Chapter 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


" Đi chơi với tôi nhé!"

" Không."

" Vậy chúng ta làm bạn nhé."

" Không."

" À vậy thôi, cảm ơn cậu."

" Ừ."

Cứ tưởng rằng bên dưới tán cây bàng đỏ rực, được tô điểm thêm sắc vàng óng ánh của hoàng hôn, làm dậy lên màu hồng của tình yêu thì một chuyện tình đẹp sẽ được viết nên. Câu chuyện lãng mạn của hoa khôi và anh chàng lập dị, cùng nhau vượt qua mọi gian nan thử thách. Phá bỏ rào cản của định kiến xã hội mà se duyên, tạo nên bản tình ca du dương.

Nhưng không, đó là kịch bản của cuốn truyện ngôn tình nổi tiếng mà chú bảo vệ trường đang đọc chăm chú thôi.

Chứ ở nơi đây thì khác hẳn.

Cũng là hoa khôi của lớp.

Cũng là anh chàng lập dị.

Nhưng chẳng có câu chuyện lãng mạn nào được viết nên cả, chẳng có mối tình xuyên định kiến. Không gì cả.

Chỉ có một cuộc hội thoại lãng xẹt, ngắn gọn và thừa thãi.

Nàng hoa khôi ấy lấy tay chỉnh nhẹ mái tóc đen dài óng ả. Tay còn lại vẫn vuốt đều trên màn hình, những âm thanh eo éo của bản nhạc đang nổi tiếng hòa theo điệu nhảy của một chàng người mẫu nào đó. Cô nàng nhịp chân, miệng ngậm cây kẹo mút vừa mới được xuất ra thị trường ngày hôm nay.

" Vậy thôi, mình về đây."

Anh chàng kia quay đầu bỏ đi, để lại sau lưng cô gái ấy vẫn thản nhiên đứng trước cổng trường.

Bóng hình thất thểu ấy khuất dần, cùng lúc đó từ phía xa xa cô gái cũng đã bước lên một chiếc xe mô tô tuyệt đẹp do một công tử đẹp trai, ăn mặc thời trang điều khiển.

Anh chàng cứ đi về phía ánh hoàng hôn, những bước chân nặng nhọc lê bước loạt xoạt. Chiếc cặp khổng lồ đè trên chiếc lưng còng, mồ hôi từng giọt chảy xuống gò má lún phún những cọng râu be bé mới nhú.

" Lạ thật, rõ ràng mình làm theo trong cuốn sách đó rồi mà."

Cậu mở cuốn sách nhỏ, trang bìa hồng được trang trí bởi những hình trái tim, ở góc trái cuốn sách là thần Cupid được vẽ nét chibi trông ngộ nghĩnh, đang giương chiếc cung tình yêu của mình.

" Cách để có người yêu."

Đúng là không thể tin được những thứ ở trên mạng, khi màn hình quảng cáo cứ hiện lên nào là những bài viết hướng dẫn cách cưa đổ người mình thầm thương trộm nhớ, cách có người yêu trong một tháng, cách hết " ế".

" Xạo thật sự, tốn công mình mua nó."

Cậu thở dài, đưa cánh tay gầy guộc chỉnh lại chiếc kính cận dày cộp đang góp phần làm cậu trở nên giống một tên mọt sách hơn.

Năm nay đã là năm lớp chín, một thời điểm cực kỳ quan trọng đối với tất cả học sinh trung học cơ sở nói chung và cậu nói riêng. Thời điểm để kỳ thi chuyển cấp được diễn ra, quyết định đến con đường học vấn và cả tương lai về sau của mọi học sinh.

Việc có thể bước tiếp vào một trường cấp ba, được tiếp tục con đường học vấn. Hay là " Rẽ ngang", học vào một trường trung cấp nào đó, hoặc là đi học nghề. Tất cả sẽ được quyết định vào kỳ thi sắp tới nay.

Trên lớp, những đoàn người cứ ùn ùn kéo vào từng lớp, rao giảng về lợi ích và hứa hẹn về việc học nghề. Một con đường trải đầy hoa hồng khi mình không tiếp tục học cấp ba. Nào là lên đại học sớm hơn, nào là cơ hội việc làm, nào thì tối giảng các môn học mà vẫn giỏi.

Tất cả đều đi cùng với mức học phí " Thấp" mà chỉ cao gấp ba lần tiền học phí của trường chính quy thôi.

Và cũng vì để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng nhất cho kỳ thi sắp tới, ngoài việc chuẩn bị kiến thức sẵn sàng và một cơ thể khỏe mạnh ra, sức mạnh tinh thần là không thể thiếu. Mọi chuyện vướng bận, mọi tâm tư chưa dám nói đều phải được bộc lộ ra, để khi ta bước vào phòng thi thì điều duy nhất lắng đọng trong ta là kiến thức.

Cũng vì lẽ đó, đối với Anton thì việc tỏ tình với cô bạn mà cậu đã thầm thương trộm nhớ từ lúc bắt đầu vào học trung học cơ sở chính là điều cần thiết.

Để chuẩn bị cho dịp này, Anton đã bắt đầu nghiên cứu về những cách để thu hút cô bạn ấy từ hơn một năm. Thay đổi nhẹ ngoại hình, từ quần áo chỉnh chu hơn, tóc cắt cao và ngắn để tăng tính lịch sự. Cho đến việc chú ý đến học lực của mình, cậu từ một học sinh trung bình nay đã trở nên thuộc hàng khá trong lớp.

Ngoài ra cậu cũng luôn cố gắng bắt chuyện với nàng ấy, luôn sẵn sàng giúp đỡ bất cứ lúc nào nàng cần. Cho mượn sách, trực nhật giúp, chỉ bài,...

Và không vì thế mà cậu làm mất đi sự bí ẩn, cậu không bao giờ nói ra món ăn yêu thích, thể loại phim cậu thấy hứng thú và cũng không nhắn tin quá nhiều để khiến cô ấy phải nói cậu yên lặng.

Nhưng tất cả mọi thứ ấy đều không đủ để chiếm lấy trái tim cô ấy.

Nhất là khi Anton là một thằng nghèo kiết xác.

Cậu không có xe đẹp để đi, không có những chiếc điện thoại hàng hiệu. Tiền tiêu cũng chẳng một đồng dính túi, đến nỗi cậu phải mò từng đồng lẻ mà ai đó đánh rớt trên sân trường để tích góp mà mua cuốn sách khi nãy nay đã vô tích sự.

Cậu chỉ có trên người bộ đồng phục đã sờn màu mua từ năm đầu tiên nhập học, chiếc cặp đen cũ bị đứt một bên dây đeo, đôi giày xăng-đan mòn gót được cho bởi nhà hảo tâm vô danh nào đó.

Đến cả đôi bàn tay của cậu cũng bị nhem nhuốt vết đen do nhọ và bụi đất, không trắng nổi.

Nhưng ít nhất là vẫn có một nơi để cậu quay về.

Một nơi cũng tồi tàn không kém, nơi ở của những số phận nghèo khó như cậu.

" Con về rồi."

Anton đứng trước một tòa nhà cũ, màu sơn xanh lá đã phai màu và bám rêu phong. Chiếc bảng " Nhà tình thương Ezekiel" Cũng bị mất chữ " Th" vì rỉ sét.

Anton nhìn quanh, vẫn là tòa nhà bị vây quanh bởi đồng nước hoang, những con đỉa quẩy bơi dưới làn nước đục ngầu cứ lúc nhúc. Tiếng ếch kêu ộp ộp nghe vui tai.

Cậu đẩy nhẹ cửa qua bên, cánh cửa sắt rỉ sét mở hé, Anton bước vào trong sân, nơi chất rất nhiều vật dụng không dùng tới như vải vụn và chai nhựa chờ đem bán.

" Anh Anton!"

Từ bên trong nhà, ba bốn đứa trẻ thân hình ốm yếu chạy ra. Chúng cứ ríu rít xung quanh cậu, hai đôi mắt sáng rỡ, cái miệng be bé cứ mấp máy không ngừng.

" Anh ơi, có kẹo 'hông'? Kẹo đâu rồi?"

Anton cười bẽn lẽng, móc lấy từ trong cặp ra vài ba viên kẹo sô cô la mà cậu được thưởng do phát biểu trong giờ hướng nghiệp. Bọn trẻ cuống quit khi thấy kẹo, đôi chân thoăn thoắt ấy cứ đan vào nhau.

" Từ từ thôi mấy em, ai cũng có."

Anton từ tốn phát cho mỗi đứa trẻ những viên kẹo ấy, cậu thở phào vì may mắn sao cậu đã giơ tay rất nhiều trong giờ hướng nghiệp. Những anh chị sinh viên cứ mời cậu vì ngoài cậu ra, chẳng có ai trong lớp giơ tay cả.

" Anh Anton."

Từ bên trong, một cô bé cỡ mười hai tuổi bước ra, cô cũng ốm yếu không kém gì những đứa bé khác với khuôn mặt hốc hác được khéo che đi bằng mái tóc thắt bím xơ xác của mình.

" Mẹ Teresa đâu em?"

Anton cởi giày ra và mau chóng rửa chân, một mùi hôi bốc lên từ đôi chân đẫm mồ hôi phảng phất.

" Mẹ vẫn đang may, còn nhiều hàng để làm lắm."

Cô bé trả lời.

" Vậy bếp sao rồi?"

Anton bỏ cặp xuống nền đất lem luốt, uể oải bước vào trong.

" Em có đi chợ mua ít rau với xíu thịt nọng, em cũng có nấu cơm rồi."

Anton gật đầu.

" Mà anh ơi, nhà mình cũng sắp hết gạo rồi."

Anton thở dài.

" Anh biết rồi, khi nào có giảm giá thì anh ra mua về. Mà em có nói cho mẹ Teresa biết chưa?"

Cô bé lắc đầu.

" Dạ em không nói."

Anton xoa đầu cô bé.

" Đúng rồi, đừng cho mẹ biết để mẹ bớt lo. Vụ này anh tự xử lí được."

Nói rồi Anton bước vào trong nhà, một mùi ẩm mốc sộc thẳng vào mũi cậu. Mùa mưa qua đi để lại hàng đống rêu mọc ở khắp nơi. Dù cho có cọ rửa nhiều đến thế nào thì vẫn rất khó để dọn sạch đống rêu ấy. Chiếc ti vi hộp từ thập niên 90 cho đến bây giờ đã có tuổi đời hơn ba mươi tuổi cứ rè rè, phát một chương trình dạy viết cho thiếu nhi trông vui mắt. Những đứa trẻ chăm chú viết cặm cụi những nét chữ nguệch ngoạc, những bụi gôm rơi lả chả xuống sàn.

Không một lời quản thúc, tất cả những đứa trẻ đều tự động làm điều ấy.

Chúng hiểu rằng, chỉ có học thật tốt thì mới kéo chúng ra khỏi cảnh no dồn đói góp hiện tại.

Anton bước ngay vào bếp, ba chiếc nồi cơm điện xôi ùng ục, hơi nước tỏa ra khắp cả phòng. Cậu bước tới chiếc tủ kính thấp màu xám, mở tủ và lấy ra một chiếc nồi sắt lớn có chứa món thịt kho được nấu từ mấy ngày trước nay đã được để nguội để hâm lại. Chiếc bếp rỉ bật lên một tiếng cách, ngọn lửa xanh dương hừng hựt cháy. Chiếc nồi được để lên và dần dần những tiếng lục bục cũng phát ra từ bên trong.

Bắp cải và cà chua đã được rửa sạch và sẵn sàng để nấu. Anton lấy một chiếc nồi lớn từ bên dưới gầm bếp, cậu cho nước đến nửa nồi và trong lúc chờ cho nước sôi, cậu nhặt hành lá và ngò. Những lớp hành đầy đất và ngọn hành héo úa đều được lượt bỏ, cả những cọng ngò đã héo cũng như vậy.

Tiếng lục bục từ nồi nước sôi, những bóng nước lăn tăn nổi lên mặt nước trông vui mắt. Cậu đổ hết bắp cải và một vài lát cà chua đã cắt vào trong. Muối, đường và hạt nêm rẻ tiền được thả vào trong để tăng thêm hương vị đậm đà.

Thịt kho lúc này cũng đã tỏa ra một mùi thơm dễ chịu. Cậu cầm lấy một bịch tiêu nhỏ mà rắc lên bề mặt. Tắt bếp, xới cơm, giờ chỉ còn chờ canh chín và dọn chén bát ra là được.

" Diona, gọi các em vào dọn chén bát đi."

Cô bé thắt bím tóc khi nãy lon ton chạy vào, cô bé cầm lấy một thanh kim loại nhỏ mà gõ vào chiếc kẻng sắt. Tiếng len keng vang khắp căn nhà.

" Anh để em trông nồi canh cho."

Diona nói.

Anton gật đầu, cậu lách ra khỏi bếp khi các em cô nhi cùng trại đang chạy ùa vào bên trong. Cậu bước lên chiếc cầu thang kim loại hơi rỉ sét, tiếng ầm ầm nhỏ vang lên trông như chiếc cầu thang này sắp xập xuống bất kỳ lúc nào vậy.

Trên tầng, tiếng máy may cứ loạch xoạch đều đều. Thỉnh thoảng xen giữa là tiếng cạch của bàn đạp. Từ hôm kia đến giờ tiếng máy may đã không ngừng hoạt động hết công suất. Những bao tải chứa nào là áo quần, nào là găng tay chất đống ngoài cửa.

" Mẹ ơi."

Anton bước vào căn phòng nhỏ, bên trong được treo đầy những bức vẽ nguệch ngoạc sặc sỡ của trẻ em. Nào là căn nhà với những đứa trẻ vui đùa, chiếc máy bay xé gió vút đi, người đàn ông với cây thập giá sau lưng đang vui vẻ nắm tay những đứa trẻ trên cánh đồng.

Ở giữa phòng là một chiếc máy may màu xám, một người đàn bà trung niên với thân hình ốm yếu đang cần mẫn may, chiếc kim nâng lên hạ xuống liên tục, tạo nên những đường chỉ dài nối liền trên chiếc áo sơ mi màu cam.

" Con về rồi à Anton?"

Người đàn bà ngẩng mặt lên. Khuôn mặt vuông chất phác nhẹ mỉm cười nhưng cũng không thể che đi nét mệt mỏi và quầng thâm trên mắt do ngủ không đủ giấc. Đôi môi mỏng tái nhợt nhẹ mấp máy. Hai tay vẫn căng chiếc áo sơ mi kia ra như dính liền vào nó vậy.

" Có cơm rồi, để con may giúp cho, mẹ xuống ăn đi."

Anton bước đến chiếc máy may.

" Không sao, mẹ may cũng sắp xong rồi, chỉ thêm vài ba bao hàng nữa là đủ để giao."

Bà ấy khua tay.

" Bên xưởng sao mà kì cục, giao nhiều hàng thế mà chỉ cho bốn ngày. Muốn vắt kiệt sức người ta à?"

Anton nhăn mặt.

" Nhưng mà họ trả nhiều, dù gì thì xong kiện này thì mẹ đủ tiền để đóng cho con đi thi rồi."

" Con thật sự không muốn đi thi chút nào, mẹ Teresa à."

Anton nói.

" Chỉ một buổi thi thôi mà đóng quá nhiều phí. Muốn trấn lột à?"

" Không sao đâu, mẹ đủ tiền để cho con đóng mà. Chỉ là không đủ để con đi học thêm thôi."

" Con chẳng cần đi học thêm." Anton chắc nịt.

" Con nắm cũng gần hết mọi kiến thức mà trên lớp thầy cô dạy rồi. Với lại bài thi thử của con điểm cũng khá cao mà."

Anton chống tay lên hông, vẻ tự tin.

" Mà để con may cho, mẹ xuống ăn cơm chung với các em đi. Diona đang ở bên dưới đó."

Anton để tay lên vai bà.

" Thôi, còn vài cái áo. Mẹ làm xíu là xong."

" Mẹ cứ để con, con cũng biết may mà."

" Con ăn rồi đi học đi, để mẹ làm."

" Con làm hết bài tập lúc giờ ra chơi trên trường rồi. Mẹ xuống đi."

Anton kéo tay của bà ra.

" Vậy thôi, con may giùm mẹ xíu nha."

" Để con cho, mẹ ăn rồi chợp mắt xíu đi."

Mẹ Teresa đứng lên, hơi loạng choạng do ngồi lâu. Anton đỡ bà xuống dưới.

" Diona, lát anh ăn sau, em coi nói mấy em rửa chén nha."

" Dạ." Diona gật đầu, tay còn đang xới nồi cơm.

Anton lên lầu, ngồi vào chiếc máy may và tiếng loạch xoạch lại vang lên.

Trong nền công nghiệp may mặc của con người, có lẽ việc chế tạo thành công ra máy may là thành tựu vĩ đại nhất. Chiếc máy này có cách sử dụng không quá phức tạp nhưng để thành thạo thì cũng cần một thời gian luyện tập. So chỉ vào kim, nối chỉ. Đạp bàn đạp để bắt đầu may và cố gắng không để cho cây kim xuyên vào tay mình. Mỗi bước đạp mang lại từng đường chỉ chính xác, từ đó một chiếc áo tuyệt đẹp sẽ sẵn sàng.

Anton đã học được cách sử dụng máy may từ năm mười ba tuổi. Có nhiều lần khi hàng không quá nhiều thì cậu đã xin mẹ Teresa cho phép mình may thay bà. Cậu cũng có một số lần tính may lén để đỡ việc cho bà vào ban đêm nhưng mẹ Teresa mỗi khi có đơn hàng mới đều dành cả ngày để làm cho hết, từ đó cậu không mấy có cơ hội giúp đỡ.

Nhưng hôm nay, có lẽ vì đã thấm mệt nên bà mới để cho cậu làm mà chợp mắt một tí.

Cậu may còn hơi chậm, nhưng những đường may của cậu cực kỳ thẳng và đều, nếu có thời gian để luyện tập thì vài ba năm nữa cậu sẽ may đẹp chẳng kém gì mẹ Teresa.

Trời cứ thế dần tối đi và bao hàng cũng đầy lên. Cho đến gần khuya thì hai bao hàng đã đầy ắp.

" Tuyệt! Vậy chỉ cần thêm một bao nữa là đủ hàng, mẹ sẽ vui lắm đây!"

Anton mừng thầm.

Bỗng dưới nhà có tiếng xe từ xa chạy đến. Tiếng xe này rất lạ, không giống tiếng của ông hàng xóm. Chiếc xe đỗ trước nhà, và những tiếng đập cửa lớn dồn dập vang lên.

" Ê, bà Teresa Inasiov có nhà không?"

" Bà Teresa Inasiov, mau ra đây!"

Những tiếng quát tháo lớn vang hết cả căn nhà làm bọn trẻ bừng tỉnh. Tiếng đập cửa ngày càng mạnh. Thiếu điều chỉ thêm xíu nữa thôi là cánh cửa sẽ đổ xập.

Bà Teresa mặc vội chiếc áo khoác cũ mà mở hé cửa, Anton cùng Diona cũng chạy xuống theo. Anton giắt theo mình cái chổi gỗ dài phòng trường hợp xấu.

" Tôi là Teresa đây, các anh cần gì?"

" Con trai bà, Martin Inasiov thiếu nợ chúng tôi 10000 đô-la, trả mau lên!"

" Cái gì..."

Bà Teresa sững người, trước mặt bà là năm sáu tên mặt mũi bặm trợn, ở giữa là một người máu me bê bết đang bị trói.

Tai bay vạ gió...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro