Người Lái Đò Năm Ấy

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 Chiều dần buông theo áng mây trôi hững hờ. Người lái đò bên con sông kia vẫn miệt mài chèo lái, cố gắng đưa nốt đợt khách cuối cùng cập bến tương lai. Mồ hôi họ rơi, tay họ mệt nhoài vì gắng sức, nhưng họ vẫn chèo, chèo vì hoài bão, vì những ước mơ chập chững, non nớt của học trò. Nhà giáo là người lái đò, đưa khách sang sông, con đò về bến cũ. Người khách xưa biết bao giờ trở lại, có nhớ con đò và lần qua bến ấy hay không?

 Mùa phượng năm ấy, một mùa phượng đặc biệt. Năm học cuối cùng của thời cấp 2 ngây ngô, có lớn mà chẳng có khôn chớp mắt mấy cái đã gần kết thúc, chuyến đò cuối cô chèo cũng sắp cập bến. Cùng với sân trường vàng ươm vài vạt nắng, sự ân cần, tận tụy, nhiệt huyết của người giáo viên nhân dân năm ấy đã vô thức hằn sâu trong tiềm thức tôi với một niềm thương mến và kính trọng.

 Nắng hè oi ả chiếu rọi cả sân trường, tôi đăm chiêu đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi có dậu mồng tơi đang độ xanh tươi. Trời hôm nay đẹp quá! Lâu rồi tôi mới có dịp được ngồi ngắm quang cảnh quanh sân trường như thế này, âu cũng là do áp lực tuyển sinh đè nén trên vai nên từ đầu năm tôi đã tất bật với việc học hành. Bốn năm trôi qua chỉ bằng vài cái chớp mắt, rồi sẽ nhớ lắm đứa bạn cùng bàn khó tính, rồi sẽ nhớ lắm cái lớp 9A1 nhỏ bên góc phải hành lang lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng cười nói rôm rả. Rồi mai đây mỗi đứa một phương, mỗi người một ngả, chẳng biết có còn gặp nhau nữa hay không . Tôi đang mải mân mê với những dòng suy nghĩ thì cô Hiền- giáo viên chủ nhiệm của tôi bước vào. Cô mới chuyển công tác về đây năm nay là năm đầu tiên, chẳng biết vì lí do gì mà cô lại một thân một mình chuyển từ Huế đến tận trường làng quê tôi để dạy học. Đã có mấy lần chúng tôi gặn hỏi nhưng cô chỉ cười cười rổi bảo:" Hôm trước cô đọc trên báo, thấy quê mình đẹp quá...cô muốn đến đây sống thử một thời gian nên chuyển công tác ấy mà". Cô ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống. Chờ hoài một hồi lâu, không thấy cô cất tiếng, chúng tôi bắt đầu nháo nhào cả lên, xôn xao bàn tán. Có đứa bạo gan, dơ tay mấp máy vài từ:

-Cô..Cô ơi, tụi con xin lỗi cô...

 Cô có vẻ ngạc nhiên, chần chừ định nói gì đó rồi lại thôi, nét mặt buồn trông. Tích tắc, tích tắc.. từng phút chậm trôi, cô nhìn chúng tôi bằng cả tấm lòng yêu nghề da diết bằng cả ánh mắt tin yêu và trân trọng, hàng mi cô khẽ rung như chất chứa một nỗi buồn khó tả. Mái tóc xoăn nhuốm màu bụi phấn của cô rung nhẹ vài cơn khi có làn gió thổi qua. Cô khẽ thở dài, cất giọng:

- Không! Các con đừng xin lỗi cô, các con chẳng làm gì có lỗi với cô cả, chỉ là hôm nay cô có hơi mệt...các con thông cảm cho cô nhé?

Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Chất giọng Huế dịu ngọt, thánh thót đặc trưng của cô ngày thường đã biến đi đâu mất, chỉ còn lại vài câu chữ ồm ồm, khản đặc. Chẳng riêng mình tôi thắc mắc, lũ bạn trong lớp cũng nhốn nháo hết cả lên. Nhưng cũng chẳng bao lâu  bầu không khí tĩnh lặng lại bao chùm, chắc vì chúng nó biết cô mệt, không muốn cô phải nhắc nhở nên mới chịu im. Cả tiết học, cô giảng rất hạn chế, điều đó làm cho chúng tôi cảm thấy không quen. Nhớ những ngày đầu cô đến lớp, cả lớp chúng tôi bối rối lắm. Giọng Huế là một giọng rất nặng và hơi khó để nghe hiểu, đã nghĩ không thể tiếp thu được nên khi trường cho hòm thư góp ý chúng tôi đã hè nhau xin thay giáo viên khác ngay. Chúng tôi đã không nghĩ đến cô buồn như thế nào, cũng không màng đến buổi học ấy cô đã giảng cuốn hút ra sao. Lúc cô biết tin, ở buổi học tiếp theo cô đã nói với chúng tôi:

– Cô biết với các em giọng cô rất khó nghe, nếu các em không hiểu chỗ nào cô sẽ nói chậm lại và rõ ràng hơn để sửa từng chút một. Hãy để cô dạy thử các em một thời gian, nếu sau một hai tuần nữa vẫn không thể tiếp thu hãy đổi giáo viên nhé.

 Lúc ấy, cả lũ cúi gằm mặt, chẳng biết tại sao bản thân lại có suy nghĩ ích kỉ như vậy. Cái thứ  "cơ hội" mà cô mong chúng tôi dành cho cô thực chất lại là những điều tốt đẹp nhất cô đã trao cho từng đứa trò nhỏ. Với chất giọng đặc trưng của mình, cô đã giảng bài hết sức truyền cảm, thi thoảng cô lại dạy chúng tôi nói giọng Huế, cô đùa rằng có dịp nào ra Huế chơi thì còn biết đường mà giao tiếp với dân bản địa. Tiếng giảng bài nhẹ tênh, dịu dàng, ân cần ấy đã theo tôi xuyên suốt năm cuối cấp. Ấy thế mà, chỉ vừa mới đây thôi, chất giọng ấy đã biến đi đâu mất tăm. Cả tuần cô cũng rất hạn chế giảng bài, chủ yếu là viết bảng, viết đến chai cả tay. Chúng tôi có ý kiến cô giảng bài vì giảng bài dễ tiếp thu hơn, cô thấy chúng tôi chân thành, nên cũng chiều ý. Nhưng giảng được mấy phút cô lại cầm phấn viết, chắc vì giọng cô chẳng còn như trước: nhẹ nhàng và trong trẻo, nên cô thấy tự ti. Cứ thế dần già chúng tôi cũng quen, ít được nghe giảng, tiết văn trở nên nhàm chán hẳn, có mấy đứa còn gục hẳn xuống mà đánh một giấc sâu. Mỗi lần có học sinh như vậy, trong mắt cô tràn trề sự tủi thân và đôi phần nản chí. Ngay sau hôm đó, cô đã phát cho từng đứa bản photo "lời giảng" của cô. Đến lúc này tôi thật sự đặt dấu hỏi chấm lớn, tại sao cô lại phải làm thế nhỉ? Phải chăng cô chán dạy chúng tôi rồi? Sao giọng cô lại khàn lâu như thế? Phải chăng đã có chuyện gì...? Nhưng đó cũng chỉ là những dòng suy nghĩ vu vơ .Cứ thế, cứ thế, thời gian thấm thoát trôi, ngày tuyển sinh đã cận kề. Tôi còn nhớ như in sáng hôm ấy, cái Nhi hớt hải chạy vào lớp, phá vỡ sự ồn ào, náo nhiệt đã thành thói quen, nó cố hét lên với một giọng yếu ớt:

-Cô...Cô hiền nhập viện rồi chúng mày ơi!

Tin kia như sét đánh ngang tai, tôi chẳng dám tin vào tai mình nữa, đầu óc rối bù cả lên. Cả lũ bồn chồn lắm, bỏ dở cả tiết học để kéo nhau đến bệnh viện thăm cô. Vào phòng bệnh, chúng tôi thấy cô tiều tụy hẳn, sắc xuân phơi phới và ngon lửa nghề trong cô như chờ chực bị dập tắt. Nhưng khi nhìn thấy chúng tôi, cô lại cười, nụ cười tươi rói, như thắp lại ngọn lửa trong tim cô. Chúng tôi nhìn cô, ánh mắt chan chứa niềm thương cảm, nhìn cô, mấy đứa chúng tôi cứ có cảm giác gai gai trong tim, chốc chốc lại nhói lên đầy chua xót. Có vài đứa đã bắt đầu thút thít, hệ quả là cả đám thút thít theo rồi òa lên như những đứa trẻ. Căn bệnh ung thư vòm họng của cô đến khiến chúng tôi thật sự bất ngờ. Nó là một điều gì quá to tát và đau đớn đối với những đứa trẻ con to xác chúng tôi. Chẳng biết cô hay tin từ khi nào, nhưng thay vì nghỉ ngơi, cô lại chọn tiếp tục đứng trên bục giảng để cùng chúng tôi chiến đấu với kì tuyển sinh đầy cam go và thử thách. Vậy mà chúng tôi còn chẳng chịu tiếp thu kiến thức quý giá từ những hi sinh của cô...Chúng tôi thật đáng trách! Cả cô lẫn trò đều im lặng, bầu không khí trở nên ngượng ngùng, lần lượt tưng đứa nắm lấy tay cô, như trao đi niềm tin, động lực, như trao đi yêu thương, trao đi những lời động viên chân thành nhất. Cô cười, nhưng khóe mắt đã hơi cay, rồi đỏ ửng lên, hàng mi dài đẫm nước.Cô đã khóc, khóc vì sự ngây ngô của đám trẻ.

 Chúng tôi chào tạm biệt cô ra về, lòng vẫn tràn đầy bâng khuâng khó tả. Kì thi tuyển sinh tới, đứa nào đứa nấy cũng cố được điểm văn cao cho kì được. Trời không phụ lòng người, lớp tôi tổng có 25 điểm 9 - một số điểm mà có mơ tôi cũng chẳng dám nghĩ tới. Điểm cao như thế âu cũng là do tập "lời giảng" cô phát cho chúng tôi, một tập tài liệu dày cộp, nặng trĩu, ấy thế mà tôi vẫn mân mê đọc hết được, bởi tôi biết, tập tài liệu ấy là thành quả thức trắng bao đêm của cô. Buổi học cuối, chúng tôi tập hợp đông đủ bên giường bệnh của cô, lớp trưởng thay cô đọc thư chia tay, từng câu từng chữ như dìm ngợp tâm hồn tôi, nó nặng nề biết bao. Đọc xong thư, từng đứa dơ tay phát biểu "câu chuyện" của mình, có đứa bộc bạch vài lần gian dối trong bài kiểu tra, có đứa nhát cáy chỉ dám dúi cho cô phong thư nhỏ, có những đứa mới ngồi xuống đối mặt với cô thôi mà đã khóc nghẹn. Lượt phần tôi, tôi chẳng dám mở lời, bị đốc thúc, tôi rối quá, luống cuống thế nào lại ôm chầm lấy cô, cô không mắng, ngược lại còn xiếc chặt tôi hơn, rồi khua tay vỗ về tôi thật lâu làm tim tôi thắt lại. Bởi lẽ tôi biết, bệnh ung thư nó tai ương lắm. Nó cướp đi tất cả những gì từng là cao quý nhất của một đời người... Xong, cô đưa cho mỗi đứa một lá thư, dặn dò thật kĩ khi về mới được mở. Chúng tôi nhận thư, lòng đầy xuyến xao và rạo rực. Để không khí bớt căng thẳng, chúng tôi đã tìm đủ mọi cách chọc cười cô. Tiếng cười vang vọng một góc bệnh viện, chan chứa kỉ niệm đẹp về một thời áo trắng tinh khôi, về những ngày bon bon trên con xe đạp cũ mèm đến lớp, về những thứ tình cảm được gọi là tình thầy trò, tình bè bạn đầy thiêng liêng, quý giá. Chia tay cô, tôi luyến lưu không ngừng, đến trước cửa bệnh viện, tôi đã không giữ được lời hứa với cô, theo sự tò mò mà mở lá thư cô trao. Trog thư chỉ ghi một dòng chữ thật to, thật rõ:

 "Con của cô, đừng khóc con nhé! Yêu con."

Tôi như chết lặng, đứng một góc nơi bệnh viện mà thút thít đến tận chiều tà. Chỉ mình tôi đứng đó, sải từng bước nặng nề ra về, trời hoàng hôn buồn quá, nhuốm một màu chia ly. Từ sau lần đó, tôi chẳng còn cơ hội gặp lại cô nữa. Nghe nói vì bệnh tình trở nặng, cô không thể nói được nữa, sức khỏe cũng yếu dần đi. Cô trở về Huế để ở bên gia đình. Tập thể lớp chúng tôi có tụ tập lại lần nữa để cùng nhau xếp ngàn cánh hạc nhờ người gửi đến cô với mong cô mau khỏi bệnh. Nhưng đau đớn thay, khi cánh hạc thứ 1000 vừa được bỏ vào lọ thì chúng tôi nghe tin cô mất... Cô xa rôi rồi.  Vào một chiều thu rít gió. Cô đi nhanh như những cơn gió thổi qua. Tôi lặng nhìn lá thư cũ cô trao, mắt nhòe đi. Tôi lại khóc. Khóc vì nhớ người lái đò năm ấy, nhớ con đò và lần qua bến thân thương...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro