Vui thật"

Cô mỉm cười. "Chỉ là trờ vớ vẩn mà."

"Ừ thì," anh đáp, "cảm ơn cô đã nhắc tôi rằng trò vớ cẫn cũng rất vui." Anh vác túi qua đôi vai rộng rồi quay gót trở vào thị trấn. "Chúc cô vui nhé," anh nói nốt.

Tom bấm chuông một nhà trọ trên phố chính. Chủ nhà là bà Mewett chừng hơn sau mươi tuổi, người thấp, mập mạp như ống xay tiêu, chưa gì đã đe anh. "Trong thư anh có ghi còn đơn chiếc, là người phía Đông, vậy nên phiền anh nhớ cho giờ đây anh ở Partageuse. Đây là nhà có đạo, tuyệt đối không rượu chè thuốc là gì hết."

Tom vừa định cảm ơn bà đã đưa chìa khóa, nhưng bà ta vẫn giữ chặt nó trong tay, rồi nói tiếp, "Không có lề thói ngoại quốc gì ở đây hết. Tôi quá rành rồi. Tôi sẽ thay ra trải giường khi anh đi khỏi, tôi không muốn phải mắc công vò giặt, anh hiểu ý tôi chứ. Nhà đóng cửa lúc mười giờ tối, bữa sáng dọn lúc sáu giờ, nếu anh không có mặt thì nhịn. Năm rưỡi thì dọn cơm chiều, cũng y vậy. Bữa trưa anh ăn ngoài."

"Cảm ơn bà," Tom đáp, cố không mỉm cười, biết đâu cười cũng phạm luật thì sao.

"Dùng nước nóng thì tính thêm mỗi tuần một shilling. Tùy anh có muốn dùng không. Tôi thấy đàn ông trai tráng dùng nước lạnh cũng chẳng hại gì." Bà ta ném chìa khóa về phía Tom. Khi bà ta cà nhắc về cuối hành lang, Tom tự hỏi liệu có một ông Mewett nào đã khiến bà trở nên "ưu ái" đàn ông đến vậy.

Trong căn nhà nhỏ ở phái sau nhà, Tom mở túi xách lấy đồ ra, đặt bánh xà phòng và đồ cạo râu gọn gàng lên kệ. Anh gấp đồ lót và bít tất cho vào ngăn kéo, treo ba cái sơ mi, hai quần dài và áo complet lành lặn và cà vạt vào chiếc tủ hẹp. Anh nhét cuốn sách vào túi quần rồi bắt đầu đi dạo phố.

Việc cuối cùng của Tom ở Partageuse là ăn tối với Cảng vụ trưởng và phu nhân. Đại tá Percy Hasluck phụ trách trông coi mọi tàu thuyền qua lại ở cảnh, theo thông lệ thường mời người gác đèn ở Janus đến nhà ông ăn tối trước khi họ lên đường ra đảo.

Chiều hôm đó Tom tắm rửa, cạo râu sạch sẽ, vuốt keo Brilliantine vào tóc, cài nút vạt cổ áo xuống, khoác complet. Ánh nắng những ngày trước giờ đã bị thay thế bởi những đám mây đen và cơn gió hung dữ thổi vào từ Nam Đại Dương, nên anh mặc thêm áo bành tô.

Vẫn lượng đường sá như ở Sydney, lại e đi bộ lạ đường nên Tom trừ hao nhiều thời gian. Anh đến nơi khá sớm. Chủ nhà mời anh vào với nụ cười thoải mái. Khi Tom lên tiếng xin lỗi vì đã đến sớm, "Phu nhân Đại tá Hasluck", thoe kiểu ông chồng gọi bà, liền chắp tay rồi nói. "Ôi chao, anh Sherbourne! Anh không phải xin lỗi vì đã đén đúng giờ, nhất là khi anh lại mang theo hoa đẹp như vậy." Bà ta hít hà bó hoa hồng cuối mùa mà Tom hái từ vườn nhà bà Metwett, đương nhiên là mặc cả trả tiền. Vóc người thấp bé, bà ta ngước nhìn anh, "Ôi chao! Anh cao cũng gần bằng hải đăng!" Nói xong bà ta cười khúc khích ra điều hóm hỉnh.

Đại ta nhận lấy mũ và áo khoác của Tom rồi mời, "Anh vào phòng khách đi." Bà vợ liền thêm ngay vào "Nhện mời ruồi".

"Nhà tôi rất nhộn, anh thấy đó!" Đại tá lên tiếng. Tom bắt đầu thấy ngại một buổi tối lê thê.

"Anh dùng rượu Sherry không? Hay Port vậy?" bà vợ mời.

"Thôi thôi làm ơn đi, đem cho cậu ấy một ly bia, Đại tá phu nhân à" ông chồng vừa cười cừa nói. Ông ta vỗ vai lên lưng Tom. "Anh bạn trẻ ngồi xuống rồi kể hết chuyển anh cho tôi nghe."

Ngay lúc đó chuông cửa lại reo lên, Tom như được giải cứu. "Vô phép anh," Đại tá Hasluck nói. Tom nghe tiếng ông ở ngoài phòng khách "Cyril. Bertha. Thật quý hóa. Để tôi cất mũ cho."

Bà vợ quay lại phòng khách, mang theo một chai bia và mấy cái ly đặt trên chiếc khay bạc, vừa đi vừa nói, "Tụi tôi có mời thêm mấy người nữa, để giới thiệu cho anh thêm dân xứ Mũi. Partageuse hiền lành dễ chịu lắm."

Ông Đại ta dẫn mấy người khách mới đến vào, một cặp vợ chồng mặt mày khắc khổ: ổng Cyril Chipper mập mạp thấp bé, chủ tịch của Hội đồng Đường sá địa phương cùng với à vợ Bertha người gầy như củi khô.

"Anh thấy đường sá xứ này sao?" Cyril hỏi ngay sau khi được giới thiệu. "Không cần lịch sự khách sáo gì hết. So với phía Đông, anh thấy đường sá ở xứ này được mấy điểm?"

"Thôi nào, để anh ấy yên, Cyril." Bà vợ lên tiếng. Tom thấy nhẹ cả người, không chỉ nhờ bà vợ can thiệp mà còn vì chuông cửa lại tiếp tục reo tiếp.

"Bill. Violet. Mời ông bà vào," ông Đại ta vừa mở cửa vừa nói. "À, tiểu thư càng ngày càng xinh."

Rồi ông dẫn tiếp vào phòng khách một người đàn ông dáng vẻ chắc nịch, ria mép bạc đi cùng bà vợ đậm người, mặt ửng đỏ. "Ông Bill Graysmark và bà Violet, với cô con gái..." Ông ta xoay người lại. "Ủa đâu rồi? Mới thấy đây mà, chắc vô giờ. Bill là thầy hiệu trưởng của trường Partageuse."

"Rất hân hạnh," Tom nói, bắt tay người đàn ông và khẽ gật đầu lịch sự với bà vợ.

"Vậy," Bill Graysmark lên tiếng, "anh nhắm có làm nổi ở Janus không?"

"Tôi sẽ sớm biết ngay thôi," Tom đáp.

"Ngoài đó rầu lắm, anh biết không."

"Tôi có nghe nói."

"Ở Janus không có đường sá gì hết." Cyril Chipper cắt ngang.

"À, đúng là không có," Tom trả lời.

"Tôi thì cứ chỗ nào không có đường sá là không được," Chipper nói tiếp, giọng điệu ra ý đúng sai rạch ròi.

"Thực ra không có đường là chuyện nhỏ nhất trên đảo, con trai à," Graysmark nói.

"Thôi mà ba," cô con gái bước vào, Tom vẫn đứng xoay lưng ra cửa. "Ảnh không cần nghe thêm mấy chuyện rầu rĩ chán đời của ba đâu."

"À, nói rồi mà, cố ấy đây," Đại tá Hasluck lên tiếng. "Đây là Isabel Graysmark. Isabel, đây là anh Sherbourne."

Tom đứng dậy chào cô gái, họ nhìn nhau, nhận ra người quen. Anh vừa định nhắc đến đám chim hải âu, nhưng cô đã lên tiếng trước, "Hân hạnh gặp anh, anh Sherbourne."

"Cứ gọi tôi là Tom," anh nói, đoán thầm chắc buổi chiều hôm đó đáng ra cô phải làm việc khác, chứ không phải chỉ đứng ngoài biển rải bánh cho chim ăn như vậy. Rồi anh tự hỏi không biết còn có thêm bí mật nào nữa đằng sau nụ cười láu lỉnh đó.

Buổi tối hôm đó cũng không đên nổi. Vợ chồng ông Đại tá kể lại lịch sử xứ Mũi và việc dựng hải đăng, từ thời ông cụ thân sinh. "Rất quan trọng với giao thương," Cảng vụ trưởng quả quyết. "Mặt biển Nam Đại Dương rất là khắc nghiệt, chưa kể tới dãy núi chìm đó nữa. Nên giao thông có an toàn mới giao thương được, ai cũng biết vậy."

"Nhưng đương nhiên muốn có giao thông an toàn thì đường sá phải tốt," Chipper lại bắt đầu, chuẩn bị bới lại đề tài duy nhất của mình theo kiểu mới. Tom cố tỏ ra chăm chú nhưng bị Isabel làm xao nhãng. Ghế cô ngồi khuất tấm mắt của những người khác. Isabel liên tục làm mặt nghiêm trọng mỗi khi Cyril Chipper lên tiếng, cứ như màn phụ họa theo lời nói của ông ta.

Màn biểu diễn của Isabel vẫn tiếp tục, Tom cố lắm mới giữ được mặt nghiêm, cho đến khi cuối cùng anh không chịu được nữa bật cười to, rồi nhanh chóng giả vờ đang ho sặc sụa.

"Anh có sao không Tom?" bà vợ ông Đại tá hỏi thăm. "Để toi lấy nước cho anh."

Tom vẫn không ngước nhìn lên được, vẫn phải giả vờ ho, vừa ho vừa nói. "Cảm ơn bà. Để tôi đi cùng bà. Không biết sao tự dưng lại ho vậy."

Khi Tom đứng dậy, Isabel nói, mặt tỉnh khô, "Lát nữa khi anh ấy quay vào, bác lại kể chuyện làm đường bằng cây bạch đàn nữa nhé." Quay về phía Tom, cô dặn, "Anh đừng đi đâu quá. Bác Chipper đây toàn chuyện hay thôi," rồi cô mỉm cười ngây thơ, cặp môi chỉ khẽ rung lên khi Tom nhìn thẳng vào mắt cô.

Khi tiệc gần tàn, mọi người chúc Tom lên đường may mắn. "Anh trông có vẻ làm nổi đó," Hasluck nhận xét, Bill Graysmark gật đầu đồng ý.

"Cảm ơn. Hôm nay được gặp mọi người thật vui quá," Tom nói, bắt tay từng người đàn ông và gật đầu chào mấy người phụ nữ. "Cảm ơn cô, nhờ cô mà tôi không nhỡ mất bài giới thiệu về đường sá miền Tây," anh nói thầm riêng với Isabel. "Tiếc là tôi không có cơ hội đáp trả." Rồi ai về nhà nấy trong đêm đông lạnh giá.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro