BỐN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giờ đây sự chờ đợi uể oải lan khắp bệnh viện. Chỉ những thủy thủ bị vàng da là còn lưu lại. Các y tá nói rất nhiều chuyện vui nhộn và hấp dẫn về họ. Các hạ sĩ quan dẻo dai này ngồi trên giường mạng tất của họ, và khăng khăng đòi tự tay giặt quần áo lót, rồi đem phơi trên những dây phơi tự chế, treo dọc trên các lò sưởi. Những anh còn buộc phải nằm trên giường thà chịu đau đớn còn hơn là nhờ người mang chai tiểu đến. Mọi người còn bảo rằng các thủy thủ còn khỏe cố còn nài để tự họ chăm sóc khu và đã đảm nhiệm việc quét dọn và đẩy cái thanh đẩy nặng nhọc. Các cô gái chưa từng chứng kiến đàn ông biết làm những chuyện nhà như thế, và Fiona bảo cô sẽ không lấy anh nào chưa từng phục vụ trong Hải quân Hoàng gia.

Không vì lý do cụ thể nào, các thực tập sinh được cho nghỉ nửa ngày, không phải học hành gì, tuy nhiên vẫn phải mặc đồng phục. Sau bữa trưa Briony đi cùng Fiona qua sông, băng ngang Nhà Nghị viện vào Công viên St. James. Họ tản bộ quanh hồ, mua trà ở một quán rong, và thuê ghế dựa dài để nghe những ông già thuộc Đội quân Cứu thế chơi nhạc Elgar chuyển thể cho nhạc cụ đồng và bộ gõ. Trong những ngày tháng Năm này, trước khi câu chuyện về nước Pháp được hiểu một cách cặn kẽ, trước khi thành phố bị đánh bom vào tháng Chín, London có những dấu hiệu bên ngoài của thời chiến, nhưng tâm thế thích hợp thì chưa. Đồng phục, bích chương cảnh báo chống bọn nội phản, hai hầm tránh máy bay lớn đào dưới bãi cỏ công viên, và khắp mọi nơi, bộ máy hành chính gắt gỏng. Trong khi các cô gái ngồi trên ghế dựa, một người đàn ông đeo băng tay và đội mũ tiến tới đòi xem mặt nạ phòng độc của Fiona - nó bị áo choàng của cô che mất một phần. Trừ những thứ đó, đây vẫn là thời gian yên bình. Trong một khoảnh khắc, những lo lắng về tình trạng ở Pháp đã lan khắp đất nước cho đến lúc đó chợt tan biến trong nắng chiều. Người chết vẫn chưa xuất hiện, những người vắng mặt được coi là còn sống. Cảnh tượng như trong giấc mơ bởi quá bình thường. Những xe nôi lướt trên con đường, rèm hạ xuống che nắng chói, và những em bé trắng trẻo sọ còn mềm há hốc miệng nhìn thế giới bên ngoài lần đầu tiên. Những đứa bé hình như trốn tản cư chạy trên cỏ hò hét cười đùa, ban nhạc vật lộn với thứ âm nhạc vượt ngoài khả năng của mình, và ghế tựa vẫn giá hai xu một chiếc. Thật khó tin được rằng chỉ cách đó chưa đến trăm dặm là một thảm họa chiến tranh.

Suy nghĩ của Briony vẫn dính chặt vào những chủ đề của cô. Có lẽ London sẽ ngộp trong khí độc, hay bị giày xéo dưới chân lính dù Đức được đám nội phản trên mặt đất giúp đỡ, trước khi đám cưới của Lola có thể diễn ra. Briony đã nghe một người đẩy xe biết tuốt bảo, nghe giọng khá là thỏa mãn, rằng giờ thì không gì có thể ngăn nổi bọn Đức. Chúng có chiến thuật mới còn mình thì không, chúng hiện đại hóa, còn mình chưa. Lẽ ra các ông tướng phải đọc cuốn sách của Liddell Hart, hoặc đến phòng người đẩy xe ở bệnh viện trong bữa trà và căng tai nghe như nuốt từng câu.

Ngồi cạnh cô, Fiona nói về thằng em trai bé bỏng đáng yêu của mình và những thứ hay ho thằng bé nói lúc ăn tối, còn Briony giả vờ nghe mà nghĩ đến Robbie. Nếu đang chiến đấu ở Pháp, rất có thể anh đã bị bắt. Hay còn tệ hơn. Làm sao Cecilia chịu đựng nổi cái tin ấy? Khi âm nhạc, sống động lên nhờ những âm nghịch tai không có trong tổng phổ, lên đến đỉnh cao khàn đặc, cô bóp chặt tay vịn ghế gỗ, nhắm mắt lại. Nếu có chuyện gì xảy đến với Robbie, nếu Cecilia và Robbie không bao giờ được ở bên nhau... Nỗi đau khổ bí mật của cô và cơn chinh chiến làm đảo lộn cả đất nước trước nay luôn có vẻ như là hai thế giới tách biệt, nhưng giờ cô hiểu rằng chiến tranh có thể làm cho tội ác của cô nặng nề hơn đến mức nào. Giải pháp duy nhất có thể tưởng tượng được là quá khứ chưa bao giờ xảy ra. Nếu anh không quay về... Cô khao khát được có quá khứ của một ai khác, được là một ai khác, như Fiona nồng nhiệt với cuộc đời không vết chàm trải dài phía trước, và gia đình đầm ấm đông đúc của cô, có chó và mèo đặt tên theo tiếng Latin, nhà là nơi tụ họp nổi tiếng cho dân nghệ sĩ ở Chelsea. Tất cả những gì Fiona phải làm là sống đời mình, đi theo con đường phía trước và khám phá những điều sẽ xảy ra. Với Briony, có vẻ như cả đời cô sẽ sống trong một căn phòng, không cửa.

"Briony, cậu ổn chứ?"

"Sao cơ? Ừ, dĩ nhiên. Tớ ổn, cám ơn cậu." "Tớ không tin. Tớ lấy cho cậu ít nước nhé?"

Khi tiếng vỗ tay dồn dập vang lên - dường như không ai quan tâm ban nhạc này chơi dở thế nào - cô nhìn Fiona băng qua bãi cỏ, qua đám nhạc công và người đàn ông vận áo choàng nâu cho thuê ghế, tới chỗ quán cà phê nhỏ giữa đám cây. Đội quân Cứu thế đang bắt đầu chơi bài "Bye Bye Blackbird" mà họ có vẻ thành thạo hơn hẳn. Mọi người ngồi trên ghế cất giọng hát cùng, một số còn vỗ tay nhịp theo. Hát cùng nhau có nét gì đó hơi gượng ép - khi những người chưa từng quen biết lại cố tìm mắt nhau trong lúc trỗi giọng hát lên - mà cô cương quyết cưỡng lại. Tuy thế, nó vẫn làm tinh thần cô phấn chấn, và khi Fiona quay lại tay cầm một tách nước, còn ban nhạc bắt đầu một liên khúc những bài yêu thích thuở xưa với "It's a Long Way to Tipperary", họ bắt đầu nói về công việc. Fiona kéo Briony vào buôn chuyện - họ thích ai trong số đám y tá chuyên nghiệp, và ghét những ai, về Y tá trưởng Drummond mà Fiona có thể giả giọng, và bà quản lý vừa bệ vệ vừa lãnh đạm chẳng kém gì bác sĩ tham vấn. Họ điểm lại các kiểu lập dị của bệnh nhân, và họ chia sẻ những chuyện cần than thở - Fiona cáu tiết vì mình không được phép để cái này cái nọ lên bậu cửa sổ, Briony ghét việc cứ đến mười một giờ là phải tắt đèn - nhưng họ buôn chuyện với sự thích thú e dè và càng lúc càng cười như nắc nẻ, đến nỗi mấy cái đầu bắt đầu quay về hướng họ, và những ngón tay đặt lên môi ra hiệu một cách khoa trương. Nhưng những cử chỉ đó chỉ nghiêm nghị nửa vời thôi, và hầu hết họ đều ngồi trên ghế quay lại mỉm cười bao dung, vì có gì đó ở hai cô y tá trẻ - y tá trong thời chiến - vận váy dài đeo thắt lưng màu trắng và tím, áo choàng màu lam thẫm và mũ trắng tinh, khiến họ không thể chê trách được, như là những ma xơ. Hai cô gái cảm nhận được mình là bất khả xâm phạm và cười lớn tiếng hon, đến thành tiếng rinh rích vừa vui nhộn vừa ché giễu. Fiona hóa ra lại có khiếu bắt chước rất tài, và dù vui vẻ cách mấy, sự hài hước của cô có một nét ác nghiệt mà Briony lại thích. Fiona có thổ ngữ Lambeth riêng của mình, và với sự cường điệu nhẫn tâm cô diễn tả sự dốt nát của vài bệnh nhân, những nài xin của họ bằng giọng rầu rĩ ỉ ôi van vỉ. Tiêm tôi đấy, Y tá. Nó luôn nằm sai bên. Mệ tôi cũng hệt thế. Có thật là em bé chui ra khỏi mông mình không, Y tá? Zì tôi không biết bé của tôi làm sao mà vừa đây, khi mà cái của tôi núc nào cũng bị bịt lại. Tôi cóa sáu đứa nhỏ, rồi tôi đi và bỏ quên một đứa trên xe buýt, chiếc tám mươi tám từ Brixton. Hẳn nà bỏ quên ló trên ghế rồi. Chẳng bao giờ thấy lại ló nữa, Y tá ạ. Buồn ghê gớm, thật đấy. Khóc hết cả nước mắt.

Khi họ đi bộ về lại Parliament Square Briony vẫn vui như khướu và đầu gối rủn ra muốn khuỵu vì cười dữ quá. Cô băn khoăn, khi thấy tâm trạng mình chuyển biến chóng vánh đến vậy. Những nỗi lo của cô không biến mất, chỉ tuột lại sau, năng lượng cảm xúc của chúng bị vắt kiệt tạm thời. Tay khoác tay hai cô gái bước qua cầu Westminster. Nước rút ra xa, và dưới ánh đèn rực sáng đến thế có một lớp óng ánh màu tía trên bờ sông đầy bùn cát nơi hàng ngàn những đụn giun đùn hắt những cái bóng sắc cạnh nhỏ xíu. Khi Briony và Fiona rẽ phải vào đường Lambeth Palace họ nhìn thấy một đoàn xe tải quân đội tập trung bên ngoài cổng chính. Các cô gái rên rỉ theo kiểu đùa cợt trước viễn cảnh nhiều đồ đạc sắp sửa lại phải dỡ xuống và sắp xếp.

Rồi họ nhìn thấy những xe cấp cứu dã chiến giữa các xe tải, và đến gần hơn họ thấy cáng, vô số cáng, ngổn ngang khắp trên mặt đất, và chồng đống những quần áo lính xanh lục bẩn thỉu và băng dính máu. Cũng có cả lính đứng thành nhóm, bàng hoàng, bất động, và băng bó cũng như những người nằm trên mặt đất bằng thứ băng bẩn thỉu. Một hộ lý đang thu thập súng trường từ phía sau một xe tải ra. Vô số người đẩy xe, y tá, bác sĩ đang đi lại trong đám đông. Năm hay sáu xe đẩy đã được đưa ra phía trước bệnh viện - rõ ràng là không đủ. Trong một giây, Briony và Fiona dừng lại nhìn, và rồi, cùng khoảnh khắc đó, họ bắt đầu chạy.

Chưa đầy một phút họ chạy tới giữa đám người kia. Khí xuân trong lành không làm tan nổi mùi xăng dầu và những vết thương thối rữa. Mặt và tay đám lính đen sì, và với hàm râu lởm chởm lâu ngày không cạo, mái tóc đen xỉn màu, những nhãn dán được buộc tạm vào từ trạm tiếp nhận người bị thương, trông họ y hệt nhau, một giống người hoang dã từ một thế giới khủng khiếp. Những người đang đứng có vẻ đã ngủ. Thêm nhiều y tá và bác sĩ đổ ra từ lối vào. Một bác sĩ tham vấn đang chỉ huy và người ta đã sơ khai hình thành thứ tự chữa trị theo mức độ vết thương. Một vài ca khẩn cấp đang được đưa lên xe đẩy. Lần đầu tiên trong đợt tập huấn của mình, Briony thấy mình được một bác sĩ chỉ đạo, một bác sĩ thực tập chuyên khoa cô chưa bao giờ thấy trước đó.

"Cô, cầm lấy đầu kia cáng."

Đích thân người bác sĩ cầm lấy đầu còn lại. Cô chưa bao giờ khênh cáng và sức nặng của nó khiến cô ngạc nhiên. Họ mới đi qua lối vào được mười thước trên hành lang thì cô biết cổ tay trái mình không nâng nổi nữa. Cô cầm đầu cáng phía chân. Người lính mang lon hạ sĩ. Anh ta không đi bốt còn ngón chân xanh tái thì bốc mùi. Đầu anh quấn băng ướt sũng máu đỏ thẫm và đen kịt. Trên bắp đùi, bộ quân phục dính lút vào trong vết thương. Cô nghĩ mình có thể thấy đầu xương trắng lòi ra. Mỗi bước họ đi lại làm anh đau đớn. Mắt anh nhắm tịt, nhưng anh há rồi ngậm miệng trong đau đớn không lời. Nêu tay trái cô buông, cái cáng chắc chắn sẽ nghiêng. Những ngón tay của cô đang lỏng dần thì họ đến thang máy, bước vào trong và hạ cáng xuống. Trong khi họ từ từ đi lên, viên bác sĩ bắt mạch người lính, và lút mạnh vào qua mũi. Anh ta quên mất là có mặt Briony ở đó. Khi tầng hai từ từ hạ xuống trước mắt, cô chỉ nghĩ đến ba mươi mét hành lang tới khu, và liệu mình có nâng nổi tới đó không. Bổn phận của cô là phải bảo với bác sĩ mình không làm nổi. Nhưng anh ta quay lưng lại cô khi mở giật cửa thang máy ra, và bảo cô cầm lấy đầu cáng. Cô dồn thêm sức lên tay trái, và cô mong tay bác sĩ đi nhanh hơn. Cô sẽ không chịu nổi sự ô nhục nếu không làm được. Anh lính mặt đen há miệng ra rồi lại ngậm vào như đang nhai. Lưỡi anh ta đầy những đốm trắng. Yết hầu đen sì trồi lên rồi xuống, và cô buộc mình phải nhìn vào đó. Họ rẽ vào khu, và may cho cô một giường cấp cứu trống nằm ngay cạnh cửa. Ngón tay cô đã tuột ra rồi. Một y tá trưởng khu và y tá đã tốt nghiệp đang đợi. Khi thận trọng chuyển cáng vào song song với giường, những ngón tay của Briony chùng lại, cô không cử động nổi chúng nữa, liền nâng đầu gối trái lên vừa kịp lúc để đỡ sức nặng. Tay cán bằng gỗ nện vào chân cô. Cái cáng nghiêng ngả, và chính y tá khu đã ghé vào giữ cho vững. Viên hạ sĩ bị thương thổi qua môi một tiếng hoài nghi, như thể anh ta chưa bao giờ nghĩ cái đau lại có thể lớn đến vậy.

"Vì Chúa lòng lành, cô gái," viên bác sĩ lẩm bẩm. Họ đặt bệnh nhân lên giường.

Briony đợi xem họ có cần mình không. Nhưng giờ ba người kia đang bận rộn và lờ cô đi. Y tá đang tháo băng đầu, y tá khu thì cắt quần của anh lính ra. Tay bác sĩ quay ra chỗ có ánh đèn để đọc các ghi chú viết vội trên cái nhãn dán anh ta đã giật ra từ áo người kia. Briony khẽ hắng giọng và cô y tá khu nhìn quanh tỏ vẻ khó chịu khi thấy cô vẫn ở đó.

"Đừng có đứng không ở đó, Y tá Tallis. Xuống tầng mà giúp một tay đi."

Cô nhục nhã bỏ đi, cảm thấy một cảm giác trống rỗng lan khắp bụng.

Khoảnh khắc chiến tranh chạm vào đời cô, vào khoảnh khắc sức ép đầu tiên ấy, cô đã thất bại. Nếu bị buộc phải khiêng thêm một cái cáng nữa, cô sẽ không đi nổi nửa đường tới chỗ thang máy. Nhưng nếu bị sai làm, cô sẽ không dám từ chối. Nếu làm rơi cáng cô sẽ lẳng lặng ra đi, thu thập đồ đạc trong phòng cho vào va li, và sang Scotland làm nghề nông. Sẽ tốt hơn cho tất cả mọi người. Khi vội vã đi trên hành lang tầng trệt, cô gặp Fiona đang đi ngược lại khênh đầu trước một cái cáng. Cô khỏe hơn Briony. Khuôn mặt người đàn ông cô đang khênh bị băng che phủ hoàn toàn, với một cái hốc màu đen ở chỗ miệng. Mắt hai cô gái gặp nhau và một cảm giác chạy qua qua giữa họ, kinh hoàng, hay xấu hổ vì đã cười vui vẻ trong công viên khi mà ở đây thì thế này.

Briony ra ngoài và nhẹ nhõm thấy cái cáng cuối cùng đã được nâng lên xe đẩy mới đưa tới, và người đẩy xe đang đợi đẩy đi. Một chục y tá tốt nghiệp đang đứng sang một bên cạnh va li của họ. Cô nhận ra vài người trong khu của mình. Không có thời gian hỏi họ được cử đi đâu. Chuyện gì đó thậm chí còn tệ hơn đang diễn ra ở đâu đó. Ưu tiên bây giờ là những người bị thương còn đi lại được, vẫn còn hơn hai trăm người bọn họ. Một y tá khu bảo cô dẫn mười lăm người lên khu Beatrice. Họ theo sau cô xếp hàng một dài khắp hành lang, như trẻ con chơi rồng rắn ở một trường tiểu học. Một số tay đeo băng, một số khác đầu hay ngực bị thương. Ba người đi nạng. Không ai nói gì. Chỗ thang máy đường đi bị tắc lại vì những xe đẩy đợi đưa vào phòng phẫu thuật dưới hầm, và những người vẫn đang cố đi lên các khu. Cô tìm thấy một phòng con cho mấy người đi nạng ngồi, bảo họ đừng đi đâu, và đưa số còn lại lên bằng đưòng cầu thang. Hàng người đi rất chậm và đến chiếu nghỉ nào họ cũng dừng chân. "Giờ không còn xa đâu," cô cứ nói thế, nhưng họ dường như không biết là có cô.

Khi họ lên đến khu, quy tắc bắt buộc cô phải báo cáo với y tá trưởng. Bà ta không có ở văn phòng. Briony quay lại bầy học sinh đứng túm tụm lại sau lưng cô. Họ không nhìn cô. Họ trân trối nhìn qua cô, về khoảng không mang dáng dấp thời Victoria rộng lớn trong khu, những cây cột sừng sững, những cây cọ trồng trong chậu, những cái giường đều tăm tắp và khăn trải giường tinh khiết, lật úp xuống.

"Mọi người đợi ở đây," cô nói. "Y tá trưởng sẽ phân giường cho tất cả."

Cô rảo chân đi về đầu bên kia nơi y tá trưởng và hai y tá đang chăm sóc một bệnh nhân. Có những tiếng chân lê bước sau lưng Briony. Đoàn lính đang theo vào khu. Kinh hoảng, cô vẫy tay ra hiệu cho họ. "Quay lại, xin hãy quay lại và đợi."

Nhưng giờ họ đã tản ra khắp khu. Mỗi người đều đã tìm thấy cái giường của mình. Không đợi phân định, không cả cởi bốt, không tắm rửa không bắt chấy rận và không mặc pyjama bệnh viện, họ đang leo lên giường. Đầu tóc bẩn thỉu của họ, khuôn mặt đen kịt của họ ngả xuống gối. Từ đầu kia khu y tá trưởng đang sầm sập bước tới, giày cao gót nện vang trong khoảng không thiêng liêng. Briony lại đứng cạnh một giường giật tay áo một người lính nằm ngửa mặt, ôm cánh tay bị tuột khỏi băng đỡ. Khi duỗi thẳng chân ra, anh làm dây một vết ố dầu lên khắp chăn. Tất cả là lỗi của cô.

"Anh phải ngồi dậy," cô nói khi y tá trưởng đã tới bên cô. Cô yếu ớt chêm vào, "Phải có thủ tục." '

"Mọi người cần ngủ. Thủ tục để sau." Giọng Alien. Y tá trưởng đặt một tay lên vai Briony và xoay người cô lại để có thể đọc được bảng hiệu tên cô. "Cô sẽ quay về khu của mình bây giờ, Y tá Tallis. Mọi người sẽ cần cô ở đó, tôi nghĩ vậy."

Với một cú đẩy nhẹ nhàng, Briony được cho đi. Khu có thể hoạt động mà không cần người chấp hành kỷ luật như cô. Những người xung quanh cô đã chìm vào giấc ngủ, và một lần nữa cô bị chứng tỏ là kẻ ngu ngốc. Dĩ nhiên họ cần ngủ. Cô chỉ muốn làm điều mà cô nghĩ là người ta đòi hỏi. Suy cho cùng đây đâu phải là quy định của cô. Chúng đã được lải nhải vào tai cô trong suốt mấy tháng qua, hàng ngàn chi tiết cần làm khi đón nhận một bệnh nhân mới. Làm sao cô biết được trên thực tế chúng chẳng có ý nghĩa gì? Những ý nghĩ căm phẫn này làm cô khổ sở cho đến khi về gần đến khu của mình, thì cô mới nhớ ra nhóm người đi nạng ở tầng dưới, đợi thang máy đưa lên. Cô vội vã xuống cầu thang. Phòng nhỏ trống không, và không có dấu hiệu nào của họ trong hành lang cả. Cô không muốn phơi bày sự yếu kém của mình khi đi hỏi các y tá hay người đẩy xe. Ai đó hẳn đã tập trung những người bị thương lên trên. Trong những ngày sau đó, cô chẳng bao giờ thấy lại họ nữa.

Khu của cô đã được cải tạo làm phòng phụ cho phẫu thuật cấp tính, song những định danh này đầu tiên chẳng có nghĩa gì cả. Nó chẳng khác gì một trạm phân cấp thương binh ở tiền tuyến. Các y tá trưởng và y tá cao cấp cũng được huy động tới để giúp đỡ, và năm sáu bác sĩ đang phẫu thuật những ca khẩn cấp nhất. Có hai cha cố, một người ngồi nói chuyện với người nằm cạnh ông, người kia đang cầu nguyện cạnh một cơ thể dưới lớp chăn. Tất cả các y tá đều đeo khẩu trang, và họ cùng các bác sĩ đã xắn hết tay áo lên. Các y tá trưởng lanh lẹ di chuyển giữa các giường, tiêm - chắc là moóc phin - hay lắp kim truyền cho người bị thương đặng nối với những chai đựng máu và bình plasma màu vàng treo lủng lẳng như kỳ hoa dị thảo trên giá di động. Các y tá thực tập đi lại trong khu với hàng chồng chai nước nóng. Tiếng vang khe khẽ của những giọng nói, giọng y tế, tràn ngập trong khu, và thường xuyên bị xé toang bằng những tiếng rên rỉ gào thét đau đớn. Tất cả các giường đều đã có người nằm, những người mới thì phải để lại trên cáng và đặt nằm giữa hai giường để tận dụng giá truyền máu. Hai hộ lý sẵn sàng chờ chuyển người chết đi. Ở rất nhiều giường, các y tá đang tháo băng bẩn ra. Luôn là tùy họ quyết, hoặc làm nhẹ nhàng và chậm rãi, hoặc chắc chắn và nhanh chóng, cho mọi sự kết thúc ngay trong khoảnh khắc đau đớn duy nhất. Khu này nghiêng về cách sau, chính vì vậy mới có vài tiếng gào thét. Khắp nơi, một thứ hỗn hợp mùi - mùi chua chua nhầy nhầy của máu tươi, và cũng của quần áo bẩn, mồ hôi, dầu, thuốc tẩy uế, cồn y tế, và lơ lửng trên tất cả, mùi hoại tử. Hai ca chuyển xuống phòng phẫu thuật hóa ra là phải cắt chi.

Bởi các y tá cấp cao đã chuyển đến các bệnh viện tiếp nhận những ca bị thương ở rất xa khuôn viên bệnh viện, và càng nhiều ca đổ đến, các y tá tốt nghiệp được ra lệnh thoải mái, và các thực tập viên trong khóa của Briony được giao những trách nhiệm mới. Một y tá sai Briony tháo băng và rửa vết thương ở chân cho một hạ sĩ nằm trên cáng cạnh cửa. Cô sẽ không băng lại mà chờ một bác sĩ đến khám xem. Hạ sĩ nằm úp mặt xuống, và nhăn nhó khi cô quỳ xuống nói vào tai anh.

"Tôi hét thì đừng để ý," anh lẩm bẩm. "Rửa sạch nó đi, Y tá. Tôi không muốn mất nó."

Ống quần đã được cắt gọn ghẽ. Lớp băng bên ngoài trông còn khá mới. Cô bắt đầu tháo ra, và khi không thể nào luồn tay xuống dưới chân anh, cô dùng kéo cắt phéng lớp băng đi.

"Chúng nện tôi cú ấy chỗ cạnh cảng ở Dover."

Giờ chỉ còn lớp gạc, đen kịt vì máu đông, dọc theo vết thương chạy từ đầu gối đến mắt cá chân. Bản thân cái chân thì không có lông và màu đen. Cô sợ sẽ gặp điều tệ nhất và thở qua miệng.

"Này sao anh có thể bị một thứ như thế này chứ?" Cô buộc mình nói vẻ hoạt bát.

"Đạn pháo tới, hất tôi bật ra sau lên cái hàng rào tôn múi." "Rủi gớm. Giờ anh biết là cái băng này phải tháo ra nhé." Cô khẽ bóc một đầu lên và tay hạ sĩ nhăn mặt.

Anh ta nói, "Đếm cho tôi, kiểu một hai ba ấy, rồi giật thật nhanh vào."

Viên hạ sĩ siết chặt nắm tay lại. Cô cầm đầu gạc đã tháo, túm chặt lấy bằng ngón trỏ và cái, rồi đột ngột giật một cái kéo phắt miếng gạc ra. Một ký ức ấu thơ tràn đến với cô, khi nhìn thấy trong bữa tiệc sinh nhật chiều màn ảo thuật giật khăn bàn nổi tiếng. Lớp băng tháo ra hoàn toàn, với tiếng rẹt chói tai như có dính keo.

Viên hạ sĩ nói, "Tôi nôn mất."

Cô đưa khay y tế. Anh ta ọe, nhưng không nôn ra cái gì. Những nếp da sau cổ anh lấm tấm mồ hôi. Vết thương dài nửa mét, có lẽ hơn, và vòng tận sau đầu gối. Những vết khâu vụng về không đều. Đây đó một rìa da bị rách nhô lên cao hơn rìa kia, để lộ ra những lớp mỡ, và những chỗ da ép lại như những chùm nho màu đỏ nhỏ xíu bị đẩy dồn từ dưới chỗ rách lên.

Cô nói, "Nằm yên. Tôi sẽ rửa xung quanh, nhưng sẽ không chạm vào." Cô sẽ chưa chạm vào nó. Cái chân đen và mềm như một quả chuối chín nẫu. Cô nhúng bông vào cồn. Sợ rằng da sẽ cứ thế sượt đi, cô rửa nhẹ nhàng, quanh bắp chân, trên vết thương chừng năm phân. Rồi cô chùi lại, mạnh hơn một chút. Da rất chắc, vì thế cô ấn bông xuống cho đến khi anh ta rụt người. Cô bỏ tay ra và thấy khoảnh da trắng trẻo nhờ có cô lau sạch mới được lộ ra. Miếng bông đen sì. Không phải hoại tử. Cô không kìm nổi thở hắt ra vì nhẹ nhõm. Thậm chí cô còn thấy họng mình nghẹt lại.

Anh ta nói, "Sao thế, Y tá? Cô có thể nói cho tôi biết." Anh nhỏm dậy và cố nhìn qua vai. Giọng anh nghe có vẻ sợ hãi.

Cô nuốt nước bọt rồi bình thản nói, "Tôi nghĩ nó đang lành lại khá ổn."

Cô lấy thêm bông. Đó là dầu, hay dầu nhờn, trộn với cát biển, và nó không chịu để lau đi một cách dễ dàng. Cô lau một khoảng mười lăm phân trở lại, chỉ ở vùng xung quanh vết thương.

Cô đang lau được vài phút thì một bàn tay đặt lên vai cô và một giọng phụ nữ vang lên trong tai cô, "Tốt lắm, Y tá Tallis, nhưng cô phải nhanh tay hơn."

Cô đang quỳ gối, cúi bên trên cáng, áp sát vào giường, và không dễ quay đầu lại. Đến khi quay, cô chỉ thấy dáng hình quen thuộc đang xa dần. Anh hạ sĩ đã ngủ mất khi Briony bắt đầu lau quanh những vết khâu. Anh rụt người và nhúc nhích nhưng không tỉnh dậy hẳn. Mệt mỏi là thuốc mê hữu hiệu. Khi cuối cùng cô đứng thẳng lên, thu thập khay y tế và đống bông thấm bẩn, một bác sĩ đến và cô được cho đi.

Cô kỳ cọ tay và được giao cho một nhiệm vụ khác. Với cô giờ mọi thứ đều rất khác khi cô đã đạt được một thành tựu nho nhỏ. Cô được giao đi tiếp nước cho các binh lính đã ngất xỉu vì kiệt sức trong trận chiến. Không để họ bị mất nước là điều rất quan trọng. Nào uống nào, Binh nhì Carter, uống cái này rồi anh có thể ngủ tiếp. Giờ ngồi dậy... Cô cầm một ấm trà tráng men nhỏ màu trắng và cho họ mút nước từ vòi trong khi cô đỡ cái đầu bẩn thỉu của họ cho ngả vào tạp dề mình, như những em bé khổng lồ. Cô lại đi cọ rửa, và lần này đi vòng quanh thu bô. Cô chưa bao giờ thấy việc này ít khó chịu như thế. Cô được sai đi chăm sóc một người lính bị thương ở bụng, anh ta cũng bị mất một phần mũi. Cô có thể thấy xuyên qua chỗ sụn đầy máu vào thẳng miệng anh ta, cả mặt trên cái lưỡi rách nát nữa. Nhiệm vụ của cô là lau mặt cho anh. Lại một lần nữa, là dầu trộn với cát ăn vào da vì sức ép. Anh vẫn tỉnh, cô đoán, nhưng nhắm chặt mắt lại. Moóc phin đã khiến anh nằm yên, và anh khẽ xoay từ bên này sang bên kia, như thể đong đưa theo tiếng nhạc trong đầu. Khi những đường nét trên mặt bắt đầu hiện ra sau lớp mặt nạ đen, cô nghĩ đến những cuốn sách bằng giấy bóng trống trơn mà hồi nhỏ cô dùng một cây bút chì cùn tô lên để làm cho bức tranh hiện ra. Cô cũng tưởng tượng một trong những người này rất có thể là Robbie, cô sẽ băng vết thương cho anh mà không biết anh là ai, và dùng miếng bông nhẹ nhàng lau mặt anh cho đến khi những đường nét quen thuộc của anh hiện lên, và anh sẽ quay nhìn cô biết ơn, nhận ra cô là ai, và cầm tay cô, và im lặng siết chặt, tha thứ cho cô. Rồi anh sẽ để cô ngả anh nằm xuống chìm vào giấc ngủ.

Nhiệm vụ của cô khó khăn lên. Cô được cử cầm kẹp phoóc xếp và khay y tế đến một khu gần đó, tới giường một phi công bị mảnh trái phá găm vào chân. Anh cảnh giác nhìn cô khi cô đặt dụng cụ xuống.

"Nếu phải lấy hết ra, tôi thà phẫu thuật còn hơn."

Tay cô run run. Nhưng cô ngạc nhiên khi nó đến với cô lại dễ dàng đến vậy, cái giọng nhanh nhẹn của cô y tá không-vớ-va-vớ-vẩn. Cô kéo mành lại quanh giường anh.

"Đừng ngốc nghếch. Mình sẽ lấy hết ra trong nháy mắt thôi. Sao lại bị thế này hở?"

Trong khi anh ta giải thích cho cô rằng nhiệm vụ của anh là xây dựng đường băng trên những cánh đồng miền Bắc nước Pháp, mắt anh vẫn nhìn cái kẹp phoóc xếp bằng thép mà cô lấy từ nồi hấp ra. Nó nằm nhỏ nước trong khay y tế có cạnh xanh da trời.

"Bọn tôi cứ thế làm việc thôi, rồi Jerry đến và thả bom của hắn xuống. Bọn tôi rút đi, bắt đầu lại từ đầu trên một cánh đồng khác, rồi lại Jerry và chúng tôi lại lùi ra sau. Cho đến khi chúng tôi rơi xuống biển."

Cô mỉm cười và kéo chăn đắp của anh ra. "Xem một cái thế nào nhé?"

Dầu và bụi bẩn đã được rửa sạch khỏi chân anh để lộ ra một khoảng dưới bắp đùi nơi những mảnh bom găm vào thịt. Anh cúi tới, lo lắng nhìn cô.

Cô nói, "Nằm lại đi để tôi xem ở đó có gì."

"Chúng không làm phiền tôi chút nào đâu." "Nào nằm ngửa ra."

Mảnh bom nằm khắp một vùng ba mươi phân. Quanh mỗi chỗ rách trên da đều có những khoảng sưng và hơi viêm tay lên.

"Tôi không phiền gì đâu, Y tá. Tôi sẽ rất sung sướng để chúng nguyên ở đó." Anh cười không chút thuyết phục. "Có thứ mà cho cháu chắt coi chớ."

"Chúng sẽ nhiễm trùng," cô nói. "Và có thể lặn vào." "Lặn à?"

"Vào trong thịt anh. Vào máu anh và dẫn lên tim. Hoặc não."

Anh ta có vẻ tin cô. Anh nằm lại và thở dài nhìn trần nhà trên cao. "Mẹ nó chứ. Ý tôi là, xin cô thứ lỗi, Y tá. Tôi nghĩ hôm nay mình chưa làm được."

"Đếm cùng nhau, nhé?"

Họ làm thế, đếm to. Tám cái. Cô nhẹ nhàng đẩy vào ngực anh. "Chúng phải được lấy ra ngoài. Giờ nằm lại đi. Tôi sẽ làm càng nhanh càng tốt. Nếu thấy có ích, cứ túm lấy thanh đầu giường phía sau anh ấy."

Chân anh căng ra và run lẩy bẩy khi cô cầm cái kẹp lên. "Đừng nín thở nhé. Cố thư giãn."

Anh phì ra một tiếng khịt mũi, giễu cợt. "Thư giãn!"

Cô dùng tay trái cầm chặt tay phải. Sẽ dễ hơn cho cô nếu ngồi xuống mép giường, nhưng thế là không chuyên nghiệp và bị cấm tuyệt đối. Khi cô đặt tay trái lên một phần chân không bị thương của anh, anh rụt lại. Cô chọn mẩu bé nhất nằm ở ngoài rìa đám mảnh đạn. Phần lòi ra là một mũi hình tam giác xiên. Cô nhíp lấy nó, dừng lại một giây, rồi kéo ra chắc chắn, dứt khoát, nhưng không giật mạnh.

"Đù má!"

Cái từ vô tình buột ra bật nảy khắp trong khu và dường như tự lặp lại vài lần. Sau lớp mành chợt im lặng, hay ít nhất là tiếng động giảm đi. Briony vẫn giữ mảnh kim loại dính đầy máu giữa đầu kẹp. Nó dài chừng hai phân và thuôn thành một đầu nhọn. Những bước chân cả quyết đang tiến đến gần. Cô thả mảnh đạn xuống khay y tế đúng lúc Y tá trưởng Drummond kéo tấm mành qua một bên. Bà tuyệt đối bình tĩnh khi liếc nhìn chân giường để biết tên người này và, có lẽ, tình trạng của anh ta, rồi bà đứng cạnh anh ta và đăm đăm nhìn vào mặt anh.

"Sao anh dám," Y tá trưởng khẽ nói. Và bắt đầu lại, "Sao anh dám ăn nói như thế trước mặt y tá của tôi."

"Tôi xin lỗi bà, Y tá trưởng. Buột mồm bay ra thôi."

Y tá trưởng Drummond khinh khỉnh nhìn xuống cái khay. "So sánh với những ca chúng tôi đã tiếp nhận trong vài giờ qua, Phi công Young, vết thương của anh chả là cái gì cả. Vì thế anh hãy tự coi mình là may mắn đi. Và anh hãy thể hiện chút ít lòng dũng cảm xứng đáng với bộ quân phục của anh. Làm tiếp đi, Y tá Tallis."

Trong khoảng im lặng sau khi bà đi khỏi, Briony rạng rỡ nói, "Mình tiếp tục nhé? Chỉ còn bảy miếng thôi. Khi nào xong, tôi sẽ mang cho anh một cóc Brandy."

Anh đổ mồ hôi, toàn thân run rẩy, và những khóp ngón tay trắng bợt ra quanh thanh đầu giường bằng sắt, nhưng anh không phát ra một tiếng nào khi cô tiếp tục rút các mẩu đạn ra.

"Anh biết đấy, anh có thể hét lên, nếu muốn."

Nhưng anh không muốn Y tá trưởng Drummond đến thăm lần thứ hai, và Briony hiểu. Cô để mảnh lớn nhất lại cuối cùng. Nó không ra luôn trong một lần rút. Anh vùng vẫy trên giường, và rít qua hàm răng nghiến chặt. Lần thứ hai, mảnh đạn lòi ra khỏi thịt anh năm phân. Cô giật được nó ra trọn vẹn trong lần thứ ba, và giơ lên cho anh xem, một mẩu kim loại lởm chởm đầu nhọn mười phân đẫm máu.

Anh trân trối nhìn nó kinh ngạc. "Rửa nó đi, Y tá. Tôi sẽ mang thằng này về nhà." Rồi anh gục đầu vào gối và bắt đầu nức nở. Có thể là do từ nhà, cũng có thể là do chỗ đau. Cô lướt đi lấy Brandy cho anh, và tạt vào phòng giặt rửa để nôn.

Trong một khoảng thời gian dài cô đi tháo băng, rửa và băng bó những vết thương nhẹ hơn. Rồi cái mệnh lệnh mà cô sợ hãi đổ đến.

"Tôi muốn cô đi băng mặt Binh nhì Latimer."

Trước đó cô đã cố cho anh ăn bằng một cái muỗng trà đút vào phần còn lại của miệng anh, cố tránh cho anh sự nhục nhã khi mọi thứ cứ nhểu ra khỏi miệng. Anh hất tay cô đi. Chỉ nuốt thôi cũng đã là việc rất hành xác. Một nửa khuôn mặt anh đã bị bắn tan. Điều cô sợ, còn hơn cả thay băng, là ánh mắt trách móc trong đôi mắt nâu to kia của anh. Các người đã làm gì tôi thế này? Hình thức giao tiếp của anh là một tiếng aaa khẽ khàng từ dưới họng, một tiếng rên rỉ thất vọng.

"Chúng tôi sẽ chữa cho anh rất nhanh thôi", cô cứ liên tục lặp đi lặp lại, và không thể nghĩ ra điều gì khác. Và giờ, tiến đến giường của anh trên tay cầm các thứ, cô hồ hởi nói, "Xin chào, Binh nhì Latimer. Lại là tôi đây."

Anh nhìn cô không nhận ra. Cô nói khi tháo cái băng ghim chặt trên đỉnh đầu anh, "Sẽ ổn cả thôi. Một hai tuần nữa thôi là anh sẽ nghênh ngang bước đi ngoài kia, rồi anh thấy. Và thế là nhiều hơn những gì chúng tôi có thể nói với rất nhiều người ở đây rồi đấy."

Đó là một điều an ủi. Luôn luôn có ai đó nặng hơn. Nửa tiếng trước họ đã phẫu thuật cắt bỏ tứ chi của một đại úy từ East Surrey - trung đoàn mà trai tráng làng cô đã tham gia. Và rồi còn có cả người chết.

Dùng một cái kẹp phẫu thuật, cô bắt đầu cẩn thận kéo dải băng đã đông cứng lại vì máu ra khỏi lỗ hổng trên nửa mặt anh. Khi phần cuối cùng kéo xong, anh chỉ còn hơi giông giống phần đầu không có mặt trước của mô hình người dùng trong lớp phẫu thuật. Mặt anh đã nát bấy, đỏ thẫm và sống sít. Cô có thể nhìn xuyên qua gò má bị mất của anh đến tận răng hàm trên và dưới, và cái lưỡi sáng bóng, dài một cách gớm ghiếc. Lên trên một chút, nơi cô không dám đưa mắt nhìn, là những chỗ thịt bị bóc trần ra quanh hố mắt. Riêng tư quá, và lẽ ra không bao giờ để người khác nhìn vào. Binh nhì Latimer đã trở thành một con quái vật, và hẳn anh cũng đã đoán được như vậy. Trước đây có cô gái nào yêu anh chưa? Liệu cô ấy có thể tiếp tục không? 

"Chúng tôi sẽ chữa cho anh sớm thôi," cô lại nói dối.

Cô bắt đầu băng mặt anh lại bằng một miếng gạc sạch thấm nước khử trùng vôi clorua. Khi cô gài những cái ghim lên, anh phát ra một tiếng buồn bã.

"Tôi mang cho anh thuốc giảm đau nhé?" Anh lắc đầu và lại phát ra tiếng đó.

"Anh khó chịu à?" Không.

"Nước?"

Một cái gật đầu. Chỉ còn lại một góc nhỏ môi anh. Cô cho cái vòi ấm vào miệng anh và dốc. Mỗi lần nuốt anh lại nhăn mặt, mà thế thì lại khiến vùng xung quanh chỗ thịt bị mất trên mặt đau đớn. Anh không thể chịu đựng thêm nữa, nhưng khi cô bỏ ấm nước ra, anh giơ tay lên về phía cổ tay cô. Anh phải uống thêm. Thà đau hơn khát. Và cứ như thế trong vài phút - anh không chịu được đau, anh cần phải uống nước.

Cô muốn ở lại với anh, nhưng lúc nào cũng có những việc khác, luôn là một y tá yêu cầu giúp hay một người lính gọi từ giường mình. Cô được tạm rời khỏi các khu khi một người tỉnh thuốc mê nôn lên đùi cô và cô phải đi tìm một cái tạp dề sạch. Cô ngạc nhiên khi từ cửa sổ hành lang thấy ngoài trời tối đen. Năm tiếng đã trôi qua kể từ lúc họ từ công viên quay về. Cô đang đứng cạnh phòng để đồ giặt mà buộc tạp dề thì Y tá trưởng Drummond xuất hiện. Thật khó nói điều gì đã thay đổi - phong cách vẫn lãnh đạm kiệm lời, những mệnh lệnh không thể phản đôi. Có lẽ bên dưới sự kiềm ché xúc cảm kia là một sự lân mẫn và thấu hiểu trong nghịch cảnh.

"Y tá, cô sẽ đi giúp gắn túi Bunyan cho chân và tay Hạ sĩ MacIntyre. Cô sẽ dùng axit tanic để rửa phần còn lại cơ thể anh ta. Nếu có khó khăn gì, đến gặp thẳng tôi."

Bà quay đi ra lệnh cho một y tá khác. Briony đã thấy lúc họ đưa hạ sĩ vào. Anh là một trong số rất nhiều người bị bỏng dầu nặng trên một cái phà đang chìm ở Dunkirk. Anh được một tàu trong vùng vớt lên khỏi nước. Dầu sền sệt bám vào da và cháy thấu vào mô. Cái họ đã nâng lên giường là phế tích cháy rụi của một con người. Cô đã nghĩ anh không bao giờ sống sót nổi. Tìm ven để tiêm moóc phin cho anh không dễ. Trong hai giờ qua có lúc cô đã giúp hai y tá khác nâng anh ngồi lên bô và anh đã gào lên khi tay họ vừa chạm vào anh.

Túi Bunyan là những túi lớn bằng giấy bóng kính cel-lophane. Cái chân bị thương bồng bềnh bên trong, xung quanh là dung dịch nước muối phải ở chính xác nhiệt độ chuẩn. Sai lệch một độ là không thể chấp nhận được. Khi Briony tới, một y tá thực tập mang lò Primus trên xe đẩy đang chuẩn bị nước mới. Túi phải được thay thường xuyên. Hạ sĩ MacIntyre nằm ngửa dưới một cái khung chống giường vì anh không thể chịu nổi khi ga chạm vào da. Anh rên rỉ một cách thảm hại xin nước. Các ca bỏng luôn bị thiếu nước trầm trọng. Môi anh cũng bị bỏng nặng, sưng phồng lên, còn lưỡi thì rộp nặng đến nỗi không uống được nước bằng miệng. Bình nước muối của anh đã bị tuột ra. Kim không nằm yên được một chỗ vì mạch đã nát hết. Một y tá tốt nghiệp cô chưa từng gặp trước đây đang gắn một túi mới lên kệ. Briony chuẩn bị axit tanic trong một cái khay và lấy cuộn bông. Cô nghĩ sẽ bắt đầu từ chân anh hạ sĩ để không làm vướng víu chị y tá đang bắt đầu sờ cánh tay đen sì của anh, tìm ven.

Nhưng y tá đó bảo, "Ai bảo cô đến đây?"

"Y tá trưởng Drummond." Y tá nói ngắn gọn, và không nhìn lên trong lúc đang tìm ven. "Anh ta bị đau quá. Tôi muốn truyền nước cho anh ta xong rồi mới bắt đầu chữa trị. Đi tìm việc gì khác mà làm đi."

Briony làm theo. Cô không biết bao lâu sau - có lẽ vào khoảng một hai giờ sáng khi cô được sai đi lấy khăn mới, cô mới quay lại. Cô thấy cô y tá đó đứng cạnh lối vào phòng trực ban, khóc rấm rứt. Hạ sĩ MacIntyre đã chết. Giường của anh đã được dùng cho một ca khác.

Y tá thực tập và sinh viên năm thứ hai làm việc mười hai giờ không nghỉ. Những thực tập sinh và các y tá tốt nghiệp khác tiếp tục làm việc, và không ai nhớ mình đã làm việc bao lâu trong các khu. Tất cả những huấn luyện mà cô đã qua, sau này Briony cảm thấy, là một sự chuẩn bị hữu ích, đặc biệt là chuyện vâng lệnh, nhưng mọi thứ cô hiểu về nghề y tá cô học được là trong đêm hôm đó. Cô chưa bao giờ thấy đàn ông khóc trước đây. Thoạt đầu nó khiến cô kinh ngạc, và trong một giờ cô đã quen. Mặt khác, sự khắc kỷ của vài người lính khiến cô ngạc nhiên, thậm chí ghê tởm. Những người bị cắt cụt tay chân dường như buộc phải nói những câu đùa khủng khiếp. Giờ tôi phải đá bu nhà tôi bằng cái gì đây? Mọi bí mật của cơ thể bị phơi bày ra - xương lòi qua thịt, những cái nhìn mạo phạm vào ruột hay dây thần kinh thị giác. Từ góc nhìn mới mẻ và riêng tư này, cô học được một điều giản dị, hiển nhiên mà cô đã luôn biết, và ai ai cũng biết: rằng con người, bất chấp mọi định nghĩa khác, là một sản phẩm vật chất, dễ dàng bị xé nát, không dễ dàng vá lại. Cô đã tiếp cận chiến trường hơn hết trong cả cuộc đời mình, vì mỗi ca cô tham gia đều có những yếu tố căn bản của nó - máu, dầu, cát, bùn, nước biển, đạn, mảnh bom, dầu máy, hay mùi thuốc nổ, hay bộ quần áo chiến trận sũng mồ hôi, các túi đựng thức ăn ôi thiu cùng với những vụn chảy mềm của thanh Amo. Thường thường, khi quay trở lại bồn rửa có vòi cao và bánh xà phòng, chính cát biển là thứ cô đang cọ đi giữa những ngón tay mình. Cô và các y tá thực tập cùng nhóm chỉ nhận ra nhau là y tá, không phải bạn bè: cô hầu như không để ý thấy trong số những cô gái giúp đưa Hạ sĩ MacIntyre lên bô đặt trên giường có cả Fiona. Thỉnh thoảng, khi một người lính Briony đang chăm sóc bị đau đớn dữ dội, cô chợt cảm thấy một sự dịu dàng phi con người tách cô khỏi nỗi đau đớn, để cô có thể làm việc hiệu quả hơn và không kinh sợ. Đó là khi cô hiểu được nghề y tá nghĩa là gì, và cô khao khát được tốt nghiệp, được có huy hiệu đó. Cô hoàn toàn hình dung được mình có thể từ bỏ các tham vọng viết lách và tận hiến đời mình để được đáp đền lại bằng những giây phút tình yêu hoan hỉ, không phân biệt này.

Lúc ba rưỡi sáng, cô được bảo đi gặp Y tá trưởng Drummond. Bà đang ở một mình, dọn giường. Trước đó, Briony đã gặp bà trong phòng giặt rửa. Bà dường như có mặt khắp mọi nơi, làm mọi loại công việc. Tự động, Briony bắt đầu giúp bà.

Y tá trưởng nói, "Hình như tôi nhớ cô có biết một chút tiếng Pháp." "Chỉ là tiếng Pháp học ở trường thôi, thưa Y tá trưởng."

Bà gật đầu về phía cuối khu. "Cô thấy người lính ngồi kia, ở cuối dãy không? Phẫu thuật cấp tính, nhưng không cần phải đeo khẩu trang đâu. Cô tìm một cái ghế, đến ngồi với cậu ấy. Nắm tay cậu ấy và nói chuyện với cậu ấy."

Briony không thể nén được cảm giác bị xúc phạm. "Nhưng tôi chưa mệt, thưa Y tá trưởng. Thực tình đấy, tôi chưa mệt."

"Cô sẽ làm theo lời tôi." "Vâng, thưa Y tá trưởng."

Trông cậu như một thằng nhóc mười lăm, nhưng nhìn bảng theo dõi của cậu thì cô biết cậu bằng tuổi cô, mười tám. Cậu đang ngồi, được mấy cái gối đỡ lên, nhìn mọi người đi lại quanh mình với vẻ băn khoăn lơ đãng con trẻ. Thật khó mà nghĩ cậu là một người lính. Khuôn mặt cậu thanh tú, xinh xắn, lông mày đen, mắt xanh lục, và một cái miệng đầy tròn mềm mại. Mặt cậu rất trắng và có một độ sáng bất thường, đôi mắt thì sáng rực một vẻ không khỏe mạnh. Đầu cậu quấn đầy băng. Khi cô mang ghế tới và ngồi xuống cậu mỉm cười như thể đã đợi cô, và khi cô cầm tay cậu, cậu không có vẻ ngạc nhiên.

"Te voilà enfin." Nguyên âm tiếng Pháp có độ bật rất du dương, nhưng cô chỉ vừa đủ hiểu cậu. Tay cậu lạnh và nhớp khi cô sờ vào.

Cô nói, "Chị bảo tôi đến chuyện vãn với anh." Không biết từ, cô dịch từ "chị" theo nghĩa đen.

"Chị em rất tốt bụng." Rồi cậu hếch đầu lên nói thêm, "Mà chị ấy lúc nào chả thế. Mọi thứ với chị ấy ổn chứ? Độ này chị ấy làm gì?"

Trong mắt cậu có cả một sự thân mật và quyến rũ, sự nhiệt thành trai trẻ muốn cuốn cô vào câu chuyện, đến nỗi cô chỉ biết thuận theo.

"Chị ấy cũng là y tá."

"Đương nhiên rồi. Em đã kể cho tôi rồi. Chị ấy vẫn hạnh phúc chứ? Chị ấy lấy cái anh mà chị ấy yêu ghê gớm chưa? Em biết không, tôi không nhớ nổi tên anh đó. Tôi hy vọng em sẽ tha thứ cho tôi. Vì bị thương mà trí nhớ tôi kém quá. Nhưng họ bảo là nó sẽ sớm quay lại thôi. Tên anh ấy là gì nhỉ?"

"Robbie. Nhưng..."

"Giờ thì họ lấy nhau rồi và hạnh phúc chứ?" "Ừm, tôi hy vọng họ sẽ sớm lấy nhau."

"Tôi rất mừng cho chị ấy."

"Anh vẫn chưa nói cho tôi biết tên của anh." "Luc. Luc Comet. Còn em?"

Cô ngập ngừng. "Tallis."

"Tallis. Tên đẹp quá." Cách cậu phát âm nó, đúng là đẹp thật.

Cậu không nhìn mặt cô nữa mà nhìn quanh khu, chầm chậm quay đầu, kinh ngạc trong im lặng. Rồi cậu nhắm mắt lại và bắt đầu bên tục nói, khẽ khàng trong họng. Từ vựng của cô không đủ tốt để hiểu được cậu một cách dễ dàng. Cô nghe được, "Em đếm nó rất chậm, nắm trong tay, trên các ngón tay... khăn quàng của mẹ anh... anh chọn màu và anh sẽ phải sống với nó."

Cậu rơi vào im lặng trong vài phút. Tay cậu siết chặt tay cô hơn. Khi nói lại, mắt cậu vẫn nhắm.

"Em có muốn biết một điều kỳ quặc không? Đây là lần đầu tiên tôi đến Paris."

"Luc, anh đang ở London. Chẳng mấy chốc chúng tôi sẽ cho anh về nhà."

"Họ bảo rằng người dân ở đây lạnh lùng và không thân thiện, nhưng ngược lại thì có. Họ rất tử tế. Và em rất tử tế, vì đã đến gặp tôi lần nữa."

Trong một lúc cô nghĩ có lẽ cậu đã ngủ rồi. Lần đầu tiên được ngồi sau hàng giờ liền, cô cảm thấy cơn mệt mỏi của chính mình tụ sau hốc mắt.

Rồi cậu nhìn quanh mình, đầu vẫn quay chậm chạp như lúc nãy, rồi cậu nhìn cô nói, "Đương nhiên, em là cô gái nói giọng  Anh đó."

Cô nói, "Kể tôi nghe anh làm gì trước chiến tranh. Anh sống ở đâu?

Anh có nhớ được không?"

"Em có nhớ lễ Phục sinh năm đó không, khi em đến Millau?" Yếu ớt, cậu lắc tay cô từ bên này sang bên kia khi nói, như thể để khuấy động trí nhớ của cô, và đôi mắt xanh lục lướt nhìn mặt cô hy vọng.

Cô nghĩ lừa dối cậu là không phải. "Tôi chưa bao giờ đến Millau..." "Em có nhớ lần đầu tiên đến cửa hàng nhà tôi không?"

Cô kéo ghế lại gần giường. Khuôn mặt bóng nhẫy nhợt nhạt của cậu rạng lên và phập phồng trước mắt cô. "Luc, anh nghe tôi nói này."

"Tôi nghĩ mẹ tôi đã bán hàng cho em. Hay có lẽ là một cô em gái của tôi. Tôi đang làm việc với cha bên lò sau nhà. Tôi nghe giọng em và đến nhìn em thử..."

"Tôi muốn nói cho anh biết anh đang ở đâu. Anh không ở Paris..." "Rồi hôm sau em quay trở lại, lần này thì tôi ở đó và em nói..." "Anh sẽ ngủ rất nhanh thôi. Mai tôi sẽ đến gặp anh, tôi hứa."

Luc đưa tay lên đầu và cau mặt. Anh nói thấp giọng, "Tôi muốn nhờ em một việc nhỏ, Tallis."

"Dĩ nhiên được."

"Băng này chật quá. Em nới ra cho tôi một chút được không?"

Cô đứng lên ngó xuống đầu cậu. Băng thắt thành nơ để tháo ra cho dễ. Khi cô nhẹ nhàng kéo hai đầu dây ra cậu nói, "Em út của tôi, Anne, em có nhớ nó không? Nó là đứa xinh gái nhất Millau. Nó thi đậu kỳ thi chuẩn âm nhạc bằng một khúc nhạc ngắn tí của Debussy, đầy ánh sáng và vui nhộn. Ít nhất đấy là Anne nói thế. Nó cứ râm ran trong đầu tôi. Có lẽ em biết."

Cậu ngâm một vài nốt bất chừng. Cô đang tháo lớp gạc ra.

"Không ai biết nó hưởng tài năng đó ở đâu. Toàn thể gia đình tôi đều tuyệt đối không có khả năng. Khi chơi đàn lưng nó thẳng tắp. Nó không bao giờ cười cho đến khi chơi hết. Đấy dễ chịu hơn rồi đấy. Tôi nghĩ chính Anne là người bán hàng cho em khi lần đầu em đến cửa hàng."

Cô không định bỏ gạc ra, nhưng khi nới lỏng nó, lớp băng vô trùng dày cộp bên dưới tuột ra, kéo theo một phần băng đầy máu. Một bên đầu Luc đã mất. Tóc cạo nhẵn một khoảng rộng xung quanh phần sọ không còn. Dưới mép xương lởm chởm là một mảng não lỗ rỗ đỏ thẫm, rộng khoảng chục phân, chạy từ đỉnh đầu đến tận chóp tai. Cô bắt được miếng băng trước khi nó rơi xuống sàn, và cô nắm nó một lúc trong khi đợi cơn buồn nôn qua đi. Chỉ đến lúc này cô mới nhận ra mình đã làm một việc ngu ngốc và không chuyên nghiệp đến mức nào. Luc ngồi im lặng, đợi cô. Cô nhìn ra khu bệnh. Không ai để ý. Cô thay băng vô trùng, cố định lại gạc và buộc lại nút thắt. Khi ngồi xuống lại, cô tìm tay cậu, và cố làm mình vững vàng bằng cái siết tay lạnh nhớp nháp.

Luc lại tiếp tục nói. "Tôi không hút. Tôi hứa đưa khẩu phần mình cho Jeannot... Nhìn kìa, nó ở trên bàn cả đấy... giờ dưới mấy bông hoa... con thỏ không nghe được anh đâu, ngốc ạ..." Rồi lòi lẽ cuồn cuộn trào ra, và cô không hiểu được cậu nữa. Sau đó cô nghe được rằng cậu nhắc đến một ông thầy hiệu trưởng cực kỳ nghiêm khắc, hay có lẽ là một sĩ quan quân đội. Cuối cùng cậu im lặng. Cô lau mồ hôi trên mặt cậu bằng một cái khăn ướt rồi đợi.

Khi mở mắt ra, cậu tiếp tục câu chuyện của họ như thể chưa hề bị gián đoạn.

"Em thấy bánh mì dài và bánh mì mỏng của chúng tôi thế nào?" "Ngon lắm."

"Vì thế ngày nào em cũng đến." "Vâng."

Cậu dừng lại ngẫm nghĩ. Rồi cậu thận trọng nói, nhắc đến một vấn đề tế nhị, "Thế bánh sừng bò của nhà tôi?"

"Ngon nhất Millau."

Cậu mỉm cười. Khi cậu nói, sau cổ họng cậu có một tiếng rin rít mà cả hai đều lờ đi.

"Công thức đặc biệt của cha tôi đấy. Tất cả đều phụ thuộc vào chất lượng bơ."

Cậu mê mẩn nhìn cô. Cậu úp tay còn lại lên tay cô. Cậu nói, "Em biết là mẹ anh rất quý em đấy."

"Thật à?"

"Bà nói về em suốt. Bà nghĩ chúng mình nên lấy nhau vào hè tới."

Cô đáp trả cái nhìn của cậu. Cô đã hiểu tại sao mình được bảo đến đây. Cậu nuốt khó khăn, và từng giọt mồ hôi đang chảy trên lông mày cậu, dọc miếng băng và môi trên của cậu. Cô lau mồ hôi đi, và toan lấy nước cho cậu, thì cậu nói,

"Em có yêu anh không?"

Cô ngập ngừng. "Có." Không còn cách trả lời nào khác. Hơn nữa, vào giây phút đó, cô có yêu. Cậu là một cậu bé đáng yêu ở rất xa gia đình và sắp chết.

Cô cho cậu uống ít nước. Khi cô lau mặt cậu lần nữa cậu nói, "Em đến Causse de Larzac lần nào chưa?"

"Chưa. Em chưa tới đó bao giờ."

Nhưng cậu không bảo sẽ đưa cô đi. Cậu chỉ úp mặt vào gối, và rồi chốc sau lại lẩm bẩm những lòi không hiểu được. Tay cậu vẫn nắm chặt tay cô như thể cậu ý thức được sự hiện diện của cô.

Khi tỉnh táo trở lại, cậu quay đầu về phía cô. "Em sẽ không đi chứ."

"Đương nhiên không rồi. Em sẽ ở lại với anh." "Tallis..."

Vẫn mỉm cười, cậu nhắm hờ mắt lại. Đột nhiên, cậu bật thẳng dậy như thể có một dòng điện đã chạy qua tứ chi. Cậu kinh ngạc nhìn cô, miệng há hốc ra. Rồi cậu nhoài về phía trước, như thể nhào tới cô. Cô nhảy bật khỏi ghế để ngăn cậu khỏi bổ nhào xuống sàn. Tay cậu vẫn nắm tay cô, còn tay kia thì vòng quanh cổ cô. Trán cậu tì vào vai cô, má cậu tì lên má cô. Cô sợ tấm băng vô trùng sẽ tuột khỏi đầu cậu. Cô nghĩ mình sẽ không đủ sức đỡ cậu hay không tài nào nhìn nổi vào vết thưong của cậu lần nữa. Tiếng rin rít từ sâu trong cổ họng cậu lại vang vọng trong tai cô. Loạng choạng, cô dìu cậu lên lại giường và cho cậu nằm ngả ra gối.

"Tên là Briony," cô nói, để chỉ mình cậu có thể nghe thấy.

Mắt cậu mở to như kinh ngạc và làn da nhợt nhạt của cậu sáng rực lên dưới ánh đèn điện. Cô dịch lại gần hơn và đặt môi lên tai cậu. Đằng sau cô có một ai đó, và rồi một cánh tay đặt lên vai cô.

"Không phải là Tallis. Anh hãy gọi em là Briony," cô thì thầm, khi cánh tay giơ ra chạm vào tay cô, và gỡ những ngón tay cô ra khỏi tay cậu bé.

"Giờ đứng dậy đi, Y tá Tallis."

Y tá trưởng Drummond nắm lấy khuỷu tay cô và giúp cô đứng dậy. Gò má của bà tươi tắn, và trên gò má mảng da hồng và trắng giao nhau thành một góc thẳng tắp.

Phía bên kia giường, một y tá đang kéo ga trùm mặt Luc Comet.

Bặm môi lại, y tá vuốt thẳng cổ áo Briony. "Cô gái ngoan lắm. Giờ thì đi rửa máu dính trên mặt đi. Chúng ta không muốn các bệnh nhân khác lo sợ."

Cô làm như được bảo và vào phòng vệ sinh rửa mặt bằng nước lạnh, vài phút sau quay lại làm nhiệm vụ trong khu.

Lúc bốn giờ ba mươi sáng các y tá thực tập được cho về phòng ngủ, và được lệnh có mặt lúc mười một giờ. Briony đi cùng Fiona. Không ai nói gì, và khi khoác tay nhau dường như họ đang nối tiếp, sau cả một cuộc đời đầy trải nghiệm, chuyến tản bộ qua cầu Westminster. Họ không thể cất tiếng miêu tả những gì đã xảy ra với mình ở khu trong thời gian qua hay nó đã làm họ đổi thay thế nào. Còn có thể tiếp tục đi trên hành lang trống theo sau những cô gái khác đã là đủ lắm rồi.

Sau khi chúc ngủ ngon và bước vào căn phòng bé tí của mình, Briony thấy một lá thư trên sàn. Cô không nhận ra nét chữ viết tay trên phong bì. Một y tá hẳn đã nhận thư từ chỗ phòng thường trực và đút vào phòng qua khe cửa. Không mở thư ngay lập tức, cô cởi quần áo và chuẩn bị đi ngủ. Cô ngồi trên giường trong bộ đồ ngủ, thư để trên đùi mà nghĩ đến cậu bé. Góc trời trong khung cửa sổ đã chuyển sang màu trắng. Cô vẫn nghe được giọng nói của cậu, cách cậu gọi Tallis, biến nó thành một cái tên con gái. Cô tưởng tượng ra một tương lai phi khả thể - cửa hàng bánh mì trên con phố nhỏ đầy bóng râm nhung nhúc những con mèo giơ xương, tiếng đàn dương cầm từ cửa sổ tầng trên, các cô chị em chồng rúc ra rúc rích trêu chọc cái giọng lơ lớ của cô, và Luc Comet yêu cô nồng nhiệt. Lẽ ra cô có thể khóc thương anh, và khóc thương gia đình anh ở Millau đang chờ ngóng tin. Nhưng cô không thể cảm thấy gì cả. Đầu cô trống rỗng. Cô ngồi đến gần nửa tiếng đồng hồ, đầu óc quay cuồng, rồi cuối cùng, mệt mỏi mà vẫn chưa buồn ngủ, cô buộc tóc lại bằng sợi ruy băng vẫn hay dùng, chui xuống dưới chăn và mở thư ra.

Cô Tallis thân mến, Cảm ơn cô đã gửi tập Hai hình hài cạnh Đài phun, và xin chấp nhận lời xin lỗi của chúng tôi vì đã trả lời chậm trễ thế này. Hẳn cô đã biết, chúng tôi thường không có thói quen xuất bản trọn vẹn một truyện dài của một tác giả vô danh, hay ngay cả với một nhà văn đã nổi tiếng đi nữa. Tuy nhiên, chúng tôi đã thực sự đọc với con mắt cầu thị nhằm tìm một đoạn trích để đăng. Đáng tiếc là, chúng tôi không thể đăng phần nào cả. Tôi gửi lại bản đánh máy trong một phong bì khác.

Mặc dù thế, chúng tôi thấy mình (thoạt đầu đi ngược lại tiếng nói của lý trí, vì còn rất nhiều việc phải làm trong văn phòng này) đọc toàn bộ truyện với một sự thích thú lớn. Mặc dù không thể đề nghị xuất bản phần nào, chúng tôi nghĩ cô nên biết rằng trong phòng này có những người khác cũng như chính tôi rất lấy làm quan tâm những thứ cô sẽ viết trong tương lai. Chúng tôi không lấy độ tuổi trung bình của cộng tác viên ra để tự làm cao giá, mà rất thích thú được xuất bản các cây viết trẻ có triển vọng. Chúng tôi rất mong được đọc bất cứ thứ gì cô viết, đặc biệt là nếu cô có viết một hai truyện ngắn.

Chúng tôi thấy Hai hình hài cạnh Đài phun đủ lôi cuốn để đọc hết sức chú tâm. Tôi không nói điều này một cách hời hợt. Chúng tôi loại bỏ rất nhiều bản thảo gửi đến, một vài trong số đó là của các nhà văn danh tiếng. Có một vài hình ảnh đẹp - tôi thích "cỏ dài bị ánh sáng vàng rộm như bờm sư tử của ngày hè rực nóng rình rập" - và cô vừa biết cách bắt được dòng suy nghĩ, vừa mô tả nó với sự khác biệt tế vi để cố tạo nên cá tính riêng. Đã thâu tóm được một cái gì đó khác thường và mơ hồ. Tuy nhiên, chúng tôi tự hỏi liệu nó có chịu ảnh hưởng kỹ thuật của bà Woolf hơi nhiều quá mức không. Khoảnh khắc hiện tại kết tinh dĩ nhiên bản thân nó là một chủ đề quý báu, đặc biệt trong thơ ca; nó cho tác giả bộc lộ tài năng, lặn sâu xuống những huyền bí của sự tri kiến, miêu tả mô hình kết tinh của quá trình suy nghĩ, cho phép những thất thường và bất khả đoán của một cá thể riêng tư được phơi bày và vân vân. Ai có thể nghi ngờ giá trị của thử nghiệm này? Tuy nhiên, kiểu viết như vậy có thể trở nên quý giá khi không có cảm giác về chuyển động tiến tới. Nói cách khác, sự chú ý của chúng tôi sẽ được duy trì hữu hiệu hơn nữa nếu có một luồng trần thuật giản dị làm lực kéo ngầm cho câu chuyện. Sự phát triển là cần thiết.

Vì thế, thí dụ như, đứa trẻ đứng ở cửa sổ, trong câu chuyện chúng ta đọc đầu tiên - việc em không thấu hiểu ở mức căn bản tình huống hiện tại đã được nắm bắt một cách tinh tế. Quyết tâm ngay tiếp đó của em, và cả cảm giác mình gia nhập vào những huyền bí của thế giới người lớn, cũng vậy. Chúng ta bắt gặp cô bé này ở ngay giai đoạn bình minh của tồn tại cá nhân. Người đọc bị lôi cuốn vào sự cương quyết của em trong việc từ bỏ truyện cổ tích và truyện dân gian tự sáng tác và cả những vở kịch em đang viết (nếu chúng tôi được thưởng thức một trong số đó thì sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều) nhưng khi đổ thứ nước dân gian đi rất có thể em đã đổ bỏ luôn cả đứa bé sơ sinh là kỹ thuật hư cấu. Mặc dù có bao nhiêu nhịp văn uyển chuyển và quan sát tinh tế, sau một mở đâu đầy hứa hẹn đến vậy lại không có gì xảy ra nhiều cho lắm. Một chàng trai và cô gái cạnh đài phun, giữa họ rõ ràng là cả một trời xúc cảm nhằng nhịt, giành nhau một cái bình đời nhà Minh và làm vỡ. (Không chỉ một người trong chúng tôi ở đây nghĩ liệu một cái bình đời nhà Minh thì có quá quý giá không thể mang ra ngoài không? Bình Sevres hay Nymphenburg thì có hợp với mục đích của cô hơn không?) Cô gái mặc nguyên cả quần áo lao xuống đài phun để nhặt lại các mảnh vỡ. Không có ích cho cô hơn sao nếu cô bé đang đứng nhìn không thực sự hiểu ra rằng cái bình đã bị vỡ? Với cô bé sẽ càng trở nên bí hiểm khi cô gái bỗng dưng lặn xuống nước. Có biết bao điều có thể đâm chồi nảy lộc từ những thứ cô đã có - nhưng cô lại dành một cơ số trang rất lớn cho ánh sáng và bóng râm, và những ấn tượng rời rạc. Rồi chúng ta được nghe chuyện từ điểm nhìn của chàng trai, rồi của cô gái - mặc dù chúng ta không thực sự thấy rằng chúng có gì quá mới mẻ. Chỉ thêm một chút về vẻ ngoài và cảm giác về sự vật, và vài ký ức chẳng liên quan. Chàng trai và cô gái chia tay, bỏ lại một khoảng đất ướt nhanh chóng bốc hơi - và chúng ta đã đi đến chỗ kết. Đặc trưng tĩnh tại này không tương ứng lắm với tài năng rõ rệt của cô.

Nếu cô bé này đã tuyệt đối hiểu nhầm như thế hay bị cảnh tượng kỳ lạ bày ra trước mắt làm rối trí hoàn toàn đến thế, chuyện đó có thể ảnh hưởng tới cuộc đời của hai người lớn kia như thế nào? Em có thể xen vào giữa họ bằng một cách thảm khốc nào không? Hay đưa họ lại gần hơn, hoặc cố tình hoặc ngẫu nhiên? Em có thể bằng cách nào đó ngây thơ vạch trần họ, với cha mẹ cô gái kia chẳng hạn? Chắc chắn họ không chấp nhận quan hệ của cô con gái lớn và con trai bà quét dọn. Có thể nào đôi trẻ cuối cùng lại dùng em làm người đưa tin không?

Nói cách khác, thay vì nhấn vào một cách khá dài dòng cách cảm nhận của mỗi người trong cả ba nhân vật kia, liệu có thể cho họ xuất hiện trước chúng ta một cách súc tích kiệm lời hơn, mà vẫn giữ lại ít nhiều những dòng đầy hình ảnh về ánh sáng, đá và nước mà cô đã viết rất tốt - nhưng rồi tiến tới tạo ra ít căng thẳng, ít ánh sáng và bóng tối nằm chính trong giọng kể. Những độc giả sành nhất của cô rất có thể bị cuốn vào lý thuyết về ý thức kiểu Bergson mới nhất, nhưng tôi chắc họ vẫn lưu giữ một ham muốn con trẻ được nghe một câu chuyện, được ở trong trạng thái căng thẳng, để biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tình cờ là, từ miêu tả của cô, Bernini mà cô nhắc đến là ở Quảng trường Barberini, chứ không phải Quảng trường Navona.

Nói một cách giản dị, cô cần xương sống cho câu chuyện. Cô có thể lấy làm thích thú khi biết rằng một trong những độc giả háo hức của cô là bà Elizabeth Bowen. Bà ấy đã cầm tập đánh máy lên trong một phút lơ đãng khi tạt ngang văn phòng trên đường đi ăn trưa, đề nghị cầm về nhà đọc, và đọc xong chiều hôm đó. Thoạt đầu, bà nghĩ văn "quá nhiều hình ảnh, ngọt sắc," nhưng có "những bóng dáng của Dusty Answer để đền bù lại" (tôi hoàn toàn không nghĩ ra điều này). Rồi bà "mê mải mất một lúc" và cuối cùng bà cho chúng tôi vài nhận xét, mà, thực tế là, chúng tôi đã cài xen vào đoạn viết bên trên. Cô có thể cảm thấy thỏa mãn tuyệt đối với những trang viết của mình như hiện tại, hay sự e dè của chúng tôi có thể khiến cô tràn ngập sự tức giận khinh khi, hay thất vọng đến nỗi không bao giờ muốn nhìn đến nó một lần nữa. Chúng tôi thành thực hy vọng là không. Chúng tôi mong muốn rằng cô sẽ coi những lời nhận xét của chúng tôi - được đưa ra với lòng nhiệt thành thẳng thắn - là nền tảng cho một bản thảo khác.

Lá thư mở đầu của cô ngắn gọn đáng ngưỡng mộ, nhưng cô có cho chúng tôi hiểu rằng hiện tại cô không hề có chút thời gian rảnh rỗi. Nếu tình hình thay đổi, và cô có đi qua lối này, chúng tôi sẽ còn hơn cả sung sướng được chạm cốc cùng cô và thảo luận vấn đề này kỹ càng hơn với cô. Chúng tôi hy vọng cô sẽ không thoái chí. Có thể sẽ có ích với cô khi biết rằng thư từ chối của chúng tôi thường không quá ba câu.

Cô có xin lỗi, tiện thể, vì không viết về chiến tranh. Chúng tôi sẽ gửi cô một bản số mới nhất của chúng tôi, có bài xã luận về việc này. Như cô sẽ thấy, chúng tôi không tin rằng nghệ sĩ có nghĩa vụ phải nêu thái độ với chiến tranh. Thật ra, họ rất khôn ngoan và đúng khi lờ nó đi và tập trung vào những chủ đề khác, vốn yếu đuối về mặt chính trị, nghệ sĩ phải sử dụng thời điểm này để phát triển những tầng sâu hơn về mặt xúc cảm. Bổn phận của cô, bổn phận thời chiến của cô, là trau dồi tài năng, và đi theo hướng nó đòi hỏi. Chiến tranh, như chúng tôi có nói, là kẻ thù của hoạt động sáng tạo.

Địa chỉ của cô cho thấy cô có thể là bác sĩ hoặc đang chịu một căn bệnh lâu dài. Nếu phỏng đoán thứ hai là đúng, thì tất cả chúng tôi chúc cô mau chóng lành bệnh. 

Cuối cùng, một trong chúng tôi ở đây muốn hỏi liệu có phải cô có một chị gái đã học ở Girton sáu hay bảy năm trước hay không.

Trân trọng, CC

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro