[Y]: Kung Fu Panda: Vì bạn chính là một món quà.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"To make something special you just have to believe it's special."

Spoilers alert. 

Một video trên Youtube mình xem qua đã từng nói như thế này: Kungfu Panda là sự kết hợp nhuần nhuyễn của văn hóa phương Đông (Trung Quốc) và phương Tây và là sự tri ân tuyệt vời đến môn võ kungfu. Quả thật vậy; đạo diễn và biên kịch của Kungfu Panda đã khéo léo kết hợp những yếu tố mang nhiều âm hưởng của phim Mỹ như người mang số mệnh anh hùng không thật sự hợp tiêu chuẩn anh hùng mà nhân gian đặt ra hay những câu đùa đậm chất phương Tây trong một bối cảnh mang nặng tính Trung Hoa. Sau khi phát hành, Kungfu Panda đã trở thành một trong những bộ phim hoạt hình được yêu thích nhất của xưởng phim Dreamworks. Ra đời năm 2008, Kungfu Panda tuy không thể mang về tượng vàng Oscar nào cho Dreamworks (tượng vàng năm đó thuộc về Wall-E, một bộ phim đã được mình review trong series này), tuy nhiên, dấu ấn mà nó để lại là không thể xóa nhòa. 

Bộ phim theo chân Po, một cậu gấu trúc béo ú đam mê kungfu đang sống với người cha nuôi (spoilers!) luôn mong cậu sẽ nối nghiệp trở thành chủ tiệm mì nổi tiếng. Một ngày Po bỗng được chọn để trở thành Thần Long Đại Hiệp bởi sư phụ Oogway, trong khi bản thân chưa từng học kungfu một ngày nào. Cả võ đường, bao gồm các thần tượng của cậu, Ngũ Đại Hào Kiệt, không tin tưởng cậu một chút nào. Trong thời điểm căng thẳng, học trò cưng cũ của sư phụ Shifu, Tai Lung, đã thoát khỏi nhà ngục giam giữ và truy lùng bí kíp rồng, vốn thuộc quyền sở hữu của Thần Long Đại Hiệp. Po phải nhanh chóng thuần thục kungfu chỉ trong một vài ngày để hoàn thành sứ mệnh mới được đặt trên vai mình. 

Đây là một bộ phim đúng chất Dreamworks, với lối hài duyên dáng xuyên suốt cả bộ phim, có phần bớt nghiêm túc hơn phim từ "đối thủ" Disney nhằm giữ trong không khí phim không quá căng thẳng. Tuy nhiên, điều đó không khiến phim trở nên vô nghĩa. Qua gấu trúc Po, ta có thể thấy bộ phim muốn truyền tải một thông điệp rất tích cực: hãy tin tưởng vào chính mình. Đừng vì những lời nói của người ngoài mà nản chí; hãy cứ bước tiếp và như sư phụ Oogway nói, "hãy tin tưởng". Rõ ràng, so với hổ chết chóc, rắn uyển chuyển, bọ ngựa dẻo dai, khỉ nhanh nhẹn và sếu thanh thoát, gấu trúc là lựa chọn không thể khó hiểu hơn của sư phụ Oogway. Mà lại là con gấu trúc chỉ biết ăn nữa chứ! Tuy không theo lối của Ngũ Đại Hào Kiệt, song Po vẫn bộc lộ tiềm năng qua chính sở thích yêu thích nhất của chú: ăn! Giống như bạn không thể trồng đào và mong mỏi cho nó trở thành quả táo; bạn không thể ép một người sống theo khuôn mẫu do chính bạn tạo ra. Bạn chỉ có thể phát triển khi bạn được là chính bạn mà thôi. Đây là điều mà sư phụ Shifu, người khắt khe nhất với Po thời gian đầu, đã hiểu ra. Ông phải có niềm tin để dạy cậu gấu trúc thành tài. Không chỉ vậy, dạy võ cho Po đã khiến ông nhận ra sai lầm năm xưa với Tai Lung, cũng như để ông tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn. 

Cá nhân mình nghĩ là sẽ chẳng có ai có thể lồng tiếng cho Po hợp hơn Jack Black - diễn viên nổi tiếng với những vai diễn hài hước. Và đúng là như thế, Jack Black đã thổi sự sống vào nhân vật của mình, khiến Po vừa buồn cười, vừa ngốc nghếch, lại vừa đáng thương khi không nhận được sự công nhận của mọi người. Ẩn sâu trong vẻ ngoài lạc quan ngốc nghếch của mình là một cậu Po cũng biết lo lắng khi mình không đáp ứng được yêu cầu trở thành Thần Long Đại Hiệp, đặc biệt khi đối thủ của cậu là Tai Lung, học sinh xuất sắc nhất của thầy Shifu. Đối với mình, điều đó tạo nên một nhân vật Po rất thật. Po có thể chịu đựng tất cả sự khinh miệt đến từ Ngũ Đại Hào Kiệt hay thầy Shifu lúc đầu, cậu có thể gắng gượng vượt qua nó bằng sự lạc quan, nhưng sự xuất hiện áp đảo của Tai Lung vẫn khiến cậu gấu trúc chưa bao giờ học kungfu phải sợ hãi. Dường như Po vẫn chưa thật sự tự tin vào bản thân mình kể cả khi đã lĩnh hội kungfu từ thầy Shifu, cậu chỉ tin vào bản thân mình khi thật sự hiểu thông điệp của cuốn kinh của Thần Long Đại Hiệp, hay chính câu nói của cha nuôi của cậu: chỉ khi tin tưởng vào bản thân mình, cậu mới có thể làm chuyện lớn. Và chỉ khi tin tưởng vào bản thân mình, Po mới có thể đánh bại được Tai Lung. 

Nói đến các nhân vật trong Kungfu Panda, không thể không nhắc đến Tai Lung - phản diện lớn nhất của bộ phim. Không chỉ gây ấn tượng với sức mạnh kinh hồn - cảnh vượt ngục lúc đầu của Tai Lung đã thật sự khiến mình đứng ngồi không yên đó - Tai Lung còn được xây dựng về mặt tính cách rất chỉn chu. Tai Lung, theo mình, đại diện cho sự ngạo mạn. Nhưng sự ngạo mạn này không thực sự đến từ Tai Lung. Tai Lung được nuôi dạy để tin mình là người giỏi nhất, tin mình là người xứng đáng nhất để trở thành Thần Long Đại Hiệp. Shifu rất yêu Tai Lung, nhưng cũng đồng thời tạo ra những áp lực vô hình lên cậu báo trẻ. Chính áp lực này, đi kèm tham vọng của chính Tai Lung đã trở thành lí do khiến Oogway nhận ra cậu không bao giờ có thể trở thành Thần Long Đại Hiệp. Chính sự thất vọng và giận dữ đã khiến Tai Lung trở thành một ác nhân. Cảnh Tai Lung trở về, giao đấu với Shifu trong khi giận dữ cật vấn sư phụ mình chính là một trong những cảnh mình thích nhất khi xem lại. Trong những câu hỏi của mình, Tai Lung bộc lộ sự giận dữ và thất vọng trong lòng bao năm qua, khiến người xem không thể không cảm thấy tội nghiệp cho tên ác nhân này. Khi nhận được lời xin lỗi của Shifu, có thể thấy rõ sự chần chừ và buồn bã của Tai Lung, nhưng hận thù trong lòng hắn đã cháy bùng như một ngọn lửa khiến hắn không thể cải tà quy chính. Và đây cũng là một điều khiến mình siêu thích ở Kungfu Panda cũng như là các phim của Dreamworks - một phản diện đúng nghĩa phản diện. Tai Lung đáng thương thật đấy, nhưng ta cũng có thể thấy rõ Tai Lung là một phản diện và không điều gì có thể thay đổi điều đó. Tai Lung là người xấu, chứ không phải là một người tốt bị hiểu nhầm hay có thể được bào chữa. Có vẻ như Dreamworks không bao giờ ngại ngùng trong việc đưa ra một phản diện đáng sợ, kể cả trong phim hoạt hình cho trẻ con, và họ vẫn giữ nguyên truyền thống này cho đến tận phim gần đây nhất của họ. 

Nói đến Kungfu Panda cũng phải nói đến sự tôn trọng văn hóa Trung Hoa của phim. Không phải tự nhiên mà Kungfu Panda trở thành một trong những bộ phim duy nhất về Trung Hoa của người phương Tây được người Trung Hoa công nhận và ca tụng. Từng phương diện của phim đều được làm chỉn chu như một sự tri ân của các nhà làm phim và biên kịch đối với văn hóa Trung Hoa nói chung và kungfu nói riêng. Trên phương diện nghệ thuật (và thật ra là trên tất cả các phương diện), cảnh Oogway nói chuyện với Shifu bên cây đào là một trong những cảnh phim tuyệt vời nhất theo ý mình. Phần hình ảnh đẹp đến nao lòng, kết hợp với bản score đinh của phim - Oogway Ascends - luôn khiến mình thổn thức kể cả đã bao nhiêu năm trôi qua. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, không thể phủ nhận sự khắc họa văn hóa Trung Hoa trong Kungfu Panda có ít nhiều sai lệch - chẳng hạn như rồng xuất hiện khắp mọi nơi, mặc dù trong văn hóa Trung Hoa, điều này là cấm kị vì chỉ có vua mới được mang biểu tượng rồng - nhưng sự chỉn chu về mặt âm thanh, hình ảnh cũng đủ khiến cho người Trung Hoa tự hào. Với tư cách là người mới tìm hiểu về score - nhạc phim gần đây, mình cũng muốn viết vài dòng về Hans Zimmer, John Powell, những nhà soạn nhạc tài ba đã tạo ra các bản score cực kì hợp với không khí của phim. Nghe nhạc phim, mình không tưởng tượng được rằng bản score đã được viết bởi những người không phải người châu Á bởi sự chuẩn xác trong việc tái hiện lại nhạc truyền thống Trung Hoa. Dẫn một comment mình đọc trên Youtube của một người Trung Quốc, "tôi có cảm giác như đang nhìn thấy Trung Hoa ở một chiều không gian khác vậy." Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự chỉn chu chính xác về nghệ thuật của bộ phim. 

Là một trong những bộ phim biểu tượng của nhà Dreamworks, có thể nói, Kungfu Panda đã tạo nên dấu ấn của riêng mình giữa những Shrek, How To Train Your Dragon. Khi xem phim, mình có thể hiểu tại sao phim được người Trung Quốc ưa thích đến vậy và cho đến nay vẫn là một trong những tác phẩm duy nhất khắc họa văn hóa Trung Hoa được người Trung Quốc gật đầu tán dương. 

Xếp hạng: Strawberries. 



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro