Chương 5: Thịnh Văn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mùa nước rồi cũng qua đi, mùa xạ lại đến rồi chớp mắt lại sang mùa gặt. Mảnh ruộng sau hè nhà tôi đã có mấy hộ bắt đầu thu hoạch lúa, tiếng máy suốt lúa nổ vang trời từ sáng sớm cho đến chiều tà. Mấy ụ rơm vàng dần dà xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Cánh diều của đám trẻ lại có dịp bay lượn trên bầu trời lộng gió.

Tôi với thằng Bình dạo này không đi cắt lúa thì đi vác lúa, thỉnh thoảng đi mót lúa về cho mấy con gà vịt má tôi nuôi ăn. Hiếm lắm thì mới được một hôm rảnh rỗi cùng đi thả diều.

Cuộc đời gắn liền với đồng ruộng, chắc đây là cái thú vui duy nhất tôi với thằng Bình có thể đua đòi. Nhớ lần đầu đi thả diều, diều tôi đứt dây bị gió cuốn bay đi mất, tôi khóc hết mấy ngày trời. Cuối cùng chị Hạnh phải chừa tiền ăn của chị lại, dành dụm cả hai tuần lễ mới đủ mua cho tôi con diều mới.

Nắng chiều vừa dịu bớt, thằng Bình đã xách diều sang rủ tôi ra ruộng thả. Tôi vừa mua cuộn dây diều mới vài ngày trước, gắn thêm vài cái đuôi bằng nilon cho cánh diều bay "đầm" hơn. Nhưng mà thật ra thằng Bình mới là trùm thả diều, diều nó gắn thêm cả bốn cái đuôi, khi thả lên cao vung vẩy trong gió trông rất đẹp.

[đầm: ổn định]

Tôi vừa mới định bước đi, mẹ tôi bên ngoài đã kêu: "Phúc ơi, Thịnh Văn kiếm nè con!"

Tôi bỏ con diều lên bàn ăn cơm, lật đật chạy vội ra ngoài. Thịnh Văn đậu chiếc Cup 50 trong sân rồi chờ trước cửa, mặc quần tây sơ mi nhìn hêt sức bảnh bao chỉnh tề. Cậu ta với tôi vốn dĩ không quen không biết, chỉ là do duyên cớ một lần tình cờ mà làm bạn đến bây giờ.

Năm đó tôi mười hai tuổi, vào một buổi chiều trời nhá nhem tối, tôi như mọi khi đi ruộng về thì cứ trầm mình dưới sông chẳng chịu lên. Phía bên kia sông, đám trẻ xóm trên chạy xe đạp như bay trên đường đi học về. Cặp sách tụi nó nịt ở yên sau, áo trắng trên người mới mẻ tinh tươm, mặt mũi đứa nào cũng trắng trẻo sáng láng. Tôi cảm thấy có chút tủi thân, nhưng mỗi lần tụi nó chạy ngang tôi cứ phải nhìn mà không rời mắt.

Rồi từ phía xa, một đám khác căng ngang đường chạy vượt lên, vừa chạy vừa cười giòn giã, đến mức làng trên xóm dưới còn nghe. Tụi nó đi học thì ít, quậy quạng thì nhiều. Tôi nhìn thấy thì chỉ nhếch môi khinh bỉ rồi hụp xuống nước gội đầu. Lúc tôi ngoi lên, bờ bên kia đã có tiếng học sinh la hớt hãi: "Lọt dưới sông rồi! Lọt dưới sông rồi!"

Tôi tưởng cái đám kia có đứa lọt sông, liền cười vui vẻ: "Chết mẹ mày chưa con!". Nhưng chưa được bao lâu thì tôi thấy thằng nhóc rơi xuống nước điên cuồng giãy giũa, còn đám trên bờ thì cười hả hê rồi đạp xe đi mất. Tôi ngẫm lại: "Ủa đâu phải... Mấy thằng khốn nạn là mấy thằng vừa chạy đi mà? Ủa..."

Biết là cười nhầm, tôi tự nhiên không làm mà cũng chột dạ. Tôi lội thẳng một hơi qua bờ bên kia, nắm cổ áo thằng nhóc kia lôi ngược vào bờ.

Nó ngồi trên cầu, vừa sặc vừa ho, khóc bù lu bù loa làm tôi mắc mệt. Mà cũng phải, nhìn nó trắng tươi tròn trịa là biết công tử bột, chắc chưa bao giờ chịu cảnh quần áo lấm lem, chân tay trầy trụa kiểu này.

Tôi kêu nó: "Lên bờ rồi còn khóc gì nữa? Đi về đi ba."

Nó gắng gượng nín khóc, nhưng vẻ mặt còn hằn lên nỗi sợ hãi sau cơn thập tử nhất sinh. Nó chỉ xuống dưới, lắp bắp nói: "Còn... còn chiếc xe... của tui nữa..."

Má tôi dạy giúp người thì giúp luôn cho trót, nên tôi cũng ráng lặn mò chiếc xe lên cho nó. May mà cặp sách không vuột ra, nếu không tôi mò đến sáng cũng không tìm được cho nó.

Chiếc xe đạp sau khi lôi lên dính đầy sình một bên tay lái. Cặp sách nó thì khỏi phải nói, lúc này mở ra không chừng còn có cá bên trong. Nó ngồi nghỉ một lúc rồi đứng lên dắt xe mà cả người run rẩy, phần vì sợ, phần vì lạnh. Ngồi lên yên xe rồi mà nó vẫn cứ lúng túng, như thể dòng sông đã cuốn trôi mất kỹ năng đạp xe.

Tính ra nó xui, rớt xuống xông ngay cái nhà người ta đi ruộng chưa về. Tôi mà không thấy chắc bây giờ nó vùi đầu dưới hai tấc đất.

Tôi nhìn thằng công tử bột trước mặt mà chán ngán. Nhìn nó tướng tá to lớn, vậy mà nhát như thỏ đế. Thấy nó cứ lay hoay chưa đi, tôi hỏi giục: "Rồi chạy xe về nổi hông? Tính đứng đây hoài hả?"

Thấy nó chôn chân một chỗ, tôi gỡ sợi dây băng nịt cái cặp ở yên sau ra ném vào trong bội. Tôi giật lấy tay lái từ nó, phóng lên yên xe kêu: "Lên đi! Nhà ở đâu tao chở cho về."

[bội - bội xe: giỏ sắt phía trước xe đạp]

Nó có chút ngại ngùng, nhưng trời sắp tối nên cũng đành cắn răng chỉ đường cho tôi chở nó về nhà. Tôi biết, thằng này nó sợ trời tối quá không thấy đường, lỡ nó mà rớt xuống sông lần nữa thì chắc đi đầu thai luôn chứ khỏi ai cứu.

Tôi hỏi nó: "Rớt xuống nước cái mày bị câm luôn hả ba? Sao hông la làng lên cho người ta biết đường cứu?"

Nó giờ này cũng bình tĩnh hơn một chút, ngồi sau run run đáp: "Uống nước nhiều quá, hổng có kêu được."

Tôi lại nói: "Lớn đầu rồi còn hổng biết lội nữa. Hên là tao đang tắm nghe con, hông thôi là tới số mày rồi."

Nó to con hơn tôi cũng nhiều, nhưng lúc này chỉ ngồi đằng sau run rẩy ậm ừ, nói gì nghe đó trông ngoan ngoãn hết mức.

Đạp xe chừng ba chục phút, cuối cùng cũng tới nhà nó. Má nó sốt sắng đã đứng trông trước cửa. Thấy tay nó xay xát một bên, má nó xót con mà mếu máo: "Trời ơi bị sao mà dữ vậy hả con? Anh ơi, anh ra coi thằng Văn nè, anh ơi!"

Bà một bên gọi chồng, một bên nắm người nó xoay đằng trước, lật đằng sau coi có còn thương tích nào khác. Ba nó bước ra, thấy nó như vậy thì liền nhíu mày, nhưng chắc là đàn ông nên bình tĩnh nhiều hơn phụ nữ. Ông hỏi: "Bị sao vậy con?"

Nó đáp: "Con hông cẩn thận nên bị té xuống sông. May có bạn này kéo con lên bờ."

Nó chỉ chỉ vào tôi, còn tôi thì trợn mắt hỏi nó: "Thiệt là té hông? Hay bị mấy thằng cô hồn kia ép xe rớt xuống sông? Lúc mày rớt xuống tụi nó còn đứng cười hố hố nữa mà!"

Má nó nhìn tôi, hỏi: "Con nói ai ép con dì? Nó ép ở đâu con? Con có thấy mặt tụi nó hông?"

Tôi đáp: "Con đâu có biết tụi nó tên gì. Chỉ thấy tụi nó ba bốn đứa hay căng ngang đường mà chạy. Khúc đường chỗ đó nhỏ xíu, tụi nó ép xe mấy đứa kia rớt sông như cơm bữa."

Văn nắm tay mẹ trấn an: "Thôi mà mẹ! Con hổng có sao rồi mà. Mình vô nhà đi mẹ!"

Mẹ nó vẫn chưa thôi hằn học, nhưng vẫn biết trước tiên cần ưu tiên chuyện gì. Thấy họ vào trong, tôi lon ton bước về. Thịnh Văn vừa bước vào thì ngoái lại hỏi: "Tính đi bộ về hả? Xa lắm đó!"

Ba Thịnh Văn cũng kêu: "Vô nhà đi con. Chút nữa chú lấy xe máy đưa cho về."

Thật ra tôi định về luôn, nhưng nghĩ lại đi bộ đến nhà thì cũng rã cặp dò, nên đành đi vào đợi một chút.

[rã cặp dò: rã rời đôi chân].

Nhà cậu ta nguy nga tráng lệ, chỉ mỗi phòng khách đã to bằng cả cái nhà tôi. Trong phòng khách còn có ghê nệm ngồi rất êm mông. Thậm chí còn cả một tủ kính nhưng thứ được trưng trong đó không phải là đồ vật. Tất cả đều là giấy khen của Thịnh Văn.

Mẹ Thịnh Văn đưa nó vào nhà trong, tôi thì được ba nó dắt lên bàn trà ngồi uống nước. Đây là lần đầu tiên tôi làm khách ở nhà người ta, thành ra vô cùng gượng gạo và lúng túng. Từ lúc bước vào đến giờ, tôi cứ cúi mặt nhìn xuống ly nước uống dở, im hơi lặng tiếng không nói điều gì.

Chú hỏi: "Nhà con ở đâu? Con là bạn của thằng Văn hả?"

Tôi hơi ngẩng mặt lên, nhìn chú đáp: "Con ở xóm dưới kia... Con hổng phải..."

Tôi đang nói thì bỏ lửng vì phát hiện ánh mắt chú đang nhìn tôi đăm đăm và có phần hốt hoảng. Lần đầu có người nhìn mình như vậy nên tôi không khỏi hoảng sợ, lại cúi mặt xuống, rút chân lên ghế ngồi co ro.

Có lẽ tự thấy điều bất thường, chú thở ra một hơi rồi nói: "Mắt của con nhìn rất đẹp, giống một người quen hồi mấy chục năm trước của chú."

Tôi định nói: "Ai cũng nói mắt con đẹp giống mẹ. Nhìn mắt thôi cũng đủ biết hai mẹ con.". Nhưng lời còn chưa kịp thốt ra thì Thịnh Văn và mẹ nó từ trong đã đi ra ngoài. Mẹ nó có vẻ đã bình tĩnh hơn, bà nói: "Cô cảm ơn con nghe. Lúc đó mà hổng có con giờ hổng biết thằng Văn của cô nó sao nữa.". Dừng một chút bà lại tiếp: "Còn con nữa! Mẹ kêu con đi tập lội rồi mà hông chịu nghe mẹ. Từ ngày mai là tập lội cho mẹ nghe hông! Chừng nào biết lội thì mẹ mới cho đi học một mình!".

[tập lội: học bơi]

Thịnh Văn nghe thấy thì gật đầu cho xong, tôi thì cứ ngóng tới ngóng lui nhìn ra bầu trời giờ đã tối đen như mực. Thấy tôi có vẻ sốt ruột, mẹ Thịnh Văn liền nói: "Anh lấy xe đưa cháu nó về đi, để ba mẹ thằng nhỏ trông ở nhà."

Ba Thịnh Văn đề xe nổ máy, cái đèn xe soi sáng rực một góc đường. Lúc xe chuẩn bị lăn bánh thì Thịnh Văn trong nhà chạy ra, dúi vào tay tôi một bịch bánh kẹo đủ loại, khẽ nói: "Cảm ơn.".

Tôi chỉ kịp đáp câu: "Nhớ tập lội nghe ba." thì chú đã chạy vọt lên phía trước. Tôi cứ mân mê túi bánh kẹo trước ngực, vì cái túi trong suốt nên tôi lờ mờ thấy được những cái bánh kẹo mà tôi chưa từng được nếm bao giờ. Nhìn tụi nó mà tôi nuốt nước bọt vào trong, lát nữa về đến tôi phải khoe với má và chị Hai mới được!

Đi được một đoạn, chú hỏi tôi: "Ba mẹ con làm nghề gì?"

Tôi vô tư đáp: "Ba con mất rồi. Còn má con thì dệt lợp."

Chú "À" một tiếng, nghe trong giọng có vẻ trầm buồn. Chú hỏi thêm: "Nhà con có mấy anh chị em?"

Tôi đáp: "Con có chị Hai nữa. Chị Hai lớn hơn con bốn tuổi, sắp học lớp 12 rồi đó chú."

Chú nghe vậy thì giọng điệu phấn khởi hơn, chú hỏi: "Nhìn con với thằng Văn nhà chú chắc cũng xêm xêm. Nó sắp vô lớp 8 rồi, còn con học lớp mấy rồi?"

Dù chú không nhìn thấy, nhưng tôi vẫn lắc đầu nói: "Con hông có đi học. Má con nói nhà nghèo nên chỉ lo được cho chị Hai thôi à. Nhưng mà má con dạy con biết chữ. Con đọc được sách của chị Hai, nhưng mà trong đó toàn ghi cái gì khó hiểu. Chắc con đi học cũng học hông nổi rồi nghỉ sớm nhưng mấy thằng bạn của con thôi à."

Ngồi sau lưng chú khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn khi cả hai trò chuyện. Chú hiền hậu, lại quan tâm hỏi han tôi đủ điều. Chú khiến tôi nghĩ về ba tôi, nếu ông còn sống thì chắc chỉ lớn tuổi hơn chú một xíu. Và chắc trong một đêm nào đó, ba tôi cũng chở tôi đi khắp đầu làng ngõ hẻm giống như thế này.

Tôi mãi thả hồn theo mấy điều nghĩ ngợi, chẳng thấy xe đã huốc qua nhà mình từ lúc nào. Tôi vội vỗ vai chú: "Huốc rồi huốc rồi chú ơi!".

[huốc: đi quá, đi lố]

Chú chậm rãi quay đầu xe, tôi thì bước xuống nói: "Nhà con kế bên đây thôi. Con đi bộ mấy bước là tới."

Chỗ tôi bước xuống là nhà chú Bảy Ro, cách nhà thằng Bình một khoảng đất trống. Chú ngồi dưới mé sông hút thuốc, thấy tôi thì nói: "Phúc hả bây? Mày đi đâu mà để má mày chạy vòng vòng kiếm chiều giờ kìa! Nảy nó qua hỏi thằng Bình mà hông kím được mày, nó chạy xe ra chợ huyện luôn rồi!"

Tôi hốt hoảng đến líu cả lưỡi, nhờ chú: "Chú Bảy chú Bảy, chú điện thoại cho má con dùm...". Thằng Bình trên nhà bước xuống, nói: "Mày tới số rồi con ơi. Chuyến này sưng đít. Tối trốn bên nhà tao luôn đi!"

Tôi tạm biệt ba Thịnh Văn rồi tót lên nhà thằng Bình cố thủ. Tối má kêu chị Hạnh sang kêu tôi về ngủ, tôi vẫn sợ ăn đòn nên trốn hết cả đêm.

Chuyện đã qua tận bốn năm năm, mà khi nhắc lại vẫn chừng như mới đó.

Rồi mỗi năm sau đó, khi Thịnh Văn lên lớp mới, tập sách của cậu đều mang qua cho tôi. Lúc này đây cũng vậy, trên tay Thịnh Văn cầm một gói đồ to tướng, bên trong là tập sách học hành cả năm lớp 12 của cậu.

Thịnh Văn cho sách tôi, nhưng tôi không dám để má thấy. Nếu không má sẽ buồn biết chừng nào khi biết thật ra tôi vẫn luôn muốn đến trường như bao người.

Dù mỗi năm chỉ ghé một hai lần, nhưng Thịnh Văn nghiễm nhiên trở thành "khách quý" của nhà tôi. Nhìn vẻ ngoài trắng trẻo dễ thương của cậu, ai cũng biết nhà cậu hẳn là no ăn ấm mặc. Mà tính cách của Thịnh Văn cũng vô cùng lịch thiệp, dù cho điều này khiến cậu có chút già hơn so với tuổi.

Tôi với má đều thích gọi cậu là Thịnh Văn, cái tên thật đặc biệt và sang trọng. Cậu là người cắt nghĩa cho tôi về tên của cậu, cũng là người dạy tôi không ít điều hay mà khó hiểu trong sách. Chữ viết của Thịnh Văn rất đẹp, tôi nhờ những ghi chép đó mà học được không ít về thế giới xung quanh.

Như mọi lần, Thịnh Văn giúp tôi mang đống sách vào trong, đặt vào một góc trong buồng. Dù cho thân phận công tử, bước vào một chỗ tối tăm xập xệ như nhà tôi, Thịnh Văn cũng chưa một lần chê bai bất cứ điều gì.

Tôi hỏi: "Hôm nay đi đâu mà ăn bận bảnh dữ vậy?"

Thịnh Văn đáp: "Hôm nay Văn đi ăn tiệc chia tay lớp cũ. Tụi mình thi đại học xong rồi, chỉ chờ kết quả nữa thôi."

Tôi chợt có chút chạnh lòng, sau đó lại hỏi tiếp: "Vậy là Thịnh Văn sắp sửa lên Sài Gòn học giống chị Hạnh hả?"

Thịnh Văn đáp: "Chưa biết nữa, ba má Văn muốn Văn đi du học. Văn thấy cái nào cũng tốt, nhưng vẫn muốn lên Sài Gòn hơn."

Học trong nước và học ngoài nước, đối với Thịnh Văn đều nằm trong bàn tay, còn đối với tôi thì lại là một giấc mơ tuyệt đẹp nhưng xa xôi diệu vợi. Chợt sau hè vang lên tiếng thằng Bình: "Mày xong chưa? Trời tối luôn rồi kìa."

Tôi kêu lớn tiếng đáp lại: "Đợi chút đi.". Xong lại quay sang nói với Thịnh Văn: "Văn nói với ba má chưa? Chắc là cô chú sẽ không phản đối đâu. Mà Văn học giỏi, đi du học thì tương lai càng rộng mở."

Thịnh Văn chợt xoa đầu tôi, nói: "Nhưng mà nếu vậy thì không thể thường xuyên ghé thăm Phúc được rồi!"

Ngoài hè lại có tiếng thằng Bình gào thét, giọng có vẻ bực bội hơn bình thường: "Rồi có đi hông?"

Tôi gắt gỏng đáp lời: "Mày đi trước đi! Khỏi đợi tao!"

Lời nói vừa dứt, phía sau đã có tiếng bước chân sột soạt. Không phải tự dưng tôi nổi quạo, mà vì trời còn sớm bửng, nó thì cứ hối tôi như giặc.

Nói chuyện được thêm một lúc, tôi với Thịnh Văn bước ra sau hè, nhìn những cánh diều đầu tiên thong dong trên bầu trời thênh thang, vùng vẫy trong nắng gió. Thịnh Văn chợt nói: "Nếu thật sự đi du học, chắc Văn sẽ nhớ cảnh này lắm."

Tôi lại giở chút vốn liếng văn vẻ ít ỏi của bản thân ra, nói: "Nếu Văn đi du học, thì có thể như con diều đó, chạm đến đỉnh cao không nhiều người đạt được."

Thịnh Văn lại rằng: "Nếu Văn là con diều trong gió lộng, vậy Phúc làm dây diều nhé? Dây buộc vào diều, giúp diều bay thật cao, lại giữ cho diều không bị gió cuốn đi mất."

Tôi nghe thì chữ hiểu chữ không, bởi câu này có vẻ nhiều hàm ý sâu xa quá. Thịnh Văn chợt choàng tay qua đặt lên vai tôi, vỗ vỗ: "Đợi lúc Văn trở về sẽ đưa Phúc đi đó đi đây như hồi trước Văn từng hứa nhé?"

Trước đây mỗi khi đọc sách thấy chỗ này hay, chỗ kia đẹp, tôi cứ thốt ra câu: "Ước gì được tới chỗ này cho biết.".

Thịnh Văn những lúc đó hay đáp: "Sau này lớn rồi Văn sẽ dắt Phúc đi bất cứ nơi nào Phúc muốn. Chịu hông?"

Những lúc đó tôi nghe thì thấy rất bình thường, sao mà lúc này ngẫm lại thấy nó cứ bất thường kiểu gì chẳng biết.

Tôi còn chưa kịp đáp gì, Thịnh Văn đã chào tôi chuẩn bị ra về. Trước khi rời đi chỉ nói: "Phúc với dì Hai ở lại mạnh giỏi. Khi nào có dịp Văn sẽ về thăm."

Tôi đứng nhìn bóng lưng Thịnh Văn chạy đi khuất rồi mới quay bước trở vào. Nghe câu nói đó, có vẻ Thịnh Văn sẽ thực sự ra nước ngoài du học. Nhưng tôi nghĩ người như cậu ấy, học ở đâu cũng sẽ thành công thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro