Tám

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lúc chập tối, mây tầng cao trên bầu trời phía Tây tạo nên một lớp tráng mỏng màu vàng, sậm dần sau mỗi giờ trôi qua rồi tụ lại thành một quầng da cam nguyên chất lơ lửng trên những ngọn cây khổng lồ trong công viên; lá đổi sang màu nâu quả hạch, cành cây thấp thoáng giữa nền đen của tán lá mỡ màng, còn cỏ héo khô thì nhuốm màu trời. Một họa sĩ theo trường phái Dã thú đam mê màu phi thực có lẽ đã tưởng tượng ra một phong cảnh như thế này, đặc biệt khi trời và đất cùng nhuốm sắc hồng đỏ và những thân cây to phình của loài sồi cổ thụ tối thẫm lại đến mức chúng bắt đầu trông giống màu lam. Mặc dù khi lặn mặt trời yếu dần đi, nhiệt độ dường như lại tăng lên vì những làn gió mang đến chút cảm giác dễ chịu cả ngày đã dần bặt, và giờ không khí ù đọng, nặng nề.

Cảnh vật, hay một phần nhỏ của nó, Robbie Turner sẽ nhìn thấy qua cửa sô trên mái nhà đã đóng lại nếu anh chịu đứng dậy khỏi bồn tắm, trùng đầu gối thấp người xuống và xoay đầu. Suốt cả ngày, phòng ngủ nhỏ xíu của anh, phòng tắm và căn phòng nhỏ nằm giữa hai phòng mà anh gọi là thư phòng ấy, bị thiêu đốt dưới phần mái dốc về hướng Nam của căn nhà gỗ. Đi làm về, hơn một tiếng qua, anh cứ nằm trong bồn tắm nước ấm, trong lúc máu và, có vẻ như cả, suy nghĩ của anh làm nước nóng lên. Trên đầu anh một mảnh trời đóng khung hình chữ nhật chậm chạp chuyển qua các màu của khúc quang phổ không đầy đủ, chỉ từ vàng đến da cam, trong khi anh thận trọng dò xét những cảm giác không quen thuộc và trở đi trở lại với vài ký ức. Không hề nhàm chán. Thỉnh thoảng, dưới mặt nước một inch, cơ bụng anh vô tình căng cứng khi anh nhớ lại một chi tiết khác. Một giọt nước trên cẳng tay nàng. Ướt. Một hình hoa, một bông cúc đơn giản, thêu giữa hai bầu áo ngực nàng. Ngực nàng cách nhau xa và nhỏ. Trên lưng nàng, một nốt ruồi bị dây áo che một nửa. Khi nàng leo ra khỏi bể, hiện ra loáng thoáng một vạt hình tam giác tối thẫm mà quần lót chẽn gối của nàng lẽ ra phải che kín. Ướt. Anh nhìn thấy nó, anh buộc mình nhìn thấy nó lần nữa. Cái cách xương chậu của nàng khiến vải quần nàng dãn căng ra để lộ làn da, đường cong eo tuyệt mỹ, trắng ngần đến kinh ngạc. Khi nàng với lấy váy, một chân bất cẩn giơ lên để lộ một ít đất trên gan ngón chân nhỏ nhắn xinh xắn. Một nốt ruồi bằng đồng xu trên đùi non của nàng và thứ gì đó hơi đỏ tía trên bắp chân - một cái bớt, một vết sẹo. Không phải nhược điểm. Nét trang điểm.

Anh biết nàng từ hồi còn nhỏ, nhưng chưa một lần nhìn nàng. Ở Cambridge, nàng đến phòng anh một lần với một cô gái người New Zealand đeo kính cận và ai đó nữa cùng trường, khi anh có một đứa bạn từ Downing đến. Họ tiêu một tiếng vào những câu đùa ngượng nghịu, và chuyền tay nhau thuốc lá. Thỉnh thoảng, họ sượt qua nhau trên đường và nhoẻn cười. Nàng có vẻ luôn thấy ngượng ngùng - Đó là con trai người lau dọn nhà mình, rất có thể là nàng thì thầm với bạn bè như vậy khi bước tiếp. Anh thích mọi người biết anh chẳng bận tâm - Con gái ông chủ của mẹ tôi đấy, anh có lần nói với đứa bạn. Anh có những quan điểm chính trị để bảo vệ mình, cả những lý thuyết dựa trên nền tảng khoa học về giai cấp, và sự tự tin có phần gò ép. Tôi là thứ tôi là. Nàng chỉ như một cô em gái, gần như vô hình. Khuôn mặt thuôn dài đó, cái miệng nhỏ đó - nếu có lúc nào từng nghĩ đến nàng, hẳn anh sẽ bảo nàng mặt mũi trông hơi giống ngựa. Giờ anh thấy nó là một vẻ đẹp kỳ khôi - khuôn mặt có nét gì đó như được tạc và tĩnh lặng, đặc biệt là quanh đôi gò má nhô cao, thoải xuống phóng túng về phía lỗ mũi, và làn môi đầy đặn, bóng, mơn mởn như nụ hồng. Mắt nàng đen và sâu thẳm. Đấy là một gương mặt như tượng tạc, nhưng cử động của nàng lại nhanh và nôn nóng - cái bình sẽ vẫn còn nguyên nếu nàng không giật phắt khỏi tay anh bất ngờ đến thế. Nàng bôn chồn, đã rõ, buồn chán và cảm thấy bị giam hãm trong nhà Tallis, và chẳng bao lâu nữa, nàng sẽ đi.

Và anh sẽ phải nói chuyện với nàng ngay. Cuối cùng anh đứng dậy khỏi bồn tắm, run rẩy, không hề ngờ rằng một thay đổi lớn đang đến với mình. Anh trần truồng qua thư phòng vào phòng ngủ. Giường chưa dọn, một đống lộn xộn áo quần thay ra, một cái khăn trên sàn, cái nóng như ở vùng xích đạo của căn phòng gọi nhục cảm đến tuyệt vọng. Anh nằm soài trên giường, mặt sấp xuống gói, rên rỉ. Sự ngọt ngào của nàng, vẻ thanh tú ấy, người bạn từ thơ ấu của anh, tất cả giờ đang có nguy cơ trở nên ngoài tầm với. Trút bỏ y phục như thế - phải, hành động đáng yêu để tỏ vẻ khác biệt ấy của nàng, nỗ lực cố tỏ ra táo bạo ấy của nàng, mang trong nó chút gì cường điệu, tự phát. Giờ nàng hẳn đang khổ sở vì hối hận, và không hề biết mình đã làm gì với anh. Và hết thảy mọi sự lẽ ra đã rất tốt, đã có thể cứu vãn được, nếu nàng không quá giận anh vì cái bình mẻ trong tay anh. Nhưng anh yêu cả cơn thịnh nộ của nàng nữa. Anh trở mình nằm nghiêng, mắt đăm đăm nhìn nhưng chẳng thấy gì, và đắm chìm vào một tưởng tượng như trong phim: nàng đâm vào ve cổ áo anh rồi khẽ nức nở ngả vào vòng tay vững chãi của anh, để mặc anh hôn nàng; nàng không tha thứ cho anh, nàng chỉ mặc kệ. Anh xem cảnh này vài lần rồi trở về hiện thực: nàng giận anh, và nàng sẽ càng giận hơn khi biết anh là khách mời đến ăn tối. Ngoài kia, dưới ánh nắng chói chang, anh đã không kịp nghĩ ra để mà từ chối lời mời của Leon. Theo phản xạ, anh cứ thế đồng ý, và giờ anh phải đối mặt với sự cáu giận của nàng. Anh lại rên rỉ, và không quan tâm dưới tầng có người nghe không, khi nhớ lại nàng đã cởi quần áo trước mặt anh như thế nào - hết mức thản nhiên, như thể anh là một đứa trẻ sơ sinh. Đương nhiên rồi. Giờ anh hiểu ra rõ ràng. Nàng muốn sỉ nhục anh. Nó đứng đó, sự thật không thể chối cãi. Sỉ nhục. Nàng muốn anh bị như vậy. Nàng không chỉ thuần túy ngọt ngào, và anh không tài nào đứng hơn nàng được, vì nàng là một trường lực, nàng có thể lôi anh lên từ đáy sâu rồi dìm anh xuống thấp.

Nhưng có lẽ - anh lại nằm ngửa ra - anh không nên tin cơn thịnh nộ của nàng. Chẳng phải nó cường điệu quá ư? Chắc chắn dụng ý của nàng là một thứ gì đó khá khẩm hơn, ngay cả trong giận dữ. Ngay cả trong giận dữ, nàng cũng muốn cho anh thấy nàng đẹp thế nào và buộc anh vào nàng. Nhưng làm sao anh tin nổi một ý tưởng vị kỷ khởi phát từ hy vọng và khao khát? Anh phải tin. Anh bắt tréo chân, đan tay sau đầu, cảm thấy da mình mát lạnh khi khô ráo. Freud sẽ nói gì nhỉ? Câu này thì sao: Nàng giấu giếm ham muốn vô thức được bộc lộ bản thân với anh đằng sau một màn trình diễn nóng giận? Hy vọng thảm hại! Nó là một sự hạ nhục gã đàn ông trong anh, một bản án, và đây - điều bây giờ anh cảm thấy - sự tra tấn này là hình phạt dành cho anh khi làm vỡ cái bình vớ vẩn đó của nàng. Lẽ ra anh không bao giờ nên gặp lại nàng nữa. Mà anh lại phải gặp nàng tối nay. Dù sao anh chẳng còn lựa chọn nào khác - anh sẽ đi. Nàng sẽ khinh bỉ anh vì đã đến. Lẽ ra anh phải từ chối lời mời của Leon, nhưng vào giây phút nghe lời mời, tim anh đập quýnh lên và lời đồng ý ngớ ngẩn của anh đã bay ra khỏi miệng rồi. Tối nay anh sẽ ở cùng một phòng với nàng, và cái thân thể anh đã nhìn thấy, những nốt ruồi, màu da trắng xanh, cái bớt, sẽ bị quần áo nàng che mất. Chỉ riêng anh biết, và Emily, dĩ nhiên. Nhưng chỉ mình anh nghĩ đến chúng. Và Cecilia sẽ không nói chuyện hay nhìn anh. Thậm chí thế còn dễ chịu hơn nằm đây mà rên rỉ. Không, không dễ chịu hơn. Sẽ tồi tệ hơn, nhưng anh vẫn muốn vậy. Anh phải được thế. Anh muốn nó tồi tệ hơn.

Cuối cùng anh ngồi dậy, mặc quần vào và sang thư phòng, ngồi xuống máy đánh chữ, băn khoăn không biết nên viết thư loại nào cho nàng. Cũng như phòng ngủ và phòng tắm, thư phòng cũng ngột ngạt dưới đỉnh mái nhà gỗ, và chẳng rộng hơn một hành lang giữa hai phòng bao nhiêu, dài chưa đầy mét tám và rộng mét rưỡi. Như hai phòng kia, có một cửa sổ trời làm bằng gỗ thông không đánh bóng. Chất đống trong một góc là đồ leo núi của anh - bốt, gậy leo núi, ba lô da. Một cái bàn bếp đầy vết dao băm choán gần hết diện tích. Anh ngả ghế ra sau và quan sát cái bàn như người ta quan sát một cuộc đời. Ở một đầu, chồng cao sát trần nhà dôc, là cặp tài liệu và sách bài tập từ mấy tháng trước lúc anh ôn thi cuối khóa. Sau này anh sẽ không cần dùng đến đống giấy tờ ghi chép đó nữa, nhưng bao nhiêu công sức, bao nhiêu thành công dồn nén trong đó nên anh vẫn chưa nỡ lòng vứt đi. Nằm gần như đối diện đống sách là những bản đồ leo núi của anh, vùng North Wales, Hampshire, Surrey, và bản đồ định dùng cho chuyến đi tới Istanbul đã bị hủy bỏ. Có một chiếc la bàn gương nhỏ anh từng dùng khi đi bộ không có bản đồ đến Lulworth Cove.

Đằng sau la bàn là cuốn Poems của Auden và A Shropshire Lad của Housman. Ở đầu bàn bên kia là các loại sách lịch sử, chuyên khảo lý thuyết và sách hướng dẫn thực hành về trồng vườn cảnh. Mười bài thơ được đánh máy nằm dưới lá thư từ chối của tạp chí Criterion, đích thân Eliot ký tên. Gần nơi Robbie ngồi nhất là các cuốn sách thuộc lĩnh vực anh mới quan tâm. Cuốn Giải phẫu học của Gray mở cạnh tập bản vẽ của anh. Anh đã đặt ra cho mình nhiệm vụ vẽ và ghi nhớ xương bàn tay. Giờ anh cố làm mình sao nhãng bằng cách nhớ lại vài xương, lẩm bẩm tên chúng: xương cả, xương móc, xương tháp, xương bán nguyệt... Bức anh vẽ đẹp nhất đến bây giờ, bằng mực và chì màu, là mặt cắt ngang ông thực quản và khí quản, được đóng đinh treo trên rui nhà phía trên bàn. Một cái ca thiếc không quai đựng tất cả bút chì bút mực. Máy đánh chữ là một chiếc khá hiện đại của hãng Olympia mà anh được Jack Tallis tặng năm hai mốt tuổi vào bữa tiệc trưa tổ chức trong thư viện. Leon đã phát biểu đôi lời cùng với cha mình, và Cecilia dĩ nhiên cũng có mặt. Robbie không thể nhớ nổi dù chỉ một câu mà hai nguời có thể đã nói với nhau. Đó có phải là lý do giờ nàng giận dữ không, vì anh đã lờ nàng đi biết bao năm qua? Một hy vọng thảm hại nữa.

Ở mép bàn, vô số ảnh chụp: nhóm diễn vở Twelfth Night trên bãi cỏ ở trường, anh trong vai Malvolio, dây nịt bít tất chằng chịt. Mới hợp với anh làm sao. Có ảnh chụp một nhóm khác, anh và ba mươi đứa trẻ người Pháp anh dạy ở một trường nội trú gần Lille. Trong một cái khung kim loại có chữ belle époque ánh sắc xanh là một bức ảnh chụp cha mẹ anh, Grace và Emest, ba ngày sau khi cưới. Phía sau họ, chỉ dính chút xíu vào bức ảnh, là cửa trước của một cái ô tô - chắc chắn không phải của họ, và xa xa, một nhà sấy mạch nha thấp thoáng trên một bức tường gạch. Một kỳ trăng mật tuyệt vời, Grace luôn nói, hai tuần nhặt hoa bia với gia đình chồng và ngủ trong xe moóc kiểu dân gypsy đỗ trên sân nông trại. Cha anh vận áo không cổ. Khăn quàng cổ và dây lưng thắt quanh quần vải ilanen rất có thể là phong cách gypsy nghịch ngợm. Đầu và mặt ông tròn, nhưng lại không hẳn gây cảm giác vui vẻ, vì nụ cười ông nở trước máy ảnh không đủ nhiệt thành để tách môi ông ra, và thay vì nắm tay cô dâu trẻ của mình, ông lại khoanh tay lại. Bà, thì không như vậy, bà dựa vào người ông, ngả đầu lên vai ông và hai tay ngượng ngừng bíu lấy khuỷu tay áo ông. Grace, lúc nào cũng can đảm và nhân hậu, cười cho cả hai. Nhưng đôi tay nhiệt thành và tâm hồn hiền hậu thôi không đủ. Trông như thể tâm trí Emest ở nơi khác rồi, đã trôi đên bảy mùa hè sau đó, đến cái buổi tối khi ông thôi không làm người làm vườn cho nhà Tallis nữa, bỏ căn nhà gỗ đi, không hành lý, không cả một lá thư từ biệt trên bàn bếp, để lại người vợ và thằng con trai sáu tuổi đầu thắc mắc về ông suốt quãng đời còn lại.

Đâu đó, nằm lẫn giữa đống giấy tờ anh viết ra khi ôn bài, sách vở dạy trồng vườn và giải phẫu, là thư từ và bưu thiếp: phiếu ăn chưa thanh toán, thư từ giáo viên và bạn bè gửi chúc mừng anh tốt nghiệp hạng ưu, mà anh vẫn thấy sung sướng khi đọc lại, và những thư khác lịch sự hỏi anh định làm gì tiếp theo. Lá thư gần đây nhất, viết bằng mực nâu trên giấy viết thư chuyên dùng ở Whitehall, là của Jack Tallis đồng ý giúp chi trả tiền học trường y. Có những đơn xin nhập học, dài hai mươi trang, và những sách chỉ dẫn xin học dày cộp, đặc nghẹt chữ từ Edinburgh và London mà giọng văn chuẩn xác, đầy logic có vẻ như cho anh nếm trước mùi một thể loại chặt chẽ kiểu học thuật mới. Nhưng ngày hôm nay chúng gọi cho anh, không phải cuộc phiêu lưu hay một khởi đầu tỉnh khôi, mà là lưu vong đày ải. Anh nhìn nó trong viễn tượng - những con phố có mái che ảm đạm cách xa nơi này, một phòng dán giấy tường hoa với tủ quần áo thấp và ga trải giường vải bông xù, những người bạn mới chân thành hầu hết nhỏ tuổi hơn anh, những hũ phoóc môn, giảng đường lớn vang vang giọng nói - mọi yếu tố thiếu vắng hình bóng nàng.

Trong chỗ sách dạy trồng vườn, anh lấy cuốn về Versailles mượn về từ thư viện nhà Tallis. Đó là ngày anh lần đầu tiên nhận ra sự ngượng nghịu của mình khi ở trước mặt nàng. Khi quỳ gối xuống cởi giày ở cửa trước, anh nhớ ra tình trạng đôi tất của mình - ngón và gót thủng lỗ và, với tất cả những gì anh biết, bốc mùi - nên một cách bốc đồng anh đã lột phăng chúng ra. Lúc đó anh cảm thấy mình ngu ngốc làm sao, chân không lót tót đi sau nàng qua sảnh vào thư viện. Anh chỉ nghĩ duy nhất một việc là biến về càng nhanh càng tốt. Anh trốn qua bếp và đã phải nhờ Danny Hardman đi vòng ra cửa trước lấy giày và tất hộ anh.

Nàng chắc hẳn chưa đọc chuyên khảo về thủy lực học của Versailles do một người Đan Mạch vào thế kỷ mười tám viết, tán tụng bằng tiếng Latin thiên tài của Le Nôtre. Với sự giúp đỡ của tự điển, Robbie đã đọc được năm trang trong một buổi sáng rồi chào thua và đành tự bằng lòng lật xem các minh họa. Đây không phải là loại sách nàng thích đọc, mà thực ra chẳng phải loại sách ai thích đọc cả, nhưng nàng đã trao nó cho anh từ bậu cửa thư viện và đâu đó trên bìa da kia là dấu tay nàng. Bụng bảo dạ không được làm, nhưng anh vẫn giơ cuốn sách lên mũi mà hít. Bụi, giấy cũ và mùi xa phòng trên tay anh, nhưng không có gì thuộc về nàng. Nó lén lọt vào anh bằng cách nào, cái giai đoạn đỉnh cao tôn thờ những thư người tình chạm vào đến thế? Chắc chắn Freud có nói gì đó trong Three Essays on Sexuality. Và Keats cũng thế, cả Shakespeare cũng như Petrarch, và hết thảy, và điều này cũng được viết trong The Romaunt of the Rose. Anh đã dành ba năm ròng thờ ơ nghiên cứu các triệu chứng ấy, những thứ có vẻ chẳng khác gì các ước lệ văn học, vậy mà giờ đây, khi cô đơn, như một chàng quý tộc đầu gắn lông chim mặc áo cổ xép nếp đến bìa rừng nhìn ngắm tín vật bị từ chối, anh đang thờ phụng những dấu vết của nàng - không phải cái khăn tay, mà là vân tay! - trong khi anh héo mòn vì bị tình nương của mình khinh miệt.

Dù vậy, khi cho giấy vào máy chữ, anh không quên giấy than. Anh gõ ngày và lời chào, rồi ngay lập tức đi thẳng vào lời xin lỗi như thông lệ vì "hành vi khinh suất và vụng về" của mình. Rồi anh dừng lại. Anh có nên tỏ chút cảm xúc nào không nhỉ, và nếu có, thì ở mức độ nào?

"Nếu có lý do nào đó, thì chỉ vừa mới đây thôi tôi mới nhận ra rằng mình khá nông nổi khi đứng trước mặt cô. Ý tôi là, tôi chưa bao giờ đi chân không vào nhà ai trước đây cả. Chắc hẳn là do trời nóng!"

Nghe mới yếu ớt làm sao, cái kiểu bông lơn tự vệ này. Anh giống một người bị lao nặng giả vờ bị cảm lạnh. Anh đẩy cái cần lùi hai lần rồi viết lại: "Khó có thể coi đó là một lý do, tôi hiểu, nhưng vừa đây tôi có vẻ nông nổi kinh khủng khi ở gần cô. Tôi đã làm gì cơ chứ, đi chân không vào nhà cô ư? Và tôi đã khi nào làm vỡ miệng một cái bình cổ trước đây chưa?" Anh ngừng tay trên phím trong khi đương đầu với khao khát gõ tên nàng lần nữa. "Cee, tôi không nghĩ mình có thể đổ là do trời nóng!" Bây giờ đùa cợt đã nhường đường cho những lời thống thiết, hoặc ai oán. Những câu hỏi tu từ luôn có một vẻ ướt át; dấu chấm than là cách thể hiện kém cỏi của những kẻ phải hét lên để nói rõ ý mình. Anh chỉ chấp nhận dấu chấm câu này chỉ trong lá thư của mẹ mình khi năm dấu liên tục là dấu hiệu của một câu đùa vui vẻ. Anh quay thanh dựng giấy, và gõ một chữ "x". "Cecilia, tôi không nghĩ mình có thể đổ là do trời nóng." Bây giờ hài hước đã bị bỏ đi, và yếu tố tủi thân bò vào. Dấu chấm than phải được phục hồi. Âm lượng rõ ràng không phải là nhiệm vụ duy nhất của nó.

Anh sửa chữa bản nháp thêm chừng mười lăm phút nữa, rồi cho vào vài tờ giấy mới và gõ lại một bản đẹp. Những dòng chủ yếu còn lại bây giờ là: "Tôi tha thứ cho cô vì đã nghĩ tôi điên rồ - đi chân không vào nhà cô, hay làm vỡ cái bình cổ của cô. Sự thật là, tôi thấy khá nông nổi và ngu ngốc khi đứng trước mặt cô, Cee, và tôi không nghĩ mình có thể đổ là do trời nóng! Cô sẽ tha thứ cho tôi chứ? Robbie." Rồi, sau một vài giây mơ mộng, ngả ghế ra sau, nghĩ đến cái trang trong cuốn Giải phẫu học mà những ngày này anh cứ hay giở ra dù không định thế, anh rướn tới trước và gõ trước khi kịp ngăn mình, "Trong mơ, tôi hôn l. em, cái l. ướt át ngọt ngào của em. Trong suy nghĩ, tôi làm tình với em suốt ngày dài."

Rồi thế là - hủy. Bản nháp bị hủy. Anh kéo xoẹt tờ giấy ra khỏi máy, đặt sang một bên, và viết thư bằng tay, tự tin rằng chút gì đó cá nhân sẽ hợp với dịp này. Khi nhìn đồng hồ anh nhớ ra trước khi đi phải đánh giày. Anh đứng dậy khỏi bàn, cẩn thận để không cộc đầu vào rui nhà.

Anh không hề thấy tự ti - như thế thật không phải, dưới con mắt của nhiều người. Có lần tại một bữa tối ở Cambridge, giữa một sự khoảng lặng bất ngờ trên bàn ăn, một tay không thích Robbie đã lớn tiếng hỏi về bố mẹ anh. Robbie nhìn thẳng vào mắt gã đó và thoải mái trả lời rằng bố anh đã bỏ đi từ lâu, còn mẹ anh là lao công thỉnh thoảng kiếm thêm chút đỉnh bằng nghề bói toán. Anh nói bằng giọng dung thứ nhẹ nhàng cho sự ngu dốt của kẻ đặt câu hỏi. Robbie kể tỉ mỉ hoàn cảnh của mình, rồi kết thúc bằng cách lịch sự hỏi han về cha mẹ của gã kia. Một số bảo rằng thế là ngây thơ, hay ngờ nghệch về thế giới, rằng điều đó sẽ bảo vệ Robbie khỏi bị cái thế giới này tàn hại, rằng anh là loại ngu ngốc thần thánh có thể bước qua phòng khách khắc nghiệt tương đương than nóng đỏ mà không bị làm sao. Sự thật, như Cecilia biết, giản dị hơn. Anh trải qua thời thơ ấu đi lại tự do giữa căn căn nhà gỗ và nhà chính. Jack Tallis là người bảo trợ của anh, Leon và Cecilia là bạn thân nhất của anh, ít nhất cho đến khi học trung học. Vào đại học, nơi Robbie phát hiện ra anh thông minh hơn rất nhiều người anh gặp, sự tự do của anh được hoàn chỉnh. Ngay cả sự kiêu bạc của mình anh cũng không cần đem ra phô diễn.

Grace Turner sung sướng đảm đương việc giặt giũ cho anh - còn gì khác, ngoài những bữa ăn nóng sốt, để thể hiện tình mẫu tử khi đứa con duy nhất của bà đã hai mươi ba? - nhưng Robbie thích tự đánh bóng giày. Mặc áo may ô trắng và quần của bộ com lê, anh bước xuống đoạn cầu thang ngắn, chân đi tất, cầm một đôi giày đen. Cạnh cửa phòng khách là một khoảng hẹp dẫn đến cửa ra vào kính mờ, một tia sáng màu cam ánh đỏ bị tán sắc khi chiếu xuyên qua đó, chạm nổi lên giấy dán tường màu be và ô liu những hình tổ ong đang ngùn ngụt cháy. Anh dừng lại, một tay trên nắm đấm cửa, kinh ngạc trước sự biến đổi ấy, rồi bước vào. Không khí trong phòng nóng ẩm, phảng phất vị mặn. Chắc hẳn một lượt xem bói vừa mới kết thúc. Mẹ anh ngồi bắt tréo chân trên sofa, dép đi trong nhà lủng lẳng trên chân bà.

"Molly vừa ở đây," bà nói, và ngồi thẳng người lên cho dễ nói chuyên. "Và mẹ rất mừng được thông báo với con rằng cô ấy sẽ ổn."

Robbie lấy hộp xi trong bếp ra, ngồi xuống cái ghế bành gần mẹ mình nhất, và trải một trang báo Daily Sketch số ra ba hôm trước xuống thảm.

"Mẹ làm tốt lắm," anh nói. "Con nghe tiếng mọi người nói nên lên tầng đi tắm."

Anh biết mình nên đi sớm, anh nên đánh giày, nhưng rồi anh chỉ ngả người ra ghế, duỗi mình duỗi mẩy hết cỡ và ngáp.

"Phí hoài! Mình đang làm gì với đời mình thế này?"

Giọng anh hài hước nhiều hơn não nùng. Anh khoanh tay lại nhìn lên trần nhà trong lúc xoa xoa ngón chân cái của chân này lên mu bàn chân kia.

Mẹ anh đăm đăm nhìn vào khoảng không trên đầu anh. "Nào thôi. Có chuyện rồi. Con bị sao thế? Và đừng có mà nói 'Không có gì'."

Grace Turner trở thành người lau dọn của nhà Tallis vào cái tuần sau khi Emest bỏ đi. Jack Tallis không nỡ lòng đuổi một phụ nữ trẻ và đứa nhỏ đi. Ông tìm được trong làng một người làm vườn và việc vặt thay thế không đòi hỏi có nhà ở. Lúc đó mọi người cho là Grace sẽ giữ căn nhà gỗ trong một hay hai năm rồi vui vẻ trở lại hoặc tái hôn. Bản tính nhân hậu và có biệt tài đánh bóng - sự cống hiến mà bà dành cho bề mặt các đồ vật, một câu đùa trong gia đình - khiến bà được yêu quý, nhưng chính sự kính mến mà bà có được ở cô bé Cecilia sáu tuổi và cậu anh trai Leon tám tuổi là thứ đã cứu bà, và làm nên Robbie. Khi trường học cho nghỉ lễ, Grace được phép mang theo đứa con sáu tuổi của mình khi làm việc. Robbie lớn lên cùng với việc trông nom phòng trẻ và những nơi khác trong ngôi nhà mà trẻ con được phép đến, cả sân ngoài nữa. Chiến hữu cùng trèo cây của anh là Leon, Cecilia là cô em gái nhỏ luôn tin cậy nắm tay cậu và khiến cậu cảm thấy mình thông thái vô cùng. Một vài năm sau, khi Robbie giành được học bổng đến trường trung học địa phương, Jack Tallis tiến bước đầu tiên trong việc bảo trợ lâu dài về sau bằng việc trả tiền đồng phục và sách vở. Đây chính là năm Briony chào đời. Sau lần sinh khó ấy là những ngày bệnh tật dai dẳng của Emily. Sự hữu ích của Grace bảo đảm vị trí của bà: vào Giáng sinh năm đó - 1922 - Leon đội mũ chóp cao và vận quần cưỡi ngựa, lội tuyết đến căn nhà gỗ cầm theo chiếc phong bì xanh cha cậu gửi. Một lá thư của luật sư báo cho bà biết rằng kể từ bây giờ toàn quyền sở hữu căn nhà gỗ đã thuộc về bà, bất kể bà có làm việc cho gia đình Tallis hay không. Nhưng bà vẫn tiếp tục làm, quay lại làm việc nhà khi lũ trẻ lớn lên, đặc trách việc đánh bóng đồ đạc.

Giả định của bà về Ernest là ông đã xoay xở để được cử ra Mặt trận dưới một cái tên khác, và không bao giờ trở về nữa. Nếu không, việc không tò mò gì về con trai mình thật phi nhân tính. Thường thường, vào những giây phút bà có cho riêng mình mỗi ngày khi đi từ căn nhà gỗ đến nhà chính, bà sẽ ngẫm ngợi về những chuyện tình cờ tốt lành trong đời mình. Bà đã luôn hơi sợ Emest. Có lẽ nếu ở với nhau họ sẽ không được hạnh phúc như khi bà sống một mình cùng đứa con trai thiên tài thân yêu trong căn nhà nhỏ của riêng bà. Nếu ông Tallis là một loại người khác...

Một vài phụ nữ, đã đến gặp bà trả một Shilling nhờ đoán vận tương lai, đã bị chồng bỏ, số người có chồng chết ngoài Mặt trận thậm chí còn nhiều hơn. Những người phụ nữ đó thường phải sống cuộc đời cùng khổ, và đời bà đã rất dễ cũng phải giống như thế.

"Không có gì," anh trả lời câu hỏi của mẹ. "Con chả bị làm sao cả." cầm bàn chải và hộp xi đánh giày lên, anh nói, "Vậy là tương lai Molly có vẻ xán lạn rồi."

"Trong vòng năm năm nữa thôi cô ấy sẽ tái hôn. Và cô ấy sẽ rất hạnh phúc. Một người miền Bắc có trình độ."

"Cô ấy hoàn toàn xứng đáng."

Họ ngồi trong im lặng dễ chịu khi bà ngắm anh đánh giày bằng một miếng giẻ vàng. Trên gò má điển trai của anh các cơ giật giật theo từng cử động, và dọc theo cẳng tay anh chúng xòe ra rồi chuyển vị trí theo một sự tái sắp xếp phức tạp nào đó dưới da. Hẳn phải có điểm gì đó đúng đắn trong cuộc hôn nhân với Emest nên bà mới có được một thằng con thế này.

"Vậy con sắp ra ngoài à."

"Leon vừa về tới khi con trên đường về. Cậu ấy đưa bạn về cùng, mẹ biết đây, trùm sôcôla. Họ thuyết phục con cùng dùng bữa tối nay."

"Ồ, suốt cả chiều nay mẹ ở đó lau đồ bạc đấy. Và lau phòng cho cậu ấy."

Anh cầm giày lên và đứng dậy. "Tối nay khi con nhìn vào mặt mình trên thìa, con sẽ chỉ thấy mẹ."

"Chuẩn bị đi. Sơ mi của con treo trong bếp ấy."

Anh dọn hộp xi mang ra ngoài rồi chọn một sơ mi vải lanh màu kem trong ba cái trên giá. Anh quay lại và chuẩn bị đi ra, nhung bà muốn giữ anh lại một chút.

"Còn bọn trẻ nhà Quincey đó nữa chứ. Thằng nhỏ đó tè dầm ra giường và đủ thứ. Mấy con cừu non tội nghiệp."

Anh nấn ná ở bậu cửa và nhún vai. Anh đã nhòm vào và thấy chúng ở hồ bơi, la hét cười đùa trong cái nóng cuối buổi sáng. Chút nữa thì chúng đã lăn cái xe cút kít của anh xuống bể bơi nếu anh không kịp chạy đến. Danny Hardman cũng ở đó, dâm dật liếc mắt nhìn chị gái chúng trong khi lẽ ra gã phải đi làm việc.

"Chúng sẽ sống sót thôi," anh nói.

Nóng lòng ra ngoài, anh bước ba bậc cầu thang một. Về lại phòng ngủ, anh vội vàng mặc quần áo, vừa huýt sáo vu vơ vừa cúi xuống vuốt keo và chải tóc trước gương trong tủ quần áo. Anh không hề có tai thẩm âm, và không tài nào biết được nốt này là cao hay thấp hơn nốt kia. Giờ đã xong xuôi cho buổi tối, anh thấy phấn khích, và thật kỳ lạ, tự do. Mọi thứ sẽ không thể tệ hơn cái vốn đã tệ trong hiện tại. Theo từng bước một, cùng sự khoan khoái khi thay mình làm mọi chuyện mới nhanh gọn làm sao, như thể đang chuẩn bị cho một hành trình mạo hiểm hay một cuộc viễn chinh quân đội, anh thực hiện xong những việc mọn quen thuộc - lấy chìa khóa, chắc chắn có một tờ mười Shilling trong ví, đánh răng, khum tay lại thở ra ngửi, lấy lá thư trên bàn gấp lại cho vào phong bì, bỏ thuốc lá vào hộp và kiểm tra bật lửa. Một lần cuối cùng, anh ra đứng trước gương. Anh nhe lợi ra, và xoay lưng lại để nhìn phía sau, và nhìn qua vai hình ảnh của mình. Cuối cùng, anh vỗ vỗ vào túi, hân hoan xuống cầu thang, ba bậc một lần, chào tạm biệt mẹ, và bước ra ngoài con đường lát gạch nhỏ nằm giữa các luống hoa dẫn ra cổng giữa hàng rào cọc gỗ.

Hàng bao năm sau anh vẫn thường nhớ lại thời điểm này, khi anh bước trên lối mòn đi tắt qua góc rừng sồi ra đường chính lượn cong về phía hồ và ngôi nhà. Anh không bị muộn, ấy vậy mà vẫn thấy khó kìm được bước chân. Biết bao nguồn vui sướng, cả ở ngay gần lẫn xa hơn một chút, hòa trộn với sự đẹp đẽ của những phút giây này: hoàng hôn đỏ tía đang nhạt dần, không gian lặng gió âm ấm đẫm mùi cỏ khô và đất cháy, chân tay anh thoải mái sau khi làm việc trong vườn cả ngày, da mềm mại sau khi tắm, cảm giác khi mặc chiếc sơ mi, và cái này nữa, bộ com lê duy nhất của anh. Sự mong chờ kèm với nỗi sợ hãi anh cảm thấy khi gặp nàng cũng là một loại khoái cảm xác thịt, và bao quanh nó, như cái ôm ghì, là niềm hoan hỉ vô bờ bên - nó có thể gây đau đớn, nó khó chịu khủng khiếp, không gì tốt lành có thể sinh ra từ nó, nhưng anh đã tự mình hiểu ra yêu là thế nào, và điều đó làm anh phấn khích. Những nguồn phụ khác đổ đầy thêm hạnh phúc của anh; anh vẫn sung sướng âm ỉ khi nghĩ đến tấm bằng hạng ưu của mình - thủ khoa của khóa đó, người ta bảo anh thế. Và giờ đã có lời khẳng định của Jack Tallis rằng sẽ tiếp tục hỗ trợ. Một cuộc phiêu lưu mới mẻ trước mặt, hoàn toàn không phải lưu vong đày ải, đột nhiên anh chắc vậy. Anh học y là đúng và tốt. Anh đã không giải thích nổi sự lạc quan trong mình - anh đang hạnh phúc và vì thế chắc chắn sẽ thành công.

Một từ chứa đựng tất cả những gì anh cảm thấy, và giải thích tại sao sau đó anh lại quá chìm đắm vào giây phút này. Tự do. Trong cuộc đời anh cũng như trong cơ bắp anh. Rất lâu trước đây, thậm chí trước khi nghe nói về các trường trung học, anh đã tham gia một kỳ thi để rồi được vào một trong số đó. Cambridge, cho dù anh cũng rất thích, thực ra là lựa chọn của ông hiệu trưởng đầy tham vọng của anh. Ngay cả môn anh theo học cũng được một giáo viên uy tín chọn hộ. Bây giờ, cuối cùng, cùng với việc thực hiện ý muốn riêng, cuộc đời trưởng thành của anh đã bắt đầu. Anh đang phác họa một câu chuyện trong đó anh làm nhân vật chính, và phần mở đầu đã ít nhiều khiến bạn bè anh kinh ngạc. Trồng vườn thật không hơn gì một ảo tưởng bohemian, cũng là một tham vọng thảm hại - anh đã phân tích điều đó với sự giúp đỡ của Freud - để thay thế hay vượt qua người cha vắng mặt. Giảng dạy - trong vòng mười lăm năm, lên chức Trưởng khoa Anh văn, Ông R. Turner, MA Cantab - cũng không có trong truyện, cả đi dạy ở một trường dại học cũng không. Mặc dù là thủ khoa, giờ khi nhìn lại nghiên cứu văn học Anh có vẻ chỉ là một trò chơi hấp dẫn trong phòng khách, đọc sách rồi nêu ra quan điểm, một thú trang trí đáng ao ước cho một cá thể văn minh. Nhưng nó không phải là cốt lõi, dù cho tiến sĩ Leavis có nói gì trong các bài giảng của ông. Nó không phải là sự tu hạnh cần thiết, cũng không phải là cuộc theo đuổi sống còn một trí tuệ không ngừng kiếm tìm điều mới, cũng không phải là lời biện hộ dầu tiên và cuối cùng chống lại đám man di, không hơn gì so với nghiên cứu hội họa hay âm nhạc, lịch sử hay khoa học. Ở rất nhiều cuộc nói chuyện trong năm cuối, Robbie dã nghe một nhà phân tâm học, một thành viên của công đoàn Cộng sản và một nhà vật lý phát biểu, từng người một đều tuyên bố về lĩnh vực của mình cũng nồng nhiệt, cũng đầy thuyết phục, như Leavis khi nói về lĩnh vực cùa ông. Những người trong ngành y chắc hẳn cũng có những tuyên ngôn như thế, nhưng với Robbie vấn đề đơn giản và mang tính cá nhân hơn nhiều: bản tính thực tế và tham vọng khoa học khôn thỏa của anh sẽ tìm được một lối ra, anh sẽ có những kỹ năng phức tạp gấp bội lần những kỹ năng học được trong phê bình thực tiễn, và trên hết anh sẽ được tự mình đưa ra quyết định. Anh sẽ thuê nhà một thành phố lạ - và bắt đầu.

Anh đã ra khỏi đám cây và bước tới chỗ nơi đường mòn nhập vào lối xe chạy. Ánh sáng đổ xuống tù bầu trời làm đậm thêm khoảng không gian mờ tối của công viên, và ánh lấp lánh vàng nhạt trên những cửa sổ ở phía bên kia hồ khiến ngôi nhà có vẻ huy hoàng đẹp đẽ. Nàng ở đó, có lẽ trong phòng nàng, sửa soạn cho bữa tối – khuất tầm mắt, ở phần sau của ngôi nhà, trên tầng hai. Trông ra đài phun nước. Anh xua đi những ý nghĩ sổng động lúc ban ngày về nàng, không muốn đến đó trong tâm trạng xáo động. Phần đế giày cứng nện lộp cộp trên mặt đường rải đá như tiếng một chiếc đồng hồ khổng lồ, và anh buộc mình nghĩ đến thời gian, kho tích trữ vĩ đại của mình, sự xa xỉ của một gia tài còn nguyên vẹn. Trước đây anh chưa bao giờ tự ý thức mình trẻ đến thế, hay trải nghiệm sự háo hức, sự thèm muốn được bắt đầu câu chuyện của mình đến thế. Ở Cambridge có những người trí óc nhanh nhạy, như các giáo viên, vẫn chơi được một ván tennis ra trò, vẫn chèo thuyền, mà hơn anh những hai mươi tuổi. Ít nhất hai mươi năm nữa mới biết được câu chuyện của anh sẽ ra sao vào thời điểm anh ở mức độ thể chất ấy - gần bằng quãng thời gian mà anh đã sống. Hai mươi năm sẽ vụt đưa anh tới năm 1955 của tương lai. Khi đó anh sẽ biết được điều quan trọng nào giờ vẫn còn là bí ẩn? Có thể nào ngoài khoảng thời gian đó anh còn có thêm ba mươi năm nữa, để sống đến khi trút hơi thở cuối cùng theo một nhịp trầm tĩnh hơn không?

Anh nghĩ đến mình vào năm 1962, năm mươi tuổi, khi anh hẳn đã già, nhưng không già đến nỗi thành vô dụng, nghĩ đến vị bác sĩ thông thái, lão luyện là chính mình khi ấy, với những câu chuyện bí mật, những thảm kịch và thành công chồng chất phía sau. Và cũng sẽ có hàng ngàn cuốn sách chất chồng, vì sẽ có thư phòng, rộng thênh thang và lờ mờ tối, nhét đầy những chiến lợi phẩm của cả một đời du hành và suy tư - cỏ hiếm ở rừng rậm nhiệt đới, mũi tên tẩm độc, những sáng chế điện thất bại, tượng nhỏ làm bằng hoạt thạch, các tiêu bản sọ đã teo lại, tranh vẽ thổ dân. Trên giá sách, sách nghiên cứu y học và thiền định, chắc chắn rồi, nhưng cũng có cà loại sách hiện giờ đang lấp đầy cái hốc kín trong gian áp mái căn nhà gỗ - thi ca thế kỷ mười tám đã gần như suýt thuyết phục được anh rằng mình nên là một thợ trồng vườn, Jane Austen ấn bản lần thứ ba của anh, Eliot và Lawrence và Wilfred Owen của anh, toàn tập Conrad, ấn bản vô giá năm 1783 cuốn The Village của Crabbe, Housman của anh, bản The Dance of Death của Auden có chữ ký tác giả. Bởi mục đích chính là thế này, chắc chắn vậy: anh sẽ là một bác sĩ giỏi hơn vì đã đọc văn học. Tri giác hạn hẹp của anh có lẽ sẽ hiểu sâu sắc được biết bao nỗi khốn khổ của con người, sự điên rồ tự hủy hoại hay bất hạnh thuần túy, những điều đã đẩy con người vào cành sức khỏe yếu ớt! Sinh, tử và cái mong manh ở giữa, về thăng và trầm – đây là nhiệm vụ bác sĩ, và cũng là của văn học. Anh đang nghĩ đến tiểu thuyết thế kỷ mười chín. Lòng đại lượng và tầm nhìn xa, một tấm lòng nhân hậu kín đáo và đầu óc phán xét tỉnh táo; anh là loại bác sĩ sẽ hiểu rõ và sẵn lòng đón nhận mọi trò tàn ác của số phận, cả sự phủ nhận nực cười và tuyệt vọng đối với những việc không thể tránh khỏi; anh sẽ bắt mạch nhịp đã yếu, nghe từng hơi thở đang dần tắt, cảm thấy bàn tay nóng bắt đầu lạnh đi và chiêm nghiệm, theo cách mà chỉ có văn học và tôn giáo dạy, về sự yếu ớt và cao quý của loài người...

Anh nhanh chân bước trong buổi tối mùa hạ lặng gió theo nhịp những suy nghĩ hoan hỉ của mình. Phía trước anh, cách khoảng một trăm mét, là cây cầu, và trên đó, anh cho là thế, nổi bật trên con đường tối sẫm, là một hình màu trắng thoạt tiên có vẻ là một phần của đá nhạt màu trên tường chắn. Nhìn chăm chú vào thì các nét của nó như tan ra, nhưng vài bước gần hơn đã khiến nó hiện ra hơi mang dáng dấp con người. Ở khoảng cách này anh không thể biết được nó xoay lưng hay nhìn về phía anh. Nó đứng bất động và anh cho là nó đang nhìn mình. Trong một hai giây anh cố nghĩ cho vui đó là một con ma, nhưng anh chẳng tin vào chuyện siêu nhiên, ngay cả cái đấng vị tha tột bậc đang nắm quyền tối cao ở nhà thờ Norman trong làng cũng không. Đó là một đứa nhỏ, giờ anh đã thấy, và vì thế chắc chắn là Briony, trong bộ váy trắng anh đã thấy nó mặc trước đó trong ngày. Giờ anh có thể thấy rõ nó, anh giơ tay lên gọi, và nói, "Anh đây, Robbie, nhưng nó vẫn không cử động.

Khi tiến tới, đầu anh nảy ra một ý rằng sẽ thích hợp hơn khi lá thư đến căn nhà trước anh. Nếu không anh có thể sẽ phải chuyển cho Cecilia khi mọi người có mặt ở đó, có lẽ mẹ nàng sẽ dòm ngó, mà bà thì có phần lạnh nhạt với anh kể từ lúc anh về. Mà cũng có khi anh không thể đưa được lá thư cho Cecilia vì nàng cứ giữ khoảng cách. Nếu Briony đưa thư cho nàng, nàng sẽ có thời gian đọc và ngẫm ngợi khi ở một mình. Một vài phút riêng tư sẽ làm nàng dịu đi.

"Anh tự hỏi không biết em giúp anh một việc được không," anh nói khi tiến lại gần em.

Em gật đầu và đợi.

"Em chạy về nhà trước và đưa thư này cho chị Cee hộ anh được không?"

Anh vừa nói vừa đặt phong bì vào tay em, và em nhận lấy, không đáp một lời.

"Vài phút nữa anh sẽ có mặt," anh bắt đầu nói, nhưng em đã quay đi rồi và đang chạy qua cầu. Anh tì người vào tường chắn, lấy một điếu thuốc ra trong lúc nhìn theo dáng người nhấp nhô khi chạy của em lùi xa rồi nhòa vào ráng chiều. Tuổi mới lớn của một bé gái, anh hài lòng nghĩ. Mười hai, hay mười ba nhỉ? Anh không nhìn thấy em trong một hay hai giây, rồi lại thấy khi em chạy qua đảo, nổi bật lên trên khoảng cây màu sẫm. Rồi anh lại không nhìn thấy em, và chỉ đến khi em xuất hiện trở lại, ở phía xa kia trên cây cầu thứ hai, và chạy khỏi lối xe đi đường tắt qua bãi cỏ anh mới đứng bật dậy, bị nỗi kinh hoàng và sự chắc chắn tuyệt đối bóp nghẹt lấy. Một tiếng hét tức thì, không lời bật ra khỏi anh khi anh tiến một vài bước vội vã trên đường xe chạy, ngập ngừng, rồi lại chạy, rồi lại dừng, hiểu rằng có rượt theo cũng vô ích. Khi khum tay quanh miệng và gầm vang tên Briony, anh đã không còn thấy em nữa. Mà thế cũng vô ích. Anh đứng đó, căng mắt ra nhìn em - như thể việc đó có ích - và căng trí nhớ ra nữa, tuyệt vọng cố thuyết phục mình tin rằng đã nhầm. Nhưng không nhầm lẫn gì. Lá thư viết tay anh đặt trên cuốn Giải phẫu học của Gray đang mở, phần Tạng phủ học, trang 1546, âm đạo. Lá thư gõ máy, anh để gần máy đánh chữ, chính là cái anh đã lấy gấp lại cho vào phong bì. Không cần sự thông thái kiểu Freud - lời giải thích đơn giản và nhàm chán hơn nhiều - lá thư vô hại vẫn đang nằm trên hình 1236, với đám lông mu hình tam giác phóng đãng và lộ liễu, trong khi bản nháp bức thư tục tĩu của anh nằm trên bàn, ngay trong tầm với. Anh gào tên Briony lần nữa, mặc dù biết em giờ đã đến cửa trước rồi. Chắc chắn, trong vài giây nữa thôi, một hình thoi ánh sáng màu nâu vàng xa xa bao chứa hình dáng em sẽ mở rộng ra, ngừng giây lát, rồi thu hẹp lại chẳng còn gì khi em bước vào ngôi nhà và cửa khép lại sau lưng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro