"Chàng dâu"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Truyện xưa kể rằng

Ở trấn Đông Hải nọ, một trong tứ trấn Thăng Long, có nhà phú ông giàu nứt đố đổ vách lại mang tiếng thơm lừng lẫy bốn phương.

Thế nhưng, chỉ sau một đêm, tiếng thơm lừng lẫy bỗng hoá tiếng nhơ khắp trấn. Đời thuở nào ở tứ trấn Thăng Long này lại có cái chuyện trai cưới trai bao giờ. Ấy vậy mà phú ông Mã Đại Cường lại thuận ý rước con trai nhà bá hộ làng bên về cho cậu con út nhà ông.

Nhà ông Mã có ba cậu con trai, cậu cả tên Mã Quần Kha, là người thông minh xuất chúng, tài cao đức trọng, lại mang vẻ ngoài hết sức cương trực, thẳng thắn. Cũng là đứa con mà phú ông hết lòng tin tưởng. Cậu hai Mã Quần Khiêm lại là một thư sinh ôn hoà như nước, chữ nghĩa đầy người, vẻ ngoài ấm áp như ánh mặt trời, mang cảm giác tươi sáng, nhẹ nhàng khó tả mỗi lần đối diện. Còn về cậu ba, cũng là cậu con út nhà ông, tên Mã Quần Diệu, không như hai cậu trước, cậu ba sở hữu khuôn mặt sáng lạng, gần gũi lúc cười, nhưng khi không cười thì vẻ ngoài nghiêm túc, thâm trầm đến sợ, điều đặc biệt ở cậu là cậu mang trên người phong thái của kẻ đào hoa, khiến bao nàng từ làng trên xóm dưới đến Xứ Sơn Nam, xứ Kinh Bắc có ai mà không đổ cậu, mà có chưa đổ thì cũng đã nghe danh cậu hồi lâu. Thế nhưng nào có phải các cô đổ cậu không, cậu cũng nổi tiếng trêu hoa ghẹo nguyệt, ăn chơi trác táng nổi danh một vùng, lại còn đánh người không nương tay, tiếng hư của cậu đồn xa hơn cả tiếng thơm của gia tộc. Nay lại thêm việc lấy trai về làm 'dâu' làm 'vợ'.

Chẳng phải trước nay thường nói lấy độc trị độc sao.

Liệu tiếng xấu lại chồng thêm việc xấu thì thành hoạ hay có may hoạ lại hoá thành hoa.

Tưởng chừng lúc nghe cái tin buộc lấy trai về làm 'vợ' thì cậu ba Diệu nhà này phải quậy tưng bừng khói lửa một chập, ai mà có ngờ ngoài cái biểu cảm không rõ là buồn hay là giận ra thì cậu lại ngoan ngoãn đồng ý, đến là lạ.

Rồi tháng sau đó, dân làng Chu Đậu cũng được nghe tiếng trống rùm vang, hùa nhau nô nức đi xem cảnh nhà phú ông tấp nập người ra kẻ vào chuẩn bị rước 'chàng dâu' mới về nhà. Phần vì đợi để được xơi cỗ nhà ông lớn, phần lại tò mò cái của lạ nhà họ Mã, người ta chỉ nghe tin biết rằng con trai nhà bá hộ làng bên được gả đến đây chứ nào ai đã thấy được mặt mũi, vóc dáng ra sao, ngay cả người bên đó có hỏi cũng lắc đầu bảo chưa được diện kiến cậu con nhà ông bá hộ bao giờ.

Trước khi rước 'chàng dâu' đến, phú ông đánh tiếng về hôn ước mà đời trước đã định cho đời cháu này, phận làm con ông nào dám trái lời, không thực hiện lời ông cụ đã khuất há chẳng phải là bất hiếu, đằng này có khi ông cụ đang ở trên cao nhìn xuống, liệu ông có yên lòng mà siêu thoát. Khổ nỗi nhà ông lại chỉ có ba thằng quý tử, không có thêm mống gái nào vì chỉ có mỗi bà cả, ông nào có lòng cưới thêm vợ hai vợ ba. Thằng con cả thì đã vợ con đuề huề, nối dõi dòng tộc, thằng hai cũng đã kết duyên hẹn ước với mối tình thanh mai trúc mã, xứng đôi vừa lứa, chỉ còn mỗi thằng con út lông bông, suốt ngày ăn chơi đàn đúm, thế nên chỉ đành trao duyên này cho nó.

Lại đến nhà ông bá hộ, nghe đâu nhà ông có hai mụn con tất thảy, bà cả không biết vướng phải nghiệp gì mà chỉ đẻ được mỗi đứa con gái, xui rủi sao đứa bé lại ốm đau suốt ngày, gần đây lại khờ khờ dại dại như bị vong nhập, chữa chạy bao nhiêu cũng không khỏi, nghe đâu bệnh nặng chỉ còn được năm nữa là không qua khỏi. Bà hai nhà ông thì đẻ được cậu con trai, nhưng thân làm lẽ, lại phận tôi tớ thấp hèn mà chèo lên giường chủ, không được coi trọng, yêu quý, bị người đời nhiếc mắng nên suốt ngày ru rú dấu mặt trong nhà từ đó người ta cũng chẳng có cơ hội mà trông thấy được mặt cậu con trai như thế nào. Phận làm cha mẹ ai lại muốn gả đứa con gái ốm đau bệnh hoạn, ương dở đến vậy vào nhà người ta làm dâu, chẳng phải là làm xấu mặt gia trang, chưa kể đến mặt mũi ông bà xui gia.

Nhà phú ông thì lại làm ăn to, nghe đứa con gái dở dở ương ương như bị vong ốp ấy, bệnh tật liên miên, rước về phải chăng rước quạ về nhà. Chuyện thế này đâu thể quyết định bừa bãi, mà lời hứa của ông cụ nhà ông với nhà kia cũng phải thực hiện, đương lâm vào thế khó lại không biết giải quyết ra sao, đành nghe lời khuyên của cậu con cả mà mời ông thầy nổi danh tận bên xứ Đoài về xem xét xử lí tình hình nào ngờ đâu ông ta lại phán một câu xanh rờn là không rước được gái thì vẫn còn trai, ý trời đã thế thì ông cũng đành nuông theo, biết làm thế nào bây giờ. Chỉ lo bên ông bá hộ sẽ không đồng ý cái chuyện chấn kinh này, nào ngờ ông ta lại gật đầu tắp lự, thế là có chuyện để dân làng bàn tán bấy lâu.

Nghe xong đầu đuôi, mọi người lại được dịp nháo nhào, kẻ cho rằng lố bịch, người lại thấy cảm thương đồng tình, nhưng phần lớn đều đồng ý với cách làm của ông, dù gì cái làng nghề gốm này cũng dựa vào một tay nhà phú ông mà nên, không thiếu công ăn việc làm lại ấm no hơn nhiều làng khác trong trấn, rước đứa con gái nhà bá hộ về biết đâu làm ảnh hưởng đến thịnh vượng làm ăn của làng rồi lỡ xảy chuyện thì cuộc sống của làng này biết về đâu? Mà phận làm con thì phú ông tất nhiên phải vâng lời bề trên mới phải đạo, trời cũng đã giáng ý còn gì mà tranh mà cãi, không làm vậy thì còn làm gì được nữa.

Con người ai cũng thế thôi, đứng ngoài thì ai thích nói gì chả được, nhưng phàm đụng đến lợi ích của bản thân thì cũng phải nhắm mắt, quay đầu mà chấp nhận.

Ngóng chuyện một thôi một hồi thì tiếng trống tiếng kèn cũng báo hiệu 'chàng dâu' mới đã đến cổng nhà, cứ tưởng phải đứa con trai nào cũng đen đen to lớn, vạm vỡ như mấy đứa ở làng, sao hoá đâu ra lại có một dáng người thanh thoát uyển chuyển, nhẹ nhàng tựa lông vũ, eo thon, mông nở, bước đi lại nhỏ nhẹ còn hơn mấy mụ con gái trong thôn trong xóm, da trắng ngần như trứng gà bóc lấp ló sau bộ phục trang cưới đỏ thẳm càng làm người ta loá mắt.

Có phải phú ông bày chuyện lừa người không? Chứ đâu ra lại có người con trai đẹp đến nhường này, đến các gái trong thôn cũng phải trố mắt ghen tị.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro