Chương 4: Khó chịu trong lòng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

*Để cho dễ phân biệt thì đại từ nhân xưng mình dùng cho Thiên Nguyên là cô, còn cho Thanh Trúc là nàng nha. Cái này có từ chương 1 rồi nhưng mà hôm nay mới nhớ thông báo, cho đỡ mất công mọi người đọc bị rối.*


Không ảnh Vĩnh Long 1960s - khu vực Cù lao An Bình

Nhờ kiến thức tính toán sổ sách học từ Thiên Nguyên và sự chỉ biểu của ông Tỉnh trưởng, Thanh Trúc đã được ba chồng giao cho quản lí mùa gặt đầu tiên, từ công đoạn trông coi thu hoạch lúa tới lúc đem lúa vô nhà máy để xay thành gạo. Nàng rất nghiêm túc trong công việc lần này. Tờ mờ sáng, Thanh Trúc đã dậy sớm chuẩn bị để ra ruộng quan sát người ta làm, biên sổ sách. Vì không muốn làm phiền người khác, Thanh Trúc một mình xuống bếp tự làm đồ ăn sáng cho mình, nàng chỉ bới chén cơm nguội, phi thơm chút hành tỏi, đập trái hột gà rồi đổ cơm vô chiên, đơn giản vậy thôi mà mùi thơm dậy hết chái bếp.

Tối ngủ quên đóng cửa sổ, sáng sớm trời se lạnh làm Thiên Nguyên đang từ mộng đẹp phải tỉnh giấc đặng đi vệ sinh. Vẫn còn ngái ngủ, đôi mắt to tròn đầy linh khí nay díp lại, cặp mi dài sụp xuống, Thiên Nguyên ngáp ngắn ngáp dài đi theo quán tính tới nhà tắm. Xong xuôi thoải mái, cô quay trở về phòng, tính ngủ thêm chút đỉnh trước khi mấy con gà sau vườn hòa âm cùng đàn chim chóc ca bài ca báo thức khiến cô phải nói lời tạm biệt với chiếc giường đang mời gọi. Dẫu còn đang ngay ngủ, khứu giác nhạy bén của Thiên Nguyên vẫn chăm chỉ làm việc, mùi thơm của cơm chiên trứng lẫn mùi hành lá phi thơm đi từ mũi xuống thẳng bao tử cô, khiến nó bắt đầu biểu tình. Bình minh còn chưa lên, đã chuẩn bị đồ ăn rộn ràng, nghĩ thầm buổi sáng của mấy người làm ở nhà mình có vẻ thú vị, cô vòng ngược xuống bếp để xem sự tình ra sao.

"Đường dầu xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang."

Dáng ai thon gầy đang  vừa trút cơm từ chảo ra dĩa vừa ngân nga câu hát trong trẻo. Thiên Nguyên lấy tay dụi mắt, tự hỏi dì Lượm đâu mà chỉ có đứa nào tựa như Út Mận hay con Bé Ba xào nấu đồ ăn, lại còn yêu đời ca hát.

"Đêm luống trông tin bạn, ngày mỏi mòn như đá vọng phu.

Vọng phu vọng luống trong tin chàng"

Ngày thường ít khi nói chuyện với tụi Út Mận, Bé Ba , Thiên Nguyên không ngờ tụi nó lại có năng khiếu ca hát, nhỏ giọng tự cảm thán: "Mấy con nhỏ này dòm vậy mà ca hay quá đa."

Cơm trên dĩa bốc khói nghi ngút, tỏa ra mùi thơm hấp dẫn, Thiên Nguyên quên đi cơn buồn ngủ, tiến lại gần tính nhờ nó làm giùm một dĩa cơm cho cô ăn sáng. Cô khều vai người đang vui vẻ ngồi ăn, mắt vẫn không rời khỏi dĩa cơm chiên trứng vàng ươm, ở trên rải tí hành lá, tóp mỡ cực kì hấp dẫn : "Út Mận, em làm cho chị một dĩa giống vậy nha."

Nhìn xuống thành quả nấu ăn của mình tươm tất, đẹp đẽ khiến Thanh Trúc không khỏi hài lòng, nàng cầm lên cái muỗng chuẩn bị múc cơm thì cảm giác có bàn tay vỗ lên vai mình, kèm theo giọng nói nhừa nhựa chưa tỉnh ngủ. Nàng cong môi cười, nghe giọng biết là Thiên Nguyên, nàng muốn ghẹo cô một chút. Thanh Trúc buông xuống chiếc muỗng gốm, không quay ra sau đối mặt với Thiên Nguyên mà hơi cúi xuống, cố nén giọng cho giống giọng Út Mận : "Dạ, để em đi chiên cho chị Ba Nguyên dĩa khác liền. Chị ngồi chờ em chút xíu nghen."

Dưới ánh sáng lờ mờ của bóng đèn trái tắt, Thiên Nguyên không nhìn ra người kia là Thanh Trúc, thuận miệng "Ừ" một tiếng rồi rót đầy ly nước trà ngồi nhâm nhi. Nhớ tới câu ca lúc nãy của Út Mận, tò mò hỏi một câu : "Mà nhìn cưng vậy mà ca cũng hay quá héng. Ca như Thanh Nga ca vậy đó."

(*) Thanh Nga : Bà là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, cũng là một trong những minh tinh đẹp nhứt miền Nam những năm 60,70.

Bàn tay khéo léo đảo cơm trong chảo của Thanh Trúc hơi khựng lại, không biết là do hơi nóng từ chảo bốc lên hay do lời khen của Thiên Nguyên làm hai má nàng thoáng ửng hồng, không nghĩ rằng trong lúc cao hứng ca vài câu đã bị Thiên Nguyên nghe được.

Không nghe thấy tiếng trả lời, chỉ nghe tiếng xèo xèo của hạt cơm nổ trong chảo, Thiên Nguyên nhìn bâng quơ "Út Mận" đang nấu nướng. Mặt trời đã gần lên, mà đôi mắt cũng cô cũng thôi không còn lơ mơ ngủ nữa, ngó thấy bộ bà ba màu vàng nhạt bằng lụa có phần quen mắt, hơn nữa người dân lao động cũng không mặc quần áo bằng loại vải này, Thiên Nguyên kéo ghế lại nhìn kĩ hơn thì thấy chiếc kẹp tóc hồ điệp cùng cái vòng tay cẩm thạch quen thuộc, cô không tự chủ cắn môi lắc đầu, thầm trách bản thân khi không bắt mợ út làm đồ ăn cho mình. Thanh Trúc bưng lại dĩa cơm còn nóng hổi, nhìn thấy gương mặt bối rối của Thiên Nguyên thì biết cô đã nhìn ra mình, cười tủm tỉm nói với cô : "Dạ, cơm của chị xong rồi nè. Chị ăn từ từ coi chừng nóng nghen."

Vì để đi làm cơm cho mình mà nàng phải bỏ bữa sáng đang còn nóng hổi, trong lòng Thiên Nguyên tràn ngập cảm giác tội lỗi, cô tráo vị trí hai dĩa cơm, ủ rũ nói : "Mợ ăn cơm của con đi, tại con mà cơm của mợ nguội hết ráo rồi."

Lẽ ra nàng làm mợ phải dạy dỗ cô vì làm trễ thời gian ra ruộng của mình, nhưng Thanh Trúc hướng đôi mắt dịu dàng nhìn Thiên Nguyên đang ăn ngon lành dĩa cơm đã nguội của mình nơi khóe môi cong lên nụ cười, mang theo giọng nói mềm mại hỏi nàng : "Cơm nguội chiên với trứng thôi à, Nguyên ăn thấy được không?"

Tuy chỉ là món ăn đơn giản nhưng qua bàn tay của Thanh Trúc nó đã trở thành mỹ vị trong lòng Thiên Nguyên. Cô đưa lên ngón cái : "Ngon không kém nhà hàng."

Thấy Thanh Trúc ăn mặc tươm tất, tóc búi cao gọn gàng chứ không xõa dài hay cột thấp ngang lưng như thường ngày, Thiên Nguyên đoán chừng nàng sắp đi đâu, tò mò lên tiếng hỏi : Sớm bửng mà mợ đã lên quần áo hết rồi. Mợ tính đi công chuyện đâu hả?"

Nàng đem chuyện mình định làm kể cho Thiên Nguyên nghe, cô nhíu mày thốt lên : "Mấy việc đó để người ta làm là được rồi, mợ chỉ cần kiểm kê làm giấy làm tờ thôi. Mợ đi chi cho cực."

Rót đầy hai ly trà, Thanh Trúc nhẹ nhàng lắc đầu : "Mình phải tự làm hết cho quen. Cái gì cũng để người khác làm, lỡ có sơ xuất gì thì mình xoay không có kịp."

Nghe nàng nói có lý, cô cũng không ý kiến nữa. Hai người ăn xong bữa sáng, Thanh Trúc đội lên nón lá chuẩn bị ra ruộng, còn Thiên Nguyên cũng quay trở về phòng thay đồ đi học. Trước khi Thanh Trúc đi, Thiên Nguyên không quên dặn dò nàng : "Mợ nhớ kiếm chỗ mát đứng, coi chừng bị cảm nắng."



Mùa lúa chín là một nét đặc trưng chỉ có ở những làng quê. Từng bông lúa chín vàng ngả nghiêng trong gió, bờ đê vẫn còn đọng sương ướt mướt, trên bầu trời trong xanh từng đàn chim nhởn nhơ bay lượn, hót líu lo vui tai. Ánh nắng bình minh trải khắp ruộng lúa mênh mông, đượm lên màu vàng thắm của cây lúa chín. Những người nông dân chân chất chào hỏi nhau, mùa gặt cũng là mùa họ được trả công nên ai ai cũng ánh lên nét vui vẻ, chờ mong cử chiều ra chợ mua vài kí thịt heo về kho cho sắp nhỏ ở nhà ăn chớ tụi nó đã mấy bữa rồi không được ăn thịt, thấy thương lắm.

Để giảm bớt sự mệt mỏi, người nhà quê còn hát lên những câu hò, điệu lý, những bài dân ca cho không khí rộn ràng hơn. Trước khi tới ruộng, Thanh Trúc đã ghé chợ mua hơn chục cái bánh tiêu với mấy ổ bánh mì thịt để mời bà con nông dân ăn thêm cho chắc bụng. Không còn thấy gương mặt khó tính của ông Bảy Tài ghi công lúa nữa, mà hôm nay là một người đẹp dịu dàng, mà còn rất chu đáo, những người nông dân hăng hái làm việc hơn ngày thường.

Nhờ sự hăng say của người nhà nông, Thanh Trúc rất nhanh đã ghi được mấy trang sổ công lúa, mặt trời đã lên gần tới đỉnh đầu, nàng đang chuẩn bị kêu mọi người nghỉ tay, vô ăn cơm nghỉ ngơi rồi làm tiếp thì thấy xa xa là bóng áo dài trắng bước tới. Ánh mặt trời gay gắt ban trưa làm lóa mắt nàng, Thanh Trúc chỉ đành đợi người kia lại gần mới biết là ai. Mọi người đã bắt đầu bày ra cơm, trái cây, muối ớt trong những chiếc gamelle (*) xuống từng tấm lá chuối, chuẩn bị ăn trưa. Mấy anh chàng làm công liên tục đem bánh trái tới mời Thanh Trúc ăn, cô đang cười lịch sự từ chối thì một người con gái trong bộ áo dài học sinh bước tới, một tay vẫn còn ôm cặp da, một tay cầm theo chiếc dù, nhìn mấy anh chàng kia vẻ không thiện cảm : "Mấy anh đừng có sáp sáp lại gần mợ tôi như vậy, coi không có được đâu."

(*) cà-mên đựng cơm

Tông giọng Thiên Nguyên vốn trầm, kết hợp với gương mặt lạnh lùng của cô khiến những chàng trai quê chân chất thật thà có phần nhụt chí, thêm nữa danh tiếng cháu ngoại ông Tỉnh trưởng nổi danh khắp đất Vĩnh Long, họ cũng không dại mà chọc cô giận, chỉ cười trừ rồi lui ra. Thiên Nguyên đuổi được ong bướm, bung dù lên che nắng cho Thanh Trúc, quan tâm hỏi thăm nàng : "Trời nắng muốn bể đầu luôn mà sao  mợ không vô bóng cây đứng cho mát, lỡ bị bịnh rồi là khổ lắm đa."

Cô như con cọp giấy hù dọa mấy anh chàng kia làm cho nàng không khỏi thấy đáng yêu : "Người ta có lòng thì mình có dạ, mang tiếng đi ghi công lúa, coi người ta làm mà cứ đứng trong bóng mát riết vậy coi sao đặng. Mà Nguyên đi đâu ra đây, học xong sao không về nhà?"

Suốt ngày bị nàng giáo huấn lễ nghĩa, Thiên Nguyên trề môi lầm bầm : "Người có lòng nhất thì vẫn không được đáp lại."

Mạnh miệng như vậy nhưng vẫn sợ Thanh Trúc nghe thấy, cô nhanh chóng kéo tay nàng : "Con nghĩ mợ chưa về nên ra coi thử. Thôi mợ về ăn cơm với con đi, hôm nay ông bà ngoại đi xuống miệt Long Xuyên thăm bà con rồi."

Đứng cả một ngày dưới trời nắng nóng, Thanh Trúc cũng đã đuối sức, đi theo Thiên Nguyên về cơm nước nghỉ ngơi để chuẩn bị cho buổi cắt lúa cử chiều. Cả hai bước ra khỏi bờ đê, Thiên Nguyên đã dắt tay Thanh Trúc tới trước mặt hai cậu thiếu niên sinh đôi tầm nhỏ hơn cô một hai tuổi đang đứng kế hai chiếc xe đạp. Cô tiến tới vỗ vai hai người bọn họ : "Hai Công, Ba Nghĩa, chở chị với mợ út về."

Thanh Trúc vẫn còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì : "Công, Nghĩa? Sao tụi con ở đây?"

Hai cậu trai lễ phép chào Thanh Trúc, Hai Công ghé lại tai Thiên Nguyên thì thầm : "Chị nhớ chị hứa cái gì với tụi em đó. Tuần sau chị đi Sài Gòn về mà không có cho em là em nói với mợ hết."

Trước vẻ mặt ngạc nhiên của Thanh Trúc, Thiên Nguyên cười nịnh nọt trấn an nàng : "Nhà má Năm sát vách mình mà mợ, sẵn quá giang tụi nó về luôn." Cô đưa cho nàng cây dù : "Mợ che đi, đừng để nắng.",  còn mình thì leo lên ngồi sau yên xe đạp của Hai Công, gõ gõ vô lưng nó biểu nó đạp.

Luôn bị Thiên Nguyên đưa vô thế bất ngờ không phản ứng kịp , Thanh Trúc không thể làm gì ngoài làm theo lời cô. Mặt trời lên đỉnh tỏa xuống từng đợt nhiệt lưu nóng bức, Thanh Trúc nhìn tấm lưng ướt đẫm mồ hôi của Ba Nghĩa, lòng thấy thương cảm nó, nàng thầm nghĩ có lẽ Thiên Nguyên bằng cách nào đó đã đe dọa hai đứa nhỏ chở các nàng về. Nhìn nó cong lưng lên đạp xe khi đang phơi đầu giữa trời nắng nóng, còn mình thì có dù che mát mẻ, nàng không biết nên cảm ơn hay nên hờn trách cô nữa. Lỡ mà hai đứa nó đổ bịnh, chị Năm mà biết được thì không những Thiên Nguyên bị lầy ra, mà mặt mũi của mình cũng chẳng còn. Sực nhớ ra cô đã đưa mình cây dù duy nhất, lo lắng Thiên Nguyên có dang đầu trần dưới nắng không, nàng quay ra phía sau nhìn, ngoài khuôn mặt đỏ như tôm luộc, nhễ nhại mồ hôi của Hai Công thì nàng thấy thấp thoáng chiếc cặp da đen. Thiên Nguyên đã nhường dù của mình cho nàng, còn cô thì dùng cặp để che nắng. Giữa trưa yên ắng, hai chiếc xe đạp trên con đường quê êm đềm chở theo hai giai nhân tựa hồ một bức tranh đẹp của một làng quê yên bình Việt Nam.




Gần cả tuần lo cho công việc thu hoạch lúa, thân ngọc ngà hiếm khi trải nắng mưa nay đã có dấu hiệu đổ bịnh. Dẫu cho thân thể không được khỏe, Thanh Trúc vẫn cố gắng đều đặn tới kho lúa biên sổ sách, trả lương cho những người mần công. Ông Tỉnh trưởng thấy nàng hết mình vì công việc thì thương lung lắm, biểu cháu nội ông là Hai Sửu tới phụ Thanh Trúc. Sở dĩ ông chọn Hai Sửu vì anh ta là cháu nội cả, sớm làm quen với gia nghiệp. Nghe xong ý định của ông ngoại, Thiên Nguyên trong lòng cảm thấy không ổn, nhưng cũng không thể phản đối. Đối với chuyện mần ăn của gia đình nhà ngoại, một cô gái sống ở đô thành từ nhỏ như cô không có tí kiến thức nào.
Nhưng đối với hiểu biết và ấn tượng của cô về Hai Sửu thì cô chắc chắn anh ta không hề ổn, nhưng không ổn về điểm nào thì cô không thể chứng minh được.

Hai Sửu là con trai cả của cậu ruột cô – ông Hai Tùng. Ông ngoại nghe lời ông cậu cô, biểu anh ta tới phụ giúp ở kho lúa là lẽ thường tình, để con cháu trong nhà giúp đỡ nhau vẫn tốt hơn nhờ tới người ngoài. Nhưng lo lắng của Thiên Nguyên không hề vô cớ, từ nhỏ anh em cô mỗi lần theo cha má về quê ngoại thì anh Hai cô đều bị anh ta không mặt nặng mày nhẹ cũng kiếm chuyện gây gổ, ông ngoại hay khen anh Hai cô khi nhỏ học giỏi, lớn lên chăm chỉ gầy dựng sự nghiệp nên anh Hai luôn bị Hai Sửu dòm giỏ ngó treo, ganh ghét không thôi. Đương nhiên anh ta không dại dột thể hiện ra với ông ngoại, chỉ sau lưng buông lời đả kích, chê bai anh trai cô. Nghe thì như chuyện bất đồng lũ trẻ, không đáng để đặt nặng, nhưng Thiên Nguyên có cảm giác rằng Hai Sửu tuy không có hiềm khích nhưng từ lâu đã có lòng ganh tị đối với anh em cô, chứng tỏ bụng dạ anh ta hẹp hòi lắm. Nay nghe kho lúa giao cho Thanh Trúc quản lí, chắc chắn anh ta sẽ sanh lòng bất phục, e là không ổn.

Không thể nói với ông bà ngoại, Thiên Nguyên đành đem kể với Thanh Trúc đặng cho nàng biết mà đề phòng. Không trái với dự đoán của cô, Thanh Trúc sau khi nghe xong chỉ lắc đầu, đưa ngón tay ấn lên trán cô một cái : "Đó chỉ là chuyện khi anh em Nguyên với Hai Sửu còn nhỏ thôi. Hơn nữa đây là giúp mợ, giúp ông ngoại, cho là Hai Sửu không thuận với anh em Nguyên thì cũng đâu có lí gì để nó kiếm chuyện với mợ đâu."

Thiên Nguyên nhăn nhó, nhận lấy múi quýt Thanh Trúc đã lột vỏ  đưa vô trong miệng, lắc đầu nói với nàng : "Cái tánh kì là nó kì không kể đối với ai mợ à. Mợ nghĩ đi, cậu Hai là con cả của ngoại, cái kho lúa bây giờ lại cho thân nữ nhi như mợ, dễ gì Hai Sửu không để bụng."

Tuy bề ngoài đài các như một thanh nữ, mang khí chất lạnh lùng kiêu sa của một tiểu thư lục tỉnh nhưng đối với Thanh Trúc thì Thiên Nguyên chỉ là một cô học trò nhỏ đơn thuần. Nhìn thấy gương mặt nhăn nhó nhưng vẫn đang cố gắng nói lý với nàng, Thanh Trúc không khỏi bật cười, lộ ra hai lúm đồng tiền duyên dáng. Thiên Nguyên vẫn đang cố gắng phân trần, thấy Thanh Trúc cười thì giận lắm, nhưng không thể làm gì ngoài đưa tay kéo bàn tay đang lột vỏ quýt của nàng lắc lắc : "Mợ. Mợ phải tin con. Con nói thiệt đó."

"Rồi, mợ tin, mợ tin. Mợ sẽ dòm chừng Hai Sửu, được chưa?"  Thanh Trúc thuận thế đưa múi quýt vừa mới lột xong lên miệng Thiên Nguyên đặng có thể nhanh chóng tắt cái đài phát thanh vẫn đang không ngừng thuyết phục mình.

Nghe nàng nói như vậy mới khiến Thiên Nguyên yên tâm. Không khí đã trở về sự yên bình buổi xế chiều của nó. Cô châm thêm nước nóng từ cái bình thủy vô ấm trà, nghe nàng hỏi mấy câu về chuyện học hành, về bạn bè của cô. Đợi trà chín, Thiên Nguyên rót xuống hai chiếc tách nhỏ. Bên đây Thanh Trúc sắp mấy múi quýt, mận đã gọt vỏ ra dĩa, hai người phối hợp ăn ý, vừa ăn trái cây, uống trà, vừa cùng nhau ngồi nói mấy câu chuyện đời thường. Thỉnh thoảng, Thiên Nguyên đưa tay lên quạt cho Thanh Trúc bằng chiếc quạt đặc trưng của cô. Bóng hai người thiếu nữ tóc dài chấm lưng thon như hòa vào nhau dưới ánh nắng chiều của miền sông nước.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro