HAI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong nửa tiếng trước lúc tắt đèn, sau khi uống ca cao, các cô gái thường ra vào phòng nhau, ngồi trên giường viết thư về nhà, hay cho người thương. Một vài người vẫn thút thít vì nhớ nhà, và sẽ có rất nhiều màn an ủi diễn ra lúc này, với những cánh tay vòng qua vai và những lời dịu dàng. Với Briony làm vậy có vẻ điệu bộ, và lố bịch, những cô gái đã lớn khóc lóc nhớ mẹ, hay như một bạn vừa nói vừa nức nở, nhớ mùi ống tẩu của bố. Những đứa làm việc an ủi đó có vẻ tự thỏa mãn hơi quá đáng. Trong bầu không khí ngọt đến ghê người này đôi khi Briony viết những lá thư ngắn gọn về nhà, thư truyền đạt không nhiều hơn việc cô không ốm, không bất hạnh, không cần tiền tiêu vặt và sẽ không thay đổi ý định như mẹ cô đã dự đoán. Những cô gái khác tự hào viết ra chính xác thời khóa biểu làm việc và học hành thường nhật của mình để khiến bố mẹ yêu quý sửng sốt. Briony chỉ kể những chuyện này trong nhật ký, và kể cả lúc đó thì cũng không chi tiết cụ thể. Cô không muốn mẹ cô biết tới thứ công việc hạ đẳng cô làm. Cô quyết tâm trở thành y tá một phần là bởi cô muốn làm việc để được độc lập. Với cô, điều quan trọng là cha mẹ cô, đặc biệt là mẹ, biết càng ít về đời cô càng tốt.

Ngoài một loạt câu hỏi lặp đi lặp lại vẫn không được trả lời, những lá thư của Emily phần lớn là về những người tản cư. Ba bà mẹ với bảy đứa con, tất cả đều từ khu Hackney của London, đã trú ngụ ở gia đình Tallis. Một trong mấy bà mẹ đã làm điều nhục nhã trong quán rượu làng và giờ bị cấm chỉ. Một bà khác là tín đồ sùng đạo Thiên Chúa giáo đi bộ bốn dặm cùng ba đứa con đến thị trấn gần đó dự lễ mixa Chủ nhật. Nhưng Betty, bản thân cũng là tín đồ Thiên Chúa giáo, không nhạy cảm mấy về những khác biệt này. Bà ghét tất cả các bà mẹ và con cái của họ như nhau. Họ nói với bà ngay buổi sáng đầu tiên là không thích thức ăn bà nấu. Bà tuyên bố đã chứng kiến cái bà đi nhà thờ kia nhổ ra sàn ở hành lang. Đứa con lớn nhất, thằng nhóc mười ba tuổi trông không lớn hon một đứa lên tám, đã nhảy xuống đài phun nước, leo lên tượng, rồi bẻ gãy tù và vỏ ốc và cánh tay của thần Triton, ngay chỗ khuỷu. Jack bảo sẽ gắn lại, không phiền phức gì nhiều đâu. Nhưng rồi cái phần bị bẻ, sau khi đem vào nhà bỏ ở phòng rửa bát, đã biến mất. Được nghe già Hardman kể lại, Betty tố thằng bé đã ném nó xuống hồ. Thằng nhỏ nói nó không biết gì. Người ta bàn chuyện sẽ tháo nước ở hồ đi, nhưng lại lo cho đôi uyên ương thiên nga. Bà mẹ bảo vệ thằng con ác liệt, bảo là khi có trẻ con mà để đài phun như thế thì nguy hiểm, và rằng bà ta sẽ viết thư báo cho quân cảnh. Ngài Arthur Ridley là cha đỡ đầu của Briony.

Tuy vậy, Emily nghĩ họ nên coi mình may mắn khi có những người tản cư vì đã có một lúc tưởng như toàn bộ căn nhà sẽ bị quân đội trưng dụng. Nhưng rồi họ chọn nhà của Hugh van Vliet vì bên đó có bàn bi-a. Một tin nữa là em gái Hermione của bà vẫn ở Paris nhưng đang nghĩ đến chuyện chuyển đến Nice, và đàn bò đã được chuyển sang ba cánh đồng ở phía Bắc để cày xới công viên trồng ngũ cốc. Hàng rào sắt dài một dặm rưỡi có từ hồi những năm 1750 đã bị dỡ đi nung chảy làm máy bay. Ngay cả những người thợ dỡ đi cũng bảo thứ kim loại này không hợp. Một công sự gạch và xi măng được xây cạnh con sông, ngay ở khúc ngoặt, giữa đám lau lách, phá tan ổ mòng két và chim chìa vôi xám. Một công sự ngầm khác đang xây chỗ đường chính dẫn vào làng. Họ lưu trữ tất cả các thứ dễ vỡ ở dưới hầm, gồm cả đàn clavico. Betty khốn khổ đã đánh rơi cái bình của bác Clem khi mang nó xuống và nó vỡ tan thành từng mảnh trên bậc cầu thang. Bà bảo các mảnh vỡ tự động rời ra ngay trong tay bà, nhưng nghe rắt khó tin. Danny Hardman đã gia nhập hải quân, còn tất cả trai tráng khác trong làng thì vào East Surrey. Jack đang làm việc quá nhiều. Ông dự một buổi họp đặc biệt và khi quay về trông ông mệt mỏi gầy gò, và không được phép nói cho bà biết ông đã ở đâu. Ông giận điên lên vì chuyên cái bình và quát tháo Betty ầm ĩ, xưa nay ông chẳng hề như vậy. Thêm vào tất cả những chuyên đó, bà đã mất một cuốn sổ lương thực và đã hai tuần rồi họ phải ăn uống mà không có đường. Cái bà mẹ bị cấm chỉ khỏi quán Red Lion đã đến mà không mang theo mặt nạ khí và sẽ không được phát đồ thay thế. Người giám sát phòng không, chính là anh trai của cảnh sát Vockins, đã đến lần thứ ba kiểm duyệt xem nhà có chịu tắt điện không. Ông ta hóa ra lại là một tay khá độc tài. Chả ai thích ông.

Đọc những lá thư này vào cuối một ngày quần quật, Briony cảm thay một sự hoài nhớ mơ hồ, một sự mong mỏi lờ mờ cái cuộc đời đã mất từ lâu. Cô khó có thể cảm thấy thương hại chính mình. Chính cô mới là người đã cắt đứt với gia đình. Trong kỳ nghỉ một tuần sau đợt huấn luyện sơ bộ, trước khi năm thực tập bắt đầu, cô tói ở với chú và dì ở Primrose Hill và đã lảng tránh mẹ trên điện thoại. Sao Briony không thể về thăm, dù chỉ một ngày, khi mọi người đều mong ngóng được gặp cô và khao khát nghe cô kể chuyên về cuộc đời mới của mình? Và sao cô lại ít viết thư về đến thế? Thật khó mà có một câu trả lời thẳng thắn. Hiện giờ tránh xa là một việc cần thiết.

Trong ngăn kéo tủ cạnh giường, cô giữ một cuốn sổ khổ to bìa cứng có vân cẩm thạch. Gáy sổ buộc một sợi dây dài có cây bút chì ở cuối. Không được phép dùng bút và mực trên giường. Cô bắt đầu ghi nhật ký vào cuối ngày đầu tiên của đợt tập huấn sơ bộ, và cố gắng viết ít nhất mười phút hàng đêm trước giờ tắt đèn. Các ghi chép của cô bao gồm những tuyên ngôn nghệ thuật, những phàn nàn nhỏ nhặt, những phác họa nhân vật và những đoạn tường thuật đơn giản về ngày đã qua, càng ngày càng lấn sang thế giới tưởng tượng. Cô hầu như không đọc lại những gì mình đã viết, nhưng cô thích lật giở những trang kín đặc chữ. Đây, đằng sau thẻ tên và đồng phục, là con người thật của cô, tích trữ bí mật, im lặng gom góp. Cô chưa bao giờ đánh mất lạc thú tuổi thơ khi nhìn những trang giấy đầy chữ viết của mình. Cô viết cái gì cơ hồ không quan trọng. Vì ngăn kéo không được khóa, cô cẩn thận ngụy trang những miêu tả của mình về Y tá trưởng Drummond. Cô đổi tên cả các bệnh nhân nữa. Và khi đã đổi tên rồi, thì thay đổi các tình huống và phát minh ra thêm cũng dễ hơn nhiều. Cô thích viết ra những suy nghĩ vớ vẩn của họ theo như cô tưởng tượng. Cô chẳng bị bắt buộc phải nói sự thật, cô chẳng hứa với ai là sẽ viết sử biên niên. Đây là nơi duy nhất cô có thể tự do. Cô dựng lên những câu chuyện nhỏ - không thuyết phục lắm, hơi quá đà - về những người trong khu. Có lúc cô đã nghĩ mình là một Chaucer thời Trung cổ làm nghề y, có các khu khám bệnh đông ních đủ loại người, bọn trai trẻ, đám ma men, lũ khọm già, người tử tế với những bí mật xấu xa muốn kể. Những năm sau này cô hối hận vì không chú trọng thực tế hơn, không tự xây cho mình một kho tư liệu thô. Sẽ rất có ích nếu biết được điều gì đã xảy ra, trông nó như thế nào, đã có ai ở đó, đã nói những gì. Vào lúc ấy, nhật ký giữ gìn phẩm giá của cô: cô có thể trông giống và cư xử như và sống cuộc đời của một y tá thực tập, nhưng thực ra cô là một nhà văn lớn đang giấu mình. Và trong lúc cô đã bị cắt đứt khỏi những thứ mình quen thuộc - gia đình, tổ ấm, bè bạn - chỉ có việc viết lách là sợi chỉ liền mạch. Đây chính là thứ cô vẫn luôn làm từ trước tới giờ.

Những giây phút như thế rất hiếm, những giây phút khi tâm trí cô có thể lang bạt tự do. Thỉnh thoảng cô được sai tới phòng phát thuốc và sẽ phải đợi dược sĩ quay lại. Rồi cô sẽ đi dọc hành lang tới một cầu thang nơi có cửa sổ trông ra dòng sông. Vô tình, cô sẽ nhón mình trên chân phải khi nhìn ra phía tòa nhà Hạ viện mà không thấy nó, rồi nghĩ không phải về cuốn nhật ký, mà là một truyện dài cô đã viết và gửi cho một tạp chí. Trong những ngày lưu lại ở Primrose Hill cô đã mượn máy đánh chữ của ông cậu, chiếm lấy phòng ăn và mổ cò bản thảo cuối cùng của mình. Cô gõ hơn tám tiếng một ngày suốt cả tuần, đến khi lưng và cổ đau nhừ, và mắt hoa lên những ký hiệu linh tinh rời rạc. Nhưng cô không nhớ nổi đã bao giờ có được cảm giác sung sướng vô tận như khi kết thúc, lúc cô gom lại chồng giấy đã gõ xong - một trăm lẻ ba trang! - và cảm thấy ở đầu những ngón tay đau nhừ sức nặng sự sáng tạo của mình. Chỉ riêng mình cô. Không ai khác có thể viết ra được. Giữ lại bản sao giấy than cho mình, cô gói cuốn truyện (một từ mới không thỏa đáng làm sao) bằng giấy nâu, bắt xe buýt đi Bloomsbury, đi bộ đến địa chỉ ở Lansdowne Terrace, văn phòng của tạp chí mới, Horizon, và trao bản thảo cho một phụ nữ dễ thương ra mở cửa.

Điều làm cô phấn khích về thành công của mình là bố cục của nó, cấu trúc hình học thuần túy, và sự không chắc chắn quy định toàn bộ tính chất câu chuyện, mà theo cô nó phản ánh một tâm thế hiện đại. Thời đại của những câu trả lời rõ ràng đã kết thúc rồi. Thời đại của nhân vật và cốt truyện cũng vậy. Mặc cho những phác thảo nhân vật trong nhật ký, cô không còn thực sự tin vào nhân vật nữa. Chúng là những phương tiện lỗi thời thuộc về thế kỷ mười chín. Ngay khái niệm nhân vật cũng được hình thành trên những sai lầm mà tâm lý học hiện đại đã vạch trần. Cả cốt truyện cũng như cỗ máy gỉ sét bánh xe không còn quay được nữa. Một tiểu thuyết gia hiện đại không còn có thể viết nhân vật và cốt truyện được, cũng như một nhà soạn nhạc hiện đại không thể viết một bản giao hưởng Mozart. Chính suy nghĩ, cảm nhận, cảm giác mới làm cô thích thú, nhất là ý thức như một dòng sông chảy qua thời gian, và làm thế nào để diễn tả những con sóng lăn ập vào bờ của nó, cũng như tất cả những sông nhánh nhập mình vào khiến nó đầy lên, và những chướng ngại khiến nó đổi dòng. Giá như cô có thể tái tạo ánh sáng trong vắt của một buổi sáng mùa hạ, cảm giác của một đứa trẻ đứng cạnh cửa sổ, nét cong và lượn xuống của đường bay một con chim nhạn trên mặt nước. Tiểu thuyết của tương lai sẽ không giống với bất cứ thứ gì trong quá khứ. Cô đã đọc The Waves của Virginia Woolf ba lần và nghĩ rằng đang có một sự chuyển hóa lớn lao hình thành trong chính bản chất con người, và rằng chỉ tiểu thuyết, một loại tiểu thuyết mới, mới có thể bắt được bản chất của sự thay đổi đó. Thâm nhập vào một đầu óc và thể hiện nó hoạt động thế nào, hay bị điều động ra sao, và thực hiện điều đó trong một bố cục cân đối - đây sẽ là một thành tựu nghệ thuật. Đấy là những ý nghĩ trong đầu Y tá Tallis khi cô lần lữa gần trạm thuốc, đợi dược sĩ quay lại, và nhìn qua sông Thames, quên béng đi nguy hiểm mình có thể gặp, khi bị Y tá trưởng Drummond phát hiện đang đứng trên một chân.

Ba tháng đã trôi qua, và Briony không nghe gì từ Horizon cả. Một tác phẩm viết nữa cũng không có hồi âm nào. Cô đã đến phòng hành chính bệnh viện và hỏi địa chỉ Cecilia. Đầu tháng Năm cô viết thư cho chị. Giờ cô bắt đầu nghĩ rằng im lặng là câu trả lời của Cecilia.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro