Chương 10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau khi nộp bài thi cuối cùng, Thùy Trang cũng như mỗi thí sinh trong phòng thi đều thở phào nhẹ nhõm. Phòng thi nóng bức vô cùng, khiến Thùy Trang không thể ở lâu hơn. Em nhanh chóng rời khỏi nơi đó.

Đi ra sân trường, ngẩng đầu ngắm nhìn bầu trời trong xanh và vầng mây trắng trôi lững lờ trên không trung, Thùy Trang bỗng có cảm giác như cách một thế kỷ. Em thật sự không dám tin, kỳ thi em mất bao công sức, chuẩn bị một thời gian dài, bây giờ đã trở thành "thì quá khứ". Bên tai em vẫn là tiếng bút viết bài thi loạt soạt, trước mắt em vẫn là đề thi in chữ dày đặc...

Ba ngày nay, Thùy Trang cảm thấy em đã đạt đến cảnh giới "quên bản thân". Phảng phất em đi vào một khu rừng rậm rạp, cây cối rợp trời. Em đã quen với trạng thái này, nên bây giờ đột nhiên được giải phóng, em ngược lại mất phương hướng. Thùy Trang vô ý thức đảo mắt một lượt quanh sân trường, như muốn tìm kiếm điều gì đó. Nàng lập tức nhìn thấy cô Diệp đứng bên cạnh bồn hoa.

Thùy Trang nhanh chóng chạy đến bên cô, trong lòng em xuất hiện một niềm vui khó diễn tả. Em chẳng nói chẳng rằng nắm chặt hai tay cô Diệp.

Ba ngày vừa qua, mỗi khi thi xong một môn, Thùy Trang đều vô ý thức tìm kiếm hình bóng cô Diệp. Nhưng kể từ hôm đầu tiên gặp em ở bên ngoài điểm thi, cô Diệp không xuất hiện thêm một lần nào. Hôm nay, lại được gặp cô sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, trái tim Thùy Trang bay bổng. Em bất chợt ý thức ra, người em muốn gặp nhất sau khi thi xong không phải là bố mẹ, mà là cô Diệp.

"Em làm bài thi thế nào?" Cô Diệp vẫn bình thản như thường lệ. Ngữ điệu của cô không bộc lộ nỗi vui mừng hay niềm mong mỏi.

"Em cảm thấy rất tốt." Thùy Trang không hề mất hứng. Nàng đã quen với giọng điệu của cô, biết nó chẳng nói lên điều gì.

"Bài làm văn ra đề gì?"

"Lấy một bối cảnh hay địa điểm cố định đặt tiêu đề, sau đó thuật lại câu chuyện hoặc nhân vật có liên quan một cách chân thực, bày tỏ tình cảm chân thành và sâu sắc của mình."

"Hả?" Cô Diệp hơi bất ngờ: "Không phải là văn nghị luận. Vậy tiêu đề của em là..."

"Bến xe." Thùy Trang nói nhỏ.

Cô Diệp hơi sững người, tựa hồ bị chấn động. Đại khái hai từ "Bến xe" chạm đến một sợi dây thần kinh nào đó của thầy. Cô trầm mặc một lúc, phảng phất đang suy tư điều gì đó.

Thùy Trang thấp thỏm bất an. Em chợt nhớ tới bài văn "không điểm" viết về cô. Không biết cô Diệp sẽ phê bình em ra sao?

Một lúc sau, cô Diệp mở miệng, thanh âm bình tĩnh và quả quyết: "Thùy Trang, bài văn của em chắc chắn sẽ đạt điểm cao."

Một câu nói đáng vui mừng biết bao! Nỗi nơm nớp trong lòng Thùy Trang tan biến, khóe miệng em cong lên. Sau đó cả gương mặt em tươi cười rạng rỡ. Nụ cười ngây thơ, chân thành và đáng yêu của em khiến đám nam sinh vô ý thức quay đầu, ngây ngốc ngắm nhìn.

Chỉ có cô Diệp là thờ ơ, bởi vì đối với người khiếm thị, vẻ đẹp bề ngoài không tồn tại bất cứ sự mê hoặc nào. "Hãy đưa tôi ra bến xe." Cô nói khẽ, ngữ điệu ra lệnh theo thói quen: "Tôi muốn về nhà."

Về nhà? Nụ cười của Thùy Trang cứng đờ trên khóe môi. Em cảm thấy hơi thất vọng, em còn rất nhiều điều muốn tâm sự với cô. Vậy mà cô lại đòi về nhà.

Về nhà? Thùy Trang mơ hồ ngẫm nghĩ. Không biết nhà của cô Diệp như thế nào? Không có cha mẹ, không vợ con, không người thân, chỉ một mình thầy đối diện với bốn bức tường lạnh lẽo. Đó là cô chìm trong bóng tối cô độc, chứ đâu phải là "nhà". Thùy Trang đột nhiên buột miệng nói: "Cô Diệp, em muốn đến thăm nhà cô."

Vừa nói dứt lời, Thùy Trang giật mình kinh hãi, em ôm miệng, không ngờ bản thân lại có ý nghĩ này, lại thốt ra câu này. Cô Diệp quả nhiên nhíu chặt lông mày: "Thùy Trang!" Thanh âm của cô lạnh lùng như tiếng vọng từ núi băng: "Tôi không hoan nghênh bất cứ người nào đến nhà tôi, tất nhiên bao gồm cả em."

Thùy Trang co rúm người. Cô có phản ứng mạnh như vậy, em không cảm thấy kỳ lạ, cũng không cảm thấy cụt hứng, tất cả trong định liệu của cô. Nhưng..."nhà" của cô Diệp rốt cuộc như thế nào? Thùy Trang nhắm mắt, cố gắng tưởng tượng ra ngôi nhà lãnh lẽo đó. Câu nói vừa thốt ra miệng cứ quanh quẩn trong đầu óc em, không tan biến. Nhưng Thùy Trang biết em không thể "thỉnh cầu" cô Diệp một lần nữa.

Em lặng lẽ đưa cô Diệp ra bến xe. Chỉ là sau khi cô Diệp lên xe, Thùy Trang cũng theo dòng người, lên chiếc xe buýt của cô.

Trên xe đầy ắp phụ huynh và thí sinh. Mấy bạn học cùng lớp nhìn thấy Thùy Trang định lên tiếng chào hỏi. Thùy Trang vội đưa tay lên môi "suỵt" một tiếng, ra hiệu mọi người im lặng. Cô Diệp xuống xe ở một trạm xe buýt nhỏ, Thùy Trang đi theo cô trong ánh mắt ngạc nhiên của bạn học.

Đi bộ một đoạn, cô Diệp tới một ngõ hẹp. Hai bên mặt ngõ đều là nhà mái ngói thấp dày đặc. Nhà nào cũng đóng chặt cửa, ngoài cửa có sợi dây thép phơi quần áo, chăn ga trải giường, tã lót...Có lẽ do buổi chiều nắng gắt, cả ngõ nhỏ yên tĩnh vô cùng. Ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, có lúc tưởng như đi đến tận cùng, nhưng lại xuất hiện lối rẽ. Thùy Trang cảm thấy nàng sắp lạc đường, trong khi cô Diệp đi rất nhanh, tựa hồ cô quen thuộc ngõ nhỏ như trong lòng bàn tay. Thùy Trang chỉ còn cách bám theo cô, em sợ chỉ một giây thiếu tập trung, cô sẽ để mất dấu thầy. Nhưng em cũng không dám tiến lại gần quá, sợ bị cô phát hiện.

Có mấy lần, cô Diệp đang đi đột nhiên hơi ngoảnh đầu. Thùy Trang theo phản xạ tránh sang một bên. Nghĩ lại, em mới thấy phản ứng của mình là dư thừa. Mắt cô Diệp không nhìn thấy, nhưng em thường quên mất điều này. Trong ý thức của em, em chưa bao giờ coi cô là người mù.

Cô Diệp cuối cùng dừng lại bên một cây hòe già. Đằng sau cây hòe là một bức tường gạch bao quanh một cái sân nhỏ. Dưới gốc cây hòe già có cái ghế đung đưa, trên ghế có một bà lão đang ngồi chải đầu. Bà lão mắt nhắm mắt mở, ngáp dài ngáp ngắn. Cô Diệp đi vào sân nhỏ. Thùy Trang cũng đi theo cô vào bên trong. Trong sân có ba gian nhà mái bằng, cửa ra vào của hai gian đều mở toang, chỉ có một gian đóng chặt. Cô Diệp đi về phía gian nhà đó. Cô rút chìa khóa, mở cửa một cách thành thạo rồi đi vào trong nhà. Sau đó, Thùy Trang nghe thấy tiếng đóng sập cửa. Cánh cửa lại khép chặt.

Thùy Trang tần ngần đứng trước cánh cửa đóng kín. Em hiếu kỳ quan sát ngôi nhà. Ngôi nhà được xây bằng gạch đỏ, diện tích xem ra cũng không nhỏ. Hai gian nhà phía đông có vẻ nhỏ hơn ngôi nhà này. Cánh cửa gỗ quét sơn màu xanh da trời, bây giờ đã bay màu trở thành nền trắng. Bên cạnh cửa ra vào là một cửa sổ nhỏ bằng kính. Đằng sau lớp kính là rèm cửa khá dày, che hết mọi thứ ở bên trong.

Đằng sau cánh cửa này là một thế giới như thế nào? Thùy Trang đột nhiên hơi chột dạ. Em giơ tay định gõ cửa, nhưng vừa chạm vào cánh cửa, em liền rụt tay về.

"Vào đi Thùy Trang, cửa không khóa đâu." Một giọng nói trầm thấp từ bên trong vọng ra ngoài. Thùy Trang giật mình hoảng hốt, tim đập thình thịch. Cô Diệp đã phát hiện ra em, không biết cô phát hiện từ lúc nào? Có lẽ từ lúc em lên xe buýt? Trời ạ, cô đúng là "sáng mắt sáng lòng".

Bà lão vừa chải đầu ở bên gốc hòe thò đầu vào trong sân, nhìn Thùy Trang bằng ánh mắt tò mò. Thùy Trang không do dự đẩy cửa đi vào trong nhà. Em lập tức sững sờ trong giây lát.

Căn nhà tối om. Dù có tia nắng chiếu qua khe cửa, Thùy Trang cũng chỉ có thể miễn cưỡng phân biệt đường nét của đồ vật. Hình bóng của đống đồ vật như quái vật to lớn, mai phục ở một góc nào đó, chuẩn bị lao vào Thùy Trang đến nơi. Ngoài ra, trong bóng tối còn lan tỏa luồng khí vẩn đục, khiến Thùy Trang cảm thấy khó thở. Đúng rồi, mọi cánh cửa đều đóng kín, không khí chẳng được lưu thông. Sau đó, từ bóng tối vang lên tiếng nói của cô Diệp:

"Em có thể kéo rèm cửa sổ, Thùy Trang. Tôi đóng kín rèm cửa là bởi vì tôi không muốn người khác nhòm ngó vào nhà tôi bằng ánh mắt tò mò kỳ quái. Tôi càng không muốn nghe những tiếng thì thầm bàn tán của bọn họ. Tuy tôi không nhìn thấy nên sẽ không phiền não, nhưng tôi không muốn cho bọn họ cơ hội. Tất nhiên, em cũng có thể bật đèn, nhưng em phải tự tìm ra công tắc. Tôi không còn nhớ công tắc nằm ở chỗ nào rồi."

Có lẽ do ảnh hưởng bởi không khí trong nhà, thanh âm của cô trở nên nặng nề. Thùy Trang không đợi cô nói lần thứ hai, lập tức chạy về phía cửa sổ, kéo tung rèm cửa rồi mở toang cánh cửa sổ.

Sau đó, em lại mở cửa sổ ở hướng nam. Luồng không khí trong lành ùa vào nhà, cả ngôi nhà chìm trong ánh sáng chói lòa. Ánh sáng bất thình lình khiến Thùy Trang nhắm mắt theo phản xạ, trong khi cô Diệp vẫn bất động. Lòng Thùy Trang chùng xuống. Thầy không có một chút cảm giác với ánh sáng. Tiếp theo, Thùy Trang quan sát cả ngôi nhà.

Ngôi nhà quả thực không nhỏ, nhưng rất chật chội, bởi vì hai bên tường toàn là giá sách. Giá sách rất cao, gần như tới trần nhà. Giá sách xếp đầy sách, to, nhỏ, dày, mỏng khác nhau. Ngoại trừ những giá sách này, ngôi nhà không còn bao nhiêu diện tích trống. Bên cửa sổ hướng nam đặt một cái bàn làm việc và một cái ghế mây. Trên bàn làm việc có một cái đèn bàn màu xanh lục. Bên cạnh đèn bàn là ấm trà, tách trà nhỏ, và chiếc đồng hồ để bàn cũng một màu xanh lục. Bên cạnh bàn làm việc là một chiếc giường đơn và một hòm gỗ nhỏ. Trên giường phủ ga màu xanh lá cây nhàn nhạt, hòm gỗ cũng được phủ một miếng vải cùng màu. Ga trải giường và miếng vải đó có vẻ thường xuyên giặt giũ, nhưng vẫn có mấy vết bẩn, chứng tỏ người giặt không nhìn thấy. Trên vỏ gối và vỏ chăn có vài chỗ chưa giặt sạch. Trên bức tường ở hướng bắc của căn phòng treo đầy những bức tranh màu nước và tranh sơn dầu. Một số được lồng trong khung kính, một số cứ thế treo thẳng lên. Góc mỗi bức tranh đều đề tên, xem ra không phải tác phẩm của bố cô Diệp thì cũng là của cô.

Dưới cửa sổ hướng bắc có một cái bếp ga, bồn rửa mặt và hai thùng mỳ ăn liền lớn. Trong ngôi nhà này không có gạo và mỳ sợi, không có rau cỏ và hoa quả. Nền đất được quét dọn sạch sẽ, nhưng ở các góc nhà vẫn xuất hiện không ít đồ lặt vặt, không phải chủ nhân lười biếng mà không phát hiện ra. Cả ngôi nhà rất đơn giản, nhưng lại không đơn giản một chút nào.

Năm năm trước, nơi này chắc rất tao nhã, rất nghệ thuật và thú vị. Bây giờ, nét "tao nhã" và "nghệ thuật" đó chỉ còn lại hình bóng mơ hồ. Bao trùm cả ngôi nhà là không khí lạnh lẽo, cô độc, tĩnh mịch, có phần thê lương.

Thùy Trang quan sát một lượt. Không hiểu tại sao, sống mũi em cay cay, trong lòng cũng cảm thấy chua xót. Ngôi nhà này khiến em nhận thức một cách sâu sắc nỗi bi ai của người khiếm thị. Em cũng có thể cảm nhận thấy, cô Diệp sống rất nghiêm túc. Cô không sa ngã hay chà đạp bản thân như những người gặp tai họa bất ngờ khác. Trong ngôi nhà này, dù cô không nhìn thấy, dù cô không cho người khác vào bên trong, nhưng cô vẫn cố gắng giữ sạch sẽ. Tuy nhiên, cuộc sống của một người mù cô độc không thể có chất lượng, trừ khi nhận được sự quan tâm chăm sóc từ người khác.

Cô Diệp ngồi trên ghế mây bên bàn làm việc, cuối cùng cũng mở miệng: "Tôi đoán em sẽ đi theo tôi. Tôi từng nói, em rất cố chấp, cố chấp giống như tôi. Bây giờ, em đã nhìn thấy nhà của tôi rồi, tất cả đều đơn giản đúng không? Nhà của người mù không thể phức tạp, bởi vì cô ta không thể ứng phó với sự phức tạp, cô ta không thể thoát khỏi bóng tối vô tận. Cô ta có thể đánh bại vô số kẻ địch, nhưng vĩnh viễn không thể đánh bại bóng tối."

Ngữ điệu của cô mang một chút tự giễu, đồng thời không che giấu tâm trạng thê lương và bất lực. Câu nói của cô như bàn tay vô hình bóp nghẹt trái tim Thùy Trang, một nỗi bi thương ngày càng lan tỏa trong lòng em. Thùy Trang đột ngột đi cầm cái chậu trên bồn nước, rồi quay người đi ra ngoài sân.

"Thùy Trang, em muốn làm gì vậy?" Cô Diệp kinh ngạc kêu lên, gương mặt thầy không còn sự nghiêm nghị và lạnh nhạt như thường lệ.

Thùy Trang không trả lời. Em đi hứng một chậu nước, sau đó rút ga trải giường và miếng vải màu xanh lục phủ trên hòm gỗ, bỏ vào chậu nước.

"Thùy Trang!" Cô Diệp lại hét lên. Cô không nhìn thấy, nhưng vẫn có thể đoán biết Thùy Trang đang làm việc nhà: "Em hãy bỏ xuống! Tôi không cần em giúp đỡ." Thần sắc cô vụt qua một tia bất an.

Thùy Trang không đáp lời. Em tìm thấy miếng gỗ giặt quần áo và bột giặt ở dưới gầm giường. Sau đó em bắt đầu giặt ga trải giường.

"Thùy Trang, dừng tay!" Cô Diệp vẫn cất cao giọng, thanh âm của cô bộc lộ tâm trạng sốt ruột và khổ não, nhưng không tức giận. Trả lời cô là tiếng cọ giặt loạt xoạt. Sau đó, cô Diệp thở dài, cất giọng bất lực: "Thùy Trang, tội gì em phải làm vậy?"

Thùy Trang hơi ngẩn người, nhưng động tác tay của em vẫn không ngừng nghỉ. Em nhanh chóng giặt xong ga trải giường và tấm vải. Sau đó, em bắt đầu giặt vỏ chăn, vỏ gối, và đống quần áo cô Diệp thay ra chưa kịp giặt. Từ nhỏ đến lớn, Thùy Trang chưa bao giờ giặt nhiều đồ như vậy. Đến cuối cùng, em hơi thở dốc, nhưng em cố gắng kìm nén, không để phát ra tiếng thở nặng nề. Cô Diệp lặng lẽ ngồi trên chiếc ghế mây, gương mặt cô trầm tư. Không biết bao lâu sau, cô lẩm bẩm nói một câu:

"Thùy Trang, em đang giúp tôi đánh bại bóng tối đúng không? Nhưng bóng tối của người mù quá nặng nề, em có thể giúp được bao nhiêu? Em có thể giúp được bao lâu?"

Thùy Trang thẫn thờ, em nghe ra sự hiu quạnh từ giọng nói trầm thấp và bình tĩnh của cô Diệp. Em bất giác nhướng mắt nhìn cô, thần sắc cô vẫn vô cảm. Bên tai Thùy Trang chợt vang lên câu nói của hiệu trưởng Cao gần một năm trước: "Cô bé, thầy không thể tưởng tượng nổi, sau khi em tốt nghiệp, cô Diệp sẽ như thế nào?"

Lúc đó, tốt nghiệp còn là chuyện xa vời. Nhưng hôm nay, em đã thật sự tốt nghiệp, em có thể giúp cô bao nhiêu, có thể giúp cô bao lâu? Lần đầu tiên trong đời, Thùy Trang cảm nhận thấy mùi ly biệt. Một giọt lệ âm thầm từ khóe mắt Thùy Trang chảy xuống, thuận theo khuôn mặt em, cuối cùng rơi vào chậu nước, tan biến hoàn toàn.

Sau khi giặt xong đồ và phơi lên dây thép ở ngoài sân, Thùy Trang bắt đầu giúp cô Diệp lau giá sách, dọn dẹp nhà cửa. Em kinh ngạc phát hiện, giá sách không hề có bụi, rõ ràng thường xuyên được lau chùi. Cô Diệp không thể đọc sách, nhưng thầy vẫn dày công nâng niu bảo vệ đống sách này. Sách được phân loại và sắp xếp đâu vào đấy, phần lớn là sách văn học. Sách lịch sử, nghệ thuật và triết học cũng chiếm diện tích không nhỏ. Những cuốn sách Thùy Trang biết đến đều xuất hiện ở đây. Thùy Trang còn phát hiện, có ba giá sách đều là sách ngoại văn. Đa phần là sách tiếng Anh và tiếng Pháp, một số cuốn tiếng Tây Ban Nha. Thùy Trang há hốc miệng, không biết nói gì mới phải.

Thùy Trang lại ngó qua khu vực văn học cổ điển: Kinh Thi (là một bộ tổng tập thơ ca vô danh của Trung Quốc, một trong năm bộ sách kinh điển của Nho giáo); Phạn Từ; Bách Gia Chu Tử (là thời kì chứng kiến sự mở rộng to lớn về văn hóa và trí thức ở Trung Quốc kéo dài từ 770 đến 222 TCN. Trùng khớp với giai đoạn Xuân Thu và Chiến Quốc, và nó cũng được gọi là thời đại hoàng kim của tư tưởng Trung Quốc và thời kì "trăm nhà đua tranh này" chứng kiến sự nảy nở của nhiều trường phái tư tưởng khác nhau); Lịch sử tản văn; Nhị thập tứ sử (là tuyển tập các cuốn sách sử Trung Quốc bao quát giai đoạn lịch sử từ năm 3000 TCN tới thời nhà Minh vào thế kỷ 17. Toàn bộ có 3213 tập và khoảng 40 triệu chữ. Nó thường được coi là một nguồn dữ liệu chính xác về truyền thống lịch sử và văn hoá Trung Quốc); Hàn Nhạc Phủ; Đường Thi; Tống Từ; Nguyên Khúc; Tiểu thuyết Minh Thanh, các loại luận văn, tuyển tập của tám tác giả tản văn lớn đương đại...

Thùy Trang giở cuốn "Tuyền Ki Toái Cẩm", em kinh ngạc phát hiện đây là cuốn sách về trò chơi văn tự của người Trung Quốc cổ đại. Ở trang đầu tiên, Thùy Trang nhìn thấy dòng chữ:

"Mua quyển sách này với giá cao, có lẽ đây là tuyệt bản, vô cùng sung sướng. Nét đặc sắc của văn tự Trung Quốc, người khác không khỏi kinh ngạc và thán phục. Tác giả cuốn này chắc là thiên tài.

Thùy Trang ngẩng đầu, hai má cô đỏ bừng, đôi mắt sáng rực. Em không thể kiềm chế, thốt lên một câu: "Cô Diệp, cô sở hữu một kho báu, một kho báu thật sự!"

"Ý em là những cuốn sách đó phải không?" Cô Diệp tựa hồ bừng tỉnh từ trong nỗi trầm tư: "Đây đúng là một kho báu. Thời đi học, có bao nhiêu tiền tôi đều dốc ra mua sách hết. Để kiếm tiền mua sách, tôi từng đi làm thuê, làm gia sư, thậm chí có lúc bán cả quần áo của mình...Việc làm sáng suốt nhất của tôi là không để sách ở nhà bố mẹ, mà để ở đây, nên chúng mới thoát khỏi trận hỏa hoạn đó. Tuy bây giờ không thể đọc chúng, nhưng tôi vẫn cảm thấy rất may mắn. Sau khi bị mù, nhiều người khuyên tôi bán chỗ sách này đi. Người ở thư viện còn đến tận đây thuyết phục tôi, nhưng tôi không đồng ý. Sao tôi có thể nhận lời bán chúng?"

Thùy Trang trầm mặc. Em hiểu một cách sâu sắc tình cảm của cô Diệp. Đúng vậy, sao có thể đem bán sách? Những cuốn sách này đánh dấu khoảng thời gian đẹp đẽ nhất trong cuộc đời cô Diệp, tích tụ biết bao giọt mồ hôi và tâm huyết của cô, tích tụ tuổi thanh xuân và ước mơ của cô, tích tụ tư tưởng và tín niệm của thầy...Chúng không chỉ đơn thuần là những cuốn sách vô tri vô giác, chúng đã trở thành một phần trong sinh mệnh của cô Diệp. Cô Diệp làm sao nỡ cắt bỏ sinh mệnh của mình?

Cô Diệp lại chìm vào hồi ức. Tâm tình nằm sâu trong ký ức của cô, bây giờ đang từ từ tuôn chảy như dòng suối nhỏ:

"Lúc đó, tôi yêu sách như sinh mạng. Kiếm được một cuốn sách hay, tôi sẽ đọc nó quên ăn quên ngủ. Ở Bắc Đại có một giáo sư đặc biệt tin tưởng vào việc học thuộc lòng. Ông cho rằng, tiên sinh Tư Thục ở thời cổ đại đào tạo ra nhiều nhân tài qua việc bắt học trò đọc thuộc lòng, tự nhiên có đạo lý nhất định. Tôi cũng bị ảnh hưởng bởi vị giáo sư đó. Phàm là sách hay, những bài văn hay, tôi đều đọc thuộc trong đầu. Tất nhiên tôi không phải học thuộc một cách cứng nhắc, mà vừa đọc vừa cảm nhận. Bây giờ tôi thực sự cảm kích vị giáo sư. Sau khi tôi bị mù, chính những cuốn sách in sâu trong não bộ đã giúp linh hồn và tư tưởng của tôi không bị khô cạn. Tôi "đọc" chúng mỗi ngày, đọc đi đọc lại nhiều lần...Nếu không đọc, tôi làm sao có thể tiếp tục cuộc sống?"

Thùy Trang bị lây nhiễm bởi tình yêu xuất phát tự đáy lòng đối với sách và tri thức của cô Diệp. Em chợt nhớ tới buổi lên lớp đầu tiên của cô. Thảo nào các bạn học không thể làm khó cô. Ở trước mặt cô Diệp, bọn họ quả thực quá nông cạn.

Sau khi dọn dẹp giá sách, Thùy Trang lại bắt đầu lau chùi bàn làm việc. Em phát hiện một máy nghe băng cát xét và mười mấy cuộn băng ở trong ngăn kéo. Nghe thấy tiếng mở ngăn kéo, cô Diệp vội ngăn lại: "Thùy Trang, em đừng động vào những cuộn băng đó. Đây là băng ghi âm đại cương, giáo trình, tài liệu tham khảo và phương pháp dạy học của môn ngữ văn cấp ba. Mỗi buổi tối, tôi đều nghe những cuộn băng này. Nếu em làm lộn xộn, tôi sẽ không tìm thấy cuộn băng tôi cần."

Thùy Trang thè lưỡi, lập tức đóng ngăn kéo. Em thầm nghĩ, cô Diệp nhờ người ghi âm những tài liệu này không biết tốn bao công sức. Cô quả thực là một cô giáo tốt.

Sau đó, ánh mắt em dừng lại ở những bức tranh treo trên bờ tường phía bắc. Những bức tranh đó rõ ràng không được cô Diệp trân trọng như đống sách, bởi chúng dính đầy bụi. Thùy Trang tìm một miếng vải khô mềm. Em nhẹ nhàng lau hết bụi ở trên đó, trả lại diện mạo cho những bức tranh.

Mỗi khi lau sạch một bức tranh, Thùy Trang không khỏi cảm thán trong lòng. Em không hiểu hội họa, không thể đánh giá những bức tranh này. Nhưng em có thể cảm nhận rõ ràng, trong mỗi bức tranh ẩn chứa một sức mạnh, một sức mạnh không thuộc về kỹ thuật hội họa, mà thuộc về sinh mệnh, tình cảm và linh hồn.

Sức mạnh này khiến Thùy Trang cảm động. Nó rốt cuộc là gì? Em trầm tư suy ngẫm, ánh mắt em vô tình dừng lại ở hai bức tranh sơn dầu tương đối lớn chạm cả xuống mặt đất em vừa lau xong. Thùy Trang bị một cơn chấn động mãnh liệt trong giây lát.

Đây là hai bức tranh khác nhau. Một bức vẽ đại dương mênh mông. Người vẽ sử dụng gam màu lam thẫm. Sóng biển cuộn trào thành từng bông hoa sóng. Bên trên là bầu trời, bầu trời màu xám mờ và tầng mây nhàn nhạt. Bức tranh không có mặt trời cũng không có cánh chim bay. Bên bờ biển là một bãi cát nhỏ. Trên bãi cát có một cành cây khô vừa cằn cỗi vừa thô ráp, nằm cô độc ở đó. Sóng biển lấp chìm một nửa cành cây khô. Nhưng ở giữa chạc cây lại nhú lên một chồi non nho nhỏ màu xanh lục, khiến cả bức tranh ảm đạm trở nên có sinh khí, tỏa ra một sức mạnh thuộc về sinh mệnh khó diễn tả thành lời.

Bức tranh sơn dầu còn lại vẽ mặt trời sắp lặn trên biển. Mặt biển hiền hòa, ánh hoàng hôn màu vàng rực rỡ. Nơi tiếp giáp trời biển có chùm mây xán lạn và ông mặt trời đỏ rực, trông rất huy hoàng, cũng u sầu. Ông mặt trời như quả tim tích tụ mọi huyết quản, sau đó giải phóng hết năng lượng, đốt cháy tôn nghiêm, hy vọng, tình yêu của nhân loại, cho đến khi trái tim đó cháy hết.

Thùy Trang ngẩn ngơ ngắm hai tác phẩm rung động lòng người đó. Em hoàn toàn bất động, cũng không nói chuyện, chỉ thất thần ngắm tranh. Em như chìm trong cảm xúc ly kỳ và chấn động. Trong lòng em vụt qua tia mờ mịt, chua xót, bi tráng...Em không thể phân tích tâm trạng của mình lúc này.

Nhưng Thùy Trang đột nhiên hiểu ra, sức mạnh ẩn chứa trong tranh của cô Diệp, chính là bản thân "sinh mệnh", chính là tình yêu mãnh liệt đối với sinh mệnh. Sinh mệnh dẻo dai, sinh mệnh tươi mới, sinh mệnh đầy tôn nghiêm, sinh mệnh cao quý, sinh mệnh không khuất phục, sinh mệnh không thể bị hủy diệt và sỉ nhục...đều thể hiện trong tác phẩm của thầy. Cô không phải vẽ bằng nét bút, mà dùng tư tưởng, tình cảm và linh hồn để vẽ tranh.

"Thùy Trang, em đang làm gì vậy?" Cô Diệp đột nhiên mở miệng, phá vỡ không khí tĩnh lặng.

"Em đang xem tranh ạ." Thùy Trang vẫn chìm đắm trong cảm xúc của mình.

"Bức nào?"

"Mặt trời lặn trên biển."

"Em có cảm giác gì không?"

"Bi tráng như sự cảm thán của người anh hùng ạ."

Gương mặt cô Diệp hơi rung động.

"Cô Diệp, cô rất thích biển đúng không ạ?" Thùy Trang hỏi nhỏ.

"Đúng vậy, tôi rất thích." Cô Diệp lại chìm trong hồi ức: "Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi nhìn thấy biển. Đó là kỳ nghỉ hè năm lớp 11, một mình tôi đi đến làng chài nhỏ ở Yên Đài, sống nhờ nhà một bà lão ở đó. Lúc bấy giờ, khi nhìn thấy mặt biển mênh mông, mặt biển vô cùng vô tận, tôi mới nhận thức được thế nào là bao la bát ngát. Đứng trước biển, tôi cảm thấy bản thân nhỏ bé vô cùng. Thế là cả kỳ nghỉ hè năm đó, tôi đeo ống vẽ tranh, đi lang thang suốt đường bờ biển dài không biết bao nhiêu cây số. Có lúc, tôi chẳng làm gì cả, chỉ ngồi trên mỏm đá mấy tiếng đồng hồ nhìn ra biển. Những lúc như vậy, tư duy của tôi trống rỗng, linh hồn yên lặng, thần trí chìm trong hư vô, trong cảnh giới quên đi bản thân." Cô Diệp thở khẽ, sau đó cất giọng thâm trầm mà xúc động: "Em có biết không, biển là kiên cường nhất. Nó có thể bao dung mọi nỗi đau khổ và bất hạnh của con người."

Thùy Trang đã hoàn toàn hóa đá. Từ trước đến nay cô Diệp hết sức kiệm lời, vậy mà bây giờ cô tâm sự nhiều như vậy. Có thể thấy, đã từ rất lâu, cô không nhắc đến ký ức đã phủ bụi mờ với người khác.

"Đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ mọi thứ ở biển." Cô Diệp nói tiếp: "Tôi vẫn nhớ những mỏm đá lởm chởm, đủ hình thù sinh động, đâu đâu cũng có dấu vết của ngọn sóng đánh vào...Còn bãi cát bên bờ biển, cát vừa mịn vừa trắng, thường lấp lánh dưới ánh mặt trời, giống như vô số vì sao vỡ vụn trong cát. Trên bãi cát còn có nhiều vỏ sò, tuy không hoàn chỉnh nhưng được sóng biển gột rửa sạch sẽ. Vỏ sò thiên hình vạn trạng, đủ loại màu sắc, trắng như tuyết, đỏ như máu, tím như vầng mây cuối cùng ở trên không trung trước khi trời tối..."

Thùy Trang reo lên: "Đẹp quá, em cũng muốn đi xem."

"Biển có rất nhiều thứ đáng chiêm ngưỡng và khám phá." Cô Diệp hơi thất thần: "Mặt trời mọc trên biển là thời khắc ly kỳ nhất. Vô số tia sáng vàng tỏa ra từ chân trời tối đen. Tiếp theo là mặt trời đỏ rực như quả cầu lửa nhô ra khỏi vầng mây xán lạn, từ từ bay lên cao, lên cao mãi...cho đến khi em không thể nhìn thẳng vào nó. Còn mặt biển từ mờ mờ chuyển thành màu đỏ, rồi từ màu đỏ chuyển thành những cơn sóng trắng xóa. Quá trình thay đổi này rất kỳ diệu, đến mức em ngừng hô hấp. Ngoài ra, đến khi trời tối, mặt biển một màu đen nhưng tinh tú lấp lánh trên bầu trời dệt thành bức tranh mộng ảo."

Thùy Trang nín thở lắng nghe, sau đó cô không thể đè nén tâm trạng xúc động: "Em muốn ngắm biển, muốn ngắm biển ngay lập tức!"

"Tôi cũng vậy...tôi rất muốn, muốn ngắm biển một lần." Ngữ điệu của cô Diệp đột nhiên trở nên lạ thường, đôi lông mày của cô nhíu chặt, thanh âm run run: "Tôi muốn nhìn thấy biển. Thật đấy, tôi muốn lại được nhìn thấy sóng biển cuộn trào, gió biển rì rào, chim hải âu vỗ cánh. Tôi muốn nhìn thấy những ngọn sóng nhấp nhô, bầu trời trong xanh và làn mây trắng. Thật đấy, có lúc mặt biển như tấm thảm nhung màu xanh, khiến tôi chỉ muốn nằm ngủ ở trên đó, muốn lăn lộn ở trên đó. Còn cả ánh hoàng hôn khi mặt trời lặn, ngọn hải đăng và những cánh buồm về bến. Tôi muốn nhìn thấy con dã tràng trên bờ cát... Nếu tôi có thể được nhìn một lần, cho dù một lần, tôi cũng..." Cô Diệp đột ngột dừng lại, gương mặt cô trở nên co rúm, thần sắc tái mét.

Nhưng chỉ một vài giây sau, cô lại khôi phục vẻ bình tĩnh như chưa từng có chuyện gì xảy ra: "Tôi xin lỗi, Thùy Trang, tôi hơi thất lễ." Cô nói: "Em có biết không? Những lúc cô độc, tôi thường hồi tưởng lại cảnh tượng này. Nhưng mỗi năm trôi qua, tôi chợt phát hiện những hình ảnh đó ngày càng trở nên mơ hồ trong trí óc tôi. Tôi sống trong thế giới không ánh sáng không màu sắc. Thế giới này, tôi không thể đi ra, người khác cũng không thể đi vào. Trong bóng tối vô biên vô tận, ký ức của tôi về ánh sáng và màu sắc từ từ biến mất. Tôi nghĩ, vài năm sau, có lẽ những hình ảnh sống động đó sẽ chỉ còn lại một mớ hỗn độn trong trí não của tôi."

Sống lưng Thùy Trang lạnh buốt, em cảm thấy từng tế bào của linh hồn đều run rẩy. Thế giới không màu sắc là thế giới như thế nào? Thế giới không ánh sáng là thế giới ra sao? Một người từ nhỏ đã vô cùng nhạy cảm với ánh sáng và màu sắc như cô Diệp làm thế nào để chịu đựng cuộc sống không màu sắc và ánh sáng? Thùy Trang hối hận đã gợi mở ký ức của thầy. Điều này nhất định sẽ đụng chạm đến nỗi đau từ đáy sâu trong nội tâm của cô. Em nhanh chóng rời khỏi những bức họa, đi dọn dẹp đồ dưới gầm giường của cô Diệp.

Dưới gầm giường chất đầy giá vẽ, bút lông, hộp màu và cả những tờ giấy trắng chưa từng sử dụng. Đối với cô Diệp mà nói, những thứ này không còn tác dụng. Thùy Trang cố gắng dồn hết chúng về một bên, chừa không gian chứa những thứ khác.

Thùy Trang đột nhiên phát hiện một cây đàn ghita dưới đống giấy vẽ. Đàn ghita đầy bụi, dây đàn đã bị gỉ, chứng tỏ một thời gian dài không ai đụng đến nó. Thùy Trang lôi đàn ghita khỏi gầm giường, hưng phấn reo lên như phát hiện ra lục địa mới: "Cô Diệp , cô biết chơi ghita phải không ạ?"

"Tôi có học một thời gian." Cô Diệp  gật đầu: "Thời gian học ở Bắc Đại, trong phòng ký túc của tôi có một cậu chơi ghita rất nổi tiếng. Tôi học từ cậu ấy. Tôi từng bỏ nhiều công sức và nhiệt huyết vào cây đàn ghita. Nhưng sau khi bị mù, tôi không động đến nó, tính ra cũng năm năm rồi còn gì? À..." Cô Diệp đột nhiên hiểu ra vấn đề: "Em tìm thấy đàn ghita của tôi đúng không?"

Thùy Trang không trả lời. Em ngắm nhìn cây đàn ghita đã bị bỏ quên nhiều năm. Qua chất gỗ của nó, có thể đoán năm đó nó rất đắt tiền. Nhưng bây giờ, nó bám đầy bụi, trông giống một nhà nghệ thuật sa sút tinh thần. Thùy Trang lấy một tấm giẻ lau, cẩn thận lau sạch bụi trên cây đàn. Nhìn cây đàn từ từ bóng loáng, Thùy Trang rơi vào trầm tư. Hôm nay là một buổi chiều kỳ lạ, Thùy Trang từng chút một tìm thấy dấu vết cuộc sống quá khứ của cô Diệp qua đồ đạc trong nhà và lời kể của cô. Quá khứ của cô dần hiện ra trước mắt cô. Đọc sách, viết văn, ngắm biển, vẽ tranh, chơi ghita...cuộc sống của cô vô cùng phong phú và có chất lượng. Còn bây giờ, để bảo vệ nhân cách và tôn nghiêm của bản thân, cô cam tâm tình nguyện sống cô độc hết ngày này sang ngày khác, hết năm này sang năm khác. Thùy Trang bất giác đọc khẽ một câu thơ: "Tiêu thủ triều triều hoàn mộ mộ, tiên tâm nhật nhật phục niên niên." (một câu thơ trong "Hồng Lâu Mộng" chỉ người con gái thời cổ đại phải sống tẻ nhạt trong khuê phòng hết ngày này đến ngày khác)

Cô Diệp đang ngồi trên ghế mây đột nhiên đứng bật dậy, hỏi bằng giọng bức thiết: "Thùy Trang, em vừa đọc gì thế?"

Thùy Trang chưa kịp trả lời, cây đàn ghita trong tay em đột nhiên phát tiếng kêu đau đớn. Hai cô trò giật mình, Thùy Trang cúi đầu nhìn, hóa ra dây đàn bị gỉ đã đứt phựt trong lúc em lau chùi.

Hai cô trò đều trầm mặc trong giây lát. Dư âm run rẩy của tiếng đàn ngân vang trong căn phòng một lúc lâu. Thanh âm khàn đục đó khiến trái tim của hai cô trò rung lên.

Khi dư âm của tiếng đàn biến mất, cô Diệp cảm khái: "Vào thời khắc mọi dây đàn bị đứt, chúng đều phát ra tiếng kêu xé lòng, bởi chúng không cam tâm lặng lẽ chết đi."

Thùy Trang ngẩn người lắng nghe, em vẫn chưa hoàn hoàn toàn lĩnh hội hàm ý trong câu nói của cô Diệp. Đúng lúc này, Thùy trang nghe thấy tiếng nói chuyện từ bên ngoài vọng vào. Em nhìn ra ngoài cửa, phát hiện mấy người phụ nữ trung niên và trẻ tuổi ở ngoài sân chỉ chỉ chỏ chỏ bàn tán điều gì đó. Cô Diệp cũng nghe thấy tiếng nói chuyện. Đáy mắt cô vụt qua một tia cảnh giác, gương mặt cô trở nên nghiêm nghị. Cô cất giọng vô cảm với Thùy Trang: "Thùy Trang, không còn sớm nữa, em mau về nhà đi."

Đúng vậy, trời không còn sớm. Thùy Trang đưa mắt ra ngoài cửa sổ, ông mặt trời đỏ rực ở phía Tây, ánh hoàng hôn buông xuống.

"Nhưng..." Thùy Trang liếc hai thùng mỳ ăn liền, em còn muốn nấu bữa tối cho cô Diệp.

"Được rồi, Thùy Trang, em hãy đi về đi!" Cô Diệp lại một lần nữa "nhìn" thấu tâm tư của em: "Xin thứ lỗi tôi đón tiếp em không chu đáo. Tôi không định giữ em ở lại cùng ăn bữa tối."

Thùy Trang ngước nhìn cô Diệp. Sắc mặt cô âm trầm lạnh lẽo. Cô lại đóng chặt cánh cửa trái tim khó khăn lắm mới mở ra một chút. Thùy trang thở dài, hiện thực là một cây roi da tàn nhẫn, nó có thể đuổi hết mọi thứ đẹp đẽ và ấm áp. Em tức giận trừng mắt với mấy người phụ nữ ở ngoài sân, rồi lưu luyến đảo mắt một lượt quanh ngôi nhà và cô Diệp đang đứng yên lặng ở giữa nhà. Sau đó Thùy trang mím môi, quay người đi ra ngoài.

Mặt trời sắp khuất bóng, ánh sáng vàng dịu dàng cuối cùng trong ngày chiếu lên bức tường bao xung quanh sân nhỏ. Thùy Trang nhìn ông mặt trời đỏ rực, em đột nhiên nhớ tới mặt trời trên biển trong bức tranh của cô Diệp. Thùy trang bất giác quay đầu về phía sân nhỏ đang được tắm trong hoàng hôn. Cô Diệp không biết đứng bên cửa ra vào từ lúc nào. Hình bóng cao lớn, cô độc của cô nổi bật trong ánh chiều tà.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro