LONDON, 1999

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thời điểm mới kỳ lạ làm sao. Hôm nay, vào buổi sáng sinh nhật bảy mươi bảy tuổi, tôi quyết định đến thăm lần cuối cùng thư viện Bảo tàng Chiến tranh Đế quốc ở Lambeth. Thật hợp với tâm trạng khác thường của tôi. Phòng đọc, nằm ngay trong mái vòm tòa nhà, trước đây là nhà nguyện của Bệnh viện Hoàng gia Bethlehem - Bedlam ngày xưa. Nơi những kẻ thần kinh từng ghé đến cầu nguyện giờ lại là nơi các học giả tụ tập nghiên cứu sự điên rồ tập thể của chiến tranh. Xe gia đình sai đưa đón mãi sau bữa trưa mới đến, vì vậy tôi nghĩ mình có thể tha thẩn, kiểm tra vài chi tiết cuối, và nói lời tạm biệt Người Trông coi Văn thư, và với những bảo vệ niềm nở đã hộ tống tôi lên xuống thang máy trong suốt những tuần đông ảm đạm này. Tôi cũng định tặng cho phòng lưu trữ mười hai lá thư dài ông già Nettle gửi cho tôi. Đó là quà sinh nhật cho chính tôi, tôi đồ là vậy, để tiêu một hai tiếng đồng hồ ít nhiều vờ bận bịu, rối lên với những việc sắp xếp nhỏ nhặt cuối cùng mới nảy ra và là một phần của cái quá trình ngại ngần không muốn rời xa nó. Cũng tâm trạng như vậy, cả chiều qua tôi bận rộn trong thư phòng; giờ thì các bản thảo đã được sắp xếp theo thứ tự và ghi ngày tháng, những nguồn tài liệu photocopy đã được dán nhãn, sách mượn sắp sẵn đợi trả, và mọi thứ đã nằm đúng chỗ của mình trong các cặp lưu trữ. Từ trước đến nay tôi vẫn luôn thích kết thúc mọi thứ trong trật tự.

Trời rét buốt và ẩm ướt, và tôi thấy đi lại bằng phương tiện công cộng thì bất tiện quá. Tôi bắt taxi từ Regent's Park, và suốt quãng dài bò ì ạch qua trung tâm London, tôi nghĩ đến những cố nhân u sầu ở Nhà thương điên kia, những người từng một thời là nguồn khuây khỏa, và tôi tủi thân ngẫm ngợi chuyện nay mai thôi mình cũng gia nhập vào hàng ngũ của họ. Đã có kết quả chụp cắt lớp và tôi đã đến gặp bác sĩ sáng qua. Tin không tốt lành cho lắm. Ngay khi tôi đặt người xuống ghế ông ấy nói như vậy. Những cơn đau đầu, cảm giác vùng thái dương thắt lại, có một nguyên nhân cụ thể và nguy hiểm. Bác sĩ chỉ vào vài đốm mờ trên một phần tấm phim chụp. Tôi để ý thấy đầu bút chì trong tay ông run run, và tự hỏi liệu có phải ông ta cũng đang bị rối loạn thần kinh không. Trong tinh thần bắn kẻ đưa tin, tôi khá hy vọng là ông ta có bị. Tôi đang trải qua, ông ta nói, một loạt những đột quỵ tinh vi cơ hồ không nhận thấy. Quá trình này sẽ diễn ra chậm, nhưng não tôi, trí óc tôi, đang ngừng hoạt động. Những lần quên nhỏ nhặt sẽ dần trở nên dễ nhận ra hơn, làm suy nhược nhiều hơn, cho đến lúc tôi không còn nhận ra chúng nữa bởi vì tôi đã mất hoàn toàn khả năng tri nhận mọi thứ. Ngày trong tuần, những gì đã xảy ra buổi sáng, hay thậm chí mới mười phút trước, sẽ vượt ngoài tầm với của tôi. Số điện thoại của tôi, địa chỉ, tên và đời tôi đã sống thế nào sẽ mất sạch. Trong hai, ba, hoặc bốn năm tới, tôi sẽ không nhận ra được những bạn bè cổ lai hy vẫn còn sống, và khi thức giấc vào buổi sáng, tôi sẽ không nhận ra mình đang ở trong phòng mình. Và chẳng mấy chốc, tôi sẽ không ở đó nữa, vì khi ấy tôi sẽ cần được chăm sóc đặc biệt liên tục.

Tôi bị mất trí nhớ do tổn thương mạch máu não, bác sĩ bảo tôi, mà ít nhiều cũng thật dễ chịu khi được như vậy.

Quá trình thương tổn diễn ra dần dần, ông nhắc đi nhắc lại dễ phải đến hàng chục lần. Tuy nhiên, bệnh này không tệ bằng Alzheimer, với cái kiểu tâm trạng thay đổi liên tục và tính khí hung hăng của nó. Nếu tôi may mắn, nó có thể hóa ra một thứ tương đối lành. Tôi có lẽ sẽ không bất hạnh - chỉ là một bà khọm già lẩm cẩm ngồi ghế bành, không biết gì, không mong đợi gì. Tôi đã yêu cầu bác sĩ nói thẳng, vì thế không thể phàn nàn gì. Giờ ông xua tôi về. Còn mười hai người trong phòng khám đợi đến lượt. Tóm lại, khi giúp tôi mặc áo khoác, ông vẽ ra tôi một lịch trình: mất trí nhớ, ngắn cũng như dài hạn, sự biến mất những từ đơn - những danh từ đơn giản có lẽ sẽ ra đi đầu tiên - rồi cả ngôn ngữ, cùng với khả năng cân bằng, rồi mau chóng theo sau là tất cả hoạt động tứ chi, cuối cùng là hệ thần kinh. Đi đường vui nhé!

Tôi không thấy đau khổ lắm, thoạt đầu thì chưa. Ngược lại, tôi phấn chấn và muốn kể ngay cho bạn bè thân thiết. Tôi gọi điện thoại suốt một tiếng đồng hồ để báo tin. Có lẽ tôi đã mất tự chủ rồi. Dường như hơi hệ trọng quá mức. Suốt chiều tôi thơ thẩn trong thư phòng với may việc sắp xếp lặt vặt ấy, và đến khi dừng tay, có đến sáu cặp hồ sơ mới đã được xếp lên giá. Tối đó Stella và John ghé qua và chúng tôi gọi người ta đem đồ ăn Trung Quốc tới. Hai người nốc hết hai chai Morgon. Tôi dùng trà xanh. Những người bạn đáng yêu hoảng hồn vì viễn cảnh mà tôi miêu tả về tương lai của tôi. Cả hai đều ngoại lục tuần, đủ già để phỉnh phờ mình rằng bảy mươi bảy là hẵng đương còn trẻ. Hôm nay, trong taxi, lúc tôi đi qua London với tốc độ của nhịp chân thả bộ dưới làn mưa rét buốt, tôi nghĩ đến ít chuyện khác. Mình sắp điên rồi, tôi tự nhủ. Đừng làm cho tôi điên. Nhưng tôi không tài nào tin nổi vào điều đó. Có lẽ tôi không là gì hơn một nạn nhân của ngành chẩn đoán hiện đại; ở vào một thế kỷ khác người ta sẽ chỉ nói về tôi là vì tuổi già mà mất đi sự minh mẫn. Tôi còn trông mong gì nữa chứ? Khi đó chỉ còn chết dần chết mòn, tôi tan mình vào cõi vô thức.

Taxi chạy tắt qua những phố nhỏ của khu Bloomsbury, qua căn nhà cha tôi sống khi tái hôn, rồi qua căn hộ tầng ngầm tôi sống và làm việc trong suốt những năm năm muơi. Quá một độ tuổi nhất định, hành trình xuyên thành phố trở nên gợi tưởng đến khó chịu. Địa chỉ của những nguời đã khuất chất dồn. Chúng tôi qua quảng trường nơi Leon đã săn sóc vợ một cách quả cảm, rồi nuôi dạy bọn trẻ om sòm với một sự tận tụy làm kinh ngạc tất cả chúng ta. Một ngày nào đó tôi cũng sẽ gợi nên suy tưởng trong phút giây nơi hành khách nào đó trong một chiếc taxi đang băng đường. Đó là một ngõ tắt quen thuộc, Inner Circle của công viên Regent's Park.

Chúng tôi qua sông trên cầu Waterloo. Tôi dịch người về phía trước ra mép ghế để thu trọn vào tầm mắt cái khung cảnh thành phố mà tôi thích, và khi quay đầu, xuôi xuống nhà thờ St. Paul, ngược lên Big Ben, toàn bộ London dành cho du lịch nằm ở giữa, tôi thấy mình tráng kiện về mặt thể chất và minh mẫn toàn vẹn về mặt tinh thần, chỉ hơi đau đầu và váng vất mệt. Dù héo mòn thế nào, tôi vẫn thấy mình là đúng con người mà tôi vẫn luôn là. Việc này thật khó giải thích cho lớp trẻ. Trông chúng ta có thể thực sự giống loài bò sát, nhưng chúng ta không phải là một tông giống biệt lập. Tuy nhiên, trong một hai năm tới, tôi sẽ không còn giữ được lời tuyên bố quen thuộc này. Những người bị bệnh nặng, những người bị loạn trí, là một giống khác, một giống tiểu nhược. Tôi sẽ không để ai thuyết phục tôi ngược lại đâu.

Tài xế của tôi đang chửi thề. Sang bên kia sông, những đoạn đường đang thi công buộc chúng tôi phải rẽ vòng về phía County Hall cũ. Khi ngoặt khỏi đường vòng ở đó, về phía Lambeth, tôi thoáng thấy Bệnh viện St. Thomas. Nó từng bị tàn phá hồi quân phát xít tiến hành ném bom chớp nhoáng - tôi đã không có mặt ở đó, ơn Chúa - và khu nhà thay thế cùng tòa tháp là một nỗi ô nhục dân tộc. Tôi làm việc tại ba bệnh viện trong thời gian ấy - Alder Hey, Royal East Sussex và St. Thomas - và trong câu chuyện tôi đã gộp chúng lại để tập trung mọi trải nghiệm của mình vào một nơi. Một sự bóp méo thuận tiện, vi phạm nhỏ nhất của tôi đối với sự xác tín.

Mưa bớt nặng hạt khi tài xế ngoặt một đường chữ u gọn gàng giữa đường, đưa chúng tôi đến ngoài cửa chính bảo tàng. Loay hoay cầm túi, tìm tờ hai mươi bảng và xòe ô, tôi không nhận thấy chiếc xe đỗ ngay phía trước cho mãi đến khi taxi chạy đi. Đó là một chiếc Rolls Royce màu đen. Trong giây lát, tôi nghĩ không có người trong xe. Thực ra, tài xế là một anh chàng bé tị cơ hồ khuất hẳn sau tay lái. Tôi không chắc thứ mình chuẩn bị miêu tả đây có thực sự được coi là một sự tình cờ đáng ngạc nhiên không. Mỗi khi trông thấy một chiếc Rolls không người lái, thỉnh thoảng tôi lại nghĩ đến vợ chồng Marshall. Điều này đã trở thành một thói quen trong suốt những năm qua. Họ hay lướt qua tâm trí tôi, thường không làm nảy sinh cảm xúc gì đặc biệt cả. Tôi dần quen thuộc với ý tưởng về họ. Thảng hoặc họ vẫn xuất hiện trên báo chí, khi có tin liên quan đến Quỹ tài trợ của họ và tất cả những việc tốt nó đã làm cho nghiên cứu y học, hay bộ sưu tập họ hiến tặng cho Tate, hay nguồn quỹ hào phóng dành cho các dự án nông nghiệp ở châu Phi Nam Sahara. Và những buổi tiệc tùng của bà ta, và những hành động phỉ báng dữ dội chống lại báo chí trong nước. Không có gì khác thường khi vợ chồng nhà Marshall xuất hiện trong suy nghĩ của tôi khi tôi bước tới hai khẩu đại bác khổng lồ giống nhau như đúc nằm trước bảo tàng, nhưng thấy họ bước xuống bậc thềm về phía tôi thì lại là một cú sốc.

Một đội nhân viên - tôi nhận ra giám đốc viện bảo tàng - và một tay chụp ảnh làm thành một đoàn đưa tiễn. Hai thanh niên cầm ô che đầu vợ chồng Marshall khi họ xuống bậc thềm cạnh hàng cột. Tôi lùi lại, bước chậm chân chứ không dừng lại hẳn, dừng lại sẽ gây chú ý. Bắt tay một lượt, rồi một tràng cười thân ái sau câu gì đó Ngài Marshall nói. Hắn tì vào một cây gậy, cái ba toong bóng nhoáng mà tôi nghĩ đã trở thành một kiểu thương hiệu riêng. Hắn cùng vợ và ông giám đốc tạo dáng chụp ảnh, rồi vợ chồng Marshall ra về, hai thanh niên mặc vest cầm ô theo sau hộ tống. Nhân viên viện bảo tàng vẫn đứng ở bậc thang. Tôi lo nhìn xem nhà Marshall sẽ đi lối nào để biết đường mà tránh chạm trán trực diện. Họ chọn đi qua hai khẩu súng phía bên trái của họ, và tôi đi bên trái của mình.

Được báng súng chĩa lên và ụ súng xi măng che một phần, một phần nhờ chiếc ô nghiêng nghiêng, tôi khuất mình, nhưng vẫn quan sát được. Họ im lặng đi qua. Mặt hắn trông cũng giống như trong ảnh. Mặc cho những nốt đồi mồi và quầng tím thâm dưới mắt, nhìn mãi thì hắn cũng ra dáng một lão tài phiệt đẹp trai kiểu dữ tợn, mặc dù hơi xuống phong độ rồi. Tuổi tác đã làm mặt hắn teo đi và mang lại cho hắn một vẻ mà trước đây hắn luôn hơi thiếu hụt. Chính là nhờ hàm hắn đã thu mình lại - mất xương hóa ra lại hay. Hắn hơi lập cập và bị chứng bàn chân bẹt, nhưng với một lão ông tám mươi tám đi lại được thế là tương đối ổn rồi. Ai mà chẳng thành chuyên gia về những chuyện này. Nhưng tay hắn bíu chặt vào tay ả và cây gậy không phải chỉ để trưng ra. Nó cũng thường là để cho thấy trên đời này hắn đã làm nhiều việc tốt đến thế nào. Có lẽ hắn đã dành cả đời để đền tội. Hoặc có lẽ hắn chỉ vênh vang tiến tới không nghĩ suy gì, sống cuộc đời vốn luôn là của hắn.

Còn Lola - cô em họ xa hoa, nhả thuốc như ống khói - ả đó, vẫn gầy còm và săn chắc như con chó đua, và vẫn chung thủy. Ai mà tưởng tượng được thế chứ? Chuyện này, như thiên hạ vẫn nói, cho thấy ả cũng kiếm chác được. Nghe có vẻ chua chát, nhưng đầu tôi nảy ra ý nghĩ đó khi liếc thấy ả. Ả diện áo khoác lông chồn zibelin và đội chiếc mũ phớt rộng vành đỏ tươi. Trông táo bạo hơn là phô. Gần tám chục cái xuân xanh, mà vẫn dận giày cao gót. Gót giày nện xuống nền lối đi tiếng bước chân của một phụ nữ trẻ hơn tuổi ấy nhiều. Không thấy dấu hiệu một điếu thuốc lá nào. Thực ra, quanh ả tỏa ra một làn không khí của trại tập luyện dưỡng sinh, và màu da được làm cho rám nắng trong nhà. Giờ ả đã cao hơn chồng, và không nghi ngờ gì vẫn tràn đầy sinh lực. Nhưng ở ả cũng có gì đó hơi khôi hài - hay tôi đang cố bới bèo ra bọ? Ả trang điểm nặng tay, quanh miệng hơi sáng quá, còn kem nền và phấn thì hào phóng. Nhưng tôi vốn luôn khắt khe về mục này, vì thế tôi không tính bản thân là một chứng nhân đáng tin cậy. Tôi thấy có bóng dáng của một ả vô lại trên sân khấu ở đây - thân hình hốc hác, áo khoác đen, môi tái mét. Chỉ cần thêm cái đót hút thuốc, con chó con kẹp dưới cánh tay là ả có thể thành mụ trộm chó Cruella De Vil lắm.

Chúng tôi đi qua nhau trong khoảnh khắc. Tôi bước lên bậc thềm, rồi dừng lại dưới trán tường, ra khỏi mưa, nhìn nhóm người ấy tới chỗ xe. Người ta đỡ hắn vào xe trước, và tôi thấy hắn mới yếu ớt làm sao. Hắn không thể cúi lưng xuống được, cũng không trụ nổi trên một chân. Họ phải bế hắn vào chỗ ngồi. Cửa bên kia được mở ra cho Phu nhân Lola cúi người chui thoắt vào nhanh như chớp. Tôi nhìn chiếc Rolls hòa vào dòng xe, rồi vào trong. Nhìn thấy họ khiến tim tôi như có gì đó đè lên nặng trịch, và tôi cố không nghĩ đến nó, hay cảm thấy nó lúc này. Ngày hôm nay tôi đã phải đói mặt đủ rồi. Nhưng tôi nghĩ đến sức khỏe của Lola khi gửi túi ở phòng mũ áo, khi tôi vui vẻ chào hỏi những bảo vệ. Quy tắc ở đây là khách phải được hộ tống lên đến phòng đọc bằng thang máy, mà theo tôi biết thì trong cái khoảng không thang máy chật hẹp ấy người ta buộc phải cất tiếng trò chuyện. Khi tôi cất tiếng - thời tiết kinh thật, nhưng đến cuối tuần thế nào cũng đỡ hơn - tôi không thể cưỡng lại việc nghĩ đến cuộc tao ngộ ngoài kia theo những phạm trù cơ bản về mặt sức khỏe: tôi có thể thọ hơn Paul Marshall, nhưng Lola thì chắc chắn dai hơn tôi. Hệ quả của chuyện này rất rõ ràng, vấn đề này đã đi cùng chúng tôi suốt bao năm qua. Như biên tập viên của tôi từng nói, xuất bản luôn tương đương với kiện tụng. Nhưng giờ tôi cơ hồ không đối mặt nổi với chuyện đó. Có đủ chuyện tôi không muốn nghĩ đến rồi. Tôi đã đến đây để được bận rộn.

Tôi nói chuyện một lúc với Người Trông coi Văn thư. Tôi đưa cho ông tập thư mà ông Nettle viết cho tôi về Dunkirk - họ biết ơn vô vàn khi được nhận. Chúng sẽ được lưu trữ cùng với tất cả những thứ khác tôi đã gửi.

Người trông coi đã tìm cho tôi một đại tá già sốt sắng của Trung đoàn Hoàng gia Đông Kent, bản thân ông ta cũng gần như một sử gia nghiệp dư, ông đã đọc những trang đánh máy liên quan của tôi rồi fax đến những gợi ý của mình. Bây giờ thư của ông ta được trao lại cho tôi - vừa cáu bẳn, vừa hữu ích. Tôi bị chúng cuốn hút hoàn toàn, ơn Chúa.

"Tuyệt đối không [gạch chân hai lần] người lính nào phục vụ trong quân đội Anh lại nói 'Ngay tắp lự'. Chỉ lính Mỹ mới ra lệnh như thế. Từ đúng là 'Ngay lập tức'."

Tôi yêu những thứ nhỏ nhặt này, cách tiếp cận sự thật từ tiểu tiết này, việc chỉnh lại từng chi tiết mà khi cộng lại sẽ đem lại sự thỏa mãn lớn nhường ấy.

"Chẳng ai lại nghĩ đến chuyện nói 'những khẩu súng nặng hai mươi lăm pound'. Thuật ngữ đúng hoặc là 'những khẩu hai mươi lăm pound' hoặc là 'pháo hai mươi lăm pound'. Cách dùng từ của bà nghe rõ là kỳ quặc, ngay cả với người không ở trong Pháo binh Hoàng gia."

Như cảnh sát trong đội truy lùng, chúng tôi lần mò bằng tay và đầu gối và bò dần đến sự thật.

"Bà cho gã công tử bột Không quân Hoàng gia ấy đội mũ nồi. Tôi thực sự không nghĩ thế. Ngoài Trung đoàn Xe tăng, ngay cả quân đội cũng không có mũ nồi vào năm 1940 đâu. Tôi nghĩ tốt hơn bà nên cho anh ta một cái mũ quân đội bình thường."

Cuối cùng, viên đại tá ấy, người mở đầu thư bằng cách gọi tôi là "Cô Tallis", đã cho phép sự khó chịu với giới tính của tôi lộ ra. Mà giới của chúng ta thì sao lại dính vào những sự vụ này chứ?

"Thưa bà [gạch chân ba lần] - một máy bay Stuka không thể chở 'một quả bom nghìn tấn'. Bà có ý thức được rằng một tàu chiến hải quân còn chưa nặng chừng đó không? Tôi đề nghị bà nên tìm hiểu vấn đề này kỹ càng hơn."

Chỉ là lỗi đánh máy. Tôi định gõ "pound". Tôi ghi chú lại những chỗ sửa chữa này, và viết thư cảm ơn ông đại tá. Tôi trả tiền vài tài liệu photo mà tôi sắp xếp thành từng chồng ngăn nắp để làm tài liệu lưu trữ của riêng mình. Tôi trả sách đã mượn ở bàn tiếp tân, và vứt đi đủ loại giấy tờ vớ vẩn. Nơi làm việc hoàn toàn sạch sẽ dấu vết của tôi. Khi chào tạm biệt Người trông coi, tôi nghe nói Quỹ Marshall sắp tài trợ cho bảo tàng. Sau một vòng bắt tay với các thủ thư khác, và hứa hẹn sẽ bày tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ của bộ phận này trong cuốn sách của tôi, một nhân viên khuân vác được cử đưa tôi xuống. Rất tử tế, cô gái trong phòng gửi áo mũ gọi một chiếc taxi, và một nhân viên trẻ gác cửa mang túi của tôi ra tận vỉa hè.

Trong suốt chuyến quay về hướng Bắc, tôi nghĩ đến lá thư của đại tá, hay nói đúng hơn, sự thích thú của chính mình với những thay đổi con con này. Nếu thực sự quan tâm đến sự thật nhiều đến thế, lẽ ra tôi nên viết một cuốn sách loại khác. Nhưng tác phẩm của tôi đã xong xuôi. Sẽ không có bản thảo nào thêm nữa. Đó là những gì tôi nghĩ khi xe chúng tôi chạy vào đường hầm xe điện cũ dưới Aldwych, ngay trước khi tôi ngủ quên mất. Khi tôi được tay tài xế đánh thức, taxi đã đậu ngoài căn hộ của tôi ở Regent's Park.

Tôi sắp xếp giấy tờ mang từ thư viện về, làm một cái sandwich, rồi đóng gói một va li đi qua đêm. Tôi ý thức được trong khi tha thẩn trong căn hộ, từ phòng thân thuộc này sang phòng thân thuộc kia, rằng những năm độc lập của tôi sẽ khép lại nay mai. Trên bàn là tấm ảnh chồng tôi, Thierry, lồng trong khung, chụp ở Marseille hai năm trước khi ông mất. Một ngày nào đó tôi sẽ hỏi ông là ai. Tôi tự dỗ mình bằng cách dành thời gian chọn một chiếc váy mặc cho bữa tôi sinh nhật. Quá trình này thực sự đã khiến tôi trẻ lại. So với năm ngoái tôi gầy đi. Khi lần ngón tay dọc theo giá quần áo tôi quên mất mình được chẩn đoán thế nào suốt may phút liền. Tôi quyết định vận chiếc váy bằng vải casomia xám chiết eo. Từ đó mọi thứ theo sau một cách dễ dàng: khăn xa tanh trắng cài chiếc trâm nạm đá của Emily, giày - gót thấp, dĩ nhiên - một khăn choàng lớn màu đen. Tôi đóng va li lại và lay làm ngạc nhiên nó mới nhẹ làm sao khi tôi cầm ra hành lang.

Thư ký của tôi sẽ đến vào ngày mai, trước khi tôi quay về. Tôi để lại cho cô ấy một lá thư, ghi rõ việc tôi muốn cô làm, rồi lấy một cuốn sách và pha một tách trà, ngồi xuống ghế bành cạnh cửa sổ trông ra công viên. Tôi luôn giỏi giang cái khoản không nghĩ đến những thứ thực sự quấy rầy mình. Nhưng tôi không đọc nổi. Tôi thấy chộn rộn. Một chuyến đi về quê, một bữa tối tôn vinh tôi, một sự tái sinh những mối gắn kết gia đình. Ấy vậy mà tôi vừa có một trong những cuộc trò chuyện thuộc dạng kinh điển với một vị bác sĩ. Lẽ ra tôi phải tuyệt vọng mới đúng. Liệu có thể nào tôi, nói theo cách hiện đại, đang cố phủ nhận? Nghĩ về chuyện này chẳng thay đổi được gì.

Mãi nửa tiếng nữa xe mới đến mà tôi thì bồn chồn. Tôi đứng dậy khỏi ghế và đi quanh phòng một vài lần. Ngồi lâu quá thường khiến đầu gối tôi đau. Tôi bị ý nghĩ về Lola ám ảnh, sự ác nghiệt của khuôn mặt bự phấn già nua hốc hác đó, từng sải chân mạnh mẽ trên đôi giày cao gót chênh vênh, sức sống của ả, động tác nhanh nhẹn khi chui vào chiếc Rolls. Phải chăng tôi đang cạnh tranh với ả khi tôi bước chân trên tấm thảm trải giữa lò sưởi và trường kỷ? Tôi luôn nghĩ đời sống sang giàu, những điếu thuốc lá, sẽ tiễn ả nhanh về chín suối. Ngay từ hồi chúng tôi năm mươi tuổi tôi đã nghĩ thế. Nhưng ở tuổi tám mươi ả vẫn có cái vẻ mặt biết tuốt, háo hức. Ả vẫn luôn là cô gái lớn hơn, trội hơn, luôn trước tôi một bước. Nhưng trong chuyện quan trọng cuối cùng đó, tôi sẽ đi trước ả, trong khi ả sẽ tiếp tục sống đến một trăm tuổi. Tôi sẽ không thể kịp xuất bản tác phẩm khi còn sống.

Chiếc Rolls hẳn đã làm tôi bối rối, bởi vì chiếc xe khi nó đến - muộn mười lăm phút - thật đáng thất vọng. Thường những thứ như vậy không làm tôi bận tâm. Nó là một chiếc minicab đầy bụi, băng ghế sau bọc lông giả có hình da ngựa vằn. Nhưng anh tài xế, Michael, thì là một anh chàng người Caribê hồ hởi và đã khuân va li của tôi, rồi cuống quýt đẩy ghế trước ra cho tôi ngồi vào. Khi đã xong xuôi vụ tôi không thể chịu nổi tiếng nhạc xập xinh dù vặn nhỏ cỡ nào từ loa ở rìa trần xe ngay sau đầu, và anh đã vui vẻ trở lại sau khi sưng sỉa tí chút, chúng tôi hòa hảo và nói chuyện về gia đình. Anh chưa bao giờ biết cha mình là ai, còn mẹ anh là bác sĩ ở Bệnh viện Middlesex. Anh ta thì tốt nghiệp ngành luật Đại học Leicester, giờ đi học ở LSE viết luận án tiến sĩ về luật pháp và nghèo đói ở thế giới thứ ba. Trên con đường ảm đạm ra khỏi London theo lối Westway, anh nói cho tôi phiên bản cô đọng của mình: không luật sở hữu, vì thế không có vốn, vì thế không có tài sản.

"Có một câu chuyện của cánh luật sư," tôi nói. "Hãy tự vẽ ra việc cho mình."

Anh chàng cười lịch sự, mặc dù anh ta hẳn nghĩ tôi dốt đặc cán mai. Ngày nay khá là khó khăn để rút ra được điều gì về trình độ học vấn của một người từ cách họ nói chuyện hay ăn mặc hay từ loại nhạc họ thích. An toàn nhất là đối xử với mọi người ta gặp như là một học giả lẫy lừng.

Sau hai mươi phút chuyện đã cạn, tôi lại ngủ quên khi chiếc xe ra đến xa lộ và động cơ chuyển sang nhịp chuyển động dần đều, khi tỉnh dậy đã thấy chúng tôi trên đường quê, và một cơn căng đau nhói thắt trên trán tôi. Tôi lấy từ trong túi đeo ra ba viên aspirin, khó chịu nhai rồi nuốt. Phần nào trong trí óc tôi, trí nhớ tôi, đã bị tôi đánh mất vào tay một cuộc đột quỵ tinh vi khi ngủ? Tôi sẽ không bao giờ biết được. Chính lúc đó, ở băng sau chiếc xe nhỏ tin hin này, tôi trải nghiệm lần đầu tiên cảm giác như là tuyệt vọng. Hoảng loạn sẽ là một từ mạnh quá. Một phần nó là nỗi ám ảnh sợ không gian nhỏ kín mít, một sự giam cầm vô phương ngăn lại trong quá trình mục ruỗng, và một cảm giác co rút. Tôi vỗ lên vai Michael bảo anh ta bật nhạc lên. Anh ta cho rằng tôi chiều anh ta chỉ vì chúng tôi sắp đến nơi rồi, nên từ chối. Nhưng tôi cứ nài, và thế là cái tiếng bass đinh tai lại xập xình trở lại, trên nền đó là giọng nam trung mỏng hát bằng tiếng địa phương vùng Caribê theo nhịp của một bài hát thiếu nhi, hay bài hát của trẻ khi chơi nhảy dây trên sân choi. Nó làm tôi thích thú. Nghe vô cùng trẻ con, mặc dù tôi ngờ rằng người hát đang biểu lộ vài mối đau đớn giày vò. Tôi không đòi phải dịch nghĩa ra.

Nhạc vẫn bật cho đến khi chúng tôi ngoặt vào đường xe chạy của khách sạn Tilney. Hơn hai mươi lăm năm đã trôi qua kể từ ngày tôi đến đây, dự đám tang Emily. Điều đầu tiên tôi nhận thấy là sự thiếu vắng của cây trồng trong công viên, những cây du khổng lồ đã chết vì bệnh, tôi nghĩ vậy, và những cây sồi còn sống sót bị đốn đi để lấy chỗ cho sân golf. Giờ chúng tồi chạy chậm lại để vài tay chơi golf và đám người vác gậy cầm bóng cho họ đi qua. Tôi không thể ngăn mình nghĩ họ là những kẻ xâm phạm. Khu rừng bao quanh bungalow cổ của Grace Turner vẫn nằm đó, và khi lôi xe chạy dẫn đến những cây sồi cuối cùng, nhà chính hiện ra trong tầm mắt. Chẳng cần ngậm ngùi nhớ tiếc làm gì - nó luôn là một căn nhà xấu xí. Nhưng từ xa, nó có vẻ ảm đạm và trơ trọi. Những dây thường xuân một thời từng làm giảm bớt ấn tượng của mặt tiền màu đỏ tươi đã bị cắt sạch, có lẽ để bảo tồn công trình xây bằng gạch. Chắng mấy chốc chúng tôi lại sắp đến cây cầu thứ nhất, nhưng chưa gì tôi đã nhận thấy hồ nước không còn đó nữa. Trên cây cầu ấy, chúng tôi lửng lơ ngay trên một khoảng cỏ hoàn hảo, giống như thỉnh thoảng ta vẫn thấy trong một cái hào nước cũ. Bản thân nó thì không gây khó chịu, nếu ta không biết ngày xưa từng có gì ở đó - cây lách, đám vịt và con cá chép khổng lồ mà hai kẻ du thủ du thực đã nướng rồi chén no nê bên ngôi đền trên đảo. Mà cái đền cũng chẳng còn. Nơi nó từng đứng giờ là một cái ghế gỗ, và một thùng rác. Đảo, mà dĩ nhiên không còn là đảo điếc gì nữa, giờ là một gò đất dài cỏ mọc sum suê, như một nấm mồ cổ khổng lồ, nơi đỗ quyên và các loại cây bụi mọc tràn lan. Có một lối đi lát sỏi chạy vòng quanh, nhiều băng ghế đặt chỗ này chỗ kia, và những ngọn đèn vườn hình cầu. Tôi không có thời gian để cố mà định vị nơi tôi từng ngồi an ủi Phu nhân Lola Marshall khi còn trẻ, vì chúng tôi đã băng qua cây cầu thứ hai và giảm tốc để rẽ vào khu đỗ xe trải nhựa chạy dọc chiều dài căn nhà.

Michael mang va li của tôi vào khu vực tiếp tân ở sảnh cũ. Kỳ cục làm sao khi họ chắc hẳn phải rước lấy bao nhiêu khó khăn mới trải được thảm nhung sọc mịn lên trên những viên gạch trắng đen kia. Tôi ngờ hệ thống âm thanh luôn là cái gây rắc rối, mặc dù tôi không bận lòng gì. Một mùa của Vivaldi đang nghèn nghẹt phát ra trên loa âm. Có một cái bàn hồng mộc tao nhã, trên mặt bàn đặt màn hình máy tính và lọ hoa, và đứng gác hai bên bàn là hai bộ áo giáp ky sĩ; gắn trên tường gỗ là đôi kích bắt chéo và một huy hiệu; trên tất cả là bức chân dung trước kia thường đặt trong phòng ăn bức tranh ông nội tôi mang về nhằm làm cho gia đình tôi có chút vẻ dòng dõi. Tôi boa cho Michael và thực lòng chúc anh ta may mắn với quyền sở hữu tài sản và đói nghèo. Tôi đang cố rút lại câu nhận xét ngớ ngẩn về luật sư. Anh chúc tôi một sinh nhật vui vẻ và bắt tay tôi - nắm tay của anh ta mới rụt rè và mềm mịn làm sao - rồi ra đi. Từ sau bàn một cô gái mặt nghiêm nghị vận bộ com lê văn phòng đưa chìa khóa cho tôi và bảo tôi rằng thư viện ngày xưa đã dược đặt riêng để tổ chức bữa tiệc của chúng tôi. Một vài người đến trước đã ra ngoài đi dạo. Theo kế hoạch là sẽ tập trung lại ăn uống một chút lúc sáu giờ. Một cậu khuân vác mang va li của tôi lên. Có một thang máy cho tôi thuận tiện đi lại.

Lúc đó vẫn chưa có ai ra chào đón tôi, nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi thích được tận hưởng điều ấy một mình, sự thích thú khi thấy quá nhiều thứ đã đổi thay, trước khi buộc phải trở thành khách mời danh dự. Tôi đi thang máy lên tầng hai, qua một loạt cửa kính thoát hiểm, và đi dọc hành lang sàn lát những tấm ván đánh xi bóng loáng cọt kẹt nghe quen thuộc. Thật kỳ quặc, khi nhìn các phòng ngủ được đánh số và khóa chặt. Dĩ nhiên, số phòng của tôi - bảy - không nói lẫn gì với tôi cả, nhưng tôi nghĩ mình đã đoán trước sẽ ngủ ở đâu rồi. Ít ra, khi dừng lại ngoài cửa, tôi không ngạc nhiên. Không phải phòng cũ của tôi, mà là phòng của dì Venus, luôn được coi là ở vị trí ngắm cảnh đẹp nhất trong nhà, trông ra hồ, lối xe chạy, cánh rừng và những ngọn đồi xa xa. Charles, cháu của Pierrot đồng thời là linh hồn của ban tổ chức, hẳn đã để dành riêng cho tôi.

Thật là một sự ngạc nhiên dễ chịu khi bước vào. Các phòng hai bên đã được nhập vào làm thành một phòng suite lớn. Trên cái bàn thủy tinh thấp đặt một cành hoa khổng lồ trồng trong nhà kính. Cái giường cao đồ sộ mà dì Venus chiếm rất lâu mà không ai phàn nàn gì đã bị mang đi, cả cái tủ ngăn kéo có chạm khắc và sofa lụa xanh nữa. Bây giờ chúng là tài sản của đứa con trai cả với người vợ thứ hai của Leon và được kê trong một lâu đài đâu đó ở vùng cao nguyên Scotland. Nhưng nội thất mới cũng đẹp, và tôi thích phòng này. Va li của tôi được chuyển tới, tôi gọi một bình trà và treo váy lên. Tôi thăm thú phòng khách, có một bàn viết và một đèn bàn rất tốt, và rất ấn tượng với cái phòng tắm rộng mênh mông, với túi hoa thơm và chồng khăn tắm vắt trên giá được sưởi ẩm. Thật nhẹ nhõm khi không trông thấy mọi thứ theo kiểu chứng sẽ tàn tạ đi một cách vô vị - việc đó dễ dàng trở thành thói quen do tuổi tác. Tôi đứng ở cửa sổ chiêm ngưỡng ánh mặt trời xiên qua sân golf, làm những cây trơ trụi sáng bừng lên trên những ngọn đồi xa xa. Không hắn là tôi chấp nhận được sự vắng mặt của hồ nước, nhưng có lẽ một ngày nào đó nó sẽ được tôn tạo lại, hơn nữa chắc chắn rằng bây giờ, khi đã là khách sạn, tòa dinh thự này mang trong mình nhiều hạnh phúc con người hơn, so với hồi tôi sống ở đây.

Charles gọi điện thoại cho tôi một giờ sau, ngay khi tôi bắt đầu nghĩ nên thay đồ. Ông đồ nghị sẽ lên đón tôi lúc sáu giờ mười lăm, sau khi mọi người đã tập trung đông đủ, và đưa tôi xuống để tôi xuất hiện thật long trọng. Và thế là tôi đặt chân vào phòng hình chữ L rộng lớn, khoác tay ông, trong bộ xiêm y casơmia, mọi người vỗ tay nhiệt tình, và rồi năm mươi người họ hàng nâng ly chúc mừng. Ấn tượng ngay lập tức nảy ra trong tôi khi bước vào là không nhận ra ai cả. Không một khuôn mặt thân quen! Tôi tự hỏi có phải mình đang nếm trước khả năng không tri nhận được mọi thứ như người ta đã hứa hẹn. Rồi tà từ tôi nhìn kỹ từng người. Ta phải tính đến năm tháng, và tốc độ mà với nó em-bé-bế-ngửa trở thành những đứa trẻ mười tuổi ầm ĩ. Không nghi ngờ gì kia là anh trai tôi, còng và như sắp sụm xuống một bên trong xe đẩy, một chiếc khăn ăn giắt ở cổ họng để hứng sâm banh dây ra, có người nâng cốc lên tận môi anh. Khi tôi nhoài người tới để hôn Leon, anh cố gắng nở một nụ cười ở nửa khuôn mặt vẫn còn cử động được. Và tôi cũng không nhầm được Pierrot ngày xưa, teo tóp hết cả lại với đầu trọc sáng bóng mà tôi muốn đặt tay lên, nhưng vẫn rạng rỡ như bao đời và rất trưởng bối. Chúng tôi ngầm chắp nhận sẽ không bao giờ nhắc đến chị gái ông.

Tôi đi một lượt quanh phòng, Charles bên cạnh, giới thiệu những cái tên cho tôi. Thật thú vị làm sao khi được ở trung tâm của cuộc tái hợp đầy thiện chí thế này. Tôi làm quen với lũ trẻ là cháu chắt của Jackson đã mắt mười lăm năm trước. Thực ra, chỉ hai đứa sinh đôi thôi đã sản sinh ra kha khá người trong phòng này. Và Leon cũng làm không tệ cho lắm, với bốn cuộc hôn nhân và làm cha một cách nhiệt thành. Theo tuổi tác chúng tôi gồm những người từ ba tháng cho đến tám mươi chín tuổi là Leon. Và là một tổ hợp giọng nói ồn ào, từ ồm ồm đến the thé, khi phục vụ bàn đi vòng quanh bê thêm sâm banh và nước chanh. Con cái đã già của anh em họ xa đang chào tôi như bạn bè lâu ngày không gặp. Mỗi giây mỗi phút đều có người muốn đưa ra vài lời nhận xét lịch sự về sách của tôi. Một nhóm thiếu niên dễ thương bảo tôi rằng chúng đang học sách của tôi ở trường. Tôi hứa sẽ đọc bản thảo tiểu thuyết đánh máy do con trai của ai đó viết, anh ta hiện không có mặt ở đây. Thư từ và thiệp chúc mừng dúi vào tay tôi. Chất đóng trên bàn trong góc phòng là những món quà mà vài đứa trẻ đã bảo tôi phải mở ra trước, chứ không phải sau khi chúng ngủ. Tôi hứa hẹn, tôi bắt tay, hôn má và môi, ca tụng và nựng các cháu bé còn bế ẵm, và ngay khi tôi bắt đầu nghĩ mình muốn ngồi xuống chỗ nào đó quá thì liền nhận thấy các ghế đang được kéo ra, quay về một phía. Rồi Charles vỗ tay và, hét to át tiếng ồn hầu như không thuyên giảm, tuyên bố rằng trước bữa tối sẽ có một màn tiêu khiển chúc mừng tôi. Rồi tất cả chúng tôi ngồi xuống.

Tôi được dẫn đến một chiếc ghế bành ở hàng trước. Ngồi cạnh tôi là Pierrot già cả, đang nói chuyện với một em họ ở bên trái. Một sự gần như im lặng đến sốt ruột phủ xuống căn phòng. Từ một góc tiếng thì thào khó chịu của bọn trẻ con vọng tới, mà tôi nghĩ nên lịch thiệp lờ đi không nghe. Trong khi ngồi chờ, trong khi tôi có vài giây cho riêng mình, ấy là nói thế, tôi nhìn quanh, và chỉ bây giờ mới tri nhận được một cách đầy đủ sự thật rằng tất cả sách vở đã bị mang đi khỏi thư viện, cả các giá sách nửa. Đó là lý do vì sao căn phòng lại có vẻ lớn hơn rất nhiều so với tôi còn nhớ. Thứ duy nhất để đọc là tạp chí địa phương xếp trên giá cạnh lò sưởi. Khi có tiếng đề nghị im lặng, và tiếng kéo ghế loẹt xoẹt, một thằng bé vận áo choàng đen chợt xuất hiện trước mặt chúng tôi. Nó trắng xanh, đầy tàn nhang và tóc đỏ rực - không nhầm lẫn gì là một đứa cháu nhà Quincey. Tôi đoán nó chừng chín hay mười tuổi. Cơ thể nó ẻo lả, khiến đầu nó dường như to đùng và có vẻ gì đó siêu trần. Nhưng trông nó tự tin khi đưa mắt nhìn quanh phòng, đợi khán giả ổn định. Rồi cuối cùng nó hất cái cằm nhọn hoắt lên, hít càng phổi, và cất giọng cao trong rõ ràng. Tồi vẫn chờ đợi sẽ có trò ảo thuật gì đó, nhưng điều tôi nghe thấy lại toát ra vẻ siêu nhiên.

Chuyện kể rằng nàng Arabella bồng bột Cùng một tên ngoại quốc bỏ trốn di Cha mẹ nàng buồn đau ủ dột Trông cảnh cô con gái đầu lòng Biến khỏi nhà đi xứ Eastbourne

Mà không được phép, lâm trọng bệnh và sống bần hàn Cho đến khi nàng chỉ còn lại sáu xu cuối cùng.

Đột nhiên, em ở ngay đó trước tôi, cô bé bận rộn, khinh khỉnh, ngạo mạn đó, và em cũng chưa chết, vì khi mọi người khúc khích cười tán thưởng từ "biến khỏi", trái tim yếu đuối của tôi - phù phiếm nực cười! - khẽ nhảy rộn lên. Thằng bé đọc bằng sự rõ ràng đến choáng váng, pha chút âm nghịch tai mà thế hệ tôi sẽ gọi là giọng Cockney, mặc dù tôi không hề biết vào thời này âm tắc thanh hầu t có ý nghĩa quan trọng thế nào. Tôi biết những từ đó là của tôi, nhưng tôi gần như không nhớ chúng, và thật khó tập trung, với quá nhiều câu hỏi, quá nhiều cảm xúc đang dồn tụ lại. Họ đã tìm được bản đó ở đâu, và sự tự tin đến phi lý này có phải là một triệu chứng của một độ tuổi khác? Tôi liếc người ngồi bên, Pierrot. Ông lấy khăn mùi soa ra chấm chấm mắt, và tôi không nghĩ đó chỉ là niềm tự hào của bậc ông cha. Tôi cũng ngờ rằng tất cả đây là ý tưởng của ông. Đoạn mở đầu lên đến cao trào hợp lý:

Cô gái bồng bột thấy ngày ngọt ngào hé nở

Khi cùng chàng hoàng tử xe duyên. Nhưng xin cẩn trọng,

Bởi Arabella biết được hầu quá muộn Rằng trước khi yêu ta luôn cần ngẫm nghĩ!

Chúng tôi vỗ tay rào rào. Thậm chí có cả tiếng huýt sáo thô tục. Cuốn từ điển đó, cuốn Oxford Concise đó. Giờ đâu rồi? Ở Tây Bắc Scotland? Tôi muốn có lại nó. Thằng bé cúi đầu chào và thụt lùi lại một vài mét, rồi nhập cùng bốn đứa khác vừa tiến ra, mà tôi không để ý thấy, và đang đợi ở cái có lẽ là cánh gà.

Và thế là Những gian nan của nàng Arabella bắt đầu, với buổi tiễn biệt của hai bậc phụ huynh buồn rầu, lo lắng. Tôi ngay lập tức nhận ra nữ nhân vật chính là chắt của Leon, Chloe. Một con bé mới nghiêm nghị đáng yêu làm sao, với giọng trầm đục và dòng máu Tây Ban Nha của mẹ nó chảy trong người. Tôi nhớ mình đến dự tiệc sinh nhật năm nó một tuổi, dường như đó cách nay chỉ mới vài tháng. Tôi nhìn con bé diễn cảnh rơi vào cảnh nghèo đói và tuyệt vọng một cách đầy thuyết phục, khi bị tên bá tước gian ác - chính là thằng bé đọc đoạn mở đầu vận áo choàng đen - bỏ rơi. Chưa đầy mười phút vớ kịch đã kết thúc. Trong ký ức, bị cảm quan về thời gian của một đứa trẻ bóp méo, nó dường như luôn dài bằng một vở kịch của Shakespeare. Tôi đã hoàn toàn quên bẵng rằng sau lễ cưới Arabella và chàng hoàng tử-thầy lang sẽ tay khoác tay, và đồng thanh, bước tới trước nói với khán giả những câu thơ kết cùng.

Đây là khởi đầu của tình yêu tại nơi bao gian nan kết thúc.

Vì vậy xin tạm biệt, bạn yêu ơi, chúng tôi giong buồm vào bóng hoàng hôn!

Không phải là câu hay nhất của tôi, tôi nghĩ. Nhưng toàn bộ phòng, trừ Leon, Pierrot và chính tôi, đều đứng dậy vỗ tay. Bọn trẻ con này mới lão luyện làm sao, cho đến tận khi ra chào khán giả lần hai. Tay trong tay, chúng đứng sóng hàng, làm theo Chloe ra hiệu, lùi lại hai bước, tiến tới, rồi lại cúi đầu. Trong sự ồn ào, không ai nhận thấy Pierrot tội nghiệp đã mất tự chủ hoàn toàn và gục mặt vào hai bàn tay. Phải chăng ông đang sống lại khoảng thời gian kinh hoàng, đơn độc ở đây sau khi cha mẹ ly dị? Buổi tối hôm đó trong thư viện, họ, hai anh em sinh đôi ấy, đã muốn được đóng kịch biết bao, và giờ đây vở kịch cuối cùng cũng được diễn, sau sáu mươi tư năm, và anh trai ông đã khuất núi từ lâu rồi.

Tôi được đỡ ra khỏi chiếc ghế dễ chịu và phát biểu vài lời cảm tạ. Cạnh tranh với một đứa bé đang oe óe khóc ở cuối phòng, tôi cố gợi lại cái mùa hè nóng nực năm 1935 đó, khi các em họ từ phương Bắc về chơi. Tôi quay sang đoàn diễn viên bảo chúng rằng màn trình diễn của chúng tôi sẽ không thể nào sánh được với chúng. Pierrot gật đầu dứt khoát, Tôi giải thích rằng hoàn toàn lỗi do tôi mà buổi diễn tập hồi ấy tan tành, vì đi được nửa đường tôi lại quyết định trở thành tiểu thuyết gia. 

Có tiếng cười khoan dung, thêm tiếng vỗ tay, rồi Charles tuyên bố bữa tối bắt đầu. Và thế là buổi tối dễ chịu trải ra - bữa ăn ồn ã mà tôi thậm, chí dã nhấm một ít rượu, những món quà, rồi đến giờ mấy đứa nhỏ lên giường, trong khi anh chị lớn của chúng chạy đi xem tivi. Rồi nói chuyện bên tách cà phê và những tiếng cười đôn hậu nhiệt tình, đến mười giờ thì tôi bắt đầu nghĩ đến căn phòng huy hoàng trên tầng của mình, không phải vì tôi mệt rồi, tôi chỉ mệt vì có nhiều người vây quanh và là đối tượng của quá nhiều chú ý, dù chân thành đến mức nào. Nửa giờ nữa trôi qua với những lời chúc ngủ ngon và chào tạm biệt rồi Charles và vợ, Annie, tiễn tôi về phòng.

Bây giờ là năm giờ sáng và tôi vẫn ngồi ở bàn viết, nghĩ về hai ngày kỳ lạ vừa qua. Quả thực người già không cần ngủ - ít ra là không phải vào buổi đêm. Tôi vẫn có quá nhiều thứ phải suy ngẫm, và nhanh thôi, có khi chỉ trong năm nay, đâu óc tôi sẽ không đủ khả năng làm được việc đó. Tôi nghĩ đến cuốn tiểu thuyết cuối cùng của đời mình, cuốn tiểu thuyết lẽ ra phải là cuốn đầu tiên. Bản sơ thảo sớm nhất, tháng Giêng năm 1940, bản cuối cùng, tháng Ba năm 1999, và ớ giữa, đến nửa tá những bản thảo khác nhau. Bản thảo thứ hai, tháng Sáu năm 1947, bản thứ ba... ai cần biết chứ? Nhiệm vụ năm mươi chín năm của tôi đã xong rồi. Ở đó có tội ác của chúng tôi - Lola, Marshall, tôi - và từ bản thứ hai trở đi, tôi bắt tay vào miêu tả tội ác ấy. Tôi coi nghĩa vụ của mình là không được che giấu bất cứ điều gì - tên tuổi, nơi chốn, những hoàn cảnh chính xác - tôi viết ra tất cả với tư cách những ghi chép về lịch sử. Nhưng với tư cách một sự thật mang tính pháp lý, vô số biên tập viên đã bảo tôi trong suốt những năm qua rằng hồi ký làm chứng cớ buộc tội của tôi không thể xuất bản khi những tòng phạm của tôi còn sống. Ta chỉ có thể phỉ báng chính mình và những kẻ đã chết. Nhà Marshall đã gây ảnh hưởng ít nhiều với tòa án kể hừ hồi cuối những năm bốn mươi, bảo vệ thanh danh mình bằng sự hung tợn đắt đỏ nhất. Họ có thể làm sập tiệm một nhà xuất bản dễ dàng đủ bằng lời kể hiện thời của họ. Người ta rất có thể nghĩ họ giấu giếm gì đó. Nghĩ, đúng thế, nhưng viết thì không. Những gợi ý rõ ràng được nêu ra - thay đổi địa điểm, biến đổi nội dung, giấu giếm. Hãy kéo tấm màn sương tưởng tượng xuống! Sinh ra tiểu thuyết gia để làm gì cơ chứ? Cần đi xa chừng nào thì chỉ đi chừng ấy, hãy dựng trại quá tầm với, quá đầu ngón tay của pháp luật khoảng mươi phân. Nhưng không ai biết khoảng cách này chính xác này là bao nhiêu chừng nào một phán xét chưa được ban xuống. Để an toàn, ta sẽ phải nhạt nhẽo và mơ hồ. Tôi biết mình không thổ xuất bản cho đến khi họ chết. Và từ những gì nhìn thấy sáng nay, tôi chấp nhận rằng sẽ không thể cho đến khi tôi chết. Chẳng ích gì nếu chỉ một trong hai bọn họ ra đi. Ngay cả cuối cùng khi ảnh chụp cái mặt tóp của Ngài Marshall đăng trên trang cáo phó, cô em họ từ phương Bắc của tôi sẽ không chấp nhận bị buộc tội đồng lõa âm mưu.

Có một tội ác. Nhưng cũng có đôi tình nhân. Tình nhân và những kết cục có hậu của họ dằn vặt tâm trí tôi suốt đêm dài. Vì chúng ta căng buồm vào hoàng hôn. Một sự nghịch đảo bất hạnh. Tôi chợt nhận ra sau rốt mình cũng chẳng đi được bao xa, kể từ hồi viết vở kịch nho nhỏ đó. Hay nói đúng hơn, tôi đã lang thang lạc đường khủng khiếp và cuối cùng lại trở về điểm xuất phát ban đầu. Duy chỉ trong bản cuối cùng này đôi tình nhân của tôi mới có kết thúc có hậu, đứng cạnh nhau trên một vỉa hè ở Nam London khi tôi bước đi. Tất cả những bản thảo trước đều nhẫn tâm. Nhưng giờ tôi không còn có thể nghĩ sẽ nhằm mục đích gì nếu, tỉ dụ như, tôi cố thuyết phục độc giả, bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp, rằng Robbie Turner chết vì bị nhiễm trùng máu ở Bray Dunes vào mồng 1 tháng Sáu năm 1940, hay Cecilia bị chết vào tháng Chín cùng năm khi ga tàu điện ngầm Balham bị đánh bom. Rằng tôi không bao giờ gặp họ vào năm đó. Rằng chuyến đi qua London của tôi kết thúc ở nhà thờ tại Clapham Common, và rằng một con bé Briony hèn nhát khập khiễng lê chân về bệnh viện, không thể đối mặt nổi với bà chị gái vừa có tang. Rằng những lá thư đôi tình nhân viết cho nhau được lưu trữ ở Bảo tàng Chiến tranh. Những thứ này làm sao tạo nên kết cục được đây? Một người đọc có thể rút ra từ một câu chuyện như thế ý nghĩa, hay hy vọng, hay sự thỏa mãn nào? Ai muốn tin rằng họ không bao giờ gặp lại, tình yêu của họ không bao giờ trọn vẹn? Ai lại muốn tin điều đó, trừ phi để phục vụ cho thứ chủ nghĩa hiện thực đen tối nhất? Tôi không thể làm vậy với họ. Tôi quá già, tôi quá sợ hãi, quá yêu cái mẩu đời bé tí còn sót lại của mình. Tôi đối mặt với làn sóng lãng quên đang ập lên, và rồi hoàn toàn chìm vào quên lãng. Tôi không còn sở hữu sự bi quan can đảm của mình nữa. Khi tôi chết, và vợ chồng nhà Marshall chết, và tiểu thuyết cuối cùng được xuất bản, chúng tôi sẽ chỉ tồn tại với tư cách là những sáng tạo của tôi. Briony sẽ là một tưởng tượng không kém gì đôi tình nhân ngủ chung giường ở Balham và chọc tức bà chủ nhà của họ. Sẽ không ai quan tâm xem sự kiện nào cá nhân nào đã bị bóp méo để làm nên một tiểu thuyết. Tôi biết luôn có một loại độc giả nhất định cứ thấy phải hỏi, Nhưng chuyện gì đã thực sự xảy ra? Câu trả lòi rất đơn giản: đôi tình nhân sống sót và thăng hoa. Chừng nào chỉ có một bản, bản đánh máy độc nhất bản thảo cuối cùng của tôi, thì bà chị gái bồng bột, nông nổi của tôi và chàng hoàng tử thầy lang của chị sẽ sống sót mà yêu nhau.

Vấn đề trong năm mươi chín năm qua là thế này. Bằng cách nào một nhà văn chuộc được tội khi mà, bằng quyền năng tuyệt đối quyết định mọi kết cục, cô ấy cũng là Chúa? Không một ai, không một thực thể hay dạng thức cap cấp hơn nào mà cô có thể khẩn khoản cầu xin, hay hòa giải làm lành, hay có thể tha thứ cho cô. Không gì ngoài bản thân cô. Trong tưởng tượng của mình, cô đã đặt ra những giới hạn và điều lệ. Không có sự cứu chuộc nào cho Chúa, cho các nhà văn, ngay cả khi họ có vô thần. Đó luôn luôn là một nhiệm vụ bất khả thi, và chính xác là như thế. Nỗ lực là tất cả.

Tôi đứng ở cửa sổ, cảm thấy những làn sóng mệt mỏi đang xô tan dần phần khỏe mạnh còn lại trong cơ thể mình. Sàn nhà dường như nhấp nhô dưới chân tôi. Tôi nhìn tia sáng màu xám đầu tiên làm rạng lên bãi cỏ và hai cây cầu trên cái hồ nước đã không còn nữa. Cả lối xe chạy hẹp dài mà trên đó họ đã đưa Robbie đi, vào trong màu trắng bạc. Tôi muốn nghĩ rằng đó không phải sự yếu đuối hay lẩn tránh, mà là hành động vị tha cuối cùng, đứng lên chống lại sự lãng quên và tuyệt vọng, để những người yêu nhau của tôi được sống và đoàn tụ ở kết cùng. Tôi cho họ hạnh phúc, nhưng tôi không ái kỷ đến độ muốn họ tha thứ cho mình. Chưa được, chưa thể. Nếu tôi có quvền năng mời họ đến dự lễ sinh nhật của mình... Robbie và Cecilia, vẫn còn sống, vẫn yêu nhau, ngồi bên nhau trong thư viện, nở nụ cười cho Những gian nan của nàng Arabella? Chuyện đó không phải là bất khả.

Nhưng giờ tôi phải ngủ thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro