2 - Dương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đêm. Tiếng khóc trôi từ buồng bên, nghẹn ngào và kìm nén, như những giọt nước rỉ rả rơi vào dòng sông sâu thẳm.

Tôi rời giường, mò mẫm đi trong bóng tối loãng mờ. Cửa đang mở, cả ngôi nhà ngâm trong sương đêm lành lạnh và mùi thuốc lá đắng ngắt. Bố tôi ngồi hút thuốc ngoài hè, nghe thấy tiếng thì quay đầu nhìn, nhưng chẳng nói câu gì đã vội ngoảnh đi. Trong buồng, mẹ tôi đang nằm quay vào tường, dáng hình ngập chìm trong bóng tối, khóc rấm rứt mãi không thôi.

Tôi bò lại giường, ôm vai mẹ. Mẹ nằm gọn trong lòng tôi, gầy gò và nhỏ bé, run lên bần bật và òa khóc nức nở như một đứa trẻ, lặp đi lặp lại tên con trai mẹ đến khản cả giọng. Tôi khẽ khàng vỗ lên lưng mẹ, hệt những ngày thơ mẹ ôm tôi ru ngủ, dỗ tôi nín khóc...

Tôi đã sống một cuộc đời bằng phẳng. Gia đình đầy đủ thuận hòa, được yêu thương dù theo cách này hay cách khác. Không xuất sắc, nhưng cũng thi được vào một trường đại học tốt, cũng có một công việc ổn định tự nuôi thân và dành dụm được chút tiền. Những dịp tôi về quê, bố mẹ vẫn luôn tự hào với làng xóm họ hàng vì có đứa con ngoan, chí thú.

Tôi sẽ dành hết khoảng thời gian còn trẻ và chưa vướng bận để phấn đấu cho sự nghiệp, dành tiền sửa sang nhà cho bố mẹ, trả góp một căn chung cư nhỏ ở nội thành, cho em gái tôi không còn phải chông chênh khi lên thành phố. Rồi khi bước sang tuổi ba mươi, khi em gái bắt đầu tự lập và cuộc sống đã hòm hòm, nếu may mắn, tôi sẽ tìm được cô gái mình yêu, nếu may mắn, chúng tôi sẽ về bên nhau dưới một mái nhà, sẽ cùng nhau nuôi dạy những đứa trẻ. Rồi khi bốn mươi, năm mươi, bố mẹ đã già, có thể tôi sẽ thuyết phục được ông bà lên thành phố, có thể tôi sẽ đưa vợ con trở lại quê nhà. Rồi sau đó... sau đó, những việc cần làm cơ bản đã làm xong, may ra tôi sẽ còn chút thời giờ để làm việc khác.

Nhưng rốt cuộc, thứ chờ đợi tôi chỉ có những ngày và đêm đếm ngược đeo đằng đẵng trên đầu.

Trong phòng trọ, quạt trần cọt kẹt suốt đêm, cánh quạt hắt bóng chập chờn lên song cửa. Trong bệnh viện, người kéo hi vọng xếp hàng, nhưng người đến đi vội vã, không ai nhớ ai, không ai nán lại. Thi thoảng, còi cấp cứu vọng vang. Thi thoảng, có người rấm rứt dằng dai, có người òa lên nức nở. Rồi tất cả về lại lặng im. Bình minh lên sáng rực trên những tòa nhà cao san sát, xe cộ bon chen nghìn nghịt, một bức màn lặng im nghẹt thở phủ trùm lên thành phố.

Người ta nói với tôi, bệnh của tôi đã ở giai đoạn muộn, không thể phẫu thuật nữa, đáp ứng với hóa chất thông thường cũng không tốt, nhưng tôi còn quá trẻ, còn quá nhiều điều tiếc nuối, tôi có thể thử một vài liệu pháp mới để kéo dài thời gian bên gia đình. Mới, đồng nghĩa với việc không được bảo hiểm chi trả, đồng nghĩa với tiền. Nếu điều trị thì có thể còn thêm chừng một năm rưỡi, nếu không điều trị...

Tôi còn quá trẻ...

Đôi lúc nhìn vào dáng vẻ dường đang lặng thầm đổi thay từng chút một của bản thân trong gương, tôi như có ảo giác rằng mình sắp biến thành người khác: trong hốc mắt sâu hoắm là đôi giếng cạn khô, những sợi tóc cuối cùng lìa xa cơ thể, sự sống bốc hơi từng chút một theo từng hơi tàn níu kéo, cuối cùng chỉ còn cái xác không hồn cứa sẹo trong kí ức người thân, nằm mục trong chiếc quan tài chật hẹp, mai táng trong những giọt nước mắt rỉ rả hằng đêm trong suốt phần đời còn lại của mẹ tôi.

- Thôi. - Sau tất cả giằng co, tôi bảo bác sĩ - Bác cho cháu về.

Tôi nghỉ việc về nhà. Ngày ngày, tôi chở em gái đi học, đi chợ nấu cơm với mẹ, chăm vườn tược cùng bố. Gặp lại bạn cũ. Làm những điều đã lâu không còn làm, đi trên con đường đã lâu không còn đi.

Thuốc giảm đau nhờn dần, và đêm kéo dài vô tận, tôi biết đã đến lúc mình phải đi.

Tôi ngồi xuống cạnh bố. Bố không nhìn tôi, cũng không nói gì. Từ ngày tôi về nhà, bố gần như chẳng nói gì nữa. Dường tất cả ngôn từ của bố đã cô cả lại thành những giọt nước mắt, những tiếng niệm kinh, than trách, cầu van lặng lẽ suốt đêm ngày của mẹ.

Nếu có con, có lẽ tôi cũng chẳng muốn con tôi lựa chọn như mình. Tôi ích kỉ, tôi biết người nhà muốn gì, nhưng tôi không cho họ được.

Đốm lửa chớp sáng soi một góc đêm, làn khói đắng nồng lờm lợm xộc thẳng họng, tôi nén cảm giác buồn nôn, hít đầy phổi hết hơi này đến hơi khác thứ thuốc độc tôi từng căm ghét, nhưng lại mang đến cho tôi niềm an ủi nhỏ nhoi giữa những đêm trường.

Đầu lọc của bố đã tắt ngóm tự bao giờ, mùi khói đặc nghẹt quấn riết chẳng rời, bố ngồi im như tượng trong bóng tối, như thể nếu làm vậy, thời gian sẽ chậm lại, thôi trôi.

- Dương ơi.

Một lúc lâu sau, bố bỗng vươn tay, mò mẫm chạm lên tóc tôi.

- Con không có lỗi, cũng không nợ nần gì cái nhà này.

Bàn tay bố nặng nề mà dè dặt, vụng về vuốt ve mái đầu tôi, như thể tôi vẫn là đứa trẻ nhỏ xíu thuở nào được bố nâng niu chăm bẵm chẳng dám rời. Rồi tay bố run lên dữ dội, bố từ từ buông tay khỏi người tôi, gục đầu xuống gối. Giọng khản đặc run run, bố nghẹn ngào thốt từng từ như trẻ con tập nói:

- Con đi đi.

...

Gió lồng lộng. Tờ mờ sáng, sắc đỏ phơn phớt nơi sông nối trời. Sóng xô cuồn cuộn, ầm ào như gào thét, tựa khóc than. Từng sợi khói mỏng manh tan tành trong gió.

Dưới cầu, bên sông, dường gió trên đây không tài nào xô tới. Nhà tôi khuất bóng sau những mái nhà kề tựa, dưới những tán cây xanh um, tất thảy lặng yên trong bình minh chớm. Có lẽ mẹ tôi đã nằm yên trong vòng tay của bố, có lẽ em gái tôi hãy còn say ngủ. Nụ hồng trong vườn sắp nở. Mấy quả con con trái mùa trên cây xoài mà bố con tôi chăm bẵm bấy nay sắp chín, em gái tôi đã tứa nước miếng ngóng trông mấy tháng trời. Giờ mới đầu mùa săn châu chấu, nếu đi chợ sớm và gặp may, có khi mẹ tôi vẫn kịp mua một ít về cho bố tôi nhắm rượu...

Hoa sắp nở. Quả sắp chín. Những nụ hoa ngậm sương, những quả cây tròn căng đung đưa trong gió sớm, vang vọng đâu đây tiếng con trẻ nô đùa... Tôi ngửa cổ hít một hơi sâu, ngửi thấy mùi xoài đưa qua theo gió, không phải mùi xoài thơm chín ngọt, mà là mùi của một quả xoài xanh vừa trẩy, đẫm nước mưa và ngai ngái nhựa, vỏ chát, thịt chua giòn, hạt lép non mềm tôi từng ăn trong một buổi chiều mưa tháng chín khi học lớp bảy.

Cây xoài cao ngất nằm tréo ngoe bên cống nước, dường như lúc nào cũng trĩu quả, làm đám trẻ đi học qua thèm nhỏ dãi mà không hái được. Hôm ấy, tôi kiếm đâu được một cái thang bỏ đi, bèn đánh bạo trèo lên cành cao hái quả, Sương đứng dưới gốc cây rón rén nhòm lên, nửa lo tôi ngã, nửa lại háo hức vì sắp được ăn xoài. Cuối cùng tôi không ngã, mà Sương lóng ngóng thế nào lại trượt chân ngã lộn ngửa xuống cống. Tôi lôi Sương lên, người cậu ướt rượt những sình là sình đen ngòm, thối um, nước bẩn nhỏ tong tỏng từ những lọn tóc dính bết bám đầy mặt như đỉa, chiếc áo trắng mới mua xem chừng khó giặt. Sương òa khóc nức nở, còn tôi... tôi phá lên cười.

- Có đứng dưới chờ ăn thôi mà cũng tự lăn ra ngã cho được.

Nhìn bộ dạng ngơ ngáo thảm thương của Sương, tôi tự dưng cười như chập mạch. Đúng lúc ấy, trời đổ mưa như trút, Sương càng khóc tợn hơn. Tôi phải lau sạch quả xoài mới hái rồi đưa tận miệng cho Sương gặm, vừa dỗ dành cậu, vừa cố bấm bụng nhịn cười. Hôm đó, tôi bị bố đuổi leo đến tận ngọn cây, mãi tối mịt mới dám xuống.

Nhiều năm trôi qua, tôi đã quên nhiều điều giữa tôi và cậu, nhưng chẳng hiểu sao chưa bao giờ quên ánh mắt Sương trong màn mưa trên đường về chiều hôm ấy. Nhiều năm sau, dù đã trưởng thành, dường như ánh mắt cậu vẫn vậy.

Đôi lúc nhìn Sương, tôi như thấy mình khi trước. Khi còn loay hoay giành lấy tương lai, tôi thường xuyên tự hỏi ngày mai sẽ thế nào. Khi biết mình chẳng còn ngày mai, tôi lại hay nhớ về quá khứ, đong đếm từng chút thời gian đã qua.

Nhưng sau cùng, tôi nhận ra tất cả dường như không quan trọng đến vậy.

Điều quan trọng là chúng tôi đã gặp được nhau, đã ở bên nhau dù chỉ trên một đoạn đường về. Cũng may, dù đêm dài đằng đẵng hay đêm ngắn khôn cùng, trong một khoảnh khắc nào đó, chúng tôi đã từng yêu một người bằng cả trái tim, đã từng có nhau trong vòng tay ủ ấm.

Tôi không cần chờ đến năm ba mươi tuổi mới tìm được cô gái mình yêu...

Vậy thôi... chỉ vậy thôi...

Liệu đêm nay em có mơ về tôi? Mong sau này, dưới bóng tà dương bên dòng sông chảy mãi, Sương của tôi sẽ không còn cô độc.

Nơi chân trời, vầng dương sớm mai đã hé.

Dưới cầu, sông mẹ dịu dàng giang tay, đón tôi vào lòng.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro