Chương 6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

     Những ngày hè trong trẻo, đảo Janus như vươn mình, duỗi ra đến từng ngón chân, tưởng chừng có lúc ngoi khá cao lên khỏi mặt nước mà không phải chỉ bởi thủy triều lên xuống. Có khi cả hòn đảo biến mất trong cơn mưa bão, hóa trang như một nữ thần trong thần thoại Hy Lạp. Rồi sương mù sôi lên: khí trời ấm, đầy những tinh thể muối ngăn cản đường đi của ánh sáng. Nếu có cháy rừng khói có thể lan ra đến tận đảo, mang theo thứ tro bụi ẩm ướt dày đặc,điểm xuyết chút đỏ và vàng óng lên trong những buổi hoàng hôn và ám nhọ đầy mặt kính buồng đèn. Chính vì vậy mà hòn đảo cần phải có ngọn đèn mạnh nhất, sáng nhất.

Từ ban công trên tháp đèn, tầm nhìn đến đường chân trời khoảng chừng bốn mươi dặm. Tom thấy thật lạ lùng rằng khoảng không bất tận đó lại tồn tại cùng thời với mặt đất từng bị tranh giành từng giang tất, chỉ mới vài năm trước.

Người ta mất mạng chỉ để đánh dấu mấy tấc đất sình lầy là "của mình" thay vì "của họ", để rồi mấy ngày sau tiếp tục bị giành lại. Có lẽ thứ ám ảnh đánh dấu đó đã khiến cho những người vẽ bản đồ phải chia dòng nước thành hai đại dương, mặc dù không thể nào tìm được điểm chính xác nơi nước biển chuyển dòng. Chia rẽ. Đánh dấu. Tìm cho được sự khác biệt. Có những thứ chẳng bao giờ đổi thay.

Ở Janus không cần nói năng. Tom có thể sống vài tháng mà không nghe cả đến giọng nói của mình. Anh biết nhiều người gác đèn thường có thói quen hát lên, như người ta bật thử máy để chắc rằng nó vẫn còn hoạt động. Nhưng Tom nhìn thấy tự do trong sự im lặng. Tom lắng nghe tiếng gió. Anh quan sát những sự sống nhỏ nhoi trên đảo.

Thỉnh thoảng, như thể ngọn gió gợi nhớ, nụ hôn của Isabel lại trội dạt vào tâm trí anh: làn da, sự mềm mại dịu dàng nguyên vẹn. Rồi anh nghĩ về những năm tháng xưa, lúc anh không thể nào hình dung đến những điều đó. Chỉ ở bên cạnh cô cũng khiến anh cảm thấy mình sạch sẽ hơn, tươi mới hơn. Vậy mà cảm giác đó lại tiếp tục dẫn dắt anh quay trở lại bóng tối, vào nơi của thịt da thương tổn, nơi tứ chi vặn vẹo. Nhưng làm sao hiểu được đây... Làm sao chứng kiến cái chết mà không bị ảnh hưởng năng nề. Tại sao là anh lại là người sống sót, nguyên vẹn trở về. Tự dưng Tom nhận ra mình đang khóc. Anh khóc cho nhưng đồng đội từng kề vai sát cánh đã bỏ mạng, khi tử thần không thiết tha gì với anh. Anh khóc cho cả những người mình đã giết.

Ở hải đăng ta phải nhớ từng ngày. Phải viết nhật ký, phải báo cáo những gì vừa xảy ra, phải trình chứng cứ rằng cuộc sống vẫn đang tiếp diễn. Rồi, khi những bóng ma hòa tan vào khí trời tinh khiết ở Janus, Tom mon men nghĩ đến cả cuộc sống còn đang ở phía trước – thứ mà hàng năm trời từng quá mông lung với anh. Isabel ở đó, trong suy nghĩ của anh, vẫn bật cười khanh khách vô lo, khao khát muốn biết về thế giới quanh cô và luôn sẵn sàng phiêu lưu. Khi anh đi vào nhà kho, lời khuyên của đại tá Hasluck lại vang lên trong tâm trí. Anh chọn lấy một đoạn rễ bạch đàn malle rồi mang vào xưởng.

Janus Rock

15 tháng Ba 1921

Isabel thân mến,

Tôi mong em vẫn khỏe. Tôi rất khỏe. Tôi thích cuộc sống ở ngoài này. Nghe có vẻ thật lạ, nhưng đúng vậy. Sự yên tĩnh phù hợp với tôi. Ở Janus có gì đó thật kỳ diệu. Không giống với bất cứ nơi nào tôi từng ở qua.

Tôi ước gì em có thể thấy cảnh bình minh và hoàng hôn nơi đây. Và cả những vì sao nữa:bầu trời mỗi đêm đầy sao, nhìn các chòm sao lướt qua trên bầu trời mà giống như đang xem kim chạy trên mặt đồng hồ vậy. Mỗi khi sao giăng tôi thấy mình được an ủi, cho dù ngày hôm đó có tồi tệ đến đâu, mọi thứ hỏng hóc đến mấy nữa. Khi còn ở Pháp cũng thế. Trời sao khiến ta nghĩ xa hơn – những vì sao đã có từ lâu, trước khi con người xuất hiện. Chúng cứ chiếu sáng, mặc cho đời trôi. Tôi cũng nghĩ như vậy về ngọn hải đăng, như một mẫu sao từng rơi xuống thế gian: chỉ biết chiếu sáng, để mặc sự đời. Mùa thu, mùa đông, bão tố, trời quang. Người ta luôn có thể tin cậy vào hải đăng.

Có lẽ đừng lảm nhảm ở đây thôi. Cái chính là, tôi gởi kèm thư đây một chiếc hộp nhỏ tôi làm tặng em. Tôi hy vọng em sẽ dùng được. Em có thể dùng đựng món trang sức hay kẹp tóc hay gì gì nữa.

Giờ đây em có thể đã đổi ý rồi, và tôi chỉ muốn nói rằng như vậy cũng không sao. Em là một cô gái tuyệt vời, và khi còn ở bên em tôi đã rất vui.

Ngày mai thuyền tiếp tế sẽ ra đây, tôi sẽ nhờ Ralph chuyển thư.

Tom

Janus Rock

15 tháng Sáu 1921

Isabel thân mến,

Tôi viết rất vội vì thuyền sắp đi. Ralph đã chuyển thư em. Được tin em tôi rất mừng. Tôi rất vui vì em thích chiếc hộp tôi gởi.

Cảm ơn em đã gởi hình cho tôi. Trông em xinh quá, nhưng không tinh nghịch như ở ngoài đời. Tôi đã biết sẽ treo hình ở đâu trong buồng đèn, để từ trong hình em có thể nhìn ra cửa sổ được.

Không, câu hỏi của em cũng không có gì lạ cả. Nhớ lại hồi chiến tranh, tôi biết khá nhiều tay lấy vợ ngay trong ba ngày nghỉ phép ở Anh, rồi trở lại chiến trường ngay, tiếp tục cầm súng. Phần lớn trong số đó nghĩ rằng họ không sống được lâu mà có lẽ vợ của họ cũng nghĩ vậy. Biết đâu phước phần của tôi dài lâu hơn, nên em cứ nghĩ cho kỹ. Tôi sẵn lòng thử vận mình, nếu em cũng chấp nhận.Tôi có thể xin nghỉ phép đột xuất cuối tháng Chạp, nên em có thời gian để nghĩ cho thấu. Nếu em đổi ý, tôi cũng hiểu. Còn nếu không, tôi hứa sẽ luôn chăm sóc em, và sẽ cố hết sức mình để làm một người chồng tốt.

Thương mến,

Tom

Sáu tháng tiếp theo trôi đi chậm rãi. Trước đó Tom chẳng có gì để chờ đợi – anh đã quá quen với từng ngày qua đi, chỉ có thế. Giờ đây đã có một ngày cưới định sẵn. Có những việc cần thu xếp, cần xin phép. Cứ mỗi khi rảnh rỗi anh lại đi quanh nhà, tìm thứ gì đó để sửa sang: cánh cửa sổ trong bếp không đóng kín được; vòi nước phải vặn bằng sức đàn ông mới chịu chảy. Ở đây Isabel sẽ cần gì? Khi chuyến tiếp tế cuối cùng quay lại anh đặt mua sơn để quét lại phòng ốc; một chiếc gương soi đặt trên bàn phấn; mấy cái khăn tấm mới, cả khăn trải bàn nữa; rồi cả mấy tờ in bản nhạc cho chiếc dương cầm cũ kỹ - anh chưa bao giờ đụng vào nhưng anh biết Isabel thích chơi đàn. Anh hơi ngập ngừng rồi viết thêm vào danh sách mua hàng mấy tấm ra trải giường, hai chiếc gối và một chiếc chăn lông vịt.

Rồi cũng tới ngày thuyền ra đón Tom về đất liền. Neville Whittnish bước lên cầu tàu, sẵn sàng đổi gác cho anh.

"Mọi thứ đâu vào đó chứ?"

Mong là vậy," Tom đáp.

Sau khi xem qua, Whittnish nói, "Anh biết cách đối đãi với ngọn đèn. Tôi chỉ nói vậy thôi."

"Cảm ơn," Tom đáp, cảm thấy xúc động trước lời khen đó.

"Sẵn sàng chưa?" Ralph hỏi khi thuyền chuẩn bị tháo dây.

"Có Chúa mới biết," Tom trả lời.

"Trước giờ chưa nghe câu nào thực lòng hơn vậy." Ralph quay nhìn về đường chân trời. "Đi nào, người đẹp ơi, tới giờ đưa Đại úy Sherbourne, hai lần Huy chương Chữ thập về với người trong mộng."

Ralph nói về con thuyền như cách Whittnish nói về ngọn đèn – như những sinh vật thực sự, gần gũi với họ. Đều là những thứ mà người đàn ông có thể đem lòng yêu mến, Tom nghĩ thầm. Anh mải nhìn tháp đèn. Cuộc sống rồi sẽ thay đổi hoàn toàn khi anh thấy tháp đèn lần tới. Tự dưng anh nghe nhói trong lòng; không biết Isabel có yêu Janus như anh không? Liệu cô sẽ hiểu được cái thế giới của anh chăng?

MtxM8

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro