Chương 8: Thương nhân Chợ Lớn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Ngày hôm sau Thiên Nguyên biểu hai đứa em họ dẫn họ ra mé sông câu cá. Con sông quê êm đềm trôi chảy, Hai Công hướng dẫn Thanh Phương câu cá, thằng Ba Nghĩa thì trèo lên cây xoài gần đó ngồi đu đưa hóng mát.  Ba người Lâm Anh, Thiên Nguyên và Thanh Trúc đứng trò chuyện rôm rả, chỉ mới có hai ngày mà Lâm Anh đã thoải mái giao tiếp với Thanh Trúc, bởi sự đài cát,thục nữ cùng bản tánh hiền lành, dịu dàng của nàng luôn tạo cảm giác dễ chịu cho người đối diện.

Chờ cả buổi vẫn không có con cá nào cắn câu, Thanh Phương sắp sửa bực bội ra mặt . Hai thằng nhỏ nhìn cậu công tử quần Tây áo chemise đứng giữa trưa nắng vừa cầm cần câu vừa nhăn nhó thì tụi nó mắc cười dữ lắm, nhưng cố nhịn cười, thằng Hai Công ghim con trùng vô lưỡi câu, nói với Thanh Phương:

"Anh Phương làm cái gì cũng nhẹ nhẹ thôi. Anh lài lài cái dây câu xuống chứ đừng có quăng thẳng như vậy. Ngó em làm nè, đảm bảo cá cắn câu liền."

Ngờ vực nhìn Hai Công, Thanh Phương nhíu mày hỏi nó "Anh thả câu nãy giờ còn không con nào cắn. Em mới thả xuống thì sao có cá được?"

Cả sáu người có mặt ở đó nín thở chờ coi cá sẽ cắn câu ai trước. Lâm Anh đứng coi hai người câu cá mà thích thú trong lòng. Cô tính có khi cuối tuần thay vì đi phòng trà hay ra bến ăn uống thì có lẽ làm một chuyến thăm thú miền sông nước coi bộ thú vị hơn. Thiên Nguyên cười thầm trong dạ khi nhìn nét mặt căng thẳng của Thanh Phương. Anh chàng không thiếu điều kiện ở đất Sài Gòn chưa từng phải nhíu mày lo lắng cho chuyện gì hôm nay chỉ vì mấy con cá mà hồi hộp, bồn chồn.

Hai Công ngó coi sành sỏi nghề câu cá, chưa có bao lâu mà đã nghe nó la lên "Cá cắn câu rồi kìa!"

Thằng nhỏ giựt mạnh cần câu lên, mang theo con cá rô phi bằng bắp tay. Lâm Anh mừng rỡ vỗ tay, tấm tắc khen thằng nhóc. Hai Công tháo móc câu, thả con cá vô xô trong lúc Ba Nghĩa từ lúc nào đã trèo xuống dưới, đi tới vỗ vai Thanh Phương, không biết vô tình hay cố ý mà nó nói một câu làm lòng tự ái của anh dâng trào: "Lâu vậy mà không có con nào cắn câu, anh coi chừng có khi nó ăn mồi của anh rồi."

Thanh Phương kéo thử cần câu lên, lưỡi câu trống trơn, con trùng cũng biến mất. Anh tức tối ngồi xuống, ghim một lần hai con trùng vô lưỡi câu, quyết tâm không đi về tay trắng.

Thời gian trôi qua, cuối cùng cá cũng cắn cần câu của Thanh Phương. Anh vui mừng tựa đứa trẻ nhỏ. Cuộc sống đầy đủ , tiện lợi nơi đô thành với những trường đua ngựa, quán billiards hay rạp ciné dường như không còn thu hút Thanh Phương bằng những thú dân dã của người nhà quê. Anh cười vỗ vai Hai Công "Thằng nhỏ giỏi ghê. Không ngờ câu cá cũng có...bí quyết."

Thanh Trúc coi sắp sửa tới giờ cơm trưa, đang muốn kêu mọi người về thì đằng xa có người tới tìm nàng.

"Chị Út, có ai đang kiếm chị ở nhà kìa. Người ta muốn hỏi thăm mua lúa mà không có ai ở nhà, hồi nãy chú Ba ổng thấy chị ở ngoài đây nên biểu em tới kêu chị về."

Hai thằng nhỏ câu cá nãy giờ cũng hơi đói bụng, nghe vậy thì dọn dẹp cần câu chuẩn bị đi về. Ba người còn lại thấy cũng không còn sớm nữa, giang nắng lâu dễ sanh bịnh, cũng theo Thanh Trúc đi về nhà.





Ở trước cổng nhà là một người đàn ông ngoài 50 đi cùng người con trai trạc 30 tuổi đang đứng đợi . Người đàn ông tay cầm điếu cigar rít mấy hơi, thỉnh thoảng đưa tay lên ngó đồng hồ. Thấy bốn người từ xa bước lại, ông già hơi nhíu mày, người con dâu trẻ được ông bà Tỉnh trưởng giao cho quản lý vựa lúa là ai trong ba người con gái này.

Thấy khách đứng chờ mình, Thanh Trúc lật đật tiến lên trước, lấy chìa khóa mở cổng, không ngừng xin lỗi họ. Thiên Nguyên bản tánh tiểu thơ , chỉ gật nhẹ đầu với hai cha con kia.

"Chú và anh tới kiếm mà con không biết, để hai người phải chờ giữa trưa nắng như vầy là lỗi của con. Con xin lỗi chú, mong chú với anh thông cảm nghen."

Nàng mở ra cửa cổng, lễ phép mời khách bước vô trước. Vô tới nhà khách, Thanh Trúc mời hai người họ ngồi. Thiên Nguyên cũng ngồi xuống bên cạnh nàng, giúp nàng rót trà mời khách. Hai người Thanh Phương, Lâm Anh không thể đi chỗ khác được,  đành đứng sau lưng ghế của Thanh Trúc và Thiên Nguyên, tính chào hỏi giã xao xong sẽ về buồng ngủ để cho mợ cháu họ bàn công chuyện.

Người đàn ông đánh giá xung quanh căn nhà, ngôi nhà kiến trúc Đông Dương sang trọng, nhưng gian nhà khách vẫn giữ nét bài trí truyền thống của người miền Tây Nam. Ông cho rằng người chủ căn nhà chắc chắn đã có thời gian tiếp thu giáo dục, văn hóa phương Tây nhưng vẫn còn rất nặng lòng với lối sống dân dã của con người Nam bộ nên mới có thể kết hợp hài hòa kiến trúc Đông-Tây như vầy. Nhận lấy chén trà từ cô gái trẻ, ông già gật đầu cảm ơn.

"Không sao đâu tiểu thơ. Cho tôi hỏi tiểu thơ là gia chủ chăng?"

Thiên Nguyên lắc đầu, đáp:  "Dạ không phải. Ông bà ngoại con có công chuyện không ở nhà, con là cháu, còn đây là mợ út con. Hai bạn đây là bạn học con ở thành đô có dịp ghé thăm nhà."

Tiếp lời Thiên Nguyên, Thanh Trúc lịch sự hỏi danh tánh người đàn ông "Dạ, xin hỏi quý danh của chú và anh là...?"

"Tôi là Lữ Hiên, đây là con trai tôi, Lữ Hiển.Tôi làm ăn buôn bán ở Sài Gòn, tới kiếm ông bà chủ đặng hỏi mua gạo sỉ, bị nghe ông bà Tỉnh trưởng có nhà máy xay lúa gạo lớn, hi vọng được trở thành bạn làm ăn. Còn cô Út và lệnh ái đây quý tánh là gì?" - Lữ Hiên nói xong cười giả lã, ông cố gắng quan sát nét mặt Thanh Trúc.

"Dạ  thưa, con tên Thanh Trúc, đây là Thiên Nguyên, hai bạn ở trên là Thanh Phương và Lâm Anh."

Nghĩ tới chuyện mình để hai cha con họ chờ trước nhà liền thấy có lỗi, nàng có lòng mời họ ở lại ăn cơm "Chú và anh đi đường xa chắc mệt dữ lắm. Chú ăn với tụi con bữa cơm trước nghen."

Lữ Hiên trong lòng tấm tắc khen ngợi Thanh Trúc, một người con gái đẹp mà còn lễ phép ý nhị. Phải chi nàng chưa có chồng, nếu không chắc chắn ông sẽ hỏi cưới nàng cho con trai ông. Cũng như cha mình, Lữ Hiển có ấn tượng rất tốt đối với Thanh Trúc. Vừa nghe chất giọng ngọt tựa mía lùi của nàng, anh ta có phần xao xuyến. Lữ Hiển tiếc rằng hoa đã có chủ, thành ra tự động biết ý giữ tự trọng. Không muốn làm phiền gia chủ, anh ta lịch sự từ chối nàng.

"Cô Út không cần khách sáo, với lại tôi có bà con ở đây, định thưa chuyện với cô xong sẽ ghé nhà người bà con chơi ít bữa."

Ông Lữ Hiên là một thương gia gốc Hoa lâu năm, nhưng trái với phong cách thương thảo vòng vo thường thấy của những thương gia này, ông Hiên rất coi trọng thời gian, thành ra ông ta thường đi thẳng vào vấn đề luôn . Uống xong mấy chén trà mát, Lữ Hiên lên tiếng thương lượng :

"Thì ra nhà cô Út cũng có khách là hai cô cậu đây, nên cha con tôi không muốn làm tốn thì giờ cô cậu. Không biết nhà máy xay lúa của nhà có gần đây không? Nói nào ngay, tôi nghe đồn kho lúa, nhà máy lúa của ông Tỉnh trưởng lớn dữ lắm, hôm nay thực sự muốn mở mang tầm mắt là một, rồi để bàn chuyện làm ăn lâu dài là hai. Không biết ý cô Út sao?"

"Dạ thưa, chuyện làm ăn lớn con phải chờ ba má về đặng hỏi ý ba má chứ không dám hứa chắc với chú được. Nhưng chú muốn ngó thử kho lúa với nhà máy xay lúa thì không thành vấn đề. Có điều hơi cách xa nhà một chút, chắc phải đi xích lô đó chú."

Lữ Hiển nhiệt tình đề nghị "Cha con tôi tới đây cũng bằng xe hơi, có điều để xe hơi đậu ở nhà người bà con gần đây rồi. Chi bằng để tôi qua đó lấy xe rồi mình đi?"

Thanh Phương nãy giờ vẫn đứng sau lưng Thiên Nguyên nghe vậy thì lên tiếng đề nghị: "Con có xe đang đậu trước nhà, nếu chú và anh không ngại có thể để con chở, con không phiền đâu. Ý chị Trúc thấy sao?"

Không muốn mất thời gian đôi bên, nàng gật đầu: "Được chứ"





Cha con Lữ Hiên theo Thanh Phương và Thanh Trúc ra xe. Lâm Anh nói cô có thể xuống bếp chuẩn bị mấy món đơn giản để ăn trưa, Thiên Nguyên mặc dầu chưa đụng tới bếp núc bao giờ nhưng không muốn để Lâm Anh làm một mình, cô coi phụ Lâm Anh làm mấy việc lặt vặt.

"Nguyên ơi cho Lâm Anh hỏi cái này nghen" - Vừa cắt khúc mấy tai bạc hà, Lâm Anh vừa tám chuyện với Thiên Nguyên

"Sao đó Lâm Anh?"

Ngập ngừng hồi lâu, Lâm Anh hỏi cô "Chị Trúc vừa đẹp, vừa nết na hiền thục, nói thiệt Lâm Anh nhìn thấy còn thấy thương. Không lẽ mợ Nguyên tính ở vậy cả đời sao?"

Không lấy làm lạ bởi câu hỏi của Lâm Anh, Thiên Nguyên khẽ thở ra, nàng nói "Suốt mấy năm qua mợ Nguyên vẫn ở vậy. Ông bà ngoại Nguyên có ý khuyên mợ đi bước nữa, ngoại sẽ đứng ra lo đám cưới luôn cho mà mợ không chịu. Mợ Nguyên nhìn liễu yếu đào tơ vậy nhưng quyết đoán lắm, ý mợ đã quyết rồi thì không ai thay đổi được mợ đâu."

"Sao Lâm Anh thấy thương chị Trúc quá. Chắc còn nặng tình với cậu Nguyên lắm heng."

Thiên Nguyên thở dài, có lẽ Lâm Anh nói đúng.

"Ừ. Sanh thời cậu Đông thương mợ lắm."

Nếu Thanh Trúc muốn trung trinh cả đời thi Thiên Nguyên tình nguyện cũng sẽ ở vậy cùng nàng tới già. Cô sợ khi không có cô bên cạnh nàng sẽ cô đơn, sẽ tựa cành tơ liễu rũ, ảm đạm buồn bã.

Nhìn Thiên Nguyên có vẻ không vui, Lâm Anh thôi nhắc chuyện Thanh Trúc, cô hỏi sang chuyện bạn bè dưới quê của Thiên Nguyên, không khí nhanh chóng rôm rả trở lại.

Nửa tiếng đồng hồ trôi qua, cơm trưa chỉ đơn giản có cá chiên với canh chua đều từ mấy con cá câu được khi nãy. Cả hai đậy lại lồng bàn, Thiên Nguyên vắt xong mấy trái cam sành, pha thêm nước đường rồi để riêng chờ Thanh Trúc về sẽ bỏ đá đem lên cho nàng uống.

Có tiếng lao xao trước cửa, Thanh Phương và Thanh Trúc đã về tới. Không có hai cha con họ Lữ, có lẽ anh đã chở hai người về thẳng nhà bà con họ. Vừa vô tới nhà, nghe thấy mùi đồ ăn thơm phức, Thanh Phương ôm bụng ngồi ngay ngắn xuống bàn ăn.

"Ăn thôi quý vị ơi, Phương đói bụng quá."

Thiên Nguyên thấy Thanh Trúc về, đưa cho nàng ly nước cam "Mợ uống đi. Đi nắng nãy giờ có mệt không?"

Cả người hơi thấm mệt sau khi nói chuyện với ông Lữ Hiên ở nhà máy lúa, Thanh Trúc uống một hơi gần hết nước cam mát lạnh rồi nhìn Thiên Nguyên:

"Hôm nay giỏi. Làm nước cam ít ngọt hơn mấy bữa."

Nghe nàng khen, Thiên Nguyên thích thú trong dạ lắm, nhưng vẫn trề môi, đạt lấy ly nước trên tay nàng.

"Người ta có lòng làm cho uống mà mợ còn chê. Khỏi cho mợ uống nữa."

"Chê cái gì đâu. Mợ mới khen rõ ràng!"

Hai người Thanh Phương, Lâm Anh nhìn một màn trước mắt, không hiểu rôt cuộc hai người này có phải quan hệ mợ-cháu không nữa. Hắng giọng, Thanh Phương ghẹo Thiên Nguyên:

"Phương đi nắng về nãy giờ cũng mệt mà không có nước cam hả?"

Bới cơm cho từng người, Thanh Trúc lắc đầu cười không trả lời. Thiên Nguyên dẻ khúc cá gắp vô chén Thanh Trúc, dửng dưng đáp lại anh "Có. Mà người đi lấy sẽ không phải là Nguyên, cũng không được sai mợ Nguyên đi."

Hiểu ra ý tứ Thiên Nguyên, Lâm Anh hơi đỏ mặt, cô đứng lên đi xuống bếp, cố gắng chữa thẹn "Rồi rồi, Lâm Anh lấy nguyên ca lên luôn, ai muốn uống thì rót ra uống."

Cuối bữa cơm, bốn người ngồi thưởng thức trái cây tráng miệng, chợt nhớ ra chuyện hỏi mần ăn của Lữ Hiên, Thiên Nguyên hỏi Thanh Trúc thì nàng nói hẹn họ dịp khác khi ông bà Tỉnh trưởng có ở nhà, chứ mình ên nàng không dám quyết.

"Nhưng mà ngộ quá đa, ông Hiên này dân Chợ Lớn, tại sao muốn hợp tác mua lúa gạo của ông ngoại?"

"Ngoại Nguyên vẫn còn giữ chức Tỉnh trưởng đúng không?" - Đọc lướt qua tờ báo ở bàn khách, Thanh Phương hỏi Thiên Nguyên

"Đúng. Sao tự nhiên Phương hỏi vậy?"

"Nhà Nguyên có ai làm tướng lãnh không? Hay có người làm trong nội các chính phủ không?"

Nhìn bộ dạng hỏi lần lần của Thanh Phương, Thiên Nguyên hơi mất kiên nhẫn. Cô đặt xuống miếng thanh long Thanh Trúc vừa gọt, bước lại bàn khách nhìn xuống tờ báo anh đang đọc.

"Tổng thống muốn hạn chế giao thương của người Hoa? Ông Hiên cũng là người Hoa, nhưng mà có liên quan gì?"

"Ngô Tổng thống vốn e dè người Hoa, mấy năm gần đây giao thương người Hoa nắm gần hết, phát triển mạnh lắm. Bữa hổm Phương có nghe ba nói mấy ông chủ người Hoa đang lo sốt vó, sợ lưỡng viện thông qua chính sách của Tổng thống thì mấy ổng sẽ bị kìm kẹp, nên nhiều ông đang kiếm cách duy trì thương nghiệp của mình."

"Vậy thì có dính líu gì tới ông ngoại Nguyên? Cũng đúng là dượng Tư nhà Nguyên đang làm dân biểu Sài Gòn, thì ông liên quan gì tới chuyện làm ăn của ông Hiên?"

Nhìn mi tâm càng lúc càng nhíu lại của Thiên Nguyên, Thanh Phương không khỏi bật cười. Anh rót cho cô một chén trà, vỗ vỗ vai Thiên Nguyên:

"Bình tĩnh. Nguyên có biết tại sao ông Hiên không chọn một mối bỏ sỉ gạo khác mà lại lặn lội tới đây kiếm ngoại Nguyên không? Thứ nhứt, Đại Hàn và Trung Hoa Dân Quốc(*) là đồng minh của mình, đang bắt đầu nhập khẩu lúa gạo từ bên mình. Người Hoa vốn chưa làm ăn nhiều trong lãnh vực này. Đầu tư sớm vô mảng này là  đã đi trước một bước rồi. Thứ nhì, liên doanh làm ăn với một người có chức vị lâu năm trong chánh phủ sẽ giúp ổng tạo một tấm lá chắn. Vuốt mặt phải nể mũi, nếu cấp dưới Ngô Tổng thống bắt đầu kìm hãm thương nghiệp người Hoa thì cũng không dám động vô chuyện làm ăn của ông tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Long - một trong những địa phương cốt cán của nông nghiệp quốc gia."

(*) Đài Loan hiện nay

Dừng lại nhấp một ngụm trà, Thanh Phương tiếp tục:

"Hơn nữa, dượng Nguyên còn là dân biểu, sớm muộn cũng thành nghị sĩ. Quan lộ rộng mở, nếu thông qua mối làm ăn lâu dài với ngoại Nguyên mà kết giao hảo với dượng Tư thì có 10 cái lệnh của Tổng thống cũng không ảnh hưởng gì tới thương nghiệp của ông ta."

Nghe Thanh Phương phân tích xong một tràn, không chỉ Thiên Nguyên mà cả Thanh Trúc lẫn Lâm Anh đều gật đầu thán phục. Quả là con nhà tông, tư duy thương mại của Thanh Phương thực sự vượt xa khỏi trình độ của một cậu học sinh 18 tuổi.

"Cũng may mà chị chưa đồng ý với ông ta liền. Chị tưởng chỉ là thuận mua vừa bán đơn giản thôi, không ngờ có quá nhiều điều thâm sâu ở phía sau." - Thanh Trúc cắn môi, bao năm làm con dâu nhà Tỉnh trưởng, không phải bươn chải thương trường khiến nàng cảm thấy mình không theo kịp thời đại.

"Cũng không trách được" - Thanh Phương bước lại, cầm lên chiếc quạt của Thiên Nguyên mở ra quạt mấy cái - "Người phải vì mình cũng là lẽ thường tình. Nếu ông Lữ Hiên trả được giá cả hợp lí thì làm ăn với ổng cũng không sao. Nhà mình cũng đâu mất gì."

Vòng hai tay trước ngực, Thiên Nguyên lắc đầu không đồng ý với Thanh Phương.

"Không đâu. Ngoại Nguyên sẽ không đi ngược lại điều Ngô Tổng thống muốn đâu. Với lại, nếu dự luật kinh tế Chợ Lớn được thông qua mà người ta biết được nhà Nguyên mần ăn với thương gia người Hoa, rồi đơm đặt thêu dệt chuyện ảnh hưởng tới cả ngoại với dượng Tư Nguyên luôn đó. Phương biết mấy ông nghị sĩ chơi sát ván với nhau mà, không nể ai đâu."

"Có lý há. Thôi tốt nhất là để ông ngoại Nguyên về rồi quyết định."

Sau hơn nửa ngày đi ngoài nắng, bốn người cũng thấm mệt, quyết định sẽ ngủ trưa một giấc rồi mới tính tiếp chuyện cho cử chiều.





Thanh Trúc đã đi tắm rửa cho mát mẻ sau khi từ nhà máy xay lúa về, Thiên Nguyên thì đã tắm sau khi phụ Lâm Anh nấu ăn xong, cô ngả lưng xuống giường Thanh Trúc, nằm suy nghĩ vu vơ.

Bước vô buồng, nhìn Thiên Nguyên đang nằm ngây ngốc nhìn lên trần nhà, nàng bước tới ngồi xuống, dịu dàng nhìn cô.

"Sao không ngủ trưa đi mà nằm nghĩ ngợi cái gì đó?"

"Không có gì.Con còn hơi no, chưa ngủ liền được."

Tháo xuống kẹp tóc, Thanh Trúc nằm xuống kế bên Thiên Nguyên. Nàng tính hỏi cô về chuyện của Thanh Phương lúc nãy, nghĩ rồi lại thôi, Thanh Trúc quơ tay lên đầu nằm của Thiên Nguyên kiếm chiếc quạt quen thuộc của cô nhưng không thấy. Nàng thắc mắc hỏi cô:

"Cái quạt đâu rồi?"

"Con để ngoài nhà rồi."

"Nóng nực mà làm biếng ra nhà lấy quá. Thôi để mợ đi thay cái áo mỏng hơn cho đỡ nóng."

Nàng xuống giường, bước tới tủ đồ lấy ra một chiếc áo cộc tay mỏng màu trắng. Thường thường nếu sau lưng là Út Thảo con chị Năm, Thanh Trúc sẽ không ngại mà xoay lưng lại rồi thay áo, nhưng chợt nhớ ra người đang nằm trên giường là Thiên Nguyên. Nàng bỗng dừng lại, hơi đỏ mặt nói với cô:

"Nhắm mắt lại cho mợ thay áo."

Tình cảnh vốn dĩ rất bình thường, nhưng câu nói của Thanh Trúc làm trong dạ Thiên Nguyên có hơi cảm thấy không bình thường. Nhưng cô cũng ngoan ngoãn làm theo lời nàng.

"Nhắm mắt chưa?"

"Nhắm rồi. Con gái với nhau hết mà mợ ngại cái gì không biết nữa."

Không để ý tới Thiên Nguyên, Thanh Trúc cởi ra áo ngoài. Bị biết trước chỉ đi ngủ trưa nên nàng không mặc áo ngực như thường  ngày mà chỉ mặc một chiếc áo lá bên trong. Đang là giữa trưa, ánh sáng từ trên mái ngói chiếu xuyên xuống, vừa vặn ngay chỗ Thanh Trúc đứng khiến cho cơ thể nàng lấp lánh tựa ngọc châu.

Đang độ tuổi mười tám trăng tròn, trí tò mò sinh học là phát triển tâm sinh lý bình thường của con người, Thiên Nguyên nhịn không được hé mắt nhìn. Trước mắt nàng là bồng lai tiên cảnh, người con gái bóng dáng mảnh khảnh, mái tóc dài xõa chấm ngang bờ eo thon, còn có da thịt nàng sáng lấp lánh. Lần đầu tiên trong đời Thiên Nguyên dâng lên cảm xúc kì lạ trong dạ, cô nuốt xuống trong vô thức. Thấy Thanh Trúc mặc xong áo, cô lật đật nhắm chặt mắt lại, gương mặt vẫn còn nóng ran.

Thanh Trúc thay đồ xong xuôi, trở lại giường khều vai Thiên Nguyên "Mợ xong rồi."

Nàng đặt lưng xuống giường, ngó thấy Thiên Nguyên có vẻ không tự nhiên, Thanh Trúc tò mò nghiêng mặt hỏi cô "Sao vậy?"

Thường ngày Thanh Trúc ăn mặc kín đáo, hôm nay Thiên Nguyên mới có dịp ngắm nàng thiệt kĩ. Người ta hay nói xứ Cần Thơ không chỉ có gạo trắng nước trong mà còn là nơi sản sinh ra nhiều giai nhân. Hôm nay Thiên Nguyên mới có dịp thấm thía câu nói của người xưa. Người con gái nằm bên cạnh cô là một giai nhân sắc nước hương trời. Mái tóc dài đen mượt rũ xuống vai, làn da trắng tựa bạch ngọc, môi son e ấp như đóa hoa chưa nở. Bởi vì cổ áo vuông nên gò xương quai xanh hơi nhô lên, lộ ra nốt ruồi nho nhỏ dưới xương đòn phải, xa xa phía dưới còn có đồi núi trập trùng, nhìn tới đây Thiên Nguyên đỏ mặt quay đi chỗ khác, ngắt quãng trả lời Thanh Trúc:

"Không có gì..."

Thấy gương mặt đang đỏ dần lên của Thiên Nguyên, như hiểu ra điều gì, Thanh Trúc vừa nghi ngờ vừa có ý ghẹo, hỏi Thiên Nguyên:

"Đừng nói nhìn trộm người ta thay đồ nghen."

Người trong lòng nằm kề bên, lại còn mới thấy những điều không nên thấy, phản xạ của Thiên Nguyên trở nên vô thức. Trời xui đất khiến làm sao khiến cô trả lời nàng "Ai biểu mợ đẹp."

Nói như vậy có khác chi tự thú với nàng. Thiên Nguyên lúc này mới khôi phục thần trí, nhìn qua thấy đôi mắt đẹp đang mở to nhìn mình, không cãi được, cũng không biết giải thích ra sao, cô đành xoay người qua hướng khác, bàn tay bấu chặt lấy áo gối.

Không chỉ có một mình Thiên Nguyên xúc cảm lẫn lộn, Thanh Trúc nghe câu trả lời của cô xong cũng nổ đom đóm trong đầu.Tính ghẹo cô chơi, không ngờ Thiên Nguyên thật thà như vậy. Không hiểu sao nàng không có tức giận, mà ngược lại nàng xấu hổ lung lắm. Có cảm giác như con gái nhà lành bị người ta khi dễ, Thanh Trúc thẹn thùng không biết nói gì, nàng cũng lẳng lặng xoay người vô trong tường, khép lại đôi mắt đẹp nghỉ ngơi. Cả hai cứ như vậy mà chìm vào mộng đẹp, hi vọng giấc ngủ trưa sẽ làm quên đi sự bối rối ngượng ngùng này.




Trong gian nhà khách của một căn nhà cách đó không xa, Lữ Hiên châm một điếu cigar, chầm chậm nhả ra làn khói trắng. Lữ Hiển nhìn cha mình:

"Con tưởng Thanh Trúc là chủ nhà máy xay gạo ở làng này. Mình đưa ra cái giá cao hơn mấy tiểu thương nhỏ lẻ ở đây mà sao cổ còn phải chờ hỏi ý ông Tỉnh trưởng? Cô ta đang từ chối  khéo mình đó sao?"

"A Hiên, cha dạy con bao nhiêu lần rồi. Dục tốc bất đạt. Mục đích chính của mình không chỉ nằm ở mấy bao gạo đâu. Ông Diệm muốn kìm bớt người Hoa, nhưng chưa chắc nội các chánh phủ và liên minh đối lập sẽ tán thành ý kiến này của ông ta."

Lữ Hiển nghiêng người về phía cha, mịt mờ hỏi ông: "Ý cha là...?"

"Liên minh Thiệu-Kỳ đang chiếm đa số ủng hộ ở lưỡng viện, mà con rể ông Tỉnh trưởng Long , hay còn được biết tới là một trong những dân biểu nổi tiếng nhứt của phe Thiệu-Kỳ đang tranh cử vào Hạ viện. Nếu Thiệu-Kỳ không lật nổi ông Diệm, thì chánh quyền ông ta có đánh kinh tế người Hoa cũng không thể động tới mối làm ăn của ông Tỉnh trưởng - một nội các dưới trướng ông ta."

"Còn nếu liên minh Thiệu-Kỳ đắc cử?"

Tắt điếu thuốc,  Lữ Hiên đứng lên phủi ngực áo, ông ngó xuống con trai, cười đầy ẩn ý:

"Thì ngoài có mối xuất khẩu gạo ra nước đồng minh, mình sẽ bắt đầu đài thọ cho con rể ông Tỉnh trưởng. Con đoán thử coi, nhà đài thọ chính của một nghị sĩ cốt cán của chánh phủ thì mình được lợi gì?"

Ông vỗ vai Lữ Hiển, chiếc bóng phản chiếu dưới nền gạch hoa tựa con mãng xà già dằn dặn kinh nghiệm, đang rình chờ thời cơ tới, mượn bóng chúa sơn lâm thâu tóm một mảng khu rừng.

"Cô dâu út khó thương thảo hơn cha nghĩ. Nhưng rồi cha sẽ có cách. Đi nghỉ ngơi đi."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro