Chương 1: Những mảng màu riêng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phần I: NGÀY HÔM QUA CÓ GIÓ

 

         Lời tựa:

            Đừng khóc khi buồn, bởi nỗi đau của bạn đã thật sự lớn hơn nỗi đau của người khác chưa? Ta không phải là người đau đến tận cùng, vì còn nhiều điều khác khiến ta phải rơi lệ.         

Chương 1: Những mảng màu riêng

-         Em đã đề cập vấn đề với bà chưa? - giọng nói đều đều, không mạnh, không yếu và có chút buồn của ông Hoàng.

-         Mẹ không lên được đâu, anh cũng biết tính bà mà... Nếu được thì bà đã ở lại với chúng ta lâu rồi - Bà Mai, vợ ông Hoàng nói cũng chẳng có dáng vẻ gì là đang vui, bà có vẻ còn buồn hơn ông Hoàng.

-         Thế em đã đề cập chuyện của thằng Vương chưa? - Ông nói như quát lên - Mẹ chắc sẽ vì đứa cháu chứ!

-         Em cũng đã nói! Nhưng vẫn là những lí do cũ đó thôi. Mà cái chuyện hương hoả của các cụ thì anh biết rồi còn gì? - Bà Mai nói lớn hơn nhưng vẫn không giấu đi được nét mặt u buồn.

-         Thế thì cho thằng Vương về quê - ông Hoàng quả quyết.

-         Nhưng mà… - thương con bà Mai không muốn đồng ý, nhưng bà cũng chẳng biết phải phản đối thế nào, vì đó là cách tốt nhất.

-         Nhưng, nhưng cái gì nữa, chúng ta phải làm như vậy thôi. Cả anh và em đều không thể bỏ việc để trông chừng nó được, không làm như vậy thì em định để nó như vậy mãi nữa à! Nó đúp thêm mấy năm học nữa, rồi cứ ra ra vào vào cái trung tâm ấy như cơm bữa. Rồi liệu chúng ta có yên tâm được không? - Ông Hoàng nói một hồi như muốn trút hết mọi thứ.

Bà Mai im bặt, chẳng thốt lên được lời nào, chỉ nghẹn ngào cúi đầu, thương thằng con, bà thì thào: Vương ơi là Vương.

- Chúng ta đã chiều chuộng nó quá! Nó cậy thế con một mà làm càn, nếu thằng Thái mà…- Ông Hoàng khựng lại, ông biết rằng mình đã lỡ lời.

     Ông Hoàng nheo đôi mắt, ngả người ra phía sau tựa đầu vào thành ghế, ngửa cổ nhìn trần nhà. Bà Mai cố kìm nén nhưng nước mắt vẫn chảy ra, bà ôm mặt, tựa đầu vào thành ghế khóc không lên tiếng.

     Ngoài sân, những tia nắng vàng ươm trải đều, khuôn viên ngôi nhà có không gian thật đẹp nhưng nỗi buồn đang bao kín cả con người lẫn cỏ cây. Vương – cậu bé được nhắc đến trong cuộc nói chuyện, đang đứng sững giữa nhịp cầu thang, tay vịn vào những hoa văn trên gỗ được trạm khắc tinh xảo, cậu bé cũng không thể nào đứng vững, nhìn mẹ nức nở khóc mà không dám cất lên tiếng. Vương nhẹ nhàng ngồi xuống bên bậc cầu thang, không dám nhìn về phía bố mẹ ngồi, cậu bé quay vào tường với vẻ mặt buồn rười rượi. Cậu bé biết bố mẹ đang buồn về những chuyện gì. Cậu bé cũng biết bố định nói gì. Cho dù cố che giấu nhưng đã không ít lần ông Hoàng cũng đã nói ra những lời này. Hơn ai hết, Vương biết bố mẹ đang thương nhớ Thái - em trai của Vương. Trong kí ức của mình, Vương chỉ nhớ loáng thoáng có một cậu em trai, tên nó là Thái, lúc Vương 5 tuổi và em Thái 4 tuổi, sau một buổi đi học ở nhà mẫu giáo về, Vương không thấy Thái đâu nữa. Đứa em chưa tròn 4 tuổi ấy từ đó không xuất hiện trong ngôi nhà này nữa. Nhưng lúc này, Vương biết bố mẹ và cả những người làm trong ngôi nhà này đang buồn vì Vương, vì những gì mà Vương đã gây ra. Vương không hề muốn thế, nhưng Vương không thể kiếm soát được bản thân mình.

Một buổi chiều cuối xuân, những tia nắng vàng dải khắp cánh đồng, lúa đã có hạt nhưng chưa trắc. Mùi hương thơm của cây cỏ đang làm cái mũi của Vương thấy ngai ngái, đưa tay quết nhẹ lên mũi, Cậu nhìn về phía trước, thấy con đường quen quen. Vương biết là sắp đến nhà bà nội - ngôi nhà chỉ có mình bà ở. Ngôi nhà khá quen thuộc với cậu, bởi hè nào Vương cũng về chơi với bà vài ngày. Cái khung cảnh quen thuộc này, cái ngôi nhà mà bố của Vương đã sinh ra và lớn lên… Chắc chắn nó có nhiều kỉ niệm lắm nên bà mới không chịu lên ở hẳn với gia đình Vương…

Những suy nghĩ ấy bất chợt đến với Vương, một cậu bé 14 tuổi, đang là học sinh lớp 7. Vương nhìn sang mẹ và cười nhẹ, cậu bé biết mẹ thương mình lắm, nhưng vẫn quyết tâm đưa cậu về ở với bà nội. Cậu biết vì lí do gì, Cậu lúc này đang quyết tâm lắm, Cậu sẽ thật ngoan để mẹ và bà không buồn phiền vì mình nữa.

Kí…ít! - tiếng phanh của chiếc xe kêu lên, chưa bao giờ bác lái xe lại phanh gấp đến vậy. Thì ra là bà nội, bà mong ngóng đứa cháu nội đến nỗi chạy sẵn ra đón, bà ùa cả vào đầu xe. Vương cũng vội chạy nhanh xuống xe, cậu chào bà một tiếng thật to và ôm lấy cổ bà mà thơm lấy thơm để.

Đón hai mẹ con vào nhà, bà tất tưởi đưa cho mỗi người một cái khăn rồi bà dẫn hai mẹ con ra cái bể đựng nước mưa rửa mặt.

Bà Mai bước vào nhà để mặc thằng con quý tử nghịch nước và đang thích thú với lũ gà. Bà Mai bỏ mấy thứ đồ bánh kẹo, quần áo ra giường…

  - Mẹ dạo này vẫn khoẻ chứ ạ! Lâu lắm rồi con mới về, việc trên ấy bận quá mẹ à - Bà Mai nói giọng quan tâm và xởi lởi đậm chất quê.

  - Ừ! U biết mà! thế bố nó sao không về! Mà chuyện thằng Vương thế nào? - Bà nội Vương vừa nói vừa rót nước từ cái ấm đất rồi đưa chén cho bà Mai.

Bà Mai bước nhanh về phía chiếc Trường Kỉ đưa hai tay đón lấy chén nước, lễ phép - Vâng, U kệ con!

Bà vừa nói vừa ngồi xuống ghế – Nói ra thì thật bất hiếu, chứ thật sự độ này bọn con bận quá nếu không vì việc cháu Vương thì có lẽ con cũng chưa về thăm U được.

  - Cha bố nhà các anh chị lúc nào cũng công việc - Bà nội xởi lởi đầy nhân hậu - Thế lần này cho nó ở với U bao lâu đây.

  - Cũng lâu lâu U ạ! Con bảo chú tài xế làm thủ tục cho cháu nó rồi. Nó về ở với U, học ở trường làng bao giờ bỏ hẳn game thì tính tiếp.

  - Ừ, nghe phong phanh qua điện thoại, thấy bố nó bảo nó nghiện gen hay gem gì ấy mà U rùng cả mình.

  - Vâng! Gêm… U ạ, nó vào trung tâm để cai game 2 lần rồi, nhưng cứ về là lại tiếp tục chơi, buồn nhất là bị đúp một năm học. Thầy cô thì chán nản, bạn bè thì xa lánh. Đấy mẹ xem, nhìn nó chơi với mấy con gà kia thì ai bảo nó mấy tháng trước đánh bạn cùng lớp phải nhập viện.

  - Ừ! Rõ khổ! Nhà có nó là một mình, bố mẹ mày chiều nó quá - Bà nội nói chậm rãi.

  - Giá mà thằng Thái nó còn thì chắc giờ cũng học lớp 7 rồi - Bà Mai nói, đoạn quay đi để giấu những giọt nước mắt.

Chiều qua vừa đến, bà Mai sáng nay đã đi sớm, tạm biệt đứa con yêu khi mà Vương vẫn còn đang ngủ. Bà Mai không muốn gọi Vương dậy vì không muốn Vương mất giấc, không muốn để thằng con trai nhìn thấy mẹ nó khóc…

Thức dậy, Vương vội chạy đi tìm mẹ, Cậu biết hôm nay mẹ sẽ về, cậu bé tìm túi đồ của mẹ nhưng không thấy đâu cả. Cậu bé ngồi bệt xuống bậc hè, nhìn buồn ra cổng… Chưa lần nào trong suy nghĩ của Vương lại thấy hụt hẫng thế này, lần này mẹ đi không như những lần khác, không chào tạm biệt. Chắc cũng chẳng lần nào Vương làm mẹ buồn như lần này. Cậu có cảm giác mình bị bỏ rơi, cho dù cậu biết sự thật không phải vậy. Trong kí ức và tư tưởng của cậu ấm này, Vương luôn có mọi người bên cạnh, được nâng niu, chiều chuộng…

  - Mẹ về rồi con à! Con ngoan, lo học rồi mẹ lại về với con – Bà Nội đến ngồi sát bên Vương, vỗ lên vai cậu – Con có hứa với bà không?

  - Con hứa! – Vương chúi đầu, tựa đầu gục vào vai bà thì thào – Bà ơi, con hứa!

Một bà già quê mùa nhưng đủ để thấu hiểu đứa cháu của mình, một đứa bé đã gây ra lỗi lầm luôn sống trong bao bọc chở che. Hai tâm hồn đồng điệu vào nhau, bà lệ ướt hoen mi, cháu thút thít trong lòng bà. Vương khóc như chưa bao giờ được khóc, chỉ có vài giờ xa mẹ nhưng Vương như cảm thấy mình trưởng thành hơn. Khóc thút thít trên vai bà, nhưng Vương nhận ra điều mà cậu bé chưa bao giờ nghĩ tới, Cậu không hề muốn xa mẹ một giây phút nào. Nếu thời gian quay lại, cậu sẽ không như trước nữa, không đánh bạn và kiềm chế hành vi của mình.

Có lẽ quá khứ sẽ là những thước phim không thể mượt mà như những tác phẩm ăn khách đánh lừa mắt người xem nhưng nó sẽ là những lát cắt cuộc sống mượt mà nhất mà ta từng có… dẫu những lát cắt đó được chắp ghép từ những mảnh kí ức đã vỡ…

Nắng vàng - cái nắng thật đẹp, cánh đồng buổi sáng sớm như một dải lụa, mịn màng và dài đến tận chân trời. Khung cảnh đẹp làm tâm hồn trẻ thơ của cô bé Hiền như được hoà cùng, đạp bon bon trên con đường bê tông mới, cái dáng khắc khổ, gầy gò, liêu xiêu trước gió của con bé cũng đẹp đến lạ kì. Hiền tưởng chừng như hôm nay là ngày đẹp nhất, mắt khẽ rung dưới đôi hàng mi cong và dài, cái vẻ mặt buồn mọi ngày của Hiền bỗng nhiên hôm nay cũng vui hơn cùng nắng.

Xeeệt…! Âm thanh chạm đất khi chân của Hiền chà mạnh trên nền bê tông. Âm thanh dài và thô như có thể làm mòn mấy centimét của đôi dép nhựa cũ kĩ. Cô bé hoảng hồn nhìn tên con trai đang ngồi phệt trước bánh xe đầy đất của mình, tay cậu bé chống ra sau gần như muốn ngã ngửa. Hiền hấp tấp, miệng khẽ rung như đang thở gấp, định nói gì… nhưng tự nhiên chết lặng, đứng như trời trồng, tay cô bé vẫn cầm ghi-đông tay lái.

Vương đau điếng nhìn lên, thấy con bé gầy gò, quê mùa một cục, định bụng hét lớn nhưng nghĩ gì lại thôi. Cậu đứng dậy bước đi tiếp, ngang qua con bé quê mùa không thèm nhìn thêm một cái nào.

  - Anh có sao không? – sau mấy giây chết lặng con bé cũng cất lên lời – Anh cho em xin lỗi! - vừa nói con bé vừa run cầm cập, sợ vì mấy cái mặt nai đang rơi chỏng chơ dưới đất, sợ vì tên con trai mặt trắng búng ra sữa, quần áo chỉnh tề… sợ nó là con nhà giàu thì khổ. Thấy tên con trai không nói gì, bước qua, Hiền nhắm mắt lại vì tưởng hắn đánh mình, mấy giây không thấy có gì, Hiền hé mắt dần rồi mở to thao láo nhìn theo tên con trai vừa đi qua mình. Không khỏi bàng hoàng, ngạc nhiên, Hiền tươi tỉnh mừng thầm: “May quá! Chắc nó bị câm”. Cô bé chống xe, nhặt mấy cái mặt nai và dụng cụ làm vàng mã lên rồi tự nhiên đi tiếp. Cô đạp xe tồng tộc như ma đuổi, không dám ngoái đầu lại, cứ cắm đầu cắm cổ chạy.

Vương bực mình nói thầm: “Đúng là xui xẻo, vừa ra đường đã gặp Thị Nở”. Cậu ngoái đầu lại nhìn con bé, nó đang đạp xe chạy như điên dại, nhìn con bé với cái dáng liêu xiêu gió đổ, đang tồng tộc đạp xe như con rối, Vương nhoẻn miệng cười, nụ cười đẹp như nắng vàng sớm mai. Cậu bé nhìn lên bầu trời xanh, gió đang thổi nhè nhẹ, rồi lại nhìn cái dáng con bé đi xa dần, cậu cười thêm một nụ cười nữa, cậu cười vì mình đã không sửng cồ với nó, vì cậu đã kìm nén được cơn tức giận. Cậu vỗ vỗ vào hai bên quần phủi bụi,  miệng thì thầm:

“Không sao, hôm nay là ngày đầu tiên mình không còn là hoàng tử mà!”.

Mặc những vết trầy xước, Vương tiếp tục buổi du ngoạn, buổi “vi hành” đầu tiên trong ngày mới của mình. Nhẹ nhàng, cậu bé khẽ hát mấy câu hát trong bài hát mà cậu bé chưa biết tên rồi tủm tỉm cười suốt đoạn đường…    

Đang nghêu ngao câu hát, mắt Vương dừng lại tại điểm có thằng nhóc ngồi ở bờ ao, nhóc đang thư thái chờ đợi những chú cá đớp phải móc câu của mình. Lại gần, Vương khom người ngồi xuống, một tay chống vào đùi, tay kia cho vào túi quần, cậu lẳng lặng nhìn xuống mặt ao. Vương thích thú chờ đợi xem có chú cá ngốc nào cắn phải móc câu của cậu nhóc hay không.   Thấy có người ngồi cạnh, cậu bé câu cá lên tiếng:

  - Bạn mới từ thành phố về chơi hả?

  - Hả? – Vương thốt lên vẻ ngạc nhiên, không phải vì không nghe rõ câu hỏi mà vì cậu bé đã đoán trúng phóc.

  - Đúng rồi! - Cậu bé lém lỉnh, vẻ mặt trinh thám.

  - Sao cậu lại biết – Vương ngạc nhiên.

  - Nhìn là biết mà! - Cậu bé trả lời - Cậu tên gì? học lớp mấy? Chắc tớ và cậu bằng tuổi nhau đấy! Tớ tên Dũng.

    Vương vẫn không khỏi ngạc nhiên, thoáng nghĩ thầm: “thằng nhóc này nhìn còm nhom vậy chắc phải ít tuổi hơn mình chứ!”. Dũng đã chủ động làm quen, Vương cũng cởi mở hơn.

  - Mình tên Vương, học lớp 7.

  -  Biết ngay mà – Dũng đánh đùi đen đét, tay cậu bé vỗ mấy cái lên đầu gối đã dám nắng của mình - Cậu to cao vậy nhưng cũng chỉ bằng tuổi tớ thôi!

Vương hơi căng mắt, mi trên đã rướn lên cao hơn, cậu bé không trả lời thêm vì có nói ra lại thành tự thú nhận là mình bị lưu ban. Cả hai im lặng một lúc, Vương nhìn vào cái xô cá nhỏ xinh của Dũng, thấy có mấy con đang lờ lờ bơi liền bắt chuyện.

  - Cậu câu lâu chưa? được nhiều chứ?

  - Ừ! mình mới câu, câu cho  vui ấy mà! – Dũng vừa nói, vừa chăm chú nhìn mấy vết trầy xước trên tay Vương - Cậu bị ngã à! Sao chưa về bôi thuốc?

Vương bần thần, bỗng cậu cảm thấy Dũng rất thú vị. Mọi trạng thái, hành động của Dũng rất thư thái, điềm tĩnh nhưng quan sát rất tốt, Vương đáp:

  - À! ừ! Không sao mình ở đây xem cậu câu cá.

  - Nếu cậu thích thì lần sau mình cùng đi câu.

  - Cậu hay câu ở đây à!

  - Ừ! thỉnh thoảng – Dũng nhìn sang Vương, đưa cho Vương chiếc cần câu - Cậu cầm hộ mình đi!

Vương vừa cầm lấy chiếc cần câu thì thấy Dũng đứng dậy sang bụi cây bên đường. Khi quay trở lại thấy cậu bé cầm trên tay một nắm lá, Dũng cho mấy chiếc lá vào miệng, Vương thấy ngạc nhiên nhưng vẫn cố gắng tỏ vẻ thản nhiên nhìn xuống hồ. Dũng nhả bã của mấy cái lá ra lòng bàn tay, Vương thấy kinh kinh, cậu quay lại chăm chăm nhìn vào mấy cái lá, tò mò không biết cậu bạn muốn làm gì.

  - Cậu đưa tay cho tớ - Dũng yêu cầu.

Vương đưa tay trước mặt trong sự ngạc nhiên, Dũng đắp mấy cái bã lá bẩn bẩn vừa rồi lên chỗ trầy xước của Vương.

Vương rít lên như gặp phải rắn: Cái gì vậy?

  - Đúng là công tử, không chết đâu mà lo, tớ cầm máu cho cậu thôi mà –  Dũng cười cợt nói.

Thấy là lạ, Vương cũng không dám phản ứng gì thêm. Cậu thích được gọi là công tử nhưng không phải với kiểu như vậy…

Hai cậu bạn ngồi nói chuyện, câu cá đến khi mặt trời đứng bóng mới chịu về nhà. Chỉ mới gặp nhưng Vương và Dũng cảm thấy rất gần gũi, thân thiết, hai cậu bạn tuy khác hẳn nhau, nhưng vừa mới gặp mà như đã gặp từ bao giờ, Vương và Dũng có cảm giác thân thiết lạ kì.

……

Trời vẫn đang nắng, cái nắng vàng ươm nhưng không oi bức bởi thời tiết vẫn chưa chuyển sang hè, tia nắng đã gần như xuyên thẳng xuống mặt đất. Giờ ngọ sắp đến mà trong ngôi nhà ngói lụp xụp, trên mặt đất vẫn la liệt giấy tờ xanh đỏ, mặt nai, vàng mã… Hiền ngồi co quắp, cái lưng trùng xuống như thể muốn đổ người về phía trước, cô bé nhanh tay quết những vệt hồ cho chiếc mặt nai cuối cùng. Cái dáng gầy gò, bé bỏng, tội nghiệp của con bé đổ bóng xuống nền ngang chùm nắng xuyên qua cửa sổ ạt vào trong nhà. Bố cô bé thì đang ngồi trên chiếc ghế đẩu trước cửa nhà, miệng lẩm bẩm không thành tiếng, nhìn vô thức ra ngoài sân, nơi những viên gạch đã chuyển màu nâu đi vì đất cát. Bố cô bé ngày nào cũng ngồi như thế, ông chẳng ý thức được việc mình làm, cứ thẩn thơ, ngơ ngác như vậy cũng được mấy năm rồi. Bố cô bé ngồi yên như vậy đã là may mắn lắm cho chị em cô rồi, nếu như ông bị kích động thì có lẽ “bầu trời” sẽ có những “hạt mưa” rơi trong nắng…

Thằng út đứa em trai duy nhất của Hiền, nhìn về phía mấy bà chị lên tiếng:

  - Chị ơi em đói!

   - Đói rồi à! đợi các chị một chút nha! sắp xong rồi đây - Hiền quay lên nhìn em, nói nựng và yêu thương như một người mẹ, giọng điệu như người lớn.

Nhìn thấy mấy đứa em gái ngồi bên cạnh đang chăm chú làm nốt cho xong, Hiền cũng thấy bọn chúng uể oải thế nào rồi. Nhưng chẳng đứa nào dám lên tiếng, có lẽ vì chúng cũng muốn cố cho xong. Ông bố nghe thấy thằng út kêu đói cũng lẩm bẩm cất mấy tiếng theo: “đói, đói…”.

Hoà - đứa em lớn nhất của Hiền vội vén mấy cái tóc ở mái dài loã choã, nhổm dậy nhanh như cắt, bước quay ra cửa, nhưng vẫn nói với lại:

-         “Em xuống bếp chị nhé!”.

Hiền cũng vừa xong cái cuối cùng, nhưng vẫn nhanh tay quệt chổi hồ lên mấy cái mặt nai còn dở dang của hai cô em út, nói theo :

-         “Ừ! xuống nhanh đi, chị thu dọn cho”.

Hai cô em được chị quết hồ giúp cũng kịp xong cái cuối cùng, đưa tay xếp những cái mặt nai lên nhau. Đứa em gái nhỏ nhất lanh lảnh hỏi:

 - “ Sao mẹ vẫn chưa về chị nhỉ?” – Nó hỏi bà chị trong sự uể oải của sự đói thiếu cơm.

Hiền biết là mọi ngày mẹ vẫn về muộn như thế, nhưng chẳng thấy bóng dáng mẹ đâu, tấm lòng của cô gái bé bỏng vẫn không khỏi bị lay động, lo âu. Dừng tay làm, cô nhìn lên bầu trời qua cái khung cửa ọp ẹp của gia đình, cô thấy bầu trời trong xanh quá mà sao mắt cay cay. Cô là người chị rắn rỏi và không bao giờ khóc, cô sợ các em sẽ không nghe theo lời sai bảo của cô nữa, cô không bao giờ khóc vì sợ mình mất cái uy của bà chị. Cái sự vất vả, khó khăn của gia đình, cô và các em cô bé là người trực tiếp nếm trải, nhưng sao mắt vẫn cay cay, không có nước mắt chảy ra, nhưng nét mặt u buồn của cô lúc này còn đậm buồn hơn cả khóc. Nét mặt buồn rười rượi này của cô bé như là bao bất hạnh mà gia đình cô gặp phải. Cô bé như gánh cả nỗi buồn của gia đình…

Cô bé gầy gò trong nắng đó là Hiền, 13 tuổi,  chị cả của một gia đình có năm chị em. Ngoài công việc đồng áng, chị em cô phải giúp mẹ làm mặt nai, vàng mã thuê cho người ta để lấy tiền đong gạo hàng ngày. Cái nghèo thì thường đi cùng với cái sự đông con, không chỉ có thế - bố mẹ cô còn bị bệnh và cũng vì cái nghèo nên chẳng biết bao giờ sẽ khỏi…

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro